Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phổ khuyết tọa thiền nghi

12/10/201010:46(Xem: 6439)
Phổ khuyết tọa thiền nghi
toa-thien


PHỔ KHUYẾN TỌA THIỀN NGHI
 

Thiền sư Đạo Nguyên - Dịch: Thuần Bạch


1.- Thiền sư Đạo Nguyên và duyên khởi của "Phổ khuyến tọa thiền nghi".

Thiền sư Đạo Nguyên Hy Huyền (Dogen Kigen, 1200-1253) là khai tổ tông Tào Động Nhật Bản. Năm 1224 sư sang Trung Hoa học đạo với thiền sư Thiên Đồng Như Tịnh (1163-1228) là tổ tông Tào Động đời thứ 15. Sau khi được thầy ấn chứng, sư trở về Nhật Bản vào năm 1228. 

Bài "Phổ khuyến tọa thiền nghi" do thiền sư Đạo Nguyên soạn ngay sau khi ở Trung Hoa về tại chùa Kiến Nhân, Tokyoto từ ngày 5 tháng 10 đến ngày 10 tháng 12 năm 1288. Sư dựa vào nghi thức tọa thiền trong quyển Thiền nguyên thanh quy của Tông Nghĩa, được viết vào năm 1103, cốt khôi phục tinh thần của "Bách Trượng thanh quy". Quyển thanh quy này của tổ Bách Trượng Hoài Hải (720-814) rất phổ biến khắp thiền lâm đời Đường, nhưng đến cuối đời Tống thì bị mai một. 

Trong một bản thảo viết ngắn lưu giữ tại chùa Vĩnh Bình, thiền sư Đạo Nguyên cho biết ngài Tông Nghĩa chưa diễn đạt hết tinh thần tọa thiền của tổ Bách Trượng, nên sư phải soạn lại bài "Phổ khuyến tọa thiền nghi" này. Bài "Phổ khuyến..." này có hai văn bản. Bản thứ nhất là một tuyệt tác thư pháp do chính tay thiền sư Đạo Nguyên viết, ghi năm 1233 và được tồn giữ trong Viện Bảo Tàng Quốc Gia Nhật Bản. Bản thứ hai rất thông dụng qua nhiều thế kỷ, không tìm thấy thủ bút nguyên tác, chỉ biết lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1358 và sau đó được khắc in lại thời đại Tokugawa. Bản này có ảnh hưởng rộng lớn và sâu xa trong hàng môn đệ tông Tào Động và được tụng đọc vào buổi chiều tại các thiền viện thuộc hệ thống tông phái này. 

2.- Bản dịch "Phổ khuyến tọa thiền nghi".

Đạo luôn luôn tròn đầy và trùm khắp, thế tại sao lại có thể tùy vào sự tu tập và giác ngộ? Chiếc xe pháp luôn luôn tự do và ra khỏi mọi trói buộc, vậy thì con người có cần phải nỗ lực dụng công hay không? Đạo không dính bụi trần, thế sao phải quan tâm đến pháp môn chỉ dạy lau chùi? Vì Đạo không bao giờ khác lạ với bất cứ ai, luôn luôn có mặt ngay nơi mình thì có cần phải đi chỗ này chỗ nọ để hành trì? 

Tuy nhiên, nếu ngay từ ban đầu có khoảng cách, dù là rất nhỏ nhiệm đi nữa, giữa mình với Đạo thì kết quả là Đạo sẽ cách xa mình như trời với đất. Nếu hơi thoáng khởi niệm đối đãi phân biệt thì đã đánh mất Phật tâm. Như có người nào tự hào là đã hiểu Đạo thông suốt, cho rằng mình vốn có đầy đủ trí huệ Phật, đã thấy Đạo và sáng tâm, từ đó đạt được năng lực thần thông; thực ra người ấy đã đánh mất đạo và còn rất thấp xa giác ngộ. 

Hãy nhìn xem đức Phật, dù hàm sẵn tánh giác tức Phật tánh, vẫn phải tọa thiền sáu năm dưới côi cây. Rồi tổ Bồ Đề Đạt Ma, người kế thừa tâm Phật và lưu truyền mãi đến ngày nay, cũng phải chín năm tọa thiền trước vách núi ở Tung Sơn. Tại sao thuở xưa cổ đức tinh tấn đường ấy mà học nhân thời nay lại không chịu tọa thiền? Hãy dừng hẵn chạy theo ngữ ngôn văn tự và học cách xả bỏ kiến giải tri thức quay về chính mình hồi quang phản chiếu để thắp sáng bổn tâm. Nếu làm được tất nhiên thân tâm buông bỏ và Phật tánh sẽ hiện lộ. Nếu muốn chứng đạt trí tuệ Phật thì nên bắt tay hành trì ngay, không được chần chừ. 

Tọa thiền cần một căn phòng yên tĩnh. Ăn uống chừng mực, ngăn lìa những mối giao tiếp thế sự. Chớ tính toán nghĩ suy phải quấy, tốt xấu, cũng không theo bên này chống bên kia. Hãy dừng lại mọi tạo tác vận hành của tâm thức, ngay cả ý niệm muốn thành Phật cũng dập tắt. Điều này vẫn đúng không chỉ trong thời tọa thiền mà suốt mọi động tác trong ngày. Tại chỗ ngồi đặt một nệm vuông và trên đó kê một bồ đoàn (gối tròn). Có thể ngồi xếp bằng chéo chân theo thế toàn kiết già hay bán kiết già. Nếu toàn kiết già thì chân phải đặt trên đùi trái và chân trái trên đùi phải. Nếu bán già thì chỉ có chân trái đặt trên đùi phải. Nới lỏng dây thắt lưng, mặc y phục rộng rãi. Bàn tay phải đặt trên chân trái và bàn tay trái đặt trên tay phải, lòng bàn tay hướng lên trên, đầu hai ngón cái chạm vào nhau. Thân ngồi ngay thẳng, không nghiêng trái lệch phải, không cúi trước ngã sau. Giữ hai tay thẳng hàng với hai vai, và mũi thẳng đứng với rốn. Miệng ngậm, hàm răng khép lại, lưỡi chạm đốc họng. Mắt hé mở và mũi thở nhẹ nhàng. Khi đã ngồi đúng cách, hít vào thở ra mạnh, xoay sang trái sang phải rồi ngồi yên vững vàng. Nghĩ đến chỗ không nghĩ tưởng (Phi tư lương xứ thường tư lương). Làm sao nghĩ như thế được? Dừng bặt vọng niệm, đó là nền tảng của sự tọa thiền. 

Kiết già phu tọa không phải là học đòi thiền định. Hơn thế nữa, đây là pháp an lạc, là sự tu trì tiến đến trí tuệ Phật. Đạo sẽ hiển hiện ngay chỗ dứt bặt hư vọng. Tọa thiền là hiển lộ thực tại tối thượng. Một phen thấu đáo được tinh yếu này như rồng gặp nước, như cọp tựa núi, tâm khi đó sẽ hết u lụn mê mờ. 

Khi xả thiền hãy cử động xoa bóp nhẹ nhàng và thong thả. Đứng đúng lên quá nhanh, quá mạnh. 

Nhờ công đức tọa thiền ta có thể siêu vượt giữa "phàm" và "thánh", giữa "mê" và "tỉnh" và có thể đạt được một cái chết tự tại dù đứng hay ngồi. 

Lại nữa, khi chư Phật, chư Tổ diễn bày yếu chỉ của thiền cho hàng môn đệ bằng cách đưa lên một ngón tay, chỉ cây phướng trước sân, đưa ra cái chày hay cây kim, hoặc giả khi muốn khai ngộ cho đệ tử, các ngài dùng cây phất tử,cây gậy, năm tay, tiếng hét... nếu như ta còn cái thấy với tâm phân biệt đối đãi thì không thể nào lãnh hội được. Cho dù có sở đắc thần thông hoặc vẫn còn phân biệt đối đãi giữa thực hành và giác ngộ thì cũng không thể nào lãnh hội được. Vì vậy không có phân biệt giữa kẻ ngu người khôn. Tọa thiền là sự thực hành siêu vượt bình diện chủ quan lẫn khách quan. Ngay nơi thực hành hoàn toàn nhất tâm chánh niêm thì chính đó là giác ngộ. Không có cách biệt giữa công phu và đạt ngộ hoặc giữa tọa thiền và cuộc sống hàng ngày. Chư Phật và chư Tổ trong thế gian này, ở Ấn Độ cũng như Trung Hoa đều bảo tồn tâm ấn của Phật và sách tấn hành thiền. Cần phải dốc hết mạng sống để tọa thiền. Dù thường nói rằng có nhiều pháp môn tu trì những cũng phải tọa thiền. Tại sao bỏ lơ chỗ ngồi tại nhà để lang thang đó đây? Nếu bước đầu lầm lỡ thi chắc chắn sẩy chân xa đạo. 

Thật là đại hạnh đại phước mới được thân người. Chớ để ngày qua uổng phí. Đã biết được tinh yếu của Phật pháp rồi sao còm đắm theo thế gian thường tình? 

Thân người như chớp có rồi không, 
Thịnh suy ngọn cỏ hạt sương trong.

Hàng học nhân nhiệt tâm! Từ lâu đã làm người mù sờ voi, bây giờ chớ sợ con rồng thật. Hãy dốc hết mạng sống vào đường tu chỉ thẳng bản tánh. Hãy trân trọng những bậc giác ngộ toàn tri và vô sự. Hòa quang với ánh sáng trí tuệ của chư Phật và truyền thừa dòng mạch giác ngộ của chư Tổ. Hãy tọa thiền, sẽ thành Phật làm Tổ. Kho báu nhà mình sẽ tự khai mở và ta tha hồ xử dụng. 

Dịch và tham khảo: 

- Trésor du Zen của T. Deshimaru. 
- Zen for daily living của Reihò Masunaga. 
- Zen master Dogen của Yùhò Yokoi và Daizen Victoria.


***


 

blank

 

 

ĐỐI THOẠI VỀ ĐẠO

 

(Biền Đạo Thoại)

 

Thiền sư Đạo Nguyên

 

           

             Chư Phật Như Lai khi được trao truyền tâm ấn của Chánh Pháp đều đã chứng được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Chỉ có phật mới ấn chứng cho phật được, không có sai khác, vì tất cả là do năng lực thọ dụng tự nhiên của thiền định mà thành (Tự Thọ Dụng Tam Muội). Tọa Thiền là pháp môn chân truyền được lập ra cho chúng sanh tu tập để có được năng lực thọ dụng tự nhiên ấy qua thiền định.

 

            Tuy rằng pháp không thể nghĩ bàn này đã có sẵn nơi mọi người chúng ta, nhưng nếu không tu tập thì sẽ không hiển lộ ra được, và nếu không có chứng nghiệm thì sẽ không thể hiện được. Khi ta buông thả, pháp ấy đã tràn đầy nơi tay, không giới hạn là một hay là nhiều. Khi ta nói, pháp ấy đã đầy đủ trong miệng, không đo lường chiều dài hay chiều rộng được.

 

            Chư phật thường an trú trong pháp này mà không dính mắc nơi những tư tưởng cảm xúc đi qua.  Chúng sanh thường xuyên chuyển động trong pháp ấy mà không tự biết mình đang ở đâu. Công phu tu đạo tôi đang nói đến ở đây khiến vạn pháp có thể được biểu hiện, khiến thực tại chung nhất có thể được hiển lộ trên con đường đưa đến giải thoát. Khi đã vượt qua được những chướng ngại của đối đãi và giới hạn, làm sao ta còn bị cản trở bởi những đốt tre hay đốt gỗ được? (ý nói đến những khái niệm và lý thuyết).

 

            Sau khi phát tâm theo đuổi chánh pháp, tôi đã đi khắp nơi trên đất nước này để tìm thiện tri thức học đạo. Tôi đã gặp đại sư Minh Toàn của chùa Kennin, theo ngài tu tập suốt chín mùa hoa nở lá rụng (các mùa xuân thu), và học được một ít về giáo chỉ của tông Lâm Tế. Chỉ có ngài Minh Toàn mới là truyền nhân đích thực thọ lãnh được Pháp Vô Thượng Bồ Đề , là đệ tử ưu tú nhất của đại sự Vĩnh Tế, vị tổ sáng lập tông Lâm Tế tại Nhật Bản, các đệ tử khác của ngài không ai có thể sánh bằng được.  Thế rồi tôi đi đến đại vương quốc Tống của Trung Hoa, gặp rất nhiều thiện tri thức từ miền đông và tây Chekiang và nghe các pháp môn tu tập của năm giòng Thiền chính (Tào Động, Lâm Tế, Pháp Nhãn, Qui Ngưỡng, Vân Môn). Cuối cùng tôi đã có cơ duyên tham bái Thiền sư Nyojo trên đỉnh núi Đại Bạch (Daibyakuho), và ở đó đã thành tựu đạo quả của cả một đời tu tập.

 

            Vào lúc khởi đầu của triều đại Shojo nhà Tống, tôi hồi hương với tâm nguyện quyết truyền bá Chánh Pháp để cứu độ chúng sanh - một gánh nặng tôi đã đeo trên vai từ đó. Tuy nhiên, vì cơ duyên cho sứ mệnh chuyển pháp chưa tới , tôi đã định rằng sẽ bỏ một thời gian sống lãng đãng như mây như gió, trôi dạt đây đó như đám lục bình, theo vết chân của các bậc hiền thánh ngày xưa.  Thế nhưng có những người không màng đến danh lợi,  rất tha thiết nhiệt thành muốn học Pháp- nếu họ gặp những tà sư dẫn dắt lầm lạc, thì họ sẽ gặp chướng ngại như bị bức màn che lấp không cho có sự hiểu biết đúng thực - họ sẽ say sưa trong những mê lầm của tà kiến và chìm đắm lâu dài trong màn vô minh đen tối. Làm sao họ có thể nuôi dưỡng được hạt giống chân chính của trí tuệ và có cơ hội để đạt được đạo? Nếu tôi cứ mải lang bạt kỳ hồ như mây hay như đám lục bình, sông núi nào là nơi cho những người ấy đến để gặp được chân sư? Cảm thấy đây là một tình cảnh đáng thương, tôi đã quyết định biên soạn một tập sách ghi lại những thông lệ và tiêu chuẩn tu tập mà tôi đã nghe và thấy được trong những thiền viện của đại vương quốc Tống, cùng với bản ghi chép lại những lời dạy sâu xa mà vị thầy bổn sư đã truyền lại cho tôi. Tập sách này dành cho những người đang học Phật muốn tìm hiểu chân lý. Có lẽ đây mới chính là tinh tuý của sứ mệnh tôi đang nhận lãnh.

 

            Kinh nói, Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni đã truyền thừa chánh pháp lại cho ngài Ma Ha Ca Diếp trên đỉnh Linh Thứu. Từ đó, sự truyền thừa đã tiếp nối từ tổ qua tổ cho đến đời của Tổ Bồ Đề Đạt Ma, người đã đích thân du hành sang Trung Hoa đem chánh pháp truyền thừa lại cho Đại sư Huệ Khả làm tổ thứ nhì của Thiền tông Trung Hoa. Đây là sự truyền thừa đầu tiên ở miền Đông độ. Cứ như thế, chánh pháp được truyền thừa tiếp tục cho đến vị Tổ thứ sáu là ngài Đại Giám Huệ Năng. Từ đó, chánh pháp lan truyền khắp miền đông Trung Hoa, khai thị cho chúng sanh thấy rằng Pháp là điều vượt ngoài ngôn ngữ luận bàn. 

 

            Lục Tổ Huệ Năng có hai đệ tử ưu tú là Nam Nhạc Hoài Nhượng và Thanh Nguyên Hành Tư. Cả hai đều đã nhận lãnh ấn chứng Phật và trở thành thầy dạy cho cả cõi trời người. Chánh pháp đã trôi chẩy và lan truyền trong hai giòng chính này, từ đó năm môn phái đã được thành lập.  Đó là các môn phái Pháp Nhãn, Qui Ngưỡng, Tào Động, Vân Môn, và Lâm Tế. Trong thời Đại Tống ngày nay chỉ một mình phái Lâm Tế là hưng thịnh và truyền đến khắp nơi trên đất nước. Nhưng mặc dù có sự khác biệt giữa năm môn phái này, trên căn bản sự ấn chứng tâm Phật chỉ có một. Ngay cả trong đại vương quốc Tống, mặc dù từ triều đại Hậu Hán (25-221 trước công nguyên) đã có những bản kinh Phật được truyền qua và phổ biến khắp nơi, nhưng không có sự lý giải chân lý nào rốt ráo được. Khi Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma từ Tây phương Thiên Trúc qua tới nơi, ngài đã chặt thẳng vào gốc rễ chằng chịt của những kiến giải hỗn tạp và truyền bá Pháp chân chính thuần khiết của Phật. Hãy hi vọng rằng điều đó cũng sẽ xẩy đến cho đất nước chúng ta (Nhật Bản).

 

            Kinh nói rằng chư Phật chư Tổ khi thọ trì Pháp Phật đều thực hành pháp tu tọa thiền tới trạng thái thọ dụng tự nhiên trong thiền định (Tự thọ dụng tam muội: sự rỗng rang bén nhậy tự nhiên trong định), và xem đây là con đường đích thực để đạt chứng ngộ. Tất cả những người đã giác ngộ ở Tây phương (Ấn độ) và Đông độ (Trung Hoa) đều theo pháp tu này. Như thế, pháp này đã được dùng trong sự ấn chứng thật gần gũi và vi diệu từ tâm qua tâm giữa thầy và trò như một phương tiện chân chính để truyền thừa tinh yếu cốt tủy của đạo pháp.

 

            Ấn chứng trực chỉ bằng tâm qua tâm là sự truyền thừa Pháp Phật chân chính, siêu việt trên tất cả những siêu việt. Ngay từ khi được gặp gỡ vị thầy ấy, bạn không cần phải dựa vào những nghi thức như thắp nhang cúng lậy, tụng niệm hồng danh chư Phật, sám hối hay đọc kinh, chỉ cần nhất mực ngồi thiền buông cả thân lẫn tâm. Nếu một hành giả, dù chỉ trong chốc lát, thể hiện được thế ngồi của Phật với ba nghiệp thanh tịnh, thì khi hành giả ấy ở trong định, toàn thể pháp giới cũng thể hiện thế ngồi của Phật và toàn thể không gian ở đó cũng trở thành không gian của giác ngộ.

 

            Như thế, pháp tu này làm tăng niềm hỷ lạc, tức trạng thái nguyên thủy của chư Phật Như Lai, và tỏa niềm tươi sáng trong vẻ huy hoàng của sự giác ngộ chân lý. Lại nữa, trong khắp mười phương pháp giới, các chúng sinh trong tam đồ lục đạo liền được thanh tịnh nơi thân và tâm, đưa họ vào cảnh giới đại giải thoát (đại giải thoát địa), và nhận được bộ mặt bản lai.  Lúc ấy, vạn pháp cũng biểu lộ tánh Phật, vạn vật đều hiển hiện pháp thân, và trong thế ngồi ngay ngắn như ở dưới gốc cây bồ đề, trong chớp mắt tất cả đều vượt qua những giới hạn của kinh nghiệm và kiến thức, chuyển pháp luân vô thượng và loan truyền trí tuệ thậm thâm vi diệu. 

 

            Cảnh giới giác ngộ rộng lớn này phản chiếu trở lại hành giả một cách mầu nhiệm, khiến hành giả tọa thiền cảm nhận sự giải thoát hoàn toàn cả thân lẫn tâm, dứt trừ được những tư tưởng ô nhiễm tích lũy từ quá khứ, và chứng ngộ được bản tánh thanh tịnh tự nhiên.  Hành giả tuyên giảng Pháp Phật tới vô số đạo tràng, độ chúng sanh khắp nơi, nâng cao mức độ giải thoát của Pháp Phật một cách sinh động. Lúc này, vạn vật trong mười phương thế giới, từ đất, cây cỏ, tường vách, và sỏi đá thẩy đều biểu dương Phật tánh trong những hoạt động. Những người nào tiếp nhận được năng lượng tốt lành ấy từ gió và nước đều được lợi ích một cách mầu nhiệm với ảnh hưởng vi tế không thể nghĩ bàn của tánh Phật hiển lộ.  Những người tiếp nhận và xử dụng nước và lửa ấy đều lan truyền ảnh hưởng chuyển hóa của tánh Phật. Vì thế, tất cả những người đang sống và giao tiếp với hành giả cũng tiếp nhận được vô lượng đức hạnh của Phật, không ngừng tu tập, tuyên dương Pháp Phật vô lượng vô biên không thể nghĩ bàn trong và ngoài toàn thể pháp giới .

 

            Cảnh giới này không thể được nhận thức qua cảm quan thông thường, mà qua sự chứng nghiệm trực tiếp trạng thái vô vi không lặng. Nếu tu và chứng ngộ là hai phần riêng biệt như người ta thường hiểu, thì mỗi phần được cảm nhận một cách riêng biệt. Nhưng trạng thái cảm nhận đó không phải là chứng ngộ, vì chứng ngộ là vượt ra ngoài những cảm nhận đối đãi của tâm.  Trong trạng thái tịch tĩnh tột cùng, năng và sở hòa nhập với nhau trong cảnh giới của chứng ngộ và vượt ra ngoài cảnh giới đó. Như thế, trong cảnh giới thọ dụng tự nhiên của định, không cần khuấy động hay di chuyển một tế bào nào, hành giả hành hoạt trong Phật, ở trong sự chuyển hóa thâm sâu và vi diệu của Phật.

 

            Cỏ cây, đất đá ở trong từ lực của sự chuyển hóa này sẽ phát ra ánh sáng lớn rộng và nói pháp thâm sâu vi diệu đến vô tận. Cỏ, cây và tường vách có thể nói pháp đến tất cả chúng sanh, kể cả phàm nhân và thánh nhân, đến cỏ cây, hàng rào, tường vách. Như thế, cảnh giới của tự giác và giác tha là trạng thái đầy đủ của chứng ngộ, và chứng ngộ được biểu hiện qua sự tỉnh giác trong tất cả mọi thời. Như vậy, năng lực tu tọa thiền của một người, dù chỉ trong một lúc, cũng có sự giao hòa kỳ diệu  với vạn pháp và thấm thấu qua tất cả mọi thời. Do đó, tọa thiền đem lại sự chuyển hóa vô tận của Phật trong quá khứ, tương lai và hiện tại của pháp giới vô biên này. Những hành giả tu tập tọa thiền như nhau đều có những chứng nghiệm như nhau.

 

            Tọa thiền không chỉ là ngồi thiền, mà có âm hưởng đánh động đến không gian như tiếng vang trước và sau một tiếng chuông. Làm sao chỉ giới hạn trong một nơi chốn nào được? Các chúng sanh khác nhau có những kinh nghiệm tu tập của riêng mình và ngộ được bộ mặt bản lai của chính mình, điều đó không gì có thể đo lường được. Dù cho tất cả chư Phật trong mười phương, nhiều như cát sông Hằng, có dùng hết thần lực và trí tuệ để định lượng công đức tọa thiền của một người, họ cũng không thể nào biết tới được. 

 

 

1- Chúng ta đã nghe nói về công đức rộng lớn và cao cả của tọa thiền. Nhưng một kẻ ngu nào đó có thể nghi ngờ hỏi rằng: "Phật Pháp có rất nhiều pháp môn, sao chỉ nói đến Tọa Thiền?". Ta nói rằng: 'Bởi vì đó là pháp môn chân chính của Phật Pháp."

 

 

2- Hỏi:  Tại sao ngài cho đó là pháp môn chân chính duy nhất?

 

 

Đáp: Chính Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni đã truyền lại pháp tu này như một truyền thống chân chính, một phương pháp vi diệu để ngộ nhập chân lý, và các vị Phật trong ba thời đều đã đạt được đạo qua pháp môn Tọa Thiền. Vì thế Tọa Thiền là pháp môn chân chính để truyền thừa lại. Từ bao nhiêu đời nay, các vị Tổ ở Tây phương và Đông độ đều được giác ngộ qua  pháp tu Tọa Thiền. Vì thế nay ta giảng lại pháp tu Tọa Thiền như một pháp môn chân chính cho cả cõi trời người. 

 

 

3- Hỏi: Truyền thống dùng tâm ấn tâm của các bậc Như Lai hay các vị tổ là sự truyền thừa chân chính, nhưng chắc chắn điều đó là vượt ngoài sự hiểu biết của người thường. Tuy nhiên, đọc tụng kinh và niệm hồng danh chư Phật cũng có thể tự nhiên làm cho người ta đạt đạo.  Còn nếu chỉ ngồi thiền không, thì làm sao điều đó có thể đưa đến giác ngộ được?

 

 

Đáp:  Nếu bạn nghĩ rằng thiền định, pháp môn tối thắng của chư Phật, chỉ là ngồi mà không làm gì cả, thì bạn là người phỉ báng pháp Đại thừa. Sự mê lầm ấy cũng giống như đang ở trong đại dương mà cứ nói là không có nước. Trong tọa thiền chúng ta ngồi vững chắc và thoải mái trong trạng thái thọ dụng tự nhiên của chư Phật trong thiền định. Đó chẳng phải là sự thành tựu công đức lớn lao hay sao? Thật đáng thương là mắt của bạn chưa mở ra được và tâm của bạn vẫn còn ở trong sự say sưa mê muội. Nói chung, cảnh giới của chư Phật là không thể nghĩ bàn. Trí thông minh cũng không thể nào với tới được. Thế thì làm sao một người không có niềm tin hay trí tuệ lại có thể biết được cảnh giới này?  Chỉ những người có thượng căn và chánh tín mới có thể ngộ nhập được cảnh giới ấy. Những người không có niềm tin, dù họ có được chỉ dạy đi nữa, cũng khó mà lãnh hội được - xưa kia  trên đỉnh Linh Thứu, cũng đã có một số người mà Đức Phật nói là:  "Quý vị có muốn rút lui cũng được" (trong kinh Liên Hoa).  Nói chung, khi có niềm tin chân chính, ta phải tìm thầy mà học đạo. Nếu không thì hãy chờ đợi một thời gian. Thật đáng tiếc nếu bạn không hưởng được những lợi lạc từ Pháp Phật.

 

            Lại nữa, bạn có hiểu gì về công đức đạt được qua việc đọc tụng kinh và niệm hồng danh chư Phật không? Thật vô lối khi nghĩ rằng chỉ có uốn lưỡi lên cất cao giọng đọc là đã tạo được công đức. Nếu cho đó là Phật Pháp, thì càng ngày lại càng xa rời hơn. Thực sự ra, chúng ta đọc kinh điển là để biết rõ những tiêu chuẩn đúng đắn mà Đức Phật chỉ cho về cách tu đốn và tiệm ngộ, và nếu làm theo lời Phật dạy thì thế nào cũng đạt được sự chứng ngộ. Khi học kinh điển không nên vọng tưởng mà nghĩ rằng có thể dùng trí phân biệt lý luận để đạt được giác ngộ.  Muốn đạt Phật đạo bằng cách tụng niệm cả ngàn vạn lần hồng danh Phật thì cũng ngu muội chẳng khác gì muốn đi xuống phía nam mà lại lái tầu lên phía bắc, hay giống như là muốn đút một cây gỗ vuông vào cái lỗ tròn. Đọc tụng kinh trong khi không biết thế nào là tu thì cũng như một người học y mà không biết cách cho toa thuốc - có ích lợi gì đâu? Những người nào đọc tụng suốt ngày cũng giống như những ếch nhái kêu ồm ộp suốt ngày đêm trong cánh đồng - cuối cùng rồi cũng chẳng được gì. 

 

            Khó hơn nữa là những người còn vướng mắc trong vòng danh lợi mà không thể nào buông bỏ được, vì tâm tham dục của họ vẫn còn quá sâu dầy. Tâm tham dục ấy đã hiện hữu từ thời quá khứ xa xôi, làm sao bây giờ lại không có được? Thật là đáng thương.

 

            Hãy nhớ rằng, khi một hành giả theo học một vị minh sư đạt đạo, và tâm của hành giả ấy có thể đồng cảm với tâm vị thầy trong kinh nghiệm chứng ngộ và sự hiểu biết, thì đó là sự truyền thừa chân chính, và Pháp thâm diệu của bẩy vị Phật đã được tiếp nhận và hành trì y nguyên không suy suyển. Điều đó vượt ra ngoài sự hiểu biết của những pháp sư chỉ biết học qua chữ nghĩa ngôn từ. Vậy hãy dứt trừ nghi hoặc mà theo học tọa thiền  với một vị chân sư để chứng ngộ được cảnh giới thọ dụng tự nhiên trong thiền định.   

 

 

4- Hỏi: Tông Pháp Hoa và Hoa Nghiêm Giáo đã được truyền đến đất nước này, cả hai đều giảng dạy pháp Đại Thừa vô thượng. Lại nữa, Mật tông của phái Chân Ngôn đã được trực chỉ trao truyền từ Đức Phật Tỳ Lô Giá Na đến Kim Cang Đát Tỏa, và từ đó tới nay đã được truyền thừa không gián đoạn. Các trường phái này tuyên giảng "Tức tâm tức Phật" (Tâm tức là Phật) và "Thị tâm tác Phật" (Tâm này làm nên Phật). Chân Ngôn Tông còn dạy là chúng ta có thể đạt được chánh giác của năm vị Phật (trong Mật Tông với Đức Phật Tỳ Lô Giá Na và bốn vị Phật ở bốn phương đông tây nam bắc) chỉ trong một thời tọa thiền, mà không phải trải qua vô số kiếp tu tập. Có thể nói đây là pháp môn tối thắng của Phật. Pháp tu mà ngài đang tuyên dương đó có gì ưu việt đến nỗi phải loại đi những pháp tu khác?

 

 

Đáp: Hãy biết rằng trong nhà Phật không có luận bàn pháp tu nào là cao thấp, nông sâu, mà chỉ cần biết  pháp tu nào là chân chính hay khônhg.  Có những người đã ngộ nhập được Phật đạo qua cỏ cây, hoa lá, núi sông. Có những người đã nắm giữ được yếu chỉ của Phật qua đất, đá, cát, sỏi. Tuy rằng pháp Phật rộng lớn vô biên có thể trải ra khắp sum la vạn tượng này, nhưng sự xoay chuyển bánh xe Đại Pháp chỉ chứa đựng trong một hạt bụi nhỏ.  Trong ý nghĩa đó, câu nói "Tức tâm tức Phật" chỉ là bóng trăng đáy nước, và ý tưởng "Ngồi thiền tức là thành Phật" chỉ là ảo ảnh trong gương. Chúng ta không nên bị cuốn vào những ngôn từ thiện xảo. Ở đây, khi nói đến pháp tu trực chỉ nhân tâm để đốn ngộ đã được các vị tổ từ xưa truyền lại cho nhau bằng cách dùng tâm ấn tâm, tôi muốn khuyến khích quý vị tu theo pháp này để trở thành một vị chân tu đạt đạo. Hơn nữa, trong sự truyền thừa chánh pháp, lúc nào cũng phải có một vị thầy đã chứng được Phật đạo.  Những học giả chỉ biết ngồi đếm chữ nghĩa không thể làm được,  cũng ví như người mù dắt người mù mà thôi. Qua sự truyền thừa chính thống của các vị Tổ trongThiền môn, các bậc trí giả đã chứng ngộ đều được kính phục và trông cậy vào nơi sự nghiệp hoằng dương và duy trì chánh pháp của Như Lai. Bởi thế, khi những người tu theo phái Âm Dương Thần Đạo và các hành giả đã chứng được tứ thiền đến hỏi Pháp, thiền sư đều chỉ dẫn cho họ biết  phương tiện để khai ngộ. Đây là điều mà các tông phái khác chưa bao giờ làm được. Đệ tử của Phật chỉ nên chuyên học về Phật Pháp.

 

            Hãy nhớ rằng từ nguyên thủy chúng ta đã vốn có vô thượng Bồ Đề trong tâm, và vẫn thường thọ dụng tâm ấy. Tuy nhiên, vì không thể trực nhận được điều đó,  nên ta hay bị lôi cuốn theo những vọng kiến phân biệt, nhận giả làm chân mà xa rời chân lý một cách vô ích. Từ những vọng kiến phân biệt, vô số hoa đốm trong hư không đã nẩy sinh, khiến ta bị choáng ngợp khi nghĩ đến giáo pháp với thập nhị nhân duyên, tam thừa, ngũ thừa (1), về có Phật tánh hay không, tưởng chừng như những điều đó là vô tận. Đừng nên nghĩ rằng học hỏi lý thuyết cao siêu cho nhiều là cách tu đúng. Thay vào đó, hãy chỉ nên tọa thiền, ngồi trong tư thế như Phật mà buông xả hết mọi vọng niệm, rồi ta sẽ vượt qua được những cảnh giới của mê, ngộ, cảm xúc, suy tính, không cần quan tâm đến ai là phàm ai là thánh. Lúc ấy những giới hạn của tri thức sẽ được vượt qua, ta sẽ ở trong trạng thái thọ dụng tự nhiên rộng lớn của Bồ Đề tâm. Làm sao những kẻ còn chìm đắm trong cạm bẫy của chữ nghĩa có thể sánh được với một hành giả như vậy? 

 

 

5- Hỏi: Trong Tam Học (Giới, Định, Tuệ) có tu định, và trong Lục Độ (bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ) có tu thiền, cả hai đều đã được các vị bồ tát tu tập hành trì từ khi phát Bồ Đề tâm, dù họ là người thượng trí hay hạ trí. Pháp tu tọa thiền ngài nói ở đây cũng là một trong hai pháp tu này thôi. Vậy tại sao ngài nói là chánh pháp của Như Lai chỉ cần tập trung trong một pháp tu tọa thiền?

 

 

Đáp: Ông hỏi như vậy là vì chánh pháp nhãn tạng, đại sự duy nhất của Như Lai, pháp vô thượng, đã được gọi là Thiền Tông. Ông phải biết rằng cái tên "Thiền Tông" xuất hiện ở Trung Hoa và rồi lan truyền sang phía Đông. Ở Ấn Độ không nghe nói đến bao giờ. Khi Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma ngồi diện bích 9 năm trong Động Thiếu Thất ở Thiếu Lâm Tự, không có người tăng kẻ tục nào biết đến chân pháp của Đức Phật đã diễn giảng, cho nên người đời gọi ngài là vị tu sĩ Bà La Môn chuyên tu Thiền. Sau đó, tất cả những vị tổ từ nhiều thế hệ cũng thường chuyên tâm tu tọa thiền. Những kẻ ngu si thấy vậy, không biết phân biệt chân giả, gọi đó là Thiền Tông. Sau này, chữ tọa thiền bị lược bỏ để bây giờ gọi là Thiền Tông.

 

        

            Ý nghĩa của giáo pháp này đã được minh định qua những lời giảng của các vị tổ. Đừng đồng hóa Tọa Thiền với chữ Định (dhyana hay samadhi) của sáu ba la mật hay của giới định tuệ. 

 

            Sự chính thống trong việc truyền thừa Pháp Phật là minh bạch qua tất cả mọi thời đại, được Đức Bổn Sư Như Lai tín nhiệm trao lại chánh pháp nhãn tạng, Niết Bàn diệu tâm cho một mình Tôn Giả Ma Ha Ca Diếp trong pháp hội trên đỉnh Linh Thứu từ thời xa xưa. Sự kiện này đã được chư thiên trong các cõi trời chứng giám, chớ nên nghi ngờ. Pháp Phật được chư thiên hộ trì và công đức của Pháp này là không bao giờ suy giảm. 

 

            Hãy biết rằng pháp tu tọa thiền là pháp tu toàn bích của Pháp Phật, không gì có thể sánh bằng được. 

 

 

6- Hỏi: Tại sao trong bốn tướng uy nghi (đi đứng nằm ngồi) trong nhà Phật, ngài chỉ nhấn mạnh đến việc ngồi thiền, và dạy đó là cửa vào giác ngộ?

 

 

Đáp: Chúng ta không thể biết được hoàn toàn những phương pháp các vị phật trong quá khứ đã dùng để tu tập và giác ngộ. Rất khó để biết được điều đó, tuy nhiên,  nếu ta quán xét lại, thì tất cả chư phật đều thực hành pháp tu tọa thiền như là cỗi rễ của sự giác ngộ. Đừng tìm kiếm ở cái gì khác.

 

            Một vị tổ đã nói trong "Thiền uyển thanh quy" rằng: " Tọa thiền là pháp môn của sự an lạc." Như thế ta biết rằng, sự tu tập tọa thiền trong bốn tướng uy nghi là phương pháp để đạt được sự an lạc. 

 

            Lại nữa, đó không chỉ là pháp tu của một hay hai vị Phật, mà tất cả chư Phật Tổ đều đã tu tập như thế. 

 

 

7- Hỏi:  Nói đến pháp tu tọa thiền, tuy rằng người nào chưa chứng ngộ được Phật Pháp nếu tu tọa thiền thì có thể đạt được chứng ngộ, nhưng những người đã thông hiểu Pháp Phật thì có thể mong đợi được gì nơi tọa thiền?

 

 

Đáp: Ta không nói về những giấc mơ của mình với những kẻ ngu si, và cũng khó mà giao mái chèo cho một tiều phu trên núi, tuy nhiên việc dạy đạo là điều vẫn phải làm.  

 

            Cho rằng sự tu tập và chứng ngộ không phải là một thì đó là một cái nhìn sai lạc của kẻ ngoại đạo. Trong đạo Phật tu và chứng ngộ không tách rời nhau. Tu là đã có sẵn giác ngộ trong đó, bởi thế một hành giả ngay trong bước đầu tìm đạo là đã khởi nguồn từ trạng thái giác ngộ nguyên thủy. 

 

            Vì thế, để cảnh giác chúng ta, các vị tổ thường dạy rằng, không nên mong cầu giác ngộ ở ngoài sự tu tập. Lý do là vì tu chính là sự tiếp cận trực tiếp với trạng thái giác ngộ nguyên thủy. Vì tu tập chỉ là thực chứng, và thực chứng thì vô tận; và bởi vì chứng ngộ là tu tập, cho nên sự tu tập là không có khởi đầu. Đức Như Lai Thích Ca Mâu Ni và tổ sư Tôn giả Ma Ha Ca Diếp đã thành tựu đạo quả qua sự tu tập trong chứng ngộ như thế. Cũng vậy, đại tổ sư Bồ Đề Đạt Ma và Lục tổ Huệ Năng cũng đã nỗ lực tu hành chứng ngộ như vậy. Biết bao tấm gương để lại của những vị đã chứng quả và truyền dạy Pháp Phật cũng đều tu hành như thế. 

 

            Sự tu tập không ngoài chứng ngộ vốn đã có sẵn: có cái phước được thừa hưởng phần nào pháp tu vi diệu này qua sự truyền thừa từ tổ qua tổ, chúng ta những kẻ sơ cơ đi tìm đạo đều đã có sẵn trạng thái vô niệm, một phần của trạng thái giác ngộ nguyên thủy. Hãy nhớ rằng, để tránh không làm cho vẩn đục sự chứng ngộ song hành với sự tu, các vị tổ đã nhiều lần dạy chúng ta không được lơ là trong việc tu hành.  Khi ta buông  pháp vi diệu này, sự giác ngộ nguyên thủy cũng đã tràn đầy nơi tay; khi ta buông sự giác ngộ nguyên thuỷ, pháp vi diệu cũng đã được thực hiện nơi toàn thân ta. 

 

            Như tôi đã từng thấy ở nước Đại Tống Trung Hoa, các thiền viện ở nhiều nơi đều có xây những thiền đường có thể chứa được cả năm, sáu trăm người, hay có khi đến cả ngàn vị tăng, được khuyến khích ngồi tu tọa thiền cả ngày lẫn đêm. Vị sư trưởng của tông phái đó (đại sư Tendo Nyojo) là một bậc chân sư đã từng tiếp nhận ấn chứng tâm Phật. Khi tôi hỏi ngài tôn chỉ của sự tu trong Phật Pháp, tôi được nói cho biết rằng tu và chứng ngộ không phải là hai điều khác nhau. 

 

            Vì thế, tôi khuyên người học đạo nếu đang học với một vị thầy, hay những vị tri thức đang tìm cầu chân lý nơi Pháp Phật, hãy nhất tâm thực tập tọa thiền và nỗ lực tu hành dưới sự hướng dẫn của một bậc chân sư, học hỏi giáo pháp của các vị Tổ truyền lại , không phân biệt trình độ sơ cơ hay thuần thục, không phân biệt người phàm hay người thánh. 

 

            Thiền sư Nam Nhạc có nói rằng: "Không phải là không có tu và chứng ngộ, chỉ là chúng không thể phân ly với nhau". Một vị khác nói, "Người thấy đạo thì cũng hành đạo". Hãy nhớ rằng ngay cả trong trạng thái đã chứng ngộ, chúng ta cũng vẫn phải tu tập. 

 

 

8- Hỏi: Trong quá khứ, đã có nhiều vị sư qua Trung Hoa vào đời Đường truyền bá đạo pháp, và ở khắp nước Nhật những giáo lý tâm linh cũng được phổ biến rộng rãi. Tại sao họ bỏ qua pháp tu ngài nói và chỉ giảng dạy về kinh điển?

 

 

Đáp:  Những vị thầy xưa không truyền bá pháp tu này là vì cơ duyên chưa đến.

 

 

9- Hỏi: Những vị thầy xưa ấy có hiểu biết pháp tu này không?

 

 

Đáp: Nếu họ hiểu, họ đã truyền giảng pháp tu ấy rồi. 

 

 

10- Hỏi: Có vị thầy nói rằng: "Không cần phải luyến tiếc gì sự sống chết của chúng ta, vì có một cách rất nhanh để thoát ly sinh tử. Đó là nhận biết chân lý về sự bất tử của tâm. Nói cách khác, xác thân vật chất này đã sinh ra thì tất yếu là phải chết; nhưng phần linh tánh thì không bao giờ chết cả. Một khi đã nhận thức được rằng ta có phần linh tánh không sinh không diệt vẫn thường trú trong thân này, ta sẽ thấy đó chính là cốt lũy nguyên thủy của ta. Vì thế thân này chỉ là cái vỏ tạm bợ, chết ở đây rồi lại sinh chỗ khác, không bao giờ thường tồn cả. Nhưng tâm thì tồn tại mãi mãi, không thay đổi trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Biết được điều này gọi là "Tự tại giải thoát sinh tử".  Những người tỏ ngộ lý này có thể làm cho vòng quay của sinh tử ngừng lại mãi mãi, và khi thân xác này không còn nữa, họ sẽ nhập vào biển của thể tính (tính hải). Khi đã nhập vào tính hải rồi, bạn sẽ có được những đức hạnh kỳ diệu như của các bậc Như Lai giác ngộ. Tuy nhiên, dù có biết được nguyên lý này, nhưng vì sắc thân ta vẫn là thân thọ nghiệp từ nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ, nên ta không giống như các vị thánh được. Người không biết được nguyên lý này sẽ mãi mãi luân chuyển trong cõi sinh tử luân hồi. Vì thế chúng ta phải mau chóng hiểu cái nguyên lý về sự vĩnh cửu của phần linh tánh của chúng ta. Nếu có bỏ cả một đời để chỉ ngồi thiền, ta sẽ mong đạt được gì đây?"  Lý thuyết tôi vừa nói ra đây thực sự là hợp với chân lý của Đức Phật và các vị sư tổ, phải vậy không?

 

 

Đáp: Quan điểm ông nói ra đó tuyệt đối không phải là Pháp Phật, mà là quan điểm của ngoại đạo Senika. Theo quan điểm ngoại đạo đó, có một linh hồn hiện hữu trong thân xác chúng ta. Khi gặp duyên, linh hồn này có khả năng phân biệt tốt hay xấu, trái hay phải, biết đau đớn hay khó chịu, đau khổ và khoái lạc.  Khi thân xác chết đi, linh hồn chỉ có rũ bỏ lớp da của thân xác và tái sinh lại trong thế giới khác, vì vậy tuy thấy là chết mà thật ra là sống ở chỗ khác. Đó gọi là bất tử hay vĩnh cửu. Quan điểm của ngoại đạo là như thế. Nhưng nếu ta học quan điểm này giống như là Phật Pháp, ta còn điên rồ hơn cả một kẻ nắm lấy hòn ngói hay hòn sỏi mà nghĩ rằng đó là cả một kho tàng bằng vàng; sự si mê ấy thật đáng xấu hổ tới mức không có gì so sánh được. Quốc sư Echu của nước Đại Tống đã mạnh mẽ cảnh cáo những kiểu suy nghĩ như vậy. Nếu cho cái tà kiến xem "tâm là vĩnh cửu còn sắc tướng là hoại diệt" là đồng với Pháp Phật, nghĩ rằng từ đó có thể thoát ly được sinh tử, trong khi lại đi tôn vinh cái nhân nguyên thủy của sinh tử, thì có phải là ngu không? Đó thật là điều đáng thương hại nhất. Chỉ nên hiểu rằng đây là tà kiến của ngoại đạo và không nên để tai vào đó. 

 

            Tuy nhiên, ta cũng không khỏi có lòng thương muốn giúp ngươi thoát ra khỏi tà kiến này. Vậy nên hãy nhớ rằng, Pháp Phật đã dạy danh và sắc gốc vốn chỉ là một, tánh và tướng vốn cũng không hai, trong khắp cõi Đông Tây (Ấn Độ và Trung Hoa) đều đã hiểu như thế, không có gì phải tranh cãi. 

 

            Nói đến quan điểm chấp thường, tất cả các pháp đều được cho là thường, thân và tâm không phân biệt với nhau. Trong quan điểm chấp đoạn, tất cả các pháp đều được cho là sẽ đoạn diệt: không phân biệt tánh và tướng. Làm sao có thể nói là thân đoạn diệt mà tâm thì còn mãi? Đó không phải là phi lý sao? Lại nữa, ta phải nhận ra rằng sinh tử cũng chính là Niết bàn. Niết Bàn không thể được nhận thấy ở ngoài sinh tử. Dù cho bạn nghĩ rằng tâm tách rời khỏi thân sẽ thường tồn, xa lìa sinh tử giống như trí tuệ Phật, nhưng cái tâm thức suy nghĩ này vẫn khởi lên rồi chìm xuống trong những thoáng chốc, vì thế đó không phải là thường tồn. Như thế sự lý giải này có phải là mông lung hay không?

 

            Hãy nhớ rằng giáo pháp Phật xưa nay luôn tuyên giảng về sự hợp nhất giữa thân và tâm. Như thế, làm sao tâm có thể tự nó rời bỏ thân và không bị hoại diệt trong khi thân bị hoại diệt? Nếu thân và tâm có lúc bất phân ly, có lúc lại phân ly, hóa ra là những lời Phật dạy là sai lầm sao.  Lại nữa, nếu quan niệm rằng sinh tử là điều cần phải tận diệt, thì đó là phỉ báng Pháp Phật vậy. Hãy cảnh giác!

 

            Pháp môn chủ trương "tánh tướng viên dung"  nói đến pháp giới bao la này như một thực thể đồng nhất không phân biệt tánh và tướng, sinh và tử. Không có gì, kể cả giác ngộ và niết bàn, là ở ngoài bản tánh cốt lũy của tâm. Tất cả các pháp và hiện tượng đều hoàn toàn ở nơi tâm mà hiển hiện, không có gì phân biệt hay loại bỏ. Tất cả mọi pháp môn đều khẳng định rằng các pháp và hiện tượng là ở nơi tâm bình đẳng và viên dung, ngoài đó ra không có gì khác, và đó chính là sự lý giải của pháp Phật về thể tánh của tâm. Như thế, làm sao ta có thể phân thể tánh thành hai phần độc lập, thân và tâm, hay sinh tử và niết bàn? Chúng ta đã là đệ tử của Phật. Đừng nghe những lời bá láp của những kẻ điên rồ đi rêu rao những quan điểm ngoại đạo. 

 

 

11- Hỏi: Những người chuyên tu tọa thiền có cần phải giữ giới nghiêm mật không?

 

 

Đáp: Giữ gìn giới luật phạm hạnh là tiêu chuẩn phải theo của Thiền tông và các vị tổ từ xưa cũng đều dạy như thế.  Tuy nhiên, những người nào chưa thọ giới, hoặc đã phạm giới, khi tu thiền vẫn nhận được những lợi ích của tọa thiền.

 

 

12- Hỏi: Những người tu tọa thiền có bị cản trở gì không khi tu song hành với trì chú và chỉ quán (chân ngôn chỉ quán hành)? 

 

 

Đáp:  Khi ở bên Trung Hoa, ta đã được chân sư dạy cho chỉ yếu của giáo pháp tu thiền; ngài nói rằng chưa có vị tổ nào được ấn chứng chánh pháp chân truyền đã phải hành trì thêm những pháp tu nào khác, dù là ở Tây độ hay Đông độ, trong quá khứ hay trong hiện tại.  Chắc chắn là, nếu không dốc toàn tâm toàn lực vào một pháp tu nào, ta sẽ không đạt được trí tuệ viên mãn.

 

 

13- Hỏi: Giới cư sĩ có thể tu pháp này không, hay chỉ giới xuất gia mới tu pháp ấy được?

 

 

Đáp: Cổ đức ngày xưa có nói rằng, việc đạt được lý đạo là không có phân biệt nam hay nữ, cao hay thấp.

 

 

14- Hỏi: Những người xuất gia không bị dính mắc vào những ràng buộc nên họ không có trở ngại gì khi tu tập tọa thiền để đạt được đạo. Nhưng người cư sĩ phải bận rộn với đủ thứ việc trong ngày, làm sao có thể dốc lòng tu tập và thể nhập được Pháp vô vi của Phật đạo?

 

 

Đáp: Nói chung, Phật tổ do lòng từ bi thương xót chúng sinh nên đã mở ra một pháp môn rộng lớn để tất cả chúng sinh đều có thể tu tập và ngộ nhập được chân lý; làm gì có ai trong cõi trời người này không vào đó được? 

 

            Nếu ta nhìn lại từ thời xưa đến nay, sẽ thấy có rất nhiều chuyện kể về những vị đã đạt đạo. Ví dụ như, Đại Tôn và Thuần Tôn là hai vị hoàng đế mang trọng trách gánh vác việc nước, nhưng họ vẫn tu tập tọa thiền và đạt được đạo. Hai vị đại thần Li và Fang (Pei Xiu) đều là những cột trụ của quốc gia đảm đương việc triều chính, nhưng họ vẫn tu tập tọa thiền và chứng ngộ được đạo của Phật, Tổ.  Sự tu tập chứng ngộ này thành tựu được hay không là do nơi ý nguyện của hành giả, không liên quan gì đến việc xuất gia hay tại gia. Ngoài ra, người nào có trí biết phân biệt những điều cao siêu hay thấp hèn sẽ tự nhiên phát khởi ra niềm tin. Lại nữa, những kẻ nào cho rằng các pháp thế gian là trở ngại cho sự đạt đạo chỉ biết là Pháp Phật không có trong pháp thế gian;  họ không hiểu rằng không có pháp thế gian trong pháp Phật. 

 

            Gần đây, có viên quan đại thần của nhà Tống tên Feng là một vị quan cao cấp đã khéo thành tựu sự tu tập chứng ngộ đạo Phật Tổ. Ông đã làm một bài thơ nói đến việc tu đạo của mình như sau:

 

            Tôi thích tọa thiền khi thư thả việc triều chính

            Không mấy khi đặt mình xuống giường ngủ

            Giờ đây, tuy đã là Thừa Tướng

            Khắp bốn biển đều biết tôi là một đạo nhân.

 

            Tuy bận rộn việc triều chính, nhưng ông đã đạt được đạo vì có ý nguyện mạnh mẽ trong việc tu học Phật Pháp. Khi nghĩ đến những người như ông, hãy phản chiếu lại chính mình và lấy việc ngày xưa để làm gương cho việc ngày nay. 

 

            Trong nước Đại Tống Trung Hoa, các vị vua và đại thần đương thời, quan cũng như dân, đàn ông hay đàn bà, đều nhất mực đi theo con đường của các vị tổ để lại. Cả giới văn và võ đều dốc lòng học đạo, tu tập tọa thiền. Những người có ý nguyện kiên cố phần lớn đã đạt được sự chứng ngộ nơi tâm. Như thế, ta phải biết rằng những công việc thế gian không có cản trở gì cho việc tu học đạo Phật. 

 

            Khi chánh pháp được lan truyền rộng rãi trong nước, vương triều sẽ được an ổn vì có các vị Phật và long thần hộ pháp bảo vệ không ngừng. Nếu triều đại được an bình, Phật Pháp sẽ hưng thịnh. Trong thời Đức Phật Thích Ca tại thế, những người trước đây đã phạm tội nghiêm trọng hay đi theo tà kiến cũng còn có thể đạt được đạo, và ở trong đạo tràng của các vị Tổ ngày xưa, những kẻ đi săn hay làm nghề tiều phu cũng còn ngộ đạo được, huống chi là những người khác. Thời xưa đã như thế, thời nay cũng như thế. Chỉ cần làm sao kiếm được một vị chân sư để theo học.

 

 

15- Hỏi: Trong thời mạt pháp ngày nay, liệu tu tập có thể nào chứng ngộ được không?

 

 

Đáp: Những học giả thường đem kinh điển ra phân tích, kiến giải đủ thứ, nhưng giáo pháp Đại Thừa không phân chia thời kỳ chánh pháp, tượng pháp và mạt pháp, mà nói rằng tất cả những người có tu tập đều có thể đạt được đạo. Hơn nữa, trong pháp môn truyền tâm ấn của tọa thiền, ta đã có kho báu sẵn trong tự thân, chỉ là dùng phương tiện để ngộ nhập vào và thoát ra khỏi những ràng buộc mà thôi. Người nào tự tu ắt sẽ tự chứng, cũng giống như người uống nước tự biết nước nóng hay lạnh vậy thôi.

 

 

16- Hỏi: Có người nói rằng trong Pháp Phật, nếu hiểu được tâm tức là Phật, dù là không tụng kinh niệm Phật, hành thiền gì cả cũng vẫn có Phật như thường. Chỉ cần biết Phật đã có sẵn nơi tự thân là đủ đạt được đạo rồi. Ngoài ra, không cần phải tìm kiếm gì khác. Việc gì phải nhọc lòng lo tu tập tọa thiền để đạt được đạo?

 

 

Đáp: Mấy lời nói đó là hoàn toàn vô căn cứ. Nếu theo như vậy, thì người nào có tâm cũng có thể hiểu ngay được Phật Pháp hay sao? Phải nên biết rằng, Pháp Phật chỉ có thể học được khi nào biết buông bỏ cái kiến chấp vào tướng mình, tướng người. 

 

            Nếu chỉ cần biết "ta tức là Phật" là đạt được đạo, thì Đức Bổn Sư Thích Ca đã không phải bỏ công dạy dỗ truyền bá giáo lý của Phật. Nhân đây ta kể một câu chuyện để làm sáng tỏ vấn đề này thêm.

 

            Xưa có vị tăng tên là Tức Công ở trong tăng chúng của thiền sư Văn Ích, vị tổ của tông Pháp Nhãn. Pháp Nhãn thiền sư hỏi ông, "Túc Công, ngươi đã ở trong chúng này bao lâu rồi?"

            Túc Công nói, "Bạch thầy con đã ở đây được ba năm rồi."

            Thiền sư nói, "Ngươi là người mới nhất trong chúng, tại sao chưa bao giờ hỏi ta về Pháp Phật?"

            Túc Công nói, "Con không dám dối gạt thầy, nhưng trước đây khi tu học với thiền sư Seiho, con đã đạt được sự an lạc giải thoát rồi."

            Thiền sư hỏi, "Dựa vào lời nói nào mà ngươi đạt ngộ được?"

            Tức Công nói, "Có lần con hỏi ngài Seiho: Cái gì là bản thể của học nhân này? Ngài trả lời: "Các con trẻ của lửa lại đi tìm lửa."

            Pháp Nhãn nói, "Lời nói hay. Nhưng ta e rằng ngươi không hiểu được."

            Tức Công nói, "Các con trẻ của lửa là thuộc về lửa - cho nên con hiểu rằng các con trẻ đó đã là lửa rồi còn đi tìm lửa là tượng trưng cho con đi tìm chính mình vậy."

            Thiền sư nói, "Thế thì ta biết chắc là ngươi không hiểu gì cả. Nếu Pháp Phật là như vậy thì đã không lưu truyền được cho đến ngày nay."

            Tức Công nghe vậy lấy làm hổ thẹn và phiền não, bèn đứng dậy tính bỏ đi. Nhưng trên đường đi ông lại nghĩ, "Thiền sư là một vị thầy được kính ngưỡng trong cả nước, lại có năm trăm đệ tử dưới trướng, chắc chắn lời nói của ngài phải có giá trị khi phê bình sự sai lầm của ta."

            Nghĩ vậy, Tức Công liền quay trở lại đê đầu đảnh lễ thiền sư sám hối và xin ngài chỉ dạy. Rồi ông hỏi lại: "Bạch thầy, cái gì là bản thể của học nhân này?"

            Thiền sư đáp, "Các con trẻ của lửa lại đi tìm lửa."

            Lần này, những lời đó lại có tác dụng khiến Tức Công bỗng đạt được đại ngộ.

 

 

            Rõ ràng là, không bao giờ ta có thể dùng lý luận tri thức nói rằng " ta tức là Phật" để hiểu được Pháp Phật. Nếu qua tri thức mà hiểu rằng "ta tức là Phật" và gọi đó là Phật Pháp, Thiền sư đã không dùng chính câu nói trước để hướng dẫn cho Tức Công, và đã không khiển trách Tức Công như vậy. Khi gặp được một minh sư hãy mạnh dạn hỏi những nguyên tắc tu tập trong đạo pháp, và từ đó nhất tâm hành trì tu tập tọa thiền, không để cho một ý tưởng mảy may hay một sự lý giải nửa vời nào còn xót lại trong tâm. Làm như thế mới không uổng phí sự tu tập diệu pháp của Phật.

 

 

17- Hỏi:  Ta thường nghe nói ở Ấn Độ cũng như Trung Hoa có những người chỉ nghe tiếng trúc cạ vào nhau, hay nhìn đóa hoa đào nở mà được ngộ đạo. Lại nữa, Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni đã được chứng ngộ khi ngài nhìn thấy ánh sao mai lấp lánh, tôn giả Ananda ngộ đạo khi cây cột cờ trong chùa rơi xuống, và không những vậy, trong năm tông phái chính thống tiếp nối theo Lục Tổ Huệ Năng đều có rất nhiều người đã đạt ngộ chỉ qua một câu nói hay một câu thơ. Có phải tất cả những người ấy, không chừa một ai, đều đã tu tập tọa thiền để giác ngộ như vậy không?

 

 

Đáp:  Phải biết rằng những hành giả trong quá khứ và hiện tại đã đạt ngộ qua cảnh sắc và âm thanh, tất cả đều tu tập hành trì không có chút khởi niệm hay nghi ngờ gì trong tâm, và không có người nào quan tâm đến cái ngã nào khác hơn là cái bản thể uyên nguyên của họ.

 

 

18- Hỏi:  Những người ở Ấn Độ và Trung Hoa vốn ngay thẳng, vì họ ở trung tâm điểm của nền văn minh. Cho nên, khi Pháp Phật được truyền dạy, họ liền được lãnh hội được ngay. Còn ở nước ta, từ xưa đến giờ con người vốn ít có lòng từ bi và trí tuệ, nên khó mà gieo trồng được hạt giống của chánh pháp. Đó cũng bởi vì chúng ta là những người "man di", kém văn minh. Làm sao mà không đáng tiếc được? Hơn thế nữa, những người xuất gia ở xứ này còn kém cỏi hơn cả cư sĩ ở những nước lớn kia; xã hội chúng ta sống toàn là ngu đần, tâm trí toàn là nhỏ bé và hẹp hòi. Chúng ta vướng mắc rất nhiều vào những thành quả hữu vi và những giá trị hời hợt. Những người như thế có thể nào chứng ngộ đạt đạo được không, nếu họ tu tập tọa thiền?

 

 

Đáp: Như bạn nói, những người trong nước ta nói chung chưa có được từ bi và trí tuệ, và một số người thực sự lại thật là gian xảo nữa. Dù cho có giảng giải chánh pháp cho họ, họ cũng có thể chuyển ngay cam lồ thành độc dược. Họ sẵn sàng chạy theo danh lợi, và khó có thể làm cho họ dẹp tan được những ảo tưởng và ràng buộc trong tâm. 

 

            Tuy nhiên, chứng ngộ Phật Pháp thực ra không cần đến trí tuệ thế gian của trời người để làm cái bè sang sông, và con người không nhất thiết phải cần đến sự thông minh trí tuệ. Khi Đức Phật còn tại thế, có một lão tăng đã chứng được tứ quả khi ông bị ném bóng vào, và một cô gái điếm đã ngộ đạo khi đùa cợt mặc chiếc áo cà sa vào người; cả hai đều là những kẻ ngu si, ngớ ngẩn, nhưng nhờ có chánh tín họ đã được giải thoát khỏi sự mê lầm. Một nữ tín đồ đem cơm cho một vị sư già bỗng đạt ngộ khi thấy ông ngồi thật yên lặng. Sự đạt ngộ đó không bắt nguồn từ trí tuệ, từ kinh điển ngữ nghĩa, hay lời nói, mà chỉ từ chánh tín kết thành.  

 

            Lại nữa, giáo pháp của Đức Thích Ca Mâu Ni đã lan truyền qua ba ngàn thế giới chỉ mới hơn 2000 năm nay. Những quốc gia theo đạo Phật có nhiều loại, không phải tất cả đều là những quốc gia có lòng từ bi và trí tuệ - và làm sao tất cả mọi người ở đó đều có thể có từ bi trí tuệ, có nhận thức sắc bén được? Nhưng chánh pháp của Như Lai vốn đã hàm chứa năng lực của công đức không thể nghĩ bàn, và khi nhân duyên hội đủ sẽ lan rộng ra khắp các quốc gia ấy. 

 

            Nếu tu tập với niềm tin chân thật, bạn sẽ đạt được đạo, dù là người khôn hay kẻ ngu. Chỉ vì nước chúng ta không phải là một nước có từ bi và trí tuệ, con người còn nhiều si mê, thì cũng không nên nghĩ rằng chúng ta không thể nào nắm bắt được Phật Pháp. Lại nữa, tất cả chúng sinh trong nhân gian đều đã sẵn có chủng tử chân chính của trí tuệ bát nhã tràn đầy nơi tự thân. Chỉ vì ít người đã thể nghiệm được điều đó, nên việc thọ trì của chúng ta còn non kém mà thôi. 

 

 

            Những câu đối thoại qua lại như vậy đã đến rồi đi, và sự trao đổi giữa thính chúng và diễn giả đã không được gọn gàng lắm. Không biết có bao nhiêu lần tôi đã tạo ra hoa đốm trong hư không? Mặt khác, nguyên tắc căn bản của sự tu đạo qua tọa thiền đã chưa bao giờ được truyền thừa trên xứ này; người nào hi vọng điều đó sẽ xẩy ra hẳn là sẽ thất vọng. Đó là lý do tôi góp nhặt một số kinh nghiệm trải qua nơi xứ người, và ghi lại những bí quyết của một vị chân tu đạt đạo , để cho hành giả nào muốn nghe đều có thể nghe được. Ngoài ra cũng có những điều luật thanh quy trong các thiền viện và tự viện, nhưng ở đây không có đủ thì giờ để nói, vả lại cũng không nên được dạy một cách vội vã. 

 

            Nói chung, đất nước chúng ta rất may mắn là tuy ở về phía tây Long Hải, cách xa Trung Quốc, luôn bị mây mờ và màn sương che phủ ngăn cách, nhưng trong thời đại của Kinmei (539-571) và Yomei (585-587) Phật Pháp cũng đã được lan truyền đến chúng ta từ phía Tây. Tuy nhiên, đã có nhiều sự bất cập trong những kiến giải và nghi thức tu hành, trong nhiều hiện trạng và hoàn cảnh, khiến không tạo lập được một đường lối tu tập chính thống. 

 

            Nay, nếu ta chấp nhận sống cuộc đời thanh bần với tấm y vá từng mảnh, với bình bát nứt, dựng một chòi tranh bên vách núi xanh rêu và những phiến đá trắng, rồi ngồi thẳng lưng tọa thiền, ta có thể cảm nhận được tức thì trạng thái siêu việt của Phật, và nhanh chóng nắm được trong tay đại sự của cả một đời tu.  

 

 

Ngày trung thu, năm 1231

 

Viết bởi Sa môn Đạo Nguyênđã tu học ở nước Tống (Trung Hoa) và nhận được ấn chứng chánh pháp

 

Diệu Huyền dịch

Giác Ngộ - Thiền sư Đạo Nguyên

blank
Khi vạn pháp được coi như pháp Phật thì thấy có ngộ và mê, có tu tập, có sanh tử, Phật và chúng sinh.
Khi vạn pháp được coi như vô ngã, sẽ không thấy có ngộ và mê, không có tu, không sanh không tử, không Phật không chúng sinh.
Phật Đạo vượt ra khỏi cái có và không. Cho nên có mê ngộ, có sinh tử, Phật và chúng sinh. Nhưng những đóa hoa đẹp chúng ta ưa thích vẫn héo tàn, và những cỏ dại chúng ta không ưa vẫn lớn mạnh.
Cố dấn thân đi tìm sự tu tập và kinh nghiệm vạn pháp thì đó là mê. Khi vạn pháp tu tập và kinh nghiệm chính mình thì đó là ngộ. 
Giác từ chỗ mê thì gọi là Phật, mê trong chỗ giác thì gọi là chúng sanh. Lại có giác ngộ theo sau giác ngộ, có mê ở trong mê.Phật chân chính không thấy mình là Phật. Nhưng họ vẫn là những vị Phật hiện thân đang trải nghiệm đời sống Phật hàng ngày. 
Khi nhìn sắc với toàn thân và tâm, nghe âm thanh với toàn thân và tâm, ta có thể trực tiếp cảm nhận được chúng, nhưng đó không giống như hình ảnh phản chiếu trên một tấm gương hay như bóng trăng dưới nước … Khi chúng ta thấy được một bên, chúng ta không thấy bên kia.

Học Phật tức là học về tự ngã
Học về tự ngã là quên đi tự ngã
Quên đi tự ngã là được vạn pháp khai ngộ
Được vạn pháp khai ngộ là buông hết cả thân tâm mình và ngoại cảnh.
Chứng ngộ rồi không còn thấy dấu vết nào của chứng ngộ, và sự chứng ngộ không dấu vết ấy sẽ tiếp nối mãi mãi.
Khi mới đi tìm cầu học đạo, ta tưởng rằng mình cách biệt xa rời với đạo.
Khi đã chứng được đạo chân truyền, ngay trong giây phút đó ta là con người nguyên thủy của Đạo.
Khi đang đi trên thuyền, nếu nhìn vào bến người ta tưởng như bến đang di chuyển.
Nhưng nếu nhìn vào thuyền, người ta biết được rằng chính thuyền đang di chuyển.
Nếu nhìn vạn pháp với thân tâm si mê, ta tưởng rằng tâm và tính của ta là thường hằng,
Nhưng nếu tu tập tinh chuyên và trở về được với con người nguyên thủy của mình, ta sẽ thấy rõ rằng vạn pháp đều là vô ngã.
Củi cháy ra tro và không trở lại thành củi được nữa.
Nhưng đừng tưởng rằng tro là có sau và củi là có trước.
Phải biết rằng củi là ở trong trạng thái củi và có trạng thái trước và sau đó. Nhưng tuy có trạng thái trước và sau, củi tách rời khỏi những trạng thái đó.
Tro ở trong trạng thái tro và có trạng thái trước và sau.
Cũng như củi không trở lại thành củi sau khi đã cháy ra tro, con người chết đi không sống trở lại nữa.
Như thế, giáo lý Phật dạy rằng sinh không trở thành tử, vì lẽ đó sinh được gọi là không có khởi đầu.
Giáo lý Phật cũng dạy rằng tử không trở thành sinh, vì vậy tử được gọi là không có chấm dứt.
Sinh là một giai đoạn của sự sinh
Tử là một giai đoạn của sự tử.
Ví dụ như mùa đông và mùa xuân.
Ta không nghĩ rằng mùa đông trở thành mùa xuân, cũng không nghĩ rằng mùa xuân trở thành mùa hạ. 
Người giác ngộ giống như bóng trăng phản chiếu trên mặt nước. Trăng không bị ướt, nước cũng không bị xao động.
Tuy ánh trăng tỏa chiếu khắp nơi, nhưng trăng vẫn được phản chiếu ngay trong một vũng nước nhỏ xíu. Tất cả trăng và bầu trời đều được phản chiếu trong một giọt sương trên cỏ, trong một giọt nước long lanh.
Giác ngộ không làm ta xao động, như bóng trăng không làm xao động mặt nước. 
Người không thể ngăn cản được giác ngộ, giống như giọt sương không thể cản ngăn được trăng và bầu trời cao. Chiều sâu của giọt nước (chiều sâu của giác ngộ) có thể sánh với chiều cao của trăng. Khoảnh khắc dài hay ngắn (hình ảnh phản chiếu của trăng) là tuỳ nơi vũng nước ấy lớn hay nhỏ, và được quán sát tương quan với bề rộng hay hẹp của trời và trăng.
Khi chân lý chưa có trong thân tâm, ta tưởng như thế đã là đầy đủ.
Khi chân lý có trong thân tâm, ta nhận ra rằng có điều gì thiếu sót.
Ví dụ, khi nhìn khắp bốn phương trên một chiếc thuyền lênh đênh trên biển cả không thấy bến bờ, ta chỉ thấy một đường vòng cong, và không có gì khác.
Tuy nhiên, đại dương không tròn cũng không vuông, và có những đặc tính khác nhau vô tận. Nó giống như một cung điện. Giống như một viên châu ngọc. Nó trông như một đường vòng cong vì lúc đó tầm mắt ta chỉ thấy như vậy.
Vạn pháp cũng như thế.
Đời sống này có nhiều khía cạnh khác nhau của cõi trần lao và cõi giới giác ngộ, nhưng ta chỉ có thể nhận và hiểu được chúng qua mức độ tri kiến do sự tu tập mang lại.
Để nhận ra được bản chất của vạn pháp, ta phải biết rằng tuy trông chúng có thể tròn hay vuông, nhưng biển và núi còn có những đặc tính khác thật là vô tận; hơn nữa còn có những thế giới vũ trụ khác ở khắp các phương trời. Chúng không chỉ ở chung quanh ta, mà còn phản chiếu ngay đây, trong một giọt nước rơi. 
Khi cá bơi trong đại dương, dù cá có bơi xa đến đâu cũng không bao giờ đến tận cùng của nước. Khi chim bay trên trời, dù chim có bay xa đến đâu cũng không bao giờ đến tận cùng của không trung.
Ngay từ khởi thủy, cá và chim không từng xa rời nền tảng của chúng.
Khi nhu cầu hoạt động rộng lớn chúng sẽ có tầm hoạt động rộng lớn. Khi nhu cầu hoạt động nhỏ hẹp chúng sẽ có tầm hoạt động nhỏ hẹp.
Như thế, nền tảng hoạt động của các chúng sinh ấy đều được tân dụng tối đa, mỗi chúng sinh trong cõi giới riêng của chúng. Dù đang ở đâu, chúng cũng không rời nền tảng căn bản của mình.
Khi chim ra khỏi không trung, nó sẽ chết ngay. Khi cá ra khỏi nước, nó sẽ chết ngay.
Vậy hãy biết rằng nước là sự sống.
Hãy biết rằng không trung là sự sống.
Sự sống là chim, và sự sống là cá.
Vượt lên trên đó, còn có những tiến trình xa hơn, như sự tu tập, chứng ngộ, thời gian hiện hữu của đời sống con người.
Nếu một con chim hay con cá cố tìm cách ra khỏi nền tảng của mình, con chim hay con cá ấy sẽ không tìm được lối đi hay vị trí của nó. Khi biết được bản vị của mình, sự tu của chúng ta trong đời sống hàng ngày là sự hiện thành của giác ngộ (hiện thành công án - genjokoan). Khi biết được lối đi (Đạo) của mình, sự tu của chúng ta trong đời sống hàng ngày là sự hiện thành của giác ngộ.
Bản vị này và lối đi (Đạo) này không lớn cũng không nhỏ, không năng và không sở, không tồn tại trong quá khứ cũng không khởi lên trong hiện tại, cho nên chúng là hiện hữu như thế (Như Thị).
Người nào tu tập đạo giác ngộ như vậy, khi đạt pháp nào là thấu suốt pháp ấy, khi gặp việc gì là làm tròn việc ấy. 
Bản vị là ở đây, lối đi (Đạo) là ở khắp nơi. Biên giới của giác ngộ không thể thấy được, bởi vì sự hiểu biết và giác ngộ đều được trải nghiệm cùng một lúc. 
Đừng tưởng rằng những gì giác ngộ được sẽ trở thành kiến thức của mình và chấp trước vào đó. Ngay cả khi đang chứng nghiệm sự giác ngộ, cũng không chắc là bản chất sâu kín của giác ngộ đã được hiển thị - đó là điều vượt ngoài mọi suy luận nghĩ bàn. 
Sư Baoche ở núi Mayuku đang ngồi quạt. Một vị tăng đến hỏi, “Bạch thầy, tính của gió(hay khí) là thường hằng, không có chỗ nào là không đến được. Thế thì tại sao thầy phải ngồi quạt?”
Sư trả lời, “Tuy ngươi hiểu tính của gió (hay khí) là thường hằng, nhưng không hiểu ý nghĩa chân lý của “không chỗ nào là không đến được”.”
Tăng hỏi: “Cái gì là ý nghĩa chân lý của “không chỗ nào là không đến được”?
Sư chỉ ngồi quạt. Tăng kính cẩn cúi đầu đảnh lễ. 
Kinh nghiệm khai ngộ Phật pháp và phương tiện truyền thừa linh động là như thế. Nếu cho là ta không cần dùng quạt bởi vì gió (hay khí) là thường hằng, hay nói là dù không dùng quạt ta vẫn cảm thấy gió (hay khí) chung quanh, tức là không biết thường hằng, và không biết bản tính của gió (hay khí). 
Bởi vì tính của gió (hay khí) là thường hằng, cho nên phong hóa* của đạo Phật có thể biến đất thành vàng ròng, biến nước trường giang thành đề hồ. 

(*Chú thích: Phong hóa: phong tục và giáo hóa. Chữ “Phong” được dùng hai lần trong đoạn này với ý nghĩa khác nhau. Nghĩa thứ nhất là “gió” hay “khí” như trong câu truyện trên. Nghĩa thứ hai là “phong” như trong “phong tục, phong độ, phong thái, phong hóa v.v..”, được dùng trong câu cuối cùng.)

Thiền sư Đạo Nguyên


Thiền sư Đạo Nguyên (Dogen Zenji, hay Eihei Dogen (1200-1253)) là một đại thiền sư thời cổ, và được nhiều người xem như một vị thiền sư vĩ đại nhất. Phật giáo đồ Nhật Bản trong tất cả mọi tông phái đều kính ngưỡng Đạo Nguyên như một vị bồ tát. Ngài là người đầu tiên đã đem dòng thiền Tào Động đến Nhật Bản.
Sau khi học đạo với các vị thầy ở Nhật, Đạo Nguyên qua Trung Hoa tu học. Ngài đại ngộ ngay khi sư phụ Trung Hoa của ngài là Ju Ching nói phải “buông hết cả thân lẫn tâm”. Sau đó ngài đã đến trình kiến giải và được sư phụ ấn chứng. Lòng đầy tri ân, Đạo Nguyên quỳ sụp xuống đảnh lễ thầy. Ju Ching nói, “Buông luôn cả cái buông!” 
“Hiện thành công án” (Genjokoan) là một chương nổi tiếng trong quyển “Chánh Pháp Nhãn Tạng” (Shobogenzo), nói đến sự liên hệ của tu thiền và giác ngộ. Đây là một tuyệt tác vô song, với những lời lẽ thâm sâu bàng bạc ý vị thơ, biểu lộ tri kiến của một bậc giác ngộ đã vượt ngoài đối đãi. 

(Tham khảo các bản dịch Anh ngữ của:
Hakuyu Taizan Maezumi (An introduction to the Buddha & his teachings)
Gudo Nishijima & Chodo Cross (Master Dogen’s Shobogenzo)
Yasuda Joshu Roshi & Anzan Hoshin Roshi)
 
Ngọc Bảo phóng dịch

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
31/10/2023(Xem: 1253)
Phật Tánh? Xin nói rằng, tôi không biết. Tôi không thể trả lời câu hỏi có Phật Tánh hay không, và nếu có, thì là như thế nào. Bài viết này không nhằm trả lời những câu hỏi tương tự, mà chỉ là một khảo sát từ cương vị một người học Phật, chưa học tới đâu và cũng chưa tu tới đâu. Bài viết này là một lời thú nhận, rằng không biết chắc có bao nhiêu phần đúng, nhưng hy vọng sẽ phần nào giúp được một số độc giả để dùng làm viên gạch dò đường qua sông. Xin mời độc giả khảo sát, nghi vấn từng câu, từng chữ trong bài này, và rồi nên dựa vào Kinh Phật để đối chiếu.
11/05/2023(Xem: 1458)
Hôm nay 5/5/2023, dưới sự hướng dẫn của Thầy Nhuận Ân và Sư Cô Giới Bảo các thiền sinh bắt đầu cho lễ khai mạc cũng như ngày đầu tiên trong khoá Tu Học và Thực Tập Thiền Vipassana (5-7/5/2023) tại chùa Việt Nam, Kanagawa. Các thiền sinh khoá tu Vipassana trước cũng như những thiền sinh mới được hoà nhập với nhau qua từng bài thực tập bởi sự chia sẽ hài hoà và uyển chuyển mà chư Tôn Đức hướng đến đại chúng.
20/03/2023(Xem: 1198)
Trong bối cảnh Trịnh – Nguyễn phân tranh trong gần nữa thế kỷ, từ năm Đinh Mão ( 1627) cho đến năm Nhâm Tý ( 1672 ) với hơn 7 lần xua quân giáp chiến với nhau, từ trận năm Đinh Mão ( 1627) cho đến cuộc chiến năm Nhâm Tý ( 1672 ) mà vẫn chưa phân thắng thua, gây bao đau thương và xáo trộn cuộc sống dân tình, hai bên chọn dòng sông Gianh để tạm thời làm dấu cắt đôi cương thổ. Cả hai đều chọn sông Gianh bởi trước hết có tính đặc thù riêng của nó và những cậu ca dao cổ đã ví von:
18/03/2023(Xem: 2200)
Buổi toạ đàm về Thiền Vipassana trong cuộc sống đời thường cùng SC Giới Bảo & Doanh nhân Anh Tuấn
18/03/2023(Xem: 1403)
Một ứng dụng mới đã được chính thức ra mắt vào hôm thứ Tư, ngày 19 tháng 9 năm 2018 cho các thiết bị iOS, sẽ cung cấp các bài hướng dẫn công phu tu tập thiền chánh niệm cho người dùng, cùng với các cuộc thảo luận bằng âm thinh của các Phật tử và Thiền giả tích cực hoạt động xã hội hàng đầu tại Hoa Kỳ. thiết bị phần mền Ứng dụng có tên Awaken, là sản phẩm trí tuệ của Thiền sinh kiêm Doanh nhân Phật tử Ravi Mishra và có sự hiện diện của các vị Giáo thọ Phật giáo hàng đầu chuyên giảng dạy tu tập thiền, Rev. angel Kyodo williams, Lama Rod Owens và Sensei Greg Snyder.
12/03/2023(Xem: 1618)
Từ ngày 17 đến 19 tháng 3 năm 2023 tới sẽ diễn ra khoá THIỀN ONLINE K26 do Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hùng hướng dẫn. Các thiền sinh vẫn ở tại nhà mình, chỉ cần bật Zoom lên, cùng nghe hướng dẫn và thực hành thiền, cùng nghe giảng và tu tập liên tục từ tối thứ 6 và trọn vẹn 2 ngày cuối tuần, thứ 7 và chủ nhật.
27/02/2023(Xem: 1600)
Có lần, trong lúc trò chuyện thân tình khi chúng tôi còn làm việc chung với nhau ở tòa soạn Nhật báo Việt Báo cách nay nhiều năm, Cư sĩ Nguyên Giác Phan Tấn Hải đã kể cho tôi nghe về cơ duyên anh bước vào Thiền. Rằng, một hôm tại Chùa Tây Tạng ở Bình Dương, Hòa Thượng Thích Tịch Chiếu, là Thầy Bổn Sư của anh, dạy cho người em gái của anh pháp môn niệm Phật để hành trì. Vì không thấy Hòa Thượng dạy cho mình pháp gì để tu, anh mới hỏi Hòa Thượng: “Còn con thì tu pháp môn gì?” Hòa Thượng nhìn thẳng anh, rồi dạy: “Thấy tánh!”
19/02/2023(Xem: 2332)
Sách Thiền Tập với Pháp Ấn dày 460 trang gồm 27 chương do Ananda Viet Foundation ở California vừa xuất bản mà tác giả gửi biếu tôi bản đầu tiên. Đây là cuốn sách thứ bảy biên khảo về Thiền của cư sĩ Nguyên Giác. Có thể kiếp trước tôi và Nguyên Giác là bạn vong niên đồng tu cho nên tôi đã dành nhiều thời giờ giới thiệu nhiều sách của ông
06/09/2022(Xem: 2126)
Duyên khởi cho bài viết này là từ một bản tin BBC News có nhan đề “Thiền định chánh niệm có thể khiến con người xấu tính đi?”--- và từ một số cuộc nghiên cứu khác đã giúp chúng ta có cái nhìn đa diện hơn về Thiền chánh niệm, một pháp môn nhà Phật đang thịnh hành khắp thế giới. Trong khi Thiền chánh niệm (Mindfulness meditation) lợi ích nhiều vô tận, vẫn có một số bất lợi sinh khởi. Có phải là vì thế gian chưa làm cho phù hợp? Do vậy, người viết đã tìm đọc nhiều hơn, để nhìn lại vấn đề theo nhiều khía cạnh. Và rồi dò theo con đường xưa, Đức Phật đã dạy thiền như thế nào? Kinh điển rất mực mênh mông, bài viết này chỉ là tổng hợp một phần nhỏ, chủ yếu là trích dẫn những lời dạy thực dụng của Đức Phật. Đối với các sai sót có thể có, người viết xin được sám hối.
26/08/2022(Xem: 2112)
Sai lầm lớn nhất của con người là cố chấp cái nhìn cục bộ của mình. Thực ra chân lý là pháp phổ biến, không dành riêng cho bất cứ ai. Mỗi người giác ngộ chân lý qua tầm nhìn của mình về chính mình và vạn pháp. Người có tầm nhìn lớn nhất là người thông suốt được tất cả tầm nhìn của nhân loại. Như đức Phật thấy được 62 tà kiến của thế gian. Đừng hiểu tà kiến là thấy sai, cái sai không phải ở thấy mà ở cố chấp cục bộ. Ví dụ như những người mù sờ voi, cho con voi là cái chân, cái bụng, cái lưng, cái ngà, cái đuôi, cái vòi, cái tai, con mắt
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567