Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

BIII – Nói rõ chỗ nhiếp hóa

25/04/201312:18(Xem: 2993)
BIII – Nói rõ chỗ nhiếp hóa


KINH VÔ LƯỢNG THỌ

GIẢNG YẾU

Hán Văn:Khương Tăng Khải

Dịch và ghi chú:Hồng Nhơn

---o0o---

PHẦN GIẢNG KINH

(B -PHẦN CHÁNH TÔN)

(tiếp theo)

BIII – Nói rõ chỗ nhiếp hóa

1- Phàm phu vãng sanh

*Ánh sáng của hoa niệm Phật

KINH VĂN:

Các hoa sen báu đầy khắp thế giới. Mỗi cành hoa báu có nghìn ức cánh. Ánh sáng của hoa vô lượng màu sắc, hoa xanh có hào quang xanh, hoa trắng có hào quang trắng, đen vàng đỏ tía màu sắc ngợp trời. Mỗi hoa sáng rỡ, sáng tợ mặt trời mặt trăng. Trong mỗi một hoa tỏa ra ba mươi sáu trăm ngàn ức ánh sáng, hiện ra ba mươi sáu trăm ngàn ức hoá Phật, thân sắc vàng ròng tướng tốt vô cùng. Mỗi một vị Phật phóng ra trăm ngàn ánh sáng, vì tất cả chúng sanh trong mười phương nói ra lời vi diệu. Mỗi vị Phật như thế nói ra chánh đạo, độ thoát vô lượng chúng sanh.

GIẢNG YẾU

Ðoạn này nói rõ thân Phật hiện khắp tất cả, tuỳ thời tiếp dẫn. Nhờ các thứ trang nghiêm va các thứ Phật sự ở đây làm duyên khởi cho vãng sanh. Các thứ Phật sự này không từ đâu đến cũng không đi đến đâu, như mây trong hư không , như nguyệt trong nước, như người trong họa vẽ hình tượng, như huyễn sư hoá ra người. Tất cả đều dùng vào thần lực của Phật, tùy theo tâm chúng sanh mà xuất hiện. Nên biết tất cả thần lực của chúng sanh có đối với thần lực của Như Lai không hai không khác, cũng không có Ðại Hạnh Ðại Nguyện phát khởi nhơn thù thắng và cũng không có Vô Minh si mê trầm luân muôn kiếp. Nếu chỉ một niệm quay lưng, mới biết nghiệp nhà đủ cả, như vào núi báu lấy đồ không cùng, như vào hồ nước trầm hương dùng chi đều thơm ngát. Cần phải chính mình được chỗ ấy mới thôi, cẩn thật đừng có nửa chừng rồi bỏ!

*Ba bậc vãng sanh

KINH VĂN:

Phật bảo: A Nan! Có chúng sanh nào sanh về nước kia đều được ở vào Chánh Ðịnh Tụ. Vì sao? Vì ở cõi Phật kia không có Tà Tụ và Bất Ðịnh Tụ. Hằng hà sa chư Phật Như Lai trong mười phương đều cùng ca ngợi oai thần , công đức không thể nghĩ bàn của Phật Vô Lượng Thọ, lòng sanh tin tưởng vui mừng, cho đến nhất niệm chí tâm hồi hướng, nguyện sanh về nước kia, liền được vãng sanh, trụ vào Vị Bất Thối, chỉ trừ kẻ tạo tội ngũ nghịch, bài báng chánh pháp.

Phật bảo: A Nan! Chư thiên nhân dân của các thế giới trong mười phương, có ai chí tâm nguyện sanh về nước kia được chia làm ba hạng:

*Bậc thượng: là những người Bỏ Dục Xuất Gia làm Sa Môn, Phát Tâm Bồ Ðề, Một Lòng Chuyên Niệm Phật Vô Lượng Thọ, Tu các Công Ðức, Nguyện Sanh về Cực Lạc. Những người này khi lâm chung, Phật Vô Lượng Thọ và chư Ðại chúng hiện trước người đó, người ấy liền theo Phật vãng sanh về nước Cực Lạc, vào trong hoa sen bảy báu, tự nhiên hóa sanh, ở Vị Bất Thối, trí huệ mạnh mẽ, thần thông tự tại. Vì thế, A Nan! Có chúng sanh nào muốn hiện đời thấy Phật Vô Lượng Thọ, nên Phát Tâm Vô thượng Bồ Ðề, Tu hành Công Ðức, Nguyện Sanh về Nước Kia sẽ được toại nguyện.

*Bậc trung: Chư thiên nhân dân trong các thế giới ở mười phương, có người nào muốn sanh về nước kia tuy không thể làm Sa Môn tu công đức lớn, chỉ cần phát tâm Vô thượng Bồ Ðề, Một Lòng Chuyên Niệm Phật Vô Lượng Thọ, Làm Ít Nhiều Việc Lành, Giữ Gìn Trai Giới, Xây Dựng Tháp Tượng, Cúng Dường Sa Môn, Trướng màn đèn đốt, Tán Hoa đốt Hương, Ðem công đức Hồi Hướng, Nguyện Sanh về nước kia. Người ấy khi lâm chung, Phật Vô Lượng Thọ hóa thân, tướng hảo sáng chói, giống như chơn Phật, cùng chư Ðại chúng hiện trước mặt người đó. Người ấy liền theo Hóa Phật vãng sanh về nước Cực Lạc, trụ Vị Bất Thối Chuyển, công đức trí huệ giống như bậc thượng.

*Bậc hạ: Chư thiên nhân dân ở các thế giới trong mười phương, có người nào chí tâm muốn sanh về nước Cực Lạc. Giả sử không thể làm các công đức, chỉ cần Phát Tâm Một Lòng Niệm Danh Hiệu Phật Vô Lượng Thọ chỉ cần Mười Niệm, Nguyện Sanh về nước Cực Lạc, hoặc nghe pháp mầu Vui Vẻ Tin Chịu, Không Sanh Chút Nghi Hoặc, chỉ cần Nhất Niệm niệm Phật Vô Lượng Thọ, Dùng Tâm Chí Thành Nguyện sanh về nước Cực Lạc. Người ấy khi lâm chung mong thấy Phật Vô Lượng Thọ cũng được vãng sanh, công đức trí tuệ giống như bậc trung.

GIẢNG YẾU

Ðoạn trước chánh nhơn vãng sanh đã chỉ những điều lợi ích để chúng sanh trong mười phương Tin Vui Phát Nguyện Hồi Hướng, đoạn này nói Nhất Niệm ChíTâm Hồi Hướng liền được vãng sanh.

Có nghi vấn: Người tu hành cứ từ Nhất Niệm mà vào, cần gì phải bàn luận nhiều thứ công phu khác?

Tất cả chúng sanh bị trôi lăn trong sinh tử chỉ vìnhất niệm này, hoàn toàn không có niệm nào khác, cho đến khi trở về với chơn quy nguyện thành bậc chánh giác cũng chỉ có nhất niệm này không có niệm thứ hai. Luận Ðại Trí Ðộ nói: Người thực hành Bát nhã Ba La Mật, trong một niệm có thể hóa các núi vi trần trong mười phương, trùm khắp cả hằng hà sa tam thiên đại thiên thế giới, sức một niệm ấy không thể nghĩ bàn. Niệm Phật như thế tức là niệm vị Phật ấy, Phật tức là tâm, không trong không ngoài, không trói buộc, không giải thoát, hết tất cả núi sông, quả đất trong mười phương, không có mảy may nhỏ bằng hột cải nào mà không phải là chỗ hiện thân thuyết pháp của Phật Vô Lượng Thọ.

Thượng Bối thuộc các bậc Sa Môn. Tất cả chúng sanh đều do ái dục tạo ra, đầu mối sanh tử luân hồi, mê chấp huyễn thân, quốc độ. Các bậc Sa Môn dứt bỏ lòng ái dục, xa lìa gia đình làng xóm, ưa thích thanh tịnh. Huyễn thân đãthanh tịnh thì quốc độ cũng thanh tịnh. Kinh Ðại Bát nhã nói: Các bậc Bồ Tát lòng ưa ở trong quốc độ Phật nên xa nhà cắt ái dục. Nên biết chánh nhơn của Tịnh Ðộ là xuất gia vì có thể xa lìa chỗ bất tịnh. Chánh nhơn này người muốn thực hành trước phải phát Tâm Bồ Ðề, một lòng chuyên niệm Phật, tu các công đức hồi hướng vãng sanh Cực Lạc.

*Phải phát Bồ Ðề Tâm: trong Ðại Bát nhã Kinh, Ngài Thiện Hiện thưa: Như Lai nói Bồ Ðề, như thế Bồ Ðề nghĩa là gì? Phật dạy: Bồ Ðề nghĩa là chứng pháp Không , nghĩa chứng chơn như, nghĩa chứng thật tế, nghĩa chứng pháp tánh, nghĩa chứng pháp giới. Giả lập danh tướng nói ra chỗ thượng thắng diệu chơn thật giác ngộ gọi là Bồ Ðề. Không thể phá hoại, không thể phân biệt nên gọi là Bồ Ðề. Nên biết tâm Bồ Ðề là bản nguyện của chư Phật là huệ mạng của chúng sanh. Vừa phát tâm ấy, tâm ấy đã thành Phật đạo. Vì đã tương ứng với Phật trí, bất khả tư nghì trí, bất khả tư nghì, bất khả xứng trí, Ðại Thừa quảng đại trí, vô đẳng luân trí, tối thượng trí. Như Xá Lợi tử bạch Phật: Sơ Tâm có thể thắng Hậu Tâm không? Ðức Thế Tôn dạy: Các bậc A la hán, Ðộc giác tâm đều vô lậu tuy xa lìa tất cả phiền não trong tự tâm mà không thể hóa độ vô lượng hữu tình phát tâm bỏ các phiền não. Bồ Tát mới phát Ðại Bồ Ðề tuy phiền não trong thân mình chưa dứt mà có thể độ thoát vô lượng hữu tình, phát tâm bỏ các phiền não. Ðó là Sơ Tâm hơn Hậu Tâm.

*Một lòng chuyên niệm Phật Vô Lượng Thọ: Niệm Phật có hai cách:

1-Quán tưởng niệm Phật: Như Quán Kinh nói: Các Như Lai là pháp giới thân, vào trong tâm tưởng của tất cả chúng sanh. Khi tâm tưởng Phật, tâm ấy có đủ 32 tướng tốt, 80 cách đẹp, tâm ấy làm Phật, tâm ấy là Phật. Biến chánh biến tri của chư Phật đều từ tâm tưởng mà sanh. Vì thế nên phải nhất tâm quán xét ông Phật trong Tâm Tưởng ấy. Tưởng ông Phật ấy, trước tiên phải tưởng hình tướng, mở mắt nhắm mắt thấy rõ hảo tướng sắc vàng như Diêm phù đàn, ngồi trên tòa sen. Ðã thấy tướng ngồi rõ ràng rồi, tâm và mắt sẽ được mở tỏ rõ ràng, thấy quốc độ Cực Lạc, bảy báu trang nghiêm, đất báu, ao báu, hàng cây báu, hoa báu chư thiên rưới lên trên, các màn lưới báu trùm khắp hư không , đúng như Kinh dạy.

Có người nghi: Ðã nói tâm ấy là Phật cần gì phải lập thêm ông Phật khác, chấp tướng mà cầu trở thành tà đạo?

Ðây là vì người sơ cơ mà Quyền chỉ phương tiện, muốn chi thắng duyên kia để hoàn thành tịnh độ của chính mình. Nhưng tưởng mà chẳng phải tưởng đồng về với tịch diệt, diệu quán tự tại, hiện lượng không dư. Vì thế Ðại Tập Kinh nói: Nếu muốn thành tựu chư Phật hiện tiền tam muội, tuỳ theo chỗ niệm bèn thấy Như Lai, như lấy thủy ngân tráng vào gương làm kính, nhờ có kính mà thấy được mặt mình dơ sạch đều hiện rõ. Nếu không có gương làm sao thấy được mặt mình. Nhưng dụng cụ làm gương đều không thực thể. Nên biết hình tướng ấy khôngphải từ đâu mà đến, cũng không đi về đâu, không sanh không diệt, không có chỗ trụ. Bồ Tát cũng như thế, các Ngài nghĩ: Ông Phật này từ đâu mà đến, lại thân ta đây cũng từ đâu mà ra. Quán Như Lai kia rốt ráo không có chỗ đến làm sao có chỗ đi. Xét kỹ như thế, tính hết còn phân biệt, bổng nhiên thấu rõ nguồn chơn. Ðó là Trung Ðạo Quán Phật.

2-Trì danh niệm Phật: Kinh A Di Ðà nói: Nếu có thiện nam thiện nữ nào nghe nói Phật A Di Ðà rồi gìn giữ danh hiệu hoặc từ 1 ngày cho đến 7 ngày một lòng không loạn động. Người ấy khi lâm chung, Phật A Di Ðà cùng các Thánh chúng hiện ra trước mặt. Người ấy khi lâm chung tâm không điên đảo liền được vãng sanh về nước Cực Lạc của Phật A Di Ðà. Nên biết phương pháp Trì Danh rất là giản dị và cốt yếu. Hành giả khi mới phát tâm, quí nhất là cần phải có thời khóa cố định, mỗi ngày một ngàn, một muôn hoặc mười muôn, từ ít đến nhiều, do Tán Niệm đi lần vào Ðịnh Niệm, tùy theo sức niệm đều có thể vãng sanh.

Có người hỏi: Danh tự nói là không , làm sao người gìn giữ lại được vãng sanh?

Vì tánh Không nên mới được vãng sanh, nếu tánh Có thì trở thành trói buộc. Chúng sanh đều dùng Tâm Có mà luân chuyển vô tận. Hôm nay, danh hiệu Phật này không từ Tướng mà sanh, không hòa hợp mà có. Ðó chính là thật tướng của các pháp. Nên biết Trì Danh công đức không thể nghĩ bàn. Niệm Phật không phải khó mà Nhất Tâm rất khó. Vì vậy mỗi niệm cần được rõ ràng, trong tâm dứt hết những chỗ vướng mắc, như thế trong bốn oai nghi từ thức đến ngủ kể cả khi đại tiểu tiện đều không được bỏ câu hiệu Phật. Tất cả đều dẹp hết, chỉ còn câu hiệu Phật rõ ràng siêu việt, lâu dần thuần thục, kiến hoặc tư hoặc rơi rụng, tam muội hiện tiền. Ðó là Liễu Nghĩa cứu cánh Niệm Phật.

*TU CÁC CÔNG ÐỨC NGUYỆN SANH CỰC LẠC:

Hành giả đã phát Bồ Ðề tâm cần tu hạnh Bồ Tát, ở chỗ xuất thế gian, làm đuợc một chút lành co đến công đức vô biên, đều dùng thân tâm, chí thành tâm hồi hướng Cực Lạc cũng được gọi là Nhất Hướng Chuyên Niệm, không cần bỏ hết các pháp hữu vi mới gọi là chuyên niệm, vì Phật tánh trùm khắp tất cả chỗ, có lấy có bỏ không gọi là niệm Phật. Như Quán Kinh nói: Muốn sanh về nước Cực Lạc cần tu ba món phước: 1-Hiếu dưỡng cha mẹ, tôn kính sư trưởng, từ tâm không giết, tu mười nghiệp lành. 2-Thọ ba Quy Y, giữ đủ các giới đãthọ, không phạm oai nghi. 3-Phát tâm Bồ Ðề, tin sâu nhơn quả, đọc tụng Kinh điển Ðại Thừa, khuyến tấn người tu. Tu được ba việc như thế gọi làTịnh Nghiệp. Ðây là nói chung cho 5 chúng và công đức tu hành của các bậc Thượng, Trung, Hạ.

Ngày xưa, Viên Trung Lang khi lớn tuổi mới chuyên tu tịnh nghiệp, có viết bộ Tây Phương Hợp Luận rất hay. Sau khi ông mất khá lâu, người em út chuyên tu, một hôm dạo cõi Tịnh Ðộ đều nhờ công đức mà cơ sở của công đức, Giới là căn bản. Nếu giới đãtịnh thì tâm tịnh, tâm tịnh thì cõi tịnh.

*PHÁT NGUYỆN VÃNG SANH:

Người tu Tịnh Nghiệp cần phải sáng tối hướng về phiá Tây lễ bái như chầu Ðế Chúa, mỗi ngày mỗi gần. Phát nguyện rộng lớn: Nguyện khi mạng chung quyết định vãng sanh. Tông chủ Từ Chiếu có Kệ khuyên người phát nguyện, lời lẽ rất thắm thiết. Kệ dạy: Muôn pháp từ tâm sanh, muôn pháp từ tâm diệt, Phật bậc đại Sa Môn, thường nói lời như thế. Trì giới không Tin Nguyện, không được sanh Tịnh Ðộ, tuy được phúc nhơn thiên, phúc hết chịu luân hồi, lần lựa khó giải thoát. Xem bịnh không mắt tuệ, không rõ tâm ýPhật, đời sau được thông minh, khó xa rời tâm loạn. Không bằng Niệm Phật kỹ, hiện đời không danh lợi, đi đứng không phiền não, là thân Phật Di Ðà. Phát nguyện trì giới luật, hồi hướng sanh cõi tịnh, như thế gọi là hành trì, muôn người không sót một. Chính miệng Thích Ca nói, Di Ðà nguyện đưa về, chư Phật đều khen ngợi, chư Thiên theo hộ trì, rõ ràng người niệm Phật, không cách Phật bao xa. Cần phải ngồi đạo tràng, chuyển pháp luân Vô thượng, độ vô lượng chúng sanh.

Ví như cô gái nghèo, trong bụng có Chuyển Luân, chư thiên theo giúp đỡ, bần nữ vẫn không hay, trong bụng có con quí. Người niệm Phật đời nay, ý đó cũng như thế, nhớ Phật thường niệm Phật, không lâu sẽ thành Phật, chư Phật theo hộ trì, người đó vẫn không biết, ta sẽ sanh Tịnh Ðộ.

Có người lòng niệm Phật, muốn sanh lại cõi người, thì như người nhà nghèo, chỗ ở có kho báu, kho có thần gìn giữ, không cho của rơi mất, người nghèo không tự biết, trong nhà có kho báu, chạy xa tìm việc làm, kiếm cơm áo để sống. Người niệm Phật đời nay, cũng giống trường hợp này, không biết công niệm Phật, có đủ tạng Như Lai, tự nói mình không phần, lại mong được làm người.

Ví như người có bịnh, trong nhà sẵn thuốc hay, không biết được thuốc hay, làm sao trị lành bịnh, hằng ngày trên giường bịnh, nhận chịu khổ vô lượng. Người niệm Phật thời nay, cũng giống trường hợp ấy, không biết lòng niệm Phật, diệt được tham sân si, làm bậc đại y vương giúp đỡ khắp mọi người.

Có những kẻ phàm phu, nghi không sanh tịnh độ, nên tu trì cấm giới, nguyện đời sau làm người, lần lượt chuyên tu hành, mới được sanh tịnh độ, những người có tu hành, nếu nói lời như thế, không hợp nguyện Di Ðà, không hợp Kinh tịnh độ, tà kiến che ngăn tâm, rốt ráo khó xa lìa, không phải người khác hại, mà chỉ tại lòng mình, một đời không vãng sanh, một lầm thành trăm lỗi, khuyên các người tu hành, nên tin Như Lai nói. Phật nói lời chân thật, không có thể sai ngoa, chỉ một đời siêng năng, hết lòng cầu tịnh độ, nhờ gió thổi lửa cháy, dùng sức chẳng cần nhiều, nếu một lòng niệm Phật, khỏi ba cõi dễ dàng. Gặp ngọc không chịu lấy, có đồ ngon nhịn thèm, ai là bậc trượng phu, không thấy ý chơn thật. Tôi nay lượt chơn thật, dám mong cùng mọi người, đem truyền bá lưu thông, ý đây của Ðức Phật. Ðó gọi là con Phật, trả ơn đức Như Lai, nguyện cùng người nói nghe, một đời về Cực Lạc.

Hai bậc Trung, Hạ công đức có khác nhưng đồng phát tâm Bồ Ðề, đồng một lòng niệm Phật, tu các công đức hồi hướng vãng sanh, nên khi lâm chung thấy Phật rước được vãng sanh không có gì sai khác. Trong Kinh Duy Ma Cật, Ngài Duy Ma Cật nói với Trưởng Giả Tử rằng: Các ông phát tâm Vô thượng Chánh đẳng chánh giác, đó gọi là xuât gia, đó gọi làcụ túc. Nên biết người niệm Phật cũng thế, nếu không phát tâm bồ đề thì tất cả hạnh nguyện không từ đâu mà có. Có Nguyện mà không có Hạnh nhưruộng đất lở không thể thành tòng lâm. Có Hạnh mà không có Nguyện như ngựa không cương không trở về đúng đích. Hạnh vàNguyện giúp nhau như cây cỏ xum xuê gặp mùa thuận chắc thành rừng lớn. Người đủ Hạnh Nguyện mau chứng Bồ Ðề, mau về Cực Lạc.

Có người hỏi: Lâm chung thấy Phật là Phật Tự Tâm hay Phật khác? Nếu Phật Tự Tâm là do Tưởng Lực mà thành, dối trá không thật, nếu Phật khác là lấy Phật ngoài tâm tức là thành ma nghiệp làm sao nói được vãng sanh?

Phật mình và Phật khác tổng thành hí luận, mình và người đều quên, tự và tha không khác, pháp thân chư Phật trạm nhiên thường tịch, vì bổn nguyện và cảm ứng hợp nhau tức mình tức người, không dối không thật, chỉ có một Chơn Như bao trùm khắp pháp giới. Chúng sanh nương theo nghiệp duyên thân huyễn chịuphần đoạn sanh tử, như người ở trong nhàkhông thấy mặt trời, nếu niệm lực bền chắc duyên huyễn đều tan, như vén nóc thấy trời xanh, chừng đó mặc ý vãng sanh lại đồng Phật tánh. Kinh Thủ Lăng Nghiêm nói: Tất cả thế gian sanh tử tiếp nối, sanh tử thuận tập, chết tự biến lưu, thuần tưởng tưúc bay lên, chắc sanh lên cõi trời. Nếu trong tâm gồm toàn phước huệ và tịnh nguyện thì bay lên. Tâm mở tỏ thì thấy mười phương chư Phật, tất cả tịnh độ tùy nguyện vãng sanh. Nên biết sức Tưởng của chúng sanh không thể nghĩ bàn.

Trước chỉ nói nghe danh hiệu được lợi ích sao bây giờ lại luận về vãng sanh?

Nghe danh tuy có lợi ích nhưng chưa được vãng sanh, cuối cùng vẫn chưa phải cứu cánh vì chưa thoát được sanh tử. Sao bằng một niệm vãng sanh ra khỏi tam giới, sự lợi ích ấy không thể so sánh.

Quán Kinh nói: Hạ phẩm hạ sanh đều liên hệ đến những người lúc sống làm ác, cuối cùng mới hồi tâm. Trong Kinh nói trừ người phạm tội ngũ nghịch, báng pháp – cái đó khác nhau thế nào?

Người chắc thật hồi tâm, nhất niệm niệm Phật đều được vãng sanh nhờ vào sức bổn nguyện của Phật, chỉ e chướng sâu tội nặng khó gặp được thiện hữu, tin nguyện khó phát, mặt trời sáng rõ không thể làm người mù được thấy, hằng hà nghiệp lực khó tiêu, điều đó đáng sợ.

*Mười phương xưng tán:

KINH VĂN:

Phật bảo: A Nan! Phật Vô Lượng Thọ oai thần vô biên. Chư Phật vô lượng vô số không thể nghĩ bàn trong mười phương thế giới đều hết lòng xưng tán. Như ở Phương Ðông vô lượng vô số chúng Bồ Tát ở hằng hà sa Phật quốc đều đến chỗ Phật Vô Lượng Thọ cung kính cúng dường. Và các chúng Bồ Tát, Thinh Văn đều nghe thọ Kinh pháp, truyền bá đạo mầu. Phương Nam, Phương Bắc, tứ vi, trên dưới lại cũng như thế. Lúc bấy giờ đức Thế Tôn đọc lời kệ rằng:

Nước Phật ở phương Ðông,

Số ấy như hà sa,

Bồ Tát chúng nước ấy,

Qua đó học pháp mầu.

Nam, Tây, Bắc, tứ vi,

Trên dưới cũng như thế,

Chúng Bồ Tát cõi ấy,

Qua đó học pháp mầu.

Tất cả các Bồ Tát,

Cùng đem hoa thiên diệu,

Hương báu, y vô giá,

Cúng dường Phật Vô Lượng.

Cùng nhau trỗi nhạc trời,

Diễn ra tiếng hòa nhã,

Ca ngợi bậc tối thắng,

Cúng dường Phật Vô Lượng.

Ðạt hết tuệ thần thông,

Thẳng vào pháp mầu nhiệm,

Ðầy đủ tạng công đức,

Trí sáng không ai bằng.

Nhật huệ chiếu thế gian,

Tiêu trừ mây sanh tử,

Cung kỉnh nhiễu ba vòng,

Cúng dường đấngVô thượng.

Thấy cõi kia thanh tịnh,

Mầu nhiệm khó nghĩ bàn,

Liền phát tâm Vô thượng,

Nguyện nước họ cũng thế.

Bấy giờ đấng Vô thượng,

Mỉm cười lòng hân hoan,

Miệng phóng nhiều ánh sáng,

Chiếu khắp cõi mười phương.

Ánh sáng bao quanh mình,

Ba vòng lại vào đảnh,

Tất cả chúng trời người,

Lòng vui mừng hớn hở.

Ðại Sĩ Quan Thế Âm,

Nghiêm trang đảnh lễ hỏi,

Bạch Phật cớ sao cười,

Cúi mong xin diễn nói.

Tiếng như sấm vang nổ,

Bát âm diễn diệu âm,

Ðương thọ ký Bồ Tát,

Lời này hãy lắng nghe.

Các đại sĩ mười phương,

Ta đãbiết nguyện họ,

Ý cầu nghiêm tịnh độ,

Chắc sẽ được làm Phật.

Hiểu rõ tất cả pháp,

Như tiếng vang hư dối,

Ðầy đủ các nguyện mầu,

Sẽ thành cõi Phật đó.

Biết pháp như bóng chớp,

Rốt ráo đạo Bồ Tát,

Ðủ các cội công đức,

Chắc sẽ được làm Phật.

Thông đạt các pháp tánh,

Tất cả Không, Vô Ngã,

Chuyên cầu cõi tịnh Phật,

Sẽ thành cõi Phật đó.

Chư Phật bảo Bồ Tát,

Muốn thấy cõi An Dưỡng,

Nghe pháp nhạc hàng cây,

Mau được chỗ thanh tịnh.

Ðến cõi nước tịnh kia,

Sẽ mau được thần thông,

Sẽ gặp đấng Vô thượng,

Thọ ký cho làm Phật.

Sức bổn nguyện Phật ấy,

Nghe hiểu muốn vãng sanh,

Ðều sẽ đến nước kia,

Chứng được vị Bất Thối.

Bồ Tát phát ý nguyện,

Muốn trang nghiêm nước kia,

Nhớ độ hết tất cả,

Gọi đó khắp mười phương.

Tôn thờ đức Như Lai

Bay qua khắp các cõi,

Cung kính vui vẻ sang,

Rồi lại về An Dưỡng

Nếu người ít lòng lành,

Không được nghe Kinh này,

Nhưng thanh tịnh giữ giới,

Cũng được nghe chánh pháp.

Từng được thấy Thế Tôn,

Thì tin chắc việc này,

Rồi kính nghe thọ trì,

Mạnh mẽ chưa từng có.

Kẻ kiêu mạng giải đãi,

Và khó tin chánh pháp,

Ðối trước mặt chư Phật,

Sẽ hoan hỷ nghe nhận.

Thinh Văn hoặc Bồ Tát,

Không hiểu được Trí Phật,

Như kẻ mù từ nhỏ,

Muốn dẫn đường cho ai?

Trí Như Lai tợ bể,

Sâu rộng không ngằn mé,

Nhị thừa không lường được,

Chỉ có Phật biết thôi.

Thí như tất cả người,

Ðều đã chứng được đạo,

Tịnh huệ biết bổn không ,

Ức kiếp nhớ Trí Phật.

Hết sức gắng giảng nói,

Suốt đời cũng không biết,

Huệ Phật không ngằn mé,

Chỗ thanh tịnh như thế.

Thọ mạng rất khó được,

Ðức Phật cũng khó gặp,

Người ít có trí tuệ,

Nếu nghe, hết lòng cầu.

Nghe pháp phải đừng quên,

Thấy Kinh là việc tốt,

Là bạn thân của ta,

Vì thế phải phát ý.

Dù lửa khắp thế giới,

Không lo, cứ nghe pháp,

Sẽ được thành Phật đạo,

Rộng độ kẻ trầm luân.

GIẢNG YẾU

Ðoạn này nói rõ chư Phật đồng xưng tán và chư Bồ Tát trong mười phương được vãng sanh, tu công đức cúng dường được thọ ký làm Phật. Ðoạn trước đã nóivô lượng chư Phật đều xưng tán danh hiệu và chư Bồ Tát ở các phương khác nghe danh được Vô Sanh Nhẫn. Trong Ðại Nguyện đã nói, đó là con đường chính tu pháp môn Tịnh Ðộ. Trước hiểu pháp tánh xưa nay không có ngã tức tất cả đều không tịch, không trở ngại về việc sanh về cõi Phật, kế đó kiến lập diệu nguyện, đủ các công đức thì tất cả đều viên thành, không ở tâm mình sanh ra có hạn lượng, người có chí tu Tịnh Ðộ cần phải tu con đường này mà chứng nhập. Người tu phần nhiều cứ chấp Tâm tà Ðộ, không tin Tịnh Ðộ. Không biết rằng Ðộ Tâm uế nên ở độ hiện thành Uế Ðộ, do Tâm tịnh nên ở độ hiện thành Tịnh Ðộ. Nếu không có Tịnh Ðộ thì không có Tịnh Tâm, đã không nghi Tâm làm sao nghi Ðộ! Cũng có người chấp Tâm là Phật nên không bằng lòng niệm Phật, không biết rằng, chưa liễu giải được Tâm trong không thành Phật. Ðã chưa thành Phật là sao liễu giải được Tâm mình? Chỉ có người liễu Tâm mới gọi thành Phật. Người niệm Phật mới có thể liễu tâm! Chư Bồ Tát nay đã được thọ ký, hiện được thọ ký, sẽ được thọ ký. Các Ngài từ một cõi Phật đến một cõi Phật, thừa sự Như Lai nghiêm tịnh quốc độ. Như thế đâu có người nào vượt ngoài phương thức hoá đạo ấy. Có người tuy nghe Kinh pháp mà tự sanh ý chí hạ liệt, dứt lòng mong muốn vãng sanh. Họ đâu biết rằng một câu niệm Phật trừ được tám mươi ức kiếp tội nặng sanh tử, đầy đủ vô lượng công đức, Phật đãnói lời thật như thế sao lại không tin? Nên biết gốc nghi chưa dứt chính là gốc tội. Sức tin tròn đầy hoàn toàn thành sức phước. Nên Cổ Ðức nói: Người nào biết lời này do Phật nói ra, thời tin đó là đúng. Mọi người nên trân trọng đừng trái ý Phật!

---o0o---

Vi tính: Đông Phương

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com