Cảm niệm mừng ngày Phật đản
Minh Lạc
(đăng trong tạp chí Từ Quang,
số 211-212, tháng 3 & 4 năm 1970)
Sáng sớm ngày trăng tròn tháng Vesak, cách nay đúng 2594 năm (tính theo thời điểm năm 1970), tại vườn Lâm-Tì-Ni đầy hoa thơm cỏ lạ gần thành Ca-Tỳ-La-Vệ (Bắc Ấn Độ), một vị Bồ Tát đã giáng trần, lớn lên xuất gia tu hành thành Phật lấy hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Đạo của Ngài dần dần lan rộng ra các nước trên thế giới, và ngày nay cứ đến ngày trăng tròn tháng Wesak tức là tháng tư âm lịch, tất cả Phật tử đều hoan hỉ làm Lễ mừng ngày Phật đản, mọi chùa và tư gia đều tro cờ, chăng đèn, kết hoa, tụng Kinh, niệm Phật, thí thực, phóng sinh, tu phúc...
Chúng ta mừng ngày Phật đản vì trước đó, mọi loài chúng sinh sống trong hắc ám vô minh của đêm dài tối tăm mờ mịt. Đức Phật ra đời như ánh mặt trời lúc bình minh chiếu sáng dẹp tan màn u tối; Đức Phật ra đời không phải là ngẫu nhiên mà do một đại sự nhân duyên: Ngài có nhiệm vụ mở bày (khai thị) cho chúng sinh thấy vào (ngộ nhập) Phật tri kiến, nghĩa là Ngài rộng mở, chỉ bày cho chúng sinh thấy rõ và bước vào thu thập sự thấy biết của Phật, tức là chân lý cao siêu tuyệt vời. Chúng sinh nào, thật ra cũng có kho tàng châu báu quý giá y như Phật nhưng không hay biết. Do đây Phật phải ra đời dẫn đường chỉ lối, mở cửa kho tàng ấy cho chúng sinh thấy những châu báu để chúng sinh tự mình bước vào mà nhặt lấy rồi đem ra hưởng dụng. Chính công tác khai thị ấy là cái mà đời sau gọi là Đức Phật giáo hóa chúng sinh đang chìm đắm trong vô minh, để cải tạo xã hội đang chia rẻ, đầy hận thù, tham dục và bất bình đẳng. Với loài người, Đức Phật đã hứa hẹn một tương lai tốt đẹp với câu nói bất hủ: “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành”. Tất cả chúng sinh đều có khả năng thành Phật, nhưng chúng sinh ngu dốt không nhận thấy cái khả năng quý báu đó, cứ cam chịu cản tù đày trong ba cõi, chẳng khác nào người say rượu không biết trong lai áo mình có ngọc quý hay gả cùng tử không hay mình là con của ông trưởng giả giàu sang và có uy quyền lớn lao.
Phật thương xót chúng sinh mê muội nên phải ra đời để chỉ dạy cho chúng sinh biết cách tự phát triển những khả năng tốt đẹp tiềm ẩn trong tâm để chứng tỏ con người có thể đạt tới chỗ giác ngộ và giải thoát hoàn toàn. Cách ấy là công phu tu tập, là những cố gắng liên tục của chính mình thực hành Giới, Định để phát huy Trí Huệ có sẵn của mình, hầu đi tới mức cứu cánh là một người “Hoàn toàn”: thành Phật.
Đức Thế Tôn sở dĩ được nhiều người tin theo và tôn sùng vì Ngài không bao giờ đặt mình vào trong phương vị một chúa tể có mọi quyền năng hô phong hoán vũ, chỉ đá hoá vàng. Ngài không tạo ra luật thiên nhiên, mà Ngài luôn luôn tuân theo những luật đó: vô ngã, nhân quả, luân hồi... Ngài hiểu rõ những luật đó và chỉ dạy cho các đệ tử sự vận hành và hậu quả của nghiệp báo. Đức Phật luôn luôn tự coi mình đóng một vai trò khiêm tốn có bổn phận chỉ đường chochúng sinh, giáo pháp của Ngài là ngón tay chỉ cho chúng sinh thấy mặt trăng, là chiếc bè chực đưa chúng sinh qua bể khổ, còn việc thấy mặt trăng hay tới bờ bên kia là công việc của mỗi người chúng ta phải tự làm lấy.
Kinh điển ghi chép lời Phật dạy thì nhiều, nhưng không ngoài Từ Bi và Trí Huệ, tự giác và giác tha. Thiếu Từ Bi và Trí Huệ thì còn gì là Phật giáo. Có tự giác mà không giác tha để tiến tới giác hành viên mãn thì vẫn còn ích kỷ, chưa thoát ra ngoài vỏ cứng của ngã chấp.
Sau hơn 40 năm giáo hóa các đệ tử, thân tứ đại của Phật đã tan rã tại vườn Ta La song long, giáo pháp của Phật còn lưu truyền hậu thế. Phật là Pháp, là Chân lý, mà Chân lý thì ở khắp cùng, trường tồn bất biến. Chỗ nào có Pháp là có Phật, người nào đắc Pháp thì người đó là Phật. Hình tướng của Phật là vô tướng, âm thanh của Phật là vô thanh, chỉ những cặp mắt đã sáng suốt, những tai đã thanh tịnh mới thấy được chân tướng, mới nghe được diệu thanh.
Hình của Ngài lớn như núi Tu Di nhưng hiển hiện trọn vẹn trong lòng hạt cải, tiếng của Ngài vang rền như tiếng sóng đại dương nhưng luôn luôn dịu dàng văng vẳng bên tai của mọi loài. Tiếc thay, chúng sinh có mắt cũng như mù, có tai cũng như điếc, không thấy, không nghe! Phật thương xót chúng sinh như mẹ hiền thương con, Phật phải ra đời như một người thường, dùng thân tứ đại để làm gương dẫn dắt chúng sinh. Phật đã hoà mình với Pháp, Phật chính là Pháp, Pháp còn thì Phật còn, vậy Đức Phật vẫn hiện hữu ở thế gian mà chỉ có những người có tâm an định với những giác quan thanh tịnh mới cảm thông được với Phật, thấy được hình tướng Phật, nghe được lời Phật dạy.
Chúng ta sở dĩ làm Lễ mừng ngày Phật đản long trọng không phải vì Phật có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp, không phải vì Phật có giọng hay tiếng tốt, không phải Phật là con vua chúa sang giàu, mà chỉ vì giáo pháp tuyệt vời của Ngài đã để lại. Đó là ngón tay chỉ mặt trăng, đó là chiếc bè đưa người qua sông mê bể khổ. Chúng ta phải nương theo hướng ngón tay để thấy mặt trăng, chúng ta phải ngồi trên bè và tự chèo lái để sang tới bờ bên kia, chúng ta có bổn phận phải nhớ ơn người đưa ngón tay chỉ, người tạo ra chiếc bè. Lối trả ơn cao cả nhất cho Phật không phải là xây Chùa lớn, tạo tượng to, mà là phải y theo lời Phật dạy thực hành, tự mình giác ngộ rồi phải làm cho người khác cùng giác ngộ, mình được hưởng pháp vị thì phải làm cho tất cả mọi người cùng hưởng. Có như vậy mới đúng là Pháp cúng dường cao nhất, mới mong trả được trong muôn một những công ơn lớn lao của đấng Cha Lành.
Nhân ngày Phật đản, chúng con xin dâng lên Đức Thế Tôn vài dòng cảm nghĩ để cúng dường kỷ niệm Ngài là đấng Pháp vương vô thượng, mà muôn đời không làm sao ca tụng xứng đáng uy đức lồng lộng như trời cao, rộng to hơn bể cả.
Nguyện cầu vạn vật thái bình.