Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

1 Các bài giảng của TS Goenka:

27/04/201313:53(Xem: 4969)
1 Các bài giảng của TS Goenka:

Tìm hiểu pháp môn niệm thọ

Thiền sư GOENKA

Người dịch: TK. Pháp thông

1

BÀI GIẢNG NGÀY THỨ NHẤT

Những khó khăn ban đầu

Mục đích của thiền này

Tại sao hơi thở lại được chọn là điểm khởi đầu

Tính chất của tâm

Lý do có những khó khăn và làm thế nào để vượt qua chúng

Những nguy hiểm cần tránh

Ngày đầu tiên bao giờ cũng đầy những khó khăn và băn khoăn lo lắng, phần vì bạn không quen ngồi suốt cả ngày và cố gắng hành thiền, nhưng phần lớn là do loại thiền mà bạn đã bắt đầu thực hành ở đây: niệm hơi thở, chỉ có hơi thở.

Chắc chắn sẽ dễ dàng hơn và nhanh chóng định tâm hơn mà không bị những khó chịu này nếu, cùng với niệm[1]hơi thở, bạn bắt đầu lập đi lập lại một chữ, một câu chú, một danh hiệu, hoặc nếu bạn hình dung hình ảnh của một vị thần thánh nào đó. Nhưng ở đây đòi hỏi bạn chỉ quan sát thuần hơi thở, như nó tự nhiên là, không điều chỉnh nó, cũng không them vào một chữ hay một hình ảnh tưởng tượng nào cả.

Sở dĩ chúng không được phép là vì mục đích cuối cùng của thiền này không phải là sự định tâm. Định chỉ là một trợ giúp, một bước dẫn đến mục tiêu cao hơn: sự thanh tịnh tâm, diệt trừ mọi phiền não, những tiêu cực trong tâm, và như vậy đạt đến sự giải thoát khỏi mọi thống khổ, cũng là đạt đến sự giác ngộ hoàn toàn.

Mỗi lần một bất tịnh (phiền não) khởi lên trong tâm, như giận dữ, oán thù, dục vọng, sợ hãi vv… bạn trở nên đau khổ. Bất cứ khi nào một điều không mong muốn xảy ra, bạn trở nên căng thẳng và bắt đầu thắt những cái gút bên trong. Hoặc khi điều mong đợi không xảy ra, bạn cũng lại phát sinh mối căng thẳng bên trong. Suốt cả cuộc đời, bạn cứ lập đi lập lại tiến trình này cho tới khi toàn bộ cấu trúc tâm vật lý trở thành một đóng những vấn đề hóc búa. Và bạn không chỉ giữ sự căng thẳng này trong phạm vi bản thân, thay vào đó lại phân phát nó cho tất cả những người mà bạn tiếp xúc. Chắc chắn đây không phải là lối sống chính đáng.

Bạn đã đến với khóa thiền này để học nghệ thuật sống – tức là học cách làm thế nào để sống một cách bình yên và hài hòa trong chính mình, và tạo ra sự bình an và hài hòa cho mọi người; làm thế nào để sống vui vẻ, hạnh phúc từ ngày này sang ngày khác trong khi vẫn thăng tiến đến hạnh phúc cao tột của một cái tâm hoàn thanh tịnh, một cái tâm tràn ngập với lòng từ ái không vụ lợi, tràn ngập với lòng bi mẫn, với lòng hoan hỷ trước sự thành công của người khác, và với sự buông xả.

Để học được nghệ thuật sống một cách hài hòa này, trước tiên bạn phải tìm ra nguyên nhân của sự bất hòa. Nguyên nhân luôn luôn nằm ở bên trong, và vì lý do đó bạn phải khám phá ra thực tại của chính bạn. Kỹ thuật (phương pháp) này sẽ giúp bạn làm được điều ấy, khảo sát chính cái cấu trúc tâm vật lý của bạn, cái mà dính mắc quá nhiều vào nó chỉ dẫn đến những căng thẳng, khổ đau. Ở mức kinh nghiệm bạn phải hiểu được bản chất riêng của mình, tức là phải hiểu được cấu trúc tâm và vật lý của bạn; chỉ lúc đó bạn mới có thể kinh nghiệm bất cứ những gì có thể có vượt ngoài tâm và vật chất (hay danh và sắc). Vì thế, đây là một kỹ thuật thực chứng chân lý, thực chứng bản ngã, thẩm tra hiện thực của những gì bạn gọi là “chính bạn”. Nó cũng có thể được gọi là một kỹ thuật chứng Thượng Đế, vì suy cho cùng Thượng đế chỉ là sự thực (chân lý), là từ ái, là sự thanh tịnh mà thôi.

Kinh nghiệm trực tiếp về thực tại là điều cần thiết. “Hãy biết chính mình” – từ thực tại thô bề ngoài, và rõ rệt, đến những thực tại vi tế hơn, và đến thực tại vi tế nhất của danh và sắc (tâm và vật chất). Sauk hi đã kinh nghiệm tất cả những thực tại này, lúc đó bạn có thể đi xa hơn để kinh nghiệm thực tại cùng tột vượt ngoài danh và sắc.

Hơi thở là một điểm thích hợp để từ đó chúng ta bắt đầu cuộc hành trình này. Sử dụng một đối tượng chú ý tự tạo hay mường tượng, như một chữ, một hình ảnh, sẽ chỉ dẫn bạn theo hướng những tưởng tượng lớn hơn hay ảo tướng lớn hơn, chứ không giúp bạn khám phá ra những sự thực vi tế hơn về chính bạn. Để thể nhập vào sự thực vi tế, bạn phải bắt đầu với sự thực, với một thực tại thô, rõ rệt như hơi thở chẳng hạn. Hơn nữa, nếu sử dụng một chữ, hay hình ảnh một vị thần thánh nào đó, thì kỹ thuật sẽ mang tính chất bộ phái. Chúng ta biết một chữ hay một hình ảnh sẽ được xem là đồng nghĩa với một nền văn hóa, một tôn giáo này hay tôn giáo khác, và những người thuộc một bối cảnh khác có thể thấy khó mà chấp nhận được. Khổ đau là một căn bệnh chung của nhân loại. Việc chữa trị căn bệnh này không thể của riêng một bộ phái nào, mà là của chung nhân loại. Niệm hơi thở đáp ứng được đòi hỏi này. Hơi thở là chung cho tất cả: quan sát nó sẽ được mọi người chấp nhận. Mỗi bước trên đạo lộ phải hoàn toàn thoát khỏi chủ nghĩa bộ phái mới được.

Hơi thở là một lợi khí, với lợi khí này bạn khám phá ra sự thực về chính mình. Thực sự, ở mức kinh nghiệm, bạn biết rất ít về than bạn, bạn chỉ biết cái dáng vẻ bề ngoài của nó, biết những bộ phận và chức năng nào của nó mà bạn có thể kiểm soát một cách ý thức. Bạn không biết gì về những cơ quan bên trong vốn hoạt động ngoài tầm kiểm soát của bạn, không biết gì về những tế bào vốn tạo thành toàn bộ thân thể này, và là cái thay đổi trong từng khoảnh khắc (hay sát na). Vô số những phản ứng sinh hóa và điện từ luôn luôn xảy ra ở khắp toàn thân, nhưng bạn không có một chút hiểu biết về chúng.

Trên đạo lộ này, bất cứ những gì thuộc về bạn còn chưa biết phải được biết đối với bạn. Vì mục đích này hơi thở sẽ giúp bạn. Nó sẽ đóng vai trò như cây cầu nối từ cái biết đến cái chưa biết, vì hơi thở là một chức năng của thân có thể được ý thức hay không ý thức, được chủ định hay tự động. Bạn khởi sự với hơi thở có ý thức và chủ định, và tiến đến chỗ chánh niệm về hơi thở bình thường, tự nhiên. Và từ đó bạn sẽ tiến đến những sự thực vẫn còn vi tế hơn về chính bạn. Mỗi bước là một bước với thực tại; mỗi ngày bạn sẽ thâm nhập xa hơn để khám phá ra những thực tại vi tế hơn về chính bạn, về chính thân và tâm của bạn.

Hôm nay bạn được yêu cầu là chỉ quan sát chức năng vật lý của hơi thở, nhưng đồng thời, mỗi người trong các bạn cũng đang quan sát tâm, vì bản chất của hơi thở có liên quan mật thiết với trạng thái tâm lý của bạn. Ngay khi một bất tịnh, một phiền não khởi lên trong tâm, hơi thở sẽ trở nên không bình thường – bạn bắt đầu thơ hơi nhanh một chút, hơi nặng một chút. Khi phiền não diệt, hơi thở lại trở nên nhẹ nhàng. Như vậy hơi thở có thể giúp bạn khám phá thực tại không chỉ của thân mà còn của tâm nữa.

Một thực tại của tâm bạn bắt đầu kinh nghiệm hôm nay là thói quen luôn luôn lang thang từ đối tượng này đến đối tượng khác. Nó không muốn dừng lại trên hơi thở, hoặc trên bất kỳ đối tượng của sự chú ý đơn điệu nào, thay vào đó nó cứ chạy bừa bãi.

Và khi nó lang thang, tâm đi đâu? Bằng việc thực hành, bạn đã thấy rằng nó lang thang hoặc về quá khứ hoặc đến tương lai. Đây là đường lối quen thuộc của tâm, nó không muốn dừng lại trong sát na hiện tại (present moment). Bất cứ cái gì thuộc quá khứ thì đã qua rồi ngoại trừ hồi tưởng lại; bất cứ cái gì thuộc tương lai vẫn còn nằm ngoài tầm tay của bạn, cho đến khi nó trở thành hiện tại. Nhớ lại quá khứ và nghĩ đến tương lai cũng quan trọng, nhưng chỉ trong chừng mực mà chúng giúp bạn giải quyết được hiện tại. Tuy nhiên, vì thói quen thâm căn cố đế của nó, tâm luôn luôn cố gắng thoát khỏi thực tại hiện tiền (present reality) để đi về quá khứ hay đi vào tương lại vốn không thể đạt đến được, và vì thế mà cái tâm hoang dã này cứ vẫn dao động, khổ đau. Kỹ thuật bạn đang học ở đây được gọi là nghệ thuật sống, và thực sự cuộc sống có thể đã được sống đúng nghĩa chỉ trong hiện tại mà thôi. Vì thế bước đầu tiên là học cách làm thế nào để sống trong sát na hiện tiền: hơi thở hiện đang đi vào và đi ra khỏi mũi. Đây là một thực tại của sát na này, mặc dù chỉ là một thực tại bề ngoài. Khi tâm bỏ đi lang thang, hãy mỉm cười mà không chút căng thẳng. Bạn chấp nhận sự kiện rằng, do lề thói quen cũ của nó, tâm đã lang thang. Ngay khi bạn nhận thức được tâm đã lang thang, thì tự nhiên và tự động nó sẽ trở lại với việc niệm hơi thở.

Bạn dễ dàng nhận ra khuynh hướng của tâm thích suy nghĩ về quá khứ hoặc về tương lai. Vậy thì những suy nghĩ ấy thuộc loại gì? Hôm nay bạn đã tự mình thấy rồi đó, thỉnh thoảng những suy nghĩ khởi lên không có trình tự nào cả, chẳng có đầu chẳng có đuôi. Lối ứng xử tâm lý như vậy thường được xem như dấu hiệu của sự điên loạn. Tuy nhiên, giờ thì các bạn đều khám phá ra rằng tất cả các bạn đều điên như nhau, đều đắm chìm trong vô minh, trong những ảo giác và ảo tưởng (moha). Thậm chí nếu có một trình tự cho những tư duy ấy chăng nữa, thì đối tượng của chúng cũng là một điều gì đó hoặc là dễ chịu (lạc) hoặc là khó chịu (khổ). Nếu đối tượng đó là dễ chịu, bạn bắt đầu phản ứng với sự thích thú, thích thú ấy sẽ phát triển thành ái, thủ - rãga. Còn nếu là khó chịu (khổ), bạn bắt đầu phản ứng với sự không thích, mà sẽ phát triển thành sân hận, oán ghét – dosa. Tâm luôn luôn ngập tràn với si mê, tham áisân hận. Tất cả những bất tịnh khác đều xuất phát từ ba phiền não căn bản này, và mỗi bất tịnh đều làm cho bạn khốn khổ.

Mục đích của kỹ thuật này là nhằm tịnh hóa tâm, nhằm giải thoát nó khỏi khổ đau bằng cách quét sạch dần những tiêu cực bên trong ấy. Có thể nói đó là một cuộc phẫu thuật sâu vào trong phần vô thức của bạn; được thực hiện để khám phá ra và loại bỏ đi những phức cảm ẩn tang ở đó. Ngay cả bước đầu tiên của kỹ thuật cũng phải tịnh hóa tâm, và đúng là như vậy: bằng cách quan sát hơi thở, bạn đã bắt đầu không chỉ để tập trung tâm thôi, mà còn tịnh hóa nó nữa. Có thể suốt ngày hôm nay chỉ có một vài giây là tâm của bạn tập trung trọn vẹn được trên hơi thở, nhưng mỗi khoảnh khắc như vậy sẽ có ảnh hưởng rất mạnh trong việc thay đổi đường lối quen thói của tâm. Trong giây phút đó, bạn ý thức rõ thực tại hiện tiền, hơi thở đang vào hoặc ra khỏi mũi, không chút ảo tưởng. Và trong giây phút đó bạn không thể thèm muốn them hơi thở hay cảm thấy chán ghét hơi thở của bạn. Bạn chỉ quan sát, không phản ứng với nó. Trong khoảnh khắc như vậy, tâm thoát khỏi ba phiền não căn bản, nghĩa là, nó được thanh tịnh. Khoảnh khắc thanh tịnh ở mức ý thức này có một tác động rất mạnh trên những bất tịnh cũ tích tụ trong phần vô thức. Cuộc tiếp xúc của những lực tích cực và tiêu cực này tạo ra một sự bùng nổ. Một số những bất tịnh ẩn tàng trong vô thức sẽ trồi lên ý thức, và thể hiện ra như những khó chịu tâm lý hoặc vật lý khác nhau.

Khi bạn đối diện với một tình huống như vậy, sẽ có cái nguy là bị dao động, và làm tăng them những khó khăn. Tuy nhiên, sẽ là sáng suốt khi hiểu rằng những gì dường như đang là vấn đề ấy lại thực sự là dấu hiệu của thành công trong thiền, hay đúng hơn một dấu hiệu cho thấy rằng kỹ thuật đã bắt đầu làm việc. Cuộc phẫu thuật vào phần vô thức đã bắt đầu, và một số chất mủ ẩn tang ở đó đã khởi sự tuôn ra khỏi vết thương. Mặc dù việc tiến hành thật là khó chịu (khổ), song đây là cách duy nhất để loại bỏ chất mủ, để tẩy sạch những bất tịnh. Nếu bạn tiếp tục làm việc đúng cách, tất cả những khó khăn này sẽ dần dần giảm bớt. Ngày mai sẽ dễ dàng hơn một chút, ngày mốt them chút nữa… Lần hồi, tất cả những vấn đề cũng sẽ qua đi, nếu bạn hành đúng.

Chẳng ai khác có thể làm công việc này thay cho bạn được; bạn phải tự làm lấy. Bạn phải tự khám phá ra thực tại bên trong bạn. Bạn phải tự giải thoát cho mình.

Một vài lời khuyên về cách hành:

Trong những giờ tọa thiền, luôn luôn thiền trong nhà. Nếu bạn cố gắng hành thiền ngoài trời, tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng và gió, bạn sẽ không thể nào thâm nhập vào được những chỗ sâu kín của tâm bạn. Trong thời gian nghỉ, bạn có thể đi ra ngoài.

Bạn phải ở trong những giới hạn của nơi hành thiền. Hãy nhớ rằng bạn đang thực hiện một cuộc phẫu thuật trên tâm bạn, nên phải ở lại trong phòng mổ.

Cương quyết ở lại cho đến hết khóa thiền, bất chấp những khó khăn có thể gặp. Nểu những vấn đề phát sinh trong khi phẫu thuật, hãy nhớ đến sự quyết tâm mạnh mẽ này. Bỏ khóa thiền nửa chừng sẽ là điều tệ hại.

Tương tự, bạn phải hạ quyết tâm giữ gìn tất cả những giới luật, trong đó quan trọng nhất là điều luật yên lặng. Cũng cần phải quyết tâm theo đúng thời khắc biểu, đặc biệt là phải có mặt trong thiền đường trong ba thời thiền tọa một tiếng theo nhóm mỗi ngày.

Tránh sự tai hại của việc ăn quá no, của việc buông thả mình không cưỡng lại cơn buồn ngủ, và của việc nói chuyện không cần thiết.

Thực hành đúng theo những người có trách nhiệm ở đây bảo bạn phải làm. Không chỉ trích, trong suốt khóa thiền hãy để qua một bên bất cứ điều gì mà bạn đã đọc hay đã học ở nơi khác. Pha trộn những kỹ thuật với nhau rất là nguy hiểm. Nếu có điểm nào không rõ ràng với bạn, hãy đến gặp người hướng dẫn để được sáng tỏ. Song phải đưa kỹ thuật này vào một cuộc thử thách công bằng đã; nếu bạn làm được như vậy, bạn sẽ gặt hái những kết quả kỳ diệu.

Hãy tận dụng thời gian, cơ hội, và kỹ thuật để tự giải thoát bạn khỏi những trói buộc của tham, sân, si, và để thọ hưởng sự bình an, hài hòa và hạnh phúc chơn thực.

Hạnh phúc chân thực cho tất cả các bạn!

Cầu mong tất cả chúng sinh được an vui!

BÀI GIẢNG NGÀY THỨ HAI

Định nghĩa chung về tội và lòng mộ đạo

Bát Thánh Đạo: Giới (Sĩla) và Định (Samãdhi)

Ngày thứ hai đã qua. Mặc dù có khá hơn ngày thứ nhất một chút, nhưng những khó khăn vẫn còn đó. Tâm thật là bất an, dao động, và hoang dã như một con trâu hoang hoặc con voi hoang gây ra sự tàn phá kinh khủng khi nó đi vào nơi cư trú của con người vậy. Nếu một người có trí thuần hóa và huấn luyện được con vật hoang ấy, thì tất cả sức mạnh của nó, cái sức mạnh từng được dùng vào những mục đích tàn phá, giờ đây bắt đầu được dùng để phục vụ cho xã hội theo những cách hữu dụng nhất. Tương tự như vậy, tâm vốn mạnh mẽ và nguy hiểm hơn rất nhiều so với con voi hoang, phải được thuần hóa và luyện tập; lúc ấy cái sức mạnh kinh khủng của tâm sẽ bắt đầu phục vụ cho bạn. Nhưng bạn phải làm việc một cách rất kiên trì và liên tục mới được. Sự liên tục của pháp hành là bí quyết của thành công.

Bạn phải làm công việc của bạn, không ai khác có thể làm thay cho bạn được. Với tất cả lòng từ ái và bi mẫn, bậc giác ngộ đã chỉ ra con đường để thực hành, nhưng Ngài không thể cõng ai lên vai đi đến mục tiêu cuối cùng được. Bạn phải tự mình bước lấy, tự mình chiến đấu cuộc chiến với bạn, và tự mình thực hiện sự cứu rỗi của bạn. Tất nhiên, một khi bạn khởi sự công việc, bạn sẽ nhận được sự hỗ trợ của tất cả Pháp lực (Dhamma forces), nhưng bạn vẫn phải tự mình làm lấy. Bạn phải tự mình đi hết đạo lộ.

Để hiểu thế nào là đạo lộ trên đó bạn phải bước đi, đức Phật đã mô tả trong một bài kệ rất đơn giản:

Không làm mọi hành động tội lỗi, bất thiện.

Chỉ làm những hành động đạo đức và thiện.

Thanh tịnh hóa tâm ý.

Đây là lời dạy của các bậc giác ngộ.

Đó là một đạo lộ phổ quát, có thể chấp nhận được với mọi người dù thuộc bất kỳ trình độ nào, chủng tộc nào hay xứ sở nào. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ định nghĩa thế nào về tội và lòng mộ đạo. Khi tinh túy của Pháp (Dhamma) thất lạc, nó trở thành một bộ phái, và rồi mỗi bộ phái đưa ra một lối định nghĩa khác nhau về lòng mộ đạo, như là phải có một hình thức bề ngoài đặc biệt, thực hiện một vài nghi thức, hoặc giữ vững một vài tín điều nào đó. Tất cả điều này là những định nghĩa mang tính bộ phái. Có thể chấp nhận với một số người và không với những người khác. Tuy nhiên, Pháp (Dhamma) đưa ra một định nghĩa phổ quát về tội và lòng mộ đạo. Bất cứ hành động nào làm tổn hại người khác, khuấy động sự bình an và hòa hợp của họ, đều là hành động tội lỗi, bất thiện. Bất cứ hành động nào giúp ích cho người, đóng góp vào sự bình an và hòa hợp của họ, là hành động thiện, đạo đức, sùng đạo. Đây là sự định nghĩa không hợp theo giáo điều nào cả, mà đúng hơn, hợp với quy luật tự nhiên. Và theo quy luật tự nhiên, người ta không thể thực hiện một hành động gây tổn hại cho người khác mà trước không khởi lên một phiền não trong tâm như oán thù, sợ hãi, sân hận, vv… và bất cứ khi nào bạn tạo ra một tâm phiền não, thì lúc đó bạn sẽ trở nên đau khổ, bạn sẽ nếm trải những thống khổ của địa ngục ở bên trong. Tương tự, bạn không thể thực hiện một hành động giúp ích người khác mà trước không khởi lên lòng từ ái, bi mẫn, thiện chí, vv… và ngay khi bạn khởi phát những phẩm chất tinh thần trong sạch như vậy, thì bạn cũng bắt đầu hưởng được sự bình an thiên giới bên trong. Khi bạn giúp người khác, lập tức bạn giúp chính mình; ngay khi bạn hại người khác, lập tức bạn hại chính mình. Đây là Dhamma, Pháp, Sự thực – quy luật phổ quát của tự nhiên.

Con đường của Pháp được gọi là Bát Thánh Đạo. Thánh đạo ở đây phải hiểu theo nghĩa rằng bất luận người nào đi trên đạo lộ này chắc chắn sẽ trở thành một người có tấm lòng cao quý, thánh thiện. Đạo lộ được chia làm ba phần: Giới (Sĩla),Định (Samãdhi), và Tuệ (Pãnnã). Sĩlalà Giới – tránh những hành động của thân và lời nói. Samãdhihay Định là hành động thiện thuộc lãnh vực tu tập làm chủ tâm. Thực hành cả hai phương diện này rất hữu ích, song không phải giới, cũng không phải định có thể trừ tiệt mọi phiền não đã tích lũy trong tâm. Vì mục đích này, phần thứ ba của đạo lộ phải được thực hành: Pãnnã hay sự phát triển trí tuệ, phát triển Tuệ Minh sát, tịnh hóa hoàn toàn tâm. Trong nhóm giới có ba chi phần của Bát Thánh đạo:

1.Chánh Ngữ (Sammã –vãcã), sự thanh tịnh của khẩu nghiệp. Muốn hiểu được thế nào là sự thanh tịnh của lời nói, bạn phải hiểu sự không trong sạch hay bất tịnh của lời nói là gì đã. Nói dối nhằm lừa đảo người khác, nói những lời thô lỗ làm tổn thương người khác, nói xấu sau lưng và nói vu khống, nói chuyện phù phiếm và không có mục đích đều là những bất tịnh của khẩu nghiệp. Khi bạn tránh những khẩu nghiệp này, những gì còn lại là chánh ngữ.

2.Chánh Nghiệp (Sammã-kammanta), sự trong sạch của thân nghiệp. Trên đạo lộ của Pháp chỉ có một cây thước duy nhất để đo lường sự thanh tịnh hay bất tịnh của một hành động, dù hành động ấy thuộc thân, khẩu, hoặc ý, đó là hành động ấy giúp ích hay làm tổn hại người khác. Như vậy sát sinh, trộm cắp, tà dâm, và nghiện ngập đến nỗi không biết những gì mình đang làm, đều là những hành động làm tổn thương người khác và cũng làm hại chính bản thân mình. Khi bạn tránh những thân nghiệp bất tịnh này, những gì còn lại là chánh nghiệp.

3.Chánh Mạng (Sammã-ãjiva). Mọi người ai cũng phải có một cách sinh nhai nào đó để nuôi sống bản thân và những người tuỳ thuộc vào mình, nhưng nếu những phương tiện nuôi sống ấy làm hại đến người khác, thì đó không phải là chánh mạng. Có thể bạn không tự mình làm những hành động sai trái để nuôi mạng, nhưng lại khuyến khích người khác làm như thế; nếu vậy bạn cũng không phải đang hành theo chánh mạng. Chẳng hạn, bán rượu, mở song bài, bán vũ khí, bán thú vật hay thịt thú vật đều không phải là chánh mạng. Ngay cả trong những nghề cao thượng nhất cũng thế, nếu động cơ của bạn chỉ là để bóc lột người khác, thì bạn đang không hành chánh mạng. Nếu động cơ là để thực hiện phần hành của mình như một thành viên của cộng đồng xã hội, để đóng góp tài năng và nỗ lực của mình cho lợi ích chung, đổi lại bạn nhận một phần thưởng công bằng cho hành động ấy, nhờ đó nuôi sống bản thân và những người tùy thuộc vào bạn, thì bạn đang hành theo chánh mạng.

Một gia chủ (người chủ gia đình), một tại gia cư sĩ, cần phải có tiền để nuôi sống bản thân. Tuy nhiên, cái nguy nằm ở chỗ kiếm tiền lại trở thành một phương tiện để đề cao bản ngã: bạn dùng hết khả năng của mình để tích góp thật nhiều tiền của cho bản thân, và cảm thấy khinh miệt đối với những người kiếm được ít hơn. Một thái độ như vậy làm tổn thương người khác và đồng thời cũng hại đến chính mình, vì bản ngã càng lớn bao nhiêu, càng xa sự giải thoát bấy nhiêu. Vì thế một phương diện không thể thiếu của chánh mạng là bố thí, chia sẻ một phần những gì mình có với người khác. Lúc ấy bạn kiếm sống không chỉ vì lợi ích riêng của bạn mà còn vì lợi ích của mọi người nữa.

Nếu Pháp chỉ gồm những lời khuyến giáo tránh những hành động làm tổn hại người khác đơn thuần như vậy, thì ắt hẳn nó sẽ không có hiệu quả. Về phương diện tri thức, người ta có thể hiểu những tai hại của việc làm điều bất thiện và những lợi ích của việc làm điều thiện, hoặc người ta có thể chấp nhận tầm quan trọng của Giới (sĩla) xuất phát từ lòng tin đối với những người thuyết giảng nó. Tuy thế họ vẫn tiếp tục làm những hành động sai lầm, vì họ không kiểm soát được tâm. Vì vậy nhóm thứ hai của Pháp –Samãdhi, hay Định– làm chủ tâm của bạn. Trong nhóm này có ba chi phần khác của Bát Thánh đạo.

4.Chánh Tinh Tấn (Sammã –vãyãma). Qua việc thực hành của mình bạn đã thấy tâm yếu đuối và nhu nhược như thế nào, nó luôn luôn dập dờn hết đối tượng này đến đối tượng khác. Một cái tâm như vậy đòi hỏi phải có sự luyện tập để làm cho nó trở nên mạnh mẽ. Có bốn bài tập để tăng cường tâm: loại bỏ ra khỏi tâm những phẩm chất bất thiện nào mà nó có thể, đóng chặt không cho những phẩm chất bất thiện nào mà nó chưa có vào, giữ gìn và làm tăng trưởng phẩm chất thiện hiện có trong tâm, và mở ra cho những phẩm chất thiện bị bỏ lỡ vào. Một cách gián tiếp, do thực hành niệm hơi thở (ãnãpãna) bạn đã khởi sự thực hiện những bài tập này rồi.

5.Chánh Niệm (Sammã – sati) là sự nhận thức được thực tại của sát na hiện tiền (awareness of the reality of the present moment). Biết quá khứ chỉ có thể là những ký ức; biết tương lai chỉ có thể là những khát vọng, sợ hãi, tưởng tượng. Bạn khởi sự hành chánh niệm bằng cách tập cho mình duy trì sự nhận thức đối với bất cứ thực tại nào biểu thị ở sát na hiện tại, trong khu vực giới hạn quanh lỗ mũi. Bạn phải phát triển khả năng nhận thức về toàn bộ thực tại, từ mức thô nhất đến mức tế nhất. Mới đầu, bạn chú ý đến hơi thở có ý thức và chủ định, rồi đến hơi thở nhẹ nhàng, tự nhiên, rồi đến sự xúc chạm của hơi thở. Bây giờ bạn sẽ lấy một đối tượng của sự chú ý còn vi tế hơn nữa, đó là những cảm thọ vật lý, tự nhiên trong khu vực giới hạn này. Bạn có thể cảm giác nhiệt độ của hơi thở, hơi thở lạnh khi nó đi vào, hơi thở ấm khi nó đi ra khỏi thân. Ngoài ra, còn có vô số các cảm thọ không liên hệ đến hơi thở: nóng, lạnh, ngứa, nhịp đập, rung động, áp lực, căng thẳng, đau đớn vv… bạn không thể chọn một cảm thọ nào để cảm nhận được, và bạn không thể tạo ra các cảm thọ. Chỉ quan sát, chỉ giữ chánh niệm (sự nhận biết). Tên gọi của cảm thọ không quan trọng; điều quan trọng là phải có chánh niệm nay sự nhận biết về thực tại của cảm thọ mà không phản ứng với nó.

Lề thói quen thuộc của tâm, như bạn đã thấy, là lăn vào tương lai hay vào quá khứ, sinh rat ham ái hoặc sân hận. Nhờ thực hành chánh niệm bạn đã bắt đầu bẻ gãy thói quen này. Không phải rằng sau khóa thiền này bạn sẽ quên hẳn quá khứ, và hoàn toàn không còn nghĩ gì đến tương lai. Mà đúng ra là, do trước đây bạn đã lăn lộn trong quá khứ hoặc tương lai một cách không cần thiét và đã phung phí quá nhiều năng lượng của mình đến độ khi bạn cần nhớ hay dự định một điều gì, bạn không thể làm nổi. Nhờ phát triển chánh niệm, bạn sẽ học cách gắn tâm mình một cách vững chắc hơn vào thực tại hiện tiền. Và bạn sẽ thấy ra rằng bạn có thể dễ dàng nhớ lại quá khứ khi cần, và làm những dự liệu thích hợp cho tương lại. Bạn sẽ có thể sống một cuộc sống lành mạnh, hạnh phúc.

6. Chánh Định (Sammã – samãdhi). Thuần định không phải là mục đích của kỹ thuật (Minh sát) này; định mà bạn phát triển phải có một căn bản thanh tịnh. Với căn bản tham, sân, si, bạn cũng có thể định tâm được, nhưng đó không phải là chánh định (sammã-samãdhi). Bạn phải có chánh niệm hay sự nhận thức về thực tại hiện tiền trong chính bạn, không chút tham ái hay sân hận. Duy trì chánh niệm này liên tục từ sát na này đến sát na khác không gián đoạn – đây là chánh định.

Bằng việc tuân thủ thận trọng năm giới, bạn đã khởi sự hành Giới. Bằng việc tập cho tâm luôn luôn tập trung vào một điểm, một đối tượng thực của sát na hiện tại, không tham cũng không sân, bạn đã khởi sự phát triển Định.Giờ đây cứ tiếp tục làm việc một cách chuyên cần để dũa bén tâm của bạn, sao cho khi bạn khởi sự hành Tuệ (Pãnnã), bạn sẽ có đủ khả năng để thâm nhập vào những chỗ sâu kín của vô thức, để quét sạch tất cả những bất tịnh ẩn náu ở đó, để thọ hưởng hạnh phúc chân thực – hạnh phúc của sự giải thoát.

Hạnh phúc chân thực cho tất cả các bạn!

Cầu mong tất cả chúng sinh được an vui!

Ghi chú: Những đoạn kinh Pãli trích dẫn trong bài giảng này:

Tumhe hi kiccam ãtappam,

Akkhãtãro tathãgatã.

Patipannã pamokkhanti

Jhãmiyo mãra-bandhamã

Dhammapada, XX.4 (276)

Người hãy nhiệt tâm làm,

Như Lai chỉ dẫn đường

Ai hành trì thiền định

Sẽ thoát khỏi lưới ma.

Sabba-pãpassa akaranam,

Kusalassa upasampadã,

Sa-citta pariyodapanam

Etam Buddhãna – sã sanam.

Dhammapada, XIV.5 (183)

“Không làm mọi điều ác,

Thực hiện các điều lành,

Thanh tịnh hóa tâm ý”-

Chính lời dạy chư Phật.

BÀI GIẢNG NGÀY THỨ BA

Bát Thánh đạo: Tuệ (Pãnnã) – Tuệ do nghe, tuệ do vận dụng trí óc, tuệ do kinh nghiệm

Các tổng hợp sắc (kalãpã)

Bốn đại

Ba đặc tính: vô thường, khổ, vô ngã

Chọc thủng qua thực tại bề ngoài.

Ngày thứ ba đã qua. Chiều mai các bạn sẽ bước vào lãnh vực của Tuệ, Pãnnã, nhóm thứ ba của Bát Thánh Đạo. Không có tuệ, đạo lộ vẫn không đầy đủ.

Bạn bắt đầu tu tập đạo lộ bằng việc hành giới, đó là – tránh không làm tổn thương người khác, nhưng mặc dù bạn có thể không làm hại người, bạn vẫn tự làm hại mình do nảy sanh những phiền não trong tâm. Do đó bạn tiến hành việc tu tập định, học cách để kiểm soát tâm, để đè nén các phiền não nào đã khởi lên. Tuy nhiên, định chỉ đè nén phiền não chứ không trừ diệt được chúng. Phiền não vẫn còn trong vô thức và sinh sôi nảy nở ở đó, tiếp tục gây hại cho bản thân bạn. Vì thế bước thứ ba của Pháp (dhamma)- Tuệ - không cấp phép tự do cho các phiền não, cũng không đè nén chúng, mà thay vào đó để cho chúng khởi lên và trừ diệt. Khi các phiền não đã bị trừ diệt, tâm thoát khỏi những bất tịnh. Và khi tâm đã được thanh tịnh, thì không cần nỗ lực, bạn vẫn tránh được những hành động làm tổn thương người khác, vì về bản chất tâm thanh tịnh luôn tràn ngập từ ái và bi mẫn đối với mọi người. Tương tự, không cần nỗ lực bạn vẫn tránh được những hành động làm hại đến bản thân. Bạn sống một cách vui vẻ, lành mạnh. Như vậy mỗi bước của đạo lộ phải dẫn đến bước kế tiếp. Giới dẫn đến việc phát triển định, chánh định; định dẫn đến sự phát triển trí tuệ, tuệ tịnh hóa tâm và dẫn đến Níp-bàn, sự giải thoát hoàn toàn khỏi mọi bất tịnh, sự giác ngộ viên mãn.

Trong nhóm tuệ, rơi vào hai chi phần nữa của Bát Thánh đạo:

7. Chánh Tư Duy(Sammã-sankappa). Toàn bộ tiến trình tư duy không nhất tiết phải dừng lại trước khi người ta có thể bắt đầu việc tu tập tuệ. Các tư duy vẫn còn, nhưng mô thức dư duy thay đổi. Các phiền não ở mức bề mặt của tâm bắt đầu diệt do việc thực hành niệm hơi thở. Thay cho những tư duy tham ái, sân hận và si mê, bạn bắt đầu có những tư duy lành mạnh, tư duy về Pháp, tư duy về con đường giải thoát tự thân.

8. Chánh Kiến(Sammã – ditthi). Đây là trí tuệ thực thụ, hiểu biết thực tại như nó là, không chỉ như nó có vẻ như là.

Trong việc phát triển trí tuệ có ba giai đoạn phải trải qua. Thứ nhất là Văn tuệ (suta-mayã- pãnnã), trí tuệ thâu nhập được do nghe hay đọc những lời dạy của người khác. Trí tuệ do nghe hay văn tuệ này rất hữu ích trong việc đặt người ta vào đúng hướng. Tuy nhiên, một mình nó thì không thể giải thoát, vì thật sự đó chỉ là trí tuệ vay mượn. Bạn chấp nhận nó là thực có thể vì đức tin mù quáng, hoặc có thể vì sân hận, trong nỗi khiếp sợ rằng không tin sẽ bị đọa địa ngục, hoặc cũng có thể do tham ái, nghĩa là bạn tin nó với hy vọng rằng sẽ được sanh lên thiên giới. Nhưng trong bất kỳ trường hợp nào, nó vẫn không phải là trí tuệ riêng của bạn.

Nhiệm vụ của văn tuệ chỉ là để dẫn đến giai đoạn kế: Tư tuệ(cintã-mayã pãnnã) hay tuệ do vận dụng trí óc. Dựa trên lý trí, bạn xem xét những gì bạn đã nghe hoặc đọc để thấy xem nó có hợp lý, thực tiễn và lợi ích hay không; nếu có, lúc ấy bạn hãy chấp nhận nó. Sự hiểu biết dựa trên lý trí này cũng quan trọng, nhưng cũng có thể sẽ rất nguy hiểm nếu tự thân nó được xem như cứu cánh. Có người phát triển được tri kiến do vận dụng trí óc này, và vì thế chắc mẫm rằng mình là một người rất mực uyên thâm, không biết rằng tất cả những cái mã họ học đó chỉ dùng để tâng bốc cái tôi của họ; thực ra người ấy còn rất xa giải thoát.

Nhiệm vụ đúng đắn của tuệ do vận dụng trí óc hay tư tuệ là để dẫn đến giai đoạn kế; Tu tuệ(bhãvanã – mayã pãnnã), trí tuệ phát triển trong tự thân, ở mức kinh nghiệm. Đây là trí tuệ thực sự. Văn tuệ và Tư tuệ sẽ rất hữu ích nếu chúng cho bạn một nguồn cảm hứng và hướng dẫn để bước sang bước kế tiếp. Tuy nhiên, chỉ có tuệ do kinh nghiệm hay Tu tuệ mới có thể giải thoát, vì đây là trí tuệ riêng của bạn, dựa trên kinh nghiệm cá nhân của bạn.

Một ví dụ về ba loại tuệ này: ông bác sĩ nọ kê toa thuốc cho một bệnh nhân. Anh này về nhà và do rất tin nơi vị bác sĩ của mình, anh đọc đi đọc lại toa thuốc mỗi ngày; đây là văn tuệ (suta mayã pãnnã). Không thỏa mãn với điều đó, anh ta quay trở lại vị bác sĩ để yêu cầu giải thích, và nhận được lời giải thích thỏa đáng về toa thuốc, vì sao cần phải như vậy và nó sẽ công hiệu như thế nào, đây là tư tuệ (cintã-mayã pãnnã). Cuối cùng anh ta uống thuốc; chỉ khi ấy bệnh anh ta mới dứt. Như vậy lợi ích chỉ xuất phát từ bước thứ ba, tu tuệ (bhãvanã –mayã pãnnã).

Bạn đã đến với khóa thiền này để tự mình uống thuốc, để tu tập trí tuệ riêng của bạn. Muốn được vậy, bạn phải hiểu sự thực ở mức kinh nghiệm. Rất nhiều rối ren còn đó vì cách các pháp (sự vật) xuất hiện hòan toàn khác với bản chất thực của chúng. Để loại bỏ những rối ren này bạn phải phát triển trí tuệ do kinh nghiệm – Tu Tuệ. Và ngoài khuôn khổ của thân ra, bạn không thể kinh nghiệm được sự thực; có chăng đó chỉ có thể là trí thông minh (chứ không phải tuệ). Vì thế bạn phải phát triển khả năng để kinh nghiệm sự thực trong chính bạn, từ những mức thô nhất đến những mức tế nhất, nhằm thoát ra khỏi mọi ảo tưởng, mọi trói buộc.

Mọi người đều biết rằng toàn vũ trụ luôn luôn biến đổi, nhưng sự hiểu biết thuần tri thức về thực tại này sẽ không giúp được gì cả, bạn phải kinh nghiệm nó trong chính bạn. Có thể một biến cố gây chấn động tinh thần nào đó, như cái chết của một người thân, buộc bạn phải đối diện với sự thật nghiệt ngã của vô thường, và bạn bắt đầu phát triển trí tuệ, để thấy ra sự vô nghĩa của việc giành giựt những tài sản thế gian và rầy rà gây gổ với nhau. Nhưng chẳng bao lâu thói quen của chủ nghĩa vị kỷ lại tái xác nhận chính nó, và trí tuệ lịm dần, vì nó không dựa trên kinh nghiệm tự thân, trực tiếp. Bạn vẫn chưa kinh nghiệm được thực tại vô thường trong chính bạn.

Mọi vật đều phù du, sanh và diệt trong từng sát na – vô thường (anicca); nhưng sự nhanh lẹ và tính tương tục của tiến trình lại tạo ra ảo giác về sự thường hằng. Ngọn lửa của cây đèn cầy và ánh sáng của một bong đèn điện cả hai đang liên tục thay đổi. Nếu bằng các giác quan của mình bạn có thể khám phá ra tiến trình của sự thay đổi này, như có thể làm được trong trường hợp của ngọn lửa cây đèn cầy, lúc ấy bạn có thể thoát ra khỏi ảo tưởng. Nhưng, nếu sự thay đổi diễn ra quá nhanh và liên tục đến độ các giác quan của bạn không thể khám phá ra nó, như trường hợp của ánh sáng đèn điện, thì ảo tưởng lúc ấy sẽ khó phá bỏ hơn. Bạn có thể nhận ra sự thay đổi liên tục nơi con song đang chảy, nhưng làm sao bạn hiểu được rằng người đang tắm trong con song đó cũng đang thay đổi trong từng sát na?

Cách duy nhất để phá bỏ ảo tưởng là học cách khám phá bên trong chính con người của bạn, để kinh nghiệm thực tại của cấu trúc tâm – vật-lý của chính bạn. Đây là những gì Sĩ Đạt Đa Cồ Đàm (Siddhattha Gotama) đã làm để trở thành một vị Phật. Bỏ qua một bên mọi định kiến có trước, Ngài khảo sát chính mình để khám phá ra bản chất thực của cấu trúc tâm-vật-lý. Khởi đi từ mức của thực tại rõ rệt, bề ngoài, Ngài thâm nhập vào mức vi tế nhất, và khám phá ra rằng toàn thể cấu trúc vật lý, toàn thế giới vật chất đều bao gồm những hạt hạ nguyên tử (sub atomic particles), gọi theo Pãli là attha kalãpã (các tổng hợp tám sắc hay đoàn bất thuần – xem trong “Biết và Thấy” – ND). Và Ngài cũng khám phá ra rằng mỗi hạt hay tổng hợp sắc như vậy gồm có bốn đại chủng (tứ đại) – đất, nước, lửa, gió – và các đặc tính phụ thuộc của chúng (sắc y đại sinh). Ngài cũng phát hiện ra những hạt này là những khối xây dựng cơ bản của vật chất, và tự thân chúng cũng luôn luôn sanh và diệt, với tốc độ cực nhanh – hàng tỷ lần trong một giây. Trong thực tế không có trạng thái rắn trong thế giới vật chất, mà chỉ có quá trình đốt cháy và những rung động mà thôi.

Các nhà khoa học hiện đại đã xác nhận những phát hiện của đức Phật, và bằng thí nghiệm đã chứng minh rằng toàn thế giới vật chất được hình thành từ những hạt hạ nguyên tử (subatomic particles) sanh và diệt cực nhanh. Tuy nhiên, các nhà khoa học này vẫn không giải thoát khỏi khổ đau, vì trí tuệ của họ chỉ là trí thông minh, không giống như đức Phật, họ không kinh nghiệm sự thực trực tiếp trong chính bản thân của họ. Khi một người tự thân kinh nghiệm thực tại vô thường của chính mình, chỉ lúc ấy họ mới bắt đầu thoát ra khỏi khổ đau.

Khi sự hiểu biết về vô thường (anicca) phát triển trong tự thân, thì phương diện khác của trí tuệ cũng phát sinh: anatta, “vô ngã”, không có “tối”, không có cái “của tôi”. Trong cấu trúc tâm-vật-lý này, không có gì kéo dài hơn một sát na, không có gì để ta có thể xem như một tự ngã hay linh hồn không thay đổi cả. Nếu cả cái gì thực sự là “của ta”, thì ta phải sở hữu được nó, kiểm soát được nó,. Nhưng trong thực tế ta không làm chủ được ngay cả thân của ta: nó cứ tiếp tục thay đổi, suy tàn, bất kể đến những ước muốn của ta.

Kế đến, phương diện thứ ba của tuệ phát triển: khổ (dukkha). Nếu bạn cố gắng sở hữu và chấp chặt vào cái gì đang thay đổi vượt ngoài quyền kiểm soát của bạn thì bạn chắc chắn sẽ tạo ra đau khổ cho chính mình. Thông thường, con người đồng hóa khổ với những cảm thụ giác quan khó chịu, song những cảm thụ lạc hay dễ chịu cũng có thể là nhân của khổ không kém, nếu bạn dính mắc vào chúng, bởi vì chúng cũng vô thường như nhau vậy. Dính mắc vào những gì phù du chắc chắn sẽ dẫn đến khổ đau mà thôi.

Khi sự hiểu biết về vô thường, vô ngã và khổ đủ mạnh, trí tuệ sẽ thể hiện ra trong cuộc sống hàng ngày của bạn. Cũng như khi một người đã học được cách chọc thủng qua thực tại rõ ràng ở bên trong, thì đối với những hoàn cảnh bên ngoài họ cũng sẽ có đủ khả năng để thấy được sự thực rõ rệt, và sự thực tối hậu như vậy. Họ thoát khỏi mọi ảo tưởng và sống một cuộc sống an vui, lành mạnh.

Rất nhiều những ảo tưởng được tạo ra bởi cái thực tại rõ rệt, vững chắc và hợp nhất này – chẳng hạn, ảo tưởng về cái đẹp thể xác. Thân này có vẻ như đẹp chỉ khi nó kết hợp lại với nhau. Song, bất cứ bộ phận nào của nó, được thấy rời ra, sẽ không còn sự hấp dẫn, không còn đẹp nữa – mà là bất tịnh, asubha. Cái đẹp thể xác là thực tại rõ rệt, bề ngoài, chứ không phải sự thực tối hậu.

Mặc dù vậy, sự hiểu biết về tính chất hão huyền của cái đẹp thân thể này vẫn không dẫn đến chỗ ác cảm với mọi người. Khi trí tuệ phát sanh, đương nhiên tâm trở nên thăng bằng, xả ly, thanh tịnh, đầy từ ái đối với mọi người. Sau khi đã kinh nghiệm thực tại trong chính mình, bạn có thể thoát khỏi mọi ảo tưởng, tham ái, và sân hận, đồng thời có thể sống một cách bình an và hạnh phúc.

Chiều mai, các bạn sẽ bước những bước đầu tiên trong lãnh vực của tuệ (pãnnã) khi các bạn khởi sự hành Vipassanã (Min-sát). Đừng hy vọng rằng ngay khi bắt đầu bạn sẽ thấy được tất cả những hạt hạ nguyên tử sanh và diệt khắp toàn thân liền. Không thể được, bạn cứ bắt đầu với sự thực thô, rõ rệt, và nhờ duy trì xả, dần dần bạn sẽ thâm nhập vào những sự thực vi tế hơn, rồi đến những sự thực tối hậu của tâm, của thân (danh-sắc) của các tâm sở và cuối cùng mới đến sự thực tối hậu nằm ngoài danh và sắc.

Để đạt đến mục tiêu này, bạn phải tự mình hành lấy. Vì vậy hãy giữ kiên cố giới luật (sĩla) vì đấy là nền tảng của thiền, và cứ duy trì việc hành niệm hơi thở (ãnãpãna) cho đến ba giờ chiều mai; vẫn cứ quan sát thực tại trong vùng quanh mũi, tiêp tục dũa bén tâm của bạn sao cho khi khởi sự hành Vipassanã vào ngày mai, bạn có thể thâm nhập vào những mức sâu hơn và quét sạch những bất tịnh ẩn náu ở đó. Hãy làm việc một cách nhẫn nại, kiên trì, liên tục, vì sự tốt đẹp của bạn, vì sự giải thoát của bạn.

Cầu mong tất cả các bạn sẽ thành công trong việc bước những bước đầu tiên trên đạo lộ giải thoát.

Cầu mong tất cả chúng sinh được an vui!

Ghi chú: Đoạn kinh Pãli trích dẫn:

Sabbo ãdĩpito loko, Toàn thế gian cháy đỏ.

Sabbo loko padhũpito; Toàn thế gian hỏa thiêu.

Sabbo pajjalito loko, Toàn thế gian bùng cháy

Sabbo lọ\oko pakampito Toàn thế gian rung động.

Akampitam apajjalitam, Không rung, không dao động

Aputhujjana – sevitam, Chỉ bậc thánh cảm nhận.*

Agati yattha mãrassa, Nơi nào chết không đến,

Tathã me mirato mano. Nơi đó tâm ta thích.

Upacãlã Sutta,

Samyutta Nikãya, V.7

Trong bản tiếng Anh của Bodhi câu này hơi khác:

That to which wordings do not resort – phàm phu không tới được.

BÀI GIẢNG NGÀY THỨ TƯ

Những vấn đề liên quan đến việc thực hành Vipassanã

Quy luật của nghiệp (kamma)

Tầm quan trọng của ý nghiệp

Bốn danh uẩn: thức, tưởng, thọ, hành (sự phản ứng)

Duy trì niệm và xả là cách để thoát khỏi khổ đau.

Ngày thứ tư là một ngày hết sức quan trọng. Bạn đã bắt đầu nhúng sâu vào dòng Sông Pháp ở bên trong để khám phá sự thực về chính con người bạn ở mức các cảm thọ của thân. Trong quá khứ, do vô minh, những cảm thọ này là các nhân cho sự sinh sôi nảy nở của khổ. Bạn đã thực hiện bước đầu tiên trên đạo lộ đi đến giải thoát bằng cách học quan sát các cảm thọ của thân và giữ thái độ buông xả.

Có một số câu hỏi về kỹ thuật này rất thường được mọi người hỏi:

- “Tại sao phải di chuyển sự chú tâm khắp toàn thân theo thứ tự, và vì sao lại theo thứ tự này?”.

- Có thể theo thứ tự nào cũng được, nhưng nhất thiết phải có thứ tự. Ngược lại sẽ có cái nguy là bỏ quên một số phần nào đó của thân, và những phần ấy sẽ vẫn cứ mù mịt, vẫn cứ bỏ trống. Các cảm thọ hiện hữu khắp toàn thân, và trong kỹ thuật này, phát triển khả năng cảm nghiệm chúng ở khắp nơi là việc hết sức quan trọng. Vì mục đích ấy cho nên di chuyển theo thứ tự sẽ rất hữu ích.

Nếu ở một phần nào đó của thân không có cảm thọ, bạn có thể giữ sự chú tâm ở đó trong một phút. Trong thực tế thọ có mặt ở đó, cũng như trong mọi phần tử của thân vậy, nhưng tính chất của nó vi tế đến độ tâm bạn không biết được nó một cách ý thức, và vì thế mà vùng này dường như mù, dừng lại trong một phút, quan sát một cách bình tĩnh, lặng lẽ và buông xả. Đừng móng khởi tâm thèm muốn một cảm thọ, hoặc chán ghét đối với sự mù mịt này. Nếu làm vậy, bạn đã đánh mất sự quân bình của tâm bạn, và một cái tâm không quân bình sẽ rất đần độn; chắc chắn nó cũng không thể nào kinh nghiệm được những cảm thọ vi tế hơn. Nhưng nếu tâm vẫn giữ thăng bằng, nó sẽ trở nên sắc bén hơn và nhạy cảm hơn, có thể khám phá ra những cảm thọ vi tế. Hãy quan sát một cách buông xả khu vực ấy trong khoảng một phút, không hơn. Nếu trong một phút ấy không có cảm thọ nào xuất hiện, thì hãy mỉm cười và di chuyển thêm. Vòng kế, lại dừng ở đó trong một phút, không sớm thì muộn bạn sẽ bắt đầu cảm giác được những cảm thọ ở đó và khắp toàn thân. Nếu bạn đã dừng lại trong một phút và vẫn không cảm giác được một cảm thọ nào, thì hãy cố gắng cảm giác sự xúc chạm của áo quần bạn nếu đó là một vùng có che đậy (bởi quần áo) hoặc sự xúc chạm của không khí nếu vùng đó không che đậy. Bắt đầu với những cảm thọ bề ngoài này, và dần dần bạn cũng sẽ cảm nhận được các cảm thọ khác.

-“Nếu như sự chú tâm được gắn trên một phần nào đó của thân và một cảm thọ lại phát sanh ở nơi khác, có nên nhảy tới hoặc nhảy lui để quan sát cảm thọ này không?”.

- Không. Cứ tiếp tục di chuyển theo thứ tự. Đừng cố gắng chặn ngang các cảm thọ ở những phần khác của thân – bạn không thể làm vậy được, nhưng cũng đừng xem chúng là quan trọng. Hãy quan sát mỗi cảm thọ chỉ khi nào bạn đi đến đó, còn thì cứ di chuyển theo thứ tự. Nếu không bạn sẽ nhảy hết nơi này sang nơi khác, bỏ sót nhiều phần của thân, chỉ quan sát được các cảm thọ thô mà thôi. Bạn phải tập cho mình quan sát tất cả các cảm thọ khác nhau ở mỗi phần của thân, có thể đó là thô hay tế, dễ chịu hay khó chịu, rõ rệt hay yếu ớt. Vì thế chẳng nên để cho sự chú tâm nhảy từ nơi này sang nơi khác.

- “Liệu người ta phải mất bao nhiêu thời gian để di chuyển sự chú tâm từ đầu đến chân?”.

- Điều này sẽ khác nhau tùy theo tình trạng mà bạn đối diện. Sự chỉ dẫn ở đây là hãy gắn sự chú tâm của bạn nơi một vùng nào đó, và ngay khi bạn cảm giác một thọ, tiếp tục đi tới. Nếu tâm đủ nhạy bén, nó sẽ nhận biết được cảm thọ ngay khi vừa đến một vùng nào đó, và lập tức bạn có thể di chuyển tới. Nếu tình trạng này xảy ra ở khắp toàn thân thì có thể mất khoảng mười phút để di chuyển từ đầu đến chân, nhưng ở giai đoạn này di chuyển nhanh hơn không phải là điều nên làm. Tuy nhiên, nếu tâm cùn nhụt, có thể sẽ có nhiều vùng trong đó nhất thiết phải chờ cho đến một phút để cho một cảm thọ xuất hiện. Trong tình trạng này, việc di chuyển từ đầu đến chân có thể mất đến ba mươi phút hoặc một giờ. Thời gian cần thiết để di chuyển hết một vòng không quan trọng. Chỉ cần duy trì việc hành một cách nhẫn nại, kiên trì; chắc chắn bạn sẽ thành công.

- “Vùng để gắn sự chú tâm vào cần phải lớn bao nhiêu?”.

- Lấy một phần của thân rộng khoảng hai hoặc ba inches (1 inch=2,54cm), rồi di chuyển sự chú ý tới hai hoặc ba inches khác, và cứ tiếp tục như vậy. Nếu tâm cùn nhụt, lấy những vùng rộng hơn. Chẳng hạn như toàn bộ mặt, hoặc toàn cánh tay trên bên phải; rồi cố giảm vùng chú tâm xuống dần dần. Cuối cùng bạn cũng có thể cảm giác được các cảm thọ trong từng phân tử của thân nhưng lúc này, một vùng cỡ hai, ba inches là khá đủ.

- “Ta phải cảm giác chỉ những cảm thọ trên bề mặt của thân thôi hay cũng cần phải đi vào bên trong nữa?”.

- Đôi khi một hành giả cảm giác được các cảm thọ ở bên trong ngay khi người ấy khởi sự hành Minh –sát, có khi mới đầu anh ta chỉ cảm giác được các cảm thọ ở trên bề mặt thôi. Cả hai cách đều hoàn toàn đúng. Nếu các cảm thọ chỉ xuất hiện trên bề mặt, hãy quan sát chúng nhiều lần cho tới khi bạn cảm giác được cảm thọ trên từng phần của bề mặt thân. Sau khi đã kinh nghiệm được các cảm thọ ở khắp nơi trên bề mặt, bạn sẽ bắt đầu thâm nhập vào phần bên trong. Từ từ tâm cũng sẽ phát triển được khả năng cảm giác các cảm thọ ở khắp nơi, cả bên ngoài lẫn bên trong, trong từng phần của cấu trúc vật lý. Nhưng mới đầu, các cảm thọ bề ngoài là khá đủ.

Đạo lộ sẽ dẫn qua toàn bộ lãnh vực thuộc giác quan, đến thực tại tối hậu nằm ngoài kinh nghiệm giác quan này. Nếu bạn cứ tiếp tục tịnh hóa tâm với sự trợ giúp của các cảm thọ, chắc chắn bạn sẽ đạt đến giai đoạn cùng tột.

Khi con người vô minh, các cảm thọ là một phương tiện để tăng trưởng khổ đau của họ. Vì họ phản ứng lại chúng với tham và sân. Vấn đề thực sự nảy sanh, sự căng thẳng hình thành, ở mức các cảm thọ của thân; vì thế đây là mức bạn phải giải quyết vấn đề ở đó, để thay đổi lề lối quen thuộc của tâm. Bạn phải học cách nhận biết tất cả các cảm thọ khác nhau mà không phản ứng lại với chúng, chấp nhận bản chất đổi thay, vô ngã của chúng. Nhờ làm vậy, bạn thoát ra khỏi thói quen phản ứng mù quáng, bạn tự giải thoát mình khỏi khổ đau.

- “Cảm thọ là thế nào?”.

- Bất cứ cái gì bạn cảm giác được ở mức vật lý là một cảm thọ, tức bất cứ cảm thọ về thân tự nhiên, bình thường, thông thường nào, dù dễ chịu hay khó chịu, dù thô hay tế, dù mạnh hay yếu. Đừng bao giờ bỏ qua một cảm thọ với cớ rằng do những điều kiện không khí, do ngồi lâu, hay do một bệnh tật cũ gây ra. Dù bất cứ lý do gì, sự việc vẫn là bạn đang cảm giác một cảm thọ là đủ. Trước đây bạn cố gắng đẩy những cảm thọ khó chịu ra, và kéo những cảm thọ dễ chịu vào. Giờ đây bạn chỉ đơn giản quan sát một cách khách quan, không đồng hóa mình với các cảm thọ.

Đó là sự quan sát không có tính chọn lựa. Đừng bao giờ cố gắng chọn lựa những cảm thọ; thay vào đó hãy chấp nhận bất cứ những gì khởi lên một cách tự nhiên. Nếu bạn đang tìm một cái gì đặc biệt, lạ thường, bạn sẽ tạo ra khó khăn cho mình, và tất nhiên sẽ không thể tiến hóa trên đạo lộ. Kỹ thuật ở đây không phải để kinh nghiệm một cái gì đặc biệt, mà đúng hơn là để giữ thái độ xả khi đối diện với bất cứ cảm thọ nào.

Nếu bạn thực hành theo cách này, dần dần toàn bộ quy luật của tự nhiên sẽ trở nên rõ rệt với bạn. Đây là những gì Pháp (dhamma) muốn nói: tự nhiên, quy luật, sự thực. Để hiểu được sự thực ở mức kinh nghiệm, bạn phải thẩm tra nó trong cơ cấu của thân này. Đây là những gì Bồ tát Siddhatta Gotama đã làm để trở thành một vị Phật, sự thực hiển hiện với Ngài và nó cũng sẽ hiển hiện với bất cứ người nào làm được như Ngài đã làm, sự thực ấy ở khắp thế gian, trong thân cũng như ngoài thân, mọi vật cứ tiếp tục thay đổi. Không có gì là sản phẩm cuối cùng, mọi sự, mọi vật đều nằm trong tiến trình của sự trở thành (bhava-hữu). Và một thực tại khác cũng sẽ trở nên rõ rệt: không có gì xảy ra một cách tình cờ cả. Mọi thay đổi đều có một nhân và nó sẽ tạo ra một quả, rồi quả đó đến lượt lại trở thành nhân cho một thay đổi thêm nữa; cứ như vậy tạo thành một chuỗi bất tận của nhân và quả. Vẫn còn một quy luật khác sẽ trở nên rõ rệt, đó là: nhân như thế nào, quả sẽ như thế ấy; hạt giống như thế nào, trái sẽ là như vậy.

Trên cùng một thửa đất bạn gieo hai hạt giống, một của cây mía, và hạt kia của cây “neem” – một loại cây ở vùng nhiệt đới và rất đắng (tạm dịch là cây ký ninh). Từ hạt giống của cây mía phát triển thành một cây nhỏ ngọt ngào trong từng thớ thịt, từ hạt giống của cây ký ninh, một cây đắng trong từng thớ thịt của nó mọc lên. Bạn có thể hỏi tại sao thiên nhiên lại tốt bụng với một cây và độc ác với cây khác. Thực sự thiên nhiên (tự nhiên) chẳng tốt bụng cũng chẳng độc ác, mà chỉ làm việc theo những quy luật cố định. Nói đúng ra, thiên nhiên chỉ giúp cho tính chất của mỗi hạt giống thể hiện ra mà thôi. Nếu bạn gieo những hạt giống ngọt ngào, kết quả thu được sẽ là sự ngọt ngào. Nếu bạn gieo những hạt giống cay đắng, kết quả thu được sẽ là cay đắng. Hạt giống như thế nào, quả sẽ như thế ấy; hành động như thế nào, kết quả cũng sẽ như vậy.

Vấn đề là bạn phải rất tỉnh táo lúc gieo trồng. Muốn có được trái ngọt, nhưng khi gieo bạn lại chểnh mảng, và trồng xuống những hạt giống đắng. Nếu bạn muốn trái ngọt, bạn phải trồng loại hạt giống thích hợp. Cầu nguyện hay mong đợi một phép lạ chỉ là tự dối mình; bạn phải hiểu và sống theo quy luật của tự nhiên. Bạn phải cẩn thận đối với những hành động của mình, vì đây là những hạt giống mà bạn sẽ nhận được sự ngọt ngào hay cay đắng hợp với tính chất của chúng.

Có ba loại hành động (nghiệp): thân nghiệp, khẩu nghiệp, và ý nghiệp. Một người biết quan sát chính mình sẽ nhanh chóng nhận ra rằng ý nghiệp là quan trọng nhất, vì đây là hạt giống, là hành động sẽ đem lại những kết quả. Khẩu nghiệp và thân nghiệp chỉ là những phóng chiếu của ý nghiệp, hay là cây thước để đo cường độ của nó mà thôi. Chúng khởi lên ý nghiệp, và ý nghiệp này sau đó thể hiện ra ở mức khẩu và thân. Chính vì thế, đức Phật đã tuyên bố:

Tâm đi trước các pháp,

Tâm làm chủ, tâm tạo

Nếu với tâm ô nhiễm

Nói năng hay hành động

Đau khổ sẽ theo sau

Như bánh (xe) lăn theo chân (con vật kéo)

Nếu với tâm thanh tịnh

Nói năng hay hành động

An vui sẽ theo sau

Như bong không rời hình

Nếu đúng là như vậy, thì bạn phải biết tâm là gì và hoạt động như thế nào. Bạn đã bắt đầu thẩm sát hiện tượng này qua việc thực hành của mình. Nếu bạn cứ tiến hành, bạn sẽ thấy rằng có bổn phần chính, hay bốn uẩn của tâm thể hiện rõ ràng:

Phần thứ nhất được gọi là thức(vĩnnãna). Các giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) sẽ là vô trí vô giác nếu không có thức tiếp xúc với chúng. Chẳng hạn, nếu bạn đang để hết tâm trí vào một cảnh đẹp nào đó, một âm thanh có thể xuất hiện nhưng bạn sẽ không nghe nó, vì tất cả ý thức của bạn lúc đó đang ở với con mắt, nhiệm vụ của phần tâm này là để nhận thức, tức chỉ để biết, chứ không phân biệt. Một âm thanh tiếp xúc với tai, và thức (vĩnnãna) chỉ ghi nhận sự kiện một âm thanh đã đến, vậy thôi.

Rồi phần kế tiếp của tâm bắt đầu làm việc: tưởng(sãnnã). Một âm thanh đến, và từ một kinh nghiệm quá khứ và ký ức của bạn, bận nhận ra nó: một âm thanh… những lời… những lời khen… tốt đẹp; hoặc giả, một âm thanh… những lời…. những lời sỉ nhục… xấu xa. Bạn đưa ra một sự lượng định về tốt hay xấu, theo kinh nghiệm quá khứ của bạn.

Lập tức, phần thứ ba của tâm bắt đầu làm việc: thọ(vedanã). Ngay khi một âm thanh đến, có một cảm thọ xuất hiện ở trên thân, nhưng khi tưởng nhận thức nó và cho nó một sự đánh giá, thì thọ trở thành dễ chịu hay khó chịu, hợp theo sự đánh giá ấy. Chẳng hạn: một âm thanh đến… những lời… những lời khen… tốt đẹp – và bạn cảm giác một lạc thọ (cảm thọ dễ chịu) khắp toàn thân. Hoặc giả, một âm thanh đến… những lời….. những lời sỉ nhục… xấu – và bạn cảm giác một khổ thọ (cảm thọ khó chịu) khắp toàn thân. Các cảm thọ phát sinh trên thân và được cảm giác bằng tâm; đây là nhiệm vụ của thọ (vedanã).

Rồi phần thứ tư của tâm bắt đầu làm việc: hànhhay sự phản ứng (sankhãra). Một âm thanh đến…. những lời…. những lời khen… tốt… cảm thọ lạc – và bạn bắt đầu thích nó: “Lời khen này tuyệt quá! Tôi muốn được khen nữa!”, hoặc một âm thanh đến…. những lời… những lời sỉ nhục… xấu… thọ khổ - và bạn bắt đầu không thích nó: “Im đi! Tôi không kham được sự sỉ nhục này”. Ở mỗi trong các cửa giác quan, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, tiến trình cũng diễn ra như vậy. Tương tự, khi một tư duy hay sự tưởng tượng tiếp xúc với tâm, một thọ lạc hay khổ cũng khởi lên trên than theo cùng cách thức như vậy, và bạn bắt đầu phản ứng lại với thích hoặc không thích. Cái thích chớp nhoáng này sẽ phát triển thành tham ái mạnh mẽ, còn sự không thích này sẽ phát triển thành sân mãnh liệt. Bạn bắt đầu thắt những gút mắc bên trong.

Đây là hạt giống đích thực sẽ cho ra quả, là nghiệp sẽ ddem lại quả báo: sankhãra, phản ứng tâm lý. Mỗi sát-na bạn tiếp tục gieo trồng hạt giống này, cứ tiếp tục phản ứng với thích và không thích, với tham và sân, và do làm như vậy bạn tự tạo đau khổ cho chính mình.

Có những phản ứng tạo ra một đối tượng rất nhẹ và được xóa bỏ hầu như ngay tức thì, có những phản ứng tạo ra một ấn tượng hơi sâu hơn một chút và được xóa bỏ sau một khoảng thời gian nào đó, và có những phản ứng tạo ra một ấn tượng rất sâu, phải mất một thời gian dài mới xóa bỏ được. Cuối mỗi ngày, nếu bạn cố gắng nhớ lại tất cả các hành hay phản ứng (sankhãrã) mà bạn đã tạo ra, có thể bạn sẽ chỉ nhớ được một hoặc hai phản ứng đã tạo ra những ấn tượng sâu nhất trong ngày hôm đó. Cũng theo cách ấy, cuối mỗi tháng hay mỗi năm, có thể bạn sẽ chỉ nhớ một hoặc hai hành vốn tạo ra những ấn tượng sâu xa nhất trong suốt thời gian đó. Và có thích nó hay không, lúc cuối đời, bất cứ hành nào đã tạo ra ấn tượng mạnh mẽ nhất chắc chắn sẽ hiện khởi trong tâm; và kiếp sống kế sẽ bắt đầu với một tâm có cùng tính chất như vậy, có cùng những phẩm chất ngọt ngào hay cay đắng như vậy. Do hành nghiệp của chúng ta, chúng ta tạo ra tương lai cho chính chúng ta là vậy.

Thiền Minh sát (Vipassanã) còn dạy cả nghệ thuật chết nữa: làm thế nào để chết một cách bình an, êm ái. Và bạn học nghệ thuật chết bằng cách học nghệ thuật sống: làm thế nào để trở thành chủ nhân của sát-na hiện tại, làm thế nào để không tạo ra một hành (phản ứng) ở sát-na này, làm thế nào để sống một cuộc sống an vui ngay trong hiện tại. Nếu hiện tại là tốt, bạn không cần phải lo cho tương lai, cái vốn chỉ là sản phẩm của hiện tại, và vì thế chắc chắn sẽ là tốt.

Có hai phương diện của kỹ thuật:

Thứ nhất là phá bỏ hàng rào ngăn cách giữa những cấp độ tâm ý thức và tâm vô thức[2]. Thường thường tâm ý thức không hay biết về những gì được kinh nghiệm bởi vô thức. Do sự không biết này che đậy, những phản ứng cứ tiếp tục xảy ra ở mức vô thức, vào lúc chúng ngoi lên mức ý thức, chúng đã trở nên căng thẳng đến độ dễ dàng áp đảo tâm. Nhờ kỹ thuật này, toàn khối tâm trở thành ý thức, trở thành niệm hay cái biết; và sự không biết hay vô minh bị loại trừ.

Phương diện thứ hai của kỹ thuật là xả, Bạn nhận biết tất cả những gì bạn kinh nghiệm, nhận biết từng cảm thọ, nhưng không phản ứng, không thắt những gút thắt mới của tham ái và sân hận bên trong, không tạo ra đau khổ cho chính mình.

Buổi đầu, trong lúc bạn tòa thiền, hầu hết thời gian bạn sẽ phản ứng lại với cảm thọ, nhưng cũng có vài sát-na sẽ đến khi bạn giữ được thái độ buông xả, dù cho đau đớn khốc liệt. Những khoảnh khắc như vậy có ảnh hưởng rất mạnh trong việc thay đổi lề thói quen thuộc của tâm. Dần dần bạn sẽ đạt đến giai đoạn ở đó bạn có thể mỉm cười với bất cứ thọ nào, biết được nó là vô thường, chắc chắn sẽ phải diệt.

Để thành tựu giai đoạn này, bạn phải tự mình hành; không ai khác có thể hành thay cho bạn. Thật là tuyệt vời là các bạn đã bước được bước đầutiên trên đạo lộ; bây giờ cứ tiếp tục bước tới., từng bước từng bước một, hướng về sự giải thoát của các bạn.

Cầu mong tất cả các bạn hưởng được niềm hạnh phúc chơn thực!

Cầu mong tất cả chúng sinh được an vui!

Ghi chú: Những đoạn kinh Pãli trích dẫn trong bài giảng này.

Mano-pubbanagamã Tâm đi trước các pháp,

Dhamma Tâm làm chủ, tâm tạo

Mano-setthã, mano mayã Nếu với tâm ô nhiễm

Manasã ce padutthena Nói năng hay hành động

Bhãsati vã karotivã, Đau khổ sẽ theo sau

Tato nam dukkha manveti Như bánh (xe) lăn theo

Cakkam’ va vahato padam chân (vật kéo)

Mano –pubbangamã Tâm đi trước các pháp,

Dhammã Tâm làm chủ, tâm tạo

Mano – setthã, mano mayã. Nếu với tâm thanh tịnh

Manasã ce pasannena Nói năng hay hành động

Bhãsati vã karotivã

Tatonam sukkhamanveti An lạc sẽ theo sau

Chãyã’ va anapãyinĩ Như bóng không rời hình

Dhammapada I.1&2

Idha tappati, pecca tappati, Nay đau khổ, sau khổ đau

Pãpakãrĩ ubhayattha tappati Làm ác hai đời lãnh khổ đau

Pãpam me katam’ ti tappati, Khổ đau thấy ác mình làm

Bhiyyo tappati duggatim gato Đọa vào khổ cảnh lại còn khổ hơn.

Idha nandati, peccanandati, Nay an vui, sau an vui

Kata pũnno ubhaya attha nandati Làm phước hai đời hưởng an vui

Pũnnãm me katan ti nandati, An vui thấy phước mình làm

Bhiyyo nandati suggatim gato Sanh vào nhàn cảnh lại còn vui hơn.

Dhammada I. 17&18

BÀI GIẢNG NGÀY THỨ NĂM

Tứ Thánh Đế: khổ, nhân sanh khổ, sự đoạn khổ, con đường đoạn khổ

Chuỗi duyên sinh

Năm ngày đã qua; bạn còn lại năm ngày nữa để thực hành. Hãy tận dụng năm ngày còn lại bằng cách dốc hết nỗ lực, với sự hiểu biết đúng đắn về kỹ thuật.

Từ việc quan sát hơi thở trong một vùng giới hạn, bạn đã tiến lên việc quan sát các cảm thọ khắp toàn thân. Khi mới bắt đầu pháp hành này, có thể trước tiên bạn sẽ gặp những cảm thọ khó chịu, thô, kiên cường và căng thẳng như đau nhức, sức ép, vv…. Trong quá khá bạn đã gặp những kinh nghiệm như vậy rồi, nhưng đường lối quen thói của tâm bạn là phản ứng với các cảm thọ, lăn vào lạc và quay cuồng trong khổ, để cứ mãi luôn luôn dao động. Giờ đây, bạn đang học cách quan sát mà không phản ứng, học cách khảo sát các cảm thọ một cách khách quan, không đồng hóa với chúng.

Đau đớn hiện hữu, khốn khổ hiện hữu, khóc than sẽ không giải thoát được air a khỏi đau khổ. Bạn thoát ra khỏi nó như thế nào? Bạn sống với nó ra sao?

Người bác sĩ muốn điều trị một bệnh nhân phải biết bệnh tình họ như thế nào, và nguyên nhân cơ bản của chứng bệnh ấy là gì. Nếu có nhân, tất phải có cách chữa, bằng cách loại trừ nhân. Một khi nhân đã được loại trừ, bệnh sẽ tự động bị loại trừ. Vì vậy, cần phải thực hiện những bước để dứt trừ nhân.

Trước hết bạn phải chấp nhận sự thực của khổ. Khổ hiện hữu khắp mọi nơi; đây là một sự thực phổ quát. Nhưng sự thực này trở thành Thánh Đế (sự thực cao thượng) khi bạn bắt đầu quan sát nó không phản ứng, vì bất kỳ ai làm như vậy chắc chắn sẽ trở thành một người thánh thiện, cao quý.

Khi bạn bắt đầu quan sát Thánh Đế Thứ Nhất– sự thực của khổ, thì nhân của khổ sẽ nhanh chóng trở bên rõ rệt, và bạn cũng bắt đầu quan sát nó; đây là Thánh Đế Thứ Hai. Nếu nhân được trừ diệt, thì khổ cũng bị trừ diệt. Đây là Thánh Đế Thứ Ba– sự diệt khổ. Để thành tựu sự trừ diệt này bạn phải thực hiện những bước; đây là Thánh Đế Thứ Tư– con đường hay cách để chấm dứt khổ bằng việc trừ tuyệt nhân của nó.

Bạn bắt đầu bằng cách học quan sát không phản ứng. Khảo sát cái đau bạn đang nếm trải một cách khách quan, như thể nó là cái đau của người khác. Xem xét kỹ cái đau giống như một nhà khoa học quan sát một cuộc thí nghiệm trong phòng thí nghiệm của ông ta. Khi bạn thất bại, hãy cố gắng trở lại. Cứ duy trì sự cố gắng, và bạn sẽ thấy rằng dần dần rồi bạn cũng thoát ra khỏi khổ đau.

Mọi chúng sinh đều khổ. Cuộc đời bắt đầu với tiếng khóc; sanh là một nỗi khổ lớn. Và bất kỳ ai đã sanh ra thì chắc chắn sẽ gặp những cái khổ của bệnh tật và tuổi già. Nhưng bất kể cuộc đời của con người có khốn khổ như thế nào, chẳng ai muốn chết cả, vì chết là một cái khổ lớn nhất.

Suốt cuộc đời, con người còn gặp phải những điều mình không ưa, và chia lìa với những gì mình mến thích. Nói chung, những gì không muốn thì xảy ra, những điều mong đợi lại không đến và người ta cảm thấy đau khổ. Đơn giản hiểu thực tại này ở mức tri thức sẽ không giải thoát được ai cả. Nó chỉ có thể cho ta một nguồn cảm hứng để nhìn vào trong chính con người của mình, để kinh nghiệm sự thực và tìm ra con đường thoát khổ. Đây là những gì Bồ tát Sĩ Đạt Đa Cồ Đàm đã làm để trở thành một vị Phật. Ngài khởi sự quan sát thực tại trong cơ cấu của thân mình giống như một chuyên gia nghiên cứu, đi từ sự thực thô, rõ rệt đến sự thực vi tế hơn, rồi đến sự thực vi tế nhất. Ngài khám phá ra rằng bất cứ khi nào ta bộc lộ tham ái, dù để giữ lấy một cảm thọ lạc hay để loại trừ một cảm thọ khổ, và tham ái ấy không được thỏa mãn, lúc ấy ta bắt đầu đau khổ. Và đi xa hơn, ở mức vi tế nhất Ngài phát hiện ra rằng nếu nhìn với một cái tâm hoàn toàn tự chủ, sự thực sẽ phơi bày rõ ràng rằng chấp thủ năm uẩn là khổ. Về phương diện tri thức, bạn có thể hiểu rằng sắc uẩn, hay thân này, không phải là “ta”, không phải “của ta”, mà chỉ là một hiện tượng vô ngã, đang thay đổi, nằm ngoài quyền kiểm soát của bạn. Tuy nhiên, thực sự bạn lại đồng hóa với thân ấy, và lộ rõ sự tham chấp đối với bốn danh uẩn – thức, tưởng, thọ, hành (phản ứng) và bám vào chúng như là “tôi”, “của tôi” mặc cho tính chất luôn luôn thay đổi của chúng. Vì những mục đích quy ước, chúng ta phải dùng những từ “tôi” và “của tôi” nhưng khi bạn dính mắc vào năm uẩn, bạn sẽ tạo ra đau khổ cho chính mình. Ở đâu có chấp thủ, ở đó chắc chắn có khổ đau, và chấp thủ càng lớn, khổ đau càng nhiều vậy.

Có bốn loại chấp thủ mà con người cứ mãi phát triển trong cuộc đời. Thứ nhất là chấp thủ vào những dục vọng, vào tham ái của mình (dục thủ). Bất cứ khi nào tham ái khởi lên trong tâm, nó được kèm theo bởi một cảm thọ vật lý (thuộc thân). Mặc dù ở mức sâu kín một cơn bão kích động đã bắt đầu, song ở mức bề ngoài bạn lại thích cái cảm thọ ấy và muốn nó cứ tiếp tục. Điều này có thể so sánh với việc gãi ngứa một vết thương, dù biết làm như vậy sẽ chỉ khiến nó ngứa hơn, tuy vậy bạn vẫn thích thú cái cảm giác của việc gãi ngứa ấy. Cũng vậy, ngay khi một dục vọng ấy cũng ra đi, và thế là bạn lại tạo ra một dục vọng mới để cho cảm thọ đó có thể được tiếp tục. Bạn trở nên nghiện tham ái và tăng trưởng thêm nỗi khốn khổ của bạn.

Loại chấp thủ khác là chấp thủ vào “tôi” của “toi”, không biết cái “tôi” ấy thực sự là gì (ngã chấp thủ). Bạn không thể chịu đựng nổi những lời chỉ trích về cái “tôi” của mình hoặc bất cứ sự tổn thương nào đến nó. Và sự chấp thủ này còn được mở rộng ra để bao gồm luôn cả những gì “thuộc về tôi” những gì “của tôi” nữa. Sự chấp thủ này hẳn sẽ không đem lại khổ đau nếu những gì là “của tôi” cứ tiếp tục trường cửu, và “tôi” cũng cứ vẫn còn để hưởng thụ nó đời đời, những quy luật của tự nhiên cho thấy rằng không sớm thì muộn cái này hay cái kia (của tôi) cũng phải diệt. Dính mắc vào những gì “vô thường” chắc chắn sẽ đem lại khổ đau.

Tương tự, bạn mở rộng sự chấp thủ đến những quan kiến và đức tin của mình, và không thể chịu đựng nổi những chỉ trích nào về chúng, hoặc ngay cả việc chấp nhận rằng người khác cũng có quyền có những quan kiến riêng của họ. Bạn không hiểu rằng mỗi người mang một cặp kính màu khác nhau. Chỉ cần bỏ kính ra, bạn có thể thấy thực tại đúng như nó là, không bị nhuốm màu, nhưng thay vào đó con người cứ vẫn chấp chặt vào màu của cặp kính mình mang, chấp chặt vào những định kiến và đức tin của mình.

Vẫn còn một chấp thủ khác là chấp vào những lễ nghi, giáo điều và những chấp hành mang tính tôn giáo của mình. Con người không hiểu rằng tất cả những thứ này chỉ là những hình thức phô diễn bên ngoài, rằng chúng không chứa đựng cốt tủy của sự thực, nếu một người được chỉ cách để trực tiếp kinh nghiệm sự thực trong chính bản thân, nhưng tiếp tục bám vào những hình thức rỗng không bên ngoài, sự chấp thủ này sẽ tạo ra một trò chơi kéo co (tug-of-war) trong một con người như vậy, và cuối cùng cũng chỉ đưa đến khổ đau mà thôi.

Tất cả những khổ đau của cuộc đời, nếu chiêm nghiệm kỹ, bạn sẽ thấy là chúng phát sinh từ một trong bốn loại thủ này. Đây là những gì Sĩ –đạt-đa Cồ Đàm đã tìm ra trong cuộc nghiên cứu chân lý của mình. Tuy nhiên, Ngài vẫn tiếp tục thẩm sát vào bên trong chính mình để khám phá ra nguyên nhân sâu xa nhất của khổ, để hiểu xem toàn bộ hiện tượng này vận hành như thế nào, để theo dấu nó đến tận căn nguyên nguồn gốc của nó.

Hiển nhiên những khốn khổ của cuộc đời như bệnh tật, tuổi già, sự chết, đau đớn về thể xác và tinh thần và những hậu quả tất yếu của sanh. Vậy thì, lý do gì khiến cho sanh có mặt? Dĩ nhiên, nguyên nhân gần nhất là sự giao hợp của cha mẹ, nhưng trên một viễn cảnh rộng lớn, sanh xảy ra do tiến trình trở thành bất tận (hữu) mà toàn thể vũ trụ có liên quan trong đó. Ngay cả vào lúc chết, tiến trình ấy cũng không dừng lại: thân vật lý vẫn tiếp tục hư hoại, phân rã, trong khi thức đã liên kết với một cấu trúc vật chất khác, và tiếp tục trôi chảy, tiếp tục trở thành (hiện hữu). Và vì sao có tiến trình sanh hữu hay trở thành này? Đức Phật đã thấy rõ rằng nguyên nhân của nó chính là sự chấp thủ mà con người phát triển. Do thủ mà con người tạo ra những phản ứng mãnh liệt, sankhãra (hành), khắc một ấn tượng sâu đậm trong tâm. Lúc cuối đời, một trong những ấn tượng này sẽ khởi lên trong tâm và cung cấp một lực đẩy cho dòng tâm thức được tiếp tục.

Bây giờ nguyên nhân của thủ này là gì? Ngài thấy rằng thủ sanh là do những phản ứng nhất thời của ưa và ghét hay thích và không thích. Thích sẽ phát triển thành tham ái mạnh mẽ và không thích thì thành sân hận cực độ, vốn cũng là hình ảnh phản chiếu của tham ái, và cả hai đều chuyển thành thủ. Và vì sao những phản ứng nhất thời của ưa và ghét này lại có mặt? Bất cứ ai quan sát chính mình cũng sẽ thấy rằng ưa-ghét nảy sanh do các cảm thọ của thân. Một khi thọ lạc khởi lên, con người thích nó, muốn giữ nó lại và làm cho nó tăng trưởng thêm. Khi một thọ khổ phát sinh, con người không ưa và muốn tống khứ nó đi. Vậy thì, sao lại có các cảm thọ này? Rõ ràng chúng khởi lên vì có sự tiếp xúc giữa một trong các giác quan và đối tượng của giác quan đặc biệt ấy – chẳng hạn như sự tiếp xúc của mắt với hình ảnh, của tai với âm thanh, của mũi với mùi, của lưỡi với vị, của thân với vật xúc chạm, của tâm với ý nghĩ hay sự tưởng tượng. Ngay khi có một sự tiếp xúc như vậy, một cảm thọ chắc chắn sẽ phát sanh, có thể là lạc, khổ, hoặc không lạc không khổ.

Và lý do có xúc này là gì? Hiển nhiên, toàn thể vũ trụ này đầy dẫy các đối tượng giác quan. Bao lâu sáu giác quan – năm giác quan hay năm căn vật lý, cùng với tâm – còn vận hành, chúng buộc phải gặp các đối tượng tương ứng của chúng. Tại sao các giác quan (căn) này có mặt? Rõ ràng chúng ta là những phần tử không thể tách rời được của dòng tâm và vật chất (danh –sắc); ngay khi sự sống bắt đầu chúng đã có mặt rồi vậy. Vì sao dòng sống hay dòng tâm (danh) và vật chất (sắc) xuất hiện? Do sự trôi chảy của tâm thức, từ sát na này đến sát na khác; từ đời này đến đời kế. Vì sao có dòng tâm thức này? Ngài (đức Phật) thấy rằng nó phát sanh do hành (sdankhãra) hay những phản ứng tâm lý. Mỗi phản ứng cung cấp một lực đẩy cho dòng tâm thức, dòng này cứ tiếp tục trôi chảy nhờ những thúc đẩy mà các phản ứng này tác động vào nó. Và vì sao các phản ứng (hành) này xảy ra? Ngài thấy rằng chúng nảy sanh do vô minh. Con người không biết những gì họ đang làm, không biết vì sao họ lại phản ứng, và do đó họ cứ tiếp tục tạo ra các hành (sankhãra). Bao lâu còn vô minh, chừng ấy khổ đau sẽ vẫn còn.

Như vậy, nguồn gốc của tiến trình khổ, nguyên nhân sâu xa nhất của khổ là vô minh. Từ vô minh khởi động một chuỗi các sự kiện qua đó con người tạo ra hàng núi đau khổ cho chúng mình. Nếu vô minh có thể được quét sạch, khổ đau cũng sẽ bị quét sạch.

Con người hoàn tất công việc như thế nào? Họ có thể bứt dứt sợi xích này ra sao? Dòng đời, hay dòng trôi chảy của danh và sắc, đã khởi động. Tự sát sẽ không giải quyết được vấn đề, vì làm thế chỉ tạo ra khổ đai mới. Con người cũng không thể hủy diệt các căn (giác quan) mà không hủy diệt chính mình. Bao lâu các căn còn tồn tại, xúc chắc chắn phải khởi lên với những đối tượng tương ứng của chúng, và bất cứ khi nào có xúc, thì thọ chắc chắc phải phát sinh trong thân.

Ngay đây, ở mắt xích cảm thọ này, bạn có thể bứt dứt chuỗi duyên sanh. Trước đây, mỗi cảm thọ làm phát sinh một phản ứng ưa hoặc ghét, ưa ghét ấy phát triển thành ái hoặc sân mãnh liệt, và đau khổ cũng lớn theo. Nhưng bây giờ, thay vì phản ứng với cảm thọ, bạn đang học cách chỉ quan sát một cách buông xả, hiểu rằng “thọ này cũng sẽ thay đổi (vô thường)”. Cho đến mức độ này, thọ chỉ làm phát sanh trí tuệ, phát sanh sự hiểu biết về tính chất vô thường (anicca) mà thôi. Bạn dừng lại việc quay bánh xe khổ đau và khởi sự quay nó theo hướng ngược lại, hướng về sự giải thoát.

Bất kỳ khoảnh khắc nào bạn không tạo tác một hành (sankhãra) mới, thì một trong những hành cũ sẽ khởi lên trên bề mặt của tâm, và cùng với nó một thọ sẽ khởi động trong thân. Nếu bạn giữ thái độ xả, nó sẽ diệt và một hành hay phản ứng cũ khác khởi lên thay chỗ của nó. Bạn tiếp tục duy trì xả đối với các cảm thọ vật lý này và các hành cũ cứ tiếp tục nối tiếp nhau sanh lên rồi diệt. Nếu do vô minh bạn phản ứng lại với các cảm thọ, lúc đó bạn đã làm tăng thêm các hành, và tất nhiên tăng thêm cả khổ đau của bạn. Nhưng nếu bạn phát triển trí tuệ và không phản ứng lại các cảm thọ, thì các hành cũng nối tiếp nhau bị tiêu diệt, và đau khổ cũng diệt theo.

Toàn bộ đạo lộ là cách để đi ra khỏi khổ đau. Nhờ thực hành, bạn sẽ thấy rằng bạn không còn thắt những gút thắt mới, và những gút thắt cũ cũng tự động mở ra. Dần dần bạn sẽ tiến tới giai đoạn ở đó tất cả các hành dẫn đến sự tái sanh mới, và sau đó cũng dẫn đến những khổ đau mới, đã bị quét sạch: giai đoạn giải thoát hoàn toàn, giác ngộ hoàn toàn.

Để khởi sự công việc, bạn không nhất thiết phải tin vào những kiếp quá khứ và những kiếp tương lai. Trong việc hành Minh-sát, hiện tại là quan trọng nhất. Ở đây, trong kiếp sống hiện tại, bạn vẫn cứ tạo tác các hành, vẫn cứ làm cho bản thân mình đau khổ, vì thế bạn phải bẻ gãy thói quen này và khởi sự đi ra khỏi khổ đau ngay ở đây và bây giờ.

Nếu bạn thực hành, chắc chắn một ngày kia sẽ đến, khi bạn có thể nói rằng bạn đã diệt sạch mọi hành cũ, đã dừng lại không còn tạo tác các hành mới, và vì thế đã tự mình giải thoát khỏi mọi khổ đau.

Để thành tựu mục tiêu này, bạn phải tự mình làm lấy. Do đó, hãy nỗ lực trong suốt năm ngày còn lại, đi ra khỏi khổ đau, và để thụ hưởng hạnh phúc của giải thoát.

Cầu mong tất cả các bạn hưởng được hạnh phúc chơn thực!

Cầu mong tất cả chúng sinh được an vui!

Ghi chú: Các đoạn kinh Pãli trích dẫn:

Jãti’ pi dukkhã; jarã’ pi dukkhã;

Vydãdhi’ pi dukkhã; maranam’ pi dukkham;

Appiyehi sampayogo dukkho;

Piyehi vippayogo dukkho;

Yam’ pi’iccham na labhati tam’ pi dukkham;

Sankhittena pãncupãdãnakhandhã dukkhã.

Dhamma-cakkappavattana Sutta.

Samyutta Nikãya, LVI (XII).II.I

Sanh là khổ; già là khổ;

Bệnh là khổ; chết là khổ

Gần kẻ không ưa là khổ

Xa người ưa thích là khổ.

Không được cái mình muốn là khổ;

Tóm lại, chấp thủ năm uẩn là khổ.

Aneka – jãti samsãram

Sandhã vissam anibbisam

Gahakãrakam gavesanto

Dukkhã jãti punappunam

Gahakãraka! Dithhosi

Puna geham nakãhasi.

Sabbã te phãsuka bhaggã,

Gahakũtam visankhitam

Visankhãra – gatam cittam

Tanhãnam khayamajjhagã.

Dhammapada XI. 8&9 (153 & 154)

Lang lang bao kiếp sống

Ta tìm nhưng chẳng gặp

Người xây dựng nhà này

Khổ thay, phải tái sanh.

Ôi! Người làm nhà kia

Nay ta đã thấy ngươi

Ngươi không làm nhà nữa

Đòn tay ngươi đã gãy

Kèo cột ngươi bị tan

Tâm ta đạt tịch diệt

Tham ái thảy tiêu vong.

Khĩnam purãnam navam natthi sambhavam.

Viratta citta ayãtike bhavasmim.

Te khĩna – bĩjã avirũlhi chandã

Nibbanti dhĩrã yathãyam padĩpo.

Ratana Sutta.

Nghiệp cũ đã tiêu mòn

Nghiệp mới không sanh khởi

Nhàm chán kiếp lai sanh

Bậc trí chứng Niết Bàn

Ví như ngọn đèn tắt.



[1]Ănãpãna-sati: awareness of respiration: niệm hơi thở hay sự nhận biết hơi thở.

1.Tâm ý thức – conscious mind, chỉ cái tâm mà chúng ta thường sử dụng trong đời sống hằng ngày để nhận biết mọi sự vật.

Tâm vô thức – uncouscious mind, chỉ phần tâm hoạt động ngầm bên trong (thuật ngữ Phật giáo là bhavanga – tâm hữu phần). Tất nhiên ở đây chỉ muốn nói đến cách sinh hoạt của tâm, chứ không hàm ý có hai loại tâm, vì kỳ thực tâm chỉ có một.

----o0o---

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]