CHÙA GIÁC HẢI
---o0o---
Chùa ở thôn Xuân Tự, phía Nam đèo Dốc Thị.
Khai cơ là TT Thích Viên Giác, đệ tử Bích Không Đại Sư chùa Hải Đức.
Chùa cất năm Bính Thân (1956)
Cạnh chùa có điện Nam hải Quan Âm với pho tượng đúc Bồ tát bằng thạch cao trang nghiêm tráng lệ.
Chùa dựng trên một ngọn đồi tục gọi là Núi Ông Sư. Mặt ngó vào Nam.
Đồi trước đây hoang vu, gái góc rậm rạp. Nhưng xưa kia dường như đã có chùa hoặc am, nên đồi mới mang tên Núi Ông Sư. Thêm nữa trên đồi có hai cây me già cỗi, tuổi ước trên vài trăm, đứng song song một cách cân đối. Không phải mọc tự nhiên, mà chắc là hai cây me trồng trước sân để lấy bóng mát. Rồi am mất, cây còn lại với nắng mưa.
Thượng tọa khai sơn đã dùng hai cây me cổ thọ để nhắm phương hướng cho ngôi chùa. Hiện hai cây đứng trước chùa Giác Hải như hai trụ ba biểu.
Kiến trúc của chùa không có gì lạ, Nhưng phong cảnh thật là mỹ quan.
Ngọc đồi hình mai rùa.
Phía Tây hòn Phổ Đà Sơn tức là núi Bồ Đà, giống con voi nằm ngó ra Bắc, chung quanh gò đống ngổn ngang.
Dưới chân đồi, cũng phía Tây, con đường Quốc Lộ số 1 chạy từ Nam ra Bắc, vượt qua đèo Dốc Thị, như một con hắc mãng xà đương đi, khúc cong khúc thẳng.
Phía Nam phía Bắc, nhà cửa ruộng nương của thôn Xuân Tự ẩn hiện dưới bóng dưà xanh xoài xanh.
Và phía Đông, vịnh Vân Phong trông như hồ bán nguyệt, mây nuớc thương mang, nửa mờ nửa tỏ.
Đứng nơi sân chùa trông ra, cảnh Vân Phong thật vô cùng ngoạn mục
Bán đảo bàn Sơn ở phía Bắc, bán đảo Phước Hà ở phiá Nam như hai cánh tay ôm lấy vịnh xanh và hòn Đại Dự tức Hòa Lớn đứng làm bình phong. Biển xanh màu chàm, non xanh màu lá, trời xanh màu dương. Và hòn Đại Dự trông giống người đàn bà nằm trở đầu vào Nam, ngửa mặt lên trời, chân trái co, chân phải duỗi; trán, cằm, ngực, bụng, có đủ, và đường cong nét thẳng rõ ràng, nhịp nhàng như một pho tượng vĩ đại bằng đá xanh. Vì phiá Tây có hòn Phổ Đà Sơn và vịnh Vân Phong lại thuộc về Nam Hải, nên người cửa Phật bảo đó là tượng đức Quán Thế Âm Bồ Tát.
Cảnh là hình ảnh của tâm. Những người không có Phật tâm mà có thánh tâm hoặc thị tâm thì nhất định thấy khác.
Nhưng không ai không công nhận là một bức tranh sơn thủy hữu tình.
Trong chùa lại có rất nhiều huyền thoại. Song huyền thoại cũng như rượu nho, phải đợi ngày tháng dầm ngâm, thì vị mới đằm hương mới đượm. Chớ vách chùa rêu chửa phong, Thượng Tọa khai sơn chưa thiết giàn hỏa, thì chất nho chưa tan biến không làm người hảo tựu khóai khẩu khoái tâm.
Nhưng nước dừa xiêm cần chi phải thêm đường cát. Nội cảnh nước non trước mắt cũng đủ làm cho du khách một khi lên chùa Giác Hải, lúc ra về không ai không ao ước cuộc trùng lai. (Trích Xứ Trầm Hương của tác giả Quách Tấn)
---o0o---
---o0o---
Trình bày: Nhị Tường