- Tiểu sử dịch giả
- Tựa
- Niên biểu lịch sử Ấn Độ
- Chương 1: Tổng quan về Ấn Độ
- Chương 2: Phật Thích Ca
- Chương 3: Từ Alexandre tới Aureng-Zeb
- Chương 4: Đời sống dân chúng
- Chương 5: Thiên đường của thần linh
- Chương 6: Đời sống tinh thần
- Chương 7: Văn học Ấn Độ
- Chương 8: Nghệ thuật Ấn Độ
- Chương 9: Ấn Độ và Ki Tô Giáo
- Danh từ Ấn, Hồi
LỊCH SỬ VĂN MINH ẤN ĐỘ
Tác giả: Will Durant - Nguyễn Hiến Lê dịch
CHƯƠNG III -
TỪ ALEXANDRE TỚI AURENG-ZEB
VIII. ĐẾ QUỐC MÔNG CỔ SUY TÀN
Con cái các vĩ nhân – Jehangir – Shah Jehan – Sự xa hoa lộng lẫy của ông – Ông mất ngôi – Aureng Zeb – Sự cuồng tín của ông – Cái chết của ông – Người Anh tới Ấn
Các con của Akbar trước kia mong từng ngày cho ông chết, nay thấy rằng khó mà giữ được đế quốc cha đã sáng lập nên. Tại sao con các bậc vĩ nhân lại hầu hết là tầm thường quá đỗi? Có phải tại thiên tài của các vĩ nhân vừa do di truyền vừa do sinh lí, chỉ lâu lâu may mắn xuất hiện một lần, chứ không thể tái hiện được? Hay tại bậc thiên tài đã phải phí nhiều sinh lực về tinh thần và thể chất quá, không còn đâu để truyền lại cho con cái được? Hay tại con cái họ sống sung sướng, dễ dàng quá, ngay từ hồi nhỏ, không được nhu cầu và cao vọng kích thích, cho nên mau suy đốn? Jehangir chẳng những rất tầm thường mà còn đồi truỵ nữa. Cha là dòng dõi Thổ, mẹ là công chúa Ấn Độ, đông cung thái tử đó ngay từ nhỏ đã rượu chè, trai gái, có thói bạo dâm của rợ Thát Đát (Hung Nô), thói đó tiềm tàng trong máu của ông cha chàng: Babur, Humayun và Akbar, tới chàng mới phát ra. Khi lên ngôi rồi, Jehangir thích thấy cảnh lột da, đóng nõ đít, voi giày tội nhân. Trong tập Hồi kí, ông ta chép lại rằng một mã quan (quan giữ ngựa) và mấy người theo hầu vô ý xuất hiện thình lình làm cho con mồi của ông hoảng, chạy đi mất, ông nổi giận sai chém ngay mã quan đó và chặt gân nhượng chân của bọn theo hầu, thành thử bọn này suốt đời tàn tật. Sau khi chứng kiến cảnh hành hình rồi, ông ta bảo: “Ta tiếp tục cuộc săn bỏ dở”. Khi con trai ông, Khusru, âm mưu thoán nghịch, ông sai đóng nõ đít bảy trăm kẻ phiến loạn, sắp theo một hàng dài trong đường phố Lahore; và thấy họ hấp hối lâu rồi mới chết, ông ta hoan hỉ. Để thoả mãn nhục dục, ông ta có sáu ngàn cung tần mĩ nữ, nhưng quí nhất bà Nur Jehan[46] mà ông ta đã giết chồng để cướp vợ. Về tư pháp, ông tỏ ra nghiêm khắc nhưng vô tư; nhưng ông ta tiêu pha quá độ, thành một gánh nặng cho một quốc gia phú thịnh nhất thế giới nhờ tài trị nước sáng suốt của Akbar và nhờ hưởng được nhiều năm thái bình.
Về khoảng cuối đời, Jehangir càng say sưa, uống rượu suốt ngày, bỏ bê công việc triều đình. Như vậy thì dĩ nhiên có nhiều cuộc âm mưu để truất ngôi ông; ngay từ năm 1622, con trai ông là Jehan đã muốn thoán vị, Jehangir vừa mới chết thì Jehan đương trốn ở miền Deccan cấp tốc về triều, giết hết các em để khỏi lo hậu hoạn.
Ông ta cũng cuồng bạo, vô độ y hệt cha. Số tiền tiêu pha về cung điện và trả lương cao cho vô số quan lại làm cho lợi tức của dân chúng mỗi ngày một kiệt. Akbar cho các tín ngưỡng được tự do, Jehangir không quan tâm tới tôn giáo, Jehan trái lại, phục hồi đạo Hồi, ngược đãi các tín đồ Ki Tô giáo và tàn phá các đền thờ Ấn một cách dã man.
Nhưng Shah Jehan được điều này cứu vớt lại phần nào: rộng rãi với bạn bè, bố thí cho dân nghèo, thích nghệ thuật, cho xây cất những đền đài đẹp nhất của Ấn Độ và chung tình với vợ: Mumtaz Mahal, “Trang sức của cung điện”. Trước khi cưới bà hồi hai mươi mốt tuổi, ông đã có hai người con trai với bà vợ trước. Trong mười tám năm Mumtaz sanh được mười bốn người con, và đứa út mới ra đời thì bà mất, thọ ba mươi chín tuổi. Shah Jehan thương tiếc vô cùng, sai cất lăng Taj Mahal[47], một công trình kiến trúc toàn màu trắng, cực đẹp, rồi trở lại cuộc đời truỵ lạc, dâm đãng. Lăng tráng lệ nhất thế giới đó chỉ là một trong trăm công trình kiến trúc mà Jehan đã cho xây cất, đặc biệt là ở Agra và Tân Delhi, chính ông đã vẽ bản đồ thành phố sau. Phí tổn của những kiến trúc đó, sự xa hoa phóng túng ở triều đình, biết bao bảo ngọc để xây Ngọc điện Khổng tước[48] làm cho dân chúng chắc phải điêu đứng về thuế má. Tuy nhiên triều đại dài ba chục năm của ông chính là thời cực thịnh, uy danh lừng lẫy của Ấn Độ, mặc dầu có một nạn đói tàn phá Ấn Độ dữ dội chưa từng thấy. Ông vua xa xỉ và kiêu căng đó có tài năng, tuy làm phí rất nhiều sinh mạng của dân trong các chiến tranh với ngoại quốc, nhưng bảo vệ được cảnh thái bình trong nước suốt một thế hệ. Đúng như một nhà cai trị Anh ở Bombay, Mounstuart Elphinstone đã viết:
Những người trông thấy tình trạng Ấn Độ ngày nay có ý nghi ngờ các văn sĩ của họ đã phóng đại cảnh thịnh vượng huy hoàng của Ấn thời xưa; nhưng những châu thành bỏ hoang, những cung điện đổ nát, những thuỷ lộ huỷ hoại, những hồ nước và đê đập mà thỉnh thoảng chúng ta gặp trong rừng, những mặt đường hư hỏng, di tích các giếng nước, các trạm trú chân trên những quốc lộ thời xưa, tất cả những cái đó, với những thiên kí sự của các du khách thời xưa đủ cho chúng ta tin rằng các sử gia Ấn không thêu dệt đâu mà chép đúng sự thực đấy.
Jehan giết hết các em để lên ngôi, nhưng ông quên không giết hết các con trai ông, để cho một người con sau này truất ngôi ông. Năm 1657, người con thông minh nhất của ông, Aureng-Zeb, nổi loạn trong miền Deccan, Jehan cũng như David [vua Do Thái thời cổ] ra lệnh cho các tướng lãnh dẹp quân phiến loạn nhưng rán đừng giết con ông. Nhưng Aureng-Zeb thắng được hết các đạo quân triều đình, bắt sống được cha, giam vô đồn Agra, tại đó Jehan sống thêm chín năm đau khổ, uất hận, không một lần nào được con trai vô thăm, thui thủi với người con gái hiếu thảo Jahanara, suốt ngày ở trong tháp Jasmine, nơi ông bị nhốt, nhìn sang lăng tẩm trắng toát của Mumtaz, người yêu của ông, trên bờ bên kia sông Jumna.
Người con đã tàn nhẫn, bất hiếu với cha như vậy nhưng là một trong những vị thánh của đạo Hồi và có lẽ là nhân vật siêu quần nhất trong số các đế vương Mông Cổ. Các mullah sư phó của ông đã truyền cho ông những tín ngưỡng rất mạnh tới nỗi hồi trẻ ông đã có lần muốn từ bỏ xã hội, từ bỏ ngôi báu để sống trong một nhà tu kín. Mặc dầu độc tài, giỏi ngoại giao, có một quan niệm về luân lí đặc biệt, chỉ hợp với tôn giáo của ông thôi, ông luôn luôn là một người rất mộ đạo, đọc kinh hằng giờ, nhịn ăn mấy ngày, thuộc làu kinh Coran và đem quân diệt các dân ngoại đạo, tóm lại lúc nào cũng theo đúng kinh Coran. Về chính trị, ông tính toán một cách lạnh lùng, có thể nói dối khéo léo miễn là có lợi cho nước và cho Chúa. Nhưng vua Mông Cổ mà như ông thì còn là ít tàn bạo nhất đấy, có thể nói là hiền từ nhất nữa; dưới triều đại ông, sự giết chóc giảm đi, hình phạt cũng nhẹ hơn trước. Thái độ lúc nào cũng khiêm tốn, ai trêu chọc thì kiên nhẫn chịu, gặp tai hoạ thì an phận. Theo đúng những điều tôn giáo nghiêm cấm về rượu, thức ăn và các thứ xa xỉ; mặc dầu giỏi về âm nhạc mà không ham, cho nó là một thú vui gợi dục quá; hình như ông đã giữ đúng quyết định phải làm lụng bằng chân tay để kiếm ăn và kiếm được bao nhiêu thì chi tiêu bấy nhiêu thôi. Đúng là Thánh Augustin ngồi trên ngai vàng.
Vua Jehan đã dùng một nửa lợi tức để khuyến khích ngành kiến trúc và các nghệ thuật khác. Aureng-Zeb trái lại không quan tâm gì tới nghệ thuật, óc hẹp hòi tới man rợ, sai phá hủy hết các đền chùa của bọn “dị giáo”, suốt nửa thế kỉ cầm quyền, ông tìm mọi cách diệt hết các tôn giáo khác ở Ấn Độ. Ông ra lệnh cho các tỉnh trưởng, quan lại triệt hạ hết các đền Ấn Độ, các nhà thờ Ki Tô giáo, đập hết các ngẫu tượng[49] và đóng cửa hết các trường học Ấn. Chỉ trong một năm, riêng tại Amber, đã có sáu mươi ngôi đền bị phá huỷ; ông cho triệt hạ ở Chitor sáu mươi ba đền, ở Udaipur một trăm hai mươi ba đền, mà cho xây cất ở Bénarès một thánh đường Hồi giáo ngay trên nền cũ của một ngôi đền người Ấn đặc biệt quí trọng, thực là chửi vào mặt toàn dân Ấn. Ông cấm người Ấn thờ phụng thần thánh của họ, kẻ nào không cải đạo theo Hồi giáo thì phải đóng một thứ thuế thân nặng. Hậu quả của thái độ cuồng tín đó là hàng ngàn ngôi đền bị tàn phá, thế là nghệ thuật Ấn trong cả ngàn năm bị mai một, và những di tích còn lưu lại ngày nay không thể cho ta một ý niệm đúng về cảnh huy hoàng đẹp đẽ của Ấn Độ hồi xưa ra sao.
Aureng-Zeb làm cho một số người Ấn nhút nhát phải cải giáo theo đạo Hồi, nhưng triều đại và quốc gia của ông vì ông mà suy vong, đành rằng có một số người theo đạo Hồi sùng bái ông như thánh, nhưng hằng triệu, hằng triệu người Ấn vì sợ quá mà phải câm miệng chứ vẫn cầu nguyện thầm cho ông mau chết, coi ông như một con quỉ và trốn chui trốn nhủi khi thấy bóng bọn quan đi thu thuế. Dưới triều đại Aureng-Zeb, đế quốc Mông Cổ đạt tới mức thịnh nhất ở Ấn Độ và lan rộng tới miền Deccan; nhưng sự cường thịnh đó không đâm rễ sâu vào lòng dân nên khi bị quân thù hơi mạnh tấn công thì nó tan rã liền. Chính Aureng-Zeb trong mấy năm cuối đời nhận thấy óc hẹp hòi, ngu tín của mình đã làm hại sự nghiệp của tổ tiên. Mấy lời ông viết trên giường bệnh trước khi chết thực ai oán:
Ta không biết ta là ai, ta đi đâu, và kẻ đầy tội lỗi này sẽ chịu những hình phạt nào… Ta sống mà không ích lợi gì cho ai cả. Chúa ở trong lòng ta mà cặp mắt mờ ám của ta không thấy hào quang của Ngài… Ta không còn chút hi vọng gì ở tương lai nữa. Cơn sốt đã hạ, nhưng ta chỉ còn da bọc xương… ta đã mắc nhiều tội quá, và ta không biết sẽ bị hành hạ ra sao. Ta chúc các người khỏi bị Chúa trừng trị.
Ông ra lệnh làm đám tang cho ông cực kì đơn giản, khăn liệm đừng tốn quá bốn ru-pi [tiền Ấn], tức số tiền công ông khâu mũ chụp. Quan tài chỉ phủ một tấm vải thô. Ông đã chép kinh Coran, tiền công được ba trăm ru-pi, ông để lại hết cho người nghèo. Chết hồi tám mươi chín tuổi, kiếp trần của ông đã kéo dài quá lắm.
Ông chết rồi, chỉ mười bảy năm là đủ cho đế quốc của ông tan tành. Sự tàn bạo của Jehangir, thói xa xỉ phung phí của Jehan và tinh thần cuồng tín, cố chấp của Aureng-Zeb đã làm cho dân chúng xưa trung thành với Akbar nay đâm oán triều đại Mông Cổ. Thiểu số theo Hồi giáo bị khí hậu nóng quá làm cho thần kinh và thể chất suy nhược, không còn hăng hái chiến đấu như hồi xưa nữa; mà nhà vua lại không mộ thêm tân binh ở phương Bắc để củng cố uy quyền đã lung lay. Trong lúc đó, một đảo nhỏ ở bên kia trời Tây[50] phái con buôn tới vơ vét những nguồn lợi của Ấn Độ. Ít lâu sau họ chở súng tới để chiếm đế quốc mênh mông mà thiên tài của hai dân tộc Ấn và Hồi đã liên hiệp nhau để tạo nên một nền văn minh vào bậc lớn nhất thế giới đó.
[1] Nay là Patna.
[2] Arrien cũng ngạc nhiên rằng mọi người dân Ấn đều tự do, không có một người nào là nô lệ.
[3] Nhà khảo cổ John Marshall đã cho đào đất ở chỗ nền cũ thị trấn Taxila và tìm được nhiều phiến đá chạm trổ tất khéo, những bức tượng rất đẹp, những đồng tiền có từ 600 năm trước Công nguyên và những đồ thuỷ tinh mà sau này Ấn Độ không thời nào chế tạo khéo hơn được. Vincent Smith bảo: “Hiển nhiên Ấn Độ thời đó đã đạt một trình độ cao về văn minh vật chất vì chúng ta thấy ở đó có sản phẩm của đủ các nghệ thuật, các nghề nghiệp làm cho đời sống thêm phong nhã.
[4] Phụ nữ Ấn rất tiết hạnh, không chịu mất trinh tiết vì một nguyên do gì khác, nhưng nếu người đàn ông nào tặng họ một con voi thì khi họ nhận voi, họ chịu thất tiết với người đó để đáp lại. Đàn ông Ấn không cho cách thức mãi dâm đó là xấu, còn đàn bà Ấn thì lấy vậy làm vinh hạnh vì sắc đẹp của mình đáng giá một con voi: Theo Arrien trong cuốn Indica.
[5] Béloutchistan: còn gọi là Baloutchistan, gồm một phần miền đông của Iran, một phần là miền Tây của Pakistan và một phần là miền Nam của Afghanistan ngày nay (xem bản đồ ở trên). (Goldfish).
[6] Theo Wikipedia thì “Phật giáo được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, ngay từ đầu Công nguyên với truyện cổ tích Chử Đồng Tử (ở Hưng Yên ngày nay) học đạo của một nhà sư Ấn Độ. Luy Lâu (thuộc tỉnh Bắc Ninh) là trị sở của quận Giao Chỉ sớm trở thành trung tâm Phật giáo quan trọng. Các truyền thuyết về Thạch Quang Phật và Man Nương Phật Mẫu xuất hiện cùng với sự giảng đạo của Khâu Đà La (Ksudra) trong khoảng các năm 168-189”. (Goldfish).
[7] Hoàng đế và triết gia La Mã (121-181).
[8] Nước Bactrane ở miền Tây Vực xưa.
[9] Theo truyền thuyết Ấn Độ, Rama là hậu thân của thần Vichnou.
[10] Như vậy là các tổ chức từ thiện ở Ấn Độ xuất hiện ba trăm năm trước nhà thương thí đầu tiên thành lập ở Âu, tức nhà thương Maison-Dieu xây cất ở Paris thế kỉ thứ VII sau Công nguyên.
[11] Câu này, bản tiếng Anh còn có đoạn sau: “at the number of students in the universities and monasteries, and at the imposing scale and splendor of the imperial palaces”. Tạm dịch: về số sinh viên trong các trường đại học và tu viện, và ở qui mô hoành tráng và lộng lẫy của các cung điện hoàng gia. (Goldfish).
[12] Bản tiếng Anh chép là: back to Chang-an, nghĩa là trở về Trường An. Đời Đường, Trường An là kinh đô của Trung Hoa. (Goldfish).
[13] Theo Văn học sử Trung Quốc, ông chở ở Ấn Độ về 657 bộ kinh, trong 18 năm (645-663) mãi miết dịch được 73 bộ, gồm 1330 quyển. (ND).
[14] Tuy nhiên, ta nên nhớ lại lời Arrien nói về cổ Ấn Độ: “Người Ấn là dân tộc chiến đấu can đảm nhất, hơn hẳn các giống người khác ở châu Á thời đó.
[15] Sách này viết trong thế chiến vừa rồi. (ND).
[16] Bá tước Keyserling viết về thành Chitor: “Không có nơi nào trên trái đất này mà con người dũng cảm như vậy, có tinh thần hiệp sĩ và hăng hái để tìm cái chết như vậy”.
[17] Trong cái đám tiểu quốc đó mà ngày nay gần như không còn ai nhớ nữa, có thời văn học, nghệ thuật, kiến trúc đã phát triển, có những kinh đô giàu có, những cung điện lộng lẫy, và những ông vua chuyên chế hùng cường. Nhưng Ấn Độ là một xứ rộng quá, lịch sử của nó dài quá, nên trong đoạn này chi tiết đã quá nhiều rồi, chúng tôi đành phải bỏ qua, không nhắc tới những ông vua đã có một thời tưởng mình làm bá chủ thế giới đó. Chẳng hạn ông vua Vikramaditya thống trị dân tộc Chalyukan trong nửa thế kỉ (1076-1126), đánh trận nào thắng trận nấy, nên có hồi muốn, như triết gia Đức Neitzche, tạo một đời sống mới, một kỉ nguyên mới, các biến cố sẽ được ghi là xảy ra “trước” hoặc “sau” Vikramaditya. Ngày nay người ta chỉ có thể ghi lại đời ông trong một cước chú ngắn ở cuối trang.
[18] Vua Henry VIII của Anh trị vì từ 1491 đến 1547. (Goldfish).
[19](1522): con số này tôi ghi thêm theo bản tiếng Anh. (Goldfish).
[20] Tức Niccolò de Conti (1385-1469), nhà thám hiểm người Venice, từng du lịch đến Ấn Độ, Đông Nam Á. (Goldfish).
[21] Sultan (ND).
[22] Trận này xảy ra năm 1565. (ND).
[23] Chúng ta nên nhớ Hồi giáo không thờ thần nào khác, ngoài thần Allah, tức như Thượng đế của họ, và thù các tôn giáo khác. (ND).
[24] Myrte. (ND).
[25] Tiền cổ Ả Rập. (ND).
[26] Naphte: dầu hoả ở trong mỏ, chưa lọc. (ND).
[27] Bộ lạc Ghuri cũng của người Thổ. Nguyên văn: “the Ghuri, a Turkish tribe of Afghanistan”. (Goldfish)
[28] Các giáo sĩ Hồi giáo. (Goldfish).
[29] Vì Mahmud trước kia vốn là vua tiểu quốc Ghazni, ở Đông A Phú Hãn. (ND)
[30] Mogol, Mongol, hoặc Mogul. Sự thực họ là những người Thổ, những người Ấn xưa kia và ngày nay vẫn gọi tất cả các dân tộc theo Hồi giáo ở phương Bắc, trừ dân tộc A Phú Hãn, là Mongol. “Babur” là một biệt hiệu Mông Cổ có nghĩa là “sư tử”; chính tên thực của ông vua Mông Cổ đầu tiên cai trị Ấn Độ là Zahiru-d-Din Muhammad.
[31] Ramdan là tháng chín âm lịch Hồi, trọn tháng đó, tín đồ Hồi giáo nào cũng phải nhịn ăn từ khi mặt trời mọc tới khi mặt trời lặn, ban đêm tha hồ ăn gì cũng được. (ND).
[32] Sách in hai mươi tuổi, tôi sửa lại thành hai mươi hai tuổi theo bản tiếng Anh: twenty-second year. (Goldfish).
[33] Shah có nghĩa là vua Ba Tư. (ND).
[34] Sau ông mới thấy sách có ích, nhưng vẫn không biết đọc, ông bảo người ta đọc cho nghe hằng giờ liên tiếp, cả những sách khó hiểu, trừu tượng. Nhờ vậy ông thành một nhà bác học không biết chữ, yêu văn chương, nghệ thuật và tặng những số tiền rất lớn để khuyến khích những ngành đó.
[35]Quân đội Mông Cổ lúc đó, về pháo binh mạnh nhất Ấn Độ, nhưng không bằng châu Âu được. Akbar không kiếm được những đại bác tốt hơn, sự thua sút đó, cộng thêm với sự suy đồi của những người kế tiếp ông làm cho Ấn Độ bị người Âu xâm chiếm.
[36]Nghĩa là tự chủ, nén được cơn giận. (ND).
[37] Tức Thomas Woodrow Wilson (1856–1924), Tổng thống Mĩ thứ 28. (Goldfish).
[38] Ông có hai người con chết hồi còn trẻ vì nghiện rượu.
[39]Sách in là ba ngàn, tôi sửa lại thành ba mươi ngàn theo bản tiếng Anh: thirty thousand. (Goldfish).
[40]Harounal-Rashid (763-809): là vị vua kiệt xuất của nhà Abbasid, là người đã đưa nền chính trị và văn hóa của đế quốc Ả Rập lên tới tột đỉnh vinh quang. Dưới triều đại ông, Bagdad là trung tâm nghệ thuật của thế giới Hồi giáo. (Theo Wikipedia). (Goldfish).
[41] Bản tiếng Anh chép là: $3,500,000. (Goldfish).
[42]Các người Hồi vốn ghét Birbal, hay tin ông ta chết, hoan hỉ lắm. Sử gia Hồi Badaoni kể lại cái chết đó, bằng một giọng vui thích dã man: “Birbal sợ chết, đào tẩu, bị giết, và xuống địa ngục với loài chó”.
[43] Tương truyền là của Vyasa, viết vào khoảng thế kỉ thứ II trước Công nguyên tới thế kỉ thứ V sau Công nguyên, dài 200.000 câu.
[44] Linh mục Giordano Burno (1548-1600) là một nhà triết học, nhà vũ trụ học và nhà huyền bí người Ý. Ông ủng hộ thuyết nhật tâm của Nicolaus Copernicus, bị tòa án La Mã kết tội là một dị giáo và bị hỏa thiêu. (Theo Wikipedia). (Goldfish).
[45] Trừ một thời gian ngắn (1582-85) ngược đãi đạo Hồi.
[46]Có nghĩa là “Ánh sáng thế giới”, cũng có tên là Nur Mahal, “Ánh sáng cung điện”; Jehangir có nghĩa là “Người chinh phục thế giới”; Shah Jehan là “Vua thế giới”.
[47] Lăng này được thi sĩ Đoàn Thêm tả trong tập thơ Taj Mahal. (ND).
[48] Ngọc điện này bảy năm mới xây cất xong, làm toàn bằng vàng bạc châu báu. Chiếc ngai có bốn chân bằng vàng khối; mười hai chiếc cột bằng ngọc bích đỡ một cái long đỉnh bằng sứ; mỗi cột có hai con công (khổng tước) cẩn ngọc, đứng ở một gốc cây cành lá toàn bằng kim cương, hồng ngọc, ngọc bích, ngọc trai. Hết thảy tốn 175.000.000 (bản tiến Pháp không nói là tiền gì). Năm 1739, vua Nadir chiếm chiếc ngai đó chở về Ba Tư rồi phá ra lần lần để trả tiền tu bổ sân rồng Ba Tư. [Số tiền, trong bản tiếng Anh chép là: $7,000,000. Vì 1 đô la ăn khoảng 25 quan Pháp, nên ta suy ra đơn vị của con số 175.000.000 là đồng quan Pháp. Vua Nadir chiếm Delhi năm từ 1937 đến 1938. (Goldfish)].
[49] Vì đạo Hồi cấm thờ tượng thần; người Hồi không khi nào dám đục tượng, đúc tượng. (ND).
[50] Ý nói nước Anh. (Goldfish).