Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

[171 - 180]

13/02/201217:42(Xem: 6664)
[171 - 180]

DẠO BƯỚC VƯỜN THIỀN

(333 Câu Chuyện Thiền)

Đỗ Đình Đồng góp nhặt

 

171. ÔNG CÓ CÔ CON GÁI KHÁ SẮC SẢO ĐẤY

Một trong những nữ đệ tử nhiều màu sắc của Thiền sư Bạch Ẩn là Satsu. Tuổi lập gia đình của các cô gái thường là khoản mười sáu, mười bảy, nhưng Satsu gặp phiền não trong việc thu hút các chàng trai theo đuổi bởi vì cô xấu xí. Cha mẹ cô đã dạy cô cầu nguyện Bồ Tát Quan Âm để gặp được chàng trai thích hợp. Một hôm cha cô sững sốt vì thấy cô đang ngồi trên một cuốn kinh Quan Âm. Ông phẫn nộ hét lên:

- Mi làm gì mà ngồi trên cuốn thánh thư đó?

Satsu tỉnh bơ đáp:

-Việc gì thế ? Có gì khác nhau giữa cái mông và cuốn kinh?

Không nói thêm tiếng nào, người cha liền đến Thiền sư Bạch Ẩn tham hỏi ý kiến. Sư mỉm cười nói:

- Ông có cô con gái khắc sắc sảo đấy. Hãy đem bài kệ của tôi về cho cô ta làm công án:

Trong bóng tối ban đêm

Nếu nghe được tiếng con quạ không kêu,

Tương lai vô sinh

Và con có thể hiểu được tình cha thương yêu.

Khi đọc bài kệ, hầu như Satsu không có ấn tượng gì, “Đó có gì hay đâu ? Bạch Ẩn đâu có hay hơn con tí nào!”

Satsu trở thành đệ tử của Bạch Ẩn, nhưng cô ta thật là rắc rối. Một lần trong lúc độc tham cô yêu cầu Bạch Ẩn giải thích chỗ khó. Ngay khi sư vừa bắt đầu nói, Satsu cắt ngang, “Cảm ơn thầy,” rồi bỏ đi, để sư ngồi há hốc mồm.

Satsu phản đối các đám hỏi cưới cô, nhưng khoản năm cô hăm ba tuổi, Bạch Ẩn bảo, “Con hiểu rõ Thiền nhưng con cần phải đưa nó vào thực hành. Đối với con tốt hơn hết là nên lấy chồng, hành động phù hợp với luật âm dương tự nhiên. Tinh thần và thể xác, giác ngộ và hiện thực phải hòa hợp với thực tế cuộc sống hằng ngày.”

Satsu theo lời thầy khuyên, lấy chồng. Sau này khi một trong những đứa cháu thương yêu chết, bà khóc nước mắt như suối, một người hàng xóm vô tình nói, “Tôi nghe bà đã ngộ và được Thiền sư Bạch Ẩn ấn chứng, tại sao bà lại còn đa mang như vậy?”

“Đồ ngu!” bà mắng trả. “Nước mắt của ta tưởng nhớ còn nhiều hơn cả trăm hòa thượng tụng niệm bi thương. Nước mắt này tưởng niệm tất cả những trẻ em đã chết. Đây chính là cảm xúc của ta trong giây phút này.”

(Phật Giáo và Tính Dục)

172. ĐAM MÊ VÀ GIẢI THOÁT

Môn “Vũ Điệu Thiền Tăng” của người Triều Tiên bắt nguồn từ câu chuyện tình như vầy:

Chini là kisaeng (kỹ nữ) đẹp nhất đương thời. Cô ta tự tin rằng không một nam nhân nào có thể cưỡng lại cô ta được, và khi cô ta nghe nói rằng có một Thiền tăng thánh thiện đã sống ba mươi năm trong núi sâu, cô ta bèn tìm cách cám dỗ ông tăng. Chini được chấp nhận làm đệ tử, nhưng ông tăng, Chijok, luôn luôn đề phòng. Ông ta đã cưỡng lại được sự cám dỗ, cho đến một ngày hè trời mưa khi Chini nhảy ra sân và bắt đầu vũ dưới mưa. Sau khi nhảy múa đến lúc xuất thần, Chini đi vào am, cởi bỏ quần áo, ôm lấy Chijok bấy giờ đã hăng say, và hai người trở thành một. Chijok đã trở về với thế gian sau kinh nghiệm này, và người ta thường thấy Chijok nhảy múa hạnh phúc trên đường phố. Khi có người hỏi ba mươi năm ở núi thích thú thế nào, Chijok đáp: “Tuyệt diệu!” Nếu có ai hỏi: “Tại sao ông trở lại thế gian?” Chijok trả lời: “Chini đã cứu tôi khỏi mục rã trong núi sâu.” Một điệu vũ đặt căn bản trên biểu diễn trữ tình của Chijok mang tên là “Đam Mê,” một điệu khác đặt căn bản trên những bước lãng mạn của Chini gọi là “Giải Thoát.”

(Phật Giáo và Tính Dục)

173. THỂ HIỆN CÁI DỤNG CỦA PHẬT TÁNH

Trong một bản văn được qui cho là của Bồ-đề-đạt-ma, Đại Tổ sư Thiền Tông, có chỗ nhấn mạnh rằng: “Cư sĩ cũng như tăng ni tất cả vốn là Phật, hễ ai thấy tánh thì thành Phật.” Một tu sĩ Phật giáo khổ hạnh đã phản đối: “Cư sĩ vẫn còn vướng vào tính dục, làm sao họ thành Phật được?” Bồ-đề-đạt-ma kháng biện rằng: “Một người khi thấy tánh thì sẽ nhận ra rằng bản tánh của đam mê tính dục là không, và người đó không còn vui thích trong đó như là khoái lạc thể xác thuần tuý nữa. Tuy nhiên, dù cho người ta còn đắm mình trong tính dục, thì đó cũng là thể hiện cái dụng của Phật tánh, tự do không ràng buộc.”

Người ta có thể hỏi tiếp rằng: “Nếu Phật có thể là cái ‘que cứt khô’ như trong một công án lừng danh nọ [công án ‘Càn Thỉ Quyết’ của Thiền sư Vân Môn trong Vô Môn Quan], tại sao người ta không thể ‘cường dương’ hay ‘thịnh âm’?” (Câu đáp khả hữu là: “Nếu ông có thể ôm trong vòng tay mình một nữ thần tình ái mà ông vẫn có thể thiền định được, thì điều đó áp dụng cho ông; nếu không, ông phải tu pháp môn tự kìm chế.”)

(Phật Giáo và Tính Dục)

174. BÀI HỌC TỪ BI

Ở Nhật Bản thời trung cổ trong một ngôi chùa nọ có một vị lão sư, vì tư cách trong sạch phi thường và lòng từ bi vô hạn đã được vị trụ trì bổ nhiệm coi sóc khoảng năm trăm tăng nhân. Kế bên chùa là một kỹ viện chứa geisha (kỹ nữ) nổi tiếng vì các cô gái đẹp. . .

O-san, một trong những geisha thuộc kỹ viện gần chùa, cần một món tiền lớn để trả chi phí giải phẫu y học nghiêm trọng cho người mẹ già của cô. Là một geisha đẹp và có tài, cô có nhiều khách quen. Cô đã đến từng người để vay, nhưng cô bị hết người này đến người khác từ chối, vì các món nợ của cô đối với họ đã cao. Cô đã quá tuyệt vọng khi một thương gia giàu có bước vào kỹ viện--một người được biết đến vì tính biển lận cũng nhiều như tính thích rượu sake. Hy vọng rằng loại rượu thuốc này sẽ nới lỏng trái tim và sợi dây buộc miệng túi của ông ta, cô rót hết ly này rồi lại ly khác cho ông ta, chờ đúng lúc sẽ đưa lời cầu thỉnh. Đến khi ông bắt đầu choáng váng và hành động có tình cảm.

“Tất cả những gì em cần là vay một món tiền,” cô khẩn khoản, sau khi kể cho ông ta nghe tình cảnh khó khăn của mẹ và phí khoản giải phẫu tốn kém như thế nào. “Em sẽ trả, hãy tin em đi.”

Ông ta im lặng hồi lâu, làm như buồn ngủ. Rồi ông ta ngẩng đầu lên nói:

- Anh sẽ không cho em vay, anh sẽ cho em tiền—nhưng với một điều kiện.

- Em sẽ làm bất cứ điều gì anh bảo.

- Có chắc không đó?

- Chắc chứ.

- Được rồi. Em biết cái ông lão sư ở chùa gần đây--một kẻ không uống rượu, không hút thuốc, không liên hệ với đàn bà--anh ghét lão ta và tính trung trực của lão.

- Ông ta có quan hệ gì đến em đâu?

- Này: Nếu em có thể quyến rũ được lão ta, anh sẽ cho em món tiền em cần cho mẹ em giải phẫu.

Mặt cô gái tối sầm lại:

- Mọi người đều biết ông ta đạo đức thanh cao, cá tánh cương trực. Em không bao giờ có thể thành công đâu. Em không muốn, chuyện ấy chẳng phải.

- Thế thì em sẽ không được tiền của anh đâu.

O-san thống khổ vì tình cảnh của mình. Cô đã thử tìm những chỗ khác, nhưng vô ích. Đây là cơ hội cuối cùng của cô. Phí khoản cao ghê gớm, nhưng cô suy nghĩ, “Không có cuộc giải phẫu này mẹ chắc sẽ chết. Mình hết đường chọn lựa. Mình phải chịu các điều khoản của ông ta.”

Vì thế hôm sau cô tìm cách vào chùa. Cơn mưa phùn lạnh lẽo đang rơi thật phù hơp với kế hoạch cô vạch sẵn. — đầu kia của sân chùa cô tìm được cái am nhỏ của vị lão sư. Bấy giờ áo cô ướt mẹp, tóc cô rối bù. Cô gõ cửa và khi vị lão sư mở cửa, cô nói, “Xin hãy tha thứ tôi đang quấy rầy thầy. Tôi bị lạc đường và lạnh. Thầy có rộng lòng từ bi cho phép tôi vào tắm một chút cho ấm không?”

“Vào đi,” vị lão sư nói chỉ phòng tắm cho cô. Sau khi tắm xong, cô trở lại trong chiếc ki-mô-nô cổ hở. Cô tiến hành dùng đủ mánh lới của đàn bà cố cám dỗ vị lão sư--nhưng vô ích.

Cuối cùng cô quị xuống khóc và kể rõ tất cả câu chuyện cay đắng cho lão sư nghe. “Hãy tin con đi,” cô nức nở, “Con không muốn làm chuyện này. Con biết thầy thanh danh không tỳ vết và phụ trách hàng trăm tăng chúng. Nhưng con đã tuyệt vọng. Xin hãy tha thứ cho con, con sẽ đi bây giờ.” Và cô ta bắt đầu đi.

“Khoan,” sư bảo cô. “Vì cách duy nhất để cô có tiền cho mẹ cô giải phẫu là chúng ta phải ngủ với nhau, cô có thể ở lại đây suốt đêm.”

Chỉ trong vài ngày là tiếng đồn lan ra khắp chùa rằng cô geisha O-san xinh đẹp đã sống một đêm với vị lão sư trong phòng riêng của ông. Kinh ngạc, vị trụ trì cho gọi vị lão sư và muốn biết tin đồn có đúng không.

- Dạ, đúng vậy.

- “Cái gì!” vị trụ trì không tin kêu lên.” Một người như ông làm sao có thể làm chuyện như thế? Ông không nhận thức được chuyện này ảnh hưởng đến những ông tăng trẻ tuổi dưới quyền ông sao? Ở đây ông hết dùng được rồi. Ông phải đi.”

- Nếu đó là cảm nghĩ của hoà thượng, tôi sẽ đi.

Vị lão sư không nói gì thêm và ra đi.

Khi tăng chúng biết vị lão sư bị bãi chức đuổi đi, họ đến gặp vị trụ trì đòi ông phục chức lại cho vị lão sư. Vị trụ trì hỏi:

-Tại sao? Các ông có biết là ông ta đã làm gì không?

- Dạ biết.

- Không những hành vi của ông ta không tốt, tệ hơn nữa ông ta còn tỏ ra không hối cải. Tại sao ông ta được phép trở lại?

Tăng chúng đáp:

- Bởi vì lão sư đã dạy cho chúng tôi một bài học giá trị về lòng từ bi.

Nếu hòa thượng không phục hồi ông ta, chúng tôi sẽ đi.

Vì thế vị trụ trì bớt nghiêm khắc và triệu hồi vị lão sư.

(Thiền: Đông Tây Hợp Lưu)

175. HOA SEN ĐÊM

Philip Kapleau, một Thiền sư người Mỹ đã đến Nhật học Thiền mười ba năm và đã được Thiền sư Bạch Vân ấn khả, đã kể lại câu chuyện kinh nghiệm của chính mình như sau:

Một hôm vào tháng hai, sau khi tôi đã ở tại chùa ba tháng, lão sư bảo tôi, “Ngày mai anh có thể cùng chúng tôi đi thác bát [khất thực].”

Đây là lần thác bát đầu tiên của tôi và tôi nhiệt tình hướng tới nó như là chiều hướng mới trong sự tu luyện của tôi, dù cho nó có nghĩa là đi bộ mấy giờ liền qua băng tuyết với đôi đép rơm và quần áo mỏng manh của tăng nhân.

- Ngày mai chúng ta sẽ thác bát ở đâu, lão sư?

- Đến làng bên cạnh. Sau khi thác bát chúng ta sẽ có một lễ truy niệm trong một khu vườn.

- Vườn loại gì?

- Vườn hoa sen đêm.

- Nhưng. . .

- Đừng hỏi nữa, Kapleau-san. Anh sẽ thấy, anh sẽ thấy.

Ngày hôm sau một nhóm mười người chúng tôi đi thác bát, lão sư dẫn đầu. Khi chúng tôi tiến gần khu nhà lụp xụp của ngôi làng, vẫn xướng chữ ‘Pháp’, lão sư ra hiệu cho chúng tôi dừng lại trước một ngôi nhà tồi tàn. Ông bấm chuông và chúng tôi chờ ở hành lang. Chẳng bao lâu chúng tôi được một người đàn bà trông thô lỗ ra chào, dường như có vẻ ngạc nhiên khi thấy chúng tôi. Hiển nhiên, chúng tôi đã đến sớm hơn mong đợi, nhưng bà ta, giống như bất cứ một bà chủ nhà nào khác, không nhắc đến điều này mà chỉ xin lỗi vì cảnh tượng trong nhà. Lão sư cười và từ tốn nói, “Chúng tôi luôn luôn quá sớm hoặc quá trễ.” Bà ta bảo chúng tôi đi theo. Khi chúng tôi bước vào căn phòng lớn phía trước thì nhạc và tiếng cười đùa của những người đàn bà chỉ mặc áo nửa thân mình và những người đàn ông say mèm trên sàn nhà dừng lại, tựa hồ như cái máy cassette bỗng nhiên bị tắt.

“Đây là nhà thổ!” tôi vụt nói, không kịp giữ lại.

Hai người say tóc bù xù được dời qua phòng bên cạnh và hai cánh cửa đẩy đóng lại phía sau họ. Bà chủ vội chạy đi và chẳng bao lâu trởi lại với trà xanh và bánh ngọt. Chúng tôi ăn trong im lặng. Sau bữa ăn nhẹ này, chúng tôi ngồi quì gối chắp tay, xếp thành hàng theo kiểu người Nhật, cùng với bà chủ và các cô gái, trước bàn Phật của “gia đình.” Trên bàn thờ, kế bên đức Phật, rõ ràng là một số hình ảnh những thân nhân đã qua đời của các thành viên trong “gia đình.” Với vẻ chăm chú của một nhà khoa học đang khảo sát một chủng loại hiếm có, lão sư thắp một cây nhang cắm lên bên cạnh thức ăn và làm lễ vật để cúng phật trên bàn thờ. Trở lại vị trí đầu hàng, lão sư cất giọng tụng vài câu đầu tiên trong Bát Nhã Tâm Kinh, sau đó mọi người cùng tụng. Tôi liếc nhìn những người đàn bà. Thời gian đã rời khỏi khuôn mặt của họ. Bỗng nhiên họ là những cô gái bé nhỏ theo dự giáo lễ đầu tiên. Với sự ngây thơ trong trắng, họ tụng:

“Sắc tức là không, không tức là sắc. . .”

Sau khoảng mười lăm hay hai mươi phút tụng, thì xong lễ truy niệm.

Một lần nữa chúng tôi lại được đãi trà và bánh ngọt, lần này mọi người cười vui vẻ khi lão sư và các tăng nhân nói chuyện với bà chủ và các cô gái. Thay vì thức ăn như thường lệ, chúng tôi được tặng tiền, sau đó bà chủ cho xe đưa về chùa.

Vài tuần sau đó, lão sư đến phòng tôi và vui vẻ hỏi: “Thế nào anh có thích cùng đi với tôi đến nhà các geisha không? Ba mươi phút nữa hãy đến phòng tôi nếu anh muốn.”

Đây là lần đầu tiên lão sư xã giao mời tôi và dường như ông nhiệt tình muốn tôi cùng đi. Nhưng tại sao tới nhà geisha? Viếng nhà thổ là một phần của thác bát và gồm cả các tăng nhân ấy; sự mời này rõ ràng có một ý nghĩa khác. Có phải đây là một thứ trắc nghiệm Thiền? Tôi sẽ được trắc nghiệm như thế nào?

Tôi tự bảo, “Nếu mình đi, cùng lắm là uống nhiều sake, bia và có lẽ cả rượu mạnh nữa. Rượu, tôi đã có kinh nghiệm đau đớn, thì thật là tệ đối với dạ dày cũng như sự tu tập của tôi. Tôi đã tự hứa với lão sư là tôi bỏ rượu. Chuyện lão sư mời là sự dụ dỗ tôi đầu tiên theo hướng ấy. Có lẽ đây là một trắc nghiệm.

Tôi nhìn đồng hồ và đã gần hết ba mươi phút. Với cảm nghĩ lộn xộn, tôi thấy mình bước về phía phòng lão sư.

“Kapleau-san, tôi vui vì anh đi với tôi,” ông nói khi tôi bước vào. “Chiều nay sẽ vui lắm.”

Khi chúng tôi đến đó, vui vẻ chào nhau. Một cô geisha mặc y phục thanh nhã cùng đi với chúng tôi đến một cái bàn tròn thấp đặt trong một căn phòng giải trí lớn. Liền có ba cô geisha khác đến nhập bọn với chúng tôi. Một trong ba cô, trước tiên mang đến mấy chiếc khay đựng sake và bia. Những nỗ lực nồng nhiệt vừa phải của tôi chỉ thành công chút ít. Sau khi cố ngăn mà không thành công cô geisha rót cho tôi rượu whisky Suntory do một người trong những ông khách muốn tặng cho người Mỹ, bởi vì người Mỹ thích whisky trơn, tôi nhìn lão sư im lặng cầu cứu. Ông gặc đầu về phía sau cười rống lên, rồi một lần nữa quay về phía các cô geisha, đang bu quanh ông như một đám ong bên đóa hoa thơm, thưởng thức mật ngọt những lời bình phẩm khôn ngoan của ông.

Trong góc phòng, một chiếc cat-set đang vang lên những điệu nhạc nhảy Mỹ, rõ ràng là sự chào đón đầy tình cảm đối với một người khách nước ngoài. Để chào mừng đúng mực sự hiện diện của tôi, cô geisha đề nghị, thay vì biểu diễn các điệu vũ truyền thống Nhật bản, tất cả chúng tôi nhảy kiểu Tây phương. Lập tức chúng tôi lao vào nhảy lộn xộn các điệu foxtrot, waltz, tango và rhumba. Để kết chặt mối quan hệ Mỹ-Nhật chúng tôi chơi các bản “Swanee River”, “The Beer Barrel Polka,” theo sau là điệu nhớ nhà Kojo no tsuki (Trăng trên Lâu Đài) và “Silent Night.” Những bản nhạc Mỹ do tôi hát trước bằng tiếng Anh và rồi, thật đáng ngạc nhiên, lão sư và các geisha hát theo bằng tiếng Nhật.

Đêm về khuya, sàn nhảy trở nên đông đúc, và giữa các bài hát chúng tôi nhanh chóng trở thành quen với một nhóm ba thương gia người Nhật và cô geisha đi với họ. Một người rõ ràng là bạn của lão sư, đặc biệt thích tôi.

Anh ta càng lúc tỏ ra thân thiện và ồn ào hơn cho đến khi, giống như một con chó con bự có móng dính bùn, trở nên phiền toái. Khi ca hát và chè chén lên đến tột đỉnh, anh ta hơi thủ đoạn đưa tôi vào một căn phòng riêng cách hẳn phòng chính. Căn phòng trống trơn ngoại trừ một chiếc giường. Anh ta định làm gì?

Trước khi tôi có thể nghĩ ra ý anh ta muốn gì, một thiếu nữ trông thô, tô vẽ nặng nề khe khẽ bước vào, mỉm cười mời mọc tôi--không phải là geisha mà rõ ràng là một thành viên chuyên nghiệp của cái thế giới cũ kỹ nhất. Cô ta bắt đầu cởi quần áo. Ông “bạn” tôi nhào ra khỏi phòng, còn lại một mình tôi với cô gái.

Đây có phải là trắc nghiệm theo vở tuồng thứ lớp của lão sư không? tôi lấy làm lạ, “Tại sao ông không dụ tôi bằng một cô geisha đẹp mà lại là một cô gái điếm xấu xí? Đấy là trắc nghiệm thật rồi.” Khi những ý niệm này chạy qua tâm trí tôi, bỗng nhiên cô gái đẩy tôi lên giường và bắt đầu kéo quần áo tôi. Tôi đẩy cô ra. Cô rụt lại, trông đau đớn và lúng túng. Tôi nhìn chăm chăm cô qua đôi mắt ngà rượu của tôi. Tôi cảm thấy giống như một Thiền tăng trong công án người leo cây cao, răng cắn cành, tay chân không chỗ bám. Nếu mở miệng trả lời câu hỏi nghiêm trọng của người ở dưới đất, thì ông ta sẽ té xuống tan thân mất mạng. Nhưng nếu không trả lời thì phụ lòng người hỏi. Tôi tự bảo, “Nếu mình rơi vào tay cô ta, thì mình cũng rơi vào tay--cái bẫy--của lão sư. Nhưng nếu rút lui là mình lẩn tránh trắc nghiệm của ông ta.”

Tôi phải làm gì?

Nhưng vì sự tu luyện Thiền của tôi đã phát sinh trong tôi niềm tin nhỏ bé, theo lời dạy trong kinh Pháp Hoa, rằng một người gặp khổ nạn mà thành kính niệm danh hiệu Bồ Tát Quan Thế Âm thì sẽ được cứu. Nhưng bây giờ tôi thấy mình đã cầu đức Quan Âm cứu độ khỏi tai ương. Ngài ắt cảm biết lời kêu cứu của tôi là một trường hợp trắc nghiệm, nên liền đáp ứng. Sự cứu độ đến bằng sự hiện thân của ba ông tăng lực lưỡng từ chùa đến, trầm tĩnh nhưng nhanh nhẹn bước vào phòng, vẹt cô gái sang một bên, nắm lấy tôi. Một người giữ đầu và vai tôi, hai người kia nắm lấy chân tôi, mỗi người một chân. Giống như những người khiên quan tài, họ nâng bổng tôi một cách trân trọng qua phòng giải trí đến lối ra cửa và xuống cầu thang. Lão sư của tôi, có một đám geisha vui vẻ vây quanh, cười đến nỗi nước mắt chảy tràn xuống mặt.

Bên ngoài, một đám đông tụ tập đứng xem, vẻ mặt thụ động tựa hồ như đây là cảnh diễn ra hằng ngày. Các tăng nhân, tin tưởng thành công, mang đến cho tôi một chiếc xe đạp. Tôi im lặng đạp xe về chùa.

Trở về phòng, tôi xếp loại những câu hỏi lộn xộn trong tâm tôi. Làm sao mấy ông tăng đó biết được tình cảnh khó khăn của tôi? Có phải kế hoạch của lão sư đã bị trò khôi hài vụng về của người thương gia say rượu đó làm hỏng, bắt buộc ông phải gửi mệnh lệnh cấp cứu tới mấy ông tăng, hay người thương gia đã đóng vai trò được giao phó? Có thể nào mấy ông tăng đó, có khả năng thần giao cách cảm, đã nhận được những tín hiệu phiền não của tôi? Hay là vị trụ trì, biết được cái giờ thứ mười một trong trò chơi khăm của lão sư, đã phái mấy ông tăng đó đến cứu tôi? Cuối cùng có lẽ sự cứu nạn có tính cách lăng nhục tôi khỏi sự vò siết là kết quả cố ý của một tấn kịch?

Câu hỏi sau đây gậm nhấm tôi nhiều hơn bất cứ câu nào khác: Vị trụ trì đã đóng vai trò gì, nếu có, trong vở kịch Thiền này? Mặc dù tuổi đã tám mươi, ông ta vẫn còn rất hoạt động và rất có trách nhiệm. Hay lão sư, người đã biết vị trụ trì thích cá nhân tôi, dám đem tôi đến nhà geisha mà không cho vị trụ trì biết và ưng thuận? Hình như không phải vậy. Và tại sao vị trụ trì, người không bao giờ đụng đến rượu trừ một vài hớp nhỏ sake trong ngày lễ ở chùa, chấp thuận cho tôi viếng nhà geisha, nơi mà ông biết có rất nhiều rượu và trò vui, trừ phi là để trắc nghiệm tôi.

Sau khi nghe câu chuyện, có người hỏi:

- Tại sao lão sư [Philip Kapleau] lúc ấy không ngủ với cô ta?

- Bởi vì lúc đó tôi chưa học được đạo lý nền tảng.

Rồi một người khác hỏi:

-Dù cho lão sư đã biết rằng đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết, lão sư có thể thật sự trở thành một với cô gái điếm ấy chỉ bằng cách ngủ với cô ta?

- Nếu tâm linh tôi lúc đó đã phát triển cao hơn thì có thể tôi đã có những quan hệ với cô ta, không lợi dụng hay dè biểu cô ta, mà đã trở thành một với cô ta và vượt qua hành động tình dục. Nhưng vì là một người mới bắt đầu học Thiền, tôi đã vấp phải lỗi lầm chết người, tách rời mình bằng cách phán định--tức là khinh bỉ-- cô ta. Kết quả, tôi đã cố chấp, không phải vào bản tánh chân thật, cao quí mà vào bản chất không thật, thô lậu của cô ta. Bằng cách từ chối sự tiến tới trước của cô ta, tôi đã phủ nhận tính trong sạch, cao cả của một con người mà bất chợt là một cô gái giang hồ, và khi làm như vậy tôi đã làm ô uế cả hai chúng tôi.

Đối với tôi, cô ta không có gì khác hơn một cô gái điếm xấu xí. Đối với lão sư, cô ta là một đóa sen đêm. Trong Phật giáo, hoa sen tượng trưng cho Chân Tâm, chỉ vì nó mọc lên từ bùn và nở ra đóa hoa yêu kiều, Chân Tâm của chúng ta cũng vậy, không bị vô minh và phiền não khuấy động làm ô nhiễm, tiết lộ sự thanh tịnh, cái đẹp trong giác ngộ.

(Thiền: Đông Tây Hợp Lưu)

176. ĐÔI KHI CON NGHĨ KINH NGHIỆM TÌNH DỤC CÒN THỰC HƠN KIẾN TÁNH

Lão sư [Kapleau] thân mến, từ khi gặp thầy đến nay đã lâu nên con nghĩ nên viết thư cho thầy. Bất chợt con cho rằng dù con là một trong những đệ tử của thầy trong một thời gian, thực ra thầy không biết gì nhiều về con, vậy hãy cho con nói về con một chút.

Con sinh ở Chicago vào năm 1944, có một người anh lớn hơn con một tuổi nhưng chẳng bao giờ gần gũi nhau. Con đã tốt nghiệp ở một trường đại học với bằng cử nhân giáo dục, và hiện tại con là một giáo viên tiểu học.

Con cảm thấy rằng con chịu nhiều đau khổ trong đời sống và chính những đau khổ này dẫn con đến với Thiền. Con đã có nhiều khái niệm sai lầm về ngộ và đã đi tìm ngộ như là một phương tiện để vơi bớt nỗi đau đớn này.

Con chỉ tham công án Vô [Mu của Triệu Châu] trong hai tháng thì được tỉnh ngộ. Trong sáu tháng đầu con nhập định, và trong khóa nhiếp tâm bốn ngày con đã đạt đến tột đỉnh. Từ đó con bắt đầu dần dần nhận ra rằng cái tỉnh ngộ nông cạn ấy không phải là câu trả lời cho sự đau khổ của cuộc đời.

Con sẽ luôn luôn tọa thiền, nhưng con phải biết cái gì nằm bên kia mà một người thâm ngộ kinh nghiệm. Con nhận ra rằng tham công án là có giá trị, nhưng con cũng thấy rằng một người không tham công án cũng được tự do y như người tham công án.

Con vẫn còn nhiều dục vọng, nhiều hy vọng và tình cảm. Lời bình của thầy về công án “Đầu sào tiến bước” rất hữu ích đối với con, vì trong đó thầy nhắc đến một người ngộ cao không có dục vọng, hy vọng, tham vọng, vì người ấy hoàn thỏa mãn với đời sống của mình, dù tốt hay xấu, vẫn nhận lấy niềm vui hay nỗi khổ của cuộc đời với lòng an nhiên và bình thản. Lúc ấy con nhận thấy rằng nếu con chỉ chấp nhận cuộc đời y như nó như vậy và ngừng chứa chấp mọi hy vọng, dục vọng, vân vân. . . đời con sẽ trở nên yên tĩnh hơn. Sau bài thuyết pháp [teisho: đề xướng] ấy, một cách có ý thức, con áp dụng quan niệm này trong đời sống hàng ngày của con. Việc ấy giống như là con giải đáp một công án. Nó giúp con nhiều đến độ con ngạc nhiên thấy rằng mình có thể khiến nó hữu hiệu bằng cách suy nghĩ có ý thức về nó. Trước đây con nghĩ rằng tham công án liên tiếp là vô ích bởi vì một người, một cách có ý thức, phải suy nghĩ về các công án và những bài học của chúng để rút lấy lợi ích từ đó là hoàn toàn không tự nhiên. Và bây giờ con thấy rằng điều này chẳng tự nhiên gì cả.

Con muốn ngộ bởi vì con muốn biết ý nghĩa cuộc đời. Con phải thú nhận rằng con vẫn chưa biết. Đôi khi cuộc sống này dường như vô tận. Mặc dù con đã được tự do ở một mức nào đó đối với thân con, con không chịu đựng được ý nghĩ mình trở nên già.

Một kinh nghiệm duy nhất đã ảnh hưởng con sâu xa như kiến tánh, đó là kinh nghiệm tình dục đầu tiên, năm con hai mươi tuổi. Đôi khi con trở nên lẫn lộn bởi vì con bắt đầu suy nghĩ rằng kinh nghiệm tình dục đối với con còn thực và quan trọng hơn là kinh nghiệm kiến tánh. Con biết rằng cuối cùng con sẽ khám phá ra rằng điều này không đúng, nhưng ham muốn xác thịt vẫn bám chặt con đến nỗi con không thể không so sánh kinh nghiệm tình dục và ngộ và nghĩ rằng kinh nghiệm tình dục còn vén mở sự thật vĩ đại hơn là ngộ. Thầy phải nghĩ rằng con đang mất niềm tin nơi pháp và con sẽ lạc mất trong sự theo đuổi khoái lạc trần gian. Con hiện đang đầy những câu hỏi cần phải được trả lời, dù cho con biết rằng theo thời gian con sẽ tìm ra câu đáp.

Làm sao con có thể nói lên được lòng biết ơn của con? Dù nói gì cũng không hết những gì con cảm thấy. Con biết rằng thầy không đòi hỏi gì nơi các đệ tử ngoại trừ sự giác ngộ viên mãn và con sẽ tiếp tục ngồi hàng ngày suốt đời con.

Lão sư, xin hãy tự chăm sóc lấy mình trong những tháng đông dài này.

Thâm tạ ân Thầy,

Joan

Sau đây là thư đáp của Lão sư Philip Kapleau:

Joan thân mến, cảm ơn con đã viết thư. Thầy luôn luôn vui khi được nghe tin từ các môn sinh của thầy, nhất là những người sống xa thành phố, ít có cơ hội đến Trung Tâm [Zen Center in Rochester, New York].

Joan, con nói về đau khổ. Ngày xưa có một người đàn bà hầu như hóa điên, sầu não vì đứa con sơ sinh mới chết, đã đến với đức Phật. Đặt đứa bé dưới chân Ngài, bà cầu xin Ngài hoàn trả sự sống lại cho đứa bé. Sau khi kiên nhẫn lắng nghe, đức Phật bảo bà xuống phố mang về một hạt cải từ một ngôi nhà nào trong đó không có sự chết xảy ra. Người đàn bà ấy đi hết nhà nọ sang nhà kia, khắp cả thành phố mà không có nhà nào không có sự chết đến viếng. Nhận ra rằng cái chết đến với tất cả mọi người, cuối cùng bà ta chấp nhận số mệnh của con bà.

Có ai không đau khổ? Có phải rằng chính đau khổ và ước vọng khắc phục nó đưa con người đến với Thiền và các truyền thống tâm linh khác?

Mặc dù các môn đệ của thầy nghe thầy lặp lại nhiều lần rằng một cái ngộ cạn chỉ là cái thoáng thấy chân tánh của sự vật, tuy nhiên họ thấy khó chấp nhận điều này. Kinh nghiệm kiến tánh đầu tiên có thể so sánh với ánh sáng của một cây nến trong một cái động mênh mông ngầm dưới đất, toàn thể bóng tối không còn thắng thế, nhưng sự sáng tỏ vẫn còn mong manh. Làm ngộ phát triển sâu cũng giống như càng lúc càng thắp thêm nhiều cây nến, nhờ đó chiếu sáng cái động từng chi tiết.

Cảnh giới hiện tại của con không phải không giống cảnh giới của con mèo con vừa mới mở mắt trước thế giới; không còn chìm trong bóng tối nhưng chưa tự bảo vệ được. Tựa như con mèo con vẫn còn cần mẹ, con vẫn còn cần tiếp xúc với thầy. Nhưng ít nhất bây giờ con đã biết nhờ kinh nghiệm kiến tánh của con, ngộ không quét ai vào cực lạc vĩnh viễn và sự tu tập của con có thể không có ngộ nhận thông thường này. Nên thừa nhận rằng ngộ, dù cho có khiêm tốn, đang giải phóng con trên bước đường căn bản. Con có nhớ ngày trước con, thật là e thẹn và rụt rè, bỗng nhiên con đến trước thầy như một chiến sĩ. Quả thật có những loại ma cảnh cũng có thể phóng thích những kho năng lực không kìm chế được, nhưng những gì xảy đến với con chẳng phải là ma cảnh. Con có nhớ con đã đáp các câu hỏi trắc nghiệm của thầy nhanh và chắc biết bao? Con nói rằng trạng thái định lực cao độ đã kéo dài sáu tháng--một thời gian phi thường. Những gì con nói cho thấy rằng con đã có sự kiến tánh sâu hơn là con nhận thức, và nguyện vọng của con cũng sâu, vả chăng, vì con không thỏa mãn với cái đả thông tiên khởi này.

Hãy khẳng quyết rằng phía trước con đang có cái ngộ rộng và rõ ràng mà bây giờ con khó tưởng tượng được. Tuy nhiên, điều này con có thể tự mình làm được, nếu con luôn luôn can đảm và quyết tâm. Ở một vài khía cạnh, thư của con làm thầy nhớ đến Yaeko trong quyển Ba Trụ Thiền. Con có nhớ cô ta đã miêu tả niềm vui và sự kích động của cô ta như là một "trạng thái điên" không? Sự giác ngộ càng lúc càng sâu hơn mà cô ta tiếp tục kinh nghiệm là cái ngộ con cũng có thể đạt được.

Nhiều dục vọng và hy vọng vẫn còn, như con nói, chỉ là những ảo tưởng mà thôi. Ngày nào đó con sẽ nhận ra điều này. Trong khi sự thực là một vị Phật giác ngộ tối thượng và viên mãn thì tự do tự tại với tất cả dục vọng, chúng ta những người kém hơn còn phải chiến đấu với dục vọng. Nhưng hãy nhớ rằng có những dục vọng ở mức thấp và những dục vọng có giá trị. Dục vọng ấy biến chuyển đời sống và cá tính con người, dục vọng ấy làm thức tỉnh trọn vẹn để trợ giúp làm nhẹ bớt sự thống khổ của con người - đây là những dục vọng ở mức cao nhất. Các bậc tôn sư của thầy thường nói rằng cái phân biệt một vị bồ tát và một đức Phật là một vị bồ tát còn vướng mắc vào dục vọng từ bi giải thoát tất cả chúng sanh khỏi đau khổ. Mặt khác, một đức Phật không còn nghĩ đến giải thoát hay không giải thoát; ngài trợ giúp mọi chúng sinh một cách tự nhiên như ngài thở.

Con nói rằng tình cảm vẫn bám lấy con. Tại sao không bám? Con không cần xin lỗi vì chúng. Con không nghe thầy nói rằng trong lúc tọa thiền đều đặn hóa giải những khái niệm trừu tượng như hy vọng, tiếc nuối và kỳ vọng trên con đường nó đi, trong tu tập Thiền không có nỗ lực đè ép tình cảm chứ? Khi một Thiền sư khóc công khai tại đám tang người đệ tử ưu ái của sư, một ông tăng trẻ nhân cơ hội hỏi: “Con nghe nói hòa thượng đã vượt qua những cái ấy rồi, phải không?” Sư đáp: “Nếu ta không khóc khi người đệ tử gần gũi nhất của ta qua đời thì khi nào?” Tình cảm chân thành là đúng thực; hy vọng và dục vọng là đầu độc cái thực bằng lý tưởng.

Những lời con phê bình về bài thuyết pháp của thầy “Đầu sào tiến bước” cho thấy con đã hiểu lầm điểm trọng yếu. Về điểm người giác ngộ không có hy vọng, dục vọng hay tham vọng, ấy chẳng phải là con người ông ta hoàn toàn thỏa mãn viới cuộc đời, dù xấu hay tốt. Thỏa mãn, bất mãn--suy nghĩ bằng các hạn từ này là tự đặt mình vào cái bàn kẹp lý trí. Chỉ thuận theo dòng nghiệp của Phật tánh và cuộc sống thì sẽ thuận với và thông qua con. Hãy quán xét sâu xa điều này.

Người ngộ không chống cũng không phá những gì nằm phía trước mình. Mọi sự tùy thuộc vào hoàn cảnh và thời gian. Khi cần hành động thì ông hành động. Khi hành động của một người có tính cách quyết định, và có người đáp ứng mà không lưu lại gì, thì tựa hồ như người ấy không có hành động gì cả.

Con nói, “Đôi khi cuộc sống này dường như vô tận. Dù cho con đã được tự do đối với thân con ở một mức nào đó, con không thể chịu đựng được với ý nghĩ mình trở nên già.” Cuộc sống này đường như vô tận chỉ vì con đề ra một cứu cánh, một mục tiêu. Con phải tự giải tỏa mình ra khỏi sự ràng buộc của thời gian. Chính con là thời gian--thân con, tâm con và những sự vật chung quanh con. Hãy phóng mình vào dòng sông thời gian và bơi, đừng đứng trên bờ sông nhìn dòng nước chảy. Ý nghĩ trở nên già phát khởi từ thiên kiến yêu mình với thân. Con đã học được gì từ sự tu Thiền mà con nói bằng những hạn từ nhị nguyên “già” và “trẻ”?

Nói theo ước lệ, tuổi thầy là sáu mươi lăm. Thầy không nghĩ là mình già. Chỉ có kẻ nghĩ mình trẻ mới nói, “Ông ta là một ông già,” và khi phán định như thế người ấy phải đứng tách rời tôi. Bằng cách đó người ấy không bao giờ có thể biết được tuổi thật của trái tim tôi. Nhưng nếu chúng ta nồng ấm ôm nhau, ngay lúc hợp nhất vô tâm ấy đâu là người già, đâu là người trẻ? Còn ai nói, “Ông ta già, tôi trẻ.”

Con viết rằng kinh nghiệm duy nhất ảnh hưởng con sâu xa như kiến tánh là kinh nghiệm tình dục đầu tiên của con. Phải, tình dục. Giác ngộ của Thiền đã được miêu tả như là sự sung sướng ngây ngất trong lúc giao hợp của vũ trụ. Song người ta chỉ có thể so sánh ngộ với sự sung sướng ngây ngất của thể xác trong lúc giao hợp theo nghĩa hẹp. Để kinh nghiệm sự hợp nhất và niềm vui bay bổng với người mình yêu trong cái ôm tình dục là tâm hồn rung động, hẳn vậy, nhưng nó vẫn còn giới hạn và giảm thiểu bởi một người đặc biệt. Mặt khác, tình yêu phổ bác hay tình yêu vũ trụ là sự tuôn tràn tự nhiên hướng về mọi vật, vĩ đại hay nhỏ bé, và được bồi tiếp nhiên liệu không phải bằng tình yêu tính dục mà bằng ý thức trực tiếp về tính không thể phân chia của toàn bộ cuộc sống. Khi một người yêu theo kiểu này thì không có sự ràng buộc hay mong đợi một cái gì đó đáp lại. Tình yêu như biển cả đó người ta không thể nhận ra được bằng cách đứng tách rời, cô đơn với người mình yêu, mà bằng cách buông xả cái ta của mình và khi làm như vậy là ôm lấy tất cả mọi cái ta. Trong sự tu tập của con ở điểm này thì kinh nghiệm tình dục đối với con rõ ràng có thể thực hơn là kiến tánh, bởi vì, kiến tánh tự bản chất không cống hiến một cái gì để bám lấy. Nó là cái “Không” của ngộ bay lướt trên bề mặt của tất cả những nỗ lực cố neo nó xuống như một kinh nghiệm khác, dù là phi thường. Như con biết, ngộ không phải là một kinh nghiệm, không phải là một thứ gì xảy ra đứng đối lập với những cái khác. Kinh nghiệm tình dục, mặc dù thực theo nghĩa người ta cảm thấy nó một cách mãnh liệt, cũng qua nhanh như mọi kinh nghiệm khác. Khi gặp một người con cảm thấy hiểu và hấp dẫn nhau mạnh mẽ, thì rất dễ bị cơn sóng tình cảm theo sau lừa gạt, lẫn lộn nó với chỗ đến và là nhà của con. Nếu con dừng lại hưởng thú vui tình dục và nghệ thuật âm nhạc, thì sự tiến tới giác ngộ viên mãn của con sẽ bị trở ngại, và cái tốt hơn can thiệp vào cái tốt nhất.

Chính tâm phân biệt nuôi dưỡng ý niệm cặn bã như là “muốn biết ý nghĩa cuộc đời.” Nếu con thực sự thâm nhập cái gì con đang làm thì có chỗ cho sự suy tư về ý nghĩa của nó không? Huyền bí của cuộc đời sẽ được tiết lộ qua sống với nó, không phải qua suy tư về nó.

Vui thay khi thấy con nhận ra tầm quan trọng của ngồi thiền sau khi đã thấy tánh và đang tiếp tục ngồi đều đặn. Vì như Thiền sư Đạo Nguyên nói, “Tu không có bắt đầu, ngộ không có chấm dứt; ngộ không có bắt đầu, tu không có chấm dứt.”

Cho đến khi con có gì khác để hỏi, thì câu trả lời, như con nói, sẽ đến.

Với một cái ôm,

P. K.

(Thiền: Đông Tây Hợp Lưu)

177. KHÔNG LÀ GÌ?

Có người hỏi lão sư Kapleau:

- Chữ “Không” của Phật giáo có nghĩa là gì? Tôi biết sách nói: Nó là cái trống không, sunyata, và là tất cả. Nhưng, “Sắc tức là không, không tức là sắc,” có nghĩa là gì?

Lão sư Kapleau đáp:

-Giả sử anh là thợ kim hoàn muốn làm một tượng Phật nhỏ bằng bạc, khi bạc tan chảy, nó có khả năng tự hiện thành bất cứ vật gì--đó là không, tánh không. Khi anh đổ bạc đang chảy vào một cái khuôn và nó đông cứng lại--đó là sắc. Nhưng bây giờ hãy giả sử rằng, sau khi làm xong tượng Phật, anh không hài lòng và muốn làm một cái gì khác với kim loại đó. Vì vậy anh nung tan tượng Phật ra, bạc trở lại thành vô sắc. Trong yếu tính, không không khác với sắc. Đừng quên, tất cả những gì tôi vừa nói chỉ là một mẫu khái niệm, không phải vật thực. Vậy nói tôi nghe, làm sao anh bám vào không như là một sự kiện cụ thể? Hãy đến đây chỉ tôi xem!

Người hỏi đến gần lão sư:

- Cách này [chụp vào hư không]!

Lão sư:

- Không, cách này! [chỉ].

Người hỏi:

- Úi cha!

Lão sư:

- Rốt ráo, không chỉ là sắc, phải không?

(Thiền: Đông Tây Hợp Lưu)

178. ĐỌC VỀ NGỘ CŨNG NHƯ GÃI NGỨA NGOÀI GIÀY

Có người hỏi lão sư Kapleau:

- Có lẽ tôi đang chường cổ ra [chịu nguy hiểm], nhưng dù sao tôi cũng phải hỏi điều này. Thường sau khi đọc về ngộ, dường như tôi hiểu rõ nó là cái gì, và nhiều lần nhất định tôi đã cảm thấy tính hợp nhất của toàn bộ cuộc sống. Nhưng giữa cách hiểu này với giác ngộ trong Thiền có gì khác nhau?

Lão sư:

- Đọc về ngộ cũng giống như đọc các món ăn trong lúc anh đang đói. Cái đó có no bụng anh không? Hiển nhiên là không. Chỉ khi nào anh nếm, nhai, nuốt món ăn và cảm thấy thỏa mãn, thì có thể so sánh với ngộ hay giác ngộ. Nhưng ngay cả khi thức ăn đã vào bụng nó cũng sẽ không nuôi dưỡng anh cho đến khi nó thực sự tiêu hóa và đồng hóa. Cũng vậy, cho đến khi nào anh phối hợp trọn vẹn vào đời sống hàng ngày những gì anh nhận thức được, thì cái hiểu của anh không có tác dụng gì--nó sẽ không biến đổi đời anh. Giống như bước cuối cùng trong dinh dưỡng là thải bỏ, rốt cuộc người ta phải loại bỏ cho chính mình ý niệm, “Tôi giác ngộ.” Chỉ khi ấy anh mới có thể “bước đi thong dong giữa đất trời.”

Bây giờ giả sử bàn chân anh bị ngứa. Nó cảm thấy thoải mái hơn khi anh gãi bàn chân trần hay khi anh gãi nó qua chiếc giày?

Người hỏi:

- Đương nhiên là khi gãi bàn chân trần.

Lão sư:

- Đọc về ngộ cũng giống như gãi ngứa qua chiếc giày.

(Thiền: Đông Tây Hợp Lưu)

179. ĐỌC HAY KHÔNG ĐỌC?

Có người hỏi lão sư Kapleau:

- Có hai điểm liên quan đến việc đọc làm tôi bối rối. Lão sư nói rằng muốn ngộ, người ta cần phải bỏ suy nghĩ bằng những hạn từ như ta và người, ngừng chơi đùa với khái niệm, và lão sư ám chỉ rằng nên bỏ đọc, vì nó nuôi dưỡng khái niệm và ý nghĩ tản mác. Tôi đã đọc và biết rằng thời xưa ở Trung quốc và Nhật bản có nhiều Thiền tăng học giả, hiển nhiên họ đã đọc rất nhiều.

Điểm thứ nhì có tính cách cá nhân. Tôi đang học để trở thành một y sĩ chữa bệnh tâm thần, tôi không có quyền lựa chọn mà phải đọc rất nhiều, không chỉ trong lãnh vực riêng của tôi mà cả những lãnh vực liên hệ.

Lão sư:

- Anh phải đọc “những lãnh vực liên hệ” gì?

Người hỏi:

- Chẳng hạn, muốn hiểu các vấn đề của những người ở các nước khác, nếu quen với cách họ diễn đạt hay suy nghĩ sẽ giúp ích. Việc đó liên hệ đến đọc. Nhưng nếu đọc có hại cho việc tọa thiền của tôi và tôi bỏ đọc tất cả các thứ, kể cả các nhật báo kỹ thuật, làm sao tôi phát triển và có thể giúp đỡ bệnh nhân tốt hơn?

Lão sư:

- Những gì tôi muốn nói là phải bỏ cái đọc không phân biệt, không phải toàn bộ việc đọc. Những sinh viên như anh và các nhà chuyên môn cần đọc và nghiên cứu; nên xem những hoạt động này như là một phần của tọa thiền. Ngồi đều đặn, bằng cách tăng thêm sức mạnh chú tâm, làm tâm và tình cảm yên tĩnh, sẽ khiến cho anh có thể nghiên cứu tốt hơn cũng như giữ lại được những gì anh đã học. Nhiều thành viên của Trung tâm chúng tôi là sinh viên, giáo sư và những nhà chuyên môn.

Người hỏi:

- Lão sư định nghĩa đọc không phân biệt như thế nào?

Lão sư:

- Đọc không phân biệt là đọc không điều độ các báo, tạp chí, tiểu thuyết và những vấn đề không thiết yếu hay không liên hệ gì với việc làm hay nghiên cứu của anh. Hãy chú ý chữ “không điều độ.” Anh đã từng nhìn những người ở trạm xe buýt, ở phi trường hay trên máy bay chưa? Rất thường khi, nếu là họ một mình ở đó, ngay khi họ vừa ngồi xuống là có báo, tạp chí hay sách đến liền. Rất ít người có thể thiền định hay chỉ ngồi im lặng. Đọc tiêu thụ năng lực, trong khi tọa thiền bảo tồn và qui tụ nó. Nếu trong khi tọa thiền anh có thể đặt trọng tâm của anh ở chỗ ngay dưới rốn độ một bàn tay [đan điền], là anh thiết lập được cái giếng năng lực ở đó, nó sẽ nuôi dưỡng toàn thể con người anh. Anh có thể so sánh quá trình này với quá trình của một cái máy phát điện tiếp điện năng cho một cục pin.

Thầy tôi thường bảo các môn sinh rằng càng ít đọc sách về triết học hay về Thiền họ càng ngộ nhanh hơn. Tại sao như vậy? Bởi vì ông biết rằng cái đọc này đặc biệt làm tâm bế tắc vì những khái niệm và quan niệm dính chặt. Lão sư Nguyên Điền (Harada), là một cựu giáo sư đại học, có lần nói rằng kinh nghiệm ngộ độc nhất của Tổ sư thứ sáu [Huệ Năng] khi nghe một ông tăng hành cước tụng kinh Kim Cang có thể cho là Tổ không biết chữ - nghĩa là sự thực tâm của Tổ không có những suy lý giải đãi do đọc và nghiên cứu nuôi dưỡng.

Sa di trong các Thiền viện được khuyến khích chỉ đọc hành trạng của các sư và tổ, họ cũng nhớ thuộc lòng một số kinh, mục đích là để tụng. Khi có sự thân cận với một bậc thầy họ có thể trực tiếp nghe đạo lý từ vị thầy ấy, họ không cần đọc những trang sách in vô sinh khí. Thiền nhấn mạnh, “Nghe Đạo, tin và tu.” Nghe Đạo, vì Đạo được một người đã kinh nghiệm nó nói ra, nó âm ba một năng lực mà ngôn ngữ viết dù hùng biện nhất cũng không sánh được.

Hãy cảnh giác sự đọc quá độ bất cứ loại nào, giống như những liều thuốc quá độ, làm tâm nặng gánh và thui chột khả năng suy nghĩ sáng tạo của nó. Đọc không phân biệt cũng có thể nuôi dưỡng lòng tham những sự kiện vô ích và tâm kiêu hãnh vì sở hữu chúng, những phẩm chất không dẫn đến tiến bộ tâm linh. Trí tuệ chơn chánh, cuối cùng, bao gồm khả năng đọc những kinh sách không văn tự. Triết gia Đức Nietzshe viết rằng khi mắt ông trở nên tệ quá đến nỗi ông không thể đọc được nữa, cuối cùng ông bắt đầu đọc chính mình.

Đọc và tọa thiền không bổ túc cho nhau. Kéo dài sự đọc, nhất là các sự kiện và lý thuyết làm óc mệt và thân suy nhược, làm tê liệt lòng ham muốn tọa thiền. Mặt khác, sau khi tọa thiền, tâm sẽ cảm thấy sạch sẽ và minh mẫn đến độ anh không muốn nó bị che mờ bởi đọc bất cứ cái gì.

Người thứ hai hỏi:

- Nhưng tôi nghĩ rằng đọc lời các sư nói sẽ hứng khởi và đọc đạo lý Phật giáo cũng bổ ích.

Lão sư:

- Nếu anh làm việc gần gũi với một bậc thầy, anh có thể từ chính sự thiền tọa mà suy ra đạo lý. Tâm càng tự do với các sự kiện và lý thuyết, nó càng thanh tịnh đón nhận lời dạy và càng tiến bộ nhanh hơn. Tuy nhiên sau khi ngộ, đọc kinh và lời các sư nói có thể rất hữu ích. Những gì vừa nói áp dụng cho những người gần gũi với một vị đạo sư. Nếu không có đạo sư kế bên, thì tốt nhất là đọc những gì tăng thêm sức mạnh cho niềm tin và xác tín. Đừng rơi vào thói quen đọc mọi sách mới viết về Thiền hay Yoga, hoặc bất cứ truyền thống nào anh thích thú. Dù có thầy hay không, anh cũng cần khám phá cái nệm ngồi thiền và biết làm cách nào tự mình giữ kỷ luật. Một khi anh tin quyết rằng cần kỷ luật tinh thần và tu luyện, hãy tìm một vị thầy và bước lên đường Đạo.

Người thứ ba hỏi:

- Khi muốn sống cuộc đời đạo hạnh, loại sách nào đọc tốt nhất?

Lão sư:

- Nhà bình luận Emerson nói, “Cuốn sách đó hay, nó đưa tôi vào tâm thái làm việc.” Nếu anh muốn nhận ra Chân tánh mình--không phải chỉ suy lý về nó--thì cuốn sách đó hay, nó có chiếc vòng chân lý sâu khám phá qua kinh nghiệm cá nhân. Cuốn sách hay kích động trái tim, đốt lửa trí tưởng tượng và đưa đến quyết tâm không để bất cứ cái gì cản trở trên đường đến giác ngộ viên mãn. Tóm lại, nó phải lôi anh ra khỏi ghế êm, đặt anh lên cái nệm ngồi thiền.

Người thứ tư hỏi:

- Lão sư có sách gì đặc biệt giới thiệu?

Lão sư:

Tôi có bảng liệt kê những cuốn sách mà chính tôi tìm thấy hứng khởi và sự chỉ dạy[1]. Một vài nhan đề đã bị bỏ vì sách không còn in nữa. Đừng nghĩ rằng anh cần phải đọc một trong những sách giới thiệu này, hay bất cứ cuốn nào trong những quyển đó. Ngay cả những cuốn anh đọc, tùy theo nguyện vọng và mức phát triển tâm linh, một vài cuốn chỉ nếm ở đầu lưỡi cũng đủ, những cuốn khác chỉ cần trệu trạo, một vài cuốn phải nhấm sâu và nuốt lấy một cách thích thú như một người đã nhiều ngày không ăn. Mỗi cuốn trong những sách này, hãy để tôi nhấn mạnh, mang một nhãn hiệu, “Cảnh cáo: Có thể tạo thành thói quen. Nguy hiểm khi uống quá liều lượng.”

(Thiền: Đông Tây Hợp Lưu)

180. NẾU TÔI NÓI THIỀN, ĐẤY CHẲNG PHẢI THIỀN TÔI NÓI

[Xuất hiện trước một nhóm các nhà tâm phân học]

Giám đốc viện [sau vài lời giới thiệu]:

- Bây giờ, lão sư Kapleau sẽ nói với chúng ta Thiền là gì.

[Hai môn sinh tháp tùng lão sư đặt hai tấm nệm với bồ đoàn trên sàn nhà. Lão sư tự ngồi lên một cái. Một môn sinh lễ bái trước lão sư rồi ngồi trên bồ đoàn kia cách lão sư độ một thước.]

Môn sinh hỏi:

- Thiền là gì?

[Lão sư lấy ra một trái chuối chín, lột vỏ và bắt đầu ăn.]

Môn sinh lại hỏi:

- Chỉ có thế thôi à? Lão sư không thể chỉ con thêm cái gì khác sao?

Lão sư bảo:

- Làm ơn xích lại gần hơn.

[Môn sinh xích lại gần hơn. Lão sư bảo, “Hãy cắn một miếng.” Môn sinh ăn hết trái chuối, lễ bái rồi lui ra.]

Môn sinh thứ hai [nói với khán thính giả]:

- Quí vị có hiểu không?

[Không ai trả lời.]

Quí vị vừa chứng kiến một cuộc biểu diễn Thiền ở mức đầu tiên. Có vị nào hỏi gì không?

[Im lặng một lúc lâu]

Có người hỏi:

- Thưa lão sư, tôi không thỏa mãn với sự biểu diễn của ngài. Lão sư đã cho chúng tôi thấy một điều mà tôi không chắc rằng tôi hiểu. Hiển nhiên, lão sư có thể nói cho chúng tôi biết Thiền là gì.

Lão sư:

- Có rồi: “Cá lội trên không, chim bay dưới biển.”

Người hỏi:

- Tôi hiểu cái ấy khá hơn.

[Cười]

Người thứ hai hỏi:

- Có câu nào chi tiết hơn không?

Lão sư:

- Nếu tôi nói Thiền, ấy chẳng phải Thiền tôi nói.

(Thiền: Đông Tây Hợp Lưu)



[1]Bảng liệt kê các sách đại loại như: Tự Truyện của Thiền sư Hư Vân, Đại thừa Khởi Tín luận của Mã Minh Đại sư, Bích Nham Lục của Thiền sư Viên Ngộ, Thiền Luận cuả Suzuki, Vô Môn Quan cuả Thiền sư Huệ khai, Lâm Tế Lục của Thiền sư Nghĩa Huyền, v.v..— đây chỉ sơ lược. Muốn đầy đủ xin đọc: “Zen, Merging of East and West", pp.277-88.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
31/10/2023(Xem: 1255)
Phật Tánh? Xin nói rằng, tôi không biết. Tôi không thể trả lời câu hỏi có Phật Tánh hay không, và nếu có, thì là như thế nào. Bài viết này không nhằm trả lời những câu hỏi tương tự, mà chỉ là một khảo sát từ cương vị một người học Phật, chưa học tới đâu và cũng chưa tu tới đâu. Bài viết này là một lời thú nhận, rằng không biết chắc có bao nhiêu phần đúng, nhưng hy vọng sẽ phần nào giúp được một số độc giả để dùng làm viên gạch dò đường qua sông. Xin mời độc giả khảo sát, nghi vấn từng câu, từng chữ trong bài này, và rồi nên dựa vào Kinh Phật để đối chiếu.
03/08/2022(Xem: 3302)
Hít vào thở ra, đếm: "một" Hít vào thở ra, đếm: "hai" Cứ thế, đến "mười" rồi nghỉ Vài giây sau, lại bắt đầu
05/07/2022(Xem: 4867)
“Niêm hoa vi tiếu” (Chữ Hán: 拈花微笑, Nghĩa Việt: cầm hoa mỉm cười), gọi đầy đủ là “Niêm hoa thuấn mục phá nhan vi tiếu” (Chữ Hán: 拈華瞬目破顏微笑; Nghĩa Việt: Đưa hoa ra, trong chớp mắt thì chuyển mặt mỉm cười), chuyện kể Đức Phật thông qua hành động im lặng cầm hoa sen truyền Tâm Ấn Trí Tuệ Bát-nhã cho Ngài Ma-ha Ca-diếp. Giai thoại này được cho là bắt nguồn từ giới Thiền Tông Trung Quốc nhằm dẫn chứng cho hệ truyền thừa Thiền Tông bắt nguồn từ Đức Phật.
12/03/2022(Xem: 7531)
Thái tử con vua bỏ cõi trần Xuất gia học đạo quyết tìm chân Thừa đương ấn pháp du Hoa lục Đảm nhiệm tông phong báo Phật ân Thiếu Thất trừng tâm truy diện mục Tung Sơn diện vách bặt ngôn âm Chín năm huyền sử bày chân tướng Lục diệu pháp môn mở diệu tâm.
10/02/2022(Xem: 6836)
Hiện nay phong trào tu thiền nở rộ nhất là Thiền Chánh Niệm, Thiền Vipassana khiến cho một số người coi thường pháp môn tu tập có tính truyền thống. Thậm chí một số cho rằng lối tu truyền thống bao gồm tụng kinh, niệm Phật trở nên lỗi thời, chỉ có tu theo Thiền Chánh Niệm mới giải thoát mà thôi. Quan niệm đó hoàn toàn sai, trái với lời Phật dạy. Trong Kinh Kim Cang Đức Phật dạy rằng, “Pháp của ta không có thấp có cao”. Trong Bát Nhã Tâm Kinh, Đức Phật lại dạy rằng “vạn pháp bất tịnh, bất cấu, bất tăng, bất giảm” và diễn rộng là là “bất thấp, bất cao, bất đúng, bất sai”. Tất cả tùy căn cơ của mỗi chúng sinh mà thôi.
02/12/2021(Xem: 15718)
Nam Mô A Di Đà Phật. Kính bạch Chư Tôn Thiền Đức, Kính thưa quý đồng hương Phật tử thân mến, Kể từ ngày 12/04/2020, nước Úc của chúng ta cũng như các nước khác trên toàn thế giới đã bắt đầu bị đại dịch Covid hoành hành và lây lan một cách nhanh chóng. Hai năm qua toàn thế giới đã phải chịu ảnh hưởng về mặt kinh tế, chính trị, xã hội, thương trường. Ngay cả đời sống tinh thần của mọi người dân cũng bị ảnh hưởng không ít, nhất là đối với những gia đình đã phải nhìn thấy người thân ra đi trong sự cô đơn lạnh lẽo, không người đưa tiễn. Biết bao hoàn cảnh đau thương... Tính đến hôm nay nước Úc của chúng ta đã được ổn định phần nào, trên 80% người dân đã được tiêm ngừa theo quy định của chính phủ, cũng như việc không còn phải lockdown, người dân được đi lại tự do giữa các tiểu bang cũng như được hội họp, sinh hoạt hội đoàn và tôn giáo. Trong đại dịch, 2 năm qua nước Úc số người bị nhiễm Covid lên đến 113,411 người và số người không may mắn đã ra đi vĩnh viễn là 1,346 người.
23/11/2021(Xem: 4951)
Đề tài diễn giảng chuyên môn đầu tiên "Phật giáo và Tâm lý trị liệu" (佛教與心理療癒) của Kế hoạch nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Đại học Phật Quang Sơn tổ chức tại sảnh Vân Thủy, ngày 17 tháng 11 vừa qua, tiếp đến chủ đề "Tu hành và Chuyển hóa - Đối thoại giữa Tu thiền và Tư vấn Tâm lý" (修行與轉化 禪修與心理諮商的對話), do Thạc sĩ Dương Bội (楊蓓), Chủ nhiệm Khoa Giáo dục đời sống thuộc Học viện Dharma Drum Institute of Liberal Arts (法鼓文理學院); Giáo sư Quách Triều Thuận (郭朝順), người Tổng chủ trì Kế hoạch nghiên cứu, Viện trưởng Học viện Phật giáo Phật Quang Sơn chủ trì. Gần 70 vị Giáo sư nổi tiếng, thuộc Khoa Phật học, Khoa Tâm lý học, Học viện Nghiên cứu Tôn giáo đã tham dự buổi tọa đàm đầy ý nghĩa.
19/11/2021(Xem: 6630)
Trung Bộ Kinh Nikãya có bốn bài kinh số 131, 132, 133 và 134 có cùng nội dung chỉ khác nơi và người giảng. Cả bốn bài kinh này có tên là “Bhaddeka ratta Sutta” đã được cố đại lão Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch từ tiếng Pãli sang tiếng Việt, gọi chung là “Nhất Dạ Hiền Giả”. Trước đây chúng tôi đã có bài viết “Tìm Hiểu Kinh Nhất Dạ Hiền Giả”, số 131 (*). Nay, với tinh thần cầu học, chúng tôi muốn chia xẻ thêm với các bạn thiền sinh, cũng đề tài này qua văn phong dịch thuật của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh với tựa đề là “Kinh Người Biết Sống Một Mình”.
18/11/2021(Xem: 3679)
Dù nhìn dưới góc độ nào hay y cứ theo ý nghĩa của bất kỳ truyền thống nào thì Triết gia Karl Marx (1818-1883) không phải là một Phật tử. Từ những nguồn có thể xác định được, trong những chuyến vân du đó đây vòng quanh châu Âu, cá nhân Triết gia Karl Marx chưa bao giờ tiếp cận với bất kỳ hình thức Phật giáo "dân tộc" nào.
09/11/2021(Xem: 4809)
Tứ Niệm Xứ là phương pháp thực hành thiền quán tập trung 4 đối tượng Thân, Thọ, Tâm, Pháp. Thực hành Tứ Niệm Xứ, giúp người tu có được cái nhìn sâu sắc về vô thường, từ đó loại bỏ được những phiền não trong cuộc sống hàng ngày.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567