Ở xã Trị Nội, huyện Nga Sơn, phía hữu núi Thần Phù có "Bích Đào động" cũng gọi là "Từ Thức động", trong trải rộng rãi mà lại thanh hư, cây cối xinh tốt. Trong động có bàn đá, có những viên đá nhỏ la liệt hình như con cờ. Những thạch nhũ rũ xuống hình như trống chuông, khẽ đánh có tiếng kêu. Lại có những thứ như màn trướng, lọng dù trông rất kỳ xảo, cảnh trí rất xinh đẹp.
Muốn vào trong hang động, phải nối đuốc mà đi. Nhưng cũng chưa ai đi cùng đến đáy.
Tương truyền trong niên hiệu Quang Thái (1388-1398) đời nhà Trần nước ta có ông Từ Thức là quan huyện Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh). Bên cạnh huyện có một ngôi chùa có trồng một cây hoa mẫu đơn. Mỗi khi nở hoa thì người người các nơi đổ đến, xe ngựa dập dìu làm thắng hội thưởng hoa.
Trong khi mọi người nhìn ngắm hoa đẹp thì bỗng có một thiếu nữ tuổi độ mười lăm, mười sáu, dung nhan diễm lệ bước đến đưa tay vuốt lấy hoa. Nhưng chẳng may khi vịn lấy một cành thì cành giòn bị gẫy. Người giữ hoa giữ lại, bắt đền. Nàng không đền mà mãi đến tối cũng không có người thân quen đến nhận. Từ Thức thấy vậy động lòng thương xót, bèn cởi áo bạch cẩm cừu đưa cho nàng chuộc tội để được tha về.
Một thời gian sau, vì không muốn ràng buộc bởi lợi danh, Từ Thức bỏ ấn từ quan về ở huyện Tống Sơn. Rồi ngày ngày, Từ với một bầu rượu, túi thơ, chu du khắp chốn danh lam thắng cảnh. Một hôm nhìn thấy cửa biển Thần Phù có đám mây ngũ sắc kết lại hình như hoa sen, Từ vội chèo thuyền đến thấy một hòn núi rất đẹp, Từ sinh cảm khái, nhân đề một bài thơ:
Thiên chương bích thụ quải triêu đôn,
Hoa thảo nghinh nhân nhập động môn.
Bạng giản dĩ vô tăng thái dược,
Lâm lưu thặng hữu khách tầm nguyên.
Lữ du tư vị cầm tam lộng,
Điếu đỉnh sinh nhai nhất tửu tôn.
Nghĩ hướng Vũ Lăng ngư phủ vấn,
Tiền lai viễn cận thực đào thôn.
Bản nôm:
Đầu cành thấp thoáng bóng kim ô,
Hoa động vui mừng đón khách vô.
Cạnh suối nào là người hái thuốc?
Quanh nguồn chỉ có gã bơi đò.
Xênh xang ghế mát đàn ba khúc,
Đủng đỉnh thuyền câu rượu một vò.
Ướm hỏi Vũ Lăng chàng đánh cá,
Làng Đào đâu đó cách chừng mô.
Từ đề xong nhưng bỡ ngỡ chưa biết đường nào đi, thoạt thấy vách đá tách mở ra một chỗ tròn độ một thước. Từ chui vào chưa được vài bước thì vách đá khép kín lại. Đi được vài dặm, thấy sườn đá đứng cao như vách tường. Lần leo lên, mỗi bước lại thấy càng rộng. Đến chót núi thì có ánh mặt trời chiếu sáng, nhìn quanh bốn phía thấy một dãy lầu đài thiên nhiên cực kỳ xinh tốt như tranh vẽ.
Từ đương lấy làm ngạc nhiên, bỗng thấy có thanh y đồng nữ đến bảo:
- Phu nhân tôi xin mời tướng công vào.
Từ vâng lời. Thẳng vào thì thấy một tiên nga đương ngồi trên giường chạm thất bảo, bên cạnh có đặt một chiếc tháp nhỏ bằng đàn hương. Tiên nga mời Từ ngồi, đoạn ung dung bảo:
- Đây là hang động thứ sáu trong số 36 động ở Phù Lai. Thiếp đây là Ngụy phu nhân địa tiên Nam Nhạc, nghe nhà ngươi có cao nghĩa hay cứu trợ người khốn đốn, nên mới phiền bước đến đây.
Đoạn, phu nhân gọi A Nương đến.
Từ liếc nhìn, nhận ra là cô gái làm gãy hoa ngày trước. Phu nhân chỉ A Nương mà bảo Từ:
- Đó là con ta, tên Giáng Hương, khi trước nhờ người cứu việc làm gãy hoa, ơn ấy không quên nên ta muốn kết làm giai ngẫu để trả.
Lẽ cố nhiên, Từ rất vui lòng.
Ngay trong đêm ấy, phu nhân truyền thắp đèn mỡ phụng, trải chiếu vũ rồng, làm lễ giao bôi.
Thấm thoát đã được một năm.
Nhưng cảnh tiên không khuây khỏa được lòng trần. Từ bỗng động lòng nhớ cố hương nên ngỏ ý với Giáng Hương. Biết không giữ được, nàng đành thưa với mẹ. Phu nhân biết Từ còn nặng lòng trần tục nên bằng lòng cho chàng một chiếc cẩm vân xa để đi về. Riêng Giáng Hương thì giao cho chàng một phong thư, dặn về đến nhà hãy mở ra xem.
Đến nhà, cảnh cũ không còn như xưa, vật đổi sao dời, thành quách, nhân dân hoàn toàn khác trước; duy cảnh núi sông là còn như thuở độ nào. Từ đem tên họ mình mà hỏi thăm người già cả, thì có người nói:
- Thuở tôi nghe nói ông cụ tam đại nhà tôi cũng cùng tên họ như ông, đi vào núi mất đến nay đã hơn 60 năm.
Từ bấy giờ mới hậm hục bùi ngùi, muốn lên xe mây để về lối cũ, nhưng xe đã hóa ra con tường loan bay mất rồi. Từ mở thư của Giáng Hương xem thì thấy có câu: "Kiết loan lữ ư vân trung, tiền duyên dĩ đoạn; phỏng tiên sơn ư hải thượng, hậu hội vô nhân" (Kết bạn loan ở trong mây, duyên trước đã dứt; tìm núi tiên ở trên biển, hội sau khôn cầu). Ý nói: duyên trước kết đôi loan phụng cùng nhau nay đã đoạn tuyệt rồi; ngày sau muốn tìm lại núi tiên cũng không được.
Về sau, Từ Thức mặc áo khinh cừu, đội nón lá, vào núi Hoàng Sơn ở huyện Nông Cống (Thanh Hóa) rồi đi mất.
Lê Quí Đôn, đời Hậu Lê, có vịnh bài thơ:
Câu chuyện thần tiên rất khó lường,
Bích Đào động nọ đã hoang lương.
Áo bông gió bụi: thân Từ Thức,
Mày liễu xuân tàn: sắc Giáng Hương.
Trống đá ngày qua nghe tiếng động,
Nhủ diêm sương nhuộm mất mùi thường.
Thiên thai mộng tưởng cho thêm khổ,
Ai biết thiên thai cũng hí trường.
Nguyên văn:
Hải thượng quần tiên sự diếu mang,
Bích Đào động khẩu thái hoang lương.
Kiều khôn nhất cát cùng Từ Thức,
Vân thủy song nga lão Giáng Hương.
Thạch cổ hữu thanh xao hiểu nhật,
Sa diêm vô vị niết thu xương.
Thế nhân khổ tác Thiên thai mộng.
Thùy thức Thiên thai diệc hí trường.
Gửi ý kiến của bạn