KINH VÔ LƯỢNG THỌ
GIẢNG YẾU
Hán Văn:Khương Tăng Khải
Dịch và ghi chú:Hồng Nhơn
---o0o---
PHẦN GIẢNG KINH
(B -PHẦN CHÁNH TÔN)
(tiếp theo)
2-Bồ Tát vãng sanh
*Bồ Tát xứ
KINH VĂN:
Phật bảo: A Nan! Các Bồ Tát ở nước kia đều là những bậc một đời bổ xứ. Trừ những vị có bổn nguyện, vì chúng sanh đem đại nguyện công đức rộng lớn mà tự trang nghiêm, muốn độ thoát tất cả chúng sanh.
Này A Nan! Trong nước kia các hàng Thinh Văn, Bồ Tát ánh sáng chiếu trăm do tần. Có hai vị Bồ Tát cao nhất, oai năng ánh sáng chiếu thấu tam thiên đại thiên thế giới.
A Nan bạch Phật: Hai vị Bồ Tát ấy hiệu gì? Phật đáp: Một vị tên Quan Thế Âm, một vị tên Ðại Thế Chí. Hai vị Bồ Tát vốn ở cõi này, tu hạnh Bồ Tát, mạng chung chuyển hóa sanh về nước Phật kia.
Này A Nan! Có chúng sanh nào được sanh về nước kia đều có đủ ba mươi hai tướng tốt, trí huệ viên mãn, hiểu rõ các pháp, thấu chỗ nhiệm mầu, thần thông vô ngại, các căn nhạy bén. Người độn căn thành tựu được hai nhẫn, kẻ lợi căn được vô sanh pháp nhẫn. Lại nữa, các Bồ Tát kia từ tu đến khi thành Phật, không vào các nẻo ác, thần thông tự tại, thường biết túc mạng, ngoại trừ sanh trong đời dữ năm trược ở phương khác, phải thị hiện để đồng hóa như ở nước đó.
GIẢNG YẾU
Ðoạn này nói Bồ Tát và Thinh Văn cứu cánh sẽ được thành Phật. Hai vị Bồ Tát Quan Thế Âm và Ðại Thế Chí thường hầu Phật Vô Lượng Thọ, cũng từ cõi Ta Bà quốc độ của đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni mà đến. Nên biết hai cõi Ðông và Tây cùng nhau xây dựng. Cõi ta bà là hoa, cõi Cực Lạc là quả. Quả do nhân mà sanh và hoa cũng không khác quả. Vì chư Phật và Bồ Tát căn cứ vào Bồ Ðề mà thành tịnh độ. Nếu không có Uế thì không thành Tịnh, vì tâm Bồ Ðề không phải chính mình nó mà khởi ra, vì thế không lìa chúng sanh mà có tịnh độ. Tịnh độ, chúng sanh mỗi tâm là Phật, chúng sanh, tịnh độ mỗi niệm vãng sanh. Nên Ngài Quán Âm dạy: Nếu tụng trì thần chú đại bi, không được sanh về quốc độ chư Phật, ta thề không thành chánh giác. Ngài Ðại Thế Chí dạy: Người nhiếp tâm niệm Phật về cõi tịnh độ cùng với Phật Vô Lượng Thọ đồng một nguyện.
*Bồ Tát dạo đi cúng dường
KINH VĂN:
Phật bảo: A Nan! Bồ Tát ở nước kia,thừa oai lực của Phật ấy, trong khoảng bữa ăn,đến khắp vô lượng thế giới trong mười phương, cung kính cúng dường chư Phật Thế Tôn, tuỳ trong lòng nghĩ, muốn cúng hoa hương, âm nhạc, y, tràng phang…Vô số vô lượng đồ cúng dường tự nhiên hiện ra, nghĩ tới nó liền đến, ngon, đẹp đặc biệt, đồ ở đời không thể so sánh. Khi đem cúng tán chư Phật, Bồ Tát, Thinh Văn ở trên hư không biến thành lọng hoa, ánh sáng rực rỡ, hương thơm ngào ngạt, hoa ấy chu vi bốn trăm dặm, cứ như thế gấp bội, trùm khắp cõi tam thiên đại thiên thế giới. Tùy theo thứ lớp trước sau, lần lượt cúng dường xong rồi biến mất. Các vị Bồ Tát ấy lòng vô cùng vui vẻ. Trên giữa hư không , thiên nhạc cúng dừng , dùng lời vi diệu ca ngợi Phật đức. Người nghe tin nhận Kinh pháp, hoan hỷ vô cùng. Cúng dường chư Phật xong, trước giờ thọ thực liền nhẹ nhàng trở về nước mình thọ thực.
GIẢNG YẾU
Ðoạn này nói rõ Bồ Tát đem các đồ vật cúng dường mười phương chư Phật.
*Phật Vô Lượng Thọ thuyết pháp
KINH VĂN:
Phật bảo: A Nan! Phật Vô Lượng Thọ khi nói pháp, hàng Bồ Tát Thinh Văn Nhơn Thiên đều tập họp trong giảng đường bằng bảy báu, rộng nói giáo lý, mở bày pháp mầu, ai nấy nghe đều vui mừng, tâm hiểu, được chứng đạo quả. Lúc ấy ở bốn phương tự nhiên gió nổi dậy, thời cây thất bảo phát ra năm thứ tiếng, vôsố hoa mầu theo gió phân chia, tự nhiên cúng dường như thế không dứt. Tất cả chư thiên đều mang trăm ngàn hương hoa, muôn thức kỷ nhạc, cúng dường Phật và các chúng Bồ Tát, Thinh Văn. Tán khắp hương hoa, tấu các âm nhạc, thứ lớp trước sau, phân biệt rõ ràng, trong lúc ấy mọi người cảm thấy vô cùng vui vẻ không thể nói hết.
GIẢNG YẾU
Ðoạn này nói rõ Phật Vô Lượng Thọ vì chúng sanh mà thuyết pháp đã được giải thích rõ ràng trong 48 Ðại Nguyện. Có người hỏi rằng: Phật Vô Lượng Thọ nói pháp thuần nói về NhấtThừa hay nói cả tam thừa? Nếu nói Nhất Thừa chúng Thinh Văn làm sao nghe? Nếu nói cả Tam Thừa sao nói hàng Nhị Thừa không sanh về nước kia? Ðáp: Ngài nói thuần Nhất Thừa. Không chỉ ở giảng đường Thất Bảo nói thuần Nhất Thừa mà cho đến trong mỗi hoa sen, trong mỗi ánh sáng, tiếng gió, tiếng nước, các thứ âm nhạc cũng thuần nói Nhất Thừa. Như Kinh Pháp Hoa nói: Trong mười phương thế giới còn không có Nhị Thừa huống chi có đến Tam Thừa, Nhơn vì căn trí của chúng sanh có khác, chỗ nghe hiểu không đồng, chỗ chứng sai biệt, nên đoạn Kinh trước nói: Hoặc nghe tiếng Phật, nghe tiếng pháp, nghe tiếng tăng, tiếng tịch mịch, tiếng không , tiếng vô ngã, cho đến tiếng cam lồ quán đảnh. Tiếng âý khi được nghe hoặc chứng Tu Ðà Hoàn, hoặc chứng Tu Ðà Hàm, hoặc chứng Tu Ðà Hàm, hoặc chứng A Na Hàm, hoặc chứng A la hán cho đến Bất Thối Chuyển Bồ Tát. Ðây là muốn theo sự chứng Quả cõi này mà nói. Thật ra các quả vị ở cõi Phật Vô Lượng Thọ đều tiến đến thành Phật, không có Hữu Dư Y Niết Bàn, vì nhân dân cõi ấy hồi Tiểu hướng Ðại đúng theo bổn nguyện của Ðức Phật Vô Lượng Thọ
*Công đức của Bồ Tát
KINH VĂN:
Phật bảo: A Nan! Người sanh về cõi nước kia các vị Bồ Tát thường nói pháp mầu nhiệm, tuỳ theo trí huệ mỗi người mà diễn nói không trái không nhầm. Người nước ấy không có tâm ngã và ngã sở, đi lại tới lui không hề ràng buộc, tuỳ ý tự tại, không có chỗ nào không ưa thích, không người không ta, không tranh không cãi. Tất cả mọi người được tâm đại từ bi, giúp đỡ hữu tình, được tâm không hờn giận, nhu nhuyến điều phục, đượctâm không nhàm chán, lìa ngăn che được thanh tịnh, được thùthắng tâm và thâm tâm, định tâm, ái pháp, nhạo pháp, hỉ pháp tâm. Diệt hết phiền não, được tâm xa lìa nẻo ác. Ðầy đủ hạnh của các hạnh Bồ Tát, thành tựu vô lượng công đức. Ðặng sâu vào thiền định, các thông sáng tỏ, để lòng nơi bảy giác, lòng ở Phật pháp. Nhục nhãn sáng tỏ, thiên nhãn thông thấy vô lượng. Pháp nhãn quan sát thấy rõ các đạo. Huệ nhãn thấy thật tướng, có thể độ chúng sanh đến bờ kia. Phật nhãn đầy đủ biết rõpháp tánh, dùng trí vô ngại vì người nói pháp, cùng quán ba cõi đều không thể có, chí cầu Phật pháp, đủ các biện tài, trừ hết họa hoạn phiền não cho chúng sanh, sanh tử Như Lai, hiểu pháp vốn như – như, khéo biết phương tiện âm thanh tập, diệt, không ưa lời trần tục, thích nói lời chánh, tu các cội lành, chí sùng đạo Phật, biết các pháp đều tịch diệt, sanh thân vàphiền não hai bên đều dứt, nghe pháp mầu nhiệm, lòng chẳng lo sợ, thường tu hạnh đại bi cao xa mầu nhiệm đều trọn đủ, chỉ còn một thừa thẳng đến bờ kia. Dứt hết lưới nghi, huệ từ tâm sanh, ở giáo pháp Phật thấu triệt không sót, trí huệ như biển lớn, tam muội như Thái Sơn, ánh sáng trong lặng sáng hơn nhật nguyệt, các pháp trong sạch đầy đủ viên mãn, cũng như núi tuyết chiếu các công đức thảy đều thanh tịnh. Cũng như đất lớn chứa đủ giống tốt xấu, không hề thương ghét. Cũng như nước sạch rửa hết các thứ nhơ bẩn, cũng như núi lửa đốt cháy hết củi phiền não, cũng như gió lớn thổi quanh thế giới không có chướng ngại, cũng như hư không ở trong có vật không hề dính dáng, cũng như hoa sen ở trong thế gian không hề ô nhiễm, cũng như xe Ðại Thừa chở hết kẻ mê ra khỏi sanh tử, cũng như mây đen nổ sấm pháp giác ngộ người chưa biết, cũng như mưa to rưới pháp cam lồ thấm các chúng sanh, như núi kim cương tà ma ngoại đạo không thể lay động, như Phạm Thiên Vương có các pháp lành cao tột, như cây Ni câu loại bao trùm tất cả, như hoa Ưu đàm bát ít khi được gặp. Như chim Kim Xí có oai hàng phục ngoại đạo, như đàn chim bay không để dấu vết, như con trâu đầu đàn không con nào thắng nổi, cũng như chúa voi khéo sai sử các con khác, như chúa sư tử không sợ con vật nào khác.
Tâm các Ngài từ bi như hư không, dẹp trừ tâm oán hờn ganh ghét, giữ lòng an vui cầu pháp, tâm không nhàm mỏi, nói pháp liên tục, lòng không mỏi mệt. Ðánh trống pháp, lập trường pháp, chiếu mặt nhật trí huệ, trừ hết các điều si ám. Tu sáu pháp hòa kỉnh, thường làm việc bố thí, ý chí mạnh mẽ, tâm không hề lui sụt, làm đèn sáng như thế gian, tạo phước điền lớn, thường làm kẻ dẫn đường, bình đẳng không hề thương ghét, chỉ vui chánh đạo không ưa gìkhác. Nhổ các mầm dục, dễ an mọi người. Trí tuệ thù thắng, mọi người đều tôn sùng, dứt ba chướng nhơ, có các thần thông lực, nhơn lực, duyên lực, ý lực, nguyện lực, phương tiện lực, thường lực, thiện lực, định lực, huệ lực, đa văn lực, bố thí lực, trì giới lực, nhẫn nhục lực, tinh tấn lực, thiền định lực, trí huệ lực, giữ chánh niệm chỉ quán và các thông minh, điều phục các chúng sanh. Các lực như thế tất cả đều đầy đủ, thân sắc vàng đủ tướng tốt, công đức, biện tài đầy đủ trang nghiêm không ai sánh kịp.
Các Ngài cung kính cúng dường vô lượng chư Phật, thường được chư Phật cùng nhau khen ngợi, được rốt ráo đạo Bồ Tát vàcác ba la mật, tu tam muội không, vô tướng, vô nguyện, tu tam muội bất sanh bất diệt xa lìa các địa vị Thinh Văn, Duyên Giác.
A Nan! Các vị Bồ Tát ấy thành tựu vô lượng công đức như thế. Ta chỉ kể sơ lược cho ông nghe, nếu nói rõ thì nói đến trăm ngàn muôn kiếp cũng không hết.
GIẢNG YẾU
Ðoạn này nói chung về chỗ Hạnh nghiệp của Bồ Tát. Nguyện lực như thế, công đức như thế, trí huệ như thế, thần thông như thế, nhưng không lìa chư Phật, độ khắp quần sanh vì muốn nghiêm tịnh tất cả cõi Phật, vì muốn thành tựu Phổ Hiền Ðại Nguyện. Các Bồ Tát này đều ở địa vị Thập Ðịa một đời bổ xứ làm Phật. Chúng sanh ở cõi đời năm trượcnày tên còn không được nghe huốn là được gặp, nay nhờ nhơn duyên Niệm Phật, sanh về nước kia rồi, thân kiến tất cả tri thức, Bồ Tát là bạn bè, được gần pháp vương, không cần trải qua bảy A Tăng Kỳ Kiếp, thẳng lên bậc Bất Thối. Phương tiện như thế thật ít có, khó gặp, dù kết cỏ ngậm vành cũng khó đền ơn lớn.
Tịnh Ðộ của chư Phật có bốn độ, người vãng sanh ở cõi tịnh độ nào?
Ngẫu Ích đại sư dạy: Người chấp trì danh hiệu chưa đoạn được kiến hoặc vàtư hoặc tuỳ theo Tán Niệm hoặc Ðịnh Niệm đều ở Ðồng Cư Tịnh Ðộ, phân ra 3 bối, 9 phẩm. Nếu trì sự Nhất Tâm Bất Loạn, Kiến hoặc và Tư hoặc vừa mới hàng phục thì sanh về Phương Tiện Hữu Dư Tịnh Ðộ. Nếu Trì Lý Nhất Tâm Bất Loạn, bỗng nhiên phá từ 1 đến 49 phẩm vô minh, được sanh về Thường Tịch Quang Tịnh Ðộ. Ðó là ước về Quả Vị mà luận, thật ra người vãng sanh về Cực Lạc là ở Ðồng Cư Tịnh Ðộ, ở đây vẫn có đủ ba độ trên, do thắng nguyện của Phật Vô Lượng Thọ nhiếp hóa. Vì Phật Vô Lượng Thọ có thắng nguyện về quốc độ nghiêm tịnh, nên cõi Ðồng Cư ở Cực Lạc vượt xa hẳn các cõi Ðồng Cư tịnh độ của chư Phật trong mười phương.
3-Cảnh giới Ưa và Chán
*Khuyến tấn vãng sanh
KINH VĂN:
Phật bảo Di Lặc Bồ Tát: Ở nước Phật Vô Lượng Thọ, công đức và đạo lực của chư nhơn thiên, Thinh Văn, Bồ Tát không thể nói hết. Lại trong quốc độ ấy thanh tịnh an lạc vi diệu như thế, do đó ý nghĩ luôn luôn tự nhiên ở nơi đạo và việc thiện, người đến cõi ấy an lạc thực không ngằn mé, tại sao chúng ta không siêng năng tinh tấn, gắng sức tự cầu chắc được thoát khỏi tam giới vãng sanh về nước An Lạc. Người dù đã gieo trồng năm đường dữ màcó ý cầu sanh thì đường dữ tự nhiên đóng cửa, tiến đạo không cùng. Cõi ấy rất dễ đến mà không người chịu đến, cõi ấy không có người ác nghịch, bị nghiệp trói buộc, tại sao chúng ta không bỏ việc đời, chuyên cầu đạo đức, chắc được trường sanh, sống lâu vui vẻ không cùng tột.
Người đời bị thế tục trói buộc, cùng nhau tranh đua, tự mình đeo lấy những điều cực khổ, vất vả cùng cực để tự nuôi thân. Tất cả những kẻ thế gian dùsang hèn, giàu nghèo, lớn nhỏ, nam nữ đều tham tiền của. Nếu của đãcó rồi thì thêm việc kinh dinh sầu khổ, nhớ nghĩ chứa đầy, theo tâm sai khiến không có giờ yên. Có nhà lo nhà, có đất lo đất, ngựa trâu, gia súc, tôi tớ, tiền của, áo cơm các vật đều phải lo nghĩ, nhớ mãi không dứt, lo lắng sợ sệt. Gần thì lo nước lửa thiêu hủy, trộm cắp oan gia, trái chủ đốt thiêu, cướp đoạt tiêu mất, dần mòn tiêu tan, lo sợ đêm ngày không lúc nào khỏi. Ðến già sắp chết, vẫn chưa khỏi lo buồn, hết lòng quyết ý cố giữ không bao giờ chịu bỏ. Ðến khi thần tan mạng mất,phải bỏ hết lại cho đời có đem theo được gì đâu?
Người tôn quý giàu có đều có lo riêng, sợ sệt lo lắng, đau khổ vô cùng. Cùng chịu nóng lạnh, vẫn phải khổ đau, lúc nghèo khó không có ruộng lo muốn có ruộng, không nhà cũng lo muốn có nhà, không trâu ngựa, lục súc, nô tì, tiền tài, y phục, các vật đều lo muốn cho có. Nhưng vừa có một lại thiếu một, có đó thiếu đó, mong cho bằng trước, vừa muốn có đủ nó liền tiêu tan, sầu lo như thế nó cứ tiếp nối theo, không bao giờ được toại ý, dùcố gắng nhớ lo cũng thựcvô ích, thân tâm đều mệt mỏi, ngồi đứng không an, lo nghĩ nối theo, khổ sở như thế. Người đời luôn kết chuyện đau buồn, suốt đời không chịu làm lành, lo đường đạo đức, đến khi lâm chung đường trước mù tịt không biết về đâu!
Thế gian trong đạo cha mẹ, anh em, vợ chồng và các thân thuộc trong ngoài, cần phải kính yêu, đừng sanh lòng hờn ghét, nếu có điều không toại ý không nên ôm lòng hờn giận. Ðời nay sanh lòng hờn giận ganh ghét, đời sau chuyển thành oan gia. Vì sao? Việc của thế gian là những tai họa, tuy không theo kịp cũng gắng hòa giải. Ngậm độc, lòng hờn, tinh thần uất hận, suốt đời căm giận, không phút nào rời, nếu gặp oan gia liền ra tay trả thù.
Người ở thế gian, trong vòng ái dục, lăn xả bán giữ, lúc khổ lúc vui, khi ở khi đi dùphải sống chết không hề buông bỏ, tự trói buộc mình không ai thay thế, lành dữ biến hóa, tai họa lạ lung, những chỗ hiểm nguy chui đầu vào mãi! Khi vô thường đến, nhìn lại còn ai? Chỉ còn nghiệp thiện ác theo mình, mịt mịt mờ mờ xa lìa dương thế, luân hồi sáu đạo, muôn kiếp xuống lên bao giờ thoát được! Hôm nay biết rõ cảnh khổ, sao không dẹp bỏ các duyên, khi sức còn khỏe nổ lực tiến tu, tinh tấn nguyện thoát ta bà nguyện sanh Cực Lạc. Sao không gấp cầu đạo, còn chần chờ ham thú vui gì?
Hầu hết trong thế gian không tin: làm lành được lành, tin người chết còn sanh, ban ơn được phúc, những việc lành dữ không hề tin tưởng. Ðó là những người không có suy xét, chỉ cần để ý những việc trước mắt hằng ngày cũng đủ thấy rõ ràng, trước sau cũng đều lần lượt nhận chịu. Như cha mẹ ông bà không làm việc lành, không biết đạo đức, sanh ra con cháu thân ngu thần tối, tâm mê, ý đóng, nẻo khổ sanh tử, con đường lành dữ, tự mình không hiểu, không biết lỗi lầm, tốt xấu họa phước, giành giựt quyết làm không chút sợ sệt. Cho sanh tử là việc thường, tiếp nối nhận chịu. Hoặc cha khóc con, hoặc con khóc cha, anh em chồng vợ luân phiên khóc nhau, điên đảo nhiều đời vướng vòng vô thường, không mong thoát khỏi. Có người dạy đạo giải thoát, tin theo rất ít. Vì thế, trôi lăn sanh tử không có ngày thôi.
Những người như thế, không tin Kinh pháp, lòng chẳng lo xa, ưa làm điều khoái lạc, đắm chìm trong ái dục, không chịu theo đạo đức, đắm chìm trong giận hờn, tham mê theo tiền của sắc đẹp, không theo đạo giải thoát, cứ theo đường khổ sinh tử, luânchuyển không cùng thật đáng thương thay! Hoặc ở trong nhà có cha mẹ, an hem, vợ con bị chết, người sống đau khổ sầu thương, ơn nghĩa nhớ tiếc, sầu lo trói buộc, tâm ý đau xót, luyến mến không cùng, suốt ngày suốt năm nhớ thương khó lòng cổi mở. Biết cõiđời này vốn vô thường mong manh, nhưng chỉ vài ngày sau rồi quên mất. Có người dạy lời đạo đức không chịu nghe theo, mãi đắm mêtình dục, chìm đắm chỗ tối tăm, không lòng suy cùng nghĩ cạn. Nếu giữ tâm mình thanh tịnh, chuyên tinh hành đạo, quyết dứt duyên đời, đến khi mạng chung chắc sẽ được đạo. Người đời tham mêái dục, mê hoặc thì nhiều, giác thì ít, thế gian mờ mịt, số ấy rất nhiều không thể đếm hết. Có người không kể tôn ti, không phân giàu nghèo sang hèn, quyết lòng giết hại, ác khí ngập trời, trái nghịch cha mẹ, không kể người khác, không việc ác nào không làm, mang nhiều trọng tội. Khi báo thân mãn sanh vào ác đạo, nhiều kiếp chịu khổ, lăn lộn trong địa ngục, trải qua ngàn muôn ức kiếp không có ngày ra, đau khổ không thể nói hết thực đáng thương thay!
Phật bảo: Này Di Lặc Bồ Tát và các chư thiên nhơn dân! Những việc thế gian nhiều người nghi lầm nên không được đạo, cần phải suy nghĩ chín chắn, xa lìa các điều ác, chọn các việc lành, siêng năng gắng làm. Những việc ái dục sung sướng không giữ được lâu, cần phải xa lìa, nó chỉ có khổ mà không có vui. Nay gặp chánh pháp phải siêng năng tinh tấn, dốc hết tâm ý sanh về Cực Lạc. Về cõi nước ấy rồi, liền được trí huệ rõ suốt, công đức thù thắng, tùy theo tâm mình muốn đều được, muốn hiểu Kinh luật có chỗ gì nghi, đến trước mặt Phật, Ngài liền giải nói.
Ngài Di Lặc Bồ Tát quỳ xuống bạch Phật rằng: bạch Thế Tôn! Oai thần của Phật cao vòi vọi, lời nói làm vui đẹp lòng người, nghe lời Phật dạy, hết lòng suy nghĩ, đúng là chơn lý thế gian. Như lời Phật dạy, hôm nay Ngài sẽ chỉ bày con đường lớn, làm cho mọi người tai mắt mở tỏ, mau được độ thoát, ai nghe được lời Phật đều rất hoan hỷ, chư thiên nhơn dân, các loại bò bay máy cựa đều nhờ ơn lành của Phật mà được xa lìa lo khổ. Lời Phật dạy bảo mầu nhiệm cao tột, trí huệ sáng rỡ, mỗi vật trong tám phương, trên dưới, qua lại, tới lui đều thấy rõ ràng. Hôm nay chúng con muốn được độ thoát nên đến trước Phật cầu mong mở đường dạy bảo, thoát được khổ luân. Ân Phật trùm khắp mười cõi, phước lộc nguy nguy, ánh sáng rõ ràng soi thấu trùm khắp hư không , mở nẻo Niết Bàn, truyền trao Kinh sách, cảm động chúng sanh mười phương không thể kể xiết. Phật là vua pháp cao hơn các thánh, khắp vì tất cả sanh trời người làm bậc đạo sư, theo tâm niệm mọi người thuyết pháp độ sanh, làm tất cả đều được đạo quả. Nay chúng con được gặp Phật, được nghe giới thiệu Phật Vô Lượng Thọ, lòng mọi người đều hoan hỉ vui mừng, mong Phật từ bi chỉ dạy.
Phật bảo: Này Di Lặc! Ông nói rất đúng. Nếu có chúng sanh nào chí thành cung kính Phật Vô Lượng Thọ, đó là người có căn lành lớn, không còn bao lâu nữa sẽ được gặp Phật. Ta nay ở trong đời này diễn nói Kinh pháp, lưu bố đạo pháp, cắt hết các nghi, nhổ hết cội gốc ái dục, bỏ nguồn cội ác, vào trong ba cõi, diệt hết những câu nệ, dùng trí tuệ cứu kính, giữ giềng mối, phân tích rõ ràng, khai thị cho chúng sanh ở năm đường, những người đã độ và những người chưa được độ quyết thoát ra khỏi sinh tử luân hồi.
Di Lặc nên biết! Ông từ vô số kiếp đến nay, tu hạnh Bồ Tát, muốn độ tất cả chúng sanh, thời gian lâu xa ấy, từ ông đắc đạo đến vào Niết Bàn. Ông và chư thiên nhơn dân trong mười phương, tất cả tu chứng nhiều kiếp không thể ghi bằng số, đến nay đã lăn lộn trong năm đường, lo sợ khôn cùng không thể nói hết, cho đến đời nay sanh tử chưa dứt,theo Phật gieo trồng giống lành nghe nhận Kinh pháp mà được nghe Vô Lượng Thọ Phật là một điều mừng hy hữu, ta sẽ giúp ông được tròn vẹn niềm tin ấy.
Ông nay cũng nên sanh lòng nhàm chán, tự thấy khổ của Sanh Già Bệnh Chết, những Ðường Dữ Ðều Bất Tịnh không có chút nào vui. Ông nên tự mình quyết định, sửa mình ngay ngắn, làm nhiều các việc thiện, tu sửa cho tâm thể mình thanh tịnh, rửa sạch tâm nhơ, lời nói việc làm trung tính chân thật, tướng mạo đoan trang, tự độ mình và giúp đỡ cho người, dốc lòng thực hành ý nguyện, chứa nhóm căn lành, tuy một đời chịu khó trong chốc lát mà đời sau được sanh về nước Phật Vô Lượng Thọ, an vui không thể kể xiết, được nghe pháp mầu, nhổ sạch gốc rễ sanh tử, không còn lo sợ tai họa tham luyến ngu si nữa. Muốn được sống lâu một kiếp, trăm kiếp, ngàn muôn ức kiếp tự tại tùy ý, không cần dụng công mà chứng được quả vị thanh tịnh Niết Bàn không chi bằng nguyện sanh về nước Phật Vô Lượng Thọ.
Các ông cần phải tinh tấn, làm theo tâm nguyện của mình, không được hối tiếc, mê lầm, nghi kỵ. Nghi kỵ là tự mình chuốc lấy lỗi lầm, người nghi kỵ bị sanh về chỗ biên địa của bảy báu cung điện, chịu các khổ não hơn năm trăm.
Di Lặc bạch Phật: Chúng con nhận lời Phật dạy, sẽ chuyên tâm tu học, đúng theo lời dạy vâng làm không dám có chút nghi kỵ.
GIẢNG YẾU
Ðoạn này nói người đời bị nhơn duyên dục vọng trói buộc chịu khổ vô lượng. Vì muốn hành giả sanh tâm nhàm chán, xa lìa, mau tìm phương thoát khổ nên Phật chỉ rõ. Như Kinh Ðại Niết Bàn nói: Các Ðại Bồ Tát quán các chúng sanh bị vây khốn bởi sắc thanh hương vị xúc nên từ vô lượng vô số kiếp thường chịu khổ não. Mỗi một chúng sanh trong một kiếp thân thể chồng chất nhiều như núi Tì Phu La ở thành Vương Xá, thân mạng tan rã máu nhiều hơn nước biển, nước mắt cha mẹ vợ con quyến thuộc khóc cho người lâm chung còn nhiều hơn nước bốn bể, gom hết cỏ cây trên trái đất để so sánh với số cha mẹ thọ sanh cũng không thể hết. Từ vô lượng kiếp đến nay hoặc ở địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh nhận chịu khổ não không thể kể xiết. Bóp tan đại địa thành số vi trần tính còn dễ hết, sanh tử tiếp nối thực vô cùng. Nguyên do tự chúng sanh không chịu một lòng niệm Phật, cầu sanh về quốc độ không có tham dục, rồi cứ từ mê vào mê, càng chạy càng đi xuống. Ðức Như Lai vì lòng từ bi vô lượng nói ra Kinh này dạy người dứt nhơn duyên tham dục, một lòng niệm Phật, thẳng tới tây phương, vượt ngang khỏi ba cõi.
Tất cả người đời lấy tham dục làm thú vui, không biết đó là nhơn khổ, người có trí xét đó chỉ có khổ màkhông có vui. Vì sao? Vì lấy cái Có làm vui, cái Có tan thành Không trở về quả khổ. Họ đâu biết rằng Có là nhơn của Không, mọi vật do hoà hợp thành rồi tan biến về Không. Nếu hội họp là vui thì chia lìa là khổ. Họ không biết hội họp là cái nhơn của ly tan. Vì cho sống là vui nên chết là khổ. Họ đâu biết sống là cái nhơn của chết. Nên biết không Có tức là Không , được là không mất, không tụ thì không tán, không sanh tức không diệt, gọi là Cực Lạc cũng gọi là Tịnh Ðộ. Ở đây trong hai pháp chấp chơn chấp vọng chỗ nào đến chỗ nào đi! Người tu Tịnh Ðộ cần phải tự quyết, đừng có gây nhơn, một khi mất thân này rồi muôn kiếp khó gặp lại.
*Năm Ác và Năm Thiện
KINH VĂN:
Phật bảo: Di Lặc! Các ông có thể sẽ ở trong đời này, tâm ngay ý chánh, không làm việc ác, sẽ có đức rất lớn, các Bồ Tát ở thế giới mười phương không thể so sánh. Vì sao? Vì quốc độ của chư Phật khác, những hàng trời người tự nhiên làm lành, không tạo đại ác, dễ dàng có thể khai hóa. Ta này làm Phật trong đời này, ở chỗ năm ác, năm thống, năm thiêu, hoàn cảnh này vô cùn khó khăn để giáo hóa chúng sanh, nhưng ta quyết giáo hóa chúng sanh đời nay, bỏ năm ác, diệt năm thống, lìa năm thiêu, đồng thời giữ năm thiện, được phước đức lớn, độ đời độ mình được sống trong cảnh giới tịch mịch Niết Bàn.
Phật dạy: Thế nào là năm ác? Thế nào là năm thống? Thế nào là năm thiêu? Muốn làm tiêu năm món ác phải giữ năm điều lành, đuợc phước đức lành làm cho chúng sanh trong cõi đời được quả Niết Bàn.
*Ðiều ác thứ nhất :Tất cả chư thiên nhơn dân các loại tạo các ác nghiệp đều khác nhau. Người mạnh hiếp yếu, tranh đấu giành thắng, giết hại lẫn nhau, ăn thịt vật yếu, không hề xót thương. Làm những việc ác nghịch vô đạo, sau đó phải chịu tai ương, theo nghiệp đi tới, làm cho tâm hồn từ chỗ sáng suốt bị phạm tội ác trở nên tối tăm, thọ sanh vào chỗ bần hạ tiện, ăn xin, cô độc, đui điếc, ngọng liệu, ngu si, xấu xa, không có quyến thuộc. Những người có được giàu sang tôn quí tài cao thông minh đều do đời trước làm việc hiếu thảo từ thiện, làm lành chứa đức mà ra.
Thường thường ở đời luật vua phép nước , lao ngục sẵn sàng giam giữ người làm ác, nhận chịu hình phạt, muốn tìm đường trốn cũng khó ra khỏi. Việc trước mắt thế gian còn như thế. Người làm dữ khi mất, đời sau sẽ căn cứ vào nghiệp làm đời trước mà vào chỗ u tối, chuyển sanh thọ thân, cũng như bị luật vua phải chịu nhiều cực hình thống khổ. Dĩ nhiên thọ nghiệp lúc lác phải đọa vào ba đường dữ, vô lượng khổ não trói buộc bên mình, thay hình đổi dạng, nhân mạng dài ngắn, thần hồn tự nhiên theo đường tạo nghiệp mà thẳng tới thọ sanh, cùng nhau trả vay không bao giờ dứt. Tai ác trả chưa dứt không thể xa lìa, lặn lội xuống lên trong ấy khó bề ra khỏi, không thể nào giải thoát, khổ không thể nào kể xiết.
Người sống trong trời đất, nhân quả báo ứng làviệc tự nhiên, tuy làm ác chưa nhận quả báo nhưng sớm muộn rồi cũng đến. Con đường thiện ác như bóng theo hình. Người tạo ác nghiệp chắc chắn bị đau khổ thiêu đốt bản thân. Do đó mọi người nên quyết tâm dứt bỏ, đoan thân chánh hạnh, làm các điều lành, bỏ các điều dữ, tự mình thoát khỏi khổ, còn được phước đức độ trời người và đạoNiết Bàn, đó là điều lành lớn.
*Ðiều ác thứ hai: là những người trong đời, cha mẹ anh em, nhà cửa, vợ con đều không có nghĩa lý. Nhưng lại không thuận theo pháp, sanh lòng tham đắm, buông lung, đều muốn vừa ý, quyết được thỏa lòng, nên thường dối trá, lòng miệng khác nhau. Từ ý niệm không thật nên lòng đã chẳng trung, nói dối, dèm xiểm, ghét người hiền, chê kẻ làm lành, gây nhiều tai họa. Làm chúa không minh bạch trong việc sai sử quần thần. Quần thần dối trá nhiều thứ, thừa nước đục thả câu, ở địa vị không ngay thẳng, để người khác chêbai, hại kẻ trung lương, không hợp lòng dân. Tôi dối chúa, anh em vợ chồng bè bạn thân nhân lừa dối nhau. Lòng luôn luôn nghĩ đến sân hận, tham dục ngu mê. Muốn mình thêm giàu, lòng tham dục càng nhiều, không biết tôn ti thượng hạ, hại nhà mất mạng, không ngó trước sau, thân thuộc nội ngoại, tiêu diệt dòng họ. Hoặc những người quen thuộc trong xóm, tôi tớ gia nhân giúp việc cho mình, cũng muốn giết hại, vì lòng giận hờn mà thành oan gia. Những người giàu thì bỏ xẻn không bố thí một ai, tham chứa thật nhiều, càng tham mê tâm càng nhọc, thân càng thêm khổ, rốt cuộc không có chỗ nương nhờ, qua lại một mình không ai giúp đỡ. Tội ác họa phước biến thành nghiệp theo mình, hoặc vào chỗ vui, hoặc vào hầm dữ. Giờ không tạo nghiệp tốt để sau ăn năn không kịp.
Những người ở đời lòng ngu ít trí, chê ghét việc lành, không thèm ưa mến, chỉ muốn làm ác, tạo việc phi pháp, thường có lòng trộm cắp, mong cướp lợi kẻ khác, quyết lấy hết của người mới nghe, tâm tà không dối, tham mê sắc đẹp, không biết tính toán, đến khi mang họa mới cảm thấy hối hận thì việc đãmuộn. Người phạm pháp hiện có phép vua, lao ngục, tùy tội nặng nhẹ, giam cầm trị phạt. Người đời trước không tin đạo đức, không tu cội lành, nay lại làm ác, thiện thần ghi chép vào trong sổ, mạng chung thần thức vào thẳng đường dữ, nơi ba nẻo, chịu vô lượng khổ, lăn lộn trong ấy trải qua nhiều kiếp không hề ra khỏi, khó được giải thoát, khổ không thể kể xiết.
Ðó là hai đại ác, hai đại khổ, hai đại thiêu, chịu khổ như lửadữ đốt cháy ngoài thân người. Vì thế, mỗi người cần phải ngăn ngừa, ý thức, thân ngay hạnh chánh, làm các điều thiện, bỏ các việc ác, tự độ lấy mình tạo nhiều phước đức, độ cho mọi người theo đạo Niết Bàn. Ðó là việc đại thiện thứ hai.
*Ðiều ác thứ ba: làmọi người ở trong trời đất, không biết mình sống lâu hay chết yểu vì nghiệp thiện ác làm ra. Người bậc thượng là người có tạo phước, họ là những bậc hiền, trí thức, trưởng giả, giàu sang. Người bậc hạ là những người tạo ác nghiệp, họ là những kẻ nghèo khổ, hạ tiện, tật bệnh, ngu muội. Người bậc trung là những người bất thiện, họ thường giữ tà kiến, chỉ nhớ dâm dật, phiền não đầy hông, ái dục lộn xộn, lòng tham tiếc giữ, chỉ mong có được, làm việc tà ngụy, nhàm chán vợ nhà, làm nhơ bậy bạ, tổn hại việc nhà, làm điều phi pháp, giao kết kẻ ác, đánh giết lẫn nhau, ép bức vô đạo, lòng ác lẫy lừng không chịu tu theo đạo nghiệp, trộm cướp giành dựt, nuôi dường lòng ác, không tự sửa mình. Trộm cướp dù có được, lòng luôn lo sợ, đem tiền về cho vợ con, tưởng rằng thích chí, muốn được lòng người phải cam chịu khó. Hoặc vì thân thuộc, không kể thấp cao, tội ác đáo đầu, một mình lãnh đủ. Có khi vượt qua phép nước, làm các điều ác, lọc lừa trốn tránh, họ đâu biết rằng: đến khi lâm chung, người quỉ đều hay, nhật nguyệt chứng minh, thánh thần đều biết rõ. Vì thế, người làm ác phải chịu khổ não trong ba đường, lên xuốn đời nay sang đời khác, không thể nào ra khỏi, chịu khổ khôn cùng khó được giải thoát. Ðó là ba ác, ba khổ và ba thiêu. Những khổ như thế không khác lửa lớn đốt mình. Mọi người nên một lòng ngăn giữ đừng cho ý tạo ác, thân ngay hạnh chánh, quyết làm các việc lành, bỏ các điều ác. Tự mình được độ thoát, có đủ phước đức độ khắp cả thế gian vào đạo Niết Bàn. Ðó là điều lành thứ ba.
*Ðiều ác thứ tư: là người trong cõi đời, không nghĩ tu thiện theo lời dạy lành, lại thường làm điều ác, nói hai lưỡi, nói lời hung ác, nói thêu dệt, nói dối, gây nên việc tranh đấu, ghen ghét người hiền, bại hoại lòng người để tự mình vui, không hiếu cha mẹ, khinh mạn thầy tổ, không tin bằng hữu, không lòng thành thật. Tự cho mình cao cả tôn quí, nói đã có đạo, cậy thế hoành hành, làm hại người đời không thể tự biết, làm ác không thôi. Tự cho mình là mạnh mẽ, muốn người cung kính, không sợ trời đất quỷ thần, không làm chút lành không hề hối cải, tự mình ngụy biện nói đó là việc thường, không phải lo sợ, lòng thường kiêu mạn, làm những điều ác như thế trời thần đều hay biết. Người ấy vì đời trước có tạo phước đức, hoặc có làm những việc lành nhỏ, giúp đỡ nhờ đó mà được sự hổ trợ trong đời này. Ðời này làm ác, phước đức mòn hết, các thiện thần sẽ xa lìa, một mình chịu đựng không chỗ nương nhờ. Khi mạng sống hết, các ác đãlàm tạo thành nghiệp báo, hiển hiện rõ ràng, theo nó dẫn vào đường tội báo, tự nhiên nhận chịu không thể xa lìa, thân tâm bị đốt cháy, tinh thần thống khổ, đến lúc ấy rồi ăn năn sao kịp. Nhơn vàquả rành rõ không bao giờ sai . Do đó người tạo nghiệp tam đồ tự nhiên vào đó chịu khổ vô lượng, lăn lốc xuống lên không thể nói hết. Ðó là bốn ác, bốn khổ và bốn thiêu. Sựđau khổ này như núi lửa thiêu đốt thân người. Nếu người biết khổ phải một lòng ngăn ý nghiệp, thân đoan hạnh chánh, làm các điều lành, bỏ các điều dữ, tự mình độ thoát, có đủ phước đức độ trời người vào đạo Niết Bàn. Ðó là điều lành thứ tư.
*Ðiều Ác thứ Năm: là người trong thế gian, lười biếng trễ nải, không làm việc lành, sửa mình, tu thiện nghiệp, cha mẹ dạy bảo, vợ con khuyên dứt, quyến thuộc cản ngăn, vẫn một lòng sân hận, lời nói bất hòa, lòng mong phản nghịch, giận hờn dễ gây nhiều oan nghiệp, phụ ơn trái nghĩa, không lòng hiếu thuận, nghèo hèn khốn thiếu không lo làm ăn, tính toán chiếm đoạt, buông lung vui chơi, có được tiền của uống rượu mê sắc, ăn uốn vô độ buông lòng thỏa thích, không hiểu người khác, muốn họ theo mình, thấy người làm lành sanh lòng ghanh ghét, không biết lễ nghĩa, không cần dư luận, có chút chức quyền, không hề giúp đỡ bà con quyến thuộc gặp phải tai nạn cũng không cần nhớ tới. Ơn sâu cha mẹ không chút báo đền, tình nghĩa thầy trò cũng không ngó tới. Lòng tính nghĩ việc ác, miệng thường nói lời ác, thân thường làm ác, không hề làm được chút lành, không tin Kinh pháp của tiên thánh, chư Phật, không tin làm đạo có thể xây hạnh phúc con người, không tin sau khi chết thần thức luân chuyển theo nghiệp. Không tin làm lành gặp lành làm dữ. Muốn giết thánh hiền, phá hại chúng tăng, hại cha mẹ an hem, ghen ghét lục thân quyến thuộc. Người như thế là những kẻ mê mờ, cho mình có trí, lại không biết sanh từ đâu đến, chết rồi về đâu. Không có lòng nhơn, không có hiếu thuận, nghịch ác trời đất mà lại muốn cầu an để sống lâu, không có lý đó. Họ sẽ chết sớm, khi sắp chết sợ sệt run rẩy, đợi đến khi cùng ăn năn sao kịp. Lúc bình thời, Phật dạy bảo một lòng nghĩ đến việc lành, mở đường thoát sanh tử không có lòng tin, Phật đã hết sức khuyênrăn trở thành vô ích.
Trong trời đất việc thiện ác rõràng, báo ứng họa phúc hiện tiền, tự gieo nhơn nào sẽ gặp quả ấy không ai thay thế được. Ðó là lẽ tự nhiên, những việc mình làm tạo thành chủng tử nghiệp, họa phước theo mình không thể bỏ được. Người tốt làm lành từ chỗ an vui đi vào an vui, từ chỗ sáng vào chỗ sáng. Người dữ làm ác là từ chỗ khổ vào chỗ khổ, từ tối vào tối. Phật thấy điều ấy, khuyên bảo các vị. Người không tin nhơn quả sanh tử sẽ không dứt, đường dữ tiếp nối, người theo nghiệp ác tự nhiên có sẵn ba đường ác, chịu vô số khổ não, lần lượt nhận lấy báo thân, nhiều kiếp nhiều đời không có ngày ra, khổ không thể kể xiết. Ðó là năm ác, năm thiêu, năm thống. Nó là lửa lớn đốt cháy toàn thân. Nếu người ở trong chỗ khổ đó một lòng ngăn ý nghiệp, đoan thân chánh niệm, lời nói việc làm hợp nhau, lòng thật chí thành, lời nói đúng lý, lòng miệng không khác, làm các điều lành, bỏ các điều dữ, tự mình độ thoát, được nhiều phúc đức độ hết người trời theo đạo Niết Bàn. Ðó là điều lành lớn thứ năm.
GIẢNG YẾU
Thiện ác báo ứng như bóng theo hình nên trong Quán Kinh chủ yếu dạy người tin sâu nhơn quả. Thế gian nhiều người không tin nhơn quả nghĩ lầm rằng: trồng lúa được gạo, trồng Lan có hương, họ đâu biết rằng phàm làm việc gì phải định giá trị nó bằng kết quả mới phân định được thiện ác. Như một bác sĩ phải đánh bịnh nhân để giành lại mạng sống cho anh ta, thoáng nhìn hành động dường như tàn ác nhưng kết quả là thiện, việc thiện ác trong Phật giáo được đánh giá trên kết quả. Vì thế, Niệm Phật là Nhơn sẽ có kết Quả Phật. Nghĩa của Năm Ác ở Kinh này gồm Mười Ðiều Ác ở các Kinh khác là Sát Sanh, Trộm Cắp, Tà Dâm, Nói Dối, Nói Thêu Dệt, Nói Lưỡi Ðôi Chiều, Nói Lời Hung Ác, Tham Lam, Sân, Hận, Ngu Si. Nếu ngược lại Mười Ðiều Ác tức là có Mười Ðiều Lành. Trong bản dịch khác nói: Tuy có người chưa được đại tinh tấn, thiền định, trìgiới, cốt yếu cần phải làm lành như: không được giết hại, không được trộm cắp, không được tà dâm, không ngạo mạn, không uống rượu, không nói dối, không nói lưỡi đôi chiều, không nói lời hung ác, không ghanh ghét, không tham lam, không keo kiệt hồ nghi, nên có lòng hiếu thuận lòng chí thành trung tín, tin theo Kinh Phật, tinh làm lành đời sau được phước. Giữ những pháp như sanh về cõi Phật A Di Ðà. Mười nghiệp thiện này gốc là nghiệp sanh về cõi trời. Hôm nay, lấy nhơn duyên Niệm Phật hồi hướng Cực Lạc là chuyển nghiệp về cõi trời thành Tịnh nghiệp. Vì sao? Vì người Niệm Phật có thể chuyển ác nghiệp thành tịnh nghiệp, huống chi thiện nghiệp chuyển thành tịnh nghiệp sẽ dễ dàng hơn.
*Phải nhiều gắng sức
KINH VĂN:
Phật bảo: Di Lặc! Ta bảo các ông năm ác trong đời khổ sở vô cùng, năm thống khổ, năm thiêu đốt sẽ lần lượt sanh ra. Người làm các điều ác, không tu theo việc lành, tự nhiên sẽ bị đi vào các đường ác. Hoặc trong đời này bị các bịnh khổ, cầu sống không được, cầu chết không xong. Tội ác đã gieo, mỗi người mỗi biết. Thân đã chết rồi đọa vào ba đường dữ khổ không thể nói hết, tự mình khổ sở đến nhiều đời sau vẫn còn oan kiết. Việc dữ tuy nhỏ mà cố làm sẽ trở thành đại ác. Tất cả đều do tham trước tài sắc, không lòng thi ân, si dục bức bách, theo ý tưởng riêng, phiền não trói buộc không thể mở nổi, lại thêm tranh giành lợi lộc không hề tỉnh ngộ. Giàu sang vinh hiển, đương lúc đắc ý không hề nhẫn nhục, không biết tu thiện. Oai đức có bao lâu, chốc lát mòn hết, mình chịu lao khổ ở nhiều kiếp sau. Nghiệp báo rõ ràng như mành lưới thưa nhưng không thể lọt được, nhân nào quả ấy, nghiệp lực rõ ràng, từ xưa đến nay không ai thoát được!!!
Phật bảo: Này Di Lặc, người đời chịu khổ như thế Phật vô cùng thương xót, đem hết năng lực chỉ cho họ diệt hết tội ác, làm các việc lành, nghĩ nhớ lời răn, giữ gìn các giới, làm theo đạo pháp, không cho sai phạm, nếu người thật hành như thế chắc chắn sẽ được độ mình và độ đời vào đạo NiếtBàn.
Phật bảo: Hôm nay, các vị chư thiên nhơn dân và các người ở đời sau được lời Phật dạy phải suy nghĩ kỹ, có thể nhờ đó mà tâm đoan hạnh chánh, khuyên người làm lành, tôn bậc thánh, cung kính điều thiện, nhơn từ bác ái, nghe lời Phật dạy, không dám thiếu phạm. Phải tìm cách độ đời, dứt hẳn sanh tử, dẹp các gốc dữ, xa lìa ba đường ác. Các người phải ở trong sáu cõi dục bố ơn ra huệ. Ðừng phạm cấm giới, nhẫn nhục tinh tấn, dùng lòng trí huệ, chuyên nhau giáo hóa, làm đức lập thiện, chánh tâm chánh ý, trai giới thanh tịnh Một Ngày Một Ðêm hơn ở cõi Cực Lạc làm lành Một Trăm Năm. Vìsao? Vì cõi Phật kia vô vi tự nhiên, chứa các việc lành không có mảy lông làm ác. Như thế làm lành Mười Ngày Mười Ðêm ở các nước chư Phật khác làm lành Ngàn Năm. Vì Sao? Các nước Phật ở mười phương, người làm lành rất nhiều, người làm dữ rất ít, phước đức tự nhiên không có chỗ để tạo ác. Chỉ ở cõi này, người ác quá nhiều, không thể tự nhiên hết lòng tham dục, lấn lướt hại nhau, nhọc lòng khổ thân, sống khổ vì ăn mặc, tất cả việc ác khó có thể thôi dứt. Ta thương các hàng trời người, nên hết lòng dạy bảo, làm cho mọi người tu các pháp lành, theo hoàn cảnh mà trao cho Kinh pháp tới tay mỗi người, thuận theo ý nguyện làm cho họ đều được đem đạo lành truyền dạy làm cho thiên hạ hòa thuận, nhật nguyệt trong sáng, mưa thuận gió hòa, tai ương không khởi, nước thạnh dân an, làm cho can qua vô dụng, mọi người đều tôn sùng đạo đức, nuôi dưỡng lòng nhơn, tu hành cung kỉnh.
Phật dạy: Ta thương xót các người, chư thiên nhơn dân, hơn mẹ thương con. Ta nay ở trong đời này làm Phật, hàng phục năm điều dữ, tiêu trừ năm điều khổ, dứt hết năm điều thiêu, lấy lành phá ác, nhổ gốc khổ sanh tử, làm cho được năm sức, thẳng vào chỗ an ổn vô vi. Khi ta vào Niết Bàn, đời mạt Kinh đạo tạm diệt, nhơn dân dối trá làm các điều ác, năm món thiêu, năm món khổ trở lại như trước, lần lượt thêm nhiều không thể nói hết. Hôm nay ta vì các người nói những điều tóm lượt sau đây:
Phật dạy: Này Di Lặc, các ông phải nhớ các việc lành, cùng chuyền nhau dạy bảo như Kinh pháp Phật không thể thiếu sót.
Lúc đó Bồ Tát Di Lặc chấp tay bạch Phật rằng: Lời nói của Phật điều lành rất cao, người đời nếu thật lòng theo sự ai mẫn chỉ dạy của đức Như Lai, chắc được độ thoát, chúng con nhận lời ân cần dạy bảo của Phật không baogiờ dám sai phạm.
GIẢNG YẾU
Ðoạn này dẫn theo ý trước, dạy người làm lành bỏ dữ, hết lòng cầu được độ. Pháp Thế và Xuất Thế Gian mỗi pháp chẳng đồng đều, nhưng lấy thiện bỏ ác làm căn bản. Tịnh độ làcõi đất thiện, cầu sanh tịnh độ phải có công phu rất thiện, chưa vào Tịnh độ, thiện chưa được gọi là đủ và ác chưa được sạch. Vìsao? Vì kết thành 5 món trược, như đồ bất tịnh, nhơ bẩn lấp đầy, chỉ rửa một chút làm sao được sạch, dơ bẩn lần trở lại như cũ. Sanh về cõi Phật rồi, thấy Phật nghe pháp, chứng Vô Sanh Nhẫn đãbỏ cõi ác lại được gốc lành, rồi sau mới trở lại trần lao, rộng truyền chánh pháp , đưa mọi người vãng sanh về tịnh độ.
Thiền gia thường nói Không Thiện, nha nho nói Chí Thiện, vì sao hai nhà nói chẳng đồng nhau?
Sở dĩ nói Thiện là đối với Ác mà gọi, Ác không lập, Thiện cũng không có, chỉ còn một Chơn Tâm trùm khắp pháp giới, hằng sa muôn đức lặng lẽ tròn đầy. Nhà nho là thế gian Thánh không biết được chỗ này. Cái thiện mà không thiện mới gọi là chí thiện, cũng như miệng hằng nói không lại làm cho có, ác nghiệp lẫy lừng nói rằng không thiện. Như thế, Phật làm sao cứu.
4-Nói rõ trí tuệ
*Lễ Phật hiện quang
KINH VĂN:
Phật bảo: Này A Nan! Ông nên sửa sang y phục chấp tay cung kính lễ Phật Vô Lượng Thọ. Như Lai các quốc độ trong mười phương đãthưởng cùng nhau xưng dương tán thán đức Phật kia, không chấp trước, không ngăn ngại. Trong lúc ấy Ngài A-Nan sửa sang y phục, thân đứng ngay ngắn, hướng về phía Tây, cung kính chấp tay, năm vóc gieo mình, lễ Phật Vô Lượng Thọ mà bạch rằng: Bạch Ðức Thế Tôn! Con muốn thấy Phật Vô Lượng Thọ, quốc độ An Lạc và chư đại chúng Bồ Tát Thinh Văn. A Nan nói lời ấy rồi, liền thấy Phật Vô Lượng Thọ phóng ánh sáng lớn, chiếu khắp tất cả thế giới chư Phật, Kim Cang Vi Sơn, Tu Di Sơn Vương, các núi lớn nhỏ, tất cả cácvật trong ấy chìm ngập không hiện, sáng bóng rõ ràng, chỉ thấy toàn nước bao phủ, ánh sáng của Phật sáng cũng như thế. Ánh sáng của Bồ Tát Thinh Văn đều bị che lấp, chỉ có ánh sáng của Phật sáng rỡ phô bày.
Lúc ấy Ngài A-Nan thấy Phật Vô Lượng Thọ, oai đức cao vọi như núi Tu Di Sơn Vương, cao khỏi trên tất cả các thế giới, tướng tốt sáng rỡ, chiếu soi cùng khắp. Tứ chúng trong hội thấy rõ trong một thời gian, họ thấy cõi An Lạc cũng rõ như thấy Phật Vô Lượng Thọ.
Lúc bấy giờ Phật bảo A Nan và Bồ Tát Di Lặc. Các ông thấy cõi nước kia từ đất cho đến cõi Trời Tịnh Cư, trong ấy các vật đều vi diệu trang nghiêm, thanh tịnh rất tự nhiên. Tất cả thấy rõ chưa? A Nan thưa: Bạch đức Thế Tôn, chúng con đã thấy. Các ông đãnghe lời thuyết pháp của Phật Vô Lượng Thọ vang cả thế giới, hóa độ tất cả chúng sanh chăng? A Nan thưa: bạch Thế Tôn con đãnghe. Nhơn dân cõi nước ấy ở trong cung điện thất bảo, cao trăm ngàn do tuần, không chỗ chướng ngại, đi khắp mười phương cúng dường chư Phật. Các ông đãthấy chưa? A Nan thưa: Ðã thấy. Nhơn dân ở trong cõi nước ấy có Thai Sanh, các ông có thấy chăng? A Nan thưa: Ðã thấy.
Người trong Thai Sanh ấy, chỗ ở là cung điện, hoặc trăm do tuần hoặc năm trăm do tuần, các vị ở trong ấy nhận các sự vui vẻ rất tự nhiên như người ở trên cung trời Ðạo Lợi.
GIẢNG YẾU
Vô lượng ánh sáng chiếu khắp tất cả. Cực Lạc, Ta Bà đồng một pháp giới vốn không có kia đây, đâu có núi sông, quả đất đặt ở Ðông Tây? Núi sông đại địa đều do con mắt mêmờ của chúng sanh mà thành, nếu được một niệm vào cảnh giới Phật thì ánh sáng vô lượng sẽ trùm khắp cõi nước, ba đường sáu nẻo đồng thời giải thoát. Không phải chỉ có một A Nan và oai lực của Phật được thấy thân Phật A Di Ðà, y báo và chánh báo mà nay chúng sanh thời mạt pháp, chỉ vào được pháp môn này, không lìa đương niệm, mau được thấy Phật. Kinh Hoa Nghiêm nói: chư Phật như một tấm gương lớn, thân ta như hạt ngọc ma ni, pháp thân chư Phật vào thân ta, thân ta thường vào thân chư Phật. Nên biết Phật và chúng sanh xưa nay không phải hai nên gọi là thấy Phật thật ra không thấy. Vì sao? Vì không thể ở trong một thể mà thấy lẫn nhau. Thai Sanh là ở trong thai sen thời gian lâu mới nở, không bằng người hóa sanh liền được thấy Phật nghe pháp.
*Nghi hoặc Thai Sanh
KINH VĂN:
Lúc bấy giờ Bồ Tát Di Lặc bạch Phật rằng: bạch Thế Tôn, nhơn dân ở cõi nước kia có nhân duyên gì mà được Thai Sanh hóa sanh như thế? Phật bảo Ngài Di Lặc: Nếu có chúng sanh vì tâm nghi hoặc, tu các công đức nguyện sanh về cõi kia, nhưng không rõ Phật trí, bất tư nghì trí, bất khả xưng trí, Ðại Thừa quang trí, vô đẳng vô luân tối thượng thắng trí. Ở trong các trí này nghi hoặc không tin, nhưng vẫn còn tin có tội phước, tu tập các cội lành, nguyện sanh về nước kia. Các chúng sanh này sanh vào cung điện ấy, sống lâu năm trăm năm, thường không gặp Phật, không được nghe Kinh pháp, không thấy Bồ Tát Thinh Văn vàthánh chúng, vì thế ở cõi ấy gọi là thai sanh.
Nếu có chúng sanh nào tin hiểu Trí Phật cho đến thắng trí, tu các công đức, tín tâm hồi hướng, các chúng sanh này ở trong hoa sen bảy báu tự nhiên hóa sanh, ngồi kiết già trong chốc lát, thân tướng sáng rỡ, công đức trí huệ đầy đủ như trí huệ của chư Bồ Tát đãthành tựu.
Này Di Lặc! Chư Ðại Bồ Tát ở các phương khác, pháp tâm muốn thấy Phật Vô Lượng Thọ cung kính cúng dường và cúng dường các Bồ Tát, Thinh Văn, thánh chúng. Các Bồ Tát ấy khi mạng chung được sanh về nước Phật Vô Lượng Thọ, ở trong hoa sen thất bảo tự nhiên hóa sanh. Di Lặc nên biết, các bậc hóa sanh kia là những vị trí huệ thù thắng. Những vị thai sanh đều không thấy Phật, không ngheKinh pháp, không thấy Bồ Tát chúng thinh văng đều không phải nguyên do không cúng dường Phật, không biết phương thức gặp Bồ Tát, không phải không được tu tập các pháp lành. Nên biết rằng: những người này do nhân đời trước không có trí tuệ và nghi hoặc mà ra.
Phật bảo: Này Di Lặc! Như Chuyển Luân Thánh Vương, có cung thất riêng, trang hoàng bằng bảy báu, sắp xếp giường màn, treo các lọng báu, nếu có cáo thái tử phạm tội bị đưa vào cung ấy nhốt lại, sai người đem đồ ăn uống, áo quần, giường nệm, hoa thơm, âm nhạc, giống như vật cung phụng cho nhà vua không khác. Ý ông nghĩ sao? Các thái tử đó có ưa thích, bằng lòng bị nhốt trong ấy không? Di Lặc thưa rằng: Bạch Thế Tôn không! Các vị ấy tìm đủ mọi phương cách, dùng hết sức mình để ra khỏi nơi bị nhốt ấy. Phật bảo: Này Di Lặc! Các chúng sanh ở trong Thai Sinh lại cũng như thế! Các người ở trong Thai Sanh vì nghi hoặc Trí Phật nên sanh vào cung điện bảy báu, tuy không có hình phạt cho đến không có một niệm ác nào, nhưng vì năm trăm năm không gặp Tam-Bảo, không được cúng dường, tu các cội lành, tự cho đó là điều khổ, tuy có nhiều điều vui, nhưng không lấy đó làm vui. Nếu các chúng sanh này biết được nguồn gốc tội ấy, hết lòng hối hận, mong rời khỏi chỗ ấy, sẽ được như ý, được đến chỗ Phật Vô Lượng Thọ cung kính cúng dường và cũng được cúng dường khắp vô lượng vô số các đức Như Lai trong mười phương, gieo trồng các công đức. Di Lặc nên biết: Các Bồ Tát trong lòng còn nghi hoặc sẽ bị mất lợi lớn. Do đó cần nên tin chắc trí huệ Vô thượng của Như Lai.
GIẢNG YẾU
Ðoạn này nói phát nguyện cầu sanh cần phải hiểu Phật trí cho đến Thắng trí mới gọi là chơn tín, mới được thấy Phật. Vì tất cả Trí không lìa tự tâm, không có ngã và sở, phàm thánh vẫn đồng một trí ấy. Tin hoàn toàn tâm mình có đủ các trí ấy. Từ xưa đến nay việc Thành Phật không ở ngoài tâm mà được. Riêng có lòng tin Phật như thế để hồi hướng gọi là Duy Tâm Tịnh Ðộ, mau được thấy Phật. Nếu trong tự tâm các trí còn ngăn ngại nghi tình, không khỏi ngoài tâm thấy Phật. Nếu trong tự tâm các trí còn ngăn ngại nghi tình, không khỏi ngoài tâm thấy Phật, tuy tu các việc lành, nương theo nguyện mà được vãng sanh, nhưng không được thấy Phật vì không hợp với Trí Phật. Kinh Như Lai Bất Tư Nghì Cảnh Giới nói: Tất cả chư Phật trong ba đời đều không có, chỉ y theo tâmmình. Bồ Tát nếu có thể hiểu tất cả pháp, đều dùng tâm lượng được Tuỳ Thuận Nhẫn, hoặc vào Sơ Ðịa, bỏ thân này liền sanh về thế giới Diệu Hỉ hoặc sanh về cõi Cực Lạc Tịnh Ðộ, thì liền ngay tâm lượng chẳng cần từng bước, tất cả công đức thành tựu đầy đủ. Kinh Bảo Tích cũng nói: Tất cả các pháp đều làPhật pháp, ở trong tất cả pháp này không lay, không động, không lấy, không bỏ, đó gọi làmôn Ðà La Ni. Vì sao? Vì tất cả pháp đều không lìa tự tánh. Ðại Vương! Hôm nay có thể ở trong pháp ấy mà an tâm mình,đừng tin những gìở bên ngoài. Lúc bấy giờ Tịnh Phạn Vương và bảy muôn người học Thích được Vô Sanh Pháp Nhẫn. Ðức Thế Tôn mỉm cười và nói kệ rằng: Dòng Thích trí quyết định. Vì thết trong Phật pháp, Quyết định lòng an trụ, Theo điều không chỗ được. Ðể được quả Bồ đề. Rõ biết tất cả pháp, khi mạng chung đến rồi, được về nước An Lạc. Mặt gặp Vô Lượng Thọ, không sợ chứng bồ đề.
Nên biết có trí quyết định mới quyết định tin, quyết định tin mới quyết định sanh, cẩn thận chớ co tâm nghi hoặc màmất lợi lớn!
*Bồ Tát vãng sanh
KINH VĂN:
Bồ Tát Di Lặc bạch Phật: bạch Thế Tôn ở cõi Ta bà này có bao nhiêu Bồ Tát bất thối được vãng sanh về nước ấy? Phật bảo: Này Di Lặc! ở trong cõi nước này có sáu mươi bảy ức Bất Thối Bồ Tát được vãng sanh về nước ấy. Mỗi một Bồ Tát đãtừng cúng dường vô số chư Phật và được Bổ Xứ như Di Lặc vậy. Các tiểu Bồ Tát và những người tu tập ít công đức được sanh về cõi kia không thể kể xiết.
Phật bảo: Này Di Lặc! Không phải chỉ có các Bồ Tát ở cõi Ta bà được vãng sanh về cõi kia, mà các Bồ Tát ở các cõi Phật khác cũng được vãng sanh như thế. Phật thứ nhất hiệu Viên Chiếu cho một trăm tám mươi ức Bồ Tát đều sẽ vãng sanh. Phật thứ hai hiệu Bửu Tạng có chín mươi ức Bồ Tát đều sẽ vãng sanh. Phật thứ ba hiệu Vô Lượng Âm có hai trăm hai mươi ức Bồ Tát đều sẽ vãng sanh. Phật thứ tư hiệu Cam Lồ Vị có hai trăm năm mươi ức Bồ Tát đều sẽ vãng sanh. Phật thứ năm hiệu Long Thắng có mười bốn ức Bồ Tát đều sẽ vãng sanh. Phật thứ sáu hiệu Thắng Lực có một vạn bốn ngàn Bồ Tát đều sẽ vãng sanh. Phật thứbảy hiệu Sư Tử có năm trăm ức Bồ Tát đều sẽ vãng sanh. Phật thứ tám hiệu Ly Cấu Quang có tám mươi ức Bồ Tát đều sẽ vãng sanh. Phật thứ chín hiệu Ðức Thủ có sáu mươi ức Bồ Tát đều sẽ vãng sanh. Phật thứ mười hiệu Diệu Ðức Sơn có sáu mươi ức Bồ Tát đều sẽ vãng sanh. Phật thứ mười một hiệu Nhơn Vương có mười ức Bồ Tát đều sẽ vãng sanh. Phật thứ mười hai hiệu Vô Thượng Hoa có vô số không thể tính đếm các Bồ Tát Bất Thối, trí huệ dũng mãnh, đã từng cúng dường vô lượng chư Phật, ở trong bảy ngày có pháp kiên cố. Các Bồ Tát này đều sẽ được vãng sanh. Phật thứ mười ba hiệu Vô Úy có bảy trăm chín mươi hai ức Ðại Bồ Tát, các tiểu Bồ Tát và cá Tỳ Kheo không thể tính đếm đều sẽ vãng sanh.
Phật bảo: Này Di Lặc! Không phải chỉ có mười bốn cõi Phật này có các Bồ Tát đều sẽ vãng sanh, mà vô lượng Phật quốc trong mười phương thế giới, chư Bồ Tát Thánh chúng đều được vãng sanh cũng như thế, số ấy quá nhiều không thể tính đếm hết. Ta nói danh hiệu chư Phật ở mười phương màcó các Bồ Tát Tỳ Kheo sanh về nước Cực Lạc, dù nói suốt ngày đêm một kiếp còn chưa hết. Ta nay vì ông mà lược nói chút ít thôi.
GIẢNG YẾU
Ðoạn này nói rõ Bồ Tát vãng sanh không thể kể đếm, đều nhờ vào nguyện lực của Như Lai gìn giữ và ánh sáng của Như Lai nhiếp thọ. Thuở xưa Trí Giả Ðại Sư, Sơ Tổ của Thiên Thai tông, khi sắp lâm chung dạy môn nhơn xướng danh hiệu Phật Vô Lượng Thọ và đọc đề mục Quán Kinh rồi chấp tay màthan rằng: 48 nguyện trang nghiêm tịnh độ, ao hoa cây báu dễ đến mà không người chịu đến. Người bị tướng hỏa xa hiện, một niệm cải hốicòn được vãng sanh, huống người giới định cùng tu, sức đạo hành thánh thiện, thật không chút uổng công. Nói rồi xướng danh hiệu Tam-Bảo ngồi yên mà thị tịch.
Ðời Ðường, Ngài Pháp Chiếu Ðại Sư lên núi Ngũ Ðài vào chùa Trúc Lâm thấy Văn Thù, Phổ Hiền hai vị Ðại Bồ Tát. Ngài Văn Thù dạy: Các phương pháp tu hành không gì bằng Niệm Phật. Ta ở trong kiếp quá khứ nhờ niệm Phật mà được Nhất Thế Chủng Trí. Vì thế, tất cả các đại trí tuệ đến bờ kia, pháp thậm thâm thiền định, cho đến biến chánh biến tri của Phật đều từ niệm Phật mà sanh. Pháp Chiếu Ðại Sư hỏi: Nên niệm vì Phật nào? Văn Thù đáp: Ở thế giới Phương Tây có Phật A Di Ðà, nguyện lực không thể nghĩ bàn, ông nên niệm liên tục đừng cho gián đoạn, khi mạng chung quyết định vãng sanh. Hai vị nhơn đó thọ ký cho Ngài Pháp Chiếu rằng: Ông vì công đức niệm Phật không thể nghĩ bàn, nên rốt ráo chứng được quả Vô thượng giác, nếu thiện nam thiện nữ nào muốn mau ra khỏi luân hồi nên phải niệm Phật.
Ðại sư Huệ Nhật đi Thiên Trúc bằng thuyền vô cùng vất vả, đến nước Kiên Ðà La, phía Ðông Bắc có ngọn núi lớn thờ tượng Quan Thế Âm. Ðại sư suốt bảy ngày lễ bái, không ăn uống, lấy mạng sống làm kỳ, cầu đức Quan Thế Âm cảm ứng. Ðến đêm thứ bảy bỗng thấy Quan Thế Âm hiện thân sắc vàng tía, ngồi yên trên hoa sen báu, đưa taysờ đầu nói: Ông muốn tuyên pháp tự lợi lợi tha, chỉ cần niệm Phật A Di Ðà ở cõi Tây phương Cực Lạc, nên biết pháp môn Tịnh độ vượt qua các hạnh khác.
Ngài Thiên Thân là Tổ Duy Thức tông đã viết Vãng Sanh Luận Cực Lạc cổ súy tịnh độ. Tổ thiền tông Mã Minh, Long Thọ viết Tỳ Bà Sa Luận, Ðại Thừa Khởi Tín Luận khuyên người niệm Phật vãng sanh. Tổ Thiên Thai tông viết Tịnh Ðộ Thập Nghị Luận khuyên người nhất tâm niệm Phật. Cho đến các thiền sư như Vĩnh Minh, Sở Thạch, Mộng Ðông, Liên Trì đều tán dương Tịnh Ðộ, khuyên người gắng niệm Phật cầu sanh Cực Lạc. Ðiều đó cho thấy pháp môn Tịnh Ðộ là nơi quy thú cho tất cả nương về.
---o0o---
Trình bày: Nhị Tường