Đức Phật vì một nhân duyên trọng đại duy nhất mà thị hiện ở đời. Tính chất trọng đại duy nhất ấy là mở ra, chỉ cho thấycái thấy biết chân chính như thật của chư Phật ở cả ba đời; là cho con người thấy được và thực sự bước vào cái thấy biết chân chính, hoàn thiện của chư Phật khắp cả mười phương.
Nói một cách chân xác, cụ thể, vắn gọn: Đức Phật thị hiện Đản sinh giữa đời chính là giúp cho chúng sinh, cho con người được thành Phật như Đức Phật là Phật đã thành.
Chính vì thế, kỷ niệm ngày sinh của Ngài, ngày Khánh đản đối với con người, thực sự đã trở thành ngày hội lớn, ngày trọng đại trong mọi chiều kích văn hóa nhân bản của thế giới loài người.
Thời điểm linh thiêng nhất của ngày và đêm là giờ phút Ngài thị hiện, thực sự đã trở thành ngày trọng đại với người Phật tử, nhất là với người Phật tử làm thơ.
Với tất cả tấm lòng chí thành, ngưỡng mộ quy kính đối với sự thị hiện của Đức Phật, người làm thơ hầu hết có một độ chín của nguồn cảm xúc, rung động, và họ thể hiện nó lên những dòng thơ. Và thơ của họ trở thành đạo. Từ thơ mà có Đạo và từ Đạo lại có Thơ. Một quá trình chuyển hóa tâm linh trên đường giác ngộ.
Đối với người làm thơ, đa số đã có chung một cách nhìn: sự ra đời của Đức Phật chính là sự chào đời của một đóa hoa thanh khiết, sự bung nở của một đóa hoa Ưu đàm, Umdambara.
Vô ưu hoa, Đàm hoa, Umdambara, một loài hoa đã từ linh thoại đi vào thi thoại,,loài hoa cực quý, ba nghìn năm mới nở một lần. Và khi loài hoa quý ấy xoè cánh dưới mặt trời, tỏa hương thơm cho đời, chính là lúc hoa báo tin mừng cho trái tim nhân loại, hoa đem tin vui cho hoa lá, cỏ cây đất trời. Hoa truyền trao sức sống dạt dào cho khắp cả thiên hà vũ trụ. Hoa ưu đàm nở báo tin có một vì thánh ra đời, có bậc cứu tinh cho loài người xuất hiện.
Ở nơi vườn Lumbini, xứ Kapilavatthu, cách đây hơn 2.600 năm, những đóa hoa Ưu đàm đã lung linh hé nở giữa ban mai, và Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã ra đời dưới bóng mát của loài hoa linh thoại ấy.
Chính vì thế, loài người, trong đó có thi nhân, đồng nhất hóa Đức Phật với Đàm hoa. Và hình tượng Đức Phật với 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp uy nghi đã được thi nhân thi hóa thành đóa hoa Ưu đàm, đóa hoa trân quý nhất giữa vườn hoa nhân loại.
Hơn hai nghìn năm trước, hoa ưu đàm đã nở. Hoa không vì không gian, quốc độ mà hạn cuộc sắc hương. Hoa không vì riêng ai mà hé nở. Đóa hoa ấy đã nở vì lòng thương yêu cho thế giới muôn loài, và cho cả thiên thu muôn thuở. Với tất cả tấm lòng tôn kính tuyệt đối, niềm tin tưởng vô biên, nhà thơ Trúc Diệp đã viết những vần thơ ca ngợi đóa hoa nhiệm mầu trân quý ấy:
Cũng hôm này, trên hai nghìn năm trước
Khắp vườn trời nhẹ thoảng một mùi hương
Hoa không riêng mà chung cả mười phương
Đã nở với lòng thương đầy nhân loại
Hoa không rụng, thời gian không thể hái
Hoa miên trường rắc mãi nét xinh tươi…
Trúc Diệp (Bóng Hoa Đàm)
Cùng chung dòng cảm xúc, cùng chung một cách nhìn và chung cách thể hiện, nhà thơ Tống Anh Nghị, từng ngưỡng mộ ngày Phật đản sanh, như là ngày nở đóa hoa cho muôn thuở, hoa cho tất cả muôn nơi:
Từ gốc quý đã một lần hoa nở
Hoa vươn cao khỏi cỏ dại sinh sôi
Hoa rực sáng như đất trời rực rỡ
Sắc hương lành tự bản chất tinh khôi
Umdambara hay Ưu đàm tên gọi
Một lần sinh muôn thuở vẫn khai hoa…
Tống Anh Nghị
(Umdambara – từ một đóa hoa)
Nhà thơ Trụ Vũ thì dường như ông đã trải rộng tư tưởng cảm xúc mình ở độ thể nhập vào đạo, thật mênh mông mà cũng thật sâu lắng. Hình tượng Đức Phật trong thơ ông, không chỉ được thi hóa thành một đóa hoa, mà còn tất cả những gì chung quanh hoa nữa:
Nửa khuya, Đức Phật vào đời
Trong đôi cánh hạc tuyệt vời lên trăng
Cành hoa muộn nở ngoài sân
Thoảng hương xa, Phật đến gần trong hương
Phật là hoa, Phật là hương
Là trăng, là hạc, là hồn phương Đông.
Trụ Vũ (Nữa Khuya)
Nhà thơ thiền sư Nhất Hạnh mang đến cho người đọc nguồn cảm xúc ngất ngây, hàm súc, và rất kinh điển. Ông đã viết những câu thơ đầy hình tượng, đầy tính chất triết học, bày tỏ lòng ngưỡng mộ, quy kính trước sự Đản sanh của Đức Từ Phụ. Giờ phút đản sinh của Đức Phật là giờ phút bừng nở một đóa hoa, nụ hoa bất diệt:
Giờ phút linh thiêng
Gió lặng chim ngừng
Trái đất rung động bảy lần
Khi bất diệt đi ngang dòng sinh diệt
Bàn tay chuyển pháp trong hương đêm tinh khiết
Ấn cát tường nở trắng một bông hoa
Thế giới ba ngàn đồng thanh ca ngợi
Văn Phật Thích Ca
Giờ phút linh thiêng
Đóa hoa bất diệt nở ngay giữa vườn hoa sinh diệt
Nhất Hạnh (Đêm Cầu Nguyện)
Các nhà thơ đã chân thành vận dụng tất cả những đường nét thi ảnh, những hình tượng cao quý nhất, thuần khiết nhất, những gì mà ngôn ngữ thi ca biểu cảm được để ngợi ca, để tán thán sự ra đời của Đức Thế Tôn. Biểu tượng Đức Phật như một đóa hoa, Đản sinh Phật như Đản sinh một đóa hoa, là một cách nói. Và cũng không còn cách nói nào hay hơn được nữa, khi thi nhân đang được chiêm ngưỡng một nhân cách toàn thiện, vĩ đại là Đức Phật.
Khác với tất cả những vị giáo chủ các tôn giáo có mặt trên thế giới, Đức Phật đã không bao giờ tự phong thánh cho nhân cách hoàn hảo trác tuyệt của mình. Đức Phật luôn chối bỏ ngôi vị thần quyền mà người khác toan gán lên cuộc đời Ngài.
Đức Phật đản sinh giữa cuộc đời, trước hết là vì con người, cho con người Chính vì thế, Đức Phật đã hiện tướng con người mà biểu hiện một nhân cách hoàn hảo, trác tuyệt.
Hiện thân thân giáo của Đức Phật chính là hiện thân hình bóng trung thực nhất của con người, và gợi nhắc cho nhân loại biết rằng đã là con người thì ai cũng có đủ khả năng mô phỏng để trở thành một nhân cách trác tuyệt như Ngài.
Vì thế, nhiều nhà thơ đã bày tỏ lòng ngưỡng mộ, thành kính của mình, trong ngày Khánh đản, trước sự ra đời của Đức Phật như sự ra đời của một con người, một con người nhân cách hoàn hảo nhất giữa thế giới loài người :
Nghìn xưa Phật đã nghĩa là người
Nghìn sau Phật nghĩa là người mãi
Người thắng đỉnh cao, sống rạng ngời.
Tống Anh Nghị
Rằm tháng tư, ta ăn mừng sinh nhật
Của tâm linh – huyền diệu mãn khai hoa
Ôi HOA NGƯỜI đã nở giữa hồn ta
Nghe con suốt thời gian xuyên sợi chỉ
Dệt nên chiếc áo vàng nhất thể
Thiên Ân ơi! Văn Phật là Người.
Trụ Vũ
Đóa hoa người ấy chính là vị Bồ tát Nhất sanh bổ xứ từ chín tầng trời Đâu Suất, vì một đại sự nhân duyên mà hóa thân ứng hiện vào đời. Mượn thân con người để dìu dắt muôn loài chúng sanh, cứu vớt chúng sanh vượt thoát khổ đau sanh tử. Ngài đã mượn thân người là để truyền trao cho con người rồi sẽ cũng đạt quả vị đại giác như Ngài. Ngài mượn tất cả mọi hình tướng con người chín là để làm tấm gương cho nhân loại mô phỏng và tự mình thắp đuốc đi đến quả vị tối thượng như Ngài:
Mượnthân Thái tử…vào đời,
Rời Đâu-suất hóa hiện người trần gian
Mượn cung điện ngọc huy hoàng
Hóa con vua lại chẳng màng lợi danh
Mượn thân tráng liệt hùng anh
Nói cho đời biết đấu tranh lẽ thường
Mượn phàm thân nói tam cương
Nói nhân nghĩa lễ… con đường thế gian
Mượn thân nam tử dọc ngang
Mở chân diệu nghĩa huy hoàng tình yêu
Mượn thân cha cuộn hải triều
Ngọt lành cơm sữa trăm chiều cho con
Mượn khuya vó ngựa câu dòn
Nửa khuya băng lướt núi non dặm ngàn
Mượn con dao nhỏ đoạn tràng
Cắt xanh mái tóc lên đàng dặm xa
Mượn thăm thẳm ánh sao xa
Mở đường giải thoát trầm kha luân hồi
Mượn đi đứng, mượn nằm ngồi
Rừng sâu khổ hạnh pha phôi tháng ngày
Mượn dòng sông gột bụi này
Chánh thân đoan tọa gốc cây Bồ-đề
Mượn hư không thốt nguyện thề
Quyết thành đạo quả trở về bản lai
Mượn huy hoàng ánh sao mai
Đạo vàng thân chứng hoa khai Phật cười
Mượn thân người hóa độ người
Vườn Nai chuyển Pháp đất trời quang dương
Mượn cỏ hoa, mượn dặm trường
Từ Bi Trí Tuệ muôn phương trao truyền
Mượn rừng sâu, tối thắng duyên
Niết-bàn tịch tịnh bản Nguyên Phật là…
Và một nhà thơ khác, đã đưa hình tượng Phật – Ngườiấy vào những câu thơ lục bát, tưởng chừng như đã được ca dao hóa, đại chúng hóa và trở thành những câu hát ru nôi của những bà mẹ hiền:
Em ơi, Đức Phật là người
Bàn tay nhân ái, nụ cười bao dung
Bây giờ thanh đạm áo nâu
Thương em, Phật cũng dãi dầu gió sương
Phật giờ là chuối ba hương
Là xôi nếp ngọt, là đường mía lau
Canh tàn bấc lụn dầu hao
Phật ru em tiếng ca dao tuyệt vời.
Biểu hiện Đức Phật là Hoa, là Người; gọi Đức Phật với đầy đủ 10 danh hiệu: Như Lai, Ứng cúng, Chánh Biên Tri… chỉ là những cách nói nhất diễn đạt cảm xúc của mình trước một nhân cách hoàn hảo, vĩ đại là Đức Phật, trong ngày Khánh Đản của Ngài.
Ngày Khánh đản của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trên đất nước Việt Nam, với bề dày lịch sử du nhập đạo Phật, đã trở thành ngày hội lớn truyền thống. Nguồn cảm xúc của thi nhân đối với ngày trọng đại ấy cũng đã trở thành sức sống hàm tàng nội lực từ tâm linh cốt tủy. Vì thế, cứ đến mùa Phật Đản, chúng ta được đón đọc những vần thơ mới; những bài thơ tràn trào hạnh phúc, những bài thơ đưa hồn người trở về với một hiện tại sáng trong, vươn tới một tương lai an lạc:
Ngày Phật Đản tiếng ôi thân thiết
Môi mẹ cười, hoa Bụt long lanh
Trụ Vũ
Bày tỏ lòng ngưỡng mộ của mình trước ngày Khánh đản của Đức Thế Tôn bằng những câu thơ, cũng chính là quá trình biểu cảm hình thành một nhân cách mô phỏng nhân cách hoàn hảo của Phật. Cho nên, thơ của họ là thơ đạo. Trong Thơ có Đạo. Vào Đạo có Thơ.
Thơ ấy, bao giờ cũng tràn trào một hương vị giải thoát, hương của hoa Umdambara, hương của loài hoa bất tử:
Khi đóa hoa bất tử
Một uy nghi nở giữa trần hoàn
Thì cho dù ngũ trược lệ chan
Địa cầu chính là niết bàn, Tịnh độ. Gửi ý kiến của bạn