Một màn.
Khung cảnh: Tại phi trường.
Nhân vật: 4 hành khách: Hoa Lan, Nhật Hưng, Phương Quỳnh, Thanh Lịch.
Nhật Hưng:Hoa Lan này, còn hơn tiếng nữa mới đến chuyến bay của bọn mình, mình tìm chỗ nào ngồi nghỉ chút đi.
Hoa Lan ( gật đầu): Nhật Hưng, Nhật Hưng giữ kỹ địa chỉ chùa Viên Đức đấy nhé. Sư phụ Hoa Lan- Phương Trượng chùa Viên Giác- chọn địa điểm này tổ chức về nguồn nghĩ khôn thật.Chỗ này vắng vẻ, khỉ ho cò gáy, những người muốn biểu tình chống đối cũng khó khăn tìm đến. Mà có múa máy đánh phá cũng chỉ mấy vườn bắp, vườn nho chứng kiến thôi.
Nhật Hưng ( thở ra):Nghĩ cũng lạ thật. Đến người tu, từ bỏ mọi thứ mà sống cũng không được yên nhỉ?!
Hoa Lan ( triết lý): Đến đức Phật thời hiện tiền cũng còn bị chống đối nữa là. Chuyện bình thường thôi. Là con Phật, học và hiểu đạo thì ta nên điềm nhiên, sáu trần không vướng mắc, không bị lụy phiền trước cảnh đảo điên. Đường ta, ta cứ đi.
( giữa khi đó, một hành khách kéo va ly đi ngang)
Nhật Hưng ( reo): A, chào chị Phương Qùynh. Chị đi đâu vậy? Chị cũng tham dự ngày “Về Nguồn” như tụi em hả?
Phương Qùynh: Về nguồn nào? Không, chị về Việt Nam.
Hoa Lan: Chị về lần đầu tiên?
Phương Quỳnh: Không. Chị về nhiều lần rồi. Lần này là lần thứ mười đó.
Nhật Hưng: Chà, quê hương có gì hấp dẫn mà chị luôn về vậy?
Phương Quỳnh ( cười ỏn ẻn): Quê hương có chùm khế ngọt em à. Chị mê ăn khế ngọt. Nhân tiện về thăm gia đình, thăm má chị luôn thể.Thôi, chuyến bay sắp đến rồi, chị chào hai em nghen.
Hoa Lan, Nhật Hưng: Chúc chị thượng lộ bình an.
( Hoa Lan, Nhật Hưng nhìn theo, nói với nhau): Bỏ mấy ngàn chỉ để ăn vài trái khế ngọt.
( Vừa lúc đó một hành khách khác kéo va ly đi ngang)
Hoa Lan( reo):Chào chị Thanh Lịch. Chị đi đâu vậy? đi ..về nguồn với tuị này hay về Việt Nam thế?
Thanh Lịch: Tui đi về Việt Nam. Còn hai chị đi đâu?
Nhật Hưng: Về Nguồn!
Thanh Lịch:Thì tui cũng về nguồn đây.Tui về làm ăn, luôn thể tham dự ngàn năm thăng long. Bọn mình bây giờ được đảng, nhà nước cưng muốn chết,“Khúc ruột ngàn dặm” mà lị! Thôi chào hai chị nghen.Tui đi kẻo trễ chuyến bay.
( Hoa Lan, Nhật Hưng nhìn vói theo)
Nhật Hưng: khúc ruột ngàn dặm mà không biết ruột… thịt hay ruột …thừa đây.Khúc ruột này về ăn khế ngọt lọt phải hạt vào thì phải biết.
Hoa Lan (đưa mắt về hai người vừa đi): Đây mới thực là …về nguồn, mà chả ai chụp mũ cả. Còn sư phụ của Hoa Lan, Hòa Thượng Phương Trượng chùa Viên giác, chưa về Việt Nam bao giờ, đêm ngày nhớ quê hương, lúc nào cũng ca bài “Bao giờ ta về thăm xứ Quảng”, vậy mà cứ bị chụp mũ hoài.
Nhật Hưng: Cũng bởi nhập nhằng hai chữ “về nguồn” mà bị thiên hạ hiểu lầm đánh phá. Về nguồn của thầy mình đâu như hai người kia.
Hoa Lan: Nhật Hưng giải thích dùm coi.
Nhật Hưng: Về nguồn có nghĩa là “Qui nguyên”. Ở đây ám chỉ về với tổ tông, lịch đại tổ sư, về với giáo pháp của Đức Phật. Chứ không phải “về nguồn “ là về Việt Nam. Mà cho dù có về Việt Nam chưa hẳn là Việt Cộng, sao thiên hạ cứ rỗi hơi chụp mũ lung tung. Hôm nay Nhật Hưng tham dự “về nguồn” nè, ai chụp cho cái nón cối là Nhật Hưng đội luôn. Nón cối chả giống ai, không đụng hàng, rất model, là hàng độc, kiếm đâu ra nữa.
Hoa Lan: Còn Hoa Lan sẽ tìm cho được đôi dép râu mang vào cho đủ bộ.
Nhật Hưng: Hoa Lan biết không. Ba trong bảy pháp bất thối quan trọng mà Đức Phật đưa ra để truyền thừa cho hậu thế, trong đó, pháp thứ nhất nêu rằng, các đệ tử của Phật phải thường xuyên tụ họp giảng luận chánh pháp cho nhau nghe. Rồi cùng nhau hội thảo trong hòa hiệp, vui vẻ.Và khi giải tán cũng trong tinh thần hòa hiệp.
Hoa Lan: Chứ không như nhóm bọn mình. Lúc mới đến thì ai nấy hăng hái.Khi giải tán thì hục hặc.
Nhật Hưng: Bởi vậy mà mình cần phải tu học. Đến chùa để ít ra nhớ lời dạy bảo của Phật, để tha thứ cho nhau, rồi sau đó lại hăng hái tụ tập rồi lại …hục hặc, rồi lại ..hăng hái…Ôi, chuyện thế gian mà. Chính vì vậy mà cần …về nguồn để nhớ lời Phật dạy.
Hoa Lan: Còn pháp thứ hai, thứ ba ra sao nữa, Nhật Hưng kể tiếp coi.
Nhật Hưng : Pháp thứ hai nêu ra tụ họp trong tinh thần thanh tịnh đoàn kết. Ai nấy tự trắc nghiệm tinh thần vô ngã của mình. Đừng đặt mình cao quá, coi cái tôi của mình là nhất, không chịu ai hơn mình. Rồi xì xào nói lời chia rẽ.Có như vậy thì mới có đoàn kết.
Hoa Lan: Còn pháp thứ ba?
Nhật Hưng: Pháp này quan trọng nhất đây.An trú trong chánh niệm.Tụ tập với tinh thần an lạc, hòa thuận vui vẻ, để những người khác, nơi khác nghe thấy mới qui về với mình, tổ chức mình càng lúc càng phát triển.
Hoa Lan này, nói chẳng đâu xa, như các khóa tu học Âu Châu đấy.Hằng năm tụ tập, an lạc vui vẻ, tiếng đồn lan xa nên 25 năm rồi vẫn duy trì và phát triển. Lúc đến cũng như lúc đi đều hoan hỉ an lạc, còn hứa hẹn gặp lại.
Hoa Lan: Như vậy “ Về nguồn “ của quí thầy mình là “ qui nguyên” về với cái gốc mà bao đời lịch đại tổ sư truyền thừa cho đến bây giờ, nhắc nhỡ người con Phật phải biết sống trong giáo pháp của Đức Phật.
Nhật Hưng: Đúng vậy. Chứ hiểu sai chữ “ Về nguồn” rồi chụp mũ này nọ, thấy tội cho quí thầy mình quá.
Rồi trong về nguồn là lễ hiệp kỵ. Kỵ là ngày giỗ. Ngày giỗ là ngày tưởng nhớ công đức của tổ tông, noi theo những lời giáo huấn của tổ tông. Đơn giản vậy thôi.Do đâu mà có chữ “ hiệp” trong đó.Hiệp là tụ lại cùng làm một cái giỗ lớn, thay vì từng các chùa làm riêng lẻ, thì nay cùng hiệp lại tổ chức với nhau. Hiểu như vậy nên Nhật Hưng mới rủ Hoa Lan …về nguồn.
Thôi, đã tới giờ bay rồi, mình lo đi, kẻo trễ.
Hoa Lan (đứng dậy): Về nguồn kiểu của mình thì đi hướng này.
( cả hai lót tót kéo va ly đi, ngược với chuyến bay về Việt Nam)
Kéo màn.
Trần thị Nhật Hưng.
2010