- [01 - 10]
- [11 - 20]
- [21 - 30]
- [31 - 40]
- [41 - 50]
- [51 - 60]
- [61 - 70]
- [71 - 80]
- [81 - 90]
- [91 - 100]
- [101 - 110]
- [111 - 120]
- [121 - 130]
- [131 - 140]
- [141 - 150]
- [151 - 160]
- [161 - 170]
- [171 - 180]
- [181 - 190]
- [191 - 200]
- [201 - 210]
- [211 - 220]
- [221 - 230]
- [231 - 240]
- [241 - 250]
- [251 - 260]
- [261 - 270]
- [271 - 280]
- [281 - 290]
- [291 - 300]
- [301 - 310]
- [311 - 320]
- [321 - 333]
- Thư mục
DẠO BƯỚC VƯỜN THIỀN
(333 Câu Chuyện Thiền)
Đỗ Đình Đồng góp nhặt
141. DẠY CON HỒI NÀO?
Long Đàm Sùng Tín vốn người Hồ nam, là đệ tử của Thiền sư Thiên Hoàng Đạo Ngộ.
Long Đàm lớn lên trong cảnh nghèo, bán bánh ngọt để sống. Thiên Hoàng cho Long Đàm ở trọ trong một cái am nhỏ kế chùa sư. Để tỏ lòng biết ơn, mỗi ngày Long Đàm đem mười cái bánh ngọt biếu Thiên Hoàng.
Mỗi lần như vậy, Thiên Hoàng đều cho trở lại Long Đàm một cái bánh và nói:
- Cái này từ con mà đến, chúc con sau này có nhiều cháu.
Lấy làm lạ, một hôm Long Đàm hỏi:
- Tại sao mỗi lần con biếu thầy bánh, thầy cũng cho lại con một cái?
Thiên Hoàng đáp:
- Con cho ta, ta lại cho con, có gì chẳng đúng?
Nghe câu này, Long Đàm tỉnh ngộ và quyết định gia nhập tăng già và theo Thiên Hoàng tu học. . .
Một hôm Long Đàm hỏi Thiên Hoàng:
- Con đã ở đây ba năm, tại sao hòa thượng chẳng dạy con điều gì?
Sư đáp:
- Từ ngày con ở đây, ta không dạy con điều gì sao?
Long Đàm hỏi:
- Hòa thượng dạy con hồi nào?
Sư nói:
- Khi con đưa trà thì ta nhận lấy. Khi con đem cơm đến thì ta ăn. Khi con lễ bái thì ta gật đầu. Có khi nào ta không dạy con đâu?
Trong lúc Long Đàm suy nghĩ, sư tiếp:
- Muốn thấy, cứ nhìn thẳng xuống là thấy ngay. Nếu nghĩ ngợi ắt hỏng.
Ngay đây, Long Đàm liền ngộ.
(Trí Tuệ Thiền Sư)
142. DÙNG HÀNG NGÀY NHƯNG CHẲNG BIẾT
Thiền sư Huyền Sa Sư Bị cùng ăn bánh với Vi giám quân. Vi giám quân hỏi:
- Cái gì chúng ta dùng hằng ngày nhưng chẳng biết?
Sư đưa cho Vi giám quân một cái bánh và nói:
- Hãy ăn một cái đi.
Vi giám quân ăn bánh xong, lặp lại câu hỏi. Sư nói:
- Ấy là dùng hằng ngày nhưng chẳng biết.
(Trí Tuệ Thiền Sư)
143. CHỈ TỆ BẰNG MỘT NỬA
Vào một ngày mùa đông lạnh giá, một samurai thất nghiệp đến Thiền sư Vinh Tây xin giúp đỡ:
- Con nghèo và bịnh, gia đình đang chết đói. Xin hòa thượng từ bi giúp đỡ chúng con.
Thiền sư Vinh Tây quen với nếp sống khổ hạnh và cũng nghèo tương tợ, không có gì để cho anh ta. Lúc ấy sư nhớ đến pho tượng Phật trên chánh điện. Sư đến gỡ lấy vòng hào quang của pho tượng, cho người chiến sĩ, và bảo:
- Hãy đem bán đi, nó sẽ giúp anh qua cơn cùng khốn.
Mặc dù kinh ngạc, anh ta nhận lấy và từ giã. Một người trong đám tăng chúng hoảng sợ hỏi:
- Hòa thượng làm gì vậy? Đây là việc làm phạm thánh.
- Phạm thánh! Ông không nghe hòa thượng Đan Hà đốt tượng Phật gỗ để sưởi ấm sao? Việc ta làm chỉ tệ bằng một nửa. Ta chỉ đem trái tim Phật đầy từ bi ra dùng mà thôi. Nếu chính Phật nghe được tình trạng khốn cùng của người chiến sĩ này, ngài sẽ cắt một trong tứ chi của mình cho anh ta!
(Trí Tuệ Thiền Sư)
144. AI TRÓI ÔNG
Thiền tăng Đạo Tín cầu xin Tam Tổ Tăng Xán:
- Xin hòa thượng từ bi rưới mưa pháp cho con được giải thoát.
Tổ hỏi:
- Ai trói ông?
Đạo Tín đáp:
- Chẳng ai trói cả.
Tổ nói:
- Thế tại sao ông muốn giải thoát?
Ngay câu này, Đạo Tín đại ngộ.
(Trí Tuệ Thiền Sư)
145. ĐÓI ĂN, MỆT NGỦ
Thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền, Tổ khai sáng dòng Thiền Lâm Tế, có lần nói: “Khi đói thì ăn, khi mệt thì ngủ. Kẻ ngu cười ta, người trí hiểu ta.”
(Trí Tuệ Thiền Sư)
146. NGỘ RỒI ĐỒNG CHƯA NGỘ
Trưởng lão Định Hương, tịch năm 1051, là đệ tử xuất sắc nhất của Thiền sư Đa Bảo.
Một hôm sư hỏi thầy:
- Làm sao thấy được chơn tâm?
Đa Bảo đáp:
- Là ngươi tự nhọc.
Sư nói:
- Tất cả đều như vậy, đâu phải chỉ riêng con.
Đa Bảo hỏi:
- Ngươi hội chưa?
Sư đáp:
- Đệ tử hội rồi lại đồng chưa hội.
Đa Bảo nói:
- Cần phải giữ gìn cái ấy.
Sư bịt tai, xây lưng đứng.
Đa Bảo liền nạt:
- Đi!
Sư sụp xuống lạy.
Đa Bảo dạy:
- Về sau ngươi lại giống như một kẻ điếc để tiếp người.
(Thiền Sư Việt Nam)
Một ông lão đến nhờ Thiền sư Đại An giúp đỡ. Ông ta đã từng là quan thị vệ của triều đình, nhưng nay đã về hưu. Con cái đã trưởng thành và lập gia đình. Gần đây vợ chết và ông lão tuyệt vọng cô đơn. Ông lão cảm thấy mình không còn chịu đựng được nữa và đến gặp Thiền sư với hy vọng cuối cùng. Thiền sư Đại An suy nghĩ có thể làm gì. Đề nghị ngồi thiền chẳng giúp được gì. Ngồi trong tư thế cứng đơ giữa mọi người thì ông lão đã làm cả đời. Ông ta đã ngồi đủ rồi. Bảo ông ta chiêm nghiệm thiên nhiên ư? Việc này có thể xoa dịu, nhưng ông ta là một ông lão có văn hóa, có thể làm vậy được sao? Chỉ ngồi nhà đọc thơ sẽ không thích hợp với tâm trạng ông ta và ông ta sẽ không thấy ngay điều ấy ư? Có thể làm gì cho ông ta?
Rồi sư đề nghị:
- Hãy về nhà đi. Đến lúc nào ông thực sự cảm thấy tuyệt vọng, hãy vào căn phòng kín nhất, đóng cửa lại, hoàn toàn một mình trong đó, không toan tính, không suy nghĩ đến ai, cái gì, tại sao, hãy lạy chín lạy. Chỉ khi nào ông thực sự tuyệt vọng, ông chỉ đơn giản nằm xuống, với niềm tin của trẻ thơ, không lý do, không mong mỏi điều gì. Và xem chuyện gì xảy ra.
Với đôi mắt nhòa lệ, ông lão cảm ơn và ra về. Vài tháng sau ông ta trở lại nói:
- Đời tôi đã thay đổi. Hòa thượng có nhận tôi làm đệ tử không?
Thiền sư Đại An nói:
- Hôm nay ông có vẻ an lạc. Có gì khác nữa không?
Ông ta đáp:
- Dạ không. Cảm ơn hoà thượng đã giúp đỡ. Mọi sự tốt đẹp.
Thiền sư Đại An hỏi:
- Thế tại sao không dùng nó đi?
(Trí Tuệ Thiền Sư)
148. ÔNG TĂNG THẤT BẠI
Ông tăng thất bại tên là Ichhi đã lao động cả đời trong nhà bếp của một ngôi chùa lớn bên hồ Hakkone. Chính ông cũng như những người bề trên đều coi ông như là một “ông tăng thất bại” bởi vì ông đã được trao cho công án “Tiếng vỗ của một bàn tay là gì” ngay từ những ngày đầu tiên ông mới vào hội chúng và ông không bao giờ giải đáp được. Đến nay ông đã thất bại năm mươi năm và đời ông đã gần chấm dứt.
Nhưng khi ông đang nằm hấp hối thì bỗng nhiên nhận ra rằng trong tâm ông đã ấp ủ một trạng thái đại bình an. Nỗ lực vì ngộ đã biến mất, tiếng kêu thét từ đan điền không còn nữa, và công án ám ảnh cũng biến mất, bởi vì ông đã tìm được sư yên tĩnh, vì không còn phải cố gắng nữa, trong niềm im lặng thanh nhã, một mình trên rầm thượng, trong u tối êm ái cuối đời.
Chỉ lúc ấy, khi chẳng còn câu hỏi, chẳng cần câu trả lời (ngay cả hơi thở cũng chẳng cần) cuối cùng Ichhi đã nghe được niềm im lặng rì rào của tiếng vỗ một bàn tay.
(Ngụ Ngôn Thiền)
149. HÃY XEM CON ONG
Jato là gia sư của các hoàng tử Nhật, quan sát thấy cậu hoàng tử lớn tuổi nhất hay nổi cơn giận dữ, e rằng sẽ gặp nguy hiểm về sau vì vị thái tử này sẽ là người thừa kế ngai vàng và binh mã cuả vua cha. Một hôm, khi cậu bé giữa cơn cuồng nộ không kìm chế được, Jato lôi cậu đến một bụi hoa, dí tay cậu vào bầy ong đang hút mật cho đến khi một con ong chích vào tay cậu.
Cậu hoàng tử ngạc nhiên thấy rằng có người đối xử với cậu ta thô bạo đến nỗi cậu ta phải ngừng cơn giận dữ. Thái tử quơ quơ bàn tay bị ong chích và hét Jato:
- Bổn thái tử sẽ tâu với phụ hoàng.
- Khi thái tử tâu với hoàng thượng, nhớ nói điều này...
- Điều gì?
- Hãy xem con ong kìa.
Họ cùng nhau khảo sát con ong đang vặn vẹo mình mẩy trên chiếc lá, bộ ruột lòi ra cùng với cái vòi chích. Họ nhìn con vật đau đớn cho đến chết. Jato nói:
- Đấy là cái giá của giận dữ.
Tối hôm đó cậu thái tử nói với vua cha. Nhà vua ban cho Jato một thỏi vàng. Cậu bé, khi đã trở thành hoàng đế, được biết đến vì sự phán quyết trầm tĩnh và không muốn bị kích động giận dữ. Điểm đặc biệt này tỏ ra có giá trị vô cùng trong thời gian trị vì lâu dài của vị vua này qua các thời kỳ nhiễu loạn.
(Ngụ Ngôn Thiền)
150. NGỘ KHÔNG PHẢI LÀ MẶT TRỜI...
Một đêm khuya nọ, một Thiền sư và một trong những đệ tử giỏi nhất của sư đang trên con đường quanh co khúc khuỷu trở về ngôi chùa trên núi thì một cơn bão mùa đông dữ dội chụp lên họ. Dừng lại có nghĩa giáp mặt với tử vong, tiếp tục đi có nghĩa là thần chết dẫn đường từ vách đá trơn trượt.
Phương pháp tìm đường duy nhất là nhờ các ánh chớp lóe lên chiếu sáng đoạn đường mòn trước mặt. Hai người bò tới một cách chậm chạp, giữa những cơn gió báo tử và trận mưa như dao cắt. Khi sợ bị lạc đường, họ chờ ánh chớp lóe lên và nhớ thuộc lòng đoạn đường phía trước với hình ảnh lưu lại qua đôi mắt. Cuối cùng họ về đến chùa. Trong khi hơ khô và ăn trễ bữa cơm chiều trong nhà bếp, người đệ tử thú nhận rằng điều anh ta sợ nhất là nếu anh ta chết mà chưa ngộ.
Còn ông thầy thì thú thực rằng ngộ chẳng phải là mặt trời chiếu sáng cả ngày mà là tia chớp cho ta cái thoáng thấy nhanh chóng -- cho phép ta di chuyển từ phiền phức này đến phiền phức khác.
“Có thực không, Thầy?” người đệ tử hỏi.
“Đó là sự thực đối với đa số chúng ta,” ông thầy thì thầm.
(Ngụ Ngôn Thiền)