MỪNG NGÀY PHẬT ĐẢN
Thích Như Điển
Cứ mỗi năm vào độ trăng tròn tháng tư âm lịch, mọi người con Phật khắp nơi trên thế giới đều cử hành trang trọng ngày Đản Sanh của đức Từ Phụ Thích Ca, vị đại đạo sư xuất hiện nơi cõi Ta Bà nầy, tính đến nay đã 2549 năm lịch sử. Đây là một đức Phật lịch sử, có sanh ra, lớn lên, lập gia đình, xuất gia, tu khổ hạnh, hành thiền, thành đạo, thuyết pháp trong 49 năm và đến tuổi 80 Ngài thị tịch Niết Bàn.
Chúng ta vẫn thường hay nghe hoặc đọc thấy những kinh sách như: Kim Cang, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Đại Bát Niết Bàn v.v... Đức Phật bảo rằng: “Thật ra trong 49 năm ấy ta đã chẳng nói lời nào“: Vì sao vậy? Vì những gì đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói trong đời nầy thì những vị Phật trong quá khứ đã nói và các đức Phật trong tương lai khi ra đời cũng sẽ lập lại như thế thôi. Trong kinh Kim Cang có định nghĩa về hai chữ Như Lai như sau:
“Như Lai giả vô sở tùng lai diệc vô sở khứ cố danh Như Lai“ nghĩa là “Như Lai không từ đâu đến, lại cũng chẳng đi về đâu, nên gọi là Như Lai“ Như thế đủ rõ trong ba ngàn Đại thiên thế giới nầy, nơi nào cũng có sự hiện hữu của Như Lai, nhưng chúng ta vì bị vô minh che lấp nên vẫn còn lang thang trong sáu nẻo luân hồi. Chứ thật ra, Như Lai ở khắp nơi cùng chốn, chứ không phải chỉ mỗi năm đản sanh một lần, mà bất kỳ ở đâu hay lúc nào cũng đều có sự hiện hữu của Như Lai vậy.
Tâm của chúng ta cũng giống như một ngôi nhà tối tăm trong bao nhiêu năm tháng, bây giờ chính ta hoặc nếu có ai đó đốt lên một ngọn đuốc sáng rọi chiếu vào căn phòng tối tăm ấy. Khi ánh sáng chiếu rọi khắp gian phòng bóng tối tự nhiên biến đi. Cũng tương tự như thế khi tâm ta, lòng từ bi hiện diện, thì hận thù không còn nơi để trú ngụ nữa. Tuy nhiên, ánh sáng ấy hiện hữu và tiếp tục sáng đến bao lâu, chính là nhờ vào công năng dụng công tu học của mỗi người. Chính sự tu và học để cho Như Lai, tức ánh sáng giác ngộ ấy, luôn luôn hiện hữu trong tâm thức của ta.
Rõ ràng, khi ánh sáng đến, bóng tối phải lùi xa ra. Cũng thế, Phật tánh của mỗi chúng sanh đều có sẵn, nên khi vừa phát khởi một niềm tin, chân lý giác ngộ tức tốc hiện về. Chỉ có khi nào ta đánh mất Phật tánh, chứ Phật tánh không rời khỏi nơi ta. Ta không nhận ra bản lai diện mục của chính mình chứ “đồng thể Phật bảo“ vẫn tự có nơi ta tự ngàn xưa rồi. Do vậy mà kinh Kim Cang nói rằng “không từ đâu đến“ là ý nầy vậy.
Song nói: “Phật đến từ Đẩu Suất Thiên Cung là thế nào?
Việc nầy nói về tướng thị hiện, như trong kinh Pháp Hoa Phật đã dạy: “Phật ra đời chỉ vì một đại sự nhân duyên, đó là mở bày cho chúng sanh vào nơi tri kiến Phật“ Thế thì đức Như Lai có mục đích rất rõ ràng khi Ngài thị hiện vào thế giới Ta Bà nầy. Nhờ nguyện lực cao cả ấy mà chúng sanh trong cõi đời nầy mới có cơ hội ân triêm công đức hoằng Pháp của Như Lai và tu tập Giáo pháp Như Lai kể từ ngày ấy cho đến ngày nay, nhưng đứng về mặt bản tánh thanh tịnh của Như Lai, Phật đến không từ đâu cả, mà Phật cũng chẳng đi về đâu. Vì sao vậy?
Vì Vô Dư Y Niết Bàn vốn là chốn không có thật tướng. Ba cửa giải thoát để vào cõi Niết Bàn là: Không, Vô Tướng, và Vô Tác hay Vô Nguyện. Đã không thì có thể và dụng ở đâu để mà lập. Nhất là không theo tinh thần Bát Nhã: “bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm... thị chư Pháp không tướng“. Còn cái Không theo tinh thần Trung Quán: “không tăng, không giảm, không một, không khác, không đến, không đi, không thường, không đoạn“. Với kinh Kim Cang, cái thấy vượt lên trên tất cả, để thấy tất cả các pháp đều do sự giả lập mà thành. Vì tất cả các pháp hữu vi đều bị vô thường chi phối. Cho nên ai dùng hình tướng để thấy Phật, ai dùng âm thanh để cầu Phật đó là những người hành tà đạo, không bao giờ thấy được thật tướng của Như Lai cả.
Vô tướng là Niết bàn, vô ngã là Niết bàn và vô tác cũng như vô nguyện cũng là Niết Bàn, cho nên Niết Bàn không có thật tướng của sắc, thanh, hương, vị, xúc, của sanh, già, bệnh, chết. Nơi đó, không có tướng nam, tướng nữ. Đây là mười điểm căn bản của vô tướng. Khi ngôn ngữ còn dùng được để diễn tả, quả là còn đối đãi, cho nên ngôn ngữ chỉ là một phương tiện mà thôi. Phương tiện ấy cũng giống như đức Thích Ca Như Lai đã dùng phương tiện nầy trong suốt 49 năm để thuyết pháp độ sanh, nhưng thật ra Phật đã không nói một lời nào là nhắm vào ý nầy vậy.
Đất trời có xuân, hạ, thu, đông, trăng có khi tròn, khi khuyết. Tuy nhiên, bản thể chân như của mặt trời và mặt trăng là ánh sáng. Dẫu cho trăng có tròn có khuyết, thì ánh sáng ấy vẫn là ánh sáng của mặt trăng, là Như Lai tạng, là tánh chơn như diệu hữu của chúng sanh trong kiếp sanh tử, tử sanh nầy.
Quá khứ chư Phật: Tỳ Bà Thi, Thi Khí, Tỳ Xá Phù, Câu Lưu Tôn, Câu Na Hàm Mâu Ni, Ca Diếp và Thích Ca Như Lai, tất cả bảy vị Phật trong quá khứ ấy ra đời, ở mỗi vị có một cách thị hiện khác nhau và lời thệ nguyện độ sanh ấy đi vào đời cũng không giống nhau. Rồi trong bao nhiêu triệu năm sau nữa, Ngài Di Lặc từ Đẩu Suất thiên cung giáng trần xuống cõi Ta Bà nầy cũng chừng ấy ý nghĩa mà thôi. Đó là hình tướng và thuộc về sự đối đãi. Còn thật tướng thì chư Phật không đến, không đi, không còn, không mất v.v....
…
Thành Ca Tỳ La Vệ và vườn Lâm Tỳ Ni ngày nay vẫn còn in dấu chân của Thái Tử Tất Đạt Đa và ai đến nơi đó cũng mũi lòng, vì chốn hoàng cung ngày xa xưa ấy chắc là huy hoàng tráng lệ lắm, nhưng bây giờ chỉ còn là một không gian trầm lắng và lâu đài cung điện đã đổ nát từ lâu rồi, chỉ còn lại những đống gạch vụn trơ gan cùng tuế nguyệt để chứng kiến bao cảnh phế hưng của lịch sử mà thôi. Tuy ở cái nhìn thế đế là như vậy, nhưng nhờ chơn đế bất di bất dịch. Do vậy mà người Phật tử ngày nay khắp năm châu vẫn còn hướng vọng về ý nghĩa thị hiện của Ngài. Đây cũng là bản hoài của chư Phật theo tinh thần Pháp thân huệ mạng của một bậc Đại Giác Thế Tôn.
Báo Tâm Giác tại München do sự chủ trương của Đại Đức Thích Đồng Văn và Ban Biên Tập càng ngày càng khởi sắc và cũng muốn cho vườn hoa muôn màu ấy càng rạng rỡ hơn, nên nhân ngày đản sanh của đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni lần thứ 2549 năm, tôi xin đóng góp phần mình một chút ý niệm về việc nầy, nên đã viết một bài ngắn để tưởng niệm đến sự giáng trần và thị hiện của đức Bổn Sư Thích Ca và mong rằng mọi người sẽ được lợi lạc khi ánh từ quang và giáo lý giác ngộ, giải thoát ấy được dọi thẳng vào lòng người của mỗi chúng ta để tánh Phật kia càng được rạng rỡ nhiều hơn.Source: thuvienhoasen