Chùa Bảo Tháp, nơi có 3 người tu thành Phật
Vũ Kiêm Ninh
Đó là ngôi chùa cổ tên gọi là Bảo Tháp tự, dân gian gọi là chùa Bồ Tát, thuộc địa phận thôn Thượng Phúc, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Làng Thượng Phúc thời trước thuộc tổng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, Hà Đông, có 5 xóm là Phú, Quý, Thọ, Khang, Ninh. Sau cách mạng tháng Tám 1945 hợp với Nhân Hòa thành xã Phúc Hòa. Năm 1949 lập đại xã Tả Hòa gồm Tả Thanh Oai, Phúc Hoà và Siêu Quần, sau đổi tên thành xã Đại Thanh, huyện Liên Nam, Hà Đông. Đến năm 1966, xã Đại Thanh đổi tên thành xã Tả Thanh Oai gồm 4 thôn: Tả Thanh Oai, Nhân Hòa, Thượng Phúc và Siêu Quần.
Làng Thượng Phúc nằm ở phía Tây Nam thành phố Hà Nội, vùng cuối huyện Thanh Trì, trải dài theo bờ con sông Nhuệ. Một bên là làng mạc trù phú, một bên là dòng sông chảy lững lờ. Bờ sông có nhiều tre mọc ken chắn sóng, tạo thành một vẻ đẹp êm đềm của thôn quê. Đây cũng là nơi mà các bậc hoàng thân, quốc thích, đế vương tìm đến tu hành rồi đắc đạo thành Phật.
Về Thượng Phúc ta gặp chùa Bảo Tháp, một ngôi chùa được khởi dựng từ cuối đời Lý do vị hoàng thân nhà Lý là hoàng thúc Lý Thầm (con vua Lý Cao Tông, chú của Lý Chiêu Hoàng) đến lập am và tu, chân thân của Ngài đã hóa thành địa mạch liên hoa, nay tại chùa còn bảo tháp và đôi câu đối:
Hộ quốc, xuất gia, bát đại thiên hoàng quang Lý diệp
Chân thân hóa Phật, thiên thu địa mạch dũng liên hoa.
(Giúp nước, tu hành dòng dõi tám đời nhà Lý
Chân thân thành Phật, ngàn năm địa mạch đài sen)
Đến năm 1328 (thời nhà Trần) có vị cao tăng Hồ Bà Lam đến tu. Ông là hoàng thân nhà Hồ, khi tu ở chùa ngoài việc tụng kinh niệm Phật còn đi thu nhận những trẻ mồ côi, cô nhi, quả phụ về chùa nuôi dưỡng. Nhân dân đương thời ca ngợi, tôn Ngài là Bồ Tát sống; có câu ca rằng:
Cô nhi quả phụ các nơi
Đến chùa đều được Tổ nuôi hàng ngày
Không cơm mặn thì cơm chay
Nhiều khi Tổ phải đi “vay” nuôi người
Ngài tu ở chùa cho đến khi Hoàng thái hậu Minh từ Hồ Thuận Nương (mẹ vua Trần Nghệ Tông) về lánh nạn Chiêm Thành đánh phá Thăng Long. Bà mến cảnh chùa, mộ đạo Phật, nên xin ở lại chùa đi tu. Nhà sư thấy bà tướng mạo cốt cách quả là người nhân hậu, có căn duyên nên đã trao truyền Y Bát rồi tự lên giàn hỏa, hóa Phật. Đó là ngày 14 tháng Tư. Sử cũ không chép về sự kiện này, nhưng tại Thượng Phúc, mỗi khi nhà chùa làm giỗ Tổ, các bà vãi lại hát chèo đò, kể hạnh:
Tổ ngồi niệm Phật ung dung
Mặc cho lửa cháy tứ tung bốn bề
Dân làng thương khóc thảm thê
Tổ bảo: “Đi về, đừng có khóc thương
Ta lên Cực Lạc Tây Phương
Tháng Tư - Mười Bốn ta thường về đây…”
Hiện nay tại khám thờ Tổ vẫn còn tượng pháp của Ngài và đôi câu đối:
Lục dương sơ bát thời, Thần giáng phi duy Tây hữu
Tứ nguyệt thập ngũ nhật, Phật thành khởi thị Nam vô
(Tháng sáu, ngày tám thần giáng, chẳng phải Tây Trúc mới có
Tháng tư, ngày rằm thành Phật, khởi tự nước Nam)
Tuân theo đạo hạnh của Bồ Tát Hồ Bà Lam, làng Thượng Phúc mỗi khi mở hội chùa, nhà dân đều nấu cháo để ngoài cửa mời khách qua đường. Ai đói cứ ăn tự nhiên không câu nệ. Dân gian còn tin rằng mỗi khi đến ngày giỗ Tổ bao giờ cũng có sự chuyển thời tiết:
Đang nồm mà dậy gió may
Cả làng đều biết hôm nay Tổ về
Sau ngày làm lễ, thường có cuồng phong thổi từ Tây Nam về Đông Bắc báo hiệu Tổ đã ra đi.
Như kể trên, vị Bồ Tát thứ ba đến tu tại chùa chính là bà Minh từ Hồ Thuận Nương. Bà người huyện Diễn Châu, Nghệ An, lấy vua Trần Minh Tông, sinh ra hai con đều làm vua (Trần Hiến Tông, Trần Nghệ Tông). Từ khi trông coi chùa Bảo Tháp, trong hơn ba năm, bà tu sửa chùa, lại xây thêm chùa Phúc Khê (còn gọi là chùa Dâu thờ Pháp Vũ) ở cuối làng. Đức độ của bà được dân mến phục, khi triều đình đón bà về kinh, làng lưu luyến tiễn đưa. Đúng lúc đó có đám mây ngũ sắc sà xuống bao phủ, khi mây tan, bà đã không còn ở cõi trần. Dân liền lập miếu thờ ngay trên nền đất nhà cũ, gọi là miếu Minh từ.
Khi Bình Định vương Lê Lợi khởi nghĩa, mang quân ra Bắc đánh quân Minh hành quân qua miếu Minh từ nghỉ lại, vua Lê được bà Minh từ báo mộng sẽ âm phù giúp vua “kháng Minh phục quốc”. Nhà vua tiến quân chém được Liễu Thăng, bức hàng Vương Thông, giải phóng Thăng Long, lập lại nền độc lập tự chủ. Nhớ ơn bà, vua Lê đã sắc phong đức Minh từ Hồ Thuận Nương là “Thượng Đẳng Phúc Thần Hưng Quốc”, sắc cho xây dựng đền miếu thờ làm Thành Hoàng làng.
Nay tại Minh từ và đình còn đôi câu đối ca ngợi:
Đế hậu vị tha, sơn thế cao phong tiêu vũ trụ
Thần uy Phật đức, độ nhân phúc lượng đẳng hà sa
(Lòng thương của Đế hậu cao như núi, sánh cùng vũ trụ
Uy đức Thần Phật cứu người, phúc nhiều như cát sông).
Như vậy là trên đất Thượng Phúc trong khoảng thời gian thịnh đạt của đạo Phật đã có 3 người tu đắc đạo, được nhân dân tôn thờ. Ngoài điển tích vừa kể, chùa Bảo Tháp là một ngôi chùa đẹp, mang nét nghệ thuật thế kỷ 17-18. Chùa có chùa Trong, chùa Ngoài, bố trí theo kiểu “nội công, ngoại quốc”. Nhà tiền đường, nhà thượng điện là nơi thờ Phật với nhiều tượng Phật còn nguyên nét xưa, các lớp sơn cổ truyền vẫn đẹp bền. Chùa Trong là nơi thờ Tổ Hồ Bà Lam. Sân trước tiền đường có hai tòa bảo tháp tượng trưng của Phật Tây Trúc và Phật nhà Lý.
Tại nơi đây còn giữ được nguyên bản 32 đạo sắc (chủ yếu của miếu Minh từ) ngọc phả, bia đá năm Quang Thái thứ 3 thời Trần Thuận Tông, bia “Mộc Bản” khắc năm Bảo Thái thứ hai, chuông đồng đúc thời Gia Long, khánh đồng đúc thời Thiệu Trị…
Miền quê Thượng Phúc với hai ngôi chùa, miếu Minh từ và các hiện vật cổ rất quý, cần chú ý giữ gìn, bảo vệ được nét đẹp của văn hóa dân tộc. Chùa Bảo Tháp đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa từ năm 1990.
---o0o---
---o0o---
Nguồn: suutap.com
Trình bày: Nhị Tường