- [01 - 10]
- [11 - 20]
- [21 - 30]
- [31 - 40]
- [41 - 50]
- [51 - 60]
- [61 - 70]
- [71 - 80]
- [81 - 90]
- [91 - 100]
- [101 - 110]
- [111 - 120]
- [121 - 130]
- [131 - 140]
- [141 - 150]
- [151 - 160]
- [161 - 170]
- [171 - 180]
- [181 - 190]
- [191 - 200]
- [201 - 210]
- [211 - 220]
- [221 - 230]
- [231 - 240]
- [241 - 250]
- [251 - 260]
- [261 - 270]
- [271 - 280]
- [281 - 290]
- [291 - 300]
- [301 - 310]
- [311 - 320]
- [321 - 333]
- Thư mục
DẠO BƯỚC VƯỜN THIỀN
(333 Câu Chuyện Thiền)
Đỗ Đình Đồng góp nhặt
301. TỔ PHẬT LỪA NGƯỜI
Long Nha dạy chúng, nói:
- Người tham học phải thấu đạt Phật Tổ mới được. Hòa thượng Tân Phong [Động Sơn Lương Giới] nói, “Nếu thấy lời dạy của Phật Tổ như thấy oan gia, thì mới đáng gọi là tham học. Nếu chẳng thấu được, tức bị Tổ Phật lừa.”
Lúc ấy có một ông tăng hỏi:
- Phật Tổ có ý lừa người chăng?
Long Nha nói:
- Nói tôi nghe, sông hồ có ý ngăn ngại người chăng?
Lại nói tiếp:
- Sông hồ không có ý ngăn ngại người, chỉ vì người qua chẳng được, thành ra sông hồ ngăn ngại người. Ông không thể nói sông hồ không ngăn ngại người. Tổ Phật không có ý lừa người, chỉ vì người chẳng thấu được, thành ra Tổ Phật lừa người. Lại nữa, ông không thể nói Tổ Phật chẳng lừa người. Nếu ai thấu được Tổ Phật, thì mới qua được Tổ Phật. Phải thấu đạt ý Tổ Phật, mới cùng với người xưa hướng thượng đồng nhau. Nếu ông chưa thấu qua được, dù có học Tổ học Phật ngàn kiếp, cũng không mong gì đạt được.
Ông tăng lại hỏi:
- Làm sao khỏi bị Tổ Phật lừa?
Long Nha đáp:
- Phải tự ngộ đi.
(Bích Nham Lục)
302. DỨT BỎ THẾ TÌNH MÊ HOẶC
Đông Sơn [Lương Giới] là con trai yêu quí của mẹ sư. Anh sư đã mất, người em trai thì nghèo, cha cũng đã qua đời. Nhưng khi thích cửa không, sư liền từ giã mẹ già, thề không ngộ Đạo không trở về quê gặp lại người thân. Sư ra đi với quyết tâm như thế.
Cuối cùng, Động Sơn đã hoàn tất thành công việc tham học. Mẹ sư, vì xa con, không ai trợ giúp, ngày nào cũng tìm sư; cuối cùng gặp một ông tăng hành cước. Khi nghe con trai đang ở đâu, bà muốn đi gặp con, nhưng Động Sơn từ chối -- sư đóng cửa không cho bà vào bởi vì sư không muốn gặp bà. Vì vậy, cuối cùng bà đã chết vì buồn rầu bên ngoài phòng con.
Sau khi mẹ chết, Động Sơn ra lấy cơm bà mang theo trộn với cháo buổi sáng của chúng tăng làm vật dâng cúng trong tang lễ. Trước đó đã lâu, mẹ sư đã hiện đến nói với sư trong một giấc mộng, “Bởi vì con kiên tâm không gặp mẹ, tình cảm mê hoặc ràng buộc đã chấm dứt tại chỗ này; nhờ hạnh lực, mẹ đã được sinh ở cõi trời tự tại.”
(Truyền Quang Lục)
303. LƯỚI TÌNH THẾ GIAN KHÔNG CÓ NGÀY DỨT
Sau khi thọ giới đầy đủ, sư [Triệu Châu] nghe bổn sư đã dời đến viện Hổ Thông ở phía tây Tào châu, vì vậy sư về đó lễ bái. Nhân dịp sư về, bổn sư của sư gửi tin về nhà nói, “Người con của gia đình thí chủ đi hành cước đã trở về.” Những người trong gia đình hết sức sung sướng, định hôm sau đến thăm. Triệu Châu nghe vậy bèn nói, “Lưới tình trần tục không có ngày dứt. Tôi đã khước từ và xuất gia. Tôi không muốn gặp họ lần thứ hai.” Đêm đó sư thu gói hành trang ra đi.
(Triệu Châu Ngữ Lục)
304. GỌI TRÂU ĐI TẮM
Khi Nam Tuyền tắm xong trở về phòng, thấy ông tăng lo việc phòng tắm đang nhóm lửa, bèn hỏi:
- Ông làm gì vậy?
Ông tăng đáp:
- Con đang nhóm lửa.
Nam Tuyền nói:
- Chớ quên gọi trâu đến tắm.
Ông tăng đồng ý.
Chiều hôm sau, ông tăng đến phòng Nam Tuyền, Nam Tuyền hỏi:
- Ông làm gì đó?
Ông tăng đáp:
- Gọi trâu đi tắm.
Nam Tuyền hỏi:
- Có mang dây thừng đến không?
Ông tăng không đáp được.
Khi Triệu Châu đến gặp Nam Tuyền, Nam Tuyền kể lại chuyện đã xảy ra.
Triệu Châu nói:
- Con có điều muốn nói.
Nam Tuyền hỏi:
- Vậy à, có mang thừng theo không?
Triệu Châu bước đến nắm mũi Nam Tuyền lôi vào phòng tắm.
Nam Tuyền nói:
- Được rồi! Được rồi! Đồ súc sinh!
(Triệu Châu Ngữ Lục)
Khi Vân Môn đến ngôi làng ở chân núi Tuyết Phong, sư gặp một ông tăng, bèn hỏi:
- Hôm nay thượng toạ có lên núi chăng?
Ông tăng đáp:
- Có.
Vân Môn nói:
- Tôi nhờ thượng toạ hỏi hòa thượng Tuyết Phong một câu, nhưng chớ nói đây là lời của người khác!
Ông tăng đồng ý và Vân Môn nói tiếp:
- Đến chùa rồi, khi thượng tọa thấy hòa thượng ngồi trên tòa cao trong pháp đường thuyết pháp. Ngay lúc tăng chúng tụ tập, thượng tọa hãy lập tức bước tới nói: “Này, ông già, tại sao không gỡ cái gông sắt trên cổ xuống đi?”
Ông tăng làm đúng theo lời chỉ dẫn của Vân Môn. Khi Tuyết Phong nghe ông tăng nói như thế, liền xuống tòa, thộp ngực ông tăng, bảo:
- Nói, nói, Nhanh lên!
Ông tăng không đáp được, Tuyết Phong buông ông ta ra, nói:
- Đây chẳng phải lời của ông.
Ông tăng khăn khăn nói là phải. Nhưng Tuyết Phong bảo:
- Thị giả, hãy mang thừng gậy ra đây.
Ông tăng thừa nhận:
- Đấy chẳng phải lời con, là lời của một thượng toạ từ Chiết trung đến, đang ở dưới làng. Ông ta dạy con đến nói với hòa thượng như thế.
Tuyết Phong bảo:
- Các ông trong hội, hãy xuống làng đón bậc thiện tri thức của năm trăm người!
Hôm sau Vân Môn lên núi. Vừa thấy sư, Tuyết Phong liền hỏi:
- Nhân đâu đến được chỗ ấy?
Vân Môn bèn cúi đầu. Từ đó họ khế hợp nhau như hai mảnh ngọc hợp.
(Vân Môn Ngữ Lục)
306. MẶC ÁO ĂN CƠM
Vân Môn hỏi Tào Sơn:
- Thế nào là phận sự của nạp tăng?
Tào Sơn đáp:
- Ăn cơm ruộng chùa.
Vân Môn nói:
- Nếu chỉ có thế thì thế nào?
Tào Sơn đáp:
- Ông ăn được không?
Vân Môn nói:
- Con ăn được.
Tào Sơn hỏi:
- Ông làm sao ăn?
Vân Môn đáp:
- Mặc áo ăn cơm có gì là khó?
Tào Sơn nói:
- Sao ông không nói ông đang mang da mọc sừng?
Vân Môn lễ bái.
(Vân Môn Ngữ Lục)
307. AI LÀ KẺ KHÔNG CÙNG MUÔN PHÁP LÀM BẠN
Vào đầu niên hiệu Trinh Nguyên [785-804] đời nhà Đường, Bàng cư sĩ tham kiến Thiền sư Thạch Đầu, hỏi:
- Ai là kẻ không cùng muôn pháp làm bạn?
Thạch Đầu lấy tay bịt miệng cư sĩ. Cư sĩ liền lãnh hội!
Một hôm Thạch Đầu hỏi:
- Từ khi ông gặp tôi đến nay, chuyện hằng ngày của ông thế nào?
Cư sĩ đáp:
- Khi hòa thượng hỏi con chuyện hằng ngày, con thực chẳng thể mở miệng được.
Thạch Đầu nói:
- Chỉ vì biết ông như thế nên tôi mới hỏi.
Vì vậy cư sĩ trình bài kệ sau đây:
Hằng ngày chẳng việc khác,
Chỉ tôi tự hòa hài.
Mỗi mỗi không nắm bỏ
Chỗ chỗ chẳng trái ngăn.
Đỏ tía nào ai phân?
Đồi núi sạch bụi trần.
Gánh nước là diệu dụng,
Bổ củi ấy thần thông.
Thạch Đầu chuẩn nhận rồi hỏi:
- Ông sẽ mặc áo thâm hay tiếp tục mặc áo trắng?
Cư sĩ đáp:
- Con muốn theo sở thích.
Do đó, cư sĩ không cạo tóc hay nhuộm quần áo.
Sau đó, cư sĩ đến Giang tây tham kiến Thiền sư Mã Tổ. Cư sĩ cũng hỏi Mã Tổ cùng một câu hỏi đã hỏi Thạch Đầu:
- Ai là kẻ không cùng muôn pháp làm bạn?
Mã Tổ đáp:
- Đợi khi nào ông một hớp uống hết nước Giang tây, tôi sẽ nói ông biết.
Ngay câu nói này, cư sĩ bỗng nhận ra được huyền chỉ và trình bài kệ trong đó có câu: “Tâm không: thi đậu về.”
Cư sĩ ở lại hai để năm tu học với Mã Tổ.
Một hôm, cư sĩ hỏi Mã Tổ:
- Một người không mờ bản tánh xin hoà thượng nhìn lên.
Mã Tổ bèn nhìn thẳng xuống.
Cư sĩ nói:
- Hòa thượng một mình chơi đàn cầm hay lắm.
Mã Tổ liền nhìn thẳng lên.
Cư sĩ lễ bái. Mã Tổ trở về phương trượng.
Lúc ấy cư sĩ nói:
- Giờ đây lúng túng làm tài khôn.
Hôm khác, cư sĩ hỏi Mã Tổ:
- Nước chẳng gân xương sao đỡ được thuyền vạn hộc ?
Mã Tổ đáp:
- Ở đây nước thuyền còn chẳng có, nói chi đến gân xương?
(Bàng Cư Sĩ Ngữ Lục)
Bàng cư sĩ đến viếng Thiền sư Dược Sơn. Dược Sơn hỏi:
- Ông đưa cái này vào Nhất thừa được chăng?
Cư sĩ nói:
- Mỗi ngày tôi chỉ kiếm ăn chẳng làm gì khác, làm sao biết có đưa được cùng không vào Nhất thừa?
Dược Sơn lại hỏi:
- Tôi nói ông chưa từng thấy Thạch Đầu có đúng chăng?
Cư sĩ đáp:
- Nắm một buông một chẳng phải là tay lão thông.
Dược Sơn nói:
- Trụ trì nhiều việc.
- Hãy trân trọng.
Cư sĩ nói và đi ra.
Dược Sơn nói:
- Nắm một buông một chính là tay lão thông.
Cư sĩ nói:
- Câu hỏi Nhất thừa đã mất.
Dược Sơn đồng ý:
- Phải, phải.
(Bàng Cư Sĩ Ngữ Lục)
309. CƯ SĨ CÓ ĐÂY KHÔNG?
Một hôm Thiền sư Đan Hà Thiên Nhiên đến viếng Bàng cư sĩ. Vừa đến cổng, thấy con gái cư sĩ, Linh Chiếu, đang cầm rổ rau, Đan Hà hỏi:
- Cư sĩ có đây không?
Linh Chiếu để rổ rau xuống đất, lễ phép chắp tay đứng im.
Đan Hà lại hỏi:
- Cư sĩ có đây không?
Linh Chiếu nhặt rổ rau lên, bỏ đi. Đan Hà ra về.
Lát sau, cư sĩ trở về, Linh Chiếu kể cha nghe câu chuyện. Cư sĩ hỏi:
- Đan Hà có đây không?
Linh Chiếu đáp:
- Ông ta đi rồi.
Cư sĩ nói:
- Đất đỏ sơn bằng sữa.
Sau đó, Đan Hà trở lại, mặc dù cư sĩ thấy sư đến nhưng chẳng đứng dậy cũng chẳng nói gì. Đan Hà dựng phất tử lên, cư sĩ dựng chày gỗ lên.
Đan Hà hỏi:
- Chỉ thế thôi hay còn gì khác?
Cư sĩ quan sát:
- Gặp thầy lần này chẳng giống gặp thầy lần trước.
Đan Hà nói:
- Cứ tiếp tục hạ danh dự tôi đi, tùy thích.
Cư sĩ nói:
- Lúc nãy thầy nhận một gậy rồi.
Đan Hà nói:
- Thế à? Rồi ông muốn bảo Thiên Nhiên này miệng câm.
Cư sĩ nói:
- Thầy câm là do bản tánh, bây giờ thầy lại đem cái câm làm khổ tôi.
Đan Hà hạ phất tử xuống, ra về.
Cư sĩ gọi:
- Xà lê Nhiên! Xà lê Nhiên!
Nhưng Đan Hà chẳng nhìn lại.
Cư sĩ nói:
- Y không những đã câm mà còn điếc nữa.
Hôm khác, Đan Hà lại đến viếng cư sĩ. Vừa đến cổng là họ gặp nhau.
Đan Hà hỏi:
- Cư sĩ có đây chăng?
Cư sĩ đáp:
- Người đói chẳng chọn thức ăn.
Đan Hà lại hỏi:
- Lão Bàng có đây chăng?
Cư sĩ kêu, “Hư! Hư!” rồi vào nhà. Đan Hà cũng kêu, “Hư! Hư!” rồi ra về.
(Bàng Cư Sĩ Ngữ Lục)
310. MỘT CÂU SAU CÙNG CHẲNG AI NÓ ĐƯỢC
Một hôm Đan Hà hỏi Bàng cư sĩ:
- Gặp nhau hôm nay so với hôm qua thế nào?
Cư sĩ đáp:
- Hãy chỉ tôi xem việc hôm qua thế nào, hãy chứng minh con mắt Thiền của thầy.
Đan Hà đáp:
- Con mắt Thiền, nó có thể để ông vào chăng, ông Bàng?
Cư sĩ nói:
- Tôi ở trong con mắt của thầy.
Đan Hà nói:
- Con mắt tôi hẹp. Làm sao có chỗ để thân ông vào?
Cư sĩ đáp:
- Con mắt này sao hẹp! Thân này sao để vào!
Đan Hà bèn thôi.
Cư sĩ nói:
- Nếu thầy nói một câu nữa thôi, chuyện này có thể thành toàn.
Đan Hà không đáp.
Cư sĩ nói:
- Chỉ câu tối hậu này thôi, chẳng ai nói được.
(Bàng Cư Sĩ Ngữ Lục)