Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Huyền Không Sơn Thượng

06/09/201409:25(Xem: 15763)
Huyền Không Sơn Thượng
RỪNG THIỀN
HUYỀN KHÔNG SƠN THƯỢNG



I. Địa điểm:

minh-duc-trieu-tam-anh-5huyenkhongsonthuong-01Nằm cách cố đô Huế chừng 14 cây số, về huớng Tây, với địa danh là thôn Đồng Chầm (Hòn Vượn), phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế, có một ngôi chùa, một rừng thiền được gọi là Huyền Không Sơn Thượng (hoặc Huyền Không 2).

Khách thập phương muốn đến đây, đi quá chùa Linh Mụ, men theo con lộ dọc sông Hương, qua Văn Thánh, Võ Thánh, qua cầu Xước Dũ; rồi chừng hơn 01 cây số nữa sẽ gặp ngã rẽ bên phải vào thôn Đồng Chầm. Từ đây, xin lưu ý là chừng 500 mét, hương lộ này sẽ cắt ngang đường tránh Huế, thẳng trước mặt sẽ thấy chiếc cổng làng Văn hóa thôn Đồng Chầm. Qua cổng này chừng 200 mét, bên phải có một tấm biển chỉ đường, theo lộ trình này, gần 3km nữa là đến vùng núi non Triều Sơn Phương tức Huyền Không Sơn Thượng (1km đường phía xóm làng, bên ngoài, trải bê-tông tương đối tốt, 1,5km bên trong, vào núi, đường đất không được tốt – nhưng có thể thuận tiện cho tất cả các lọại xe – kể cả xe 50 chỗ ngồi). Do đặc điểm địa lý – đồi tiếp đồi – nên đường vào chùa uốn lượn quanh co, dốc cao; nay đã được cải tạo, nâng cấp, tương đối khá thuận lợi cho mọi phương tiện lui tới.

II. Cảnh quan, môi trường:

Năm 1988, hưởng ứng chương trình phủ xanh đất trống, đồi trọc của Nhà Nước – nhà chùa làm đơn xin được 50,4ha để trồng cây gây rừng. Thế rồi, từ năm 1989-1990, nhà chùa vào đây để lập trang trại, dọn mặt bằng, đào giếng, tự ươm cây giống, trồng lúa, khoai sắn, bí bầu, rau cải… để “lấy ngắn cắn dài”. Với chủ trương tự lực mưu sinh là chính nên giai đoạn đầu khá gian lao, vất vả. Do đã quen mười mấy năm lao động sản xuất, nên các sư, các chú cùng một số Phật tử tình nguyện đã trở thành những nông dân thực thụ, việc gì cũng làm được. Riêng trồng rừng, nhà chùa phải hợp đồng thuê mướn… Vậy là trải qua 17 năm, từ một vùng đồi núi hoang hóa, khô cằn, hố bom, hố đạn, không một bóng cây cao, trải dài lúp xúp chỉ toàn là sim mua tràm chổi và gai lùm lau lách, sâm si cỏ dại, bây giờ, cây rừng đã khép tán, màu xanh bạt ngàn, tàn cao bóng lớn – tạo nên một môi trường thiên nhiên mát mẻ và trong lành.

Nơi đây, núi rừng bao bọc – có chừng 22ha thông nhựa (chương trình PAM), chùa tự ươm trồng 20ha keo lá tràm, keo tai tượng, keo lai; và chừng 5 – 7ha là giữ lại cây rừng tự nhiên rất phong phú chủng loại; nhiều dáng cây và nhiều sắc lá đan xen khá ngoạn mục. Bên trong có một thung lũng, được gọi là “thung lũng treo”, rộng chừng 3,7ha – dành cho không gian chùa viện và vườn cảnh. Nhờ cây rừng trồng, cây rừng tự nhiên và lớp cây thực bì che phủ đất; lại còn nhờ có 5 hồ nước – gần 1ha – điều hòa khí hậu nên rừng cảnh luôn luôn xanh tươi, ôn hòa, dễ chịu… Mùa đông, bao giờ cũng lạnh hơn Huế chừng 2-3oC; mùa hè, lúc nóng nhất cũng chỉ có 34-35oC. Nhờ đặc điểm sinh thái ấy nên hệ thực vật và hệ động vật được duy trì gần với tự nhiên. Tuy chưa có số liệu chuyên khảo, nhưng bất cứ ai ở đây cũng biết là có ít nhất 20-30 loại chim khác nhau ca hót râm ran, líu lo suốt ngày; thỉnh thoảng có những đàn cò trắng, vẹt mỏ xanh đến rồi đi. Thứ đến là hàng trăm chú gà rừng, rất nhiều sóc và thỏ – là cư dân quen thuộc tạo nên sự sinh động vui mắt, vui tai cho ngôi rừng vừa được phục hồi sự sống này. Lâu lâu lại xuất hiện vài chú kỳ đà, vài chú mang “tác”vào độ mỗi hè. Còn các loại cóc, nhái, ễnh ương cùng với bà con, họ hàng của chúng thì vô thiên lủng! Điều đặc biệt là nước giếng ăn uống rất tốt; và suốt 17 năm qua mọi người ở đây sức khỏe đều khả quan, chỉ có bớt bệnh chứ không thêm bệnh.

III. Quy mô Vườn Rừng:

Với một không gian thoáng đãng, rừng cây trên 50ha bốn mùa xanh lá – nhà chùa đã dựa vào yếu tố thiên nhiên ấy để thiết kế thành 02 khu vực chính:

1. Ngoại viện: Diện tích 30 ha, được chia thành hai không gian khá lớn:

1.1. Không gian chùa viện: Chiếm diện tích 10.000m2, gồm có Chánh điện, Am mây tía, Nghinh lương đình, Nhà khách, Chúng hòa đường, Tĩnh trai đường (nhà trù), Tăng xá, Cốc liêu chư Tăng, Cốc liêu chư Ni, Cây cảnh, Giàn phong lan, và các công trình phụ…

- Chánh điện:

Mượn cốt ngôi nhà rường Huế, cơi nới, thay đổi một vài chi tiết cấu trúc mà thành. Với phong cách kiến trúc dị giản, vật liệu xây dựng chủ yếu là gỗ, ngói vảy cá – mang dáng dấp hồn Huế và hồn Việt, không ảnh hưởng cung đình, không bắt chước rồng phượng, họa tiết Tàu, Nhật; không sơn phết sắc màu đền miếu dân gian… Lấy sự hài hòa với thiên nhiên, với hồn thơ, hồn dân tộc, hồn của các giá trị nhân văn… làm ý tưởng chủ đạo; nhẹ vai trò tôn giáo, tín ngưỡng mà xem trọng tâm hướng sống thiền, sống đạo trong tương quan nhân giới và nhiên giới (Những câu thơ thư pháp Việt được chưng bày ở đây thường cố gắng hiển lộ nội dung ấy – bao giờ bên trong chánh điện cũng có chừng 10 bài thơ đặc biệt).

Chánh điện này còn được gọi là chùa ngoài, thờ Phật Sakyā Muni (Thích-ca Mâu-ni), thờ Xá-lợi Phật cùng Xá-lợi chư vị Thánh Tăng. Diện tích ước chừng 150m2 để Phật tử và khách thập phương đến lễ bái, cúng dường hoặc nghe Pháp. Đây được sử dụng làm chỗ tọa thiền và hai thời khóa công phu mỗi ngày của đại chúng. Cũng là nơi tổ chức các buổi lễ chính trong năm, như An cư kiết hạ, lễ Dâng y tắm mưa, lễ Dâng y Kaṭhina, Vesak, Rằm tháng Miệc, các buổi trai Tăng, chư Tăng làm lễ Uposatha, giới tử xin giới, sám hối, thọ giới… Tuy nhiên, các buổi lễ chính thường tổ chức tại chùa Huyền Không (Sơn trung) để Phật tử lui tới dễ dàng hơn.

Hiên cột Chánh điện có ba cặp đối, thư pháp Việt được khắc chạm lên thân dừa:

“Cư sĩ, rộng nương trồng hữu hạnh,

Tăng nhân, y bát hướng vô công!”

“Trúc tùng hạo hạo sum la sắc,

Lan thảo phân phân bát-nhã hương”

“Nghe đạo, hương rừng theo gió đến,

Đọc thơ, trăng sáng vượt non về!”

Mặt tiền chánh điện, hướng minh đường, có 4 mảnh sân cao thấp liên hoàn – có trồng tùng, trúc, mai, đào, dương liễu, mộc, hoàng hậu trắng, hoàng yến, phượng vàng, phượng tím, móng rồng nâu vàng, móng rồng tím, móng rồng xanh ngọc… cùng các loại cây cảnh khác. Tại mảnh sân thứ tư có chiếc cầu gỗ đi qua hồ nước – bây giờ được thay đổi bằng một tượng Phật hòa bình, cao hơn 2 mét, đứng tựa lưng môt cây mai tạo dáng bình phong; tiếp đến là chiếc cổng cổ lầu xi-măng giả tre – có một cặp đối:

“Ngõ trúc, sương len hồn trí giả.

Cửa không, mây níu áo hiền nhân”

(Thay đổi cặp đối khác, tùy theo mùa tiết)

“Níu áo khói sương, thiền hỏi chuyện,

Mở trang trăng gió, bút đề thơ!”

Tại tượng Phật dưới khóm trúc:

“ Am dựng non tùng, kinh lặng chữ,

Phật ngồi vườn trúc, cỏ thơm hoa!”

- Am mây tía (Tử vân am): Xung quanh trồng 5 khóm trúc vàng (lệ trúc), là hậu thân của Phong trúc am đã hư mục, gợi nhớ Am tử tiêu, Vân tiêu ở núi Yên tử – là nơi ở, làm việc, uống trà, tiếp khách… của sư trú trì. Với diện tích chừng 80m2, chiếc am này vóc dáng đồng bộ với ngôi chánh điện, kiến trúc mở – để thiên nhiên, cây lá, cỏ hoa tràn vào nhà. Xung quanh am có hồ nước, các loài hoa thân thảo, thân mộc, phong lan, địa lan, cây cảnh thay nhau chưng bày bốn mùa, tám tiết… Và chữ, và thơ được treo quanh năm. Vào xuân Đinh Hợi, 2007, bên trong am có hai cặp đối:

“Bút vẫy rừng không, mây gió buâng khuâng, trăng sáng chữ,

Thơ chơi lũng vắng, khói sương lãng đãng, đá ngời văn!”

“Cổ lục non không, thiền xóa chữ,

Cảo thơm am tía, bút mài trăng!”

Mặt tiền có hai cặp đối:

“Bút dựng rừng tùng, mây nước lung linh, khách quý, gió thơm hương lá bối,

Thơ reo vườn trúc, khói sương bát ngát, bạn lành, nắng ấm sắc hiên văn!”

Cặp đối thư hai khá đặc biệt – vì mỗi vế có 91 chữ – nội dung, bên nói về “không”, bên nói về “có”:

“Thanh dương hạo bút, tâm ngời thiên thượng, bồng bềnh một cõi kinh thư, danh tướng vốn không; không xuân thu tuế nguyệt, không hạ chí đông phân, không thua được nhục vinh, không tranh danh đoạt lợi, không bát nạn tam đồ, không thân không thế, không sự nghiệp gia hương; lãng đãng khoác áo tuyết sương, chơi cõi bụi hường, mượn gió mượn trăng, mượn núi rừng u tĩnh, chuyết họa rèn văn, thức cùng thung lĩnh, chim xưa về cội, đợi hiền nhân trí giả đáo không viên.

Thiền khí lăng vân, tình ngút sơn cao, phất phới bốn mùa lan thảo, nhân duyên sẵn có; có tùng trúc phong sương, có nhật tà nguyệt hiên, có tụ tán suy thịnh, có xả trược cầu thanh, có ngũ minh thập độ, có cảnh có thơ, có chùa am tử đệ; khinh linh xua làn mây khói, dạo miền cát tía, học trí học ngu, học hoa lá phong nhiêu, khiêm tu tập định, sống với non triền, khách cũ sang bờ, mừng du tử tao ông tầm hữu hạnh”.

(Thay đổi từng mùa, từng năm).

“ Thơ chơi vạn dặm, tìm non ở,

Bút mỏi trăm phương, chọn núi nằm!”

“Thiền đạo vô ngôn, hoa cỏ nói,

Kinh thư đa nghĩa, nước trăng cười!”

- Nghinh lương đình: Diện tích chừng 50m2, cũng là nhà vuông, ngói móc và gỗ tạp lấy được từ rừng trồng; ba mặt để trống; không gian mở – được thiết kế với mục đích sử dụng:

Khách thập phương có chỗ dừng chân, ngồi nghỉ, uống trà, đàm đạo…

Thường chưng bày thư pháp Việt, Hán; đôi khi điểm xuyết hội họa, tranh tượng, ảnh nghệ thuật, hoa, cây cảnh…

Hiện ở đây có một cặp đối:

“Lãng đãng càn khôn, thơ thắp con tim, tình ấm lại.

Phiêu bồng nhật nguyệt, thiền soi nét bút, chữ trong hơn”.

“ Đứng giữa gió sương, tùng trúc xanh vươn, nắng ấm choàng vai tình thiện hữu,

“ Nằm bên hoa cỏ, đào mai biếc nở, mây lành níu áo bạn nhân văn!”

- Nhà khách: Diện tích chừng 60m2, nằm bên sau Nghinh lương đình; có 01 phòng lớn và 4 phòng nhỏ, dành cho 5, 7 Phật tử hoặc khách xa tạm thời nghỉ lại khi có công việc. Vật liệu cũng ngói và gỗ tạp; nội thất còn tạm bợ, thiếu thốn tất cả mọi tiện nghi – sẽ từ từ hoàn thiện.

- Tĩnh trai đường: Mấy ngôi nhà nhỏ liên kết với nhau – chừng 120m2 – dùng làm nhà bếp, nhà thọ trai cho Chư Tăng và chúng điệu. Bây giờ đã được thay bằng một sàn gác đồng bộ với khung cảnh tiện nghi hơn. Ở đây cũng có một vài cặp đối:

“Bình bát rừng sâu, chim cúng trái,

Tâm thiền khe vắng, gió dâng hương!”

“ Sợ lửa tham sân, tu học tinh cần, vui thiện hạnh,

Thương đời khổ não, ở ăn dị giản, quý thanh tâm!”

- Chúng hòa đường: Gồm một dãy nhà cấp 4, phỏng chừng 160m2, có 5 phòng; một căn nhà cấp 4, có 2 phòng – là nơi ở của Chư Tăng và chúng điệu. Tất cả còn sơ sài và tạm bợ. Đây được xem như là Tăng xá – vào năm 2010 đã được sửa sang lại bán kiên cố, khang trang hơn.

Mấy năm truớc, khi chưa có truờng học của PGNT Thừa Thiên – Huế, tại đây có một phòng học có tên là Tuệ học đường; có nhiều cặp đối đã thất lạc hết, chỉ còn sót đâu đó vài ba cặp đối:

“Bút ẩn sĩ, chút trăng soi giọt mực,

Trí sa-môn, tí lửa cháy câu kinh!”

“Bập bùng ngôn ngữ, thơ thắp lửa,

Leo lét tưởng tư, tuệ đốt đèn!”

“Hỷ hoan học pháp, nhân muôn trái,

Tịnh lạc tu tâm, quả vạn hồng!”

- Cốc liêu Chư Tăng: Hiện có 7 cốc, diện tích mỗi cốc chừng 9 – 12m2 – nằm rải rác ven núi, giữa vườn – thường dành cho các vị tỷ-kheo hoặc sa-di lâu năm, lớn tuổi. Chúng có những tên như sau: Tùng vân sơn cốc, Thạch vân sơn cốc, Tử vân sơn cốc, Tử tiêu sơn cốc, Ngọa vân sơn cốc, Lan vân sơn cốc… Vật liệu gồm gạch xây, ngói, gỗ, ván… trông dị giản, đồng bộ với toàn cảnh – nhưng vẫn còn tạm bợ so với các nơi khác.

- Cốc liêu Chư Ni: Cách xa Chánh điện, vể phía trái, chừng 50 mét, sát núi có một gác xây và lác đác vài cốc liêu nhỏ – thường dành riêng cho chư ni và tu nữ ở xa đến tu học, hành thiền. Vẫn còn tạm bợ, thiếu thốn các tiện nghi sinh hoạt.

- Giàn phong lan: Trước đây rất phong phú, ước chừng trên 1000 giò lan nội và ngoại. Do mất quá nhiều thì giờ chăm sóc nên bây giờ thu nhỏ lại, chỉ còn hơn 200 giò – nằm trong mái che, diện tích chừng 120m2. Còn tất cả lan địa phương được trả về tự nhiên nơi các gốc cây, chậu có trụ gỗ nơi này và nơi khác. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2012, nhà chùa đã đầu tư thêm, dự kiến cuối năm 2013, vườn phong lan sẽ được phục hồi để giữ lấy thương hiệu “ Lan Huyền Không” ba mươi năm trước đây đã được khách thập phương mến mộ.

- Cây cảnh: Trước đây có trên 500 chậu lớn nhỏ đủ loại, bây giờ, do muốn trả lại sự tự nhiên cho chúng nên đa phần đã cho xuống đất rải rác quanh hồ, quanh vườn; chỉ còn giữ lại chừng 200 chậu, chủ yếu là mai, trà mi, đỗ quyên và một số hoa thân thảo khác. Tất cả cây cảnh ở đây do tự ươm trồng nên dường như chưa có cây nào có giả trị công phu hay nghệ thuật – mục đích chỉ để trang trí vườn chùa cho xanh mát mà thôi. Chỉ có mấy gốc mai già là có chút giá trị: từ 50-70 đến 100-120 tuổi.

1.2. Không gian nghệ thuật: Gồm có Vườn cỏ đá, Không sơn thiền uyển, Cụm nhà dành để triển lãm các lại hình nghệ thuật, hội thảo thơ, thiền…

- Vườn cỏ đá: Chỉ có cỏ xanh và đá xám nằm trên diện tích chừng 500m2. Nó chỉ là một mảng nhỏ của Rừng thiền với ý tưởng thể hiện là ngôn ngữ của Cỏ và ngôn ngữ của Đá. Có mấy câu thơ trên đá:

“ Ta cúi xuống, nhặt dấu chân trên cỏ,

Thấy tiền thân, sương ướt, áo chưa khô”

“ Thương ai đá đứng, cỏ nằm,

Khói sương cảo lục – con trăng cõi về!”

“Đá nằm trên đỉnh vô vi,

Chiêm bao bước xuống tà huy mấy nghìn!”

Năm 2011, Vườn cỏ đá đã được thay đổi thành 4 cảnh động tâm trong đại lễ Ve sak, hiện tại (2012) còn giữ nguyên tượng Phật bằng đồng 3 tấn nằm trên một trụ đá búp sen cao 3 mét, dưới chân là hai chiếc hồ con có hình dáng 2 lá sen cách điệu – xem như nơi Phật thành đạo. Một động đá, bên trong có tượng Phật khổ hạnh (tượng Tuyết sơn). Và cạnh đấy có vườn Lộc giả được thiết kế biểu tượng bằng đá trắng – vòng tròn chuyển pháp luân, đường kính 1m,6, dày 25 cm; trước mặt là 5 tảng đá có mặt bằng để trống, tượng trưng 5 chỗ ngồi của 5 ngài Kiều Trần Như thính pháp.

- Không sơn thiền uyển: Đây là một cụm kiến trúc khá lớn, nằm trên không gian chừng 1,5ha – gồm các công trình nghệ thuật dị giản – được kết hợp, tương hòa với thiên nhiên, với hồn quê, hồn thiền, hồn thơ và hồn chữ… Dường như đây mới chỉ là bảng vẽ phác thảo chưa hoàn chỉnh ở chi tiết này và chi tiết khác…

Không gian của Không sơn thiền uyển có những công trình chính và phụ:

5 hồ nước, được gọi là ngũ hồ: Hiện mới đào đắp được 3 hồ, diện tích chừng 0,5ha. Hồ chính có tên là Thủy nguyệt đàm (do hứng trăng trọn đêm), giữa có 2 đảo nhỏ, có cầu bê-tông giả gỗ dài 5m, rộng 0,8m để đi vào đảo, tên cầu là Lãm thúy kiều (cầu ngắm xanh). Đảo lớn tên là Văn Bút đảo – vì có một chòi tranh hai hình nấm, có cây bút lông dựng giữa trời. Đảo nhỏ có tên là A-la-hán đảo – vì có cụm giả sơn để chưng thờ 18 vị A-la-hán – mẫu Đài Loan (Bây giờ đã hư rồi). Hồ được thả sen trắng, sen hồng và chừng 8 loại súng, tám màu nội và ngoại.

Hồ thứ hai tên là Sơn ảnh hồ (vì luôn luôn lưu bóng núi), được nối với Thủy nguyệt đàm bởi một eo đất, có chiếc cầu lát đá giả gỗ sát nước, có tên là Giải trần kiều. Cũng trên bờ của hồ này, gần cuối đồi thông, mới thiết kế thêm một chiếc cầu xi măng giả gỗ rộng 01 mét, dài 20 mét băng ngang hồ để đi sang Thư pháp đình, có tên là Tĩnh không kiều. Hồ thứ ba cách một đồi thông, có tên là Vọng oa đàm (vì đêm ngày nghe tiếng kêu ếch nhái) – chen chúc rong bèo, sen súng và cỏ dại…Hai hồ phía trên, cách một con đê ngăn lũ, rộng chừng 0,3 – 0,4ha – có nước, nhưng vẫn còn hoang dã. Hai hồ được ngăn bởi hai đảo trồng tre gai, um tùm lau lách – chưa có bàn tay cắt tỉa. Đồi thông: Nằm trên một bán đảo, chừng 200 cây thông gần 20 năm tuổi, là bóng mát chủ yếu trong khu vực để thập phương ngồi chơi, thư giản, picnic… Ở đây có đặt mấy bàn xi-măng giả gỗ cho mọi người có chỗ nghỉ chân

Thư pháp đình: Đối diện với đồi thông, bên kia Sơn ảnh hồ – có một ngôi cụm nhà thủy tạ năm mái, được gọi là Thư pháp đình. Cái đình này trước đây có cấu trúc dị giản, toàn tranh tre, có chút nghệ thuật, bây giờ đã được thiết kế bán kiên cố – là nơi quanh năm chưng bày thư pháp với những câu thơ được thay đổi theo mùa tiết, hội lễ trong năm.

Tại đây có một số cặp đối:

“Chữ chẳng là mây, thăm phố chợ, dạo non xanh, sương khói lơ thơ hòa khí bút.

Thơ đâu phải nước, ngủ suối trăng, mơ sông biếc, rong bèo lác đác dệt tình văn”.

“ Nhạc lạnh, dế giun hoà ngữ điệu,

Bút cùn, mây khói dệt từ chương!”

“ Cỡi nhánh trầm thơm, thơ dạo cõi,

Rẽ luồng gió tía, chữ chơi miền!

Ngoài ra, không gian này còn có: thảm cỏ xanh quanh hồ, điểm xuyết hằng trăm cây cảnh lớn, hoa thân thảo, thân mộc; hai mái lương đình và 8 hiên thơ rải rác trên lối đi. Và ở đâu cũng có thơ! Bên kia Giải trần kiều có một vách núi – xi măng giả vách đá – có một chữ Phật – thư pháp Hán, đại bút, và hai câu thơ lục bát: “Ta còn hơi thở, nụ cười – là còn bát ngát đất trời nguyên xuân” (nguyên xuân – mượn chữ của Bùi Giáng). Chữ viết trên vách đá này thường thay đổi theo chủ đề, mùa tiết, lễ hội hay yêu cầu nghệ thuật. Hiện tại, năm 2012, vách đá này có đề chữ Rừng Thiền Huyền Không Sơn Thượng (Việt-Pāḷi) cùng hai bài thơ. Bài thứ nhất: “ Viết bài thơ trên cát. Cơn sóng vỗ xoá đi. Vô tình đâu nhớ được. Mình viết bài thơ gì!” Thơ đại sư Viên Minh. Và bài thứ hai:

Ngôn ngữ nghệ thuật của Không sơn thiền uyển là tĩnh lắng, an bình, đạm phác và dân dã! Đấy là ý tưởng thể hiện chủ đạo của không gian này!

Đến địa phận Huyền Không Sơn Thượng – từ dốc núi đi lên, hai mảng cây hai bên đường thuộc rừng trồng, đã thu hoạch gỗ để làm cốc liêu, bán củi gỗ lấy tiền để tu bổ rừng. Dốc núi cuối cùng, nhìn bên trái có một ngọn đồi có tên là Độc thụ sơn (do trên đỉnh có một cây mít nài cổ thụ bám trên cụm đá đã hàng trăm tuổi), bên cạnh có mái lương đình có tên là Bạch vân hiên để cho khách có chỗ nghỉ chân – đúng như câu thơ đề ở đây:

“Đầu non dựng một mái nhà – để cho mây trắng ta bà ghé chơi!”

Phía phải là dãy núi dài hình con thanh long, chùa có trồng hơn 5 vạn cây thông – nên đặt tên dãy núi này là Vạn tùng sơn. Sát sườn núi, bên trong cổng có một mái lương đình. Dự kiến trong tương lai, các sườn núi, các ngọn đồi nhỏ, các thung lũng và dọc lối đi nhà chùa sẽ thiết kế thêm những công trình nghệ thuật: Nhà và cảnh chưng bày hội họa, Nhà và cảnh chưng bày ảnh nghệ thuật, Vườn tượng nghệ thuật…

- Am trăng ngủ: Với ý tưởng ban đầu là nơi để dành cho các buổi hội thảo, trà đàm – nhưng nay đã biến thành nơi tĩnh cư của chư tăng.

2. Nội viện:

Nếu ngoại viện là nơi để cho Phật tử các giới lui tới học đạo, hỏi đạo, làm phước, cúng dường,…; để cho thập phương bá tánh có chỗ tham quan, du lịch văn hóa, sinh thái… thì nội viện là nơi hoàn toàn dành cho sự tĩnh tu. Và đây là không gian biệt lập, là Rừng Thiền để cho hành giả tu tập Samatha (thiền định, thiền chỉ) và Vipassanā (thiền quán, tuệ quán, minh sát). Đây là mô hình tương tợ các Rừng Thiền ở Thailand và Myanmar, chưa hề có ở Việt Nam.

Hiện nay, Thiền không còn là cái gì có vẻ riêng tư của Phật giáo; nó đã là sản phẩm chung cho văn minh tâm linh của nhân loại. Ít nhất, Thiền đã được đưa vào trên 250 trường Đại học lớn trên thế giới, đã đưa vào hàng trăm bệnh viện lớn nhỏ trên toàn cầu. Nền kinh tế thị trường tạo nên các tiện nghi vật chất tối ưu cho nhân loại, đồng thời nó mang đến không biết bao nhiêu căn bệnh và hiểm họa về tinh thần, tác động đến toàn bộ tâm sinh lý của con người mà không có thuốc thang nào có thể chữa trị được. Thiền định và thiền tuệ giúp con người ổn định tâm sinh lý, điều hòa âm dương thủy hỏa (tâm bình, khí hòa), làm lắng dịu, tiêu tan tất cả phiền lụy, đau khổ và mọi căn bệnh nguy khốn của thời đại. Đây là con đường tự cứu mình và cứu đời mà Phật giáo có thể hiến tặng cho nhân loại một cách vô công, vô danh và vô vị lợi…

Nếu điều kiện cho phép thì Rừng Thiền sẽ có quy mô như sau:

- Một Thiền đường chừng 150 – 200 chỗ ngồi (mỗi chỗ chừng 1,5m2). Dự kiến xây dưng một Thiền đường đẹp, bề thế, diện tích bên trong 12m x 26m; cấu trúc bê-tông kiên cố, phối hợp xi-măng giả gỗ và gỗ tốt lót tường, sàn và các cánh cửa. Lấy tinh thần đặc thù của các nước PG Theravāda đan xen dân tộc tính làm nghệ thuật kiến trúc chủ đạo. Đây là nơi có nhiều chức năng khác nhau:

Tọa thiền tập thể.

Giảng pháp hành.

Họp đại chúng.

Và sau này là nơi hành thiền tập thể: Tăng ni, Phật tử và đại chúng…

- Cốc cho thiền sư: Vị thiền sư dạy thiền cho chư tăng ni, Phật tử phải có một liêu thất tương đối tiện nghi và rộng rãi. Đòi hỏi phải có chỗ tịnh chỉ thoáng mát, phòng vệ sinh bên trong; và nhất là một căn phòng cho thiền sinh đến trình pháp. Dự kiến là 80m2.

- Cốc liêu cho hành giả: Ven các sườn đồi sẽ xây dựng chừng khoảng 30 – 50 thiền thất dành cho hành giả tu tập. Buổi đầu chỉ để dành Chư tăng ni và Phật tử tha thiết với pháp hành. Sau này khi phát triển, và nếu có đủ điều kiện cho phép, sẽ có một số thiền thất khác nằm trên những cụm đồi riêng biệt dành cho nam nữ cư sĩ hoặc thập phương có khả năng tu tập. Mỗi liêu thất như thế phải có các nhu cầu tối thiêu về ăn ở, lối kinh hành, tọa thiền, điện, nước, vệ sinh.. diện tích chừng 24m2 (không được nấu ăn trong liêu thất).

- Các công trình phụ: Đó là công trình vệ sinh công cộng dành cho Tăng, Ni và nam nữ cư sĩ. Liên hệ tiện nghi sinh hoạt, phải thiết kế giếng nước, bể chứa, máy bơm nước và hệ thống dây dẫn đến các nơi để phục vụ nhu cầu cần yếu. Sau khi thiền đường hoàn thành, một hệ thống đường đi lối lại cũng phải được tính toán, thực hiện sao cho mỹ quan và tiện ích. Các loại cây trồng ở vùng này cần phải chọn lựa kỹ vì chúng là linh hồn của Rừng Thiền.

- Một số công trình lớn như tượng đài đức Phật hoà bình cao 21 mét, một bảo tháp trên vách núi cao chừng 30-40 để thờ xá lợi Phật, chư vị Thánh Tăng; cụm công trình thờ phạm thiên, chư thiên cũng phải được xây dựng trong một tổng thể quy mô hoàn chỉnh.

Kết luận

Sau khi đi thăm thú nhiều nơi, trong và ngoài nước, thấy rõ Rừng Thiền Huyền Không Sơn Thượng như phác thảo ở trên sẽ đáp ứng được hai nội dung quan trọng của Phật giáo. Đấy là sinh hoạt văn hóa nghệ thuật (ngoại viện) và sinh hoạt tâm linh tu chứng (nội viện). Là một mô hình tương đối cần thiết cho PGNT hiện nay ở Việt Nam và Thừa Thiên – Huế.

Trong gần 20 năm qua, nhà chùa đã thực hiện được 4/10 công trình; 6/10 còn lại đang chờ đợi nhân duyên đến từ những Phật tử giàu tín tâm, các nhà hảo tâm, từ những người bạn lành…

Xin hồng ân chư Phật gia hộ sự an lành và những việc làm có ý nghĩa cho tất cả chúng ta.


Một số hình ảnh chùa Huyền Không Sơn Thượng

minh-duc-trieu-tam-anh-5huyenkhongsonthuong-05huyenkhongsonthuong-04huyenkhongsonthuong-02huyenkhongsonthuong-01


Viết tại Am Mây Tía,
đầu mùa An cư năm Đinh Hợi ( 2007)
Tỳ-khưu Giới Đức
(Minh Đức Triều Tâm Ảnh)
http://huyenkhongsonthuong.net/

Ý kiến bạn đọc
14/10/201909:07
Khách
Kính bạch Thầy! Năm 2002, mùa Sương giáng, con từ Hà Nội vô Huế, đưa đoàn sinh viên đi thực tế. Nhân duyên con được viếng thăm chùa Huyền Không Sơn Thượng. Đại nhân duyên và đại phúc, hôm đó con được yết kiến Thầy chỉ trong vòng 5 phút. Năm phút ấy vô cùng quí giá đối với con. Cho đến giờ, tháng 10,2019 con vẫn nhớ như vừa hôm nay.
Hôm đó con xin Thầy bố thí cho con bài thơ Thầy họa chữ ĐỨC, nhưng Thầy từ chối. Nhưng rồi, Thầy kêu con để lại địa chỉ và hẹn, nếu có thời gian sẽ tặng con CHỮ.
Con rời chùa và trở ra Hà Nội nhưng không mang theo niềm hy vọng vì người chỉ cho con đến chùa nói, Thầy rất bận, đã mấy năm rồi Thầy không viết cho ai, dù Thầy cũng đã hứa. Điều này thì con không tin. Con không hy vọng được Thầy ban CHỮ vì Thầy bận quá nhiều công việc, nhưng việc Thầy hứa mà chưa làm là chuyện hoàn toàn khác.
Con ra Hà Nội được 10 ngày thì nhận được bưu phẩm từ chùa, Thầy đã ban phúc cho con là một bức tranh chữ. Đó là bài thơ họa chữ TÂM. Con thực sự không ngờ, đời con lại may mắn và diễm phúc như vầy. Con đã vượt qua những chướng, trả những quả nghiệp khủng khiếp là nhờ lời dạy của Thầy từ bức tranh đó.
Kính bạch Thầy! Đời này con có làm được gì thì cũng chưa thể báo ân Thầy ban cho con.
Năm nay con tròn 70 tuổi. Con mong ước được tới Huế để yết kiến Thầy. Nếu đủ nhân duyên được Thầy cho phép con xin lưu lại ít ngày để tu học. Năm 2004, con được chỉ dẫn là sẽ đến Huế, nhưng cụ thể nơi nào thì con chưa biết. Nhưng nay con có tâm nguyện đến Huyền Không Sơn Thượng. Con viết thư này, xin Thầy xoi nhân duyên của con và cho con hồi âm.
Con kính chúc sức khỏe Thầy và VƯỜN THIỀN HUYỀN KHÔNG SƠN THƯỢNG ngày một tươi lành.
Phật tử Lê Thị Chiêng
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/03/2018(Xem: 13085)
Giới thiệu Hoa Văn Phật Giáo , Nam Mô A Di Đà Phật, Công Ty Âu Gia Phát, xin gửi lời chúc an lạc đến Chư Tôn Đức Tăng Ni và Phật tử gần xa, chúng con xin giới thiệu đến quý Chùa về sản phẩm hoa văn, phù điêu bằng các chất liệu : nhựa nhẹ Compusit, bằng xi măng , gỗ , đồng...., là nơi tạo vẽ đẹp tâm linh cho các ngôi chùa , quý Ngài có nhu cầu, xin hoan hỷ liên hệ: Minh Hậu, số phone :0909385056, Email: augiaphat7777@gmail.com ; (chúng con sẽ tư vấn trực tiếp), kèm đây là sản phẩm do công ty thực hiện, xin thành tâm tri ân quý Ngài. Nam Mô A Di Đà Phật.
15/12/2017(Xem: 75556)
Trải hơn 25 thế kỷ, Chánh Pháp của Phật vẫn được tuyên dương và lưu truyền bởi hàng đệ tử xuất gia lẫn tại gia, đem lại giải thoát và giác ngộ cho những ai học hỏi và thực hành đúng đắn. Chánh Pháp ấy là thuốc hay, nhưng bệnh mà không uống thì chẳng phải là lỗi của thuốc. Trong kinh Di Giáo, đức Phật cũng ân cần huấn thị lần chót bằng những lời cảm động như sau: “Thể hiện lòng đại bi, Như Lai đã nói Chánh Pháp ích lợi một cách cứu cánh. Các thầy chỉ còn nỗ lực mà thực hành… Hãy tự cố gắng một cách thường trực, tinh tiến mà tu tập, đừng để đời mình trôi qua một cách vô ích, và sau này sẽ phải lo sợ hối hận.” Báo Chánh Pháp có mặt để góp phần giới thiệu đạo Phật đến với mọi người. Ước mong giáo pháp của Phật sẽ được lưu chuyển qua những trang báo nhỏ này, mỗi người sẽ tùy theo căn tánh và nhân duyên mà tiếp nhận hương vị.
15/12/2017(Xem: 118546)
Văn Hóa Phật Giáo, số 242, ngày 01-02-2016 (Xuân Bính Thân) Văn Hóa Phật Giáo, số 244, ngày 01-03-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 245, ngày 15-03-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 246, ngày 01-04-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 247, ngày 15-04-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 248, ngày 01-05-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 249, ngày 15-05-2016 (Phật Đản PL 2560) Văn Hóa Phật Giáo, số 250, ngày 01-06-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 251, ngày 15-06-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 252, ngày 01-07-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 253, ngày 15-07-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 254, ngày 01-08-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 255, ngày 15-08-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 256, ngày 01-09-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 257, ngày 15-09-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 258, ngày 01-10-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 259, ngày 15-10-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 260, ngày 01-11-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 261, ngày 15-11-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 262, ngày 01-12-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 263, ngày 15-12-2016
04/09/2014(Xem: 14086)
Ngôi Già lam Cổ tự Tabo là một Trung tâm Phật học cổ xưa cách đây hàng nghìn năm, còn được gọi là “Ajanta của Hy Mã lạp Sơn”, tọa lạc ở khu vực khô cằn lúc hè về và đông chí lạnh ở độ cao 3.050 mét và 375 km từ Shimla, nơi thung lũng sa mạc Spiti Valley ở bang Himachal Pradesh, miền Tây Bắc Ấn Độ.
22/08/2014(Xem: 10115)
Chùa Thiên Niên (Hà Nội), hay còn gọi là chùa Trích Sài nằm ngay sát bờ hồ Tây, thuộc làng Trích Sài, phường Bưởi, quận Tây Hồ. Chùa xuất hiện từ thời Lý Nam Đế (544 - 548). Chùa đã được bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đánh giá Các tác phẩm ảnh về những ngôi chùa, đình, đền nổi tiếng tại Hà Nội, Bắc Ninh, Ninh Bình, Sài Gòn.. được đưa ra triển lãm nhân dịp Phật đản Liên hợp quốc hồi đầu tháng 5.
22/08/2014(Xem: 18696)
Hơn ba mươi năm trời, vì vận nước, hàng triệu người Việt đã xa xứ và khi đã được ổn định ở xứ người, như đã hẹn, ai về nhà nấy. Nhà ở đây là tín ngưỡng, tư tưởng, chính kiến, văn hóa và dĩ nhiên là cả tình cảm. Con chiên tiếp tục thờ Chúa, Phật tử tiếp tục thờ Phật, kẻ mê cổ nhạc thì tiếp tục khoái vọng cổ, người mê tân nhạc thì tiếp tục yêu những dòng nhạc mới. Dầu mỗi người một cách riêng, nhưng chung quy, ai cũng cứ lần theo lối cũ mà về.
04/08/2014(Xem: 7778)
Có hàng ngàn ngôi Tự viện Phật giáo được xây dựng trên mảnh đất Đông Nam Á, mỗi công trình tâm linh đều có nét tuyệt mỹ, vẻ đẹp kỳ diệu riêng của nó. Hiện bình chọn có 17 ngôi chùa nổi tiếng Đông Nam Á là một trong những hình ảnh đẹp nhất.
19/07/2014(Xem: 17693)
Chùa Việt Nam Hải Ngoại (tập 1) của tác giả nhiếp ảnh gia Võ Văn Tường & Đạo hữu Từ Hiếu Côn (Giám đốc nhà XB Hương Quê, Hoa Kỳ), đây là tác phẩm đầu tiên viết về ngôi chùa VN tại hải ngoại (Á Châu, Âu Châu, Úc Châu & Mỹ Châu), sách được dịch ra 4 ngôn ngữ Việt, Anh, Hoa và Nhật. Tập 1 giới thiệu 72 ngôi chùa, và sẽ tiếp tục in tập 2.
22/03/2014(Xem: 8725)
Choáng ngợp kỳ quan Phật giáo trắng tinh như cổ tích Choáng ngợp kỳ quan Phật giáo trắng tinh như cổ tích Với màu trắng tinh khiết và lối kiến trúc độc đáo, ngôi chùa đã trở thành biểu tượng văn hóa của đất nước Phật giáo Thái Lan.
20/03/2014(Xem: 11238)
Cách nay hơn 300 năm, trong khoảng từ năm 1683 đến 1693, một vị Thiền sư từ Trung Hoa đến đất Thuận Hóa, tại núi Hoàng Long mà hiện nay thuộc phường Trường An, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế; dựng thảo am để tu hành và hoằng đạo, đó chính là ngài Minh Hoằng Tử Dung, tổ sư khai sơn và chùa được gọi là Ấn Tôn tự.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567