- Tiểu sử dịch giả
- Tựa
- Niên biểu lịch sử Ấn Độ
- Chương 1: Tổng quan về Ấn Độ
- Chương 2: Phật Thích Ca
- Chương 3: Từ Alexandre tới Aureng-Zeb
- Chương 4: Đời sống dân chúng
- Chương 5: Thiên đường của thần linh
- Chương 6: Đời sống tinh thần
- Chương 7: Văn học Ấn Độ
- Chương 8: Nghệ thuật Ấn Độ
- Chương 9: Ấn Độ và Ki Tô Giáo
- Danh từ Ấn, Hồi
LỊCH SỬ VĂN MINH ẤN ĐỘ
Tác giả: Will Durant - Nguyễn Hiến Lê dịch
CHƯƠNG IV
ĐỜI SỐNG DÂN CHÚNG
I. NGUỒN LỢI
Rừng – Canh nông – Mỏ - Tiểu công nghệ - Thương mại – Tiền tệ - Thuế má – Nạn đói – Giàu và nghèo
Đất đai Ấn Độ không thích hợp cho sự phát sinh một nền văn minh. Một phần lớn là sơn lâm mà chúa tể là sư tử, cọp, voi, rắn; có một số ít người thì đều là bọn tinh thần cá nhân rất mạnh, ẩn cư, khinh văn minh có phần còn hơn Jean Jacques Rousseau. Về phương diện sinh sống, Ấn Độ phải chiến đấu với các mãnh thú hằng mấy thế kỉ, trong khi đó xảy thêm nhiều bi kịch về kinh tế và chính trị. Akbar đã phải giết cọp ở chung quanh Mathura và bắt voi rừng ở những nơi mà hiện nay khó kiếm ra được một con. Thời Veda, đi trên đường bất kì nơi nào ở Bắc Ấn và Trung Ấn cũng có thể đụng đầu với sư tử, ngày nay giống đó cơ hồ đã bị diệt hết trên bán đảo rồi. Nhưng người Ấn vẫn phải chiến đấu hoài với rắn và sâu bọ; năm 1926 khoảng hai ngàn người Ấn bị thú dữ vồ (trong số thú dữ đó có 875 con cọp)[1] và hai chục ngàn người chết vì rắn cắn.
Người chiếm được đất, đuổi được thú dữ, đi tới đâu thì khai phá ngay tới đó; trồng lúa, đậu, kê, rau và cây trái. Trong một phần lớn lịch sử, dân Ấn đã sống thanh đạm bằng rau mà để thịt, cá, gà cho hạng tiện dân[2] và các người giàu có[3]. Để gia vị mà có lẽ cũng để tráng dương, họ dùng nhiều cà ri, gừng, đinh hương, hồi hương, quế và các thứ hương liệu khác. Và chính vì người Âu cũng thích những hương liệu ấy, muốn đến tận nơi sản xuất để kiếm cho nhiều, nên vô tình tìm ra được một lục địa: châu Mĩ. Thời Veda, đất đai thuộc về dân chúng, nhưng từ hồi Chandragupta Maurya, các vua chúa quen thói đòi làm chủ toàn thể đất đai trong nước và người dân nào muốn cày cấy trồng trọt thì phải đóng thuế hàng năm. Thường thường triều đình làm những công việc dẫn thuỷ nhập điền. Một trong số nhiều cái đập do Chandragupta xây cất, còn dùng được mãi tới năm 150 trước Công nguyên; ngày nay chúng ta còn thấy gần khắp mọi nơi di tích những con kinh cũ; còn cả di tích mà Raj Sing, Rana Rajupte ở Mewar cho đào để chứa nước dùng vào việc dẫn thuỷ nhập điền (1661), chung quanh hồ có một bức tường cẩm thạch dài hai chục cây số.
Có thể rằng người Ấn là dân tộc đầu tiên khai thác các mỏ vàng. Hérodote và Mégasthènes kể rằng: “Có những loài kiến khổng lồ nhỏ hơn loài chó một chút nhưng lớn hơn loài chồn” cào cát và giúp người Ấn tìm vàng[4]. Phần lớn số vàng lưu hành trong đế quốc Ba Tư ở thế kỉ thứ V trước Công nguyên là từ Ấn Độ qua; một ngàn rưỡi năm trước Công nguyên, Ấn còn khai thác bạc, đồng, chì, kẽm, thiếc và sắt nữa. Kĩ thuật nấu và trui sắt xuất hiện ở Ấn từ lâu rồi châu Âu mới được biết; chẳng hạn Vikramaditya dựng ở Delhi vào khoảng 380 sau công nguyên một cột trụ lớn bằng sắt, hiện nay sau mười lăm thế kỉ vẫn còn nguyên vẹn, và khoa dạ kim ngày nay vẫn chưa biết nhờ đâu mà cột đó sau bao nhiêu thế kỉ mưa gió vẫn không sét: nhờ sắt tốt hay nhờ một bí thuật nấu, pha nào đó. Trước khi người Âu tới, nghề nấu sắt bằng những cái lò nhỏ đốt than cây là một trong những kĩ nghệ chính của Ấn Độ. Cuộc cách mạng kĩ nghệ đã giúp cho Âu châu nấu sắt rẻ hơn, nhiều hơn và kĩ nghệ Ấn không thể cạnh tranh nổi, người Ấn đành phải nhập cảng sắt của phương Tây. Mãi đến thời đại chúng ta, các mỏ ở Ấn mới được khai thác trở lại.
Sự trồng bông vải cũng xuất hiện ở Ấn Độ sớm hơn các nơi khác; nền văn minh Mohenjo-daro hình như đã dùng sợi bông để dệt vải. Hérodote là sử gia cổ nhất nói tới bông, chép một cách ngây thơ rằng: “Vài thứ cây mọc hoang trong rừng không có trái mà lại có len, thứ len đó đẹp hơn, tốt hơn thứ len ở lông cừu; người Ấn dùng những cây đó để dệt áo”. Chính trong những chiến tranh xâm lăng ở Cận Đông mà người La Mã biết thứ len ở trên cây đó. Những người Ả Rập qua Ấn thế kỉ thứ IX kể rằng: “Ở xứ đó người ta dệt những thứ vải tuyệt hảo, không đâu bằng, mịn và nhẹ tới nỗi cuốn lại cho luồn qua một chiếc vòng nhỏ được”. Người Ả Rập thời Trung cổ học được của người Ấn nghệ thuật đó, và tiếng Ả Rập quttanlà nguồn gốc tiếng coton (bông vải) của Pháp[5]. Tiếng mousselinemới đầu trỏ những hàng dệt rất mịn tại Mosoul, theo phương pháp Ấn Độ; vải calicot(vải chúc bâu) sở dĩ có tên đó là vì những mẫu đầu tiên nhập cảng vô châu Âu năm 1631 do châu thành Calicut sản xuất, mà châu thành này nằm trên bờ biển Tây Nam Ấn. Marco Polo viết về tỉnh Gujerat năm 1293 như sau: “Đồ thêu ở đây đẹp nhất thế giới”. Còn thứ khăn “san” ở Cachemire, và những tấm nệm ở Ấn, hiện nay vẫn còn nổi danh vì dệt đẹp, màu sắc rực rỡ, khéo léo. Nhưng nghề dệt chỉ là một trong vô số tiểu công nghệ Ấn Độ thời xưa, và phường thợ dệt chỉ là một trong nhiều phường của họ. Châu Âu thời đó phục sự khéo léo của thợ Ấn trong mọi ngành: đồ mộc, đồ đồng, vàng, bạc, đồ ngà, đồ nhuộm, da thuộc, xà bông, thuỷ tinh, pháo thăng thiên, xi măng, vân vân…
Năm 1260 sau Công nguyên, Trung Hoa mua các kính đeo mắt của Ấn Độ. Bernier, thế kỉ thứ XVII, đi khắp Ấn Độ, thấy chỗ nào tiểu công nghệ cũng phồn thịnh. Fitch, năm 1585, thấy một đoàn một trăm tám chục chiếc tàu – y như một hạm đội – xuôi dòng sông Jumna, chiếc nào cũng chở đầy hàng hoá mọi thứ.
Thương mại trong nước phồn thịnh, hồi xưa mà ngày nay cũng vậy, hai bên đường đầy những quán tạp hoá, y như một cái chợ. Còn ngoại thương thì đã có từ buổi đầu trong lịch sử Ấn Độ; những cổ vật đào được ở Sumérie, Ai Cập, chứng tỏ rằng ba ngàn năm trước Công nguyên hai xứ này đã trao đổi hàng hoá với Ấn Độ. Từ 700 tới 480 trước Công nguyên, Ấn Độ và Babylone đã thông thương với nhau, tàu tấp nập qua vịnh Ba Tư, có lẽ “ngà voi, khỉ và chim công” của vua Salomon từ Ấn qua bằng con đường biển đó. Thời Chandragupta, tàu biển Ấn đi tới Miến Điện, Trung Hoa và trong mấy thế kỉ trước sau đầu Công nguyên, các thương nhân Hi Lạp – người Ấn gọi là Yavana – đổ xô lại thị trường Ấn[6]. Thời mà dân La Mã sống xa xỉ, sung sướng hưởng lạc, Ấn Độ cung cấp cho họ các hương liệu, dầu thơm, thuốc dán; họ phải trả rất đắt các hàng gấm, lụa, sa, và hàng dệt kim tuyến của Ấn. Pline phàn nàn rằng mỗi năm La Mã nộp cho Ấn 75 triệu quan[7] về những đồ nhăng nhít đó. Những con báo, voi, cọp trong các đấu trường[8] ở Coliseé cũng từ Ấn chở qua. Chính vì muốn giữ cho con đường thông thương với Ấn khỏi bị nghẽn mà La Mã đã chiến đấu với người Parthe. Thế kỉ thứ VII, người Ả Rập chiếm được Ba Tư và Ai Cập, nắm độc quyền thương mại với Ấn Độ; do đó người Âu mới mở các cuộc viễn chinh Thập tự quân, và Christphe Colomb mới kiếm một con đường khác qua Ấn và tìm ra được châu Mĩ. Dưới các triều đại Mông Cổ, ngoại thương của Ấn lại phát triển mạnh: các thương cảng Venice, Gênes, Pise vân vân, nhờ được miễn thuế, làm trung gian giữa châu Âu một mặt, Cân Đông và Ấn Độ một mặt, mà trở nên giàu có rất mau, và phong trào Phục hưng ở Ý sở dĩ phát sinh là nhờ sự phú thịnh thương mại đã đem lại cho Ý đó, nhiều hơn là nhờ các cổ thư viết tay người Hi Lạp đem vô Ý. Vua Ấn Akbar có một bộ Hải quân coi sóc việc đóng tàu và qui định hải thương; các hải cảng ở Bengale và Sindh nổi tiếng về các xưởng đóng tàu, và vua Constantinope cho rằng đặt xưởng Ấn đóng tàu lợi hơn là đặt xưởng Ai Cập ở Alexandre. Chính Công ty Đông Ấn[9] cũng đặt đóng tàu ở Bengale.
Phải mấy thế kỉ, chính sách tiền tệ mới tiến hoá để thích hợp với sự thông thương, giao dịch đó. Từ thời đại Phật Thích Ca, các nhóm kinh tế hoặc các công sở đã đúc những đồng tiền thô sơ hình chữ nhật, nhưng mãi tới thế kỉ thứ IV trước Công nguyên, do ảnh hưởng của Ba Tư và Hi Lạp, Ấn Độ mới có một thứ tiền được quốc gia bảo đảm. Vua Dher đúc những thứ tiền đồng, bạc và vàng, có hình đẹp, và chính ông dùng đồng ru-pi làm đơn vị tiền tệ trong nước. Tới triều đại Akbar và Jehengir, các đồng tiền Ấn không thua tiền châu Âu về phương diện đúc và giá trị: vàng bạc ít pha. Tới thời đại Trung cổ, ở Ấn cũng như ở châu Âu, thương mại và kĩ nghệ bị tê liệt vì ảnh hưởng của tôn giáo: người ta cho sự cho vay lấy lời là bỉ ổi, ghê gớm. Mégasthène nói: “Người Ấn không cho vay [lấy lời] và cũng không biết đi vay tiền. Họ cho rằng làm thiệt hại người khác hoặc chính mình chịu thiệt hại, đều là trái với tục tổ tiên; vì vậy không khi nào họ kí hợp đồng và cũng không khi nào đòi có bảo đảm”. Có dư tiền không biết làm gì thì họ chôn cất hoặc mua đồ tư trang, dễ chứa trong nhà. Có lẽ vì họ không biết tổ chức một hệ thống tín dụng thương mại mà châu Âu dễ thống trị họ. Nhưng mặc dầu bị các tu sĩ Bà La Môn phản đối, sự buôn tiền lần lần cũng phát triển, người Ấn cũng cho vay lãi; tuỳ tập cấp người hỏi vay, mà lấy lãi từ 12 tới 60% năm, trung bình là 20%. Không có lệ hễ phá sản thì vỡ nợ được, chết đi mà không trả hết nợ, thì con cháu phải trả cho tới thế hệ thứ sáu mới thôi.
Chính quyền đánh thuế nặng vào nông nghiệp và thương nghiệp. Nông dân phải trả một thứ thuế từ một phần sáu tới một nửa số lúa gặt được, muốn chở chuyên, trao đổi các hàng hoá trong nước phải chịu nhiều thứ thuế từng miền nữa, y như châu Âu thời Trung cổ và thời nay[10]. Vua Akbar bỏ hết các thứ thuế khác, chỉ giữ một thứ thuế điền thổ bằng một phần ba số thu gặt được, thuế điền thổ đó nặng thật nhưng được cái lợi là năm nào được mùa thì phải nộp nhiều, năm nào mất mùa thì phải nộp ít, và trong những năm đói kém, dân nghèo có thể chết đói đấy, nhưng ít nhất cũng khỏi phải đóng thuế, mát ruột được phần nào. Vì cái nạn đói kém vẫn thường xảy ra, ngay cả trong thời phồn thịnh nhất của vua Akbar [1595-1598]. Nạn đói năm 1556 đã làm chết biết bao người và có nơi người ta ăn thịt người. Đường sá xấu, cách chuyên chở chậm chạp, lúa ở miền có dư khó mà chở lại được miền thiếu.
Cũng như ở mọi xứ khác, Ấn Độ thời xưa có những kẻ quá giàu và những kẻ quá nghèo, nhưng xét chung thì sự cách biệt giữa giàu và nghèo còn tương đối ít hơn Ấn Độ hoặc châu Âu[11] ngày nay. Ở dưới cùng là một thiểu số nô lệ, trên giai cấp đó là giới shudra, cao hơn nô lệ, gần như là công nhân, mặc dầu tình trạng trong xã hội của họ cha truyền con nối, họ không thoát ra được, cũng như hầu hết các người Ấn Độ khác. Cảnh khốn cùng của họ mà linh mục Dubois đã tả là hậu quả của năm chục năm lộn xộn về chính trị; dưới các triều đại Mông Cổ, dân chúng Ấn tương đối đủ ăn. Tiền công thấp: dưới triều Akbar, một lao công lãnh mỗi ngày từ nửa quan Pháp tới 1 quan 35, nhưng vật giá cũng rẻ. Năm 1600, có một ru-pi (bình thường bằng 5 quan Pháp) thì mua được 87 kí lúa mì hoặc 125 kí lúa mạch! Năm 1901, một ru-pi chỉ có thể mua được 14 kí lúa mì và 20 kí lúa mạch. Một người Anh ở Ấn năm 1616 bảo “khắp nước chỗ nào thực phẩm cũng dồi dào” và “ai cũng có thể ăn bánh mì được, chứ không phải nhịn”. Một người Anh khác du lịch ở Ấn thế kỉ XVII bảo mỗi ngày ông ta tiêu không quá 60 xu Pháp.
Dưới triều Chandragupta và Shad Jehan, sự giàu có của Ấn Độ đạt tới mức cao nhất. Dưới triều các vua Gupta, Ấn Độ nổi tiếng là giàu có phi thường. Huyền Trang tả một thành phố Ấn có vườn bông, hồ nước, nhiều viện văn học và nghệ thuật kiến trúc rất đẹp: “Dân chúng có vẻ phong lưu và những đại phú gia không phải là hiếm: đâu đâu cũng có vườn hoa, vườn quả… Dân có dong mạo dáng điệu phong nhã và bận y phục bằng tơ lụa long lanh…, câu chuyện của họ dễ hiểu và gợi ý; gần như một nửa có tín ngưỡng một nửa không”. Elphinstone bảo: “Các vương quốc Ấn Độ bị người Hồi tiêu diệt, trước kia giàu có tới nỗi các sử gia ghi chép những món bảo vật tiền bạc vì bọn xâm lăng cướp bóc, thấy nhiều quá, ghi không xiết được, đâm ngán”. Nicolo Conti bảo rằng hai bờ con sông Gange, có vô số châu thành gần như nối tiếp nhau; thành nào đường phố cũng thẳng băng, nhiều vườn hoa, vườn quả, có nhiều vàng, nhiều bạc, kĩ nghệ và thương mại phồn thịnh. Bạc vàng châu báu của vua Jehan nhiều tới nỗi phải cất vào hai phòng mênh mông, cửa rất chắc, canh phòng kĩ lưỡng, mỗi phòng chứa được khoảng 4.200 mét khối”[12] gần đầy nhóc vàng và bạc. Vincent Smith bảo: “Cứ theo những lời ghi chép của người đương thời thì chúng ta có thể tin rằng dân các đô thị Ấn thời đó sống rất phong lưu”. Các du khách thời xưa cho rằng Agra và Fathpur-Sikri lớn hơn và giàu hơn Londres. Anquetil-Duperron đi qua xứ Mahratte năm 1760 tưởng mình lạc vào cảnh “đào nguyên của hoàng kim thời đại… Dân chúng vui vẻ, khoẻ mạnh, lực lưỡng”. Clive đi thăm cảnh Murshidabad năm 1759, cho rằng cố đô của Bengale đó rộng rãi, đông đúc và giàu có ngang với Londres thời đại ông và có những lâu đài cung điện đồ sộ châu Âu không bằng, những đại phú gia ở Londres cũng không bằng”. Clive[13] bảo Ấn Độ là “một xứ mà tài nguyên phong phú vô tận”. Bị truy tố trước Quốc hội Anh là làm giàu mau quá, ông ta ngây thơ tự biện hộ rằng ông sống trong một cảnh chung quanh có biết bao của cải, thành phố nào cũng phong phú, sẵn sàng tặng ông mọi thứ nếu không thì cũng bị cướp bóc hết mất; các ngân hàng để ông tự do lấy các bảo vật và vàng chất đầy trong hầm; rồi ông ta kết luận: “Chính tôi trong lúc đương nói này, cũng ngạc nhiên rằng tại sao tôi lại làm giàu một cách chừng mực như vậy”.