Chùa Keo - Kiến trúc gỗ độc đáo
Chùa Keo (Thần Quang tự) được xây dựng ở xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, một trong những ngôi chùa cổ ở Việt Nam được bảo tồn hầu như còn nguyên vẹn kiến trúc 400 năm tuổi.
Sáng 24/10/2012, tại di tích chùa Keo, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình phối hợp với UBND huyện Vũ Thư tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Keo theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Cũng trong những ngày này bắt đầu diễn ra Lễ hội chùa Keo mùa Thu năm Nhâm Thìn 2012 (các ngày 13,14,15 tháng 9 âm lịch).
Chùa Keo thờ Phật và thờ Đại sư Không Lộ - một trong đại tổ của dòng Phật giáo Việt Nam, một danh y được truyền tụng chữa "Bách bệnh tiêu tán, vạn bệnh tiêu trừ"; một nhà thơ lớn thời Lý... Đây cũng là ngôi chùa cổ có số lượng gian nhiều nhất còn lại đến nay (102 gian), là một phức hợp kiến trúc đa dạng nhất trong tất cả các kiến trúc Phật giáo Việt Nam.
Theo sách Không Lộ Thiền sư Ký ngữ lục, chùa ban đầu có tên là Nghiêm Quang, được Không Lộ xây dựng từ năm 1067 tại làng Giao Thủy (tên nôm là làng Keo) bên hữu ngạn sông Hồng. Sau khi Thiền sư Không Lộ qua đời, chùa Nghiêm Quang được đổi tên là Thần Quang tự.
Năm 1611, một trận lũ lớn đã cuốn trôi cả làng mạc lẫn ngôi chùa. Dân làng Keo phải tha hương: một nửa dời về đông nam hữu ngạn sông Hồng, về sau dựng nên chùa Keo - Hành Thiện (nay thuộc tỉnh Nam Định); một nửa vượt sông đến định cư ở phía đông bắc tả ngạn sông Hồng, về sau dựng nên chùa Keo - Thái Bình hiện nay. Việc dựng chùa mới bắt đầu từ năm 1630, hoàn thành năm 1632. Sau đó, chùa được trùng tu nhiều lần vào các thế kỷ 17, 18 và năm 1941.
Hiện nay toàn bộ kiến trúc chùa Keo còn lại 17 công trình gồm 128 gian xây dựng theo kiểu "nội công ngoại quốc". Trong đó, công trình kiến trúc chính là chùa gồm 12 tòa, 102 gian.
Chùa Keo là công trình kiến trúc có quy mô lớn nhưng bố cục rất chặt chẽ. Hơn 100 gian lớn nhỏ khác nhau được bố trí thành một khối kiến trúc đăng đối liên hoàn: Tam quan ngoại, hồ nước lớn, tam quan nội, chùa Phật, đền Thánh và cuối cùng là gác chuông.
Tuy gồm hàng trăm tòa nhà, gian nhà nhưng kiến trúc ngôi chùa không hề đơn điệu bởi lẽ những người thợ là những bậc thầy trong sử dụng tỷ lệ, kích thước, độ cao các công trình. Tất cả các tòa nhà thoạt nhìn có vẻ như giống nhau về kích cỡ nhưng thực ra không nhà nào giống nhà nào, bố cục của chùa theo nhịp điệu “mở ra, thu lại, mở ra”. Mỗi cụm kiến trúc của chùa Keo có chiều cao và chiều rộng mái khác nhau. Bộ mái cao nhất là gác chuông, bộ mái thấp nhất là hai dãy hành lang Đông, Tây. Nếu nhìn từ trên cao, độ cao mái, độ xòe rộng cao thấp khác nhau của các của các công trình chùa Keo như một “lớp sóng cồn”.
Tuy nhiên, công trình kiến trúc có giá trị văn hóa - nghệ thuật nhất của chùa Keo là gác chuông bằng gỗ, tiêu biểu cho kiến trúc cổ Việt Nam thời hậu Lê.
Được dựng trên một nền gạch xây vuông vắn, gác chuông cao 11,04 m gồm 3 tầng mái, kết cấu bằng những con sơn chồng lên nhau. Các con sơn được chạm hai mặt, có con ba mặt, bốn mặt, mỗi mặt được chạm khắc các hình khác nhau. Trang trí trên các con sơn ngoại chủ yếu là hình rồng các kiểu, con sơn nội chạm khắc hình con nghê hay hoa lá cách điệu. Con sơn ngoại hay con sơn nội không chỉ nhằm cho đỡ đầu bẩy xà mà còn là yếu tố thẩm mỹ làm tăng thêm cho vẻ đẹp của Chùa.
Bộ khung gác chuông làm bằng gỗ liên kết với nhau bằng mộng ngậm, nâng bổng 12 mái ngói với 12 đao loan uốn cong dáng vẻ thanh thoát, nhẹ nhàng. Tầng một treo khánh đá cao 1,2m và chuông đồng cao 1,3m, đường kính 1m đúc vào thời Lê Hy Tông (1686); hai tầng trên treo chuông nhỏ cao 0,62m, đường kính 0,69 m đúc vào năm 1796. Khách tham quan khi qua đây có thể dùng dùi gỗ đánh vào để nghe những âm thanh mang nhiều cung bậc khác nhau phát ra từ khánh đá ở gác chuông này.
Ở chùa Keo còn có các bức chạm khắc những hình mây lửa, đao mác bao quanh thân rồng ở đôi cánh cửa của tam quan nội; các bức chạm khắc rồng tại các bức cốn của tòa Giá Roi, ban thờ ở tòa Phụ Quốc... cùng các bức chạm khắc đề tài long, ly, quy, phượng mang phong cách dân gian, với kỹ thuật chạm lỗng, bong kênh rất tinh xảo.
Trong chùa còn lưu giữ được nhiều đồ thờ có giá trị cao về nghệ thuật, mỹ thuật, đồng thời còn giữ được 3 bia đá thời Lê và một số hiện vật quý giá khác.
Chùa Keo là một phức hợp kiến trúc đa dạng nhất trong tất cả các kiến trúc Phật giáo Việt Nam và là một không gian kiến trúc hòa nhập với môi trường. Nghệ thuật sử dụng cây xanh, vườn hoa, hồ nước. Những gỗ, gạch lát, tường xây dựng bằng ván bưng, mái ngói mũi hài; cùng với việc sử dụng hệ thống hồ ba mặt chùa (phía trước hồ nam, và hồ phía đông, phía tây) tạo cảm giác thoáng mát dễ chịu về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Không gian kiến trúc Chùa Keo được kiến trúc hiện đại coi như là một mẫu mực có tính truyền thống và tính thực dụng cho kiến trúc hiện đại tiêu biểu cho kiến trúc thời hậu Lê.
Mỗi năm, chùa Keo có 2 dịp đại lễ vào kỳ chính hội, theo lệ "xuân thu nhị kỳ". Hội Xuân vào ngày mồng 4 Tết Nguyên đán và Hội Thu là chính hội, diễn ra từ ngày 13 - 15/9 âm lịch, ứng với giai thoại về ngày sinh, ngày hóa của Không Lộ Thiền Sư (14/9 là ngày sinh, còn 13/9 là 100 ngày mất của ngài).
Ngày 13, mở đầu là cuộc rước kiệu kỷ niệm 100 ngày tịch của Thiền sư Không Lộ. Chiều có các cuộc đua trải. Tối có cuộc thi kèn và trống. Sáng 14, tưởng nhớ ngày sinh của sư Không Lộ. Sau lễ dâng hương đến đám rước gồm có đôi ngựa hồng, ngựa bạch có đủ yên cương và 4 bánh do người kéo. Ngày 15, mọi nghi lễ diễn ra như ngày 14 nhưng có thêm một số trò diễn sau khi rước kiệu hoàn cung.
Hội chùa Keo diễn ra đông vui tấp nập suốt 3 ngày, 3 đêm để tưởng nhớ vị Thiền sư đã có công với nước và qua hình thức biểu diễn nghệ thuật dân gian đã phản ánh được lối sống của vùng dân cư ven sông mang màu sắc văn hoá nông nghiệp của đồng bằng Bắc Bộ.
Vào ngày hội, người ta tổ chức lễ rước kiệu, hương án, long đình, thuyền rồng và tiểu đỉnh. Trên con sông Trà Lĩnh ngang trước chùa chảy ra sông Hồng, người đi hội đổ về xem cuộc thi bơi trải, thi kèn trống, thi bơi thuyền và biểu diễn các điệu múa cổ. Trong chùa có cuộc thi diễn xướng về đề tài lục cúng (6 thứ): hương, đăng, hoa, trà, quả, thực. Chẳng thế, khi nói về sức hấp dẫn của lễ hội chùa Keo, người xưa có câu ca dao: "Dù cho cha đánh mẹ treo/Em không bỏ hội chùa Keo hôm rằm"...
Theo VGPNews