Chương 1.
TỔNG QUAN DUY THỨC TÔNG
Duy Thức Tam Thập Tụng (ba mươi bài tụng Duy Thức) là luận điển cơ bản của Tông Duy Thức. Tông Duy Thức dựa vào luận điển này mà thành lập. Lý do cần giảng ba mươi bài tụng là vì sự thành lập và truyền thừa Tông Duy Thức từ đây mà ra. Tông Duy Thức của Trung Quốc bắt đầu từ học phái Du Già Hạnh của Phật Giáo đại thừa Ấn Độ. Nhưng khi đã nói đến học phái Du Già Hạnh không thể không tìm hiểu học phái Trung Quán. Xin lần lượt trình bày như sau:
- I. Phái Trung Quán và Du Già của Phật Giáo Đại Thừa ở Ấn Độ.
Đại thừa Phật Giáo ở Ấn Độ phát khởi vào cuối thế kỷ thứ nhất (dương lịch). Bồ tát Long Thọ sống từ giữa thế kỷ thứ nhất đến giữa thế kỷ thứ hai. Ngài là người Bà La Môn ở nam Ấn Độ, từ nhỏ theo truyền thống giáo dục của Bà La Môn, sau quy y Phật Giáo. Lúc ấy, kinh điển Đại Thừa đã lưu hành ở nam Ấn Độ, Ngài để tâm học tập, nhưng không thỏa mãn. Theo truyền thuyết, khi ấy, Ngài đi đến bắc Ấn Độ, ở khu vực núi Tuyết Sơn, một tỳ kheo già giữ một số kinh điển Đại Thừa, hoặc tại nơi tu họp của Long Tộc có nhiều kinh điển Đại Thừa, nhờ vậy, lý luận Đại Thừa của Ngài đã được bổ khuyết. Ngài trở về nam Ấn Độ, thì tư tưởng Bát Nhã, lúc đó, đã có tổ chức, lưu hành và hệ thống triết học Không Tông của Duyên Khởi Tánh Không đã hoàn thành.
Nguyên nhân Ngài Long Thọ xuất hiện, lúc ấy trào lưu tư tưởng ở Ấn Độ; một mặt ngoại đạo cho các pháp thật có hoặc thường, hoặc đoạn; một mặt Tiểu Thừa Hữu Bộ cho là ngã không pháp hữu với tư tưởng: “pháp thể hằng hữu, tam thế thật hữu”. Vì muốn phá tà hiển chánh, Bồ tát Long Thọ dựa vào lý luận căn bản tư tưởng duyên khởi của Đức Phật và tư tưởng Bát Nhã đương thời, làm ra rất nhiều luận điển nhằm bác bỏ tà thuyết. Tư tưởng này xuất hiện ở Luận Trung Quán, với bài kệ bát bất như sau: