NÓI CHUYỆN CUỐI CÙNG Ở ẤN ĐỘ
Nguyên tác: THE FUTURE IS NOW Krishnamurti’s Last Talks In India
Lời dịch: Ông Không 2008
Đối thoại lần thứ nhất cùng học sinh: 5 tháng 12 năm 1985
Thảo luận cùng giáo viên: 7 tháng 12 năm 1985
Thảo luận cùng giáo viên: 9 tháng 12 năm 1985
Đối thoại lần thứ hai cùng học sinh: 12 tháng 12 năm 1985
Thảo luận cùng giáo viên: 17 tháng 12 năm 1985
NHỮNG CUỘC NÓI CHUYỆN
RISHI VALLEY
Đối thoại lần thứ nhất cùng học sinh tại Rishi Valley [1]
Ngày 5 tháng 12 năm 1985
Tại sao chúng ta có những quan điểm?
Krishnamurti: Các bạn muốn tôi nói chuyện gì đây?
Học sinh: Tại sao ông có vị thế cao và chúng em có vị thế thấp? Tại sao chúng em cảm thấy như vậy – nhiều người trong chúng em?
K: Cảm thấy vượt trội hơn? Chúa ơi, tôi chưa bao giờ nghĩ như vậy. Tại sao chúng em cảm thấy rằng ông ở vị thế cao hơn những người chúng em? Câu hỏi như vậy phải không?
Học sinh: Nhiều người chúng em cảm thấy như vậy?
K: Nhiều người chúng em cảm thấy như thế. Tại sao? Tại sao bạn nghĩ như thế?
Học sinh: Có lẽ bởi vì mọi người đang nói về ông.
K: Ô, mọi người đang nói về tôi. Tệ quá! Nhưng ngoại trừ việc đó, tại sao bạn lại nghĩ như vậy?
Học sinh: Em không biết.
K: Bạn không biết à?
Học sinh: Nó chỉ bật ra trong đầu óc của chúng em.
K: Chỉ bật ra trong những bộ não của chúng em? Tại sao? Tôi đã đi khắp thế giới, mà các bạn chưa đến. Tôi đã đến, trước chiến tranh, chiến tranh thế giới lần thứ hai, khắp Châu Âu, Úc, Newzealand, Fiji, Nam Mỹ, khắp Châu Mỹ, Châu Âu và vân vân, việc đó có tạo ra khác biệt nào không?
Học sinh: Không.
K: Không. Vậy thì điều gì làm cho bạn khác biệt người khác?
Học sinh: có lẽ, chúng em dựng lên những quan điểm về người khác.
K: Tại sao bạn có những quan điểm về người khác? Bạn nói cho tôi tại sao bạn có những quan điểm khác nhau về những người khác. Một quan điểm là gì? Các bạn là những cậu trai thông minh, hãy trả lời đi! Hai người đang ngồi giữa những người cao to kìa! Một quan điểm là gì? Tại sao chúng ta có những quan điểm; về tôi, về lẫn nhau, về những người khác? Tại sao chúng ta có những quan điểm, bạn có ý gì qua từ ngữ những quan điểm?
Học sinh: Một hình ảnh, một ý tưởng.
K: Một hình ảnh, hay một ý tưởng về những người khác. Tại sao bạn có chúng? Bạn không biết tôi, đúng chứ? Thỉnh thoảng tôi đến đây và có nhiều huyên náo về nó. Đúng chứ? Nhưng bạn thực sự không biết tôi. Tại sao bạn có một quan điểm về tôi? Tôi có lẽ là một người bịp bợm kinh khủng, tôi có lẽ là một người bất tài, một kẻ đạo đức giả, bất kỳ người nào bạn muốn, nhưng bạn không biết tôi. Vì vậy, tại sao bạn có một quan điểm về tôi? Quan điểm có nghĩa, một gợi ý trước. Nó cũng có nghĩa là bạn có một ý tưởng được nhận thức trước về tôi. Cũng vậy bạn có một hình ảnh về anh ấy. Tùy theo hình ảnh đó bạn giải thích điều gì anh ấy nói, anh ấy như thế nào, và mọi chuyện về anh ấy. Vì vậy, tại sao bạn có tất cả điều này? Tôi đang hỏi tất cả các bạn, tại sao các bạn có những quan điểm?
Học sinh: Tò mò.
K: Tại sao bạn có sự tò mò về tôi? Tôi sẽ nói cho bạn tất cả mọi điều bạn muốn biết về tôi, mọi điều bạn muốn biết, tôi chải tóc như thế nào, tôi đánh răng như thế nào, tôi ngủ bao lâu? Đúng chứ? Bạn muốn biết tất cả điều đó à? Không, bạn không muốn. Hãy thành thật, bạn không muốn. Vậy thì bạn muốn biết điều gì về tôi? Bạn không biết. Vậy tại sao bạn có một quan điểm về tôi? Tại sao các bạn có quan điểm về lẫn nhau. Điều đó có nghĩa rằng tôi có một quan điểm về bạn và quan điểm đó ngăn cản tôi không nhìn thấy chính bạn. Quan điểm ngăn cản giữa tôi và bạn. Đúng chứ? Vì vậy, tại sao bạn có quan điểm?
Học sinh: Nếu như vậy, làm thế nào ông nhìn thấy một người khác?
K: Làm thế nào bạn nhìn thấy một người khác? Hãy nhìn tôi. Tôi nhìn bạn, tại sao bạn cần một quan điểm? Tôi nhìn bạn. Bạn đã cắt tóc cao đến đây. Tôi đã chải tóc của tôi. Có thể bạn đã nhìn thấy bức ảnh của tôi. Vậy thì cái gì? Tại sao bạn có một quan điểm. Tiếp tục, suy nghĩ ra đi. Bạn thực sự đang suy nghĩ hay bạn chỉ đang yên lặng? Liệu bạn có thể nhìn thấy một ai đó, lắng nghe một ai đó mà không có một quan điểm, để cho bạn nghe điều gì anh ấy nói? Được chứ? Bạn hiểu rõ điều gì anh ấy nói; bạn bắt đầu nắm bắt sự quan trọng, ý nghĩa của điều gì người khác đang nói. Được chứ? Nhưng nếu bạn có một quan điểm, bạn không thể nghe. Đúng chứ? Vì vậy, bạn sẽ lắng nghe tôi khi tôi nói chứ? Thực sự lắng nghe? Bằng tai của bạn và lắng nghe điều gì ông ta phải nói mà không diễn giải điều gì ông ta sẽ nói cho bạn. Điều đó có nghĩa là thực sự lắng nghe ai đó. Thực sự lắng nghe. Bạn sẽ lắng nghe giáo viên của bạn chứ?
Học sinh: Vâng, thưa ông.
K: Đừng nói dối, đừng giả vờ. Bạn có lắng nghe giáo viên của bạn không?
Học sinh: Không luôn luôn.
K: Không luôn luôn. Tốt! Khi nào bạn lắng nghe họ? Các bạn, bốn người đang nói chuyện, hãy để những người khác nói chuyện nữa. Khi nào bạn lắng nghe giáo viên của bạn hay người giáo dục của bạn?
Học sinh: Khi nó phù hợp em.
K: Khi nó phù hợp bạn. Hoàn toàn đúng! Khi nó làm cho bạn thoải mái, khi nó làm cho bạn vui, khi nó phù hợp bạn, bạn lắng nghe ông ấy. Đúng chứ? Đó không là lắng nghe, phải không? Bạn biết lắng nghe có nghĩa là gì không? Đó là: bạn nghe một âm thanh và nó được chuyển tải đến bộ não của bạn mà sau đó phiên dịch thành ngôn ngữ bạn quen thuộc và nói đây là điều gì ông ấy đang nói với tôi. Đúng chứ? Vì vậy bạn có lắng nghe bất kỳ ai không? Cẩn thận, hãy nghiêm túc. Nhưng bạn có thực sự lắng nghe bất kỳ ai không? Nghe cha bạn, chú bạn, cô bạn, mẹ bạn, giáo viên của bạn, bạn có thực sự lắng nghe bất kỳ ai không?
Học sinh: Chúng em lắng nghe ông.
K: Bạn đang lắng nghe tôi, tại sao? Bạn thực sự lắng nghe tôi hay đang giả vờ, đang nói, “Vâng, chúng ta tiếp tục nghe”. Bạn thực sự đang lắng nghe chứ? Lắng nghe chim chóc phải không?
Học sinh: Khi chúng em không có những xao lãng, chúng em có lắng nghe.
K: Bạn lắng nghe khi không có một xao lãng. Tại sao bạn dùng từ ngữ “những xao lãng”? Hãy nói cho tôi biết, các bạn những người lớn đang ngồi yên lặng ở đằng đó, tại sao các bạn dùng từ ngữ “xao lãng”? Các bạn biết từ ngữ đó có nghĩa gì chứ?
Học sinh: Một cái gì xuất hiện ngáng đường một cái gì khác nữa.
K: Cậu trai lớn ơi, tôi đang hỏi bạn, bạn có ý gì qua từ ngữ xao lãng? Bị thu hút, đúng chứ? Và bị xao lãng. Bạn bị thu hút bởi cái gì? Bạn đang lắng nghe tôi à? Nó vui lắm phải không? Bạn bị bắt buộc lắng nghe tôi phải không? Không ai yêu cầu bạn đến nghe tôi, phải không? Bạn hoàn toàn chắc chắn chứ? Đừng nhìn họ. Bạn thấy những người lớn hơn không nói gì cả bởi vì họ ở vị trí cao hơn. Và bạn cũng vậy khi lớn lên và ở vị trí cao hơn một tí, bạn cũng sẽ ngừng nói chuyện. Nhưng bạn không ngừng nói chuyện với nhau mà lại ngừng nói chuyện với tôi. Đúng chứ? Tại sao? Bạn có tò mò về điều tôi muốn nói không? Bạn có muốn tôi kể cho bạn những nơi tôi đã đến không? Bạn có muốn tôi kể cho bạn những người tôi đã gặp gỡ không?
Học sinh: Không, thưa ông.
K: Không. Bạn không quan tâm, phải không? Ba con chim này luôn luôn nói chuyện. Tôi sung sướng khi thấy các bạn nói chuyện. Nhưng những bạn còn lại luôn luôn giữ yên lặng. Tại sao? Tôi đã gặp Thủ tướng của các bạn, tôi đã gặp Phó Tổng thống. Sau đó ăn trưa và ăn tối và chúng tôi nói huyên thuyên – bạn biết từ ngữ “huyên thuyên” có nghĩa gì chứ? Nói chuyện. Và chúng tôi đã gặp gỡ nhiều người. Một chính trị gia là gì?
Học sinh: Một người vận động trong những cuộc tranh cử để giành thắng lợi và điều hành chính phủ hay quốc gia trong một chức vụ cao nào đó. Người dẫn dắt quốc gia, thưa ông.
K: Dẫn dắt quốc gia. Họ đang dẫn dắt quốc gia phải không?
Học sinh: Không, thưa ông.
K: Vậy thì tại sao bạn dùng những từ ngữ “dẫn dắt quốc gia”?
Học sinh: Người giúp đỡ quốc gia?
K: Bạn có ý gì qua từ ngữ “quốc gia”?
Học sinh: Nơi chúng ta sống.
K: Bạn có ý gì qua từ ngữ “quốc gia”. Quốc gia nào?
Học sinh: Bất kỳ quốc gia nào.
K: Bất kỳ quốc gia nào. Vậy là những nhà chính trị đang dẫn dắt quốc gia?
Học sinh: Họ đang cố gắng giúp đỡ.
K: Cố gắng giúp đỡ cái gì? Nghèo khổ.
Học sinh: Cố gắng để giúp đỡ giải quyết những vấn đề.
K: Những vấn đề gì? Nói cho tôi những vấn đề là gì?
Học sinh: Thưa ông, giải quyết những phàn nàn của những người khác.
K: Những phàn nàn của những người khác. Đúng chứ? Bạn có những phàn nàn không? Về người nào? Tôi muốn vài người trong các bạn sẽ nói. Bạn quan tâm điều gì chứ? Bạn muốn nói chuyện với tôi hay tôi sẽ tiếp tục nói chuyện một mình đây?
Học sinh: Thưa ông em muốn nói chuyện về sợ hãi.
K: Sợ hãi. Đó là một vấn đề lớn, phải không? Bạn có sợ hãi cái gì không? Hãy thành thật.
Học sinh: Thỉnh thoảng có.
K: Thỉnh thoảng bạn có sợ hãi. Bạn có ý gì qua từ ngữ “sợ hãi”? Hãy cẩn thận suy nghĩ ra, cẩn thận lắng nghe ý nghĩa của từ ngữ “sợ hãi” đó . Bạn có sợ người cha hay người mẹ của bạn không? Thỉnh thoảng.
Học sinh: Thỉnh thoảng khi họ tức giận.
K: Vâng thỉnh thoảng. Bây giờ cảm giác mà bạn có khi bạn sợ hãi là gì? Khi bạn có sợ hãi. Cảm giác là gì? Tiếp tục đi, thưa bạn. Suy nghĩ cẩn thận đi. Đừng nói điều gì cả. Khi bạn có sợ hãi, cảm giác của nó là gì? Hương vị của nó là gì? Bạn đã nếm những quả chuối, bạn đã nếm nhiều loại thức ăn khác nhau; hương vị của sợ hãi là gì? Đặc biệt đối với những người già hơn, những học sinh lớn hơn. Họ rất sợ hãi bởi vì họ phải đậu những kỳ thi và người cha của họ sẽ bảo họ phải làm cái gì. Đúng chứ? Bạn cũng sẽ được chỉ bảo phải làm cái gì; vượt qua những kỳ thi, có một việc làm, bạn biết tất cả việc đó. Vì vậy, cảm giác của sợ hãi là gì?
Học sinh: Mình cảm thấy giống như mình muốn rút lui vào một cái gì đó tách khỏi điều gì đang gây sợ hãi cho mình.
K: Đúng rồi, bạn trông thấy một con rắn hổ mang. Ở đây có nhiều lắm, tôi tin như vậy, lâu rồi tôi không trông thấy chúng, dài và rất độc. Bạn bị sợ hãi, đúng chứ? Và bạn thối lui. Cảm giác của nó là gì?
Học sinh: Sự đau đớn mà mình sẽ gặp phải.
K: Đau đớn – được rồi, chúng ta hãy theo sát từ ngữ đó. Sự đau đớn mà bạn có lẽ có nếu một con rắn hổ mang cắn. Bây giờ cảm giác đó như thế nào? Bạn chưa bị cắn, nhưng bạn tưởng tượng việc gì có lẽ xảy ra hay suy nghĩ việc gì có lẽ xảy ra, và bạn có sợ hãi. Tôi đang hỏi bạn bằng sự lễ phép nhất, cảm giác của nó là gì? Có lẽ thế hệ lớn hơn sẽ tham gia cùng chúng ta. Cảm giác của sợ hãi là gì? Hãy suy nghĩ nó cẩn thận, thưa bạn, tiếp tục đi. Đừng chìm vào giấc ngủ, hãy còn sáng sớm mà!
Học sinh: Thưa ông, có lẽ cái trí của mình bị rối loạn.
K: Bộ não bị rối loạn. Bạn có ý gì khi nói như thế?
Học sinh: Thưa ông, mình không hiểu mình đang làm gì.
K: Bạn không hiểu bạn đang làm gì. Đúng chứ? Bạn trông thấy một con rắn hổ mang trên đường, hay dọc theo lối mòn và bạn biết nó là một con vật có nọc độc, đúng chứ? Và bạn chạy trốn hay khóc lên, la lên. Tôi đang hỏi bạn cảm giác gì đằng sau nó?
Học sinh: Thưa ông, mình cảm thấy hơi bất an.
K: Bạn cảm thấy bất an, bạn cảm thấy lo lắng. Bạn bị sợ hãi. Cảm giác của bị sợ hãi đó là gì?
Học sinh: Mình cảm thấy mất an toàn.
K: Mất an toàn. Bạn có ý gì qua từ ngữ “mất an toàn” đó? Tiếp tục đi. Tìm hiểu nó từng bước một.
Học sinh: Không được bảo vệ.
K: Không được bảo vệ. Bạn chưa bị con rắn hổ mang đó cắn, đúng chứ? Bạn đã nhận thức trước tất cả việc này. Đúng chứ? Bạn hiểu điều gì tôi đang nói phải không? Bạn đã tưởng tượng bạn có lẽ bị đau đớn, bạn có lẽ nằm trên giường, bạn có lẽ chết. Bạn bị sợ hãi. Tôi đang hỏi bạn. Bạn không đang trả lời câu hỏi của tôi nếu bạn không buồn khi tôi nói như thế, cảm giác của nó là gì? Điều gì đằng sau những từ ngữ này?
Học sinh: Chúng em cảm thấy như thể là gân guốc của chúng em xiết chặt lại và có một ... Em không biết làm thế nào để diễn tả nó.
K: Bạn nói cho tôi biết.
Học sinh:Như thể quả tim của mình ngưng đập và thỉnh thoảng với những người như em nó bắt đầu đập nhanh hơn.
K: Tôi không hiểu.
Narayar: Em ấy nói rằng quả tim đập nhanh hơn.
K: Đó là điều gì tôi muuốn bạn nói cho tôi biết. Quả tim đập nhanh hơn.
Narayar: Em ấy nói, gân guốc bị cứng ngắt lại.
K: Gân guốc căng cứng lại. Thế à! Hãy đến đây, cậu trai lớn. Bạn không ngại khi ngồi cạnh tôi chứ?
Học sinh: Không, thưa ông.
K: Bạn không ngại chứ?
Học sinh: Không, thưa ông.
K: Vậy thì ngồi cạnh tôi. Hai con khỉ! Quả tim đập nhanh hơn. Gân guốc co rút lại. Và chuyện gì nữa xảy ra? Tiếp tục đi, nói cho tôi đi. Bạn đã muốn bàn về sợ hãi. Đó là điều gì tôi đang làm. Đúng chứ?
Học sinh: Mình cảm thấy muốn tống khứ nó đi.
K: Bạn muốn giết chết nó. Được rồi, gân guốc của bạn co rút lại.
Học sinh: Mình cảm thấy như thể một tiếng chuông đang leng keng phía bên trong.
K: Bạn có ý gì qua việc đó? Bạn có khi nào thực sự sợ hãi chưa?
Học sinh: Vâng, có rồi chứ thưa ông.
K: Tôi nghi ngờ lắm.
Học sinh: Ngay khoảnh khắc đó mình muốn làm một việc gì đó, mình muốn chạy đi nhưng mình không thể làm được.
K: Đúng rồi, cô gái lớn. Nhưng tôi đang hỏi bạn một điều khác bạn không đang nói cho tôi.
Học sinh: Mình bắt đầu bị lo sợ.
K: Bạn ấy đã nói với tôi, gân guốc co rút lại, bạn biết rồi, co rút lại và bộ não của bạn bị chết lặng trong một giây, nó không suy nghĩ được, nó bị sợ hãi.
Học sinh: Nó nghĩ về những hình ảnh quá khứ.
K: Nó nghĩ về những hình ảnh quá khứ. Đúng không, ngay khoảnh khắc khi bạn sợ hãi, khi bạn trông thấy con rắn hổ mang hay một giây sau. Trời ơi! Nó nguy hiểm quá, bạn chạy trốn, bạn ném đá vào nó từ thật xa và vân vân. Nhưng bạn không trả lời câu hỏi của tôi là, cảm giác đằng sau nó là gì? Bạn biết cảm giác đó khi bạn bị đau đớn, bạn biết cảm giác đó khi bạn làm phỏng ngón tay của bạn. Bạn biết cảm giác đó khi một ai đó đánh bạn. Tôi mong rằng không xảy ra, nhưng nếu một ai đó đánh bạn. Bạn biết cảm giác của nó.
Vì vậy, cảm giác của sợ hãi là gì? Đừng nói cho tôi, hãy cẩn thận suy nghĩ ra. Cảm giác. Cảm giác khi một ai đó sỉ nhục bạn, bạn biết nó là gì rồi. Cảm giác. Khi một ai đó nịnh nọt bạn. Đúng chứ? Vậy là bạn biết cảm giác của tất cả việc đó. Nhưng tôi đang hỏi bạn: cảm giác, cảm xúc đằng sau sợ hãi đó là gì?
Học sinh: Mình cảm thấy sợ hãi.
K: Vâng, cậu trai lớn, tôi đã nói rằng bạn cảm thấy sợ hãi. Nhưng cái cảm giác đằng sau nó là gì.
Học sinh: Thưa ông, tôi nghĩ rằng đó là một cảm giác của hoàn toàn bấn loạn.
K: Một cảm giác của bấn loạn. Từ ngữ “bấn loạn” đó có nghĩa gì? Bạn thấy rằng bạn không cẩn thận suy nghĩ ra nó.
Học sinh: Mình không biết phải làm gì.
K: Bạn không biết phải làm gì. Hoàn toàn đúng. Tiếp tục đi.
Học sinh: Mình không biết mình có nên làm gì không, nó sẽ đúng hay sai. Mình chưa có trải nghiệm đó.
K: Đúng rồi. Vậy là gân guốc của bạn co rút lại, bộ não của bạn bị rối loạn, có một cảm giác của tách rời, bạn biết điều đó có nghĩa gì?
Học sinh: Vâng.
K: Một cảm giác hoàn toàn tách rời khỏi những sự việc khác. Bạn đang đối diện một con rắn hổ mang, đối diện một cái gì đó nguy hiểm, và bạn co rút lại.
Học sinh: Mình cảm thấy bị chết cứng tại khoảnh khắc đó.
K: Đúng là như vậy. Khi bạn có sợ hãi, bạn cảm thấy bị chết cứng.
Những dây thần kinh của bạn đều co rút lại. Đúng chứ? Bạn cảm thấy bạn bị tách rời và vân vân và vân vân. Bây giờ, hãy chờ một tí. Bạn cảm thấy tất cả việc đó, rồi thì bạn làm gì? Em nữ sinh đã hỏi câu hỏi đó, em ấy đã đề nghị “nói về sợ hãi”, sợ hãi về vượt qua hay không vượt qua những kỳ thi. Đúng chứ? Sợ hãi thất bại, sợ hãi cha mẹ bạn, sợ hãi người giáo dục của bạn, sợ hãi những con rắn; sợ hãi. Đúng chứ?
Bạn có hàng tá sợ hãi. Đúng chứ? Hàng tá. Đồng ý phải không? Đúng chứ? Bây giờ điều gì gây ra sợ hãi? Nguyên nhân của sợ hãi là gì? Bạn hiểu khi tôi đang sử dụng từ ngữ “nguyên nhân” chứ? Bạn có hiểu từ ngữ, khi tôi dùng “nguyên nhân” hay không?
Học sinh: Vâng, cái gì là động cơ thúc đẩy.
K: Cái gì là động cơ thúc đẩy? Cái gì là khởi đầu của sợ hãi? Cái gì khởi động sợ hãi? Cái gì là nguyên nhân, cái gì là gốc rễ, cái gì là nền tảng của sợ hãi? Tôi đã sử dụng vài từ ngữ, bạn hiểu rồi “nguyên nhân”, “động cơ thúc đẩy”, “gốc rễ”. Đúng chứ?
Học sinh: Mình giả sử khi mình nghĩ rằng việc này có lẽ xảy ra. Nếu tôi không vượt qua kỳ thi của tôi, cha mẹ của tôi sẽ nghĩ gì về tôi? Vì vậy, mình nghĩ việc này có lẽ xảy ra và mình cảm thấy sợ hãi.
K: Vâng. Đó là, những người khác sẽ nghĩ gì về bạn nếu bạn không vượt qua kỳ thi. Tôi hy vọng rằng tất cả các bạn sẽ rớt kỳ thi!
Học sinh: Nếu bạn nghĩ về tương lại vậy thì bạn bị sợ hãi.
K: Chờ một tí. Ngừng ở đó. Bạn có ý gì qua từ ngữ “tương lai”.
Học sinh: Điều gì sẽ xảy ra ngày mai.
K: Điều gì có lẽ xảy ra. Đúng chứ? Nếu tôi rớt trong kỳ thi của tôi, và tôi hy vọng tất cả các bạn sẽ rớt, bạn nghĩ về tương lai, cha mẹ của bạn nói gì, những giáo viên của bạn nói gì. Đúng chứ? Bạn có ý gì qua từ ngữ “tương lai”.
Học sinh: Thưa ông, điều gì có lẽ xảy ra? Một ai đó có lẽ đánh bạn.
K: Tôi hiểu rồi cậu trai lớn. Bạn có ý gì qua từ ngữ “tương lai”?
Học sinh: Điều gì sẽ xảy ra trong quá khứ [tiếng cười].
K: Quá khứ qua rồi! Tôi đang hỏi bạn tương lai là gì. Bạn có ý gì qua từ ngữ đó? Làm ơn hãy lắng nghe – điều này quan trọng cho bạn. Bạn có ý gì qua từ ngữ “tương lai”?
Học sinh: Điều gì có lẽ xảy ra.
K: Điều gì có lẽ xảy ra. Đó là, bạn có lẽ – không phải bạn, tôi hy vọng như thế – tôi có lẽ bị bệnh, tôi có lẽ bị giết chết, tôi có lẽ bị thương. Tất cả những điều đó đều ở trong tương lai, phải không? Bạn có lẽ bị. Đúng chứ?
Học sinh: Khi mình bị sợ hãi, mình nghĩ nó sẽ xảy ra.
K: Vâng, bây giờ, hãy chờ một tí, tương lai là gì, tôi đang hỏi bạn. Ngày mai là tương lai, phải không ? Đúng chứ?
Học sinh: Vâng, thưa ông.
K: Giây kế tiếp là tương lai, tiếng đồng hồ kế tiếp. Vì vậy, tôi đang hỏi bạn: bạn có ý gì qua từ ngữ “tương lai”? Cẩn thận. Suy nghĩ cẩn thận. Đừng chỉ nói một điều gì đó bất chợt xảy đến cho bạn. Tương lai?
Học sinh: Tương lai là khi bạn không biết điều gì sẽ xảy ra.
K: Tôi đã nói điều đó. Điều đó có nghĩa tương lai là: cái gì có lẽ xảy ra, cái gì có lẽ không xảy ra; tôi hy vọng nó sẽ xảy ra; tôi hy vọng nó sẽ không; tất cả việc đó là tương lai. Đúng chứ? Bạn có lẽ tăng trưởng cao hơn, tôi có lẽ tăng trưởng thấp hơn – có lẽ, có lẽ, có lẽ. Vì vậy, từ ngữ “có lẽ” ngụ ý tương lai, có khả năng xảy ra. Đúng chứ? Nó có lẽ xảy ra. Bạn đồng ý chứ?
Học sinh: Vâng, thưa ông.
K: Bây giờ tương lai là gì? Đó là ngày mai. Ngày hôm nay, bây giờ là mười giờ năm phút, và trong năm phút nữa sẽ là mười giờ mười phút, tương lai. Hãy suy nghĩ cẩn thận. Điều này quan trọng cho bạn. Bạn có ý gì qua từ ngữ “ tương lai”?
Học sinh: Điều gì sẽ xảy ra vào ngày mai.
K: Người bạn yêu quý, chúng ta đã nói điều đó. Chúng ta đã nói tương lai là việc gì có thể xảy ra, có lẽ không xảy ra. Tương lai là ngày mai. Đúng chứ? Tương lai là giây kế tiếp. Đúng chứ? Vì vậy, điều đó có nghĩa là gì? Nó gây phức tạp quá cho bạn.
Học sinh: Tương lai là việc gì đó không biết được đối với bạn.
K: Nó không biết được đối với bạn à?
Học sinh: Thỉnh thoảng, nó có lẽ biết được đối với bạn. Nếu mình biết cái gì có lẽ đang xảy ra, nếu mình biết mình sẽ vào cao đẳng hay điều gì đó, vậy thì mình sẽ biết điều gì sẽ xảy đến cho mình.
K: Nếu bạn đậu kỳ thi. Đúng chứ?
Học sinh: Khi một ai đó nói cho mình điều gì sẽ xảy ra, vậy thì bạn biết tương lai.
K: Vâng, cậu trai lớn. Chúng ta đã thôngqua việc đó khi chúng ta nói nó có lẽ xảy ra, nó luôn luôn ở trong tương lai. Đúng chứ? Hay nó có lẽ không xảy ra. Nó là tương lai. Nó quá khó khăn cho bạn. Vì vậy, sợ hãi có nghĩa hoặc bây giờ, sợ hãi thực sự bây giờ hay trong tương lai. Đúng chứ? Bạn có sợ hãi lúc này không?
Học sinh: Lúc này thì không.
K: Tại sao?
Học sinh: Bởi vì không có gì phải sợ hãi.
K: Không có gì phải sợ hãi. Nhưng khi bạn vào lớp học, ở đây không ai đang bảo bạn làm cái gì, không làm cái gì, suy nghĩ cái gì, không suy nghĩ cái gì. Không ai bảo bạn việc đó. Vì vậy, bạn không quan tâm. Hay thực sự bạn đang lắng nghe để tìm ra. Đúng chứ? Không à. Bạn còn quá trẻ, quá nhỏ. Sợ hãi là một trong những sự việc khó khăn nhất để hiểu rõ và để được tự do khỏi nó. Đúng chứ? Người ta đã tham gia vào chiến tranh, giết chết lẫn nhau vì sợ hãi. Bạn hiểu chứ? Tôi có lẽ mất quốc gia của tôi, tôi có lẽ mất tài sản của tôi, tôi có lẽ không tùy thuộc vào tổ chức này, bạn hiểu chứ? Vì vậy chiến tranh, giết chóc đã xảy ra suốt hai triệu năm. Bạn hiểu điều này chứ? Suốt hai triệu năm những con người đã giết chóc lẫn nhau.
Học sinh: Tại sao?
K: Bởi vì anh ấy và tôi thuộc về một bộ lạc. Bạn và một người khác thuộc về một bộ lạc khác. Đúng chứ? Bạn muốn đất đai của tôi hay chúng tôi muốn đất đai của bạn hay chúng tôi muốn ăn cướp tài sản của bạn – bạn theo kịp chứ? Loại chiến đấu, giết chóc, gây thương tích tàn sát lẫn nhau này đã xảy ra suốt hai triệu năm.
Học sinh: Thưa ông, có sự phân chia giữa chúng ta.
K: Tại sao? Rất đơn giản. Tôi là một người Pakistan. Anh ấy là một người Hindu. Tôi muốn anh ấy trở thành một người Hồi giáo. Đúng chứ? Hay tôi nghĩ quốc gia của tôi to lớn, cao quý, và vân vân hơn quốc gia của anh ấy.
Học sinh: Họ kiếm được gì từ đó, bằng cách biến người khác thành người Hồi giáo hay bất kỳ người nào khác.
K: Đó là như vậy. Chúng ta kiếm được gì từ đó? Bạn trả lời cho tôi. Họ là những con người ngu dốt. Đúng chứ? Không à, hãy lắng nghe cẩn thận. Điều này đang xảy ra ở Anh, đang xảy ra ở Đức, ở Mỹ, Nga. Nó đang xảy ra khắp mọi nơi. Quốc gia này là một quốc gia nghèo. Đúng chứ? Bạn đi xuống dưới ngôi làng và bạn trông thấy sự nghèo khổ khủng khiếp, và tuy nhiên họ đang trang bị vũ khí rất nhiều. Đúng chứ? Tại sao?
Học sinh: Thưa ông, bởi vì ....
K: Đừng, hãy lắng nghe cẩn thận. Chừng nào bạn là một người Ấn độ và bạn cảm thấy bạn làm một người Ấn độ, bạn sẽ giết chết một ai đó. Đúng chứ? Vì vậy, chủ nghĩa quốc gia, chủ nghĩa chủng tộc, chủ nghĩa bộ lạc; chừng nào điều đó còn tồn tại bạn sẽ giết chết một ai đó hay một ai đó sẽ đến và giết chết bạn.
Học sinh: Thưa ông, nếu mình không có một quốc tịch, vậy thì mình nhận dạng chính mình với cái gì?
K: Nếu bạn không có một quốc tịch, làm thế nào bạn nhận dạng chính mình với một cái gì đó. Đúng chứ? Tại sao bạn muốn nhận dạng mình với nước Ấn độ, với nước Mỹ, với nước Nga, tại sao?
Học sinh: Thưa ông, em cảm thấy an toàn khi là một bộ phận của nó.
K: Đừng, chờ một tí. Bạn cảm thấy an toàn. Đúng chứ? Phải không?
Học sinh: Nhưng lúc đó mình vẫn còn có những sợ hãi của quốc gia mình bị hủy diệt. Nếu mình là một bộ phận của cái gì đó, mình là một người Ấn độ hay một người khác mình luôn luôn có sợ hãi của những con người sẽ đến và tấn công mình hay nói rằng mình phải là cái gì mình đã nói hay một người Hồi giáo hay một người nào khác.
K: Tôi không hiểu.
Học sinh: Cô gái đó đã nói rằng, mình cảm thấy mất an toàn, nếu mình không có một quốc tịch hay nếu mình không thể nói mình là một người Ấn độ hay mình là một người Mỹ. Khi mình nói điều đó, mình vẫn còn có sự sợ hãi của bị tấn công.
K: Vâng. Vậy là bạn sẵn sàng giết tôi như một người Hồi giáo? Bạn đúng là một người ngu. Tại sao bạn muốn giết tôi? Bởi vì tôi tin tưởng một vị Thượng đế nào khác? Nhưng tại sao bạn muốn giết tôi?
Học sinh: Thưa ông, để có một danh tiếng.
K: Để có một danh tiếng, bằng cách giết tôi?
Học sinh: Có vẻ rằng mình mạnh mẽ hơn sau hành động đó.
K: Bạn cảm thấy hạnh phúc hơn vì giết tôi?
Học sinh: Bởi vì sau đó mình cảm thấy rằng mình mạnh mẽ hơn.
K: Tất cả các bạn là một đám người khá điên khùng. Tôi đã được mời đến, nếu tôi được phép kể về nó, tôi hy vọng bạn không phiền, tôi đã được mời đến nói chuyện tại Liên Hiệp Quốc. Bạn biết điều đó có nghĩa gì chứ?
Học sinh: Có, thưa ông.
K: Có à? Bạn chắc chắn chứ?
Học sinh: Chắc chắn, thưa ông.
K: Bạn chắc chắn rằng bạn đang ngồi đây phải không?
Học sinh: Vâng, thưa ông.
K: Tôi được mời đến nói chuyện tại Liên Hiệp Quốc, và tôi đã nói suốt bốn mươi lăm phút. Sau khi tôi nói xong, một trong những người lãnh đạo chính của tổ chức đó, ông ấy đứng dậy và nói “những đặc ân to tát” vân vân, vân vân “được gặp gỡ ông, thưa ông” và vân vân, rồi ông ấy nói, “Tôi đã làm việc ở đây trong tổ chức này được bốn mươi năm, rất cực nhọc”. Bạn hiểu điều gì tôi đang nói, bốn mươi năm ông ấy đã làm việc rất cực nhọc để tạo lập, để duy trì, để nuôi dưỡng Liên Hiệp Quốc đang vận hành rồi thì ông ấy nói, “Sau bốn mươi năm tôi đã học được không giết một con người khác”. Bạn hiểu điều gì tôi đang nói chứ? Hay bạn cũng ngớ ngẩn như tổ chức Liên Hiệp Quốc? Bạn hiểu điều gì tôi đang nói chứ? Ông ấy phải mất bốn mươi năm để học được “không giết một con người khác”. Bốn mươi năm! Bạn hiểu điều gì tôi đang nói chứ? Bạn sẽ làm y hệt như thế phải không?
Học sinh: Không, thưa ông.
K: Tôi không chắc lắm.
Học sinh: Ít ra lúc này em không đang làm nó. Lúc này em không nghĩ rằng em sẽ giết một con người khác. Em không biết khi lớn lên sẽ như thế nào.
K: Bạn phải dành thời gian để suy nghĩ thật nhiều, để tìm hiểu thật nhiều. Bạn dành bao nhiêu thời gian để học toán hay sinh học hay khoa học? Bao nhiêu năm? Nhiều năm, phải không? Trung học, cao đẳng rồi đại học. Tất cả các bạn đều mất hai mươi hay hai mươi lăm năm vượt qua chặng đường đó. Đúng chứ? Và bạn thậm chí sẽ không dành ra mười phút hoặc năm phút để tìm được liệu bạn có thể được tự do khỏi sợ hãi. Bạn dành ra hai mươi năm vào một chủ đề thô thiển nào đó và bạn thậm chí sẽ không dành ra năm phút để hiểu rõ bản chất của sợ hãi. Điều đó đúng, phải không?
Vì vậy, bạn phải học nhiều, bạn phải hiểu nhiều. Cái gì là gốc rễ của sợ hãi. Tôi sẽ nói vắn tắt cho bạn. Sợ hãi liên quan đến thời gian; ngày mai, có lẽ xảy ra. Đúng chứ? Vì vậy, bạn phải tìm hiểu thời gian là gì. Việc đó quá khó khăn cho bạn. Không phải dựa vào đồng hồ, nhưng thời gian là gì. Bạn gieo một cái hạt, nó cần thời gian để tăng trưởng. Bạn có một em bé và phải mất thời gian để trở thành một trẻ thành niên. Một người không khỏe mạnh, vậy thì muốn khỏe mạnh phải mất thời gian. Đúng chứ? Bạn đang học toán hay vật lý, hay bất kỳ điều gì bạn đang học và có thể đậu một kỳ thi trong môn học đó phải mất thời gian. Bạn phải mất thời gian để đi từ đây đến Madanapalle hay đến nhà bạn. Bạn hiểu chứ? Thời gian rất quan trọng trong cuộc sống của một người. Không chỉ để đi từ đây đến đó mà còn để tăng trưởng, tăng trưởng cơ thể và sau đó tăng trưởng phía bên trong. Tất cả việc đó phải mất thời gian. Và đã mất thời gian từ con người đầu tiên đến bây giờ hai triệu năm, được gọi là tiến hóa. Đúng chứ? Vì vậy, nguyên cuộc đời của bạn bị trói buộc trong thời gian. Bạn hiểu chứ? Nguyên cuộc đời của bạn bị trói buộc trong thời gian. Bạn đang sống lúc này, bạn có lẽ chết, có một thời gian dài. Đúng chứ? Nguyên cuộc đời của chúng ta bị vướng mắc, bị liên quan đến thời gian. Bạn sẽ đậu những kỳ thi của bạn hay bạn có lẽ không. Thời gian. Vậy thì chúng ta phải tìm hiểu thời gian là gì. Điều đó quá khó khăn.
Học sinh: Thời gian là tương đối, phải không?
K: Tôi biết việc đó, tôi đã nói việc đó, cô gái lớn. Tôi cố ý không dùng từ ngữ đó bởi vì từ ngữ relative cũng có nghĩa một cái gì khác nữa, “Anh ấy là người bà con của tôi”. Bây giờ chờ một tí. Thời gian là tương đối, nhưng bạn có ý gì qua từ ngữ “thời gian”? Thưa bạn, bạn đó kìa, những người trưởng thành mà sẽ đậu những kỳ thi, sẽ có những công việc làm của bạn, lập gia đình. Tất cả những việc đó mất thời gian. Đúng chứ? Vì vậy, con người mãi mãi bị trói buộc vào thời gian phải không? Không, nó quá khó khăn à. Bạn nói gì đây, thưa bạn? Bạn có hiểu không?
Học sinh: Tôi không hoàn toàn hiểu rõ lắm.
K: Bạn không hoàn toàn hiểu rõ lắm. Nhìn kìa, bây giờ bạn còn rất nhỏ. Bạn sẽ lớn lên, sẽ cao, sẽ … , vậy là tất cả việc đó mất thời gian, phải không? Nếu bạn bị bệnh, bạn phải mất thời gian để khỏe lại. Phải mất thời gian để thức dậy vào buổi sáng, để chuẩn bị sẵn sàng, tất cả những chuyện như thế, để tắm và vân vân – phải mất thời gian. Phải mất thời gian để học một môn học, để học một kỹ năng, để học gieo một hạt giống trong vườn và nhìn nó tăng trưởng. Mọi thứ trong cuộc sống đều mất thời gian. Đúng chứ?
Học sinh: Đúng rồi, thưa ông.
K: Và con người bị trói buộc trong thời gian: để đi từ đây đến đó. Bạn sống ở đâu?
Học sinh: Em sống ở Bombay.
K: Bombay. Bạn đã phải mất thời gian để đi từ Bombay đến Rishi Valley.
Học sinh: Vâng, thưa ông.
K: Hai đêm hay một đêm hay bất kỳ bao lâu. Và cũng vậy để đậu những kỳ thi của bạn, để có một việc làm và những chuyện đó đều mất thời gian. Vì vậy, bạn bị trói buộc trong thời gian. Rõ ràng chứ?
Học sinh: Vâng, thưa ông.
K: Rõ ràng chứ? Điều đó có nghĩa là – tôi sẽ không nói về nó. Nó phức tạp lắm bạn hiểu không được đâu. Bất kỳ điều gì bạn làm đều bị trói buộc trong thời gian, mà là quá khứ, mà nói rằng bạn không làm việc đó, quá khứ nói rằng bạn không làm việc đó. Nếu bạn làm việc đó bạn sẽ bị phạt hay bạn sẽ được thưởng. Vì vậy, quá khứ đang điều khiển bạn lúc này. Hiểu chứ?
Học sinh: Vâng, thưa ông.
K: Đầu tiên hiểu rõ nó rất đơn giản. Quá khứ đang điều khiển việc gì bạn làm lúc này. Tôi không được làm việc đó, bạn đã có trải nghiệm giống như vậy và quá khứ nói: đừng làm nó lại nếu không bạn sẽ bị bệnh. Quá khứ đang định hình suy nghĩ của bạn, mà có nghĩa cái quá khứ là thời gian.Vì vậy, thời gian đang định hình điều gì bạn làm lúc này, và cái tương lai lệ thuộc vào điều gì bạn làm lúc này.
Học sinh: Vâng, thưa ông.
K: Rõ ràng chứ? Nghĩ ra đi, cậu trai lớn. Suy nghĩ cẩn thận. Quá khứ đang dạy dỗ bạn, đang bảo bạn điều gì phải làm lúc này và điều gì bạn làm lúc này sẽ định hình tương lai. Vì vậy, tương lai đang được sắp đặt vào cùng nhau lúc này, được sáng chế.
Học sinh: Ngay khoảnh khắc này.
K: Ngay khoảnh khắc này. Nắm lấy nó?
Học sinh: Vâng, thưa ông.
K: Bạn có chắc không? Vì vậy, quá khứ điều khiển hiện tại, và hiện tại đang định hình tương lai. Hãy cẩn thận, hãy suy nghĩ ra đi. Vì vậy, tương lai đang được sáng chế lúc này. Nắm lấy nó?
Học sinh: Vâng, thưa ông.
K: Tôi tự hỏi liệu bạn có nắm bắt được nó.
Học sinh: Thưa ông, có chứ.
K: Vì vậy, điều gì bạn làm lúc này là quan trọng nhất. Không phải điều gì bạn sẽ làm ngày mai. Nắm lấy nó? Điều gì bạn làm lúc này là quan trọng nhất bởi vì điều đó sẽ tạo thành tương lai của bạn. Nắm lấy nó?
Học sinh: Vâng, thưa ông.
Học sinh: Thưa ông, thời gian có bị giới hạn không?
K: Đừng lưu tâm, cô gái lớn. Đừng hỏi những câu hỏi trừu tượng bởi vì tôi có thể đưa cho bạn một câu trả lời trừu tượng, nhưng nó không có ý nghĩa. Thời gian luôn luôn bị giới hạn. Vì vậy, liệu có một cách – điều này quá khó khăn – liệu có một cách để được tự do khỏi thời gian?
Học sinh: Không, thưa ông.
K: Tại sao bạn nói không?
Học sinh: Thưa ông, khi người ta đang sống không có cách nào cả nhưng có lẽ sau khi chết.
K: Bạn biết chết có nghĩa gì không?
Học sinh: Không, thưa ông.
K: Vậy thì đừng sử dụng từ ngữ đó. Hãy tự đặt ra cho mình một câu hỏi. Đừng cố gắng trả lời nó. Hãy tự đặt ra cho mình. Mà là, bộ não của bạn bên trong hộp sọ được đặt chung vào nhau suốt hai triệu năm, bị điều kiện, bị định hình, bị uốn khuôn, trải nghiệm, hiểu biết, tất cả mọi việc đều ở trong đó: bây giờ liệu rằng lúc này bạn có thể làm điều gì đó đúng đắn để cho nó sẽ đúng đắn suốt cuộc đời còn lại? Bạn hiểu câu hỏi của tôi chứ?
Học sinh: Vâng, thưa ông.
K: Điều này khó khăn quá. Phải không?
Học sinh: Thưa ông, nghĩa lý đúng của tập trung và chú ý là gì?
K: Bạn thực sự muốn biết à?
Học sinh: Vâng, thưa ông.
K: Tại sao? Hãy suy nghĩ cẩn thận. Người nào đó đã nhờ bạn đưa ra câu hỏi đó phải không.
Học sinh: Vâng, thưa ông.
K: A, đúng rồi.
Học sinh: Cha của em đã nói với em rằng lúc trước ông có phát biểu rằng bạn cần chú ý nhiều hơn tập trung.
K: Cha của bạn đã nói với bạn. Tại sao? Bạn biết tập trung là gì chứ? Hãy lắng nghe: tôi là giáo viên của bạn, người giáo dục của bạn, bạn đang nhìn ra ngoài cửa sổ, còn hứng thú hơn trang sách. Đúng chứ?
Học sinh: Vâng, thưa ông.
K: Tôi là giáo viên và tôi nói: làm ơn hãy nhìn vào trang sách, và bạn không thích nhìn vào trang sách nhưng bạn lại thích nhìn con chim ngoài đó. Đúng chứ? Vì vậy, ông ấy nói, “Nếu em muốn học, hãy nhìn vào trang sách”. Rồi ông ấy tức giận nếu bạn cứ nhìn ra ngoài cửa sổ. Vì vậy, ông ấy đến và lay bạn, hay vặn tai bạn, kéo tóc bạn hay đánh bạn. Không ai đánh bạn ở đây, tôi hy vọng như thế. Không ai đánh.
Vì vậy điều gì xảy ra? Bạn muốn nhìn ra ngoài cửa sổ nhưng một ai đó nói, hãy nhìn vào trang sách. Vậy là bạn ở trong xung đột. Phải không? Bạn muốn nhìn ra ngoài đó và bạn muốn nhìn vào trang sách. Vậy là bạn có một xung đột. Đúng chứ?
Học sinh: Vâng, thưa ông.
K: Vì vậy, xung đột xảy ra một cách không cần thiết do bởi tập trung. Đúng chứ? Tôi muốn tập trung vào trang sách. Tôi tự ép buộc mình lưu ý nhiều vào trang sách, tập trung nhiều, điều đó có nghĩa rằng tôi không cố gắng nghĩ ngợi bất kỳ điều gì nữa ngoại trừ điều gì trên trang sách. Trong qui trình đó có nhiều kháng cự, xung đột, bởi vì tôi muốn nhìn ra ngoài đó, nhưng tôi phải nhìn vào trang sách. Bạn hiểu chứ? Vì vậy, có nhiều xung đột, nhiều gắng sức. Tôi sẽ không bàn sâu về nó. Trái lại chú ý không có nỗ lực. Bất kỳ ai đã nhờ bạn đưa câu hỏi đó cho tôi, hãy trả lời với họ như vậy. Trong chú ý không có nỗ lực nào cả. Bạn có mặt.
Sáng nay chúng ta đã cùng nhau suốt một tiếng đồng hồ. Các bạn có muốn tiếp tục không?
Học sinh: Có chứ, thưa ông.
K: À, có chứ? Tại sao? Nó vui vẻ nhiều hơn! Và có một tiết học đang chờ bạn và bạn không muốn đi vào lớp nhưng lại muốn được giải trí! Đúng chứ? Bạn có lần nào nhìn ngắm những bông hoa kia?
Học sinh: Có, thưa ông.
K: Bạn có nhìn ngắm chúng không? Hãy nhìn ngắm chúng. Hãy quên bẵng mọi chuyện và nhìn ngắm những bông hoa kia trong một phút. Nhìn ngắm chúng. Nhìn sự kết hợp của màu sắc, và vẻ đẹp của chúng, xếp đặt của chúng, ánh sáng trên chúng. Bây giờ, điều đó có ý nghĩa gì với bạn? Đừng nói, vẻ đẹp hay – nó có ý nghĩa gì với bạn? Khi bạn quan sát sự trải rộng của màu sắc và những khác biệt trong màu sắc đó, màu xanh lá cây tương phản màu đỏ, xanh sẫm hơn nữa và như thế, nó có ý nghĩa gì cho bạn?
Học sinh: Nó có ý nghĩa gì không, thưa ông?
K: Tôi sẽ nói cho bạn lát nữa. Tôi đặt câu hỏi cho bạn trước.
Học sinh: Thưa ông, em cảm thấy nó có nghĩa rằng: tại sao chúng em lại muốn tất cả những ngôi nhà và những đồ vật máy móc này trong khi thiên nhiên lại quá phong phú?
K: Trông thấy những đồ vật máy móc dễ dàng hơn nhiều. Nhưng hãy quan sát thiên nhiên, những núi đồi và những cái bóng, những tảng đá, hình thể của những tảng đá, những cánh đồng, chúng được gieo như thế nào, tất cả đều thẳng hàng, hay những cây xoài đang lớn lên và những con chim và những con bướm và quả đất xanh tươi, những cái bóng, những dòng suối và vân vân; hãy quan sát nó. Những quyển sách, vượt qua những kỳ thi, có một việc làm, lập gia đình và có một ngôi nhà, đó là mọi điều bạn quan tâm phải không, thưa bạn? Nhưng vượt khỏi ngôi nhà còn có chân trời. Đúng chứ? Và vượt khỏi ngôi nhà là tất cả những quả đồi tuyệt vời kia và vẻ đẹp và vô hạn.
Thưa bạn, chừng đó đã đủ cho buổi sáng nay chưa? Đủ rồi à? Bạn sẽ hưởng một ngày vui chứ? Chúc bạn một ngày vui vẻ.
Học sinh: Cám ơn ông, thưa ông.
K: Hãy tận hưởng. Được chứ? Hãy nói lớp học gạt đi mọi vấn đề! Bạn biết tôi đang kích động bạn đấy. Bạn biết điều đó có nghĩa gì không?
Học sinh: Không, thưa ông.
K: Kích động bạn bùng nổ. Bạn không thể. Đừng bùng nổ bằng súng ống và mìn. Chúc một ngày vui vẻ. Đúng chứ? Chúc một ngày vui vẻ. Đó là một buổi sáng đẹp. Tận hưởng nó. Được rồi. Thưa bạn.