Lạ lùng với du khách nhưng bình thường với người Ấn: dân địa phương tắm rửa và giặt giũ ở Sông Hằng trong khi cách đó vài chục mét (cuối hình) những ngọn lửa thiêu hai xác chết bốc cháy và một xác khác đặt trên cáng nằm dưới đất sát bờ sông chờ hỏa thiêu (phóng lớn trên góc trái). Hình: N.H.A.
Tín đồ đạo Hồi thường ước mơ tới đất thánh của họ và nghe nói họ phải hành hương tới thánh địa Mecca ở Ả Rập Saudi ít nhất một lần trong đời.
Người Thiên Chúa giáo nói chung và Công giáo mộ đạo nói riêng cũng muốn đi thăm thánh địa Jerusalem nếu điều kiện cho phép.
Phật tử thuần thành hẳn phải làm sao để một lần tới Bồ Đề Đạo Tràng (một trong bốn thánh tích của Phật giáo) để chiêm ngưỡng nơi Đức Thích Ca Mâu Ni thành đạo.
Và người Ấn giáo cũng vậy, phải tới Sông Hằng trầm mình dưới giòng sông hầu tẩy mọi tội lỗi và được lên thiên đàng.
Dân số Ấn Độ hiện nay có trên 1.2 tỉ người trong đó có khoảng 400 triệu người sống dọc con Sông Hằng, là lưu vực có mật độ dân số cao nhất thế giới. Người ta nói rằng mỗi ngày có khoảng 2 triệu người Ấn giáo tắm theo nghi lễ của họ trên con sông linh thiêng này.
Tác giả và “đứa con trai Ấn Độ” (góc trái) trên các bậc cấp của Kedar Ghat
Varanasi: đất thánh của nhiều tôn giáo
Sông Hằng mà người Ấn Độ gọi là Ganga (tiếng Anh: Ganges River) dài 2,525 cây số là con sông quan trọng nhất ở Ấn Độ, phát xuất từ dãy Hy Mã Lạp Sơn chạy qua các tiểu bang của Ấn Độ như Uttarakhanh, Uttar Pradesh, Bihar, Jharhand và Tây Bengal trước khi vào lãnh thổ nước Bangladesh nhập với sông Padma của nước này và đổ ra Vịnh Bengal.
Tuy Sông Hằng chảy qua nhiều thành phố Ấn Độ nhưng chúng tôi nghe có hai nơi được coi là nổi tiếng hay quan trọng nhất đối với người Ấn giáo là Patna và Varanasi. Trước đây, vì ngại ngùng trong vấn đề di chuyển xa xôi nên chúng tôi đã mua vé máy bay từ New Delhi tới thành phố Patna, dự trù ở đây vài ngày để tới Bồ Đề Đạo Tràng cho gần hơn.
Patna là cố đô của vương quốc Maurya nơi Đức Thích Ca Mâu Ni từng đi qua và cũng là cố đô của triều đại Ashoka (A Dục Vương, vị vua có công phát triển đạo Phật trước Công nguyên) và cũng là nơi linh thiêng của người đạo Sikh. Tôi nghe nói Sông Hằng ở thành phố Patna rất rộng, có cây cầu dài trên 5 cây số bắc ngang, đứng bên này bờ không thấy bên kia bờ, là nơi du khách sẽ thấy tín đồ Ấn giáo buổi sáng ra sông tắm nhưng không đông và kéo dài suốt ngày như ở Varanasi.
Người ta nói chưa tới Varanasi là chưa tới Sông Hằng, chưa biết người Ấn giáo sinh hoạt như thế nào, vì vậy chúng tôi đã thay đổi lịch trình.
“Hằng hà sa số”: cát ở Sông Hằng, nơi đây biết đâu Đức Phật có thể đã từng đi qua?
Varanasi có thể được coi là một Jerusalem của người Do Thái, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo—ba tôn giáo độc thần được xem có họ hàng bà con với nhau, cùng có chung một tổ phụ Abraham.
Jesuralem linh liêng như thế nào với ba tôn giáo vừa kể thì cũng như Varanasi với Ấn giáo, Phật giáo và Kỳ Na giáo (Jain) vậy.
Tương truyền đây là thành phố do thần Shiva lập ra cách đây 6000 năm. Đức Phật Thích Ca sau khi thành đạo ở Bồ Đề Đạo Tràng đã lên Varanasi thuyết giảng Chuyển Pháp Luân lần đầu tiên cho 5 anh em ông Kiều Trần Như tại vườn Lộc Uyển. Và giáo chủ Mahavira– vị đại sư thứ 24 và cuối cùng của Kỳ Na giáo và sinh sống cùng thời với Đức Thích Ca-- cũng từng đặt chân tới đây. Các đại sư thứ 7, 11 và 23 của đạo Kỳ Na sinh đẻ ở Varanasi và cạnh vườn Lộc Uyển có ngôi đền của Kỳ Na giáo thu hút du khách đến thăm viếng.
Varanasi là đất thánh của nhiều tôn giáo nhưng Sông Hằng là của thần Ganga. Dọc con sông này người Ấn giáo sinh sống, hành đạo, tạo nên một nền văn hóa cổ đại bậc nhất thế giới.
Thành phố này trước đây được gọi là Baranasi hay Banaras nhưng qua thời kỳ Anh cai trị bị đọc thành Benaras hay Benares. Baranasi đọc trại thành Varanasi cũng có thể là tên ghép của hai con sông Varuna và Assi nằm ở phía bắc và nam của thành phố và chảy vào Sông Hằng. Banaras ngày nay cũng là cái tên được nhiều người dùng như đại học Banaras Hindu University mà chúng tôi nói trong bài trước.
Thuở xa xưa, thành phố này được gọi là Kasi, có nghĩa “nơi sáng chói” và ngày nay vẫn là nơi dẫn đường cho người Ấn giáo tìm đến ánh sáng tâm linh dẫn đưa họ từ đời sống cơ cực lầm than ngắn ngủi của kiếp người đến cõi vĩnh hằng, với một sự bảo đảm nếu họ tắm, uống nước sông này, gởi thân xác hay tro tàn trên con sông thần thánh Ganga, một niềm tin tuyệt đối mà người ngoài đạo không thể hiểu nổi.
Jain Ghat: các bậc cấp trước một ngôi đền của đạo Kỳ Na (Jain) tại Varanasi. Đại sư Mahavira giáo chủ của đạo Kỳ Na sống cùng thời với Đức Thích Ca Mâu Ni và các môn đồ của đại sư từng có cuộc tranh luận với Đức Phật. Hình: N.H.A.
Linh thiêng, dơ bẩn và ô nhiễm
Sau khi thăm viếng đền và bảo tàng viện trong khu đại học Banaras Hindu University, hướng dẫn viên Rajesh đưa chúng tôi đến bờ Sông Hằng, là mục đích của chuyến đi Varanasi.
Tôi đã có dịp đọc một số bài viết về Sông Hằng như “Varanasi, đêm nghe Sông Hằng hát” của nhà văn Trần Trung Đạo, một bút ký với tâm thức của một Phật tử làm khi đọc xong người ta không những muốn tới để biết mà còn đến để thấm thấu sự sâu xa huyền diệu của một niềm tin, cái tâm linh của những con người sống ở dương thế mà tâm vọng về một cõi nào đó qua bài thơ tạm biệt con sông và thành phố này:
“Và một ngày tôi sẽ trở lại thăm
Sông Hằng Varanasi
Có thể không còn là con người xương thịt như hôm nay
Mà chỉ là giọt nước
Từ mây trời phương tây xa xôi...”
Tôi cũng đọc những báo cáo hay ký sự nói về sự ô nhiễm kinh khủng của con sông này với lượng vi khuẩn coli cao gấp 10,000 phần trăm tiêu chuẩn an toàn để tắm, đừng nói chi để dùng trong việc ăn uống hàng ngày.
Chúng tôi đến thánh địa Ấn giáo với tâm trạng như thế nên khi bước vào con hẻm nhỏ ra bờ sông, đường lót đá lồi lõm lác đác phân bò và rác, nhà cửa hai bên lôi thôi, chúng tôi không cảm thấy bị sốc bởi những gì đã nghe và nay được chứng kiến.
Thuyền máy của người bản xứ qua lại trên sông. Hình: N.H.A.
Chúng tôi đến Kedar Ghat (Bậc cấp Kedar) nơi có những chiếc thuyền con được cho thuê với người chèo giá 600 Rupee đi trong khoảng thời gian từ 2 tiếng đến 2 tiếng rưỡi.
Dọc bờ tây của sông là nhà cửa, đền đài và nổi bật nhất các bậc cấp dẫn xuống nước sông mà tiếng Ấn Độ gọi là Ghat. Bên cạnh Ghat làm bằng xi măng hay gạch là những bãi đất hay cát. Có cả trăm Ghat trải dài vài cây số trên bờ sông này và những hình ảnh tắm sông hay hành lễ trên sông mà bạn thấy ở trên báo chí hay truyền hình là những Ghat ở thành phố Varanasi.
Tôi phỏng chừng có trên 50 tầng cấp từ mặt đường hẻm dẫn xuống bến Kedar Ghat. Bên kia bờ sông là bãi cát vàng rộng tiếp giáp với rừng cây chạy tít cuối chân trời. Thấy tôi thắc mắc tại sao sông hẹp chỉ chừng một hai trăm mét, Rajesh nói lúc này mùa hè nước cạn, chứ gặp mùa mưa và lũ, nước dâng lên tới những bậc cấp trên cao thì mặt sông sẽ phủ tới rừng cây bên kia sông và sông sẽ rộng cả vài cây số.
Dưới sông người ta tắm, kỳ cọ thân thể và giặt rửa như cảnh ở miền quê Việt Nam. Những cậu thiếu niên đứng ở bậc cấp nhảy tõm xuống sông làm nước bắn tung tóe cười thích thú. Cách đám người tắm rửa chừng hai ba chục mét về phía bên phải, hai đống lửa cháy rực, tôi không cần hỏi hướng dẫn viên nhưng biết chắc đó là hai xác chết đang được hỏa thiêu lộ thiên.
Nhìn nước sông đục ngầu và xác người thiêu cách mặt nước một hai mét, nhà tôi nói ở đây có mùi gì kỳ kỳ như mùi xác chết. Thì đúng là xác chết, xác con người cháy và mùi hắc ín sơn lườn ghe thuyền làm tôi liên tưởng đến mùi của những đám tang ở làng quê ngày xưa khi người ta bỏ xác vào hòm đóng lại trong khi tổ chức ăn uống rộn ràng sau những trận khóc lóc của thân nhân.
Cũng vậy, trên bờ Sông Hằng người chết và người sống gần gũi nhau, đến độ cư dân ở các Ghat, du khách địa phương cũng như du khách ngoại quốc dửng dưng với sự sống và sự chết. Tuyệt nhiên không có tiếng khóc ở nơi đây!
Trên bậc cấp người bản xứ ăn bận đủ kiểu. Những người đàn ông, phụ nữ, thanh niên mặc những chiếc áo thùng thình màu cam, màu trắng trông như những pháp sư, đạo sĩ. Những thanh niên, trẻ con mặc quần cụt ở trần, có những ông chỉ quấn cái xà rông. Đó đây một thanh niên đọc sách, một thiếu nữ ngồi mở những trang giấy như đang làm bài. Những nhóm người tuổi trung niên ngồi tụm với nhau như chờ đợi ai đó hay đang chuẩn bị xuống thuyền để du ngoạn trên sông. Có những người mang theo nước nôi và thức ăn chứng tỏ họ là người từ xa đến.
Không sợ quá tải: khách hành hương người bản xứ xuống thuyền
Hàng chục chiếc thuyền con ở Ghat này vẫn nằm đó chờ khách trong khi những chiếc thuyền cỡ trung gắn máy đuôi tôm chở hàng chục người chạy qua lại trên sông. Đó đây vài chiếc thuyền nhỏ nhẹ nhàng khuya mái chèo hay ngừng lại cho du khách ngắm cảnh. Bên kia bờ có những chiếc thuyền rời hay tấp vào bãi cát cho du khách đặt chân xuống ngắm cảnh.
Hằng Hà sa số
Người hướng dẫn không cho chúng tôi đứng trên các bậc thềm nghĩ vẩn vơ lâu hơn bởi thuyền thuê đang đợi dưới bờ sông. Tôi hỏi Rajesh có phao cấp cứu không nhưng anh cười, nói ở đây ghe thuyền không có phao, vả lại nước sông lúc này rất cạn nên chớ lo.
Hôm nay không phải là ngày lễ hội nên Kedar Ghat chỉ có khoảng vài trăm người mà trong đó là vài chục người đang tắm và rửa theo đúng nghĩa đen. Nhiều thanh niên và trẻ con đưa mắt theo dõi chúng tôi bởi có lẽ chúng tôi là những người ngoại quốc duy nhất có mặt trên Bậc cấp Kedar.
Tôi mua giúp cho một phụ nữ bán nến cắm trên đĩa giấy để lát nữa thả trên sông không phải vì một niềm tin nào mà chỉ coi như là một trò vui vô hại. Người chèo thuyền là một người đàn ông thân hình ốm, tay chân khẳng khiu nhưng trông hiền lành và cả thẹn, thường quay mặt mỗi khi tôi nhìn anh hoặc ống kính camera hướng về anh. Chiếc thuyền gỗ dài vài thước này có thể chở tới cả chục người hoặc nhiều hơn nữa theo “tiêu chuẩn Ấn Độ” nhưng chỉ với ba người khách mà anh lái đò coi bộ vất vả mỗi khi kéo đôi mái chèo.
Thuyền rời bến chạy về hướng phải, tức phía nam con sông cách bờ chừng vài chục mét, dọc những dãy bậc cấp nằm san sát dưới nhà cửa hay đền đài. Lúc này chúng tôi đã nhìn rõ hai đám cháy thấy hồi nãy. Quanh hai đám cháy có khoảng năm sáu người đàn ông. Và cách đó vài thước một xác chết phủ kín hoa vàng đặt trên cáng đôi nằm dưới đất cạnh một dàn củi khô cao chừng một mét, chờ tới phiên hỏa thiêu. Có khoảng hai chục ông kẻ đứng người ngồi tụm với nhau, tuyệt nhiên không có phụ nữ. Tôi thấy cái xác bọc vải và phủ hoa để dưới đất trở nên quá bé nhỏ, không được trân trọng như ở một số nền văn hóa khác, trông mà tội nghiệp cho thân phận con người.
Rajesh nói phong tục không cho phép phụ nữ có mặt ở chỗ thiêu xác. Tôi hỏi có phải vì người ta sợ đàn bà khóc làm linh hồn người chết bịn rịn không ra đi để siêu thoát không, anh hướng dẫn viên nói không nắm rõ, chỉ biết đó là phong tục, cũng như khi hỏa thiêu, người con trai trưởng hay út sẽ châm lửa vào miệng người quá cố.
Tác giả thắp nọn nến thả trên Sông Hằng, ghi lại kỷ niệm một chuyến đi Varanasi
Những ngọn lửa hồng cháy mạnh tỏa ra một cụm ánh sáng mà tôi nghe nói đấy là khi hộp xương sọ vỡ ra. Rajesh cho biết xác đã cháy tới 80% và nói không nên chụp hình. Nhưng ai lại đi chụp hình hay khuôn mặt của một người xa lạ chết để cất giữ? Dù anh hướng dẫn viên không nói, tôi cũng sẽ chẳng bao giờ chụp hình người chết bởi tôi không thích hay sợ khi phải nhìn người chết, dù đấy là người thân quen hay một hoa hậu đẹp tuyệt trần. Và nếu phải nhìn, thì chỉ để tỏ lòng thương và kính trọng mà thôi.
Thuyền lướt qua Ghat này đến Ghat khác. Qua khỏi một lâu đài mà Rajesh nói là nhà nghỉ mát của một ông vua thời xa xưa, rồi tới một ngôi đền màu vàng là làng nghỉ hưu của người già, tôi đề nghị thuyền trở ngược. Chạy một đoạn, tôi yêu cầu tấp vào bãi cát bên bờ đông để lên bờ ngắm cát, đặt chân lên một phần lòng đất của con sông được cho là linh thiêng nhất Ấn Độ, nơi con người ở đây trải qua hàng ngàn năm không thay đổi dù bây giờ con người ở nơi khác đã lên không gian, tìm thấy được những hành tinh xa trái đất hàng triệu, hàng tỉ năm ánh sáng.
Đã nghe và nay được thấy, chúng tôi phải cẩn thận khi bước xuống thuyền vì sợ nước bẩn. Sông khô cạn nên lộ ra bãi cát rộng hàng trăm thước. Lên bờ, tôi cũng không đủ can đảm để ngồi trên cát vì rác rưởi còn nhiều. Nhà tôi lấy tay vạch một đường trên cát, coi như để lại một dấu tích của một chuyến đi. Tôi nói không chừng nơi chúng tôi đứng từng là nơi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từng đi qua trong mấy chục năm hoằng đạo của ngài.
Thuyền bè đổ xô tới lễ hội Ganga Aarti tại khu Dashashwamedh Ghat vào mỗi tối Thứ Ba. Hình: N.H.A.
Rồi tôi nhớ lại câu nói “hằng hà sa số” mà người ta cho rằng đấy là lời của Đức Phật, bởi Hằng Hà có nghĩa là Sông Hằng và sa số có nghĩa là nhiều như cát. Như tôi thấy trước mắt, cát ven Sông Hằng rất nhiều, và “hằng hà sa số thế giới” theo cách nói của Đức Phật là ngoài thế giới chúng ta đang sống, trong vũ trụ có nhiều thế giới đếm không xuể, như cát trên Sông Hằng.
Thuyền tiếp tục lên hướng bắc, qua khu bậc cấp Kedar Ghat mà chúng tôi khởi hành, đến Dashashwamedh Ghat nơi đang diễn ra lễ hội Ganga Aarti vào mỗi tối Thứ Ba và những dịp lễ đặc biệt. Chúng tôi tình cờ tới đây đúng tối Thứ Ba. Ghe thuyền lớn bé từ nơi xa hay ở các Ghat lân cận đã dồn về đây nhưng tôi muốn thuyền chạy thêm một quãng nữa trước khi trở lại xem lễ hội.
Tới Manikarnka Ghat, tôi thấy có 9 dàn hỏa thiêu đang cháy rực giữa bóng đêm. Rajesh nói đây là nơi thiêu xác lớn nhất, 24 giờ trong ngày. Người hành nghề thiêu xác do chính phủ trả tiền, phục vụ những cư dân sống trong chu vi vài chục cây số. Những người giàu có ở xa xôi như Thủ đô New Delhi cũng có thể mang xác tới đây thiêu, nhưng không nhiều. Đa số người ở xa thiêu xác chết rồi đem tro tới rải trên Sông Hằng, vì họ nghĩ rằng một khi tro tàn của họ nằm trong con sông này thì sẽ mau siêu thoát hay sẽ được chóng lên thiên đàng.
Vì niềm tin đó mà có khi người ta đem xác nhúng dưới sông trước khi thiêu hoặc thậm chí còn buộc xác vào cáng thả trên sông (xác bò –cũng là một vị thần— đôi lúc cũng được người ta thả trên sông theo niềm tin của người Ấn giáo). Vì thế, với 80% nước phế thải của kỹ nghệ chảy xuống Sông Hằng, con sông này là nơi cực kỳ bị ô nhiễm và nghe nói có đến một phần ba dân số Ấn chết do những bệnh gây ra từ việc sử dụng nước Sông Hằng. Giải quyết nạn ô nhiễm Sông Hằng là một bài toán hóc búa mà các chính phủ Ấn Độ chưa thực hiện được trong mấy thập niên vừa qua.
Du khách, phần đông là người bản xứ, ngồi trên thuyền say sưa theo dõi màn tế lễ trên bờ
Chúng tôi trở lại Manikarnka Ghat. Khu bậc cấp này gần Vishwanath Temple, ngôi đền thờ thần Shiva và được cho là một trong những đền nổi tiếng nhất của Ấn giáo nhưng Rajesh nói không cho phép người khác đạo vào.
Tại lễ hội Ganga Aarti, một nhóm các thầy tư tế (priest) làm nghi thức Angi Pooja (Worship to Fire) để tế lễ các thần Shiva, thần Sông Hằng, thần Mặt trời, thần Lửa.
Tôi thấy có hai nhóm thầy tế khoảng 14 người, một nhóm mặc áo trắng thắt dây lưng trắng và một nhóm áo trắng khăn quàng cổ màu cam. Họ hành lễ ở hai khán đài gần nhau, với những động tác nhịp nhàng như những đội múa, khi thì cầm bình hương, khi thì cầm những ngọn lửa cháy bùng quay vòng tròn theo tiếng hát trầm bổng rộn ràng tiếng chiêng trống.
Ở trên bờ, tôi nghĩ rằng có hàng ngàn người đang say sưa và thành khẩn theo dõi màn tế lễ này. Ở dưới sông, quanh chúng tôi cũng vậy. Vì muốn vào gần để thấy cho rõ hơn nên một lát sau, hàng trăm chiếc thuyền vây kín thuyền chúng tôi khiến chúng tôi không thể trở ra sông, mà đành ngồi đó nghe những tiếng tụng kinh mình chẳng hiểu gì gần một tiếng đồng hồ giữa bầu trời oi bức và ngộp thở, dù đang ngồi trên sông.
Tôi nghe nói rằng có hai cảnh đẹp nhất trên Sông Hằng là vào tối và sáng sớm khi mặt trời sắp ló dạng. Mới nửa ngày mà người hướng dẫn viên 30 tuổi này tỏ ra thân thiện với chúng tôi, nói rằng anh là “your Indian son” (đứa con Ấn Độ của ông bà) nên muốn chăm sóc và bảo vệ chúng tôi được an toàn trong thời gian ở Varanasi.
Trước đó, con gái của chúng tôi vừa du lịch Ấn Độ và dự đám cưới của một người bạn Ấn làm việc ở Úc nói rằng khi qua Ấn Độ, hãy cẩn thận, chớ nên một mình đi xa những di tích du lịch bởi không an toàn, vì có thể bị bắt cóc một cách lãng nhách (nguyên văn người bạn Ấn: for no reason at all).
Rajesh bảo chúng tôi sớm mai không nên thuê xe ba bánh Tuk Tuk dù rẻ tiền hơn mà hãy nhờ khách sạn gọi taxi đưa ra bậc cấp Dashashwamedh Ghat trước 5 giờ rưỡi để chờ xem mặt trời lên từ phía bên kia bờ sông nơi có rừng cây và bãi cát, và cũng tránh chuyện trò với người lạ trên đường đi. 9 giờ sáng anh sẽ đến khách sạn đón chúng tôi đi xem vườn nai Sarnat, tức Lộc Uyển, một thánh địa của Phật giáo.
Nhưng sau một ngày mệt mỏi, ăn tối ở nhà hàng của khách sạn Taj Granges và làm vài chai bia lạnh để chống lại cái nóng kinh hồn của xứ Ấn nên chúng tôi cảm thấy không còn sốt sắng để trở ra bờ Hằng Hà lần thứ hai, do đó không bỏ đồng hồ đánh thức.
Mở mắt dậy thì cũng là lúc “đứa con trai Ấn Độ” đang ngồi đợi chúng tôi ở dưới phòng tiếp tân (còn nữa).
(Nguyễn Hồng Anh – Kể chuyện đường xa – TVTS số 1376 - ngày 8.8.2012)
Mời bạn đọc xem thêm vài hình ảnh về Sông Hằng ở thánh địa Varanasi, từ con hẻm xuống các bậc cấp ở Kedar Ghat...
Thời gian gần đây hiện tượng sư Thích Minh Tuệ tu theo hạnh Đầu Đà đi bộ từ Nam chí Bắc đã được quần chúng đủ mọi thành phần ngưỡng mộ. Họ chờ đón sư ở dọc đường, cúi đầu hoặc quỳ xuống lòng đường để đảnh lễ, tặng đồ ăn thức uống, có khi tháp tùng sư một đoạn đường dài. Có khi họ tụ tập quanh sư tại nơi nghỉ chân, có khi là nghĩa địa, một ngôi nhà hoang, hoặc dưới tàng cây, ngồi quanh sư để nghe sư thuyết pháp hoặc vấn hỏi một số vấn đề. Đặc biệt tại Thanh Hóa có cả xe chở mấy chục học sinh Tiểu Học, tung tăng chạy tới để chiêm ngưỡng và vái lạy sư. Và lần đầu tiên một vị sư thuyết pháp tại một nghĩa địa.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Xin thông báo tổng quát lịch Pháp thoại, khóa tu, Phật sự và hành hương của Thầy Tánh Tuệ năm 2024
Kính chia sẻ cùng chư Tôn đức, Pháp hữu và qúy Phật Tử lịch trình Hoằng Pháp, sinh hoạt tu học & Phật sự... với sự chia sẻ của Th Tánh Tụê cùng với sự hiện diện của chư Tôn đức tham dự trong tháng 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11- 2024
Hành Hương Thắp Sáng Tâm Đăng và Cảm niệm Thâm Ân Đức Thế Tôn
VỊ THẦY VĨ ĐẠI BẬC NHẤT CỦA NHÂN LOẠI.
Suốt tuổi vị thành niên ưu tư, trăn trở, đến tuổi lập gia đình thấy mọi niềm vui, khoái lạc đều phù du, trống rỗng; tháng năm dài tìm cách giúp vua, cứu nước, Thái Tử Siddhārtha Gotama luôn cảm thấy mình làm cái việc của con dã tràng xe cát - vì không giải mã được hố thẳm của lòng người (nguyên nhân của khổ uẩn). Với ý chí kiên định, ngài thoát ly gia đình, vợ con, vương vị, quyết tìm ra con đường thoát khổ, giải trình giá trị và ý nghĩa vĩnh cửu cho kiếp nhân sinh.
Hành hương và chiêm bái Phật tích Ấn Độ là nhân duyên hy hữu và là một ước mơ ngàn đời của người đệ tử Phật trên khắp năm châu bốn bể. Nay ước mơ đó đã đến với Tăng Ni và Phật tử Tu Viện Quảng Đức, Melbourne, Úc Châu. Như chương trình đã sắp đặt trước cả năm, phái đoàn hành hương Ấn Độ gồm 51 người do Tu Viện Quảng Đức tổ chức đã lên đường đúng vào ngày 7-11 năm 2006. Phái đoàn do Đại Đức Phó Trụ Trì Tu Viện Quảng Đức Thích Nguyên Tạng, Sư Cô Hạnh Nguyên và Đạo Hữu An Hậu Tony Thạch (Giám đốc công ty Triumph Tour) hướng dẫn cùng với 38 Phật tử từ Melbourne, 6 từ Sydney, 1 từ Perth và 5 đến từ Texas, Cali, Hoa Kỳ.
Hai năm trước, khi tin Hòa Thượng Thích Minh Tâm viên tịch lan truyền khắp năm châu, ai ai cũng ngỡ ngàng thương tiếc. Hầu như các tự viện trên thế giới đều tổ chức lễ tưởng niệm tri ân Ngài. Tu Viện Quảng Đức cũng không ngoại lệ, buổi lễ truy niệm đã được tổ chức một cách trang nghiêm, trọng thể. Sau đó TT Thích Nguyên Tạng đã lên chương trình Hành Hương Âu Châu vào cuối tháng 7 năm 2015, với mục đích chính là tham dự lễ Đại Tường Tưởng Niệm HT Thích Minh Tâm, đồng thời dự lễ Khánh thành Chùa Khánh Anh. Phật tử TVQĐ thật hoan hỷ với tin này và đã cùng nhau lập ra kế hoạch tiết kiệm để tham dự chuyến Hành Hương Âu Châu.Thời gian hai năm tưởng là lâu, nhưng thoắt một cái ngày đi đã gần kề, mọi người nô nức chuẩn bị hành trang để lên đường.
Phái đoàn Hành Hương có 83 người gồm:Melbourne: 38 người; Sydney: 21 người; Perth: 9 người;Adelaide: 5 người.
Nhận được Passport 10 năm vừa mới gửi về sau nhiều lần đắn do suy nghĩ có nên làm mới hay không(đã hết hạn 3 tháng rồi) giữa lúc đại dịch vẫn chưa khả quan lắm, tâm trí tôi miên man nghĩ tới hai chuyến hành hương sau cùng trước khi đại dịch xuất hiện:
-Năm 2018 chuyến hành hương Chiêm Bái Danh Lam Phật Giáo tại Hàn quốc nhân mùa Anh Đào nở hoa ở Nhật Bản từ ngày 2/4/2018-16/4/2018 do TT.Thích Nguyên Tạng làm Trưởng Đoàn và Anh Tony Thạch làm phó trưởng đoàn.
-Năm 2019 chuyến hành hương Miến Điện do TT Thích Tâm Thành hướng dẫn, lẽ ra tôi cũng được tham dự chuyến hành hương Bhutan vào năm này với TT Nguyên Tạng và Anh Tony Thạch nhưng sau chuyến hành hương Miến Điện tôi bị sưng đầu gối và không thể đi bộ nhiều nên đành xin hủy hẹn .
.......Có thể nào mình lại có dịp một lần nữa sẽ tham dự một chuyến hành hương khác với Thầy và Anh Tony trong một chuyến tham quan và chiêm bái các địa danh của quý Tổ Sư Thiền Ấn, Trung và Việt Nam nơi mà hành trạng các Ngài còn ghi trong sử sác
Hạnh phúc luôn là “KPI” của mỗi người và mỗi quốc gia. Mỗi người hạnh phúc sẽ góp phần xây nên một một quốc gia hạnh phúc. Vậy quốc gia nào hạnh phúc nhất thế giới? Hãy cùng mayvesinhmienbac.com.vn gọi tên top 10 quốc gia hạnh phúc nhất thế giới trong năm 2021 nhé!
LỜI GIỚI THIỆU
Trong Hán Tạng, kinh Đại Bát Niết Bàn do Ngài Đàm Vô Sấm dịch với thời Bắc Lương (thế kỷ thứ 5) có ghi lại lời dạy cuối cùng của Đức Phật với các đệ tử:
„… Sau khi ta nhập Niết Bàn, đại chúng
phải tinh tấn tu hành sớm ra khỏi ba cõi,
chớ có giải đãi, phóng dật tán tâm…“
(Kinh Đại Bát Niết Bàn, phẩm 26)
Chính phủ Nhật đầu tư 12,5 tỷ USD để mời bạn đến du lịch
Do chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán, số lượng du khách đến Nhật du lịch giảm mạnh. Vì thế chính
phủ Nhật đã đề ra một phương án là đầu tư gói 12,5 tỷ USD để phục hồi ngành du lịch, trong đó bao gồm chi trả một
phần chi phí cho du khách nhằm thu hút họ đến nước này.
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường, nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.
May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland, Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below, may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma, the Land of Ultimate Bliss.
Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600 Website: http://www.quangduc.com
Chúng tôi sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm tốt nhất trên trang web của chúng tôi. Nếu tiếp tục, chúng tôi cho rằng bạn đã chấp thuận cookie cho mục đích này.