Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Giấu mình trong hương

30/04/201114:56(Xem: 7408)
Giấu mình trong hương
hoa cuc (2)
GIẤU MÌNH TRONG HƯƠNG

Nhật Chiêu

Những bông hoa giấu mình trong hương. Như trên Linh Sơn, Đức Phật giấu mình trong niềm im lặng của một bông hoa. Thế Tôn niêm hoa và một làn hương vĩnh cửu bay đi. Chỉ một Ca Diếp mỉm cười. Thế cũng đủ. Đủ cho một làn hương trao. Đủ cho Phật pháp ra đi và trở về. Đủ cho những nghìn năm thơm lừng hương Phật...

Giấu mình trong hương
Một bông hoa trắng
Dạ lan.
Buson

(Yoru no ran
Ka ni kakurete ya
hana shiroshi)

Nhà thơ Buson nhìn thấy một làn hương trong bóng tối. Làn hương ấy là hiện thể của hoa dạ lan.

Có một Phật quốc tên là Chúng Hương, nơi mỗi làn hương là một lời nói trên môi người. Nói, ấy là trao hương cho nhau.

Từ cây hoa nào
Mà ta không biết
Một làn hương trao.
Bashô

(Nan no ki no
hana towa shirazu
nioi kana)

Không có ngôn từ nào kỳ diệu hơn hương thơm, một ngôn từ không biết đến bạo lực. Một ngôn từ mà tinh tố là tình yêu.

Dẫu lừng hương thơm
Tôi không nhìn thấy
Ôi cây mơ gần
Chora

(Nioi shite
tonari no ume no
mienu kana)

Những bông hoa ấy giấu mình trong hương. Như trên Linh Sơn, Đức Phật giấu mình trong niềm im lặng của một bông hoa. Thế Tôn niêm hoa và một làn hương vĩnh cửu bay đi.

Chỉ một Ca Diếp mỉm cười. Thế cũng đủ. Đủ cho một làn hương trao. Đủ cho Phật pháp ra đi và trở về. Đủ cho những nghìn năm thơm lừng hương Phật.

Vì thế lời xưa mới nói: “Nhục thân Thích Ca còn ấm, nụ cười Ca Diếp còn tươi”.

Nhục thân giấu trong niềm im lặng. Chính vì thế chúng ta cảm thấy cái ấm áp vô cùng của niềm im lặng. Đóa hoa mà Phật nâng lên ở Linh Sơn vẫn còn tuơi như nụ cười Ca Diếp, vẫn nở ra trước mắt chúng ta mà không biết đến tàn phai.

Bởi vì đóa hoa ấy đi vào trong mọi đóa hoa. Bởi vì nụ cười ấy đi vào trong mọi nụ cười.

Dưói trăng
Hương sắc tử đằng
Mơ hồ xa xăm
Buson

(Tsuki ni tôku
oboyuru fuji no
iroka kana)

Và làn hương ấy đi vào mọi làn hương.

Cho nên còn một đóa hoa, còn một làn hương là nhục thân Phật vẫn còn ấm áp.

Chỉ cần một cái nhìn sâu xa là hoa nở khắp nơi, hương lừng trời đất cây đời vĩnh viễn xanh tươi.

Và mọi lý thuyết đều màu xám (goethe) như ý nghĩa của bài tắc sau đây trong Bích nham lục:

“Lục Hoàn đại phu (một học giả Phật giáo thời Lục Triều) hỏi Thiền sư Nam Tuyền:

– Tôi nhớ Triệu Pháp sư nói: Trời đất cùng ta đồng gốc, vạn vật cùng ta đồng thể. Kỳ quái thật!

Nam Tuyền chỉ bông hoa trước sân và đáp:

– Người thời nay nhìn hoa này không như hoa mà như mộng”.

Thiền sư nhắc nhở nhà học giả rằng hoa hiện thể như hoa, bao giờ cũng là hoa. Hoa có ở đây, bây giờ, trước mắt ta, với hương sắc diệu kỳ. Không cần lý luận, không cần giấc mơ.

Hoa có đây, bên hàng giậu:

Ta nhìn sâu xa
Bên hàng giậu nở
Cành nazuna
Bashô

(Yoku mireba
nazuna hana saku
kakine hana)

Đấy là cái nhìn đưa ta vào tinh tố của sự vật, niềm vui của sự vật, cái nhìn của Trang Tử trước những con cá bơi lội tung tăng dưới hào. Trang vui niềm vui của cá và Bashô vui niềm vui của hoa.

Ta nhìn sâu xa
Dưa nằm trong cỏ
Hé mấy nụ hoa
Shiki

(Yoku mireba
kiuri no tsubomi ya
kusa no naka)

“Nhìn sâu xa” (yoku mireba) là cái nhìn thiền, một cái nhìn trong suốt, lắng đọng, như như. Cái nhìn đó “giấu mình” vào sự vật, lặn vào sự vật chứ không mổ xẻ, phân tích. Cái nhìn đó không cần gọi tên, không cần xếp loại:

Trong cỏ xanh
cành hoa không biết
nở ra trắng ngần
Shiki

(Kusa mura ya
na mo shiranu hana no
shiroku saki)

Những bông hoa giấu mình trong cỏ, trong hàng giậu, trong hương thơm, trong bóng trăng, trong sự vô danh. Cái đẹp của hoa chỉ hiện ra trong cái nhìn sâu xa của tình yêu.

Em ở đây, hoa nói. Em ở đây có nhìn thấy không? Em đây mà.

Ở đây, bên con đường núi:
Vưong trái tim tôi
Bên con đường núi
Cành hoa tím ơi
Bashô

(Yamaji kite
naniyara yukashi
sumire-gusa)

Cũng bên con đường, có lần Bashô cảm nghiệm được cái kỳ diệu của một làn hương hoa:

Mùi hoa mơ oi
Con đường núi mọc
Bỗng nhiên mặt trời
Bashô

(Ume ga ka ni
notto hi no deru
yamaji kana)

Giữa mùi hoa mơ và mặt trời có tương quan gì? Và con đường núi?

Và thi nhân?

Và chúng ta.

Tương quan gì giữa Pháp thân thanh tịnh và một đóa hoa? Có một vị Tăng hỏi Thiền sư Vân Môn:

– Thế nào là pháp thân thanh tịnh?

Vân Môn đáp:

– Hoa thược lan.

Hoa mơ, hoa tím hay thược lan... Hoa nào chẳng vì Pháp mà mọc, chẳng vì Pháp mà rơi.

Nghe thác nước reo
Những cánh hồng núi
Đây đó rơi theo
Bashô

(Horo horo to
Yamabuki chiru ka
Taki no oto)

Hoa và mặt trời và thác nước và nhà thơ và vũ trụ... tất cả như đang thể hiện một vũ điệu. Vũ điệu của sinh tử và cũng là vũ điệu của vĩnh cửu.

Khi hoa bay đi, rơi xuống thác nước, hoa như mượn tiếng nước reo mà chào từ biệt đời, từ biệt một mùa .

“Tựa hồ hoa như nói: Bọn em đi về vĩnh cửu đây” (Okakura Kakuzo).

Hoa biết cách giấu mình trong hưong cũng như biết cách giấu mình trong vĩnh cửu. Giấu mình trong Phật Đà.

Cố đô Nara
Mùi hương hoa cúc
Chân dung Phật Đà
Bashô
(Kiku no ka ya
nara ni wa furuki
hotoke tachi)

Giấu mình trong tiếng chuông chiều, nối dài niềm tịch tĩnh Niết bàn:

Tiếng chuông qua rồi
Và hương hoa ngát
Chiều ơi
Bashô
(Kane kiete
hana no ka wa tsuku
yube kana)

Và ngay cả những lúc không có hoa, hoa vẫn giấu mình đâu đó trong giấc mộng đêm xuân, điều mà một bài tanka của Shotetsu đã diễn tả:

Không có hoa nơi này
Những cây thông thức giấc
Trên đỉnh đồi ban mai
Hoa đào đêm xuân mộng
Cũng chỉ là mây bay
Shotetsu
(Hana zo naki
Sametaru matsu wa
Mine ni akete
Magaishi kumo mo
Haru no yo no yume)

Khi thức giấc, cái mà ta tưởng là hoa đào chỉ là một áng mây đang lững lờ trôi. Nhưng chẳng phải là hoa giấu trong mây đó sao? Mây được tự do đi lại, hoa được tự do tung hương, tất cả có thể biểu hiện vì vuợt qua chúng là tánh không, là cái ảo, là mộng huyễn, là trò chơi vô tận của tự nhiên.

Một trò chơi không chỉ có hoa mà có muôn loài.

Tiếng chim oanh xa
Thế mà thôi thúc
Mặt trời mọc ra
Chora

Nếu như một mùi hương hoa mơ đã làm cho mặt trời xuất hiện bất ngờ thì một tiếng chim oanh xa cũng có thể thôi thúc vầng dương được chứ

Nếu như vũ điệu mặt trời mọc cần hương hoa, tiếng chim thì toàn thể vũ trụ phải đáp ứng thôi.

Và nếu như màu xanh của bầu trời cần tiếng nhạc thì:

Ôi sơn ca
Giấu mình đâu đó
Trời xanh bao la
Rikuto
(Kuma mo naki
sora ni kakururu
hibari kana)

Vì huyền bí của vũ trụ là giấu và mở, ẩn và hiện, sắc và không, mộng và thực.

Cuộc đời tựa như giấc mộng nhưng đừng biến bông hoa trước mắt ta thành một cơn mơ trống rỗng. Đời có thể như mơ nhưng hoa thì vĩnh cửu.

Đời thì trừu tượng.

Nhưng hoa thì cụ thể. Cũng như tiếng chim oanh thì cụ thể. Như Thế Tôn niêm hoa. Như Ca Diếp vi tiếu.

Như những kẻ giấu mình trong niềm im lặng sau đây:

Chủ, khách không lời
Và hoa cúc trắng
Lặng lờ im hơi
Ryôta
(Mon iwazu
kyaku to teishu to
shiragiku to)

Cái không gian im lặng ấy như đang diễu hành qua trước mắt ta. Cái im lặng của mỗi người va chạm vào nhau một cách êm ái, pha lẫn vào nhau một cách gợi cảrn. Và cái im lặng thơm hương của hoa cúc trắng vây phủ lên không gian ấy một hơi thở u huyền muôn thuở.

Cũng giống như ai đó giấu mình trong hương khói tâm linh:

Một đêm mùa xuân
Trong góc Phật đường
Bóng ai quỳ dâng hương
Bashô
(Haru no yo ya
komoribito yukashi
dô no sumi)

Ai đó đang quỳ trước Đức Phật, trước đêm xuân, giấu mình trong hương khói. Hương khói sẽ tắt, đêm xuân sẽ qua. Nhưng lời cầu nguyện vĩnh viễn nối kết tâm linh ai đó vào cõi Phật, vào quốc độ của làn hương bất diệt.

Những dạ lan, tử đằng, đồng thảo, cúc trắng... giấu mình trong hương, trong niềm tịch tĩnh muôn đời.

Cúi mình trước hoa, lặng im với hoa và ẩn giấu như hoa ẩn giấu, phải chăng là ước nguyện của ai đó một đêm mùa xuân?


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22/01/2025(Xem: 500)
Vần Thơ Tiễn Biệt Bạn Hiền Phật tử Nguyễn Thị Truyên Pháp danh: Quảng Hoa (1957-2024)
12/01/2025(Xem: 624)
Trong những ngày bận rộn chuẩn bị Tết Nhìn lại bao nhiêu vật vã của năm qua Suy ngẫm lại ba bài thơ, trí tuệ phát sinh ra (1) Chân lý chỉ có một nhưng phải nhờ tinh hoa người giảng giải!
12/01/2025(Xem: 687)
Xuân đến lá hoa cây cảnh tươi, Đông đi mai mĩm miệng cười vui, Nhã hương thơm ngát cho nhân thế, Thổi gió mát tươi đến lòng người. Ân oán tan dần thêm bạn hữu, Tri kỷ thâm giao hợp đạo trời. Cố giữ cho lòng luôn như thế, Để xuân mãi mãi với cõi đời.
11/01/2025(Xem: 410)
Cụ Bà nay chín ba Ngày đêm niệm Di Đà Cầu thân không tật bệnh Tâm này luôn thắng ma.
02/01/2025(Xem: 450)
Nhân dịp đầu năm mới xin kính chúc Đạo tràng Tu Viện Quảng Đức Úc châu Quý Chư Tôn được tăng thêm tuổi Đạo Dẫn chúng con về bến Giác nhiệm mầu Quý Thầy mãi là bóng Tùng tỏa mát Che chở chúng con vượt mọi can qua Cuộc sống khổ đau hay đời an lạc Do tâm tạo ra ở cõi sa-bà.
25/12/2024(Xem: 597)
Kiết Đông Tôn Đức dưỡng tâm thiền Tu Viện Quan Âm kết thắng duyên Lễ Phật trì kinh vun gốc thiện Tham thiền niệm chú hướng bờ thiêng Chuông ngân mõ nhịp chơn hương nguyện Trống vận trầm xông diệu đạo truyền Bốn chúng chung lòng hòa tịnh tiến Huân tu định tuệ giới châu viên..!
15/12/2024(Xem: 1287)
“Tập thơ” này, được hoàn thành và xuất bản lần đầu gồm năm “Chùm thơ” với các tựa đề: “Học Đạo”, “Bụt Nơi Ta”, “Chân Như”, “Diệu Giác” và “Vô Vi”. Tập thơ được mở đầu với bài “Thiền Duyệt” và chia tay với bài “Thời Gian”. Mỗi “Chùm thơ” đều gồm có 3 “Cặp thơ”, như mỗi ngón tay có 3 đốt (đầu, giữa và cuối), để dễ nhớ xin gọi là: “cặp Khai”, “cặp Giải” và “cặp Kết”. Mỗi Cặp chỉ có 2 hoặc 3 bài thơ ngắn. Cặp 2 bài gọi là “cặp Đôi” hoặc “cặp Đối”, cặp 3 bài gọi là “cặp Bình hòa” hoặc “cặp Chân vạc”.
08/11/2024(Xem: 1020)
Khẩy từ địa ngục thâm u Diệu âm Bát Nhã thiên thu vọng đời Thiền ca đốn tiệm không lời Kim cang uy dũng chuyển dời núi non Xuất thần Kim cổ bác thông Véo von lắng đọng Qua sông thả chèo Tiếng đàn reo Tiếng đàn reo Vượt băng qua khúc ngặt nghèo vô tri
08/11/2024(Xem: 679)
Quy hồi cựu xứ đã về đây Nguyên thể an nhiên chẳng đổi thay Trúc biếc tịnh thanh màu cổ pháp Hoa vàng u nhã nét xưa nay Cát tường diệu thể Tào Khê lộ Biến mãn bảo trân Bát Nhã mây Tam Bảo hồng ân thường chiếu tỏa Cội nguồn huyền tịch khéo vần xoay!
02/11/2024(Xem: 876)
CHỜ khuya hỏi chuyện ngân hà MƯA còn giọt buốt chén trà hoang mang TẠNH mây duyên hội trời quang TA nâng huyền thoại lên ngàn tấn hương TRẢI tâm lấp lối lót đường TRĂNG xưa u mặc tưới vườn thiền ca LÀM cho đá hoá ngọc ngà CHIẾU hoa vi diệu lục hoà ngồi chung
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]