Chùa Linh Sơn Pháp Ấn & Bác Sĩ Yersin
Từ thành phố biển Nha Trang đi theo Quốc lộ 1A vào Nam khoảng 19km, nhìn lên ngọn núi Suối Dầu (thôn Khánh Thành, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm mới- Diên Khánh cũ) nằm sát đường nhựa phía bên trái, một ngôi chùa ẩn ẩn hiện hiện giữa cây lá xanh tươi dài theo sườn núi. Đó chính là chùa Linh Sơn Pháp Ấn, một chốn thiền môn lặng lẽ bình thường, nhưng lại mang dấu tích lịch sử- văn hóa vô cùng giá trị, có liên quan đến một danh nhân lỗi lạc, một người Pháp đã chọn đất Khánh Hòa làm quê hương thứ hai và sống tại đây nửa thế kỷ, được người dân Khánh Hòa tôn kính như một vị Bồ Tát từ bi cứu nhơn độ thế: Bác sĩ Alexandre Yersin!
Lúc sinh thời, mỗi lần từ Nha Trang về thăm đồn điền cao su Suối Dầu, bác sĩ Yersin – nhà bác học sáng lập Viện Pasteur nổi tiếng với 55 công trình nghiên cứu khoa học giá trị, đáng kể nhất là công trình tìm ra vi trùng dịch hạch Yersinapestis- thường dừng chân nghỉ ngơi tại một ngôi nhà của ông được cất trên ngọn núi kể trên. Vào năm 1943, bác sĩ Yersin qua đời, ngôi nhà này đã được ban giám đốc đồn điền cao su bảo quản lưu niệm. Đến năm 1968, sư thầy Thích Như Ý, trong một lần dừng chân ghé thăm đã nhận ra nơi đây có địa thế phong quang, cảnh giới yên tịnh, rất thích hợp với người tu hành, nên xin phép được sửa nhà thành chùa, đặt tên chùa là Linh Sơn Pháp Ấn vào năm1971. Để tỏ lòng tri ân nhà bác học có công lao to lớn đối với nhân loại, tuy ngôi chùa có nhiều đổi thay, nhưng hình hài của ngôi nhà xưa vẫn được nhà chùa tôn trọng giữ nguyên, và khói hương luôn luôn nghi ngút trước di ảnh của nhà bác sĩ Yersin được tôn trí gần đó bên bàn thờ chư Phật, Bồ tát… Từ khi được mang hình hài mới là một chốn thiền môn tu tĩnh, chùa Linh Sơn Pháp Ấn đã được nhiều lần trùng tu, dần dần trở thành một danh lam thắng tích với nhiều cảnh sắc lạ lẫm, độc đáo, những nét cổ kính quyện hòa với hiện đại mà vẫn không làm kém đi vẻ trang nghiêm thanh thoát…
Đường lên chùa chạy lên theo con dốc thoai thoải lát đá ở giữa hai bên là cây to bóng cả mát rượi. Tản bộ từng bước, khách có thể thấy những tấm bia đá khắc những câu kinh Pháp cú. Kia là “Ao Thất Bảo”, mang y nghĩa “nơi ghi danh những người niệm danh hiệu Phật”, có nước chảy róc rách xuống hồ sen... Từng bước khoan thai lên đến sân chùa, sẽ thấy một nhà chuông dáng cổ kính, treo chiếc đại hồng chung nặng 700kg. Một tượng Quán Thế Âm Bồ Tát lộ thiên sừng sửng trên tòa sen ngay khoảng sân trước chánh điện, giữa những chậu cây cảnh đa dạng đa sắc, đây là thánh tượng Bồ tát đầu tiên được tôn trí ngay từ khi thành lập chùa. Chánh điện thờ Tam Bảo vẫn giữ nét xưa của ngôi nhà của bác sĩ Yersin từ ngoài vào trong, không tráng lệ nguy nga, mà vẫn thấy ấm áp gần gũi. Trên bàn thờ chính là tượng Phật A Di Đà đứng trên tòa sen, tầng dưới là tượng đức Thích Ca Mâu Ni ngồi kiết già với kích cỡ nhỏ được đặt trong lồng kính. Kề bên bàn thờ chư Phật là bàn thờ nhỏ có đặt linh vị, di ảnh của bác sĩ Yersin lồng trong khung kính lớn rất trang trọng…
Phía bên trái của chánh điện là một giảng đường rộng lớn mới được xây dựng xong gần đây, có sức chứa rất lớn, là nơi để Phật tử tề tựu về ngồi nghe các bậc cao tăng đăng đàn thuyết pháp. Phía bên phải chánh điện là gian nhà khách luôn rộng mở, kế tiếp là điện thờ tượng Quán Thế Âm “tầm thinh cứu khổ” kích cỡ cao lớn hơn, có hai trụ phía trước chạm nổi rồng thiêng uốn lượn thật công phu. Phía trước điện còn có tượng của đức Địa Tạng Bồ tát ngồi trên lưng con lân đen tuyền, và tượng một con linh quy đội bàn sớ; hai bên có hai vòi phun nước được bài trí thêm phía trên cặp cá hóa long sinh động. Bên dưới sân thêm một đài A Di Đà Phật lộ thiên đứng trên đài sen hồng, nhìn xuống bên dưới bằng ánh mắt Từ Bi. Chung quanh chùa là cây xanh bóng mát, hoa lá xanh tươi, từng khóm hoa chậu kiểng được bài trí hài hòa, tạo nên một cảnh sắc thiêng liêng thanh khiết. Có thể thấy những cây me, cây tra, cây bàng cổ thụ với cành lá xum xuê chen cùng những cây sứ tàn rộng nở đầy hoa trắng thơm tho, hay những cây mít, vú sữa sai qủa… Triền núi phía sau chùa còn là một rừng bạch đàn khoảng hơn 3.000 cây được nhà chùa trồng và chăm sóc thường xuyên để vừa tạo nên phong cảnh đẹp, vừa để chống sạt lở, bảo vệ cho núi đồi…
Nhân kỳ hội thảo “Kỷ niệm100 năm ngày Bác sĩ Yersin đến Nha Trang (1891-1991), phái đoàn gồm nhiều nhà nghiên cứu khoa học- lịch sử- văn hóa trong và ngoài nước đã đến viếng thăm chùa Linh Sơn Pháp Ấn trong niềm xúc động, hân hoan. Sau đó, bộ Văn Hóa Thông Tin đã ký quyết định công nhận chùa là di tích lưu niệm của quốc gia, cần được bảo tồn tôn tạo để lưu truyền cho đời sau…
Những năm gần đây, chùa Linh Sơn Pháp Ấn đang tiếp tục hòa mình cùng các tự viện trong nước trong công cuộc hoằng dương đạo pháp, tinh tấn xây dựng nề nếp sinh hoạt và tu học ngày càng ổn định theo tinh thần Đạo Pháp- Dân Tộc. Hằng tháng, cứ vào mồng 10 Âm lịch, chùa tổ chức khóa tu niệm với đạo tràng lên đến từ 500 đến 700 người, có khi trên cả nghìn tăng ni, Phật tử các nơi vào các dịp lễ lớn…
Hiện nay, nhà chùa đang tiến hành thi công các công trình sau Lễ đặt đá Đại Trùng Tu long trọng hồi trung tuần tháng 4-2015, được Chư tôn Hòa thượng giáo phẩm quang lầm chứng minh, cùng sự hiện diện của các Ban Ngành, Chính Quyền địa phương với lòng hoan hỷ cổ vũ.