Biên Soạn: Tâm Diệu
ĐẬU NÀNH VÀ NGĂN NGỪA BỆNH TẬT
Bệnh Thận (KIDNEY)
Thận, thật ra là hai bộ lọc nhỏ. Chúng có nhiệm vụ lọc bỏ những chất hóa học không cần thiết trong máu và tống khứ nó ra ngoài qua đường tiểu. Chúng lọc khoảng 45 gallons máu mỗi ngày. Khi thận bị hư hoại, các chất độc tố có thể tích tụ và gây nên chết người.
Tiêu thụ nhiều protein thịt động vật lâu dài có thể làm hư thận, đặc biệt là những ai đang bị rắc rối về bộ phận này, bởi vì thận bị bắt buộc phải làm việc nhiều hơn để lọc chất ammonia, một phó sản của tiến trình chuyển hóa năng lượng (metabolism). Protein thực vật như protein đậu nành chẳng hạn không có tác dụng này.
Trong một nghiên cứu bên Anh Quốc, nhịp lọc máu của thận gia tăng lên 16 phần trăm sau khi ăn protein thịt so với sau khi ăn protein đậu nành.
Cũng trong một nghiên cứu khác được đăng tải trên tập san Lancet, rằng khi những bệnh nhân bị bệnh thận được yêu cầu chuyển đổi ăn protein thịt sang chế độ dinh dưỡng bằng protein đậu nành, kết quả cho thấy là không những cholesterol trong máu giảm thấp, mà lượng protein họ thải hồi qua đường tiểu, mức đo lường của bệnh thận, cũng giảm.
Chế độ dinh dưỡng nhiều protein thịt cũng giúp tạo nên sạn thận. Chất calcium thặng dư trong cơ thể sẽ được thải hồi ra ngoài bằng đường tiểu qua bộ phận thận. Nhưng nếu quá nhiều, thận làm việc không xuể, chất calcium sẽ kết tủa và thành sỏi. Sạn thận thường có nhiều nơi đàn ông hơn là phái nữ.
Trong một nghiên cứu, những người ăn thực phẩm rau đậu bên Anh Quốc thường áp dụng một chế độ dinh dưỡng thấp protein nên ít bị sạn thận đến 50 phần trăm so với toàn dân số.
Một nghiên cứu lớn khác liên quan đến 45 ngàn người đàn ông đã cho kết quả trên tờ New England Journal of Medicine là tiêu thụ protein thịt có liên hệ trực tiếp đến sự thành lập và phát triển sạn thận: càng ăn nhiều protein thịt, càng dễ bị sạn thận.
Bệnh Cao Áp Huyết
Như chúng tôi đã trình bầy, protein đậu nành có chứa sulfur amino acids với một hàm luợng thấp so với sulfur amino acids trong protein thịt, có tác dụng làm giảm bài tiết calcium. Ăn nhiều protein cũng tạo nên sự lưu giữ muối trong cơ thể vì cơ thể quá bận rộn với việc làm tan và bài tiết các phó sản của sulfur amino acids trong tiến trình biến năng. Khi chất muối ít bị bài tiết, nhiều chất muối bị lưu lại trong máu, làm tăng áp xuất máu. Bởi vì sulfur amino acids đậu nành có hàm lượng thấp, chất muối có thể bài tiết dễ dàng mà không bị cản trở, đó là một trong các lý do những người ăn thực phẩm rau đậu thường ít bị cao áp huyết hơn là những người ăn thịt.
Sạn Mật (GALLSTONES)
Protein thực vật, đặc biệt là protein đậu nành, cũng giúp ngăn ngừa sự thành lập và phát triển sạn trong túi mật. Thực tế, ít nhất một nghiên cứu cho biết là protein đậu nành đã có tác dụng làm tan rã (dissolve) những viên sạn sau khi chúng thành hình trong túi mật. Đây cũng là lý do tại sao sạn mật xảy ra nhiều gấp đôi nơi những người ăn thịt so với những người ăn thực phẩm rau đậu.