LỘC UYỂN: vườn nai nơi Đức Phật giảng chuyển pháp luân (7) | ||||||||
|
||||||||
Bạn rất có thể đã nghe bài thơ này:
...Em không nghe rừng thu,
Lá thu kêu xào xạc,
Con nai vàng ngơ ngác,
Đạp trên là vàng khô?
Không có cảnh nào thơ mộng hơn hình ảnh con nai đi giữa rừng lá vàng trong không gian yên tĩnh để chỉ nghe tiếng lá vỡ bởi những bước chân nhẹ nhàng của loài thú hiền lành đang được thi sĩ Lưu Trọng Lưu ngắm nghía rồi tạo nên những vần thơ trữ tình để đời qua bài Tiếng Thu.
Nhưng có thể bạn chưa nghe Sarnath Deer Park hay còn được gọi là Lộc Uyển nếu bạn không phải là một Phật tử. Công Viên Nai hay Vườn Nai này cách thành phố Varanasi thuộc tiểu bang Uttar Pradesh của Ấn Độ khoảng 12 cây số.
Nếu nhà thơ tiền chiến Việt Nam có phép thần thông đi ngược thời gian 2,500 năm để tới đây, chưa chắc ông đã làm nên những giòng thơ sau đây:
Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực,
Hình ảnh kẻ chinh phu,
Trong lòng người cô phụ?
Bởi nơi đây, dù là mùa thu êm ả, sẽ không có cảnh người đàn bà chờ chồng chinh chiến trở về mà có một ông hoàng tử đang hoằng pháp sau khi từ bỏ cung điện, vợ con để tìm con đường giải thoát cho mình, cho nhân loại.
Tương truyền Sarnath nguyên là một khu rừng có nhiều nai sinh sống. Thái tử Tất Đạt Sa Cồ Đàm (Siddhartha Gautama) sau khi đạt giác ngộ đã tới Sarnath và chính nơi đây Đức Phật lần đầu tiên đã giảng kinh Chuyển Pháp Luân cho 5 anh em ông Kiều Trần Như (Kodanna), những người đã từng cùng tu theo lối khổ hạnh với Thái tử Tất Đạt Đa trong 6 năm trời.
Thời đó ở Ấn Độ có hai nhánh tu, một là hưởng lạc hay ép xác. Thái tử Tất Đạt Đa sau nhiều lần tầm sư học đạo và thấy những lối tu đó không đạt đến sự giải thoát đã tìm cho mình hướng đi riêng. Sau 49 ngày đêm ngồi thiền dưới cây bồ đề ở Bodhgaya thái tử đã đạt chánh quả, tìm ra giáo lý mới là Trung Đạo và Con đường Tám nhánh. Và chính nơi đây kinh Chuyển Pháp Luân (chuyển bánh xe pháp)– giáo lý căn bản của Phật pháp—đã được Đức Phật truyền cho những đệ tử đầu tiên và nay bánh xe pháp được hàng trăm triệu người trên thế giới nghe theo và luyện tập.
Ai cũng có thể trở thành Phật
Một tôn giáo, dù đa thần hay độc thần, đều tin rằng ông thần hay thượng đế là đấng tối cao dựng nên trời đất muôn vật hay con người. Thần hay thượng đế đó có quyền năng trên con người và vạn vật, có quyền ban sự sống và lấy đi. Thần hay Thượng đế của các tôn giáo (theo giáo lý hay sách vở truyền lại) bảo tín đồ phải thờ ngài, rằng ngài là thượng đế duy nhất v.v... Ai tin sẽ được cứu rỗi. Ai xin sẽ được ban, một cách nào đó. Bởi vậy mới có vấn đề cầu nguyện, xin ơn.
Phật giáo do Đức Thích Ca Mâu Ni truyền giảng lại khác. Bởi Đức Phật nguyên là một con người xác phàm, có cha mẹ, có vợ con, thừa hưởng di sản đạo Bà La Môn của tổ tiên nhưng thấy đạo này không giúp con người thoát khỏi khổ đau nên đã xuất gia tìm đạo và đã đạt được chánh quả, thành Phật. Phật có nghĩa là người đã giác ngộ.
Phật Thích Ca không bảo phải thờ ngài như vị thần hay thượng đế, cũng chẳng hứa khi xin hay cúng thì sẽ ban ơn. Đức Phật chỉ dạy phương pháp để con người trở nên tốt hơn, để được giải thoát.
Như vậy, thiển nghĩ, Phật không hẳn là một tôn giáo theo nghĩa thông thường mà là một lối sống, hành xử hay nói một cách khác, là một triết học, một nền triết học rất cao xa vượt hẳn các nền triết học Hy-La cùng thời.
Khi đã là một triết lý, những người tin theo có thể tùy nghi suy luận và hành xử. Bởi vậy trong Phật giáo cũng có nhiều nhánh phái. Phật đã chẳng nói ai cũng có thể thành Phật hay sao nếu biết tu tập theo cách ngài dạy? Trước ngài đã có Phật, sau ngài cũng có Phật.
Hồi còn là học sinh, triết học của Phật giáo lôi cuốn tôi bởi vì sự cởi mở, phóng khoáng và khoan dung của tôn giáo này. Trong nhân sinh quan và vũ trụ quan của Phật giáo, tôi thích nhất là ý niệm về cáiDuyên và thế giới bên ngoài thế giới của chúng ta—hằng hà sa số thế giới như Đức Phật nói.
Những thắc mắc muôn thuở của con người chưa được một nền triết học nào giải đáp thỏa đáng: Con người từ đâu đến? Sinh ra để làm gì? Chết sẽ đi về đâu?
Vì thế, những lúc bàn luận về tôn giáo với một người bạn thân giỏi về triết học, chúng tôi đã nghĩ rằng mình có thể thành Phật nếu mình biết cách và chịu tu luyện bởi vạn vật và chúng sinh đều là Phật. Phật tại tâm. Và Thái tử Tất Đạt Đa là vị Phật vĩ đại, cao siêu nhất.
Sau năm 1975 khi đi làm rẫy, sống trong rừng tôi đã có dịp đọc cuốn sách “Câu Chuyện Giòng Sông” của nhà văn Hermann Hesse, một người Đức thâm sâu về triết Đông. Tiểu thuyết này nói về hành trình tìm đạo một vị thái tử có tên Tất Đạt Đa trong khi yêu đương, hưởng lạc thú một con người đầy dục vọng vẫn ước mơ tìm một chân trời mới. Câu chuyện giòng sông ẩn dụ sự cô đơn muôn thuở của con người.
Qua tác phẩm đó, tôi đã hứng chí viết hai bản nhạc, xin ghi lại để chia sẻ cùng bạn đọc:
Thiền Sư Xuống Núi (bấm để nghe)
Có người từ non cao
Vượt qua bao nhiêu đèo
Có người từ non cao
Vượt qua bao hầm hố
Có người từ mây xanh
Về thăm nơi dương trần
Có người từ mây xanh
Về vui với người đời.
* * * Thấy được một cành hoa Thiền sư quên lần hạt
Thấy được một cành hoa
Thiền sư quên gõ mõ
Ngửi được mùi đào thơm
Miệng thôi A Di Đà
Ngửi được mùi đào thơm
Câu kinh đổi lời tình.
* * *
Thiền sư nay xuống núi
Bước chân đi vào đời
Gối hoa thay gối đá
Nệm bông thế giường cây
Thiền sư nay xuống núi
Lún sâu nơi trần đời
Áo tơ thay áo vải
Hóa thân kẻ si tình
* * *
Có người từ non cao
Vượt qua bao nhiêu đèo
Thấy được một cành hoa
Cõi u minh vừa hé
Ngửi được mùi đào thơm
Lòng sân si vừa mở
Thoát nợ làm thiền sư
Thiền sư vướng nợ tình.
Yêu trần gian như điên cuồng nhưng chẳng tìm được cái chân lý của lạc thú như quan niệm của phái hưởng lạc nên thiền sư lại trở về cái nghiệp tu của mình.
Lên Núi (bấm để nghe)
Xưa anh là mây
Lạc bước về đây
Xưa anh là gió
Gió tạt vườn hoa
Xưa anh là nguồn
Ở tận đầu non
Xưa anh là đá
Đá không có nhà
* * *
Xưa anh là cây
Rừng núi mà ra
Xưa anh là lá
Bỏ cội mà đi
Xưa anh Bồ đề
Câu kệ lời kinh
Xưa anh thiền sư
Thiền sư quên chùa
* * *
Anh về gian trần
Về chốn si mê
Bốn mùa yêu ấy
Mấy kiếp tu hành
Anh tìm về non
U mê đã hết
Tu là cõi phúc
Tình là dây oan
* * *
Nay anh là mây
Tỉnh giấc ngủ say
Nay anh là lá
Lá về cội cây
Nay anh là nguồn
Trở lại tìm non
Nay anh thiền sư
Thiền sư về chùa.
Tôi cảm thấy thú vị với câu “bốn mùa yêu bằng mấy kiếp tu hành” trong bài Lên Núi bởi theo tôi nghĩ, yêu đương cũng là tu tập.
Trước năm 1980 khi chưa vượt biên được, tôi cùng bạn bè thường tụ tập hát hỏng và hai bài ở trên là một trong số những bài bạn bè thích vì lời lẽ có tính cách triết lý vụn của tôi.
Tôi nhớ có lần cùng nhóm bạn đi uống cà phê ở một quán nhạc sống (hình như) bên Đa Kao nơi nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đang đệm dương cầm vào buổi tối. Một người bạn đưa bản Thiền Sư Xuống Núi cho nhạc sĩ và đề nghị đánh cho tôi hát. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 gật gù thích thú khi đệm đàn và sau đó nói rằng tiếc là thời buổi bây giờ không còn như ngày xưa, ngụ ý tôi là một “mầm non văn nghệ”?
(Xin mở ngoặc: Sau năm 1975, tôi có viết một số nhạc phẩm nói về thân phận con người dưới chế độ cộng sản và sang đảo Ga Lang bên Nam Dương tôi có in một tập nhạc có tựa Thân Phận Ca, rồi tổ chức một đêm trình diễn tập nhạc này. Thời đó nhạc sĩ Lê Văn Thiện cùng ở chung trại. Năm 1981, nhạc sĩ Lê Văn Thiện hòa âm 4 bài trong tập Thân Phận Ca của tôi, và ca sĩ Thanh Thúy thu băng vào cuốn Siêu Âm 1. Tôi được ca sĩ Thanh Thúy gởi tặng cho một cuốn băng cassette nhưng rồi đã bị lạc mất. Và tất cả chỉ là kỷ niệm đáng nhớ của một thời văn nghệ).
Chuyển pháp luân và Tam bảo
5 tuần lễ sau khi Đức Thích Ca thành đạo dưới cây bồ đề ở Bodhyaga, ngài đi bộ tới Sarnath, đường dài hàng trăm cây số, phải vượt qua Sông Hằng. Chúng tôi sau một ngày ở thành phố Varanasi (được phiên âm là Bà La Nại), chúng tôi đến Sarnath (Lộc Uyển) bằng xe hơi do người hướng dẫn viên Rajesh sắp xếp, giá đưa đón 700 Rupee. Chúng tôi có thể đi xem bao lâu cũng được, anh và người tài xế sẽ đợi bên ngoài.
Xe chạy mất khoảng 45 phút. Vào cổng không phải trả tiền. Trên đường lót gạch vào ngôi đền có tên Mulagandha Kuty Vihara có những bảng vẽ hình Đức Phật đang thuyết giảng cho đám đông với trích dẫn câu nói của ngài bằng tiếng địa phương và tiếng Anh. Đền này do một người Tích Lan xây và khánh thành năm 1931, nơi đây có xá lợi Phật. Hai bên có sân cỏ và nhiều cây cối, tuy vậy cũng không làm giảm bớt cái nóng luôn trên 40 độ của mùa hè ở xứ nắng cháy người này. Tôi thấy có những người nằm ngủ dưới những gốc cây bên cạnh là y phục trải rộng ra như tận dụng trời nắng để chóng khô sau khi giặt. Tôi nghĩ họ là khách hành hương bản xứ từ xa đến.
Vào đền phải bỏ dép bên ngoài, có người giữ. Anh thanh niên này tươi cười liên tiếp hỏi quốc tịch chúng tôi theo thứ tự khi tôi trả lời không: Nhật? Thái? Việt?
Điều này có thể được giải thích trong số người Á Châu đến thăm Lộc Uyển, người Việt Nam đứng hàng thứ ba. Bên trong đền có bảng ghi chụp hình 20 Rupee, nhưng chỉ là “donation”, tùy hỉ.
Kiến trúc bên ngoài đẹp và cầu kỳ, nhưng bên trong rất đơn giản, chỉ là tượng Phật ở chánh điện, ba bức tường là những hình vẽ cuộc đời của Đức Phật từ khi sinh ra cho đến lúc thành đạo và hình vẽ cái tháp giải thích bằng tiếng Anh cách đạt đến wisdom (trí huệ) qua the only ways (phương pháp duy nhất) là Four foundations of Mindfulness (tứ diệu đế).
Đền được xây ở phía đông nơi tương truyền Đức Phật thuyết giảng lần đầu tiên.
Phía tay phải của đền là khu tu viện. Nơi đây có tòa nhà nho nhỏ với giòng chữ khắc trên cổng “Đức Phật thuyết giảng lần đầu tiên cho các đệ tử của ngài”.
Bên trong có tượng Phật bao quanh bởi 5 vị sư. Bên cạnh có dựng cái bia thật lớn bằng cẩm thạch đen khắc nguyên văn Kinh Pháp Luân bằng tiếng Phạn (Dhamma Chakka Pavattana Sutta) và tiếng Anh (The Wheel of Law).
Chúng tôi chỉ đứng trong khu vực này được vài phút bởi đến giờ đóng cửa và người giữ cửa rất khó khăn, bảo phải ra ngay không cho nán lại chụp thêm vài bức hình giữa sân. Thời gian đóng cửa khu vực Phật thuyết giảng: 11.am- 1.30pm.
Trong khu vực này tôi thấy có bảng ghi: “May you all be happy with the blessings of the triple gem, the Buddha, Dhamma and Sangha”.
Thế là Tam bảo hình thành từ nơi này. Vườn Nai là nơi Phật truyền Phật pháp và thành lập tăng đoàn đầu tiên. Đặt chân ở Lộc Uyển là đã đến đất thánh của Phật giáo.
Chúng tôi tiếp tục đi sâu vào bên trong để thăm viếng và quan sát công viên và sở thú “mini zoo” của Sarnath Deer Park. Có những người gác cổng với giá ghi “Asians 10 Rupeee – Foreigners 50 Rupees”.Chúng tôi là người ngoại quốc đối với nước Ấn Độ, có quốc tịch Úc nhưng được họ tự động đưa cho cái vé 10 Rupees để trả. Dĩ nhiên chúng tôi không phản đối để được trả cao gấp 5 lần!
Công viên rất đẹp, nhiều cây cối - cây đa và cây bồ đề tàng rất rộng- nhưng chúng tôi ai nấy mồ hôi chảy đầm đìa. Treo bảng “mini zoo” cũng đúng thôi nhưng trong các chuồng chẳng thấy con vật nào, kể cả nai để làm cảnh. Chỉ có vài con vịt. Có lẽ trời nóng nên súc vật trong sở thú này chết hết chăng? Ở đây có cái hồ khá rộng, vài đứa con nít địa phương tắm giữa trưa hè. Tôi chụp hình cái hồ (tránh chụp chúng) nhưng các ông thần con này vẫn ra hiệu không cho. Tôi thấy một số trẻ con ở một số nước Trung Đông và Á Châu không thân thiện và lịch sự với các du khách, một thái độ trái ngược so với những lúc du dịch ở các nước Tây phương.
Chúng tôi đi bộ sang một ngôi đền bên cạnh, đấy là Sridigamber Jain Temple. Có vài du khách người Tây phương ở đây. Tôi không rành về Kỳ Na giáo, chỉ biết đạo này có những vị tu sĩ ốm o giống các đạo sĩ yoga và nhiều người không mặc áo hay mặc quần, lõa thể một trăm phần trăm.
Người giữ đền hỏi tôi từ đâu đến và khi nghe tôi nói là người Việt Nam, ông ta xin cho ông tiền Việt Nam để làm kỷ niệm nhưng tôi bảo tôi là người Việt nhưng không sống ở nước Việt Nam.
Thấy giữa đền có tượng màu đen, hỏi đó là ai, nhưng ông ta nói một tràng tôi chẳng hiểu gì. Rồi ông ta đưa cho tôi xem bảng danh sách đề tên 24 người trong đó người cuối danh sách là Mahavira, tức vị đại sư cuối cùng. Ông ta nói vị đại sư này bà con anh em họ (cousin) với Đức Phật Thích Ca. Trước đây tôi nghe anh hướng dẫn viên người Ấn nói hóa thân lần thứ ba của thần Shiva là God of Budhha nay lại nghe có sự bà con giữa đại sư với Đức Phật nên tôi chẳng hiểu gì.
Thấy tôi ú ớ, ông đưa cho tôi bức hình các vị guru (đạo sĩ) của Kỳ Na giáo đang gặp gỡ chuyện trò với Đức Đạt Lai Lạt Ma của Phật giáo Tây Tạng trong khi các vị đạo sĩ ở trong tư thế “công xúc tu sĩ” nên chúng tôi bái-bai ông để ra về.
Nhà tôi hỏi đạo Kỳ Na là gì, thờ ai. Tôi không rõ, nên đã lên internet tìm hiểu và bắt gặp một đoạn giải thích như sau:
Kỳ Na Giáo là một tôn giáo ở Ấn Độ giống với Phật giáo nhất, nhưng khác nhau là Kỳ Na Giáo chuyên tu khổ hạnh, còn Phật Giáo không phải là khổ hạnh mà là Trung Đạo. Đây là lời chính Phật Thích Ca nói ra trong bài giảng pháp đầu tiên của mình ở Vườn Nai cho 5 người tu khổ hạnh: Có 2 cực đoan mà người muốn chứng quả giải thoát phải từ bỏ là: Một là sống hưởng thụ dục lạc xa hoa, không thích đáng đến bậc Thánh. Hai là tự mình làm khổ mình một cách vô ích, khổ hạnh ép xác, không liên quan đến bậc Thánh. Thoát ly 2 cực đoan ấy, con đường phải đi tới giải thoát là Con Đường Trung Đạo mà chính ta đã tìm ra. Như thế Đạo Phật không chủ trương tu khổ hạnh, mặc dù chính đức Phật trong lúc tìm đạo đã tu khổ hạnh 6 năm sau đó bị té xỉu ở bên giòng sông Ni Liên Thuyền, tỉnh dậy nhờ bầu sữa của cô gái chăn cừu đem theo để ăn trưa, sau đó ngài từ bỏ vì vô ích.
Điểm khác nhau căn bản thứ 2 giữa Kỳ Na giáo và Phật Giáo là: Kỳ Na giáo chủ trương có Đại Phạm Thiên Vương (Brahman) tạo ra vũ trụ và con người, con người chỉ là một Tiểu Ngã (Atman) chiết ra từ Đại Ngã, tu khổ hạnh, khắc kỷ để Tiểu Ngã trở về hợp nhất Với Đại Ngã là Chứng Đạo, vì Kỳ Na giáo cũng chỉ là một nhánh của Ấn Độ Giáo mà thôi. Còn Đạo Phật không chấp nhận lý thuyết ấy, không có Đại Phạm Thiên Vương nào tạo ra vũ trụ và con người cả, không có Đại Ngã, cũng không có Tiểu Ngã, mà hoàn toàn là Vô Ngã. Đó là 2 điểm khác nhau giữa Phật Giáo Và Kỳ Na Giáo. Điểm khác nhau thứ nhất là về cách tu cách sống, điểm khác nhau thứ hai là quan điểm về vũ trụ quan và nhân sinh quan. Kỳ Na giáo là Hữu thần giáo, còn Phật Giáo là vô thần giáo.
Còn về việc tại sao trong đạo này có người mặc y phục, có người thoát y, thì có một giải thích như sau.
Kỳ Na giáo (Jainism) do Thánh Mahavira (540 TCN – 468 TCN) sáng lập ở miền Bắc Ấn Độ, cùng thời với Phật giáo. Triết lý chính của tôn giáo này chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng Veda, họ lấy nguyên tắc bất tổn sinh (ahimsa), thiền định và nỗ lực vượt qua những cám dỗ của phàm ngã để đạt đến cõi Niết Bàn.
Các tu sĩ Kỳ Na giáo phải thực hành thiền định theo 22 điều khổ hạnh như kềm chế cơn đói, khát, chịu đựng sự khắc nghiệt của thời tiết nóng, lạnh, chấp nhận môi trường thiên nhiên cho muỗi đốt, ruồi bu, đối với cơ thể khống chế sự khát vọng về quyền lực, danh vọng, thù ghét, yêu thương và chối bỏ hoàn toàn nhục dục…
Kỳ Na giáo được chia làm hai trường phái gồm Svetambara (mặc đồ trắng) và Digambara (khỏa thân hoàn toàn). Dù cùng thừa nhận lý tưởng từ chối tất cả mọi sự ràng buộc về vật chất dù đó là quần áo và xem việc lõa thể là cần thiết, tuy nhiên, trường phái Svetambara lại chấp nhận thỏa hiệp cho tín đồ quấn vải trắng lên người.
Thánh Mahavira cũng thực hành khổ hạnh khỏa thân suốt 12 năm trước khi trở thành một jina. Nhiều tranh tượng của Mahavira được thể hiện trong hình dạng một tu sĩ khổ hạnh khỏa thân ngồi thiền định.
Việc khỏa thân còn giúp tín đồ Kỳ Na giáo đạt đến phẩm chất của tính không, phủ nhận một cái ta (phàm ngã) đang tồn tại, vượt qua những ràng buộc đạo đức giả tạo của xã hội, cũng như chinh phục cái tư tưởng định kiến xem chuyện trần truồng có liên quan đến tình dục (hết trích).
* * *
Khi còn đứng bên “mini zoo” của Sarnath Deer Park và lúc thăm viếng đền thờ của đạo Jain, chúng tôi thấy có một bảo tháp rất lớn nên tôi muốn đi xem. Nhà tôi chịu nắng không nổi, muốn xỉu nhưng cũng chấp nhận đi theo tôi để xem cái tháp đó là gì. Té ra đây là khu di sản quốc gia có tên là Archaeological Survey of India, được bảo vệ qua đạo luật bảo tồn di tích cổ. Vé vào cửa 100 Rupee. Nơi đây có những chỗ tọa thiền được bảo vệ, những bảo tháp lâu đài được cho là xây từ đời A Dục Vương và các triều đại kế tiếp đã bị đổ nát vì chiến tranh bởi các vua Hồi giáo, chỉ còn những bức tường gạch. Giữa khu đất rộng này có cắm bảng ghi dòng chữ “nơi đây được cho là chỗ Đức Phật ngồi giảng đạo sau khi giác ngộ”.
Và cái tháp to lớn có thể nhìn từ xa là Dhamekh Stupa, một bảo tháp cao 33.35 mét (kể cả đế cao 42.60 mét), đường kính 28.5 mét được xây để kính nhớ nơi Đức Phật thuyết giảng lần đầu và cũng là nơi cất giữ xá lợi của Phật.
Tôi ước gì trời dễ chịu để có thể đi hết khu vực này, để nhìn và chiêm ngưỡng thêm cuộc đời một con người phàm nhưng trí tuệ đã đạt đến mức khó có người phàm nào vượt qua. Những suy nghĩ của ngài hơn 2,500 năm nhưng ngày nay con người và khoa học thấy đúng phần nào. Và biết đâu vài trăm năm nữa, khoa học sẽ chứng minh có... cõi ta bà?
Chúng tôi đi mất đúng 2 tiếng đồng hồ giữa trời nắng, trở ra đường cái thì gặp ngay Rajesh. Anh nói anh đã vào bên trong Deer Park nhưng không thấy chúng tôi, nên lo lắng đi tìm và không ngờ bắt gặp chúng tôi ở một khu vực khác. “Đứa con trai Ấn Độ” tự xưng này nói anh hú hồn vì sợ chúng tôi đi lạc hay gặp chuyện gì vì nhiệm vụ của anh là đã đưa đi thì phải đưa về. Anh nói chúng tôi nên về nghỉ ngơi để sáng mai đi xa.
Tôi cám ơn người hướng dẫn dẻo miệng này và cảm thấy sẽ an tâm trên chuyến đi hàng trăm cây số bằng xe hơi tới nơi Đức Phật giác ngộ gọi là Bồ Đề Đạo Tràng. (còn tiếp)
Nguyễn Hồng Anh |