- Tiểu sử dịch giả
- Tựa
- Niên biểu lịch sử Ấn Độ
- Chương 1: Tổng quan về Ấn Độ
- Chương 2: Phật Thích Ca
- Chương 3: Từ Alexandre tới Aureng-Zeb
- Chương 4: Đời sống dân chúng
- Chương 5: Thiên đường của thần linh
- Chương 6: Đời sống tinh thần
- Chương 7: Văn học Ấn Độ
- Chương 8: Nghệ thuật Ấn Độ
- Chương 9: Ấn Độ và Ki Tô Giáo
- Danh từ Ấn, Hồi
LỊCH SỬ VĂN MINH ẤN ĐỘ
Tác giả: Will Durant - Nguyễn Hiến Lê dịch
CHƯƠNG IX
ẤN ĐỘ VÀ KI TÔ GIÁO
IV. ĐÔNG PHƯƠNG VÀ TÂY PHƯƠNG
Ấn Độ trên con đường biến chuyển – Biến chuyển về kinh tế - Biến chuyển về xã hội – Chế độ tập cấp suy vi – Tập cấp và đoàn thể nghề nghiệp – Nhiệm vụ mỗi ngày mỗi lớn của phụ nữ.
Một người gần năm chục tuổi chưa hề biết một tiếng Anh mà rồi viết tiếng Anh hay được như vậy, thì phá một vài cái hàng rào ngăn cách Đông với Tây đâu phải là chuyện khó. Một thi sĩ khác nguyền rủa sự thống trị của phương Tây, vì từ khi Tagore mới chào đời, phương Tây đã xâm nhập phương Đông bằng mọi cách và đương làm thay đổi lần lần tất cả đời sống phương Đông. Một hệ thống gồm gần năm chục ngàn cây số xe lửa đã bao quanh các sa mạc và cao nguyên của Ấn và làm cho mỗi làng thay đổi bộ mặt; điện tín và báo chí đã đem tin tức của một thế giới đương biến chuyển lại cho những người quan tâm tới thời cuộc, các trường học Anh dạy tiếng Anh để tạo những công dân Anh đã vô tình tiêm cho học sinh những ý tưởng dân chủ, tự do của Anh.
Bị điêu đứng, cùng quẫn ở thế kỉ XIX, vì súng Anh tốt hơn, máy dệt của Anh sản xuất mạnh hơn, bây giờ Ấn Độ đã miễn cưỡng chịu theo chính sách kĩ nghệ hoá vậy. Ngành thủ công chết, xưởng máy mỗi ngày mỗi mọc thêm. Ở Jamsetpur, công ty “Tatar Iron and Steel” dùng 45.000 thợ và muốn truất ngôi bá chủ của Mĩ về ngành sản xuất thép. Sức sản xuất than của Ấn cũng đương tiến mạnh; chỉ trong một thế hệ nữa, Trung Hoa và Ấn có thể khai thác lấy các mỏ nhiên liệu và nguyên liệu cần thiết cho kĩ nghệ và về điểm đó, vượt được sức sản xuất của Âu và Mĩ. Các tài nguyên đó dư để thoả mãn nhu cầu trong nước, sẽ có thể cạnh tranh với phương Tây trên thị trường thế giới; các cường quốc xâm lăng châu Á rồi đây sẽ mất chỗ tiêu thụ hàng hoá; sự thịnh vượng của họ sẽ suy lần và bị các nước nhân công rất rẻ cạnh tranh gay gắt.
Ở Bombay, nay vẫn còn những xưởng lạc hậu như ở giữa triều đại nữ hoàng Victoria[18], trả cho thợ những số lương hồi xưa mà bọn Tory[19] thấy phải thèm thuồng[20]. Chủ nhân ông xưa là Anh, bây giờ là Ấn và bóc lột đồng bào họ cũng tàn nhẫn như bọn cá mập châu Âu, chứ không kém.
Cơ sở kinh tế của xã hội Ấn thay đổi thì tất nhiên các chế độ, tục lệ của dân cũng chịu ảnh hưởng. Chế độ tập cấp xưa dựng lên cho một xã hội ổn cố, nông nghiệp; nó tạo được trật tự nhưng không để cho cá nhân có tinh thần tự do, óc sáng kiến, tiến thủ, hi vọng cải thiện đời sống của mình; nó không khuyến khích óc sáng tạo, kinh doanh; cho nên khi cách mạng kĩ nghệ lan tràn vào Ấn thì nó không hợp thời nữa. Máy móc không phân biệt tập cấp, trong đa số các xưởng, các thợ tập cấp khác nhau làm việc sát cánh nhau; xe điện, xe lửa dành những toa sang trọng có giường cho những ai có tiền mua vé, bất cứ là ở tập cấp nào; các hợp tác xã và chính đảng thu nhận hội viên, đảng viên trong mọi tập cấp và ở trong rạp hát, ở ngoài đường, dù chẳng muốn thì Bà La Môn với tiện dân cũng phải chen vai thích cánh nhau. Một rajah tuyên bố rằng bất kì ai, dù ở tập cấp nào, theo tôn giáo nào cũng được ông tiếp kiến ở triều đình; một người Shudra (tập cấp thủ công) thành một ông vua sáng suốt ở Baroda; phong trào Brahma-Somaj tố cáo chế độ tập cấp và trong Đại hội quốc gia, tỉnh bộ Bengale đòi thủ tiêu mọi sự phân biệt tập cấp. Lần lần một tân giai cấp nổi lên, giàu sang, có quyền hành, trong khi giới quí tộc cổ nhất mỗi ngày một lụn bại.
Những từ ngữ để chỉ các tập cấp đương mất ý nghĩa rồi đó. Danh từ vaisyacòn được dùng trong vài cuốn sách, nhưng trong đời sống hàng ngày không ai dùng nữa. Danh từ shudracũng đã biến mất ở phương Bắc, còn ở phương Nam, thì nó trỏ một cách mơ hồ tất cả những người không phải là Bà La Môn. Mấy tập cấp thấp hèn hồi xưa đã được thay bằng ba ngàn “tập cấp”, gọi là tập cấp chứ thật sự là đoàn thể: chủ ngân hàng, thương gia, kĩ nghệ gia, điền chủ, giáo sư, kĩ sư, người gác đường, nữ sinh trung học, đồ tể, hớt tóc, đánh cá, đào kép, thợ mỏ, thợ giặt, xà ích, các cô bán hàng, các em đánh giày, hết thảy đều tổ chức thành những đoàn thể cùng nghề, nhưng khác với nghiệp đoàn phương Tây, nhất là ở điểm này: không ít thì nhiều, người nào cũng mong con cái nối nghiệp mình.
Bi kịch lớn nhất của chế độ tập đoàn là làm cho số tiện dân mỗi thế hệ một tăng thành thử tinh thần nổi loạn của họ mỗi ngày một mạnh, làm lung lay nền tảng của chế độ đó. Số người ti tiện, không được nhận vào tập cấp nào, thấy hàng ngũ của mình tăng lên hoài vì thêm những kẻ do chiến tranh hoặc không trả nổi nợ mà thành nô lệ, tất cả những trẻ mà cha là Bà La Môn, mẹ là Shudra, tất cả những kẻ khốn nạn làm những nghề quét đường, đồ tể, mãi võ, chèo thuyền, đao phủ mà luật Bà La Môn cho là những nghề đê tiện; mà số người đó tăng rất mau vì họ đẻ nhiều con, chẳng nghĩ gì tới tương lai cả, vì có còn gì đâu để mà mất. Họ nghèo khổ ghê gớm đến nỗi ăn ở rất dơ dáy, sự sạch sẽ đối với họ là một xa xí phẩm không thể nào hưởng được, người ta phải xa lánh họ là phải[21]. Cho nên luật tập cấp cấm một người tiện dân lại gần một Shudra quá bốn mét, lại gần một Bà La Môn quá mười chín mét. Nếu bóng của một người tiện dân chiếu vào một người trong bất kì tập cấp nào thì người này phải tắm gội để tẩy uế tức thì. Một kẻ “ngoài các tập cấp” mà đụng tới một vật nào thì vật đó hoá ra ô uế[22].
Trong nhiều miền ở Ấn, hạng người đó không được lại lấy nước ở các phông-ten, các giếng nước công cộng, không được vô các đền thờ có người Bà La Môn, không được cho con tới học trường bản xứ. Chính sách cai trị của người Anh một phần nào đã làm cho cảnh khổ của họ thêm điêu đứng, nhưng họ được bình đẳng trước pháp luật và được vô các trường học mọi cấp do họ điều khiển. Phong trào quốc gia, nhờ Gandhi mà cởi cho họ được nhiều sự trói buộc. Có thể rằng qua thế hệ sau họ sẽ được giải phóng.
Mặc khác, kĩ nghệ và các quan niệm phương Tây cũng đương làm giảm sự bất bình đẳng giữa nam và nữ. Sự kĩ nghệ hoá làm tăng tuổi kết hôn và giải phóng phụ nữ, vì muốn có thợ đàn bà thì trước hết người ta phải thuyết phục họ rằng gia đình là cái ngục, và phải thay đổi luật pháp để cho họ được hưởng tiền công của họ, khỏi phải nộp hết cho đàn ông. Sự giải phóng đó đã đưa tới nhiều cải cách. Hết cái lệ cưới gả con nít, muốn được làm phép cưới chính thức thì con gái ít nhất phải đủ mười bốn tuổi, con trai phải đủ mười tám tuổi; cái tục hoả thiêu quả phụ cũng không còn và số quả phụ tái giá mỗi ngày mỗi nhiều[23]. Không cấm chế độ đa thê, nhưng số người đa thê không có bao nhiêu; và các du khách thất vọng rằng gần như không còn bọn vũ nữ trong các đền nữa. Không có nước nào mà phong tục cải lương mau như vậy. Đời sống kĩ nghệ tại các thành thị làm cho phụ nữ cởi bỏ khăn che mặt, ra khỏi phòng khuê kín mít; hiện nay chỉ còn độ 6% phụ nữ chịu nhận tình cảnh cấm cung đó. Một số báo định kì đăng những bài rất linh động về các vấn đề nóng hổi nhất cho phụ nữ đọc; một hội hạn chế sinh dục đã thành lập và dám nhìn thẳng vào vấn đề nghiêm trọng nhất đó của Ấn. Trong nhiều tỉnh phụ nữ đã đi bầu và có người lãnh chức vụ trong chính quyền. Nhiều người có bằng cấp đại học, làm y sĩ, luật sư, giáo sư. Rồi đây có lẽ nhiệm vụ sẽ đảo ngược lại và phụ nữ sẽ cầm quyền[24].
Trong lời kêu gọi nẩy lửa dưới đây của một môn đệ Gandhi, ai mà chẳng thấy ảnh hưởng của phương Tây:
“Hỡi các bà các cô, hết cái chế độ Purdah cổ hủ rồi! Xin các bà các cô mau mau liệng hết xoong, chảo, nồi niêu vào một xó mà bước ra khỏi nhà bếp ngay đi! Chùi nước mắt đi để nhìn một thế giới mới đương tới. Để mặc đàn ông họ làm bếp lấy. Có biết bao việc phải làm cho Ấn Độ thành một quốc gia!”[25].