Chùa Thiên Bửu
Ninh Hòa
---o0o---
I. VỊ TRÍ, ÐỊA ÐIỂM:
Chùa Thiên Bửu còn có tên là Tổ Ðình Thiên Bửu, dân gian quen gọi Chùa Kỳ, gồm Thiên Bửu Thượng tọa lạc tại làng Ðiềm Tịnh, xã Ninh Phụng, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa và Thiên Bửu Hạ tọa lạc tại Thị Trấn Ninh Hòa, Khánh Hòa. Hai chùa như 2 anh em, có cùng 1 tên và cùng một vị Thiền sư khai sơn sáng lập trong khoảng thời gian từ năm 1653-1687, thời Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần, (1648 -1687), cách nay trên 300 năm, thuộc vào hàng những ngôi chùa cổ nhất từ Ðèo Cả đến Mủi Cà Mau.
* THIÊN BỬU THƯỢNG (TBT): nằm trên bờ hửu ngạn sông Lốt tại đầu làng Ðiềm Tịnh, cảnh trí thơ mộng, yên tĩnh. Từ con đường đất liên xã Ninh Phụng - Ninh Trung người ta nhìn thấy cây me đại thụ cao sừng sững đứng trước sân chùa, gốc xù xì to bằng 5 người ôm không xuể, tuổi thọ ước tính khoảng trên 300 năm. Bước vào Cổng Tam Quan những ngày đầu Xuân, du khách nghe lòng lâng lâng thoát tục. Mùi trầm hương, mùi hoa lan, hoa sứ...hòa quyện cùng với tiếng chuông tiếng mõ và câu kinh tiếng kệ tạo thành một thế giới huyền ảo khiến tâm hồn lắng đọng dễ dàng quên đi bao cái tầm thường ô trọc của cuộc đời vô thường bể khổ dù chỉ trong giây lát. Cây sứ đứng bên lối gạch phủ đầy hoa trắng có dáng nghiêng trước gió trông thật tao nhã, đuợc trồng từ thời Tổ Phước Tường về trụ trì chùa cách nay cũng đã trên 100 năm.
Chùa nằm trên khu đất rộng thoáng chừng 2 hecta trải dài từ bờ sông Lốt đến đường liên xã, đó là chưa tính gần nửa hecta tư điền do một nữ Phật tử thời trước dâng cúng cho chùa mà ngôi bảo tháp của bà vẫn còn đó, nhưng hiện nay tất cả những tư điền tư thổ của chùa không còn nữa.
Cách chùa hơn 100 mét, bên kia đường, là nơi an nghỉ của Tổ khai sơn và các vị trụ trì, quy tụ cả chục ngôi bảo tháp rêu phong trầm mặc đứng bên cây gạo Ðình làng ước chừng 200 tuổi thọ có tàn lá sum sê như chiếc lộng, hằng năm cứ đến cuối Ðông tán lá rụng hết, cây đứng trơ cành, nhưng sang Xuân lại đâm chồi nẩy lộc mặc chiếc áo mới màu nhũ đồng được điểm tô bằng những bông hoa đỏ rực như lửa.
* THIÊN BỬU HẠ (TBH):rộng rãi khang trang tọa lạc bên bờ hửu ngạn sông Dinh, cạnh Cầu Sắt, thuộc Thị Trấn Ninh Hòa, hiện do Thượng Tọa Thích Hạnh Hải trụ trì.
Cả 2 chùa thờ phượng giống nhau. Gian giữa Ngôi Chánh Ðiện đặt pho tượng Phật Thích Ca ngồi cao lớn sơn son thếp vàng, cùng nhiều tượng Phật khác như Phật A Di Ðà, Phật Di Lặc v.v... Gian bên trái thờ Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát, gian bên phải thờ Ông, tức Quan Công. Nhà Tây thờ Vị Sơ Tổ Thiền Tông Bồ Ðề Ðạt Ma, cùng bài vị của Tổ Bửu Dương và các vị Trụ Trì.
II. LỊCH SỬ THÀNH LẬP:
Chùa Thiên Bửu (TB) cũng giống như bao chùa cổ khác tại Khánh Hòa không lưu lại tiểu sử, nhưng căn cứ vào: Bài Vị của Tổ khai sơn và các Tổ kế thừa hiện thờ tại chùa TB, cũng như tại một số chùa khác trong huyện, (như chùa làng Nhĩ Sự, chùa làng Thạch Thành, chùa làng Bình Thành, chùa làng Phước Thuận, chùa làng Phụng Cang…), Ðại Hồng Chung cổ đúc thời Chúa Nguyễn khắc tên chùa Thiên Bửu và tên làng Ðiềm Tịnh còn lưu tại chùa làng Nhĩ Sự, xã Ninh Thân, Ngôi Cổ Tháp Bửu Dương tại Thiên Bửu Thượng và Bức Giới Ðao Ðộ Ðiệp của Ðại đức Huệ Thân, vị trụ trì đời thứ ba của chùa còn lưu tại TB Hạ, chúng ta có thể biết được lịch sử thành lập chùa, sau khi đối chiếu qua một số sử liệu.
Năm 1653, Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần chiếm vùng đất của Chiêm Thành từ Ðèo Cả đến sông Phan Lang, đặt dinh Thái Khang tức Khánh Hòa ngày nay, gồm 2 phủ Thái Khang (Ninh Hòa) và Diên Ninh (Diên Khánh), cử quan cai cơ Hùng Lộc làm thái thú và đưa dân vào định cư theo chính sách di dân. Chính sách này đã có từ thời Chúa Tiên Nguyễn Hoàng khi chiếm Phú Yên năm 1611, đã được thực hiện liên tục, bền bỉ qua 8 đời Chúa, đến năm 1759 thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát (vị Chúa thứ tám) thì hoàn tất cuộc Nam Tiến: mở mang, di dân và đặt nền cai trị lên cả một dải đất mới bao la trù phú chạy dài từ đèo Cù Mông tới mủi Cà Mau.
Thời Chúa Nguyễn ở xứ Ðàng Trong, Phật giáo rất hưng thịnh, chùa chiền mọc lên như nấm. Ngay các Chúa cũng rất sùng đạo (như Chúa Tiên, Chúa Sãi... đặc biệt Chúa Nguyễn Phúc Chu đã quy y, thọ Bồ Tát giới tại gia với thiền sư Thạch Liêm, Chúa có pháp danh Hưng Long, đạo hiệu Thiên Túng Ðạo Nhân, là tác giả của 1 bài minh được khắc trên bia đá năm 1714 tại chùa Thiên Mụ).
Theo chính sách di dân, những người nghèo khổ không có ruộng đất, được chia thành toán, mỗi toán 50 người được cấp lương thực, dụng cụ đến định cư khai hoang tại các vùng đất mới để lập làng. Ruộng đất khẩn được họ được quyền canh tác làm ăn miễn thuế trong 3 năm đầu. Tuy nhiên người lưu dân trong thời gian đầu rất đau khổ vì nỗi buồn nhớ quê hương cộng với bao lo âu nhọc nhằn phải đối diện hằng ngày với thú dữ, thiên tai, dịch bệnh... nơi vùng đất lạ, nên họ cần hơn ai hết sự giúp đỡ, an ủi, bảo vệ, nhất là ở lãnh vực tâm linh, tinh thần. Ðó là lý do và cũng là động lực thúc đẩy các vị Thiền Tăng nhanh chóng lên đường dấn thân vào các vùng đất mới theo chính sách của Chúa Nguyễn để kịp thời đáp ứng nhu cầu Ðức tin Tôn giáo của lưu dân. Nhờ thế mà đời sống của lưu dân được mau chóng ổn định cả về 2 mặt vật chất và tinh thần, góp phần làm cho công cuộc Nam Tiến của các Chúa Nguyễn thành tựu rực rỡ như một phép lạ.
Trước bối cảnh đó, vào năm 1653 khi Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần lập ra dinh Thái Khang đưa dân vào định cư, thì Thiền sư Tế Hiển Bửu Dương có lẽ cũng sớm rời chùa Thiên Mụ ở Thuận Hóa (Huế) lên đường vào đất Thái Khang (Ninh Hòa) chèo ghe ngược dòng sông Dinh, sông Lốt, thấy cây cỏ tốt tươi, cư dân sống cần cù rải rác ven sông, ngài lập ra một ngôi chùa nằm dưới bóng me bên bờ hửu ngạn sông Lốt đặt tên là Thiên Bửu Tự (TB Thượng). Và sau đó vì tình hình lưu dân đòi hỏi ngài lại lập tiếp bên bờ hữu ngạn sông Dinh một ngôi chùa thứ hai cũng lấy tên là Thiên Bửu Tự (TB Hạ). Nhìn cách thức đặt tên cũng đủ thấy tình cảm của Ngài gắn bó sâu nặng với ngôi chùa cũ Thiên Mụ biết bao!
Từ những luận cứ trên chúng ta có thể kết luận rằng chùa Thiên Bửu đã được Tổ Bửu Dương tạo dựng trong thời Chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687), sớm nhất là năm 1653 và trễ nhất là năm 1687, cách nay trên 300 năm.
Tổ Tế Hiển Bửu Dương là một trong 5 vị đệ tử mang chữ Tế của Thiền sư Thiệt Diệu Liễu Quán là vị Tổ khai sáng Chi phái Thiền Liễu Quán VN theo bài kệ:
“Thiệt Tế Ðại Ðạo, Tánh Hải Thanh Trừng...”
Tổ Liễu Quán người Phú Yên xuất gia từ nhỏ, trụ trì Chùa Thiên Mụ, có nhiều đệ tử tài đức tham gia Phong trào Nam Tiến. Ơû một ngôi chùa tại Phú Yên, báo Giác Ngộ, Sài Gòn có đăng tài liệu ghi chép danh tánh 5 vị đệ tử của Tổ Liễu Quán trong đó có Tế Hiển Bửu Dương, Tế Dưỡng Tổ Huấn....
Ðại hồng chung cổ còn lưu tại chùa Nhĩ Sự, cho biết Tổ Bửu Dương đã có sự liên hệ mật thiết với ngôi chùa này.
Tất cả các bài vị của Tổ Bửu Dương hiện thờ tại nhiều chùa khác nhau đều ghi giống nhau: “Ðại Lão Hòa Thượng Tế Hiển, hiệu Bửu Dương” do đó, tuổi thọ của ngài tối thiểu cũng phải 80.
Qua 2 ngôi chùa cổ kính và có tầm vóc do Ngài tạo lập, qua ngôi bảo tháp 7 tầng của Ngài được kiến trúc kỳ công, chúng ta có thể biết được Ngài là một vị Thiền sư đạo cao đức trọng danh tiếng một thời được lưu dân mến mộ. Ngài là người đầu tiên truyền bá Chi phái Thiền Liễu Quán tại Ninh Hòa, vì thế chùa TB được gọi là Tổ Ðình TB. Những công đức mà ngài đã xả thân vì Ðạo vì Ðời, vì Lưu Dân, vì Phong Trào Nam Tiến thật là lớn lao.
III. TRUYỀN THỪA
Chỉ xin ghi lại 1 số vị tiêu biểu:
Ðại lão Hòa thượng Tế Hiển Bửu Dương: Khai sơn và trụ trì, có bài vị và bảo tháp 7 tầng, giỗ ngày 20/2 ÂL.
Ðại lão Hòa thượng Ðại Trì Phước Khánh: Trụ trì, có bài vị, không có bảo tháp.
Ðại đức Liễu Bửu Huệ Thân: Trụ trì, có bài vị và bảo tháp 3 tầng, hiện còn lưu 1 Giới Ðao Ðộ Ðiệp do triều đình cấp, sau khi Ðại đức Huệ Thân trúng tuyển Cuộc Thi Khảo hoạch tại Ðại Giới Ðàn và Lễ Cầu Siêu Chiến Sĩ Trận Vong tổ chức ở Huế năm 1835, có đóng dấu triện của vua Minh Mạng.
Hòa thượng Thanh Chánh Phước Tường: Trụ trì, trong thời Pháp thuộc, gốc người Phú Yên, đạo cao đức trọng đã mang lại sự thạnh mậu cho chùa. Năm 1932, ngài tổ chức Ðại Giới Ðàn tại Thiên Bửu Thượng. Chùa có một Ban Múa Lục Cúng nổi tiếng đi trình diễn khắp các chùa trong tỉnh. Ngài có trên 30 vị đệ tử tài đức đi hoằng pháp lập chùa nhiều nơi (như Hòa thượng Nhơn Duệ, Nhơn Hoằng ở Nha Trang, Hòa thượng Nhơn Hưng ở Cam Ranh, Hòa thượng Nhơn Thứ ở Ðà Lạt, Hòa thượng Nhơn Tri ở Sài Gòn tức là Hòa thượng Thích Quãng Ðức tự thiêu năm 1963...). Ngài tịch ngày 28/7 ÂL. có bài vị và bảo tháp 5 tầng.
Ðại đức Nguyên Hoa hiệu Minh Tâm, người làng Quang Ðông, xuất gia từ nhỏ, hiện trụ trì chùa, có công đức trong việc trùng tu chùa năm 1989 và xây cất lại chùa hoàn toàn mới nguy nga đẹp đẽ theo kiểu mái cong năm 1996.
IV. TÀI LIỆU, DI TÍCH
1.* Cổ Tháp BỬU DƯƠNG:
Tọa lạc tại khu Mã Tháp đầu làng Ðiềm Tịnh. Không có tài liệu ghi chép năm xây dựng ngôi cổ tháp, nhưng căn cứ ở phần: Tổ Bửu Dương thành lập Chùa Thiên Bửu vào thời Chúa Nguyễn Phúc Tần như đã trình bày ở trên, chúng ta đưa ra 2 thời điểm để làm mốc cho quãng thời gian Tổ viên tịch và Tháp được xây dựng:
- Thời điểm sớm nhất chùa được tạo lập: tức năm 1653, giả dụ khi đó Tổ BD đã 80 tuổi và sống thọ tới 100 tuổi, thì năm viên tịch của ngài là: 1653+20= 1673, năm này thuộc thời Chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687).
- Thời điểm trễ nhất chùa được tạo lập: tức năm 1687, giả dụ khi đó Tổ BD mới 25 tuổi và sống thọ tới 100 tuổi, thì năm viên tịch của ngài được tính là: 1687+75 = 1762, năm này thuộc thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765).
Từ cơ sở đó, dựa trên các đặc tính về vật liệu, kỷ thuật, hình thức kiến trúc của ngôi Cổ Tháp, chúng ta có thể mạnh dạn kết luận rằng: Tháp Bửu Dương được xây dựng trong quãng thời gian từ thời Chúa Nguyễn Phúc Tần đến cuối thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, cách nay trên 238 năm, là một di tích cổ kính nhất của tiền nhân còn lưu tại Ninh Hòa.
Tháp được kiến trúc bằng vật liệu thô sơ: vôi, cát... Chung quanh Tháp xây một bức thành hình vuông, tại cửa đặt 2 tượng kỳ lân nằm phủ phục và trên 2 trụ đứng 2 bên có khắc 2 câu đối chữ Nho nhưng chỉ còn đọc được 4 chữ: “Văn Pháp Văn Kinh” nghĩa là Nghe Pháp Nghe Kinh. Trên thân tháp hình bát giác cao 7 tầng gồm có 56 mặt là 56 bức phù điêu được chạm trỗ rất sinh động, tuyệt vời hình mai lan cúc trúc long lân quy phụng, đàn, sáo, chữ Phạn. Tháp bị thời gian tàn phá nặng nề có nguy cơ sẽ bị sụp đổ.
2. Tháp HUỆ THÂN: 3 tầng kiến trúc đơn giản, chỉ còn đọc được 2 chữ Huệ Thân trước cửa Tháp, không ghi năm xây cất nhưng chúng ta có thể ước đoán Tháp được xây dựng trong thời đại Nhà Nguyễn từ năm 1935 trở về sau.
3. Tháp PHƯỚC TƯỜNG: 5 tầng kiến trúc quy mô thời Vua Bảo Ðại có xây thành khang trang đẹp mắt.
4. Ðại Hồng Chung cổ: còn lưu tại chùa làng Nhĩ Sự, Ninh Thân.
5. Giới Ðao Ðộ Ðiệp: của Ðại đức Huệ Thân còn lưu tại TBH.
6. Những Bài Vị: của Tổ Bửu Dương và các vị Trụ Trì.
7. Cây me đại thụ: tại TBT.
V. THƠ VĂN VIẾT VỀ CHÙA và THÁP
Thanh thủy đoạn phiền não
Cô thôn hiện già lam
( Tạm dịch:Nước trong dứt phiền não
Thôn vắng hiện già lam)
Phạm Ðài (Ông Cửu Ba)
THIỀN ÐẠO
Thiền đạo vấn mai hoa
Thái hòa thuyết Phật gia
Hương trà yên chính noản
Trần lự bán tiêu ma.
(Tạm dịch:Thiền đạo hỏi mai hoa
Hòa bình thuyết Phật gia
Hương trà vừa bốc khói
Niềm tục nửa tiêu ma)
Phạm Ðài (Ông Cửu Ba)
Ðiềm lãng phất khai kim thế giới
Tịnh trần lộ xuất ngọc lâu đà
(Tạm dịch: Ðiềm lành khai mở kim thế giới
Tịnh tâm lộ hiện ngọc lầu đài)
Phạm Ðài (Ông Cửu Ba)
VỊNH CHÙA THIÊN BỬU
Lưng trời xanh tán lá me ra
Tháp trổ rêu hoa nét tự già
Sứ trắng nghiêng mình bên cổng phụ
Ðào hồng tỏa bóng góc sân qua
Âm vang tiếng mõ rung miền tục
Ngân vọng hồi chuông động giấc gà
Thiên Bửu xiển dương nguồn đạo pháp
Lòng thanh tịnh vút chạm trời xa.
Ðiềm Ca
THÁP BỬU DƯƠNG
Nắng tắt nhìn lên tháp Bửu Dương
Xa xa ngọn núi lẫn mù sương
Cành me nhẹ nhẹ đưa theo gió
Bông gọa hăng hăng rụng cách đường
Lân phục ngoài thành đeo đạc ngửng
Rồng chầu trước cửa hóa mây nương
Ðâu đây từng tiếng chuông chùa vọng
Xao động trăng đồng quyện khói hương.
Ðiềm Ca
CHÙA THIÊN BỬU
Ba trăm năm trầm mặc phương Ðông
Tháp cổ, me già ôm mái cong
Lối gạch trăm hương nhòa xứ đạo
Chày kình một tiếng động tầng không
Dòng sông trong trẻo mây in bóng
Tán gạo tơ non ráng tụ đồng
Khách đã đi rồi chùa tĩnh lặng
Me vàng lả tả rớt bên song
Vinh Hồ
BÊN THÁP BỬU DƯƠNG
Chiều xuống ngồi bên tháp Bửu Dương
Bâng khuâng hoa điệp nở ven đường
Long chầu lân phục văn kinh pháp
Hạc nội mai vàng lẩn khói sương
Cây gạo bao năm rồi trút lá
Dòng sông một thoáng hiện vô thường
Về đâu trong vạn trùng sinh tử?
Cát vữa âm thầm đêm nhả hương.
Vinh Hồ
VI. KẾT LUẬN:
Nhắc Huế, du khách nhớ sông Hương, núi Ngự, Lăng Tự Ðức, cửa Ngọ Môn, chùa Thiên Mụ, Tháp Phước Duyên v.v... Nhắc Ninh Hòa người ta cũng không quên sông Dinh, núi Vọng Phu, Lăng Bà Vú, Hòn Khói, Chùa Thiên Bửu, Tháp Bửu Dương v.v...
Tháp Bửu Dương là một di tích cổ kính quý hiếm có giá trị về lịch sử và kiến trúc tuyệt vời được xây dựng từ thời Trịnh - Nguyễn, cách nay khoảng trên 238 năm.
Chùa Thiên Bửu trên 300 năm lịch sử đã trải qua những năm tháng u trầm.
Năm1989 dân làng Ðiềm Tịnh đã đồng tâm hiệp lực kẻ của người công quyết chí trùng tu lại Ngôi Cổ Tự đã bị dột nát hư hại nặng nề, và sau đó cũng mạnh dạn tổ chức một ngày Giỗ Tổ Bửu Dương trọng thể sau mấy mươi năm trầm lặng. Dân làng áo khăn chỉnh tề lũ lượt về chùa từ sáng sớm, ai nấy đều lộ vẻ hân hoan trên nét mặt. Các Tăng Ni Phật tử từ khắp nơi trong huyện, tỉnh kể cả Ðà Lạt, Sài Gòn cũng về dự có tới năm, sáu trăm người. Hàng trăm xe gắn máy, hàng chục xe khách lớn nhỏ đậu chật cả khuôn viên chùa, tràn lên tới khu Mã Tháp làm cho các cụ già phải rơi lệ vì cảm động. Cảm động nhất là Lễ Viếng Tháp Bửu Dương! Ðoàn hành hương gồm cả chục vị Hòa thượng, Thượng tọa, Ðại đức đi đầu mặc áo cà sa vàng, có hương hoa cờ lộng chiêng trống trang nghiêm, theo sau có hàng trăm nam nữ Phật tử xếp thành 2 hàng nối đuôi nhau hướng về Cổ Tháp. Khi đến Tháp, từng người chấp tay cung kính, khấn vái, dâng hương và đặt hoa lên bệ Tháp, rồi đi 1 vòng quanh Tháp... Tất cả đồng niệm: Nam Mô A Di Ðà Phật... râm ran vang động cả một vùng u tịch khói hương nghi ngút...
Dù cuộc đời có đổi thay, tình đời có vọng động, nhưng Chùa xưa, Tháp cũ vẫn còn đó, ấp ủ mối tình quê tình nước, là cội nguồn thâm sâu, là y uyên tịch tịnh trong tâm tưởng của những kẻ tha hương phiêu bạt muốn quay về:
Chùa xưa ấp ủ tình dân tộc
Tháp cũ u hoài cuộc bể dâu
Ly khách dừng chân trên bến vắng
Về đâu? Tóc bạc trắng giang đầu!
VINH HỒ
(Orlando 5/2003)
Tài liệu tham khảo:
- Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Ðôn.
- Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim.
- Sài Gòn 300 Năm Cũ của Nguyên Hương Nguyễn Cúc.
- Báo Giác Ngộ (nhiều số).
VII. Hình Ảnh
Chuông Ðại Hồng
Ðại Hùng Bửu Ðiện
Ðiện Ðạt Ma Tổ Sư
Cây Gạo Ðình Làng
Tháp Bửu Dương
Tháp Phước Tường
Chạm Trổ: Ðàn Nguyệt
Cặp Hạc
Ðôi Lân
Rồng Chầu
---o0o---
---o0o---
Nguồn: ninh-hoa.com.
Sưu tầm: Nhị Tường