Phật Giáo và Phật Đản 63 Hoàng Nguyên Nhuận http://sachhiem.net/HOANGNN/Hoang34.php 02-May-2013
2. Không có cuộc vận động đó thì một phần lớn tăng ni biến thành những ông thầy chỉ biết đọc Bạch Y Thần Chú và lịch Tam Tông Miếu để chuyên việc cầu siêu, bói toán, cúng sao giải hạn. Và Phật giáo Việt Nam chỉ là những hội đoàn rời rạc lẻ tẻ tương tự hội tương tế, hội thể thao. 3. Không có cuộc vận động 1963 đó thì Phật giáo Việt Nam vẫn mãi bị liệt vào hạng mê tín dị đoan, chậm tiến, lạc hậu. Đây là định hạng mà đế quốc thực dân đã gán cho không chỉ Phật giáo mà cho tất cả những thế lực hay thành phần không chịu đầu hàng để bị đồng hóa. 4. Biến cố Phật Đản 1963 là đỉnh cao của phong trào thoát xác - hay đổi mới hay canh tân, mà hàng lãnh đạo cấp tiến của Phật giáo đã phát động từ thập niên 1920 để Phật giáo có điều kiện bắt kịp nhu cầu và hoàn cảnh Việt Nam cũng như nhân loại về cả hai phương diện tu học và phục vụ. 5. Mục tiêu của phong trào đổi mới đó là phục hoạt chủ trương Phật pháp bất ly thế gian pháp và truyền thống tự giác nhi giác tha của Phật giáo Lý Trần. 6. Quyết tâm phục hoạt đó đẩy người Phật tử khỏi hoàn cảnh mơ màng mộng mị, mủ ni che tai hoặc để nhận ngoại nhân ngoại đạo và những quyền lực thế trị bản xứ công cụ là chủ nhân ông của đất nước về cả hai phương diện thế trị và tâm linh. 7. Khẩu hiệu nhập thế của Phật giáo Việt Nam từ biến cố 1963 đó là Đạo Pháp và Dân Tộc. Tùy khế cơ khế lý mà phân công phục vụ đạo pháp theo hoàn cảnh của dân tộc hay phục vụ dân tộc theo ánh sáng của đạo pháp. 8. Hoàn cảnh đất nước ngặt nghèo của giai đoạn 1963-1975 chưa cho phép Phật giáo có thì giờ và điều kiện chuẩn bị đầy đủ hơn để đảm nhận vai trò mới, chu toàn nhiệm vụ mới hữu hiệu hơn như mong ước. Chưa kể là một số hữu trách đã bị cuốn hút vào những cơn lốc thời cuộc nên vô hình chung trở thành những tên lính đánh thuê cho ngoại nhân ngoại đạo. Chưa kể là những thế lực vọng ngoại, chủ chiến, độc tôn đã chụp mũ Phật giáo là tranh đấu xáo trộn, chủ hòa, trung lập, dân tộc quá khích, là thân cộng, là cộng sản, là phản động để có lý do phá hoại ngăn chận và đàn áp Phật giáo. 9. Thế nhưng trong hoàn cảnh khó khăn gian nan đó, một phần Sơn Môn và Phật tử hữu trách cũng đã cố hết sức chu toàn trách nhiệm lãnh đạo và hướng dẫn của mình theo chiều hướng Cách mạng xã hội - Độc lập quốc gia - Hòa bình dân tộc để phát triển ý thức tự do dân chủ, ý chí tự quyết tự chủ, ước nguyện hoà giải dân tộc, chuyển hóa những hận thù tương tàn huynh đệ, góp phần thâu ngắn cuộc chiến. Thông thường, đó không chỉ là những đóng góp bằng kinh nguyện thôi mà còn bằng khổ nhục, lao tù, bằng nước mắt và máu. 10. Trước 1963, Miền Nam không có dân chủ, không có tự do chính trị, chỉ có chính quyền của những tập đoàn thiểu số do ngoại nhân áp đặt. Đệ nhất Cộng Hòa tự suy tôn với 99 phần trăm phiếu ma qua cuộc trưng cầu dân ý một chiều tiền định. Tổng Thống và các Dân Biểu đệ nhất Cộng Hòa được hợp thức hóa bằng 99 phần trăm phiếu trong những cuộc bầu cử độc diễn. Cuộc vận động bình đẳng tín ngưỡng kết hợp với dân chủ thế trị của Phật giáo đã phần nào đã chấm dứt tệ trạng đó. Cho nên, Tổng Thống và Nghị sĩ, Dân biểu, Nghị viên gia nô của Đệ Nhị Cộng Hòa không còn dám trâng tráo tự hợp thức hóa với số phiếu bầu 99 phần trăm như trước. 11. Những kẻ hôm nay ồn ào đòi tự do dân chủ nhân quyền đã ở đâu, làm gì khi Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa chủ trương xem lá phiếu như cuộn giấy vệ sinh muốn kéo ngắn kéo dài bao nhiêu tùy ý thế đó? 12. Sự quá độ từ một chế độ phồn vinh giả tạo sang một chế độ xã hội nhân bản dân tộc phải được khởi phát bằng sự quá độ từ chuyên chính vô sản sang dân chủ và tự do. Chế độ đương hành cũng không thể viện bất cứ lý do gì để trì hoãn việc để cho người dân thực thi quyền tự do dân chủ thế trị của họ. Chuyên chính vô sản có thể đáp ứng yêu sách cách mạng kháng chiến, nhưng đất nước đã sạch bóng quân thù, tại sao phải duy trì chính quyền như một hội kín vận hành theo định lý nhất Thân, nhì Thế, tam Quyền, tứ Chế, khoan nói đến những định chế được thiết lập một cách dân chủ để bảo vệ dân chủ tự do và nhân quyền? 13. Những người có tâm huyết thao thức về hiện tại của chế độ và tương lai của đất nước đã thấy rõ nạn tham lam thụ hưởng và nạn cậy quyền tham ô không thể triệt hạ bằng nghị quyết, bằng thông tư, bằng luật lệ của Quốc Hội thôi, mà còn bằng văn hóa, đạo đức và ý thức tự giác. Ngày xưa nhờ chiến thuật Ba Mặt Giáp Công mà chiến thắng ngoại thù, ngày nay cũng phải có Ba Mặt Giáp Công để triệt hạ nội thù. Ba mặt giáp công hôm nay là chính trị - giáo dục - tín ngưỡng. Đó là căn bản hợp tác và tương cầu tương kính giữa thế trị và luân đạo. Đó cũng là điều kiện dấn thân của Phật giáo. 14. Chỉ có những kẻ ngu tận mạng mới có thể nhìn thấy đạo Phật là một tôn giáo theo nhận định của Marx. Marx không biết gì về đạo Phật, khoan nói là đã ngửi thấy mùi a phiến qua đạo Phật Việt Nam. Bệnh tả khuynh ấu trĩ đã biến cuộc cãi tạo xã hội chủ nghĩa tại Miền Nam sau 1975 đã lặp lại y nguyên những sai lầm ngoan cố của cuộc cãi cách ruộng đất ngày xưa mà Phật giáo là một nạn nhân đau thương oan ức chính. Bao giờ thì những kẻ có trách nhiệm trong chế độ hôm nay mới sám hối và đền tạ hết những oan khiên đã gây ra cho Phật giáo? 15. Nhưng người Phật tử sống để trả nợ chứ không phải đòi nợ. Trả nợ là tự nguyện nhận phần trách nhiệm của mình đói với tổ quốc và nhân loại. Về thế trị, Sơn Môn không thể chối bỏ trách nhiệm tiếp tay thúc đẩy quá trình chuyển hóa quá độ từ chuyên chính vô sản sang dân chủ tự do hợp tình hợp lý. Sự tiếp tay đó có thể đặt Phật giáo vào vị thế thân chính hoặc đói chính căn cứ trên đối thoại xây dựng chứ không phải một mất một còn. Đòi phủ nhận thực tại Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất thì cũng phi lý như đòi phục hoạt Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất theo đúng nguyên trạng trước 1975. Vì trên danh nghĩa thời đó đã có hai giáo hội là Ấn Quang và Việt Nam Quốc Tự rồi. Hàng lãnh đạo Phật giáo phải giải quyết điều đó, và chính quyền phải tiếp tay giải quyết điều đó, vì lẽ công chính của lịch sử và vì nhu cầu của đất nước. 16. Trong quan hệ với chính quyền, hàng lãnh đạo Sơn Môn, nếu không phải là những Thái Thượng Hoàng thì cũng là những trọng tài công minh về đường lối chính sách và cách thực hiện những đường lối chính sách đó. Nghĩa là nói rõ những gì cần được thực hiện vì tự do vì dân chủ vì nhân quyền để làm nền tảng cho những phê phán sai trái chế độ đã vấp phạm, và đề nghị những biện pháp sửa sai. 17. Sơn Môn không lãnh đạo đấu tranh lật đổ chính quyền, khoan nói là cướp chính quyền. Chính quyền không coi thường những khuyến cáo của Phật giáo thì Phật tử khốn đốn khổ nhục nhưng các tầng lớp quần chúng sẽ đứng lên và chính quyền sẽ suy vong. Bằng chứng là cuộc đấu tranh của Phật giáo năm 1963 chấm dứt đêm 20 tháng 8 khi tất cả thành phần lãnh đạo và tham gia phong trào vào tù chứ không phải chấm dứt vào ngày 2 tháng 11 khi Đệ Nhất Cộng Hòa bị lật đổ. Với Phật tử, đấu tranh trước sau vẫn là cảnh tỉnh và giác ngộ. 17. Phật Đản là cơ duyên để các hàng Phật tử phản tỉnh và tự giác về những bài học đó và về những trách nhiệm khả dĩ của mình đối với tổ quốc đồng bào. Phật giáo hải ngoại hai mươi lăm năm qua đang đứng ở đâu và đã làm được gì, và có thể làm được gì? 18. Trả lời câu hỏi đó thì trước tiên phải minh định những ưu tiên của hạnh nguyện phân công phục vụ đạo pháp và dân tộc. Vì pháp thân là quê hương tổ quốc như Lục Tổ Huệ Năng bảo, nên dù không đặt nặng Nam Bắc Đông Tây, Phật giáo vẫn không phải là một tôn giáo quốc tế, vô tổ quốc, phi dân tộc, khoan nói là phản dân tộc. 19. Phật giáo phải bảo vệ và vun quén tổ quốc vì tổ quốc là hoàn cảnh ngoại tại thiết yếu để cùng hoàn thành lý tưởng làm người. Nhu cầu của hoàn cảnh ngoại tại đó ở Việt Nam trước 1975 là độc lập và hòa bình, sau 1975 là hòa giải dân tộc, củng cố tự chủ và tái thiết đất nước. 20. Một người tị nạn bình thường nói rằng bỏ xứ ra đi vì lý tưởng thì còn nghi ngờ được, nhưng một nhà sư mà nói như thế thì ai cũng có thể tin là thật, phải tin là thật. Bởi vì, nếu họ không ra đi vì lý tưởng, vì nhu cầu tu tập và hướng dẫn kẻ khác tu tập nhà sư đó không phải là kẻ đã xuống tóc tự nguyện tối thiểu hành trì ngũ giới, thập thiện và 58 giới bồ-tát. 21. Trong hai triệu người ly hương hiện tại, tối thiểu cũng có một nửa nếu không tự nhận mình là đạo Phật thì ít ra cũng chưa theo một đạo nào khác đạo Phật, và cũng không đính chính hay phản đối nếu kẻ khác coi mình như theo đạo Phật. Đem số ấy so sánh với số chùa am được thiết dựng thì tỷ lệ đó là một số lượng đáng khích lệ. Trong khi nhà thờ bỏ trống tàn tạ thì chùa miếu mọc lên theo mức độ chẳng kém gì tốc độ nhà thờ mọc lên ở khu Hố Nai Gia Kiệm Cái Sắn trước 1975. Nhưng có hai điều đáng suy nghĩ. Thứ nhất, chùa thường mọc ra trong mấy khu đông dân cư hơn là nơi thanh vắng tỉnh lặng. Nếu đã chủ trương tu chợ như thế thì cạo đầu ở chùa làm gì? Thứ hai số người xuất gia không bắt kịp số chùa được thiết lập. Tương lai có thể là không phải nhiều sãi không ai đóng cửa chùa, nhưng là không có sãi đóng cửa chùa. 22. Hai điều Tăng già hải ngoại có thể làm là thứ nhất, duy trì và phát triển ý thức tu học trong hàng ngũ đồng hương đang lao đao tán loạn vong thân vì chuyện đổi đời cũng như trong những người bản xứ đang thất vọng với tín ngưỡng truyền thống của họ. Thứ hai, làm cho thế giới hiểu rõ hơn truyền thống và hạnh nguyện của Phật giáo Việt Nam, hiểu rõ hơn về hoàn cảnh Việt Nam sau gần nửa thế kỷ chiến tranh. Thư ba, gây thiện tâm đóng góp vào các Phật sự ở quê nhà và tiếp tay gầy dựng lại xứ sở. Dù đông hơn về số lượng so với Tăng Ni các nước khác, một số Tăng Ni Việt Nam Hải ngoại đã không có gì đáng tự hào về kết quả thực hiện ba mục tiêu đó. Nhìn vào thành tích Phật sự của Phật giáo Tây Tạng, Phật giáo Trung Hoa, Phật giáo Thái Lan... ở ngoại quốc thì thấy rõ. 23. Nhìn theo quan điểm đó thì có lẽ phải nói một số tăng già cũng như cư sĩ hải ngoại phải quỳ hương sám hối. Vì họ quên họ là những người đang sống nhờ cơm áo đàn na tín thí để tu hành và làm làm gương cho kẻ khác tu hành, để yêu nước và làm làm gương cho kẻ khác yêu nước, để phục vụ nhân quần và làm gương cho kẻ khác phục vụ nhân quần, quên mình là người đang sống trên những đất nước văn minh tiến bộ đang cần những nếp sinh hoạt tâm linh mới để điền khuyết những suy tư tín ngưỡng truyền thống đã thoái hóa lỗi thời. Họ lây cái bệnh mất nước của những kẻ nô lệ vọng ngoại từng cậy thế Pháp, thế Mỹ, thế Vatican để làm mưa làm gió suốt bao nhiêu năm cho đến ngày di tản năm 1975. Họ lây cái bệnh mất nước đó và họ trở thành đồng lõa của những con bệnh bất trị đó. Chỗ nào có danh nghĩa chính trị liên tôn chống cộng phục quốc là họ lăng xăng nhào tới như ruồi thấy mật, như thiêu thân thấy ánh đèn. Vì cầu an, vì tư lợi, vì hư danh, họ muốn lợi dụng thiên hạ và tự nguyện để cho thiên hạ lợi dụng tín ngưỡng, tôn sư, tín đồ và chính cá nhân họ. Họ tự biện minh rằng họ có làm như vậy để xây chùa to thì khi chết họ cũng không đem theo và để lại cho kẻ khá hưởng thôi. Không biết có phải họ muốn nói rằng cứu cánh biện minh cho phương tiện không? Nhưng kinh sách có chỗ nào dạy họ phải đóng vai ma quỷ hoạt đầu chính trị để độ người không? Kinh sách có chỗ nào dạy phải đi vay ngân hàng để xây chùa rồi biến Phật sự thành một business để trả nợ? Tình trạng nầy dĩ nhiên chẳng mới mẽ gì vì Mâu Bác từ 18 thế kỷ trước trong quyển Lý hoặc Luận đã nói đến cảnh 'sa-môn mê thích rượu ngon, hoặc nuôi vợ con, mua rẻ bán đắt, chuyên làm điều dối trá.' Chỉ tội cho hàng Phật tử, và tội nghiệp cho chính các nhà kinh doanh bằng kinh sách và pháp khí nầy. 24. Phật tử không đóng cửa sập cầu, không coi thường hay rắp tâm lợi dụng các tôn giáo bạn, nhưng cũng không thể việc nhà thì nhát việc chú bác thì siêng, do đó phải tạm thời để chuyện liên tôn liên đảng một bên để tránh khỏi bị thiên hạ lợi dụng số đông của mình vào những mục tiêu riêng, quyền lợi riêng của họ. Tại sao Hòa Thượng Quảng Độ lâm vào cảnh đầy thiện chí liên tôn cười ra nước mắt khi đặt bút ký vào Lời Kêu Gọi ngày 24.9.1999 với mấy vị Kitô giáo, Hòa Hảo, Cao Đài không có quyền đại diện cho ai cả? Tại sao Hồng Y Phạm đình Tụng chối từ ký tên vào một lời kêu gọi ôn hòa hợp lý như thế khiến Linh Mục Chân Tín phải mang tiếng lừa dối Hòa Thượng Quảng Độ? Hai câu hỏi đó đủ giải thích tại sao trong Thông Bạch mới nhất ngày 21.4.2000 gởi nhà nước Việt Nam, Hòa Thượng Huyền Quang đã không núp bóng liên tôn liên đảng nhân quyền, không ném đá dấu tay tránh gian nguy tranh công đầu, không rắp tâm lợi dụng và xúi bẩy các tôn giáo khác đội nón rơm chữa lửa dùm, Hòa Thượng chỉ nhân danh Phật giáo để hiên ngang đơn thương độc mã trực diện với nhà nước về những thiếu sót, bất công sai lầm của nhà nước. 25. Với thiện tâm thiện chí, người Phật tử có thể làm những việc hữu ích cho số đông. Vụ cứu lụt vừa qua là một bằng chứng. Nhưng làm gì thì cũng đừng đi xa mục tiêu hàng đầu đạo pháp và dân tộc, là giải nghiệp và trả nợ quê hương bằng cách tiếp trợ cho Phật giáo tại quê nhà và góp phần tái thiết đất nước. Việt Nam và Phật giáo Việt Nam là phần chân như, là phần chúng sinh đồng loại người Phật tử phải quan tâm đến trước hết. 26. Trên căn bản vì lợi ích của chúng sanh và quê hương, nếu mỗi người Phật tử lưu vong gốc Việt hoan hỉ mỗi tháng góp một đồng hay một năm mười đồng thì có dự án nào không thực hiện được, có kế hoạch nào không thi hành được. Thiện tâm thành ý có thừa nhưng phải có dự án, phải có kế hoạch. Đây là công việc Sơn Môn và các hàng Phật tử hữu tâm hiếu hoạt phải nghĩ đến thay vì mất thì giờ với chuyện xây chùa to Phật nhỏ, lập giáo hội mới hữu danh vô thực, hay ngớ ngẫn chạy theo những sư tử trùng, những cáo già và ma trơi chính trị vô tình làm ngựa cho họ cưỡi. Sơn môn và Phật tử có quyết làm không? Hoàng Nguyên Nhuận http://www.chuyenluan.net/index.php?option=com_content&view=article&id=5023:phat-giao-va-phat-dan-63&catid=91:gioi-thieu
Các bài cùng tác giả▪ 0000-00-00 - Về Một Tài Hoa Đa Đoan - Hoàng Nguyên Nhuận - |