Tuần trước, Tòa Thượng Thẩm New South Wales ban hành phán quyết ra lệnh phạt bị đơn bồi thường $80,000 cùng với phí tôn pháp lý vì đã viết và phổ biến bài trên trang mạng và qua email có tính mạ lỵ và phỉ báng.
Trong vụ kiện Graham v Powell (No 4) [2014], nguyên đơn là một thương gia và cũng là nghị viên Hội Đồng Thành Phố Palerang. Bị đơn từ hành nghề luật sư và làm chủ một tiệm sách. Nguyên đơn khai rằng ông không hề quen biết với bị đơn. Nhưng ông biết là trong năm 2012 thì có một vu kiện giữa Hội Đồng Thành Phố Pelarang và vợ của bị đơn dẫn đến kết quả là vợ của bị đơn bị phán phạm tội khinh mạn tòa án. Phán quyết này được tòa ban hành trong tháng 7 năm 2012. Tới tháng 12 năm 2012 thì bị đơn mở một trang mạng cá nhân và tố cáo ban giám đốc quản lý cùng với các nghị viên Hội Đồng Thành Phố Palerang có hành vi tham nhũng và dựng ra bằng chứng sai lạc trong phiên tòa xử giữa Hội Đồng Thành Phố và vợ của bị đơn.
Trong suốt tháng 12 năm 2012, bị đơn gửi hàng loạt điện thư đi cho nhiều người tố cáo nguyên đơn tham nhũng và hành xử gian lận cũng như kêu gọi họ vào xem trang mạng của bị đơn có chứa nhiều tình tiết quan trọng. Nguyên đơn gửi điện thư yêu cầu bị đơn tháo xuống những bài viết có tính mạ lỵ và chính thức lên tiếng xin lỗi. Bị đơn không chịu tháo và cũng không xin lỗi.
Theo lời khai của nguyên đơn thì sau khi bị đơn phổ biết hàng loạt điện thư và bài viết trên trang mạng cá nhân có tính mạ lỵ thì có một số người xa lánh nguyên đơn. Điều này ảnh hưởng nguy hại đến đời sống và việc làm của nguyên đơn. Tài liệu phỉ bang trên internet thì khó mà có thể xóa được.
Sau khi nguyên đơn khởi tố thì bị đơn còn trả đủa bằng cách gửi thư khiếu nại đến cảnh sát, Ủy Ban Bài Trừ Tham Nhũng và nhiều cơ quan truyền thông khác. Giới chức trách trả lời là bị đơn không cung cấp manh mối gì để họ có thể tiến hành điều tra mà chỉ toàn là những cáo buộc vô căn cứ.
Tới phiên xử tại Tòa Thượng Thẩm thì bị đơn không ra hầu tòa. Tòa quyết định là bị đơn phải bồi thường cho nguyên đơn số tiền $80,000 vì những bài viết đăng trên mạng và gửi qua điện thư rộng rãi đến nhiều nơi. Ngoài ra, tòa cũng ban hành án lệnh cấm bị đơn vĩnh viễn không được phổ biến bất cứ tài liệu hoặc bài viết mạ lỵ trên mạng hoặc qua bất cứ hình thức nào khác. Dĩ nhiên, tòa cũng bắt bị đơn hoàn trả phí tổn pháp lý vụ kiện cho nguyên đơn.
Vụ kiện này là một bài học cho những người tự viết và phổ biến bài trên mạng dưới hình thức trang mạng cá nhân (blogs) hoặc gửi điện thư đến nhiều người.
Trong một vụ kiện khác vào cuối năm ngoái, Tòa Án Khu Vực NSW đã ra lệnh cho một bị đơn sử dụng tweeter để phỉ báng phải bồi thường cho nguyên đơn $105,000. Trong vụ kiện Mickle v Farley [2013], bị đơn là một thanh niên trẻ mới học xong trung học Orange High School. Bố của bị đơn từng là thầy giáo dạy nhạc tại trường này cho tới năm 2008 khi ông rời nhà trường vì những lý do riêng. Sau đó, nguyên đơn được bổ nhiệm thay vào vị trí của ông.
Bị đơn cho rằng lý do bố ông phải rời nhà trường có liên quan tới nguyên đơn. Nhưng sự thật thì không phải như vậy. Bị đơn phổ biến một số cáo buộc vô căn cứ và có tính mạ lỵ đối với nguyên đơn. Do đó nên nguyên đơn tiến kiện và được tòa phán cho số tiền bồi thường.
Một lần nữa, đây là bài học cho những người phát biểu không thận trọng khi sử dụng truyền thông xã hội như tweeter và facebook.
Cũng liên quan tới việc phỉ báng trên mạng thì trong năm 2012, Tòa Thượng Thẩm Victoria đã bắt Google bồi thường cho Milorad Trkulja $200,000. Ông Trkulja là một người di dân và đã sống tại Úc trên 40 năm. Ông chuyên tổ chức các chương trình văn nghệ tại Melbourne và chưa bao giờ dính líu tới các tội phạm băng đảng. Vào năm 2004, ông bị một nhóm băng đảng xã hội đen bắn nhầm trong lúc đang ăn tối tại một nhà hàng ở Melbourne.
Tới năm 2009, ông yêu cầu Google tháo gỡ nội dung tìm kiếm gắn liền tên ông với Tony Mokbel là một tay trùm xã hội đen. Ông nói là ông bị nhiều người xa lánh mặc dù ông là một nạn nhân vô tội bị bắn giữa hai làn đạn của các băng đảng.
Nguyên đơn than phiền là khi có người đánh tên ông vào Google search, hình của ông xuất hiện cùng với hình của các tay anh chị và những bài báo có tựa đề liên quan tới bang đảng tội phạm Melbourne. Luật Sư của ông viết thư yêu cầu Google tháo gỡ những cái links này. Google từ chối và trả lời rằng họ không phải là nhà xuất bản mà chỉ áp dụng chương trình vi tính (computer software) để giúp mọi người tìm kiếm dữ liệu nhanh chóng và dễ dàng. Google cũng nói thêm là nếu cảm thấy những bài viết đó có tính mạ lỵ thì ông nên tiến hành kiện công ty chủ quản của những trang mạng đăng tải các tài liệu đó.
Google lập luận rằng kết quả hiện lên trên trang mạng khi tên của nguyên đơn được đánh vào là do máy móc tự động chớ không phải ý của Google. Google hoàn toàn thụ động chớ không chủ động phổ biến tài liệu có tính mạ lỵ. Nhưng Tòa Thượng Thẩm Victoria đã không chấp nhận lập luận này và phán rằng đằng sau software là con người. Luật pháp không đòi hỏi tính chủ động hay thụ động, miễn là Google có ý phổ biến tài liệu đó cho dù kết quả là do software tự động sắp xếp. Software là do nhân viên của Google viết ra. Vì vậy, Google là nhà xuất bản và phổ biến tài liệu có tính mạ lỵ khi chế biến software nối kết tên tuổi và hình ảnh của nguyên đơn với đám anh chị xã hội đen tại Melbourne.
Một luận cứ biện hộ khác mà Google sử dụng là họ chỉ phổ biến một cách vô tình và chỉ đóng vai trò trung gian như một thư viện. Dưới Đạo Luật Phỉ Báng Victoria, bị đơn có thể biện bạch là mình chỉ đóng vai trò phân phối, không biết và không có cách nào biết được tài liệu có tính mạ lỵ hay không. Nhưng luận cứ biện hộ này hoàn toàn thất bại vì luật sư của nguyên đơn đã gửi thư yêu cầu Google tháo gỡ những cái links có tính phỉ báng mà Google từ chối. Do đó, Google không thể nào lập luận là mình không biết các tài liệu đó có tính phỉ báng. Kết cuộc, tòa phán Google phải bồi thường cho ông Trkulja $200,000. Trước đó thì ông Trkulja cũng đã thắng kiện vói Yahoo với số tiền bồi thường là $225,000.
Trong thời gian vừa qua, sinh hoạt cộng đồng người Việt tại phải ngoại phải đối đầu với một vấn nạn là có một thiểu số cá nhân gửi hoặc chuyển qua điện thư lên các diễn đàn điện thư toàn cầu một số bài viết có tính mạ lỵ và phỉ báng đối với một số người. Qua những vụ kiện nêu trên thì có thể đúc kết được một vài kết luận. Thứ nhầt, luật phỉ báng áp dụng cho mọi hình thức phổ biến tài liệu hoặc bài viết có tính mạ lỵ dù là đăng trên trang mạng, cá nhân, gửi điện thư, hoặc qua các hình thức truyền thông xã hội như facebook hoặc tweeter. Nạn nhân của các cuộc phỉ báng, mạ lỵ có thể nhờ đến luật pháp nếu cần thiết. Ngoài ra, chính các công ty chuyển tải những bài viết hoặc tài liệu phỉ báng có lúc cũng phải chịu trách nhiệm trước luật pháp nếu như không chịu tháo gỡ những tài liệu hoặc bài viết có tính mạ lỵ sau khi nhận được lời yêu cầu của nạn nhân.
Những thành viên có tích cực tham gia sinh hoạt cộng đồng cũng nên thận trọng. Nếu tránh được việc sử dụng các diễn đàn thì tốt. Bằng không thì phải lưu ý rất kỹ trước khi chuyển tải những bài viết có tính mạ lỵ vì chuyển tải không phải là một luận cứ biện hộ được tòa chấp nhận trong luật phỉ báng.