Theo quan điểm của Phật giáo “hạnh phúc” là sự đoạn trừ tâm tham ái, để hiểu rõ vấn đề này, người viết xin chia sẻ quý vị quan điểm này như sau:
Chúng ta đang sống trong cõi Ta-bà như mảnh vườn hoang luôn bị chế ngự bởi dục vọng khổ đau, bệnh tật, sầu hận, chết chóc… Con người bao giờ cũng muốn vươn lên từ đời sống thấp hèn để tìm một cái gì đó cao đẹp và an lạc hơn đằng sau bức tường đầy sự hấp dẫn của ngũ dục (tài, sắc, danh, thực, thùy) mà con người cảm nhận qua tri giác hay còn gọi là tham ái.
Tham ái là gì? Chữ “ái” là sự yêu mến (taṇhā), sự thèm khát, chữ ái ở đây là chỉ cho lòng ham muốn qua cảm thọ, ái chính là nguồn gốc của sự sinh tử luân hồi. Có sáu ái xứ: ái sắc, ái thính, ái hương, ái vị, ái xúc, ái pháp. Ái nói cho đủ là ái dục sự ham muốn của con người. Ngũ dục này làm cho con người dong ruổi mãi để tìm cầu, khiến cho tâm hồn không có điểm dừng nghỉ, như mặt hồ nước gợn sóng lăn tăn mãi không bao giờ phẳng lặng. Trong cuộc sống vô thường đầy huyễn mộng không có gì bền chắc, chúng ta mau thức tỉnh tu tâm để tìm ra con đường giải thoát:
“Tịnh tâm quán niệm kiếp vô thường
Thân người giả tạm giống hạt sương
Kiếp người chỉ sống trong hơi thở
Tu mau kẻo trễ, tỉnh mộng trường”.
Hạnh phúc đến với những ai có niềm tin vững chắc rằng có cái gì đó hướng thiện để cho cuộc sống có ý nghĩa. Con đường hướng thiện ấy chính là quay về với đạo Phật, là con đường đưa đến hạnh phúc cho chúng ta ngay trong kiếp sống hiện tại, mang lại hạnh phúc cho mình và cho người. Đó là mục đích chính của đạo Phật hướng dẫn cho chúng ta tiêu diệt tham ái để đạt đến Niết bàn thực tại:
“Con người tham ái thật thâm sâu
Bao năm dong ruổi mãi tìm cầu
Mang nặng nghiệp trần nơi tâm thức
Luân hồi lục đạo chịu khổ đau”
Muốn đạt được hạnh phúc chân thật miên viễn đòi hỏi chúng ta phải có sự hành trì thâm hậu, phải có ý thức quán chiếu rằng mọi sự vật, hiện tượng (các Pháp) là do duyên giả hợp thành, chúng ta càng bám víu vào thì càng đau khổ:
“Thành, trụ, hoại, không… bởi do duyên
Nên đừng trói buộc sinh não phiền
Có hợp, có tan, thành chân lý
Sống kiếp vô thường vẫn an nhiên”
Chúng ta cần thực tập quán chiếu biết đủ (thiểu dục tri túc) thì tâm hồn mới an lạc, phải luôn ý thức rằng tiền tài vật chất chỉ là phương tiện sống, không phải là mục đích vĩ đại của tâm hồn. Cái chúng ta cần đó là một tâm hồn luôn nhẹ nhàng và an lạc không bị trói buộc vào trần cảnh:
“Bước đi giữa chốn hồng trần
Tiền tài, danh vọng phù vân ở đời
Ví như sóng biển ngoài khơi
Hôn vào bãi cát, hợp rồi lại tan
Bao năm gói mỏi lang thang
Nay dừng chân nghỉ nhẹ nhàng an vui”.
Vấn đề tìm cầu sự giác ngộ giải thoát ngay trong kiếp sống hiện tại là mục đích của tối thượng của đạo Phật, là suối nguồn hạnh phúc cho hành giả tu tập. Theo quan điểm của Phật giáo, hạnh phúc không phải nhiều tiền, nhiều bạc, ngọc ngà châu báu. Hạnh phúc không phải đặt chân vào chốn lâu đài lộng lẫy kiêu sa, hay cung vàng điện ngọc. Những thứ vật chất giả tạm, phù du này đức Phật và Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã từ bỏ những thứ đó như bỏ một đôi dép rách để đi tìm một cuộc sống hạnh phúc nơi tự tâm. Bởi vì những thứ ngũ dục tham ái đó là tác nhân khiến tâm của con người quay cuồng, không biết dừng nghỉ và tạo thêm nhiều khổ đau. Hạnh phúc đối với những ai biết quay về với chánh Đạo và thực hành theo giáo lý của đức Phật để tìm lại nguồn hạnh phúc chân thật cho chính mình.
Từ xưa đến nay, chúng ta cứ mãi đi tìm nguồn hạnh phúc bên ngoài giả tạm mà quên đi nguồn hạnh phúc tự tâm, quên đi trong mình vốn có nguồn năng lượng hạnh phúc chân thật - đó là Phật tính! Bởi do ham muốn, do vô minh nên mới chìm đắm trong bong tối của sinh tử luân hồi, trải qua bao nhiêu kiếp sống. Tâm hồn chúng ta phải trôi dạt trong biển khổ sinh tử mênh mông vô tận như con tàu lênh đênh trên biển cả đại dương bị sóng gió ba đào nhấn chìm không bến bờ nương tựa.
Ngày hôm nay, chúng ta được làm thân người và gặp được Phật Pháp chính là phước duyên. Nếu kiếp này chúng ta sống buông trôi theo số phận, sống không định hướng cho tương lai, không biết tu tập trau dồi thân tâm, tạo nghiệp ác thì ắt hẳn phải chịu sinh tử. Một khi mất thân người rồi khó tìm lại được, làm được thân người đã khó, giữ được thân người lại càng khó hơn.
Chúng ta đến với đạo Phật không phải bằng niềm tin mù quáng, không nên Thần thánh hóa đức Phật. Chúng ta đến với đạo Phật bằng con mắt chánh kiến (trí tuệ) để “tri” và “hành”. Không phải để cầu khẩn van xin, ban phước hay cứu tai họa. Nếu chúng ta đến với đạo Phật mà không hành thì chúng ta vẫn bị nhấn chìm trong khổ đau. Đức Phật ra đời mục đích “khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến”. Ngài thị hiện ra đời chỉ dẫn chúng sinh con đường tu tập để giác ngộ giải thoát, Ngài không cứu một ai bằng sự cầu nguyện, cứu rỗi linh hồn. Ngài để lại linh dược (Giáo lý) cho chúng ta chữa căn bệnh phiền não. Chúng ta áp dụng tu tập thì chúng ta sẽ thấy linh nghiệm và sự mầu nhiệm trong lời dạy của Ngài:
Đức Phật dạy các đệ tử: “Các ngươi phải cố gắng tu hành để tự giải thoát, ta chỉ là người hướng dẫn mà thôi. Trong công việc chiến thắng mọi trở lực trên đường tiến triển để đi đến đích, chỉ có các ngươi là người có công hơn cả”. Đức Phật cũng dạy: “Ta như thầy thuốc hay, biết bệnh cho thuốc, uống hay không uống, lỗi ấy không phải tại thầy. Ta như vị chỉ đường, dạy con đường phải, nghe mà không đi, lỗi ấy không phải tại người chỉ đường”.
“Tự mình là vị cứu tinh
Tự mình nương tựa vào mình tốt thay
Nào ai cứu được mình đây?
Tự mình điều phục hàng ngày cho chuyên
Thành ra điểm tựa khó tìm”.
(Pháp Cú 160)
Con đường tự lực được Đức Phật dạy như sau: “Này các Tỳ kheo, hãy tự mình thắp lên ngọn đuốc của chính mình, thắp lên với chánh pháp, đừng thắp lên với một pháp nào khác. Hãy tự mình làm chỗ nương tựa của chính mình, nương tựa với chánh pháp, đừng nương tựa với một pháp nào khác”. Tinh thần tự lực mang tính triệt để nhân bản này là một đặc tính của đạo Phật mang lại hạnh phúc cho chính bản thân của chúng ta. Hạnh phúc này rất đơn giản mà ai cũng có thể đạt được hạnh phúc đó, miễn là chúng ta phải đi đúng hướng mà đức Phật đã vạch ra.
Đức Phật dạy rằng: “Này chư tỳ kheo, chân lý cao siêu về sự chấm dứt khổ đau (dukkha) tức diệt đế là thế nào? Đó là sự chấm dứt ái dục mà không để lại dấu vết, sự từ bỏ ái dục, sự khước từ ái dục, sự giải thoát ra khỏi ái dục, sự xa lìa ái dục, này chư tỳ kheo đây là chân lý cao siêu về sự chấm dứt khổ đau”.
Hạnh phúc trong Phật giáo là sự từ bỏ tâm tham ái chấp trước không bám víu vào các pháp, thì ở trong đau khổ vẫn thấy an vui hạnh phúc, ở trong cảnh giới Ta-bà ngũ trước ác thế này quanh ta toàn ngũ dục quyến rũ, chúng ta không vướng mắt vào nó:
“Hạnh phúc là tự tại giữa khổ đau
Giải thoát là ung dung trong ràng buộc”
Hoặc là:
“Khoác áo nâu sầm dứt trần duyên,
Tình nhiều oan trái lắm lụy phiền.
Bao người tham ái, sầu đau khổ
Đường trần mở lối, vui cảnh thiền”.
Và:
“Vẫn biết kiếp người là ảo mộng
Duyên sinh giả hợp, có rồi không
Dù cho thế sự nhiều trắc trở
Bền tâm, vững chí, sống thong dong!”
Chúng ta luôn phải biết quý trọng trong những phút giây hiện tại, vận dụng phương pháp thích hợp và cụ thể để quán chiếu tu tập đoạn trừ tâm tham ái,
Quán bất tịnh, cách quán như sau: “Hãy quán sát thân này, từ bàn chân trở lên, trên từ đảnh tóc trở xuống, bao bọc bởi da và chứa đầy bất tịnh sai biệt. Trong thân này, đây là tóc, lông, răng, móng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi ruột, bao tử, phân, mật, đàm, máu, mủ, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, máu mủ, nước ở khớp xương, nước tiểu. Đây là nhân, đây là duyên”…
Về hộ trì các căn, nội dung như sau: “Hãy sống hộ trì các căn. Sau khi mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân cảm xúc, chớ có nắm giữ tướng chung, chớ có nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì vì ý căn không được chế ngự khiến tham ái ưu bi, các bất thiện pháp khởi lên hãy thực hành nguyên nhân chế ngự các căn ấy. Đây là nhân, đây là duyên”
Về phòng hộ tam nghiệp, nguyên tác chỉ rõ: “Với thân được phòng hộ, với lời nói được phòng hộ, với tâm được phòng hộ, với niệm được an trú, với các căn được chế ngự, trong khi ấy, tham pháp sẽ không chinh phục”. Có rất nhiều phương pháp tu tập để đoạn trừ tâm tham ái, tiếp theo chúng ta tu tập trên “Tam pháp ấn”: (Vô thường, Khổ, Vô ngã)
Thấy rõ sự thật của “khổ đau” để diệt trừ tâm “tham ái”
Chúng ta nhìn nhận: “Cuộc đời là bể khổ triền miên”. Sự thật cuộc đời này vốn dĩ không có khổ đau hay hạnh phúc, mà sở dĩ cuộc đời nói khổ đau hay hạnh phúc là do tâm của con người tạo ra. Như một tấm vải trắng, nếu ta đeo kiếng đen thấy tấm vải hoàn toàn màu đen, nếu chúng ta đeo kiếng màu trắng sẽ thấy tấm vải hoàn toàn màu trắng thì sự thật chân lý cuộc đời cũng vậy! Nguyên nhân chính là do con người chấp ngã “ta”: xác thân ngũ uẩn này của ta, tài sản của ta, địa vị danh vọng của ta…con người bám víu vào đó rồi dong ruổi tìm cầu, cầu có rồi lại sinh tâm tham, muốn có thêm suốt đời tìm kiếm hạnh phúc nơi những thứ giả tạo ấy. Chúng ta càng bám víu chấp thủ vào ngũ dục thế gian thì càng tạo ra chướng ngại trên con đường tu tập. Chúng ta hãy suy ngẫm thử xem nỗi khổ đau của thân ngũ uẩn như thế nào? Để từ đó chúng ta tu tập xóa bỏ cái “ta” không còn bám víu vào những thứ ngũ dục giả tạo ấy thì tâm của chúng ta mới trở nên an lạc và giải thoát được những thứ ràng buộc kia.
Khổ là một sự thật hiển nhiên, không ai phủ nhận điều ấy. Hễ ai dấn thân vào chốn hồng trần tự hào cho rằng: “Cuộc đời mình chưa trải qua đau khổ”? Thật ra từ lúc mở mắt chào đời cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay, chúng ta gặp biết bao nhiêu là nỗi trái ngang, vui buồn lẫn lộn, vinh nhục ngậm ngùi, đôi lúc chan chứa nước mắt hằng đêm trên gối chiếc. Khi nhìn thấy nỗi khổ đau của cuộc đời trong Cung Oán Ngâm Khúc Ôn Như Hầu (Nguyễn Gia Thiều) thi cảm rằng:
“Trẻ tạo hóa đành hanh quá ngán
Chết đuối người trên cạn mà chơi
Lò cừ nung nấu sự đời
Bức tranh vân cẩu vẽ người tan thương” (câu 73-76)
Thân con người giống như chiếc bèo trôi dạt lênh đênh trên dòng sông (vô thường), không biết trôi dạt về đâu? Con người không nắm được định mệnh của mình ra đi lúc nào, kiếp người quả thật vui ít khổ nhiều, có ai vui trọn kiếp mà không khổ bao giờ? Con người thường chấp bám vào những hạnh phúc giả tạm mưu cầu danh lợi địa vị, công danh, bằng những phương thức thủ đoạn đê hèn, chiếm đoạt tài sản kẻ khác, lừa gạt, tham nhũng, mua quan bán chức,...để tìm có đồng tiền sống thỏa mãn dục vọng đê hèn, nuôi dưỡng cái thân ngũ uẩn này. Ngày ngày trau chuốt giữ gìn nó, tìm không biết bao nhiêu thứ để phục vụ cho tấm thân giả tạm rồi cho rằng đó là hạnh phúc ở đời, là tiền bạc, là giàu sang, là ăn ngon, mặc đẹp. Chính những thứ hạnh phúc giả tạm này là cái gông cùm để trói buộc tâm chúng sinh, là cái ách nô lệ đè lên vai của nhân thế. Dưới ánh mắt của phàm phu đã bị che mờ bởi những thứ ngũ dục ấy. Vì thế tâm bị vô minh phiền não che lấp nên hằng ngày đã tạo vô số nghiệp ác, đánh mất chân tâm, bởi vậy mới kết nối chuỗi dài trôi lăn sinh tử luân hồi từ kiếp này đến kiếp khác.
“Ai nghĩ thân của tôi
Là phàm phu mê muội
Tăng mộ phần phiền não
Chấp chặt sự tái sinh” (Trưởng Lão Tăng Kệ 575)
Do đó từ thực tại khổ đau, con người biết nhìn nhận nó để chuyển hóa tâm hồn, xóa bỏ lòng tham ích kỷ, xóa bỏ cái bản ngã, lòng tham muốn ganh tỵ, đố kỵ…thoát ra khỏi mảnh đất tâm của mình, bởi do sợi dây phiền não trói chặt chúng ta. Chúng ta hãy nương tựa vào chính mình, nương tựa vào ngọn đèn chánh Pháp, nhẹ nhàng thoát ra khỏi cuộc đời đau khổ trầm luân thể hiện chân lý sống cho chính mình, như đóa sen khẳng định sức sống mãnh liệt của nó, để rồi vươn lên từ chốn bùn nhơ tỏa ngát hương, tô điểm trần gian thêm đẹp, làm cho đời mang vẻ tôn nghiêm
Hoa sen tinh khiết chốn bùn nhơ
Thoát lên mặt nước tự bao giờ
Tỏa hương thơm ngát chân thiện mỹ
Tô điểm trần gian đẹp nên thơ
Chúng ta muốn trở thành đóa hoa hiện thể để tô điểm trần gian thì hãy giống như đóa sen kia vượt ra khỏi chốn bùn nhơ! Tâm của chúng ta thoát ra khỏi sự ràng buộc của ngũ dục (tài, sắc, danh, thực, thùy) và đoạn trừ tất cả tâm phiền não tham sân si, mạn, nghi, ác kiến…và điều kiện tất yếu là chúng ta thấy được chân lý của khổ là một sự thật? Đức Phật dạy: “Sinh, lão, bệnh, tử khổ, ái biệt ly khổ, cầu bất đắc khổ, oán tắng hoại khổ, ngũ ấm xí thạnh khổ”. Nhưng đức Phật không phải chỉ ra sự thật của cái khổ để rồi chúng ta bi quan yếm thế, chán nản cuộc đời. Đức Phật chỉ rõ chúng ta chân lý sực thật của khổ đau (Khổ đế), Ngài chỉ rõ cho chúng ta nguyên nhân của khổ (Tập đế) và phương pháp diệt trừ khổ (Diệt đế) vào cảnh giới an lạc hạnh phúc Niết bàn là (Đạo đế). Cho nên trong khổ đau đức Phật chỉ cho chúng ta lối thoát, không phải chỉ khổ để rồi chỉ biết than thở chán nản.
Vậy nguyên nhân của khổ chính là tham ái, dục vọng của con người gây ra, khiến con người bám víu vào thân ngũ uẩn cho là của “ta”. Chúng ta quên rằng trong xác thân này từng sát na biến đổi liên tục của định luật vô thường, chúng ta càng bám víu sẽ càng khổ đau. Hãy quán chiếu cái thân ngũ uẩn này: sức khỏe, tri thức trong kiếp sống hiện tại nếu như ta sinh ra lục căn (tai, mắt, mũi, lưỡi, thân, ý) đi ngược lại với sự mong muốn của con người sẽ mang một nỗi khổ dằn vặt suốt đời với đôi mắt lé, mù, mũi hểnh, miệng méo hoặc câm, ngọng, tai điếc, thân lùn hoặc bị gù, ý bị thần kinh điên đảo. Nếu một người nào rơi vào một trong sáu (lục căn bất cụ) cảm thấy héo hon sầu muộn và ý nghĩa cuộc đời dường như đóng kín lại đối với họ. Hoặc có người thân hình xinh đẹp tướng hảo mỹ miều, thông minh tài trí hơn người, hằng ngày trau chuốt bản thân, bằng mọi thứ son phấn, quần áo trang sức…để hãnh diện với đời. Nhưng sự thật phũ phàng mang đến khi gặp một cơn gió độc, hoặc bị tai nạn xe cộ làm bị què, hoặc bị chấn thương thần kinh…đó là định mệnh! Chúng ta không thể nào làm chủ được cho nên cái thân ngũ uẩn này đối với định luật vô thường rất mong manh như ngàn cân treo sợi tóc, mới hôm qua còn vui cười gặp nhau đó, hôm nay đã mất rồi, hoặc chỉ trong một tích tắt thiên tai động đất sóng thần mấy chục ngàn sinh mạng ra đi về miền đất lạnh làm cho cảnh sinh ly tử biệt. Nhưng đó cũng là quy luật của cuộc sống - có sinh ắt có tử! Ai sinh ra cũng một lần chết, không ai tránh khỏi sự thật này, chỉ có điều sớm hay muộn mà thôi. Các pháp xưa nay theo lý duyên sinh của vạn vật, phải trải qua 4 chu kỳ sinh, trụ, dị, diệt hay thành, trụ, hoại, không. Có sinh phải có tử, có tụ phải có tán, một ngày qua đi chúng ta tiến gần đến với cái chết một ngày, sinh tử vô thường không hẹn một ai. Một người đang giàu sang sống hạnh phúc trở nên tán gia bại sản, tù đày, tâm đau khổ, tinh thần tán loạn điên đảo, mất trí trước sự mất mát lớn lao về tài sản hoặc chứng kiến trước cảnh sinh ly tử biệt của người thân ra đi. Biết bao nhiêu giọt lệ sầu rơi? Cũng có nhiều người bị những cú đấm tình cảm như trong hoàn cảnh ái biệt ly khổ, bị người tình bỏ rơi, hay sinh ly tử biệt. Qủa đấm này đau khổ biết chừng nào, hoặc oán tắng hội khổ, ghét nhau vẫn gặp mặt nhau hoài cũng là nỗi khổ…
Đức Phật dạy chúng ta thấy rõ sự thật của khổ, vô thường là để chúng ta nhìn nhận nó để rồi làm chủ nó, giải quyết vấn đền sinh tử khổ đau. Tất cả khổ đau hiện hữu là do chúng ta luôn ý niệm về cái “ta”, cho nên bất kỳ nơi nào có tham ái nơi ấy có quan niệm về cái “ta” và sự đau khổ.
Bởi vậy, hằng ngày chúng ta biết lắng đọng tâm tư quán chiếu về sự thật của khổ đau để chúng ta can đảm trải nghiệm khổ đau. Nếu chúng ta không gặp khổ đau thì đức Phật không thị hiện ra đời để độ sinh. Khi chúng ta gặp hoàn cảnh khổ đau dày xéo thân tâm, chúng ta phải biết chánh niệm tỉnh giác để làm chủ khổ đau, đừng bao giờ chùn chân và chán nản, bi quan trước gian nan khổ đau.
“Không đau khổ lấy gì làm chất liệu
Không lang thang đâu biết gió mưa nhiều
Không gian nan lấy gì thi vị hóa
Không lầm than đâu biết chuyện con người”
Đức Phật dạy sự thật khổ đau để chúng ta nổ lực tu tập giải thoát khổ đau, thay vì luôn cam chịu số phận, định mệnh rồi chịu thua nó. Chúng ta phải nổ lực đến cùng để chiến thắng nó. Con đường để thoát ra biển khổ trầm luân đòi hỏi chúng ta phải biết rõ nguyên nhân của khổ là do tham ái sinh ra. Từ đó hãy xóa hết ý niệm về cái “ta” thì cái tâm tham ái tự nhiên sẽ cắt đứt. Lúc bấy giờ hành giả sẽ cảm nhận hạnh phúc chân thật vắng mặt khổ đau, chân lý sự thật của cuộc đời phơi bày ra, cái hay của đạo Phật là bao giờ cũng có phương pháp để giải quyết vấn đề không phải để cầu lạy van xin. Cuộc sống chúng ta đau khổ, thì đi tìm nguyên nhân của khổ, để rồi diệt khổ, bấy giờ chúng ta sẽ hết khổ.
“Năm uẩn là gánh nặng
Kẻ gánh nặng là người
Cấm lấy gánh nặng lên
Chính là khổ ở đời
Còn đặt gánh nặng xuống
Tức an lạc ở đời
Đặt gánh nặng xuống rồi
Không mang thêm gánh khác
Nếu nhổ khát ái lên
Tận cùng đến gốc rễ
Không còn đói và khát
Đã giải thoát, tịnh lạc”
Chìa khóa vạn năng đức Phật để lại cho chúng sinh mở cửa giải thoát sinh tử luân hồi chính là giáo lý “Vô ngã”. Chúng ta hãy tu tập quán “Vô ngã” để diệt trừ tham ái.
Tu tập giáo lý “Vô ngã” đoạn trừ tâm tham ái
Đạo Phật xuất hiện giữa cõi đời được xem như là nguồn sống và chân lý sống cho con người, là linh dược để trị liệu tâm bệnh cho chúng sinh. Với sứ mạng thiêng liêng cao cả ấy, đạo Phật đi vào đời và gắn liền với cuộc sống, đối diện với sự thật của khổ đau để từ đó tìm ra những phương pháp linh diệu để diệt trừ khổ đau, đem lại niềm hạnh phúc an lạc cho con người, xây dựng cuộc sống tốt đẹp, xã hội văn minh lành mạnh, thế giới hòa bình. Tinh thần cao đẹp ấy đã thể hiện trong suốt 49 năm hành trình thuyết Pháp độ sinh của đức Phật. Ngài đã chỉ ra sự thật khổ đau và con đường diệt khổ.
Quả thật cuộc sống của con người vui ít, khổ nhiều. Những thất vọng chán chường, mâu thuẫn và những bi kịch thường diễn ra trên sân khấu của cuộc đời. Chúng ta thấy rằng kiếp sống con người như phù du tạm bợ, ai sinh ra đời cũng phải một lần sinh và lần tử. Định luật vô thường thật khắc nghiệt với loài người. Từ xưa đến nay chưa có một bậc “Vĩ nhân” nào tìm ra phương pháp giải thoát cái chết của kiếp người. Lành thay! Đức Phật xuất hiện giữa cõi đời như là một bước ngoặt trọng đại cho nhân loại. Ngài tìm ra con đường giải thoát cho chính Ngài và cho tha nhân. Ngài đã mở cánh cửa bất tử và vén bức màn vô minh để đưa chúng sinh thoát khỏi đêm trường đầy khổ lụy.
Mọi người thường quan niệm rằng “chết là hết”, “chết trở về các bụi” vì thế họ bi quan yểm thế, chán nản kiếp sống vô thường, và họ sống buông xuôi theo dòng đời, đắm say vào ngũ dục (tài, sắc, danh, thực, thùy) để cho thỏa mãn tâm dục vọng của con người. Nhiều người bảo rằng: “Còn sống nên hưởng thụ chết rồi còn đâu nữa để hưởng thụ”. Từ quan niệm sai lầm ấy con người tạo vô số điều ác: mưu mô chước quỷ, thủ đoạn lường gạt, tham nhũng, buôn gian bán lận, giết người cướp của, cờ bạc, rượu chè, hiếp dâm…tất cả những tội đó cũng chỉ để thỏa mãn cái tâm dục vọng đê hèn. Những nghiệp ác này tích tụ vào tâm thức, sau khi chết chẳng mang theo được gì, chỉ mang theo những thứ tội lỗi rồi trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi (thiên, nhân, a tu la, địa ngục, ngã quỷ, súc sinh) để trả quả báo.
Nhưng đức Phật bảo rằng chết không phải là hết, vì thế đức Phật đưa ra thuyết luân hồi tái sinh, phụ thuộc vào nghiệp lực tạo tác của mỗi con người. Làm thiện thì được sinh về cõi lành, làm ác bị đọa vào cảnh giới khổ đau (thuyết luân hồi, nhân quả) của đạo Phật giúp cho con người biết trở về cách sống đạo đức nhân bản, làm lành lánh dữ, giúp cho xã hội bình an, đời sống văn minh và tốt đẹp, thế giới hòa bình. Nếu những ai thực hành theo lời dạy của Ngài sẽ thoát khỏi khổ đau sinh tử luân hồi và chứng đắc cảnh giới Niết Bàn an lạc, đây là mục tiêu tối hậu cho những người học Phật.
Giáo lý của đức Phật có tám vạn bốn nghìn pháp môn tu được tóm thâu trong ba môn học: Giới, Định, Tuệ nhưng cũng chỉ cùng một vị đó là vị giải thoát. Do vì chúng sinh chấp “Ngã” cho nên đức Phật đã thuyết giáo lý “Vô ngã”. Vô ngã một trong Tam pháp ấn (vô thường, khổ, vô ngã). Giáo lý vô ngã được xem như là chìa khóa vạn năng để chúng ta tự mở cửa giải thoát, chính giáo lý Vô ngã giúp chúng ta dập tắt ngọn lửa tham ái ẩn tàng trong tâm đang rạo rực bùng cháy hằng ngày.
Vô ngã 無 我 (tiếng Sanskrit: anātman, tiếng Pāli: anattā), theo quan điểm của đạo Phật cho rằng không một “ngã” (ātman) một cái gì đó tồn tại, bất biến, nhất quán một cách độc lập nằm bên trong sự vật hiện tượng, mà các pháp biến đổi theo bốn giai đoạn (sinh, trụ, dị, diệt) hoặc (thành, trụ, hoại không). Đức Phật dạy chúng ta giáo lý Vô ngã để thấy rằng sự vô thường của các sự vật hiện tượng, không có một cái ngã tồn tại, không có chủ tể, vì ngoại đạo thường hay chấp thường chấp đoạn, Phật thuyết giáo lý vô thường. Ngoại đạo chấp ngã, Phật thuyết vô ngã để thấy rằng bản chất của vạn pháp là do duyên sinh giả hợp mà thành, hết duyên thì hoại, nó không có cái gì tồn tại để từ đó giúp hành giả đoạn trừ tâm tham ái. Chúng sinh vì căn tánh, trí tuệ sáng suốt (Phật tính) bị vô minh che lấp nên không thấy rõ chân lý của cuộc đời, của vạn pháp có sinh ắt có diệt, các pháp vô thường cho là thường, các pháp vô ngã cho là ngã, từ đó tâm vọng tưởng điên đảo chấp ngã thân của ta, nhà cửa tài sản của ta…để rồi ôm ấp nắm giữ không buông, khi nhắm mắt xuôi tay thì sinh lòng tham đắm lưu luyến, bị sinh tử luân hồi.
Trong cuộc sống con người luôn nắm bắt ý niệm “tôi” và “của tôi” vì vậy con người dong ruổi vật lộn với cuộc sống để tìm cầu, con người không ngừng tự gieo khổ cho mình và cho người khác, biến cuộc đời thành bể khổ không lường. Cho nên đức Phật thuyết giáo lý Vô ngã để xóa bỏ ý niệm về cái “ta”, là diệu dược chữa trị tâm bệnh tham ái của chúng sinh, hầu mang lại hạnh phúc an lạc hơn khi con người không còn quan niệm cái “ta” hiện hữu, thì lúc ấy lòng nhân ái chan hòa vị tha vô lượng khởi lên.
Khái niệm Vô ngã trong đạo Phật là để nhận chân sự vật hiện hữu do duyên sinh tạo thành mà có rồi biến đổi vô thường hủy diệt. Nhưng thể tánh của sự vật lại chơn thường, tâm cảnh thì có sinh có diệt, Phật tính thì bất sinh bất diệt. Cho nên dùng “Trí tuệ bát nhã quán thân ngũ uẩn giai không độ tất cả khổ ách”. Nhờ giáo lý Vô ngã mang đến đời sống tích cực diệt trừ tâm tham ái mang lại hạnh phúc an lạc ngay trong đời này và xây dựng một cuộc sống chân thiện mỹ cho gia đình, xã hội.
Chúng ta thực hành giáo lý vô ngã sẽ xây dựng cuộc sống từ bi, bình đẳng, có nhân quyền, công bằng trong cuộc sống, xã hội bình yên không có chiến tranh giữa các quốc gia xảy ra, không có sự kỳ thị chủng tộc cộng đồng và tôn giáo, vì thế đức Phật thiết lập giáo lý Vô ngã.
Ngày nay, con người vì cái “ngã” đã chạy theo những tài sản vật chất, danh lợi địa vị, quyền lợi quốc gia, chiếm đất đai những đất nước khác. Cũng vì mục đích riêng cho quốc gia của mình, vì cái “ngã” lãnh đạo quốc gia, cai trị độc đảng, độc tài, không có nhân quyền, tham nhũng quơ quét của dân tạo nên sự câm phẫn trong lòng dân, “tức nước sẽ lở bờ” – đó là quy luật tất yếu, dân chúng biểu tình, chiến tranh xảy ra thảm khốc, gieo rắc tai họa cho con người. Vì thế, sự tai hại của cái “ngã” rất lớn và nghiêm trọng. Nếu quốc gia nào dùng chính sách theo lý tưởng Vô ngã mọi người sống bình đẳng, có nhân quyền, làm việc với tinh thần vô tư không cầu lợi, nghĩ lợi ích chung cho quốc gia hơn là cung phụng cho cái “ngã” của mỗi cá nhân, thì quốc gia ấy sẽ bền vững được dân chúng tin tưởng, thì chế độ ấy được tồn tại bền lâu.
Lịch sử chứng minh cho chúng ta thấy rằng, quốc gia nào trên thế những người lãnh đạo mang tư tưởng độc tài, độc đảng cai trị, không có nhân quyền, thì dân chúng sẽ bạo loạn, chế độ sẽ sụp đổ, một minh chứng như nước Libya. Nguồn gốc dẫn đến sự xung đột nguyên nhân chính là sự bảo thủ cố hữu (chấp ngã) của người lãnh đạo quốc gia. Muốn giải quyết đoạn trừ nguyên nhân ấy đòi hỏi con người phải thay đổi tư tưởng, sống trong tình thương, có lòng vị tha, biết lắng nghe sửa đổi cái sai, cái bảo thủ của mình, tạo mối mật thiết với những quốc gia khác, không tạo ra sự hiềm khích, ganh tỵ, kiêu căng, tham nhũng hối lộ, dẹp bỏ mọi thành kiến giữa cá nhân và cá nhân, quốc gia này với quốc gia khác, biết lắng nghe tôn trọng mọi ý kiến để sửa đổi tư duy hữu ngã. Những tư tưởng độc tài, bảo thủ “chấp ngã”, đức Phật đã dạy mọi người từ bỏ cách đây hơn 2500 năm, tư tưởng ấy không làm cho xã hội văn minh phát triển, chỉ đưa con người đi vào sự nghèo nàn khổ đau. Cho nên hòa bình không thể dùng chiến tranh để giải quyết, Đức Phật dạy rằng: “chiến tranh nào cũng đem đến sự khổ đau vô lượng vô biên, chiến thắng sinh thù oán, bại trận sinh khổ đau. Cho nên phương pháp duy nhất là đừng có chiến tranh để giải quyết xung đột, phải tìm mọi phương pháp hòa bình để chấm dứt các bất đồng ý kiến và xung đột”. Như vậy: “Hòa bình là một kết quả ý chí quyết liệt và cuộc đấu tranh kiên cường để tự thắng bản thân là một vấn đề tự giáo dục, tự huấn luyện, dân chúng có thể yêu quý hòa bình như là một báu vật cần thực hiện”.
Ngược lại con người sống không có tình thương yêu lẫn nhau, cuộc sống chấp ngã trở nên khổ đau phát sinh nhiều sự xung đột nội bộ như Nam Hàn và Bắc Hàn những cuộc chiến tranh hiện nay như: Libya, Bờ Biển Ngà,…cũng phát sinh từ những người lãnh đạo có tư tưởng theo chủ nghĩa bảo thủ, độc tài “chấp ngã”. Đất nước không có nhân quyền, kinh tế nghèo nàn lạc hậu, giáo dục, văn hóa xã hội xuống cấp nghiêm trọng, vì thế nên dân chúng dễ dàng đứng lên để lật đổ chế độ độc tài. Đó là một tấm gương cho những quốc gia nào mang tư tưởng độc tài, độc đảng, không tôn trọng nhân quyền, không biết lắng nghe sửa đổi cái sai của mình tìm mọi cách để bảo vệ chế độ thì trước sau, sớm hay muộn chế độ ấy cũng bị sụp đổ. Theo quan điểm của đạo Phật mọi người biết sống và làm việc theo tinh thần “Vô ngã” đừng có lợi ích cá nhân, quốc gia có nhân quyền bình đẳng trong xã hội, làm việc với tinh thần bình đẳng, biết lắng nghe tôn trọng mọi ý kiến đóng góp xây dựng để sửa đổi đưa xã hội phát triển, thì chắc chắn rằng xã hội ấy, quốc gia ấy được ấm no hạnh phúc, dân giàu nước mạnh. Còn sống trong tư tưởng bảo thủ độc tài chỉ có mục đích duy nhất cung phụng cho mỗi bản “ngã” mỗi cá nhân con người mà thôi, không bao giờ đưa xã hội phát triển văn minh.
Ngày nay, chúng ta cũng thấy rằng: đạo đức vốn có của con người bị suy thoái toàn diện, những giá trị nhân bản đạo đức làm người cũng không có như: giết người cướp của, cờ bạc rượu chè, xì ke ma túy, hiếp dâm, tham nhũng,…giáo dục xuống cấp, văn hóa đồi trụy…những tội lỗi này cũng vì phục vụ cho dục vọng đê hèn của cái “Ngã”. Nguyên nhân chính cũng vì lòng tham ái mà ra, nhưng nhìn nhận khách quan hơn do xã hội kinh tế nghèo nàn, chênh lệch giữa giàu và nghèo quá lớn, những người có quyền có chức thì giàu sang tột bậc, nông dân thì đói khổ. Mặc dù họ biết giết người cướp của là phạm tội tử hình, nhưng vì sự sống để bảo vệ cái “ngã” họ vẫn làm. Nếu một quốc gia nào biết lo đời sống nông dân ấm no hạnh phúc, sự chênh lệch giàu nghèo không có thì chắc chắn rằng quốc gia ấy sẽ không có vấn đề tệ nạn xã hội, cướp của giết người…Thời cuộc, hoàn cảnh xã hội đầy rẫy điều xấu làm cho đạo đức xã hội bị băng hoại, luân thường đạo lý bị đảo lộn, con người chà đạp lên sự sống nhân phẩm của người khác để kiếm sống. Trước một xã hội như thế thì phương pháp, diệu dược để trị liệu hữu hiệu nhất là con người sống phải xóa bỏ bản “ngã”. Có cái nhìn sáng suốt (chánh kiến), hành động đúng đắn trong công việc (chánh nghiệp), suy nghĩ đúng đắn (chánh tư duy), sống một cách đúng đắn đạo đức làm người (chánh mạng). Nói chung, con người biết áp dụng tu tập vào Bát chánh đạo và tuân thủ năm giới căn bản nền đạo đức làm người trong xã hội (không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu) để tu tập diệt trừ ái dục của con người thì chắc chắn rằng giá trị nhân bản đạo đức của người không bao giờ đánh mất. Như vậy mới kiến tạo một xã hội có nền đạo đức văn hóa tốt đẹp, đưa cuộc sống con người trở về chân thiện mỹ. Đó là một chân lý không phải những điều mang tính chất trừu tượng siêu hình, phù phiếm. Do vậy chúng ta biết quay về với đạo Phật là quay về cuộc sống chân thiện mỹ, quay về chính mình để tìm lại hạt minh châu (Phật tính) từ lâu bị chôn vùi dưới dòng sông ái dục và cát bụi của vô minh, chúng ta biết thức tỉnh tu tập để đoạn trừ cái “Ngã” đạt đến tinh thần “Vô ngã”, thì bấy giờ chúng ta đang sống trong cảnh giới Niết bàn an lạc vô sanh bất diệt.