Cư Sĩ Chánh Trực
Toronto, Canada 1999 - PL 2543
Trên thế giới hiện nay, từ Âu sang Á, có rất nhiều tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau. Nói chung, đối với mỗi tôn giáo đều có hai hạng người: tu sĩ và tín đồ. Trong phạm vi bài này, để cho quảng đại quần chúng cùng theo dõi, chúng ta chỉ nhắc đến Phật giáo. Trong phạm vi đó, chúng ta thử tìm hiểu một vấn đề thường được đề cập đến trong cuộc sống hằng ngày, đó là chữ "tu", nhất là vấn đề tu hành dành cho cả hai giới tín đồ và tu sĩ, hay nói cách khác là Phật Tử tại gia và xuất gia.
Về phương diện vật chất, khi thấy có một công trình kiến trúc lâu năm đang xuống cấp, hư hao, người ta đề nghị trùng tu hay tu bổ, nghĩa là sửa chữa công trình đó cho tốt đẹp hơn, khang trang hơn, vững chắc hơn. Về phương diện tinh thần hay tâm linh, khi gặp một người hiền lành, biết ăn chay, tụng kinh niệm Phật, tánh tình dễ dãi, hiền hòa nhã nhặn với mọi người, người ta thường nói người đó "nhờ biết tu" nên mọi người chung quanh cảm thấy dễ thở, thoải mái. Niềm an lạc và hạnh phúc có ngay từ trong gia đình người đó, ảnh hưởng đến ngoài xóm làng, bạn bè và những người quen biết.
Còn đối với những người không biết tu, bản thân họ không hưởng được an lạc và hạnh phúc, không biết được thế nào là "pháp vị" vi diệu tuyệt vời. Họ thường bị phiền não và khổ đau của cuộc đời chi phối, bức bách, ngày ăn không ngon, đêm ngủ chẳng yên, bởi những chuyện thị phi, hơn thua, tranh chấp liên tục, không bao giờ giải quyết được ổn thỏa. Thêm nữa, gia đình họ khó có được những ngày thực sự êm đềm hạnh phúc, bởi ảnh hưởng những nhiệt não tỏa ra từ con người không biết thế nào là tu đúng theo Chánh Pháp, hoặc chỉ biết tu hình tướng và tin theo những điều mê tín dị đoan.
Những người không biết Chánh Pháp để tu, thường cảm thấy bất mãn, bực dọc, thèm muốn, thích đấu tranh, thích hơn thua, thích tiện nghi, nhàn hạ, chùa to tượng lớn, phô trương, cung kính, ăn trên ngồi trước, nghĩa là họ thích đủ mọi thứ trên trần đời. Họ luôn luôn nhìn thấy cuộc đời đầy phiền não và khổ đau, mọi người trên trần đời là bần tiện xấu xa, con người và cuộc đời đều đáng lánh xa.
Họ không bao giờ nghĩ là họ chưa hoàn toàn, chưa hoàn hảo, họ cũng có một phần lỗi trong các cuộc tranh chấp ở đời. Lúc nào họ cũng thấy là "mình đúng người sai". Cho nên họ chạy đi tìm thần linh, tìm thượng đế để cầu nguyện, khấn vái, cầu khẩn,van xin, hết điều này đến điều nọ. Nếu mọi chuyện đều được đáp ứng, toại nguyện, tốt đẹp như ý họ mong cầu, họ cho là "trời thương". Bằng như ngược lại, họ phiền trách, cho là "trời không thương", hoặc "trời bất công"!
Những người không hiểu biết Chánh Pháp thường nghĩ rằng, cho rằng đạo Phật chỉ dành cho những người thất tình, bất đắc chí, hay những người già cả không sống được với con cháu trong gia đình nên cạo đầu vào chùa để "tu". Lâu ngày cửa chùa biến thành chỗ trốn nợ đời, hay là viện dưỡng lão, thiền môn biến thành sân khấu cải lương nam bộ của những kẻ sầu đời, chán ngán thế thái nhơn tình!
Bởi vậy cho nên, thiết tưởng chúng ta cũng cần tìm hiểu: "tu" nghĩa là gì, để làm gì, có ích lợi gì? Những ai cần phải tu? Tại sao phải tu? Làm sao tu theo Phật? Muốn tu theo Phật phải làm gì?
* * *
Trong mọi giới Phật Tử chúng ta hiện nay, phần đông không hiểu rõ ý nghĩa của chữ "tu", không hiểu rõ tu để làm gì, cho nên ứng dụng một cách đáng thương. Có người cho rằng tu là phải cạo râu tóc, mặc áo nâu sòng, hay áo cà sa, vào ở trong chùa, tức là phải có hình tướng nhà sư, phải là tu sĩ mới gọi là "người tu". Hoặc rộng rãi hơn một chút, có người cho rằng phải biết ăn chay, thường xuyên đi chùa, tụng kinh, niệm Phật, làm công quả, làm Phật sự, làm việc chùa, mới gọi là người tu. Không làm như vậy thì không phải là người tu.
Hiểu như vậy không hoàn toàn sai, nhưng chúng ta chỉ mới chú ý đến phần "sự", tức là phần hình thức, hình tướng bên ngoài của một người tu mà thôi. Hay nói cách khác, những điều đó chỉ là "điều kiện có" của một người tu, dù là xuất gia tu sĩ hay tại gia cư sĩ, chứ chưa phải là "điều kiện đủ" để thành một người tu thực sự theo đạo Phật. Đạo Phật không chú trọng nhiều đến hình thức, hình tướng, nhưng không phải không cần có hình thức, hình tướng bên ngoài. Tuy vẫn cần phải có hình thức, hình tướng bên ngoài, một người tu đồng thời cũng phải có chất lượng, có nội dung bên trong, gọi là phần "lý", cả hai phải được vẹn toàn, phải "lý sự viên dung" mới gọi là tu đúng Chánh Pháp .
Trước hết nói về phần sự, tức là phần hình thức, hình tướng bên ngoài, chúng ta thảy đều đồng ý là một người tu cần phải có hình thức trang nghiêm thanh tịnh. Nghĩa là một người tu cần phải ăn mặc tề chỉnh, đi đứng đàng hoàng, thái độ chững chạc, cử chỉ khoan thai, nói năng lễ độ, hòa nhã khiêm tốn. Không ai có thể chấp nhận một người ăn mặc lôi thôi xốc xếch, đi đứng nghiêng ngửa, nói năng hồ đồ, cử chỉ thô tháo, là một người tu chơn chính, ngoại trừ trường hợp các bậc thánh nhơn trong các chuyện cổ tích. Cũng trong phần sự, nói chung người tu là người ăn hiền ở lành, không làm việc gì bất thiện, khổ người hại vật, luôn luôn giúp đỡ bất cứ ai, khi cần đến.
Tuy nhiên, phần quan trọng hơn cả chính là phần "lý", tức là phần nội dung bên trong, phần tâm tánh chủ yếu, phần ý nghĩa của những việc làm bên ngoài trên đây. Nghĩa là một người tu cần phải giữ gìn giới luật, tụng kinh, niệm Phật, thiền quán, tu tập thiền định, phát triển trí tuệ bát nhã, đi chùa, làm tất cả mọi công việc đem lại ích lợi cho mình và cho người, một cách chí công vô tư, không phân biệt, không thành kiến. Phần lý này được tóm gọn trong bốn chữ, đó là TU TÂM DƯỠNG TÁNH vậy.
Nếu một người tu chỉ biết lo phần sự, chỉ biết lo trau chuốt hình tướng bên ngoài, chỉ biết lo làm những việc hình thức, không có phần lý, không thực sự thông hiểu và không thực hành Chánh Pháp, thì đó chỉ là cái thùng rỗng, chỉ có cái võ, không có ruột. Một người chỉ biết tu hình thức như vậy, dù có cạo tóc vào ở trong chùa, trong tâm vẫn còn đầy dẫy phiền não, chỉ biết học những nghi lễ cúng kiến mà không hiểu ý nghĩa cao siêu của các nghi lễ đó. Họ không chịu nghiên cứu tìm hiểu Chánh Pháp, ngọn đuốc trí tuệ tắt ngỏm, cho nên chư Tổ gọi những người như vậy là "tu mù". Người thế gian thường gặp họ trong các tang lễ, nên gọi họ là "thầy tụng đám ma". Một người chỉ biết tu hình thức như vậy, không có ích lợi gì cho chính bản thân họ, ngoài lợi dưỡng, không có ích lợi gì cho những người chung quanh, và nhứt là không ích lợi gì cho đạo pháp cả.
Khi đến chùa lễ Phật, tụng kinh, cúng kiến hay thọ tam qui ngũ giới, Phật Tử chúng ta thường nghĩ rằng: chắc là từ đây về sau, chư Phật sẽ phù hộ độ trì cho được bình an, mọi mong cầu được vạn sự như ý, và cuối cùng, sau khi lìa bỏ cõi đời này, chúng ta sẽ được chư Phật rước về miền cực lạc. Như vậy chúng ta chưa phải là Phật Tử chơn chánh. Thọ tam qui tức là qui y Tam Bảo, gồm Phật Pháp Tăng, và nguyện giữ năm giới là sát, đạo, dâm, vọng, tửu. Nói cách khác, qui y Tam Bảo rồi, chúng ta không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu.
Thực ra, kể từ ngày đó, việc chúng ta phải làm là cố gắng sửa đổi tâm tánh của chúng ta, phải quyết chí chừa bỏ những thói hư, tật xấu, phải chiến thắng những tâm niệm tham lam, sân hận, si mê, phải từ bỏ những lời nói ác độc, gièm xiểm, ganh tị, đố kỵ, phải từ bỏ những hành động xấu xa, gian ác, bất thiện, sát nhơn hại vật, phải từ bỏ những ý nghĩ lợi mình hại người, khen mình khinh người. Kể từ ngày đó, chúng ta phải sống theo hạnh của chư Phật, chư Bồ Tát, làm lành lánh dữ, làm theo những lời dạy quí báu của chư Phật, chư Bồ Tát, chư vị Tổ sư, giữ gìn tâm ý cho thanh tịnh. Đó chính là tu tâm dưỡng tánh vậy.
Chúng ta thường nghĩ tu là nương tựa, là cầu xin với chư Phật để thỏa mãn mọi mong cầu và qui y Phật, theo Phật, thờ cúng Phật, lạy Phật, sẽ được bình an suốt đời. Bởi vậy cho nên chúng ta trở thành yếu hèn, ỷ lại, mất hết ý nghĩa cao đẹp của chữ "tu". Do bản chất của con người là tham lam, yếu đuối và sợ hãi, dù là Phật Tử thuần thành, đi chùa lễ Phật, tụng kinh thường xuyên, chúng ta cũng không tránh khỏi những tâm bệnh nói trên, cho nên không tránh khỏi những phiền não và khổ đau của cuộc đời.
Do lòng tham lam sâu đậm từ vô thủy cho đến ngày nay, chúng ta qui y Phật với lòng mong cầu thỏa mãn những ước mơ thầm kín, thường là quá sức để thực hiện. Chúng ta thỉnh thoảng đến chùa, hay thậm chí cạo tóc vào ở luôn trong chùa hằng chục năm dài, nhưng không chú ý đến việc học đạo, không màng đến những giáo pháp cao siêu trong các kinh điển, không học hỏi các bậc thiện tri thức, để tự tu tâm dưỡng tánh theo lời Phật dạy.
Chúng ta thường đến chùa chỉ để cầu bình an, xin may mắn, khấn vái điều này, van xin điều nọ, khi gặp khó khăn, lâm cảnh khổ nạn, bèn tự kêu lên: "Phật ơi, cứu con!", người đời quen gọi, đó là "tu hú"! Chúng ta sống lây lất cho qua ngày tháng trong niềm mê tín như vậy, để chờ ngày được Phật rước về miền cực lạc. Thật là vô minh, làm uổng phí cả cuộc đời hiện tại vô cùng quí báu!
Chỉ mang đến chùa có một bó nhang, một nải chuối, một bình bông, đóng góp một ít tiền ấn tống kinh sách, hoặc đăng báo lời nguyện với hai ba câu niệm Phật và Bồ Tát, chúng ta cầu nguyện, khấn vái, van xin, đủ thứ chuyện. Nào là thân thể khỏe mạnh, gia đạo bình an, bệnh tiêu tật hết, con cái giàu sang, buôn may bán đắt, nhứt bổn vạn lợi, thắng chuyện kiện thưa, được tiền bạc triệu, tình duyên tốt đẹp, thi đâu đậu đó, tai qua nạn khỏi, vạn sự kiết tường, muôn sự như ý, tùy tâm mãn nguyện, quyến thuộc siêu sanh, thân nhân trường thọ, nghĩa là chúng ta mong cầu đủ mọi thứ trên trần đời. Với cái giá cầu nguyện rẽ mạt như vậy, chúng ta van xin đủ những điều mà chư Phật đã dứt bỏ, và khuyên chúng ta nên dứt bỏ, để tu tập cho đến chỗ giác ngộ và giải thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi.
Vì không chịu học đạo cho nên chúng ta mới sai lầm như vậy. Làm như vậy, có phải là chúng ta đã phỉ báng Phật, đã làm sai lời Phật dạy? Chúng ta không hiểu luật nhân quả, nghĩa là ở hiền gặp lành, gieo gió gặt bão, sinh sự sự sinh, gieo nhân nào gặt quả nấy, cho nên chúng ta dễ dàng phạm tội tạo nghiệp, dùng thủ đoạn thưa kiện, kiếm được nhiều tiền, cúng Phật chút đỉnh, tự kỷ ám thị, để mong cầu hết tội, chạy tội, xóa tội. Nếu thực tâm muốn sạch tội, chúng ta phải biết pháp sám hối để diệt trừ nghiệp chướng, phiền não và khổ đau, tức là phải biết những lời dạy của chư Phật, phải học hỏi Chánh Pháp.
Mọi phiền não khổ đau trên đời đều từ gốc vô minh mà ra. Muốn hết phiền não khổ đau, muốn được giải thoát, muốn được an lạc và hạnh phúc, chúng ta phải giác ngộ. Muốn được giác ngộ, chúng ta phải học hỏi giáo pháp, tức là những lời Phật dạy, để tự ứng dụng tu tập cho đúng Chánh Pháp, để tự tu tâm dưỡng tánh. Được như vậy, chúng ta sẽ mở mang trí tuệ bát nhã với ngọn đuốc Chánh Pháp của chư Phật, để cương quyết, can đảm, kiên trì, nổ lực, tinh tấn tu hành, cho đến ngày giải thoát khỏi sanh tử luân hồi. Muốn hiểu được lời Phật dạy, muốn được hưởng pháp vị một cách thấm thía, nồng nàn, chúng ta phải tận lực suy tư, nghiền ngẫm Chánh Pháp một cách tường tận, tinh vi. Đồng thời, chúng ta phải áp dụng Chánh Pháp vào trong đời sống hằng ngày.
Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật có dạy:
Hãy tự thắp đuốc, tự mình bước đi.
Thắp sáng trí tuệ, ngọn đuốc chánh pháp.
Nghĩa là: Đức Phật dạy chúng ta hãy tự quán chiếu, tự soi sáng trí tuệ của mình bằng cách học hỏi giáo pháp, để tự chuyển hóa ba nghiệp thân khẩu ý của mình cho được thanh tịnh, hay nói cách khác, để tự tu tâm dưỡng tánh.
Theo lịch sử, vào thời đó, lúc Đức Phật còn tại thế, Ngài không thể cứu được các vị đại đệ tử của Ngài, khi nghiệp báo của họ đến. Ngay bản thân của Đức Phật cũng bị những khổ nạn, cũng gặp những khó khăn do ngoại đạo gây nên, thì thử hỏi, chúng ta không chịu tự tu tâm dưỡng tánh, tự thắp đuốc lên mà đi, tự cứu chính mình, mà chỉ một mực cầu nguyện, van xin, khấn vái đủ điều như trên, liệu có được gì chăng?
Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật có dạy:
Dù có lên non, xuống biển vào hang,
nghiệp báo đã mang, vẫn theo con người
như hình với bóng, không ai có thể
tránh khỏi thoát khỏi.
Nghĩa là: nếu chúng ta không biết tự tu tâm dưỡng tánh, để chuyển hóa ba nghiệp, thì dù cho có van xin, cầu khẩn đến đâu, hay thay hình đổi dạng, làm vua hay thường dân, làm cư sĩ tại gia hay tu sĩ xuất gia, làm tín đồ hay làm giáo chủ, dù như thế nào đi nữa, chúng ta cũng không tránh khỏi khi nghiệp báo đến. Đó chính là luật nhân quả vậy. Có vị giáo chủ đương thời khi ra tiếp xúc với công chúng, đứng ở trên xe hơi, trong lồng kính chống đạn, vì sợ bị ám sát. Thượng đế còn không cứu được khi con người đến lúc phải trả nghiệp, huống gì là cái lồng kính! Cũng vậy, tục ngữ có câu: "Chạy trời không khỏi nắng", chính là nghĩa đó vậy.
Chắc mọi người ai cũng thừa nhận rằng: tất cả chúng ta đều sẵn có hai thứ tâm địa, đó là tâm hiền lương và tâm bất lương. Tâm hiền lương là cái nhân đem lại cái quả an lạc và hạnh phúc cho mình và cho người, đời này và nhiều đời sau. Tâm bất lương ác độc là nhân đem lại quả phiền não và khổ đau cho mình và cho người, đời này và nhiều đời sau. Tu là dẹp bỏ tâm bất lương ác độc, phát triển tâm hiền lương. Tu là điều kiện tất yếu cho tất cả mọi người muốn hết khổ được vui, không phân biệt bất cứ ai, bất cứ giới nào. Người nào còn chất chứa tâm niệm bất lương ác độc, thì cầu nguyện bình yên chỉ hoài công mà thôi, cũng như người uống nhằm độc dược mà lại chưa muốn chết!
Tư tưởng yếu hèn và ích kỷ khiến chúng ta nghĩ đến việc trao gởi thân mạng của chúng ta và của gia đình cho chư Phật, nhờ chư Phật phò hộ, độ trì hết thảy mọi việc được bình an khi còn sống, được về miền cực lạc khi từ giã cõi đời. Những người này cung kính Đức Phật như một vị thần linh hộ mạng, tưởng như Đức Phật có quyền năng bảo hộ cho bản thân họ và gia đình họ suốt đời. Vì thế khi bản thân hay gia đình họ xảy ra việc gì không may, họ hết sức tha thiết chí thành, cầu nguyện van xin Đức Phật gia hộ cho được tai qua nạn khỏi. Nếu được như ý, thì họ cho là Đức Phật linh thiêng, tiếp tục đi chùa lễ Phật, để cầu khẩn, van xin tiếp chuyện khác.
Họ không hiểu rằng do chính họ ăn ở hiền lành, làm việc phước thiện, tạo phước đức trước đây, và ngày nay nhờ phước báo đó đã cứu họ qua được cơn hiểm nghèo, hoạn nạn, chứ không phải do van xin, cầu khẩn mà được đáp ứng đâu.
Chính phước báo đã làm giảm thiểu nghiệp báo đó vậy.
Bằng như không được toại nguyện, không được tai qua nạn khỏi, do thiếu phước báo, họ dễ dàng sanh lòng phỉ báng Đức Phật không từ bi, không linh thiêng, và chạy theo ngoại đạo tà giáo, cúng kiến bất cứ vị thần thánh nào, mà họ nghe đồn là linh thiêng, là có quyền năng tối thượng, siêu việt, sẵn sàng chịu chết thay họ, chuộc tội của họ làm, cho họ được bình yên sung sướng. Với tâm quịt nợ, trốn trách trách nhiệm, họ bị gạt gẫm, tiền mất tật mang, đánh mất chánh tín, rơi vào hố sâu mê tín dị đoan, ngày càng xa rời Chánh Pháp.
Có nhiều người cầu nguyện van xin Đức Phật không có kết quả, bèn đến các lăng tẩm của những vị tướng quân bị triều đình ngày trước bức hại, nghe đồn hiển thánh thành thần, hoặc đến miểu ông miếu bà cốc cô nào đó, để cầu khẩn khấn vái, ký gửi con cái bệnh hoạn khó nuôi, xin bùa hộ mạng bình yên, xin phép làm ăn một vốn bốn lời. Thực là đáng thương vô cùng! Tại sao như vậy?
Bởi vì những vị đó lúc đương thời còn giữ không được cái mạng của họ, thì làm sao mà cứu giúp ai ở đời sau được chứ! Còn những ông đồng bà cốt, cô hai cô ba, có khả năng nào giải tai giải nạn cho người khác, trong lúc tự lo thân của họ còn chưa xong, ngày nào không có khách cúng tiền, không biết lấy gì mà ăn?
Cuộc sống của chúng ta đầy dẫy những lo âu, bất trắc. Cho nên chúng ta luôn luôn sống trong sự sợ hãi. Khi gặp hoạn nạn chúng ta thường tìm cách nương tựa vào một đấng thiêng liêng tưởng tượng nào đó, để cầu nguyện, khấn vái, van xin, mong được an tâm. Bởi vậy cho nên, chúng ta thường nghĩ rằng qui y Phật, đi chùa lễ Phật, tụng kinh niệm Phật, hay hằng ngày ở nhà tụng kinh, thắp hương, cúng Phật, là "tu" và sẽ được chư Phật ban cho mọi sự như ý, mọi thứ an lành, mọi sự sung sướng. Nếu không được toại nguyện, chúng ta sẽ đánh mất niềm tin và lạc vào ngoại đạo một cách dễ dàng.
Ở đây chúng ta cần hiểu rõ ràng rằng:
"Ngoài tâm cầu đạo tức là ngoại đạo".
Tại sao vậy? Bởi vì chư Tổ có dạy:
"Phật tức Tâm, Tâm tức Phật", ngoài tâm không có Phật, Phật ở chính ngay trong tâm của chúng ta.
Phật không có ở trong chùa, không có ở trên non trên núi, không có ở dưới sông dưới suối, không có ở trong rừng trong hang, không có ở cội cây hòn đá. Phật không có ở trong các pho tượng hay tranh vẽ. Những người tự xưng là Phật sống, là đại diện Phật để dâng sớ cúng sao giải hạn, cầu an cầu siêu, cầu đủ mọi thứ trên trần đời, hoặc thấy cội cây, hòn đá có hình dáng lạ lùng nào đó, liền cho là Phật hiện, đổ xô đến lạy lấy lạy để, đều không phải Chánh Pháp, đều là mê tín dị đoan cả. Thậm chí có người tu đến khi mãn phần, xác thân tứ đại đem thiêu, thấy có vài chuyện lạ, liền cho là hiển linh, cho là xá lợi, rủ nhau đến chụp hình, lễ lạy cho có phước, để cầu xin, van vái. Thật là đáng thương cho những người gọi là Phật Tử như vậy, dù là tại gia hay xuất gia.
Ngày xưa, Thái Tử Tất Đạt Đa rời bỏ hoàng cung, ra đi tìm đạo giải thoát. Sau một thời gian tu tập thiền định, trí tuệ bát nhã bừng sáng, Ngài giác ngộ được Chân Lý và thành Phật. Sau đó, Đức Phật chỉ dạy rằng:
"Nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật Tánh".
Nghĩa là tất cả mọi chúng sanh ai ai cũng có Phật Tánh, còn gọi là tánh giác ngộ, đó là tánh sáng suốt hoàn toàn tuyệt đối. Dù là kẻ ngu hay người trí cũng đều có Phật Tánh như nhau. Chỉ tại sự mê ngộ chẳng đồng, cho nên mới có kẻ ngu người trí. Người ngộ được Phật Tánh sẽ thấy cảnh trần càng đẹp càng thuần. Phật Tánh hay tánh giác ngộ chỉ hiện ra khi tâm phiền não không còn, cũng như khi mây đen tan biến hết thì mặt trăng sáng hiện ra vậy. Nói một cách khác, do công phu tu tâm dưỡng tánh, cho nên trong khi vẫn sống ở đời, nhưng không còn bị cảnh trần chi phối, không còn bị cảnh trần gây phiền não, thì vọng tâm lăng xăng lộn xộn trước đây của chúng ta chuyển hóa thành Phật Tánh, trở nên thanh tịnh trong sáng.
Tất cả mọi chúng sanh ai ai cũng sẽ trở thành một vị Phật nếu biết tu tâm dưỡng tánh theo đúng Chánh Pháp, không cần phải qua tận xứ Ấn Độ tìm Phật, không cần phải vào rừng, trèo non lội suối, không cần phải làm những chuyện thay đổi hình tướng, không cần phải làm những chuyện dị hình dị tướng, không cần phải làm những chuyện khác thường khác đời gì cả. Tất cả mọi chúng sanh ai ai cũng có thể tu trong mọi hoàn cảnh, ngay tại thế gian này, ngay trên cõi đời này. Chỉ có điều là chúng ta có phát tâm muốn tu hay không mà thôi.
Chúng ta đã biết là tất cả ai ai cũng đều có những tâm niệm xấu ác cần phải tu, cần phải sửa, cần phải chừa bỏ, như là tâm tham lam, sân hận, si mê, kiêu ngạo, nghi ngờ, đố kỵ, tị hiềm, ganh ghét, hơn thua, cố chấp, che giấu, bỏn xẻn, keo kiệt, ích kỷ, dối gạt, lao xao, lộn xộn, lười biếng, buông lung, phóng túng. Tại sao vậy? Tại sao chúng ta cần phải dẹp bỏ những tâm niệm trên mới gọi là tu?
Bởi vì, trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Đức Phật có dạy: "Những tâm niệm đó chỉ là vọng tâm". Nghĩa là những tâm niệm đó "tùy duyên mà có", hết duyên thì lặng mất, chứ không phải là tâm thực của chúng ta, không phải là "chơn tâm". Chẳng hạn, không có ai đến quấy nhiểu, làm phiền, chúng ta sẽ hiền lành như bụt vậy. Chỉ khi nào có người đến, nói điều gì khó nghe, khó lọt vào tai, hay làm điều gì bất như ý, đụng chạm quyền lợi, xúc phạm tự ái, chúng ta sẽ nổi tam bành lục tặc ngay tức thì, do nghiệp chướng tích lũy lâu đời nhiều kiếp, trong kinh sách gọi là "tùy duyên" mà tâm tức giận đó nổi lên. Nhẹ thì cãi vã, nặng thì ấu đả. Kết cuộc, một bên vào nhà thương hay ra nghĩa địa, một bên thì vào nhà tù hay ra tòa án. Bởi vì người đời thường cho là "nhịn thì nhục", cho nên hể ai "cự thì đục". Thế là sóng gió, thế là phiền não và khổ đau nối tiếp theo sau đó.
Nếu người nào hiểu được là "nhịn chẳng có gì nhục, cự chẳng cần phải đục" thì người đó sống cuộc đời an lạc và hạnh phúc không nghi. Chỉ e sợ rằng chúng ta nhịn không nổi mà thôi, chứ có gì gọi là nhục đâu. Chỉ vì tự ái quá cao, coi mặt mũi quá trọng, nên chúng ta phản ứng mà chẳng kịp suy nghĩ đến hậu quả xảy ra sau đó.
Thí dụ như có người đến mắng chúng ta là đồ ngu như bò, chắc là chúng ta sẽ nổi tức ngay. Như vậy là người đó nói đúng quá rồi, còn gì nữa mà đôi co và cãi vã! Bởi vì nếu chúng ta thực sự không ngu và thực sự không phải là con bò, thì cần gì phải tức giận cho mệt. Lời nói của người đó không có nghĩa lý gì cả, cho nên chúng ta không cần phải chấp làm gì. Được như vậy, chắc chắn chúng ta sẽ sống an lạc và hạnh phúc ngay hiện đời, không nghi. Hơn nữa, lời chửi mắng chỉ là chuyện nhỏ, còn những chuyện lớn hơn, chẳng hạn như bạn bè chơi thân với nhau từ lâu, rồi sang đoạt tài sản, bản quyền sách vở, rồi lại lôi đầu mình ra trước ba tòa quan lớn, thưa kiện cho sạt nghiệp luôn, thì chúng ta mới phải đối phó sao đây, cư xử sao đây, cho gọi là phải đạo?
Trong kinh sách có câu:
"Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả".
Nghĩa là người có trí tuệ bát nhã của bậc Bồ Tát, trước khi hành động, nói năng, suy nghĩ, đều cân nhắc đắn đo hậu quả, còn phàm phu tục tử, muốn làm thì làm, muốn nói thì nói, muốn nghĩ thì nghĩ, chẳng cần biết đến hậu quả ra sao. Trong tam tạng kinh điển, Đức Phật có dạy: Tự ái tức là chấp ngã, chấp ngã thì khổ đau. Muốn hết phiền não và khổ đau thì phải đạt được "trạng thái vô ngã", đó là mục đích cứu kính của đạo Phật. Muốn đạt được trạng thái vô ngã, chúng ta cần phải tu học và hành trì trong một thời gian không ngắn! Đó chính là tu tâm dưỡng tánh vậy.
Chấp ngã nghĩa là gì? Chấp ngã tức là "chấp cái ta" là thiệt, là ngon lành, hể ai đụng tới là ăn thua đủ ngay tức thì. Chúng ta có biết đâu rằng "cái ta" ngon lành đó, chỉ gồm có cái xác thân hôi hám bằng xương thịt, trong kinh sách gọi là thân tứ đại vì gồm có bốn chất là đất nước gió và lửa, sẽ bị chúng ta bỏ lại trần thế ngay khi lìa đời. Cát bụi sẽ trở về với cát bụi. Vậy cái gì là "ta" thực sự đây? Có phải cái tâm suy nghĩ là "ta" chăng? Cũng không phải! Tại sao vậy? Bởi vì cái tâm suy nghĩ lăng xăng, lộn xộn đó "tùy duyên mà có", hết duyên thì lặng mất, cho nên đó chỉ là "vọng tâm", tức là cái tâm vọng động mà thôi, đâu phải thực là "ta". Nếu đó là "ta", thì chẳng lẽ, "ta" lúc có lúc không, lúc còn lúc mất?
Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Đức Phật có dạy:
"Sanh diệt ký diệt. Tịch diệt hiện tiền".
Nghĩa là khi vọng tâm sanh diệt lặng mất rồi, tức là tâm trạng lúc có lúc không lắng hết, thì cảnh giới tịch diệt, tức là chơn tâm hiện tiền. Chơn tâm là một tên gọi khác của Phật Tánh. Chúng ta có thể ví dụ mặt biển lúc yên lặng, bình thản, im sóng lặng gió như là chơn tâm. Lúc có gió thổi đến, gió nhẹ sóng nhỏ, gió lớn sóng to. Ví như vọng tâm điên đảo, nổi sóng tham lam, giận tức, ngu si, khi đáp ứng với những ngọn gió của đời sống, như bị dụ dỗ danh lợi, bị chửi mắng nhục mạ, bị chọc tức trêu gan, bị khen chê phê phán, bị suy sụp cơ nghiệp.
Nói một cách khác, mặt biển tùy gió mà nổi sóng.
Tâm của chúng ta cũng vậy, tùy duyên mà sanh khởi những tạp niệm, sanh khởi những vọng niệm xấu xa ích kỷ, lợi mình hại người.
Mặt biển tượng trưng cho tâm thể thanh tịnh của chúng ta, trong kinh sách gọi là Chân Tâm hay Phật Tánh.
Tu tâm dưỡng tánh nghĩa là làm sao sửa đổi, chừa bỏ những những tâm niệm trên đây, làm sao khi có gió thổi đến, mà mặt biển tâm thanh tịnh của chúng ta không một chút xao động, không một chút gợn sóng, tức là chúng ta đã đạt được mục đích cứu kính của Đạo Phật rồi. Đó mới thực là một người chơn chính tu theo đạo Phật, mới thực sự là một Phật Tử thuần thành, dù là tại gia cư sĩ hay xuất gia tu sĩ. Ngược lại, đó chỉ là hình tướng bên ngoài không hơn không kém mà thôi.
Tục ngữ Pháp có câu: "L?habit ne fait pas le moine", tức là: "Chiếc áo cà sa không tạo ra người tu sĩ", chính là nghĩa đó vậy.
Tục ngữ Việt Nam ta có câu:
Thứ nhứt tu tập tại gia.
Thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa.
Nghĩa là tu tập tại gia là việc dễ nhứt, bởi vì trong gia đình toàn là những người thân thương, nên mọi việc đều được cảm thông dễ dàng hơn, dễ tha thứ hơn, dễ bỏ qua những lỗi lầm sai trái. Kế đến, khi ra chợ làm ăn buôn bán, mà muốn tu thực là khó, bởi vì gặp những người ở ngoài chợ, phần đông người lạ, ý kiến tánh tình, mỗi người mỗi khác, biết đâu mà lường, làm dâu trăm họ, làm sao tu được? Vào chùa tu lại càng khó hơn, bởi vì giới luật nhà chùa, khắc khe nghiêm ngặt, thường bị kiểm soát, canh chừng nhắc nhở, mất hết tự do.
Tuy nhiên, có người giải thích khác hơn như sau: Tu tập tại gia là việc khó khăn nhứt, bởi vì người trong gia đình quá quen thuộc, cho nên lờn mặt, khó tu khó sửa, không người nhắc nhở, khuyến khích tu tập, bụt nhà không thiêng. Hơn nữa tại gia, đủ thứ cám dỗ, đủ thứ phiền não, khổ đau cuộc đời, bận rộn suốt ngày, không có thời giờ, làm sao tu được? Tu chợ thì ít khó hơn, bởi vì mỗi ngày chỉ đi chợ vài tiếng đồng hồ là nhiều, có khi mỗi tuần chỉ đi chợ một lần, chuyện gì tu được thì tu, chuyện gì tu không được thì thôi! Tu ở chùa là dễ dàng nhứt, bởi vì không phải lo chuyện sinh nhai, không ai dám xúc phạm, không bận rộn chuyện thế gian, có thầy lành bạn tốt sách tấn đồng tu.
Vậy quan niệm nào mới thực là đúng? Câu trả lời tương đối là: "tùy duyên", tức là tùy người, tùy hoàn cảnh, tùy địa phương, tùy pháp môn, tùy thời đại, tùy giáo phái, tùy nhiều điều kiện, không có gì nhứt định đúng hoàn toàn cả! Bất cứ hoàn cảnh nào, dù dễ hay khó, người nào tu được, người đó an lạc, chung quanh hạnh phúc! Thực là đơn giản!
* * *
Tóm lại, muốn "tu tâm", nghĩa là chừa bỏ những tâm niệm xấu ác, bất thiện trên đây, chúng ta cần phải "dưỡng tánh", nghĩa là nuôi dưỡng, phát triển những đức tánh tốt đẹp thay thế, như là tánh từ bi hỷ xả, tánh bình đẳng vô tư, tánh công minh chính trực, tánh nhẩn nhịn nhu hòa, tánh trong sạch hiền lương, tánh siêng năng tinh tấn, tánh kiên trì bền chí. Những đức tánh tốt đẹp này thay thế những tâm niệm bất thiện, lăng xăng lộn xộn, lâu ngày giúp chúng ta giác ngộ, và chuyển hóa vọng tâm thành chơn tâm, tức là chúng ta đã giải thoát khỏi sanh tử luân hồi.
Tất cả mọi người đều cần phải biết tu. Con người có tu mới được an lạc, tự tại và giải thoát. Gia đình có tu mới được hạnh phúc. Nhân loại có tu mới thanh bình. Chúng ta cũng biết cuộc đời khổ đau, bất trắc, hay an vui, sung sướng, là quả báo từ nhiều đời nhiều kiếp trước, do "chính chúng ta đã làm", đúng theo luật nhân quả. Chúng ta đã tạo "nhân" nào trước đây thì nay chúng ta nhận "quả", kết quả hay hậu quả, tương ưng đó vậy. Chúng ta nên nhớ chư Phật và chư vị tu hành đắc đạo cũng không ra ngoài luật nhân quả. Các Ngài chỉ ra ngoài vòng sanh tử luân hồi nhờ biết tu theo lời chư Phật dạy, đúng Chánh Pháp, nên thoát khỏi mọi khổ đau, mọi ràng buộc của cuộc đời.
Vậy, nếu muốn khỏi khổ đau, muốn được an vui, chúng ta hãy phát tâm "tu" ngay từ giờ phút này. Nếu muốn tu hành đúng Chánh Pháp, chúng ta phải phát tâm cầu học Phật Pháp một cách mãnh liệt. Chỉ có cách đó mới có thể giúp chúng ta giác ngộ và giải thoát mà thôi. Chúng ta hãy tự kiểm điểm, xem mình thuộc hạng nào sau đây: Nếu chúng ta thuộc hạng đến với Phật để mong cầu bình an, van xin điều nọ điều kia, thì hãy nên thức tỉnh, can đảm chuyển hướng tu hành để trở thành người Phật Tử chơn chánh, tuy còn trong vòng sanh tử luân hồi, nhưng cũng sống cuộc đời an lạc và hạnh phúc. Nếu chúng ta thuộc hạng đến với Phật để tu học, để tu tâm dưỡng tánh, thì nên cố gắng, nổ lực hơn nữa, để mọi sự xấu xa, phiền não đều tan biến, tiến thẳng trên đường giác ngộ và giải thoát, thoát ly khỏi vòng sanh tử luân hồi.
Toàn thể chúng ta đều muốn là người chánh tín, không ai muốn là hạng người mê tín dị đoan, phải biết ứng dụng Chánh Pháp để chuyển hóa cuộc đời mình, bớt khổ thêm vui, thực sự đem ngọn đuốc Chánh Pháp soi sáng đời mình, ra khỏi đêm tối vô minh.
Sau hết, chúng ta cần nhớ lại lời chư Tổ đã dạy:
Tu mà không học, đúng là tu mù.
Học mà không tu, đúng là tủ sách.
Kính chúc quí vị, nhờ học hiểu Phật Pháp, biết tu tâm dưỡng tánh nên tạo được cảnh giới niết bàn, hưởng sự an lạc và hạnh phúc ngay hiện đời, giải thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi, không phân biệt là tại gia cư sĩ hay xuất gia tu sĩ.