- Tiểu sử dịch giả
- Tựa
- Niên biểu lịch sử Ấn Độ
- Chương 1: Tổng quan về Ấn Độ
- Chương 2: Phật Thích Ca
- Chương 3: Từ Alexandre tới Aureng-Zeb
- Chương 4: Đời sống dân chúng
- Chương 5: Thiên đường của thần linh
- Chương 6: Đời sống tinh thần
- Chương 7: Văn học Ấn Độ
- Chương 8: Nghệ thuật Ấn Độ
- Chương 9: Ấn Độ và Ki Tô Giáo
- Danh từ Ấn, Hồi
LỊCH SỬ VĂN MINH ẤN ĐỘ
Tác giả: Will Durant - Nguyễn Hiến Lê dịch
CHƯƠNG IX
ẤN ĐỘ VÀ KI TÔ GIÁO
V. PHONG TRÀO QUỐC GIA
Các sinh viên Âu hoá – Thần linh hoàn tục – Quốc dân hội nghị
Năm 1923 có trên ngàn người Ấn du học ở Anh; có thể đoán phỏng chừng rằng ở Mĩ số sinh viên Ấn cũng xấp xỉ như vậy, và rải rác khắp các nước khác cũng có một số tương đương. Họ lấy làm ngạc nhiên rằng công dân mạt hạng ở Tây Âu và Mĩ cũng có được đủ các quyền lợi; họ học về các cuộc cách mạng Pháp và Mĩ, vùi đầu đọc các sách viết về các cuộc cải cách và cả các cuộc nổi loạn nữa; họ say mê nghiên cứu bản Tuyên ngôn nhân quyền, bản Tuyên ngôn độc lập của Huê kì và Hiến pháp Huê kì; họ trở về nước truyền bá những ý tưởng dân chủ và tự do mà họ quí như lời trong Thánh kinh. Những ý tưởng đó được hoan nghênh nhiệt liệt nhờ những tấn bộ của phương Tây về kĩ nghệ và khoa học, nhờ sự thắng trân của Đồng minh trong thế chiến [thứ nhất]; chẳng bao lâu mỗi sinh viên ở ngoại quốc về đó đều cho tiếng “tự do” là lời hô hào xung phong. Người Ấn hấp thụ tinh thần tự do trong các trường học Anh và Mĩ.
Những sinh viên phương Đông sống ở phương Tây đó chẳng phải chỉ chấp nhận một lí tưởng chính trị nào đó mà thôi, họ còn mất cả tín ngưỡng tôn giáo nữa. Trong đời sống một cá nhân cũng như trong lịch sử một dân tộc, hai sự tiến hoá đó thường đi đôi với nhau. Bọn thanh niên đó, khi mới đặt chân lên châu Âu còn rất kính tín, còn thờ phụng các thần Krishna, Shiva, Vichnou, Kali, Rama…, nhưng rồi tiếp xúc với khoa học, các tín ngưỡng cổ truyền của họ sụp đổ hết ráo. Tín ngưỡng tôn giáo đó là linh hồn của dân tộc, bọn người Ấn Âu hoá không còn tín ngưỡng nữa, nay trở về nước, vừa buồn rầu vừa mất hết ảo tưởng: đối với họ thì các thần linh đã chết và rớt từ trên trời xuống[26]. Như vậy thì làm sao một thế giới không tưởng chẳng thay thế giới thần linh, quan niệm dân chủ chẳng thay quan niệm Niết Bàn, thần Tự Do chẳng tiếm ngôi Thượng Đế? Phong trào tư tưởng mới đã xảy ra ở châu Âu giữa thế kỉ XVIII, bây giờ đang diễn lại ở phương Đông.
Tuy nhiên các tư tưởng mới đó truyền bá không lấy gì làm mau. Năm 1855 vài người Ấn trong giai cấp lãnh đạo họp nhau ở Bombay, thành lập “Quốc dân hội nghị Ấn”, nhưng lúc đó có lẽ họ chưa nghĩ tới cái chuyện đòi độc lập. Vì Huân tước Curfon dùng chính sách chia xứ Bengale (nghĩa là phá sự thống nhất mà làm suy nhược miền tấn bộ nhất của Ấn về phương diện chính trị), nên các nhà ái quốc nổi dây và phong trào của họ có tính cách gây loạn. Trong cuộc hội nghị năm 1905, Tilak cương quyết, không chịu nhượng bộ đòi được chính thể Swaraj. Ông ta dùng những ngữ căn sancrit tạo ra từ ngữ mới đó mà người Anh dịch là “seft rule” (tự trị). Cũng trong năm có nhiều biến cố đó, Nhật thắng Nga và phương Đông từ một thế kỉ rồi, sống sợ sệt dưới cái ách của phương Tây, bây giờ bắt đầu nghĩ tới sự giải phóng châu Á. Sau đó, Trung Hoa đứng sau Tôn Dật Tiên cầm khí giới, bắt tay với Nhật[27]. Ấn Độ không có khí giới, quân đội, bầu một nhân vật kì dị nhất trong lịch sử làm thủ lãnh, và thế giới được mục kích một cảnh chưa từng xảy ra, cảnh một cuộc cách mạng do một vị thánh lãnh đạo, chẳng cần súng ống gì cả.