- [01 - 10]
- [11 - 20]
- [21 - 30]
- [31 - 40]
- [41 - 50]
- [51 - 60]
- [61 - 70]
- [71 - 80]
- [81 - 90]
- [91 - 100]
- [101 - 110]
- [111 - 120]
- [121 - 130]
- [131 - 140]
- [141 - 150]
- [151 - 160]
- [161 - 170]
- [171 - 180]
- [181 - 190]
- [191 - 200]
- [201 - 210]
- [211 - 220]
- [221 - 230]
- [231 - 240]
- [241 - 250]
- [251 - 260]
- [261 - 270]
- [271 - 280]
- [281 - 290]
- [291 - 300]
- [301 - 310]
- [311 - 320]
- [321 - 333]
- Thư mục
DẠO BƯỚC VƯỜN THIỀN
(333 Câu Chuyện Thiền)
Đỗ Đình Đồng góp nhặt
211. ĐƯỜNG ĐẾN NIẾT BÀN
Một ông tăng hỏi hòa thượng Càn Phong:
- Chư bậc Đại Tự Tại mười phương đều do một đường thẳng đến Niết bàn. Dám hỏi con đường ấy bắt đầu từ đâu?
Càn Phong lấy gậy vạch một đường trên mặt đất, nói:
- Ngay đây.
(Chơn Không Gầm Thét)
212. LẠNH KHI LẠNH, NÓNG KHI NÓNG
Một ông tăng hỏi Thiền sư Động Sơn Lương Giới:
- Khi mùa hè hay mùa đông đến, chúng ta nên đi đâu để tránh?
Động Sơn bảo:
- Sao ông không đến nơi nào không có mùa hè và mùa đông mà ở?
Ông tăng hỏi:
- Có chỗ nào không có nóng và lạnh chăng?
Động Sơn đáp:
- Khi nóng đến thì nóng; khi lạnh đến thì lạnh.
(Chơn Không Gầm Thét)
213. NƠI KHÔNG SANH TỬ
Thiền sư Minh Lương ở núi Phù Lãng nghe hòa thượng Chuyết Công từ Trung Hoa sang, bèn tìm đế tham vấn.
Sư hỏi:
- Khi sinh tử đến làm thế nào trốn tránh?
Chuyết Công đáp:
- Chọn nơi không sanh tử trốn tránh.
- Thế nào là nơi không sanh tử?
- Ở trong sanh tử nhận lấy mới được.
Nghe nói thế, sư vẫn chưa ngộ.
Chuyết Công bảo:
- Hãy lui đi, đợi chiều sẽ đến.
Sư giữ đúng hẹn, chiều lại phòng phương trượng.
Chuyết Công bảo:
- Đợi sáng mai chúng sẽ vì ngươi chứng minh chứng.
Sư bỗng nhiên tỉnh ngộ, liền sụp xuống lạy. Sư được Chuyết Công hứa khả và truyền tâm ấn cho.
(Thiền Sư Việt Nam)
214. AI BIẾT CÔ
Một ni cô hỏi Thiền sư Long Đàm:
- Con phải tu như thế nào để kiếp sau con có thể biến thành một ông tăng được?
Long Đàm hỏi:
- Cô làm ni bao lâu rồi?
Ni cô nói:
- Câu hỏi của con là, bao giờ con mới trở thành một ông tăng?
Long Đàm hỏi:
- Bây giờ cô là gì?
Ni cô đáp:
- Ai chẳng biết bây giờ con là ni cô.
Long Đàm hỏi:
- Ai biết cô?
215. BA CÂN GAI
Một ông tăng hỏi Động Sơn Thủ Sơ:
- Thế nào là Phật?
Thủ Sơ đáp:
- Ba cân gai.
Sau ông tăng đến hỏi hoà thượng Trí Môn:
- Con hỏi hoà thượng Động Sơn: “Thế nào là Phật?” Hòa thượng Động Sơn trả lời: “Ba cân gai.” Câu ấy ý nói gì?
Trí Môn đáp:
- Hoa từng nhóm, gấm từng khóm.
Ông tăng nói:
- Con vẫn chưa hiểu.
Trí Môn thêm:
- Trúc phương nam chừ cây phương bắc.
Ông tăng lại nói:
- Con càng nghe càng không hiểu.
Ông tăng trở về Động Sơn, thuật lại. Thủ Sơ nói:
- Ngôn ngữ chỉ là khí cụ để diễn đạt sự vật, chớ bám lời hại ý, chuốc lấy lầm lạc, mê mờ. Chẳng hạn, nếu lấy đá chọi chó, chó sẽ đuổi theo đá; nhưng nếu lấy đá ném sư tử, sư tử sẽ đuổi theo người ném. Khi tham ngữ cú Thiền các ông nên giống như sư tử, đừng giống như chó.
(Chơn Không Gầm Thét)
216. TUYẾT RƠI MẢNH MẢNH
Một hôm Bàng cư sĩ đến thăm Thiền sư Dược Sơn. Khi cư sĩ sắp ra về, Dược Sơn bảo hai Thiền khách tiễn cư sĩ:
- Xin chỉ đường cho cư sĩ.
Hai thiền khách đáp:
- Dạ, hẳn vậy.
Khi ra đến cửa chùa thấy tuyết đang rơi, Bàng cư sĩ nói:
- Chà, tuyết đẹp mảnh mảnh chẳng rơi chỗ khác.
Một Thiền khách hỏi:
- Rơi tại chỗ nào?
Bàng cư sĩ nói:
- Kìa xem các ông, mắt thấy như mù, miệng nói như câm, tự gọi mình là Thiền tăng chăng?
(Chơn Không Gầm Thét)
Gần viện Quan Âm của Thiền sư Triệu Châu có một chiếc cầu nổi tiếng, người ta gọi đó là cầu đá Triệu Châu.
Một hôm có người hỏi Triệu Châu:
- Tiếng đồn cầu đá Triệu Châu, đến nơi hóa ra chỉ là một chiếc cầu khỉ. Đâu là cầu đá Triệu Châu?
Triệu Châu nói:
- Ông chỉ thấy cầu khỉ mà không thấy cầu đá.
Người kia hỏi tiếp:
- Đúng vậy. Thế nào là cầu đá Triệu Châu?
Triệu Châu đáp:
- Đưa lừa qua, đưa ngựa qua, cùng tất cả những kẻ mê lầm trên thế gian.
(Chơn Không Gầm Thét)
218. RỬA CHÉN ĐI
Một ông tăng mới vừa vào viện Quan Âm, nhân lúc gặp phương trượng của viện là Thiền sư Triệu Châu, liền hỏi:
- Bạch hòa thượng, con mới nhập viện, xin hoà thượng từ bi chỉ dạy cho.
Triệu Châu hỏi:
- Ông ăn sáng chưa?
Ông tăng đáp:
- Dạ rồi.
Triệu Châu bảo:
- Rửa chén đi!
Ngay câu đó, ông tăng liền ngộ.
(Triệu Châu Ngữ Lục)
219. TRIỆU CHÂU HỎI ĐƯỜNG
Một ông tăng đang đi trên đường gặp một bà lão, liền hỏi:
- Tôi đang tìm đường đến Triệu Châu, bà có thể chỉ cho không?
Bà lão đáp:
- Cứ đi thẳng, đừng quẹo đông, đừng quẹo tây.
Khi gặp Triệu Châu, ông tăng liền nói:
- Trên đường đến đây, con có gặp một bà lão có vẻ hiểu Thiền lắm.
Triệu Chầu nói:
- Để tôi đi thử cho.
Nói xong, Triệu Châu đến gặp bà lão, hỏi:
- Tôi đang tìm đường đến Triệu Châu, bà có thể chỉ cho không?
Bà lão nói:
- Cứ đi thẳng, đừng quẹo đông, đừng quẹo tây.
Triệu Châu trở về viện nói với ông tăng:
- Bà lão chẳng biết gì cả. Chẳng phải Triệu Châu đứng ngay trước mặt bà ấy sao?
(Chơn Không Gầm Thét)
220. ĐIỂM CÁI TÂM NÀO
Thiền sư Tuyên Giám (780-865) họ Chu, quê ở Kiếm Nam, tỉnh Tứ xuyên. Sư xuất gia khi tuổi còn rất trẻ, nghiên cứu sâu rộng giáo điển. Sư học thuộc lòng kinh Kim Cang, vì vậy người ta gọi sư là Chu Kim Cang.
Sau đó, sư biết ở phương nam có địch thủ Thiền tông được rất đông người theo. Lửa giận bốc lên, sư nhằm phương nam thẳng tiến để đọ sức giáo lý với họ. Sau này sư dựng chùa ở Đức Sơn thuộc tỉnh Hồ nam, nên người ta gọi sư là Đức Sơn.
Bọn ma phương nam! Sao chúng dám nói Thiền là chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật. Ta sẽ nghiền nát ngòi bút của bọn phản đạo này. Vì vậy, sư gói bộ Thanh Long Sớ Sao, luận giải kinh Kim Cang, rời Tứ xuyên nhắm Hồ nam tiến bước.
Trên đường đi, sư gặp một bà lão bán đồ giải khát, vì đói bụng, sư nói:
- Xin lỗi, tôi muốn mua hai cái bánh bao để điểm tâm.
Bà lão thấy sư mang sách, liền hỏi:
- Thầy mang sách gì vậy?
Sư đáp:
- Đây là bộ Thanh Long Sớ Sao.
- Sớ ấy giảng kinh gì?
- Kinh Kim Cang.
- Này, tôi hỏi thầy một câu, nếu thầy đáp được, tôi sẽ biếu bánh bao không lấy tiền, chịu không?
-Được. Hỏi đi!
- Trong kinh Kim Cang nói: “Tâm quá khứ không thể giữ được, tâm hiện tại không thể nắm được, tâm vị lai không thể bắt được. Vậy chớ thầy muốn điểm cái tâm nào?”
- Ừm. . . tôi không thể nói được.
- Xin lỗi nhé. Tôi ước chừng thầy phải đi chỗ khác điểm tâm vậy.
(Chơn Không Gầm Thét)