CHÙA THUYỀN TÔN
Địa chỉ: THÔN NGŨ TÂY X.THỦY AN, TP.HUẾ, THỪA THIÊN HUẾ
Tỉnh thành: Huế
Điện thoại: (054)3836200
Chùa Thuyền Tôn thuộc địa phận của xã Dương Xuân ngày trước, nay là thôn Ngũ Tây, xã Thủy An, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên.
Ngôi chùa nầy kiến tạo trên một ngọn đồi cao, mặt hướng về phía Tây Bắc; nhìn xuống phía dưới là một vùng gò đất bằng phẳng, có nhiều khe suối ngang dọc chảy qua; bên phải chùa là phía triền thấp của núi Thiên Thai; cho nên trước kia, ngôi chùa nầy lại còn có tên là Thiên Thai Thiền Tự cũng còn gọi là Thiên Thai Nội Tự, theo bản sắc phong của vua Minh Mạng năm 1825.
Phía trái của ngôi chùa là những dãy đồi chập chùng, nối kế đuôi nhau. Sau lưng là phía đầu của ngọn núi, quanh năm mây trắng lửng lờ; nhiều hàng thông bát ngát nối nhau tưởng chừng như bất tận; một cảnh trí hùng vĩ trang nghiêm và siêu thoát trong toàn bộ cảnh quan của vùng nầy.
Con đường từ vùng chánh lộ vào chùa khá quanh co, khúc khuỷu, phải ngang qua vùng Đàn Nam Giao trước kia, theo con đường vào Nghĩa Trang hiện nay của thành phố.
Đây cũng chính là mồ chôn tập thể trong biến cố Mậu Thân 1968. Một chiếc cầu dẫn vào chùa phải đi ngang qua con kênh Thủy Lợi Nam, do dân Huế đào trong khoảng 1977-1978, nhưng nay thì đã khô cạn. Rẻ vào đường, đi chừng hai cây số thì thấy được tìm bảng gỗ đề Tổ đình Thuyền Tôn.
Cảnh trí trong vùng nầy thật u tịch, phải đi quanh co theo những đường đồi nghiêng thoai thoải, khi lên, khi xuống, lại qua những khe suối nhỏ và lưng chừng của sườn núi. Thành thử vùng đất chùa nầy khá hoang vu, cô tịch nếu so với những ngôi chùa khác trong vùng. Một công trình kiến trúc nổi tiếng trong vùng nầy là tháp Liễu Quán. Nghệ thuật xây dựng và điêu khắc của ngôi tháp nầy khá hài hoà, khúc chiết, nếu so với những ngôi tháp các chùa khác.
Sau lưng chùa Thuyền Tôn, sâu vào trong núi, còn có một bảo tháp khác, lớn hơn và tinh vi hơn: đó là bảo tháp của ngài Đệ Nhị Tăng Thống Giáo Hội PGVNTN Đại Lão Hoà Thượng Thích Giác Nhiên, cố trụ trì của chùa Thuyền Tôn. Cả hai ngôi tháp nầy được ca tụng là đẹp nhất trong toàn vùng nầy.
Những tài liệu lịch sử Phật Giáo Việt Nam dẫn: Chùa Thuyền Tôn nguyên trước do Hoà Thượng Liễu Quán khai sáng ra vào trung tuần tháng sáu năm 1708 thì hoàn thành. Cơ sở nầy ban đầu còn thô sơ, nhà tranh vách đất, nhưng về sau những vị cao tăng kế nhiệm đã ra công tu bổ dần thêm.
Vào trung tuần tháng chín năm Cảnh Hưng thứ bảy (1747), Đàn Việt Chương Thái Giám là Mai văn Hoan, pháp danh Tế Y, vốn sinh trưởng trong vùng nầy, đã bỏ nhiều công sức và tiền bạc để trùng tu ngôi chùa trở nên khang trang hơn. Một bảo tháp dựng lên để thờ ngài Liễu Quán; lại đúc thêm một đại hồng chung mà nay vẫn còn. Mai Văn Hoan cũng đã ra sức vận động thiện nam, tín nữ góp tiền để mua nhiều vùng đất cúng chùa, dùng làm sở phí hương khói quanh năm. Nhờ vậy, càng ngày ngôi chùa trở nên rộng thoáng, đầy đủ những cơ sở tu hành và chiêm bái, tụng niệm.
Qua thời kỳ Tây Sơn, chiến tranh xẩy ra vô cùng gay gắt trong vùng nầy; ngôi chùa Thuyền Tôn hư hại gần như hoàn toàn, hoang phế đi một thời gian khá lâu. Cho đến năm 1810, đời vua Gia Long thứ chín, một tín đồ thuần thành tên là Lê Thị Tạ (có sách chép là Lê Thị Tài) đã đứng ra quyên góp để tu sửa lại toàn diện ngôi chùa nầy; hai năm sau thì toàn bộ đã hoàn tất và một lễ trai đàn cũng được tổ chức vào tháng 12 năm đó. Ngoài ra bà ta cũng cho sưu tầm lại nhưng văn khế liên quan đến chùa, vận động để chuộc lại những phần đất bị tranh cướp đi. Thế là chùa có được cơ sở vững chắc để kiện toàn thêm nữa.
Mùa đông năm 1937, những trận lụt và bão tố liên tiếp xẩy ra trong vùng đồi núi nầy, khiến cho ngôi chùa lại bị thiệt hại nặng nề. Hoà Thượng Thích Giác Nhiên, trụ trì chùa đã đứng ra kêu gọi thiện nam tín nữ góp công sức, tịnh tài để xây dựng trở lại lần thứ ba. Phải mất ba năm ròng rã mới tiến hành nổi.
Lần nầy ngôi chùa được xây dựng bằng những vật liệu kiên cố, bê tông cốt sắt, để tránh những tai nạn bất ngờ. Một phong trào quyên góp xây cất để hoàn trả lại những giá trị trang nghiêm và vững chi cho chùa. Tuy dùng vật liệu mới, nhưng sơ đồ xây dựng toàn bộ cũng được nhiều kiến trúc sư góp ý nên vẫn giữ được những đường nét trang nghiêm của một nơi thờ phụng trang nghiêm.
Năm 1942, khi phong trào chấn hưng Phật Giáo trên đà phát triển, Hoà thượng Giác Nhiên đã cho mở trung tâm giáo dục Phật Giáo tại chùa để xiển dương những tưtưởng của Ngài Thái Hư Đại Sư. Cho đến nay, thì chùa Thuyền Tôn đã trở thành một trong những ngôi thiền tự lớn nhất tại cố đô Huế, dù ở tại vùng khá hẻo lánh.
Đây cũng là tổ đình của Thiền Phái Liễu Quán, một hệ phái của Thiền Lâm Tế truyền bá từ Trung Hoa sang Việt Nam. Hiện nay, trước sânchùa còn ghi lại bài văn bia của Ngài Liễu Quán:
Thiệt tế đại đạo, Tánh hải thanh trừng Tâm nguyên quảng nhuận Đức bổn từ phong. Giới định phước huệ Thể dụng viên thông Vĩnh siêu trí quả Mật khế thành công. Truyền kỷ diệu lý, Diễn tướng chánh tông. Hạnh giải tương ứng Đại ngôi chơn không.
Những thế hệ kế tiếp của Thiền phái Liễu Quán đã theo thứ tự danh xưng (chữ đầu) trong bài kệ nầy để đặt Pháp danh cho mình.
Trước ngôi tháp của ngài Liễu Quán còn có hai câu đối:
Bảo đạt trường minh, bất đoạn mãn tiền lưu lạc thủy, Pháp thân độc lộ, y nhiên tọa lý khán thanh sơn.
Nghĩa là:
Tiếng mõ vang lừng, trước ngõ không ngừng dòng suối biếc, Pháp thân vòi vọi, quanh toà cao ngất dãy non xanh.
Hoà thượng Thích Giác Nhiên viên tịch vào tháng tư năm 1979. Đại đệ tử của Ngài là Hoà thượng Thích Thiện Siêu kế tiếp trụ trì chùa Thuyền Tôn.