Thích Giải Hiền
3. Giáo nghĩa căn bản của Phật giáo
3.1. Phật giáo lấy Tam Bảo làm trung tâm
Tam Bảo chính là Phật, Pháp, Tăng. Phật là Đức Thích Ca Mâu Ni tu hành trải qua vô lượng kiếp sau thành Phật. Ngài đem quá trình tu tập, phương pháp tu tập giảng dạy đó chính là pháp. Nhưng Phật chỉ có một không thể độ hết quảng đại chúng sinh, hơn nữa sau khi Phật nhập diệt người đời sau muốn học Phật pháp phải nương dựa vào chư Tăng. Tăng có Thánh Tăng và phàm phu Tăng. Những vị xuất gia tu chứng đắc từ sơ quả trong Tứ Thánh trở lên và những bật chứng đắc từ sơ địa Bồ-tát trở lên gọi là Thánh Tăng. Những vị xuất gia bình thường là phàm phu Tăng. Trụ trì Phật pháp chủ yếu là phàm phu Tăng. Thánh Tăng xuất hiện trong phàm phu Tăng, dùng thân tướng phàm phu Tăng để tiếp cận và hoá đạo phàm nhân. Cho nên những bậc được tôn xưng là Bồ-tát, Phật hay Thánh Tăng trong lịch sử nhân vật của Phật giáo điều do người đời sau, hay chúng đệ tử tôn xưng họ chứ không phải những vị ấy tự tôn xưng mình là Phật, là Bồ-tát, hay là Thánh Tăng. Như ở Ấn Độ các ngài Mã Minh, Long Thọ, Vô Trước, Thế Thân điều được người đời sau gọi là Bồ-tát, hay như ở Trung Quốc ngài Trí Giả Đại Sư tông Thiên Thai, người đời sau gọi Ngài là Đông Độ Tiểu Thích Ca, nhưng Ngài vẫn nói Ngài là người phàm phu lục căn chưa thanh tịnh. Hay Thiền Sư Vĩnh Minh Diên Thọ được người sau gọi là Di Đà tái thế, vì Ngài sinh vào ngày 17 tháng 11, nhưng Ngài chưa từng nói mình là Phật Di Đà. Trong Phật giáo những vị tự xưng mình là Thánh Nhân, là Phật thì chắc chắn rằng người này đang có vấn đề.
3.2. Phật giáo lấy Tứ Thánh Đế làm căn bản
Tứ Thánh Đế là sự thật của khổ, nguyên nhân của khổ, phương pháp diệt khổ và kết quả đạt được sau khi đã diệt trừ được khổ. Cuộc sống của con người từ khi sinh ra đến lúc chết, có khổ có vui, nhưng vui chỉ là sự trả giá của khổ đau cũng chính là sự bắt đầu của khổ. Cái gọi là “khổ tận cam lai”, “lương tiêu khổ đoạn” là nói rõ bản chất của vui là từ khổ đau cả, là lấy khổ đau để đánh đổi niềm vui, vui ở đời không gì là vĩnh cữu cả. Đạo Phật gọi đó là hoại khổ, còn sinh lão bệnh tử là khổ khổ. Sự thật của đời người là kết quả của khổ đau. Khổ có nhiều loại. Khổ khổ có tám là sinh, lão, bệnh, tử, ái biệt ly, cầu bất đắc, oán tắn hội khổ và ngũ ấm xí thạnh khổ. Ngũ ấm xí thạnh là sự hổ tương giao bức giữa thân với tâm, nên có sự liên tục của sinh tử.
Tập là nguyên nhân của khổ vì không hiểu vạn pháp là do duyên giả hợp nên ghét khổ ham vui, cầu được vui rồi thì lại cầu an toàn nhưng vĩnh viễn không cảm thấy an toàn đó chính là cầu mãi không chán. Mê muội cho rằng tiền là tất cả nên “vùi đầu vùi cổ” lo kiến tiền. Có tiền rồi thì không dám sài, làm nô lệ cho đồng tiền, còn không tiền thì lo đi kiếm… Tất cả điều là nguyên nhân của khổ đau. Đời này vì ghét khổ cầu vui mà tạo bao ác nghiệp như sát sinh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ. Các nghiệp do duyên kết hợp mà sinh bao quả báo. Thiện có thiện báo, ác có ác báo tất cả đều là nguyên nhân của khổ đau.
Phương pháp căn bản của diệt khổ là Bát Chính Đạo. Muốn diệt khổ cần tu chính đạo, muốn tu được chính đạo thì phải có chính tri kiến, tin tưởng sâu sắc rằng tất cả hiện tượng ở đời đều sinh ra từ lý nhân quả, tư duy rằng tất cả vạn pháp trên thế gian này đều do nhân duyên tụ hội mà thành. Nếu hiểu và tin tưởng vào nhân quả thì không tham và không trốn tránh trách nhiệm vì biết rằng muốn lìa khổ được vui điều quan trọng là phải dựa vào sự nổ lực của tự thân. Nếu hiểu rõ vạn pháp ở đời đều do duyên sinh nên vô thường thì thắng không kiêu, bại không nản, thành công là do nhiều người giúp sức và do các duyên tụ hội. Hơn nữa việc đã thành tựu rồi cũng sẽ đổi thay theo thời tiết nhân duyên. Tóm lại tin nhân quả, rõ nhân duyên chính là chính tri, chính kiến và chính tư duy vậy. Sau khi đã có chính tri, chính kiến rồi cần phải tu hành chính xác nữa. Một là có nghề nghiệp chính đáng không làm những nghề liên hệ đến sát sinh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ và rượu cùng các chất gây nghiện. Cần có lối sống chính đáng không mê tham trong ăn chơi, cờ bạc, hút sách. Lại cần có ngôn ngữ hành vi chính đáng không nói dối, không nói hai lưỡi, không nói lời ác và không nói thêm thắt. Ngoài ra còn cần tinh tấn trì giới, tin tấn tu tập và thiền định cùng nổ lực cần cầu trí tuệ. Sống theo tinh thần Bồ-tát hạnh làm việc lợi mình lợi người. Giữ gìn giới luật, tu tập thiền định giữ cho thân tâm luôn trong trạng thái quân bình thì tín tâm mới kiên cố, nổ lực tụng kinh bái sám, nghe pháp rồi như pháp tu trì thì sẽ khai phát trí tuệ, có được trí tuệ thì sẽ diệt được khổ đau.
Kết quả của sự diệt khổ là giải thoát được hết thảy phiền não buộc ràng, lìa được sinh tử luân hồi. Ở trong đời thường làm việc lợi đời lợi đạo mà không bị phiền não ràng buộc và chi phối chính là ở trong Đại Niết Bàn vậy.
Phật giáo lấy giáo pháp làm phương tiện cứu tế, không phải lấy người hay thần làm pháp cứu tế. Đối với hết thảy các pháp ở thế gian Phật pháp không hề biên chấp nên là pháp vô ngã, từ bi và trí tuệ. Do vậy hết thảy các thiện pháp ở đời đều là Phật pháp. Bất luận là kỷ thuật, tri thức, triết học hay tôn giáo nếu có lợi ích cho cuộc sống, nhân tâm và xã hội Phật giáo đều không bài xích nên Phật giáo hàm dung hết thảy mọi thiện pháp ở thế gian.