Thuở còn bé, thỉnh thoảng tôi vẫn nghe… ké người lớn nói chuyện với nhau: “Năm tuổi của tôi”. Tôi không rõ năm tuổi là năm gì, ý nghĩa ra sao, nhưng qua câu nói và thái độ khi nói, tôi vẫn cảm nhận được nỗi lo lắng sợ hãi của các bậc trưởng thượng. Sợ gì nhỉ? Tai nạn? Đau ốm? Mất mát hay chết? Nhưng rồi sau đó có ai chết đâu và có xảy ra chuyện gì đâu. Còn xui xẻo trong năm, nếu có, thì tuổi nào mà tránh được, chả cứ năm tuổi. Thế nhưng, các bác vẫn sợ và e dè để rồi năm đó “án binh bất động” không cựa quậy gì ráo.
Bây giờ đến phiên tôi, sau 60 năm Nhâm Thìn trở lại, tuổi của tôi, tôi chờ coi “năm tuổi của tôi” thế nào. Nhưng tôi không sợ hay lo lắng. Tôi vốn không tin dị đoan, do đó, vẫn… cựa quậy và năng động. Trong mười hai con giáp, “Thìn” là rồng, mà bản chất của rồng thì phải bay chứ. Nếu rồng không bay, nằm ụ một đống dưới đất thì thành rắn rồi còn gì.
Nói đến rồng, từ thuở hồng hoang khai thiên lập địa khi con người còn “ăn lông ở lỗ” đến giờ, chả ai thấy được; thế mà người đời vẫn tưởng tượng phác họa mô-típ một con rồng thật đẹp, màu vàng tươi óng ánh, thân rồng uốn hình sin với 12 khúc, có vân, có vảy, có chân, có bờm sư tử, có râu cằm… và còn bay trên mây nữa.
Trong văn hóa phương Đông lẫn phương Tây, rồng còn biểu trưng cho loài linh vật huyền thoại có sức mạnh phi thường, vua của các loài thú, biểu tượng sự hùng dũng cho phái nam. Ở mỗi châu lại có tính cách của rồng khác nhau, tư tưởng đó khiến con người mặc sức bay bổng. Dù hư cấu hay không, bản chất thần kỳ của rồng chắc chắn tiềm ẩn trong những ai sinh năm Thìn.
Bên cạnh phác họa hình tướng, người đời còn đặt tên, một cái tên thật hay cho rồng là Long, thường đứng từng cặp đối đầu nhau hay châu đầu với Phượng (phượng hoàng), nữ hoàng của loài chim, biểu tượng cho phái nữ, để diễn tả sự tốt đẹp cao cả may mắn nhất trên thế gian này.
Người ta còn thấy… anh Long xuất hiện nơi chùa chiền và đặc biệt nhất trong cung đình của vua chúa. Lúc ấy trông anh Long vừa hiền lành, nhu mì vừa hùng dũng oai nghi ra phết.
Trong cung đình, anh Long còn được trang trọng đặt ở vị trí cao chót vót ngang với Thiên tử. Người ta dùng tên anh ghép với tất cả những vật dụng, sự việc liên quan đến vua. Như giường ngủ của vua thì gọi là Long sàn, khuôn mặt vua thì gọi Long nhan, áo mặc là Long bào, áo lễ gọi là Long cổn, bàn viết là Long án, thuyền rồng của vua là Long châu, xe vua với đoàn tùy tùng là Long giá, mạch đất tốt để tán thi hài con cháu được làm vua gọi là Long huyệt, ân sủng vua ban gọi là Long ân, thân vua là Long thể, mắt vua là… là…Long nhãn, râu vua là…là… Long tu (… hè… hè… tôi đặt thêm cho đấy, cũng hợp lý chứ dù có trùng với vài loại thực phẩm, không biết có được phép không?! Ai cấm?!) và còn nhiều nữa…v.v… và…v.v…
Ngoài ra, rồng không chỉ được người đời phác họa ở trên mây mà còn vùng vẫy nơi biển cả nữa. Nói chung, toàn những nơi bao la rộng lớn mênh mông huyền bí để anh Long tha hồ tung hoành.
Hân hạnh được mang tuổi Thìn, con rồng, một con vật cao quí như vậy, khiến thâm tâm tôi không khỏi ít nhiều có một chút… chảnh, nghếch mặt tự hào mang số mạng của… long, chót vót trên trời cao hay sâu thăm thẳm nơi biển cả. Ở đó, suốt ngày chỉ phè phỡn múa may, nhởn nhơ với gió, lượn lờ cùng mây; vui đùa cùng… cá; lúc phun nước như cam lồ tưới mát nhân gian; khi phun lửa cho người trần nấu nướng. Ồ, ngon lành quá xá! Và cứ thế, cái mặt tôi cứ hếch lên để rồi cuộc đời có lúc lơ lửng trên từng mây chả biết… bay về đâu, hoặc có khi rơi tỏm xuống biển... ngáp ngáp xém làm mồi cho cá mập. Hết… chảnh!
Khi con rồng bay lên mây, ta thường có danh từ hoa mỹ gọi là thăng long. Lúc là đà dưới thấp gọi là hạ long. Dù thấp hay cao nhiệm vụ của rồng vẫn cao cả, bản chất rồng luôn quật cường được dân Việt tự hào ví mình là giống rồng, cho nên, dù ở mọi hoàn cảnh nào, người dân Việt vẫn bất khuất, ý chí tự cường không để cho bất cứ dân tộc nào đè đầu dận cổ. Và lúc nào cũng tìm cách vùng vẫy tung bay, ngoi lên, tiến tới như… rồng vậy.
Trong lịch sử Việt Nam, dù huyền thoại, người dân Việt vẫn ít nhiều hãnh diện về huyền thoại đó. Từ vịnh Hạ Long, rồng đã âm thầm hun đúc khí thiêng nuôi ý chí quật cường theo dân tộc Việt vào Nam. Ngang qua Thanh Hóa để ngày nay có cửa Hàm Rồng, tới Quảng Ngãi có Long Đầu Hý Thủy, và tiến đến tận miền Nam có Cửu Long giang.
Dù là rồng vẫn có lúc thăng lúc giáng: Thăng long và hạ long. Huống hồ con người, đương nhiên cũng có lúc lên lúc xuống. Chỉ khác là có kẻ hạ, bị hạ thì chết luôn; có người… đáp xuống, hay bị đời… đạp lăn quay thì biết nhẫn nhục vun bồi thể lực, tâm trí đợi thời vùng dậy để có lúc thăng lên.
Người đời thường quên rằng, ăn trên ngồi trước thiên hạ là đã có… tội với thiên hạ. Mọi người sẽ thắc mắc, tội gì nhỉ? Xin thưa, tội làm…ngứa mắt thiên hạ đó. Cái tội… kích thích lòng ghen tị vốn luôn có ở lòng người. Huống hồ đã ngồi trên cao mà còn… chảnh, làm tàng, làm phách, chẳng những thế còn đè đầu dận cổ hiếp đáp người dưới mình nữa. Điều đó chỉ khơi thêm lòng thù hận của người đời để rồi một ngày mà đạo Phật gọi là vô thường đó, họ lôi cổ người họ ghét xuống cho bỏ tức, nên… thăng, rồi… giáng, hay bị hạ là vì vậy. Thế nhưng người đời, khi ngồi trên cao say chiến thắng say danh vọng… ít khi nghĩ sẽ có ngày rớt cái bịch, nên cao ngạo, phách lối dễ ghét mà quên đi lời Đức Phật luôn nhắc nhở làm việc chớ mong chóng thành, vì chóng thành sẽ sinh cao ngạo, mà cao ngạo là một trong những độc tố của Tham, Sân, Si, “MẠN”, Nghi sẽ quay lại hại mình. Ối chà chà, lời Phật dạy thì cứ dạy, có mấy ai chịu học, chịu quan tâm đâu, nên cõi đời này mới khổ. Khổ vì lòng ghen tị rồi tìm cách phá đám; khổ vì ngồi trên cao cứ đạp kẻ dưới, không tu tâm dưỡng tánh hay làm phước đức để xoa dịu lòng người nên cuối cùng cứ đạp lên nhau mà sống, lẩn quẩn luôn như thế.
Qua chuyện lên xuống của rồng, của người, tôi chiêm nghiệm cuộc đời mang cái tuổi thìn, Nhâm Thìn của tôi. Cũng nhấp nhô lượn lờ ba chìm bảy nổi chín long đong. Thăng đó rồi giáng đó, hạ rồi thăng như rồng vậy.
Cho đến bây giờ, sau 60 cái... xuân xanh, trải qua bao mùa lá rụng, tôi quay lại nhìn cuộc đời mình và những bạn cùng trang lứa mới thấy những người mang tuổi thìn, ít nhiều bản chất… rồng cũng tiềm ẩn trong đời họ, nhất là còn dính với chữ Nhâm, Nhâm Thìn. Nhâm, thuộc can, có nghĩa là cáng đáng, thêm bản chất tung bay của rồng, cho nên, tôi cũng như các bạn, dù phận nữ nhi, ở hoàn cảnh nào cũng chả chịu an phận, lúc nào cũng muốn vùng vẫy ra tay gánh vác, không chỉ chuyện gia đình mà cả xã hội nữa. Đa số rất tháo vát. Đám bạn Nhâm Thìn của tôi ở khắp thế giới bây giờ hầu hết là… đại gia, tôi hết sức ngạc nhiên. Không ai tin là, từ… tay đen (tay đen còn thua tay trắng), thế mà bằng cách này, cách khác cũng ngoi lên cho bằng được. Riêng tôi là tệ nhất, nhưng sau một thời gian dài vùng vẫy, tôi không là đại gia như các bạn của tôi, nhưng cũng tự xếp mình vào thành phần… tiểu gia, nghèo nhất so với đám người giàu, nhưng giàu nhất so với người nghèo. Đứng chính giữa của hai giai cấp. Nhìn lên thì chả bằng ai. Nhưng nhìn xuống thì còn biết bao người mơ vị trí của mình. Tôi tự chọn con đường Trung Đạo như lời Đức Phật dạy để đi, để thân tâm được an lạc tròn đầy kể cả sức khỏe tốt và luôn mong tất cả mọi người trên thế gian này ai ai cũng như thế, không giàu quá, quá giàu để ngày đêm luôn toan tính giữ gìn hay lo sợ cướp bóc và cũng không quá nghèo để từng bữa lo miếng cơm manh áo cho bản thân và gia đình. Người cùng đinh không bức xúc và kẻ giàu an ổn ngủ yên. Há không là một xã hội tốt đẹp hay sao?!
Với cái mạng mang tuổi… rồng như thế, dù tôi đã từng bị đời hạ sát ván, từng nằm bẹp dí dưới đất một thời gian dài để dưỡng thương… nhưng nhờ tiềm ẩn bản chất như rồng, tôi hun đúc chí quật cường không cho phép tôi đầu hàng số phận, nên vùng vẫy ngoi lên. Và bây giờ, dù là năm tuổi, tôi cũng không cho phép tôi ngồi yên mà không cựa quậy, vùng vẫy như rồng. Với tuổi đã 60, tôi vẫn… múa, vẫn hát, vẫn… quậy và… phá làng (phá cái… làng văn cho xôn xao) dù năm nay có là năm tuổi của tôi chăng nữa, và tôi đang đợi xem, Nhâm Thìn, năm tuổi của tôi thế nào?!
Trần Thị Nhật Hưng
(2012)