Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

BẢO VỆ GIA ĐÌNH KHỎI ĐỔ VỠ - Thích Nhất Hạnh - Diệu Liên Việt dịch

28/08/201000:16(Xem: 8323)
BẢO VỆ GIA ĐÌNH KHỎI ĐỔ VỠ - Thích Nhất Hạnh - Diệu Liên Việt dịch

BẢO VỆ GIA ĐÌNH KHỎI ĐỔ VỠ
Thích Nhất Hạnh - Diệu Liên Việt dịch

Nếu chúng ta thọ năm giới, và khuyến khích mọi người trong gia đình ta thọ năm giới, thì ngày đó là ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời ta, vì gia đình ta sẽ được duy trì, và cuộc sống gia đình đơn giản, tốt đẹp sẽ ảnh hưởng đến những gia đình khác trong xã hội.

Có một con sư tử mẹ đang đi kiếm ăn. Nó sắp làm mẹ. Buổi sáng đó nó chạy đuổi theo một chú nai. Chú nai con chạy thật nhanh dù sức yếu. Sư tử mẹ dầu mạnh, nhưng đang mang thai, nên khá chậm chạp.

Sư tử mẹ chạy sau chú nai con rất lâu, khoảng 15 phút, mà vẫn chưa bắt kịp. Sau đó chúng tới một rãnh sâu. Chú nai lẹ làng nhảy qua rãnh, sang bờ bên kia. Sư tử mẹ rất bực tức vì không bắt kịp con mồi, và vì nó đang cần thức ăn cho cả nó và đứa con trong bụng. Vì thế, nó cố hết sức để nhảy qua cái rãnh sâu.

Nhưng tai họa đã xảy ra, sư tử mẹ đã sẩy đứa con khi cố nhảy qua rãnh. Dầu qua được bờ bên kia, nhưng sư tử mẹ biết rằng mình đã đánh mất đứa con mà nó đã chờ đợi từ bao lâu, đã yêu thương hết lòng, chỉ vì một phút vô tâm của mình. Nó đã quên rằng nó đang mang một bào thai trong bụng, và nó cần phải hết sức cẩn trọng. Chỉ một phút lơ đễnh, nó đã không giữ được đứa con của mình.

Qua được bờ bên kia, nhưng sư tử mẹ không còn màng đến điều gì nữa. Nó không còn muốn chạy đuổi theo con nai nữa. Không muốn ăn hay uống. Sư tử mẹ nghĩ rằng mình không đáng sống nữa. Sư tử mẹ chỉ còn biết đứng bên rãnh sâu mà khóc. Đó là một trong những câu chuyện đã được Đức Phật kể trong kinh.

Trở về hang, sư tử mẹ rất buồn. Cả tuần nó chẳng muốn ăn uống gì, vì trong lòng quá đau buồn. Đứa con là lý do để nó sống, thì làm sao nó có thể hạnh phúc khi đã mất con?

Nhưng với thời gian, sư tử mẹ cũng nguôi ngoai. Nó lại bắt đầu đi săn, cho chính mình vì nó cũng đói. Giờ nó có thể chạy nhanh hơn vì không còn phải mang bào thai trong bụng, nên việc bắt mồi cũng đơn giản đối với nó. Cho đến một ngày kia, khi đang đi trong rừng, nó bắt gặp một chú sư tử con đang leo cây, với một bầy khỉ. Chú sư tử nhỏ leo cây cũng giỏi như bầy khỉ.

Sư tử mẹ suy nghĩ, “Đây đúng là đứa con mà mình nghĩ nó đã chết. Nhưng nhìn kià! Nó vẫn còn sống”. Và đó là sự thật. Khi sư tử mẹ sinh rớt con xuống rãnh sâu, có một con khỉ to ở trên cây đã nhìn thấy hết. Nó nhảy xuống rãnh và đem chú sư tử con về nuôi. Nhờ sữa khỉ mà sư tử con lớn lên. Nó cũng học trèo cây, học ăn trái cây.

Thay vì rống như sư tử, nó học kêu chkk-chkk-chkk-chkk như khỉ, và nó đã sống, chơi đùa với bầy khỉ rất hạnh phúc. Khỉ mẹ cũng yêu chú sư tử con giống như khỉ con của mình. Khỉ con và sư tử con chơi với nhau như anh em, không có sự phân biệt gì giữa chúng. Sư tử con cũng không nghĩ mình là sư tử, chứ không phải là khỉ.

Ngày đó, sư tử mẹ nhìn thấy con trên cây với bầy khỉ, nó suy nghĩ, “Con ta vẫn còn sống, nhưng giờ nó đã quen sống như một con khỉ”. Vì thế, sư tử mẹ không nói gì. Nó hoạch định cách để đem chú sư tử con trở lại nhà.

Vì thế, sư tử mẹ chờ một ngày khi bầy khỉ không có ở nhà, nó đã đến bên chú sư tử con và nói, “Con không biết mình là sư tử sao? Không biết ta là mẹ con sao?” Sư tử con trả lời, “Bà không phải là mẹ tôi. Mẹ tôi không giống bà. Mẹ cho tôi sữa, mẹ ôm tôi trong vòng tay, bồng tôi lên cây. Vậy sao bà dám bảo là mẹ tôi. Tôi rất ghét bà!”

Sư tử mẹ biết rằng mình đã phạm sai lầm – đã nói không khéo léo. Đáng lý nó không được nói thẳng như vậy, nó phải nói khéo hơn. Vì thế, nó quay đi, và suy nghĩ: “Ta phải tìm cách làm quen với con ta, để đem nó về nhà, để hai mẹ con có thể sống trong tình thương yêu?”

Sư tử mẹ chờ đợi thêm 15 ngày nữa, rồi khi thấy sư tử con đang chơi một mình, sư tử mẹ đến bên, nói bằng giọng rất lễ phép, “Con ơi, hôm nay con vui vẻ không? Ta rất vui được gặp lại con. Ta xin lỗi rằng hôm nọ đã nhầm tưởng con là con ta, nhưng ta đã sai. Con là một chú khỉ con rất dễ thương, ta muốn được kết bạn, muốn chơi đùa với con”,

Sư tử con nghe vậy, nó rất vừa lòng, nên nói, “Được, tôi vui lòng làm bạn với bà. Nhưng với một điều kiện - đừng bao giờ gọi tôi là sư tử con. Tôi là khỉ, và bà phải gọi tôi như thế”.

Nhờ lời nói nhẹ nhàng, khéo léo, sư tử mẹ được làm bạn với sư tử con. Chúng chơi với nhau một lúc, rồi sư tử mẹ nói: “Thôi được rồi, giờ ta chia tay, ta sẽ trở lại chơi với con lúc khác nhé”. Sư tử con rất vừa lòng, nó nghĩ: “Bà sư tử này rất lễ phép, không ép ta phải làm điều gì, chơi với bà cũng vui”.

Rồi một ngày kia sư tử mẹ rủ sư tử con đi chơi xa, thật xa, vì chúng đã bắt đầu thân nhau. Sư tử mẹ đã rất kiên nhẫn, vì nó biết rằng, nếu không kiên nhẫn, sẽ không có cách gì để mang sư tử con trở về nhà, trong gia đình, để gặp lại sư tử cha, và cộng đồng sư tử.

Rồi chúng đến bên một dòng nước. Sư tử mẹ nói, “Này con, hãy đến uống nước đi, ta rất khát”. Khi cùng uống nước, bóng của chúng in xuống dòng nước rất rõ ràng. Bỗng nhiên sư tử mẹ nghĩ ra một điều gì, nó nói: “Thôi đừng uống nữa, hãy soi bóng xuống dưới nước chơi đi”.

Khi sư tử mẹ nhìn xuống dòng nước, nó tự thấy mình. Nhưng khi sư tử con nhìn xuống, nó thấy một chú sư tử con. Nó không thấy con khỉ. Nó chưa bao giờ soi mình dưới nước trước đó. Nó không biết đó là ai. Khi nhìn lên nó thấy một con sư tử, nhưng khi nhìn xuống nước, nó thấy hai, một sư tử mẹ và một sư tử con. Sư tử con bắt đầu nghi ngờ việc nó là khỉ. Nó suy nghĩ, “Có thể ta không phải là khỉ”.

Khi sư tử mẹ thấy rằng sư tử con đã bắt đầu nhận ra mình là sư tử, nên nó nghĩ rằng con mình đã chuyển đổi. Vì thế sư tử mẹ rống lên, dồn sức vào hai chân sau để nhảy qua bờ bên kia. Sư tử con cũng làm giống như thế, nó đã rống lên như một con sư tử. Đó là lần đầu tiên nó không kêu như khỉ. Nó nhảy sang bờ bên kia như mẹ nó, và giờ thì nó biết rằng nó là một chú sư tử con. Sau đó sư tử mẹ đi trước, sư tử con theo sau, cả hai đi trở về hang động của sư tử.

Chúng ta cần nhớ đây là câu chuyện Đức Phật đã kể với các đệ tử của Ngài.

Sư tử mẹ đã biết làm thế nào để thở, và sư tử con cũng biết làm thế nào để thở. Vì thế từ đó sư tử mẹ bắt đầu dạy cho sư tử con cách cư xử của sư tử: đi như thế nào, đứng như thế nào, nằm, ngồi, nói năng, rống như thế nào cho giống như một con sư tử. Sư tử con học hỏi rất nhanh, nó có thể làm được tất cả những gì mẹ nó đã dạy trong ba tuần. Giống nhu 21 ngày trong một khóa tu. Chúng ta cũng có thể học hỏi tất cả mọi thứ trong 21 ngày đó.

Sau khi chú sư tử con đã trưởng thành và trở thành một chú sư tử thực sự, nó bèn nói với sư tử mẹ, “Con biết con không phải là khỉ. Nhưng con vẫn yêu gia đình khỉ. Con biết rằng nếu không có họ, con đã chết. Con vẫn thương mẹ khỉ, thương anh chị em khỉ, nên mẹ hãy cho con về thăm họ, thăm mẹ khỉ đã nuôi con lớn”.

Đức Phật dạy rằng tất cả chúng ta đều có huyết thống tốt đẹp. Chúng ta có khả năng hưởng hạnh phúc, tự do, vững chãi. Nhưng vì ta sống trong một xã hội không phù hợp với sự phát triển của chúng ta, nên ta quên rằng mình có thể sống hạnh phúc như những người tự do, vững chãi.

Chúng ta có thể ngồi bệ vệ như một con sư tử, mà không phải sợ sệt bất cứ điều gì. Chúng ta có thể đi, đứng, nằm ngồi như một người Giác Ngộ, và trong quá trình đó có thể được rất nhiều hạnh phúc. Nhưng chúng ta được rèn luyện để sống khác đi. Vì thế khi ăn điểm tâm, chúng ta không biết phải ăn thế nào. Chúng ta ăn mà không có tự do, tự tại. Khi rót sữa vào chén, chúng ta lại nghĩ đến điều gì đó. Chúng ta để cho nỗi buồn giận, lo âu chiếm cứ tâm hồn.

Chúng ta không có khả năng có mặt ngay khi ta rót sữa ra chén như một người tự do. Khi ăn một miếng bánh mì, hay chấm bánh mì vào sữa, chúng ta không ý thức mình đang làm việc đó, vì chúng ta không biết có mặt trong hiện tại. Bánh ngon, sữa cũng ngon, nhưng ta ăn như thể chúng chẳng ngon lành gì.

Hãy thử quán sát xem người ta dùng điểm tâm trong thành phố này như thế nào. Họ ăn vội vã làm sao. Ăn như kẻ cướp, kẻ cướp dĩ nhiên sẽ không có thì giờ để ngồi xuống ăn, và nhìn người đối diện. Họ không nhìn thấy ai ở quanh mình. Họ cũng không nhìn thấy món ăn, vì trong đầu họ toàn là những âu lo, buồn rầu, sân hận. Đôi khi chúng ta cũng sân hận đến nỗi ta cầm tờ báo lên trước mặt lúc dùng điểm tâm, để không phải nhìn thấy người chung quanh.

Chúng ta đã nhìn thấy họ đủ rồi, và không muốn thấy nữa, nên ta che mặt bằng tờ báo. Điều đó có nghĩa là bữa điểm tâm lại có thêm một nguyên liệu không cần thiết, đó là tờ báo.

Tại sao ta cần đọc báo khi đang ăn điểm tâm? Chúng ta sẽ không ăn được đàng hoàng, không nhìn người thân rõ ràng trước khi mỗi người chia tay đi mỗi hướng. Buổi sáng là cơ hội để ngồi lại với nhau và nhìn nhau. Lý ra ta phải rất hạnh phúc, vì có thể dừng lại và nhìn nhau, nhưng ta không làm thế, để rồi cả ngày chúng ta chạy đi làm việc này, việc kia, giống như đang ở trong mộng.

Tôi nhớ lại có lần ở New York, tôi đang dùng điểm tâm thì có người mang đến cho tôi tờ báo - tờ Thời báo New York Chủ nhật. Nó nặng đến gần 2 kg. Làm sao bạn có thể vừa ăn điểm tâm, vừa đọc được tờ báo nặng 2 kg? Tại sao ta cần đến 2 kg giấy? Người ta cần phải đốn bao nhiêu cây rừng để làm một tờ báo như thế? Nhiều người mua báo mà đâu có đọc, họ chỉ nhìn lướt qua một chút, hay chỉ dùng nó để che mặt khi họ không muốn nhìn người đối diện.

Bạn có biết họ quảng cáo thế nào về tờ Thời báo New York không? Họ bảo, “Bạn không cần phải đọc tất cả, nhưng biết rằng có nó ở đó là tốt rồi”. Đó là cách họ quảng cáo, để nếu ta không mua báo, ta cảm thấy thiếu thốn, sợ rằng người ta biết điều gì trong báo mà mình thì không, nên bắt buộc mình phải mua nó.

Cuộc sống của chúng ta ở New York không phải là cuộc sống cúa một người hạnh phúc, một người tự do, một người vững chãi. Vì thế, chúng ta phải thực tập sống như một người vững chãi, một người tự do.

Vì lỗi lầm của người cha hay mẹ, hay ông bà, chúng ta quên cội nguồn, quê hương nơi chúng ta đến từ đó. Chúng ta quên tổ tiên của ta là Đức Phật, là các vị Bồ-tát, những người có khả năng để sống hạnh phúc, vững chãi, và tự do. Nên chúng ta chạy lòng vòng, và tự đắm mình trong khổ đau.

Đức Phật và các vị Bồ-tát đã thể hiện giống như những con sư tử mẹ, đi tìm đàn con đã lạc lối. Chư Phật và các vị Bồ-tát với tấm lòng đầy kiên nhẫn, và tất cả chúng ta như là những chú sư tử con đã lạc đường về. Chúng ta cần phải khéo léo, thông minh, mới có thể tìm được đường trở về nhà.

Chúng ta cũng có khả năng được hạnh phúc, an lạc, tự do, vậy mà trong cuộc sống, chúng ta khổ đau, chúng ta chìm đắm. Do gánh nặng của khổ đau, chúng ta làm cho người quanh ta cũng không hạnh phúc. Giờ, ta phải trở về với cha mẹ ruột của mình, học đi, học đứng, học ngồi, học nằm trở lại, học nói, học lắng nghe trở lại, để có thể làm sống lại cung cách của một con sư tử thật sự.

Dầu đã lạc lối, chúng ta cũng không biết học hỏi kinh nghiệm, hay ta đã quên con đường, quên những tập quán, quên cuộc sống có thể mang đến cho ta yếu tố hạnh phúc mà chúng ta cần được hưởng.

Nếu là người Do Thái, tổ tiển của chúng ta là các vị giáo sĩ Abraham và các vương nữ như Sarah, Rebecca và Ruth. Tổ tiên chúng ta có những giới luật riêng của họ, và qua những giới luật này, họ có thể duy trì hạnh phúc và vững chãi trong xã hội của họ. Nhưng vì một số lỗi lầm, một số bất cẩn của cha mẹ hay tổ tiên chúng ta, mà chúng ta quên đi cội nguồn, và chúng ta đã lang thang cùng trời cuối đất mà không nhớ đến cội nguồn, vì thế ta phải khổ đau.

Tổ tiên của chúng ta cũng có thể là Jesus Christ, và qua nhiều thế hệ đã tuân theo văn hóa và những lời dạy tinh thần của chúa Jesus Christ. Họ đã hạnh phúc vì điều này. Họ đã biết thương yêu là như thế nào, nương tựa vào nhau là nhờ các giáo lý này.

Nhưng vì lỗi lầm của một vài thế hệ, sai lạc của nhà thờ, chúng ta đã bỏ các giáo đoàn. Chúng ta đã hận thù giáo đoàn của mình, và đi tìm một con đường tâm linh khác. Chúng ta đi tìm Phật giáo, đi tìm Ấn Độ giáo, và chúng ta nghĩ là hạnh phúc không thể có trong cội rễ Thiên Chúa Giáo.

Có lẽ vì chúng ta là người Việt Nam, và vì những bất hạnh lớn, vì những lỗi lầm của các vị lãnh đạo, chúng ta phải từ bỏ quê hương, đi tìm một cuộc sống xa lạ đối với chúng ta, phải học đi, đứng, nghĩ suy, và hành động không giống như cách sống của tổ tiên chúng ta. Và chúng ta đã mang khổ đau, dằn dặt đến cho tâm hồn, cho thân xác chúng ta, khi chúng ta rời bỏ quê hương. Chúng ta không biết mình có những cội nguồn này. Chúng ta nghĩ rằng mình thuộc dòng giống khác, và chúng ta nghĩ rằng mình sẽ không trở về lại với cội nguồn.

Chúng ta là hoa sen với hương sắc diệu kỳ, nhưng chúng ta đã đánh mất hương sắc của hoa sen, chúng ta không nhận ra mùi hương của hoa sen là mùi hương của chúng ta. Ta đi mua nước hoa để thoa lên người, và cho rằng đó là mùi hoa của chúng ta, và trong quá trình trôi lăn như thế chúng ta đã học được bao điều tiêu cực trong xã hội mà chúng ta mới du nhập đến. Xã hội đó cũng có những điều tốt đẹp.

Chúng có mặt trong môi trường mới này, nhưng để biết được những điều tốt đẹp này trong xã hội mới, chúng ta cần có người dìu dắt. Văn hóa Mỹ có nhiều khía cạnh tốt đẹp, tuyệt vời, mà chúng ta có thể học hỏi, hàm ân và sử dụng, giống như chú sư tử con có thể học được những điều mới lạ từ gia đình khỉ kia. Nhưng vì chúng ta không có người dìu dắt, hướng dẫn, chúng ta để cho những rác rưởi của xã hội phương Tây mà ta đang sống ở đó, trùm phủ chúng ta.

Chúng ta không chọn lựa những châu báu của xã hội phương Tây, mà chúng ta chỉ nhận lấy rác rưởi của xã hội phương Tây để đeo lên người. Những đớn đau, bất hạnh của việc sử dụng ma túy, của tình dục bừa bãi, là những rác rưởi của văn hóa phương Tây. Khi ta bỏ những thứ đó vào đầu, vào lòng ta, thì thân tâm ta sẽ khổ đau, và ta sẽ khiến cha mẹ ta khổ đau, tổ tiên ta khổ đau.

Chúng ta không biết rằng có châu báu, có những giá trị trong xã hội phương Tây mà ta có thể học hỏi để làm giàu thêm cho văn hóa của bản thân. Ta cần biết rằng trong văn hóa của chính mình, trong văn hóa Việt Nam, cũng có châu báo, và chúng ta phải gom góp chúng lại, học hỏi, vì chúng ta đến từ văn hóa đó, đó là nền tảng của chúng ta.

Nhưng vì chúng ta giận hờn cha mẹ, chúng ta không thể nói chuyện, trao đổi với họ. Do đó cha mẹ chúng ta không thể chuyển giao cho chúng ta châu báo, những tinh hoa của truyền thống, phong tục cổ truyền.

Nếu cha mẹ không thể nói chuyện với con cái họ, làm sao họ có thể chuyển giao cho chúng những giá trị và đức hạnh đã được trao lại từ truyền thống qua bao thế hệ? Nhưng giữa thế hệ của những người trẻ và người lớn tuổi có hố phân cách lớn. Một trong những lý do là thế hệ của người lớn quá bận rộn, họ có quá nhiều công việc, và thế hệ tuổi trẻ cũng bận rộn không kém.

Cả ngày cha mẹ đều bận rộn, cả ngày con cái cũng bận rộn, buổi tối khi họ trở về nhà, tất cả ai cũng đều mệt mỏi, và họ dễ quạu; bực bội phát sinh do họ mệt mỏi. Không có bên nào biết làm sao để lắng nghe sâu lắng, làm sao để nói những lời yêu thương, hòa hợp.

Do đó, khoảng cách giữa hai thế hệ càng ngày càng lớn rộng, và thế hệ tuổi trẻ cảm thấy đau khổ, thế hệ người lớn cũng cảm thấy đau đớn không kém. Cuối cùng thế hệ tuổi trẻ không còn có thể nhìn thế hệ người lớn, và cha mẹ không thể nhìn con cái họ, vì cả hai bên đều quá đau khổ vì nhau.

Chúng ta chưa thể tiếp nhận cách sống từ văn hóa dân tộc, văn hóa tâm linh, và do đó chúng ta không biết nghệ thuật sống. Và trong sự quên lãng này, trong sự vụng về, dại khờ này, chúng ta gây ra lỗi lầm, giống như khi con sư tử mẹ phóng sang bên bờ rãnh sâu, trong một phút lãng quên đã làm sẩy con xuống hố sâu.

Đã có bao nhiêu bà mẹ, ông cha đau khổ vì đánh mất con mình? Tại sao họ mất con? Vì họ đã vô tâm, vì họ vụng về. Điều này không chỉ đúng cho cha mẹ người Việt Nam, mà cũng đúng cho các bậc cha mẹ người Tây phương. Vì có quá nhiều cha mẹ người Tây phương quá bận rộn, họ không có chánh niệm, họ vụng về, do đó, họ cũng đã đánh mất con cái mình. Dầu họ không có cùng văn hóa như người Việt Nam chúng ta, họ cũng đã mất con trai, con gái họ, giống như người Việt Nam đến sống ở Tây phương.

Người Việt Nam đau khổ hơn người Tây phương, không chỉ vì sự cách biệt tuổi tác, mà còn vì cách biệt văn hóa giữa hai thế hệ. Dầu người Tây phương không có sự cách biệt văn hóa, như đối với người Việt Nam, nhưng họ có sự cách biệt tuổi tác. Có thể văn hóa của thế hệ này khác với thế hệ kia, và cha mẹ không thể chấp nhận văn hóa của thế hệ tuổi trẻ. Các kiểu tóc của người trẻ bây giờ rất khác với thế hệ cha ông, và chỉ kiểu tóc thôi cũng đã làm thế hệ cha mẹ phải không bằng lòng với con cái họ.

Những người trẻ Việt Nam chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, âm nhạc mà giới trẻ lắng nghe làm nhức đầu thế hệ cha ông. Cha mẹ rất ngạc nhiên rằng con cái họ lại có thể nghe được loại âm nhạc đó. Không chỉ các gia đình Việt Nam sống ở Tây phương có vấn đề về sự khác biệt giữa các thế hệ, mà các gia đình phương Tây cũng có những vấn đề này.

Đó là một bi kịch khi cha mẹ không còn có thể nhìn con cái họ nữa, không còn hạnh phúc khi nhìn nhau nữa, vì thế khi ngồi ăn cùng nhau, họ không hạnh phúc. Vì không có hạnh phúc, chúng ta đặt tờ bào trước mắt mình, để không phải nhìn thấy các thành viên khác trong gia đình. Có những gia đình mà không ai muốn nhìn mặt ai, họ chỉ muốn nhìn về hướng khác. Đó không phải là hướng của những lý tưởng chung, đó là hướng của chiếc truyền hình. Nhìn vào hướng đó để bớt khổ đau, để quên khổ đau.

Họ đang chạy trốn khỏi thực tại, thực tại của khổ đau. Nhìn người thân, ta không còn cảm thấy họ thân thiết nữa. Gương mặt họ luôn khổ đau, và khi những người này nhìn lại chúng ta, họ cũng không thấy gì ngoài khổ đau trên gương mặt ta. Do đó dường như ta đã có một hiệp ước ngầm rằng cả hai bên đều nhìn vào truyền hình, để không còn khổ đau nữa. Đó là những gì đang xảy ra trong rất nhiều gia đình, dầu chúng ta làm như nó không đang xảy ra. Giờ ta phải có can đảm nhìn thẳng vào sự thật và tự hỏi mình, tại sao? Tại sao ta để cho điều đó xảy ra?

Sư tử mẹ đã phạm một lỗi lầm: bà đã để sư tử con rơi rớt, để mất nó. Chúng ta cũng thế: chúng ta đánh mất con cái mình vì sự dại khờ của chúng ta, và con cái chúng ta cũng không còn cha mẹ, dầu chúng ta vẫn còn ở cõi đời này. Nhưng cha mẹ không thể yêu thương con cái họ nữa, không thể ôm ấp chúng nữa, không thể ngồi ăn với chúng nữa, và con cái không còn thấy giá trị của cha mẹ nữa. Đó là một bi kịch lớn, không chỉ cho người tỵ nạn Việt Nam ở phương Tây, mà còn cho cả những người đã có mặt ở đó lâu hơn.

Có những người cha mẹ khi thức giấc, giống như con sư tử mẹ khi thức giấc, nhận ra được sự vụng về của mình, những lầm lỗi mình đã phạm trong quá khứ, và họ tu tập để mang những đứa con trở về. Chúng ta biết rằng sư tử mẹ rầt kiên nhẫn, đầy tình thương, dầu đôi khi nó phải nói những điều không muốn nói, những điều rất khó nói như: “Này con, ta rất lấy làm tiếc, nhưng con không phải là sư tử con, mà con là khỉ, ta đã không tế nhị”. Bạn có thể thấy là sư tử mẹ rất đau khổ khi nói lên những lời ấy. Nhưng vì yêu thương chú sư tử con mà nó phải nói lên những điều này.

Khi chúng ta là người cha hay người mẹ đã đánh mất hay sắp mất con cái, chúng ta cũng phải tỉnh giấc để thấy nguy cơ sắp mất con. Vì nếu điều đó xảy ra, chúng ta đánh mất tất cả: tương lai, vì con cái là tương lai của chúng ta. Do đó chúng ta phải làm tất cả, bất cứ điều gì có thể để mang chúng trở về.

Bằng tình thương, bằng sự quyết tâm, chúng ta có thể làm được bất cứ điều gì. Nếu đã đánh mất con cái, mà chúng ta không muốn phải trải qua những giây phút khó khăn khi phải nhận lỗi với chúng, thì con cái chúng ta sẽ không bao giờ quay trở lại. Do đó ta phải học từ sư tử mẹ, chúng ta phải biết làm thế nào để đến bên con cái, nhận lỗi của mình, để dần dần mang chúng trở về với chúng ta.

Lúc đó, mối liên hệ giữa con cái và cha mẹ có thể được nối kết trở lại. Sau đó chúng ta có thể giao truyền cho con cái những điều tốt đẹp của nền văn hóa từ quê hương, xứ sở, từ nền văn hóa tâm linh, đến từ chư Phật và các vị Bồ tát.

Nếu là người theo đạo Ki-tô giáo, ta cũng phải làm giống như thế. Nếu ta không thích giáo hội, không ưa cha xứ, đức giám mục; hoặc nếu ta theo Do Thái giáo, mà ta không ưa các vị rabbi, không thích giáo đoàn, vì họ đã phạm lỗi lầm, không hiểu chúng ta, đã ép bưộc chúng ta làm những điều mà chúng ta không hiểu lý do tại sao phải làm.

Khi chúng ta dùng quyền lực để ép bưộc người khác phải làm những điều họ không hiểu, họ sẽ không thích chúng ta, không thích Kitô giáo hay Do Thái giáo của chúng ta, họ sẽ rời bỏ chúng ta để đi tìm một con đường tâm linh khác. Các vị giám mục, các rabbi, các cha xứ, các bậc cha mẹ, phải thấy rõ những lầm lỗi mình đã làm, và phải học từ sư tử mẹ.

Họ cần phải nói với con cái mình: “Trong truyền thống văn hóa, trong xã hội của chúng ta có những điều không tốt đẹp, có những điều xấu xa, những điều gây hiểu lầm, không có tự do, nhưng đó không phải là tất cả”.

Nếu chúng ta cố gắng, đi trở về với văn hóa, với tâm linh và cách sống văn hóa của chúng ta, ta sẽ khám phá ra nhiều, rất nhiều châu báu quý giá trong truyền thống của chúng ta, dầu đó là văn hóa phương Tây, hay phương Đông, dầu đó là Do Thái, Kitô hay Phật giáo. Phật giáo có những điều tốt đẹp; Phật giáo cũng có những điều chưa tốt đẹp. Những điều chưa tốt đẹp có mặt, vì có những người không hiểu Phật giáo, do đó họ đã làm những việc mà họ cho là ‘Phật giáo’, nhưng thực sự không phải là Phật giáo.

Có mê tín dị đoan, có đàn áp, ép buộc người ta làm những việc thực sự ra là mê tín dị đoan. Có rất nhiều điều tốt đẹp về Phật giáo, và trong Kitô giáo, trong Do Thái giáo, chúng ta cũng có thể tìm được những điều tốt đẹp. Nhưng những người có trách nhiệm trong các tôn giáo này, vì họ không tìm được an lạc cho chính bản thân, nên họ đã có những hành động ép buộc người khác, đán áp người khác.

Và những người không thể chịu đựng được điều đó, họ sẽ rời bỏ tôn giáo của mình. Vì thế, sư tử mẹ phải tỉnh giác, phải khéo léo, phải nói: “Mẹ đã sai lầm. Hãy tha thứ cho mẹ”. Chúng ta phải coi con cái như là bạn bè khi thực hiện điều này. Phải nói với chúng như thể đang nói với bạn bè và phải công nhận rằng mình đã sai lầm.

Tổ tiên của chúng ta cũng có sai lầm. Họ cũng không khéo léo, không thực sự thấu hiểu thông điệp, không nắm được đức tính thực sự của truyền thống của chúng ta, và họ đã làm những điều ngược lại với tình thương yêu, với sự hiểu biết. Họ đã lợi dụng tôn giáo để gây ra chiến tranh, để hỗ trợ cho bạo động, cho sự phân biệt chủng tộc.

Đó không phải là châu báu của văn hóa và tôn giáo, đó là rác rưởi đã được tạo ra do sự không khéo léo, vụng về. Chúng ta cần phải nhìn nhận rằng những thứ này đều có mặt, nhưng chúng không phải là thứ duy nhất. Cũng có những thứ quý báu, giá trị, những châu báu, rực rỡ, sáng chói, những thứ của hạnh phúc. Nếu chúng ta cùng nhau trở về, chúng ta có thể tìm được những thứ này, để trao truyền cho các thế hệ mai sau tận hưởng.

Chúng ta cần biết làm thế nào để tha thứ, làm thế nào để trở về với cha ông, vì thế chúng ta sẽ cùng nhau bước trên đường khám phá, để khám phá ra nét đẹp của cội nguồn. Không biết có bao nhiêu người trên thế giới có thể hành động giống như con sư tử mẹ đã làm?

Sáng nay tôi dùng điểm tâm với một sadi. Chú Sa-di là người Việt Nam, trưởng thành ở Tây phương. Chú rất thành công trong việc học hành ở xứ người, đã tốt nghiệp kiến trúc sư, và đã kiếm được việc làm. Chú rất hạnh phúc với công việc của mình, cho đến ngày chú được gặp lại sư tử mẹ của mình, chú thấy rõ con đường của chú là con đường trở về nhà.

Chú tham dự một khóa tu dành cho người Việt Nam ở nam California. Chú nói và viết tiếng Anh hoàn hảo, nhưng tiếng Việt thì không thông, và chú biết rất ít về văn hóa cũng như Phật giáo Việt Nam. Nhưng chỉ trong một khóa tu, chú đã có thể trở về với những giá trị của truyền thống tâm linh và văn hóa của mình.

Sau đó chú viết cho tôi một lá thư và nói: “Kiến trúc để làm gì? Kiến trúc là để tạo ra không gian để người ta có thể sống dễ chịu, trong an lạc. Con nghĩ trở thành một tu sĩ cũng là thực hành một loại kiến trúc khác, vì chúng ta cũng tạo ra những không gian để người ta có thể sống thoải mái, trong tự do.

Khi trở thành một tăng sĩ, con thực sự đang tiếp nối lý tưởng được trở thành một kiến trúc sư”. Rồi chú hỏi, “Xin cho con được thành tu sĩ, vì con nghĩ là con sẽ có thể giúp được nhiều người, nếu con là tu sĩ”. Chú đã xuất gia mùa đông năm ngoái, nhưng đã trở về với cội nguồn rất nhanh chóng, chú đã có thể nói sõi tiếng Việt, và chú đã học hỏi rất nhiều điều về văn hóa Việt Nam. Chú làm được điều đó nhanh chóng vì trong tim chú có rất nhiều yêu thương, có sự ngưỡng mộ rất sâu xa.

Tất cả các chú sư tử con, nếu đã lạc đường, nếu có thể làm được như chú Sadi kia, vì sư tử mẹ đã có mặt ở đó với tất cả tấm lòng yêu thương. Không thể nói bà không có mặt ở đó. Bà đã mở rộng tấm lòng để hướng dẫn cho sư tử con khi nó trở về nhà.

Tất cả các chú sư tử con, người đã lạc lối, người đã đánh mất dòng giống, sự truyền thừa. Chúng ta phải lắng nghe lời kêu gọi của sư tử mẹ, trong máu thịt của ta, và hãy trở về với cội nguồn. Điều đó không chỉ đúng cho những người Việt Nam sống ở Tây phương mà còn đúng cho cả những người Việt Nam đang sống trong nước, mà cảm thấy như đã đánh mất bản thân. Người Việt Nam ở Tây phương cảm thấy lạc lỏng, vì “Đây không phải là nhà, xã hội thực sự của tôi”. Và xã hội Tây phương cũng đã khiến cho rất nhiều người trẻ không cảm thấy thoải mái ngay chính trong xã hội của mình, họ cảm thấy họ đã lạc lối.

Họ không có phương hướng, không nhận nhìn được tổ tiên, cha mẹ của họ. Nỗi khổ của người tỵ nạn Việt Nam lang thang không gốc rễ, với nỗi khổ của những người trẻ Tây phương không có cội nguồn, cái nào lớn hơn?

Thế kỷ thứ 16, 17, đã có những người truyền giáo đạo Kitô vào Việt Nam, nhưng phương pháp của họ không được tốt. Họ khuyên người Việt Nam, “Đừng có thờ cúng tổ tiên. Đừng có lễ bái Đức Phật. Hãy vứt bỏ tất cả. Hãy dẹp bàn thờ, đừng đốt nhang ở đó nữa. Chỉ nên tin theo đức chúa Jesus Christ”. Vì cái nhìn hẹp hòi của họ, họ muốn tách rời chúng ta khỏi cội nguồn của mình. Do đó họ đã tạo ra nhiều người không có cội nguồn.

Khi đến phương Tây, tôi không đến với tư cách của người truyền giáo. Tôi đển để kêu gọi chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Vì tôi là người tu sĩ, dầu ở đâu, tôi cũng phải tọa thiền, thiền hành và thiền thở. Những người trẻ ở Tây phương đồng ý với tôi, muốn cùng làm việc với tôi để chấm dứt chiến tranh giữa nước Mỹ và Việt Nam, và họ học làm thế nào để thở, làm thế nào để ăn trong chánh niệm. Khi họ thực hành những điều này, họ cảm thấy rất nhẹ nhàng và hạnh phúc.

Các bạn tôi cũng khuyến khích tôi mở các khóa tu, để nhiều người có thể học hỏi về chánh niệm. Tôi không bao giờ nói, “Hãy từ bỏ truyền thống của bạn để theo tôi”. Một con sư tử chỉ có hạnh phúc, khi được là chính nó. Nó không muốn trở thành một con khỉ. Dầu nó có thể học hỏi được nhiều điều mới lạ từ khỉ, nhưng nó sẽ không thực sự hạnh phúc khi bị tách rời khỏi cội nguồn sư tử của nó. Một người theo Kitô giáo cũng vậy.

Dầu bạn có bất mãn với nhà thờ, với cha xứ, với cha mẹ, bạn cũng cần phải hiểu đó là cội nguồn của bạn. Vì thế tôi khuyến khích bạn đến chùa để học tập chánh niệm, rồi bạn sẽ thấy trong chính truyền thống tâm linh của bạn, có châu báu, bạn sẽ trở về với truyền thống, sẽ giúp gầy dựng lại châu báu trong truyền thống của bạn. (. . .)

Ngũ giới không phải là để ép buộc ta làm điều gì, chúng là cách sống trong chánh niệm. Chánh niệm là sống với sự tỉnh thức, để biết rằng nếu tôi làm điều này, nó sẽ đem lại tai hại, trái lại, nó sẽ đem lại hạnh phúc. Năm giới được đặt ra là để giữ cho thân tâm ta được khỏe mạnh, để giữ cho gia đình chúng ta được khỏe mạnh. Đây là chân lý mà ta phải chấp nhận: rằng nếu ta sống theo năm giới, ta sẽ bảo vệ được những mối liên hệ giữa ta với người, để chúng không bị đổ vỡ. Chỉ có một con đường duy nhất là tu tập theo năm giới.

Khi đến được một trung tâm thực hành như thế này, chúng ta cần phải biết rằng, nếu ta chấp nhận năm giới, và đem chúng về nhà để thực hành, đó là lời cầu nguyện để bảo vệ chúng ta và bảo vệ thân tâm của những người ta yêu thương. Ta có thể chắc chắn rằng gia đình của chúng ta sẽ không bao giờ bị đổ vỡ, nếu chúng ta thực hành theo Năm giới.

Hôm nay, huynh Sanghakaya sẽ đi gặp Phó Tổng thống Mỹ, nên hỏi tôi, “Con sẽ nói gì với ông Phó Tổng thống?” và tôi trã lời, “Năm giới”. Tôi khuyên huynh ấy đặc biệt nói về Giới thứ ba. Vì nếu Tổng thống Clinton đã thực hành theo năm giới, ông đã không cảm thấy khó trã lời trước sự chất vấn của báo giới, tinh thần ông không phải bất ổn, trong khi ông còn bao nhiêu việc phải làm. Nhưng vì gia đình, vì quốc gia, ông phải trả lời những câu hỏi hóc búa này.

Ông cần tu tập năm giới không chỉ để bảo vệ bản thân, mà còn để bảo vệ quốc gia. Cả đất nước ông cần đến Năm giới. Nếu tất cả mọi người trong xã hội Mỹ, xã hội Pháp, sống theo Năm giới, thì chắc chắn, họ không phải đối mặt với bao khủng hoảng.

Giới thứ ba khuyên rằng, “Hãy tránh xa tình dục không chính đáng. Nếu hai thể xác muốn hòa hợp nhau, điều đó chỉ có thể xảy ra khi cả hai thệ nguyện lâu dài”. Nếu không có tình yêu và sự thệ nguyện, nhưng lại có sự giao hợp thân xác, thì hoạt động tình dục đó sẽ mang đến khổ đau cho cả hai phía.

Chúng ta nghĩ rằng khi ở bên nhau, ta sẽ bớt cô đơn. Vì bên trong tất cả chúng ta đều cô đơn, chúng ta dại khờ khi nghĩ rằng nếu chúng ta sống với ai đó, ta sẽ không còn cô đơn nữa, nhưng sự thật là trái lại. Chúng ta đã ở bên nhau biết bao lâu, mà vẫn không thấy bớt cô đơn; thật ra ta cảm thấy dằn vật, bức xúc hơn trước đó, vì cơ thể chúng ta có thể giao hợp, nhưng hoàn toàn không có sự thông cảm, không có sự hòa hợp giữa hai tâm hồn. Do đó sống theo Giới thứ ba là để bảo vệ thân tâm của ta và thân tâm của người khác.

Và Giới thứ tư, đó là gì? Giới thứ tư giúp chúng ta biết làm thế nào để lắng nghe, làm thế nào để sử dụng ái ngữ. Chúng ta không bao giờ nói lời thô tục, đổ lỗi, buộc tội, và khi ai đó nói, ta phải lắng nghe mà không nên la hét hay cắt ngang. Chỉ cần biết lắng nghe là ta cũng đã giúp người khác rất nhiều. Người kia đã từng đau khổ, mà không có cơ hội để thổ lộ nỗi khổ đau đó. Không ai muốn ngồi xuống lắng nghe họ, vì thế nỗi khổ của họ không được vơi bớt.

Giờ chúng ta ngồi xuống bên người đó, giống như Bồ tát Avalokiteshvara (Quán Thế Âm), lắng nghe với tất cả lòng bi mẫn, để người đó có thể nói về nỗi đau khổ của mình. Có thể người kia nói những điều ta không đồng ý, vì họ có cái nhìn thiên lệch, hoặc là họ kết tội chúng ta, những điều họ nói đầy cay độc, nhưng vì lòng bi mẫn, chúng ta có thể vẫn ngồi đó để lắng nghe họ. Khi họ được nói, họ sẽ vơi bớt khổ đau.

Rồi vài ngày sau, bạn sẽ đến bên người đó để nói: “Ngày hôm đó, khi nghe bạn nói, tôi biết bạn đang đau khổ, tôi rất hiểu bạn. Nhưng có một số điều, tôi nghĩ là bạn đã hiểu lầm, hãy để tôi được giải thích, để bạn có thể hiểu tôi hơn”. Với những lời lẽ dịu dàng như thế, ta giúp người khác thoát khỏi tà kiến của họ, và họ sẽ chuyển đổi.

Giới thứ tư khiến cho hố ngăn cách, những trở ngại giữa ta và người biến mất, để ta và họ có thể đến với nhau, thiết lập lại sự giao hữu. Do đó, Giới thứ tư là một sự nguyện cầu, và chúng ta cầu nguyện nơi miệng, nơi tâm. Chúng ta không cần phải niệm Jesus Christ, hay Phật, chúng ta chỉ cần có đôi tai biết lắng nghe, và miệng biết nói lời ái ngữ.

Sau ba, năm hay bảy ngày, hoàn cảnh sẽ đổi thay. Người khác sẽ thấy là ta trở nên tử tế hơn. Trước kia, ta giống như một bức tường, bất cứ ai nói gì ta cũng không nghe được. Nay khi ta nói, lời nói của ta trở nên nhẹ nhàng, dễ chịu. Đó là Giới thứ tư –đó không phải là điều ta có thể thực hiện được vì ta muốn làm thế, mà đó là điều ta làm được vì ta đã có thực hành, vì tăng đoàn đã hỗ trợ cho chúng ta trong việc thực hành.

Khi ta thực hành sự giữ giới này trong gia đình, là ta đã bảo vệ được gia đình mình: gia đình ta sẽ được toàn vẹn, tránh được đổ vỡ, nó đã được bảo vệ. Nếu ai cũng có thể thực hành Giới thứ tư này, dù chưa hoàn hảo, chúng ta cũng có thể chắc chắn rằng gia đình họ cũng sẽ không bị đổ vỡ.

Giới thứ năm là về sự tiêu thụ. Chúng ta phải chánh niệm khi tiêu thụ. Phải biết loại đồ ăn gì là cho thân, gì là cho tâm, để chúng được thiện hảo và khỏe mạnh. Khi ăn vào, ta thấy nhẹ nhàng, giải thoát, và thân tâm được thêm dinh dưỡng. Những cũng có những thứ, khi chúng ta ăn vào, sẽ hủy hoại thân tâm. Có những quyển sách, tạp chí, chương trình truyền hình đầy độc tố.

Khi xem chúng, ta thấy có quá nhiều hận thù, quá nhiều bạo lực, nhiều sự hiểu lầm, sợ hãi len vào thân tâm ta. Khi ta tự nhồi nhét mình với những thứ này mỗi ngày, làm sao ta tránh khỏi bị bịnh? Khi nổi giận, ta chỉ muốn tìm cái búa, con dao hay một khẩu súng để giết hại người khác. Chúng ta không biết dùng lời ái ngữ. Không biết lắng nghe, vì đã hấp thụ quá nhiều bạo lực trong các phim ảnh. Quảng cáo luôn nói với chúng ta rằng, “Hãy mua sản phẩm này để được hạnh phúc”. Nhưng khi đã mua nó rồi, ta phải nhận bao hậu quả xấu.

Hạnh phúc không đến từ sự tiêu thụ. Khi đã tháo gỡ hết mọi khổ đau bên trong ta thì hạnh phúc sẽ đến. Điều này thật diệu ký. Nhiều người nghĩ rằng hạnh phúc đến từ sự tiêu thụ cái gì đó, từ việc mang cái gì đó từ bên ngoài vào trong ta, nhưng thực sự là hạnh phúc đến từ bên trong ta.

Khi đã có thể tháo gỡ khổ đau trong ta, lòng sân hận, tuyệt vọng trong tâm ta, thì hạnh phúc sẽ nở ra như đóa hoa sen, hay hoa hồng. Hạnh phúc của hoa không đến từ bên ngoài, mà từ bên trong đóa hoa, hạnh phúc của chúng ta cũng thế. Vì ta có những thứ tiêu cực trong thân tâm, chúng ta không thể có hạnh phúc.

Không phải vì được ăn nhiều mà ta cảm thấy được hạnh phúc, nhất là khi ta ăn những chất độc hại làm cơ thể ta mỗi ngày thêm nặng nề. Tâm ta cũng thế: không phải vì ta hấp thụ nhiều phim ảnh, sách báo mà nó cảm thấy hạnh phúc, mà chính vì ta có thể tống khứ những chất độc hại ra khỏi cơ thể. Đó là điều mà Pháp thoại có thể mang đến cho chúng ta.

Lắng nghe Pháp thoại là để tháo gỡ những hiểu lầm, si mê, tham đắm, sân hận trong ta. Ta càng có thể tháo gở được nhiều, thì tâm ta càng cảm thấy nhẹ nhàng, thư thái, và hạnh phúc là điều có thể. Hạnh phúc tăng trưởng từ trong ra ngoài. Hãy nhớ điều đó.

Do đó, Giới thứ năm là về sự tiêu thụ trong chánh niệm. Mỗi ngày ta ăn những gì, uống gì, hấp thụ những sách báo gì, những mối liên hệ gì thì rất quan trọng, vì khi ta tiêu thụ như thế, ta có thể đem rất nhiều độc tố vào trong thân.

Có những đứa trẻ ngồi trước truyền hình ba tiếng mỗi ngày, và trong ba tiếng đồng hồ đó, chúng đã nhồi nhét vô tâm trí bao điều bạo lực. Khi ra ngoài xã hội, chúng cũng áp dụng những điều đã xem trên truyền hình. Khi không thích điều gì, ta muốn dẹp bỏ nó. Chúng ta có dụng cụ điều khiển từ xa, khi không thích gì ta có thể bấm bỏ nó. Khi không thể dẹp bỏ người ta ghét, ta bắn giết họ để nhanh chóng dẹp họ qua một bên.

Nhưng khi làm thế, ta phải vào tù, vì thế ta không thể loại bỏ họ nhanh chóng như ta muốn. Ta không có kiên nhẫn, không có yêu thương, không có sự hiểu biết, và đó là kết quả của những gì ta đã nhận được trong cuộc sống hàng ngày, qua sự hấp thụ của ta. Điều đó không phải là thực sự sống, mà đúng hơn là thực sự chết, nó giống như một kiểu tự tử.

Chúng ta cho rằng các tăng ni không thực sự sống vì họ không coi truyền hình, xem sách báo, nhưng họ mới thực sự sống. Họ không tiêu thụ độc tố, không tự nhồi nhét vô người những độc tố, nhờ đó thân tâm họ nhẹ nhàng, thảnh thơi.

Bất cứ khi nào tôi thấy ai đó quỳ xuống để thọ ngũ giới, tôi cảm thấy hạnh phúc. Hạnh phúc cho người đó, cho gia đình đó. Phật tử có thể thọ ngũ giới (năm giới) từ tôi, người theo Ki-tô giáo có thể thọ nhận Năm giới từ cha xứ hay đức giám mục, vì Năm giới cũng có trong Ki-tô giáo. Tôi đã viết về chúng rất rõ ràng. Người trẻ cũng có thể đọc được.

Đó không phải là những điều cấm đoán, không ép buộc bạn phải làm điều gì đó. Chỉ là vì chúng tôi đã thấy quá nhiều đau khổ, nên chúng tôi nguyện giữ Năm giới. Vì đã tỉnh thức, chúng tôi thấy rằng nếu không thực hành Năm giới, gia đình chúng tôi sẽ đổ vỡ, xã hội chúng tôi sẽ đổ vỡ. Đó là lý do tại sao chúng tôi muốn thực hành điều này.

Và ở các khóa tu, khi tôi thấy ba trăm, bốn, năm trăm người quỳ xuống để thọ ngũ giới, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc đến nỗi tôi muốn khóc, vì tôi biết ngũ giới sẽ giúp họ tự bảo vệ mình, bảo vệ gia đình họ, bảo vệ xã hội của họ.

Chúng tôi sống ở nơi người ta chế biến rượu, nhưng khi có bốn hay năm người nguyện không uống giọt rượu nào, tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Rượu đã khiến cho bao gia đình bị đổ vỡ. Ở Mỹ, ở Pháp, quá nhiều trẻ em lớn lên trong đau khổ, chỉ vì cha mẹ của các em nghiện ngập. Chúng ra đường tìm đến ma túy để quên khổ, và vì các loại ma túy này, chính quyến đã phải áp dụng những chính sách cứng rắn để chặn đứng đường dây buôn bán ma túy.

Nếu chúng ta giữ được năm giới, nếu tất cả mọi người sống trên đất nước này đều sống theo Năm giới, thì chúng ta không cần đến chính quyền phải sử dụng những phương tiện mạnh mẽ để dẹp bỏ việc sử dụng ma túy.

Thỉnh thoàng vị Bộ trưởng Y tế của Pháp cũng kêu gọi người ta bớt sử dụng rượu, vì đã có biết bao tai nạn trên đường phồ do sử dụng rượu. Tôi nhớ có một tấm bảng quảng cáo như thế này, “Một ly –thì được; ba ly –là gặp họa”. Và tôi đã nói, “Làm sao có tới ly thứ ba, nếu không có ly rượu đầu tiên?”

Do đó, tôi nghĩ là không nên có đến một ly rượu nào, vì sau ly thứ nhất, có thể bạn sẽ khát ly thứ hai hay ly thứ ba. Một khi đã có ly thứ hai, thì bạn đánh mất sự sáng suốt và bình tĩnh. Nên tốt hơn hết là chẳng nên bắt đầu ly thứ nhất. Nếu những người làm rượu nghe tôi nói chắc là họ sẽ giận dữ lắm.

Tôi biết là họ sẽ thất nghiệp nếu không có ai uống rượu nhưng khi tôi nghe tiếng xe cứu thương chạy nhanh đến chỗ tai nạn. . . vài ngày trước đây, bốn hay năm người trẻ ở Duras, vì say rượu đã lái xe xuống hồ nước và tất cả đều chết chìm, vì họ đã không giữ được giới thứ năm.

Cha mẹ uống rượu, thì con cái cũng uống rượu – đó là điều tự nhiên. Chúng ta nên uống bao nhiêu? Thường cảnh sát sẽ có những dụng cụ để bạn thở vào đó, và họ sẽ biết bạn có lái xe khi đang say rượu không. Còn bao nhiều thứ đồ uống ngon bổ khác, mà không phải là rượu, như nước trái cây.

Nếu chúng ta giữ năm giới, chúng ta không chỉ giữ gìn cho thân mình, tâm mình: chúng ta cũng bảo vệ con cái và cha mẹ chúng ta. Nếu khi còn trẻ, chúng ta bị chết đi, thì cha mẹ chúng ta cũng cảm thấy như họ đã chết, nếu cha mẹ chết đi, con cái sẽ cảm thấy như họ cũng chết. Vì thế khi ta tự bảo vệ bản thân, là ta cũng bảo vệ người khác.

Giữ gìn năm giới không phải là vấn đề của cá nhân, nó là vấn đề của quốc gia. Nếu cả nước đều thực hành giữ năm giới thì đất nước sẽ phồn thịnh. Sẽ không còn những gia đình bị đổ vỡ, xã hội bị đổ vỡ.

Do đó, ta biết rằng việc giữ gìn năm giới là phương cách cụ thể nhất để thực hành chánh niệm. Nếu chúng ta thọ năm giới, và khuyến khích mọi người trong gia đình ta thọ năm giới, thì ngày đó là ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời ta, vì gia đình ta sẽ được duy trì, và cuộc sống gia đình đơn giản, tốt đẹp sẽ ảnh hưởng đến những gia đình khác trong xã hội.

Diệu Liên (dịch), Đánh máy: Ngọc Minh
http://old.thuvienhoasen.org/dailephatdanLHQ2008-04-05-01.htm
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/11/2024(Xem: 82)
HIẾM NGƯỜI SỐNG MÀ BIẾT CHUẨN BỊ CHO KIẾP SAU! Cái vòng quay của thời tiết xuân hạ thu đông không làm cho ta lo lắm vì ta thấy ta còn tất cả, vẫn những người yêu thương ta đó, vẫn căn nhà đó, vẫn tiền bạc đó, vẫn sự nghiệp đó, nó vẫn đi tiếp, không có gì làm ta phải lo và chính cái không lo này làm cho ta chủ quan.
14/09/2024(Xem: 1244)
Tại sao lại nói “ruột đau chín chiều”? Đó là những chiều nào, hướng nào? Hay đó là chín buổi chiều? Có bao giờ chúng ta tự hỏi tại sao ruột đau không phải ba bốn chiều hay tám chiều mà lại “chín chiều” ?
07/09/2024(Xem: 1069)
- Kính thưa chư Tôn đức, chư Thiện hữu & quí vị hảo tâm. Trong tâm niệm: ''Sáng cho người thêm niềm vui, chiều giúp người vơi bớt khổ'', vào Chủ Nhật tuần qua (Sept 01 2024) hội từ thiện Trái tim Bồ Đề Đạo Tràng chúng con, chúng tôi đã tiếp tục thiện sự chia sẻ thực phẩm, y phục và tịnh tài cho những mảnh đời bất hạnh, những người dân nghèo khó nơi xứ Phật tại tiểu bang Bihar India. Xin mời quí vị hảo tâm xem qua một vài hình ảnh tường trình..
31/08/2024(Xem: 1473)
Mùa Vu Lan báo hiếu nhắc nhở các thế hệ con cháu nhớ tới công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, ông bà, tổ tiên cũng như những thế hệ người đi trước. Lễ Vu Lan mang giá trị nhân văn, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” muôn đời.. Để thể hiên tinh thần đó, chúng con, chúng tôi xin được đại diên, thay mặt chư Tôn Đức & quí Phật tử thực hiện một buổi cúng dường Trai Tăng tại Bồ Đề Đạo Tràng India để hồi hướng đến Cha mẹ, cửu huyền thất tổ của chúng ta với ước mong đáp đền thâm ân cao dày của các đấng sinh thành trong muôn một.
29/08/2024(Xem: 1346)
Trong tâm tình: ''VuLan- Thương về quê Mẹ'', hội Từ thiện Trái Tim Bồ Đề vừa thực hiện hoàn mãn thiện pháp tại quê nhà nhằm chia sẻ chút Phước lành đến những người mù lòa, khuyết tật, khó khăn.. Xin gửi chư vị vài hình ảnh buổi Từ thiện tại chùa Thiện Thệ do Ni Sư Thích nữ Huệ Lạc, thành viên của Hội từ thiện Trái Tim Bồ Đề tại VN tường trình:
28/08/2024(Xem: 1069)
..Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật Kính chia sẻ cùng cả Chùa hình ảnh Đại Lễ Vu Lan ngày thứ Bảy 24/8/2024 tại chùa Linh Phong Switzerland, Thụy Sỹ do Ni Sư trụ trì Thích nữ Viên Hoa tổ chức với sự tham dự của chư Tôn đức Tăng, Ni.. TT Thích Trí Thuyên, Thích Tánh Tuệ, Thích nữ Viên Diệu, Tn Viên Bảo, Tn Tịnh Hóa, Tn Tuệ Anh, Tn Tịnh Lự, Tn Chân Không, Tn Xả Không... cùng chư đồng hương Phật tử xa gần tại Âu Châu.. Kính Chúc đại chúng một mùa Vu Lan vô lượng an lành, vẹn tròn tâm hiếu hạnh... Nam Mô Vu Lan Hội Thượng Phật Bồ Tát- Ma ha tát.
21/08/2024(Xem: 768)
Bà mẹ già ngồi ở băng ghế sau chiếc xe hơi bỏ mui màu đỏ sậm đang rẽ quặt xuống xa lộ. Bà ghì chặt lấy cái giỏ đồ để trên đùi như sợ gió ào ào thổi đến sẽ cuốn giỏ đi mất. Bà không quen với cái tốc độ quá nhanh như bay thế này. Với hai bàn tay run run bà siết lại chiếc dây an toàn quấn ngang người cho chặt hơn, nhưng bà vẫn cẩn thận không để các ngón tay chai sần của bà chạm vào đệm xe bọc da. Đệm quý giá lắm đấy! Con gái bà luôn miệng dặn bà đừng làm bẩn ghế: “Dấu tay sẽ lộ rất rõ ra trên đệm xe màu trắng đấy Mẹ à!”
21/08/2024(Xem: 788)
MỘT BÔNG HỒNG TRẮNG Vào ngày cuối cùng trước Lễ Giáng Sinh tôi vội vã tới siêu thị để mua các món quà tặng còn sót lại mà trước đó chưa kịp mua. Trời ơi, sao mà đông người như thế. Tôi bực bội tự nhủ thầm: “Cả đống người thế này thời bao giờ mới xong việc đây. Còn bao nhiêu nơi phải đi nữa chứ!”
10/08/2024(Xem: 1065)
ột người tâm không tĩnh thì rất khó suy nghĩ cặn kẽ một vấn đề gì đó, xã hội hiện đại là một thời đại rối ren, con người sống và làm việc cũng đều rất kiêu căng, xốc nổi. Chỉ có người nào tĩnh tâm thì mới có thể cẩn thận quan sát thời thế, suy xét một cách sâu sắc để có được cách giải quyết vấn đề hoặc hiểu được con người một cách chính xác.
24/07/2024(Xem: 1057)
Tiếng Việt từ TK 17: các cách dùng bên kia, hôm kia, hôm kìa, hôm kiết, hôm kiệt, ngày kia, ngày kìa - tương tác giữa thời gian và không gian (phần 46) Nguyễn Cung Thông[1]
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com