Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

26-32

09/02/201109:30(Xem: 5075)
26-32

XUÂN TRONG CỬA THIỀN TẬP: 1, 2, & 3

Thiền Viện Chơn Không
Hoà Thượng Thích Thanh Từ

26. Hòa Quang Đồng Trần (Tất niên Đinh Mão-1988)

27. Tinh Thần Giải Thoát Trong Giáo Lý Phật-đà (Xuân Mậu Thìn-1988)
28. Những Niềm Vui Chân Thật (Xuân Mậu Thìn-1988)
29. Tiệc Trà Cuối Năm (Tất niên Mậu Thìn-1989)
30.Tìm Lại Mình, Biết Được Mình Là Trên Hết (Tất niên Mậu Thìn-1989)
31. Ra Khỏi Hầm Lửa (Tết Nguyên Đán năm Kỷ Tỵ-1989)
32. Năm Kỷ Tỵ Nói Chuyện Rắn.

HÒA QUANG ĐỒNG TRẦN
TẤT NIÊN ĐINH MÃO 1988

Hôm nay là ngày hai mươi chín tháng chạp, ngày tất niên của Thiền viện chúng ta. Trong buổi tất niên này, chúng tôi có bổn phận phải nhắc nhở quí vị nhận thấy những ưu điểm và khuyết điểm trên đường tu của chúng ta trong năm qua. Nhưng chúng tôi thường nhắc đến những khuyết điểm hơn để quí vị tu sửa, làm sao mỗi một năm quachúng ta dứt sạch được những bệnh hoạn để chuẩn bị qua năm tới chúng tacó sức mạnh tiến tu, không còn bệnh hoạn nữa.

Đề tài chúng tôi giảng hôm nay là “Hòa QuangĐồng Trần”. Hòa quang là hòa ánh sáng, đồng trần là đồng với bụi bặm, tức là trộn lẫn ánh sáng vào với bụi bặm. Tại sao chúng tôi giảng đề tàinày? Gần đây chúng tôi nhận thấy một số Tăng Ni cũng như Phật tử có bệnh là: Thấy mình trong sạch, thấy mình tu nhiều, thấy mình tốt hơn mọingười. Vì thấy mình trong sạch, thấy mình tu nhiều, thấy mình tốt hơn mọi người cho nên trở thành bệnh hoạn. Trong cách thấy đó chia ra hai hạng bệnh:

1. Bệnh thứ nhất: Chính mình không trong sạch mà tưởng mình trong sạch, rồi cho mọi người là bẩn thỉu nhơ nhớp, chỉ có ta là trong sạch thôi. Nếu không trong sạch mà tưởng mình trong sạch, đó là bệnh quá lớn. Tại sao vậy? Bởi vì mình không biết điểm khuyết điểm dở của mình, mà chấp điểm khuyết điểm dở của bạn bè huynh đệ. Như vậy tự mình không sửa được mà chỉ oán trách những người chung quanh. Những người mang bệnh này, bản thân đã không tu tiến được, còn làm cho huynh đệ chung quanh sanh ra phiền não.

Đó là bệnh rất nặng, rất đáng chê trách. Kinh Phật và chư Tổ thường dạy chúng ta, ngườitu tại gia hay xuất gia, phải thấy được lỗi của mình và quên lỗi của người khác. Nếu chúng ta không trong sạch mà tự thấy mình trong sạch, đólà không thấy lỗi mình. Đừng thấy lỗi người mà chúng ta cứ thấy người này xấu người kia dở, đó là chúng ta trái hẳn với lời Phật Tổ dạy. Ai mang bệnh này là một bệnh trầm trọng nhất, khó tiến trên đường tu. Ngườimang bệnh này có bằng lòng ai đâu! Vì thấy mình trong sạch, mọi người đều xấu, dở, cho nên không bằng lòng ai hết.

2. Bệnh thứ hai: Mình thật sự trong sạch rồichê mọi người nhơ nhớp xấu xa. Tạo sao mình trong sạch rồi thấy người nhơ nhớp xấu xa mình chê mà thành bệnh? Lẽ ra mình trong sạch biết mình trong sạch, người khác nhơ nhớp xấu xa mình thấy họ nhơ nhớp, xấu xa, đólà đúng lẽ thật. Đúng lẽ thật thì đâu gọi đó là bệnh. Vì sao lại nói làbệnh? Vì khi chúng ta trong sạch, thấy mình trong sạch rồi cho mọi người là nhơ nhớp xấu xa thì chúng ta muốn gần họ hay không? Mình sạch quá mà gần người dơ xấu thì bị nhiễm làm sao! Vì vậy mà không muốn gần ai.

Nếu không muốn gần ai thì làm sao mình sống được với người chung quanh. Đó là bệnh. Trên đường tu, chúng ta cố gắng trong sạch bản thân mình rồi thấy mọi người đều nhơ xấu mình muốn tránh. Muốn tránh mọingười thì đi đâu đây? Vô núi chăng, vô núi không ở được thì đi đâu nữa?Vô rừng, vô rừng không ở được thì đi đâu nữa? Chẳng lẽ lên mây xanh? Chính vì nhìn thấy người ở mặt xấu xa nhơ nhớp mà chúng ta không thể hòađược với mọi người. Nếu không hòa được với mọi người thì tự chúng ta khu biệt mình, sống ở giữa rừng người mà giống như ở trong sa mạc. Đó làmột bệnh trong nhà Phật gọi là bệnh thanh tịnh.

Đến đây chúng tôi kể thêm một câu chuyện xưacó người bị bệnh thanh tịnh cũng tương tự như vậy: Đó là câu chuyện ôngKhuất Nguyên ở Trung Hoa, vào đầu thế kỷ thứ ba. Ông là quan Tam lư làmchức Đại phu ở nước Sở. Ông là một người học rộng có tài nhưng vì ông thấy ông thanh tịnh quá nên không hòa được với mọi người, và khinh rẻ mọi người. Vì vậy ông làm mất lòng vua Sở, bị vua Sở đày xuống đất GiangNam. Khi bị đày đến Giang Nam, ông có làm quen với một ngư phủ.

Ôngngư phủ là một ẩn sĩ có tài, mà không cho thiên hạ biết tung tích. Khi hai người nói chuyện với nhau, ông ngư phủ phục ông Khuất Nguyên về văn học, ông Khuất Nguyên nể ông ngư phủ là người thấu đáo việc đời. Một hômthấy ông Khuất Nguyên tỏ vẻ buồn bực khổ não, ông ngư phủ mới hỏi: “Ngài vì sao đến nông nỗi như vậy?” Ông Khuất Nguyên trả lời: “Người đờiđục cả chỉ mình ta trong, người đời say cả, chỉ mình ta tỉnh, vì thế màta bị đày tới đây.” Ông Khuất Nguyên thấy người đời đục cả chỉ mình ôngtrong, người đời say cả chỉ mình ông tỉnh.

Bởi ông trong, ông tỉnh, cho nên ông bị đày! Khi đó ông ngư phủ mới nói: “Người đời đục thìNgài cũng không nên giữ mình trong sạch, nguời đời say thì Ngài cũng nên uống vài chén cho say luôn thể.” Nghe nói như vậy ông Khuất Nguyên bựïc bội: “Ông nói sao vậy? Không thể nói trắng thành đen được, hay đen thành trắng được, đá không thể nói là ngọc được, ngọc không thể là đá được. Cho đến người trượng phu không thể là kẻ tiểu nhân, mà tiểu nhân không thể là trượng phu.

Ông nói như vậy thật là lộn lạo!” Ông ngư phủ mới nói: “Ngài đã một lòng cứu nước, cứu dân, lẽ ra phải trà trộn vào đám tiểu nhân, dần dần cảm hóa họ. Ngài định thay đổi cuộc đời,phải dấn thân vào chỗ tối tăm làm cho sáng. Cớ sao lại cho cuộc đời là bẩn thỉu, người đời là nhơ nhớp?” Một người cư sĩ, một người thường dám nói câu: Nếu muốn cứu nước cứu dân, phải trà trộn trong đám tiểu nhân dần dần cảm hóa họ.

Muốn thay đổi cuộc đời cho được trong sạch, cần phải dấn thân vào chỗ tối tăm làm cho nó sáng ra. Tại sao cho đời làbẩn thỉu, người đời là nhơ nhớp, rồi thở than khổ sở. Ông Khuất Nguyên đáp lại: “Kẻ đã tắm gội thay quần áo, không thể lại nhảy xuống bùn.” Ôngcho rằng ông như người tắm gội sạch rồi, mà bắt ông nhảy xuống bùn, ôngkhông thể làm được. Khi ấy ông ngư phủ thấy không thể khuyên được nên than bằng những câu hát:

Nước sông Thương Lang trong thay!

Nước sông Thương Lang đục thay!

Nước trong thì ta giặt giải mũ,

Nước đục thì ta rửa chân.

Hát xong, ông chèo thuyền đi. Ông Khuất Nguyên vì quá trong sạch, không chịu đựng nổi, phải ôm viên đá gieo mìnhxuống sông Mịch La tự tử, nhằm ngày mùng năm tháng năm. Chúng ta ăn tếtngày mùng năm tháng năm để tưởng nhớ ngày ông Khuất Nguyên trầm mình chết.

Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy ông KhuấtNguyên bị bệnh gì? – Bệnh thanh tịnh. Vì ông trong sạch nên ông không muốn hòa với những người nhơ nhớp xấu xa. Nếu không hòa được với những người nhơ nhớp xấu xa, thì sống được không? Cuối cùng phải đi tự tử! Nhưvậy ông Khuất Nguyên và ông ngư phủ, ai là người biết sống hơn? – Ông ngư phủ là người biết sống. Nếu nước trong thì mình giặt giải mũ, nếu nước đục thì mình rửa chân. Nếu đòi hỏi nước trong, khi ấy nước lại đục,mình sẽ không dùng nó được việc gì.

Trở lại việc đạo, đức Phật đã dạy, nếu chúngta tu hành được thanh tịnh sáng suốt, thì phải thương và nghĩ tới nhữngchúng sanh đang mê lầm, đang chìm đắm trong biển khổ cứu vớt họ, lao mình trong cảnh đó để cứu độ chúng sanh. Được như vậy chúng ta mới là người thật tình vì Phật pháp. Nếu cứ nghĩ mình là trong sạch, còn thiên hạ là xấu xa nhơ bẩn, rồi không muốn gần họ. Không gần với họ thì chính mình tự cô lập mình, chính mình không làm lợi gì cho ai được. Trong chúng ta nếu ai đã lỡ bị “bệnh trong sạch”, phải sửa bỏ để vui vẻ hòa nhịp với mọi người.

Chúng tôi vừa chỉ thuốc trị bệnh, nhưng không khéo thuốc cũng thành bệnh. Tại sao thuốc trị bệnh, thuốc lại có thể thành bệnh? Hòa mình với người là khi mình trong sạch, đem trong sạch ra hòa với những người nhơ nhớp để giáo hóa, chuyển hướng họ trở thành trong sạch như mình. Đó là dùng thuốc trị bệnh. Nếu mình chưa trong sạch mà muốn hòa với người thì kết quả sẽ ra sao? Hòa quang đồng trần, quang là ánh sáng, là trong sạch, trần là bụi bặm, là nhơ nhớp.

Mìnhsáng, mới đem ánh sáng lại chỗ nhơ nhớp để chuyển nó thành sáng. Nếu mình đang là bụi, đang là nhơ nhớp mà hòa với nhơ nhớp nữa thì kết quả sẽ như thế nào? Như vậy thuốc trở thành bệnh. Vì vậy khi dùng thuốc trị bệnh chúng ta phải dè dặt. Nếu chúng ta thật thanh tịnh, chúng ta phải thương người chưa thanh tịnh, hòa với họ để giáo hóa họ. Chớ thở than rằng mọi người xấu quá làm sao giáo hóa họ được, mọi người mê quá làm sao cho họ tỉnh được. Mình đã tỉnh, phải tìm mọi cách làm cho người mê được tỉnh, mình đã sạch, phải tìm mọi cách làm cho người nhơ được sạch. Như vậy mới đúng tinh thần của người học đạo, mà cũng chính là nghĩa tự giác giác tha trong nhà Phật.

Nếu thấy người quá xấu xa, chúng ta thở dài chán nản, không bằng lòng ai hết, đó là bệnh. Để trị bệnh này, chúng ta không học gương ông ngư phủ mà phải học gương ngài Bồ-tát Thường Bất Khinh. Bồ-tát gặp ai cũng bái và nói: “Tôi không dám khinh các ngài vì các ngài đều sẽ thành Phật.” Dưới mắt của Bồ-tát Thường Bất Khinh, ai cũng có thể thành Phật. Như vậy có người nào đáng để mình khinh chê đâu.

Đáng chê chăng, là tự chê mình không có tài, không có phương tiện chuyển hóa người từ mê thành giác. Bồ-tát Thường Bất Khinh lúc nào cũng lạc quan, vì Ngài thấy mọi người đều sẽ thành Phật. Noi gương Ngài,chúng ta gặp ai cũng phải kính nể vì tin rằng ai rồi cũng sẽ thành Phật. Với niềm tin đó, chúng ta cố gắng chuyển hóa mọi người để cùng thành Phật với mình. Dù bị những người không bằng lòng, có đánh mắng, chúng ta vẫn cam chịu, và giữ vững niềm tin. Chúng ta cố gắng làm lợi mình, lợi người trong mọi hoàn cảnh. Đó mới đúng tinh thần của người họcđạo.

Tranh Thiền tông “Thập mục ngưu đồ” hay “Mười bức tranh chăn trâu”, bức thứ tám là: không còn người không còn trâu, bức thứ chín là: lá rụng về cội, chim bay về tổ, nước chảy về nguồn, danh từ nhà thiền gọi là: Nhập Phật giới. Từ chỗ không ngã không pháp (bức tranh thứ tám) bước qua một chặng nữa mới thể nhập được pháp thân thanh tịnh tràn đầy của chúng ta, đó gọi là nhập Phật giới (bức tranh thứ chín).

Khi chúng ta thể nhập được pháp thân thanh tịnhrồi, nếu chúng ta hài lòng ẩn trú trong cảnh tịnh đó là chưa có đủ côngđức giáo hóa lợi tha. Vì vậy sau khi nhập Phật giới rồi liền phải bước vào ma giới (bức tranh thứ mười). Trong mười bức tranh chăn trâu, bức thứ mười vẽ lên một Thiền sư đóng cửa am trên núi, tay cầm gậy, tay xáchxâu cá chép với bầu rượu đi xuống chợ, gọi là “Nhập triền thùy thủ” tứclà buông thõng tay vào chợ. Chính chỗ đó trong nhà thiền gọi là vào ma giới.

Khi được thanh tịnh rồi, chúng ta phải lăn mình vào trong chợ đời để cảm hóa chúng sanh, chúng ta hòa mình với mọi người còn đang mê muội, còn đang xấu xa mà không bị lầm lẫn, không bị hoen ố. Trong nhàthiền còn dùng danh từ là “đầu tro mặt đất”, tức là chúng ta bị bụi bặmnhem nhuốc vì làm lợi ích chúng sanh, chớ không phải chính mình bị bụibặm làm nhơ nhớp. Giai đoạn này gọi là: hòa quang đồng trần, tức là trộn lẫn ánh sáng trong bụi bặm.

Ánh sáng và bụi bặm tuy hòa lẫn, nhưng là một hay là hai? Ánh sáng không là bụi bặm được, ánh sáng bao giờ cũng là ánh sáng. Như vậy chúng ta phải thể nhập được Phật giới rồi mới đi vào ma giới. Nếu chưa vào Phật giới mà đi vào ma giới sớm quá, kết quả sẽ ra sao? Vì vậy sau khi ngộ đạo rồi, ngài Huệ Khả mới đi vào chợ đời, đến quán rượu, nhà hát v.v… Các Phật tử thấy vậy hỏi Ngài: “Hòa thượng tu hành, sao lại đến nơi này?” Ngài đáp: “Ta thử tâm ta, có liên hệ gì đến ông!” Đây là lúc Ngài vào ma giới.

Chúng ta phải thấy rõ là khi nào nên vào ma giới, khi nào không nên. Như chúng ta hiện nay chưa thấy đạo mà vào ma giới ngay, là bệnh. Khi chúng ta nhập được Phật giới rồi mới nói đến việc vào ma giới. Nhiều người chưa biết Phật giới, muốn vào ma giới sớm quá, rồi bắt chước các bậc đạt đạo vào chợ đời, ngồi quán rượu và nói: tôi đây vào ma giới, buông thõng tay vào chợ. Đó là những người dùng ngôn ngữ nhà thiền, hay dùng ngôn ngữ của Phật Tổ để che đậy lòng tham dục của chính mình, chớ không phải người tu chân thật.

Rõ được bệnh người tu, chúng ta phải biết dùng những loại thuốc nào đúng lúc đúng lượng mới mong hết bệnh. Nếu không biết cách dùng thuốc, bệnh không hết mà lại tăng thêm. Trên đường tu hành chúng ta phải biết nên làm gì ở mỗi giai đoạn. Nếu đang lúc nỗ lực tiến tu, buông bỏ các phiền não xấu xa, dù có ai rủ vào ma giới, chúng ta cũng không dám vào, vì việc tu chưa xong, hãy khoan. Khi nào chúng ta thật tình là thanh tịnh, hoàn toàn không còn nhiễm ô nữa, lúc ấy nếu có ai rủ vào ma giới, chính là lúc mình vào, phải không? Phải biết mình cho thật rõ, việc làm mới có lợi ích.

Chúng tôi vừa chỉ cho quí vị biết đâu là thuốc, đâu là bệnh, dùng thuốc đúng thời thì có lợi, nếu sai thời có hại. Vì vậy người tu phải rất thận trọng. Có nhiều người ban đầu tu hànhrất hay, sau trở thành dở, vì sử dụng thuốc không đúng thời vậy. Để nhắc lại, sau khi nhập Phật giới rồi, chúng ta mới vào ma giới được.

Khi nói vào ma giới, chúng tôi xin dẫn bài kệ của một cư sĩ Việt Nam đời Trần, ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ. Ngài có làm bài kệ “Nhập Trần” bằng chữ Hán như sau:

Thiều thiều khoát bộ nhập trần lai,

Hoàng sắc mi đầu đỉnh đỉnh khai.

Bắc lí ưu du đầu mã phúc,

Đông gia tán đản nhập lư thai.

Kim tiên đả sấn nê ngưu tẩu,

Thiết sách khiên trừu thạch hổ hồi.

Tự đắc nhất triêu phong giải đống,

Bách hoa nhưng cựu lệ xuân đài.

Bài dịch:

Vào vòng cát bụi

Vào vòng cát bụi nhịp chân đưa,

Vàng óng đầu mi rực rỡ đùa.

Xóm bắc rong chơi gieo bụng ngựa,

Nhà đông vui bước nhập thai lừa.

Roi vàng đánh đuổi trâu bùn chạy,

Dây sắt lôi về cọp đá thua.

Bỗng được một hôm băng giá hết,

Trăm hoa như cũ rộn xuân xưa.

Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ là một cư sĩ tại gia, mà đã nói được những câu siêu thoát như vậy! Sau đây là ý nghĩa củabài kệ:

Vào vòng cát bụi là vào ma giới.

Vào vòng cát bụi nhịp chân đưa: là chỉ hình ảnh vị Hòa thượng tay xách xâu cá chép đi vào chợ (Tranh thiền tông thứ 10).

Vàng óng đầu mi rực rỡ đùa: tuy đi vào cát bụi nhưng đầu mi đầu mày của Ngài vẫn rực rỡ, óng ánh chớ không nhem nhuốc đen tối. Câu này nói lên nghĩa hòa quang đồng trần, đem ánh sáng đến chỗ tối tăm (chớ không phải đem cái tối vào bóng tối).

Xóm bắc rong chơi gieo bụng ngựa: đến trong xóm bắc để nhập vào trong bụng ngựa thọ thai.

Nhà đông vui bước nhập thai lừa: nhập vào thai lừa ở bên nhà đông.

Hai câu này ý nói: Khi vào trong vòng cát bụi, không chọn nơi tốt, không tránh nơi xấu, nơi đâu cần làm lợi ích chúng sanh, các ngài cũng đến được. Không chọn lựa, không chê nơi xấu dở, các ngài vào những chỗ ấy để làm gì?

Roi vàng đánh đuổi trâu bùn chạy,

Dây sắt lôi về cọp đá thua.

Cầm roi vàng đánh con trâu bằng đất, nó cũngchạy mịt. Nắm dây sắt kéo con cọp đá, cọp đá cũng phải đầu hàng. Trâu đất có biết chạy không? Cọp đá có phục ai không? Tại sao ở đây lại nói đánh trâu đất chạy, lôi cọp đá thua? Đây ý nói rằng khi đến được thể thanh tịnh sáng suốt tròn đầy, chúng ta lăn mình vào cuộc đời để giáo hóa chúng sanh. Lúc ấy chúng ta được đầy đủ diệu dụng không phải là tầm thường, cho nên trong nhà thiền thường nói nắm đất hóa thành vàng, khuấynước biển thành đề-hồ, tô-lạc. Khi con người đạt đến mức đó rồi, dù ở trong cảnh xấu xa bẩn thỉu cũng không bị vướng mắc, hay bị che lấp mờ lối đi. Hình ảnh đánh trâu đất chạy, lôi cọp đá thua là để chỉ diệu dụngkhông thể lường được của người đạt đạo.

Đến hai câu kết:

Bỗng được một hôm băng giá hết: công dụng giáo hóa được viên mãn (tức là băng giá đã hết).

Trăm hoa như cũ rộn xuân xưa: lúc đó là một mùa xuân đầy đủ trăm hoa như thuở nào.

Đại ý bài kệ nói rằng khi chúng ta lao mình trong cát bụi tuy làm những việc rất tầm thường, rất xấu xa mà đầy đủ diệu dụng, chớ không bị nhiễm, không bị ô uế. Làm tròn những việc ấy rồi, chúng ta cũng trở về với thể thanh tịnh sáng suốt như thuở nào, tứclà trở về chỗ mùa xuân của nghìn đời đầy đủ cả trăm hoa không thiếu loại nào.

Trên đường tu nếu mọi người chúng ta ai cũngthể hiện được tinh thần đạt đạo thì cuộc đời đẹp biết dường nào! Đâu còn phải than vắn thở dài thiên hạ xấu quá tôi không thể giúp gì cho họ được, trái lại chúng ta thấy rằng mỗi chúng sanh đều có thể giáo hóa được. Chúng ta nỗ lực tiến tu để đến chỗ viên mãn thanh tịnh. Được thanhtịnh rồi, chính trong chỗ ô uế, xấu xa chúng ta dùng những diệu dụng không lường để cảm hóa họ. Được như vậy rồi, chúng ta mới an nhiên tự tại an trú vào Niết-bàn, hay là thể nhập Pháp thân, hay nói theo đây là trở về mùa xuân tràn đầy hoa thơm cỏ lạ.

Để kết luận, tất cả quí vị nên nhớ: Chúng tacó hai bệnh. Một là bệnh mình chưa thanh tịnh mà tưởng mình thanh tịnh,rồi chê hết mọi người, đó là bệnh nan y. Ai bị bệnh này, phải sám hối một ngày bốn lần, nếu một hay hai lần cũng chưa hết bệnh được. Hai là nếu thật tình tu hành chín chắn, giữ giới trong sạch, ngôn ngữ hành độngđều thanh tịnh, tâm niệm rất sáng suốt, rồi nhìn thấy mọi người còn dở,còn xấu quá nên muốn tách rời họ, muốn tránh xa họ để sự thanh tịnh củamình được trọn vẹn, đó cũng là bệnh.

Vì sao? Vì trên cuộc đời này, chúng ta đều có sự liên hệ với nhau. Nếu chúng ta chỉ thấy riêng cómột mình, không chịu kết chung với mọi người để chuyển hóa họ, đó là chúng ta tách rời mình ra khỏi nhân loại, ra khỏi chúng sanh. Tách riêngmình ra như vậy, e rồi chúng ta rơi xuống biển sâu, không đứng trên thếgian, không đứng trên mặt đất được. Vì vậy chúng ta rán đừng bị bệnh thanh tịnh này. Còn một bệnh nữa là bệnh chưa thanh tịnh mà xưng là thanh tịnh rồi xông pha mọi nơi. Càng xông pha càng nhiễm ô, rốt cuộc một ngày nào mình làm kẻ tệ hơn tất cả thiên hạ, không phương cứu chữa.

Chúng tôi mong rằng tất cả Tăng Ni và Phật tử biết tu phải ráng tỉnh sáng, biết đúng thời, đúng lúc dùng thuốc trị tâm bệnh của mình. Sạch được những bệnh trong tâm rồi, một ngày kia chúng ta mới có thể làm tròn bổn phận của người xuất gia, của người tu theo đạo giác ngộ giải thoát. Đó là điều mong mỏi cuối năm của chúng tôi. Mong tất cả quí vị nỗ lực cố gắng.

NAM-MÔ BỔN SƯ THÍCH-CA MÂU-NI PHẬT.


TINH THẦN GIẢI THOÁT TRONG GIÁO LÝ PHẬT-ĐÀ

BÀI NÓI CHUYỆN VỚI TĂNG NI

XUÂN MẬU THÌN 1998

Nam-mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật.

Hôm nay là ngày Tết Nguyên Đán năm Mậu Thìn,tất cả Tăng Ni và Phật tử về đây, gọi theo thế tục là mừng tuổi, chúc mừng năm mới chúng tôi. Để có thì giờ nhắc nhở kỹ, quí vị lễ Phật rồi ngồi xuống, chúng tôi sẽ nói chuyện từ từ với quí vị nhiều hơn.

Ngày mùng một Tết năm nay, chúng tôi nghĩ không gì hơn là nhắc lại mục đích tối thượng của người tu Phật, “Ôn cố tri tân” là nhắc lại việc cũ để quí vị cùng nhớ, biết những điều mới để chúng ta thực hiện cho kỳ được. Vì vậy đề tài chúng tôi nói hôm nay là “Giải Thoát”.

Trong kinh đức Phật đã dạy: “Tất cả nước biển chỉ có một vị là vị mặn, tất cả giáo pháp của ta chỉ có một vị là vị giải thoát.” Như vậy mục tiêu tối thượng của người tu Phật là lấy sự giải thoát làm cứu kính. Nếu không nắm vững được ý nghĩa giải thoát thì trên đường tu chúng ta khó đạt được mục đích của mình. Như vậy giải thoát là giải thoát những gì? Đây là điều chúng tôi đem ra giãi bày cho tất cả quí vị thấy thật rõ.

Nói đến giải thoát, chúng ta phải thấy nghĩangược của nó hay nghĩa trái của nó. Trái với giải thoát là gì? Là triềnphược theo danh từ Hán, hay trói buộc theo danh từ Việt. Vì thấy mình bị triền phược hay là bị trói buộc nên chúng ta nói cầu giải thoát. Do ởtrong vòng bao vây của các phiền não, không làm sao tự thoát ra được nên chúng ta phải nương giáo pháp đức Thế Tôn chỉ dạy để thoát khỏi trầnlao phiền não. Như vậy giải thoát có nghĩa là cởi mở, là mở trói, là được tự do.

Tất cả chúng ta khi ở trong một hoàn cảnh bị trói buộc, chúng ta khao khát được cởi mở, khi ở trong hoàn cảnh bị gò bó trong một khuôn khổ hết sức chật hẹp chúng ta muốn được tự do muốn được thoát ra ngoài. Vì vậy nói đến giải thoát là khi đang bị bủa vây ép ngặtchớ không phải trong hoàn cảnh tự do tự tại. Bủa vây ép ngặt tức nhiên là khổ đau. Nói rõ hơn ý nghĩa giải thoát là giải thoát nỗi khổ đau của kiếp người.

Đi sâu vào vấn đề giải thoát, tại sao chúng ta cầu giải thoát? Và giải thoát như thế nào? Chúng ta phải nhìn thật kỹ, thấy thật rõ những điều đang trói buộc, đang làm mình đau khổ và chúng ta tu để cầu giải thoát những điều đó. Vấn đề giải thoát là một sựthật, không có ngờ vực. Có lắm người hoặc Tăng Ni, hoặc Phật tử, mỗi khi lễ Phật nguyện hương đều nguyện đức Thế Tôn gia bị cho chúng con giải thoát hết khổ đau, dẹp sạch hết phiền não.

Như vậy dẹp phiền não, dứt khổ đau là nhờ sự gia bị của đức Phật. Nhưng sự thật đức Phật có làm cho chúng ta giải thoát được không? Đó là một vấn đề. Hơn nữa có nhiều người nghĩ rằng nói tới giải thoát là nói một việc gì xa xôi cao cả lắm, coi như mình không bao giờ với tới được. Nói tới giải thoát là nói chuyện của những bực thánh chớ không phải là của kẻ phàm. Cho nên khi nói tu với mục đích giải thoát, chúng ta coi như là chuyện không bao giờ có, hay là không bao giờ đến được, rồi tự khi mình và lui sụt, đó cũng là bệnh. Vì vậy chúng ta phải thật sự nhìn thẳng ý nghĩa giải thoát.

Nói đến giải thoát khỏi các sự ép ngặt bủa vây, chúng tôi thuật lại câu chuyện sau: “Thuở xưa ở Trung Hoa có hai vịThượng tọa, Thượng tọa Minh và Thượng tọa Thâm, cùng có duyên sự phải đi qua sông Hoài. Khi ngồi đò sang sông, hai vị thấy nhiều người đánh cáđang kéo lưới. Khi lưới kéo gần đến bờ, có một con cá từ trong lưới nhảy vọt ra ngoài. Thượng tọa Minh vỗ tay khen: ‘Hay thay! Giống như người xuất gia.’ Thượng tọa Thâm bèn nói: ‘Đâu có hay gì, phải ở ngoài lưới mới hay chứ.’ Thượng tọa Minh bảo: ‘Thế là huynh Thâm chưa hiểu.’ Đi được một đoạn đường xa, Thượng tọa Thâm mới bừng hiểu lý mình đã sai.”

Qua câu chuyện trên, hai vị Thượng tọa đúng ởchỗ nào? Thượng tọa Thâm nói cũng có lý: Đợi ở trong lưới mới nhảy ra, chi bằng ở ngoài lưới chẳng thích hơn sao? Nhưng tại sao Thượng tọa Minhlại nói: huynh Thâm chưa hiểu. Như chúng tôi đã định nghĩa giải thoát, giải thoát là gì? Là chúng ta đang bị trói buộc, đang bị ép ngặt, thoát được sự trói buộc, thoát được sự ép ngặt gọi đó là giải thoát.

Nếukhông bị trói buộc, không bị ép ngặt còn nói giải thoát làm gì? Như concá đang bị lưới bủa vây, không có lối thoát nó mới nhảy vọt lên để ra khỏi vòng lưới, đó là nó giải thoát được mành lưới. Nếu nó ở ngoài lưới rồi, nó đâu cần nhảy chi nữa. Cũng như vậy, nếu chúng ta là thánh rồi, chúng ta không có phiền não, không có khổ đau, chúng ta nói tu để giải thoát còn có nghĩa là giải thoát nữa hay không? Hẳn là không vậy.

Sởdĩ chúng ta nói tu, nói cầu giải thoát là vì chúng ta bị phiền não nhiều, bị trói buộc nhiều bởi những tâm niệm xấu xa đen tối của mình mà chính mình chưa chinh phục được. Vì thế chúng ta phải cố gắng nỗ lực bứtcho đứt hết mọi sợi dây phiền não để nhảy tung ra một chân trời mới không còn bị phiền não trói buộc nữa, đó gọi là giải thoát. Nói tóm lại,đang bị bao vây, đang bị đau khổ, chúng ta mới nói đến giải thoát, đó là ý nghĩa câu chuyện của hai vị Thượng tọa khi xưa.

Sau này, Thiền sư Khuê ở Cổ Sơn, Ngài có bình câu chuyện đó bằng bốn câu tụng:

Võng trung đào xuất tiện nghi đằng,

Hà cá thiên nhiên tuấn nạp tăng.

Hà tợ đương sơ vị nhập võng

Ngộ lai phương thủy thị tri âm.

Tạm dịch:

Nhảy ra khỏi lưới lại bay xa,

Nào phải thiên nhiên bậc tác gia.

Đâu giống buổi đầu chẳng vào lưới,

Tỉnh ra mới biết thật người nhà.

Nhảy ra khỏi lưới lại bay xa: Đây diễn tả hình ảnh con cá khi vượt ra khỏi lưới, nó bơi lội tung tăng, không còn dám lẩn quẩn ở đó nữa.

Nào phải thiên nhiên bậc tác gia: Bậc tác gia là người tu đạt đạo. Người tu đạt đạo là tự sẵn có, hay đạt đạo là do công phu huân tu, công phu khó nhọc để chinh phục nội tâm của mình? Có vị Phật nào bỗng dưng thành Phật chăng? Có vị Bồ-tát nào bỗng dưng thành Bồ-tát chăng? Có vị A-la-hán nào bỗng dưng thành A-la-hán chăng? Chắc hẳn là không! Vì thế thành A-la-hán, thành Bồ-tát hay thành Phật gốc từ công phu tu hành, vượt khỏi phiền não, chinh phục được nội tâm của mình. Rồi sau đó mới gọi là bậc tác gia, mới thành A-la-hán, mới chứng được quả Bồ-đề, chớ không phải bỗng dưng mà được. Nếu chúng ta quan niệm không cần phải tu, để tự nhiên được kết quả, điều đó không baogiờ có.

Ý của Thượng tọa Thâm nói rằng phải ở ngoài lưới, không đợi vô lưới mới nhảy ra cho phí công, cho nên câu sau nói:

Đâu giống buổi đầu chẳng vào lưới: Buổi đầu không vào lưới mới là sung sướng, mới là an ổn. Quan niệm như vậy là không đúng.

Tỉnh ra mới biết thật người nhà: Khi thức tỉnh rồi mới biết người sư huynh của mình (Thượng tọa Minh) nói là hợp lý. Sự giải thoát của người tu là vì chúng ta đang ở trong vòng bao vây của phiền não, của các cám dỗ của sáu trần, khi chúng ta thoát ra, đó gọi là giải thoát, đó chính là sức mạnh của người tu. Nếu không có nhữngđiều đó thì không nên nói xuất gia làm gì.

Trong việc giải thoát có những trình tự cao thấp khác nhau, chớ không phải giải thoát thuần y như nhau. Sau đây chúng tôi dẫn cách giải thoát trong những bộ kinh theo tinh thần Nguyên thủy và các giải thoát trong những bộ kinh theo tinh thần Phát triển.

Nói về việc giải thoát theo tinh thần Nguyênthủy, trong kinh A-hàm, có câu chuyện ngài Phú-lâu-na đến hỏi Phật. Ngài Phú-lâu-na thưa: “Bạch Thế Tôn, xin Thế Tôn dạy cho pháp yếu để conđến chỗ vắng vẻ tu hành.” Đức Phật liền dạy: “Nếu mắt thấy sắc không đuổi theo, không chấp chặt, đó là gần với Niết-bàn. Ngược lại nếu mắt thấy sắc mà đuổi theo mà chấp chặt đó là xa với Niết-bàn. Lỗ tai nghe tiếng, lỗ mũi ngửi mùi, thân xúc chạm, ý duyên với pháp trần nếu không đuổi theo, không chấp chặt là gần với Niết-bàn, còn đuổi theo, chấp chặtđó là xa với Niết-bàn.” Khi nhận được pháp yếu rồi, ngài Phú-lâu-na ra đi đến chỗ vắng vẻ tu hành, chỉ trong vòng ba tháng, Ngài đắc quả A-la-hán.

Như vậy pháp yếu đức Phật dạy tu để giải thoát đâu có khác với chúng ta, sáu căn tiếp xúc với sáu trần mà không đuổi theo, không dính mắc hay chấp chặt đó là giải thoát; nếu đuổi theo, nếu chấp chặt đó là trầm luân. Trầm luân hay giải thoát rất là đơn giản, không đợi tới kiếp nào khác, mà ngay nơi hiện tại: mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý duyên với pháp trần, chúng ta không đuổi theo, không dính mắc, ngay nơi đó chúng ta đã giải thoát rồi.

Giải thoát không phải là chuyện xa vời, không phải làviệc không với tới được, mà chính là thật tế, là cụ thể. Ngay nơi chúngta ai cũng có khả năng giải thoát chính mình. Có người nào nghĩ rằng việc đó mình không thể làm nổi không? Ai cũng có thể làm được. Vì vậy nói đến tu giải thoát mới nghe tưởng như là xa vời, cao siêu tuyệt đỉnh,nhưng sự thật hết sức là gần gũi, hết sức là thật tế đối với chúng ta. Ngược lại sự trầm luân cũng không xa lạ. Nếu chúng ta mắt đuổi theo sắc rồi bám chặt vào sắc, tai đuổi theo tiếng rồi bám chặt vào tiếng v.v… đólà chúng ta trầm luân.

Trong kinh A-hàm, đức Phật kể một câu chuyệncho chư Tỳ-kheo nghe: Có một bầy khỉ, con khỉ chúa lãnh đạo dạy những con khỉ nhỏ: Các người đi ăn phải theo lệnh của ta hướng dẫn chỉ dạy, đừng có tẻ đoàn đi lang thang sẽ bị nguy hiểm. Khỉ chúa khôn ngoan biết chỗ nào có bẫy, có rập, chỗ nào có thợ săn, nên nó tránh né không cho đoàn khỉ tới những chỗ ấy. Nhưng trong đoàn có một con khỉ hơi ngạo mạn lại tham ăn, nó nghĩ nếu đi theo đoàn mình ăn uống không được đầy đủ, chi bằng đi riêng rồi kiếm thức ăn một mình, tha hồ ăn uống no nê rồi trở về đoàn. Nó tách đoàn ra đi đến một chỗ kia, chẳng may gặp người thợsăn dùng cây nhựa để bẫy khỉ.

Cây nhựa rất dẻo và chắc, bên cạnh cây nhựa có để miếng mồi nhử khỉ. Khỉ con dại khờ thấy mồi mừng quá, nhảy tới chụp mồi. Vừa đưa tay mặt chụp mồi bị nhựa dính tay, tay trái liền chụp vào để gỡ liền bị dính luôn. Thế là hai tay bị dính nhựa.Đến chân mặt đưa vô để quào bị dính luôn, chân trái liền đưa tới để quào dính luôn chân trái. Như vậy là hai tay hai chân đều bị dính. Cái đầu liền cúi xuống cạp gỡ cũng bị dính luôn. Chỉ còn cái đuôi ngoắc ngoắc cố gắng vùng vẫy để quật cái bẫy ra bị dính luôn. Như vậy sáu cái:hai tay, hai chân, đầu và đuôi đều bị dính nhựa không thoát thân được. Lúc ấy người thợ săn đến lượm khỉ bỏ vô giỏ đem về.

Qua câu chuyện trên đức Phật muốn dạy chúng ta điều gì? Nếu vì quyền lợi vì thích thụ hưởng, con khỉ tách đoàn ra đi, rồi bị thợ săn đánh bẫy. Khi sáu căn nó (tức sáu bộ phận) bị dính bẫy rồi, người ta bắt đem về dễ dàng không còn ai cứu được. Cũng như vậy, người tu xuất gia ở trong đoàn Tăng hay Ni có vị thầy chỉ dạy hướngdẫn, nhưng họ thích thụ hưởng riêng, thích làm theo ý mình, dù thiếu kinh nghiệm mà vẫn đi ra ngoài. Khi ra ngoài, mắt thấy sắc liền nhiễm sắc, tai nghe tiếng liền nhiễm tiếng, cho đến sáu căn bị cột dính với sáu trần. Lúc đó ma vương dẫn đi một cách dễ dàng, như chú thợ săn lượm con khỉ bỏ vào giỏ một cách dễ dàng, không khó khăn chút nào.

Khi sáu căn dính với sáu trần, chúng ta lọt vào bàn tay của ai? Của ma vương phải không? Lọt vào bàn tay của ma vương rồi, chúng ta khó hy vọng được giải thoát. Vì vậy người tu muốn được giải thoát phải gan dạ như lời đức Phật dạy: Sáu căn tiếp xúc với sáu trần đừng đuổi theo, đuổi theo là tham cầu, đừng dính mắc, dính mắc là nhiễm trước. Không tham cầu, không nhiễm trước, tức nhiên chúng ta được giải thoát, sự giải thoát đến với chúng ta hết sức là dễ dàng. Nếu chúng ta đuổi theo sáu trần là tham cầu, dính mắc nó là nhiễm trước, khiấy có vùng vẫy mấy cũng khó thoát khỏi bàn tay của ma vương.

Người tu chúng ta trên cõi đời này muốn đượcgiải thoát không phải là chuyện mơ màng xa xôi, mà chính là chuyện thậttế trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Nếu một người sáu căn tiếp xúc với sáu trần mà không dính không mắc, không đuổi theo, người ấy có hào quang chưa? – Đâu có, chỉ là không dính mắc sáu trần thôi, chớ đâu có hào quang. Người ấy có biết chuyện quá khứ, vị lai chưa? – Đâu có biết quá khứ, vị lai gì. Nhưng người ấy có giải thoát thật chưa? – Có. Như vậy không phải có hào quang mới là giải thoát, không phải biết quá khứ vị lai mới là giải thoát, mà chính sáu căn không bị sáu trần lôi cuốn, cột trói, đó là giải thoát.

Nhưng sáu trần có dây cột tróimình hay không? Hay là mình cột vào nó? Sự thật là mình cột vào sáu trần, nghĩa là thấy nó là mình đuổi theo rồi bám chặt vào nó, đó là mìnhdính mắc vào sáu trần rồi mình than van cầu xin Phật Trời cứu giúp con.Ai trói buộc mình mà mình kêu cứu, mình thắp hương cầu giải thoát? Phậtbảo chúng ta buông, mà chúng ta nắm chặt quá, kẹt tay mình trong đó, rồi than Phật Trời không cứu con! Muốn cúu chúng ta, đức Phật dạy: “Ngươi chịu khó buông đi.”

Chúng ta thật giống như đứa bé thò tay vào hũ kẹo. Khi tay không nó thò vào hũ được, nhưng vì thích kẹo quá nên nắmđầy cứng, rút tay ra không được, rồi kêu khóc. Mẹ thương con, bảo nó: “Con buông đi, tay không rút ra dễ dàng, chớ có khó gì.” Như vậy thuật giải thoát là gì? Chỉ là một cái buông, nếu còn nắm đầy một tay kẹo, làmsao mẹ cứu con được!

Đức Phật cũng bảo chúng ta đừng dính với sáutrần, các Thiền sư cũng dạy chúng ta buông đi, hiện nay chúng tôi cũng nhắc quí vị đừng chạy theo sáu trần. Câu nói hết sức là đơn giản mà trànđầy tinh thần giải thoát. Nếu khéo một chút, gan dạ một chút, đừng tiếc, như đứa bé không tiếc kẹo, thì lấy tay ra dễ dàng không phải than khóc.

Trên đường tu, chính vì cầu giải thoát, chúng ta đừng tham luyến, đừng đắm trước sáu trần. Không tham luyến, không đắm trước sáu trần là nhân của giải thoát, chớ không tìm điều gì khác lạ. Không phải có thần thông, không phải biết quá khứ vị lai, khôngphải có hào quang sáng chói, mà giải thoát được. Các quỉ thần cũng có hào quang, cũng biết quá khứ vị lai, mà vẫn không được giải thoát. Lý giải thoát của đạo Phật vừa cụ thể vừa thật tế mà cũng rất dễ dàng phải không? Dễ hay khó? Chỉ cần đừng làm đứa bé tham kẹo thôi, nếu tham kẹo thì khó, nếu không tham kẹo thì dễ chớ có khó gì đâu.

Buông hết thì lấy tay ra dễ dàng, không có gì trở ngại, nếu nắm cứng mà muốn rút tay ra, thật là khó trăm bề. Tất cả quí vị xuất gia và tại gia có ai nghĩ mình ngu khờ như đứa bé ham kẹo đó không? Tất nhiên không có ai ngukhờ như vậy, chỉ cần buông thì lấy tay ra dễ dàng. Đức Phật đã dạy: “Các ngươi buông đi, đừng có dính với sáu trần, đó là giải thoát.” Nếu chúng ta không chịu buông, mà cầu xin Phật giúp cho con được giải thoát,thì giống như đứa bé tham ăn kẹo vậy. Buông đi thì hết đau khổ, đây là giải thoát theo tinh thần Nguyên thủy.

Chúng tôi nói đến sự giải thoát trong nhà thiền. Ngày xưa, có một thiền khách đến hỏi thiền sư Huệ Hải: “Thế nào là giải thoát.” Ngài Huệ Hải trả lời: “Căn trần không dính nhau là giải thoát.” Câu trả lời hết sức là đơn giản! Sáu căn không dính mắc sáu trần, đó là giải thoát. Câu trả lời vừa đơn giản vừa thật tế, nhưng mới nghe qua chúng ta thấy khó hiểu quá. Vì sao khó hiểu? Vì chúng ta tưởng tượng sự giải thoát rất là xa vời, phải có thần thông biến hóa, đi đến các cõi trời v.v…, không ngờ sáu căn không dính với sáu trần là giải thoát. Sự thật quá đơn giản này làm người đọc sách thiền cho là khó hiểu.

Câu chuyện thứ hai trong nhà thiền là: Tổ Đạo Tín khi còn là Sa-di đến hỏi đạo với Tổ Tăng Xán: “Bạch Hòa thượng, làm sao được giải thoát?” Tổ Tăng Xán liền hỏi: “Ai trói buộc ngươi?” Ngài Đạo Tín đáp: “Không ai trói buộc cả.” Tổ Tăng Xán bảo: “Cầu giải thoát làm gì?” Ngài Đạo Tín liền nhận được lý giải thoát. Ngài quan niệmnhư chúng ta hiện giờ, Ngài nghĩ mình đang bị trói buộc, đang bị bủa vây rất là khổ sở, nên mới cầu giải thoát.

Nhưng chúng ta phải nhìn thẳng xem cái gì trói buộc, cái gì bủa vây chúng ta? Nếu nhìn thẳngkhông thấy cái gì trói buộc, cái gì bủa vây cả, ngay đó chúng ta được giải thoát rồi. Câu chuyện đối đáp giữa Tổ Tăng Xán và Tổ Đạo Tín nói lên ý nghĩa đó: “Không ai trói buộc thì cầu giải thoát làm gì?” Chúng tanghĩ rằng những phiền não, những tâm niệm đen tối xấu xa đang trói buộcchúng ta, cho nên chúng ta cầu giải thoát.

Nhưng Tổ liền bảo chúng ta nhìn thẳng xem những phiền não, những tâm niệm ấy có thật sự trói buộc chúng ta hay không? Khi nhìn thẳng lại chúng nó liền biến mất.Chúng biến mất không còn nữa thì còn gì mà cầu giải thoát! Cũng chính với tinh thần này Tổ Bồ-đề-đạt-ma đã dạy Tổ Huệ Khả. Tổ Huệ Khả than: “Tâm con bất an, xin Hòa thượng dạy con pháp an tâm.” Tổ Bồ-đề-đạt-ma bảo: “Đem tâm ra ta an cho.” Tâm bất an của Tổ Huệ Khả là tâm gì? Tổ thấy đó là tâm phiền não, tâm trói buộc, tâm xấu xa. Các tâm đó đang làmcho mình bất an, nên Ngài cầu được an tâm, cũng như Tổ Đạo Tín cầu đượcgiải thoát.

Khi ấy Tổ Bồ-đề-đạt-ma chỉ cần bảo: “Đem tâm ra ta an cho.” Ngài Huệ Khả nhìn sững lại xem tâm ra làm sao mà đem. Nhìn sữnglại thì nó mất tiêu, nó tan hoang không còn, Ngài liền trả lời: “Con tìm tâm không được.” Tổ Bồ-đề-đạt-ma bảo: “Ta đã an tâm cho ngươi rồi.” Như vậy pháp an tâm của Tổ Đạt-ma và “cầu giải thoát làm gì” của Tổ TăngXán có khác nhau không? Thật là không hai, hình thức có khác, nhưng tinh thần không khác. Tổ Tăng Xán chỉ cho Tổ Đạo Tín con đường giải thoát bằng cách nhìn lại xem cái gì trói buộc mình. Nhìn lại không thấy có gì trói buộc, ngay đó đã giải thoát rồi.

Chúng tôi hiện nay sống cách xa Tổ hơn ngàn năm, chúng tôi dạy quí vị tu phải làm gì? Quí vị nghĩ rằng các phiền nãolàm cho mình khổ đau, buồn phiền, bực bội. Chúng tôi bảo quí vị các thứphiền não ấy, quí vị hãy buông đi. Nhìn lại chúng nó, thấy biết mặt thật của chúng nó rồi, buông đi đừng theo chúng thì hết phiền não, hết khổ đau, đó tức là tu vậy. Việc này đâu có khác với lời dạy người xưa bao nhiêu.

Tinh thần giải thoát nằm ngay chỗ nhìn thẳng, thấy mặt thật của những phiền não. Thấy được mặt thật của chúng rồi, thì tự chúng nó tan hoang. Nói biết vọng, nói buông đi là một lối nói thôi. Sự thật nhìn lại thấy nó, thì nó đã mất hết rồi, còn gì nữa mà phải biết, còn gì nữa mà phải buông. Đây là trọng tâm trong Thiền tông mà chúng tôiđã chỉ dạy quí vị. Trọng tâm đó, chính Tổ Bồ-đề-đạt-ma đã dạy Tổ Huệ Khả, chính Tổ Tăng Xán đã dạy Tổ Đạo Tín. Đó là chủ đích chúng tôi muốn chỉ cho quí vị.

Các Tổ dạy chúng ta tu giải thoát đúng với tinh thần đức Phật đã nói: “Tất cả nước biển chỉ có một vị, vị mặn; tất cả giáo pháp của ta chỉ có một vị, vị giải thoát.” Như đoạn đã nói: Sáu căn tiếp xúc với sáu trần, không dính không mắc, là giải thoát. Đoạn nàyTổ dạy: Nhìn các tâm niệm đang chạy theo sáu trần, biết chúng không thật, đó là giải thoát. Đoạn trước nói về các căn bên ngoài không cho dính với trần cảnh, đoạn này nói về các tâm niệm bên trong, ngay từ cội gốc, các tâm niệm vừa dấy khởi chạy theo cảnh, chúng ta biết sự thật về chúng nó thì chúng nó tan hoang ngay từ trứng nước.

Chúng ta dẹpcác tâm niệm ngay lúc còn trong bào thai, không đợi chúng nó dính với cảnh mới tháo gỡ. Như vậy sự giải thoát này là ngay bên trong, sâu hơn và tế nhị hơn. Giải thoát nói ở đoạn trên là sáu căn không dính mắc với sáu trần là giải thoát theo tinh thần nguyên thủy, giải thoát ở đây là dẹp các tâm niệm ngay khi còn là trứng nước, là giải thoát theo tinh thần nhà thiền. Các niệm vừa dấy khởi đã bị tiêu diệt ngay, không có niệm đuổi theo trần cảnh: Mắt thấy sắc không dính với sắc, tai nghe tiếng không dính với tiếng, mũi ngửi mùi không dính với mùi… Các niệm đãdiệt rồi, lo gì chúng ra nơi mắt, nơi tai, nơi mũi mà dính với sáu trầnđược. Đó là chủ yếu của sự tu thiền mà chúng tôi thường gọi là Tổ sư Thiền.

Để hiểu rõ hơn tinh thần giải thoát trong nhà thiền chúng tôi xin dẫn bài kệ của một Thiền sư đời Trần ở Việt Nam,ngài Điều Ngự Giác Hoàng, tức là vua Trần Nhân Tông. Bài kệ “Sơn Phòng Mạn Hứng” như sau:

Thùy phược cánh tương cầu giải thoát,

Bất phàm hà tất mịch thần tiên.

Viên nhàn, mã quyện nhân ưng lão,

Y cựu vân trang nhất tháp thiền.

Tạm dịch:

Ai trói lại mong cầu giải thoát,

Chẳng phàm nào phải kiếm thần tiên.

Vượn nhàn, ngựa nhọc, người cũng lão,

Như cũ am mây một giường thiền.

Ngài Trần Nhân Tông nói rất rõ: “Chúng ta cầu giải thoát vì chúng ta thấy bị trói buộc, nhưng ai trói buộc chúng ta? Chẳng qua là những tâm niệm tham mê đắm trước trói buộc chúng ta. Những tâm niệm ấy vừa dấy lên, chúng ta đã thấy nó rồi, thấy nó tức thì nó tan hoang, như vậy còn ai trói buộc mình mà cầu giải thoát? Biết các tâm niệm là tạm bợ, là hư dối, chúng ta không chạy theo nó, đó là giải thoát.

Còn thêm một ý nghĩa nữa: Nói trói buộc là trói buộc thânnăm uẩn này, còn một cái không bao giờ bị trói buộc, đó là cái gì? Đó là cái không tên, phải không? Cái đó không phải phàm, không phải thánh. Không phải phàm, cầu thành tiên làm gì? Không phải phàm, cần cầu thánh hay không? Sở dĩ chúng ta muốn được thành thánh là vì chúng ta thấy mìnhlà phàm phải không? Cái đó không phải phàm, tức nhiên không cầu thành thánh, cũng không cầu thành thần tiên chi nữa.

Vượn nhàn, ngựa nhọc, người cũng lão

Vượn chỉ cho các niệm dấy khởi của chúng ta lăng xăng như khỉ vượn. Ngựa chỉ cho ý dong ruổi bên ngoài. Tâm viên ý mã khi đã yên rồi, không còn lăng xăng nữa, khi ấy chúng ta cũng đã già rồi không còn ham muốn không còn đuổi theo cái gì nữa. Khi con người không còn ham muốn, tâm viên ý mã không còn lăng xăng, lúc ấy ra làm sao?

Như cũ am mây một giường thiền.

Lúc ấy chỉ còn một giường thiền ở trong am mây mà thôi. Giường thiền đó giống như giường của ai, quí vị có biết không? Giường thiền này là giường ông Duy-ma-cật nằm bệnh.

Trên đường tu lúc nào tâm viên ý mã chịu dừng chịu lặng, lúc đó chúng ta sẽ đầy đủ cảnh viên mãn của con người giải thoát hiện tiền. Sự giải thoát viên mãn đó được tượng trưng bằng một chiếc giường thiền, giường của ông Duy-ma-cật nằm bệnh v.v… Đối với sự tu hành, cốt làm sao tâm viên ý mã mỏi mệt, nằm yên ngủ, lúc đó cái chân thật hiện nguyên hình, không phải tìm kiếm ở đâu xa xôi.

Chúng tôi dẫn tiếp theo đây câu chuyện của Lục Tổ nhân nghe một câu trong kinh Kim Cang mà ngộ đạo. Ngũ Tổ giảng kinh Kim Cang đến đoạn ngài Tu-bồ-đề hỏi Phật: “làm sao để trụ tâm” tức là: người cầu Vô thượng Bồ-đề làm sao an trụ được tâm của mình (tức là cái tâm Vô thượng Bồ- đề), Phật trả lời: “Bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm, ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.” Nghĩa là người phát tâm Vô thượng Bồ-đề không nên trụ nơi sắc, nơithanh, nơi hương, nơi vị, nơi xúc, nơi pháp. Không nên có chỗ trụ đó làtrụ. Cho nên ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm, tức là không nên có chỗ trụmà sanh tâm Vô thượng Bồ-đề. Khi nghe tới câu đó, Lục Tổ liền thốt lên rằng:

“Đâu ngờ tánh mình xưa nay vốn thanh tịnh,

Đâu ngờ tánh mình xưa nay vốn tự đầy đủ,

Đâu ngờ tánh mình hay sanh muôn vật v.v…”

Các chữ đâu ngờ, nói lên chỗ ngộ của Lục Tổ, Ngài ngộ cái gì? Ngài ngộ sáu căn không dính với sáu trần, đó là giải thoát, phải không? – Chưa phải. Nếu Ngài ngộ sáu căn không dính với sáu trần, Ngài là Nhị thừa rồi, chớ không phải là một vị tổ trong Thiền tông. Câu hỏi là: “Người phát tâm Vô thượng Bồ-đề, muốn an trụ tâm ấy, phải làm sao?” Đáp: Không dính với sáu trần, là an trụ tâm Vô thượng Bồ-đề. Ngay nơi câu đáp này Lục Tổ thấy rõ rằng: Tâm không chạy theo sáutrần là cái Vô thượng Bồ-đề hiện tiền.

Cái Vô thượng Bồ-đề đó đã sẵn thanh tịnh, đã sẵn đầy đủ mà nó dấy niệm cho nên hay sanh muôn pháp, mới đuổi theo muôn pháp. Ở đoạn trên nói sáu căn không dính với sáu trần đó là giải thoát, mà chúng ta không biết cái gì giải thoát, không có một cái chủ đề của sự giải thoát. Nhưng ở đây, khi nghe câu đáp, Lục Tổ thấy được mặt thật của sự giải thoát rồi. Vì thấy được mặt thật đó, nên Ngài mới thốt lên những câu đâu ngờ, đâu ngờ mình như vậy, đâu ngờ nó sẵn như vậy v.v… Khi nghe thốt lên những câu đó, Ngũ Tổ biết đệ tử đã ngộ, cho nên ngang đó mới truyền y bát cho.

Chúng ta thấy rằng, đối với Thiền tông khôngphải chỉ gỡ hết những dính mắc bên ngoài, gọi là giải thoát, giải thoátbằng một danh từ rỗng, mà phải thấy được mặt thật của sự giải thoát, màcác bộ kinh Nhị thừa chưa đề cập tới. Giải thoát là cởi mở, cởi mở là động từ chớ không phải là chủ từ. Như vậy cởi mở cái gì? Ở đoạn trước, theo tinh thần Nguyên thủy, chúng ta nghĩ rằng được giải thoát mà không biết cái gì được giải thoát. Nhưng tới đây, với tinh thần nhà Thiền, LụcTổ không thấy như vậy.

Ngài thấy rằng cái giải thoát đó là tánhBồ-đề sẵn có của chính chúng ta. Tánh Bồ-đề đó thanh tịnh từ thuở nào, tánh Bồ-đề đó đầy đủ muôn pháp, tánh Bồ-đề đó đầy đủ diệu dụng. Sống được với tánh Bồ-đề đó gọi là giải thoát. Giải thoát là tánh Bồ-đề khôngbị nhiễm với sáu trần, nó là cái chủ thật của mình. Vì vậy trong nhà thiền gọi nó là Bản lai diện mục, là Chủ nhân ông v.v… Hiểu như quí vị mới thấy cái trình tự tu tiến của người tu, nếu không chúng ta có thể hiểu lầm. Lục Tổ ngộ được lý giải thoát, không phải chỉ là động từ giải thoát mà Ngài thấy được ông chủ là người không bị trói buộc, ông chủ mớilà chủ từ. Ông chủ đó mới thật là mình, sống được với ông chủ đó mới thật là viên mãn giải thoát.

Sau đây chúng tôi dẫn thêm câu chuyện con khỉ: Ngài Ngưỡng Sơn đến hỏi đạo với ngài Trung Ấp: “Bạch Hòa thượng, thế nào là nghĩa Phật tánh?” Ngài Trung Ấp đáp: “Ta nói thí dụ thì ông hiểu. Như có con khỉ ở trong cái nhà sáu cửa. Bên ngoài có một con khỉ đến mỗi cửa kêu chéo chéo, con khỉ bên trong cũng đáp lại chéo chéo. Đếnmỗi cửa nó mỗi kêu, bên trong đều đáp ứng lại…” Nghe tới đó ngài NgưỡngSơn mới hỏi: “Bạch Hòa thượng, nếu con khỉ trong nhà nó ngủ thì sao?” Hòa thượng Trung Ấp liền từ giường thiền bước xuống, chạy lại nắm tay ngài Ngưỡng Sơn nói: “Chéo chéo ta và ông đã thấy nhau rồi.”

Qua câu chuyện trên, quí vị hiểu thế nào?

Cái nhà sáu cửa là thí dụ cho sáu căn của chúng ta, con khỉ ở ngoài chéo chéo là thí dụ cho sáu trần. Bởi sáu căn duyên với sáu trần, con khỉ ở trong nó ứng lên để đối đáp, nên gọi là dính mắc. Nếu con khỉ ở trong nó ngủ, con khỉ ở ngoài kêu chéo chéo cáchmấy, nó cũng không ứng đáp, phải vậy không? Tuy mỗi cửa đều có kêu, có động, mà vì nó ngủ nên nó không đáp lại, nhưng nó vẫn có mặt trong nhà. Hình ảnh con khỉ ngủ trong nhà giống như chỗ Lục Tổ thấy, Ngài thấy rằngcái đó nó sẵn có, nó thanh tịnh từ thuở nào.

Tinh thần Thiền tông chỉ cho chúng ta thấy cái không dính với sáu trần gọi là giải thoát, không phải động từ giải thoát suông, mà có ông chủ nằm yên không chạy ra. Sống được với ông chủ đó mới là thật sự giải thoát, giải thoát là ông chủ đó, chớ không phải giải thoát bằng một tên suông.

Chúng ta tu thiền cốt làm sao sống được với ông chủ, ông chủ đó là ai? Chúng tôi có phê bình câu chuyện của một Phậttử nói rằng nước biển nổi sóng ầm ầm mà nó không biết có chứa muối bên trong. Đến khi nước tràn vào bờ, bị ngăn chận lại, rồi khô đi, bấy giờ chất muối mới hiện ra. Như vậy muối khi ở biển hòa tan với nước, nó đã có sẵn trong nước. Khi nước bốc hơi muối cô đọng lại. Như vậy nước và muối là hai, cho nên tôi chấm câu chuyện đó dưới điểm trung bình.

Còn ở đây Lục Tổ nói: “không phải hai”, chính ông chủ đó, đâu ai khác hơn là mình. Nhưng vì mê mình sống với cáiđiên đảo vọng tưởng, rồi bị nó dẫn chạy, gọi đó là luân hồi, là trói buộc. Nếu tỉnh mình không chạy theo cái điên đảo vọng tưởng, mình sống thật với ông chủ, thì ông chủ đó lúc nào mà chẳng hiện tiền. Bên ngoài có kêu gọi, dù không đáp lại, ông vẫn mở mắt nhìn mà không dính mắc. Trường hợp con khỉ trong nhà cũng vậy, đừng tưởng đợi nói đối đáp, nó mới có mặt. Chính khi không đối đáp, nó cũng vẫn hiện hữu.

Chúng ta giải thoát bằng cách là phải sống thật với ông chủ của mình, hay là với bản lai diện mục của chính mình, cái đó đã có sẵn trong chúng ta muôn đời mà chúng ta quên đi, chúng ta không biết. Ngày nay được Phật Tổ nhắc chỉ, chúng ta phải ráng nỗ lực đểsống trở lại. Quên ông chủ, gọi đó là mê, sống trở về với ông chủ gọi đó là tỉnh là giác. Thành kẻ mê làm chúng sanh trầm luân trong sáu đường, đó là kẻ đau khổ, gọi là bị phiền trược.

Nếu tỉnh, trở vềvới ông chủ, không còn bị sáu trần lôi kéo nữa, chỉ một ông chủ hoàn toàn thanh tịnh, khi đó chúng ta hoàn toàn giải thoát. Giải thoát đó không có nghĩa là chúng ta phải nhờ ai phụ giúp, mà chính là chúng ta tựbiết tỉnh giác, biết trở về với chính mình. Sự giải thoát là bổn phận của chúng ta phải trở về, chớ không ai làm thế, cũng không ai bắt buộc. Rất đáng thương cho chúng sanh tự có của báu mà không biết, rồi phải thởthan, đau khổ muôn đời. Chúng ta được vinh hạnh, được phúc đức nhờ PhậtTổ chỉ, chúng ta tuy chưa thấy tạng mặt tạng mày, nhưng cũng mang máng biết, mang máng tin, đó cũng là phúc đức lớn, đó là hồng ân sâu rộng Phật Tổ đã ban bố cho chúng ta.

Mỗi một năm mới là một lần đưa chúng ta đến gần chỗ chết, chúng ta có duyên phúc lớn, được phước lành nhiều, mong rằng tất cả ráng làm bổn phận của mình để khỏi uổng một đời làm người màkhông được tỉnh giác. Và cũng tự mình không để mình bị gạt, tức là chạytheo cái giả dối, điên cuồng mà quên mất cái chân thật của chính mình. Được như vậy mới xứng đáng, là con dòng họ Thích, mới xứng đáng là kẻ quyết chí đi theo con đường Phật Tổ đã đi.

Hôm nay là ngày đầu năm, chúng tôi mong rằngsang năm mới này, tất cả quí vị có được sức tỉnh giác mạnh hơn, và chính quí vị càng ngày càng nhận thấy tường tận cái chân thật của chính mình rồi sống trở về, đừng bị ngoại cảnh lôi cuốn, mà phải phiêu bạt, trầm luân đau khổ.

NAM-MÔ BỔN SƯ THÍCH-CA MÂU-NI PHẬT.


NHỮNG NIỀM VUI CHÂN THẬT

BÀI NÓI CHUYỆN VỚI PHẬT TỬ

XUÂN MẬU THÌN 1988

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.

Thưa tất cả quí Phật tử,

Mỗi năm đến ngày Tết Nguyên Đán, tất cả Phật tử gần xa đều tựu hội về đây để trước là lễ Phật, nhân ngày vía đức Di-lặc, sau là để mừng tuổi chúc thọ chư Tăng. Phần lễ Phật đã xong,đến phần chúc mừng năm mới.

Theo tinh thần đạo Phật, chúng ta tu không phải là mỗi năm khi Tết đến chúc mừng nhau sống lâu trăm tuổi muôntuổi. Chúc như vậy không có kết quả gì, lời chúc đó chỉ rỗng suông thôi. Vì vậy thay vì chúc thọ suông chúng tôi sẽ nói chuyện với quí Phậttử gọi là nhắc nhở đường lối tu hành trong ngày đầu năm, đồng thời cũnglà chúc mừng nhau trên đường tu mỗi ngày một thăng tiến, chớ không để dừng lại một chỗ mãi mãi. Vì lẽ đó ngày hôm nay thay vì chúc Tết thường,chúng tôi sẽ nói về cái vui của đời và cái vui của đạo trong mùa xuân cho quí Phật tử nghe.

Tất cả Phật tử, sang đầu xuân ai ai cũng thấy đó là mùa vui tươi, mùa ấm áp, mùa hy vọng, cho nên tất cả cùng chúc mừng, cùng vui vẻ với nhau. Vì vậy chúc xuân hay là vui xuân đã có từ xưa đến giờ. Hôm nay chúng ta phải tìm cho thấu đáo, cho tường tận thế nào là vui xuân, cái vui thật sự của cuộc đời và cái vui thật sựtrong đạo. Hai cái vui đó nó gần nhau hay không? Nó có lợi ích thiết thực như thế nào? Đó là điều chúng tôi sẽ nói chuyện với quí vị hôm nay:

Trước hết chúng tôi nói cái vui của đời.

Quí vị thường thấy ở ngoài đời những lúc nào chúng ta được vui mừng? Đó là lúc chúng ta được một cái gì hơn thiên hạ, phải vậy không? Được cái gì thắng hơn người, lúc đó chúng ta vui. Hơn người đó là cái vui của mình, có phải vậy không? Thí dụ như quívị đi vào các cuộc chơi như cuộc đá banh hay cuộc đánh cờ v.v… Khi mìnhcười là lúc nào? Lúc thua hay là lúc thắng? Lúc thắng thì vỗ tay hoan nghênh cùng vui, cùng cười.

Nhưng khi chúng ta thắng chúng ta cười, những người thua cuộc ra sao? Tự nhiên họ phải buồn khổ! Như vậy cái vui của cuộc đời là vui khi mình thắng, mà người thua phải buồn. Thếthì cái vui của chúng ta là cái vui trọn vẹn của người trong cuộc, hay là chỉ có một người vui rồi một người buồn, hay là một nhóm vui rồi một nhóm buồn? Như vậy cái vui của đời là vui trong thắng cuộc, mà mình thắng thì người khác phải thua, kẻ thắng thì vui, người thua phải khổ, phải vậy không? Rõ ràng chúng ta vui trong cái đau khổ của người khác, chớ không phải là cái vui trọn vẹn, lẽ thật là như vậy.

Người thế gian nghĩ rằng làm sao cho mình được vui, nghĩa là mình chơi thế nàocũng phải hơn người, thế là mình được vui. Nếu một lần thua là một lần buồn. Những người khác họ đến với chúng ta, họ chơi với chúng ta, họ cũng muốn hơn để họ được vui. Như vậy vui đó là vui trong giành giựt hơnthua, ai được hơn thì vui, ai bị thua thì khổ. Như vậy mới thấy rõ cái vui của thế tục là cái vui trong đau khổ.

Ngược lại, cái vui của người tu khác hơn cái vui của người thế tục. Người thế tục vui khi thắng được người, người tu vui khi thắng được mình. Thí dụ người Phật tử khi bị ai nói những lời kích bác làm cho tự ái mình nổi lên, vừa khi cơn sân bừng bừngnổi dậy, lúc đó mình liền tỉnh biết cái sân này là xấu, là không xứng đáng với người Phật tử, vừa biết như vậy mình liền ném nó xuống hay bỏ nó đi. Do mình buông bỏ, qua được cơn nóng giận, mình cảm thấy bình tĩnhtrở lại, lúc đó mình có vui không? Mình vui vì mình đã thắng được mình,mình đã chiến thắng chớ không phải đầu hàng.

Như vậy một lần thắng được mình là một lần vui. Cái vui đó có làm ai khổ hay không? Rõ ràng mình vui mà người kích bác mình họ thấy mình không trả lời, không phản đối, họ cũng không có buồn phải vậy không? Như vậy cái vui đó mới là cái vui trọn vẹn, vui thắng mình mới là cái vui trọn vẹn. Cái vui thắng người là cái vui của đau khổ, chớ không phải cái vui thật, mà người đời cứ đuổi theo cái vui đó để người khác phải khổ. Người biết tu chỉ vui trong cái thắng mình: một lòng tham dấy lên mình thắng được nó là mình vui, một cơn giận nổi lên mình thắng được nó là mình vui, những cái cám dỗ mà mình thắng được nó là mình vui. Những cái vui đó chỉ có lợi cho nội tâm mình mà không có hại cho ai. Như vậy cái vui của đạo mớilà cái vui thật sự, vui mà không có khổ cho ai. Đó là bước thứ nhất.

Đến bước thứ hai, người đời vui khi nào họ được. Thí dụ như họ đi đường thấy ai làm rớt một món đồ quí giá, họ lượm được, lúc đó vui hay buồn? Dĩ nhiên lúc đó rất là vui. Mình đượcmay mắn mình vui, nhưng người mất vật quí có vui không? Cái được mà mình vui đó đổi lại bao nhiêu nước mắt của kẻ bị mất. Hơn nữa, như trongcuộc sống hằng ngày, chúng ta làm cái gì gặp thời gặp thế, mua đâu đượcđó, bán đâu đắt đó, cái gì cũng hơn người, cái gì cũng được, khi đó mình vui quá, nhưng người khác thì sao? Thí dụ như ngày hôm qua mình muamón đồ giá một ngàn đồng, hôm nay bỗng dưng lên giá một ngàn rưỡi đồng,mình vui quá vì mình được lời nhiều, nhưng người bán cho mình hôm qua, người đó có buồn không? Tất nhiên là buồn, vì họ lỗ, họ thiệt thòi mà mình được vui. Như vậy cái được của mình là vui, mà cái vui của mình là cái buồn của kẻ khác.

Người Phật tử chúng ta nếu biết vui thì phải vui làm sao? Không phải vui trong cái được, mà vui trong cái lìa. Nghe nói thì quí vị buồn quá, lìa mà vui cái gì? Nhưng không ngờ lìa mới là vui. Người đời được là vui, trái lại người tu lìa mới là vui.Tại sao lìa là vui? Thí dụ như mình khi trước bị bệnh ghiền thuốc nó hành mình cay đắng, tốn tiền tốn bạc. Bây giờ mình bỏ được bệnh ghiền thuốc, có vui không? Lìa được bệnh ghiền đó là vui, mà vui đó có ai khổ không? Niềm vui đó làm cả nhà vui lây, phải không? Như vậy đó mới là cáivui thật. Hồi xưa mình say rượu mê man, nay quán này mai quán nọ, bao nhiêu tiền cũng không đủ. Bây giờ mình bỏ rượu tức lìa được rượu, gia đình mình vui không? Mình thắng được rượu, mình lìa được ghiền rượu, bảnthân mình vui mà gia đình cũng vui. Như vậy do lìa mà vui đó là người tu, do được mà vui đó là người đời. Khi mình biết tu, lìa những bệnh ghiền rượu, ghiền thuốc, ghiền á phiện, tất cả những bệnh ghiền mình bỏ được, đó là vui.

Xa hơn nữa, lìa được ngũ dục ở thế gian đó là nguồn vui chân chánh của người học đạo. Người tu thiền khi được định Sơ thiền gọi là ly sanh hỉ lạc. Ly tức là lìa, lìa cái gì? Lìacái mê đắm ngũ dục: sắc, thanh, hương, vị, xúc. Năm điều này mà mình lìa được không dính không nhiễm nữa gọi đó là ly. Lìa được ngũ dục rồi thì lòng mình khoan khoái nhẹ nhàng gọi là được định Sơ thiền: ly sanh hỉ lạc. Thí dụ khi trước mình có tật thích đi xem hát, có gánh hát nào lại gióng trống đi ra là mình nôn nao phải đi xem hát cho kỳ được. Bây giờ biết tu, khi nghe gánh hát gióng trống, mình nhất định thôi bỏ khôngđi xem hát. Cho đến khi gánh hát dọn đi mà mình cũng không bén mảng tớirạp hát. Đó là mình thắng hay mình thua? Mình lìa được cái mê xem hát, đó là mình thắng, mình cảm thấy vui. Cái vui đó có tốn hao xu cắc nào đâu, không tốn tiền, không tốn bạc mà mình được sự an ổn. Cái vui đó do lìa mà được. Do xa lìa ngũ dục, không bị nhiễm trước, chúng ta được vui,gọi đó là ly sanh hỉ lạc được định Sơ thiền.

Kế nữa người đời thích vui, vui trong cảnh nhộn nhịp, vui nơi chỗ đông đảo ồn ào. Thí dụ như chỗ nào là chỗ vui của người đời? Rạp hát, sân đá bóng, phòng trà v.v… Những chỗ đó có chỗ nào là yên tĩnh đâu, toàn là chỗ nhộn, chỗ ồn. Nhưng đó là nơi họ vui nên họ tìm tới. Nhưng cái vui ồn náo nhộn nhịp đó có lâu bền hay không? Thí dụ như nơi rạp hát, khi người hề họ khéo giễu làm cho mình cười, cười ồ lên, mình cười đến nôn ruột đi nữa, nhưng một lát khi ra về, rồi cũng hết cười. Mình chỉ cười được khi trước mắt mình thấy, lỗ tai mình nghe những chuyện họ khéo gợi, lúc đó mình vui. Ra khỏi nơi đó rồi, không được vui nữa, nhất là đi xem hát tới mười một giờ mười hai giờ đêm mới về, vừa đi dọc đường vừa buồn ngủ, lúc đó có vui không? Hết vui rồi. Hơn nữa nếu tiền bạc mình eo hẹp, khi xem hát ra về, túi tiền mình sao nó trống rỗng! Nhớ lại ngày mai không đủ tiền mua gạo, lúc đó có còn vui không? Cho nên cái vui mình muốn thấy, muốn được ở chỗ ồn náo, cái vui đó chỉ là vui nhất thời, tạm bợ, không có lâu bền.

Ngược lại, người học đạo, người biết tu không thích cái vui ồn ào mà lại thích vui trong yên lặng, ngồi nhữngnơi yên tĩnh, một mình nhìn trời, nhìn mây, ngắm hoa ngắm kiểng, lòng mình phơi phới nhẹ nhàng. Cái vui đó là vui của người trong đạo. Vì vậy người biết tu thiền lấy vui thiền định làm niềm vui của mình, cho nên gọi Nhị thiền là định sanh hỉ lạc. Do tâm được yên định sanh ra vui mừng, cái vui mừng đó có tốn hao gì không? Do tâm định, vui mừng phát ra, không có tốn hao gì cả. Vui trong yên định là cái vui sáng suốt, tỉnh táo, khỏe khoắn, an nhàn, không phải cái vui ồn ào, nhọc nhằn mỏi mệt. Vui ở chỗ nhộn nhịp làm cho mình mất sức khỏe, tiêu hao nghị lực, vừa tốn của vừa tốn công, vừa làm cho mình phải suy mòn sức lực. Vui củangười tu, nơi yên lặng, trong lúc thiền định, cái vui đó nhẹ nhàng thanh thoát, tâm hồn sáng tỉnh đó mới là cái vui chân thật.

Kế nữa, người đời vui trong mê lầm, không phải vui trong tỉnh giác. Mê lầm là sao? Thí dụ đánh bạc họ cho đólà vui. Cái vui đó có phải là vui thật không. Khi đánh mà ăn thì vui, nếu thua thì khổ. Mà đánh bạc trăm lần đều ăn hết hay sao? Như vậy cờ bạc là khổ mà người ta tưởng là vui, rồi phải tốn tiền khổ sở. Đến sòng bạc mà họ nói là đi mua vui, cái vui đó là vui trong mê lầm. Rồi đến uống rượu họ cho là vui. Thí dụ năm bảy người rủ nhau tới quán rượu, chén thù chén tạc, người nào người nấy say lúy túy, cái đó vui không? Người đời cho ăn nhậu là vui, nhưng khi say lúy túy rồi nôn mửa, có vui không? Ngồi quán uống rượu họ cho đó là vui nhưng sự thật là rượu làm cho sức khỏe tiêu mòn, tiền bạc tốn hao, tăng trưởng si mê. Như vậy có phải là vui trong mê lầm hay không?

Đối với người học đạo, người Phật tử, vui của mình là vui giác ngộ. Thí dụ đang ngồi thiền có vấn đề khi trướcmình không hiểu, nay bỗng dưng mình hiểu, hiểu đó thật là vui, có khi vui quá mình cười to lên… Đó là do giác ngộ mà vui. Hoặc khi mình đang đi, một vấn đề khi trước mình chưa thông, bỗng dưng tâm mình sáng ra mình hiểu được, lúc ấy vui không? – Rất là vui do giác ngộ mà vui. Cái vui đó có nhọc nhằn tốn hao gì đâu. Càng vui thì trí tuệ càng sáng phải không? Cái vui đó đưa chúng ta đến chỗ an lạc hoàn toàn vì đó là cái vuicủa giác ngộ giải thoát. Ngày xưa các vị Thiền sư ngồi tu, đến khi các ngài bừng ngộ, các ngài rất là hoan hỉ. Do giác ngộ mà các ngài hoan hỉ.Như vậy cái vui của người tu khác với cái vui của người đời. Người đời lấy mê lầm cho là vui, người tu do giác ngộ mà vui.

Thêm nữa, người đời vui trong ràng buộc. Ràng buộc là sao? Là thương yêu, quyến luyến. Thí dụ như bà nội cóđược một đứa cháu nội, nó chạy theo nắm tay bà nũng nịu, bà nội vui không? Hoặc đứa cháu ngoại nó chạy theo nói ríu rít đủ điều, bà ngoại thương không? Càng vui, càng thương, càng phải lo nhiều. Vì thương cháu quá, cho nên rồi lo cho nó ăn ngon, lo cho nó mặc đẹp… Lo hết con tới cháu, lo hoài đến ngày nhắm mắt cũng chưa xong. Vui như vậy là vui trongràng buộc.

Hơn nữa, người nào được nhiều người thương, người đó vui không? Thấy mình được thiên hạ quí trọng, kính nể, lúc đó là vui. Nhưng một người thương mình là một sợi dây trói buộc, haingười thương, là hai sợi dây, mười người thương là mười sợi dây… Thươngnhiều thì gỡ khó. Vậy mà người ta vui được thiên hạ thương, được thiên hạ chú ý, quí mình như ngọc như ngà v.v… Do đó, người đời càng vui, thì càng đắm mình trong sự trói buộc, trói buộc trong tình thương gia đình, tình thương con cháu tình thương những người chung quanh v.v… càng thương nhiều thì càng bị buộc nhiều!

Ngược lại người tu, nhất là người tu Phật, vui là khi giải thoát. Những gì ràng buộc, làm cho mình bị rối rắm, phải cắt bỏ nó đi. Cắt bỏ được một mối là vui mừng một mối. Cắt bỏ đây không có nghĩa là bỏ chồng bỏ con… mà cắt bỏ là bỏ những tình thươngkhông lợi ích mà còn gây thêm tai hại cho mình. Thí dụ như người đó vớimình không phải là thân thuộc mà họ nói những lời ngọt ngào, những lời thương yêu rồi mình tưởng họ thương thật, tự nhiên mình tự trói mình rồimình khổ.

Ở thế gian có những lời nói không đúng với tâm niệm, họ nghĩ một đàng mà nói một nẻo để cầu lợi, để nắm giữ những gì họ thích. Mình phải biết rõ những lời nói đó không phải thật, đừng để bị cột trói. Tình thương chân thật nhất là tình thương cha mẹ với con cái, mà có khi còn phai nhạt, có khi còn gặp những đứa con bất hiếu thay! Huống nữa là những người ngoài chắc gì họ thương mình thật, mà nghe nói họ thương, mình vui mừng thích thú, e rằng có ngày sẽ phải khổ. Vì vậy những tình cảm thương yêu quyến luyến vô tình trói cột làm cho mình phảikhổ! Người tu lấy sự giải thoát làm vui, không thể bị trói buộc bởi những tình cảm riêng tư và những ngũ dục bên ngoài.

Người đời nghĩ rằng cuộc đời mình phảiđược an vui hạnh phúc, nhưng từ thuở nhỏ cho đến hiện nay năm mươi, bảymươi tuổi, quí vị thấy đời mình vui nhiều hay khổ nhiều? – Khổ nhiều! Vì sao mình muốn vui mà lại khổ? – Vì mình muốn vui mà vui trên cái khổ của người khác, cho nên người khác cũng muốn vui mà vui trên cái khổ củachính mình. Vì sát phạt lẫn nhau để được vui, nên cái vui đó khó mà được vẹn toàn. Những người từ sòng bạc đi ra đâu phải ai ai cũng đều hớnhở. Trong mười người, độ hai người vui mừng, còn tám người thì âu sầu đau khổ. Như vậy tại sao người ta cứ đến sòng bạc mãi? Tám lần khổ chỉ có hai lần vui. Có khi đủ cả mười lần khổ là khác!

Ở đời nếu chúng ta tìm vui trong sự thắng người, trong cảnh nhộn nhịp v.v… thì cái vui đó chỉ là tạm bợ mongmanh, không lâu bền được. Chúng ta phải tìm những niềm vui chân thật ở đạo: vui khi thắng mình, lìa được những tật xấu; vui khi được ở chỗ yên tịnh, tâm hồn được an ổn; vui khi được tỉnh giác, thoát ly được những buộc ràng. Nếu sáng suốt chúng ta tìm cái vui chân thật, thì cái vui sẽ lâu dài bền bỉ, còn mê lầm chúng ta sẽ đuổi theo những cái vui giả dối thì vui ít mà khổ nhiều. Mong rằng quí vị luôn luôn sáng suốt để được anvui hạnh phúc mãi mãi.

Để kết thúc buổi nói chuyện hôm nay chúng tôi đọc bốn câu kệ sau đây để quí vị dùng làm kim chỉ nam trong năm mới:
Nguồn vui mãi vô tận,
Khi nhìn ánh nguyệt chân.
Nơi nơi đều cực lạc,
Phút phút hiện chân thân.
Nguồn vui mãi vô tận, là nguồn vui nào?

Khi nhìn ánh nguyệt chân: Khi nhìn thấy mặt trăng thật, là mặt trăng nào? Trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật nói mặt trăng thật và mặt trăng thứ hai, chúng tôi nói thêm nữa là bóng mặt trăng. Mặt trăng chân thật chỉ tâm thể bất sanh bất diệt của mình, mặt trăng thứ hai chỉ cái chân thể đó hiện nơi sáu căn, còn bóng mặt trăng là chỉ ý thức duyên với pháp trần. Muốn được nguồn vui vô tận là khi nào mình thấy được mặt trăng chân thật. Khi ấy thì thế nào?
Nơi nơi đều cực lạc: Nơi nào cũng cực lạc, không phải chỉ riêng cõi Tây phương.
Phút phút hiện chân thân: Phút nào cũng hiện cái thân chân thật.
Chúng tôi xin chúc tất cả quí Phật tử sangnăm Mậu Thìn này được một nguồn vui vô tận khi nhìn thấy mặt trăng thật, rồi nơi nào cũng là cực lạc, giờ nào cũng là Niết-bàn. Đó là lời chúc lành của chúng tôi gởi đến quí vị.
NAM-MÔ BỔN-SƯ THÍCH-CA MÂU-NI PHẬT.


TIỆC TRÀ CUỐI NĂM

TẤT NIÊN MẬU THÌN 1989

Hôm nay là buổi lễ cuối năm để chúng ta chuẩn bị sang năm mới. Nó có ý nghĩa của buổi lễ tất niên và cũng là buổi lễ đón giao thừa…

Trước khi uống trà và dùng bánh mứt, chúng tôi kể một câu chuyện và nêu lên câu hỏi. Ai trả lời đúng, người đó đượcdanh dự khai mạc buổi lễ.

Câu chuyện đó như sau:

“Thiền sư Huệ Minh, đệ tử ngài Pháp Nhãn, khi Ngài làm Trụ trì, một hôm có hai Thiền khách đến tham vấn. Ngài hỏi:

- Quí vị ở đâu đến?

Thiền khách đáp:

- Chúng tôi ở Thành đô.

Ngài bảo:

- Thượng tọa rời Thành đô đến núi này, thì ởThành đô thiếu Thượng tọa, ở núi này dư Thượng tọa. Nếu dư thì ngoài tâm có pháp, nếu thiếu thì tâm pháp không trùm khắp. Đáp được thì ở, đápkhông được thì đi.”

Bây giờ quí vị thử đáp dùm câu đó.

Thầy Thông Phương xin đáp trước:

- Chỉ thế ấy thôi, nói gì thiếu với dư.

- Tôi chưa chấp nhận. Ai đáp nữa?

Thầy Trụ trì Thiện Pháp nói nhanh:

- Huệ Minh! Huệ Minh!

- Tôi cũng chưa chấp nhận. Ai có câu đáp nào khác?

Dè dặt rồi, thôi tôi đáp thế cho: Tôi vẽ mộtvòng tròn (Thầy Viện chủ đưa tay lên vẽ một vòng tròn). Quí vị bằng lòng không? Sự thật như vậy thôi: Tròn đồng thái hư, không thiếu không dư.

- Ông Trụ trì thay tôi khai mạc bữa tiệc, rồi tôi sẽ nói chuyện

TÌM LẠI MÌNH, BIẾT ĐƯỢC MÌNH LÀ TRÊN HẾT
TẤT NIÊN MẬU THÌN 1989

Đề tài chúng tôi nói chuyện hôm nay là: “Tìmlại mình, biết được mình là trên hết.” Đề tài này, mới nghe qua quí vị thấy quá đơn giản, nhưng thật là thiết yếu trong cuộc sống của chúng ta.

Chúng ta ai ai cũng có thói quen chạy ra bênngoài, tìm kiếm bên ngoài. Vì thế chúng ta hiểu biết rất nhiều việc bênngoài , nhưng khi trở lại tìm hiểu bản thân mình, con người mình thì rất là thiếu sót. Nói như vậy không có nghĩa là chúng tôi phủ nhận ngànhy khoa nghiên cứu về con người. Ở đây tôi muốn nói con người chúng ta còn có một giá trị khác hơn nữa. Ngoài cái thân hiện đang đi đứng nằm ngồi này, còn một cái gì nơi chúng ta mà chúng ta cần tìm hiểu. Vì thế xoay lại mình tìm cho ra cái chân thật của chính mình là điều tối quan trọng. Nếu không, thì đời sống chúng ta trở thành lạt lẽo vô vị. Chẳng lẽ chúng ta sống chỉ để ăn mặc ngủ nghỉ... rồi chờ đến ngày chết sao? Chúng ta cần phải biết: Sống còn có cái gì cao siêu hơn ở bên trong. Vì chúng ta cứ phóng ra bên ngoài nên mất mình mà không biết. Vì vậy chúng tôi mới nhắc quí vị phải: Tìm lại mình, biết được mình là trên hết.

Lâu nay người ta hiểu lầm cho rằng đạo Phật là huyền bí, cao siêu, nhưng thật ra đạo Phật rất là thật tế, vì luôn luôn chủ trương xoay lại tìm con người chân thật của chính mình. Biết được mình chẳng phải là điều rất thật tế hay sao? Các cơ quan của chúng ta như mắt, tai, mũi, lưỡi... quen phóng ra bên ngoài để tìm hiểu, phân tích, mà quên nhìn lại nơi mình. Vì lẽ đó trong nhà thiền có dạy: phản quan tự kỷ bổn phận sự, nghĩa là xoay lại chính mình mới là bổn phận chánh.

Nếu chúng ta biết được tất cả bên ngoài, mà không biết tígì về chúng ta, đó là một thiệt thòi lớn lao. Người thế gian khi làm điều gì đều muốn được thành công, nhưng sự thành công đó kéo dài lắm cũng chỉ năm ba mươi năm rồi cũng phải buông, không giữ được mãi mãi. Chỉ có cái chân thật của chính mình mới lâu dài vĩnh cửu. Nghĩ mới hôm nào chúng ta đôi ba mươi tuổi mà ngày nay đã già rồi, đời sống con ngườingắn ngủi làm sao! Chẳng bao lâu rồi đến giờ phút cuối cùng! Vì vậy tấtcả của cải thế gian nếu chúng ta nghĩ là nguồn hạnh phúc, nguồn an vui tuyệt đối, thì điều này không hợp với lẽ thật. Chỉ có biết rõ được mình mới là điều quan trọng và thật tế.

Lấy ví dụ cho dễ hiểu: Như người ở thế gian họ rành rẽ việc của làng xóm, của đất nước, của thế giới, nhưng việc trong nhà họ không biết tí nào, thì người đó có thiếu thật tế hay không? Việc trong nhà là nơi gốc họ sống mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm, mà họ không biết, chỉ biết chuyện bên ngoài, quả là thiếu thật tế lắm vậy. Nếu chúng ta biết tất cả, cho đến những vì sao xaxôi trên bầu trời, đó cũng chỉ là biết bên ngoài. Nếu chúng ta quay lạibiết được chính mình, đó mới là điều cần thiết.

Hiện giờ có nhiều người thường nói cái gì cũng mình, cũng tôi, cũng ta. Nhưng thử hỏi, cái gì là mình, là ta, thì khó trả lời cho thông được. Nếu nói thân này là mình, khi chưa có thân là chưa có mình sao? Nếu có thân rồi mai kia thân hoại thì mình ở đâu? Nếu nói thân này là mình, thân này do đất nước gió lửa họp thành, đúng ra là vô tri, chẳng lẽ mình lại vô tri hay sao? Nếu nói thân này có cả phần tinh thần lẫn vật chất, thì phần nào là mình? Tinh thần hay vật chất? Những điều đó rất là thiết yếu mà ít người quan tâm đến! Chúng ta cứ mải lo tìm sanh kế, sống ngày này qua ngày khác, cuối cùng từ giã cuộc đời. Rồi ngang đó chúng ta không biết ra sao nữa, đó là điều thật đáng buồn. Vì vậy người tu là biết quay lại tìm cho ra: Mình là cái gì? Là thân tứ đại này chăng? Là những tình cảm vui buồn thương ghét chăng? Hay là cái gì cao siêu hơn nữa? Chúng ta tu cốt phải làm sao thấy được con người mình, con người chân thật.

Chúng tôi xin dẫn bài kệ của một Thiền sư cưsĩ, ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ, đời Trần. Ngài làm bài kệ soi lại mình, nhan đề là “Chiếu Thân”.

Tiêu đầu lan ngạch bị kim bào,

Ngũ thất niên gian thị xưởng tào.

Túng giả siêu quần kiêm bạt tụy,

Nhất hồi phóng hạ nhất hồi cao.

Bài dịch:

Soi Thân

Sém đầu dập trán bởi đua chen,

Năm bảy mươi năm kiếp ngựa hèn.

Ví thực bạt siêu ngoài thói tục,

Một lần buông xuống một lần lên.

Trúc Thiên

Sém đầu dập trán bởi đua chen: Trải qua bao nhiêu thời gian chạy theo thế tục làm cho đầu phải sém, trán phải dập, cũng bởi đua chen với đời, rốt cuộc rồi không tới đâu, vất vả nhiều mà kết quả không bao nhiêu, cho nên nói:

Năm bảy mươi năm kiếp ngựa hèn: Như con ngựa yếu, chúng ta trải qua năm bảy mươi năm mệt mỏi cũng không được gì!

Ví thực bạt siêu ngoài thói tục: Nếu thật vượt ra được ngoài thói tục, tức là thói đua chen giành giựt, thì sẽ ra sao?

Một lần buông xuống một lần lên: Vì sao buông xuống lại được lên? Vì buông đi một gánh nặng là chúng ta nhẹ bớt một phần. Nếu buông nhiều chừng nào chúng ta càng nhẹ chừng nấy, cho nêncàng buông thì càng lên. Nếu chúng ta giành giựt tranh đua nhau mãi, chỉ là làm khổ cho nhau, chớ có lợi ích gì! Biết nhường nhịn nhau, biết trở lại tìm mình, và vượt ra ngoài thói tục, chúng ta sẽ buông xả những tranh đua giành giựt. Lúc ấy chúng ta sẽ cảm thấy nhẹ nhàng siêu thoát. Là người biết tu, biết học đạo, chúng ta phải trở lại mình, thấy rõ mình, đó là điều hết sức thiết yếu.

Biết được mình có giá trị gì?

Thí dụ: Có người muốn bất cứ điều gì trong cuộc đời như tiền tài danh vọng, họ đều được toại nguyện, người đó được hạnh phúc chưa? Mới nhìn qua tưởng chừng như họ được đại hạnh phúc vậy. Nhưng đến khi cái chết gần kề, họ muốn sống cũng không được, thì lúc đó đau khổ ngần nào! Họ được tất cả sự vật bên ngoài, mà ngay bản thân họ, họ không tự cứu được, cũng không ai cứu họ được. Như vậy tất cả sự vật bên ngoài đối với họ, còn có giá trị hay không? Còn có người tuy tiền của không bao nhiêu, đời sống rất đạm bạc nhưng họ đã thấy rõ được họ, biết cái gì là thật, cái gì là hư. Đời của họ có một chỗ tựa, có một chỗđứng vững vàng không còn hồi hộp, lo sợ gì nữa. Họ sống an nhàn tự tại,không còn sợ ngày mai khi chết rồi sẽ ra sao? Họ tự thấy mình một cách rõ ràng tỉnh táo, biết mình sẽ không còn phải đau khổ nữa, không còn phải sa vào ba đường ác: địa ngục, ngạ quỉ và súc sanh. Chính mình biết được mình, đó mới là cái giá trị cao nhất của cuộc đời.

Trong kinh Pháp Hoa có nói thí dụ: Có một ông vua sai binh tướng đi đánh giặc. Khi binh tướng thắng trận trở về, nhà vua thưởng cho vị tướng tài giỏi nhất một hòn ngọc Ngài cất trong búi tóc. Còn những tướng thường chỉ được tặng những vật phẩm thường thôi! Trong câu chuyện này nhà vua dụ cho đức Phật, vị tướng tài giỏi nhất dụ cho những Bồ-tát đã ngộ được Tri kiến Phật trong hội Pháp Hoa, nên được tặng cho hạt minh châu. Ngộ được Tri kiến Phật tức là thấy đượcchính mình, đó là điều quan trọng nhất. Biết được mình mới là giá trị cao nhất trong cuộc đời. Nhưng con người mà mình tìm được, mình biết được là con người nào? Chúng tôi gọi đó là con người chân thật. Còn con người nặng bốn mươi năm mươi ký là con người tạm bợ, chỉ sống mấy mươi năm rồi tan rã. Chỉ có con người chân thật mới không bị hủy hoại, không bị tiêu mất.

Con người chân thật đã từng được nói đến trong kinh Phật, từ những kinh Nguyên thủy cho đến kinh Đại thừa và Thiền tông (thật ra kinh Nguyên thủy không xác định rõ về con người chânthật. Chúng tôi sẽ giải thích tại sao trong phần sau).

Trước hết chúng tôi dẫn những kinh Nguyên thủy. Trong kinh A-hàm hay các bộ Nykàya, đức Phật thường dạy: Nếu diệt hết tham sân si, dẹp hết các phiền não thì mầm sanh tử dứt, gọi là được giải thoát hay là nhập Niết-bàn. Trong kinh Phật chủ trương vô thường, khổ, không, vô ngã. Nếu vô ngã, khi nói giải thoát, nếu nhập Niết-bàn thì cái gì giải thoát, cái gì nhập Niết-bàn? Đó là một vấn đề mà đa số người học Phật đều thắc mắc. Thật ra thời đức Phật, đức Phật phải đương đầu với giáo lý Bà-la-môn.

Giáo lý này chủ trương có thần ngã, người tu chín chắn sau khi chết, thần ngã sẽ nhập vào Đại ngã hay còn gọi là trời Đại Tự Tại hay là Phạm Thiên. Thần ngã trong đạo Bà-la-môn là cái hiểu biết, cái suy tính của con người cũng giống như linh hồn mà dân chúng bình dân thường tin tưởng. Để phá chấp về thần ngã hay linh hồn, đức Phật thuyết lý vô ngã. Nói vô ngã là để phá chấp hữu ngã của Bà-la-môn, vì chấp như thế không thể đến được cái chân thật.

Nhữngsuy nghĩ, phân biệt, hiểu biết là hiện tượng của thần ngã, tức là tướngsanh diệt, mà cho rằng nó không sanh có diệt, đó là điều sai lầm. Vì vậy Phật nói cái đó không phải là ngã. Nếu nói giải thoát, nói nhập Niết-bàn là cái ngã giải thoát, cái ngã nhập Niết-bàn, thì người ta sẽ hiểu lầm đó là cái ngã của Bà-la-môn. Vì vậy đức Phật chỉ nói giải thoát, chỉ nói nhập Niết-bàn, mà không nói chủ từ: Cái gì giải thoát cáigì nhập Niết-bàn. Đức Phật dạy chúng ta đừng chấp, để chúng ta tu hành giải thoát, đến đó rồi sẽ biết.

Chúng ta không khỏi thắc mắc: Nói giải thoát, nói nhập Niết-bàn, là phải có chủ từ, có cái gì giải thoát, có cái gì nhập Niết-bàn. Thí dụ như nói được mở trói, được mời vào nhà sangtrọng, thì phải có ai được mở trói, ai được mời vào nhà sang trọng. Chẳng lẽ chỉ có động từ mà không có chủ từ? Sở dĩ đức Phật không nêu lêncon người chân thật - nghĩa là do đạt được con người chân thật mà chúngta giải thoát, do đạt được con người chân thật mà chúng ta nhập Niết-bàn - là để tránh cái lỗi chấp là thần ngã như bên Bà-la-môn. Nếu lầm chấp cái được giải thoát, được Niết-bàn là thần ngã thì không giải thoát. Vì vậy các kinh Nguyên thủy không nói ai được giải thoát, ai đượcNiết-bàn.

Tuy nhiên, đức Phật không phải không nói về vấn đề ấy, chúng tôi xin dẫn một đoạn trong kinh Nguyên thủy: Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo, có sự không sanh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi. Này các Tỳ-kheo, nếu không có cái không sanh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi, thời ở đây không thể trình bày sự xuất ly khỏi sanh, hiện hữu, bị làm, hữu vi. Vì rằng, này các Tỳ-kheo, có cái không sanh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi nên có sự trình bày sự xuất ly khỏi sanh, hiện hữu, bị làm, hữu vi.” Đoạn này được tríchtrong kinh Phật Sở Thuyết, trang 382 của Tiểu Bộ Kinh, Pali, do Hòa thượng Minh Châu dịch. Trong đoạn kinh này đức Phật xác nhận có cái không sanh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi. Vì có cái đó chonên mới có xuất ly, tức là có giải thoát. Đức Phật xác nhận rõ ràng có cái không nói tên, nhưng chúng ta ngầm hiểu đó là con người chân thật của chúng ta.

Qua đến kinh điển Đại thừa, con người chân thật được nêu lên rất rõ ràng. Trong kinh Kim Cang, Phật có nói bài kệ:

Nhược dĩ sắc kiến ngã

Dĩ âm thanh cầu ngã

Thị nhân hành tà đạo

Bất năng kiến Như Lai

Dịch:

Nếu do sắc thấy ta

Do âm thanh cầu ta

Người ấy hành đạo tà

Không thể thấy Như Lai

Chữ “Ta” trong bài kệ chỉ cái gì? Nếu “ta” chỉ hình tướng đức Phật khi còn tại thế ở Ấn Độ, thì hình tướng đó ngày nay không còn nữa. Nếu “ta” chỉ cái khi đức Phật nhập Niết-bàn thì cũng không hợp lý. Chữ “Ta” (ngã) trong bài kệ chỉ cái ta mà mọi người sẵn có, cái ta đó còn gọi là pháp thân hay Phật tánh. Kinh điển Đại thừa nóicái thân hiện có của chúng ta là cái thân tạm bợ giả dối.

Ngay trong cái thân tạm bợ giả dối này có cái chân thật bất sanh bất diệt, gọi là pháp thân hay Phật tánh. Chữ “ngã” là chỉ cho pháp thân. Pháp thân không phải là sắc tướng; cho nên không do sắc mà thấy. Pháp thân không phải là âm thanh, cho nên không do âm thanh mà cầu. Sắc tướng âm thanh là tướng sanh diệt tạm bợ, nếu dùng sắc tướng âm thanh mà cầu gọi là hành đạo tà, không thể thấy được pháp thân, cho nên nói: Không thể thấy Như Lai, Như Lai là chỉ cho pháp thân. Kinh điển Đại thừa nêu lên cho chúng ta thấy mỗi người đều sẵn có pháp thân.

Ngày xưa khi còn ở Phật học đường, chúng tôi thắc mắc không hiểu vì sao các nhà tạc tượng ở Việt Nam, khi tạc hình đức Phật lại giống người Việt Nam. Chẳng lẽ các vị ấy không biết đức Phật là người Ấn Độ hay sao? Ở Trung Hoa cũng vậy, hình đức Phật giống người Trung Hoa, ở Nhật Bản hình đức Phật giống người Nhật Bản... vì saocác nhà điêu khắc lại tạc tượng như vậy? Đó là điều thắc mắc của chúng tôi.

Ngày nay khi học kỹ kinh điển Đại thừa rồi, chúng tôi mới biết tinh thần Đại thừa không thừa nhận đức Phật với ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp như ở Ấn Độ, mà luôn luôn đề cao Phật pháp thân. Phật pháp thân là tánh giác mỗi người sẵn có. Con người dù ở Trung Hoa, ởNhật Bản hay ở Việt Nam, ai cũng có tánh giác như đức Phật ở Ấn Độ. Nếuchúng ta khéo tu, khéo chuyển thì mai kia chúng ta cũng giác ngộ thành Phật như Ngài.

Các nhà điêu khắc, hiểu được lý này, nên tạc hình đức Phật giống như người của nước mình. Đó là để nói lên tinh thần Đại thừa, chỉ thấy Phật là Phật pháp thân. Phật pháp thân thì ở nơi nào cũng có, chớ không riêng ở quốc độ nào. Chỉ có người nhận được cái chân thật nơi mình, ngoài âm thanh, ngoài sắc tướng, mới có thể thấy Như Lai,tức là Phật pháp thân.

Trong nhà thiền, con người chân thật còn được gọi là Bản lai diện mục hay là ông chủ. Trường hợp Lục tổ Huệ Năng khi nhận được y bát của Ngũ Tổ rồi, Ngài rời Huỳnh Mai ra đi. Có một đoàn người dẫn đầu là Thượng tọa Huệ Minh đuổi theo để đoạt lại y bát...Nhưng khi Thượng tọa Minh gặp Lục Tổ rồi, thưa rằng: “tôi đến đây vì cầu pháp, chớ không phải giành lại y bát”, Lục Tổ bảo: “Nếu muốn cầu pháp, ông hãy bình tĩnh lắng tâm nghe tôi hỏi.” Thượng tọa Minh yên lặnggiây lâu, Lục Tổ mới hỏi: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục của Thượng tọa Minh?” Ngay đó ngài Huệ Minh ngộ, Ngài ngộ cái gì? Ngài ngộ cái bản lai diện mục. Bản lai là xưa nay, diện mục là mặt mắt, tức là bộ mặt sẵn có của mình từ xưa đến giờ. Cái đó chúng tôi còn gọi là con người chân thật.

Trong sử các Thiền sư Trung Hoa, có Thiền sưSư Nhan, Ngài thường ngồi tu trên tảng đá, ngồi một lát, Ngài thấy có hơi lơ là, bèn tự gọi: “Ông chủ!” Rồi ứng thanh: “Dạ!” Bèn bảo tiếp: “Tỉnh tỉnh, đừng bị người lừa nghe!” Lâu lâu Ngài tự gọi rồi tự đáp. Tu như vậy, về sau Ngài trở nên một Thiền sư nổi danh thời bấy giờ.

Danh từ ông chủ, hay danh từ Bản lai diện mục, trong nhà Thiền thường hay nhắc đến, là để chỉ cái chân thật sẵn cónơi mọi người chúng ta. Rất tiếc vì chúng ta không nhận thấy, hay vì chúng ta quên nên không sống được với cái chân thật đó. Vì vậy đức Phật bảo chúng ta mê, mê là quên mình có con người chân thật, rồi đuổi theo, lo lắng cho con người tạm bợ giả dối, đến khi con người tạm bợ sắp tan rã lại hoảng sợ cuống cuồng lên, không biết rồi mình sẽ ra sao? Ngộ là thấy được con người chân thật của mình, và hằng sống với cái chân thật ấy, đó là nguồn hạnh phúc vô cùng, cho nên gọi đó là Niết-bàn, là an lạc, là giải thoát.

Muốn biết được ông chủ của mình hay là con người chân thật của mình, việc đó dễ hay khó? Thật là thiên nan vạn nan.Chúng tôi dẫn bài kệ của một Thiền sư Việt Nam đời Lý, ngài Ngộ Ấn. Khisắp thị tịch, Ngài có làm bài kệ:

Diệu tánh hư vô bất khả phan,

Hư vô tâm ngộ đắc hà nan.

Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận,

Liên phát lô trung thấp vị càn.

Dịch:

Diệu tánh rỗng không chẳng thể vin,

Rỗng không tâm ngộ việc dễ tin.

Tươi nhuần sắc ngọc trong núi cháy,

Lò lửa hoa sen nở thật xinh.

Trong lò lửa cháy hực, một hoa đang nở tươi thắm, điều đó có tin được hay không? Thật là khó tin. Tuy khó tin mà có thật, mới là lạ chứ! Thân chúng ta từ hình thức vật chất đến phần tinh thần nghĩ suy tính toán, đều luôn luôn sanh diệt đổi thay. Nhưng trong cái sanh diệt đổi thay đó, có cái chưa bao giờ sanh diệt đổi thay. Chínhcái đổi thay, cũng còn gọi là vô thường, đức Phật ví như là lửa, vì lửađốt cháy làm sự vật phải tiêu mòn.

Vì vô thường nên con người chúng ta luôn luôn thay đổi, từ trẻ đến già, từ già đến chết, thay đổi không bao giờ dừng. Thân, tâm chúng ta đều vô thường. Trong cái vô thường đó, muốn tìm cái không vô thường, rất khó mà tìm được, chẳng khácnào trong lò lửa mà có một đóa hoa sen đang nở tươi thắm, không bao giờbị khô héo. Điều này tuy khó tin mà có thật. Thấy được điều này thật làhãn hữu.

Thấy được rồi, chúng ta hết còn lo sợ cho cuộc sống của mình vì chúng ta còn có chỗ tựa, còn có cái miên viễn không bao giờ mất. Thân này, cảnh này dù có mất đi, nhưng cái chân thật nơi chúng ta luôn luôn hiện hữu, có mất bao giờ! Vì thế đối với sanh tử, các vị đạt đạo thấy như trò chơi, còn chúng ta chưa thấy đạo nên khi thân này tan hoại, chúng ta lo sợ kinh hoàng. Nếu còn sống thêm năm mười năm nữa, chúng ta vui mừng vô hạn. Còn trong cái vô thường, mất trong cái vô thường mà mừng sợ làm gì? Có cái chưa bao giờ bị vô thường, chưa bao giờbị mất, chúng ta lại không thấy.

Vì thế cái không vô thường, không tan hoại được ví như hòn ngọc quí trên ngọn núi đang cháy, lửa cháy hừng hực mà hòn ngọc vẫn tươi nhuần, cũng như hoa sen trong lò lửa hực mà vẫn tươi thắm. Hình ảnh trái ngược này, người thế gian không bao giờ tưởng tượng được nhưng người tu Phật lại thấy được điều đó. Vì thế người tu còn gọi là người xuất thế gian, tức là người vượt qua sự tưởng tượng, sự nghĩ bàn của thế gian. Thật vậy người tu Phật khi công phu được viên mãn rồi, thì thấy rõ điều đó không nghi ngờ.

Trong hai câu đầu của bài kệ, ngài Ngộ Ấn dạy chúng ta:

Diệu tánh rỗng không chẳng thể vin,

Rỗng không tâm ngộ việc dễ tin.

Tánh nhiệm mầu rỗng không, không có thể vin theo, hay nắm bắt được. Muốn ngộ được diệu tánh ấy, tâm mình phải rỗng rang, không còn những ý niệm lăng xăng dao động. Nhưng hiện nay tâm mìnhlúc nào cũng đầy chặt cho đến tràn trề. Muốn tâm được rỗng rang, chúng ta phải buông hết đi, ném sạch hết đi, thì mới thấy cái chân thật rỗng rang đó.

Tươi nhuần sắc ngọc trong núi cháy,

Lò lửa hoa sen nở thật xinh.

Khi tâm mình được rỗng rang thanh tịnh rồi, chúng ta mới thấy ngay nơi thân vô thường này có cái chân thật không vô thường, giống như trong ngọn núi đang cháy có hòn ngọc tươi nhuần, tronglò lửa hừng hực có một đóa hoa sen xinh tươi đang nở. Điều này rất khó tin, nhưng có thật, nếu chúng ta khéo tu, khéo ứng dụng thì sẽ thấy được, chắc chắn không nghi ngờ.

Chính đức Phật Ngài đã sống được với cái diệu tánh chân thật ấy nên Ngài ung dung tự tại trước mọi hoàn cảnh. ChưTổ khi xưa, các Ngài cũng thấy được và sống được với cái chân thật đó, cho nên việc sanh tử đối với các ngài như một trò chơi, không có nghĩa lý gì!

Ở Trung Hoa, Thiền sư Tỉnh Niệm, còn gọi là Thủ Sơn Niệm hay là Niệm Pháp Hoa, khi sắp tịch Ngài có nói bài kệ bốn câu như sau:

Bạch ngân thế giới kim sắc thân,

Tình dữ phi tình cộng nhất chân.

Minh ám tận thời câu bất chiếu,

Nhật luân ngọ hậu kiến toàn thân.

Dịch:

Thế giới bạch ngân thân sắc vàng,

Tình với phi tình một tánh chân.

Tối sáng hết rồi đều chẳng chiếu,

Vầng ô vừa xế thấy toàn thân.

Khi Ngài thấy được con người chân thật của mình rồi thì cái thân vô thường bại hoại này có mất đi, chẳng qua như bọt nước dưới biển tan ra rồi trở về biển chớ có mất mát gì đâu. Cho nênnói trời xế là khi Ngài tịch, Ngài sẽ thấy được toàn thân của Ngài chớ không có mất.

Ở Việt Nam, Thiền sư Liễu Quán (?-1743) có nói bài kệ:

Thất thập dư niên thế giới trung,

Không không sắc sắc diệc dung thông.

Kim triêu nguyệt mãn hoàn gia lý,

Hà tất bôn man vấn tổ tông.

Dịch:

Hơn bảy mươi năm ở cõi trần,

Không không sắc sắc thảy dung thông.

Hôm nay nguyện mãn về quê cũ,

Nào phải bôn ba hỏi tổ tông.

Đối với Ngài khi thân này tan hoại, đó là lúc trở về quê cũ, không có gì mất mát, không có gì phải âu lo buồn khổ.Thấy đạo tức là thấy mình có con người chân thật rồi thì sự sống chết đối với Ngài là một trò chơi không còn quan trọng nữa, vì thế Ngài ra đithảnh thơi tự tại, không có sợ sệt gì cả. Còn chúng ta vì chưa thấy đạo, chưa thấy cái chân thật nơi mình, nên khi mất cái thân giả tạm này,chúng ta phải hoảng sợ, lo âu không biết rồi thân phận mình sẽ ra sao? Và chúng ta buồn khổ tiếc nuối cái thân này...

Trở lại chuyện thật tế hơn, chuyện của phàm phu: Như tôi là một phàm tăng, sanh trong thời mạt pháp, lại thêm phước mỏng nghiệp dầy, nhưng trên đường tu với tâm cố gắng mãnh liệt, tôi vẫn tin được mình có con người chân thật, lòng tin của tôi kiên cố không có chút nghi ngờ. Chúng tôi không nói vấn đề tu chứng chi cả, chỉ nói lòng tin vững chắc: Nơi tôi có con người chân thật.

Ngày trước tôi có mặc cảm là tôi không có được phước duyên như quí Hòa thượng đi tu từ thuở nhỏ, năm bảy tuổi, haymười một mười hai tuổi. Đến năm ngoài hai mươi tuổi tôi mới xuất gia, kể ra là quá muộn rồi, thật là phước mỏng nghiệp dầy! Khi vào chùa tôi được biết là mình tu nhằm thời mạt pháp, chắc không sao tiến nổi. Tu là để gieo duyên lành cho đời sau tiếp tục, chớ không có chút hy vọng gì tìm ra đạo lý cao siêu! Các Thầy Tổ của chúng tôi thường nhắc: “Mình sanh thời mạt pháp, thôi thì dùng Lục tự Di-đà, niệm Phật rồi sau Phật rước về nước của Ngài. Qua được bên ấy, dù là hàng hạ sanh, hạ phẩm cũngcòn vui hơn ở cõi ta- bà đau khổ này.” Yên lòng như vậy, tôi không nghĩgì hơn là cố gắng gieo chút duyên lành với Phật pháp.

Tuy nhiên tôi có thói quen là làm việc gì cũng không dám tự mãn. Dù Thầy Tổ có dạy như vậy, nhưng khi học kinh điển, tôi thấy đức Phật do ngồi thiền mà thành đạo. Tôi không chấp nhận niệm Phật để được về nước Phật làm con dân của Ngài, như vậy chắc là buồn lắm. Vì thế tôi mò mẫm cố làm sao thấy được điều mà Phật đã dạy. Chúng tôi thấy rõ ràng là đức Phật do ngồi thiền dưới cội bồ-đề mà được giác ngộ, chớ không phải niệm Phật mà được giác ngộ.

Vì vậy noi gương Ngài, tôi tập ngồi thiền. Nhưng khổ nỗi, ai dạy mình ngồi, đọc sách nào đây? Tôi mới lục trong Tạng Kinh, đọc thêm các sách Thiền tông.Sao mà khó hiểu quá! Tôi rất bi quan, đúng là mình sanh thời mạt pháp, không có phương cách nào tiến tu nổi! Nhưng tôi có niềm tin vững chắc làmình phải tu thiền mới mong đạt đạo, vì đó là con đường của Phật và chưTổ đã đi. Thế nên tôi quyết chí tu thiền, mặc sự việc sẽ ra sao.

Tôilấy bản thân mình làm thí nghiệm, sống được cũng tốt, mà chết đi cũng tốt. Chớ vô lý làm sao, đức Phật tu một đàng, mình lại tu một nẻo. Và sau đó khi bắt đầu thật hành, chúng tôi phải dọ dẫm lần hồi vì không có thầy, không có bạn hướng dẫn đàng hoàng. Nhờ hồng ân của Phật Tổ chúng tôi thấy được một chút đạo lý để giữ vững niềm tin mình có một con ngườichân thật. Và chúng tôi khẳng định điều đó không còn nghi ngờ gì nữa. Giả sử bây giờ có bao nhiêu lý luận nào hay thế mấy mà nói rằng không cócon người chân thật, tôi vẫn lắc đầu không bao giờ chấp nhận. Tôi vẫn tự ví mình như ngài Đại Mai Pháp Thường.

Ngài Pháp Thường sau khi tham vấn Mã Tổ rồi,Ngài về núi Đại Mai cất am ở ẩn. Mã Tổ nghe tin Ngài ở núi mà không biết Ngài ngộ cái gì, cho nên sai một vị Tăng đến thăm dò. Vị Tăng đến hỏi:

- Ngài gặp Mã Tổ đã được cái gì mà về ở núi này?

Ngài đáp:

- Tôi chỉ nghe Mã Tổ nói “tức tâm tức Phật”, tôi nhận được lý đó nên về ở núi này.

Vị Tăng nói:

- Gần đây Mã Tổ lại nói: “phi tâm phi Phật”.

Ngài nói:

- Ông già mê hoặc người, mặc ông nói: “phi tâm phi Phật” tôi chỉ biết “tức tâm tức Phật” thôi. Nghe nói câu đó, vị Tăng trở về bạch lại với Mã Tổ.

Mã Tổ nói với đại chúng:

- Trái Mai đã chín.

Như vậy “chín” là sao? Tức là được lòng tin không thối chuyển. Chính Mã Tổ là thầy của Ngài, đã nói “tức tâm tức Phật” mà bây giờ Mã Tổ đổi lại “phi tâm phi Phật”. Mặc ông già mê hoặc người, Ngài chỉ biết “tức tâm tức Phật”. Chính lòng tin đó khiến Ngài tuhành không thối chuyển.

Tuy chúng tôi tu không bằng ngài Đại Mai, nhưng chúng tôi cũng tin chắc rằng nơi mình có cái không sanh không diệt. Dù có ai nói gì đi nữa tôi vẫn khẳng định rằng nơi mình có con người chân thật bất sanh bất diệt. Vì có con người chân thật đó chúng tamới giải thoát, chúng ta mới nhập Niết-bàn. Nếu không thì ai giải thoát? ai nhập Niết-bàn? Cái chân thật nơi mình không phải là điều xa xôi huyền bí mà rất là thật tế.

Nếu chúng ta chịu khó dụng tâm nghiền ngẫm thì sẽ thấy được điều đó không nghi ngờ. Khi thấy được cái chân thật rồi, dù chúng ta chưa làm chủ thân này, dù chúng ta chưa được tự tại trong sanh tử, song chúng ta không phải khổ đau khi mất nó. Riêngtôi, tuy chưa làm chủ được thân, nhưng tôi tin chắc rằng mất thân này tôi không lo sợ. Và những ai có chí tu hành cũng đừng mặc cảm như tôi ngày trước, cho rằng mình sanh thời mạt pháp, phước mỏng nghiệp dầy... mà phải thấy rằng chúng ta còn có duyên với đạo, cho nên ngày nay chúng ta mới phát tâm tu hành, chúng ta mới được sự nhắc nhở của thầy của bạn và đọc được bao nhiêu kinh sách của Phật, chưa phải chúng ta vô phần.

Ngày trước chúng tôi rất bi quan khi nghĩ rằng thời mạt pháp người tu không bao giờ có chứng có đắc, còn thời chánh pháp tu hành mới mong đắc quả. Nhưng sau này khi học sử Phật giáo rồi, chúng tôi mới thấy không hẳn luôn luôn như vậy. Thời chánh pháp, khi đức Phật còn tại thế, vẫn có nhiều Tỳ-kheo thối Bồ-đề tâm vì không quyết chí tu hành. Còn tuy là thời mạt pháp mà nếu chúng ta quyết tử trên đường tu, thì cũng có thể tiến được.

Vì thế chánh pháp hay mạt pháp là cốt ở tâm mình, nếu mình quyết chí tu hành thì thời mạt phápcoi như là thời chánh pháp, còn nếu mình không quyết chí tu hành thì ngay trong thời chánh pháp coi như là mạt pháp. Vì vậy chúng ta không nên có mặc cảm là mình đang sanh thời mạt pháp rồi thả trôi cuộc đời tu hành, mỗi ngày hai thời khóa tụng gọi là gieo chút duyên lành với đạo! Chúng ta không nên bi quan như vậy mà phải nỗ lực tiến tu để có thể chuyển mạt pháp thành chánh pháp. Tinh thần của người tu là, dù sống trong thời buổi nào, chúng ta cũng phải cố gắng vươn lên, tu hành tinh tấn cho đến ngày công hạnh viên mãn.

Như vậy, chúng tôi đã dẫn từ các kinh điển Nguyên thủy cho đến Đại thừa và Thiền tông, để quí vị thấy nơi mỗi ngườichúng ta đều có sẵn con người chân thật. Nếu chúng ta quyết chí tu hànhthì sẽ thấy được điều đó không nghi ngờ.

Để kết thúc bài giảng hôm nay chúng tôi dẫn bài kệ “Khuyến Thế Tiến Đạo” của ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ, để nhắc nhở tất cả quí vị, từ xuất gia cho đến tại gia, nghe mà thức tỉnh và cố gắnglên. Bài kệ như sau:

Tứ tự tuần hoàn xuân phục thu,

Xâm xâm dĩ lão thiếu niên đầu,

Vinh hoa khẳng cố nhất trường mộng,

Tuế nguyệt không hoài vạn hộc sầu.

Khổ thú luân hồi như chuyển cốc,

Ái hà xuất một đẳng phù âu.

Phùng trường diệc bất mô lai tỷ,

Vô hạn lương duyên chỉ mạ hưu

Dịch:

Khuyên đời vào đạo

Thời tiết xoay vần xuân đến thu,

Cái già sồng sộc đã lên đầu,

Giàu sang ngó lại trơ tràng mộng,

Năm tháng mang theo chất hộc sầu.

Nẻo khổ, vành xe lăn lóc khắp,

Sông yêu, bọt nước mất còn đâu.

Trường đời nếu chẳng rờ lên mũi,

Ngàn thuở lương duyên chỉ bóng màu

Trúc Thiên

Chúng tôi giảng bản chữ Việt cho quí vị dễ nhớ:

Thời tiết xoay vần xuân đến thu,

Cái già sồng sộc đã lên đầu.

Hết xuân, hạ đến thu, đông, rồi lại sang xuân... thời tiết cứ như thế mà tiếp tục, tiếp tục mãi. Khi thời gian xoay vần biến chuyển thì cái già đã đáp lên đầu chúng ta rồi. Thời gian biến chuyển, bản thân chúng ta cũng biến đổi theo. Mỗi một ngày qua là chúng ta già thêm một chút, sức sống chúng ta giảm đi một phần. Rồi một tháng qua, một năm qua chúng ta lại càng già hơn, mạng sống chúng ta lạicàng mong manh hơn!

Nếu chúng ta mong cho mau hết ngày, hết tháng, hết năm, tức là mong cho mau già, mau chết chớ gì? Như vậy nếu cái già cái chết đến, lẽ ra chúng ta phải vui mừng, mà tại sao khi ấy chúng ta lại lo sợ hoảng hốt? Thật là mâu thuẫn. Vì sống mâu thuẫn, không thấy được lẽ thật, cho nên chúng ta đau khổ. Ngày nay không ra gì,chúng ta mong cái gì mới lạ ở ngày mai, không ngờ cái lạ chắc chắn là mái tóc mình sẽ bạc: Trẻ rồi già, già rồi chết. Đó là cái lạ mà chúng takhông chịu chấp nhận. Thời gian và bản thân mình nhịp nhàng theo nhau, nếu không mong cái chết đến với chúng ta, thì thôi đừng mong thời gian qua mau làm gì!

Đến hai câu kế:

Giàu sang ngó lại trơ tràng mộng,

Năm tháng mang theo chất hộc sầu.

Hai câu này mới thấm thía làm sao! Tất cả sựgiàu sang phú quí trên đời này, khi sắp tắt thở nằm liệt trên giường, nhớ lại giống như giấc mộng thôi. Cái gì đã qua rồi, không tìm lại được.Như khi hôm mình ngủ nằm mộng thấy được giàu sang tột đỉnh, nhưng sáng ra tỉnh dậy mới biết chỉ là giấc mộng thôi. Cảnh trong mộng làm sao tìm ra được.

Thế nên trong cuộc sống dù cho giàu sang sung sướng baonhiêu đi nữa, nhưng khi tuổi già đến rồi, nhớ lại quãng đời khi trước chẳng khác nào giấc mộng, đâu có gì tồn tại lâu bền! Đã là mộng vì sao lại khổ đau? Mỗi một ngày qua, có khi nào chúng ta thản nhiên vô sự đâu,hết buồn giận người này đến phiền trách người kia, rồi chứa chất trong lòng không biết bao nhiêu là sầu khổ! Như vậy suốt cuộc đời, từ khi trẻ đến lúc già, những khổ đau chất chứa chắc đầy cả không gian. Thân thì tiêu mòn mà buồn phiền đau khổ tăng lên gấp bội, đó là cái mâu thuẫn đáng thương của chúng ta. Đến khi thân này tan hoại, thì những khổ đau đầy ắp đó sẽ dẫn mình đến chỗ nào đây?

Nẻo khổ, vành xe lăn lóc khắp,

Sông yêu, bọt nước mất còn đâu.

Những phiền não khổ đau chất chứa quá nhiều sẽ lôi chúng ta đi vào những con đường đau khổ xấu xa, chẳng khác nào như vành xe lăn hết nơi này đến chốn kia, mà toàn là đến chỗ khổ đau, bởi vì khổ đau chỉ đưa đến khổ đau mà thôi. Nếu trong lòng đang ngập tràn phiền não, giả sử có người dẫn chúng ta đến cảnh đẹp để ngắm nhìn cho vui, thử hỏi làm sao vui được! Thế nên nếu đang đau khổ, khi mất thân này, chắc chắn chúng ta sẽ bị đưa đến những chỗ khổ đau. Muốn ngày mai được an vui, thì ngang đây chúng ta phải buông đi tất cả phiền não trong lòng.

Sông yêu, chữ yêu đây tức là ái, nếu còn tâmái trước thân này và trìu mến cảnh vật chung quanh thì khi mất thân nàychúng ta lại tạo thân khác, sanh tử nối tiếp không dừng, giống như bọt nước ngoài biển, cơn sóng đùa qua bọt nước nổi lên rồi bể nát, nổi lên rồi bể nát không biết bao nhiêu lần. Nếu trong lòng chứa nhóm thù hận chúng ta sẽ đi vào con đường đau khổ, nếu còn chứa nhóm lòng yêu mến thân và cảnh, chúng ta sẽ bị dẫn đi trong sanh tử liên tục không dừng.

Trường đời nếu chẳng rờ lên mũi,

Ngàn thuở lương duyên chỉ bóng màu.

Nếu gặp cơ hội mà chúng ta không rờ lên mũi thì duyên lành muôn thuở đó cũng chỉ là chuyện bóng màu, phớt qua rồi mất, uổng đi một đời.

Rờ lên mũi là ý nghĩa gì? Trong nhà thiền, khi nói tới lỗ mũi là để chỉ cái sẵn có ở trước mặt mình mà mình không thấy. Lỗ mũi lại là nơi thở ra hít vào tức là nguồn sống của chúng ta. Như vậy lỗ mũi là để dụ cho con người chân thật hiện hữu nơi chúng ta, mà chúng ta lại không thấy. Rờ lên mũi nghĩa là nhận được con người chânthật nơi mình. Nếu nhận được con người chân thật thì cuộc đời chúng ta mới có giá trị. Bằng không thì duyên lành muôn thuở của chúng ta chẳng qua là ảo ảnh mà thôi.

Trong hai câu kết ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ đã nhắc chúng ta: Nếu không khéo tìm thấy con người chân thật của chính mình thì uổng phí một cuộc đời. Nhất là người đã thế phát xuất gia, có duyên lành với Phật pháp mà không nhận được con người chân thật nơi mình, thì uổng phí cả một đời tu. Thế nên chúng ta phải nỗ lực cố gắng làm sao để duyên tốt đó được hữu ích và thật tế hơn.

Hôm nay là ngày cuối năm, trong nhà Phật thường gọi là đêm ba mươi tháng chạp, tức là đêm chuyển mình từ năm cũ sang năm mới, cũng giống như là phút giây sắp tắt thở của chúng ta, chuyển mình từ thân cũ sang thân mới, hay từ thân tiền ấm chuyển sang thân hậu ấm. Từ cũ chuyển sang mới thì cái mới phải tốt đẹp hơn. Nhưng đó là còn trong vòng sanh tử. Nếu thân cũ này bại hoại đi, chúng ta đượcthảnh thơi giải thoát, đó mới đúng là người chân thật xuất gia, đúng làngười cầu đạo giải thoát.

Mong rằng tất cả Tăng Ni và Phật tử được phước duyên lành sống trong nhà đạo, chúng ta phải nhớ đừng hủy hoại duyên lành của mình mà phải luôn luôn cố gắng từ năm cũ tiến sang năm mới. Trong năm cũ nếu chúng ta tạo được những gì hay đẹp thì hãy lấy đó làm nền tảng để sang năm mới càng hay đẹp hơn. Nếu trong năm cũ chúng tađã lỡ gây ra những gì hư dở, thì sang năm mới chúng ta dứt khoát không tiếp tục làm những điều ấy nữa, mà phải chuyển sang làm những việc hay đẹp để năm mới được rạng rỡ hơn. Nhân ngày cuối năm cũng là lúc chuẩn bịđón giao thừa, chúng ta nhắc nhở nhau tiến trên con đường đạo, gọi là tùy theo thế tục để trở về chân. Chúng tôi mong rằng tất cả quí Tăng Ni và Phật tử, có mặt nơi đây và ở những nơi khác, đều cố gắng chuyển mình từ năm cũ sang năm mới với gương mặt rạng rỡ hân hoan, không có ủ dột âusầu như năm cũ. Nếu năm rồi chúng ta đã rạng rỡ thì năm tới càng rạng rỡ hơn để giữ vững những gì cao quí và hay đẹp của con người chúng ta.

NAM-MÔ BỔN SƯ THÍCH-CA MÂU-NI PHẬT


RA KHỎI HẦM LỬA

BÀI NÓI CHUYỆN VỚI TĂNG NI

TẾT KỶ TỴ 1989

Hôm nay Tăng Ni, Phật tử về đây để mừng năm mới và tha thiết chúc tụng chúng tôi. Thật ra chúng ta mừng thêm một tuổi hay là chúng ta buồn bớt đi một năm sống? Lần lượt hết năm này sangnăm khác, cứ thế mà chúng ta trải qua mấy mươi năm từ thuở bé cho đến ngày nay. Riêng tôi thì tóc bạc da nhăn rồi, còn quí vị có người tóc đã bắt đầu bạc, cũng có người còn trẻ hơn. Như vậy chúng ta đi trên con đường sanh tử đã quá dài, có khi hơn nửa đường, có khi nửa đường, có khimới được một phần ba, một phần tư đường. Nhưng dù sao chúng ta đã đi thì nhất định là phải đến, không ai không đến. Thế nên trong nhà Phật lẽsanh tử là một việc lớn. Vì lý do sợ vô thường nửa chừng, qua được một năm là thấy mình sống thêm một tuổi, sang năm tới chưa biết có tròn đượcmột năm không, nên năm mới mừng tuổi có nghĩa là mừng sống thêm một tuổi. Mừng thêm một tuổi là buồn bớt đi một năm sống, nhưng vì thêm một tuổi là qua được cái yểu và thêm cái thọ, nên tạm gọi đó là mừng.

Nói theo thế tình, quí vị đến đây là mừng tuổi chúng tôi. Phần chúng tôi, thấy Tăng Ni là những người chúng tôi cưu mang từ bao năm nay, chúng tôi muốn những người đó mỗi ngày một hay,mỗi ngày một cao thượng, mỗi ngày thêm sáng suốt, giác ngộ và giải thoát. Thế mà nhiều khi, với con mắt bi quan, chúng tôi thấy có những người không tiến bao nhiêu, hy vọng được giải thoát nhưng lại trói buộc nhiều, muốn được giác ngộ nhưng ngọn đèn trí tuệ lu từ từ, đó là những điều làm cho chúng tôi phải lo lắng. Thế nên mỗi đầu năm, chúng tôi đều nhắc nhở Tăng Ni nói riêng và Phật tử nói chung, phải có cái nhìn quán xuyến từ buổi ban sơ cho đến hiện nay, để thấy rõ nước tiến của mình mỗi năm mỗi khác, chớ không nên dậm chân một chỗ hoặc thối lui, vì như thế là điều đáng buồn. Đề tài tôi nhắc nhở quí vị hôm nay là “Ra khỏi hầm lửa”.

Tất cả người xuất gia, nếu không có chủng duyên lành từ nhiều đời trước, chắc khó có thể xuất gia, cạo tóc, ở chùatu hạnh giải thoát. Từ khi lọt lòng mẹ, chúng ta đã có bổn phận đối vớicha mẹ, quyến thuộc..., đến khi khôn lớn, chúng ta có trọng trách đối với gia đình, xã hội. Như vậy làm sao chúng ta dứt bỏ được tất cả để mộtmình thảnh thơi nơi đạo tràng tu hành thanh tịnh? Cắt đứt được những manh mối trói buộc, an ổn ở chùa tu hành học đạo, đó là do đầy đủ phúc duyên chớ không phải ai muốn cũng được.

Đã có phúc duyên lớn nhưvậy, quí vị nghĩ sao? Không lẽ lại chần chờ, thờ ơ để cho duyên tốt đó bị mai một? Vì như thế là chúng ta đã hủy cái nhân đã gieo từ bao đời, đến nay mới được thành tựu. Quí vị là người từ trong trăm mối buộc ràng của gia đình, của xã hội mà cắt đứt tất cả, ở yên tu hành thì quí vị phải nhớ làm tròn bổn phận để khỏi hổ là mở việc này lại cột việc khác. Tránh sự bận rộn phiền toái của gia đình, vào chùa lại cũng phiền toái bận rộn, đó là điều sai lầm, không đúng tinh thần người học đạo. Thế nêntôi dẫn vài câu chuyện của những bậc đi trước để nhắc quí vị.

Đây là một câu chuyện trong kinh Nguyên thủythuộc hệ Pali. Một vị Sa-di tên là Sanu, đi tu từ thuở bé, cha mẹ gởi ông vào tịnh xá ở với chư Tăng lúc ông được năm, bảy tuổi. Một thời giansau, ông học hành khá, thuyết pháp hay, nhưng không biết vì lý do gì ông thối Bồ-đề tâm, ông về xin mẹ hoàn tục. Mẹ ông là người tha thiết với đạo nên khi thấy ông về với thái độ chán nản việc tu hành, bà buồn khổ, bà khóc. Thấy mẹ khóc, ông lấy làm lạ mới hỏi:

Thưa mẹ người ta khóc,

Khóc vì người đã chết,

Hay có khóc người sống,

Khi sống không được thấy.

Thưa mẹ con đang sống,

Và mẹ đang thấy con,

Vậy vì sao thưa mẹ,

Mẹ lại khóc cho con?

Quí vị thấy câu hỏi của ông: Ở thế gian người ta khóc vì đau khổ khi con chết, hoặc vì cảnh sanh ly, còn sống màphải chia tay mỗi người một nơi. Phần ông, ông còn sống và còn về gặp mẹ, không phải là chia ly, vậy tại sao mẹ khóc? Bà mẹ đáp:

Người ta khóc cho con,

Là khóc khi con chết,

Hay khóc cho con sống,

Nhưng không được thấy mặt.

Ai đã bỏ dục vọng,

Lại trở lui đời này,

Này con người ta khóc,

Là khóc cho người ấy,

Vì người ấy được xem,

Còn sống cũng như chết,

Này con, được kéo ra,

Khỏi than hầm lửa rực,

Con còn muốn rơi vào,

Đống than hồng ấy chăng?

Quí vị thấy bà mẹ nói lý do quá rõ ràng: Không phải bà khóc vì con chết hay vì sống mà không thấy mặt nhau. Đây là bà khóc cho đứa con đã bỏ dục lạc thế gian, nay muốn trở lui lại, người đó giống như kẻ đang sống mà trở lại chết. Khóc cái chết là khóc cho người bỏ tâm hồn trong trắng, sáng suốt, trở lại thành con người tốităm u mê, chính đó là niềm đau khổ của bà mẹ. Lý do thứ hai là bà thấy con mình được xuất gia, chẳng khác nào người được kéo ra khỏi hầm lửa.

Đãra khỏi hầm lửa, nay lại nài nỉ xin trở vào hầm lửa, thấy biết cái khổ đó, bà thương xót nên bà khóc. Như vậy hai lý do mà mẹ khóc con là: một,vì con không còn sống được với đạo mà trở lại trần tục, như từ cõi sốngđi vào cõi chết, hai là vì thấy con đã ra khỏi hầm lửa khổ đau nay còn muốn trở lại để thiêu mình trong hầm lửa. Đó là niềm đau của bà nên bà khóc. Như thế quí vị thấy đối với người mẹ, người cha biết đạo lý, khi thấy con đi tu, đã thâm nhập đạo lý và sống được trong đạo một thời gianthì niềm vinh hạnh của cha mẹ không gì khác hơn là mừng con mình đã có được hạnh xuất trần thoát tục, mừng con được rảnh rang nhàn hạ trong đạođức, rồi mai kia sẽ làm lợi ích cho mình và cho nhiều người.

Khimột người con đã được cha mẹ đặt hy vọng, đặt niềm tin, nay trái lại, muốn bỏ đạo lý để trở thành người thế tục thì cha mẹ cũng đau khổ như làkhi cho con đi tu vậy, có khi còn khổ hơn nữa. Một là thấy nhục nhã vì con mình đã không tròn được chí nguyện cao cả của nó, hai là thương con đã có chí giải thoát xuất trần, đã được thảnh thơi nhàn hạ, nhưng nay nólại trở thành một con người tầm thường, lăn trong trần tục, bị muôn mốibuộc ràng. Thế nên cha mẹ khổ đau vì con không tròn bản nguyện. Chúng ta đã biết được tâm niệm của cha mẹ chúng ta thì khi đi tu quí vị nghĩ chúng ta phải làm thế nào? Chúng ta chần chờ để qua ngày tháng hay là chúng ta có niệm thối lui trở về tìm hưởng dục lạc? Hai quan niệm đó đềulà tội lỗi, đều gây khổ đau cho cha mẹ chúng ta, nếu là người biết đạo.Đó là tôi dẫn câu chuyện của gia đình ông Sa-di Sanu.

Đến câu chuyện của một Thiền sư mà chúng ta đã học, đó là Thiền sư Đạo Ưng, Ngài nói: “Các ông xuất gia như kẻ tội ra khỏi khám đường, nên ít muốn biết đủ, chớ tham danh lợi ở đời... đượcở trong Phật pháp mười phần sống phải chết chín phần...” Ngài Đạo Ưng là một Thiền sư nên lời nói đơn giản, nhưng chúng ta cũng thấm biết bao!Chúng ta là người xuất gia không phải chỉ có nghĩa bỏ nhà cha mẹ vào trong chùa là đủ nghĩa xuất gia. Xuất gia có nghĩa là chúng ta vượt ra khỏi nhà thế tục, vượt ra khỏi nhà phiền não và vượt ra khỏi nhà luân hồi trong tam giới, như thế mới đầy đủ ý nghĩa xuất gia.

Như vậyngày chúng ta xuất gia là ngày chúng ta thệ nguyện sẽ ra khỏi nhà phiềnnão, nhà trầm luân trong tam giới, có khác nào chúng ta ra khỏi khám đường. Nếu chúng ta ra khỏi khám đường mà còn nài nỉ xin trở vào lại thìcó hợp lý không? Dĩ nhiên là không. Thế nên đã xuất gia, chúng ta phải một lần ra khỏi là vĩnh viễn không trở lại, đó mới là người khôn ngoan sáng suốt. Nếu ra rồi còn muốn trở lại thì thật là rất dại khờ, làm cho những người chung quanh nhìn chúng ta với đôi mắt thương xót. Đã ra khỏikhám đường rồi chúng ta phải làm gì nữa? Ngài nhắc: Nên ít muốn biết đủ, tức là hết lòng tham lam, đừng có muốn nhiều, đừng có tạo nhiều, phải dừng tâm tham muốn lại, đừng có tạo nhiều, phải dừng tâm tham muốn lại để có thì giờ tu hành.

Những gì có danh, có lợi, chúng ta đừng chạy theo nó vì nó là sợi dây, là miếng mồi nhử chúng ta, để dẫn chúng ta trở lại trong vòng đau khổ của khám đường. Muốn thực hiện được bản nguyện ra khỏi vòng trầm luân tam giới, Ngài dạy chúng ta: Được ở trong Phật pháp, mười phần sống phải chết hết chín phần. Nếu sống đủ mười phần, đó là người thế tục, ngày nay chúng ta phải chết chín phần đi, chết chín phần thế tục, chỉ còn một phần nhỏ nhỏ, còn phải ăn, còn phải mặc, còn phải tới lui, qua lại, nhưng cái còn đó rất đơn giản, rất ít oi, chớ đừng sống trọn vẹn như người thế tục.

Như vậy chính sự tinh tấn tu hành là cái gốc để chúng ta thoát ly tam giới. Vả muốn được như thế chúng ta phải hạn chế những nhu cầu, những mong muốn mà người thế gian có quyền hưởng. Chúng ta phải bớt đi, càng bớt nhiều thì tinh tấn tu hành càng tăng trưởng. Trái lại nếu chúng ta cứ đòi hỏi, cứ chạy theo chúng thì tinh thần tu hành ngày càng giảm sút. Thế nên Ngài dạy: Mười phần sống phải chết chín phần. Đó là lời các vị tiền bối nhắc nhở trong lúc tu hành.

Trong kinh Tứ Thập Nhị Chương đức Phật cũng đã từng dạy: “Người xuất gia ra khỏi dục lạc của thế gian, chẳng khác nào người khạc đàm dãi nhổ xuống đất.” Một khi chúng ta khạc đàm dãi nhổxuống đất rồi, chúng ta lại có muốn ngó lại nó không? Chắc gớm lắm, không muốn ngó lại; ngó lại còn không muốn, huống nữa là lấy tay sờ, lấylưỡi liếm, chúng ta có dám làm không? Chắc không bao giờ dám! Cũng thế,đã nguyện xuất gia rồi, chúng ta là người đã thấy rõ những cái dở, những cái xấu, những cái hại của thế gian thì chúng ta phải dứt khoát vượt ra khỏi trần lao để làm lợi ích cho mọi người, hay nói cách khác làđể dìu dắt mọi người cùng ra khỏi trần lao. Thế nên chúng ta không thể xem thường, chúng ta phải thấy dục lạc thế gian là mối họa lớn cần phải tránh, cần phải không nhìn đến, thì chúng ta mới có thể vươn lên được. Nếu còn ưa thích, còn mơ ước nó, chúng ta sẽ chìm đắm, sẽ đau khổ.

Tiếp đây là một vị sư Ni (truyện trích tronghệ Pali), bà Subha, nói lại việc tu hành của bà trong một bài kệ dài, tôi chỉ dẫn một đoạn:

Dục làm cho điên cuồng,

Loạn ngôn tâm thác loạn,

Làm uế nhiễm chúng sanh,

Sắp rơi bẫy ác ma.

Dục nguy hiểm không cùng,

Nhiều khổ, thuốc độc lớn,

Ngọt ít, tạo đấu tranh,

Héo tàn ngày tươi sáng.

Ta quyết định như vầy:

Không trở lui dục nhân,

Tách thành điều bất hạnh,

Luôn vui hưởng Niết-bàn...

Qua các câu trên quí vị thấy ý chí của bà. Bà biết rõ là dục lạc làm cho chúng sanh điên cuồng, dục lạc tạo cho chúng sanh nói những lời không đúng lẽ thật, nên gọi là loạn ngôn. Tâm của chúng sanh vì nhiễm dục lạc nên điên đảo, giống như người thác loạn.Dục lạc làm cho tâm chúng sanh ô uế, nhiễm nhơ rồi dẫn dắt, lôi chúng sanh vào bẫy của ác ma, bị trói buộc trong vòng ma. Dục lạc nguy hiểm không thể nào kể hết, nó tạo nhiều khổ, nó là thuốc độc, nó không vui, nó là nhân của đấu tranh.

Quí vị thấy chúng ta cãi nhau là vì cái gì? Chúng ta giành giật nhau là do đâu? Có phải vì dục lạc không? Chính vì tìm kiếm, theo đuổi dục lạc mà thân chúng ta phải héo tàn, những ngày sống của chúng ta trở thành khô khan, không còn tươi sáng nữa. Biết được như thế chúng ta phải làm sao? Chúng ta quyết định không trở lại với dục lạc, quyết định dứt hết các nhân của dục lạc vì đó là nhân tạo thành những điều bất hạnh, những điều đau khổ.

Hơn nữa chúng ta luôn luôn phải vui hưởng cảnh thanh tịnh, an lạc Niết-bàn, đó là mục tiêu chánh yếu của tất cả chúng ta. Quí vị nghĩ chúng ta tu là cốt làm sao dứt hết các nhân khổ đau, tiến tới nhân an lạc và hưởng quả an lạc, tức là chúng ta muốn bỏ khổ được vui. Tuy nhiên không phải chỉ riêng bản thân chúng ta hết khổ, riêng bản thân chúng ta được vui; chúngta sẽ chỉ cho bằng hữu, cho huynh đệ, cho mọi người chung quanh chúng ta cũng được hết khổ, cũng được an vui như chúng ta.

Như thế mớigọi đạo Phật là đạo cứu khổ, đạo Phật là đạo ban vui. Nếu chúng ta tu mà càng tu càng phiền não, càng héo hắt khổ đau thì chừng nào chúng ta hết khổ? Nếu chúng ta không hết khổ, làm sao chúng ta có thể đưa mọi người đến chỗ an vui? Thế nên chủ yếu của đời tu chúng ta là phải làm sao chính tự mình cởi bỏ hết những mầm khổ đau để được an lạc tự tại trong đạo. Chính sự an lạc tự tại đó là mục đích để chúng ta hướng dẫn mọi người cùng được hưởng như thế chúng ta mới thật là người tu chân chánh, mới thật đạt được sở nguyện của người xuất gia.

Tôi dẫn thêm lời của Sơ tổ Trúc Lâm, cũng thường gọi là Điều Ngự Giác Hoàng, Ngài có làm bài phú “Cư Trần Lạc Đạo”bằng chữ nôm, tôi trích một đoạn trong hội thứ mười:

“... Núi hoang rừng quạnh, ấy là nơi dật sĩ tiêu dao.

Chiều vắng am thanh, chính thật cảnh đạo nhân du hí.

Ngựa cao tán cả, Diêm vương nào kể đứa nghênh ngang;

Gác ngọc lầu vàng, ngục tốt thiếu chi người yêu quí.

Chuộng công danh, lòng nhân ngã, thật ấy phàm phu;

Say đạo đức, dời thân tâm, định nên thánh trí.

Mày ngang mũi dọc, tướng lạ xem ắt bẵng nhau;

Mặt thánh lòng phàm, thực cách nhẫn vàn vàn thiên lý...”

Tôi trích đoạn này để quí vị thấy ý nghĩa. Ngài diễn tả người tu phải ở chỗ nào? “Núi hoang rừng quạnh, ấy là nơi dật sĩ tiêu dao.” Những kẻ ẩn sĩ lúc nào cũng thảnh thơi nơi núi hoang rừng rậm. Chiều vắng am thanh tức là chùa ở chỗ vắng vẻ, am ở chỗ yên tịnh, chính thật cảnh đạo nhân du hí; du hí là du hí tam-muội nghĩa là ởtrong chánh định mà vui vẻ. “Ngựa cao tán cả, Diêm vương nào kể đứa nghêng ngang”, dầu cho có được ngồi ngựa cao, được che tán lớn việc đó trên thế gian thấy như nghênh ngang đắc thế lắm, nhưng vua Diêm Vương cósợ không? Tới ngày cũng lôi mình xuống dưới, chớ không ai tránh được.

Còn“gác ngọc lầu vàng, ngục tốt thiếu chi người yêu quí” nghĩa là sao? Người có gác ngọc, người được lầu vàng, những người đó là bạn yêu quí của ngục tốt, của ngưu đầu mã diện. Tại sao? Vì chính đó là gốc của ái nhiễm mà người ái nhiễm là bạn để cho ngục tốt hay ngưu đầu mã diện lôi xuống dưới chơi với nó. Như vậy hai trường hợp: trường hợp được ngựa caotán cả cũng không thoát khỏi tay Diêm Vương, trường hợp được gác ngọc lầu vàng thì làm bạn với ngưu đầu mã diện. “Chuộng công danh, lòng nhân ngã, thật ấy phàm phu”, nếu chúng ta tu mà còn quí mến công danh, còn ưathích nhân ngã, quả thật chúng ta là kẻ phàm phu. Trái lại “say đạo đức, dời thân tâm, định nên thánh trí”.

Ở trong đạo, người nào tu hành một cách say mê thích thú, thân tâm luôn đổi thay, ngày xưa một trăm phần phiền não, tu một năm còn chín chục phần, tu hai năm còn tám chục phần, tu mười năm thì hoàn toàn trong sạch người đó mới thật là người tốt; và chính việc dời thân tâm là điều quyết định để trở nên con người thánh trí. Như vậy phàm phu là vì chuộng công danh, lòng nhân ngã,thánh trí là vì biết mến đạo đức, biết sửa đổi thân tâm. Chúng ta muốn làm phàm, hay muốn làm thánh đều tùy theo niệm, tùy theo tâm của chúng ta. Hai câu sau Ngài nói: “Mày ngang mũi dọc, tướng lạ xem ắt bẵng nhau.” Về phần mắt và mũi của chúng ta thì thế nào? Chân mày ngang, mũi dọc xuống.

Bất cứ ai dầu đẹp, dầu xấu, dầu trắng, dầu đen... chân mày cũng ngang mũi cũng dọc xuống chớ không có khác gì nhau. Thấy dường như lạ nhưng đều bẵng nhau nghĩa là bằng nhau hết; không có khác, ai cũng mày ngang, ai cũng mũi dọc. Nhưng “mặt thánh lòng phàm thật cáchnhẫn vàn vàn thiên lý”. Bài này dùng chữ mặt, có chỗ khác viết lòng phàm, lòng thánh. Tuy về thân, dáng vẻ đồng nhau nhưng về tâm, tâm phàm,tâm thánh cách nhau vàn vàn thiên lý tức là muôn trùng thiên lý. Câu nói gọn hơn là: “Như nhau dọc mũi ngang mày, lòng phàm lòng thánh cách nhau ngàn trùng.”

Như vậy ai cũng mày ngang mũi dọc giống hệt nhau, nhưng tâm hồn của người nhiễm ô trần tục và tâm hồn của người đượcthanh thoát, tiêu dao trong cảnh thanh tịnh thì cách biệt nhau không biết là bao nhiêu. Trên hình thức, tất cả chúng ta đồng nhau, nhưng trêntâm niệm thì người biết tu và người không biết tu cách nhau muôn trùng.Vậy tất cả chúng ta, ai là người đã có chí tu hành, phải cố gắng đạt cho kỳ được sự cao cả, sự thanh thản đó, đừng để trở thành kẻ phàm phu tục tử đáng chê, đáng trách như buổi ban đầu.

Để kết luận, tôi nhắc lại một lần nữa, tất cả chúng ta đã được phúc duyên lành nhiều đời nên ngày nay mới được vào đạo, được xuất gia, tu hạnh giải thoát. Đó là phúc đức lớn, vinh dự lớn của mình, quí vị đã được thì nên giữ và cố gắng làm tăng trưởng thêm. Cónhiều người cũng muốn được xuất gia, được thong thả tu hành như chúng ta, nhưng duyên của họ chưa đến. Vậy chúng ta được đầy đủ phúc, đầy đủ duyên, chúng ta phải cố gắng mỗi ngày mỗi tiến, đừng đứng nguyên một chỗ, cũng đừng lui sụt. Tôi trích thêm một bài kệ nữa của ngài Điều Ngự Giác Hoàng, bài “Sơn Phòng Mạn Hứng”, bài thứ hai. Quí vị nghe rồi ứng dụng đúng như tinh thần này:

Thị phi niệm trục tiêu hoa lạc,

Danh lợi tâm tùy dạ vũ hàn.

Hoa tận vũ tình sơn tịch tịch,

Nhất thanh đề điểu hựu xuân tàn.

Dịch:

Phải trái rụng theo hoa buổi sớm.

Lợi danh lạnh với trận mưa đêm,

Hoa tàn, mưa tạnh, non im lắng,

Xuân cỗi còn dư một tiếng chim (Đỗ Văn Hỷ)

Quí vị thấy chúng ta tu phải làm sao giống như bài kệ này. Việc phải trái tức là thị phi phải rụng theo hoa buổi sớm. Buổi sáng nhìn xuống gốc mai, chúng ta thấy mai rã cánh không biết là bao nhiêu phải không? Chúng ta tu thế nào mà bao nhiêu điều thị phi rụng như những cánh hoa lả tả rơi buổi sớm, chớ không dính chặt, dính cứng trong tâm mình. “Lợi danh lạnh với trận mưa đêm”: Đến mùa thu, có những trận mưa đêm tầm tã, gió lạnh, những tâm danh lợi của mình cũng lạnh như vậy, lạnh không còn một chút hơi ấm nào.

Quí vị lạnh chưa? Hoa tàn, mưa tạnh thì còn cái gì? Còn một ngọn núi im lặng xanh rìphải không? Cũng như thế, tâm thị phi đã rụng hết, tâm danh lợi đã lạnhhết, lúc đó chúng ta sẽ còn một tâm thể thanh tịnh bất sanh bất diệt như một hòn núi xanh rì, vững vàng đứng giữa trời. Và còn điều gì nữa? “Xuân cỗi còn dư một tiếng chim”: Tuy mùa xuân tàn rồi mà còn một tiếng chim hót. Thật đẹp làm sao! Tu hành phải như vậy, phải làm sao mà thị phi rụng hết như hoa, danh lợi lạnh ngắt như mưa đêm. Được như vậy sớm muộn gì cũng được giải thoát, chỉ sẽ còn một hòn núi bất di bất dịch đứng giữa trời. Mong rằng tất cả Tăng Ni cũng như Phật tử có được tâm niệm như ngài Điều Ngự Giác Hoàng đã nhắc trong bài kệ “Sơn Phòng Mạn Hứng”.

Hôm nay là ngày đầu năm Kỷ Tỵ, tôi có đôi lời nhắc nhở chung cho Tăng Ni và Phật tử cùng nghe. Mong rằng quí vị ghi nhớ ý của các Tổ, các bậc tu hành trước, lấy đó làm kinh nghiệm mà cố gắng học và làm theo gương người xưa, để xứng đáng là người xuất gia và làm tròn được sở nguyện của mình, hầu trên đền đáp bốn ân, dưới cứu giúp ba cõi. Đó cũng là sở nguyện của chúng tôi.

NAM-MÔ BỔN SƯ THÍCH-CA MÂU-NI PHẬT.


NĂM KỶ TỴ NÓI CHUYỆN RẮN

BÀI NÓI CHUYỆN VỚI PHẬT TỬ

TẾT KỶ TỴ 1989

Hôm nay, sáng ngày Tết Nguyên Đán năm Kỷ Tỵ,tất cả quí Phật tử gần xa đều về chùa lễ Phật và chúc mừng năm mới. Thểtheo phong tục thế gian, chúng tôi cũng nhân đây nói chuyện và chúc Tếtquí vị luôn. Thế gian nói năm nay là năm Tỵ tức là năm con rắn, tôi cũng tùy tục mà nói chuyện đạo lý về con rắn với quí vị.

Vấn đề con rắn trong nhà Phật đã có đề cập tới. Như trong kinh Niết-bàn đức Phật có nói rằng: Có một người nuôi bốncon rắn trong một cái hũ, bốn con rắn này luôn luôn thù địch nhau, cắn xé lẫn nhau. Người chủ nuôi bốn con rắn này có bổn phận phải điều hòa, phải ngăn không cho chúng cắn nhau. Nếu con mạnh hiếp con yếu thì người chủ phải can thiệp làm sao cho chúng hòa với nhau. Khổ thay bốn con rắn không bao giờ hòa với nhau, con này chực hại con kia, con kia chực hại con khác.

Vì thế người chủ lúc nào cũng phải đem hết tâm lực trông chừng chúng từng phút từng giây. Nhưng dầu cho người chủ có thật giỏi, thật thông minh, đến một lúc nào đó, chúng cắn nhau kịch liệt rồi mỗi con chạy một nơi... đến đó người chủ hết bổn phận. Quí vị biết câu chuyện này phải không? Bốn con rắn đức Phật dụ cho bốn thứ: đất, nước, gió, lửa. Rắn hổ lửa không ưa rắn nước. Rắn hổ đất không ưa rắn gió, tứcthế gian gọi là rắn hổ mây, nó chạy ngược trên đầu cây.

Bốn conrắn là rắn độc, chúng không ưa nhau lại bắt chúng ở chung một chỗ nên lúc nào chúng cũng chực cắn nhau. Việc người chủ điều hòa cho bốn con rắn nằm yên trong hũ, quí vị thấy dễ hay khó? Thật là cay đắng trăm phần! Cũng như thế, đức Phật chia thân của chúng ta ra làm bốn đại: chấtcứng trong người là đất, chất ướt trong người là nước, động trong ngườilà gió, ấm trong người là lửa. Bốn chất đó lúc nào cũng chực hại nhau, nước kỵ với lửa, gió kỵ với đất.

Khi nào nước thắng lửa, quí vị thấy trong người thế nào? Nghe người lạnh phát run. Còn khi nào lửa thắng nước, quí vị thấy trong người ra sao? Nó nóng, nó nhức đầu, khó chịu. Như vậy khi nóng phải làm sao để điều hòa? Tìm thứ gì mát uống chogiảm nhiệt độ, hạ lửa xuống cho quân bình với nước. Khi nước nhiều, lửathiếu lại phải tìm thứ gì nóng uống vào để nâng lửa lên, hạ nước xuống cho quân bình. Khi gió mạnh quá, đất chịu không nổi, vì gió thổi đất rung rinh nên ê mình, lúc đó phải làm sao? Quí vị làm thường lắm! Bắt cạo gió phải không? Cạo gió một lát mình bầm hết, gió bớt, đất quân bìnhtrở lại nên hết đau.

Bốn chất đất, nước, gió, lửa cứ công kích nhau luôn, chúng ta lại là người chủ điều hòa chúng thì quí vị thấy có nhọc không? Quí vị thấy cả ngày chúng ta làm việc này, việc kia... nhưngđều chú ý đến bốn đại, xem hôm nay mình lạnh hay nóng, hôm nay mình có bị gió hay không có gió... nghĩa là vừa thấy trong người có gì lạ là chuẩn bị mời thầy thuốc hoặc gọi người này, người kia đánh gió liền. Nhưvậy từ khi bắt đầu hiểu biết cho đến ngày chết, việc làm của chúng ta chỉ là điều hòa bốn đại thôi!

Ông chủ điều hòa bốn con rắn kia nhọc nhằn từ ngày này qua tháng nọ để điều hòa chúng, nhưng rốt cuộc ông chủ có điều nổi không? Vì chúng thù nhau nên đến một lúc nào, điều hòa không nổi, chúng cắn nhau kịch liệt rồi chạy tứ tán, và khi đó ông chủ hết việc. Cũng thế, đất, nước, gió, lửa công kích nhau đến một hôm nào đó, một thứ mạnh quá, chúng ta điều không nổi thì lúc đó chúng ta rã ra, mỗithứ một nơi. Khi ấy chúng ta ra sao? - Chúng ta chết! Như vậy xét thật kỹ cuộc sống của chúng ta từ khi chúng ta bắt đầu khôn ngoan một chút cho đến lúc già, suốt quảng đời đó, kiểm điểm lại chúng ta thấy là một điều đáng buồn phải không?

Nghĩa là suốt đời chúng ta cố gắng locho có thứ này, thứ kia, chúng ta làm việc này việc khác... cũng đều nhằm bồi dưỡng cho tứ đại. Thở là bồi dưỡng cho gió, uống là bồi dưỡng cho nước, ăn là bồi dưỡng cho nước, ăn là bồi dưỡng cho đất. Khi uống lựa chất nóng uống vào là bồi dưỡng cho lửa, khi ăn lựa những chất ấm ănvào cũng là bồi dưỡng cho lửa. Thế thì cả ngày chúng ta làm gì? Thở, ăn, uống, cả ngày làm bao nhiêu việc đó. Nếu khi nào cổ như có gì ngăn, hơi thở không thông thì phải kiếm thầy làm cho nó thông; nếu khi nào ăn uống thiếu chất nóng thì sanh ra bệnh lạnh, nếu thiếu chất mát thì sanh ra bệnh nóng, cứ phải lo bồi dưỡng cho đất nước gió lửa quân bình.

Kiểmđiểm lại hằng ngày chúng ta sống để làm gì? Để bồi dưỡng cho tứ đại, nhưng bồi dưỡng có xong không? Quí vị thử trả lời xem. Bồi dưỡng đến mộtthời gian nào đó chúng cũng phải rã, cũng phải tan nát. Chúng ta làm việc này giống như người điều hòa bốn con rắn vậy. Thế nên ngày xưa, mộtThiền sư Việt Nam, Thiền sư Đại Xả có làm bài kệ về bốn con rắn như thếnày:

Tứ xà đồng khiếp bản lai không,

Ngũ uẩn sơn cao diệc bất tông,

Chân tánh linh minh vô quái ngại,

Niết-bàn, sanh tử nhậm già lung.

Dịch:

Bốn rắn chung rương trước giờ không,

Núi cao năm uẩn đâu chủ ông?

Chân tánh sáng ngời không chướng ngại,

Niết-bàn sanh tử mặc che lồng.

Qua bài kệ này chúng ta thấy ngài Đại Xả căncứ trong kinh Niết-bàn nói về bốn con rắn. Bốn con rắn đó ở chung trongmột cái rương hay là một cái chậu. Bốn con rắn, trước khi bỏ vào chậu, chúng có ở tại chậu chưa? - Chưa, vì mới đem bỏ vào; nhưng khi ở trong chậu rồi chúng nó lại công kích, phá phách lẫn nhau. Đây là nói khi tứ đại chung họp, chung họp trong sự chống nghịch nhau. Đến câu thứ hai Ngài nói: “Núi cao năm uẩn đâu chủ ông?” Thân năm uẩn là cộng cả sắc và thọ, tưởng, hành, thức, tức là vật chất và tinh thần.

Khó có ai biết trong năm uẩn cái gì là ông chủ, nhưng thật ra trong năm uẩn này vẫn có ông chủ. Ông chủ đó là gì? “Chân tánh sáng ngời không chướng ngại”, nghĩa là ngay nơi mỗi người chúng ta đều có cái chân tánh, chân tánh đó gọi là ông chủ, chân tánh đó lúc nào cũng trong, cũng sáng, không có gì chướng ngại nó. “Niết-bàn sanh tử mặc che lồng”, dù cho có Niết-bàn dù cho có sanh tử, nhưng đối với chân tánh đó không có dính dáng, không có trở ngại gì cả.

Như vậy qua bài kệ này, chúng ta thấy rõ ngài Đại Xả nêu lên hai việc: thứ nhất là nói bốn con rắn ở chung, thứ hai là nói thân năm uẩn vô chủ. Tuy nhiên trong cái vô chủ đó, nếu chúng ta sáng suốt, chúng ta sẽ tìm ra được cái chân thật, cái chân thật đó là chân tánh, cái chân thật đó không bị trở ngại, đối với sanh tử và Niết-bàn. Như vậy từ chỗ vô nghĩa, nếu khéo, chúng ta biến nóthành hết sức có nghĩa.

Như tôi vừa nói chúng ta cả đời lo bồi dưỡng bốn con rắn, điều hòa bốn con rắn, nhưng cuối cùng rồi chúng cũng không thể ở chung được, và khi chúng tách nhau ra, chúng ta thấy công mình lo lắng từ đầu đến cuối chỉ là công dã tràng. Quí vị thấy trên nhângian này, giỏi như các thầy thuốc, họ biết được những gì thay đổi trongngười họ nên họ gìn giữ, họ bồi dưỡng cho thân họ không bệnh hoạn, nhưng rốt cuộc các ông thầy thuốc cũng chết.

Cả các thầy thuốc cũng phải chết thì người nào giữ được không chết? Nếu cả đời chỉ lo cho thân tứ đại, săn sóc nó nhưng cuối cùng không giữ được nó thì mới thấy công của mình thật là công dã tràng. Thế nên người thông minh sáng suốt phải thấy được điều đó, khi mình lo cho thân này, mình vẫn tìm được cái gì chân thật hơn, cao siêu hơn, như vậy mới khỏi luống uổng công mình. Đấy là chúng tôi nói cho quí vị thấy điều chủ yếu trong cuộc sống. Vì thế vua Trần Thái Tông có làm bài kệ “Tứ Sơn Khả Hại”:

Tứ sơn thiên bích vạn thanh tùng,

Liễu đắc đô lô nhất thiết không,

Hỉ đắc lư nhi tam cước tại

Mạch kỵ đã sấn thượng cao phong.

Dịch:

Bốn núi ngàn tường muôn bụi rậm,

Tỉnh ra mới biết thảy đều không

Mừng nay có được lừa ba cẳng,

Sấn ngược đường lên đỉnh tuyệt cùng.

Bốn núi là chỉ cho tứ đại: đất, nước, gió, lửa. Khi chúng tụ hội rồi thì mịt mù giống như là rừng rậm kín mít như là tường vách vậy. Nhưng “Tỉnh ra mới biết thảy đều không”, khi tỉnh rồimới thấy tứ đại không thật. Khi biết tứ đại không thật rồi mình mới được điều đặc biệt. Ở đây Ngài diễn tả: “Mừng nay có được lừa ba cẳng”, con lừa có mấy chân? Lừa bốn chân, nhưng Ngài được con lừa ba cẳng.

Conlừa ba cẳng đó “Sấn ngược đường lên đỉnh tuyệt cùng” tức là Ngài cỡi nóchạy tuốt lên trên đỉnh tột cùng của ngọn núi. Đây là lối nói bóng gió của nhà Thiền. Thân tứ đại này do bốn thứ hòa hợp, khi tứ đại hòa hợp, vì thấy nó rõ ràng cụ thể, sờ mó được nên chúng ta tưởng nó là thật giống như là tường vách, là bụi rậm. Nhưng khi dùng trí tuệ quán xét đếncùng thì thấy nó là không thật, chỉ là giả tướng duyên hợp thôi. Tuy nhiên chính trong cái giả tướng đó, trong cái không thật đó lại còn có cái chân thật ngoài cái bình thường. Bình thường người ta nói lừa bốn chân, nhưng đây Ngài nói lừa ba cẳng nghĩa là cái phi thường ở sẵn trongcái tầm thường. Và chính cái phi thường đó, khi chúng ta nắm được rồi, chúng ta mới vượt lên, mới thoát khỏi cái khổ của tứ đại, mới vượt khỏi sự tiêu mòn biến hoại của tứ đại, vì thế Ngài nói là lên được đỉnh tuyệtcùng.

Tóm lại trên đường tu, nếu chúng ta biết rõ thân tứ đại không thật, chúng ta mới có thể vượt lên, mới có thể thoát khỏi nó. Trái lại, nếu nghĩ tứ đại là thật, cả ngày cặm cụi lo bồi dưỡngcho nó được đầy đủ, rốt cuộc công lo lắng của mình chỉ là công dã tràng. Đây là điều mà trong đạo luôn luôn nhắc nhở để chúng ta tránh những việc làm tốn công vô ích, không đem lại kết quả. Nói thế không có nghĩa là chúng ta bỏ nó hay là hủy hoại nó, chúng ta phải nuôi nó trong lẽ bình thường, đừng quá trọng cũng đừng quá khinh, để chúng ta mượn nó mà tìm ra cái chân thật ngay trong nó. Thế nên ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ có nói bài “Đốn Tỉnh”.

Đoạn tri không hữu bất tương soa,

Sanh tử nguyên tùng nhất phái ba.

Tạc dạ nguyệt minh kim dạ nguyệt,

Tân niên hoa phát cố niên hoa,

Tam sanh thúc hốt chân phong chúc,

Cửu giới tuần hoàn thị nghị ma,

Hoặc vấn như hà vi cứu kính,

Ma-ha Bát-nhã tát-bà-ha.

Dịch:
Chợt Tỉnh

Chớ rằng không có khác nhau xa,

Sống chết cùng chung mạch nước mà.

Năm cũ hoa cười, hoa năm mới,

Đêm này nguyệt sáng, nguyệt đêm qua.

Ba sanh chớp nhoáng lằn phong chúc,

Chín cõi xoay vần bóng nghị ma.

Ví hỏi rằng sao là cứu cánh,

Ma-ha Bát-nhã tát-bà-ha.

(Trúc Thiên)

Bài kệ Đốn Tỉnh này nói về điều gì? Ngài muốn chỉ: đừng nghĩ rằng “sanh tử” cũng như “có không” khác nhau. Chính “sanh tử”, “có không” cùng chung một loại, cũng như là cùng chung một mạch nước. Tại sao? Nếu hiểu được lý luân hồi quí vị sẽ thấy. Khi chúng ta tử đó là nhân của sanh. Khi chúng ta sanh đó là nhân của tử, do có sanh nên phải có tử, do có tử nên phải có sanh. Sanh và tử thấy như là hai việc khác nhau nhưng cả hai cùng là một mạch, cái này làm nhân cho cái kia, vậy thì hai cái không khác mà là cùng nguồn. Đây hình ảnh Ngài dụ rất đẹp: “Năm cũ hoa cười, hoa năm mới, Đêm này nguyệt sáng nguyệt đêm qua.”

Nghĩa là hoa cười hay hoa nở của năm ngoái tức là của ngày hôm qua, là đóa hoa nở của ngày hôm qua. Sáng hôm qua chúng ta thấy những nụ mai chớm nở, sáng ngày nay là năm khác thì chúng ta thấy các nụ hoa nở tròn, như vậy đóa hoa nở tròn hôm nay là từ nụ hoachớm nở của hôm qua. Hôm qua và ngày nay tuy nói năm cũ và năm mới nhưng hôm nay đâu có rời hôm qua. Cũng như thế, đêm rằm trăng sáng, đến đêm mười sáu trăng cũng sáng. Trăng đêm rằm và trăng đêm mười sáu như làhai trăng nhưng phải hai không? Như vậy trên ngôn ngữ chúng ta thấy nhưhai cái khác biệt nhưng trên thật tế hai cái liên hệ nhau, chớ không tách rời nhau.

“Ba sanh chớp nhoáng lằn phong chúc.” Chữ phong chúc có hơi khó hiểu. Phong là gió, chúc là cây đuốc thường chúng ta hay nói đèn treo trước gió, hay là cây đèn cầy cầm ra ngoài gió. Đèn trước gió thì thế nào? Dễ tắt lắm! Ba sanh là chỉ cho kiếp sống của con người, nó nhanh như là cây đèn cầy để trước gió, làn gió thổi mạnh qua nó tắt liền, không ai giữ được. Trong khi đang sống, cuộc sống của chúngta tưởng như là vững lắm, thật lắm, nhưng một cái sơ sảy, một luồng gióđộc có thể làm hoại nó ngay, không ai lường trước được, nên Ngài diễn tả nó giống như là ngọn đèn treo trước gió hay là cây đèn cầy ở trước làn gió mạnh, không có gì bảo đảm.

“Chín cõi xoay vần bóng nghị ma”, nghị là con kiến. Thường thường quí vị thấy con kiến bò trên miệng chén, nếu nó cứ bò vòng theo chiều đó thì chừng nào ra khỏi? Cứ bò vòng vòng, rốt cuộc rồi cũng trở lại điểm đầu. Nếu nó muốn ra khỏi thì phải bò xuống chớ nếu cứ bò theo chiều vòng đó mãi thì dù cho bò một ngày, hai ngày cũng chỉ chừng ấy thôi, cứ loanh quanh trên miệng chén.

Cũng thếnếu chúng ta cứ mê chấp thân này là thật, cảnh này thật, chúng ta phải bị xoay vần trong lục đạo luân hồi, hay là trong cửu đạo luân hồi giống như con kiến bò trên miệng chén, cứ đảo qua đảo lại không biết ngày nào ra khỏi. Nay muốn thoát ra phải làm sao? “Ví hỏi rằng sao là cứu cánh”: làm sao được chỗ cứu kính thoát ra khỏi vòng lẩn quẩn đó? Ngài nói “Ma-ha Bát-nhã tát-bà-ha”, nghĩa là phải trở về cái trí tuệ lớn lao chưabao giờ bị kẹt trong vòng phân biệt sanh diệt. Ma-ha là lớn, Bát-nhã làtrí tuệ, tát-bà-ha là chỉ cho tiếng trùng lại ma-ha-tát-đỏa tức là chỉ cho trí tuệ của Bồ-tát. Trí tuệ rộng lớn của Bồ-tát là trí tuệ đưa chúngta đến chỗ cứu kính, thoát ra khỏi vòng lẩn quẩn trong chín cõi, nó bềnbỉ, không dễ bị thổi tắt như ngọn đèn trước gió.

Tóm lại qua bài kệ này, ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ muốn nhắc nhở chúng ta rằng: Ở thế gian, người ta mừng khi sống và sợ khi chết, ngày sanh thì ăn mừng, ngày chết là ngày giỗ, đó làngày buồn, ngày húy kỵ vì nói tới đó thì buồn và kiêng lắm. Nhưng thật ra, nếu còn trong vòng luân hồi thì sống chết, chỉ là nhân và quả, cả hai hỗ tương nhau, không tách rời được, không riêng có sống mà không chết, không riêng có chết mà không sống, cả hai cùng chung một mạch.

Lạinữa thân này quá tầm thường, tạm bợ, ngắn ngủi nên chúng ta đừng nghĩ rằng mình sẽ sống lâu, chúng ta phải nhớ rằng thân này mỏng manh lắm, ngày nào chúng ta còn sống, chúng ta phải làm những gì hay, tốt để lợi cho mình, lợi người, chớ đừng quá nuông chiều giữ gìn nó, rốt cuộc khônggiữ được thì thật là uổng công. Nếu không khéo tu chúng ta phải bị luânhồi trong chín cõi như con kiến bò trên miệng chén, bò mãi mà không ra khỏi, thật là một vòng tròn nhọc nhằn vô ích! Thế nên mỗi người phải sớmthức tỉnh, làm sao mở mang được trí tuệ cao cả của Phật, Bồ-tát, để thoát khỏi vòng lẩn quẩn trong chín cõi.

Thật thế nếu trọn cuộc đời chúng ta chỉ lo ăn ngon, mặc đẹp, sống vui, cuối cùng rồi chết thì có gì cao thượng đâu?Trái lại nếu chúng ta tìm được, thấy được cái gì cao cả hơn ngay trong tứ đại chống đối thù nghịch này, khi ấy chúng ta mới có một hướng vươn lên, như tôi vừa nói: Được con lừa ba cẳng mới vươn lên được tận trên đỉnh núi tuyệt cùng. Vì lẽ đó, tất cả mọi người, nhất là Phật tử chúng ta, là những người quyết chí tiến lên, không để dục lạc thế gian lôi cuốn, nhận chìm trong dòng sanh tử, trong cuộc sống điều hòa tứ đại này,chúng ta phải khéo tìm ra cái gì cao thượng hơn, cái gì siêu thoát hơn để không phải khổ đau khi mất thân này.

Chiếc thân tạm bợ mong manh như đèn trước gió, dù cố gắng gìn giữ cũng chỉ là công dã tràng! Đólà điều chúng tôi muốn nhắc tất cả quí Phật tử trong năm mới này. Nay quí Phật tử là những người đã biết tu tỉnh, biết kính trọng Tam Bảo, biết hướng về con đường giác ngộ giải thoát thì phải ngay nơi bốn con rắn của mình, tìm thấy được cái chân thật vì đó là cửa để chúng ta tiến đến giác ngộ giải thoát. Đã xưng là Phật tử chúng ta không thể suốt đời chỉ lo nuôi nấng gìn giữ, điều hòa bốn con rắn cho đến ngày cuối cùng mạnh con nào con nấy chạy, đó là việc phí công vô ích.

Để kết luận lại, hôm nay là ngày đầu năm Kỷ Tỵ, tất cả quí Phật tử đã có tâm mến đạo, nhân ngày Tết Nguyên Đán, đến chùa lễ Phật, thăm quí thầy, đó là điều rất tốt. Nhưng quí Phật tử chỉ lễ Phật, thăm quí thầy là chưa đủ, quí Phật tử còn phải thức tỉnh. Quí thầy không thể cứu được Phật tử nếu quí Phật tử vẫn còn mê, chỉ biết có thân tứ đại. Quí Phật tử phải ráng thức tỉnh, biết ngay trong thân tứ đại còn có cái bất sanh bất diệt. Nếu tỉnh, nếu nhận ra được cái đó thì sự có mặt của chúng ta ở thế gian này mới không phí, mới không uổng.

Tráilại, nếu chúng ta không thấy được cái đó thì thật là uổng đi một kiếp vì không tìm được cái gì siêu thoát. Nhân đây tôi chúc Tết cho tất cả quí Phật tử có mặt và vắng mặt: Mong rằng trong năm mới này, Tam Bảo sẽ gia hộ cho tất cả quí Phật tử, bản thân quí Phật tử được nhiều điều an vui, gia đình được hòa thuận, tin yêu, đối với xã hội, mọi việc đều vẹn đủ, và đối với việc tu hành thì năm nay quí Phật tử sẽ tinh tấn nhiều hơn năm trước. Đó là lời chúc lành và niềm mong mỏi của chúng tôi.

NAM-MÔ BỔN SƯ THÍCH-CA MÂU-NI PHẬT.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
14/09/2024(Xem: 906)
Tại sao lại nói “ruột đau chín chiều”? Đó là những chiều nào, hướng nào? Hay đó là chín buổi chiều? Có bao giờ chúng ta tự hỏi tại sao ruột đau không phải ba bốn chiều hay tám chiều mà lại “chín chiều” ?
07/09/2024(Xem: 833)
- Kính thưa chư Tôn đức, chư Thiện hữu & quí vị hảo tâm. Trong tâm niệm: ''Sáng cho người thêm niềm vui, chiều giúp người vơi bớt khổ'', vào Chủ Nhật tuần qua (Sept 01 2024) hội từ thiện Trái tim Bồ Đề Đạo Tràng chúng con, chúng tôi đã tiếp tục thiện sự chia sẻ thực phẩm, y phục và tịnh tài cho những mảnh đời bất hạnh, những người dân nghèo khó nơi xứ Phật tại tiểu bang Bihar India. Xin mời quí vị hảo tâm xem qua một vài hình ảnh tường trình..
31/08/2024(Xem: 1041)
Mùa Vu Lan báo hiếu nhắc nhở các thế hệ con cháu nhớ tới công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, ông bà, tổ tiên cũng như những thế hệ người đi trước. Lễ Vu Lan mang giá trị nhân văn, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” muôn đời.. Để thể hiên tinh thần đó, chúng con, chúng tôi xin được đại diên, thay mặt chư Tôn Đức & quí Phật tử thực hiện một buổi cúng dường Trai Tăng tại Bồ Đề Đạo Tràng India để hồi hướng đến Cha mẹ, cửu huyền thất tổ của chúng ta với ước mong đáp đền thâm ân cao dày của các đấng sinh thành trong muôn một.
29/08/2024(Xem: 1062)
Trong tâm tình: ''VuLan- Thương về quê Mẹ'', hội Từ thiện Trái Tim Bồ Đề vừa thực hiện hoàn mãn thiện pháp tại quê nhà nhằm chia sẻ chút Phước lành đến những người mù lòa, khuyết tật, khó khăn.. Xin gửi chư vị vài hình ảnh buổi Từ thiện tại chùa Thiện Thệ do Ni Sư Thích nữ Huệ Lạc, thành viên của Hội từ thiện Trái Tim Bồ Đề tại VN tường trình:
28/08/2024(Xem: 856)
..Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật Kính chia sẻ cùng cả Chùa hình ảnh Đại Lễ Vu Lan ngày thứ Bảy 24/8/2024 tại chùa Linh Phong Switzerland, Thụy Sỹ do Ni Sư trụ trì Thích nữ Viên Hoa tổ chức với sự tham dự của chư Tôn đức Tăng, Ni.. TT Thích Trí Thuyên, Thích Tánh Tuệ, Thích nữ Viên Diệu, Tn Viên Bảo, Tn Tịnh Hóa, Tn Tuệ Anh, Tn Tịnh Lự, Tn Chân Không, Tn Xả Không... cùng chư đồng hương Phật tử xa gần tại Âu Châu.. Kính Chúc đại chúng một mùa Vu Lan vô lượng an lành, vẹn tròn tâm hiếu hạnh... Nam Mô Vu Lan Hội Thượng Phật Bồ Tát- Ma ha tát.
21/08/2024(Xem: 612)
Bà mẹ già ngồi ở băng ghế sau chiếc xe hơi bỏ mui màu đỏ sậm đang rẽ quặt xuống xa lộ. Bà ghì chặt lấy cái giỏ đồ để trên đùi như sợ gió ào ào thổi đến sẽ cuốn giỏ đi mất. Bà không quen với cái tốc độ quá nhanh như bay thế này. Với hai bàn tay run run bà siết lại chiếc dây an toàn quấn ngang người cho chặt hơn, nhưng bà vẫn cẩn thận không để các ngón tay chai sần của bà chạm vào đệm xe bọc da. Đệm quý giá lắm đấy! Con gái bà luôn miệng dặn bà đừng làm bẩn ghế: “Dấu tay sẽ lộ rất rõ ra trên đệm xe màu trắng đấy Mẹ à!”
21/08/2024(Xem: 610)
MỘT BÔNG HỒNG TRẮNG Vào ngày cuối cùng trước Lễ Giáng Sinh tôi vội vã tới siêu thị để mua các món quà tặng còn sót lại mà trước đó chưa kịp mua. Trời ơi, sao mà đông người như thế. Tôi bực bội tự nhủ thầm: “Cả đống người thế này thời bao giờ mới xong việc đây. Còn bao nhiêu nơi phải đi nữa chứ!”
10/08/2024(Xem: 808)
ột người tâm không tĩnh thì rất khó suy nghĩ cặn kẽ một vấn đề gì đó, xã hội hiện đại là một thời đại rối ren, con người sống và làm việc cũng đều rất kiêu căng, xốc nổi. Chỉ có người nào tĩnh tâm thì mới có thể cẩn thận quan sát thời thế, suy xét một cách sâu sắc để có được cách giải quyết vấn đề hoặc hiểu được con người một cách chính xác.
24/07/2024(Xem: 815)
Tiếng Việt từ TK 17: các cách dùng bên kia, hôm kia, hôm kìa, hôm kiết, hôm kiệt, ngày kia, ngày kìa - tương tác giữa thời gian và không gian (phần 46) Nguyễn Cung Thông[1]
22/07/2024(Xem: 1085)
Nhân mùa chư Tăng An Cư Kiết Hạ & Đại lễ Dâng Y tắm mưa trong tháng 7 tại Bồ Đề Đạo Tràng. Với tâm niệm hộ trì chư Tôn đức Tăng già, (Maha Sangha) và các bậc tu hành nơi đất Phật trong lúc An cư, đầu tuần lễ này (7-18-24) Hội từ thiện Trái Tim Bồ Đề chúng con, chúng tôi đã thực hiện một buổi cúng dường đến Đại Tăng với sự phát tâm lành của chư Phật tử hữu duyên đã gửi gắm cho con trên con đường Hoằng Pháp đó đây trên các tiểu bang xứ Cờ Hoa. Trong niềm hoan hỷ khi thiện sự viên thành mỹ mãn, xin gửi quý vị số hình ảnh tường trình...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com