BÓNG THỜI GIAN
Tác giả: Diệu Kim
Quê chẳng còn ai là họ hàng ngoài bà chị con của người dì ruột. Nhưng tôi cũng đâu có ở yên trong nhà chị. Thăm hết người láng giềng này tới người bạn học kia, rồi cô giáo, thầy giáo cũ... Hết vèo ba ngày Tết lúc nào chẳng hay. Đi đâu cũng thấy nụ cười và những lời chúc xuân vồn vã, làm ấm lòng kẻ tha phương...
Còn một ngày cuối cùng, tôi chợt nhớ đến chùa Hội An. Tôi bảo anh xe lôi: “Ghé giùm chỗ này, tôi vẫn trả tiền nguyên cuốc xe cho anh.” Nhìn tấm bảng trên chùa, trông lại bộ quần áo “thị thành” của tôi, anh xe lôi hơi ngỡ ngàng: “Chị quen ai trong đó?” “Tôi quen thầy trụ trì.” “Thầy đi khỏi rồi chị ơi. Tôi mới chở ổng nè, chuyến về mới gặp chị đó.” Tôi cụt hứng, rồi tặc lưỡi: “Thôi, vô thắp nhang một chút.”
Anh xe lôi bỏ tôi xuống vệ đường, bên cạnh đám cỏ xanh um chen mấy chùm hoa nổ tím ngát, không quên dặn vói theo: “Đường mới đổ gạch lổm chổm, chị đi coi chừng trật chân.” Tôi mỉm cười cám ơn.
Đường đổ gạch, nhưng chỉ một đoạn ngắn, chỗ có mấy căn nhà mới cất liền nhau màu vôi còn trắng tinh, ngói đỏ au và cửa gỗ hăng hăng mùi vec-ni. Đi khỏi quãng đó, cánh đồng hiện ra như cũ, quen thuộc đến nhức mắt. Lúa đông xuân chưa gặt, đang trĩu bông hườm hườm vàng, thả vào trong gió mùi thơm nhẹ mang hơi sữa. Cánh đồng không lớn lắm, lại bị cắt ngang bởi một hàng trâm bầu mát dịu. Hồi nhỏ, tôi và đám bạn đi mót lúa thường ngồi nghỉ chân dưới hàng trâm bầu, tay xốc cái thúng con, đọ xem đứa nào mót được nhiều nhất. Mười lăm năm sau, em trai tôi nằm nghỉ giấc ngàn thu nơi đó. Rặng trâm bầu kéo dài đến tận con mương giáp ranh với mảnh đất chùa dành làm nghĩa địa. Em tôi được sư ông cho nằm ở hàng ngoài cùng, chỉ cần tôi búng chân nhảy qua con mương là tới mộ của nó. Bóng trâm bầu cố vươn qua che một khoảng mát cho em. Má tôi đã về quê từ hôm rằm, dọn cỏ mộ sạch sẽ, rồi trở lên thành phố trông nhà cho tôi. Bây giờ tôi chỉ việc thắp nhang. Khói nhang bay lảng bảng vào bóng chiều, từng cuộn bị xé nhỏ ra, mỏng dần, mỏng dần, rồi mất hút vào ngọn gió đồng. Chỉ có lá lúa cọ vào nhau xào xạc. Nhẹ rơi vài lá trâm bầu vàng úa còn sót lại của mùa thu hiếm hoi phương Nam...
Tôi lại men theo bờ thửa, băng ngang đám ruộng trở vào con đường cũ. Đất được giậm bằng phẳng, xe đạp, xe honda tha hồ chạy. Màu đất nâu hóa trắng vì thời tiết mùa khô. Cái màu nâu trắng ấy uốn lượn vài lần rồi chui thẳng vào một vòm cây xanh thẫm. Trên đầu tôi chỉ thấy lá và lá, còn bên phải, bên trái lại nhấp nhô những hàng rào dâm bụt nở bung những cánh hoa đỏ tòn ten một chuỗi phấn vàng. Này là nhà bà Mười Gió, kế đến nhà ông Tư Hờn, chú Bảy Rết, bà Hai Hên.... Tôi nhẩm đếm những cái tên rất quen trước khi đặt chân lên chiếc cầu nhỏ. Đâu đó đã nghe vẳng tiếng chuông chùa.
Vâng, chỉ bước qua cây cầu thôi là thấy một thế giới khác. Bên đó, con đường thu hẹp lại, quanh co, nhấp nhô, khó đi, khó đứng. Bên đó, không còn nhà cửa san sát như bên này, mà chỉ có ngôi chùa nằm khuất sau cánh cổng gỗ nặng trịch. Tôi nhìn xuống chân cầu, nước trong xanh, chảy rất chậm, lác đác vài cánh hoa mai trôi theo, rung rung cái sắc vàng thay nắng chiều đang dần dần lặng xuống.
Tôi nâng cánh cổng một cách dễ dàng. Thì ra không có khóa. Con đường chạy từ cổng đến chùa đã được tráng xi măng. Tôi đi xuyên qua một cái sân rất rộng đủ cả kỳ hoa dị thảo của ngày ấu thơ. Một hàng bông trang hoa trắng, hoa đỏ đứng trang nghiêm sát đường. Và chen vào vài cây điệp hoa vàng vàng cam cam với cuống hoa ốm tong đưa thẳng lên trời như một cây tăm. Vậy chứ bông trang, bông điệp là thứ được dân trong xóm đến xin hoài. Cúng rằm, người ta cắt cành dài để cắm vào bình lớn. Cúng đầy tháng, thôi nôi, người ta cắt ngắn ngay cuống hoa rồi đặt vào 12 chiếc ly uống trà tượng trưng cho 12 bà mụ. Thậm chí, nhà có người vừa chết cũng xin bông trang về để bốn góc giường cho nhà sư tụng kinh. Sư ông chùa Hội An chăm chút đám bông trang, bông điệp này lắm, và hồi đó tôi thường thích thú hét vào tai ông: “Bà ngoại con xin mấy cái bông về cúng.” Sư ông lãng tai, ngơ ngác hồi lâu rồi mỉm cười hiểu ra. Ông lui cui xuống bếp tìm con dao nhỏ xíu đưa cho tôi: “Con ra cắt đi. Khéo, đứt tay tới xương đó, dao bén lắm. Mà thôi, để ông cắt cho.” Sư ông lụ khụ đi ra chỗ cây hoa thì tôi đã đủ thì giờ chạy biến ra hồ sen, lén lén bẻ trộm cái gương sen xanh nõn đầy những hột tròn nhú lên lấm tấm vài giọt nước trong vắt. Có lần tôi bẻ luôn một bông sen màu hồng tuyệt đẹp, giấu ở hàng rào, khi ra cổng thò tay vô lấy. Về nhà, tôi khoe bà ngoại: “Ngoại ơi, con đem về cúng Phật của mình.” Ngoại tôi nổi giận: “Cúng Phật của mình mà ăn cắp của Phật trong chùa. Tội còn hơn!” Tôi hoảng hồn. Bây giờ, sen không có bông, cũng không có gương, vì đang là mùa xuân, chỉ có những chiếc lá tròn xanh vây quanh tượng Quán Thế Âm màu trắng.
Tiếng chuông thong thả ngân dài. Từ cánh cửa nhỏ của chánh điện, tôi đã trông thấy những ngọn đèn cầy lập lòe và một bóng áo nâu đứng cạnh chiếc đại hồng chung. Tiếng chuông rơi từ đôi tay nhỏ bé. Thì ra là một chú tiểu. Gương mặt hơi sạm đen ngẩng lên nhìn tôi, miệng không ngừng đọc bài kệ, nhưng đôi mắt long lanh như muốn hỏi: “Thí chủ có định thắp hương?” Tôi nhẹ khoát tay, ý bảo chú cứ đánh chuông, mặc tôi.
Tôi vòng ra sau nhà tổ, nơi hành lang sư ông thường mắc võng nằm cho mát. Chiếc võng đan bằng sợi chuối vừa chắc vừa mềm, sư ông lót thêm chiếc cà sa cũ để khỏi đau lưng. Cạnh đó là bếp lửa luôn luôn có cái ấm nhỏ xíu đen thui sư ông dùng từ hồi mới xuất gia. Ông nấu nước, pha trà một mình, không phiền đến ai. Nửa đêm đã thấy bếp lửa ánh hồng. Ban ngày thì bếp dành cho một chiếc nồi đất nấu cơm, mà mấy bà Phật tử mỗi lần mở vung ra lại kêu trời: “Sư ông ăn vầy sao mà chịu nổi!” Sư ông cười: “Sao lại không nổi!” Trên lớp cơm ngà ngà vì gạo chỉ là loại thường, có một miếng tàu hủ trắng được hấp cả ngày. Và một chai nước tương, một hủ muối tiêu. Vậy là xong bữa của sư ông. Mấy bà Phật tử rối rít về nhà làm món canh, món xào đem vô cúng dường, lại bị sư ông rầy: “Phiền các vị quá, tôi mất phước. Thôi đừng làm nữa.” Cãi lời, sư ông giận.
Nhưng rồi đến lúc ông không còn giận được nữa. Đổ cháo, đổ sữa vào miệng, ông cũng không buồn rầy la. Ông ra đi trong tiếng chuông ngân một chiều mưa, hưởng thọ hơn 90 tuổi. Ngoại tôi, nếu còn sống, chắc đã khóc nhiều. Bà lớn hơn sư ông vài tuổi, nhưng quy y với ông mấy chục năm. Đám tang bà, sư ông chống gậy ra ngồi, cố tụng một thời kinh bát nhã. Tiếng kinh như bị nén giữa lồng ngực khô héo, chỉ thấy đôi môi già nua mấp máy theo từng nhịp mõ buồn buồn.
Chú tiểu đánh chuông đã xong, bước xuống chắp tay chào tôi. Tôi hỏi: “Thầy đi chừng nào về vậy chú?” “Dạ chắc tới tối. Cô ngồi chơi, đợi thầy.” “Không, một lát tôi đi. Thầy có về nhờ chú nói giùm.” Chú tiểu hỏi tên tôi rồi lẩm nhẩm nhắc lại hai lần như sợ quên. “Chắc chú mới vào chùa?” “Dạ, cũng gần hai năm.” Tôi giật mình. Năm ngoái mình ăn Tết ở đâu? Tôi chớp mắt nhìn sang phương trượng, nơi ngày xưa sư ông ở, bây giờ là thầy trụ trì. “Thầy có mập lên chút nào không chú?”, tôi hỏi. Chú tiểu toét miệng cười: “Trời, thầy có mà tết Công-gô mới mập cô ơi!” Rồi chú hoảng hốt bụm miệng vì chợt nhớ mình ăn nói không đúng oai nghi. Tôi cũng phì cười: “Chú có đi học không? Lớp mấy rồi?” “Dạ, lớp bốn.” Tôi tưởng tượng cái áo nâu này đang đá banh, đá cầu trong sân trường, đang vật nhau với lũ bạn. Con nít thì cứ là con nít.
Chú tiểu đứng dậy bật công tắc điện. Ánh sáng yếu ớt tỏa ra từ chiếc đèn néon sáu tấc đã ố vàng, soi nhập nhòa bức tranh vẽ Tổ Bồ Đề Đạt Ma vác gậy trên vai có một chiếc giày treo lủng lẳng. Tôi buột miệng: “Chú ở đây buồn không?” Đôi mắt tròn xoe ngẩng lên. “Dạ không.” “Chỉ có thầy với chú thôi à?” “Dạ.” Tôi lẩm bẩm: “Cũng như ngày xưa, chỉ có sư ông và thầy...” Chú tiểu nhìn tôi trân trân, có lẽ không hiểu tôi nói gì...
Con đường từ chùa ra cổng dường như dài hơn. Tôi chầm chậm bước qua hàng bông trang, bông điệp, len lén hít vào lòng hương của những bông sứ trắng và cố níu giữ lấy mùi thơm của những luống vạn thọ đang nở hoa. Chợt ngoái lại phía sau, tôi thấy chú tiểu vẫn đứng nơi ngạch cửa nhìn theo. Chiếc áo nâu nhỏ nhắn nhòa vào bóng đêm đang buông xuống. Rồi chú sẽ lớn, thầy sẽ già như sư ông... Còn tôi, không biết có quay về?...
Tác giả: Diệu Kim
BÓNG THỜI GIAN
Tết năm nay, vé xe tăng giá, chuyện làm ăn lại eo hẹp nên tôi định không về quê. Nhưng rồi vẫn về. Vì những bông cúc nở sao mà xốn xang. Tiếng còi xe nửa đêm sao mà thúc giục. Và một chút gió se se cuối mùa sao mà cô đơn...Quê chẳng còn ai là họ hàng ngoài bà chị con của người dì ruột. Nhưng tôi cũng đâu có ở yên trong nhà chị. Thăm hết người láng giềng này tới người bạn học kia, rồi cô giáo, thầy giáo cũ... Hết vèo ba ngày Tết lúc nào chẳng hay. Đi đâu cũng thấy nụ cười và những lời chúc xuân vồn vã, làm ấm lòng kẻ tha phương...
Còn một ngày cuối cùng, tôi chợt nhớ đến chùa Hội An. Tôi bảo anh xe lôi: “Ghé giùm chỗ này, tôi vẫn trả tiền nguyên cuốc xe cho anh.” Nhìn tấm bảng trên chùa, trông lại bộ quần áo “thị thành” của tôi, anh xe lôi hơi ngỡ ngàng: “Chị quen ai trong đó?” “Tôi quen thầy trụ trì.” “Thầy đi khỏi rồi chị ơi. Tôi mới chở ổng nè, chuyến về mới gặp chị đó.” Tôi cụt hứng, rồi tặc lưỡi: “Thôi, vô thắp nhang một chút.”
Anh xe lôi bỏ tôi xuống vệ đường, bên cạnh đám cỏ xanh um chen mấy chùm hoa nổ tím ngát, không quên dặn vói theo: “Đường mới đổ gạch lổm chổm, chị đi coi chừng trật chân.” Tôi mỉm cười cám ơn.
Đường đổ gạch, nhưng chỉ một đoạn ngắn, chỗ có mấy căn nhà mới cất liền nhau màu vôi còn trắng tinh, ngói đỏ au và cửa gỗ hăng hăng mùi vec-ni. Đi khỏi quãng đó, cánh đồng hiện ra như cũ, quen thuộc đến nhức mắt. Lúa đông xuân chưa gặt, đang trĩu bông hườm hườm vàng, thả vào trong gió mùi thơm nhẹ mang hơi sữa. Cánh đồng không lớn lắm, lại bị cắt ngang bởi một hàng trâm bầu mát dịu. Hồi nhỏ, tôi và đám bạn đi mót lúa thường ngồi nghỉ chân dưới hàng trâm bầu, tay xốc cái thúng con, đọ xem đứa nào mót được nhiều nhất. Mười lăm năm sau, em trai tôi nằm nghỉ giấc ngàn thu nơi đó. Rặng trâm bầu kéo dài đến tận con mương giáp ranh với mảnh đất chùa dành làm nghĩa địa. Em tôi được sư ông cho nằm ở hàng ngoài cùng, chỉ cần tôi búng chân nhảy qua con mương là tới mộ của nó. Bóng trâm bầu cố vươn qua che một khoảng mát cho em. Má tôi đã về quê từ hôm rằm, dọn cỏ mộ sạch sẽ, rồi trở lên thành phố trông nhà cho tôi. Bây giờ tôi chỉ việc thắp nhang. Khói nhang bay lảng bảng vào bóng chiều, từng cuộn bị xé nhỏ ra, mỏng dần, mỏng dần, rồi mất hút vào ngọn gió đồng. Chỉ có lá lúa cọ vào nhau xào xạc. Nhẹ rơi vài lá trâm bầu vàng úa còn sót lại của mùa thu hiếm hoi phương Nam...
Tôi lại men theo bờ thửa, băng ngang đám ruộng trở vào con đường cũ. Đất được giậm bằng phẳng, xe đạp, xe honda tha hồ chạy. Màu đất nâu hóa trắng vì thời tiết mùa khô. Cái màu nâu trắng ấy uốn lượn vài lần rồi chui thẳng vào một vòm cây xanh thẫm. Trên đầu tôi chỉ thấy lá và lá, còn bên phải, bên trái lại nhấp nhô những hàng rào dâm bụt nở bung những cánh hoa đỏ tòn ten một chuỗi phấn vàng. Này là nhà bà Mười Gió, kế đến nhà ông Tư Hờn, chú Bảy Rết, bà Hai Hên.... Tôi nhẩm đếm những cái tên rất quen trước khi đặt chân lên chiếc cầu nhỏ. Đâu đó đã nghe vẳng tiếng chuông chùa.
Vâng, chỉ bước qua cây cầu thôi là thấy một thế giới khác. Bên đó, con đường thu hẹp lại, quanh co, nhấp nhô, khó đi, khó đứng. Bên đó, không còn nhà cửa san sát như bên này, mà chỉ có ngôi chùa nằm khuất sau cánh cổng gỗ nặng trịch. Tôi nhìn xuống chân cầu, nước trong xanh, chảy rất chậm, lác đác vài cánh hoa mai trôi theo, rung rung cái sắc vàng thay nắng chiều đang dần dần lặng xuống.
Tôi nâng cánh cổng một cách dễ dàng. Thì ra không có khóa. Con đường chạy từ cổng đến chùa đã được tráng xi măng. Tôi đi xuyên qua một cái sân rất rộng đủ cả kỳ hoa dị thảo của ngày ấu thơ. Một hàng bông trang hoa trắng, hoa đỏ đứng trang nghiêm sát đường. Và chen vào vài cây điệp hoa vàng vàng cam cam với cuống hoa ốm tong đưa thẳng lên trời như một cây tăm. Vậy chứ bông trang, bông điệp là thứ được dân trong xóm đến xin hoài. Cúng rằm, người ta cắt cành dài để cắm vào bình lớn. Cúng đầy tháng, thôi nôi, người ta cắt ngắn ngay cuống hoa rồi đặt vào 12 chiếc ly uống trà tượng trưng cho 12 bà mụ. Thậm chí, nhà có người vừa chết cũng xin bông trang về để bốn góc giường cho nhà sư tụng kinh. Sư ông chùa Hội An chăm chút đám bông trang, bông điệp này lắm, và hồi đó tôi thường thích thú hét vào tai ông: “Bà ngoại con xin mấy cái bông về cúng.” Sư ông lãng tai, ngơ ngác hồi lâu rồi mỉm cười hiểu ra. Ông lui cui xuống bếp tìm con dao nhỏ xíu đưa cho tôi: “Con ra cắt đi. Khéo, đứt tay tới xương đó, dao bén lắm. Mà thôi, để ông cắt cho.” Sư ông lụ khụ đi ra chỗ cây hoa thì tôi đã đủ thì giờ chạy biến ra hồ sen, lén lén bẻ trộm cái gương sen xanh nõn đầy những hột tròn nhú lên lấm tấm vài giọt nước trong vắt. Có lần tôi bẻ luôn một bông sen màu hồng tuyệt đẹp, giấu ở hàng rào, khi ra cổng thò tay vô lấy. Về nhà, tôi khoe bà ngoại: “Ngoại ơi, con đem về cúng Phật của mình.” Ngoại tôi nổi giận: “Cúng Phật của mình mà ăn cắp của Phật trong chùa. Tội còn hơn!” Tôi hoảng hồn. Bây giờ, sen không có bông, cũng không có gương, vì đang là mùa xuân, chỉ có những chiếc lá tròn xanh vây quanh tượng Quán Thế Âm màu trắng.
Tiếng chuông thong thả ngân dài. Từ cánh cửa nhỏ của chánh điện, tôi đã trông thấy những ngọn đèn cầy lập lòe và một bóng áo nâu đứng cạnh chiếc đại hồng chung. Tiếng chuông rơi từ đôi tay nhỏ bé. Thì ra là một chú tiểu. Gương mặt hơi sạm đen ngẩng lên nhìn tôi, miệng không ngừng đọc bài kệ, nhưng đôi mắt long lanh như muốn hỏi: “Thí chủ có định thắp hương?” Tôi nhẹ khoát tay, ý bảo chú cứ đánh chuông, mặc tôi.
Tôi vòng ra sau nhà tổ, nơi hành lang sư ông thường mắc võng nằm cho mát. Chiếc võng đan bằng sợi chuối vừa chắc vừa mềm, sư ông lót thêm chiếc cà sa cũ để khỏi đau lưng. Cạnh đó là bếp lửa luôn luôn có cái ấm nhỏ xíu đen thui sư ông dùng từ hồi mới xuất gia. Ông nấu nước, pha trà một mình, không phiền đến ai. Nửa đêm đã thấy bếp lửa ánh hồng. Ban ngày thì bếp dành cho một chiếc nồi đất nấu cơm, mà mấy bà Phật tử mỗi lần mở vung ra lại kêu trời: “Sư ông ăn vầy sao mà chịu nổi!” Sư ông cười: “Sao lại không nổi!” Trên lớp cơm ngà ngà vì gạo chỉ là loại thường, có một miếng tàu hủ trắng được hấp cả ngày. Và một chai nước tương, một hủ muối tiêu. Vậy là xong bữa của sư ông. Mấy bà Phật tử rối rít về nhà làm món canh, món xào đem vô cúng dường, lại bị sư ông rầy: “Phiền các vị quá, tôi mất phước. Thôi đừng làm nữa.” Cãi lời, sư ông giận.
Nhưng rồi đến lúc ông không còn giận được nữa. Đổ cháo, đổ sữa vào miệng, ông cũng không buồn rầy la. Ông ra đi trong tiếng chuông ngân một chiều mưa, hưởng thọ hơn 90 tuổi. Ngoại tôi, nếu còn sống, chắc đã khóc nhiều. Bà lớn hơn sư ông vài tuổi, nhưng quy y với ông mấy chục năm. Đám tang bà, sư ông chống gậy ra ngồi, cố tụng một thời kinh bát nhã. Tiếng kinh như bị nén giữa lồng ngực khô héo, chỉ thấy đôi môi già nua mấp máy theo từng nhịp mõ buồn buồn.
Chú tiểu đánh chuông đã xong, bước xuống chắp tay chào tôi. Tôi hỏi: “Thầy đi chừng nào về vậy chú?” “Dạ chắc tới tối. Cô ngồi chơi, đợi thầy.” “Không, một lát tôi đi. Thầy có về nhờ chú nói giùm.” Chú tiểu hỏi tên tôi rồi lẩm nhẩm nhắc lại hai lần như sợ quên. “Chắc chú mới vào chùa?” “Dạ, cũng gần hai năm.” Tôi giật mình. Năm ngoái mình ăn Tết ở đâu? Tôi chớp mắt nhìn sang phương trượng, nơi ngày xưa sư ông ở, bây giờ là thầy trụ trì. “Thầy có mập lên chút nào không chú?”, tôi hỏi. Chú tiểu toét miệng cười: “Trời, thầy có mà tết Công-gô mới mập cô ơi!” Rồi chú hoảng hốt bụm miệng vì chợt nhớ mình ăn nói không đúng oai nghi. Tôi cũng phì cười: “Chú có đi học không? Lớp mấy rồi?” “Dạ, lớp bốn.” Tôi tưởng tượng cái áo nâu này đang đá banh, đá cầu trong sân trường, đang vật nhau với lũ bạn. Con nít thì cứ là con nít.
Chú tiểu đứng dậy bật công tắc điện. Ánh sáng yếu ớt tỏa ra từ chiếc đèn néon sáu tấc đã ố vàng, soi nhập nhòa bức tranh vẽ Tổ Bồ Đề Đạt Ma vác gậy trên vai có một chiếc giày treo lủng lẳng. Tôi buột miệng: “Chú ở đây buồn không?” Đôi mắt tròn xoe ngẩng lên. “Dạ không.” “Chỉ có thầy với chú thôi à?” “Dạ.” Tôi lẩm bẩm: “Cũng như ngày xưa, chỉ có sư ông và thầy...” Chú tiểu nhìn tôi trân trân, có lẽ không hiểu tôi nói gì...
Con đường từ chùa ra cổng dường như dài hơn. Tôi chầm chậm bước qua hàng bông trang, bông điệp, len lén hít vào lòng hương của những bông sứ trắng và cố níu giữ lấy mùi thơm của những luống vạn thọ đang nở hoa. Chợt ngoái lại phía sau, tôi thấy chú tiểu vẫn đứng nơi ngạch cửa nhìn theo. Chiếc áo nâu nhỏ nhắn nhòa vào bóng đêm đang buông xuống. Rồi chú sẽ lớn, thầy sẽ già như sư ông... Còn tôi, không biết có quay về?...
Gửi ý kiến của bạn