Mặt trời mùa này “đi ngủ” muộn, đã quá 8 giờ mà màu trời giống như buổi chiều ở quê nhà. . Rồi không gian cũng chuyển sang đêm sau khi những giọt nắng cuối cùng thôi rải xuống mặt đất. Khu vực nhà bếp phía trái chánh điện tu viện Kim Sơn rộn rã tiếng bước chân lui tới, tiếng cười nói hòa lẫn tiếng khua chạm của các dụng cụ bếp núc. Tuy đã nghe tiếng “cự nự” từ phía đôi tay, nhưng nhìn thùng ngâm đậu hủ dai hãy còn quá nửa, chúng tôi cũng khó mà thôi ngang. Rồi thì bốn người cũng vắt khô mấy thùng đậu hủ dai ngâm để Sư cô chuẩn bị ướp và làm thức ăn chay cho Phật tử tới dự buổi đại lễ ngày mai, ngày Phật Đản. Trong bốn gã trai làm công quả nhà bếp đêm nay có thằng bé 14 tuổi, tuy sinh ở Mỹ nhưng cậu ta thể hiện nguồn gốc khá đậm nét, thích theo người lớn hỏi chuyện để học tiếng Việt. Rồi thằng bé theo chú nó chiếm một không gian sau Tổ đường đánh cờ tướng, tôi và người kia tản bộ ra trước chánh điện nhìn xuống thành phố dưới núi, cũng là hướng trăng đang chiếu thẳng mặt chánh điện. Trăng và đèn như đang đua rọi ánh sáng lên vùng đồi núi cô tịch này, nhưng cũng chỉ là những điểm xuyến cho đêm se lạnh và tĩnh mạc nơi đây, chính điều này mới là yếu tố được người ta cảm giác quay về và an trú. Chúng tôi mỗi người mang chứa một kiểu xáo trộn nội tâm. Để cho “gọn gàng” thì đành đổ thừa hoàn cảnh vậy, là cách hay để chối cãi cho khả năng yếu kém của mình trong việc thu xếp cuộc sống tại một giai đoạn khó. Người ta vẫn bảo “lực bất tòng tâm” nhưng dẫu sao, chúng tôi đã chịu thua đâu. Giờ này, đứng dưới mái chùa, ánh trăng đêm Phật Đản như tắm gội cho mỗi cá nhân chúng tôi trôi và vơi đi bao lo lắng và phiền muộn. Những ngọn thông đen ngòm chập chùng trải xuống phía chân núi, rồi càng xa hơn thì sáng dần lên và lung linh một vùng bởi ánh đèn điện, mọi vận hành đan xen và lệ thuộc nhau; trông hấp dẫn nhưng mong manh giữa vô thường. Từ ngày rời khỏi quê nhà đến giờ tôi mới lại được nghe tiếng côn trùng, chúng râm ran khiến tôi nhớ lắm những đêm cùng bạn bè trong các chuyến công tác xã hội hay trà đạo trước sân chùa Huệ Nghiêm. Ở một khoảng xa ước chừng mươi thước phía phải chánh điện, dưới bóng cây sồi (cây oak), một đóm lửa nhỏ xíu chuyển động quanh mấy vệt khói trắng thấy được qua ánh trăng. Đóm lửa bắt đầu tách khỏi tán lá và tiến dần về phía hai người chúng tôi, một phụ nữ trung niên bước đi thong thả với điếu thuốc trong tay đã cháy đến gần đoạn lọc. Cô đến và bày tỏ sự đồng cảm cùng bọn hậu sinh. Sau đôi câu qua lại về thân thế và hiện trạng mỗi người, rồi thì một “bàn tròn” đàm luận diễn ra và những câu chuyện về cuộc sống nơi đất khách. Điều khiến tôi chú ý khi chuyện trò cùng cô chính từ những sự việc tưởng chừng không thể qua khỏi nhưng nhờ ứng dụng hành xử và đối đãi bằng tinh thần đạo lý Phật pháp mà nhiều nỗi khổ khó qua đi nhanh chóng. Cô từng vật vã đau khổ khi đứa con gái duy nhất bỏ học rời nhà theo bạn lúc 16 tuổi, nhưng giờ cũng chính cô con gái ấy là niềm hạnh phúc và hãnh diện của cô, cô gái đã 22 tuổi và đang ở năm cuối đại học, yêu mẹ đến như không rời được giây phút nào.
Với mỗi một người, cuộc đời sẽ giăng mắc những chiếc bẫy tư tưởng, đối đãi và vật chất để cột trói mỗi cá nhân lại với chúng. Điều trớ trêu là ta lại thấy hứng thú với nỗi đau và những buộc ràng này. Rất khó để nhận ra, nhưng ngay cả thấy được cũng muốn ngơ đi. Để định nghĩa cho tình trạng này, danh từ Phật học gọi “vô minh”, dẫu biết thế, nhưng không phải ai cũng sử dụng hiệu quả dụng cụ “lau chùi” vô minh, mặc dù đã được Phật và các vị Tổ cho nhiều từ hàng ngàn năm qua. Còn đó những con người hứng khởi với nỗi vui, quay quắt cùng niềm đau.