(Trích lục từ Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện)
Người giảng: Lão Pháp sư Tịnh Không
Địa điểm: Học hội Tịnh Tông Singapore
Thời gian: Tháng 09 năm 1998.
Chúng sanh tạo tác ác nghiệp, đó là cội gốc chân thật của bệnh khổ. Bởi vì Phật, Bồ Tát, A La Hán không tạo ác nghiệp, cho nên các Ngài không bệnh. Đạo lý chính ngay chỗ này. Nếu Phật Bồ Tát bị bệnh thì đó là thị hiện, đó là hoằng pháp. Ví dụ như bệnh của Ngài Duy Ma Cật là hoằng pháp lợi sanh, không phải Ngài bệnh thật, Ngài không thể bị bệnh, Ngài không có lý do gì để bị bệnh. Tất cả chúng sanh khởi tâm động niệm, ý niệm vi tế chính mình cũng không biết. Chúng ta sau khi học Phật rồi, đọc kinh rồi, mới biết được có có ý niệm này. Dù là ý niệm nhỏ, vi tế, nhưng nếu như ý niệm này không phải là niệm thiện thì ý niệm đó sẽ ảnh hưởng đến sinh lý. Nếu như có ý niệm ác lớn thì có thể thay đổi cả thể chất. Các nhà khoa học hiện tại, những bác sĩ thời hiện đại dần dần cũng đã hiểu ra được cái đạo lý này rồi. Cho nên người có tâm lý khỏe mạnh, người có tâm tư ổn định, người có tâm tư tốt, dù bệnh nghiêm trọng có đến với họ thì thân thể họ sẽ rất dễ dàng hồi phục. Người thông thường cho rằng đây là kỳ tích, kỳ thật việc này đâu phải kỳ tích gì, nó có đạo lý của nó.
Cư sĩ Lý Mộc Nguyên chính là một điển hình rất tốt. Mười năm trước ông bị bệnh ung thư, những kết quả xét nghiệm của ông hiện nay vẫn còn đó, dường như ông có hơn 30 tấm phim X quang, ông mang ra hết cho tôi xem, trong lục phủ ngũ tạng đều có tế bào ung thư. Bác sĩ nói ông chỉ còn sống được không quá 3 tháng, nhiều nhất là 6 tháng, đó thật là không còn cách gì cứu. Ông liền buông bỏ vạn duyên, việc hậu sự đều dặn bảo xong, một lòng niệm Phật, cũng không khám bác sĩ, cũng không thèm uống thuốc, chỉ đợi vãng sanh. Việc này là gì vậy? Tâm của ông khỏe mạnh, tâm tư ổn định, dùng cái sức mạnh này làm cho tế bào ung thư bị tiêu mất, dùng loại sức mạnh này hồi phục lại thân thể bình thường. Việc này bác sĩ gọi là kỳ tích, chúng ta thấy thì không phải kỳ tích, việc rất bình thường. Ý niệm có thể chuyển đổi được sinh lý của một con người.
Cho nên thành thật mà nói, ung thư không thể chết người. Ung thư vì sao mà chết vậy? Sợ mà chết! Tôi nói đều có căn cứ trên đạo lý, không phải là lời giả dối. Tất cả bệnh nhân ung thư đều là bị hù chết, bạn nói xem có oan uổng lắm hay không? Cho nên bệnh không thể giết được người, mà đều là do lo sợ mà chết. Chính mình cảm thấy rất là khiếp sợ, ngày ngày lo lắng, ngày ngày sợ chết, ngày ngày nghĩ đến cái chết thì họ làm sao mà không chết chứ? Họ đương nhiên sẽ chết. Cho nên chúng ta nhất định phải hiểu rõ việc này, biết được làm thế nào có thể khắc phục bệnh khổ. Bệnh nhất định là do nghiệp chướng, khi nghiệp chướng hiền tiền thì phải biết làm thế nào tiêu trừ nghiệp chướng. Phương pháp tiêu trừ nghiệp chướng tốt nhất là đoạn ác tu thiện, tích công bồi đức, một lòng niệm Phật.
Phật là chí thiện, tất cả thiện pháp của thế xuất thế gian không có gì thiện hơn. Cho nên niệm Phật là đệ nhất thiện, niệm Phật đích thực là có thể giải quyết tất cả vấn đề. Vì sao không chịu niệm Phật chứ? Nếu như nói niệm Phật là mê tín, vậy phía trước nói bạn tạo tội nghiệp cực trọng, mê tín niệm Phật cũng có thể được phước huống hồ bạn có thể có chánh tín. Bạn có thể hiểu rõ, hiểu tường tận mà niệm Phật được lợi ích, thì mê tín niệm Phật (chân thật là mê đắm) cũng có thể được phước, bởi vì họ có thể y giáo phụng hành, họ cũng có thể đoạn ác tu thiện. Tuy họ không thông hiểu đối với đạo lý này nhưng họ thật chịu làm, chịu làm thì được phước. Chúng ta phải hiểu rõ cái đạo lý này.
Đoạn sau cùng này, chỗ giải thích này là: “thử giai thị, nghiệp đạo luận đối, vị định khinh trọng, hoặc nan xả thọ, hoặc bất đắc dũ, nam nữ tục nhãn, bất biện thị sự”. Ở đoạn này Phật nói với chúng ta, bệnh nghiệp chướng thứ nhất là nằm lâu ngày trên gường, cầu sống không được, cầu chết cũng không thể, đó là do nguyên nhân gì vậy? Nguyên nhân có rất nhiều loại.
Có một loại là do oan gia trái chủ của họ vào lúc này cáo trạng với vua Diêm La, họ đến nơi đó để biện luận. Việc này vẫn chưa định án, cho nên bệnh của người đó vẫn chưa có khởi sắc. Đây là một loại, đích thực là có.
Loại thứ hai là họ không chịu xả bỏ được mạng, họ vẫn còn phước báo vẫn chưa hưởng hết, họ không chịu xả phước báo đó. Nếu họ chịu xả bỏ thì vấn đề dễ giải quyết rồi. Họ không chịu xả bỏ, vẫn tiếp tục muốn hưởng phước, vậy thì chỉ có nằm trên gường mà hưởng.
Loại thứ ba là “hoặc bất đắc dũ”. Trong loại thứ ba này nhất định có một số nguyên nhân khác biệt. Bệnh của họ sẽ không thể hết được, nhưng họ lại không thể chết. Người thế gian chúng ta xem thấy việc này, thấy hiện tượng này nhưng không hiểu rõ nguyên nhân chân thật của nó. Việc này đều là nghiệp báo cùng oan gia trái chủ đến là đòi nợ mới có phát sanh ra những sự việc này. Người thế gian không có thiên nhãn, không có túc mạng thông nên không hiểu được chân tướng sự thật. Thế nhưng có một nguyên tắc là chỉ cần tu phước thì được. Bao gồm tất cả những nhân bệnh tuy là không giống nhau, bạn tu phước thì nhất định rất tốt.
Đoạn sau đây dạy cho chúng ta “Đản đương đối chư Phật Bồ Tát tượng tiền, cao thanh chuyển đọc thử kinh nhất biến”. Đây là dạy cho chúng ta phương pháp. Việc này trong phân khoa nói là “tu phước thoát tội”, đó là nói đọc kinh. Đọc kinh có thể có hiệu quả hay không? Quyến thuộc người nhà của họ ở ngay trước mặt Phật Bồ Tát, lớn tiếng đọc kinh này một biến, xem thử xem có hiệu quả hay không? Kết quả thì sao? Kết quả là không có hiệu nghiệm. Đừng nói là đọc một biến, cho dù đọc mười biến, đọc một trăm biến, một ngàn biến đều không hiệu nghiệm. Mấu chốt là do đâu vậy? Mấu chốt là ở cách đọc tụng kinh. Cách đọc tụng kinh phải như thế nào? Phải tâm chân thành cung kính mà đọc, trong lúc tụng kinh mà khởi vọng tưởng thì không được, thì không hiệu nghiệm.
Lần trước tôi nói với các vị về câu chuyện của Thích Kế Quang chẳng phải rất rõ ràng sao? Đó là đọc Kinh Kim Cang. Kinh Kim Cang rất ngắn, chỉ có hơn năm ngàn chữ. Cho nên trong lúc đọc kinh mà có chút xen tạp thì không có hiệu lực. Kinh dài đến như vậy, đọc hết một bộ, ngay trong lúc tụng khởi lên vọng tưởng thì không có hiệu lực. Do đó kinh văn từ “như thị ngã văn” đến “tín thọ phụng hành” đọc qua một lượt mà không có một vọng niệm thì có hiệu lực. Bạn xem, ở Trung Quốc người thế gian vẽ bùa rất thịnh hành. Khi vẽ một đạo bùa thì bùa thật linh, niệm chú thì chú cũng rất linh. Linh ở chỗ nào vậy? Linh ở thành, dùng tâm chân thành để họa một đạo bùa. Người vẽ bùa hiểu được khi họ vừa đặt bút xuống, vẽ xong một đạo bùa mà không khởi vọng niệm thì đạo bùa này linh. Bình thường phải luyện tập, vẽ được thuần thục rồi, khi đến lúc vẽ thì không có một vọng niệm khởi lên, khởi lên một vọng niệm thì đạo bùa này không linh. Niệm chú cũng là như vậy, vì sao khi người ta niệm chú Đại Bi có thể trị được tất cả bệnh? Khi niệm chú không khởi một niệm. Đọc kinh cũng là như vậy. Khi đọc bộ kinh này không có một vọng tưởng thì việc đọc kinh này liền được linh nghiệm, thì có năng lực. Một mặt đọc kinh, một mặt khởi vọng tưởng thì không thể linh được. Then chốt ở ngay chỗ này.
Bạn muốn hỏi, vì sao người khác đọc cho họ một bộ kinh thì họ liền có được lợi ích phải không? Bạn nên nghĩ đến đoạn trước, việc làm của Quang Mục Nữ, Bà La Môn Nữ thì liền hiểu rõ ra. Họ có được lợi ích này nhưng chỉ được một phần bảy, còn sáu phần bảy là người đọc kinh được. Nếu như không bởi vì họ bệnh thì bạn sẽ không đi đọc kinh, sẽ không chuyên tâm đến như vậy mà đọc. Đạo lý ngay chỗ này. Bởi vì nhân duyên họ bị bệnh nên thành tựu công đức đọc kinh của bạn, nên họ hưởng thụ một phần. Nếu bạn đọc hai bộ, họ sẽ hưởng thụ được hai phần. Cho nên có được con cái hiếu thảo, thân bằng quyến thuộc hiếu thuận, có thể y theo phương pháp này mà tu hành sẽ có được ông đức và lợi ích không thể nghĩ bàn. Đây là công đức lợi ích thù thắng nhất.
Phía sau là nói đến, một con người ở ngay trong một đời, có thể có được mấy lần chuyên tâm như vậy mà đọc kinh? Hy hữu khó được. Đọc kinh như vậy chính là hiển lộ ánh sáng tự tánh. Thí dụ chúng ta đang ở trong chỗ tối đen mờ mịt thời gian đã quá lâu xa rồi, đọc một bộ kinh cũng giống như một ánh chớp lướt qua một lần. Trong trăm ngàn kiếp khó có được ánh sáng chớp một lần, lần này tuy là ánh sáng chớp một lần nhưng ánh sáng lần này rất là hiếm có. Đây là lần đầu tiên họ có được. Có lần đầu tiên thì sẽ có lần thứ hai, thì sẽ có được lần thứ ba. Cũng giống như Niệm Phật đường hiện tại này của chúng ta, mọi người đến nơi đây niệm Phật một ngày hoặc là niệm một giờ đồng hồ, niệm hai giờ đồng hồ, bạn sẽ cảm thấy không khí của niệm Phật đường không như nhau, bạn ở trong đó dễ dàng nhiếp tâm, ngay trong đời này của bạn, khó gặp được hai lần. Bạn chính mình cảm thọ, chính mình thể nghiệm. Chúng tôi bình thường muốn nói với bạn nhưng rất khó nói ra được, bạn cũng rất không dễ gì thể hội được. Bạn đến nơi đây chính mình niệm qua vài ngày thì hiểu rõ, thì cảm thụ được. Đó là lợi ích chân thật. Bạn cảm nhận được rồi thì bạn sẽ thường hay nghĩ đến niệm Phật, sẽ làm cho cái tâm niệm Phật của bạn được phát khởi, làm cho bạn hứng thú niệm Phật. Cho nên công đức của niệm Phật đường nay rất lớn. Đạo lý chính ngay chỗ này.
Niệm Phật nhất định phải dùng tâm chân thành mà niệm. Việc này thường nói là không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn. Nhất định phải niệm ra tâm thanh tịnh của bạn. Tâm thanh tịnh là chân tâm, vọng niệm đã phủ kín chân tâm hiện tiền. Công đức ở ngay chỗ này. Trong kinh Phật nói: “để tâm một chỗ thì việc gì cũng làm được”. Việc này là nói ngay trong khoảng thời gian bạn tụng bộ kinh này (tụng bộ kinh này ít nhất cũng phải một tiếng rưỡi đến hai tiếng đồng hồ), bạn phải để tâm một chỗ thì có thể sanh ra hiệu quả to lớn như vậy. Cho nên đây là công đức bậc nhất. Đây là chính, phía sau là trợ duyên.
“Hoặc là đem đồ vật mà người bệnh ưa thích, hoặc là y phục của báu, ruộng vườn nhà cửa”, đây chính là những tài vật của người bệnh, không luận nhiều ít, nhất định phải dùng để tu phước. “Đối trước người bệnh mà nói lớn lên cho họ biết”, làm phước cho họ phải cho họ biết, đặc biệt là khi người sắp lâm chung, đầu óc của họ vẫn còn tỉnh táo, phải nhắc nhở họ là ngay trong đời này họ đã làm được rất nhiều việc tốt. Nhắc nhở họ ngay lúc này để họ tự mình sanh tâm hoan hỉ, để họ biết được chính mình đã từng làm qua nhiều việc phước đức thì sau khi họ chết rồi, họ sẽ đến được một nơi tốt. Việc nhắc nhở này chính là thông thường gọi là khai thị, rất là quan trọng! Cả đời của họ dù đã làm qua những việc tội ác gì cũng đừng nhắc đến, ngay lúc này mà nhắc đến thì họ liền sẽ đi đến ba đường ác. Phải nhắc nhở những việc tốt mà họ đã làm, đã làm qua những công đức gì. Cho nên, nếu như họ không có từng làm việc tu phước, thì lúc này thân bằng quyến thuộc tu phước thay cho họ và phải nói cho họ biết. “Tôi tên là gì đó, vì người bệnh này, đối trước kinh tượng, đưa ra những đồ vật, hoặc là cúng dường kinh tượng, hoặc tạo hình tường Phật Bồ Tát, hoặc tạo chùa tháp, hoặc đốt đèn dầu, hoặc cúng thường trụ”. Làm được việc nào torng đây phụ thuộc vào tài vật này của họ được bao nhiêu, đây đều ở trong Tam Bảo mà tu phước. Việc này không phải mê tín, người thế gian không hiểu tu tạo phước đức này.
Người thế gian luôn cho rằng, đem tiền đi làm cứu tế từ thiện, gíup đỡ một số người nghèo khổ thì công đức này to lớn, không biết được tu phước trong Tam Bảo thù thắng hơn. Ngày nay, thực tế mà nói, người xuất gia các ông luôn là gạt người, không đáng tin tưởng. Cho nên việc này rất khó tin theo, nói lời thật thì họ không tin tưởng, nói giả dối thì họ tin. Người bệnh đang ở nơi cửa ải quan trọng, ngay trong một đời, không có thời khắc nào quan trọng hơn lúc này. Ở cái cửa ải này, nếu như đem tiền tài của họ đi làm những việc từ thiện cứu tế xã hội thì phước nhỏ. Đây là chân thật, một tí cũng không giả. Phước báo nhỏ thì không thể chuyển nghiệp của họ. Tu phước trong Tam Bảo, hiến một đóa hoa, đốt một ngọn đền thì thật được tiêu nghiệp chướng, thật được vô lượng phước. Thế nhưng hiện tại, ở trong Tam Bảo tu phước, vì sao không có hiển lộ, không như ngày trước? Thông thường ghi chép có được cảm ứng rõ ràng đến như vậy mà? Việc này không phải không có đạo lý.
Đạo tràng ngày trước, chân thật có người ở trong đó tu hành, cho nên họ có được cảm ứng rất rõ ràng. Hiện tại có rất nhiều đạo tràng tu không đúng pháp, chúng ở trong đó tu học không đúng pháp, ngày ngày họ vẫn là đang thị phi nhân ngã, vẫn là đang tham sân si mạn. Cho nên tu phước ở nơi đó không phải là không có phước, mà là cái phước này không được rõ ràng, không được hiển lộ, đời này không thể có được. Đạo lý ngay chỗ này. Nếu như cái đạo tràng này là chân thật có người đang tu hành, việc tu hành dễ dàng nhất, chân thật có người niệm Phật. Người niệm Phật này là người như thế nào vậy? Đích thực là buông bỏ tất cả thân tâm thế giới, một lòng niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Bạn tu phước ở đạo tràng có một người như vậy đang tu hành, thì công đức thù thắng không gì bằng. Bởi vì người này tương lai họ nhất định vãng sanh, vãng sanh thì thành Phật. Khi bạn ở nơi đó đốt một cây hương, thắp một ngọc đèn, đều là công đức chân thật, bạn thật đã cúng được Phật rồi.
Duyên để tu phước trong Tam Bảo thì rất nhiều, rất rộng. Trong đây có nêu lên mấy thí dụ rất thường thấy, mọi người đều có thể hiểu rõ, đó là cúng dường kinh, tượng (tượng là hình tượng của Phật Bồ Tát). Việc cúng dường kinh tượng này như thế nào vậy? Là tài cúng dường cùng pháp cúng dường. Cũng giống như hiện tại chúng ta in kinh, vào thời đại này, ngoài việc in kinh ra, chúng ta còn có băng thu âm, đĩa ghi hình, có CD. Cho nên phương thức cúng dường nhiều hơn so với trước đây. Tiền của chúng ta dùng vào phương diện này đều là cúng dường kinh tượng. Kinh điển, tượng Phật nhờ vào khoa học kỹ thuật để lưu thông, như hiện tại Vcd có hình ảnh, đường truyền internet cũng có hình ảnh, khi người ta mở mang ra thì nhìn thấy tượng Phật trước, sau đó xem thấy giảng kinh nghe kinh, trên đường truyền internet đầy đủ cả Tam Bảo. Khi mở ra thì trước tiên xem thấy là tượng của Thích Ca Mâu Ni Phật, chúng ta tu Tịnh Độ thì tiếp theo đó là xem thấy Hội Liên Trì Tây Phương Tam Thánh. Sau khi xem xong thì bắt đầu giảng kinh. Đây chính là cúng dường kinh tượng.
Hoặc tạo hình tượng Phật Bồ Tát. Chúng ta xây một niệm Phật đường, bên trong niệm Phật đường phải cúng dường hình tượng Phật Bồ Tát, cúng dường Tây Phương Tam thánh. Có năng lực thì chính mình làm một tượng. Phía trước đã nói qua, làm bằng xi măng, bằng gỗ, vàng, bạc, đồng thau đều tốt, tùy vào thực lực tài chánh của mình. Nếu như tiền có nhiều thì dùng vàng bạc đồng thau tạo tượng, tượng này có thể truyền lại được nhiều đời, xi măng gỗ trạm không thể lưu truyền được lâu như vàng bạc đồng thau. Bạn truyền được càng lâu thì sức ảnh hưởng càng lớn, công đức đó cũng sẽ lớn, được phước cũng từ đây mà nói. Cho nên tượng Phật ở thế gian là tác phẩm nghệ thuật cao cấp, dùng hợp kim gồm vàng, bạc, đồng thau hợp lại. Thời xưa dùng phương thức này tạo tượng rất nhiều, đó là do hợp kim tạo nên, tạo ra hình tượng. Thông thường là dùng thành phần đồng là nhiều nhất, bên trong có bạc có vàng.
Tạo tượng phía trước có nói qua rồi, không luận là hình tượng vị Bồ Tát này lớn hay nhỏ, công đức đều như nhau. Đạo tràng quan trọng là mỗi ngày phải có giảng kinh nói pháp, để những tín đồ đi lễ lạy hình tượng của Phật Bồ Tát đều có thể hiểu rõ ý nghĩa của biểu pháp thì lợi ích mà họ có được sẽ nhiều hơn. Như chúng ta cúng dường Bồ Tát Địa Tạng, Bồ Tát Địa Tạng đại biểu hiếu thân tôn sư. Khi xem thấy tôn tượng này liền nghĩ đến ta phải hiếu thuận phụ mẫu, nhắc nhở hiếu thuận cha mẹ, nhắc nhở tôn sư trọng đạo. Bạn nói xem công đức này bao lớn? Không có hình tượng này thì quên mất. Bồ Tát Quán Thế Âm biểu thị đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn, xem thấy chúng sanh có khổ thì bạn liền dùng lòng từ bi đi giúp đỡ họ. Cho nên hình tượng của Phật Bồ Tát luôn luôn đang nhắc nhở chúng ta, công đức của các Ngài ngay chỗ này. Nếu như không biết gì đối với cái ý nghĩa đã biểu thị, thì đó là thuộc về mê tín. Nhưng dù mê tín cũng được, vì khi vừa lọt vào mắt thì đã trồng căn lành, trong A Lại Da Thức của họ có hình tượng của Phật Bồ Tát, thế nhưng công đức lợi ích chân thật mà họ có được thì không phải ở ngay đời này. Lúc nào hiểu được thông suốt rồi thì công đức lợi ích đó của họ liền khởi hiện hành. Họ không thông hiểu công đức lợi ích này thì mãi mãi vẫn nằm trong A Lại Da Thức. Cái chủng tử đó rất đáng quý.
Tài lực có được hùng hậu thì xây tự tháp. Tháp là để chứa Xá Lợi Phật. Chùa là nơi hoằng dương Phật pháp. Chúng ta cũng phải hiểu rõ ý nghĩa của chữ Tự này. Nơi làm việc của Đế vương thời xưa gọi là Tự, cho nên Tự là chỗ để làm việc. Điều này có ý nghĩa gì vậy? Ý nghĩa là tiếp nối không gián đoạn, đời đời có thể truyền lại nhau, ý nghĩa chữ Tự là như vậy. Hay nói cách khác, cơ cấu này là một cơ cấu vĩnh hằng, không phải nhất thời, mà là phải truyền nối nhiều đời, đời đời tiếp nối nhau nên gọi là Tự. Cho nên Tự là cơ quan làm việc, hoàn toàn khác với Miếu. Miếu là để tế thần, tế quỷ thần, Tự là cơ quan làm việc. Thế nhưng hiện tại, mọi người không hiểu cái ý này, đều xem Tự thành Miếu cả. Hiện tại xem thấy chữ này đều nghĩ sai ý nghĩa của nó, chúng ta cần phải thay đổi.
Cho nên hiện tại đạo tràng chúng ta gọi là Học hội, dùng danh từ của hiện đại để mọi người xem thấy không đến nỗi mê hoặc. Ngày này nếu chúng ta cũng dùng chữ Tự, người ta xem thấy thì sẽ cho là tôn giáo, cho là mê tín, không hiểu được ý nghĩa chân thật. Cho nên nhất định phải giảng kinh nói pháp.
“Hoặc là đốt đèn dầu”, đèn dầu là biểu thị ánh sáng, được phải hiểu cái ý này. Xem thấy đèn liền phải nghĩ đến tâm địa của ta phải sáng, không những tâm địa phải sáng mà còn phải xả mình vì người. Bạn xem, đèn dầu đốt cháy chính mình chiếu soi người khác, cho nên đèn dầu là biểu thị việc này. Không phải là Phật cần đèn, mà đèn là biểu thị. Đèn dầu, đèn sáp biểu thị rất rõ ràng là đốt cháy chính mình chiếu soi người khác. Chúng ta phải vì xã hội, vì chúng sanh, xả mình vì người. Chúng ta phải phục vụ, tận tâm tận lực mà làm, quyết không cầu báo đáp. Nếu như phải nói đến báo đáp, vậy thì bạn không phải học Phật, bạn không phải vì chúng sanh phục vụ, mà là bạn buôn bán trao đổi. Đây là Phật dạy cho chúng ta như vậy. Nếu mỗi một người đều có thể có tâm nguyện này, đều có thể có cùng hiểu như vậy, thì thế giới này đương nhiên sẽ bình yên lâu dài, tự nhiên sẽ hưng thạnh phồn vinh, người người đều trải qua ngày tháng hạnh phúc. Mỗi người đều không vì chính mình, mà đều có thể vì đại chúng, vì xã hội thì thế giới mới tốt đẹp. Ai làm điều này vậy? Phật Bồ Tát dẫn đầu làm, chúng ta là đệ tử Phật thì phải làm theo. Cho nên trong Phật pháp không cho phép có ý của chính mình. Đạo lý gì vậy? Ý của riêng mình chính là ý của sáu cõi luân hồi, có ý của riêng mình thì liền có ngã chấp, ngã chấp biến hiện ra cảnh giới sáu cõi luân hồi. Vô ngã thì sáu cõi luân hồi sẽ không còn, thì không có sáu cõi luân hồi.
Cho nên Phật dạy chúng ta là pháp chân thật, chúng ta từ vô lượng kiếp đến nay mê luyến trong sanh tử sáu đường, Phật làm cho chúng ta thức tỉnh, bảo chúng ta phải giác ngộ, chân thật giác ngộ rồi thì sẽ không còn nữa, như vậy bạn mới có thể thoát khỏi ba cõi sáu đường, không có cái ta nữa.
Cho nên tôi khuyên mọi người không nên có cái ta. Chúng ta sống trên thế gian này để làm cái gì chứ? Diễn kịch thôi! Diễn như thế nào vậy? Kinh sách chính là kịch bản, dựa vào kịch bản này mà diễn, đó là không có cái ý riêng của ta. Trong kịch bản dạy chúng ta làm gì thì chúng ta làm như thế đó, dạy chúng ta cái gì không được làm thì chúng ta không làm, hoàn toàn y theo kịch bản mà diễn kịch. Phật nói tất cả kinh chính là kịch bản. Bạn thấy, Phật dựa theo quyển này mà diễn, Bồ Tát dựa vào quyển này mà diễn, cho nên các Ngài ở thế gian này gọi là du hý thần thông. Bạn nói xem Ngài có cái ý của chính mình hay không? Kinh mà Phật nói ra có phải là ý của Phật không? Không phải! Trên Kinh Bát Nhã, Phật nói Phật chưa hề giảng qua kinh, không có ý của chính mình. Vậy thì rốt cuộc đó là gì? Kinh điển đó là trong tự tánh vốn sẵn có như vậy. Cho nên chúng ta trải qua ngày tháng như trong kinh điển tức là trải qua đời sống vốn sẵn trong tự tánh. Đây chính là đời sống của chư Phật Bồ Tát, làm gì có chút gì ý của riêng mình chứ?
Vĩnh Gia nói với Lục Tổ rất hay: “phân biệt không phải ý, chấp trước cũng không phải ý”. Phân biệt, chấp trước không phải là ý của chính mình thì là ý của ai vậy? “Hằng thuận chúng sanh, tùy hỉ công đức”, chúng sanh phân biệt như vậy thì tôi y theo phân biệt của bạn, bạn chúng sanh chấp trước đến như vậy thì tôi y theo chấp trước của bạn, chính tôi không có phân biệt cũng có chấp trước. Cho nên nói phân biệt chấp trước không phải là ý. Thật là tự tại! Vô ngã thì không có sanh tử, tất cả đều là biểu diễn, là diễn kịch. Chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này, đây mới là chân tướng sự thật của nhà Phật, cũng là chân tướng của vũ trụ nhân sanh. Nếu bạn không chịu diễn kịch thì bạn phải sanh tử luân hồi. Cho nên Phật Bồ Tát du hý thần thông, chúng ta học Phật cũng phải học du hý thần thông. Vì vậy phải hiểu được nghĩa thú của từng câu từng chữ trong kinh văn để học tập và thực tiễn ngay trong cuộc sống, đạt được thọ dụng chân thật.
“Hoặc thí thường trụ”, dùng lời hiện đại mà nói, thường trụ chính là Cơ kim trong đạo tràng. Trong đạo tràng thường có những phí dụng, người tu hành, bốn chúng cùng tu, thứ cần thiết cho cuộc sống, đó là thuộc về thường trụ. Đây là công đức chân thật. Hiện tại xã hội đại chúng vẫn không rõ ràng nhưng chúng ta đã là đồng tu học Phật thì bốn chúng này, đệ tử Phật không thể không biết, không thể không nói rõ ràng, không thể không giảng thấu đáo. Chúng ta tường tận thông suốt rồi thì chúng ta mới có thể dẫn đầu làm, mới chịu đi làm, tín tâm nghị lực kiên định, nhất định không dao động. Vận dụng trong Tạp Bảo Tạng Kinh, công đức xây dựng chùa miếu, đốt đèn trong cúng thí đèn kinh, các vị chính mình có thể tự xem.
Xin mời xem đoạn kinh văn sau: “như thị tam bạch bệnh nhân, khiển lịnh văn tri”. Đây là khi người bệnh vẫn còn tỉnh táo, khi vẫn còn sáng suốt, phải nói với họ ba lần. Việc này làm tăng cường thêm sức nhớ cho họ. Thực tế thì khi người bị khi bệnh nặng, phải nên mỗi ngày đều nói cho họ nghe mấy lần, để cho họ có ấn tượng sâu sắc, khiến cho họ biết rằng chính họ đã làm một số việc công đức lợi ích và họ sau khi chết, những việc làm này sẽ có sự giúp đỡ rất lớn cho họ khi chuyển sanh. Việc này rất khẩn thiết!
Phía sau nói: “giả linh chư thức phân tán, chí khí tận giả”. Các thức phân tán chính là bất tỉnh nhân sự, lúc này bạn nói cho họ nghe, họ không có phản ứng. Phía trước nói, ý chí của họ khi vẫn còn chưa phân tán, khi bạn nói với họ thì họ gật đầu, họ nhận biết. Nếu như khi tinh thần tốt hơn một chút, họ hiểu được, họ cũng sẽ nói, họ hoan hỉ. Nếu họ sức lực suy kiệt rồi, không còn nói chuyện được nhưng họ hiểu được thì họ sẽ gật đầu, họ ám thị cho bạn. Đến khi các thức phân tán thì họ sẽ không còn tri giác. Dù không còn tri giác vẫn phải nói cho đến khi họ dứt hơi thở. “Cho đến một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, cho đến bảy ngày đã qua”, điều này chính là nói, sau khi họ tắt thở được bảy ngày vẫn phải thường nói cho họ nghe. Vì sao vậy? Sợ A Lại Da thức của họ chưa rời khỏi, làm như vậy chỉ có tốt không có gì xấu.
“Hoặc lớn tiếng xướng, hoặc lớn tiếng đọc kinh”, đọc cho họ một biến hoặc là hai biến, khi đọc kinh nhất định phải ghi nhớ là phải dùng tâm chân thành, tâm cung kính, nhất định không hoài nghi, không gián đoạn, không xen tạp. Không gián đoạn tức là một bộ kinh phải tụng xong một lần, không phân ra mấy đoạn, phân ra mấy đoạn thì ngay trong đó liền có xen tạp, hiệu quả đó sẽ rất thấp. Cho nên khi tụng kinh, nhất định không thể có bất cứ việc gì làm quấy nhiễu. Điểm này rất quan trọng! Đọc kinh ở nhà, phiền phức nhất chính là điện thoại, cho nên khi đọc kinh tốt nhất nên rút dây điện thoại ra. Không nên để bất cứ ai quấy nhiễu bạn. Bạn dùng tâm thanh tịnh để đọc thì bạn mới có thể nhận được hiệu quả. Nếu như khi đọc kinh thường có quấy nhiễu, thường bị gián đoạn, thì đọc kinh như vậy chỉ là giúp bạn đọc được thuần thục, là giai đoạn đang luyện tập. Đọc kinh như vậy không có tác dụng nào lớn cả. Chúng ta đọc kinh nên đọc chậm thì tương đối dễ thuộc. Vào thời điểm này, yêu cầu khi đọc kinh là không xen tạp, không gián đoạn. Việc này cũng giống như đánh giặc, như là luyện binh. Việc này nhất định phải cầu được công đức hiệu quả chân thật. Cho nên phải nên biết, bình thường đọc nhiều thì thuần thục, lúc đó có gián đoạn cũng không hề gì, có việc thì đi làm việc, hết việc rồi thì tụng cái đoạn này, thường hay đọc thì sẽ thường được thuần thục nó. Sau khi thuần thục rồi, chân thật gọi là tu hành thì khi đọc kinh mỗi ngày nhất định không được có sự quấy nhiễu.
Lúc trước, tôi đã nói qua với các vị nhiều lần về Giới Định Huệ tam học một lần đầy đủ, khi đọc kinh cũng là hoàn thành một lần Giới Định Huệ. Đây thuộc về công phu tu hành, công đức tu học. Vậy thì do đây mà biết, công đức của việc đọc kinh này lớn hơn so với việc giảng kinh. Thực tế mà nói, giảng kinh là tu phước, không phải công đức, đọc kinh mới là công đức. Trong công đức có phước đức, trong phước đức không có công đức, đây là đạo lý nhất định. Trong giảng kinh nếu như muốn có công đức thì đó là một cảnh giới khác. Người xưa thường nói: “tùy văn nhập quán”, đó là công đức. Bạn giảng một đoạn kinh văn này, chính mình xác thực đã thể nhập cảnh giới đó thì đó là công đức. Nếu như không vào được cảnh giới này thì là phước đức. Như vậy theo đây mà biết, công đức hay phước đức là tùy thuộc vào chính cá nhân mình.
“Thị nhân mạng chung chi hậu, túc ương trọng tôi, chí ư ngũ vô gián tội, vĩnh đắc giải thoát, sở sanh chi xứ, thường tri túc mạng”. Lợi ích này thì quá to quá lớn, chân thật không thể nghĩ bàn! Có rất nhiều người đọc đến Kinh Địa Tạng thì nói rằng làm sao Kinh Địa Tạng lợi ích lớn đến như vậy? Tạo tác tội nghiệp cực trọng mà chỉ cần đọc một bộ kinh thì có thể làm cho họ thoát khỏi tội nghiệp ngũ vô gián. Như vậy là quá dễ dàng, cho nên không có người nào tin. Bạn không tin tưởng thì khi bạn đọc kinh này sẽ có hoài nghi, khi bạn đọc sẽ còn có vọng tưởng, có xen tạp, cho nên không nhận được hiệu quả. Do đó họ càng tin tưởng rằng kiến giải của họ không sai. Họ đều cho rằng công đức lợi ích trong kinh Phật nói, dường như quá khoa trương, dường như là khuyên người đang đọc, còn trên thực tế thì không có được lợi ích này. Đây là tâm của phàm phu, lấy vọng tưởng phàm phu mà đo lường tri kiến của Phật Bồ Tát. Do vậy mà sanh ra rất nhiều lỗi lầm to lớn.
Tội phước đều ở trong một niệm, bạn chuyển đổi một ý niệm thì liền từ nơi địa ngục chuyến đến cảnh giới Phật. Pháp môn niệm Phật bình đẳng thành Phật chính là đạo lý này. Chúng sanh địa ngục A Tỳ vừa niệm A Di Đà Phật thì đều có thể thành Phật. Then chốt ở đâu vậy? Chính là chuyển đổi được tâm cực ác kia thành tâm rất thanh tịnh. Bạn muốn hỏi, có thể chuyển đổi được hay không? Được! Trên lý luận là nhất định có thể. Vì sao vậy? Vọng niệm là giả, vọng tưởng là giả. Bồ Tát Mã Minh nói rất hay: “bất giác vốn không, bổn giác vốn có”, như vậy thì vì sao không thể chuyển được chứ? Bất giác chính là vọng niệm, địa ngục A Tỳ là bất giác. Bất giác vốn không, cho nên chỉ cần bạn triệt để giác ngộ thì trong chốc lát sẽ xả được sạch không, chốc lát thì đoạn được tất cả. Và như vậy thì bổn giác vốn đã có liền lập tức hồi phục. Cho nên từ nơi địa ngục liền siêu sanh đến Phật đạo viên mãn đều ở trong một niệm. Vấn đề chính là cái niệm đó của bạn có thể chuyển đổi lại được hay không? Việc này có căn cứ lý luận, không phải tùy tiện nói.
Khi đọc một bộ kinh, nếu chân thật có thể làm được không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn, tụng một mạch là xong, thì ngay một niệm này liền chuyển thành Phật đạo. Cho nên trong một niệm này là Giới Định Huệ tam học đều viên mãn. Đem công đức như vậy siêu độ một người nghiệp chướng sâu nặng thì họ chân thật được lợi ích. Thế nên chỗ này đã nói: “khi sanh đến chỗ nào thì thường biết được túc mạng”. Công đức của người đọc kinh đó thì thật là to lớn.
Loại siêu độ này, phước báo mà người được siêu độ nhận được cao nhất chỉ có thể sanh đến trời Đao Lợi. Vì sao vậy? Vì nhờ phước báo của người khác. Hưởng phước của người khác thì chỉ có thể sanh đến trời Đao Lợi. Nếu người đó chính mình tu hành thì chỗ này không hạn chế. Cho nên từ xưa đến nay, chúng ta đã xem thấy, Bảo Chí Công siêu độ phi tử của Lương Võ Đế đến được trời Đạo Lợi. Bảo Chí Công là Bồ Tát Quan Thế Âm tái sanh. Việc siêu độ này mọi người hiện tại làm là lạy Lương Hoàng Sám. Lương Hoàng Sám chính là Bảo Chí Công siêu độ phi tử của Lương Võ Đế sanh đến trời Đạo Lợi. Vậy thì chúng ta ở chỗ này xem thấy, Quang Mục Nữ, Bà La Môn Nữ siêu độ người thân của bà, cũng là sanh đến trời Đạo Lợi. Phước báo lớn nhất chỉ có thể sanh đến trời Đao Lợi. Muốn lên cõi trên trời Đao Lợi thì phải dựa vào công phu tu hành của chính mình. Không có công phu tu hành của chính mình, chỉ dựa vào phước báo của người khác thì không lên trên được.
Người sanh đến Tứ Vương Thiên, Đao Lợi Thiên thường biết túc mạng, biết đời trước có làm việc tốt rất lớn, biết được chân tướng sự thật của nhân duyên quả báo. Người biết được túc mạng thì nhất định không dám tạo nghiệp ác, bởi vì họ biết, ác có ác báo, thiện có thiện quả, họ sẽ đoạn ác tu thiện, họ biết nỗ lực mà làm những việc tích lũy công đức. Cho nên biết được túc mạng có cái tốt như vậy. Vậy thì do đây mà biết, tu hành phải nhờ khi chính mình khỏe mạnh, khi còn thể lực nên nỗ lực mà làm, chân thật tu công đức của chính mình viên mãn. Nếu chỉ hưởng phước do người khác tu thì chỉ được một phần bảy.
Tốt rồi! Thời gian hôm nay đã hết, chỉ giảng đến đây thôi. A Di Đà Phật!
Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩBiên tập: Phật tử Diệu HiềnLần cập nhật cuối ( Thứ tư, 10 Tháng 8 2011 09:41 )(Tịnh Không Pháp Ngữ)