Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

5. Các vị thánh và các người vô tín ngưỡng

06/01/201206:49(Xem: 6184)
5. Các vị thánh và các người vô tín ngưỡng

LỊCH SỬ VĂN MINH ẤN ĐỘ 

Tác giả: Will Durant - Nguyễn Hiến Lê dịch

CHƯƠNG V

THIÊN ĐƯỜNG CỦA THẦN LINH

V. CÁC VỊ THÁNH VÀ CÁC NGƯỜI VÔ TÍN NGƯỠNG

Cách tu để thành thánh – Các tà giáo – Tự do tín ngưỡng – Tổng quan về tôn giáo Ấn Độ.

Cơ hồ như không đâu nhiều thánh bằng Ấn Độ, tới nỗi các du khách có thể nghĩ rằng thánh là một sản vật tự nhiên của xứ đó, cũng như cây thẩu (nha phiến) hoặc loài rắn. Đối với một người Ấn mộ đạo thì có ba con đường tu để thành thánh: con đường Trầm tư, tức Inana-yoga; con đường Hành động, tức Karma-yoga; và con đường Từ ái, tức Bhakti-yoga. Trong bốn Ashrama, tức giai đoạn để tới bực thánh, các Bà La Môn chấp nhận ba con đường đó. Người Bà La Môn trẻ trước hết phải là một Bramachariđã, nghĩa là tự giữ tinh khiết trước khi có vợ, phải tụng niệm, cúng bái, học hỏi, nói đúng sự thật và hết lòng thờ Guru, thầy của mình. Khi có vợ rồi – mà đủ mười tám tuổi thì phải cưới sơm sớm – thanh niên đó bước qua giai đoạn thứ nhì của đời một Bà La Môn, giai đoạn Grihastha, tức gia trưởng, và phải lo có con trai để săn sóc mình và cúng giỗ tổ tiên. Qua giai đoạn thứ ba (ngày nay ít người theo), người nào nguyện thành thánh, phải dắt vợ con vào ở ẩn trong rừng núi, vui vẻ sống đời một Vanaprastha, có ái ân với nhau thì chỉ để cho có con thôi. Sau cùng, muốn đạt mức cao nhất, thành thánh thì người Bà La Môn khi về già, phải bỏ nốt vợ, thành một Sannyasi, nghĩa là “người đã từ bỏ xã hội”, từ bỏ hết của cải tiền bạc, cắt đứt mọi luyến ái, hệ luỵ; chỉ còn giữ mỗi một miếng da sơn dương để che mình, một chiếc gậy để chống và một cái bầu nước để uống. Mỗi buổi sáng phải trát tro lên đầy mình, thường uống “năm chất” [của bò cái thiêng] và khất thực để sống. Qui luật Bà La Môn bảo: “Một Sannyasiphải coi mọi người là bình đẳng. Không được để cho một biến cố làm động lòng, phải thản nhiên nhìn các cuộc cách mạng lật đổ các triều vua, mà chỉ nhắm mục đích duy nhất là luyện cho được cái sáng suốt tâm linh để hoà đồng với Thượng Đế mà chúng ta bị lòng dục và vật chất chung quanh làm cho cách biệt”[36].

Trong cái không khí tín ngưỡng rất mực thành kính đó, đôi khi người ta nghe thấy nổi lên một giọng lạc điệu hẳn, trái với giọng nghiêm trang thường có của người Ấn. Khi nào Ấn gặp thời phú thịnh thì dĩ nhiên số người hoài nghi tăng lên, vì nhân loại càng điêu đứng thì càng tôn sùng thần thánh, càng sung sướng thì càng nghi ngờ các ngài. Chúng tôi đã nói về các Charvakavà các bọn tà giáo khác ở thời Phật Tổ. Còn một cuốn sách cũng gần cổ như vậy nhan đề là một từ ngữ rất dài: Shwasamvedyopanishad, tóm tắt tất cả các môn thần học vào trong bốn điều dưới đây: 1.- Không có sự đầu thai, không có Thượng Đế, Thiên đường, Địa ngục gì cả, không có cả vũ trụ; 2.- tất cả các sách tôn giáo truyền lại đều là tác phẩm của bọn điên rồ tự cao tự đại. 3.- Thiên Nhiên sáng tạo mọi vật rồi Thời Gian huỷ diệt mọi vật, người nào cũng được nhận một phần sướng một phần khổ, sướng khổ nhiều hay ít không phải là vì ta làm nhiều điều thiện hay nhiều điều ác. 4.- dân chúng bị các lời đẹp đẽ [của các tu sĩ] mê hoặc, nên bám lấy các thần, các đền, các tu sĩ, chứ sự thật thần Vichnou với một con chó thì cũng y hệt nhau, chẳng khác gì cả.

Trong Thánh kinhKi Tô giáo, chép thêm thiên Truyền-đạo-thư (Ecclésiastre, trong Cựu Ước), là điều khờ khạo ra sao, thì trong kinh điển Phật giáo viết bằng tiếng Pali, chép thêm thiên về “Những câu hỏi của vua Milida”[37] cũng khờ khạo như vậy. Thiên đó cũng cổ như Ki Tô giáo. Vua Hi Lạp – Bactriane[38] tên là Ménandre[39], cuối thế kỉ thứ I trước Công nguyên thống trị miền Bắc Ấn, hỏi hoà thượng Nagasena (Na Tiên) nhiều câu về tôn giáo. Nagasena đáp rằng tôn giáo không phải chỉ giúp cho người tự giải thoát được khỏi cảnh khổ, mà còn chỉ bảo con đường giác ngộ, chẳng cần biết có Thiên Đường, Thượng Đế hay không, vì sự thực chẳng có Thiên Đường mà cũng chẳng có Thượng Đế. Anh hùng ca Mahabharatamạt sát những kẻ hoài nghi, không tin thần, không tin có linh hồn, chẳng cần biết chết đi, linh hồn diệt hay bất diệt; những kẻ như vậy (cũng vẫn là lời trong anh hùng ca) “đầy dẫy trên mặt đất” và chết đi sẽ phải chịu hình phạt mà thành chó rừng ăn xác thú: một con chó rừng đó bảo rằng sở dĩ nó bị đầu thai mà sống cái kiếp khốn khổ tàn nhẫn, ăn những xác hôi thối như vậy, vì một kiếp trước nó là “một người duy lí, chỉ trích cái kinh Veda… đánh chửi các tu sĩ… chẳng tin gì cả, hoài nghi hết thẩy”.

Bộ Bhagavad-Gitanhắc tới một bọn tà giáo không tin có Thượng Đế và bảo “thế giới chỉ là một ổ truỵ lạc”. Chính các tu sĩ Bà La Môn cũng nhiều khi hoài nghi nhưng họ quá hoài nghi nên không đả đảo tín ngưỡng của dân chúng. Và mặc dầu các thi sĩ Ấn đa số là mộ đạo, nhưng cũng có những nhà như Kabir[40] và Vemana chủ trương một thứ hữu thần luận rất khoáng đạt, tự do.

Vemana, thi sĩ miền Nam Ấn Độ, sống ở thế kỉ XVII khinh các ẩn sĩ tu hành khổ hạnh, các cuộc hành hương và chế độ tập cấp:

Đó là đời sống cô độc của con chó! Lối trầm tư của con sếu! Tiếng hát của con lừa! Lối tắm gội của con ếch!... Trát tro lên đầy mình thì có khoẻ mạnh hơn tí nào không? Các người chỉ nên nghĩ tới Thượng Đế. Còn ngoài ra, một con lừa cũng có thể lăn trong bụi cát như các người vậy… Những cuốn sách người ta gọi là Veda chỉ như những con điếm, lừa gạt người ta mà ý tứ thật khó dò, còn cái ý thức rằng có Thượng Đế ở đâu đó, thì như một người đàn bà lương thiện… Trát tro trắng vào mình, các người cho như vậy là làm mất được mùi rượu đi ư? Cột một dây thừng vào cổ, như vậy đủ cho các người thành một người “sinh hai lần” ư?... Tại sao các người cứ chửi hoài bọn ti tiện (paria)?... Người nào bảo: “Tôi chẳng biết gì hết” là người ấy khôn ngoan nhất.

Thật là một điều lạ, những lời mạt sát kịch liệt như vậy mà không bị trừng trị trong cái xã hội bị một tập cấp tăng lữ thống trị về tinh thần, là Ấn Độ. Trừ vài cuộc đàn áp của ngoại nhân, có lẽ vì các ông vua không phải là người Ấn đó không biết thiết tha gì với các tín ngưỡng của người Ấn, dân chúng được hưởng sự tự do tư tưởng vô cùng cao hơn châu Âu thời Trung cổ, thời mà hai nền văn minh Ấn, Âu cũng ngang nhau. Các tu sĩ Bà La Môn thực ra đã thống trị tinh thần dân chúng một cách sáng suốt và khoan dung. Họ trông vào óc thủ cựu của dân nghèo để duy trì chính giáo, và họ không bị thất vọng. Rồi khi các tà giáo và các tôn giáo ngoại lai được phổ biến trong dân chúng tới mức có thể gây mối nguy cơ được thì họ bao dung hết và hút cả vào cái hang mênh mông chứa các tín ngưỡng cố hữu của Ấn Độ, thêm hay bớt một thần linh nữa thì có hại quái gì. Vì vậy mà không bao giờ thấy những sự thù hằn giữa các giáo phái trong xã hội Ấn, còn giữa Ấn và Hồi thì khác hẳn. Ở Ấn đã có những lần đổ máu vì tôn giáo, nhưng toàn là do bọn ngoại xâm gây ra cả. Người Hồi giáo và Ki Tô giáo vô Ấn rồi gây ra những cuộc đàn áp ngoại đạo; người Hồi muốn mua chỗ ngồi trên Thiên Đường bằng máu của bọn “bất trung” [tức bọn dị giáo, không thờ Allah]; còn bọn Bồ Đào Nha, vừa mới chiếm thành Goa xong là thành lập ngay Tôn giáo Pháp đình, đem cái văn minh phương Tây đó vô Ấn.
Nếu chúng ta rán lục lọi trong cái rừng tín ngưỡng và dị đoan đó để tìm một vài yếu tố chung thì chúng ta thấy rằng hầu hết các người Ấn đều thờ thần Shiva và thần Vichnou, đều trọng các kinh Veda, các tu sĩ Bà La Môn, con bò cái và đều coi các bộ MahabharataRamayana là sách thiêng hàng nhì, dưới các Veda, chứ không phải chỉ là những anh hùng ca giá trị văn chương. Về phương diện đó, có điểm này nhiều ý nghĩa nhất là các thần linh, giáo lí của Ấn ngày nay không còn là những thần linh, giáo lí trong các kinh Vedanữa; như vậy là thổ dân Ấn Độ và các dân tộc Dravidien đã át được phần nào dân tộc Aryen thời Veda, mà Ấn giáo là biểu hiện của sự lấn áp đó. Sự xâm lăng của ngoại nhân, sự cướp bóc, sự khốn khổ đã làm cho da thịt và tinh thần Ấn Độ mang những vết thương nặng cho nên họ đã tìm cách trốn vào trong thần thoại và tưởng tượng để quên cái kiếp trần. Mặc dầu có những tư tưởng cao thượng siêu thoát, đạo Phật cũng như đạo khắc kỉ, vẫn là thứ triết lí của hạng người lệ thuộc. Phật giáo do một vị Hoàng tử sáng lập thật đấy, nhưng vẫn khuyên ta diệt dục, từ bỏ mọi sự chiến đấu, ngay cả sự chiến đấu cho tự do, cho cá nhân, cho quốc gia, mà coi thái độ tiêu cực rầu rĩ là lí tưởng của cuộc sống. Chắc chắn, thời tiết nóng nực làm cho người Ấn kiệt sức, đã ảnh hưởng tới thứ triết lí đó, tới cách sống sao cho bớt mệt đó. Sau Phật giáo, Ấn giáo tiếp tục làm cho Ấn Độ suy nhược, vì theo chế độ tập cấp mà dân chúng Ấn phải vĩnh viễn chịu cái ách của giai cấp tăng lữ; Ấn giáo tạo ra những thần linh thản nhiên, không quan tâm tới luân lí[41], duy trì trong bao nhiêu thế kỉ những tục lệ dã man, như tục giết người để tế thần, tục hoả thiêu quả phụ, mà nhiều nước khác từ bỏ từ lâu; tôn giáo đó cho sống là khổ, không sao tránh được, làm cho tín đồ mất hết nghị lực, sinh ra chán đời, ủ rũ; rồi lại cho mọi sự trên đời chỉ là ảo ảnh, cho nên không còn phân biệt tự do và nô lệ, thiện và ác, sự đồi truỵ và sự gắng sức tiến lên. Một người Ấn có tinh thần đã nói: “lần lần Ấn giáo… đã trở thành một thứ thờ ngẫu tượng, hủ hoá, chỉ còn những nghi thức có tính cách hoàn toàn cổ truyền, nghi thức là tất cả mà bản thể chẳng là gì hết”. Chịu chế độ bạo ngược của các tu sĩ, khắp xứ chỗ nào cũng thấy đầy những “thánh”. Ấn Độ hiện nay vẫn còn ngấm ngầm mà nóng lòng đợi thời Phục hưng, thời Cải cách và Thời đại Ánh sáng của họ.
Tuy nhiên khi suy nghĩ về Ấn, chúng ta nên giữ tinh thần bình tĩnh của sử gia; phương Tây chúng ta cũng có thời Trung cổ, và chúng ta đã thích sự thần bí hơn khoa học, sự thống trị của các tu sĩ hơn là sự thống trị của tiền bạc – biết đâu chừng, một ngày kia chúng ta chẳng trở lại tình trạng đó? Chúng ta không thể phê phán các nhà thần bí của Ấn được vì những quan niệm của chúng ta thường căn cứ trên kinh nghiện bản thân và những dữ kiện vật chất mà một tu sĩ Ấn cho là hời hợt bề ngoài, không có chút giá trị gì cả.
Mà xét cho cùng thì biết đâu chừng, phú quí, quyền hành, chiến tranh, xâm lăng, tất cả những cái đó chẳng phải là những ảo ảnh, không đáng cho một người có óc già giặn quan tâm tới? Và cái khoa học của chúng ta này, căn cứ trên những nguyên tử có tính cách giả thiết, những nguyên tử kì quặc đó, biết đâu chừng chẳng là một tín ngưỡngnhư mọi tín ngưỡng khác, một tín ngưỡng lạ lùng nhất, khó tin nhất mà cũng phù du nhất? Và có lẽ, phương Đông chán cái thân phận lệ thuộc và nghèo khổ, sắp nghiên cứu khoa học, phát triển kĩ nghệ, vào cái lúc mà phương Tây chán những máy móc chỉ làm hại họ, những môn học chỉ đem lại thất vọng cho họ, cũng sắp thấy các châu thành, máy móc của họ bị cách mạng và chiến tranh tàn phá khiến họ hoá ra điêu đứng mà muốn trở về đời sống ruộng đồng, để tạo một tín ngưỡng thần bí nào mới mẻ hầu có thể lấy lại chút can đảm cần thiết để đương đầu với cái đói, sự tàn nhẫn, sự bất công và cái chết.

A, hài hước thay lịch sử!



[1] Tác giả muốn ám chỉ Thánh Gandhi. (ND).

[2] Không biết Subhadda được nói ở đây có phải là người cuối cùng, một du sĩ, được Đức Phật giáo hoá, lúc Ngài sắp tịch không? (Goldfish).

[3] Trong một Purana (tên chung chỉ các sách dạy giáo lí cho các tập cấp không phải Bà La Môn) có chép huyền thoại đặc biệt này: một ông vua đáng được lên Thiên đường mà tự nguyện ở lại Địa ngục để chia sẻ nỗi khổ của những kẻ bị đày xuống đó, cho tới khi nào họ được cứu rỗi hết rồi mới lên Niết Bàn mà thành Phật.

[4] Tử ngữ (sách in sai thành từ ngữ): tác giả ám chỉ tiếng sanscrit. (Goldfish).

[5] Fergusson bảo: “Tín đồ Phật giáo đã đi trước Giáo hội La Mã… cả năm thế kỉ trong việc sáng lập và thi hành các cuộc lễ và các nghi thức chung cho cả hai tôn giáo”. Còn Edmunds thì vạch các chi tiết để làm nổi bật lên những điểm giống nhau các Thánh kinh Ki Tô giáo và Phật giáo. Tuy nhiên sự hiểu biết của chúng ta về nguyên thuỷ của các tục lệ và tín ngưỡng đó còn mơ hồ quá, nên chưa thể kết luận dứt khoát rằng Ki Tô giáo có chịu ảnh hưởng của Phật giáo không.

[6] Bản tiếng Pháp là: la sagesse a posteriori mà tôi có thể dịch là cái khôn hậu luận, nghĩa là thấy cổ nhân lầm lẫn rồi, sử gia mới rút ra một kết luận như tỏ rằng mình khôn hơn cổ nhân. (ND).

[7] Hiện nay ở Ấn chỉ còn khoảng ba triệu người theo đạo Phật, tức chưa đầy một phần trăm dân chúng.

[8]Thái Lan: nguyên văn tiếng Anh là Siam. Trong cuốn Nguồn gốc văn minh, cụ Nguyễn Hiến Lê dịch là Xiêm và ghi thêm trong phần chú thích: “Tên bây giờ là Thái Lan. Cuốn này viết từ trước thế chiến thứ nhì”. (Goldfish).

[9] Kandy là kinh đô của Tích Lan, ở trên một cao nguyên. (ND).

[10] Chính ở đền Kandy này, người ta còn giữ cái “răng của mắt” (!) Phật Tổ dài năm phân, trực kính hai phân rưỡi. Răng đựng trong cái hộp trang sức bằng nhiều bảo vật, cất kỉ một nơi không cho công chúng thấy; người ta đặt chiếc hộp trong một cái kiệu khiêng đi trong một cuộc rước long trọng thu hút không biết bao nhiêu tín đồ hành hương từ khắp nơi ở Á châu tới cung chiêm. Trên tường của ngôi đền, có những bích hoạ vẽ Phật tử từ bi đang giết các kẻ phạm tội ở Địa ngục. “Đời sống” của bậc vĩ nhân nào sau khi chết, cũng bị hậu thế làm sai hẳn đi, mất chân tướng đi một cách nhơ nhớp.

[“Răng của mắt” Phật: nguyên văn tiếng Anh là “eye-tooth of Buddha”, tức răng nanh của Phật. Theo Tỳ Kheo Indacanda (Trương Đình Dũng) thì đó là “xá lợi răng bên trái của đức Phật” (theo http://suoinguonhanhphuc.com/InfoShow.aspx?InfoID=497). (Goldfish)].

[11] Tức Đức Quán Thế Âm Bồ Tát. (Goldfish).

[12] Ở Cao Miên: bản tiếng Anh chép là: In Cambodia, or Indo-China, nghĩa là: ở Cao Miên hoặc Đông Dương. (Goldfish).

[13]Tri-Murti: Bản tiếng Anh chép là Trimurti. Bảng Danh từ Ấn, Hồi ở cuối sách ghi: Trimurti: Tượng thần Shiva có ba mặt. (Goldfish).

[14] Sau lần điều tra năm 1921, các tôn giáo Ấn Độ chia ra như: Ấn giáo 216.261.000 tín đồ; Jaïn 1.178.000; Phật giáo 11.571.000 (mà trên đất Ấn có khoảng 3.000.000 còn lại bao nhiêu ở Tích Lan và Miến Điện); đạo Zoroastre 102.000; Hồi giáo 68.735.000; Do Thái giáo 22.000; Ki Tô giáo 4.754.000 (đa số người Âu).

[15] Bản tiếng Anh chép là: red clay, nghĩa là một thứ đất sét màu đỏ. (Goldfish).

[16] Nhưng cũng phải nhận rằng tên Shiva cũng như tên Brahmane không thấy có trong Rig Veda. Nhà ngữ pháp học Patanjali bảo có những hình ảnh Shiva và các tín đồ thờ thần đó vào khoảng 150 trước Công nguyên.

[17] Nguyên văn: euphemism, nghĩa là cách nói trại, lời nói trại, uyển ngữ. (Goldfish).

[18] Đáng để ý rằng các tu sĩ trong phái thờ thần Shiva, rất ít khi là người Bà La Môn; đa số Bà La Môn chê những nghi tiết kì cục, quá lố trong sự thờ phụng Shakti.

[19]Chẳng hạn trong kinh Veda đã có thần Mặt trời rồi, sau bộ lạc X, bộ lạc Y cũng có thần Mặt trời mà gọi tên khác, và người Bà La Môn cũng thờ chung ba vị đó mà không sợ trùng.

[20] Thánh Mẫu: nguyên văn là Madonna. (Godfish).

[21] Trích trong báo cáo trình lên chính quyền Ấn về công việc kiểm tra năm 1901: “Sau khi nghiên cứu chúng tôi rút ra kết luận này: đại đa số người Ấn tin chắc có một Đấng Tối Cao”.

[22] Đức Thánh Mẫu: nguyên văn là Mary. (Goldfish). 

[23] Nghĩa tựa như tiếng Thầy hay Phu tử của ta. (ND).

[24] Advaitam (Bất nhị): đây là điểm cốt yếu của triết lí Ấn Độ, coi đoạn sau.

[25] Nghĩa là thời đó mà người Ấn đã nghĩ như các nhà bác học thời nay. (ND).

[26] Mỗi malhayuga là 4.320.000 năm thì một yuga, tức 1/4 malhayuga, là 1.080.000 năm, ba yuga phải là 3.240.000 năm. Kaliyuga, yuga cuối cùng cũng bằng 1.080.000 năm, trừ 5.035 đã qua thì phải còn 1.074.965 năm. Không hiểu tác giả tính cách nào mà có con số 3.888.888 và 426.965? (Goldfish).

[27] Hỏi một người Ấn tại sao chúng ta không còn nhớ chút gì về những kiếp trước của ta, thì họ sẽ đáp rằng lí do cũng như chúng ta đã quên hết những điều trong tuổi thơ của mình; họ bảo kiếp này chúng ta được một địa vị, một chức phận nào đó là nhờ những kiếp trước, cũng như người lớn làm nên hay không là tại tuổi thơ siêng năng, ngoan ngoản hay không.

[28]Một tu sĩ ăn mạnh lạ lùng, bảo rằng sở dĩ vầy vì kiếp trước ông ta là một con voi, và luật karma cho ông ta làm người, thay đổi cơ thể ông mà quên không giảm sức ăn mạnh của con voi, tiền thân của ông. Một người đàn bà mà hôi nồng nặc thì họ cho rằng tại kiếp trước là cá.

[29] Người Ấn tin rằng có bảy cõi “dương” mà cõi thứ nhất là trần gian, còn sáu cõi kia cứ ở bực cao lần lần lên; có hai mươi mốt cõi âm chia làm bảy khu…

…Các kẻ ác chỉ chịu hình phạt trong một thời gian thôi nhưng có rất nhiều thứ hình phạt. Theo tu viện trưởng Dubois thì các cảnh Địa ngụ Ấn không thua gì cảnh Địa ngục mà thi hào Dante đã tả: thì ra những nỗi sợ của loài người ở đâu cũng nhiều vô số kể mà óc tưởng tượng cuồng bạo của họ cũng phong phú vô cùng. “Lửa, sắt, rắn, rết, ác thú, mãnh cầm, mật đắng, độc dược, các mùi hôi thối, tóm lại không thiếu thứ gì mà không dùng để trừng trị kẻ có tội. Kẻ thì xỏ dây vào mũi rồi đặt lên những lưỡi búa rất bén cứ thế lôi hoài; kẻ thì buộc phải chui qua một lỗ kim; kẻ phải nằm giữa hai phiến đá dẹp mà quỉ sứ đẩy lại gần nhau để kẹp tội nhân cho thật đau chứ không tới nỗi chết, kẻ kia bị những con kên kên đói mổ mắt để ăn; có cả ngàn kẻ phải lội bì bõm hoài trong một cái ao đầy nước tiểu của chó và nhày nhụa nước mũi của người”. Có lẽ hạng người Ấn thấp kém nhất và các nhà thần học nghiêm chỉnh nhất tin như vậy thật. Chúng ta đừng chê họ mà nên nhớ rằng chính cảnh Địa ngục của chúng ta có nhiều hình phạt không thua gì họ mà lại còn vĩnh cửu nữa, đã xuống đó thì bị đày hoài không được trở lên cõi trần.

[30] Chế độ tập cấp của Ấn Độ, ít nhất về lí thuyết, dựa vào sự tin tưởng ở luật Quả báo (karma) và luân hồi. Vì người Ấn theo chính giáo cho rằng tuỳ linh hồn trong các kiếp trước đã hành động ra sao mà kiếp này đầu thai vào tập cấp này hay tập cấp khác; như vậy tập cấp là một trật tự trời tạo nên, nếu sửa đổi thì sẽ bị tội bất kính.

[31] Schopenhauer cũng như Phật tổ cho mọi nỗi khổ đều do con người ham sống và ham sinh đẻ để duy trì giòng giống, ông khuyên mọi người tự ý tuyệt tự để cho nòi giống tuyệt diệt. Còn Heine thì không có đoạn thơ nào mà không nói đến cái chết, hai câu dưới đây của ông thật có cái giọng Ấn Độ:

Êm đềm thay giấc ngủ, nhưng cái chết còn êm đềm hơn;

Sướng hơn nữa là đừng sinh để khỏi tử.

Kant mỉa mai tinh thần lạc quan của Leibnitz, hỏi: “Có con người nào óc lành mạnh, sau khi đã sống một thời gian, suy tư về sự vô ích của đời người rồi mà còn muốn bắt đầu diễn lại cái bi kịch của nhân sinh trong bất kì điều kiện, hoàn cảnh mà người đó đã trải qua”.

[32] Theo chú thích trong bản tiếng Anh thì đoạn đối thoại này cũng trích trong Mahabharata. (Goldfish.

[33] Chúng ta nên phân biệt: Brahman: linh hồn vũ trụ; Brahamane: Bà La Môn; Brahma: tên vị thần; Brahmana: Phạn Chí, tên sách thần chú của các Bà La Môn viết. (ND).

[34] Tới năm 1854 mà người ta còn thấy những vụ giết người để tế thần. Xưa kia người ta tin rằng có những người rất mộ đạo tự hiến thân để tế thần, chẳng hạn những người tự ý đâm vào xe trước thần Juggernaut (tiếng Ấn là Jagannath) cho xe cán; nhưng ngày nay người ta bảo những trường hợp đó rất hiếm, có lẽ là do tai nạn hơn là do ý muốn quyên sinh để tế thần. (Tên châu thành thờ vị thần đó cũng gọi là Juggernaut).

[35] Tu viện trưởng Dubois bảo: “Người Ấn cho nước tiểu là thứ công hiệu nhất để tẩy mọi thứ ô uế. Tôi đã thấy những người Ấn mê tín đi theo các con bò cái khi nó ra đồng ăn cỏ và rình hứng nước tiểu nóng hổi quí báu của nó bằng những bình bằng đồng, rồi đem về nhà; có khi họ đưa tay ra hứng uống ngay một ngụm, còn lại thì dùng để rửa mặt”.

[36] Tu viện trưởng Dubois luôn luôn nghi ngờ các tín ngưỡng không phải tín ngưỡng của ông, viết thêm rằng: “Các người Ấn trí thức thường cho đa số các sannyasi chỉ là bọn bịp bợm”.

[37]Tôi thêm chữ vua vì trong bản tiếng Anh chép là: King Milinda. (Goldfish).

[38] Bactriane là Tây Vực thời xưa. (ND).

[39] Người Ấn gọi là Milinda (Di Lan Đà). (ND).

[40]Kabir: sách in là Kabie, tôi sửa lại theo bản tiếng Anh. (Goldfish).

[41] Chắc tác giả muốn nói một thứ luân lí nào đó thôi. (ND).

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com