trên Núi Thình Thình
(nhiếp ảnh: Nhật Hưng)
Núi Thình Thình cao khoảng 168 m so với mặt biển,
nằm trong địa phận hai xã Bình Tân - Bình Thanh huyện Bình Sơn.Núi Thình Thình, Chùa cũng Thình ThìnhAi lên tơi đó cho mình hỏi thămVì đâu nên tiếng nên tămĐể cho miếng đất ngàn năm thịnh tình(Ca dao địa phương )Núi cấu tạo giống như hình một chú cá sấu khổng lồ, phía đông và phía tây chênh nhau chạy theo dãy núi Phượng Hoàng, phía bắc cắt trũng chạy dài đến mũi BaTanGan. Trên đỉnh núi bằng phẳng rộng khoảng 4 héc ta có một ngôi chùa mang tên Viên Giác Tự.Chùa nằm trên núi Thình Thình nên nhân dân quanh vùng quen gọi là chùa Thình Thình. Chùa được xây dựng năm 1920 do hòa thượng Tân Cang khai sơn lập chùa. Từ đó đến nay chùa đã trải qua ba lần trùng tu, lần trùng tu lớn nhất vào năm 1990.Chùa có diện tích khoảng 500 m2 bao gồm: vườn chùa, sân chùa, tháp, nhà đông, nhà tây, chánh điện, nhà khách. Tất cả được bao bọc bằng hàng rào cây cổ thụ.Trung tâm tổ chức các nghi lễ của chùa là gian giữa chánh điện và được trang trí nội thất như sau: hàng trên thờ Phật Thích Ca, tả hữu Như Lai - Bồ Tát, hàng dưới ở giữa thờ Chuẩn Đề 18 tay, tả hữu có Địa Tạng, Tiêu Diện. Phía sau điện, thờ hòa thượng Tân Cang và các đệ tử đã quá cố. Trong chùa còn có chuông đồng nặng 140kg được đúc năm 1920.Đường lên núi Thình Thình quanh co, quanh các sườn núi cỏ tranh mọc dày, màu xanh dưới chân núi hiện lên tươi sáng và đậm đà vào những ngày trời trong xanh. Sườn núi phía tây giáp thôn Tham Hội, xã Bình Thanh là một rừng cây cổ thụ với nhiều loại gỗ quý như: lim, trâm, chỉ... ngoài ra còn có một số động vật quý hiếm như cò trắng, cò đen, tê tê, trăn, rắn, khỉ, nhím... và các loại chim quí khác.Đứng trên mặt bằng của núi Thình Thình tầm mắt có thể bao quát một vùng không gian bao la. Chung quanh là những xóm làng đồng ruộng xanh ngát; phía đông bắc là dãy Ba Làng An như bức tường thành; phía đông là mặt biển bao la, nhìn lên phía tây là dãy núi Cà Ty nơi Nguyễn Bá Loan dựng cờ khởi nghĩa 1885.Nhìn núi Thình Thình từ góc độ nào cũng thấy hiện lên đủ màu sắc, từ màu đất đỏ bazan, màu trắng, đất bị phong hóa đến đất đá xốp tổ ong; màu xanh của cây cỏ bao quanh tựa như một chiếc áo hoa mang nhiều màu sắc, có dạng vẻ riêng biệt, không giống bất cứ núi nào ở Quảng Ngãi.Núi sở dĩ có tên như vậy vì khi con người dậm chân xuống mặt bằng của núi thì phát ra âm thanh "thình thình". Nhưng không phải là bất cứ chỗ nào trên mặt bằng của núi cũng phát ra âm thanh đó mà chỉ trong khoảng diện tích của chùa. Điều đó càng làm cho chùa Thình Thình mang dáng vẻ huyền bí và hấp dẫn khu khách.Núi Thình Thình, chùa Thình Thình là một cảnh đẹp, thiên nhiên ở đây thơ mộng và huyền bí, có giá trị rất lớn về mặt tham quan du lịch. Bên cạnh đó, nó còn có giá trị về mặt khoa học trong nghiên cứu quá trình hình thành địa tầng của vùng đất.
Bài của CAO THỊ HỒNG HẠNH
Chuyện kỳ lạ ở chùa Thình Thình
Thật ra ngôi chùa này có tên là Viên Giác tự, tên chữ là Thanh Thanh, do nằm trên núi Thình Thình nên dân quen gọi như thế. Vị trí của chùa nay thuộc thôn Diên Lộc, xã Bình Tân, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi). Nằm trong khuôn viên rộng chừng 500 m2, bao gồm: cổng tam quan, sân chùa, chánh điện, nhà đông - tây, nhà khách và khu mộ tháp, chùa như được bao bọc bởi những hàng cổ thụ xung quanh và chìm giữa bạt ngàn bạch đàn. Đỉnh núi như một cao nguyên, bốn bề là một màu xanh thẫm đến u tịch.
Chùa được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh vào năm 1993. Hòa thượng Thích Vĩnh Trường (103 tuổi), trụ trì chùa Viên Giác, cho biết vào khoảng năm 1920, ông tổ thứ sáu của chùa Thiên Ấn (ở H.Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) là hòa thượng Tăng Cang Diệu Quang khi đến thấy nơi đây yên tịnh nên đã lập chùa ẩn tu. “Ban đầu chùa chỉ là một túp lều nhỏ nằm trên đỉnh núi. Sau 3 lần phải xây lại chùa do bị bão quật và hỏa hoạn, chùa mới có vị trí và hình hài như ngày hôm nay”, trụ trì đời thứ 3 của chùa Viên Giác cho hay.
Do chùa nằm trên đỉnh núi, cách xa dân cư, đường sá nhiều trắc trở nên rất ít người cúng viếng, chỉ khi nào có ngày đại lễ thì dân chúng, phật tử gần xa mới về. Số sư thường trực ở chùa chưa khi nào quá 5 người. Hòa thượng Thích Vĩnh Trường cho biết, những đời trước đây chỉ một thầy một trò ẩn tu trên đỉnh núi. “Khi tôi lên làm trụ trì thì có đến 4 thầy trò. Sau đó một người ngã bệnh mất, một người không chịu nổi sự khổ cực nên bỏ đi. Nay chỉ còn tôi và một đệ tử 53 tuổi sớm hôm niệm kinh. Vì vậy người ta hay đùa rằng, đây là ngôi chùa vắng khói hương”, hòa thượng Thích Vĩnh Trường kể.
Vị trụ trì cũng cho hay, ngôi chùa này từng là nơi lánh giặc của bộ đội thời kháng chiến. Xung quanh đỉnh núi đều có hầm quân sự, nhưng nay đã bị lấp bởi thời gian dâu bể. Trong chùa còn thờ tự đại đức Thích Hạnh Đức, người đã noi gương hòa thượng Thích Quảng Đức, hóa thân trai trẻ thành ngọn đuốc hồng ngay sân chùa Tỉnh hội Quảng Ngãi, nhằm chống lại sự đàn áp của chính quyền Sài Gòn. Khi ấy ngài mới 19 tuổi, và sau cuộc tự thiêu ấy, ngài được Giáo hội Phật giáo Việt Nam phong Thánh tử đạo đầu tiên tại Quảng Ngãi.
Chuyện lạ quanh chùa
Cần phải lưu ý rằng, Thình Thình cũng không phải là cái tên chính của núi mà chùa tọa lạc. Nó vốn là dãy Thanh Thanh Sơn, còn tên Thình Thình là cách gọi dân dã của người dân trong vùng. Đỉnh Thanh Thanh Sơn có độ cao khoảng 170 m so với mực nước biển, toàn dãy núi có cấu tạo như hình thể một con cá sấu. Do cấu tạo của vùng đất trên đỉnh núi, nên khi bước chân nghe tiếng “ình ình”, sau đọc chệch thành “thình thình”, và người dân địa phương lấy đó làm tên gọi chỉ ngọn núi thuộc dãy Thanh Thanh Sơn.
Nói về thanh âm “thình thình”, hòa thượng Thích Vĩnh Trường, kể: “Tương truyền ngày xưa, có vị thiền sư lập am tu trên núi. Hơn mười năm sau, ngài chứng quả và phát nguyện, khi viên tịch không cần nhập tháp mà chôn vào lòng núi. Nằm trong lòng núi, ngài dùng thần thông diệu pháp để phát hiện kẻ ác người thiện. Nếu là người ăn ở hiền lành, bước chân trên núi của họ sẽ có âm thanh êm ả. Còn đó là kẻ dữ, ăn ở thất đức thì mỗi bước chân sẽ có tiếng “ình ình” kiểu gầm gừ của loài ác thú. Thanh âm này sẽ khiến họ đinh tai nhức óc, nhiều khi ngã lăn giãy giụa. Sau này đọc thành thình thình”.
Ngày nay dân gian cũng còn lưu truyền câu:
Núi Thình Thình, chùa cũng Thình Thình
Ai lên tới đó cho mình hỏi thăm
Vì đâu nên tiếng nên tăm
Để cho miếng đất ngàn năm thình thình.
Theo kết quả của một số nhà nghiên cứu, vào những năm cuối thế kỷ 19, sở dĩ vùng đất này phát ra âm thanh như thế là do lòng đất cấu tạo có nhiều chỗ hổng. Hòa thượng Vĩnh Trường cho biết, chỉ có khoảnh đất từ cổng tam quan chạy về phía tay phải khoảng 20 m mới nghe tiếng thình thình khi bước chân. “Hồi xây chùa, nhất là khi xây cổng tam quan, lúc đào móng gặp rất nhiều lỗ hổng nên phải đổ đất xuống và đầm cho chặt rồi mới xây. Tiếc là con lên đúng ngày mưa nên không thể nghe được những âm thanh ấy”, hòa thượng nói với tôi.
Chùa Thình Thình còn gắn với câu chuyện huyền bí về thần núi. Hòa thượng Vĩnh Trường lên chùa Thình Thình từ khi còn rất nhỏ, đến khoảng năm 18 - 19 tuổi thì ông chuyển vào TP.HCM, sau về Khánh Hòa sinh sống. Một lần trở về nơi cửa thiền xưa, thấy không ai trông coi chùa nên ông quay về làm trụ trì theo yêu cầu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Khi chùa có sư, dân chúng ít nhiều đến viếng chùa. Họ kể cho vị trụ trì nghe về những chuyện mà họ cho rằng liên quan đến thần núi.
Dân chúng kể rằng, nhiều lần lên núi hái củi, thường thấy một vị thần râu tóc dài và bạc phơ chống gậy đi lại trên núi, nghe tiếng động là ngài biến mất. Nếu chỉ là hái rau quả, chặt cành, hay chặt những cây đã chết khô về làm củi thì mọi việc diễn ra hết sức bình thường. Tuy nhiên, những ai làm việc mang tính chất phá hoại, dù có cố gắng đến mấy cũng không thành. Đã có nhiều người đến vùng này săn bắn, dưới chân núi thì được vài con thú. Nhưng khi lên đỉnh, nhất là khu vực quanh chùa, thì không thể nào bắn hoặc bắt được chúng dù thấy rất gần ngay trước mắt. Họ cho rằng những con thú này được bảo vệ bởi vị thần kia.
“Đó là chuyện của ngày xưa, cái thời mà người ta có thể thêu dệt nên chuyện thần thánh. Tuy vậy, ngày nay vẫn còn tồn tại một hiện thực khó hiểu: nhiều người bẫy chim cu dưới chân núi hay vùng khác thì được. Nhưng khi đặt bẫy ở trên này thì tuyệt nhiên không có con chim nào mắc bẫy, dù chúng lân la đến chén mồi”, hòa thượng Thích Vĩnh Trường kết thúc câu chuyện một trong hoài nghi.
Bài của Lê Xuân Thọ
Lên Thình Thình vỗ trống trời
Bầy chim te te nghe có hơi người, bay loạn xạ kêu ầm ĩ. Buổi chiều trong khuôn viên chùa Thình Thình dậy lên mùi lá khô thơm ngát. Bây giờ là mùa hạ, một đám mây đen ẩm ướt ở gần, báo hiệu một cơn mưa đêm. Hoà thượng Vĩnh Trường chống gậy trúc ra trước sân chùa điểm mấy hồi chuông. Bầy te te vẫn không thôi táo tác.
Chùa một sư
Không phải những khe núi bí ẩn ở Tây Tạng mà các vị Lạt ma vào đó rồi không trở ra, Thình Thình nằm ngay trên đỉnh núi. Khoảng đất bằng phẳng ở độ cao gần 200m so với mực nước biển trồng toàn chè và mít. Vườn chùa sạch bong, tĩnh lặng tới mức có thể đếm được từng tiếng lá rơi quạnh quẽ. Vừa bổ mít, nhà sư vừa nói: “Đêm nào canh ba tôi cũng dậy đọc kinh, rạng sáng ra vườn quét lá, múc nước tưới cây! Gần 15 năm nay rồi…” Tôi nhìn quả chuông khắc bốn chữ xuân – hạ – thu – đông mùa nào gõ vào chữ đó.Hoà thượng Vĩnh Trường năm nay tròn 100 tuổi. Tấm lưng ngài còng rạp trên cây gậy nhưng đôi mắt hiền minh. Nhìn quanh quất cảnh chùa cô tịch giữa rừng rồi ngó vào đôi mắt ấy, khó có thể nói ông là bậc “tiểu ẩn ư sơn lâm”. Ông dẫn khách ra vườn chùa, dùng gậy thử mít trên cây. Cặp mắt sáng quắc cứ nheo nheo cười cười: “Tôi nhờ ăn mít trong vườn mà sống tới trăm tuổi đấy! Tôi mong tới 150 tuổi. Hồi đó chắc thiên hạ tò mò kéo tới đây trầm trồ: Ồ! Cái ông sư này làm sao trường thọ như thế? Khi đó tôi mới bộc lộ bí quyết! À, mà hôm nay anh gặp lộc nhà Phật, có trái mít chín đây”. Đầu gậy trúc gõ vào trái mít bình bịch, đôi mắt nhà sư vẫn cười cười.
Hoà thượng Vĩnh Trường vào chùa năm 16 tuổi, lên Thình Thình năm 1990. Ông là trụ trì đời thứ ba ở ngôi chùa được thiền sư Diệu Quang khai sơn sáng lập vào năm 1920. Chùa có tên chữ là Viên Giác Tự hoặc Thanh Thanh Sơn. Người dân trong vùng vẫn quen gọi là chùa Thình Thình theo tên ngọn núi. Từ đó đến nay, hoà thượng Vĩnh Trường là nhà sư duy nhất ở ngôi chùa này. Tôi chợt bất giác kinh hãi khi nghĩ đến quãng đường mười mấy năm, lão hoà thượng chỉ nói chuyện với cây cỏ và muông thú, thời gian còn lại hoàn toàn tịnh khẩu và hiếm tiếp xúc với người ngoài.
Tiếng trống giữa trời
Từ chân núi Thình Thình, khách hành hương phải vượt chặng đường 4km trèo lên đỉnh, khu vực toạ lạc của ngôi chùa độc đáo này. Hai bên đường đầy những chùm quả chòi mòi màu tím. Nắng dịu đi dưới cánh những con chèo bẻo đuôi cờ cụp lượn. Vài người đốn củi bắt đầu xuống núi. Chiều hè yên ả thanh bình trên lối sỏi độc hành xa ngái. Trên một khúc quanh trống trải, ngó xuống bãi biển Ba Làng An xanh ngắt. Ngút tầm mắt phía tây là dãy Cà Ty. Xóm làng nằm ở dưới chân, chen giữa những cánh đồng xanh và ô ruộng bàn cờ vuông vức… Thế gian nhỏ bé nằm trong tầm mắt xa xăm. Nhìn thật kỹ, đôi khi bắt gặp những chiếc xe tải nhỏ như con kiến bò trên đường làng đầy bụi hồng bên dưới.
Khéo khen vị thiền sư đầu tiên khai sơn chùa Thình Thình. Một khoảng đất bằng phẳng chừng nửa hecta ngay giữa đỉnh núi chìm khuất trong rừng cây. Người dân trong vùng tin rằng thiền sư Diệu Quang là bậc thầy phong thuỷ, từng học được phép quy thuỷ của người Chăm khi cho đào một giếng nước đá ong trong khuôn viên cùng lúc với việc xây dựng chùa. Cội mai già 91 tuổi cùng cây bồ đề và quả chuông cổ khắc bốn chữ xuân – hạ – thu – đông là những dấu ấn hiện nay còn sót lại của vị thiền sư đã qua nhiều thăng trầm nơi cửa Phật. Sống giữa kiếp đời, trải qua những năm này tháng nọ, Thình Thình đôi khi vẫn là một nơi cần đến trong đời để chiêm nghiệm một mình trong cô độc.
Núi Thình Thình còn gọi là Cổ Sơn. Cổ tức cái trống. Như thể chứng minh tên gọi bí ẩn này, hoà thượng Vĩnh Trường dẫn tôi ra phía trước sân chùa cạnh gốc bồ đề già. Ông đưa gậy lên nhẹ nhàng vận khí lực, nện đầu gậy xuống mặt đất. Lập tức không gian vang lên từng tiếng “thình thình” theo nhịp bước. Càng về phía giếng cổ, tiếng trống càng to hơn. Mùa thu tiếng trống vang hơn mùa đông. Hoà thượng kể, buổi chiều ông thường chống gậy trúc đi dạo trên mặt trống trời. Khi gậy hiệp với mặt đất tạo ra âm thanh vang lên trong một sát na rồi biến mất, tâm hồn cảm thấy thật vi diệu. Nói xong, lão hoà thượng dúi cây gậy trúc vào tay tôi trước khi thung dung quay gót: “Phật tử cứ thử xem trong tâm mình có nghe gì không?”
Bài của Nguyễn Minh Sơn
Đường đến Thình Thình
Núi Thình Thình nằm ở giữa địa phận hai xã Bình Tân và Bình Thanh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có hình một con cá sấu. Đỉnh núi có một mảnh đất bằng phẳng khoảng 5 hecta, nơi có chùa Thình Thình toạ lạc. Trong khuôn viên chùa Thình Thình ngày xưa, bất cứ chỗ nào khi dùng chân hoặc gậy nện xuống mặt đất đều phát ra tiếng kêu “thình thình” như trống. Ngày nay, diện tích phát âm đã thu hẹp dần, chỉ còn lại một khoảng nhỏ nằm gần gốc bồ đề và giếng đá ong cổ trước sân chùa. Chùa Thình Thình từ trước đến nay chỉ có một vị sư trụ trì và tu tập tại đó.
Từ thành phố Quảng Ngãi đến núi Thình Thình khoảng 20km, đi theo đường xuống Sơn Mỹ, rẽ trái ở ngã ba chợ Sa ra Bình Tân. Từ chân núi lên đến đỉnh đi bộ 4km. Ca dao Quảng Ngãi có câu: “Núi Thình Thình, chùa cũng Thình Thình. Ai lên đến đó cho mình hỏi thăm. Vì đâu nên tiếng nên tăm. Để cho miếng đất ngàn năm Thình Thình”.