Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

06. Công Ðức và Phước Ðức

02/02/201108:57(Xem: 5593)
06. Công Ðức và Phước Ðức

CƯ TRẦN LẠC ĐẠO
Cư Sĩ Chánh Trực
Toronto, Canada 1999 - PL 2543

Công Đức và Phước Đức

Trong mùa Vu Lan hằng năm, nhân dịp chư tăng mãn hạ tự tứ, sau ba tháng an cư kiết hạ tu học, vào dịp lễ trung ngươn, tức rằm tháng bảy, chúng ta thường cùng nhau làm các Phật sự như bố thí, phóng sanh, cúng dường trai tăng, in kinh ấn tống, đúc chuông, tạo tượng, với tâm nguyện hồi hướng cho tổ tiên phụ mẫu quá vãng được siêu sanh tịnh độ, cầu cho cha mẹ hiện tiền được tăng long phước thọ, với niềm báo đáp trọng ân dưỡng dục của các bậc sanh thành, noi gương tôn giả đại hiếu Mục Kiền Liên ghi trong kinh sách. Khi làm các Phật sự trên đây, chúng ta thường nghĩ là được nhiều công đức và thường được tán dương đã làm được vô lượng công đức, cho nên cứ tiếp tục làm hằng năm. Nhân mùa Vu Lan năm nay, chúng ta hãy dành thời gian để tìm hiểu một vấn đề khá quan trọng, đó là: "Công Đức và Phước Đức khác nhau thế nào?"

Ngày xưa, khi Tổ Bồ Đề Đạt Ma từ Ấn Độ sang Trung Hoa hoằng pháp, Ngài đến gặp Vua Lương Võ Đế. Trong lúc luận bàn đạo lý, nhà vua hỏi: "Trẫm một đời cất chùa, độ tăng, bố thí, cúng dường, đúc chuông, tạo tượng, ấn tống kinh sách, như vậy có được công đức gì chăng?". Tổ Bồ Đề Đạt Ma trả lời một cách rõ ràng rằng: "Những việc làm ấy thực không có công đức gì cả!". Vấn đề này làm cho nhiều người thắc mắc, không biết tại làm sao như vậy lại không có công đức gì cả? Bởi vì, theo lịch sử ghi chép lại thì Vua Lương Võ Đế xây cất hằng trăm ngôi chùa, độ tăng chúng tu hành rất đông, thiết trai bố thí, cúng dường, đúc chuông, tạo tượng, ấn tống kinh sách nhiều vô số kể. Nhà vua suy nghĩ làm như vậy tức nhiên được rất nhiều công đức, nhưng không ngờ khi đem vấn đề này ra hỏi, Tổ Bồ Đề Đạt Ma trả lời: Không! Tại sao vậy? Có người không hiểu giáo lý nên giải thích là: Vua Lương Võ Đế không đích thân ra "công" thực hiện những việc làm đó, chỉ sai người khác làm, nên không có "công đức" gì cả!

* * *

Thời gian sau đó, có người đem sự việc này thưa hỏi Lục Tổ Huệ Năng và được Lục Tổ dạy như sau: Quả thực là không có công đức gì cả. Vua Lương Võ Đế vì không biết Chánh Pháp, nên lầm lẫn hai chữ "Công Đức" và "Phước Đức"! Nghĩa là cất hàng trăm ngôi chùa, độ tăng chúng tu hành rất đông, thiết trai cúng dường, bố thí, đúc chuông, tạo tượng, ấn tống kinh sách, chỉ là những việc làm "bên ngoài", có ích lợi cho mọi người, những việc làm cầu phước, nên gọi là phước đức. Phước đức có công năng giúp chúng ta giảm thiểu nghiệp chướng, tiêu trừ quả báo, để được tai qua nạn khỏi, để được may mắn và sung sướng trên đường đời, để bớt chướng ngại trên đường đạo, chứ không giúp chúng ta thoát ly khỏi vòng trầm luân sanh tử. Phước đức có tính cách "hữu lậu" hay "hữu vi", nghĩa là con người hưởng phước vẫn còn trong lục đạo luân hồi. Khi thụ hưởng hết phước rồi thì bị đọa lạc để đền trả quả báo.

Còn công đức là công phu tu tập "bên trong", có ích lợi cho chính mình, nhờ hành trì theo lời Phật dạy trong các kinh điển, luôn luôn niệm Phật, giữ gìn giới luật, tu tập thiền định, phát huy trí tuệ bát nhã. Nghĩa là chúng ta tu tập tam vô lậu học "Giới Định Tuệ" và tam tuệ học "Văn Tư Tu", nhằm mục đích cứu kính là: thoát ly khỏi lục đạo sanh tử luân hồi. Công đức có năng lực giúp chúng ta vượt qua bể khổ sông mê, chóng đến bờ giác ngộ và giải thoát. Công đức có tính cách "vô lậu" hay "vô vi", nghĩa là không còn trong lục đạo sanh tử luân hồi nữa. Công đức giúp con người chuyển hóa tâm tánh từ phàm phu tục tử trở thành bồ tát, thành Phật.

Chúng ta làm những việc như lập chùa hay góp phần xây cất chùa, tham gia phát triển chùa, phát huy các sinh hoạt, các hoạt động của chùa, của giáo hội, giúp cho mọi người khác có được cơ sở để tu học, để hành đạo, giúp cho Phật giáo có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn, rộng rãi hơn, vững chắc hơn, độ được nhiều người hữu duyên hơn nữa. Những việc làm này đem lại lợi ích cho nhiều người như vậy, tức nhiên sẽ đem lại cho chúng ta thực nhiều phước đức. Còn riêng bản thân mình thì không biết tu tâm dưỡng tánh, không học kinh điển, không biết trì giới, không tu tập thiền định, không phát huy trí tuệ bát nhã, cho nên tất cả việc làm trên đây chỉ là những việc làm bên ngoài, có ích lợi cho nhiều người, nhưng không ích lợi cho bản thân mình về phương diện giác ngộ và giải thoát. Tại sao vậy?

Bởi vì, tâm tham lam, sân hận, si mê bên trong chẳng những không giảm bớt mà lại có chiều hướng tăng thêm, vô minh phiền não không tan biến chút nào mà lại có phần dầy đặc hơn. Vì chấp chặt mình đã làm được bao nhiêu việc ích lợi như vậy, dễ có mấy ai làm được như mình, nên tâm cống cao ngã mạn, phách lối ngày một tăng thêm, mục hạ vô nhân, khen mình khinh người. "Bản ngã" đáng lẽ ngày một tiêu mòn tới chỗ "vô ngã" mới hy vọng đạt được đạo cả. Trái lại, bản ngã ngày một tăng lớn thêm, con người không còn thích nghe lời khuyên bảo của bất cứ ai, cứ chấp chặt định kiến sẵn có mà đi tới. Thậm chí có người chấp chặt pháp tu của mình, không muốn thay đổi, không muốn nghe lời chỉ dẫn của bất cứ ai, dù là bực trưởng thượng, dù là thiện hữu tri thức, lại còn dám tuyên bố: cho dù Đức Phật Thích Ca thị hiện bảo họ đổi pháp tu đang thực hành, họ cũng không nghe! Thậm chí nguy! Thậm chí nguy! Bởi vậy, cho nên chư Phật Tổ dạy rằng: Những việc làm như vậy quả thực là không có "công đức" chút nào cả, chính là nghĩa đó vậy!

Những việc làm khác như góp phần ấn tống kinh sách cho người khác đọc, còn mình thì không đọc, góp phần bố thí cúng dường, giúp đỡ người hoạn nạn, nghèo khó, nhưng không hiểu ý nghĩa cao cả của những việc làm đó, lại sanh tâm cầu mong được "trả công bội hậu" ở cõi thiên đàng sau này. Tất cả những việc làm đó chỉ tạo nên phước đức mà thôi. Thí dụ như có người bố thí cho nhà nghèo, hoặc cúng chùa một số tiền nào đó, với tâm mong cầu được trúng số độc đắc, được buôn may bán đắt, được nhất bổn vạn lợi, được thi đâu đậu đó, được gia đạo bình an, được tình duyên may mắn, được vạn sự bình yên, được muôn sự như ý, muốn gì được nấy. Như vậy, lòng tham lam tăng thêm quá mức thì "làm sao có công đức được!". Làm như vậy, chỉ có phước đức hạn chế theo số tiền đã bỏ ra mà thôi. Gieo nhân nhỏ thì chỉ nhận được quả nhỏ, không thể khác được.

Nếu như bố thí, cúng dường mà tâm không mong cầu gì cả, thi ân bất cầu báo đáp, cúng chùa để chùa có thêm phương tiện sinh hoạt ích lợi cho mọi người, giúp người để cho người qua cơn khó khăn, túng thiếu, không đắn đo, không suy nghĩ, không tính toán gì thêm nữa, chúng ta sẽ bớt đi tâm tham lam, bỏn sẻn, tăng trưởng tứ vô lượng tâm: từ, bi, hỷ, xả. Như vậy, những việc làm đó vừa ích lợi cho người, vừa ích lợi cho mình. Nghĩa là vừa được phước đức vừa được công đức. Chúng ta hãy tinh tấn làm tất cả những việc thiện, rồi quên hết đi, không chấp chặt vào đó, để kể lể công lao, hay mong cầu phước báo về sau, tâm cầu danh của chúng ta sẽ bớt đi, tâm chấp ngã cũng nhẹ hơn trước, thì những việc làm đó vừa ích lợi cho người và cho mình, tạo nên phước đức và công đức vậy.

Trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, Đức Phật có dạy: "Chư ác mạc tác. Chúng thiện phụng hành. Tự tịnh kỳ ý. Thị chư Phật giáo". Nghĩa là chúng ta không làm tất cả các việc bất thiện, không làm những việc ác, tránh những việc tổn người hại vật, cố gắng làm tất cả những việc thiện, những việc ích lợi cho người khác, nhưng đừng ghi nhớ, đừng chấp chặt vào những việc ích lợi đã làm, thì tâm ý của chúng ta sẽ được thanh tịnh. Đó là tu tâm dưỡng tánh, đó là điều cốt yếu chư Phật mười phương ba đời muốn dạy như vậy. Thí dụ chúng ta đã làm những việc ích lợi cho bất cứ ai mà chấp chặt vào đó thì tâm của chúng ta sẽ bực dọc, bất an khi không được ai khen tặng hoặc không được ai đáp ứng như ý. Nếu như quên đi những việc thiện đã làm, giúp đỡ người với tâm "thi ân bất cầu báo đáp", thì chúng ta sẽ yên ổn, bình an, tâm của chúng ta sẽ không loạn động, không bực bội khi gặp phải người vô ơn.

Trong Kinh Tâm Địa Quán, Đức Phật dạy: "Tâm địa bình thì thế giới bình". Nghĩa là tâm địa của chúng ta bình an thì thế giới chung quanh chúng ta cũng bình an. Tâm địa chúng ta không tham lam thì những người chung quanh khỏi lo canh chừng đồ đạc. Tâm địa chúng ta không sân hận thì những người chung quanh khỏi điếc lỗ tai, khỏi mỏi cái miệng, khỏi nhức cái đầu. Tâm địa chúng ta không si mê thì những người chung quanh ăn ngon ngủ yên, khỏi lo khỏi sợ. Kể gần thì có vợ chồng con cái, xa thì có bà con hàng xóm láng giềng, các bạn đồng nghiệp trong sở làm, cũng được hưởng sự bình an. Nếu chúng ta đạt được tâm bình an hiện đời, thì ngay thế gian này chính là miền cực lạc, là cõi thiên đàng, đâu phải đợi đến kiếp sau mới hưởng được, đâu phải đợi lời cầu chúc "sớm tiêu diêu nơi miền cực lạc", hoặc "chóng siêu thăng lên cõi thiên đàng", trên báo chí!

Cũng có câu: "Bình an dưới thế cho người thiện tâm". Nghĩa là ở ngay tại thế gian này, người có tâm hiền thiện thì đương nhiên được sự bình an trong tâm hồn. Bởi vì người thiện tâm không phải bận tâm suy nghĩ phương cách, mưu kế hại ai, cho nên không lo sợ bị ai hại, không phải bận tâm trừng phạt ai, cho nên không lo sợ bị ai trừng phạt. Sự bình an không do đấng nào ban cho cả, không do cầu nguyện mà được. Sự bình an chỉ có từ thiện tâm mà thôi. Ngược lại, người không có thiện tâm thì tự họ không có được sự bình an. Rất là đơn giản. Rõ ràng là như thế, không nghi! Như vậy, chúng ta hiểu rằng "phước đức" rất cần thiết trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Nhờ phước đức chúng ta qua được, giảm được những nghiệp báo, những chướng nạn trong cuộc đời, cũng như những trở ngại trên đường tu tập. Chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không. Ví như chúng ta có tiền tiết kiệm để dành trả những nợ đã vay từ nhiều kiếp trước và kiếp này vậy. Tiền tiết kiệm nhiều chừng nào thì mau dứt nợ chừng ấy.

Tuy nhiên, Đức Phật có dạy chúng ta gieo nhân làm phước, tu phước nhưng hãy hồi hướng những phước đức đó, nguyện đời đời được gặp Chánh Pháp, được gặp thiện hữu tri thức, được nhắc nhở việc tu tập, cho đến ngày được giác ngộ và giải thoát, chứ đừng mong cầu hưởng quả phước sau này. Tại sao vậy? Bởi vì làm phước thì hưởng phước, nhưng đến khi hết phước thì bị đọa, cứ vẫn loanh quanh luẩn quẩn ở trong vòng sanh tử luân hồi, chưa thoát ra được. Ví như mũi tên bắn lên không trung, khi hết trớn, tức nhiên rớt trở xuống đất rất nhanh vậy. Chúng ta hãy thử nhìn những người giàu có, những người quyền thế, những ông vua, những ông hoàng, những bà hoàng, những quận nương, những công chúa đã và đang thụ hưởng phước báo, được giàu sang sung sướng, xinh đẹp tuyệt trần, danh vọng tột đỉnh, vinh hoa phú quý, đến khi hưởng hết phước báo, cuộc đời của họ kết thúc bằng đủ mọi cách hết sức bi thảm. Luật nhân quả giải thích được các hiện tượng đó của thế gian, đúng trong ba thời: quá khứ, hiện tại, vị lai. Rõ ràng "mình làm mình hưởng, mình làm mình chịu", chứ không do một đấng thượng đế nào ban phước giáng họa một cách tùy tiện cả.

Trong Kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ Huệ Năng dạy rằng: "Trong tâm khiêm tốn là công. Ngoài hành lễ phép là đức". Hay: "Nội cần khắc niệm chi công. Ngoại hoằng bất tranh chi đức". Nghĩa là "bên trong" chúng ta phải chuyên cần vận nội lực loại trừ những tâm niệm kiêu ngạo, tật đố, ngã mạn, ganh tị, đố kỵ, khen mình khinh người, để đạt được tâm niệm khiêm tốn, hạ mình, nhún nhường, tùy hỷ công đức. Đồng thời, chúng ta cũng phải vận nội công để khắc phục các tạp niệm, để tâm không còn có các vọng tưởng. Mỗi khi tạp niệm, vọng tưởng khởi lên, chúng ta liền giác ngộ, liền nhận biết và dừng ngay, không tiếp tục theo dòng tâm thức, đi lang thang từ đông sang tây, từ quá khứ đến hiện tại và vị lai, từ chuyện này đến chuyện khác. Như vậy chúng ta có được "công". Điều quan trọng cần biết là: chúng ta đừng sợ có vọng tưởng, tạp niệm khởi lên trong tâm thức. Ai ai cũng có vọng tưởng và tạp niệm. Chỉ sợ chúng ta không giác ngộ, không nhận biết kịp thời, nên bị vọng tưởng, tạp niệm lôi cuốn, đi lang thang làm khách phong trần, quên mất cố hương, từ bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp. Khi dong ruỗi theo các vọng tưởng, tạp niệm như vậy, tâm của chúng ta sẽ loạn động với thất tình lục dục, tức là quên mất "bản tâm thanh tịnh" sẵn có của chúng ta.

Còn "bên ngoài" chúng ta thực hành lễ phép, cung kính, tôn trọng tất cả mọi người, bởi vì mọi người ai ai cũng có "Chơn Tâm Phật Tánh" như nhau, mọi người ai ai cũng có ưu điểm để chúng ta học hỏi, noi theo, không phân biệt, không thành kiến, không kỳ thị, không tranh cãi, không hơn thua, không thị phi, không ỷ mình là kẻ trên người trước, kẻ có nhiều công lao, kẻ có nhiều tài năng, kẻ làm được nhiều việc không ai bằng. Như vậy chúng ta được nhiều người thương mến, gần gũi. Như vậy chúng ta có được "đức". Thêm nữa, người Phật Tử muốn có công đức thì bên trong không có tâm chấp ngã, tâm chấp pháp, nói chung là tâm cố chấp; bên ngoài hành động luôn luôn ngay thẳng, bình đẳng, công minh, chính trực. Hãy phát tâm tìm học kinh điển, biết đúng Chánh Pháp mà hành theo, tránh chuyện tu mù, tu mò, để khỏi lạc sang tà giáo, ngoại đạo. Công đức là ở "Pháp Thân", phát sanh trí tuệ bát nhã, không do tu phước, không do làm những việc phước thiện mà được.

Chúng ta ngày nay cũng hay lầm lẫn cho rằng lập chùa, giúp chư tăng tu học, bố thí, cúng dường, làm Phật sự, đi chùa lạy Phật là được nhiều công đức và tự hào rằng mình làm vô lượng vô biên công đức, cần phải được tán thán, rồi chờ đến ngày được vãng sanh về cõi tây phương cực lạc quốc của Đức Phật A Di Đà! Chúng ta cần nên biết nếu chỉ niệm Phật A Di Đà sơ sơ, qua loa, rồi cầu mong vãng sanh về cõi tây phương cực lạc là biểu hiện của tâm tham lam, tánh lười biếng, làm ít muốn hưởng nhiều! Muốn tu hành mà không chịu học kinh điển, không gần các bực thiện hữu tri thức, nên chúng ta không rõ chư Phật dạy phải hành trì như thế nào mới được vãng sanh.

Trong Kinh A Di Đà, Đức Phật dạy rất rõ ràng: "Cực lạc quốc độ chúng sanh sanh giả, giai thị a bệ bạt trí, kỳ trung đa hữu nhứt sanh bổ xứ, kỳ số thậm đa, phi thị toán số, sở năng tri chi, đản khả dĩ vô lượng vô biên a tăng kỳ thuyết. Chúng sanh văn giả, ưng đương phát nguyện, nguyện sanh bỉ quốc. Sở dĩ giả hà? Đắc dữ như thị chư thượng thiện nhơn câu hội nhứt xứ. Bất khả dĩ thiểu thiện căn phước đức nhân duyên đắc sanh bỉ quốc". Nghĩa là cõi Tây phương cực lạc là nơi chỉ có các bực bồ tát "nhứt sanh bổ xứ", tức là các bực "thượng thiện nhơn" sắp thành Phật, những người hiền thiện bậc thượng, gặp gỡ nhau mà thôi. Những người còn đầy dẫy tham sân si, đầy dẫy nghiệp chướng, đầy dẫy phiền não thì nhứt định không thể nào đạt được cảnh giới đó. Không thể chỉ lấy có một chút ít thiện căn phước đức làm nhân duyên, để cầu nguyện về cõi cực lạc đó được.

Ví như người đeo nặng qua sông thì phải chìm, không thể nổi được. Chứ không phải Đức Phật A Di Đà không có lòng từ bi cứu độ chúng ta. Chư Phật có tâm đại từ đại bi muốn cứu độ chúng ta, nên chỉ dạy các pháp môn tu học, các phương pháp, để chúng ta noi theo đó mà tự mình tu tập, để tự được cảnh giới an lạc và hạnh phúc hiện đời và vãng sanh mai sau. Có người quan niệm "đới nghiệp vãng sanh", nghĩa là con người vẫn còn mang nghiệp chướng, nhưng nhờ biết niệm Phật A Di Đà, nên được Ngài thương xót cho vãng sanh về cõi tây phương cực lạc, rồi tu tiếp sướng hơn. Điều này có vẻ "phe đảng" cũng như quan niệm cứ chấp nhận rước thượng đế vào lòng thì sẽ được thượng đế cho về thiên đàng, hưởng phước đời đời, không cần biết đó là người như thế nào!

Thực ra, đạo Phật không có dạy như vậy. Nếu thực sự muốn tu cho thành người tốt, thì chúng ta hãy tu ngay ở cõi đời này, đừng hẹn. Còn mang nghiệp chướng nặng nề, tham giận kiêu căng, si mê lầm lạc, nếu về tây phương, chỉ làm nơi đó ô uế mà thôi. Dù có được về bên đó chăng nữa, không thấy thích hợp, cũng sẽ đòi về trở lại mà thôi! Sống với những người thế tục, chúng ta mới cần phải tu, mới có cơ hội để tu. Chứ về bên đó gặp toàn người tốt thì đâu cần phải tu nữa. Cũng như người còn nhiều phiền não quá, nhiều nghiệp chướng quá, dù có được đưa vào chùa ở, mà không quyết tâm trì chí, cũng khó mà tu được, có ngày cũng xuất, nếu không xuất thì sẽ gây biết bao nhiêu việc đáng tiếc cho cảnh thiền môn!

Trong Kinh A Di Đà, Đức Phật cũng dạy: "Nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân, văn thuyết A Di Đà Phật, chấp trì danh hiệu, nhược nhứt nhựt, nhược nhị nhựt, nhược tam nhựt, nhược tứ nhựt, nhược ngũ nhựt, nhược lục nhựt, nhược thất nhựt, nhứt tâm bất loạn. Kỳ nhơn lâm mạng chung thời, A Di Đà Phật dữ chư thánh chúng hiện tại kỳ tiền, thị nhơn chung thời, tâm bất điên đảo, tức đắc vãng sanh A Di Đà Phật cực lạc quốc độ". Nghĩa là nếu có thiện nam, thiện nữ nào nghe được danh hiệu Phật A Di Đà, luôn luôn trì giữ danh hiệu đó trong tâm trí, lúc nào cũng niệm Phật, nhớ nghĩ tới Phật, trong một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày, cho đến bảy ngày, đạt được tâm yên không loạn. Khi thọ mệnh hết, người như vậy giữ gìn được tâm không điên đảo, tức thời được vãng sanh cõi nước tây phương cực lạc của Đức Phật A Di Đà. Tại sao vậy? Bởi vì khi tâm của người đó luôn luôn niệm Phật, không còn lăng xăng, lộn xộn, không còn loạn động vì các việc đối đãi thị phi, hơn thua, tốt xấu, cho nên cảm ứng được cảnh giới tịnh độ của Đức Phật A Di Đà vậy.

Nói cách khác, tâm của người đó thấy mọi sự đúng như thực, thấy mọi việc không còn điên đảo, gọi là "tâm bất điên đảo", cho nên người đó thấy được "Tự Tánh Di Đà, Duy Tâm Tịnh Độ". Nghĩa là nhờ tâm được thanh tịnh, bất loạn động, bất điên đảo, cho nên người đó thấy được "Phật Tánh", tức là "Pháp Vô Sanh", không còn sanh tử luân hồi, tức đắc vãng sanh tây phương cực lạc. Nếu còn nghiệp chướng nặng nề, tham giận kiêu căng, si mê lầm lạc, nghĩa là tâm còn điên đảo, tâm còn loạn động, làm sao vãng sanh được mà mong cầu! Cõi tây phương cực lạc hay cõi thiên đàng là cảnh giới "bất tùy phân biệt", bình đẳng tuyệt đối, chí công vô tư, làm gì còn chia giai cấp có chín phẩm, ba hạng, thượng trung hạ, như con người tưởng tượng cho thêm lộn xộn và phức tạp! Không thể lấy tâm lượng phàm phu xét cảnh giới bồ tát!

Như vậy, cốt tủy của đạo Phật, không phải là van xin cầu nguyện, cúng kiến lễ lạy cho nhiều, mà chính là lúc nào cũng nhớ nghĩ tới hạnh nguyện của chư Phật, nói lời như Phật dạy, hành động như Phật dạy, luôn luôn giữ gìn tâm ý thanh tịnh, bình an, yên tĩnh, không loạn động, không điên đảo. Được như vậy, tam nghiệp hằng thanh tịnh, chúng ta vừa có phước đức vừa có công đức đầy đủ, phước tuệ trang nghiêm, tùy tâm mãn nguyện. Kinh sách có câu: "Phước Tuệ Lưỡng Toàn Phương Tác Phật". Cứu kính của đạo Phật chính là nghĩa đó vậy.

Trong Kinh Tịnh Danh, Đức Phật có dạy:"Tâm tịnh thì độ tịnh". Nghĩa là tâm có thanh tịnh, trong sạch, yên tĩnh, chúng ta mới có thể sống trong cõi tịnh độ, tức là cảnh giới thanh tịnh và an lạc được. Tâm có hiền thiện, ngay thẳng chân thật, chúng ta mới sống trong cõi thiên đàng được. Bình an dưới thế cho người thiện tâm. Rõ ràng là như thế! Như vậy cõi tịnh độ ở ngay trong tâm của chúng ta, ngay hiện đời, nếu như tâm của chúng ta không còn tham lam, sân hận và si mê nữa. Ngày xưa, sau khi thành đạo, Đức Phật Thích Ca sống trong cảnh giới an lạc, cảnh giới tịnh độ, ngay hiện đời, ngay trên cái thế giới gọi là ta bà khổ đối với mọi chúng sanh khác. Tâm của ngài thanh tịnh, ở mọi nơi Ngài đều có thể sống yên tịnh được, dù trong tịnh xá hay trong núi rừng, dù nơi vắng vẻ hay chốn đông người, tùy theo chỗ ở thường an lạc.

Trên thế gian này, chung quanh chúng ta có đủ hạng người, có đủ loại người. Có người tạo thuận cảnh dễ dãi, giúp đỡ chúng ta tu tập, cũng có người tạo nghịch cảnh, gây phiền hà, khó khăn, khổ đau, để thử thách công phu tu tập của chúng ta. Tất cả mọi người đều là thiện hữu tri thức của chúng ta cả. Nếu ai ai cũng hiền thiện hết, không ai làm phiền mình hết, làm sao biết chúng ta nhẫn nhịn được tới đâu? Ví như người học sinh đi học, được thầy dạy cho kiến thức, được bạn bè giúp đỡ, rồi cũng cần có vị giám khảo để kiểm tra trình độ, hạch hỏi, thử thách, nếu vượt qua được, mới cấp văn bằng chứ.

Có câu chuyện hai con chim như sau: Một hôm, con chim bồ câu thấy hàng xóm là con chim cú vọ sửa soạn dọn tổ đi, liền hỏi: Chị định dọn đi đâu? Con chim cú vọ đáp: Dân ở đây hung ác quá, mỗi lần gặp tôi, cứ lấy đá ném, lấy cây đánh, nên tôi định dọn về phương tây ở, bên đó nghe nói dân chúng hiền thiện hơn. Mong vậy lắm thay! Con chim bồ câu bèn nói: Chỗ hàng xóm láng giềng, tôi xin nói thực, chị đừng giận tôi nhé. Theo quan điểm của tôi, nếu chị thành tâm, chịu khó sửa cái giọng kêu ghê rợn của chị, cho dễ nghe hơn, thì chắc không còn ai ném đá, không còn ai lấy cây đánh chị nữa đâu. Nếu như chị không chịu sửa cái giọng khiếp đảm khó nghe đó, thì dù có ai rước qua phương tây, chị cũng không ở yên bên đó được đâu. Thực như vậy đó! Câu chuyện trên ngụ ý chúng ta nên xoay lại quán chiếu, tu sửa tâm tánh của chính mình, đừng nhìn ra ngoài trách cứ, phê phán, chỉ trích người khác, thì cực lạc hay thiên đàng chính là đây, hiện tiền ngay tại thế gian này, ngay trong tâm của mỗi người, rất đơn giản, rất thực tế, không cần cầu nguyện, khỏi phải mơ tưởng viễn vông, khỏi nhọc công, không phí sức, khỏi bị gạt gẫm, không cần tìm kiếm đâu xa.

* * *

Tóm lại, vì không biết rõ đâu là Chánh Pháp, cho nên chúng ta không thể thực hành lời Phật dạy, một cách tường tận, một cách đúng đắn, để thoát ly sanh tử luân hồi, thoát ly phiền não và khổ đau. Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật có dạy: "Hãy tự thắp đuốc lên mà đi. Thắp lên với Chánh Pháp". Nghĩa là mọi người phải tìm hiểu, học hỏi Chánh Pháp, đem ngọn đuốc trí tuệ của mình mồi với ngọn đuốc trí tuệ Phật, bằng cách nghe giảng giáo lý, nghiên tầm kinh điển, rồi tự suy nghĩ, ứng dụng trong cuộc sống hằng ngày, giữ gìn giới luật, tu tập thiền định, phát triển trí tuệ bát nhã. Nhờ giữ gìn giới luật nên tâm trí được thanh tịnh và trí tuệ bát nhã khai mở. Đó chính là tam vô lậu học "Giới Định Tuệ" và tam tuệ học "Văn Tư Tu", có khả năng đưa chúng ta đến chỗ giác ngộ và giải thoát.

Kinh sách có câu: "Phước Tuệ Lưỡng Toàn Phương Tác Phật". Nghĩa là chúng ta hãy phát tâm bồ đề dũng mãnh, làm tất cả những việc tạo phước đức trong các dịp lễ thượng ngươn, trung ngươn, hạ ngươn, và tất cả dịp nào tùy duyên, tùy khả năng, tùy hoàn cảnh trong suốt năm, suốt đời. Đồng thời chúng ta cũng làm tất cả những việc tạo công đức như Văn Tư Tu, Giới Định Tuệ, để phát triển trí tuệ bát nhã. Đầy đủ "Phước và Tuệ" chúng ta sẽ sống trong an lạc và hạnh phúc hiện đời và về cõi Phật sau này, không nghi. Cũng như con chim có đủ hai cánh sẽ bay thăng bằng và bay được xa.

Có câu: "Ai ăn nấy no. Ai tu nấy chứng". Đó là lẽ công bằng tuyệt đối. Cũng vậy, thực rõ ràng "Mình làm mình hưởng. Mình làm mình chịu". Vì thế cho nên, ngay từ bây giờ, chúng ta hãy phát tâm, tự thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ của mình, thường xuyên về chùa lạy Phật, nghe thuyết pháp, tham dự các khóa tu học bát quan trai giới, để được học Phật Pháp một cách tường tận, trong bầu không khí tu học đầy đạo vị, không phân biệt người mới phát tâm, hay người đã tham gia tu học từ lâu, chúng ta cùng hướng dẫn nhau, nương tựa nhau, giúp đỡ nhau, trên bước đường tu giác ngộ và giải thoát. Được như vậy, chúng ta có "Công Đức và Phước Đức", một cách viên mãn, một cách lưỡng toàn.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
19/06/2024(Xem: 840)
Đọc tụng Chú Đại Bi chẳng phải để cầu phước mà nương theo oai lực của ngài Quán Thế Âm Bồ Tát để tạo an vui lợi lạc cho đời. Do đó, theo học hỏi riêng tư: -Khi đến chùa, với tâm Đại Bi bạn sẽ không thấy ai là Phật tử thông minh, ai là Phật tử ngu độn. Bạn sẽ không thấy ai là Phật tử giàu sang, ai là Phật tử nghèo hèn. Bạn sẽ không thấy ai đẹp mà cũng chẳng thấy ai xấu. Bạn nhớ lời Phật dạy trong Kinh Viên Giác, “Không kính người trì giới, không ghét người phá giới, không trọng người học lâu, không khinh người mới học. Vì sao vậy? Tất cả là tính giác. Ví như con mắt sáng, thấy rõ cảnh trước mắt. Cái sáng ấy tròn khắp, không có yêu, không có ghét.”
04/06/2024(Xem: 1502)
“Kiếp xưa ắt có nhân duyên, Nếu không ai dễ chống thuyền gặp nhau”. HT đã giới thiệu, trên 50 năm tôi rời khỏi Huế từ Tết Mậu Thân đi du hóa, tu học phương xa, luôn vọng về quê hương đất Tổ, nơi chôn nhau cắt rốn của Tổ tiên ông bà, nơi đã có nhiều kỉ niệm của thuở ấu thơ tu học tại Huế, sinh hoạt tại Huế, trên 50 năm vắng mặt, chỉ có năm này với tuổi đã 87, năm nay Lễ Phật Đản của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tổ chức tại Chùa Phật Ân, cử hành sớm vào ngày 12 vừa rồi
04/06/2024(Xem: 2721)
Cùng toàn thể giới tử thọ trì Bát quan trai giới một ngày một đêm tại trú xứ Tăng già-lam Phước duyên, thành phố Huế, hiện diện quý mến. Một ngày một đêm quý vị ở trong Tịnh giới với niềm tin thanh tịnh, kiên cố, bất hoại đối với Tam bảo. Nhờ niềm tin này mà quý vị không để cho Giới pháp của mình bị sứt mẻ ở trong đi, ở trong đứng, ở trong nằm, ở trong ngồi, ở trong sự nói năng, giao tiếp. Quý vị có được niềm tin này là nhờ quý vị nuôi lớn sáu tính chất của Tam bảo, khiến cho ba nghiệp của quý vị được an tịnh, an tịnh về thân hành, an tịnh về ngữ hành, an tịnh về ý hành. Sáu tính chất của Tam bảo, quý vị phải thường quán chiếu sâu sắc, để thể nhập và tạo ra chất liệu cho chính mình, ngay đời này và đời sau. Sáu tính chất của Tam bảo gồm:
30/04/2024(Xem: 2495)
Con người thường hay thắc mắc tại sao mình có mặt ở cõi giới Ta Bà này để chịu khổ triền miên. Câu trả lời thường được nghe là: Để trả nghiệp. Nhưng nghiệp là gì? Và làm sao để thoát khỏi? Then chốt cho câu trả lời được gói ghém trong 2 câu: “Ái bất trọng, bất sanh Ta Bà Niệm bất nhất, bất sanh Tịnh Độ” Có nghĩa là: “Nghiệp ái luyến không nặng, sẽ không tái sanh ở cõi Ta Bà Niệm Phật không nhất tâm, sẽ không vãng sanh về Tịnh Độ”
18/02/2024(Xem: 3023)
Bát Chánh Đạo là con đường thánh có tám chi nhánh: Chánh Tri Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định. Đây là con đường trung đạo, là lộ trình kỳ diệu giúp cho bất kể ai hân hoan, tín thọ, pháp thọ trong việc ứng dụng, thời có thể chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an lạc, giải thoát, niết bàn. Bát Chánh Đạo là Chơn Pháp vi diệu, là con đường đưa đến khổ diệt, vượt thời gian, thiết thực trong hiện tại, được chư Phật quá khứ, Đức Phật hiện tại và chư Phật tương lai chứng ngộ, cung kính, tán thán và thuyết giảng cho bốn chúng đệ tử, cho loài người, loài trời để họ khai ngộ, đến để mà thấy, và tự mình giác hiểu.
07/02/2024(Xem: 5920)
Từ 1983 đến 1985 khi đang ở Singapore, bận bịu với chương trình nghiên cứu Phật giáo tại Viện Phát triển Giáo Trình, tôi được Tu viện Phật giáo Srilankaramaya và một số đạo hữu mời giảng bốn loạt bài pháp nói về một vài tông phái chính của Phật giáo. Các bài giảng được ưa thích, và nhờ các cố gắng của Ô. Yeo Eng Chen và một số bạn khác, chúng đã được ghi âm, chép tay và in ấn để phát miễn phí cho các học viên. Kể từ đó, các bài pháp khởi đi từ hình thức của các tập rời được ngưỡng mộ và cũng được tái bản. Sau đó, tôi nhận thấy có vẻ hay hơn nếu in ấn bốn phần ấy thành một quyển hợp nhất, và với vài lần nhuận sắc, xuất bản chúng để cho công chúng dùng chung.
20/01/2024(Xem: 2196)
Thông thường người ta vào học Phật ít nhiều cũng do có động lực gì thúc đẩy hoặc bởi thân quyến qua đời, hoặc làm ăn thất bại, hoặc hôn nhân dở dang v.v... nhưng cũng không ít người nhân nghe giảng pháp hay gặp một quyển sách khế hợp căn cơ liền phát tâm tu hành hay tìm hiểu học Phật pháp. Phần lớn đệ tử xuất gia hoặc tại gia của Hòa Thượng cũng vì cảm mộ pháp giải của Ngài mà quy y Phật. Quyển vấn đáp này góp nhặt từ những buổi giảng thuyết trong các chuyến hoằng pháp của Hòa Thượng, hy vọng cũng không ngoài mục đích trên, là dẫn dắt người có duyên vào đạo hầu tự sửa đổi lỗi lầm mà giảm trừ tội nghiệp.
19/12/2023(Xem: 8136)
Cách đây chừng 30 năm, Tổ Đình Viên Giác tại Hannover Đức Quốc chúng tôi có nhận được bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taisho Shinshu Daizokyou) bằng Hán Văn gồm 100 tập do cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh từ Đài Loan giới thiệu để được tặng. Bộ Đại Tạng Kinh giá trị này do Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội xuất bản và gửi tặng đến các nơi có duyên. Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội dưới sự chứng minh và lãnh đạo tinh thần của cố Hòa Thượng Thích Tịnh Không đã làm được không biết bao nhiêu công đức truyền tải giáo lý Phật Đà qua việc xuất bản kinh điển và sách vở về Phật Giáo, với hình thức ấn tống bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau như: Hoa Ngữ, Anh Ngữ, Pháp Ngữ, Đức Ngữ, Việt Ngữ. Nhờ đó tôi có cơ hội để tham cứu Kinh điển rất thuận tiện.
13/12/2023(Xem: 14888)
Hành Thiền, một nếp sống lành mạnh trong sáng, một phương pháp giáo dục hướng thượng (Sách pdf của HT Thích Minh Châu)
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com