Những Câu Hỏi Thông Thường Về Đạo Phật
Hòa thượng Thích Thiện Châu
Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Sài Gòn, 1997
V. Phật tử
31. Cho biết sơ qua bổn phận của một Phật tử?
- Phật tử chân chánh là người biết thể hiện chánh pháp trong những bổn phận sau đây: tu dưỡng bản thân, Phật hóa gia đình, cải tạo xã hội.
32. Thế nào là tu dưỡng bản thân?
- Mục đích đầu tiên mà người Phật tử nhắm đến là "người giác ngộ ". Do đó tu dưỡng bản thân là việc rất cần thiết. Tu dưỡng nghĩa là cải tạo: về tình cảm, chuyển đổi tham lam tàn bạo thành yêu thương giúp đề (từ bi), về lý trí, chuyển đổi si mê lầm lạc thành giác ngộ sáng suốt (trí tuệ), về ý chí, chuyển đổi hèn nhát thụ động, sợ sệt thành quả cảm tinh tấn. Đủ Bi, Trí, Dũng là người giác ngộ.
33. Giải thích thêm về Bi, Trí, Dũng.
- Bi hay từ bi có nghĩa là thương yêu giúp đề. Từ bi không phải là lòng thương hại những kẻ xấu số mà là lòng thương yêu bình đẳng, sự giúp đề chân thành như tình thương và sự lo lắng của bà mẹ hiền đối với đứa con một. Chúng ta hiện thiếu hoặc có rất ít tình cảm tốt đẹp rộng rãi ấy. Do đó, chúng ta nên tu dưỡng lòng từ bi bằng cách chân thành thương yêu và giúp đề những người thân yêu như cha mẹ, anh em, bà con rồi đến đồng bào, đồng loại và tất cả chúng sinh. Từ bi làm cho con người hoàn toàn về tình cảm.
Trí hay trí tuệ có nghĩa là sự hiểu biết sự vật đúng như sự thật (yathâbhuta). Chúng ta có kiến thức song chưa có trí tuệ vì chúng ta chưa ra khỏi ảnh hưởng của vô minh (avijjâ) và còn bị tình cảm vẩn đục chi phối. Do đó, muốn thấu rõ sự vật đúng như thật, chúng ta cần phải trau dồi trí tuệ bằng cách không chủ quan, tự mãn mà thành khẩn học hỏi, suy nghĩ khách quan (cintâ) và thực nghiệm thấu đáo (bhâvanâ). Sự phát triển trí tuệ đầy đủ làm cho con người hoàn toàn về lý trí.
Dũng hay dũng cảm có nghĩa là mạnh dạn, dám hành động trong chiều hướng cao đẹp. Phần đông chúng ta chưa có đủ dũng cảm vì chúng ta còn sợ khó, nếu không nói là hèn nhát. Nhiều khi thấy chính nghĩa song không dám dấn thân vì sợ nguy hại cho quyền lợi, danh dự và tính mạng. Có người dám nói, dám làm song lại thiếu từ bi, trí tuệ nên thường manh động hơn hành động. Do đó, chúng ta phải phát triển dũng cảm bằng cách tự thắng những tính xấu ác trong chúng ta rồi vận động sức mạnh của mình, liên tục ngăn trừ điều xấu ác đã sinh, phát khởi điều lành ích chưa có và làm cho điều lành ích đã có tăng trưởng. Dũng cảm làm cho con người hoàn toàn về ý chí.
34. Phật hóa gia đình là thế nào?
- Chấp nhận đạo Phật là lẽ sống cao đẹp, người Phật tử ở nhà ngoài việc tu dưỡng bản thân, còn có bổ phận với gia đình. Trong nhiều kinh như kinh Chơn hạnh phúc (Mahâmangala), kinh Thiện sanh (Sigalovâda)... Đức Phật khuyến khích người cư sĩ làm tròn bổn phận của chồng đối với vợ, của vợ đối với chồng, của cha mẹ đối với con cái, của con cái đối với cha mẹ... Người gia trưởng, không những phải lo chu đáo đời sống vật chất của gia đình mà còn phải hướng dẫn quyến thuộc sống theo chánh đạo để gia đình có hạnh phúc chân thật, nghĩa là Phật hóa gia đình. Nếu gia đình được Phật hóa thì chính những người trong gia đình là bạn tốt của nhau, khuyến khích giúp đề lẫn nhau hướng thiện và hướng thượng.
35. Làm sao để cải tạo xã hội?
- Theo đạo lý Duyên khởi thì sự hình thành của sự vật do nhiều nhân duyên ; những nhân duyên này liên hệ mật thiết với nhau " Cái này có thì cái kia có, cái này tốt thì cái kia tốt " ; do đó, muốn cho cuộc sống riêng và chung được an lành thì không những phải tu dưỡng bản thân, Phật hóa gia đình mà còn phải cải tạo xã hội. Phật tử có bổn phận đóng góp vào công cuộc cải tạo xã hội, muốn đóng góp của mình có kết quả tốt đẹp thì trước tiên phải tự cách mạng bản thân: loại bỏ tâm mưu cầu danh lợi, đào luyện chí nguyện lợi tha, rồi quyết tâm phục vụ cho quyền lợi đồng bào và xã hội. Tài năng tuy cần thiết song đạo đức vẫn là yếu tố không thể thiếu trong công việc ích người lợi xã hội. Cư sĩ, nếu có đủ khả năng nên tham dự tất cả công tác xã hội như chính trị, kinh tế, y tế... Đạo lý Duyên khởi dạy cho người Phật tử biết linh động trong việc khảo sát sự vật và thực hiện công tác tu dưỡng bản thân cũng như cải tạo xã hội. Có thể đặt vấn đề tu dưỡng cá nhân trước và cải tạo xã hội sau, cũng có thể cải tạo xã hội trước và tu dưỡng cá nhân sau, tùy theo sự quan trọng của vấn đề trong hoàn cảnh nào đó, hoặc cả hai vấn đề có thể được thực hiện một lần.
36. Cho biết thái độ Phật tử đối với việc xây dựng hòa bình?
- Xét về đạo lý và lịch sử thì đạo Phật quả là đạo hòa bình. Mục đích cao nhất của đạo Phật là Nirvâna mà một trong nhiều định nghĩa là hòa bình (Santi, Sun, 204). Đức Phật cũng được gọi là ông Hoàng Hòa bình (Santirâja). Phương thức tu dưỡng do Phật chỉ dạy là lối sống hòa hợp (samacariya) với con người.
Theo đạo lý Duyên khởi thì sự vật do nhiều nhân duyên mà phát sinh và hiện hữu. Nếu đã nhờ nhau nương nhau mà sống còn thì loài người phải làm cho những tương quan, tương duyên tốt đẹp để cùng nhau vui hưởng an lành.
Để phá về sự ngăn cách chống đối giữa những cá nhân, giữa những tập thể thì không gì tốt đẹp hơn là tu học theo đạo lý vô ngã (anâtta). Đạo lý này chủ trương con người cũng như sự vật không hề có cái ta biệt lập - nguyên nhân của ích kỷ, tự tôn, tự kiêu... Xã hội và tập thể không phải là những cấu trúc cứng nhắc, không biến đổi mà chỉ là những giả hợp của nhiều yếu tố như nhân sự, kinh tế, chính trị... Do đó, muốn sống cao đẹp thì phải sống theo tinh thần vô ngã, lợi tha, muốn tổ chức xã hội một cách hợp lý, công bình thì nên tổ chức theo tinh thần cộng đồng, hòa hợp.
Về phần đào luyện đạo đức thì hầu hết phương pháp tu dưỡng trong đạo Phật đều nhằm mục đích diệt trừ tham lam, thù hận và xây dựng an lành cho mình, cho người trong tinh thần từ bi:
"Như mẹ hiền thương yêu con một
Dám hy sinh bảo vệ cho con
Với muôn loài ân cần không khác
Lòng ái từ như bể như non
Tung rải từ tâm khắp vũ trụ
Mở rộng lòng thương không giới hạn." (Kinh Từ bi, Sun, 1.8)
Ngoài ra, Phật còn dạy nhiều phương pháp xây dựng hòa bình một cách xác thực mà 6 nguyên tắc sau đây là căn bản: 1. thân hòa cùng chung sống, 2. miệng hòa không cãi cọ, 3. ý hòa cùng vui vẻ, 4. kiến (tư tưởng) hòa cùng thông cảm, 5. giới (kỷ luật) hòa cùng tôn trọng, 6. lợi hòa cùng hưởng thụ.
Như vậy Phật tử khi xây dựng hòa bình cho mình cho người không phải chỉ làm theo lời khuyên đạo đức mà hành động đúng theo cơ sở đạo lý của Phật.
37. Vì sao phải phổ biến chánh pháp?
- Phật tử phải phổ biến chánh pháp bởi vì chánh pháp là ánh sáng chân lý, là nguồn vui bất diệt cho loài người. Phật tử phải vận dụng mọi phương tiện tốt để đem chánh pháp đến cho đời: nghĩa là làm cho mọi người hiểu và sống Đạo. Phật tử làm công việc này với mục đích "đem an vui đến cho muôn người " chứ không phải để gây thanh thế cho đạo của mình. Người cư sĩ không những chỉ ủng hộ chư tăng trong công việc truyền bá chánh pháp, mà còn phải tự mình truyền bá chánh pháp. Chính người cư sĩ, với hình thức tại gia, rất thích hợp và dễ dàng Phổ biến chánh pháp bằng cách sống đạo để làm gương và khuyến khích những người gần gũi mình hướng thiện. Sự tồn tại của đạo Phật không chỉ ở nơi sự nguy nga tráng lệ của chùa chiền, sự giàu có và uy quyền của giáo hội mà ở nơi sự sống đạo của Phật tử và mọi người. Vì thế phổ biến chánh pháp tức là bảo vệ chánh pháp.
38. Muốn phổ biến chánh pháp nên theo những quy tắc nào?
Ai muốn phổ biến chánh pháp, trước hết nên phát tâm từ bi đối với tất cả mọi người. Rồi tùy theo hoàn cảnh, tìm những người gần mình hoặc có duyên với mình để dìu dắt họ hướng về lý tưởng giác ngộ. Trong khi dìu dắt cố gắng áp dụng bốn phương pháp nhiếp người sau đây:
1. San sẻ (bố thí): chia sớt vật chất, công sức và văn hóa.
2. Đẹp lời (ái ngữ): nói năng hòa nhã, dịu dàng, dễ nghe.
3. Ích người (lợi hành): phục vụ một cách không vụ lợi mà chỉ nhằm lợi ích cho người khác.
4. Gần gũi (đồng sự): hiểu biết trình độ, thông cảm nếp sống, tâm tình của người, sống gần và nói, làm như người mình muốn dìu dắt (cũng có nghĩa là phục vụ một cách bình đẳng không phân biệt).
Bốn phương pháp nhiếp người trên đây là nghệ thuật dìu dắt người trong mục đích phổ biến chánh pháp.