Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Những chuyện niệm Phật vãng sinh lưu xá lợi.

22/04/201311:56(Xem: 11397)
Những chuyện niệm Phật vãng sinh lưu xá lợi.

100vangsanhluuxaloi

Những chuyện

NIỆM PHẬT VÃNG SANHLƯU XÁ LỢI

từ năm 1995 -2000

Tịnh Hải

(sưu tầm)

Tri Ơn Ấn Tống

Tịnh Hải
18132 S. Third St.
Fountain Valley, CA 92708
E-Mail: LuuXaLoi@Yahoo.Com

Kính gởi

The Corporate Body of The BuddhaEducational Foundation
11 F Hang Chow South Road Sec-1
Taipei, Taiwan, R0C

Kính thưa quí vị,

Tôi là một cư sĩ, tuy không phải là tu sĩ, nhưng tôi đã dành suốt 12 năm còn lại của đời tôi, với mỗi ngày 12 tiếng đồng hồ để học hỏi, nghiên cứu kinh điển Phật giáo. Trong 12 năm này, tôi hầu như chấm dứt sự giao thiệp với bạn bè, hội hè, không đọc báo chí, không xem Tivi và nghe radio.

Trước tiên, tôi theo đuổi Thiền Tông, sau nghiên cứu Mật Tông và sau cùng tôi hiểu được Tịnh Độ Tông là nơi chốn mà 1000 người tu theo một cách nghiêm cẩn, 1000 người sẽ đắc sanh Cực Lạc Thế Giới.

Hai năm gần đây, mỗi ngày tôi chỉ thuần niệm Phật, trừ khi ăn cơm và nói chuyện. Tuy tôi chưa được Nhứt Tâm Bất Loạn, nhưng nhờ hiểu được: chuyên tâm niệm sáu chữ Nam-Mô A-Di-Đà Phật, tâm tôi không còn nhiều vọng tưởng mà tôi thông hiểu được các bộ kinh lớn của Đại Thừa.

Nhờ sự gia hộ của chư Phật, Bồ-Tát, Thiên-Thần Hộ-Pháp, tôi căn-cứ vào Kinh Quán Vô Lượng Thọ soạn ra pháp tu Quán Phật Trì Danh Tịnh-Độ Thiền.

Viết xong pháp tu này, tôi đưa trình cho Hòa-Thượng Thích-Đức-Niệm xem, và Hòa-Thượng đã hiệu đính.

Hẳn quí vị cũng biết, Hòa-Thượng Thích-Đức-Niệm là một Tăng-sĩ Việt-Nam du học tại Đài-Loan, đã đậu hai bằng Tiến-sĩ Phật học.

Tôi không có in pháp tu Quán Phật Trì-Danh Tịnh Độ Thiền thành sách, nhưng một trung-tâm chuyên thâu âm kinh sách Phật, mang tên LotusProductionsđã thâu băng cassette và đã phát hành trên 5000 cuốn. Hiện nay mỗi kỳ lễ Phật đều có người ấn tống để biếu Phật tử.

* * *

Kính thưa quí vị,

Hôm nay, tôi xin gởi đến quí vị bản đánh máy một quyển sách dầy trên 700 trang với trên 20 trang hình mầu, tựa đề "Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật Sưu Giải".

Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật được Hòa Thượng Thích-Thiền-Tâm dịch từ Hán văn, vào thập niên 90 và được chùa Đức Viên tại Hoa Kỳ ấn tống đầu tiên vào 1997. Nay Hòa Thượng Thiền Tâm đã viên tịch. (Xin gởi kèm bổn kinh này).

Hiện nay rất ít Phật tử Việt-Nam biết đến Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật nầy. Lần đầu tiên đọc kinh này tôi đã mừng rỡ đến rớt nước mắt và coi như là kinh gối đầu giường của tôi. Đức Bổn Sư Thích-Ca dạy pháp tu Niệm Phật thành Phật ngay trong đời, chứng đắc Niết-Bàn tại thế. Và Ngài huyền ký kinh này sẽ lưu lại 50 năm sau cùng.

Tôi thiển nghĩ, Phật tử Việt-Nam cần biết rõ kinh này để mà học tu. Vì vậy tôi đến thỉnh ý Hòa-Thượng Thích-Đức-Niệm, được Ngài khuyến-khích việc sưu giải kinh này. Trong khi sưu giải kinh, gặp 2 lần bí nghĩa, tôi đến trước bàn Phật thắp nhang cầu nguyện; nhờ sự gia hộ của Chư Phật, Bồ Tát, v.v... sau giấc ngủ tôi đạt ngộ một cách không sao giải thích được. Tôi đã viết rõ điều ấy trong sách này.

Sau khi sách viết xong, tôi mang trình cho Hòa Thượng Đức Niệm, Ngài xem xong và chứng minh. Tôi cũng đã gởi một bổn sách đến Hòa Thượng Thích-Minh-Tâm, Chủ-tịch Giáo-Hội Phật Giáo Việt-Nam Thống-Nhất tại Âu Châu, và lời giới thiệu của Hòa-Thượng Thích-Minh-Tâm được tôi đăng nguyên văn trong sách này.

Thưa quí vị,

Một người bạn của con tôi ở Đài Loan khuyên tôi nên nhờ một tu sĩ viết thơ giới thiệu cho quí vị. Tôi không muốn làm điều ấy. Ngày xưa, khi Ngài Cưu-Ma-La-Thập dịch kinh, Ngài có nguyện rằng, nếu kinh Ngài dịch không sai với chánh pháp thì khi Ngài chết đi, sau khi thiêu xin cho cái lưỡi của Ngài còn nguyên vẹn. Tôi là kẻ hậu học, không sánh với bậc Thánh Tăng. Nhưng tôi đã thầm vái với Đức Từ Phụ A-Di-Đà rằng: "Nếu sách của tôi hữu ích cho chúng sanh thời Mạt pháp" xin cho được sự tiếp sức ấn tống và phát hành rộng-rãi khắp nơi.

Kính thưa quí vị,

Với thư này, tôi chánh thức xin quí vị, nếu được sự chấp nhận cho in, thì xin in với số in tối thiểu là 50.000 cuốn. Từ lâu các chùa Việt Nam, vì quá nghèo chỉ in vài ngàn cuốn. Kinh sách in từ lâu chỉ đủ phát các Tăng Ni và một số người nhiều thiện duyên, do nhờ họ thường xuyên đến chùa. Còn đa số, Phật tử chẳng biết gì về kinh sách Phật. Tôi đã nguyện, nếu sách tôi được in, thì xin cho được in số nhiều khiến khắp Phật tử chúng sanh đều được đọc và học tu. Với con số 50.000, tuykhá lớn, nhưng vẫn không đáp ứng đúng nhu cầu của các từng lớp Phật tử. Sách in quí vị có thể chia làm nhiều đợt gởi đến cho chúng tôi, cứ 6 tháng cho một lần nếu quí vị chấp thuận.Tôi sẽ kêu gọi sự ủng hộ của Phật tử ở hải ngoại giúp cho sự phân phối khi sách quí vị gởi đến.

Và để mọi Phật tử tu theo pháp môn Niệm Phật biết sách này, tôi sẽ nhờ các trang mạng lưới điện toán toàn cầu (internet) đăng lên và nhờ Trung Tâm Lotus Productionsthâu vào băng cassettes để phổ biến rộng rãi.

* * *

Và kính thưa quí vị,

Ngoài ra, tôi cũng xin trình bày thêm. Cuối quyển Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật Sưu Giảinày có một phần phụ lục. Đó là những chuyện Niệm Phật Vãng Sanh Lưu Xá Lợi. Nhờ sự gia hộ của Chư Phật, Bồ Tát, khi viết sách này tôi được biết có nhiều vị tu niệm Phật (từ năm 1995 đến năm 2000) sau khi vãng sanh, làm lễ Trà Tỳ, tìm được vô số xá lợi, và tôi thu thập đầy đủ chứng liệu cùng hình ảnh. Cũng nhờ sự gia hộ mà tôi đã áp dụng kinh để chứng thấy sự đắc quả vãng sanh Cực Lạc của quí vị ấy. Trong số 7 vị này, có Ngài Tuyên-Hóa, cùng Sư Bà Đàm-Lựu và Sa-di Thích Minh Đạt. Cư sĩ có 4 vị, trong số này có 1 nam và 1 nữ cư sĩ Việt gốc Hoa.

Trong khi chờ đợi toàn bộ sách Sưu Giảiđược quí vị in, thân nhân của quí vị đắc vãng sanh có nhờ tôi lo việc in riêng phần phụ lục với kinh phí do các thân nhân và Phật tử đóng góp. Tôi đang lo phần in này 10.000 ấn bản với tựa riêng là: "Những Chuyện Vãng Sanh Lưu Xá Lợi".

Thân nhân của vị nam Phật tử người Việt gốc Hoa hiện ở Chicago cho rằng tuân đúng theo hạnh tu của quí vị được kể trong sách phụ lục, thì chắc chắn được vãng sanh, nên họ đang tìm người nhờ dịch sang Anh và Hoa văn để họ ấn tống. Bởi nghĩ đến sự hữu ích ấy, tôi xin gởi kèm theo đây, bản đánh máy quyển "Những Chuyện Vãng Sanh Lưu Xá Lợi" để tùy quí vị suy xét. Nếu quí vị chấp thuận và cho in bao nhiêu, chúng tôi cũng chấp nhận, dù là cả trăm ngàn quyển.

* * *

Trước khi dứt lời, Phật tử Việt Nam và tôi xin nghiêng mình kính phục trước việc làm cao cả vì Phật pháp của quí tổ chức. Công đức của quí vị quả thật không thể nghĩ bàn.

Trân trọng kính chào
Tịnh Hải

Phụ chú: Nguyên văn thơ này, tôi xin mạn phép đăng trong sách Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật Sưu GiảiNhững Chuyện Vãng Sanh Lưu XáLợiđể Phật tử Việt-Nam hiểu rõ từ tâm của quí vị đã ban pháp thí cao cả đến cho họ.

Vào Đầu

Những năm gần đây bỗng có nhiều tin (có thật) về Người Tu-Niệm-Phật, sau khi chết làm lễ hỏa táng thấy có Xá-Lợi. Quả là chuyện khó tin đối với nhiều người. Tại sao?

Vì từ hồi chúng ta còn ở quê nhà, nghĩa là trước thời kỳ lưu vong 1975, chúng tôi không từng nghe nói, Phật tử tu hành sau khi lâm chung lưu lại Xá-Lợi. Trong thành phần Tăng sĩ thì có, nhưng cũng rất ít. Như trường hợp Xá-Lợi của Đại sư Ấn-Quang (Tổ thứ 13 Liên Tông), sau khi Trà-Tỳ 32 cái răng còn nguyên, Xá-Lợi ngũ sắc được vài ngàn hột. Chuyện nầy được trích trong "Đường về Cực-Lạc" tập 1 của Hòa-Thượng Thích-Trí-Tịnh. Nhưng có một điểm đặc biệt là vào thời trước, những vị tu được vãng sanh đều được Phật A-Di-Đà và Bồ-Tát báo trước ngày giờ. Như trong quyển "Đường về Cực Lạc" tập 2 dày trên 300 trang, đăng toàn những trường hợp vãng sanh biết trước ngày giờ Tây Phương Tam Thánh đến đón, với hào- quang chói sáng hương thơm ngào ngạt.

Theo Kinh Đại-Bát Niết-Bàn lúc Đức Phật nhập Niết-Bàn, sau lễ Trà Tỳ Xá-Lợi của Phật đựng đầy 8 ché vàng. Mỗi ché là một hộc và được phân chia cho 8 nước đem về xây Tháp thờ.

Kinh Đại-Bát Niết-Bàn tập 3 trang 785, Đức Phật bảongài A-Nan:"Nầy A-Nan! Nếu thấy Xá-Lợi của Như-Lai là thấy Phật...."

Có lẽ do lời nói trên mà nhiều người cho rằng chỉ có Phật mới có Xá-Lợi. Sự thật chẳng phải vậy. Chẳng những Đức Phật có Xá-Lợi mà bất cứ ai tu tinh-tấn đạt được sức định tốt, dứt được phiền não là dứt được nghiệp quá khứ, đều có Xá-Lợi (chúng tôi sẽ trình bày điểm nầy ở phần cuối bài). Chúng tôi khẳng định như thế vì điều nầy được nói trong tập 3 trang 772 Kinh Đại-Bát Niết-Bàn. Tuy nhiên, riêng đối với Đức Phật, dù khi Ngài chưa nhập Đại Niết-Bàn, móng tay và tóc của Phật vẫn được coi như là Xá-Lợi.

Tương truyền, lúc Đức Thế-Tôn vừa thành đạo dưới cội Bồ-Đề, có hai thương-gia người Miến tên là Đề-Lê Phú-Bà và Bạc-Lê-Ca đang trên đường đi ngang qua chỗ Đức Phật ngồi. Trong đêm, một trong hai người được một vị Trời là quyến thuộc trong kiếp trước, mách bảo rằng: "Đức Thế-Tôn vừa đắc quả Chánh Giác đang ngồi dưới cội Bồ-Đề, hai anh mau lo sắm sửa đồ cúng dường. Phước báu nầy sẽ đem lại cho hai anh sự an vui hạnh-phúc".

Sau lễ cúng dường hai thương-gia Miến qui y Phật. Đấy là hai người quy y Phật đầu tiên. Đức Phật liền cắt tóc và móng tay tặng để lưu niệm. Về sau Phật-giáo Miến-Điện xây Tháp thờ tóc và móng tay Phật coi như là Xá-Lợi Phật.

Theo Đại Đức Thích-Quảng-Chơn, tương truyền ngọc Xá-Lợi của Phật có thể biến hóa từ ít thành nhiều, từ nhỏ thành lớn, từ đục thành trong và tỏa sáng hào quang. Sự biến hóa kỳ diệu này phải do sự thành tâm lễ bái chí-thành của người có đạo tâm ... Thầy Abhinyana, một vị sư người Anh từng giúp đồng bào tỵ nạn tại Phi-Luật-Tân, khi đến thăm các chùa Phật-giáo Việt-Nam ở Hoa-Kỳ thường cúng dường một viên ngọc Xá-Lợi của Phật. Tôi tò mò hỏi Xá-Lợi ở đâu mà thầy có nhiều thế. Thầy Abhinyana nói rằng trong thời gian tu tập tại Ấn Độ thầy chuyên tâm lễ bái các Tháp Xá-Lợi của Phật và các viên Xá-Lợi đã hiện ra trong bình bát. Thầy có dặn thêm là nếu thờ Xá-Lợi mà không lễ bái thì Xá-Lợi sẽ biến mất (Trích Kỷ yếu Sư Bà Đàm-Lựu).

Trong Đặc San Từ Ân, thầy Đức Viên viết về Xá-Lợi của cố Sa-Di Thích-Minh-Đạt có nói: "Ai ngờ, theo kinh-nghiệm của đạo Phật, chỉ có những bậc Bồ-Tát, thật mới có Xá-Lợi".

Điều nầy Đại-Đức Đức-Viên nói không sai. Người tu Đại Thừa, dù Tăng-sĩ hay Cư-sĩ, như đã nói, tu tinh-tấn dứt hết phiền não là dứt được nghiệp quá khứ, có Xá-Lợi sau khi lâm chung.

Tại sao chúng tôi dám cả quyết Tăng-sĩ lẫn Cư-sĩ tu tinh-tấn và chí thành Niệm Phật sau khi lâm chung có Xá-Lợi!

Bởi trong Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật (H.T. Thích-Thiền-Tâm dịch, chùa Đức-Viên San José ấn tống) Đức Phật dạy:

Phẩm Thứ Nhứt:

Đức Phật nói: "Không có pháp nào hơn pháp Niệm Phật (trang 17). Đây là môn tu Đại Bát Nhã, Đại Thiền Định ... giúp chúng sanh mau chóng vượt qua địa vị phàm phu và tự chứng Pháp Thân từng phần (trang 19)."

Theo Kinh Đại Bát Niết-Bàn phải tu đến bực Thập Trụ Bồ-Tát mới thấy Pháp Thân. Ở đây Đức Phật nói, tự chứng Pháp Thân từng phần, tức tự chứng Bồ-Tát bực thấp. Phẩm Thứ Hai Phật nói rõ hơn.

Phẩm Thứ Hai:

Đức Phật nói:"Nếu có chúng sanh nào chí thành xưng niệm danh-hiệu Nam-Mô A-Di-Đà Phật, thì năng lực bất khả tư nghị của danh hiệu khiến cho Tâm thể thanh tịnh mà chúng sanh ấy không hề hay biết, tự nhiên chứng Sơ-Phần Pháp-Thân (trang 29)."

Chứng Sơ-Phần Pháp-Thân là chứng được quả Sơ-địa Bồ-Tát tức bực Hoan-Hỷ-Địa Bồ-Tát. Với Người Tu Niệm Phật do chí thành xưng niệm danh hiệu Phật, tự nhiên chứng quả mà không hề hay biết. Đây là điều đáng lưu ý. Đây là chúng tôi dẫn chứng lời Đức Phật nói trong Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật để chứng minh cho bài viết của Đại Đức Thích-Đức-Viên đăng trong Đặc San Từ Ân nói về Xá-Lợi của cố Sa-Di Thích-Minh-Đạt.

Bà Huỳnh-Ngọc-Tuyết ở Dallas tu xưng niệm danh hiệu Nam-Mô A-Di-Đà Phật, bà tu chí thành và ráo riết, buông bỏ mọi tình cảm thế gian trong thời gian 1 năm, khi lâm chung có hào quang Phật và Thánh Chúng đến tiếp dẫn, có hương thơm bay tỏa khắp nơi, sau khi làm lễ Trà Tỳ lưu lại nhiều Xá-Lợi, được Pháp sư Tịnh Không (người Trung Hoa) gọi bà Huỳnh-Ngọc-Tuyết là Bồ-Tát.

Bồ-Tát có hai hạng: một là Bồ-Tát Sơ-phát-tâm, người mới tu Bồ-Tát đạo; hai là Bồ-Tát hành đạo. Hành giả bắt đầu tu xưng niệm danh hiệu Nam-Mô A-Di-Đà Phật, được Phật và Đại Bồ-Tát gọi là Bồ-Tát Sơ-phát-tâm.

Phẩm Thứ Tư:

Phổ-Hiền Đại Bồ-Tát nói:"Danh hiệu Phật như chiếc xe khổng lồ, vì có thể chuyển vận hết thảy Bồ-Tát Sơ-phát-tâm nhanh chóng tới Phật địa (trang 69). Danh hiệu Phật như hóa thân bất tư nghị, vì luôn hiện thân Phật ngay nơi thân và tâm người xưng niệm danh-hiệu Nam-Mô A-Di-Đà Phật (trang 71)."

Bồ-Tát Sơ-phát-tâm, tuy mới bắt đầu vào Bồ-Tát đạo, nhưng đối với hành-giả tu xưng niệm danh-hiệu Nam-Mô A-Di-Đà Phật thì con đường không quá gian nan, vì danh-hiệu Phật có nhiều uy lực, thần lực, nhiều diệu dụng trợ giúp Bồ-Tát Sơ-phát-tâm; vì danh-hiệu Phật là cỗ xe khổng lồ có thể chở tất cả Bồ-Tát Sơ-phát-tâm đến cõi Cực-Lạc. Nếu hành giả chí thành và chuyên tâm xưng niệm danh-hiệu Nam-Mô A-Di-Đà Phật trong một thời gian ngắn, từ Bồ-Tát Sơ-phát-tâm sẽ trở thành Bồ-tát hành đạo không khó khăn; vì hóa thân Phật A-Di-Đà luôn luôn hiện nơi thân và tâm của người niệm Phật.

Nếu khi xưng niệm danh-hiệu Phật, hành giả luôn luôn tin tưởng hóa thân Phật A-Di-Đà đang ở trong thân và tâm mình, thì hiệu quả không thể nghĩ bàn.

Phẩm Thứ Năm:

Quán Thế Âm Đại Bồ-Tát nói: " Các pháp ở thế gian đều như huyễn. Tiếp tục xưng niệm danh-hiệu Nam-Mô A-Di-Đà Phật mà không phóng tâm theo huyễn cảnh, huyễn sự ... đó là danh-hiệu Phật đang tuôn chảy liên miên bất tận thành một khối lưu ly sáng rực, vằng vặc ... tròn đầy chiếu suốt mười phương (trang 89). Nhờ cần mẫn xưng niệm Phật hiệu mà hành giả hiện bày Tự Tâm Quang Minh Hiện Lượng, chuyển phiền não dữ dội thành Bồ-Đề Thật Tướng, đưa hành giả thẳng vào cảnh giới Thánh Trí Tự Chứng ... niệm niệm tương ứng với Đại Địa Bồ-Tát (trang 90)."

Như nơi Phẩm Thứ Nhứt, Đức Phật nói tu niệm Phật là tu Đại Bát-Nhã, Đại Thiền-Định nên phải biết các pháp thế gian đều là huyễn, tất cả đều không thật. Khi niệm Phật, các sự việc, các cảnh xảy ra trước mắt đều đừng phóng tâm theo nó, tự nhiên biết đó là huyễn sự, huyễn cảnh, thì danh hiệu Phật trở thành một dòng tâm tu��n chảy liên miên bất tận trong thân tâm hành giả; lâu ngày trở thành một khối lưu ly sáng rực, vằng vặc. Từ đó hành giả đã có hào quang mà tự mình chưa thấy; những phiền não dữ dội của hành giả đã biến thành Bồ-Đề Thật Tướng (Bồ-Đề là giác, Thật Tướng của giác là Pháp Thân) đưa hành giả vào cảnh giới Tự Chứng của bực Thánh, tương ứng với Đại Địa Bồ-Tát tức Pháp-Vân-Địa Bồ-Tát thuộc bực thứ mười: Thập Trụ Bồ-Tát.

Trong Kinh Đại Bát Niết-Bàn (tập 3 trang 763) Tu-Bạt-Đà-La hỏi Đức Phật:

- Bạch Thế-Tôn! Thế nào là Thật Tướng?

Đức Phật trả lời:

- Nầy Thiện-Nam-Tử! Tướng vô tướng gọi là Thật Tướng!

Pháp Thân không có hình tướng, nên trong Chứng Đạo Ca, Huyền-Giác Đại sư nói: "Thân không huyễn hóa tức Pháp Thân". Đó là cái thân "tướng vô tướng". Đó là Bồ-Đề Thật Tướng vậy!

Tất cả chúng sanh đều có hào quang, nhưng bị Vô-Minh phiền não che mờ, bực giác ngộ hết phiền não hào quang hiện bày.

Khoa-học ngày nay đã chế được máy chụp hình hào quang. Cư-sĩ Minh-Giác Nguyễn-Học-Tài, khi còn sanh tiền, tu niệm Phật mười năm được người con rể dùng máy chụp hình hào quang 6000 do hãng The Progen chế tạo, thấy có hào quang trên đỉnh đầu.

Phẩm Thứ Sáu:

Đại Bồ-Tát Quán-Thế-Âm nói: "Bất cứ chúng sanh nào thậm thâm tin hiểu và hoan-hỷ thọ trì danh-hiệu Nam-Mô A-Di-Đà Phật hoặc một ngày, hoặc bảy ngày, hoặc nhiều lần của bảy ngày, thì sẽ đắc mười pháp quyết định bất khả tư nghị (trang 111)."

Trong mười pháp quyết định có pháp thứ chín, nói: "Quyết định hòa hợp thân và tâm vào Kim Thân của chư Phật" (trang 112). Kim Thân tức là thân màu sắc vàng ròng của chư Phật. Khi niệm Phật hòa hợp thân và tâm vào Kim Thân Phật là hành giả đắc Pháp-Vân-Địa Bồ-Tát, tức niệm niệm tương ứng với Đại Địa Bồ-Tát mà Phẩm Thứ Năm đã nói.

Đến đây hành giả được đầy đủ Bát Nhã và Thiền-định, chắc-chắn được đầy đủ Xá-Lợi. Nếu hành giả hành trì thêm Thần chú tức đắc thêm pháp Tổng Trì Đà-La-Ni thì thật hoàn hảo. (Sư bà Đàm-Lựu vừa trì chú vừa niệm Phật nên Sư Bà đắc được Pháp Thân).

A-La Hán Cũng Có Xá Lợi

Bực Thánh đều có Xá-Lợi. A-La-Hán cũng là bực Thánh, nên A-La-Hán cũng có Xá-Lợi như Bồ-Tát và Phật.

Kinh Đại Bát Niết-Bàn (tập 3 từ trang 753) Đức Phật kể chuyện ông Tu-Bạt-Đà-La, một Phạm Chí, (tức Bà-La-Môn xuất gia), năm 120 tuổi tu tới Phi Tưởng Phi Phi Tưởng định. Vị nầy tu tới đây, kẹt lại đây, mà tưởng mình đã được Nhứt Thiết Chủng Trí, và tưởng sẽ đắc quả Niết-Bàn.

Lúc đó vào ban ngày, chỉ còn chờ tới nửa đêm là Đức Phật nhập Đại Niết-Bàn. Do duyên quá khứ, Đức Phật muốn độ Ông Tu-Bạt-Đà-La là người cuối cùng trước khi vào Đại Niết-Bàn nên sai A-Nan kêu Tu-Bạt-Đà-La đến.

Nghe Đức Phật nói pháp thậm thâm vi diệu, Tu-Bạt-Đà-La được pháp nhãn thanh tịnh bỏ tà kiến xin xuất gia. Đức Phật chấp nhận. Tu-Bạt-Đà-La vui mừng hớn hở, râu tóc tự rụng, thành tướng Sa-Môn, dứt hết phiền não được quả A-La-Hán.

Ngài Tu-Bạt-Đà-La dứt hết phiền não được quả A-La-Hán.Đây là Kinh Đại-Bát Niết-Bàn. Trong Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật Ngài Quán Thế Âm nói: "Chuyển phiền não dữ dội thành Bồ-Đề Thật Tướng"được Pháp Thân.

Phiền não quan trọng như vậy đó. Xin quí vị lưu ý chữ phiền não, chúng tôi sẽ trở lại ở đoạn sau.

Sau khi được quả A-La-Hán, Tu-Bạt-Đà-La xin Đức Phật nán lại đừng nhập Niết-Bàn. Đức Phật nín lặng chẳng hứa. Tu-Bạt-Đà-La bèn khóc thảm thiết và xin Phật cho được chết trước. Bạch xong Tu-Bạt-Đà-La liền ở trước Phật mà nhập Niết-Bàn.

Đức Phật bảo đại chúng: "Tu-Bạt-Đà-La đây đã từng cúng dường hằng hà sa chư Phật, đã trồng sâu căn lành, do sức đại-nguyện ... Đại chúng phải nên cúng dường thi hài của ông ấy và xây lập tháp miếu".

Đại chúng y lời Phật dạy, dùng gỗ thơm Trà Tỳ thi hài của Tu-Bạt-Đà-La. Trà Tỳ xong, đại chúng tìm thấy Xá-Lợi, dựng tháp cúng dường.

Tu-Bạt-Đà-La đã từng cúng dường hằng hà sa chư Phật, đó là nguyên nhân trước khi nhập Đại Niết-Bàn, Đức Phật ráng độ cho Tu-Bạt-Đà-La được quả A-La-Hán.

Dưới đây là chuyện những vị tu Niệm Phật, tại Hoa-Kỳ và Canada, sau khi lâm chung làm lễ hỏa táng, lưu lại Xá-Lợi trong thập niên 1990 đến năm 2000. Trong hàng Tăng-sĩ có Hòa-Thượng Tuyên-Hóa, Sa-Di Thích-Minh-Đạt và Sư Bà Đàm-Lựu. Cư sĩ có bà Diệu-Âm Huỳnh-Ngọc-Tuyết, bà Diệu-Hưng Nguyễn-Thị-Tân, cụ bà Quảng-Khánh Huỳnh-Thị-Dền và ông Chúc-Quý Lư-Nhiên-Phú.

Nhưng với người Việt-Nam-Tu-Phật, nói đến Xá-Lợi không ai có thể không nhắc đến viên Xá-Lợi độc đáo nhứt trong đạo Phật. Đó là Trái Tim Xá-Lợi Bất Diệt của Bồ-Tát Thích-Quảng-Đức.

Do vậy, chúng tôi xin cống-hiến cho quí vị về viên Xá-Lợi Đặc Biệt của Bồ-Tát Quảng-Đức, đó là Trái Tim Bất Diệt với tài liệu đặc biệt chưa từng công bố. Đây là chứng minh sự đắc quả của một bực chân tu

Sự tích Hoa Sen
Ngàn Cánh Hoa Sen Ngàn Cánh

100vangsanhluuxaloi-hoasen

Hình chụp tại chùa Diệu-Thông, Cao-Hùng, Đài-Loan, lúc Hòa-Thượng Quảng-Khâm viên-tịch. Một đệ tử tại gia chụp hình lưu niệm, còn dư một phim, thấy ánh trăng liền đưa máy lên "chụp chơi". Khi rửa hình thì không thấy mặt trăng mà có hình hoa sen nhiều cánh như trên, chứng tỏ "HOA SEN của Ngài Quảng-Khââm đã nở".

HOA SEN thật độc-đáo, chỉ có HOA SEN nầy mới có thể ngồi vào khi vãng sanh cực-lạc.

Hình HOA SEN nầy được Tịnh-Trung Học Viện Dallas, Texas, biếu cho Phật tử. Trong lời chú-thích có sáu chữ "Phật Pháp Bất Khả Tư Nghị". Bên góc trái có ghi tên nhà in, địa chỉ và số điện thoại để bảo đảm giá trị; nhưng rất tiếc không thấy rõ chữ mà chỉ thấy số điện thoại: 02-9292-807 và 02-9248-720.

Theo sách Cẩm Nang Tu Đạo, HT Quảng Khâm viên tịch vào năm 1986, đại thọ 94 tuổi. Ngài theo Pháp Môn Thiền Tịnh Song Tu, từng ngồi Thiền nhập đại định và mỗi lần nhập định kéo dài nhiều tháng. Khi viên tịch Ngài ngồi giữa chánh điện, đại chúng đồng thanh niệm Phật, Ngài nhìn gật đầu mỉm cười, rồi nhắm mắt lại an nhiên theo tiếng niệm Phật mà ra đi.

Trái Tim Xá Lợi Bất Diệt
của Bồ-Tát Thích Quảng Đức

100vangsanhluuxaloi-btqd

Hòa-Thượng Thích-Quảng-Đức đi tu từ thuở nhỏ ở miền Trung. Ngài sống cuộc đời giản dị và hoằng pháp độ sanh bằng phương cách xây dựng nhiều chùa. Trong cuộc đời Ngài đã xây cất tất cả 31 ngôi chùa, gồm 14 chùa ở miền Trung và 17 chùa ở miền Nam.

Trong cuộc tranh đấu Phật Giáo chống chánh sách Kỳ thị Tôn Giáo và gia đình trị của chế độ Ngô-Đình-Diệm vào mùa Phật Đản 1963, là thời kỳ sôi nổi nhứt, Hòa-Thượng Thích-Quảng-Đức về ngụ tại chùa Ấn-Quang để tiện bề tham gia cuộc tranh đấu.

Ngày 30-5-63, Hòa-Thượng tham gia cuộc biểu tình tại công trường Lam Sơn trước Quốc Hội, tới 5 giờ chiều về chùa Xá-Lợi dự cuộc tuyệt thực. Dịp nầy Hòa-Thượng Thích-Quảng-Đức trình lên Ủy-Ban Liên-Phái Bảo Vệ Phật-Giáo một bức Tâm thư xin tình nguyện tự thiêu. Thư đề ngày 27-5-63. Ủy-Ban Liên-Phái không chấp nhận sự tự thiêu.

Nhưng đến ngày 10-6-63, tình hình không được sáng sủa, chẳng những vậy mà Phật giáo tại Huế đang bị lâm nguy. Lúc nầy Hòa-Thượng đang tụng Kinh Pháp-Hoa tại chùa Ấn-Quang. Vào 8 giờ tối 10-6-63, Thương-tọa Thích-Tâm-Châu và Thiện-Hoa đang họp ở chùa Xá-Lợi. Quí vị cho mời Đại Đức Thích-Đức-Nghiệp tới chùa để nhờ Đại Đức chuyển lời hỏi Hòa-Thượng Quảng-Đức về tâm nguyện tự thiêu nếu Hòa-Thượng không thay đổi thì tổ-chức ngay cuộc tự thiêu vào ngày hôm sau.

Hòa-Thượng Quảng-Đức trả lời Đại Đức Đức-Nghiệp rằng Ngài vẫn quyết tâm hy-sinh cho đạo pháp, tự thiêu để cúng dường Tam Bảo. Trả lời Đại Đức Đức-Nghiệp xong, Hòa-Thượng bình thản như không có chuyện gì, lúc ấy là 7 giờ 30 đêm 10-6-1963, Ngài lên chánh điện Chùa Ấn-Quang chủ lễ khóa Tịnh-Độ thường ngày. Buổi lễ cuối cùng ấy có Đại Đức Huệ-Thới đi chuông, Đại Đức Đức-Niệm đi mỏ.

Đại chúng hiện diện đều không ai biết một biến-cố quan trọng sắp xảy ra. Sau khi Phật tử về hết, tại giữa chánh điện, Hòa-Thượng Quảng-Đức mới tâm sự với hai Đại Đức rằng:

- Vì đạo pháp tôi xin hiến thân giả huyễn nầy để cho Pháp Nạn được giải thoát. Ngày mai nầy tôi sẽ từ giã cõi đời, hẹn gặp hai Thầy ở cảnh giới Cực Lạc của Đức Phật A-Di-Đà. Sau khi tôi tự thiêu để hiến dâng cho Phật Pháp, xin các Thầy lưu ý, vì tôi không thể trực tiếp nói điều này với các Ngài lãnh đạo:

Một là, sau khi thân tôi thiêu thành tro bụi sẽ còn lưu lại một vật gì đó cho đời, thì đó là kết quả tốt đẹp về lời Phát nguyện của tôi hiến dâng thân này cho Đạo Pháp và đó cũng là thành quả đời tu hành của tôi.

Hai là, khi tôi thiêu, nếu tôi chết trong tư thế nằm ngửa thì nguyện vọng Phật-Giáo sẽ thành công, các Thầy cứ tiếp tục tranh-đấu. Ngược lại nếu tôi chết nằm sấp thì quý Thầy nên tìm cách đi ra các nước Miên, Lào, Thái, v.v... để mà tu, nguyện vọng tranh đấu của Phật-Giáo sẽ không thành.

Ba là, ngày di quan tài của tôi, nếu các Thầy có cảm thấy triệu-chứng gì lạ lạ, có thể là ngủ mộng thấy, có thể là cảm giác hay triệu chứng gì thì nên đình chỉ ngay, dời việc di quan qua ngày khác.

Nghĩ lại ba điều Hòa-Thượng Quảng-Đức nói đêm trước ngày tự thiêu đều hiển ứng:

1. Thân thể Ngài thiêu thành tro, mà quả tim của Ngài vẫn còn đỏ hồng như trái xoài chín dưới sức nóng 4.000 độ; nóng đến nỗi lò thiêu An-Dưỡng-Địa đã phải nứt nẻ.

2. Khi ngọn lửa thiêu thân vừa lặn tắt, ba lần cuối đầu xá về hướng Tây, liền ngay khi đó, Ngài bật ngửa nằm im trên mặt đất giữa ngã tư đường Phan-Đình-Phùng và Lê-Văn-Duyệt trong tiếng niệm Phật vang dội của hàng trăm chư Tăng Ni đang ngồi vây quanh chấp tay thành kính. Tư thế viên-tịch đúng như Ngài huyền ký lại, làm cho Tăng tín đồ tin tưởng vào sự thành công nguyện vọng bình đẳng tôn giáo mà quyết tâm dấn thân hơn. Chung cuộc chánh nghĩa đã thắng.

3. Ai sống trong thời 1963, nếu có lưu tâm đến thời cuộc đều nhớ ngày di quan của Hòa-Thượng Quảng-Đức ra An-Dưỡng-Địa để thiêu. Theo chương trình là 10 giờ sáng. Dân chúng ở hai bên đường Phan-Thanh-Giản và đường Minh-Mạng lập hương án để tiễn đưa Ngài; nhưng mọi người đợi mãi đến hơn 12 giờ trưa mà vẫn chẳng thấy đâu. Sau đó mới nhận được thông báo của Ủy-Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật-Giáo cho biết dời ngày di-quan. Dân chúng lúc bấy giờ vô cùng bàng-hoàng kinh ngạc. Khoảng 2 giờ chiều hôm ấy, người ta thấy năm bảy người mặc sắc phục đen lặng lẽ từ dưới bờ ruộng bước lên gở những quả mìn đã được chôn từ lúc nào trên quãng đường đất dẫn đến lò thiêu của An-Dưỡng-Địa.

Sau 3 lần cúi sấp, nhục thân của Bồ-Tát Thích-Quảng-Đức đã bật ngửa ra sau đem đến niềm tin thắng lợi cho cuộc tranh đấu vì đạo pháp của toàn thể Tăng tín đồ Phật-Giáo.

*

Nói về Hòa-Thượng Quảng-Đức, người sống rất giản-dị thật bình dân. Lúc nào tay cũng lần chuỗi, niệm Phật với gương mặt thản nhiên và miệng luôn luôn như mỉm cười. Những ngày Ngài ở chùa Ấn-Quang để chờ cấp lãnh-đạo Phật-Giáo chấp thuận tâm nguyện tự thiêu, Ngài ăn cơm với Tăng chúng, chứ không ngồi ăn cùng bàn với Ban Giám-đốc Phật-Học Đường Nam-Việt Chùa Ấn-Quang, hay các vị lãnh đạo Phật-Giáo.

Nói như thế để chúng ta thấy rằng, người mang tâm nguyện Bồ-Tát vào đời hành đạo bao giờ cũng thể hiện đời sống bình dị, pháp tu đơn giản của Phật dạy. Pháp tu đơn giản mà chúng tôi muốn nói ở đây chính là Pháp môn niệm Phật. Có lẽ vì quá đơn giản mà người đời xem thường, từ tâm lý xem thường đưa đến khó tin vào năng lực của Pháp môn niệm Phật, như Kinh A-Di-Đà Phật nói: "Nan tín chi pháp" . Có nghĩa là Pháp môn niệm Phật vãng sanh Cực Lạc thật là đơn giản mà hiệu năng thì vô cùng. Vì vậy mà người đời khó tin!

Tưởng cũng nên nhắc lại, đến đêm 20-8-63, Ngô-Đình-Diệm lại phản bội những gì đã ký kết với Phật-Giáo, rồi cho lịnh tấn-công vào các chùa, bắt giam tất cả Tăng Ni toàn quốc, kể cả các vị lãnh đạo Ủy Ban Liên Phái Bảo vệ Phật Giáo Việt-Nam tại Chùa Xá-Lợi.

Trong đêm đó cảnh-sát của Diệm Nhu dự định đoạt lấy Trái Tim Xá-Lợi, nhưng một Thiếu Tá cảnh-sát đã nhanh tay cất giấu Trái Tim Xá-Lợi ấy, toán Cảnh Sát quýnh quáng tìm kiếm mà không ra. Sau khi tình hình yên ổn vị Thiếu Tá ấy - là một Phật tử – đem hoàn lại vật thiêng cho quý vị lãnh đạo Phật-Giáo tại chùa Xá-Lợi.

Sau nầy khi Cộng Sản chiếm Sàigòn, họ đã cưỡng đoạt chiếm lấy Trái Tim Xá-Lợi Bất Diệt của Bồ-Tát Thích-Quảng-Đức để làm quốc bảo đồng thời cũng để tuyên truyền cho chế độ.

Thường niệm Nam-Mô A-Di-Đà Phật:sẽ được đầy đủ Sáu Ba-La-Mật

Đại Bố Thí: Trong quên mình, ngoài quên cảnh.Đại Trì Giới: Không sanh lòng tham, sân, si. Đại Nhẫn Nhục: Chẳng chấp thị phi, nhân ngã.Đại Tinh Tấn: Niệm Phật không gián đoạn.Đại Thiền Định: Vọng tưởng không móng khởi.Đại Trí Tuệ: Không bị sư khác và pháp khác làm mê lầm.

Xá Lợi
của Đại Sư Tuyên Hóa

100vangsanhluuxaloi-httuyenhoa

Hòa-Thượng Tuyên-Hóa không phải là một Tăng sĩ Việt-Nam, nhưng Ngài là người tu Phật giáo, vừa tu Thiền vừa Niệm Phật tức Thiền Tịnh Song Tu, khi lâm chung để lại Xá-Lợi nên chúng tôi nêu danh Ngài ở đây.

Ngài được sanh ra tại đất Mãn-Châu tức vùng Đông Bắc nước Trung-Hoa. Từ nhỏ Ngài đã có tâm tu, muốn xuất gia nhưng thân mẫu Ngài muốn khi bà chết hãy đi tu. Từ đó mỗi ngày Ngài lạy Phật, cha mẹ, trời đất.v.v... sáng 837 lạy, chiều 837 lạy.

Năm 19 tuổi mẹ chết, Ngài liền xuống tóc xuất gia. Rồi Ngài về nơi mộ mẹ cất túp lều tranh nhỏ, thủ hiếu ba năm. Suốt ngày Ngài tọa Thiền, tụng Kinh điển Đại Thừa và xưng niệm danh-hiệu Nam-Mô A-Di-Đà Phật.

Nhiều lần Ngài ngồi Thiền rồi nhập định liên tiếp nhiều tuần lễ. Một đêm nọ dân chúng quanh vùng hốt hoảng thấy nơi túp lều của Ngài hừng hực lửa đỏ. Họ tưởng lều Ngài cháy, nhưng đến nơi thì căn lều vẫn nguyên vẹn và lặng yên, còn Ngài thì đang nhập định.

Có lần Ngài đang tọa Thiền thì thấy Lục Tổ Huệ-Năng đến viếng dạy rằng "Tương lai Ngài sẽ đến Mỹ Quốc để độ sinh." Sau đó Ngài đi về hướng Nam nước Tàu, đến chùa Nam-Hoa, nơi Lục Tổ Huệ-Năng còn để lại nhục thân. Nơi đây Ngài gặp Hòa-Thượng Hư-Vân lúc ấy đã 109 tuổi, mà Ngài thì chỉ mới 28 tuổi. Đại lão Hòa-Thượng Hư-Vân ấn chứng Sở đắc của Ngài. Từ đó Ngài là thị giả của Hòa-Thượng Hư-Vân. Rồi Ngài chánh thức thành Tổ thứ chín của Thiền Tông Quy Ngưỡng và trở thành Viện Trưởng Viện Giới Luật của chùa Nam-Hoa.

Ngài chuyên ăn ngọ và ngủ ngồi.

Năm 1946, Ngài rời chùa Nam-Hoa sang Hong-Kong lập chùa giảng đạo. Năm 1962 Ngài sang Hoa-Kỳ thực hiện lời dạy của Lục Tổ Huệ-Năng.

Ngài đem chánh-pháp đến Bắc Mỹ, xây dựng nhiều chùa ở Hoa-Kỳ và Canada. Nhiều chùa của Hòa-Thượng Tuyên-Hóa có tầm vóc quốc tế như Vạn Phật Thánh Thành, Pháp Giới Thánh Thành. Ngài còn lập trường dạy chữ cấp Tiểu-Học và Trung-Học.

Sau cuộc lưu vong vĩ đại chưa từng có trên thế giới của mấy triệu người Việt-Nam, quí vị Tăng Ni Việt-Nam được kể là người đem Phật Giáo đến cho toàn thế giới; nhưng không ai quên được Hòa-Thượng Tuyên-Hóa, vì chính Ngài là người đơn thân độc mã đến Úc Châu và Mỹ Châu trước người Việt-Nam chúng ta, đúng như lời báo trước của Lục Tổ Huệ-Năng.

Ngài viên tịch tại Los Angeles ngày 7 tháng 6 năm 1995, đại thọ 77 tuổi. Lễ nhập quan cử hành tại Long Beach Thánh Tự vào 12 tháng 6 và Kim quan được cung thỉnh về Vạn Phật Thánh Thành vào 16-6-95. Thừa di-huấn của Ngài, tứ chúng đệ tử tại các đạo tràng đều chuyên tâm trì tụng Kinh Hoa-Nghiêm và Niệm Phật suốt 49 ngày.

Khi xuất gia Ngài theo Thiền Tông, nhưng từ lúc đến chùa Nam-Hoa, Ngài áp dụng Thiền-Tịnh Song Tu như Hòa-Thượng Hư-Vân. Ba mươi ba năm sống trên đất Mỹ, Ngài giảng Kinh Lăng-Nghiêm trong 96 ngày, rồi các Kinh Bát-Nhã Tâm-Kinh, Địa-Tạng, Pháp-Hoa, Pháp-Bảo Đàn và Hoa-Nghiêm Kinh.

Lễ Trà Tỳ được cử hành vào ngày 28/7/95, tức hơn 50 ngày sau khi Ngài viên tịch, tại Vạn-Phật Thánh Thành. Bồ-Tát Tuyên-Hóa đã lưu lại nhiều Xá-Lợi.

Trước khi tịch Ngài đã di giáo: "Khi tôi đến, tôi không có gì cả; Khi tôi đi tôi vẫn không có gì cả. Tôi không muốn để lại dấu vết gì trên thế gian. Tôi từ hư không đến. Tôi sẽ trở về hư không!"Vì vậy tất cả tro cốt của Ngài được rải khắp địa phận Vạn-Phật Thánh Thành bằng khinh khí cầu. Trừ những viên Xá-Lợi được chia thờ ở các Chùa!

Xá Lợi Sư Bà Đàm Lựu

Thị tịch ngày 26-3-1999

100vangsanhluuxaloi-sbdamloi

Đàm-Lựu vừa là tên cũng là đạo hiệu của Sư Bà. Sanh năm 1933 tại xã Thanh-Oai, Hà-Đông Bắc Việt, lúc hai tuổi được cha mẹ đem tặng cho Sư Cụ Đàm-Soạn nuôi, vì khó nuôi. Năm 16 tuổi Sư Bà thọ Sa-Di Ni Giới, 19 tuổi thọ Tỳ Kheo Ni Giới.

Năm 1952 theo Sư Cụ Đàm-Soạn vào Nam. Năm 1964 được đưa du học ở Tây Đức. Năm 1970 làm Giám-đốc Cô-Nhi-Viện Lâm-Tỳ-Ni tại Sàigòn.

Năm 1977 vượt biên tại Vũng Tàu. Năm 1980 lập chùa Đức Viên tại San José, California.

Năm 1984, để sáng l���p một ngôi chùa mới rộng rãi khang trang hơn, Sư Bà bắt đầu gây quỹ để xây dựng ngôi Tam-Bảo, bằng cách hướng dẫn ni chúng và Phật tử trong chùa làm thức ăn chay bán vào các ngày rằm, mùng một, cũng như chủ nhựt hằng tuần và các ngày lễ lớn.

Để mọi người đều có thể gieo trồng thiện căn với Tam Bảo, Sư Bà kêu gọi và phát động việc thu nhặt lon nhôm, giấy báo, thùng cát-tông, ... Việc làm của Sư Bà được sự ủng hộ nồng nhiệt hơn từ đó.

Phạm vi bài nầy không chú trọng về tiểu sử mà muốn nói về Pháp tu của Sư Bà. Theo Kỷ Yếu của Sư Bà thì Pháp môn hành trì của Sư Bà là Trì Chú và Niệm Phật cầu vãng sanh Tây Phương Cực-Lạc mà không lúc nào Sư Bà xao lãng.

Trong tập Kỷ Yếu có đăng một bài của nữ Phật tử tên Nguyệt-Chiếu Đoàn-Thúy-Nga viết một lá thư gởi về Thế-Giới Cực-Lạc cho Sư Bà. Lời lẽ trong thơ vô cùng trung thực và cảm động khi nói về Pháp-môn của Sư Bà. Lời lẽ rất cảm động chứa đựng tình trò đối với Thầy tha thiết, nồng ấm. Chúng tôi xin trích đăng vài đoạn:

Kính bạch Thầy,

Lần đầu tiên con viết thư đến Thầy, bởi Thầy giờ đây ở rất xa, cõi Cực-Lạc, mà theo như Đức Phật Bổn Sư dạy, nơi đấy cách xa Ta Bà hơn 10 vạn ức Phật Độ, và con giờ chưa thể đến thăm Thầy được.

Thầy dặn, ngày Thầy đi không được khóc, nhưng con vẫn không cầm được nước mắt giàn giụa vì mủi lòng thương nhớ, dù trong đầu con đang quán tưởng xem nhân duyên nào kết hợp để mối thương cảm tràn đầy đến độ như thế trong con ...

Con nhớ năm cuối của Thầy, con để ý thấy Thầy tụng Kinh thường ngừng quãng như yếu hơi. Khi con quan tâm hỏi, Thầy bảo chỉ cảm xoàng thôi. Hôm con thấy tay Thầy run run con hơi ngại, Thầy bảo già rồi nên thế. Từ đấy con yên lặng để ý đến Thầy, và thường xuyên thăm hỏi mỗi lần con gặp Thầy. Con hỏi nhiều quá đến độ Thầy phải bảo át đi là: "Con chỉ lo hão, có thân là phải yếu."

...

Thầy giản-dị, khiêm-cung, nhu-hòa, nhẫn-nhục, nhưng cương-quyết thực-hành chí nguyện độ sinh, luôn lấy câu niệm Phật cầu sinh Tây Phương nằm lòng. Biết bao lần con vui mừng vì cảm nhận: con được Thầy xem con như người bạn sen đặc biệt. Năm ngoái, khi Thầy Phước-Nhơn ở Úc sang. Thầy ân cần giới thiệu con với Thượng Tọa, con là người con của Đức Phật A-Di-Đà. Thầy thường cởi mở, chân thành, tha-thiết, tán-thán Pháp môn Niệm Phật, và thân thiết tâm sự với con về Pháp môn tu của Thầy: dốc lòng tu trì câu hồng danh A-Di-Đà và nguyện vãng sinh Cực-Lạc. Mỗi lần nói đến điều nầy với con, mỗi lần kể những phương tiện giúp người niệm Phật Thầy đều hoan-hỷ, khuôn mặt rạng rỡ vì niềm tin nơi Từ Phụ ...

...

Khi chánh điện hoàn thành, Thầy tổ chức lễ an-vị Tam Thánh Tây Phương, thân kim sắc cao lớn, tướng hảo thật trang nghiêm. Có lần chỉ có hai Thầy trò đứng ngắm Tam Thánh và Thầy vô cùng hoan-hỷ, niềm hoan-hỷ đặc biệt của những người mơ ước khi bỏ thân nầy được sinh trong nụ hoa sen nơi miền Cực-Lạc.

Cá nhân chúng tôi thích và quí trọng Sư Bà ở chỗ này. Vì Sư Bà y theo Kinh Quán-Vô-Lượng Thọ mà thờ tượng Tây Phương Tam Thánh. Đa số người tu Tịnh Độ thời nay thường niệm Phật nhiều mà ít có người sử dụng pháp quán tưởng, vì cho là khó tu. Thật ra thì hành giả tu Tịnh-Độ nên học biết về Tây Phương Tam Thánh. Và bất cứ lúc nào cũng tưởng nghĩ đến Tây Phương Tam-Thánh thì khi lâm chung có nhiều điều lợi. Chính vì lẽ đó chúng tôi đã ấn tống ảnh Tây Phương Tam Thánh và thâu băng Pháp-Tu Quán Phật Trì-Danh Tịnh-Độ Thiền.

Trong lá thư gởi Sư Bà của nữ Phật tử Nguyệt Chiếu có nhắc đến sự hoan-hỷ của Sư Bà đối với Tam-Thánh và danh-hiệu của hồng danh Nam-Mô A-Di-Đà Phật.

Trong Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật - quyển Kinh nầy do Sư Bà ấn tống đầu tiên năm 1997 tại Hoa-Kỳ - Đại Bồ-Tát Quán-Thế-Âm dạy: "Bất cứ chúng sanh nào thậm thâm tin hiểu và hoan-hỷ thọ trì danh-hiệu Nam-Mô A-Di-Đà Phật hoặc một ngày, hoặc bảy ngày, cho tới nhiều lần của bảy ngày, thì sẽ đắc mười pháp quyết định bất khả tư-nghị."

Nơi đây chúng tôi đăng trọn mười pháp quyết định, vì nó tối hệ trọng đối với người tu niệm Phật, như là:

1. Quyết định đời đời thọ sanh trong dòng giống Như Lai.

2. Quyết định vĩnh-viễn an trú trong cảnh giới vô lượng quang minh nghiêm sức của chư Phật.

3. Quyết định thấu triệt công hạnh, tâm nguyện của chư Bồ-Tát.

4. Quyết định an trú trong vô số Ba-La-Mật.

5. Quyết định tham dự trong những chúng hội đạo tràng của chư Như Lai.

6. Quyết định đủ năng lực hiện bày thể tánh và chủng tướng của chư Như Lai.

7. Quyết định an trú trong trí tuệ siêu việt, giải thoát của Như Lai, thâm nhập Bồ-Đề giác tánh của chư Phật.

8. Quyết định an trú trong bản nguyện vĩ đại của Đức Phật A-Di-Đà, chắc-chắn được Ngài tiếp dẫn

9. Quyết định hòa hợp thân và tâm vào trong Kim thân của chư Phật.

10. Quyết định hóa sanh tự nơi hoa sen báu, cùng một chỗ ở với chư Phật, chư Thánh Chúng.

Như chúng tôi từng nói, người đắc Mười Pháp Quyết Định chắc-chắn đắc quả Đại Địa hay Pháp Vân Địa Bồ-Tát tức Thập Địa. Trong thư Bà Nguyệt-Chiếu kính gởi Sư Bà cũng nguyện đạt đến quả vị Thập Địa Bồ-Tát, chúng tôi nghĩ bất cứ ai có thiện căn và quyết tâm đều sẽ được như nguyện.

Với một người tin hiểu và luôn luôn hoan-hỷ xưng niệm danh-hiệu Nam-Mô A-Di-Đà Phật như Sư Bà Đàm-Lựu, chắc-chắn đã đắc nhiều phần trong Mười Pháp Quyết Định mà Ngài Quán-Thế-Âm nói, khi lâm chung hẳn phải có điều lạ.

Bây giờ xin đọc tiếp bức thư của Phật tử Nguyệt-Chiếu:

"Thầy thường tâm sự là sở dĩ Thầy theo Tịnh Độ vì lòng tin sâu xa phát khởi khi chứng kiến Sư Phụ của Thầy chuyên trì câu A-Di-Đà và khi đi Sư Cụ biết trước ngày giờ, an nhiên tự tại... Và cách đây mấy năm một bà cụ già người Việt gốc Hoa ở Texas (ám chỉ bà Huỳnh-Ngọc-Tuyết - Lời người sưu giải) cũng chỉ nhất tâm niệm hồng danh A-Di-Đà, khi ra đi có hương thơm và để lại hoa Xá-Lợi ...

Kính bạch Thầy,

Thầy đã biết trước lúc đi, và đã an nhiên tự tại trong tiếng niệm Phật A-Di-Đà của Tứ chúng. Từ lúc Thầy thị hiện bịnh nặng đến cuối buổi Trà Tỳ, đạo tràng Đức-Viên đã vang rền câu "Nam-Mô A-Di-Đà Phật" không dứt hơn 3 tháng trời. Câu Nam-Mô A-Di-Đà Phật đã vang lên, tỏa rộng khắp nơi, vượt cả mấy từng trời, đúng như ước nguyện của Thầy đã từng kể cho con: "Nơi đây có đạo tràng Đức-Viên, giống như của chư Tổ Tịnh-Độ, mà tiếng Niệm Phật vang rền không ngừng nghỉ". Tín tâm của tứ chúng phát khởi và tăng trưởng, nhất là sau buổi Trà Tỳ, Thầy còn để lại vô số Xá-Lợi cho người sau. Một ông cụ thường Niệm Phật bảo con: "Bây giờ không tin cũng phải tin, đấy là chứng cớ hiển nhiên nhất".

Trước khi trở lại Xá-Lợi của Sư Bà, chúng tôi xin trích vài đoạn Nhật Ký của một thị giả của Sư Bà. Đọc Nhật Ký nầy quí vị sẽ thấy rõ đức hạnh tu của Sư Bà đối với Pháp môn Niệm Phật mà Sư Bà không một giờ phút nào xao lãng.

Trong Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật, Đại Bồ-Tát Quán-Thế-Âm nói: Bất cứ chúng sinh nào kiên trì, dũng mãnh, xưng niệm Nam-Mô A-Di-Đà Phật, như mũi tên bắn thẳng tới đích nhắm, thì thành tựu những pháp Tinh Tấn, nghĩa là không mỏi nhọc, nhàm chán. Chính Sư Bà đã thành tựu những pháp Tinh Tấn do niệm Phật không mỏi nhọc không nhàm chán. Sư Bà như là mũi tên bắn thẳng tới đích. Chắc-chắn Sư Bà đã đến cõi Cực-Lạc.

Và đây những đoạn Nhật Ký đáng đọc:

* Ngày 30/9/1998

Chiều nay là lớp Luật Tỳ-Kheo-Ni. Thầy dạy gọi Sư bác Viên-Diệu (thư ký của chùa) vào, và đổi lớp học bằng phiên họp "Bất thường". Thầy dạy rằng vô-thường có thể đến với bất kỳ ai và bất cứ lúc nào, Thầy muốn chúng tôi tập điều-hành công việc của chùa. Linh cảm có chuyện không hay, rồi nước mắt lặng lẽ rơi. Thầy chỉ định và chúng tôi tán thành Ban Điều Hành mới của Chùa.

* Đêm 25/12/1998

Từ chiều đến giờ Thầy thở không được, tay chân và bụng Thầy sưng khắp. Chúng tôi sợ quá nên đưa Thầy đi emergency ... Sáng hôm sau, Bác sĩ Kuo và một nhóm Bác sĩ cho biết họ không thể nào tap nước được bởi Thầy đang uống thuốc Coumadin. Càng nghe Bác sĩ giải thích bệnh trạng của Thầy, chúng tôi như thấy đất trời tối lại. Nhưng Thầy vẫn vậy, mặt không một nét thay đổi. Nhìn Sư già Nguyên run cả giọng để thông dịch cho Thầy, trong khi sắc mặt Thầy vẫn bình thản và còn hỏi thêm chi tiết khác ... Họ để Thầy xuất viện vì không thể làm gì hơn được, Sư già Nguyên cố nài nỉ họ tìm cách. Thầy an nhiên bảo: "Con vẫn chưa thành người lớn được".

* Mồng 9/1/1999

Hơn 2 giờ khuya, Thầy thấy chúng tôi không đi ngủ nên đuổi hết ra khỏi phòng với lý do: "Các con ra đi cho Thầy niệm Phật"... Sư già Nghiêm xuống đánh thức cả chúng dậy lên chánh điện niệm Phật cho Thầy, và đồng thời gọi Thầy Vĩnh-Nghiêm, Thầy Minh-Đức và quý Thầy bên Duyên Giác. Mặc dù đang trong trạng thái hôn mê, nhưng khi nghe tiếng Niệm Phật của đại chúng. Thầy lại tỉnh hẳn và kêu chúng tôi vào dặn: "Sau này Thầy đi rồi, chị em các con phải thương yêu lẫn nhau, phải tu học và sống theo chánh pháp". Rồi lại thở thật yếu và thiếp đi. Quý Thầy sang đến nơi, vào thăm Thầy. Quý Thầy cao thanh niệm Phật trong phòng, Thầy đang trăn trở bỗng nằm yên, chấp hai tay lên ngực và niệm Phật theo ... Khoảng 5 giờ sáng, khi đại chúng đang còn niệm Phật ngoài Chính Điện, Thầy ngồi dậy và dạy đi lấy áo lễ và y cho Thầy ... Thầy đến thẳng giữa Chính Điện lễ Phật ba lễ rất thành kính và mỉm một nụ cười hoan-hỷ. (Sau này Thầy bảo khi nghe tiếng niệm Phật ngoài Chính Điện, Thầy thấy vui quá nên mới ra lễ Phật).

* Mồng 10/1/1998

Thầy trở về căn phòng đơn sơ của Thầy dưới nhà chúng. Thầy bảo tất cả chúng tôi ra ngoài để yên cho Thầy niệm Phật. Chúng tôi lấp ló ngay ngạch cửa thì Thầy quở: "Thương Thầy thì phải để cho Thầy niệm Phật chứ"... Thầy trăn trở nhiều, nhưng vẫn nghe tiếng rầm rì niệm Phật của Thầy.

Thầy Vĩnh-Nghiêm đáp máy bay lên thăm. Thầy lại nằm yên, chấp tay lên ngực nghe Thầy Vĩnh-Nghiêm nói chuyện. Khoảng một giờ sau, Thầy Quang-Nghiêm, Thầy An-Tường, quý Thầy bên Duyên-Giác, Thầy Minh-Đức, Thầy Từ-Lực và nhiều vị nữa đã vân tập trong phòng. Thầy Vĩnh-Nghiêm cho gọi tất cả chúng tôi vào và dặn không được khóc. Quý Thầy bắt đầu niệm Phật vang rền trong phòng, chúng tôi niệm Phật nhưng vẫn khóc. Ba hôm nay Thầy trăn trở là vậy, vậy mà giờ này Thầy nằm thật yên, tay chấp ngang ngực, miệng nhẩm theo tiếng niệm Phật của quý Thầy và đại chúng. Khoảng một giờ sau, Thầy ra dấu đỡ Thầy ngồi dậy. Thầy dường như tỉnh hẳn lại, nói lời cám ơn quý Thầy.

* Ngày 11/1/1999

Chúng tôi đưa Thầy vào bệnh viện để "tap" nước. Mắt Thầy lúc này cứ hướng về một cõi xa xăm nào đó, Thầy nhìn mà như không nhìn vậy. Chúng tôi sợ quá nắm bàn tay Thầy, Thầy lại nhìn chúng tôi mỉm cười ... Có một em bé đợi mẹ em khám bệnh gần đó, chúng tôi chơi trò bắt cá bằng tay với em. Em bé vòi chơi với Thầy. Thầy đưa hai tay lên cho em bắt cá, rồi bỗng buông xuống, và mắt nhắm nghiền. Chúng tôi sợ quá gọi Bác sĩ Brophy đến. Sau khi thử máu Bác sĩ cho biết Thầy bị thiếu sodium trầm trọng và phải nhập viện ngay. Nhiều Bác sĩ đến khám bệnh cho Thầy trong kinh ngạc. Bác sĩ Đỗ cho rằng tất cả bệnh nhân nào ở mức sodium của Thầy thì đều bị hôn mê mãn tính hết rồi, họ không hiểu vì sao Thầy vẫn còn tỉnh táo, và chỉ bị mê trong đôi phút như vậy? Thầy mỉm cười bảo Sư già Nguyên thông dịch: "Con nói với họ là nhờ Thầy niệm Phật hằng ngày đó".

Lần này Thầy nhập viện khá lâu. Trên một tuần lễ ở bệnh viện chỉ để truyền sodium và calcium mà vein trên cánh tay Thầy chìm quá. Y tá phải lấy máu để thử mỗi ngày, họ đâm kim nhiều đến độ họ phải xót xa xin lỗi vì hai cánh tay Thầy giống như needle spin vậy đó. Vậy mà mỗi lần họ rút kim ra chỗ này để đâm vào tay tìm vein khác thì Thầy lại: "Cám ơn cô thật khéo tay". Chúng tôi đau lòng nên càm ràm đôi câu với họ thì Thầy lại quở: "Gớm, con xem thân Thầy như là bong bóng vậy. Có sao đâu, cứ để họ làm công việc họ cần làm. Tại tay Thầy khó chứ đâu phải họ dở mà con cứ nhăn". Rồi Thầy lại cười và "thank you" họ. Lần sau y tá đến, thì họ xin cúng dàng Thầy một vein để Thầy bớt đau. Thầy mỉm cười: "cô để mà dùng". Họ ngỡ ngàng, khi đoán được ý Thầy, họ ôm tay Thầy cảm động vì họ biết Thầy không đành để họ khổ, và chỉ chịu khổ một mình. Từ đó, mỗi lần Thầy vào bệnh viện, họ lại gọi Thầy là "Mama" (Mẹ).

* Ngày 11/2/1999

Vạn pháp lại trở thành tăm tối! Thầy lại không thở được và đau thật nhiều nơi lưng và hai cạnh sườn. Chúng tôi lại đưa Thầy đi cấp cứu ... Bác sĩ vào thăm, khi họ xem bụng Thầy thì Thầy cười bảo: "bụng tôi giống như biển cả!" Bác sĩ cấp tốc xin thuốc giảm đau cho Thầy rồi quay qua hỏi chúng tôi làm sao mà Thầy còn "vui đùa" được trong nỗi đau kinh hoàng đó. Chúng tôi lại một lần lặp lại lời Thầy, "nhờ Thầy niệm Phật hằng ngày thôi!"

* Ngày 28/2/1999

Suốt ngày Thầy chỉ nằm yên, hay ngồi yên thôi, không nói chi nhiều và hay nhìn thật xa xăm. Khi chúng tôi hỏi Thầy đang nghĩ gì, Thầy thẳng thắn đáp: "Thường thì Thầy niệm Phật, nhưng cũng có lúc suy nghĩ vớ vẩn đâu đâu ..." Thầy dạy chúng tôi đi mua máy cassette nho nhỏ về để băng niệm Phật 24/24 trên đầu giường Thầy.

* Ngày 15/3/1999

Sức khỏe Thầy suy sụp nhiều, Thầy dạy chúng tôi thỉnh chư Tăng về làm lễ cầu siêu cho Thầy. Chúng tôi khóc xin Thầy đừng đi, nhưng Thầy bảo Thầy không trì hoãn được nữa. Quý Ngài đến tụng Kinh cầu nguyện, chúng tôi đẩy xe đưa Thầy lên bạch Đại Tăng. Vẫn vậy, Thầy rất tự tại và thành kính yêu cầu quý Ngài tụng chú Vãng Sinh để cầu siêu cho Thầy. Thể theo lời thỉnh cầu của Thầy quý Ngài đã tụng chú Vãng Sinh và niệm Phật trên một giờ đồng hồ. Thấy chúng tôi buồn xo, Thầy dạy chúng tôi nên nhất tâm niệm Phật cầu nguyện cho Thầy tiêu hết dư nghiệp mà được vãng sinh.

* Ngày 23/3/1999

Bác sĩ của Thầy vào thăm Thầy, Bác sĩ hỏi Thầy có biết khi đi rồi thì Thầy về đâu không? Thầy khẳng quyết: "Về cõi Cực-Lạc chứ về đâu".

* Ngày 25/3/1999

...Điệp khúc: "Dậy, Dậy, cho Thầy dậy" bỗng trở thành thân thương đối với chúng tôi trong nửa tháng nay. Có lần đang đêm Thầy muốn dậy hoài, chúng tôi thưa:

- Bạch Thầy, bây giờ là ban đêm Thầy dậy làm gì ạ?

- Cho thầy dậy để Thầy làm bổn phận người tu.

- Bạch Thầy, người tu phải làm gì ạ?

- Là phải giữ chữ Tín. Là phải dậy trước trời sáng.

Bằng những câu thật ngắn, thật đứt đoạn. Thầy luôn nhắc chúng tôi phải niệm Phật. Thầy dạy: "Các con phải dõng mãnh, tinh tiến niệm Phật khi còn khỏe. Trừ hao đến lúc bệnh, thân tâm bì quyện, niệm Phật rất khó định tâm. Mê thì nhiều mà ngộ thì ít".

Sợ Thầy bị phân tâm Sư già Phước thưa: "Bạch Thầy, mê hay ngộ con thỉnh Thầy cứ tiếp tục niệm Phật". Thầy khẻ nhẹ vào Sư già và bảo: "Không phải dễ như chị nghĩ đâu chị hai, chín cảnh mê mới có một cảnh ngộ thôi". Với Thầy, việc hành trì phải nghiêm mật lắm mới được.

Phương pháp tu của Thầy đơn giản lắm, và chỉ có vậy, chỉ cần niệm Phật không gián đoạn, không phải chỉ nơi ý, mà còn phải nơi thân nữa.

Sư Bà chánh thức ra đi vào 21 giờ 27 phút ngày 26/3/99 thọ thế 67 năm, hạ lạp 48 năm.

Đọc phần nhựt ký, chúng ta thấy đức hạnh của Sư Bà quả là hơn ng��ời. Dù chứng bịnh ung thư hành hạ dữ đội nhưng Sư Bà vẫn không than van, lúc nào cũng lấy chữ nhân và tha làm đầu. Y tá chích nát gân tay vẫn không trách mà còn "cám ơn". Lúc nào Sư Bà củng cố gắng Niệm Phật không gián đoạn, mặc dù đôi khi cơn bịnh cũng làm cho ngưng trệ và không quên dạy các nữ đệ tử rằng: "Các con phải dõng mãnh, tinh tiến niệm Phật khi còn khỏe. Trừ hao lúc bệnh, thân tâm bì quyện, niệm Phật rất khó định tâm ..."

Trong Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật, Đại Bồ-Tát Quán-Thế-Âm dạy: "Bất cứ chúng sanh nào phục sức thân tâm bằng danh-hiệu Nam-Mô A-Di-Đà Phật thì sẽ đắc những năng lực giải-thoát không thể nghĩ bàn".

Niệm Phật không ngừng như Sư Bà chính là phục sức thân tâm bằng danh-hiệu Nam-Mô A-Di-Đà Phật, Sư Bà đã đắc những năng lực giải-thoát không thể nghĩ bàn. Sư Bà đã chứng được Pháp Thân như Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật đã nói, và khi ra đi đã lưu lại nhiều trăm viên Xá-Lợi cùng trái tim màu ngọc thạch và đồng vàng. Xin đọc một đoạn bài viết của Thầy Thích-Quảng-Chơn nói về Xá-Lợi của Sư Bà:

"Sư Bà để lại rất nhiều Xá-Lợi gồm có xương, răng, tim và ngọc. Xá-Lợi xương thì nhiều lắm, lớn nhỏ, hình dạng và màu sắc khác nhau. Có mảnh trắng đục như sữa, sắc óng như ngà; có mảnh nhỏ màu đục như đất; có mảnh màu vàng nhạt như vỏ trứng gà; có mảnh ánh màu xanh như cẩm thạch; có mảnh trắng như hoa tuyết; có mảnh tím hồng như màu Kiến sen; có mảnh vàng nhạt và có nhiều đoản xương màu như đồng vàng hay thép nung. Răng của Sư Bà còn tất cả 28 chiếc, có hai chiếc ánh màu kiến sen và một chiếc màu lục. Tôi ngạc nhiên nhất khi Sư cô nói là trái tim Sư Bà vẫn còn và chỉ cho tôi một khối màu nâu đỏ, như bàn tay nắm lại của một em bé vừa mới sinh. Hơn phân nửa diện tích bề mặt của trái tim được bao phủ một lớp màu xanh cứng như thạch nhũ, nâng trong tay thật nhẹ và có một cảm giác thanh thản như được an ủi và khuyến khích. Một cảm giác tâm linh phảng-phất bóng của một Ni Sư đức hạnh như in đậm ở trong đây. Ngọc Xá-Lợi của Sư Bà thì thật là nhiều, lớn nhỏ đến gần trăm viên. Có viên đen huyền óng ánh, có viên màu lục nhạt như hạt cẩm thạch, có viên màu trắng đục như hạt gạo, có viên màu trắng như hạt san hô. Những viên ngọc Xá-Lợi hình dạng khác nhau, có hạt tròn như hạt đậu dính chặt vào một mảnh xương, có hạt hình bầu dục, cũng có những hạt tròn nhỏ đính thành một chuỗi dài trên một mảnh xương như chuỗi ngọc trai.

Rất ngạc nhiên vì đây là lần đầu tiên tôi thấy Xá-Lợi của một vị Cao Ni. Trong đời tôi chưa bao giờ nghe hoặc thấy Xá-Lợi của một vị nữ xuất gia. Theo lịch sử truyền thừa Phật giáo rất hiếm các vị Cao Ni để lại Xá-Lợi. Trong Đại Chính Tân Tu quyển Tỳ Kheo Ni Truyện chỉ viết về hai vị Cao Ni có để lại Xá-Lợi. Nói như vậy không phải là thiếu các bậc Cao Ni đắc đạo, chứng thánh quả, hay ngộ được tinh yếu của giáo lý Đại Thừa. Nhưng rất hiếm thấy Xá-Lợi của các vị Cao Ni thờ ở các Chùa hoặc Tổ Đình. Lý do dễ hiểu là ngày xưa các vị tổ khai sáng một tông môn hoặc một tổ-đình lớn ở Trung Quốc cũng như Việt-Nam đều là các bậc Cao Tăng.

..........................................................................

Xá-Lợi của Sư Bà để lại cho Ni chúng và Phật tử như những viên ngọc quý, lời dạy của Sư Bà như đài gương sáng, như bản đồ chỉ đường cho Phật tử đi theo công hạnh của Người mà huân tụ giới đức, trang-nghiêm cõi Tịnh mà Sư Bà đã khai sáng.

...........................................................................

Thích-Quảng-Chơn

Đây đúng là Sư Bà Đàm-Lựu đã thăng hóa Tây Phương vậy!

Khi đứng, khi ngồi, khi quét, khi lái xe chở báo cũ, Sư Bà Đàm-Lựu đều niệm Nam-Mô A-Di-Đà Phật

Xá Lợi Của Sa Di Thích Minh Đạt

Nhâm Ngọc Hựu

Thị tịch rạng ngày 10/12/1997

Từ Ân, có nghĩa là cái "Ân" của lòng "Từ", là ngôi chùa "đơn côi, bất hạnh" ở vùng Ottawa, Canada. Chùa đã có, nhưng không đủ phước duyên để nghinh tiếp một vị Sư trụ trì. Chùa cần có người trông lo Kinh kệ và làm lễ cầu siêu cho những vong linh quá cố của chúng Phật tử.

Thu đi rồi đông tới. Người ta nói vắng lạnh như chùa Bà Đanh. Chùa Từ Ân tuy lạnh vào mùa đông, nhưng không vắng lạnh như chùa Bà Đanh, vì năm ấy 1997, Thầy Minh-Đạt chấp nhận đáp ứng sự mong chờ của chúng Phật tử Ottawa.

Thầy Thích-Minh-Đạt chỉ là Sa-Di, chưa thọ giới Tỳ Kheo, theo giới luật nhà Phật thì phải gọi là "Chú", chú Sa-Di Minh Đạt. Nhưng Phật tử chùa Từ-Ân biết rằng các pháp chỉ là giả danh. Tỳ Kheo, Đại Đức, Thượng Tọa hay Sa-Di, tất cả chỉ là danh tự. Danh tự chỉ là tên đặt ra để gọi, nên là giả-danh. Kinh Đại-Bát-Nhã đã dạy như vậy. Điều quan trọng là vị trụ trì phải có tâm tu và thực tâm hoàn thành vai trò của người xuất gia: lãnh đạo tinh thần của Từ Ân Tự, giảng dạy Kinh điển.

Thầy Thích-Minh-Đạt có đủ điều kiện nầy. Thầy đến chùa Từ-Ân như mang hơi nóng đến sưởi ấm lòng Phật tử vào mùa đông Canada lạnh lẽo.

Thầy Thích-Minh-Đạt đến chùa Từ Ân với ước mong hướng dẫn cho Phật tử: "Phước Huệ song tu và Tịnh nguyện cầu vãng sanh Cực-Lạc".

Trong Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật, tức Pháp tu Niệm Phật thành Phật, Đức Phật dạy: "Tất cả các loài chúng sanh chết ở nơi đây, rồi sanh sang nơi kia, sống chết nối nhau không dứt. Mỗi khi sắp mạng chung thì các loại nghiệp lành dữ trong một đời hiện ra rõ ràng. Chúng sanh nào sống thu���n bằng tư-tưởng, thì bay lên hóa sanh, nơi các cõi Trời. Nếu trong sự thuần tưởng, lại gồm cả Phước Huệ và Tịnh Nguyện thì tự nhiên tâm trí khai mở thấy mười phương chư Phật, tùy theo nguyện lực của mình mà sanh về Tịnh-Độ" (trang 15).

Tuy là Sa-Di, nhưng là một cựu sĩ quan Quân đội VNCH cấp bực Trung Tá, Ngài có đủ trí tuệ căn bản để tự học Kinh điển, và nhờ học Thiền nhiều năm nên có được định căn bản. Chúng tôi gọi Th��y Thích-Minh-Đạt bằng danh xưng tôn vinh "Ngài", vì thầy đã chứng đạo xứng đáng được gọi như vậy.

Quan điểm của chúng tôi tương đồng với quí vị Phật tử ở Ottawa. Chức vị không quan trọng, điều cần thiết là người đã xuất gia có chịu thực sự tu hành hay không mà thôi. Đức Phật nói trong Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật: (trang 17)

"Bất cứ Thiện-Nam-Tử, Thiện nữ nhân nào đủ lòng tin thì chỉ cần chuyên nhứt xưng niệm danh-hiệu Nam-Mô A-Di-Đà Phật, suốt cả sáu thời trong ngày và giữ trọn đời không thay đổi, thì hiện tiền chiêu cảm được y báo, và chánh báo của Phật A-Di-Đà ở cõi Cực-Lạc. Lúc lâm chung cố giữ sao cho được mười niệm tiếp nối nhau, lập tức vào Phổ-Đẳng Tam-Muội của Đức A-Di-Đà được Phật tiếp dẫn về Tịnh Độ Tây-Phương. Vĩnh-viễn xa lìa các đường ác, không còn luân-hồi sinh tử. Đó gọi là quả vị Bất-Thối-Chuyển. Từ ấy nhẫn về sau, vượt qua Thập Địa, chứng Vô-Thượng-Giác.

Trong bài Tưởng Niệm Thầy Minh-Đạt, Phật tử Quảng Trí thuật lại khóa lễ đầu tiên khi Thầy Minh-Đạt được Ban Trị Sự giới thiệu Thầy với Phật tử, Thầy nói:

- Tôi nguyên là người lính trong quân đội VNCH, cấp bậc sau cùng là Trung Tá trong ngành quân nhu. Biến cố 30-4-75, tôi di tản sang Mỹ, sống đời tạm dung hơn 20 năm, giờ đây các con tôi đã trưởng thành, tôi xuất gia nương cửa Phật để tu hành đã hơn 1 năm qua. Chúng ta, hôm nay tụ hội về đây đều là anh em cùng một cha. Đó là đấng Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni Phật. Xin quí vị hãy tinh tấn tu học, hành trì giáo pháp của chư Phật để cầu vãng sanh, đạt giải thoát ngay trong hiện kiếp nầy. Chúng ta không chờ một sự cứu rỗi nào từ bên ngoài. Chính chúng ta quyết định đời sống tâm linh của chúng ta.

Với những lời ngắn, nhưng đủ chứng minh tinh thần quyết tâm tu, đạt giải thoát ngay trong hiện kiếp. Và trong một đoạn khác của bài Tưởng Niệm, viết:

Thầy Minh-Đạt chụp hình chung với Phật tử chùa Từ Ân

"Theo lời bác Từ Trang, người thân cận nhứt với Thầy trong thời gian lưu trú tại chùa Từ Ân: Mỗi ngày, từ khuya, Thầy đã thức dậy lễ Phật, tụng Thần Chú Lăng Nghiêm, tọa Thiền, thiền hành. Trong ngày thường chăm chú vào việc học hỏi Kinh điển. Hầu như hàng ngày "trú dạ lục thời" Thầy không giải đãi thiếu sót tụng niệm".

Thầy Thích-Minh-Đạt đã tự tu, tự độ như thế, nhưng vẫn không kém tự tha. Trong hơn hai tháng lưu trú tại chùa Từ Ân, Thầy đã tụng Kinh, niệm Phật và cầu siêu độ ít nhứt 3 vị tại Ottawa, một tại Montreal. Phật tử tại Ottawa kháo nhau: "Nếu cần một vị Tăng có giới đức thanh tịnh thì mời Thầy Thích-Minh-Đạt, còn nếu cần một vị Sư biết rập rềnh tang dẩu, tán tụng cho hay cái lỗ tai, múa may ấn quyết cho đẹp mắt, thì Thầy không có mấy thứ đó". Đặc biệt, Thầy không lấy tiền cúng dường của Phật tử.

Trong cơn bịnh hoạn nguy cấp, Thầy Minh-Đạt không từ chối việc hộ niệm cho người Phật tử sau cùng của Thầy là bà Bích-Hằng. Dù lúc ấy sức khỏe rất yếu mà Thầy không từ bỏ một khóa lễ nào. Lễ xong Thầy đi Bác sĩ, ở phòng mạch ra Thầy đi thẳng tới nhà quàn để kịp khóa lễ. Thầy lo độ cho người vừa chết, giúp cho hương linh được siêu thoát. Mỗi câu tụng là một cơn ho, nhưng Thầy lấy việc độ tha để trang-nghiêm cho hạnh Bồ-Tát của Thầy. Thầy Minh-Đạt độ người nên Phật độ Thầy.

Sau lễ hỏa táng cho bà Bích-Hằng, Thầy phải vào ngay bịnh viện. Rồi từ bịnh viện về chùa, Thầy lại lên chánh điện chủ lễ tụng niệm ngay. Thầy đã viết trên tấm bảng con treo trong phòng để tự nhắc nhở mình.

" Phải tinh tấn hôm nay

Kẻo ngày mai không kịp

Cái chết đến bất ngờ

Không thể nào mặc cả"

Đúng! cái chết đến bất ngờ không thể nào mặc cả. Thầy đã tinh tấn lo hôm nay kẻo ngày mai không kịp. Thầy đã tự độ và độ tha không ngừng nghỉ, không ngại mệt mỏi.

Đêm rạng ngày 10-12-1997. Thầy đi về cõi Phật, đắc Vô Sanh Pháp nhẫn được quả Bất-Thối-Chuyển theo như trong Kinh, Đức Phật nói. Cái chết của Thầy làm bất ngờ mọi người. Nhưng Thầy thì ra đi an nhiên tự tại.

Phật tử Chánh-Tâm-Hải viết:

Như thường lệ, sau khi ăn Thầy vào phòng nằm nghỉ. Ông Triệu về, đạo hữu Như-Hoa đến lúc 7 giờ tối, cửa phòng còn đóng, cô không dám gõ cửa, để Thầy nghĩ. Đến 12 giờ khuya, khi thức giấc thấy đèn còn sáng, bác Trang mở cửa vào. Than ôi! Thầy đã ngủ, hai mắt nhắm, hai tay chắp vào nhau để trên bụng trong tư thế thật an nhiên tự tại.

Thầy đã mãn nguyện!

Sa-Di Thích-Minh-Đạt đến nhận chức trụ trì ngày 23/9/97 và mất rạng sáng ngày 10/12/1997. Thời gian thật ngắn ngủi. Thầy thường nói, chỉ tiếc là tôi chưa làm gì được cho chùa Từ Ân.

Phật tử chùa Từ Ân đã trả lời câu nói của Thầy, được đăng trong Đặc San Đặc Biệt phát hành vào dịp Lễ Bách Nhật 15/3/98 rằng: Thầy đã để lại cho chùa Từ Ân một bảo vật vô giá là những Viên Xá-Lợi nhiều mầu mà mọi người đang kính cẩn chiêm ngưỡng. Cũng từ đây, chùa Từ Ân có cái phúc, bởi vì, sẽ là nơi được nhiều người biết, khi đến chiêm ngưỡng Xá-Lợi hay đến chiêm ngưỡng đức độ của Thầy và lấy đó để làm gương tu học.

Cũng với lời Thầy Minh-Đạt nói, chỉ tiếc là tôi chưa làm gì được cho chùa Từ Ân, Đại Đức Thích-Đức-Viên viết "Đôi Hàng Thành Kính Cảm Niệm Nhân Dự Lễ 49 Ngày Quá Vãng của Thầy Thích-Minh-Đạt", như sau:

"Quãng đời xuất gia của Thầy Thích-Minh-Đạt mà tôi có duyên may được gần gũi khiến tôi liên tưởng tới chuyện "Thoát vòng Tục Lụy", do Hòa-Thượng Quảng-Độ dịch, tả về vị Quốc Sư Ngọc Lâm:

- Khi còn trẻ được viên tể tướng mời vào dinh dự lễ đã bị cô hầu Thúy Ngọc không cho vào, chỉ vì vị Quốc Sư không có tướng Quốc Sư như cách nhìn của cô hầu...

- Khi Quốc Sư về già, lọm khọm bên sân tại một ngôi chùa cổ hoang tàn. Ngài xin tá túc với tâm nguyện dùng hơi thở cuối cùng của mình hiến dâng cho Phật pháp. Không ngờ vị Tri Khách lo sợ, tìm mọi cách khước từ: "Nếu Sư phụ không may mệnh hệ, chúng tôi không thể lo nổi!"

Nhà sư nói: "Tôi còn chiếc quạt và hai phong thư có thể bù đắp cho quí tự..."

Ai ngờ! Vài ngày sau, vị Quốc Sư viên tịch. Triều đình cho cử hành lễ Quốc Táng, và cho xây dựng lại một ngôi chùa khang trang.

Bồ-Tát Thích-Minh-Đạt đã để lại cho chùa Từ Ân những Viên Xá-Lợi giá trị. Thầy Đức-Viên nói: "Hy vọng những viên ngọc Xá-Lợi của Thầy là những tia sáng khai tâm cho hàng tại gia lẫn xuất gia". Bởi theo "thói thường" thiên hạ thường dùng cảm quan và sự hiểu biết chật hẹp của mình làm thước đo để đánh giá người khác. Tu hành ... không phải để đếm tuổi hạ. Không ai ngờ vị sư già Sa-Di, tướng cục mịch tu chưa đầy tuổi hạ mà trong nhục thân có chứa Xá-Lợi của bực Bồ-tát.

Thầy Minh-Đạt đã dùng cái "Ân" của lòng "Từ" để lại cho chùa Từ Ân những gì đáng giá hơn mọi người tưởng.

Thật ra chẳng phải chỉ thuần do công tu của những ngày xuất gia mà Thầy Minh-Đạt được như vậy, mà do cái nhân thiện căn, thiện nghiệp của Thầy đã gieo trồng từ kiếp quá khứ; kiếp này Thầy lại vun bón, tưới nước thêm, đủ duyên nên kết trái. Chúng ta không phải là bực Thánh nhơn không nhìn thấy căn lành ấy.

Bây giờ câu nói của Thầy Minh-Đạt trở thành lời vàng. Một Phật tử chùa Từ Ân, ông Tuệ-Đạt Nguyễn-Bá-Triệu đã đem lời khuyên của Thầy Thích-Minh-Đạt dùng làm phương châm xử thế, như sau:

"Ai mắng chửi, nguyền rủa anh, anh đừng giận. Anh hãy thành tâm niệm Phật và tôn người ấy làm sư phụ vì chính người ấy đã dạy anh một bài học nhẫn nhục".

Thật sự, Thầy Minh-Đạt đạt được sự chứng ngộ nhờ vào bài học "nhẫn nhục". Khởi đầu, Thầy đến một ngôi chùa ở bên Pháp xin xuất gia. Vị Hòa-Thượng chấp nhận đặt pháp danh là Minh-Trí. Nhưng sau đó một số tu sĩ lân cận Hòa-Thượng, chê Thầy già, tướng cục mịch, không có giọng tụng kinh tốt, cản trở không để Thầy thọ giới Tỳ Kheo.

Thầy Minh-Trí lặng lẽ ra đi, tìm đến một vị Thiền sư, nhưng vị nầy chỉ thu nhận với điều kiện, nếu có sự giới thiệu của Hòa-Thượng. Muốn tiếp tục tu và đạt thành chánh quả, Thầy Minh-Trí phải học tu nhẫn nhục. Trong nhà Phật, những người gây chướng duyên cho người khác có khi được coi là chứng duyên Bồ-Tát.

Như Đề-Bà Đạt-Đa luôn luôn phá hoại Phật pháp, làm hại Đức Phật, nhưng Đức Phật vẫn thọ ký cho Đề-Bà Đạt-Đa sẽ thành Phật. Nếu người tu hành được gặp may mắn luôn, thì làm sao học tập nhẫn nhục, tinh tấn để diệt cái ngã của mình? Nếu những ngày gặp khó khăn, Thầy Minh-Trí thoái Bồ Đề Tâm thì làm sao có thành quả của ngày hôm nay!? Có lẽ trên đường tu Thầy Minh-Trí đã âm thầm cám ơn những chướng duyên Bồ-Tát kia. Bởi vậy mọi việc chỉ nên nói tới đây.

Từ ngày lìa Âu Châu, Pháp danh Minh-Trí được đổi là Minh-Đạt. Minh là quang-minh, tức hào quang sáng chói; còn Đạt là chứng đắc quả. Thường thì danh-hiệu cũng ảnh hưởng đến sự-nghiệp của một người, dù là sự nghiệp tu hành. Tất cả đều do nhơn và duyên, và cuối cùng là quả.

Thầy Minh-Đạt tiền kiếp đã tu và hiện kiếp Thầy tên Nhâm-Ngọc-Hựu, từ hai mươi tuổi đã biết thương người. Nhơn thời kháng-chiến chống Pháp, một người bạn bị Tây bắn chết không quần áo chôn, Hựu đã lột quần áo cho bạn. Lớn lên Hựu đi lính, làm sĩ quan quân nhu, nơi đơn vị mà bao sĩ quan quân nhu khác làm giàu còn Hựu thì liêm-khiết trong sạch, sẵn-sàng giúp đỡ cho binh sĩ trực thuộc và bạn nghèo. Lúc Sàigòn sắp mất, Hựu cõng cha bị tê liệt chạy xuống tàu ra khơi theo làn sóng người lưu vong. Ở hải ngoại, nuôi nấng cho bảy đứa con trưởng thành, Hựu xuất gia để tự giải thoát. Có người xuất gia tu Thiền chủ trương không tụng kinh, không cầu siêu cầu an cho bá tánh; còn Hựu tức Thầy Minh-Đạt vì bá tánh quên mình, trong cơn bịnh hoạn không cần lo sự sống chết của chính bản thân mình, mà lo đi hộ niệm cho người sắp lâm chung. Hành động đó là hành động của bực Bồ-Tát; đó là Bồ-Tát hạnh vậy. Một bực tu như vậy, ắt là phải đắc quả.

Thầy Minh-Đạt kiếp nầy đầy đủ tứ ân. Đi quân đội là đền ơn đất nước; khi cõng cha lưu vong là đền ơn cha mẹ; lúc xuất gia là đền ơn Tam Bảo; lo hộ niệm cứu khổ chúng sanh là đền ơn đồng bào. Làm quân nhu không tham lam; đi tu bị từ chối thọ giới Tỳ Kheo mà không giận là không sân; xuất gia để tự giải thoát là không si, lại thêm đầy đủ bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, Thiền định và Trí tuệ.

Tóm lại Thầy Thích-Minh-Đạt có đầy đủ Thiền-Tịnh Song Tu, đủ Tứ Ân và Sáu Ba-La-Mật, dứt được Tham-Sân-Si, cho nên dù tuổi hạ ít mà Thầy vẫn đạt đạo. Theo chúng tôi, sau khi lâm chung Thầy lưu lại Xá-Lợi là lẽ đương nhiên.

Trong "lời nói đầu" của tác phẩm Từ Người Lên Phật do chính tay Thầy Minh-Đạt viết, Thầy có trích lời Phật khuyên dân Kalamas rằng:"Chúng ta hãy dùng trí tuệ như một ống thí-nghiệm để soi nhìn nơi ta còn tham lam sân hận không? Khi tham lam sân hận không còn trong tâm ta thì niềm an lạc hạnh phúc hiện bày".

Chính Thầy Minh-Đạt không còn tham lam sân-hận nên Thầy được an lạc hạnh phúc và tự tại khi ra đi vĩnh-viễn. Đúng như lời Phật dạy. Đây chính là Niết-Bàn tại thế.

Bây giờ nói về Xá-Lợi của Thầy Thích-Minh-Đạt.

Xin hãy đọc bài của ông Chánh-Tâm-Hải, một Phật tử của chùa Từ Ân và cũng là người tìm thấy Xá-Lợi đầu tiên:

"Sau lễ Trà Tỳ, con và anh Nhâm-Trung-Quang, con trưởng nam của Thầy đến nơi hỏa táng lúc 12 giờ 10 để nhận tro mang về chùa. Nơi đây, Bác sĩ Lý-Văn-Kim (rể của Thầy Minh-Đạt, đang ngụ tại New York) cho biết khi hỏa táng, nhìn vào trong lò thiêu thấy Thầy nằm trong tư thế giang hai tay ra hai bên, một hiện tượng rất lạ mà người phụ trách hỏa thiêu chưa bao giờ thấy. Trước khi tro cốt màu trắng của Thầy được đưa sang máy nghiền, chúng con và nhân viên phụ trách cẩn thận nhặt hết những mãnh sắt vụn và than đen còn lẫn lộn trong đó. Con khấn thầm trong bụng mong Thầy cho con được thấy sự mầu nhiệm. Con rất vui mừng là người đầu tiên phát hiện một viên ngọc quý mầu xanh, sau đó anh Quang và Kim cũng phát hiện những miếng than xương hình thù khác nhau, to nhỏ đủ cỡ và đặc biệt nhiều màu khác nhau đủ cả xanh, tím, vàng và hồng, đỏ.v.v... Hết đỗi vui mừng trước sự kiện lạ nầy, tin vui được báo về chùa, gia đình và Phật tử rủ nhau xuống nơi hỏa táng để được chứng kiến hiện tượng lạ".

Hiện nay tất cả những đốt than xương có hình thù đặc biệt và mang nhiều màu sắc và tro cốt của Thầy Minh-Đạt được thờ tại chùa Từ Ân. Sau khi được Tăng đoàn xác nhận đó là Xá-Lợi của một vị tu hành đắc quả. @

Ngoài Tăng đoàn Việt-Nam (trong số này có cả Thượng-Tọa Thích-Như-Điển ở Đức mà chúng tôi biết tiếng và tin tưởng ở đức hạnh), còn có quí sư Tây Tạng (như hình trên đây) chiêm ngưỡng và công nhận Xá-Lợi của Thầy Minh-Đạt (ảnh trích trong quyển Từ Người Lên Phật của Thầy Minh-Đạt, được in lần thứ hai).

Xá Lợi Bà Diệu Âm Huỳnh Ngọc Tuyết
Vãng sanh ngày 28/2/1996

Bà Huỳnh-Ngọc-Tuyết, Pháp danh Diệu Âm theo chúng tôi biết, là nữ cư sĩ đầu tiên ở hải ngoại, sau khi lâm chung làm lễ hỏa táng lưu lại Xá-Lợi. Cái chết của bà Huỳnh-Ngọc-Tuyết có nhiều điều lạ lùng đáng được cho người chuyên tu Tịnh Độ tìm hiểu tường tận, để áp dụng cho mình, nếu thật sự người ấy quyết tâm vãng sanh Cực-Lạc.

Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật là Kinh Tịnh Độ sau cùng Đức Phật dạy pháp môn Niệm Phật thành Phật. Bà Diệu Âm Huỳnh-Ngọc-Tuyết thực hành đúng theo Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật, với lời dạy của Đức Phật: "Nếu có chúng sanh nào chí thành xưng niệm danh-hiệu Nam-Mô A-Di-Đà Phật, thì uy lực bất-khả tư-nghị của danh-hiệu khiến Tâm thể thanh-tịnh mà chúng sanh ấy không hề hay biết, tự nhiên chứng nhập Sơ-Phần Pháp-Thân, âm thầm ứng hợp với Bi-Trí Trang-Nghiêm của Phật".

Như vậy chắc-chắn bà Huỳnh-Ngọc-Tuyết đã chứng nhập chẳng những Sơ-Phần Pháp-Thân, được Phật và Thánh Chúng tiếp dẫn về Thế-Giới Cực-Lạc. Vì Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật có nói thêm:

"Chúng sanh nào sống thuần bằng tư tưởng, thì bay lên hóa sanh nơi các cõi Trời. Nếu trong sự thuần tưởng, lại gồm có phước huệ và tịnh nguyện thì tự nhiên tâm trí khai mở mà được thấy mười phương chư Phật, tùy theo nguyên lực của mình mà sanh về Tịnh Độ".

Như đã nói bà Huỳnh-Ngọc-Tuyết tu đúng với ý nghĩa thâm sâu của Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật. Chẳng những bà sống thuần tưởng và còn dứt cả mọi tình cảm ở thế gian nầy.

Cái chết đau đớn của chồng!

Bà Diệu Âm Huỳnh-Ngọc-Tuyết qua đời để lại ba đứa con gái và ba đứa cháu ngoại. Cô con gái lớn của bà tên Huệ-Nghi đã kể lại với chúng tôi:

"Bà Huỳnh-Ngọc-Tuyết sanh tại Việt-Nam, người Hoa ở Chợ Lớn, chồng là Trần Hòa Bình, khi còn ở Việt-Nam cư ngụ tại đường Hai Bà Trưng, nguyên chủ trại chim bồ câu Đông Phương Thủ Đức và Công Ty Đông Phương Mật Ong. Vào năm 1979 ông Bình đưa vợ và 3 con gái sang Mỹ định cư theo diện di dân được sự bảo lãnh của em trai, và ngụ tại Dallas, Texas.

Ở Dallas, vài năm sau ông ta mở tiệm buôn bán, với kinh nghiệm sẵn có, ông đạt được thành tựu, nhưng không may mắn, vào một hôm buổi trưa tiệm ông bị cướp, ông bị giết tại hiện trường bởi con dao bé nhỏ đâm vào ngực. Ông Bình qua đời hưởng thọ 55 tuổi. Thế rồi từ đó vì cái chết đột ngột của chồng, bà Tuyết trở nên buồn chán. Rất đau khổ, bà ta không chấp nhận sự thật, và bà đi tìm câu hỏi tại sao thế gian này có nhiều đau khổ như vậy?

Sau khi an táng chồng, do sự giúp đỡ của Chùa Pháp-Quang. T.T. Thích-Trí-Hiền nhìn thấy cảnh đau thương của gia đình bà, Thầy tặng cho bà Tuyết và 3 đứa con gái mỗi người một quyển kinh "Địa Tạng" bằng Hán văn và khuyên đừng khóc nữa, hãy về đọc kinh và hồi hướng cho ông Bình. Từ ngày đó bà Tuyết bắt đầu tụng kinh thường xuyên, lần lần tâm sám hối bắt đầu trổ ra và tâm bố thí được mở rộng. Thế rồi bà thường lui tới những ngôi Chùa ở vùng phụ cận Dallas. Và cuối cùng bà quy y tại Chùa Tịnh Độ với Pháp sư Tịnh-Không được đặt pháp danh Diệu Âm.

Vào năm 1991 chùa Tịnh Độ tại Dallas chỉ là một tu viện rất nhỏ của người Đài Loan chỉ niệm Phật và tụng kinh Vô Lượng Thọ, nhưng bên trong tu viện là một kho tàng đựng nhiều sách kinh, đặc biệt chỉ cho không có bán. Được biết mỗi lần sách tới là được phân phát đi khắp mọi nơi trên toàn thế giới.

Hãy sống với chánh nghiệp

Và từ đó bà Tuyết bắt đầu vui vẻ, ăn chay trường, mỗi ngày đến chùa tụng kinh niệm Phật chung với các Sư, làm công quả cho chùa, cạo tóc giùm cho các cư sĩ, may vá cho các Sư. Khi Sư đau chăm sóc và đưa đi bác sĩ, nấu ăn chay cho bữa trưa, giúp thâu những cuốn băng thuyết pháp, đóng sách gởi đi, v.v..., có khi mãi đến tối mới về. Có một hôm tôi thắc mắc và hỏi mẹ: Ở chùa buồn quá có gì vui đâu, sau mẹ đi hoài vậy? Mẹ tôi trả lời nói rằng: "Bây giờ là lúc vui nhất, sống một cuộc đời có nghĩa, bố con vô lộn nghề rồi, con đọc kinh nhiều rồi sẽ thấy sự thật" và mẹ tôi khuyên 3 đứa tôi nên tụng kinh niệm Phật. Chị em chúng tôi nghe vì chiều mẹ cho vui thôi.

Trong khoảng thời gian đó, là năm 1991 cho tới năm 1996, nếu ai có đi chợ VN Market hay chợ Tàu, phố Tàu, những tiệm bán sách hay là tiệm bán bánh, ở trong tiệm sẽ thấy có kệ đựng sách kinh và những cuốn băng thuyết pháp được chất gọn với nhau để chúng sanh được thỉnh free về đọc, đây là một trong những công việc của mẹ tôi thường làm.

Quyển kinh Địa Tạng đầu tiên do Sư Thích-Trí-Hiền biếu, khiến cho tâm mẹ tôi được khai mở và từ đó về sau, mẹ tôi thường tới thăm Thầy, giúp Thầy những gì khi cần, ví như ấn tống tượng Phật, sách kinh, tu sửa Chùa, hay với những gì mà mẹ tôi học được ở Chùa Tàu mà cảm thấy có thể giúp ít được, hoặc là những cụ khí trợ duyên khi ngồi niệm Phật. Cái gì hay thì mẹ tôi sẽ kể cho các cư sĩ nghe để cùng nhau học hỏi chung.

Vào năm 1992 chùa Tịnh Độ được khai mạc tên là Tịnh Trung Học Viện, do sư Ua Sieng đảm nhiệm và Bà quản lý tên Hàn-Anh. Bà Hàn-Anh là người phụ trách đại sự của tu viện ở nội địa hay ở các nước ngoài, và bà cũng là người duy nhất hộ pháp cho pháp sư Tịnh Không đã hơn 30 năm qua. Mẹ tôi hợp với bà quản lý, mỗi lần bà về đây đều phải gặp mặt ăn cơm trò chuyện với nhau. Chắc là đồng cảnh ngộ quả phụ, và đồng tâm hướng về đạo pháp. Bà Hàn-Anh chỉ dạy mẹ tôi đủ thứ, cách dùng pháp khí, các phương thức khi làm lễ, nghi thức tụng niệm, và thường khuyên mẹ tôi hãy giúp đỡ các sư, cư sĩ, cùng nhau tu hành làm phước, tạo phước để vượt thoát luân hồi cùng vãng sanh chung. Được sự khuyến khích của bà Hàn-Anh, mẹ tôi thường ở lại tu viện. Mẹ tôi rất thông minh, chỉ học một lần là nhớ, ví dụ như cách dùng pháp khí khi tụng kinh, cái nào cần đánh cần gõ, trước hay sau; phương thức làm lễ Phật thất, đại lễ khai kinh, quy y; mẹ tôi đều nhớ hết cho nên bà Hàn-Anh thường kêu mẹ tôi làm giùm. Tịnh Trung Học Viện thời đó rất vui, vì sư và cư sĩ hòa đồng với nhau cùng đọc kinh, cùng làm Phật sự. Lúc bấy giờ chủ trì Ua Sieng, hướng dẫn niệm Phật cho những người lâm chung. Lần lần Tịnh Trung Học Viện tổ chức thành một "phái đoàn niệm Phật". Ai cần thì họ sẽ tới hộ niệm, trong đó có mẹ tôi. Nghe bà Âu Thục Anh thuật lại rằng: "mẹ của con có cái gan to lắm, tụi tôi thì nhát gan, khi mà tới hộ niệm thì mình phải đứng xung quanh người chết, rồi niệm A-Di-Đà Phật, cũng ớn ghê lắm chớ, tôi thì sợ lắm chỉ đứng ở đằng sau, mẹ của con luôn luôn được đứng hàng đầu, mẹ con nói sợ gì niệm Phật rồi một hồi sẽ quên thôi, cho nên ngày nay bác bạo hơn xưa nhiều, cũng chính nhờ mẹ con đó".

Bà Tuyết lâm bịnh ung thư

Huệ-Nghi kể tiếp:

Rồi một ngày kia, tự nhiên mẹ tôi bị xuất huyết, liền chở vào nhà thương, thí nghiệm xong, kết quả cho biết bị ung thư tử cung. Nhớ ngày đó, mẹ từ nhà th��ơng gọi điện thoại về cho tôi biết, y bị ung thư, hai chữ ung thư tôi vừa được nghe tự nhiên nghẹn ngào không nói ra lời, tôi chỉ yên lặng tay cầm điện thoại, rồi nghe tiếng mẹ tôi khóc và nói: "Tuấn nó còn nhỏ quá, mẹ ráng sống cho tới ngày nó được đi học, để con đỡ khổ"

Sau khi mổ xong xuất viện được về nhà dưỡng bệnh, vài tháng sau, mẹ tôi lại trở về tu viện tụng kinh niệm Phật, làm công quả như những ngày cũ. Lần nầy mẹ tôi chỉ đi có 5 ngày ở chùa, còn 2 ngày kia thì đi làm việc xã hội từ thiện cho hội "tzu chi". Cháu Tuấn được 2 tuổi, không được theo ngoại đi chùa thường xuyên nữa, trong 1 tuần chỉ đi được hai ba bửa thôi. Tôi không muốn mẹ tôi cứ lo cho cháu hoài, vì tôi thường nghe Sư ông Tịnh Không thuyết pháp trong băng, nên tôi cũng hiểu được chút đỉnh, mặt khác vì sợ mẹ tôi yếu sức. Nhờ vậy chiều thứ năm nào mẹ cũng tới thăm và kể cho tôi nghe thật nhiều chuyện về hội từ thiện, mẹ đi theo những bà cụ già đã về hưu đến thăm viếng các nhà dưỡng lão, làm từ thiện hỏi thăm sức khỏe, vô trong bệnh viện viếng thăm bịnh nhân, đi xin người quen cho quần áo cũ đem về giặt rồi xếp lại để phát cho những người nghèo, đi quyên tiền cho nạn bão lụt, có khi mẹ tôi đi xuyên bang phát lương thực giùm cho các hội từ thiện, v.v... đủ thứ. Đôi lúc tôi nào có để ý tới, chỉ thấy mẹ vui, lạc quan hơn. Ngày tháng trôi qua mau, vào năm 1994, có một hôm mẹ tôi vừa nói, tay vừa chỉ cái cổ của y cho coi, thấy có cụt nhỏ nhỏ, không biết là cái gì, rồi đi bác sĩ khám lại thì cho biết triệu chứng ung thư bộc phát, từ từ đi lên, đây là chu kỳ thứ hai, cục hạch rất nhỏ cần phải đốt quang tuyến, nhưng không biết mẹ tôi nghĩ sao, y không chịu, lại nói để vậy được rồi, không sao. Từ đó, mẹ tôi sống rất bình thường, nhưng ốm hơn xưa, ít đi ra ngoài, bớt đi chùa, ở nhà tụng kinh Vô Lượng Thọ, niệm Phật, lạy Phật, và nghe băng giảng mỗi ngày. Có một ngày, Sư cô Mãn Ya (chủ trì của chùa Tây Lai Dallas) tới thăm và hướng dẫn cách ăn uống. Mỗi sáng mẹ tôi uống nước cỏ, mỗi ngày chỉ uống có một muỗng canh là đủ, loại cỏ nầy do mẹ tôi tự trồng lấy. Cọng rất nhỏ có màu xanh đậm, cắt ra bỏ vào máy vắt ra uống. Tôi thử qua, thơm thơm thanh thanh dễ uống không có mùi, vì mẹ tôi thường quảng cáo cho mọi người biết. Các đạo hữu rất từ bi, thường tới nhà thăm chỉ cách thức ăn uống để trị liệu, và đem những tài liệu giúp ít cho ung thư được chậm lại. Nói chung đa số là lương thực và uống nước trái cây. Mẹ tôi làm theo, khi tái khám lại, bác sĩ khuyên nên làm quang tuyến, nếu không sẽ bộc phát ra nhiều không được tốt đâu.

Quyết xả bỏ nhục thân !

Mẹ tôi từ chối, cả ba đứa tôi thật là đau lòng. Chắc có lẽ mẹ tôi hiểu, nên mẹ nói: "tất cả đều là chúng sanh, cùng một nhà, nếu tôi có nợ gia đình họ, thì tôi sẽ trả, tôi không muốn cảnh chia ly, tôi đã nói với họ rồi, tôi sẽ không làm gì hết, hãy an tâm".

Thế rồi từ đó, ba đứa chúng tôi không nói, cũng không hỏi gì cả, chỉ chiều theo mẹ, không cãi nhau nữa.

Nhớ lại, có một bữa chiều thứ năm, đi làm về nhà, thấy mẹ tôi đang trò chuyện với chồng tôi, lúc tôi bước vào bàn định ngồi thì thấy chồng tôi đứng dậy đi ra, không vui cho lắm. Một hồi mẹ nói với tôi: "2 năm nữa mẹ đi vãng sanh". Và mẹ cười, còn tôi thì la lên "trời ơi, khổ quá má ơi".

Đầu năm 1995, mẹ tôi bị ho, bác sĩ nói trong phổi mẹ có những đốm nhỏ, nên bị ho, có cho thuốc uống nhưng không hết. Mặt khác mẹ tôi có đi bác sĩ Tàu. Và cũng vào thời gian nầy, mẹ tôi bắt đầu sắp xếp công việc, chuẩn bị hành trang. Từ từ mẹ tôi lại ho thêm, khạc ra đờm, nên trở nên ít nói; không có ra ngoài, chỉ ở trong nhà, thân lại hơi yếu và ốm; bạn bè, bà con cũng thường tới thăm. Rồi một hôm, sau cơn ho dữ dội thì nghe mẹ nói: "vạn duyên buông xuống, vạn ngữ buông xuống, nhất tâm niệm Phật".

Từ đó về sau, ba chị em tôi thay phiên nhau săn sóc mẹ, Út thì nghĩ làm ở nhà canh giữ không cho ai đến thăm. Theo lời mẹ dặn từ chối tất cả các điện thoại, kể cả người thân ruột thịt, chỉ khi nào cần ra ngoài như là đi bác sĩ, hay những chuyện cần thiết. Chị em chúng tôi làm phật lòng rất nhiều người, thân nhân, ruột thịt, bà con, họ hàng, bạn bè xa gần trong thời gian nầy. Chỉ trừ những Pháp sư, Sư cô Mãn Ya, Thầy Trí-Hiền được vô nhà thăm mẹ tôi.

Có một đêm khuya, nửa đêm thì phải, nghe tiếng mẹ kêu, giựt mình thức dậy chạy qua coi, thì thấy mẹ đang nằm ở dưới đất, y nói: "mắc tiểu quá, muốn tự mình đi, ai dè bị té, không ngờ chân yếu, không có sức, mẹ không muốn phiền các con, không muốn cũng không được nữa, hết cách rồi". Từ đêm đó trở đi, hai em tôi ngủ chung phòng, một người bên trái, một người bên phải, rồi mẹ tôi dặn khi đêm về thì mặt tả giùm cho y.

Mua quà từ tạ bác sĩ

Cuối năm 1995, mùa Giáng Sinh sắp đến, mẹ bảo em tôi đi mua tấm thiệp Giáng Sinh, hộp kẹo chocolat và viết lên vài chữ "rất cám ơn bác sĩ, từ trước tới nay đều do ông săn sóc trị bịnh cho tôi, từ nay trở đi, tôi sẽ không tới nữa"và mẹ dặn là phải đem tới phòng mạch tận tay giao cho ông và nói, tôi rất là cám ơn. Rồi ngày hôm sau, phái đoàn hospice tới, do bác sĩ gởi tới, cô y tá nói bác sĩ dặn là 1 tuần phải tới 5 lần, mẹ tôi từ chối, mỗi tuần đến 1 lần là đủ, bác sĩ không chịu, ít nhất cũng phải 2 lần, sau đó mẹ đồng ý, thôi 2 lần cũng được. Mỗi lần cô y tá đến, cô mang theo thuốc đau, thuốc ho, băng, thuốc dán, đủ thứ, và nghe mạch, đo máu, kiểm soát thân thể, lần nào cũng vậy, y cũng nói "rất bình thường", có điều mẹ không có nói cho cô ấy biết là mẹ tôi không có uống thuốc, và mẹ căn dặn, "lấy thuốc cất đi để dành, mai sau mẹ đi rồi mới đem trả lại cho cô y tá, vì thuốc nầy có thể trị bịnh được cho người khác, còn mẹ tự biết, bệnh mình không còn cách nào chữa được nữa".

Tôi phải công nhận rằng hội hospice của Mỹ thật là tốt, rất đạo đức, chăm sóc tận tình, chu đáo, cô y tá cứ đòi tắm rửa, lau phòng giùm mẹ tôi, tất cả đều được từ chối, sau đó cô ta dẫn người Việt-Nam tới, mẹ nói không cần đâu, con tôi làm được rồi, không sao. Từ từ mẹ yếu đi, càng ốm hơn nữa, quần áo mặc hết vừa, nhưng triệu chứng ho cũng lạ thất thường, có khi to, có khi không có, có lúc tưởng là vì nói chuyện mới bị ho, rồi có khi nói tới 1, 2 tiếng mà lại không bị ho. Trong khoảng thời gian nầy, mẹ chỉ nói chuyện trong bữa cơm trưa, mỗi ngày chỉ được một lần, ngày nào cũng vậy, chỉ được nghe đừng có hỏi. Mẹ nói: "Hãy lo Niệm Phật. Niệm Phật sẽ giúp ít cho các con về sau, lúc đó sẽ hiểu không cần phải nói".Mỗi ngày mẹ kể chuyện đều khác nhau, nhưng mỗi lần trước khi đi vô phòng nằm nghỉ, thì mẹ đều nói giống nhau "các con đi niệm Phật, tụng kinh, lạy Phật, lúc nầy là lúc tốt nhất cho các con, hãy giữ lấy cơ hội nầy, về sau thời gian nầy sẽ không có nữa". Cả ba đều nghe lời làm theo.

Ngày xưa Tổ Triệu-Châu, năm 90 tuổi Ngài ngộ Thiền. Từ đó suốt 30 năm mỗi ngày ngài Triệu-Châu đều vào thường định, chỉ có 2 thời cơm cháo Ngài mới xuất định để cầu nguyện hầu đền ơn cho đàn na thí chủ; còn thì Ngài luôn luôn ở trong định. Bà Ngọc-Tuyết cố gắng niệm Phật giữ tâm được định, một ngày bà nói chuyện với con 2 lần (Lời người sưu giải).

Tết sắp đến, mẹ tôi rất yếu, phải dùng máy thở oxygen, nhưng lại không có ho, chỉ là thở không được. Có một hôm, cô y tá hỏi tôi, mẹ tôi có phải đang chờ, mong mỏi chuyện gì đó không? Ý cô muốn nói mẹ tôi còn nắm nuối diều gì đó nên chưa chết. Tôi trả lời không có, cô nói "thông thường một người bị ung thư không thể kéo dài lâu vậy đâu, da của mẹ cô màu vàng hết cả rồi!"

Tôi nói, có thể do mẹ tôi ngồi Thiền và niệm Phật nên có sức chịu đựng lâu dài. Cô y tá không sao hiểu được điều nầy.

Trong dòng họ của Huệ-Nghi có 3 người bị ung thư là bà nội, cậu hai và mẹ Huệ-Nghi. Hai vị kia đều rên la kêu gào ngày đêm. Chỉ có mẹ của Huệ-Nghi bình thản niệm Phật.

Sống trong lo âu ... chờ đợi

Đã qua hết ba ngày rồi, phải sống trong sự lo âu, hồi hộp, chờ đợi. Mẹ tôi phải thở bằng oxygen, mẹ ngủ hơi nhiều, lúc thức dậy, bỗng nghe mẹ nói một câu: "Tôi không cần phải niệm Phật nữa".Vừa dứt lời, cả ba đứa tôi sợ đến muốn đứng tim, nhưng rồi không thấy gì thay đổi. Cuộc sống trở lại bình thường, có khi lại nghe mẹ nói: "đừng có lo nấu nướng chi cho nhiều, hãy tập ăn uống giản dị là tốt nh���t, mẹ thích nhất là các con cùng niệm Phật chung với mẹ là mẹ vui sướng nhất". Thế là cả ba đều chung vô phòng với mẹ và ngồi niệm Phật hoài, giống như mấy ông Sư.

Ngày hôm sau. lúc đi làm về, em nó gọi điện thoại cho biết, "cả ngày hôm nay tự nhiên mẹ muốn gặp cậu Đức (em trai của y) nên em tìm cậu biểu cậu tối nay qua nhà thăm mẹ, vì mẹ muốn gặp cậu, nhưng cậu nói bận để ngày mai, bây giờ phải làm sao chị hả? Vừa nghe xong, tôi liền quát trong điện thoại "đồ ngu, sao không điện cho tao trước"? Em nó nói "mẹ muốn tìm, cả ngày rồi, gấp lắm" tôi vừa tức vừa khóc chửi "mầy ngu quá, coi chừng tao, tao qua nhà bây giờ". Bỏ điện thoại xuống, tôi qua nhà mẹ tôi tức thì, vừa bước vô nhà, Út chận lại nói, chị làm gì, nếu chị khóc thì đừng có vô thăm mẹ. Tôi đẩy út ra nói "đi chỗ khác", Út chạy theo đi vô phòng. Lúc đó tôi khóc tức tưởi và nói với mẹ con có chuyện muốn nói riêng với mẹ, sau đó Út ra ngoài, chỉ còn tôi với mẹ trong phòng, tôi vừa khóc vừa nói "con xin mẹ đừng có gặp cậu"; mẹ nói: "tôi rất muốn gặp y". Tự nhiên tôi khóc nức nở, một hồi sau tôi lại nói "đừng, đừng làm vậy, xin mẹ hãy giao cho con". Mẹ nói tiếp: "tôi có phương pháp". Tôi vội trả lời "mẹ không đủ sức, con còn trẻ, con đủ sức chống, đời mà khổ lắm, xin mẹ hãy buông xuống, đây là duyên cuối cùng, giao cho con, tụi con sẽ làm được "Rồi tôi khóc tiếp, vì tôi hiểu mẹ tôi rõ lắm, cũng chỉ vì chuyện bà ngoại. Ngoại tôi đang ở với cậu Đức. Chưa bao giờ tôi được khóc trước mặt mẹ tôi. Lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng, tôi vừa khóc vừa nói, tôi không nhớ tôi nói những gì, đã gần hai tiếng, khi ngửng mặt nhìn lên, thấy mẹ tôi mặt bình thản đang nhìn, làm tôi có cảm giác mẹ tôi không có nghe gì cả. (Huệ-Nghi linh cảm mẹ cháu sắp mất).

Rồi mẹ hỏi "con gặp sư phụ có một hai lần, mà sao con tin tưởng ông vậy"? Tôi đáp liền "con thích vì Sư ông thật thà và thành thật". Một lát sau mẹ nói "bảo cậu ấy khỏi tới nữa, không có gì hết, con gắng lo nhá". Và mẹ đi ngủ, ngủ hoài, làm cho em tôi thật là lo.

2/26/96, sáng thứ hai, em út tôi gọi điện thoại cho Sư ông Tịnh Không và hỏi "sao mẹ con ngủ nhiều quá, không biết có lỡ mất cơ hội đi vãng sanh không?"

Sư ông trả lời "không thể", rồi Út hỏi tiếp" thưa sư phụ, khi nào con mới có thể cho mẹ con uống cái hột Xá-Lợi"?

Em tôi nói "bị sư phụ chửi cho một trận".

Chuyện là như vầy, hồi tháng 12 có một người c�� sĩ rất tốt bụng từ Houston lên thăm mẹ và biếu cho mẹ tôi một hột Xá-Lợi, viên tròn tròn nhỏ, dặn là bỏ vào một cái tách và đựng nước để ở trên bàn thờ, mỗi ngày đổ nước ra dâng cho mẹ uống, tới khi nào cần thì hãy uống hột Xá-Lợi vô, thì rất tốt. Nghe vậy em tôi làm theo, nhưng vì không biết khi nào mới có thể uống được, nên mới hỏi Sư ông, ai ngờ bị Sư ông la "học Phật pháp tại sao không biết tôn trọng hột Xá-Lợi" và Sư ông nói tiếp: "nhắn với mẹ là, Tây Phương Tam Thánh đang ở ngoài cửa, mẹ con hãy an tâm mà đi, bất cứ lúc nào cũng được".

2/27/96, như thường lệ, sau khi tan sở, qua thăm mẹ tôi. Hôm nay mẹ tôi rất khôi hài, ăn cơm xong, súc miệng, thay quần áo sạch sẽ, nhưng sao mẹ tôi có vẻ thích chọc tôi. Mỗi ngày những công việc nhà thường là do em tôi nó làm. Hôm nay lạ ghê, không hiểu sao, cái gì mẹ tôi cũng nói hãy để Huệ-Nghi làm, rồi tối đến trong lúc thay tã cho mẹ, mẹ lại nói với em tôi "kêu Huệ-Nghi thay tã giùm", làm cho hai em tôi cười lăng ra khoái chí, rồi mẹ nói: "cười vui quá, mai mốt mẹ đi rồi, ba đứa con sẽ khóc chết luôn, sau nầy nếu có ai nhớ tới mẹ thì nhớ niệm A-Di-Đà Phật; tối nay kêu Huệ-Nghi, nó ở lại niệm Phật đừng có về".Nghe vậy tôi liền chạy "thôi má ơi, bye bye, con phải đi về, có hai đứa nó được rồi, ngày mai còn phải đi làm", và sau đó tôi đi về ngay.

Vong hồn đến đòi nợ?

Trên đây là lời của cháu Huệ-Nghi. Văn nói của cô gái Việt gốc Hoa thật chân chất. Chúng tôi ghi nguyên văn; nếu để ý quí vị sẽ thấy. Ông Trần-Hòa-Bình, chồng của bà Huỳnh-Ngọc-Tuyết sống bằng nghề nuôi bồ câu bán cho người ta ăn thịt và nuôi ong lấy mật bán. Sau khi ông Bình chết, Thượng-Tọa Thích-Trí-Hiền tặng cho mẹ con mấy cuốn Kinh Địa Tạng bằng chữ Tàu. Bà Ngọc-Tuyết xem qua biết rõ tại sao chồng mình chết thảm! Từ đó bà lo sám hối, cầu nguyện cho chồng được siêu-thoát và tự mình niệm Phật cầu vãng sanh. Bà hiểu rõ luật nhơn quả. Bà luôn luôn nhắc các con niệm Phật và nói: - Bố các con vô lộn nghề rồi. Các con đọc kinh nhiều rồi sẽ thấy sự thật!

Ý bà muốn nói sẽ thấy luật nhơn quả. Có vay là có trả. Đức Phật cấm sát sanh. Ông Bình sống bằng nghề nuôi sinh vật bán cho người ta ăn thịt, lấy mật của loài ong bán cho người dùng. Dù ông Bình đã chết đi; nhưng bà Ngọc-Tuyết vẫn phải chung cộng nghiệp, nên giữa ban ngày thường thấy những vong hồn hiện đến. Cháu Huệ-Nghi kể về việc nầy như sau:

"Tháng hai, vào một buổi chiều, Thầy Trí-Hiền dẫn 2 đệ tử đến thăm mẹ tôi, lúc đó mẹ tôi nói với thầy "Họ đứng ở ngoài cửa đông lắm, tụi nó đứng chen nhau đầy cả phòng". Rồi đôi khi lại nghe mẹ nói "có khi đang ngủ trông thấy những người xưa, mẹ gặp cô tài tử, nhưng mà mẹ cũng biết y chết đã mấy chục năm rồi, ủa sao không quen mà lại gặp?Tự nhiên mẹ ngộ rồi, niệm A-Di-Đà Phật là tất cả biến mất".Nhiều khi nghe mẹ nói, có những lúc "không có nghĩ mà họ cũng tới; có khi đang ngồi niệm Phật mà họ vẫn cứ đứng đó, đến nỗi mẹ phải nói "A-Di-Đà Phật, xin ngài hãy đuổi họ đi hết, để tôi niệm Phật, tức thì họ biến mất hết".Mẹ nói đó là "Phật độ", các con gắng niệm Phật, chuyện gì cũng qua hết.

Kinh nói "Niệm Phật ác ma tránh xa 40 dặm", chắc đúng như vậy. Đó là chuyện nhân quả mà chúng ta cần phải biết đến.

Dấu hiệu sắp vãng sanh

Lúc nầy bà Huỳnh-Ngọc-Tuyết dùng ý niệm Phật chứ không còn sức niệm Phật nữa, nhưng vẫn không quên nhắc các con gái niệm Phật.

Cháu Nghi nói:

Nghĩ lại cũng vui, vì trong cái khổ lại có cái vui, mấy ngày trước khi mẹ tôi đi, trong nhà như có sự thay đổi bất thường. Mẹ tôi rất là yên lặng, bình thản, dễ chịu, nhìn hiền như cục bột, làm sao cũng được, y không có la nữa, mặc sức mấy con muốn làm gì thì làm. Nhìn mẹ tôi rất tội nghiệp ốm như cây tăm, da lại vàng, nhưng tay chân sạch sẽ bóng lưởng. Chúng tôi thường hay đấm bóp cho mẹ, để máu thông, cứ nấn nấn tay và chân. Tay mẹ tôi vừa cầm lên thì đụng tới xương, vừa lấy tay ra thì thấy cả dấu tay của mình, phải đợi chút mới bung lên được. Em tôi thì nấn tay phải, còn tôi thì cầm tay trái, đùa giỡn với nhau, tay mầy thì mập quá, vừa bóp một cái thì lủng cả tay, đúng là tay voi, còn mầy thì làm sao, tay thon đẹp quá há, rồi cũng phải lủng tới xương. Chị em tôi khoái bóp bóp tay và chân mẹ tuy là nói để máu thông, thật ra thì để được gần gũi mẹ, và cũng tò mò hiếu kỳ. Có lần tôi đưa cánh tay của mẹ, đưa qua đưa lại, lên lên xuống xuống, đưa tới đẩy lui, sao cánh tay cứ xuôi theo mình, không có cảm giác gì cả. Thấy hơi kỳ, mấy đứa tôi nói chuyện với nhau lia lịa, kể nhau nghe chuyện vui và cười. Một hồi nhìn lên coi mẹ tôi có phản ứng gì không, nhưng mẹ tôi ngồi im ru mắt nhắm lại, không biết có nghe không, tôi cảm giác mẹ tôi chỉ có cái đầu không có cái thân. Mỗi lần trước mặt mẹ, mẹ không thích ai nói chuyện, sao hôm nay mẹ hiền ghê, không có một lời! Rồi đêm nay tôi dìu mẹ đi cầu, lúc trở về tới giường, tôi hơi vô tình, để thân mẹ ngồi trên giường trước, tính quay thân mình lại rồi mới đỡ mẹ lên sau. Ai dè toàn thân mẹ tôi được tâng lên theo thế ngồi 2 cái, thật nhẹ hửng. Tôi giựt mình khiếp sợ, đây cũng là lần đầu, thường do em tôi săn sóc, không biết sao tôi đứng yên như chết, suy nghĩ và nhìn mẹ. Tại sao thân thể không còn tự giác được. Rồi em nó nói: "không phải ngồi, thân mẹ rất nhẹ, đỡ chút rồi ẵm lên giường là được".

Mẹ quay lại nhìn tôi một cái và nhắm mắt cười mỉm chi. Còn tôi thì sợ, từ lần đó không dám đụng thân mẹ nữa. Chắc mẹ tôi biết tôi sợ, nên cứ kêu tôi hoài, sai tôi làm đủ chuyện, làm cho 2 đứa em tôi cười lăn ra đắc chí, đã quá. Nói chung tôi rất là hồi hộp, cứ lo sợ mình làm sai chuyện, còn mẹ tôi thì bình thản như không có gì hết. Những hiện tượng sẽ đi ngược lại với cái gì mình đang nghĩ và thật là khó mà giải thích được. Đôi lúc ngôn ngữ quá thừa thãi cho đến lúc mình cần dùng tới thì không tài nào mà diễn tả được. Nói tóm lại, trong cái khổ sẽ có cái vui, tôi rất cám ơn mẹ, ... vì mẹ cho chúng con sống, ... Nam-Mô A-Di-Đà Phật.

Biết trước ngày vãng sanh

Cháu Nghi kể, mẹ nói với chồng con rằng: "2 năm nữa mẹ đi vãng sanh!" Huệ Nghị nói, chồng Huệ-Nghi không có đạo. Có lẽ vì thế mà bà Huỳnh-Ngọc-Tuyết báo trước cho chồng Huệ-Nghi để sau này sự thật diễn ra thì y sẽ triệt để tin tưởng nơi Phật Pháp Nhiệm Mầu.

Chẳng những bà Huỳnh-Ngọc-Tuyết biết trước mình sẽ vãng sanh mà còn biết mẹ của bà cũng sẽ vãng sanh. Tất cả đều đúng như bà Tuyết nói.

Vào tháng 8 năm 1995, bà Ngọc-Tuyết viết một di-chúc bằng chữ Hán giao cho Huệ-Nghi giữ.

Một trăm ngày sau khi tang mẹ, Huệ-Nghi nhớ lại lá thơ, liền đem ra xem, thì kêu lên: "Hỡi ơi là trời ... tại sao tôi đọc thơ này mà lúc đó tôi không tin điều mẹ đã nói trước. Tôi liền tìm sư Tịnh Không hỏi: "Thưa Sư ông, sao mẹ con biết trước được là y sẽ vãng sanh!?" Sư Ông trả lời rằng: "người vãng sanh có thể biết trước được 2 năm".

Huệ-Nghi tự trách mình: Tôi thật ngu xuẩn quá!

Cắt đứt mọi tình cảm thế gian

Trở lại việc bà Diệu Âm Huỳnh-Ngọc-Tuyết cắt đứt mọi tình cảm thế gian - Như đã nói, thuần là tình sẽ chìm xuống như Kinh Lăng-Nghiêm và Niệm Phật Ba-La-Mật dạy.

Bà quyết cắt đứt mọi tình cảm thế gian để vượt thoát khỏi Tam giới, vãng sanh nơi hoa sen Cực-Lạc. Bà không có cháu nội, nên tình thương đặt vào cháu ngoại 2 tuổi tên Tuấn. Bây giờ bà phải cương quyết rời cháu cưng. Một năm trước ngày lìa thế gian, bà ôm Tuấn vào lòng và nói: "Bà có bịnh phải đi, không phải chết. Cháu đừng có buồn mà khóc. Khi nào nhớ bà thì cứ niệm một câu A-Di-Đà Phật, vì bà bị ung thư phải ngủ thật nhiều. Cháu ráng học cho giỏi để sau này giúp các sư dịch Kinh sách".

Từ đó cháu bà không đến thăm bà nữa.

Rồi bà đến thăm mẹ lần chót. Lúc từ giã bà nói: "Vú gắng niệm Phật (Vú là tiếng mẹ mà bà thường gọi) tôi về nhá, từ nay tôi không đến thăm vú nữa. Nam-Mô A-Di-Đà Phật!"

Phần với bà con, anh em, bạn bè, bà Tuyết từ giã bằng cách mua tặng hình Phật, xâu chuỗi, đèn, chuông mõ. Bà gởi hình Tây Phương Tam Thánh về Việt-Nam tặng cho anh em và gởi qua Cali cho đứa em trai út tên là Huỳnh-Hớn-Vinh và viết thơ như sau:

"Lúc nầy chị ho dữ lắm. Nhưng không sao, chị vui vẻ chấp nhận, nghiệp chướng sẽ chuyển. Người càng ngày càng ốm (còn 39 ký lô), nhưng lòng chị càng ngày càng sáng, cũng nhờ Phật độ cho mình đã biết đường hướng nào phải đi cho đúng.

Vài lời thăm gia đình em.

Chị Huỳnh-Ngọc-Tuyết

100vangsanhluuxaloi-dibutbatuyet

Trên đây di bút của bà Huỳnh-Ngọc-Tuyết
với dòng chữ cuối cùng cũng nhớ tới Phật.
Đúng là, thuần tưởng thì bay về cõi Cực-Lạc.

Bà Tuyết đắc được pháp gì?

Trong Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật có các đoạn:

"Bất cứ chúng sanh nào thậm thâm tin hiểu hoan-hỷ thọ trì danh-hiệu Nam-Mô A-Di-Đà Phật hoặc một ngày, hoặc bảy ngày, cho tới nhiều lần của bảy ngày, thì sẽ đắc mười pháp quyết định bất khả tư nghị. Như là:

1. Quyết định an trụ trong bản nguyện vĩ đại của Đức Phật A-Di-Đà, chắc-chắn được Ngài tiếp dẫn.

2. Quyết định hòa hợp thân và tâm vào trong Kim thân của chư Phật."

Trên đây chúng tôi chỉ trích đăng hai pháp trong mười pháp quyết định bất khả tư nghị, mà Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật nói.

Lấy Kinh để ấn chứng thì chắc-chắn bà Huỳnh-Ngọc-Tuyết đã được Phật A-Di-Đà tiếp dẫn. Nhưng nếu nói bà Tuyết đắc được pháp gì, thì phàm phu như chúng tôi không dám nói chắc.

Hãy nói đến việc bà Huỳnh-Ngọc-Tuyết sống thuần bằng tưởng. Bà luôn luôn sống bằng sự tưởng nhớ đến Đức Phật A-Di-Đà. Đại Đức Wu-Kai, cùng ở Tịnh Trung Học Viện tại Dallas với Pháp sư Tịnh-Không, viết ký sự sau khi bà Huỳnh-Ngọc-Tuyết mất, có đoạn:

Mấy tháng cuối cùng chỉ có sáu vị Pháp sư của Tịnh Trung Học Viện Dallas (Hoa-Kỳ) đến nhà niệm Phật, Bà quyết tâm vãng sanh Cực-Lạc. Bà chặt dứt tất cả tình cảm, vật chất. Ngoài con đường giải thoát bà không còn mong muốn gì nữa: "Nếu như không dứt tất cả thì mình sẽ đi không kịp nữa".

Bà dứt hết tất cả tình cảm gia đình, tình bằng hữu, bạn đạo, cho dù họ muốn tụng kinh cho bà, bà cũng từ chối. Bà nhứt quyết ra đi. Bà không tiếc một điều gì. Bà chỉ biết bố thí. Trong phòng của bà chỉ có một bàn thờ, một tượng Phật, một giường, một ghế. Người nào đến hộ niệm thì ngồi vào chiếc ghế duy nhứt ấy.

Cần Niệm Phật liên tiếp 8 giờ đồng hồ

Trước khi bà trút hơi thở cuối cùng chỉ có Pháp sư của Tịnh Trung Học Viện, Dallas, đến nhà của bà. Bà muốn như vậy, bà không muốn người ngoài đến hộ niệm.

Bà Tuyết từng nhắc các con gái hãy đọc kỹ và nhớ quyển sách "lâm chung, những điều cần biết" vì bà mong rằng quí Sư cùng các con bà niệm Phật trong suốt 8 gờ đồng hồ. Sau đó thì tùy các con xử lấy, bà Tuyết có nói với con gái của bà là chỉ cần 8 tiếng thôi, sau đó thì không có nghĩa lý gì hết. Nhớ đừng có mua cái hòm loại đắt tiền, đừng phí tiền mà mua hoa đẹp; tất cả chỉ làm cho người ta coi thôi, còn đối với mẹ chỉ là cái xác vô nghĩa. Bà đã xin bác sĩ được phép để nhục thân của bà trong nhà trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ, bác sĩ đã đồng ý và đã ký giấy phép, vì về phương diện luật pháp, có thể được. Trong nước Mỹ, người chết được đưa vào nhà xác lập tức. Trong Phật Giáo, sau khi chết, linh hồn chưa rời khỏi thân thể cho nên ít nhứt sau tám tiếng đồng hồ mới được di chuyển xác. Trong tám tiếng đồng hồ ấy, không thay quần áo, không tắm rửa, không đưa vào phòng lạnh nghĩa là không chạm tới nhục thân. Không đưa vào phòng lạnh để tránh cho người chết không đau khổ, lúc ấy tâm sân nổi lên, thần thức sẽ xuống địa ngục.

Phật A-Di-Đà đến rước!

Ngày 28/2/1996, vào lúc 7 giờ sáng, cháu Ái Nhi gọi điện thoại cho Pháp sư của Tịnh Trung Học Viện cho hay mẹ của cháu sắp mất. Đến 8 giờ 30 Pháp sư vào phòng của bà bắt đầu hộ niệm. Lúc bấy giờ bà chỉ còn thở rất yếu, không nhúc nhích nữa. Sau mười một giờ trưa, ánh sáng giống màu hạt gạo hơi vàng chiếu qua cửa sổ, xuyên qua bức màn màu trắng khiến cho nguyên cả phòng đều sáng rực. Ánh sáng ấy xuyên qua như thế thì khuôn mặt của bà thay đổi. Hôm ấy là một ngày u ám, không có ánh sáng mặt trời. Ngôi nhà kế bên thật cao cho nên suốt cả năm không có ánh sáng chiếu vào nhà của bà, căn nhà của bà thường âm u. Nhưng bấy giờ tất cả căn nhà của bà đều sáng rực, hoàn toàn sáng rực, không có bóng của vật, cũng không có bóng của người. Ánh sáng ấy sáng hơn ánh sáng mặt trời, không thể nói được, chữ nghĩa dân gian không thể tả được ánh sáng ấy. Ánh sáng ấy tỏa xuống làm mất tiêu hết tất cả các bóng.

Nói chuyện với chúng tôi, cháu Huệ-Nghi bổ túc vào bài của Đại-Đức Wu-Kai: Khoảng 10 giờ sáng hôm đó, tự nhiên ngửi được một mùi thơm thoáng không biết từ đâu tới, đang niệm Phật bỗng nhiên phải trố mắt ra nhìn tìm coi chuyện gì sao thơm quá, rồi chị em tôi đổ thừa cho nhau ai xức dầu thơm đó, có bị khùng không, đang niệm Phật lại đi xức dầu thơm. Khi bước ra phòng ngoài thì không ngửi thấy mùi.

Đại Đức Wu-Kai viết tiếp:

11 giờ 23 phút bà đi vào thế giới Cực-Lạc, đi trong ánh hào quang của Phật một cách an nhàn, thanh thản. Sau đó con của bà bắt đầu báo tin cho những bạn đạo biết để đến hộ niệm cho bà. Có tất cả khoảng chừng từ 50 đến 60 người bạn đạo đến thay phiên nhau trợ niệm suốt 26 tiếng đồng hồ.

Cháu Nghi thêm:

Và buổi tối hôm đó, mùi thơm lại tỏa thoáng từ phòng mẹ ra tới ngoài phòng kh��ch, cư sĩ đang ngồi niệm Phật ở hành lang và phòng ngoài đều ngửi được. Về sau có hỏi Sư ông Tịnh-Không, Ngài cho biết đó là "Chư Thiên xuống coi, vì có người vãng sanh".

Niệm Phật được 8 giờ, sau đó mới gọi bác sĩ tới để làm chứng. Cô y tá tới lập tức vào phòng bà Tuyết, sư Wu-Kai nhấc nhẹ tấm khăn phủ mặt để cô y tá coi, cô ấy chỉ nhìn không có đụng, gật đầu đồng ý. Tôi đem trả lại những hộp thuốc được để dành lúc trước, cô ta rất ngạc nhiên cầm lên coi, những cái bao ni lông còn nguyên chưa có mở. Cô nhìn mẹ tôi, trong lúc đó có một người đang đứng lạy, cô ta cũng bắt chước làm theo, y lạy một lạy và bắt chước đọc A-Mi Thò-Phò một câu và cô ấy đi về.

Đại Đức Wu-Kai thuật tiếp:

Sau 26 tiếng đồng hồ phải di chuyển nhục thân của bà, nhục thân ấy vẫn còn mềm, không có mùi hôi. Thực sự, trong vòng một tháng trước bà không tắm, không gội vậy mà lúc ấy nhục thân của bà vẫn không hôi.

Thân nhân của bà lúc bấy giờ không khóc lóc, ngược lại rất vui vẻ, Ba đứa con gái của bà biết được rằng mẹ của họ đã vãng sanh, họ rất đỗi vui mừng. Tình mẫu tử như thế, người ngoài khó hiểu được. Bạn bè của bà cũng lộ vẻ vui mừng.

Bà Tuyết lưu lại Xá-Lợi

Vào ngày 4 tháng 3 năm 1996 đoàn xe tang đưa linh cữu của bà Tuyết vào nghĩa trang Restland thị xã Garland để làm lễ hỏa táng. Lễ cáo biệt, mọi người cùng nhau tụng Kinh A-Di-Đà để đưa Bồ-Tát ra đi. Lễ xong, đưa nhục thân của Bồ-Tát đến chỗ hỏa thiêu, một đoàn xe đưa tiễn vừa đi vừa niệm Phật bỗng từ trên không trung tỏa xuống mùi thơm không rõ từ đâu tới. Ngày 5 tháng 3 năm 1996, chúng tôi tới phòng thiêu để lấy tro, trong mớ tro ấy có ngọc Xá-Lợi gồm có hạt Xá-Lợi và hoa Xá-Lợi. Những ngọc Xá Lợi nầy được đưa về Tịnh Trung Học Viện, Dallas để mọi người chiêm ngưỡng.

Từ giã Bồ-Tát, xin chúc mừng Bồ-Tát đã thoát khỏi một đêm dài luân hồi. Chúng tôi không để cho Bồ-Tát đợi lâu, chúng ta sẽ cùng gặp nhau trên cõi Tây Phương Cực-Lạc.

Đại Đức Wu-Kai

Lý Tuyết Mai (Dallas) và Châu Gia Vu (Colony) dịch sang Việt Ngữ

Cuối bài viết, Đại Đức Wu-Kai gọi bà Huỳnh-Ngọc-Tuyết là Bồ-Tát, gởi lời từ giã và xin chúc mừng Bồ-Tát Huỳnh-Ngọc-Tuyết đã thoát khỏi một đêm dài luân hồi. Quý sư chùa Tàu cũng thừa nhận bà Huỳnh-Ngọc-Tuyết chứng quả vị Bồ-Tát, do chỗ Đức Phật và Thánh Chúng đến tiếp dẫn nên đã có hào quang của Phật và Bồ-Tát, có mùi hương thơm tỏa khắp nhà, khắp trời và sau lễ Trà Tỳ Huỳnh-Ngọc-Tuyết đã lưu lại Xá-Lợi. Cái chết của bà Huỳnh-Ngọc-Tuyết, đối với chúng tôi, là một bài học rất cần thiết và có giá trị. Đó là, người ở xứ Mỹ nầy, khi già và đau yếu có thể chết ở tại nhà và được kéo dài 24 tiếng đồng hồ, mới đưa nhục thể đến nhà quàn, nếu có giấy của Bác sĩ. Nhờ vào việc nầy, chúng tôi có nói chuyện với bác sĩ Nguyễn Đức Bỉnh-Khiêm, bác sĩ Khiêm nói; vì lý do tôn giáo có thể lưu xác lại 72 tiếng đồng hồ. Điều cần thiết là phải xin giấy của bác sĩ.

Trong Kinh và sách nhà Phật, như trong cuốn Tạng Thư Sống Chết, Lạt Ma Sogyal Rinpoche khuyên nên chết ở tại nhà, vì không nên lay động di chuyển thân xác người chết trong vòng từ 7 đến 8 giờ đồng hồ. Trong sách Liễu Sanh Thoát Tử của Thầy Thích-Quang-Phú và sách Bí Mật Thân Trung Ấm của Nguyễn Pram (thuộc về Mật Tông); cũng nói như vậy. Vì chết ở nhà thương, sẽ bị người nhà quàn đến mang xác đi bất cứ lúc nào, khiến nhục thể bị chuyển động.

Sách Liễu Sanh Thoát Tử, do thầy Thích-Quang-Phú dịch, có nói rõ: "Không nên gấp rút động đậy như dọn dẹp mền nệm, chùi rửa thay đổi quần áo, cần phải để yên tám tiếng đồng hồ, rồi sẽ tắm rửa thân thể, thay đổi quần áo và nhập liệm. Nếu không theo như thế, thì khi nghiệp thức chưa hoàn toàn bỏ thân, bị xúc động phải cảm thọ sự đau đớn nhân đó mà sinh ra sân hận tức phải đọa vào ác đạo",tức có thể rơi vào Địa Ngục, Ngã Quỷ hay Súc Sanh.

Theo sự chứng đắc Pháp-Thân của bà Huỳnh-Ngọc-Tuyết, ông Nguyễn Pram viết trong sách Bí-Mật Thân Trung-Ấm rằng: "Người mà ngộ cao thì thân thể không hôi thúi lại tỏa ra hương thơm ngạt ngào, thế gian ít có mùi hương nào có thể sánh bằng. Đó là bực đã ngộ Pháp-Thân Viên Mãn, vì chính nó là Kim Cang Thân".

Giống như trường hợp của Bà Diệu-Âm Huỳnh-Ngọc-Tuyết vậy.

Cổ-Đức nói:Có mười hạng người lâm chung không niệm Phật được

  1. Không gặp bạn lành (Thiện Tri Thức), nên chẳng ai khuyên niệm Phật.

  2. Bịnh hoạn khổ đau bức bách, không yên ổn để niệm Phật.

  3. Trúng phong cứng họng, không thể xưng niệm danh hiệu Nam-Mô A-Di-Đà Phật.

  4. Cuồng loạn mất trí, không thể giữ chánh niệm để niệm Phật.

  5. Bất ngờ gặp nạn nước lửa, hay tai nạn xe cộ máy bay, không thể niệm danh hiệu Phật.

  6. Bổng gặp cọp beo, ác thú bất ngờ làm hại, không sao niệm danh hiệu Phật được.

  7. Khi lâm chung bị bạn ác phá hoại lòng tin.

  8. Bạo bệnh hôn mê bất tỉnh mà qua đời.

  9. Bị bom đạn chết giữa quân trận.

  10. Từ trên cao té xuống mà vong mạng.

Tất cả đều không niệm Phật được. Do đó nên tập niệm Phật, khiến lúc nào cũng giữ chánh niệm.

MƯỜI ĐIỀU TÂM NIỆM

Thứ Nhất:

nghĩ đến thân thể thì đừng cầu mong không bệnh tật, vì không bệnh tật thì dục vọng dễ sinh.

Thứ Hai:

ở đời đừng cầu không khó-khăn, vì không khó khăn thì kiêu sa nổi dậy.

Thứ Ba:

cứu xét tâm-tánh đừng cầu không khúc mắc, vì không khúc mắc thì sở học không thấu triệt.

Thứ Tư:

sự nghiệp đừng cầu không trở ngại, vì không bị trở ngại thì chí nguyện không kiên-cường.

Thứ Năm:

làm việc đừng mong dễ thành, vì việc dễ thành thì lòng thường kiêu-ngạo.

Thứ Sáu:

giao tiếp đừng cầu lợi mình, vì lợi mình thì mất đạo nghĩa.

Thứ Bảy:

với người đừng mong tất cả đều thuận theo ý mình, vì được thuận theo ý mình thì lòng tất tự kiêu.

Thứ Tám:

thi ân thì đừng cầu đền đáp, vì cầu đền đáp là thi ân mà ý có mưu đồ.

Thứ Chín:

thấy lợi đừng nhúng vào, vì nhúng vào thì hắc ám tâm trí.

Thứ Mười:

oan ức không cần biện-bạch, vì làm như vậy là hèn nhát mà oán thù càng tăng thêm.

Xá Lợi Bà Diệu Hưng Nguyễn Thị Tân

Vãng sanh ngày 29/7/1999

100vangsanhluuxaloi-nttan

Nữ Cư sĩ Diệu-Hưng, thế danh Nguyễn-Thị-Tân, quê tại Trà-Vinh. Năm 24 tuổi chồng mất, trong khi đứa con trai duy nhất vừa mới sanh 10 tháng, bà ở vậy nuôi con suốt 54 năm.

Bà quy y năm 40 tuổi và đã thọ Bồ-Tát giới tại gia. Trước kia bà ăn chay 1 tháng 10 ngày và 20 năm trở lại đây bà ăn chay trường.

Bà thường đi chùa và thích làm Phật sự cùng các việc phước đức như giúp chùa, giúp Tăng Ni và giúp trẻ mồ côi.

Hồi ở Sàigòn, bà thường đi chùa Ấn Quang, nhưng cũng thường đến cúng dường các chùa khác trong đó có chùa Huệ-Nghiêm.

Khi qua Mỹ vào 1991, bà may mắn gặp Thầy Thích-Trí-Tuệ tại Chùa Vạn-Hạnh, là vị Sư mà bà từng quen biết ở Chùa Huệ-Nghiêm. Nhưng Chùa Vạn-Hạnh lại xa nhà, vì vậy mà bà thường đi Chùa Vạn-Phước của Thầy Thích-Vân-Đàm. Sau nầy Chùa Vạn-Phước đổi lại thành Tu viện Pháp-Vương. Nhà Phật nói tất cả đều tùy duyên và điều quan trọng là tu như thế nào đạt ngộ, lâm chung lưu lại Xá-Lợi!

Thiên hạ có mấy chục triệu người tu tại sao chỉ riêng có một số ít người có Xá Lợi, như là bà Diệu-Hưng?

Xá-Lợi là gì? Do đâu có Xá-Lợi?

Đại sư Tuyên-Hóa nói: "Xá-Lợi có được là do con người tu hành nghiêm trì giới luật không sát sanh, không trộm cắp, chủ yếu là không tà dâm. Không tà dâm thì bảo bối nơi thân mình không bị tiêu hao mất. Bảo bối nầy tôi tin rằng quí vị đều biết rõ; bởi vậy trọng yếu là sự trì giới luật. Căn bản sanh mạng chúng ta là vật gì? Nếu quí bạn giữ giới không tà dâm thì tự nhiên quí vị sẽ có Xá-Lợi quang minh, xán lạn, kiên cố hơn cả kim cương".

Theo chúng tôi không phải tuyệt đối đều như vậy hết, vì Sa-Di Thích-Minh-Đạt, bà Huỳnh-Ngọc-Tuyết đều lập gia đình và có Xá-Lợi. Nhưng trên căn bản thì Đại sư Tuyên-Hóa nói không sai. Người không tà dâm thì bảo bối nơi mình không bị tiêu hao.

Chúng tôi nêu ra sự kiện nầy để nhắc quí vị nhớ một điều, bà Diệu-Hưng vừa lập gia-đình thì chồng chết lúc mới 24 tuổi và bà ở vậy nuôi con cho đến lúc lìa đời. Bà đã xa lìa dục ái từ hồi còn trẻ. Bà chuyên Niệm Phật và trì tụng Thần Chú như Sư Bà Đàm-Lựu.

Đây là điều tốt cho bà trên bước đường tu. Người đời không hiểu cho rằng không chồng là bất hạnh, nhưng với người tu, đó là cái duyên của sự tu hành. Không ai có thể nói trước sự tốt xấu, may rủi của một người.

Trong quyển Đường Mây Trong Cõi Mộng, Đại sư Hám-Sơn nói nơi phần Khai Thị từ trang 321, rằng:

"Pháp môn Niệm Phật cầu vãng sanh cõi Tây Phương Cực-Lạc, vốn là đại sự cắt đứt dòng sanh tử". Vì vậy bảo rằng chỉ cần xưng niệm danh-hiệu Nam-Mô A-Di-Đà Phật là có thể cắt đứt sanh tử. Do đó, ngày nay mới phát tâm niệm Phật.

Song, nếu không biết cội gốc của sanh tử, mà cứ niệm Phật mãi thì cuối cùng sẽ đi về đâu? Nếu Niệm Phật mà không đoạn được cội gốc của sanh tử thì làm sao cắt đứt dòng sanh tử. Cội gốc của sanh tử là gì?

Cổ nhân nói: "Nghiệp bất trọng bất sanh Ta Bà. Ái bất đoạn bất sanh Tịnh-Độ".

Thế nên biết rõ, ái dục là cội gốc của sanh tử ...

Ngày nay suy nghĩ nhìn lại, xem coi lúc nào có một niệm tạm rời cội gốc ái dục nầy đâu! Hạt giống ái căn, bao kiếp tích lũy sâu dày, nên khiến sanh tử không cùng tận. Hiện tại, vừa phát tâm niệm Phật, nếu chỉ vọng cầu sanh Tây Phương, mà danh tự ái dục (tức cội gốc của sanh tử) lại không biết đến, thì khi nào mới niệm đoạn được nó? Không biết cội gốc của sanh tử, nên một bên niệm Phật, một bên cội gốc của sanh tử lại tăng trưởng nhiều hơn.Cả hai việc niệm Phật và cội gốc sanh tử chẳng quan hệ với nhau. Dẫu niệm cách nào đi nữa, đến khi lâm chung quý vị chỉ thấy sanh tử ái căn hiện tiền. Khi đó lại cho rằng Phật không có thần lực, nên liền oán trách niệm Phật không linh nghiệm, dẫu sau nầy có hối hận cũng không kịp.

Vì vậy, khuyên người niệm Phật, đầu tiên phải biết ái dục là cội gốc của sanh tử. Ngày nay dốc lòng niệm Phật, thì niệm niệm phải đoạn ái căn nầy.

Ái thuộc về luyến ái, tham ái. Dục tức là tình dục. Ái là thương yêu, là thích về tình dục. Bà Diệu-Hưng mất chồng lúc 23 tuổi, bà quyết ở vậy nuôi con. Do đó những ái dục trong ái căn của bà lần lần tuyệt dứt, nên khi bà quyết tâm và chí thành niệm Phật, thì bà dễ thành công hơn người còn dính líu ái dục.

Cho nên đối với người còn nặng về chồng hay vợ, Đại sư Hám-Sơn nói:

"Lúc cảnh tình của vợ hay chồng hiển hiện, phải xoay nhìn vào tâm. Một danh hiệu Phật có thể đối địch với ái dục, thì sẽ cắt đoạn được ái căn".

Vậy cái gì là "cội gốc của sanh tử"?Đại sư Hám-Sơn nói: "Tức là tham đắm hưởng thọ vật chất trên thế gian, cùng sắc đẹp, lời hay, vị ngọt, khẩu nồng. Tất cả đều là gốc khổ.

"Ái bất đoạn bất sanh Tịnh-Độ!Ái mà không đoạn dứt làm sao sanh về Tịnh-Độ? Nhờ ở góa nuôi con trong suốt 55 năm trường cho đến lúc lâm chung, nên bà Diệu-Hưng đã diệt được ái dục; do không còn tham luyến ái dục mà tự nhiên bà cắt đoạn được cội gốc của sanh tử. Lại nửa bà Diệu-Hưng chuyên tu Tịnh-Độ suốt 40 năm ròng, lúc nào miệng cũng niệm Phật. Đứa con dâu duy nhứt của bà, mà bà xem như con ruột và đứa cháu trai đã trên 20 tuổi, khi bà nội đau đêm đêm ngủ trong phòng để tiện săn sóc cho bà, tất cả đều nói với chúng tôi rằng: Bà Diệu-Hưng lúc quét rác cũng niệm Phật, hốt lá, xới đất trồng rau cũng niệm Phật. Nhớ con bà cũng niệm Phật.

Năm 1981, theo lời mẹ, con trai bà trốn thoát qua Mỹ, bà ở lại Việt-Nam thêm mười một năm. Đây là mười một năm thương nhớ con trai cùng đùm bọc sống với con dâu và cháu nội. Bà Diệu-Hưng đã biến niềm thương nhớ thành câu niệm Phật.Càng nhớ thiết tha, bà càng niệm Phật tha thiết và chí thành.

Trong Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật, Đức Phật nói: Nếu có chúng sanh nào chí thành xưng niệm danh hiệu Nam-Mô A-Di-Đà Phật, thì uy lực bất-khả tư-nghị của danh-hiệu khiến cho Tâm thể thanh tịnh mà chúng sinh ấy không hề hay biết, tự nhiên chứng nhập Sơ Phần Pháp Thân, âm thầm ứng hợp với Bi-Trí Trang-Nghiêm của Phật.

Đây là giai-đoạn bà Diệu-Hưng âm thầm chứng nhập Sơ Phần Pháp Thân mà bà không hề hay biết, vì nhờ chí thành niệm Phật khiến cho Tâm thể được thanh-tịnh.

Cũng trong Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật trang 92, Đại Bồ-Tát Quán-Thế-Âm nói:"Bất cứ chúng sinh nào, hễ nhất tâm xưng niệm danh-hiệu Nam-Mô A-Di-Đà Phật, dù chỉ một câu duy nhất, thì sẽ xuất sinh những năng lực bất-tư-nghị.

Nơi đây Ngài Quán-Thế-Âm nói bất cứ ai nhứt tâm, như bà Diệu-Hưng, dù chỉ xưng niệm danh-hiệu Phật một câu duy nhứt, thì sẽ xuất sinh những năng lực bất-khả-tư-nghị.

Tại sao vậy? Vì danh-hiệu Phật có khả năng bất-tư-nghị, nên người nhứt tâm xưng niệm Nam-Mô A-Di-Đà Phật như bà Diệu-Hưng, dù chỉ một câu thôi cũng sẽ có nhiều diệu dụng, trong đó có năng lực cải biến Ta Bà thành cõi Cực-Lạc.

Cũng trong Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật trang 69, Phổ Hiền Đại-Bồ-Tát nói:"Danh-hiệu Nam-Mô A-Di-Đà Phật như chiếc xe khổng-lồ, vì có thể chuyển vận hết thảy Bồ-Tát Sơ-Phát-Tâm nhanh-chóng tới Phật-địa".

Bà Diệu-Hưng cũng là một Bồ-Tát Sơ-Phát-Tâm nên được chiếc xe khổng-lồ đưa tới Phật-địa nhờ nhứt tâm và chí thành xưng-niệm danh-hiệu Nam-Mô A-Di-Đà Phật.

Bà Diệu-Hưng đã được các ưu điểm như:

1. Diệt được ái dục tức diệt trừ cội gốc của sanh tử.

2. Nhứt tâm và chí thành xưng niệm danh-hiệu Nam-Mô A-Di-Đà Phật.

Giai-đoạn đầu Bồ-Tát Sơ-Phát-Tâm Diệu-Hưng chứng nhập Sơ-Phần Pháp-Thân tức Sơ-địa Bồ-Tát hay Hoan-hỷ-Địa Bồ-Tát.

Và trong mười năm xa cách bên này Việt-Nam, bên kia xa xôi là nước Hoa-Kỳ, niềm nhớ thương dệt bằng danh-hiệu Nam-Mô A-Di-Đà Phật, lâu ngày kết thành thân kim cương, một khối lưu ly cứng chắc vô biên.

Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật trang 106, Bồ-Tát Quán-Thế-Âm nói:

"Bất cứ chúng sanh nào phục sức thân tâm bằng danh-hiệu Nam-Mô A-Di-Đà Phật sẽ đắc những năng lực giải-thoát không thể nghĩ bàn".

Bồ-Tát Sơ-Phát-Tâm Diệu-Hưng lúc nào cũng nhứt tâm niệm Phật tức là đã phục sức thân và tâm bằng danh-hiệu Nam-Mô A-Di-Đà Phật, đắc những năng lực giải-thoát không thể nghĩ bàn, cho nên Bồ-Tát Sơ-Phát-Tâm Diệu-Hưng đã vượt thoát khỏi Tam giới ở cõi nầy mà đến cõi Cực-Lạc Tịnh-Độ.

Mười năm xa con, mười năm thương nhớ, mười năm niệm Phật, biến nhớ thương thành xâu chuỗi niệm Phật dài đăng đẳng, thành một dòng tâm luân chuyển khắp thân tâm, ăn sâu vào xương tủy chỗ nào cũng là danh-hiệu Nam-Mô A-Di-Đà Phật.

Điều này, Ngài Quán-Thế-Âm có nói nơi trang 88:

"Tiếp tục xưng niệm Nam-Mô A-Di-Đà Phật như thế, hành giả không phóng tâm theo huyễn cảnh, huyễn sự, mà hướng cái biết vào Viên-Giác-Tánh. Đó là danh-hiệu Phật tuôn chảy liên miên bất tận thành một khối lưu ly sáng rực, vằng vặc. Mà mỗi mỗi sát na đều hiển lộ Như-Lai-Tạng ... Danh-hiệu Phật vẫn tương tục không gián đoạn, hòa tan căn-trần-thức đều nhập vào Viên-Giác-Tánh, bình-đẳng bất động, thường trụ như hư không và tròn đầy chiếu suốt mười phương".

Trên đây Đức Quán-Thế-Âm có nói về Như-Lai-Tạng và Viên-Giác-Tánh. Tạng có nghĩa là cái kho. Khi cái kho của một chúng sanh còn chứa đủ thứ tốt xấu, phiền não và phân biệt của tâm thức thì gọi là Tạng thức hay Tàng thức. Và khi cái kho được lọc sạch phiền não và chỉ còn chứa sự nhứt tâm niệm Phật thì Như-Lai-Tạng hiển lộ. Cho nên Ngài Quán-Thế-Âm nói: "Danh-hiệu Phật tuôn chảy liên miên bất tận thành một khối lưu ly sáng rực, vằng vặc, mà mỗi mỗi sát na đều hiển lộ Như-Lai-Tạng".Mỗi sát na có nghĩa là mỗi tích tắc. Khi phiền não ở trong Tạng thức lần lần sạch, thì Chơn Như trong Như-Lai-Tạng hiển lộ. Mà, Chơn Như tức là Pháp Thân.

Theo Từ Điển Phật Học Hán Việt thì Như-Lai-Tạng là cái Nhơn, mà Viên-Giác-Tánh là cái Quả.

Viên-Giác-Tánh có nghĩa là cái Tánh-Giác Viên-Mãn, cũng được gọi là Phật-Tánh hay Pháp-Thân.

Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật trang 102 nói,bất cứ chúng sanh nào chuyên tâm trì niệm danh hiệu Nam-Mô A-Di-Đà Phật, dẫu chỉ một ngày cho tới bảy ngày, hoặc nhiều lần của bảy ngày, thì cảm ứng những năng lực Tổng Trì không thể nghĩ bàn.

Bồ-Tát Sơ-Phát-Tâm Diệu-Hưng đã chuyên tâm trì niệm danh-hiệu Nam-Mô A-Di-Đà Phật cho nên Tâm thể thanh-tịnh mà không hề hay biết cho nên đã chứng nhập Sơ-Phần Pháp-Thân Phật; căn-trần-thức đều hòa tan và nhập vào Viên-Giác-Tánh tức Pháp-Thân.

Đó là giai đoạn bà còn ở tại quê nhà.

Rồi Bà Diệu-Hưng đến Mỹ đoàn tụ gia-đình. Bà tiếp tục xưng niệm danh-hiệu Nam-Mô A-Di-Đà Phật, bà đi Chùa lễ Phật và làm các công đức khác thêm 8 năm nữa, nhưng lúc nào lòng cũng tin tưởng Phật và vui vẻ niệm Phật.

Thật ra không ai dám nói bà Diệu-Hưng đạt đến quả nào? Nhưng trong Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật trang 111, Bồ-Tát Quán-Thế-Âm nói:

Bất cứ chúng sanh nào thậm thâm tin hiểu, hoan-hỷ thọ trì danh-hiệu Nam-Mô A-Di-Đà Phật hoặc một ngày, hoặc bảy ngày, cho tới nhiều lần của bảy ngày, thì sẽ đắc mười pháp quyết định bất-khả tư-nghị.

Bồ-Tát Quán-Thế-Âm nói rất rõ, chỉ cần thậm thâm tin hiểu và hoan-hỷ thọ trì danh-hiệu Nam-Mô A-Di-Đà Phật một ngày thôi, hoặc bảy ngày, cho đến nhiều lần của bảy ngày sẽ đắc mười pháp quyết định, bất-khả-tư-nghị là chẳng bàn cãi.

Riêng bà Diệu-Hưng đã thậm thâm tin hiểu và hoan-hỷ thọ trì danh-hiệu Nam-Mô A-Di-Đà Phật suốt 18 năm dài. Đúng ra phải nói bà niệm Phật 40 năm, tính từ lúc quy y Tam Bảo. Đại Bồ-Tát nói:chỉ cần thậm thâm tin hiểu hoan-hỷ thọ trì danh-hiệu Nam-Mô A-Di-Đà Phật một ngày thì sẽ đắc mười pháp quyết định bất-khả tư-nghị.

Trong mười pháp quyết định nầy nghiệm ra đã đắc quả Bồ-Tát thứ 10, tức là Thập Trụ Bồ-Tát hay Đại Địa, Pháp Vân Địa Bồ-Tát, như là: Đời đời thọ sanh trong dòng giống Như-Lai; tham dự những chúng hội đạo tràng của Như-Lai", hòa hợp thân và tâm vào trong Kim thân Phật; hóa sanh tự nơi hoa sen báu, cùng một chỗ ở với chư Phật và chư Thánh Chúng. Chúng tôi chỉ trích dẫn vài phần trong mười pháp quyết định của Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật. Người đắc được mười pháp quyết định khi lâm chung chắc-chắn được Đức Phật A-Di-Đà cùng vô lượng Bồ-Tát vây quanh an ủi tiếp dẫn.

Trường hợp của bà Diệu-Hưng, chúng tôi chỉ biết dựa vào kinh trích dẫn để khuyến-khích mọi người tu niệm Phật, chứ không dám cả quyết bà đắc quả nào.

Bà Diệu-Hưng mất vào năm 78 tuổi. Trước khi ra đi bà đã chuẩn bị tất cả tang sự. Tất cả đồ liệm đem theo cho bà, bà tự lo sắm đầy đủ như quần áo liệm, mũ quan âm kể cả chiếc mền đà-la-ni, bà cũng sắm sẵn từ hồi ở Việt-Nam mà con cháu không hay biết. Bà học Phật pháp biết các pháp đều không, nên đối với sự sống chết bà chẳng hề e sợ. Cho nên sự ra đi của bà mới được tự tại.

Ngày Phật Đản 1999 bà vẫn còn làm bánh cúng Phật và còn vui cười dự "Ngày Cha Mẹ" do Hội Ái Hữu Gia-Long miền Đông tổ chức. Nhưng đến đầu tháng 6 thì bà bắt đầu đau và bịnh phát ra nhanh chóng không thể ngờ. Dù đau lưng dữ dội nhưng không bao giờ bà rên xiết, trước tiên gia đình gọi 911 đưa bà vào nhà thương Fairfax. Nơi đây nói là nhiễm trùng đường tiểu.

Khi về nhà bịnh bà không thuyên giảm. Có người mách, nói bịnh viện ở Maryland có bác sĩ chuyên khoa tài ba khuyên gia đình nên đưa bà qua đó. Bà Diệu-Hưng ở tiểu bang Virginia, muốn vào bịnh viện Maryland phải có cách hợp lý và phải đến vào dịp vị bác sĩ tài ba kia đang làm việc. Mọi sự tính toán như ý, bà Diệu-Hưng được vị bác sĩ ấy khám và tìm ra ung thư trong bao tử. Bà nằm lại bịnh viện, bác sĩ định làm chemotherapy nhưng giờ chót hủy bỏ; vì bịnh bà không thể cứu chữa.

Y Khoa khó giải thích điều nầy, vì bình thường người bị bịnh ung thư sau khi được phát hiện, còn có thời gian nhiều tháng đến nhiều năm để chữa trị. Nhưng bịnh của bà Diệu-Hưng, khi phát hiện đến chết chỉ trong 1 thời gian thật ngắn.

Có phải do sức "định" của sự chuyên tâm niệm Phật của bà quá mạnh, lấn át sự đau đớn của ung thư? Nhiều người tu Niệm Phật, mỗi khi nghe tiếng niệm Phật thì con người trở nên khỏe khoắn nhẹ nhàng. Như Sư Bà Đàm-Lựu, giữa lúc bà bịnh nguy kịch vậy mà nghe tiếng niệm Phật của quí Sư thì Sư Bà tỉnh táo ngay, kêu đệ tử đỡ Sư Bà dậy để Sư Bà đi đảnh lễ quí Sư.

Đại sư Hám-Sơn nói:"Nếu niệm Phật cho đến lúc làm chủ được phiền não, thì ngay trong mộng cũng làm chủ được. Nếu trong mộng tự làm chủ được thì ngay trong lúc bịnh khổ cũng tự làm chủ được.

Nếu lúc bịnh hoạn đau khổ mà tự chủ được, thì lúc lâm chung tâm sáng suốt rõ ràng, bèn biết nơi sắp đến".

Cho nên muốn hiểu sự chứng quả của một người phải căn cứ vào cách hành trì của người ấy có chuyên tâm hay không. Một Phật tử Mỹ, bà Ananda Jenning, có nói: "Trong Phật Pháp trọng tu chứng, chứ không trọng kiến giải". Kiến giải là hiểu biết rộng nhiều về giáo lý, chỉ tu trên lý thuyết, nói miệng tài mà thân và tâm thì tu thật ít, kẻ viết bài này cũng là kiến-giải.

Vào ngày 12/6/99 bà Diệu-Hưng xuất viện.

Đến ngày 20/6/99, Hội Ái Hữu Gia-Long tổ chức lễ cầu an cho bà tại Tu Viện Pháp-Vương với sự hiện diện hàng trăm Phật tử trong vùng. Biết rằng ngày giờ chết không còn xa, nhưng bà không một chút lo sợ. Bà vui cười chào hỏi mọi người, thành thật cám ơn tất cả và bình thản ra về sau buổi lễ.

Bà Diệu-Hưng có người con nuôi tên là Thiện-Viên. Vị nầy là người có đạo tâm, anh đã phát tâm nhận mấy trăm ảnh tượng Tây Phương Tam Thánh phân phối cho Phật tử vùng Thủ Đô Hoa-Kỳ, và các Tiểu Bang lân cận và Canada. Anh đã ra công sang băng cassette Pháp Tu Quán Phật Trì Danh, cả ngàn cuốn để biếu các nơi. Anh Thiện-Viên đã biếu cho bà Diệu-Hưng một cuốn.

Trong một cuộc điện đàm hỏi về trường hớp của bà Diệu-Hưng, anh thuật lại có đoạn nói:"Từ khi ở bịnh viện về bà nói với tôi rằng (tức Thiện-Viên) bà đã biết đường đi rồi".

Câu nói nầy, theo chúng tôi, chứa đựng hai nghĩa:

1. Bà Diệu-Hưng biết đường đi về Tây Phương Cực-Lạc, do phương cách Niệm Phật Vãng Sanh".

2. Bà có tiên triệu, biết trước sắp vãng sanh.

Về tiên triệu, sách Liễu-Sanh Thoát Tử của Cư sĩ Liêu-Địch-Nguyên, do Thầy Thích-Quang-Phú dịch, có đoạn như sau:

"Những tiên triệu trong khi lâm chung tùy theo mỗi người mà cảm thấy có khác nhau; nhưng không ngoài tịnh cảnh hiện ra trước mắt. Hạng thù thắng thì thấy có y báo, chánh-báo trang-nghiêm đều đầy đủ. Hạng kém hơn chỉ thấy Phật và Bồ-Tát. Hạng kém hơn nữa, thì chỉ thấy hoa sen. Nhưng những tiên triệu ấy đều không dính dấp gì với mọi người xung quanh, nên họ không thấy được. Nếu nói đến những tiên triệu mà mọi người chung quanh cũng được cảm thấy; thì những di-tích vãng-sinh của các bậc Thánh-Hiền xưa nay ta có thể khảo cứu mà chia ra 10 món thoại ứng:

1. Nhất tâm bất loạn: Tâm niệm vào một cảnh.

2. Biết trước thời chết đã đến.

3. Tịnh niệm không mất.

4. Biết trước lo tắm rửa và thay quần áo.

5. Tự mình hay niệm Phật, niệm có tiếng hay niệm thầm.

6. Ngồi hoặc nằm ngay thẳng, xấp tay mà chết.

7. Có mùi lạ thơm khắp.

8. Có hào quang sáng soi vào thân thể.

9. Nhạc trời nổi giữa hư không.

10. Tự nói ra bài kệ để khuyên mọi người.

Sáng ngày 29/7/1999 bịnh tình bà trầm trọng. Bà vẫn sáng suốt, luôn luôn chấp tay niệm Phật. Bà đã viết thơ dặn dò khi bà chết phải đem thiêu. Khi nhặt tro phải lượm từ dưới chân, rồi dần lên đầu. Dường như bà biết trước bà sẽ để lại cái gì. Từ trước đến nay ít ai biết điều nầy. Bà dặn tro cốt để lại Chùa 49 ngày, rồi sau đó đem rải ở đâu cũng được.

Bạn đạo đến hộ niệm đông đảo. Bà bảo mọi người đừng khóc. Bà nằm ngửa chấp tay niệm Phật và niệm đến khi không còn niệm ra tiếng. Lúc trút hơi thở cuối cùng bà vẫn còn chấp tay. Cả lúc bà không còn niệm ra tiếng mà người nhà tụng niệm sai bà cũng biết. Chứng tỏ bà hoàn toàn tỉnh táo và an nhiên tự tại ra đi.

Lúc 3 giờ 30 trưa Thứ Năm 29/7/1999 bà dứt hơi thở cuối cùng. Theo thân nhân, lúc tắt hơi cổ bà hơi rướng lên, bỗng nhiên từ cổ lên đến đầu bà bổng biến thành trắng như tuyết, trông bà sáng đẹp. Hơi ấm còn lưu lại nơi đầu và trán.

Chúng tôi chưa từng chứng kiến cảnh một người vừa trút hơi thở cuối cùng ra sao, nhứt là người đó được vãng sanh. Được biết bà Kim-Oanh, cựu giáo sư trường Nữ sinh Gia-Long Sàigòn, hiện diện từ lúc đầu đến cuối. Chúng tôi cố gắng điện thoại lên Virginia không gặp, sau cùng phải gọi 2 nơi tại San José mới liên lạc được. Bà vui vẻ thuật lại tất cả.

Bà Kim-Oanh nói: "Từ nhỏ đến lớn tôi chưa thấy cảnh người chết. Cụ Diệu-Hưng lúc chưa mất trên mặt có 4 vết ửng

Bà Kim-Oanh, nguyên giáo-sư trường Nữ Trung-Học Gia-Long, Saigon.

Bà chứng kiến sắc mặt của bà Diệu-Hưng biến đổi khi vừa tắt thở, gương mặt bà Diệu-Hưng bỗng nhiên sáng đẹp hẳn lên.

Sách Liễu-Sanh Thoát Tử viết rõ:

"Người được xuất thế thì trên trán hơi ấm rất lâu, tức là triệu chứng sanh về Tây Phương vậy".

Bà Diệu-Hưng may mắn được lưu lại nhà 7 tiếng đồng hồ sau khi mất và được sự trợ niệm đầy đủ, sau đó mới để cho nhà quàn đến nhận xác.

Theo sách Liễu-Sanh Thoát Tử, để yên từ 7 đến 8 tiếng là tốt. Đối với người có triệu chứng vãng sanh thì thời gian nầy cũng đủ. Sách viết:

Những hạng đã sẵn có tu theo Tịnh-Nghiệp thì khi lâm chung họ liền đi đến chỗ họ muốn đến ... Nhưng trong khoảng 49 ngày, nếu ta biết vì họ mà niệm Phật thế, thì cũng có thể làm tăng thêm phẩm-vị không đến nỗi uổng công.

Sau Lễ Trà Tỳ, vào 8 giờ tối, T.T. Thích Vân-Đàm gọi điện thoại đến thân nhân bà Diệu-Hưng dặn phải liên lạc với nhà quàn vì có thể có điều gì lạ. Hỏi điều gì lạ? Thầy trả lời có thể có Xá-Lợi lưu lại.

Người nhà bà Diệu-Hưng không hiểu Xá-Lợi là gì cả; nhưng qua cách nói của Thầy Vân-Đàm thì Xá-Lợi là cái gì quý báu nhứt của đời một người tu hành.

Thượng-Tọa Thích-Vân-Đàm dùng chữ "feeling" tức linh cảm để nói với gia đình bà Diệu-Hưng. Dè dặt là căn bản khiêm nhượng của một bực tu hành. Dù khi Thầy đến thì bà Diệu-Hưng đã trút hơi thở.

Nhưng khi đến nơi Thầy rờ trên trán thấy còn hơi ấm và chứng kiến tận mắt vẻ mặt tự nhiên sáng đẹp hơn bình thường của bà Diệu-Hưng, là người tu hành đến phẩm-vị Thượng Tọa, Thầy biết người chết vãng sanh đến bực nào. Đó là người đã được Phật A-Di-Đà và Thánh Chúng trực tiếp đến đón, không còn phải trải qua Thân-Trung-Ấm.

Chính vì thế mà Thầy Vân-Đàm mới nói: "hàng triệu người mới có một người".

Nhờ lời dặn của Thượng Tọa Vân-Đàm và cũng nhờ con cái bà Diệu-Hưng chẳng ngại việc làm phiền bà Giám-đốc nhà quàn mà được kết quả tốt. Vì theo thường lệ, sau khi lửa thiêu tắt, thì bộ phận tự động sẽ đưa tro xác vào một cái mâm; rồi chuyển qua máy nghiền. Dù có Xá-Lợi thân nhân cũng không thể biết được.

Rất tiếc là chúng tôi không liên lạc được với Thượng Tọa Vân-Đàm để bài nầy viết được đầy đủ hơn. Nhà Phật dạy cái gì cũng có duyên. Lúc chúng tôi gọi điện thoại cho Thầy, thì Thầy đi Cali dự lễ Phật Đản. Tìm được điện thoại của Chùa Bát-Nhã, nơi Thầy đến, thì Thầy đi ra ngoài. Lúc Thầy trở lại Virginia, chúng tôi gọi nữa, Thầy lại đi vắng.

Trở lại cuộc điện đàm của gia đình bà Diệu-Hưng với nhà quàn. Khi nghe gia đình bà Diệu-Hưng nói có thể có điều lạ, bà Carmen Giám-đốc nhà quàn không tin. Theo bà Giám-đốc với sức nóng của lửa với 2000 độ F thì vật gì cũng bị cháy tiêu cả. Vả lại khi đốt tới độ nóng đó, thì bên trong lò sẽ nổ tung tan nát cả. Thêm nữa, bà Giám-đốc nói, tự bà không quyết-định được, mà chủ thì không biết đang ở Texas hay California. Nhưng gia đình vẫn kiên trì giữ lời yêu cầu của mình. Bà Giám-đốc phải gọi qua Texas, rồi California để tìm chủ. Cuộc điện đàm diễn ra nhiều lần trong đêm. Nếu gia đình không quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thì hàng Phật tử chúng ta mất một dịp học hỏi quý báu nầy. Cuối cùng bà Giám-đốc hứa sẽ gặp lại thân nhân sáng mai trước lò thiêu.

Sáng hôm sau cháu nội của bà Diệu-Hưng, cùng với Bạch-Kim-Quy, đã có mặt trước lò thiêu trước tiên. Bạch-Kim-Quy là Phật tử của Chùa Từ-Ân ở Canada. Anh biết rất nhiều về trường-hợp Xá-Lợi của Thầy Thích-Minh-Đạt, đã nghe tường thuật: "Người bên ngoài nhìn qua tấm kiếng của lò thiêu ở Canada, thấy Thầy Minh-Đạt nằm ngửa hai tay mở rộng ra, trông thật siêu-thoát". Bây giờ anh có mặt ở đây và chứng kiến ... điều xảo diệu tương tợ.

Rồi bà Carmen, Giám-đốc nhà quàn đến cùng với hai nhân viên canh lò thiêu. Sau nầy được biết, bà Carmen đã có chín năm kinh nghiệm trong nghề. Bà bảo Lý-Trường-Hiệp, cháu nội bà Diệu-Hưng, và Bạch-Kim-Quy ở bên ngoài chờ bà.

Trước đó nghe nói có Xá-Lợi, bà bảo mấy người khùng hết. Bây giờ, sau một phút vào bên trong, bà trở ra với nét mặt kinh-ngạc, hoảng hốt, nói: "Cái xác vẫn còn nguyên". Hai người canh lò, có người làm nghề nầy 5 năm, người 10 năm, đều bảo chưa từng thấy trường hợp nầy.Lúc đó cửa lò bỏ ngỏ, Lý-Trường-Hiệp và Bạch-Kim-Quy liền bước vô xem. Bạch-Kim-Quy tả lại với chúng tôi qua cuộc điện đàm: "lúc đó lửa còn cháy, bà Diệu-Hưng nằm trên bàn, vẫn còn nguyên dáng dấp của một người".

Đúng! bà Giám-đốc nhà quàn không thể tưởng tượng được, vì từ trước đến nay các vụ thiêu tương tợ, xác người chết đã tan nát trước sức nóng, rã rời ra hết, đâu còn dáng dấp như vậy.

Đây là nhục thân Kết!Người tu đạt đạo mới được như vậy. Xác thân trở thành thân bất hoại để lâu không hư không thối. Nếu chết trong tư thế ngồi kiết già thì giống như quí vị Thiền Sư đắc đạo ngồi mà thị tịch.

100vangsanhluuxaloi-nttan1

Những người chứng kiến hiện tượng lạ và Xá-Lợi

Từ trái sang phải: Một vị Phật tử, cô Kim Hà (dâu bà Diệu-Hưng), bà Carmen Giám-đốc nhà quàn National Memorial Park tại Fall Church, Virginia, T.T. Thích-Vân-Đàm người linh cảm bà Diệu-Hưng lưu lại xá-Lợi, Lý-Trường-Hiệp và Bạch-Kim-Quy là hai người vào lò thiêu thấy hiện tượng lạ: "tro xác bà Diệu-Hưng còn nguyên hình dáng người nằm", điều mà bà Carmen phải kinh ngạc kêu lên "đây là phép lạ"; và người sau cùng là cô Kim Hải.

Thân nhân của bà Diệu-Hưng được báo tin lập tức đến. Thầy Vân-Đàm và Thầy Trí-Tuệ cũng hiện diện.

Thầy Vân-Đàm phỏng vấn bà Giám-đốc và xin đừng để máy tự động đẩy tro xác vào máy nghiền, để thân nhân tìm vật lạ. Bà Giám-đốc nhà quàn vừa nói: "đây là một phép lạ", nên bà sẵn-sàng chiều ý, vì theo phép vệ-sinh không thể để người ngoài vào lò thiêu.

Thế rồi thân nhân tìm được hoa Xá-Lợi và xương Xá-Lợi trước sự chứng kiến của các Thầy.

Lúc tẩm liệm cho bà Diệu-Hưng, thân nhân bỏ quên chiếc mền Đà-La-Ni; bây giờ mền được dùng đựng tro xác để đem về Chùa tìm kiếm tiếp.

Bài nầy không mục đích tìm kiếm Xá-Lợi mà muốn nói lên sự chứng đắc của một người tu Phật, một Bồ-Tát đã chứng đắc qua "Pháp môn niệm Phật thành Phật". Vì là phàm phu chúng sanh thiếu kinh nghiệm, chúng tôi không dám nói bà Diệu-Hưng chứng đắc tới quả vị nào. Nhưng trong Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật nói:

"Niệm Phật là pháp môn đệ nhứt, sử dụng danh-hiệu Như-Lai mà thâm nhập Như-Lai-Tạng, mà chuyển biến chuyển hóa, hư dối trở nên Viên-Giác-Tánh".

Bà Diệu-Hưng đã sử dụng danh-hiệu Phật để thâm nhập Phật Tánh, chuyển thân huyễn hóa không thật của bà thành Pháp Thân. Đó là bà đắc đạo vậy.

Nhân đây, xin kể thêm với quí vị về chữ "duyên" c���a nhà Phật. Vào đầu năm 1999, bà Diệu-Hưng có ý định về Việt-Nam thăm con gái một lần. Cô Kim Hà, con dâu của bà liền đi mua vé cho chuyến bay 30/5/1999. Nhưng sau đó, bất ngờ cô con dâu nghe bà thố lộ "lúc nầy sao thấy trong người không được khỏe". Từ lâu bà Diệu-Hưng không hay than thở về sức khỏe. Nay nghe nói cô con dâu cảm thấy e ngại cho mẹ chồng, nên vào giờ chót cô đề nghị bà tạm bỏ chuyến về nước. Bà Diệu-Hưng vui vẻ đồng ý ngay. Nhưng người con trai duy nhứt mà bà đã hy sinh ở vậy nuôi, anh Lý-Trường-Xuân, không muốn mẹ buồn, bảo vợ nên để mẹ về Việt-Nam. Cô Kim Hà trả lời, mẹ đã nói trong người không khỏe, nếu mẹ về bển, lỡ có việc gì làm sao lo cho mẹ được? Nhờ mẹ chồng và nàng dâu rất thân thiết, nên cô Kim-Hà mới dám dùng tình thương để ngăn cản.

Đó là cái "duyên thứ nhứt" của bà mẹ chồng hiền từ và nàng dâu hiếu hạnh. Nhờ vậy mà bà Diệu-Hưng chết tại quê hương thứ hai và để lại Xá-Lợi tại đây. Bằng ngược lại, nếu bà về Việt-Nam và chết trên quê hương, dù xác bà được thiêu, nhưng có thể Xá-Lợi đã bị hủy hoại.

Đã có cái "duyên thứ nhứt", thì phải có cái thứ nhì. Lúc bà tự tại ra đi, có tiên triệu cho thấy bà đã vãng sanh. Do đó Thầy Vân-Đàm nhắc nhở thân nhân bà nên yêu cầu nhà quàn cho được chứng kiến lúc lửa vừa tắt. Đó là cái "duyên thứ nhì" của bà Diệu-Hưng dối với Thầy Vân-Đàm cùng Tu-Viện Pháp-Vương và Phật tử vùng Thủ Đô Hoa-Kỳ.

Cho nên nhà Phật nói tất cả đều do "duyên". Không ai có thể muốn mà được.

Xá Lợi Cụ Bà Quảng Khánh Huỳnh Thị Dền, 84 Tuổi

Vãng sanh ngày 22-5-2000

100vangsanhluuxaloi-quangkhanh

Tập phụ lục "Những Chuyện Vãng Sanh Lưu Xá-Lợi" của chúng tôi vừa hoàn thành chờ gởi đến nhà in thì chúng tôi được anh Huỳnh-Hớn-Vinh gọi điện thoại cho biết: "Sáng nay tại Chùa Diệu Quang tại Santa Ana, Sư Bà Diệu-Từ báo tin cho Phật tự biết, vừa qua tại Sacramento có một cụ bà mất, sau lễ hỏa táng tìm thấy nhiều Xá-Lợi".

Không thể bỏ qua dịp tìm hiểu về Xá-Lợi này, chúng tôi liền gọi điện thoại cho Sư Bà Diệu-Từ ngay. Sư Bà là người rất cởi mở, không câu chấp hạch hỏi đủ thứ, bà liền cho chúng tôi biết: "Vị nữ cư sĩ vừa lâm chung tên là Huỳnh-Thị-Dền, pháp danh Quảng-Khánh là đệ tử tại gia của Sư Bà. Sư Bà theo dõi hạnh tu của cụ bà Quảng-Khánh biết trước khi lâm chung cụ sẽ được vãng sanh và sẽ ..."

Sư Bà Diệu-Từ trình bày khá đầy đủ, nhưng để nghe thêm về hạnh tu của cụ bà Quảng-Khánh do chính miệng con cái của cụ kể, chúng tôi liền xin Sư Bà số điện thoại của gia-đình cụ Bà và xin một buổi hẹn để được diện kiến Sư Bà.

Cháu Du-Hương, pháp danh Quảng-Duyên, con gái của cụ Quảng-Khánh tiếp xúc với chúng tôi, qua nhiều lần điện đàm. Kinh-nghiệm qua những lần tìm hiểu về một vị có Xá-Lợi, dù ghi chép nhiều nhưng rốt cuộc vẫn còn thiếu sót. Chúng tôi yêu cầu cô Quảng-Duyên hãy bỏ thời gian một tuần lễ ngồi ghi nhớ tất cả mọi chi tiết lúc bà cụ sắp lâm chung, viết lên trên giấy gởi cho chúng tôi, như trường hợp cô Huệ-Nghi con gái bà Huỳnh-Ngọc-Tuyết. Người kể chuyện rất mộc mạc, chân chất, nhưng rất trung thực. Đọc qua, quí vị sẽ hiểu rõ tu niệm Phật như thế nào mà khi lâm chung được Phật và Thánh Chúng đến tiếp dẫn và lưu lại Xá-Lợi cho hậu thế. Dưới đây bài viết của cô Quảng-Duyên.

"Mẹ tôi, Huỳnh-Thị-Dền, pháp danh Quảng-Khánh. Sanh năm 1917, tạ thế ngày 22-5-2000, đại thọ 84 tuổi.

Mẹ tôi sanh vào một gia đình trung lưu miền Nam thuộc tỉnh Bình Dương. Bà Ngoại tôi là người tu theo đạo Phật, nên từ nhỏ mẹ tôi đã theo ngoại đi chùa lễ Phật. Mẹ tôi giữ lấy chữ Hiếu làm đầu, kế đó là Tâm Từ Bi. Mẹ thường bố thí và thích phóng sanh. Mẹ thương yêu tất cả anh chị em và bà con dòng họ và cả người dưng với cả tấm lòng nhu hòa và nhẫn nhịn. Tất cả ai gặp mẹ tôi đều cảm tình và quý mến mẹ.

Năm 19 tuổi mẹ đi lấy chồng. Ba tôi làm nghề Đông Y. Thắm thoát mẹ tôi sanh 5 gái và 1 trai. Trong cuộc đời làm vợ hiền và mẹ thảo, mẹ tôi đặc biệt thương người nghèo khổ, giúp trẻ mồ côi và chú trọng việc cúng dường Tam Bảo. Đặc biệt mẹ tôi chỉ thuận sáu chữ "Nam-Mô A-Di-Đà Phật". Lúc bà ngoại tôi qua đời, mẹ tôi tự tay nấu nướng cúng dường mười bốn vị Sư. Đến năm mẹ tôi 51 tuổi, ba tôi mất, mẹ tôi sống đời góa phụ ở vậy nuôi con. Năm 1978, mẹ tôi dắt chúng tôi rời Việt-Nam sang Mỹ và năm 1980 định cư tại Sacramento.

Mẹ tôi thường niệm Nam-Mô A-Di-Đà Phật. Khi buồn cũng như khi vui cũng đều Nam-Mô A-Di-Đà Phật. Mẹ tôi rất thuận câu Nam-Mô A-Di-Đà Phật. Câu niệm Phật ấy đã in sâu vào tim và óc của mẹ tôi. Khi các con bịnh, mẹ cũng khấn Nam-Mô A-Di-Đà Phật. Năm 1990, một cơ duyên đưa gia đình chúng tôi tới chùa Diệu Quang. Gia đình tất cả là 6 người con cùng mẹ tôi và một đứa cháu trai đều quy y với Ni Sư Diệu-Từ (bây giờ là Sư Bà).

Trong 10 năm, hàng ngày chúng tôi đi làm. Mẹ ở nhà một mình. Khi đứng, khi đi, khi ngồi, khi nằm mẹ cũng đều niệm Nam-Mô A-Di-Đà Phật. Khi mẹ bịnh, chúng tôi nhắc mẹ niệm Phật Dược Sư để uống thuốc; mẹ tôi bảo: "Mẹ đã quen niệm Nam-Mô A-Di-Đà Phật rồi. Phật nào cũng là Phật, là đấng cao cả thiêng liêng. Phật A-Di-Đà cũng là đấng Y-Vương".

Sau này vì già yếu, mẹ tôi ít về chùa, nhưng luôn luôn khuyên con cháu đi chùa để nghe pháp, tụng kinh và niệm Phật thì mẹ tôi mới vui. Hằng tháng mẹ nhắc nhở chúng tôi về chùa thọ Bát Quan Trai. Thậm chí mẹ cũng khuyến khích hai đứa cháu ngoại trai cùng thọ Bát Quan Trai.

Mẹ tôi thích đi chùa vào ngày thường, vì chùa không có đông người. Mẹ thích được gặp riêng Sư Bà để hỏi về pháp môn Niệm Phật. Mỗi lần gặp riêng Sư Bà là mẹ tôi mừng lắm. Tôi nhớ có lần mẹ đi Chùa về, tôi hỏi mẹ:

"Hôm nay má mì đi Chùa về có mệt không?"

Mẹ tôi khoe:

"Bữa nay mẹ cầm tay Thầy (Sư Bà) mẹ tưởng chừng như đang nắm tay một vị Phật sống. Từ đây về sau tụi con không nên làm điều gì phật ý Thầy mà mang tội với Phật đó!

Mẹ tôi chẳng những thích làm Phật sự mà còn khuyến khích con cái về chùa làm Phật sự. Nhứt là vào các ngày lễ lớn, từ sáng mẹ đã đánh thức bảo các con dậy sớm về chùa làm công quả rồi trưa về ngủ tiếp. Vì gia đình chúng tôi phát nguyện cứ vào ngày lễ lớn thì cúng dường toàn bộ rau cải (làm rau ghém) cho những Phật tử đi chùa lễ Phật và sau khi dự lễ xong dùng.

Sau rằm tháng Giêng, Sư Bà Diệu-Từ về thăm chùa Diệu-Quang tại Sacramento, lúc ấy mẹ tôi bệnh yếu và mệt, chúng tôi rất lo-lắng; nhưng thầy (Sư Bà) có nói là Cụ chưa có đi đâu, vậy đừng kêu cô Út về. Có thể Cụ đi trong tháng Tư, nhưng nếu Cụ không đi trong tháng Tư thì Cụ sẽ sống thọ lắm. Có lần Sư Bà đến thăm mẹ tôi, mẹ tôi mừng lắm. Mẹ tôi nhắc Sư Bà đi xa hoằng pháp nên giữ gìn sức khỏe. Phật Đản vừa qua, Sư Bà từ Santa Ana về Sacramento làm lễ. Vì quá bận rộn Sư Bà không đến thăm mẹ tôi được, chỉ gởi tặng một bông hồng tươi. Khi cháu mẹ tôi cầm cành hoa về đưa mẹ tôi, mẹ tôi xúc động nghẹn ngào ... mặt buồn buồn".

Những điều lạ trước khi mẹ mất.

Những lúc mẹ sắp mất, tôi còn nhớ rõ cách đây khoảng 2 tháng, vào một đêm mẹ tôi thức giấc dậy đi tiểu. Lúc trở ra, khi sắp bước vô phòng mẹ nhìn ra cửa sổ thấy ngoài trời đêm bỗng rực sáng và toàn là bông hoa rực rỡ.

Mẹ tôi hỏi chị cả: "Sao bông hoa đâu mà nhiều quá vậy?"

Chị cả tôi nhìn ra chẳng thấy gì cả, liền đáp: "Đâu có gì đâu mẹ". Biết rằng không phải mẹ tôi sảng, vì mẹ tôi vẫn bình thường, chị tôi sợ mẹ bị mất giấc ngủ nên khuyên: "Thôi mẹ hãy đi ngủ".

Hôm sau chị tôi đem điều này kể cho chúng tôi nghe. Chúng tôi nghĩ muốn điên cái đầu mà cũng không hiểu tại sao có điều lạ này.

Tiếp đến khoảng 2 tuần trước khi mẹ tôi qua đời, vào buổi trưa, khi ngủ dậy mẹ tôi nói một cách tỉnh táo rằng:"Mẹ vừa nằm mơ thấy đi đến một cảnh thật là đẹp! Toàn là hoa, thật là nhiều hoa đẹp!"

Mẹ kể, cho chúng tôi nghe, chị em chúng tôi đều sợ, không biết là điềm tốt hay xấu đây?

Những ngày kế mẹ hơi mệt, chị em tôi lu bu lo cho mẹ nên quên mất việc gọi điện thoại hỏi Sư Bà về điềm lạ.

Ngày 18/5/2000, về thăm mẹ, tôi bước vào phòng ngủ của mẹ tôi, bỗng nhiên tôi nghe mùi thơm kỳ lạ hơn mọi khi. Tôi trở ra hỏi chị và em tôi: "Ai làm đổ nước hoa trong phòng mẹ vậy"? Chị và em tôi đều trả lời: "Không có"!Rồi chị tôi nói ngay: "Ngày hôm qua mẹ đòi gội đầu, nên thơm đó".

Chúng tôi xúm lại trêu mẹ: "Mẹ thơm quá". Mẹ tôi cười mà không nói gì cả.

Tôi xin mạo muội nói câu nầy, mẹ tôi thật là bà mẹ hiền, không thích ăn mặc se sua và cũng không thích nước hoa. Trái lại mẹ tôi rất ghét những thứ đó. Mùi thơm mà tôi ngửi được chắc-chắn không phải mùi xà bông gội đầu.

Đến ngày 19-5-2000, tôi nhớ ngày này vì hôm đó thứ sáu, đứa em gái tôi từ San José về cùng với chồng con vào cuối tuần. Lúc đó em trai tôi vào phòng mẹ, tiếp chị tôi đỡ mẹ nằm lên gối cao một tí. Em trai tôi cảm thấy mùi thơm liền nựng má mẹ tôi và hôn thật mạnh: "Mẹ thơm quá! con hôn mẹ"! Đây là lần thứ nhì, em trai tôi thấy mùi thơm trong phòng mẹ tôi.

Lúc này chúng tôi không dám rời mẹ, vì sợ mẹ già yếu lỡ té thì bất tiện lắm.

Mẹ tôi thường ngày rất thích nghe băng kinh và băng giảng pháp của Sư Bà Diệu-Từ và băng tụng Kinh của Ni Sư Tịnh-Lạc. Đặc biệt mẹ tôi thích cuốn băng Báo Ân Phụ Mẫu. Nên khi ngủ, mẹ tôi nghe băng Báo Ân Phụ Mẫu, lúc thức dậy mẹ tôi nằm yên niệm Phật.

Qua ngày thứ bảy 20-5-2000, mẹ tôi vẫn ngồi nói chuyện vui cười với con cháu. Đầu óc và tâm tình mẹ tôi rất tỉnh táo. Những lúc mẹ tôi mệt thì bảo đỡ mẹ nằm xuống. Lúc đó mẹ tôi nằm yên niệm Phật, miệng lép nhép niệm thầm. Chị tôi thấy vậy liền ghé sát hỏi: "Mẹ, mẹ nói gì?" Mẹ tôi lắc đầu: "Không, để yên mẹ niệm Phật".

Chúng tôi thấy mẹ đang niệm Phật, nhưng nhìn thần sắc mẹ, chúng tôi biết mẹ đang mệt. Đến chiều chúng tôi thấy mẹ yếu hơn. Sau khi bàn bạc chúng tôi đồng ý đưa mẹ vào nhà thương để tiếp nước biển.

Vào 11 giờ 30 đêm thứ bảy 20/5/2000, mẹ tôi được bác sĩ khám, y tá lấy máu và chụp hình phổi. Khoảng 1 giờ sau, bác sĩ cho biết áp huyết mẹ tôi xuống thấp, trong người thiếu potassium và cảm nên phải cho trụ sinh vào nước biển. Bác sĩ cho mẹ tôi nằm nhà thương. Tôi ở lại nuôi mẹ. Mẹ tôi suốt ngày hôm sau có lúc khỏe, lúc không. Nhưng mẹ tôi vẫn nằm yên nhắm mắt lại, miệng lép nhép.

Tối 21/5/2000 khoảng 9 giờ mẹ tôi nói muốn uống thuốc xổ. Chị tôi hỏi mẹ tôi muốn xin y tá thứ làm cho phân xóp hay uống nước trái prune? Mẹ nói muốn uống prune. Vài giờ sau mẹ tôi đi cầu vài lần. Và đến 5 giờ sáng ngày 22/5/2000 thì mẹ chúng tôi lại mệt nhiều hơn.

Chúng tôi liền gọi Ni Sư Tịnh-Lạc và Sư Bà Diệu-Từ. Sư Bà Diệu-Từ dặn chị tôi nhiều điều và nói một câu là: "Khi mẹ con mất sẽ có việc lạ". Chị em chúng tôi đang lo buồn nên Sư Bà nói điều lạ gì đó mà không ai chú ý hết.

Lúc 10 giờ ngày 22/5/2000, Ni Sư Tịnh-Lạc, sư Tịnh-Minh và chị Liên (Quảng-Hảo), bạn của tôi mà cũng là dưỡng tử của mẹ tôi, đến bịnh viện thăm mẹ tôi. Khi ấy mẹ tôi mệt nhiều hơn. chúng tôi rất lo-lắng, chị tôi liền gọi điện-thoại lên Thầy (Sư Bà). Thầy nói nếu mẹ theo Phật ngày hôm nay thì rất tốt, ngày mai (23/5/2000) thì không tốt đâu. Bằng không ngày thứ Sáu mới được. Nhưng sức khỏe mẹ tôi rất yếu, nên chị em tôi rất lo sợ, không biết mẹ có đi được ngày hôm nay không? Còn ngày thứ Sáu thì quá xa, vì sức khỏe của mẹ tôi đã yếu dần. Nên chị cả tôi, pháp danh Quảng-Hiền, có thưa với Sư Bà Diệu-Từ qua điện-thoại rằng:

- "Bạch Thầy, sự sống chết đâu biết được ngày giờ."

Sư Bà có nói lại rằng: "Các trò đừng lo, hãy yên tâm, con Phật thì phải theo Phật thôi."

Ngay lúc ấy Ni Sư Tịnh-Lạc bảo chúng tôi chia nhau đứng hai bên giường mẹ, và đến gần nói với mẹ tôi:

- "Chúng tôi niệm Phật A-Di-Đà cho cụ nghe và cụ niệm theo nhe"ù.

Mẹ tôi tuy đang mệt, nhưng gật đầu mỉm cười. Mẹ tôi sửa lại bộ nằm, duỗi ngay chân ra trông có vẻ thoải mái, nét mặt không còn vẻ mệt nữa; khi ấy Ni Sư Tịnh-Lạc và Sư Tịnh-Minh đồng cất tiếng:

"Nam-Mô Đại Từ Đại Bi
Tiếp Dẫn Đạo Sư A-Di-Đà Phật"

Tất cả mọi người trong phòng đều niệm theo các Sư.

Đến trưa, mẹ chúng tôi cứ nắm vạt áo mẹ. Chúng tôi không biết mẹ muốn gì, nên bàn với nhau hãy lau mình cho mẹ. Chị tôi đem chai nước cúng Phật mà Sư Bà Diệu-Từ dạy bảo là phải đem theo cho mẹ tôi uống và lau mặt. Khi lau mình mẹ tôi xong thì mẹ tôi nằm yên và thở nhè nhẹ.

Chúng tôi tiếp tục đứng hai bên giường mẹ và niệm Nam-Mô Đại Từ Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A-Di-Đà Phật.

Đến lúc gần 8 giờ tối thì chị Liên (tức Quảng-Hảo) đã đến hồi sáng bây giờ trở lại cùng niệm Phật với chúng tôi. Chị em chúng tôi rất thương mẹ, bình thường gặp trường hợp này thì chúng tôi đã gào khóc thảm thiết. Nhưng giờ đây chúng tôi chỉ biết tập trung tinh thần niệm Phật cầu Phật A-Di-Đà tiếp dẫn mẹ chúng tôi. Không ai khóc lóc cả.

Tới 8 giờ 10 phút tối ngày 22-5-2000, tôi nhìn thấy mẹ tôi không còn thở nữa. Ni Sư Tịnh-Lạc bảo chúng tôi liên tục niệm Phật đừng ngừng. Ni Sư tiếp tục hướng dẫn niệm Phật.

Lúc mẹ chúng tôi ra đi có đầy đủ mặt con cháu.

Vào 8 giờ 30, Ni Sư Tịnh-Lạc và chị Liên đồng buộc miệng reo lên:

"Phật pháp thật nhiệm mầu!"Lúc đó da mặt mẹ chúng tôi bỗng chuyển sang màu hồng và sáng lên. Da mặt mẹ tôi căng thẳng ra không còn nhăn nheo như mấy phút trước đây. Và đặc biệt, mấy phút trước mặt mẹ tôi có những lấm tấm đen; nhưng lúc này tự dưng biến mất trên da mặt mẹ tôi, mà chỉ còn da mặt hồng hào tươi trẻ mà thôi.

Thật là một điều lạ!

Và lúc mẹ tôi mất, miệng mẹ tôi chưa khép kín lại. Vì lúc mẹ tôi hả miệng ra thở thì tắt thở. Nhưng khi da mặt mẹ tôi đổi màu hồng, thì bỗng nhiên cằm dưới miệng mẹ tôi từ từ đưa lên và khép kín lại.

Thật là hi hữu.

Mẹ tôi nằm thản nhiên, nét mặt xem ra như vui vẻ.

Ni Sư Tịnh-Lạc và Sư Tịnh-Minh từ giã ra về. Chị em chúng tôi vẫn tiếp tục niệm Phật.

Vào khoảng 9 giờ 40 tối, lúc ấy tôi đứng kế bên, ngang đầu của mẹ tôi, tôi bỗng thấy trái tai của mẹ tôi dài ra hơn bình thường. Tôi hơi sợ nên lùi ra sau một tí để đổi em tôi đứng vào. Tôi tuy lui ra sau nhưng vẫn dán mắt vào trái tai của mẹ tôi. Trái tai mẹ tôi vẫn còn dài, nghĩa là không phải tôi hoa mắt. Tôi khều chị tôi và chị Liên rỉ tai chỉ cho họ xem. Chị tôi bảo hãy niệm Phật đi và chị Liên cũng nói như thế.

Kể từ khi mẹ tôi mất, lúc mọi người niệm Phật nhân viên nhà thương tôn trọng vấn đề tôn giáo nên không ai đến quấy rầy. Chúng tôi niệm Phật suốt 12 tiếng đồng hồ.

Đến 10 giờ đêm, chúng tôi ra bảo cho y tá là mẹ chúng tôi đã qua đời. Y tá vào làm thủ tục, chúng tôi lạy mẹ lần cuối, rồi ra về. Chị Liên và chúng tôi nhìn lại lỗ tai của mẹ tôi thấy trái tai của mẹ vẫn còn dài và lớn, và da mặt mẹ tôi vẫn tươi hồng và trẻ ra như người phụ nữ khoảng 50 tuổi. Trên đường về chị Liên, pháp danh Quảng-Hảo, có hỏi bình thường trái tai của mẹ tôi có dài và to như vậy không? Tôi trả lời trái tai của mẹ tôi mới lớn ra từ khi tắt thở mà thôi. Chị Liên là chủ nhà hàng Andy Nguyễn ở Sacramento, từ khi thấy sự mầu nhiệm ấy, chị nói chị phải tinh tấn tu mới được.

Khi chúng tôi về tới nhà có hai vợ chồng chị bạn đến chia buồn, chị tôi liền sực nhớ kể lại cho họ nghe về lời nói của Sư Bà Diệu-Từ hồi bữa trưa.

Sư Bà Diệu-Từ nói: "Khi mẹ con mất sẽ có việc lạ".Chúng tôi thắc mắc suốt đêm.

Đến ngày 24/5/2000, Sư Bà từ Los Angeles về để làm lễ cho mẹ chúng tôi và làm lễ phát tang. Sau đó Ni Sư dạy chúng tôi đi mua cái rổ mới và cái vá mới để tìm Xá-Lợi của mẹ chúng tôi. Chúng tôi vâng lời, nhưng chúng tôi hoàn toàn không biết Xá-Lợi là gì, như thế nào?

Thứ Bảy 27/5/2000 quan tài mẹ tôi được đưa đến nơi hỏa táng. Trước đó người Mỹ phụ trách lò thiêu đến hỏi lấy đồ đựng tro cốt. Chúng tôi chưa có nên ông ta bảo sáng Chúa Nhựt phải đưa đến vì ngày Thứ Hai là ngày lễ ông ta nghĩ làm.

Những điều lạ về Xá-Lợi

Sáng 28/5/2000, chị tôi và ba đứa em tôi đến lò thiêu. Tôi không có đi, chỉ nghe thuật lại. Người Mỹ đã có mặt ở đó. Ông ta dẫn mọi người vào lò thiêu. Bên trong còn hơi âm ấm và xúc tro từ ngực trở lên đầu. Vì chúng tôi theo lời Sư Bà dạy nếu đựng không hết thì lấy tro cốt từ ngực trở lên.

Có mấy điều lạ làm chị và các em tôi ngạc nhiên là, khi bắt đầu thì người Mỹ cầm lên một vật ở ngực và nói em trai tôi: "Đây là cái hoa!" Ông ta ngạc nhiên đưa lên ngắm nghía. Tại sao dưới sức nóng 2000 đến 3000 độ F mà cái dạng của cành hoa vẫn còn (?) và khi đụng vào không bị tan rã. Chị em chúng tôi nhớ rõ: Lúc tiễn đưa mẹ lần cuối trước khi nấp quan tài đậy lại, Sư Bà Diệu-Từ ngắt một cành hoa hồng đặt lên ngực mẹ tôi.

Điều lạ thứ hai, người Mỹ chỉ hai vật tròn chai cứng lại màu nâu đậm và nói, đây là hai cái óc. Em trai tôi hỏi lại là cái gì? Người Mỹ một lần nữa nói là hai cái óc và tỏ vẻ ngạc nhiên tại sao bộ óc não mẹ tôi vẫn không cháy tan?

Rất tiếc, vì không hiểu Xá-Lợi là gì, tưởng đâu Xá-Lợi là vật giống như kim cương hay cẩm thạch. Nhưng làm gì có kim cương, cẩm thạch, nên những mảnh Xá-Lợi màu xám, màu đỏ và bộ óc đều bỏ hết. Chị và ba em tôi chỉ lựa mảnh xương màu xanh và ngũ sắc mà thôi. Bây giờ biết rõ ra chỉ đành hít hà hối tiếc.

Khi người Mỹ kéo cánh cửa lò thiêu thì thấy dạng của bộ xương thiêu xong còn hình dáng và trên đầu của sọ có những khoanh tròn tròn màu đen. Người Mỹ nói là tóc. Nhưng khi đụng vào thì bể ra.

Xá Lợi óc của Phật sống chùa Kim-Sơn

Nhơn chuyện xá-lợi óc của Cụ Bà Quảng-Khánh cần nhắc đến xá-lợi óc của Phật sống chùa Kim-Sơn bên Tàu. Theo Pháp-sư Lạc-Quan, Phật sống chỉ là danh gọi của Phật tử ái mộ Ngài. Theo Phật pháp, từ đây đến ngày Bồ-Tát Di-Lặc hạ thế thành Phật, cõi nầy không thể có một vị Phật nào khác. Ai xưng Phật đều là mạo xưng.

Thật sự vị Phật sống ấy là một thiền sư đắc chứng, pháp danh Diệu-Thiện. Sau khi kiến tánh, muốn thành Phật, Ngài biết phải vượt qua một đầu sào trăm trượng ... thật là khó-khăn. Ngài bèn quy về pháp môn Niệm Phật. Từ đó Ngài niệm Phật suốt ngày, cả khi đi Ngài cũng niệm Phật thành tiếng.

Khoảng năm 1928, Pháp-sư Lạc-Quan gặp Ngài ở Nam-Kinh bên Tàu. Năm 1931, Pháp-sư qua Miến-Điện lại gặp Ngài đang tu tại Đại Tháp ở Ngưỡng-Quang. Lúc sắp mất vào năm 1934, Ngài chỉ ăn vỏ dưa, vỏ đậu phộng, giấy súc và cạo sắt rỉ mà ăn. Giữa trưa nắng cháy da ở Miến-Điện, Ngài trùi mình nằm trên mặt đá nóng, lạy Phật. Vì vậy Ngài lâm bịnh nặng, nhưng nhứt định không uống thuốc. Ngài nói: "Phải chịu hết nghiệp báo thì mới có thể giải thoát".

Khi viên tịch, mấy trăm ngàn Phật tử Hoa, Ấn, Miến dự đám hỏa thiêu Ngài. Sau lễ Trà-Tỳ, ngoài vô số xá-lợi, còn có nguyên bộ óc xá-lợi của Ngài trong bộ xương đầu. Một đệ tử của Ngài thỉnh bộ xương đầu ấy, đúc thành một tương Phật, nay còn thờ tại một đạo tràng ở Ngưỡng-Quang, Miến-Điện. Thật đáng tiếc cho bộ óc xá-lợi của Cụ Quảng-Khánh.

Lúc chụp hình các viên Xá-Lợi, em gái tôi nhìn vào viên nào niệm Phật thì viên đó lóe màu trông rất đẹp mắt và thấy mỗi viên có một màu khác nhau. Thêm một việc hi-hữu khác, đứa cháu ngoại trai của mẹ tôi đứng xem, thấy Xá-Lợi có hình một chú tiểu màu trắng, nhưng khi niệm Phật thì bỗng dưng nổi lên 2 chấm đen như cặp mắt và một nửa mặt trăng như cái miệng đang mở mắt và nhếch miệng cười. Trong tích-tắc là không thấy nữa.

*

Tóm lại, do niệm danh hiệu Nam-Mô A-Di-Đà Phật mà cụ bà Quảng-Khánh được vãng sanh và lưu lại Xá-Lợi. Trong Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật, Bồ-Tát Phổ-Hiền nói nơi Phẩm Thứ Tư, trang 65 rằng:

"Danh hiệu Phật chính là Phàm Thánh Đồng Cư Tịnh Độ, vì dung nhiếp Hóa Thân tùy nguyện vãng sanh của chư vị Thượng-Thiện-Nhân khắp mười phương thế-giới".

Giờ phút này cụ bà Quảng-Khánh là m���t vị Thượng-Thiện-Nhân của cõi Cực-Lạc vậy.

Cũng giống như bà Diệu-Âm Huỳnh-Ngọc-Tuyết, bà Diệu-Hưng Nguyễn-Thị-Tân, trước khi lâm chung cụ bà Quảng-Khánh có tiên triệu báo trước như:

1. Thấy hào quang chói sáng và bông hoa rực rỡ.

2. Nằm mơ thấy cảnh đẹp toàn là hoa.

3. Mùi thơm kỳ lạ trong phòng.

4. Muốn được làm sạch cơ thể trước khi ra đi.

Và khi cụ Quảng-Khánh vãng sanh có tường triệu, điềm lành như là:

1. Da mặt đang xanh xao bỗng đồi màu hồng. Da nhăn nheo bỗng căng thẳng ra, trông trẻ hẳn lại như hồi 50 tuổi và những chấm lấm tấm đen đều bay mất.

2. Miệng đang hả ra tự nhiên khép lại.

3. Trái tai tự nhiên dài ra hơn bình thường.

Theo Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật, cụ bà Quảng-Khánh hẳn đã chứng Sơ-Phần Pháp-Thân được quả Hoan-Hỷ-Địa Bồ-Tát, nhờ nhứt tâm niệm Phật mà Tâm thể cụ được thanh tịnh, như bà Diệu-Âm, bà Diệu-Hưng và ông Chúc-Quý.

*

Một kinh nghiệm khác dạy cho chúng ta, trường hợp cụ bà Quảng-Khánh mất tại bịnh viện, thân nhân và thân hữu đồng niệm Nam-Mô A-Di-Đà Phật, nhân viên nhà thương vì lý do tôn giáo, tôn trọng người quá cố không hề đến quấy rầy. Mọi người tự do niệm Phật suốt 12 tiếng đồng hồ, sau đó mới bảo cho y tá hay lễ cầu nguyện đã xong.

Và đặc biệt trong trường hợp vãng sanh như cụ Quảng-Khánh, Phật và Thánh Chúng đến rước đi ngay về Cực-Lạc, Thần Thức không còn lẩn quẩn bên nhục thân. Tuy nhiên, trong vòng 49 ngày nếu thân nhân tiếp tục niệm Phật hồi hướng cho cụ và cầu siêu mỗi tuần nhựt thì phẩm vị của cụ sẽ tăng lên vậy. @

Con cháu Cụ Bà Quảng-Khánh tại Mỹ.

Từ phải sang trái: người thứ ba mặc quần đen, đầu để tang là cháu Quảng Mẫn, 13 tuổi, khi bình thường nhìn vào một viên Xá-Lợi thì cháu thấy hình một chú tiểu màu trắng, mà khi niệm Phật thì thấy chú tiểu mở mắt và nhếch miệng cười; người thứ bảy là con gái thứ năm của Cụ Bà tên Quảng-Giải, lúc chụp hình cô nhìn vào viên Xá-Lợi, miệng thầm niệm Phật thì Xá-Lợi lóe màu sáng trông rất đẹp mắt, mỗi viên chiếu một màu khác nhau.

Xá Lợi Của Nam Cư Sĩ Chúc Quý Lư Nhiên Phú

Vãng sanh ngày 16-5-2000

100vangsanhluuxaloi-chucqui

Như đã nói ở bài trước, sau khi chúng tôi hoàn tất phần phụ lục "Những Chuyện Vãng Sanh Lưu Xá-Lợi" nầy thì được tin tại Sacramento có cụ bà Quảng-Khánh vừa vãng sanh lưu Xá-Lợi. Thế là chúng tôi phải tiếp tục tìm tài liệu viết nữa. Kế đến hôm sau lại được tin tại Chicago lại có thêm một cư sĩ vừa vãng sanh, cũng có Xá-Lợi.

Một vị Tổ Tịnh-Độ Tông nói, thời mạt pháp tín tâm của nam cư sĩ không bằng nữ cư sĩ. Nhưng lần nầy không phải nữ cư sĩ. Tin-tức đầu tiên, Xá-Lợi của vị nam cư sĩ đang để tại Chùa Quang-Minh, thành phố Chicago, do Đại Đức Thích-Minh-Chí trụ trì. Thầy Minh-Chí là đệ tử của Hòa-Thượng Thích-Đức-Niệm.

Chúng tôi liền điện thoại cho Đại Đức Minh-Chí. Nghe chúng tôi hỏi thăm về Xá-Lợi, Thầy Minh-Chí vui vẻ nói ngay: "Cả gia đình người quá cố đang có mặt ở chùa và đang tìm kiếm thêm Xá-Lợi trong một phần tro cốt còn lại".

Nhân và Duyên của nhà Phật

Chúng tôi phải mất hai tuần lễ để điện thoại qua lại mới thu thập đủ tài liệu để cống hiến cho quí vị. Qua các bài viết về những vị lâm chung lưu Xá-Lợi, chúng tôi học được chút ít kinh-nghiệm, làm sao biết rõ một người chứng đắc pháp-môn Niệm Phật Ba-La-Mật khi lâm chung được vãng sanh? Vãng sanh như thế nào có được Xá-Lợi?

Thường thường một người vãng sanh đều có những "tiên triệu" tức là điềm báo trước. Như bà Diệu-Âm, bà Diệu-Hưng, cụ bà Quảng-Khánh đều có điểm đặc biệt. Vị nam cư sĩ ở Chicago, khi lâm chung hỏa táng tìm được Xá-Lợi, như vậy rõ ràng ông đã vãng sanh, song tài liệu được cung cấp không thấy có tiên triệu.

Thật vất vả cho chúng tôi. Chẳng những không thấy tiên triệu mà cũng chẳng thấy nói về "tường triệu" tức là điềm lành khi lâm chung.

Chúng tôi bỏ cả 2 ngày để đọc tài liệu và phân tách. Chúng tôi nghĩ, chắc-chắn phải có tiên triệu lẫn tường triệu. Có lẽ thân nhân của người quá cố bỏ sót các chi tiết.

Như các lần trước, công trình của chúng tôi là phải tìm hiểu lại từ đầu, từ khi vị cư sĩ ấy qui y rồi hành trì pháp môn Niệm Phật như thế nào? Từ đó gợi ý thân nhân rồi phăng lần ra. Chúng tôi đang sưu giải Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật. Đây là một tôn Kinh độc đáo. Nếu dựa vào bản văn của Kinh, dẫn chứng lần lần sẽ thấy hiểu vị ấy tu tới đâu, đạt được quả vị nào của các quả vị Bồ-Tát? Đặc biệt Kinh này, ngoài đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng giải, còn có hai vị Bồ-Tát Phổ-Hiền và Quán-Thế-Âm dạy pháp môn niệm Phật Ba-La-Mật.

Trước tiên hãy tìm hiểu về vị nam cư sĩ. Ông tên là Lư-Nhiên-Phú, người Việt gốc Hoa, lúc mãn phần ông hưởng thọ 71 tuổi. Bà vợ tên Diệu-Thiện. Hai ông bà có 4 trai và 4 gái, di dân qua Mỹ vào năm 1991.

Năm 1999, ông Nhiên-Phú qui y với Thượng-Tọa Thích-Thanh-An tại Chùa Phật-Bảo, được đặt tên là Chúc-Quý.

Chúng tôi từng nói, cái tên lắm khi rất ảnh hưởng đến tinh thần hay vật chất và tương lai của một người. Chúc-Quý tức là chúc cho được điều lành, điều quý. Nhưng pháp danh này nghe chẳng có chút đạo vị nào cả. Thiếu gì pháp danh nghe rất kêu, tại sao Thượng-Tọa Thanh-An lại nhìn con người ông Lư-Nhiên-Phú mà đặt cho pháp danh Chúc-Quý? Phải chăng đây là cái tiên triệu đầu tiên của ông Chúc-Quý?

Tại sao chúng tôi nêu ra điều nầy? Vì Kinh nói, tất cả chúng sanh đều có nghiệp quá khứ. Nếu một người có nghiệp quá khứ tốt, từng cúng dường Tam Bảo trong tiền kiếp, hiện đời ăn hiền ở lành, thì đi tới đâu, ở đâu, cũng được gặp thầy giỏi, bạn hiền, gặp được nhiều may mắn. Phật pháp nhiệm mầu là ở chỗ, có những duyên đưa đến những điều tốt đẹp, hay lạ cho chúng sanh đó mà họ không hề hay biết. Một pháp danh được một vị Thầy đặt cho, không phải vô cớ mà ông đặt ra. Có thể do một sự mầu nhiệm nào đó khiến tâm ông nghĩ ra đặt tên cho một người, hoặc vị Thầy nhìn vào sắc diện tánh tình mà đặt cho pháp danh, hoặc theo hệ thống truyền thừa mà đặt cho pháp danh. Dù cho là điều gì, căn bản vẫn do nghiệp quá khứ của đương sự mà được cái pháp danh nói trước tương lai cuộc đời tu hành của người ấy.

Để hiểu rõ điều mình suy luận, chúng tôi tìm cách nói chuyện với Thương-Tọa Thích-Thanh-An. Qua 3 lần điện thoại chúng tôi mới được gặp, đúng lúc Thượng-Tọa từ Canada trở về. Thượng-Tọa nói:

- "Thầy không ngạc nhiên khi được anh Minh-Hiền báo tin, ông Chúc-Quý lâm chung lưu lại Xá-Lợi. Vì ông là người chất-phác, mộc-mạc, tu hành thật tinh-tấn. Hồi ở Việt-Nam ông đã qui y một lần với pháp danh Văn Tín, do một vị sư Tàu đặt cho. Tín tức là tín tâm. Tên thật ông là Lư-Nhiên-Phú tức là Phú Quý. Đúng, ông là người có tín tâm. Khi qua Mỹ, trước khi qui y với Thầy, ông đã tu nhứt tâm niệm Phật và suốt ngày ông chỉ nhớ Phật, chứ không nhớ gì khác. Mỗi ngày ông niệm Phật 6 tiếng đồng hồ, lần chuỗi 300 xâu. Do đó Thầy đặt cho ông pháp danh Chúc-Quý. Sau khi qui y, ông lạy Thầy 3 lạy, nói rằng: "Con phát tâm gặp Sư phụ quá trễ". Thầy đáp: "Không trễ đâu. Chỉ cần con gắng tu tập là được. Mê thì bao lâu cũng mê, còn ngộ thì ngộ cấp kỳ". Ông Chúc-Quý mất sau hơn 6 tháng qui y".

Quí vị hãy suy nghiệm tại sao Thương-Tọa Thích-Thanh-An lại đặt pháp danh Chúc-Quý. Chúng tôi lại thắc mắc, ông Chúc-Quý qui y tại chùa Phật-Bảo. Vậy tại sao khi lâm chung Xá-Lợi của ông lại đem về ở chùa Quang-Minh? Nhà Phật nói cái gì cũng có nhân và duyên. Vậy ông Chúc-Quý có cái duyên gì với Thầy Minh-Chí?

Chúng tôi đem điều thắc mắc hỏi bà Diệu-Thiện. Bà cho biết: chùa Phật-Bảo do Phật tử đóng góp tạo nên. Chùa không có Sư trụ trì. Thượng-Tọa Thanh-An trụ trì chùa An-Tường tại Oakland, California. Thầy được mời đến Chicago, lãnh-đạo tinh-thần chùa Phật-Bảo, giảng pháp và làm lễ qui y cho Phật tử. Trong số Phật tử qui y với Thầy có ông Chúc-Quý. Vì chùa không có Sư nên gia đình ông Chúc-Quý phải đến chùa Quang-Minh để nghe giảng pháp và dự các buổi Bát Quán Trai. Ông Chúc-Quý kết duyên với Đại-Đức Thích-Minh-Chí và chùa Quang-Minh từ đó. Thầy Minh-Chí tuy còn trẻ mà nhiều đạo hạnh nên Phật tử đều mến Thầy. Tuy nhiên, hàng tuần gia đình ông Chúc-Quý vẫn về chùa Phật-Bảo để lạy Phật và làm công quả. Khi ông Chúc-Quý mất đương nhiên phải nhờ Thầy Minh-Chí tụng kinh, làm lễ và bài vị cần phải gởi ở chùa Quang-Minh để nhờ các thầy trì tụng kinh cầu siêu.

Vậy là ông Chúc-Quý có cái nhân ở chùa Phật-Bảo, mà duyên thì ở chùa Quang-Minh. Vì thế mà cả hai chùa đều được thân nhân ông Chúc-Quý kính gởi Xá-Lợi.

Tuy nhiên, gia đình ông Chúc-Quý không quên ơn của Thương-Tọa Thanh-An và chùa An-Tường.

Ông Chúc-Quý tu ra sao mà có được Xá-Lợi?

Sau khi ông Chúc-Quý lâm chung, gia đình ông làm lễ hỏa táng tìm thấy có Xá-Lợi, đó là chứng tỏ ông được vãng sanh. Nhưng, xin nhớ kỹ điều này, không phải tất cả mọi người vãng sanh đều có Xá-Lợi. Trước đây, cũng có nhiều người được vãng sanh, nhưng đâu nghe ai nói các vị ấy có Xá-Lợi.

Vậy là, vãng sanh cũng có nhiều phẩm cấp, người tu tinh tấn hành trì đúng theo lời Kinh Phật dạy, thì được phẩm cấp cao. Còn về Xá-Lợi, chúng tôi phân vân tự hỏi, phải chăng đức Phật Thích-Ca và Phật A-Di-Đà đã dùng thần lực ban ơn đặc biệt cho chúng sanh thời mạt pháp này mà trong vòng chỉ có mấy năm đã có nhiều vị tu pháp môn niệm Phật lại có Xá-Lợi? Dù rằng chúng tôi vẫn biết Xá-Lợi có được, hành giả phải trải qua đại định, tức nhập vào Tam-muội, thì lâu ngày thân tâm mới kết tinh được Xá-Lợi.

Trong Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật, Phẩm Thứ Hai, trang 29, Đức Phật nói:

"... Nếu có chúng sanh nào chí thành xưng niệm danh hiệu Nam-Mô A-Di-Đà Phật, thì uy lực bất khả tư nghị của danh hiệu khiến cho Tâm thể thanh tịnh mà chúng sanh ấy không hề hay biết, tự nhiên chứng nhập Sơ-Phần Pháp-Thân, âm thầm ứng hợp Bi-Trí Trang-Nghiêm của chư Phật".

Xin quí vị lưu ý, Đức Phật nói, khi một chúng sanh chí thành xưng niệm danh hiệu Nam-Mô A-Di-Đà Phật, do danh hiệu của Phật A-Di-Đà có một uy lực mà phàm phu chúng ta không thể bàn, nói, đúng hết được; uy lực của danh hiệu Nam-Mô A-Di-Đà khiến cho Tâm thể của Người-Niệm-Phật được thanh tịnh, mà chúng sanh ấy không hề hay biết.

Chữ "Thanh Tịnh" chứa đựng các nghĩa, tâm được định - vì người tu mà tâm không thanh-tịnh thì không được định - và tâm sạch phiền não, dứt trừ các nghiệp.

Đức Phật nói: "Chúng sanh nào chí thành - tức là có nhứt tâm - xưng niệm danh hiệu Nam-Mô A-Di-Đà Phật thì uy lực bất-khả tư-nghị của danh-hiệu khiến cho Tâm thể thanh tịnh mà chúng sanh ấy không hề hay biết".

Như ông Chúc-Quý, ông chí thành niệm Phật khiến cho Tâm ông thanh-tịnh mà ông không hề hay biết. Ông không hay biết thì làm sao thân nhân ông hay biết được. Tuy nhiên, nếu là người ngoài tinh mắt, để ý nhìn ông sẽ thấy có sự thay đổi trong thân và tâm ông. Như con người trở nên nhu hòa, nhẫn nhục, da mặt đổi sáng, dáng đi khoan thai, ai gặp cũng thấy có cảm tình ... Điều này tự nhiên sẽ lộ ra cho quí vị thấy ở các phần sau mà chúng tôi không cần nói ra.

Đức Phật nói thêm: "... Tâm thể thanh tịnh mà chúng sanh ấy không hề hay biết, tự nhiên chứng Sơ-Phần Pháp-Thân, âm thầm ứng hợp Bi-Trí Trang-Nghiêm của chư Phật".

Như nói về ông Chúc-Quý: "Nhờ chí thành niệm Phật Tâm Thể ông được thanh tịnh mà ông không hề hay biết, và tự nhiên ông chứng được Sơ-Phần Pháp-Thân mà ông cũng không hề hay biết".

Tu-Niệm-Phật tức là tu Đại-Thừa, Bồ-Tát đạo. Cho nên người chứng được Sơ-Phần Pháp-Thân tức là chứng được Sơ-Địa Bồ-Tát hay gọi là Hoan-Hỷ-Địa Bồ-Tát.

Ai không nghiên cứu Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật không thấy được chỗ này. Theo nhà Thiền, đến chỗ này là lúc "Tâm vô Nhứt vật", là lúc trong tâm thanh tịnh không có một vật gì, nghiệp thức cũng không có, sắc-thanh-hương-vị-xúc-pháp cũng không có. Nói theo Bát-Nhã Tâm-Kinh là không có sáu trần (sắc-thanh-hương-vị-xúc-pháp) không có nhãn giới, không có cả ý thức giới, tức là sáu căn; vì khi đó Bồ-Tát Sơ-Phát-Tâm, tức hành giả Tu-Niệm-Phật, không còn có tâm phân biệt nữa.

Bà Diệu-Thiện nói với chúng tôi rằng: "Lúc ông Chúc-Quý niệm Phật, nhiều khi ai hỏi gì ông đều như chẳng nghe, chẳng hiểu, chẳng thấy gì cả". Chúng tôi giải thích với bà, đấy chính là lúc Tâm thể chồng bà thanh tịnh, tức được định. Lâu ngày cái định ấy sẽ kết tinh thành những vật trong sáng cứng chắc như Kim Cương.

Cháu Thanh-Trí kể: "Nhiều khi ba con đang ngồi niệm Phật, hoặc xem Tivi với những show thú của Discovery mà ba con thích - mắt xem mà miệng vẫn niệm Phật - bỗng nhiên ba con rơi tình trạng nhập định (không phải hôn trầm hay vô ký, Lời người sưu-giải) một thời gian sau thì tỉnh lại.

Sau khi lâm chung, làm lễ hỏa táng ông Chúc-Quý lưu lại nhiều Xá-Lợi, chứng tỏ ông được vãng sanh. Nhưng không phải tất cả những ai vãng sanh cũng đều có Xá-Lợi. Trước đây cũng có nhiều người vãng sanh, nhưng chúng ta đâu có nghe nói họ có Xá-Lợi.

Chúng tôi đang tự hỏi, không biết có phải đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni và A-Di-Đà đã dùng thần lực đặc biệt ban hồng ơn cho chúng sanh thời Mạt pháp chăng, mà sao trong vòng 5 năm có tới 6 vị Tăng Ni và cư sĩ vãng sanh có Xá-Lợi? Dù rằng chúng tôi vẫn biết người có Xá-Lợi đều phải trải qua giai-đoạn niệm Phật khiến Tâm thể được thanh tịnh tức được định, lâu ngày kết tinh thành Xá-Lợi.

Hiện tượng gì chứng minh ông Chúc-Quý được vãng sanh?

Ông Chúc-Quý là người nghèo khổ ở bên Tàu. Từ 17 tuổi ông qua Việt-Nam sanh sống, rồi lập gia đình định cư tại Sàigòn. Vì nhà nghèo ông không được ăn học, nhưng tâm ông luôn luôn lương thiện. Vợ chồng ông ăn hiền ở lành nên có được phước đức, sanh được các con hiền có tâm hướng Phật. Hồi ở Việt-Nam ông cũng đi chùa, nhưng không thường xuyên. Trái lại, các con ông có người đã qui y Tam-Bảo. Nhờ có phước đức, gia đình ông qua Mỹ con cái đều có việc làm tốt, tạo được nhà cửa sống hạnh phúc.

Đến Mỹ các con ông thường xuyên đi chùa học Kinh, còn ông muốn đi chùa nhưng ngại mình dốt lại ít tiếng Việt. Vợ con ông động viên khuyến khích ông đi chùa. Nhờ vậy mà ông có được pháp danh Chúc-Quý.

Từ khi đi chùa, nghe giảng pháp, ông tu tinh tấn hơn nhiều người. Bất kể mọi khó khăn của thời tiết; dù mưa gió, dù trời lạnh đến đóng băng, ông Chúc-Quý cũng đến chùa Quang-Minh mỗi sáng Chúa Nhựt để dự khóa Hồng Danh Sám Hối, và mỗi tháng thọ Bát Quan Trai ở chùa Quang-Minh hay Phật-Bảo.

Nhưng, bấy nhiêu đó không đủ chứng minh ông Chúc-Quý được vãng sanh và có được Xá-Lợi; vì nhiều người khác cũng thường đi chùa đều đặn đâu kém gì ông Chúc-Quý. Tại sao họ chẳng được? Có nghĩa là ông Chúc-Quý phải tinh tấn tu hơn điều nói trên.

Thân nhơn ông Chúc-Quý không nhớ được điều chúng tôi muốn biết. Vì vậy mà chúng tôi phải bỏ công gọi điện thoại nhiều lần, nói chuyện nhiều người trong gia đình ông, như bà Diệu-Thiện, cháu Huệ-An con gái thứ năm và cháu Thanh-Trí con trai út. Chúng tôi khuyến khích họ ôn lại cách hành trì niệm Phật của ông Chúc-Quý. Qua nhiều ngày, chúng tôi ghi nhận được nhiều điều hữu ích. Sau cùng, được nói chuyện với Thương-Tọa Thích-Thanh-An, chúng tôi đúc kết được hạnh tu của ông Chúc-Quý như sau:

1. Ông nhứt tâm và chí thành niệm Phật cầu vãng sanh.

2. Mỗi ngày ông niệm Phật 6 tiếng đồng hồ, cứ 2 tiếng ông niệm được 100 xâu chuỗi và giữ đều đặn như vậy. Ngoài ra khi nhổ cỏ, trồng trọt, tưới cây ông cũng không ngừng niệm Phật.

3. Lúc nào trong tâm ông cũng đều tưởng nhớ đến Phật và từng thấy Phật.

Cũng trong Kinh Niệm Ba-La-Mật (Phẩm Thứ Hai, trang 30, bản in của Phật Học Viện Quốc Tế (PHVQT). Chúng tôi nói PHVQT vì chùa Quang-Minh có ấn bản này) Đức Phật nói:

"Muốn vãng sanh Cực-Lạc chỉ cần xưng niệm danh hiệu Phật (A-Di-Đà) là đủ. Vì danh hiệu chính là biểu-tướng của Pháp Thân, cho nên niệm danh hiệu tức là niệm Pháp Thân Phật vậy. Và người niệm Phật khỏi phải kiêm thêm bất cứ môn tu nào nữa. Vì ngay nơi danh hiệu Nam-Mô A-Di-Đà Phật chứa được vô lượng vô biên công đức, vô lượng vô biên quang minh, tướng hảo, uy lực ... không thể nghĩ bàn".

Như đã nói, nhờ xưng niệm danh hiệu Nam-Mô A-Di-Đà Phật không ngừng, tâm thể ông Chúc-Quý được thanh tịnh. Và ông chỉ tinh chuyên niệm danh hiệu Nam-Mô A-Di-Đà Phật mà ông được vãng sanh.

Nhưng có những điềm gì, hiện tượng gì, chứng minh rằng ông Chúc-Quý thật sự vãng sanh? Khi tiếp xúc với bà Diệu-Thiện qua điện thoại, chúng tôi nghe bà nhắc đến ông Minh-Hiền mấy lần, cháu Huệ-An cũng nói với chúng tôi:

- Trước khi đưa ba con đi hỏa táng, bác Minh-Hiền có kêu con ra ngoài nói: "Có thể ba con có Xá-Lợi. Khi lấy tro cốt con nhớ tìm Xá-Lợi".

Chúng tôi liền điện thoại hỏi ông Minh-Hiền:

- Xin ông vui lòng cho biết, dựa vào điềm nào mà tự nhiên ông cảm thấy ông Chúc-Quý có thể để lại Xá-Lợi?

Không một chút nghĩ ngợi, ông Minh-Hiền nói:

- Chúng tôi đã quen biết nhau nhiều năm rồi. Tôi hiểu nhiều về con người ông Chúc-Quý. Tuy ông kém chữ nghĩa, tánh tình mộc mạc, nhưng ông là người nhứt tâm và quyết tâm cầu nguyện vãng sanh. Ông thường lui tới chùa Phật-Bảo, tâm tình với tôi và hỏi han tu cách nào mà có thể vãng sanh? Tôi đã gặp rất nhiều người cùng tu niệm Phật, họ rất rành kinh điển nói năng lưu loát, nhưng tôi biết những người ấy chỉ giỏi lý thuyết chứ không thực sự tu hành. Nhà Phật, tu là phải thực chứng. Nói ngoài miệng chỉ là kiến giải. Còn ông Chúc-Quý, ông không hiểu nhiều về Phật pháp, song ông có quyết tâm, với lòng tin tha thiết. Điều nào ông không biết là ông đem ra hỏi ngay, không sợ xấu hổ. Do đó, với hạnh tu của ông, tôi tin tưởng ông sẽ được vãng sanh.

Tôi còn nhớ, có lần ông hỏi tôi:

Niệm Phật cách nào mới thực sự vãng sanh, hầu thoát khỏi luân hồi sanh tử?

Lần ấy tôi đáp:

- Niệm Phật phải thật tha thiết, phải quên tất cả dục lạc tầm thường hàng ngày, như cảnh tình vợ con hãy ráng bỏ, đừng để bị ràng buộc, phải sửa đổi tánh cho được nhu hòa, hiền hậu. Thì ngày ra đi chắc-chắn chúng ta sẽ được như ý.

Ông Chúc-Quý trầm ngâm giây lâu rồi nói:

- Tôi sẽ cố gắng thực hiện để được vãng sanh.

Chúng tôi xin tạm gác qua lời nói của ông Minh-Hiền để thêm vào một điều. Khi nói chuyện với chúng tôi, cháu Thanh-Trí, con trai út của ông Chúc-Quý có nói:

- Bác ơi, hồi trước ba con tánh nóng dữ lắm. Trong nhà ai làm điều gì không vừa lòng ông, thì ông la hét ngay - Nhưng từ ngày tu tới bây giờ, ba con hiền lắm, hiền như ông Phật. Trước kia, quen theo sanh hoạt gia đình, khi ăn cơm thì phải cả nhà cùng ngồi vào bàn ăn, nhưng sau này ba con như dứt bỏ mọi thông lệ. Ông thường lặng lẽ ngồi riêng một mình, khi ăn ông cũng ăn riêng. Vợ con làm gì ông cũng không để tâm đến.

Đó để chứng minh ông Chúc-Quý tập xa rời dục lạc và cắt đứt lần tình cảm gia đình. Bây giờ xin trở lại với ông Minh-Hiền. Tiếp tục câu chuyện, ông Minh-Hiền nói:

- Cháu Phước-Lạc, đứa con trai áp út của ông Chúc-Quý, nói với tôi:

"Bác ơi, hồi xưa tánh ba con khó lắm, nhưng sau này trong nhà ai muốn làm gì thì làm, ông không màng tới. Ba con tập theo Bát-Nhã Tâm-Kinh "Tâm vô quái ngại". Cả đến một vật cứng rớt xuống chân ba con, mà ba con cũng không phản ứng kêu đau".

Ông Minh-Hiền nói tiếp:

- Mỗi lần gặp tôi là ông gợi chuyện về niệm Phật vãng sanh. Năm trước, ông nói ông Niệm Phật mà sao còn nhiều vọng tưởng quá. Tôi liền chỉ cho ông cách niệm Phật công cứ; nghĩa là tự qui định mỗi ngày mình sẽ phải niệm bao nhiêu lần danh hiệu Nam-Mô A-Di-Đà Phật. Rồi khi niệm mình ghi sổ để biết mỗi ngày mình niệm có đúng số không? Như vậy mình sẽ diệt được vọng tưởng và không lơ là trong việc niệm Phật.

(Có lẽ do chỗ này mà cháu Thanh-Trí nói với chúng tôi: "Bác ơi, ba con niệm Phật lần chuỗi liền tay, Ba con niệm lẹ lắm". Bây giờ chúng tôi mới biết rõ, ông Chúc-Quý niệm Phật công cứ, ông tính số niệm nên niệm lẹ).

Những điều báo trước vãng sanh

Xin nói về tiên triệu tức điềm báo trước của ông Chúc-Quý. Ông Minh-Hiền kể tiếp:

- Ông Chúc-Quý thường đến chùa giúp trồng cây kiểng. Bỗng một hôm ông nói với tôi: "Chắc tôi không còn dịp trồng cây cho chùa nữa. Tôi hỏi: Tại sao? - Ông bình thản trả lời: "Tự nhiên tôi linh cảm như vậy". Bây giờ nghĩ lại, rõ ràng ông Chúc-Quý đã bảo trước ông sắp ra đi.

Cháu Thanh-Trí nói với chúng tôi:

- Ba cháu rất ghét chụp hình. Vậy mà lúc sắp mất ổng đòi đi chụp hình. Nhờ vậy mà bây giờ có hình để thờ.

- Vài tuần trước ngày ba con mất, sau buổi niệm Phật, ba con nói: "Ngộ thấy Phật A-Di-Đà". Trước đây ba con niệm Phật đều tưởng nhớ Phật A-Di-Đà. Nhiều lần đến chùa thọ Bát Quan Trai, ba con nói, thấy tượng Phật ở nhà đẹp hơn những tượng Phật khác (Có nghĩa là đi đâu ông Chúc-Quý đều nhớ ông Phật ở nhà).

Cháu Huệ-An kể:

- Cái đêm rạng ngày ba con mất, không hiểu sao con không ngủ được. Vào 3 giờ khuya ba con thức dậy nấu cháo, rồi tụng Kinh A-Di-Đà và Bát-Nhã Tâm-Kinh bằng tiếng Tàu, Ba con biết đánh chuông gõmõ. Sáng hôm đó con nghe ba con đánh chuông tụng kinh đến hai lần. Thật là lạ!

Bây giờ nói chuyện ông Chúc-Quý thật sự vãng sanh.

Trong Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật tức là Kinh Niệm Phật Thành Phật, Phẩm Thứ Nhứt, trang 15, Đức Phật nói:

- "Mỗi khi sắp mạng chung thì các loại nghiệp lành dữ trong một đời hiển hiện rõ ràng. Chúng sanh nào sống thuần bằng tưởng (như ông Chúc-Quý lúc nào cũng tưởng nhớ đến Phật) thì bay lên hóa sanh nơi các cõi Trời. Nếu trong sự thuần tưởng, lại gồm cả phước huệ (tức phước đức và trí huệ), và tịnh nguyện thì tự nhiên tâm trí khai mở mà được thấy mười phương chư Phật, tùy theo nguyện lực của mình mà sanh về Tịnh-Độ".

Bây giờ thử phân tách về ông Chúc-Quý. Tất cả những gia đình Việt-Nam qua được xứ Mỹ này định cư, đều đáng được gọi là có phước đức. Kinh nói: "Nếu trong sự thuần tưởng lại gồm cả Phước đức, Trí huệ và Tịnh nguyện thì tự nhiên tâm trí khai mở mà được thấy Phật". Vì thuần tưởng thì Tâm thể nhẹ nhàng khi lâm chung sẽ bay lên. Còn người nặng Tình thì bị dính mắc sẽ chìm xuống, cho nên nói là bị đọa.

Ông Chúc-Quý đã có Phước Đức, thời gian biết tu ông thường bố thí, cúng dường chư Phật Bồ-Tát, ông lại biết sám hối và hồi hướng công đức nên Phước Đức của ông mỗi ngày mỗi tăng.

Ông thường niệm Phật không ngừng. Những lần ông niệm Phật, tâm thể ông được thanh tịnh tức ông được Định mà ông không hề hay biết. Như Đức Phật nói, người chuyên tâm niệm Phật được Sơ-Phần Pháp-Thân. Khi ông được Định tự nhiên Định sanh ra Huệ.

Để chứng minh, hồi trước ông Chúc-Quý không biết chữ. Bây giờ ông già rồi, trí nhớ phàm phu của ông giảm thiểu, vậy mà ông Chúc-Quý lúc gần 70 tuổi, học được chữ Tàu để mỗi đêm đọc tụng Kinh A-Di-Đà và Bát-Nhã Tâm-Kinh. Vậy chẳng phải ông phát Huệ thì là gì? Từ khi ông đi chùa, nói theo cô Diệu-Thể, ông trở thành "Pháp Sư" cây nhà lá vườn của gia đình ông. Ông thường giảng giải lại cho vợ con nghe những gì mà ông đã học được khi nghe Thầy Minh-Chí giảng. Nhờ học tu mà ông đã phát Huệ.

Ông đã có Phước, lại có Huệ và có Tịnh nguyện tức nguyện vọng vãng sanh Tịnh-Độ, nên như Kinh nói: "Tùy theo Tịnh nguyện mà ông được vãng sanh, được thấy chư Phật mười phương".

Bậc Cổ Đức dạy thế nào về các hạnh tu tạo được Phước và Huệ?

Trong "Đường Mây Trong Cõi Mộng", trang 395 - 366, Đại Thiền Sư Hám-Sơn dạy rất rõ-ràng:

"Tu Huệ tức tại Quán Tâm. Tu Phước tức hành nơi Vạn Hạnh. Quán Tâm dùng niệm Phật làm làm phương-pháp tối thắng. Vạn-Hạnh dùng sự cúng dường làm đầu. Hai việc này chính là hạnh tổng trì.

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta khởi tâm động niệm, đều là vọng tưởng (tức cội gốc của sanh tử), nên phải chiêu lấy quả khổ. Ngày nay dùng tâm vọng tưởng đó, chuyển làm tâm niệm Phật, tức niệm niệm thành nhân Tịnh-Độ, đó là quả an-lạc. Nếu niệm Phật mà tâm tâm không gián đoạn, thì vọng tưởng sẽ tự tiêu diệt. Ánh sáng của tự tâm phát lộ, và Trí Tuệ hiện tiền, tức trở thành pháp thân Phật".

Như vậy quí vị thấy rõ, ông Chúc-Quý nhờ niệm Phật mà tâm tâm không gián đoạn - như Đại Sư Hám-Sơn nói - ánh sáng tự tâm của ông Chúc-Quý phát lộ, trí tuệ của ông Chúc-Quý hiện tiền, tức thân phàm phu của ông trở thành pháp thân Phật. Do vậy mà ông Chúc-Quý có Xá-Lợi.

Nếu quí vị ráng tập niệm Phật, niệm niệm không gián đoạn, tâm tâm không gián đoạn như Sư Bà Đàm-Lựu, như Thầy Minh-Đạt, như Bà Diệu-Âm, bà Diệu-Hưng, Cụ Bà Quảng-Khánh, và ông Chúc-Quý chúng tôi chắc-chắn quí vị cũng sẽ được những thành quả tốt vậy.

Chúng tôi viết sưu tầm nầy chỉ mong tất cả quí Phật tử đều đạt quả niệm Phật như các Bồ-Tát Đàm-Lựu, Minh-Đạt, Diệu-Âm, Diệu-Hưng, Quảng-Khánh và Chúc-Quý.

*

Nói về lúc lâm chung của ông Chúc-Quý, bà Diệu-Thiện kể: "Sáng hôm đó như thường lệ khi đang đi kinh hành, nhà tôi bỗng dừng chân lại một chậu kiểng, nhà tôi vội nói:

- Bà ơi! uổng quá, mấy cây khổ qua trồng tới bây giờ bỗng chết hết rồi.

Nghe ông nói, tôi định lên tiếng nhắc ông hãy lo niệm Phật. Nhưng tôi chưa nói thì ông đã tiếp tục Kinh hành và niệm Phật, tức ông liền trở lại với chánh niệm.

Một lát sau, nhà tôi kêu lên:

- Bà ơi! Ngộ đau một bên mặt ...

Rồi sau đó lại nói:

- Bây giờ nó đau xuống ngực.

Tôi chạy vô nhà lấy một viên Tylenol và nước đem ra cho ổng uống. Khi tôi đưa thuốc, ổng vẫn niệm Phật. Nhưng khi tôi trở vào trong thì một thoáng sau ổng gục xuống và bình thản ra đi.

Theo bà Diệu-Thiện thì lúc ra đi ông Chúc-Quý vẫn còn giữ chánh niệm, tay vẫn còn cầm xâu chuỗiniệm Phật.

Trong Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật, Phẩm Thứ Nhứt, trang 18, Đức Phật nói:

"Lúc lâm chung cố giữ sao cho được mười niệm tiếp nối liền nhau, lập tức vào Phổ Đẳng Tam Muội của đức A-Di-Đà được Phật tiếp dẫn về Tịnh-Độ Tây Phương. Vĩnh-viễn xa lìa các đường ác, không còn luân hồi sanh tử. Đó gọi là quả vị Bất Thối Chuyển. Từ ấy nhẫn về sau vượt qua Thập Địa, chứng Vô-Thượng-Giác".

Theo Phật Học Từ Điển: Bất Thối Chuyển là đối với địa vị Chánh-Giác của Phật Như-Lai càng ngày càng gần.

Thập Địa tức địa vị thứ mười của quả vị Bồ-Tát. Đó là do ông Chúc-Quý biết xưng niệm danh hiệu A-Di-Đà Phật, lúc lâm chung với mười niệm tiếp nối liền nhau, lập tức vào Phổ-Đẳng Tam-Muội của đức Phật A-Di-Đà.

Chỗ này chúng tôi không có khả năng giảng giải rõ hơn. Chỉ biết rằng danh hiệu A-Di-Đà Phật có công năng hiển thị vô-lượng vô-biên diệu dụng, không thể nghĩ bàn.

Tóm lại, lúc lâm chung ông Chúc-Quý ra đi thật nhanh, thật êm ả, không có điều khiến cho vợ con phải đau khổ bịn rịn.

Điềm lành khi lâm chung

Sau các bài viết về các vị lâm chung lưu lại Xá-Lợi. chúng tôi học được kinh-nghiệm là, hầu hết các vị ấy đều có những "Tường triệu" tức điềm lành. Như bà Huỳnh-Ngọc-Tuyết có hào quang chiếu sáng, có hương thơm tỏa khắp nhà. Bà Diệu-Hưng và cụ Quảng-Khánh gương mặt già nua bỗng nhiên trẻ lại, v.v...

Nếu ông Chúc-Quý vãng sanh hẳn phải có điềm lành gì, nhưng chúng tôi không nghe thuật lại.

Bây giờ trở lại cuộc tiếp xúc của chúng tôi với ông Minh-Hiền. Nhớ lại lời cháu Huệ-An nói trước khi đưa quan tài ông Chúc-Quý đến lò thiêu, ông Minh-Hiền gọi riêng cháu ra ngoài dặn nhỏ: "Khi thiêu xong hãy lưu ý tìm Xá-Lợi".

Như vậy là ông Minh-Hiền đã nhận thấy được điều gì? Nghe chúng tôi hỏi ông Minh-Hiền nói:

- Một ngày trước khi mất, ông Chúc-Quý ghé chùa thăm tôi. Tôi mới mua ở Việt-Nam về hai xâu chuỗi Kim-Sa làm bằng cát vàng nấu lại. Tôi có hứa sẽ tặng ông một xâu, vì lúc đó tôi không đem theo. Ông Chúc-Quý đòi trả tiền lại, nhưng tôi không nhận. Hôm sau ông mất, tôi liền đem đến nhà quàn trao xâu chuỗitận tay ông. Lúc tôi cúi xuống, đặt xâu chuỗi vào tay ông, tôi nhìn mặt ông bỗng thấy mặt ông rạng rỡ hơn ngày thường, như trẻ hẳn lại. Do đó, tôi tin rằng ông Chúc-Quý đã được vãng sanh, nên mới gọi riêng cháu Huệ-An để dặn dò như ông đã biết.

Chúng tôi được cung cấp dữ kiện này, liền gọi điện thoại cho gia đình bà Diệu-Thiện. Cháu Thanh-Trí nghe điện thoại, chúng tôi liền báo cho biết về điềm lành vãng sanh của ông Chúc-Quý. Cháu Thanh-Trí kêu lên:

- Đúng rồi bác! Nhiều bà con đến viếng ba cháu đều nói: "Sao trông ông Chúc-Quý mặt mày rạng rỡ quá"! Điều này quan trọng quá, vậy mà cháu quên mất.

Thật ra, nếu ông Chúc-Quý mất đi không để lại Xá-Lợi, mà bỏ sót việc gương mặt ông Chúc-Quý biến đổi trở nên rạng rỡ hơn ngày ông còn sống, thì không ai dám nói là ông đã được vãng sanh Cực-Lạc.

Đây là bài học kinh-nghiệm để tìm hiểu một người lâm chung được vãng sanh hay không.

Giấc mơ thấy Kim Cương

Trong bài viết của cô Diệu-Thể có một đoạn như sau:

"Sau nầy tôi được biết, cô thứ Bảy đã được báo mộng điềm lành. Trước ngày đi hốt cốt, cô nằm mơ thấy gia đình nhặt được nhiều kim cương trong tro cốt của "Papá" cô. Nên cô Huệ An đã khấn nguyện, nếu Papá vãng sanh thì cho con thấy điềm lành như thật để con vững niềm tin.

Cả gia đình ai cũng hy vọng mong đợi sự thật đến. Nên họ yêu cầu nhà hỏa thiêu chờ họ đến hốt cốt. Hồi hộp, nguyện cầu, câu lục tư Di-Đà vẫn không rời nơi môi và tâm họ. Việc đến đã đến. Đúng như sự khấn nguyện của những con tim thành kính, có đức tin chân chính. Lẫn trong tro cốt là vô số viên Xá-Lợi lóng lánh nhiều màu. Họ rúng động, một sự chuyển động toàn diện của tâm thức. Họ reo lên.

"A-Di-Đà Phật! Papá vãng sanh, papá thật sự vãng sanh rồi".

Để khỏi sai lầm, vì bụng tin mà dạ vẫn còn ngờ. Họ phải gọi về chùa Quang-Minh để hỏi Đại-Đức Thích-Minh-Chí, và họ mang tro cốt về chùa. Sau khi quan sát Xá-Lợi, thầy dạy, vâng, bác Chúc-Quý đã vãng sanh.

(Lời người sưu giải: Thật ra nhờ tu hành tinh-tấn, hành trì niệm Phật đúng theo lời Phật dạy mà ông Chúc-Quý khi lâm chung lưu lại Xá-Lợi; chứ không vì lời cầu nguyện mà tìm thấy Xá-Lợi).

Bác Chúc-Quý vãng sanh thật rồi. "Một trăm lần nghe không bằng một lần thấy". Gia đình bác Chúc-Quý đã thấy. Thầy Minh-Chí không những thấy, mà Thầy còn tận tay cầm những viên Xá-Lợi ấy và cố gắng bóp mạnh để thử xem, mà không bể. Thầy xác quyết một lần nữa.

- "Đây là Xá-Lợi, Phật tử Chúc-Quý đã vãng sanh"!

Gia đình bác đã chụp hết thảy mười một cuốn phim trong khi Thầy ngồi đếm và phân loại. Các viên Xá-Lợi ra làm bốn hạng:

1. Có 20 viên Xá-Lợi tròn vo, to bàng đầu đũa ăn cơm, màu xanh đậm.

2. Khoảng 50 viên Xá-Lợi nhỏ bằng đầu ngòi viết Bic, có viên màu xanh đậm, có viên màu hồng sáng lóng lánh.

3. Hơn 300 mảnh xương nhỏ và dẹp có màu xanh nhạt pha trộn vân sáng trắng và một mảnh xương có ba bốn màu sáng lấp lánh như xa cừ, đó là Xá-Lợi có từ xương.

4. 60 hoa Xá-Lợi có vòng tròn, giữa có nhiều lỗ nhỏ, đủ màu trông rất đẹp.

Đặc biệt có một viên Xá-Lợi to bằng giọt nước và hình dạng giống như giọt nước, màu trắng tinh tuyệt đẹp.

Tất cả hơn 400 viên Xá-Lợi hiện đang được tôn trí tại gia đường phụng Phật và một ít được gia đình cúng dường chùa Quang-Minh và Phật-Bảo cùng với vài ngôi chùa ở Việt-Nam để đồng bào Phật tử có dịp chiêm ngưỡng mà phát tín tâm, tăng phước duyên cho bác để trang nghiêm Tịnh-Độ.

Dịp này, gia đình có hỏi Thầy Minh-Chí làm thế nào để báo hiếu cho cha? Thầy dạy rằng:

- Quí vị nên làm việc phước thiện, lợi mình, lợi người như: cúng dường Tam-Bảo, bố thí, phóng sanh, in Kinh ấn tống, ăn chay, niệm Phật, tụng Kinh bái sám, v.v... nguyện đem công đức đó, hồi hướng cầu cho hương linh vãng sanh, được siêu phàm nhập thánh.

Các con ông Chúc-Quý đã gởi tiền về cho người chị cả, hiện còn ở Việt-Nam để làm lễ Trai Tăng, cúng dường cho khoảng 50 Tăng Ni và khoản đãi một ngàn Phật tử thọ Bát Quan Trai.

*

Về Xá-Lợi, cô Diệu-Thể có kể ra các tên Xá-Lợi như Bích Xá-Lợi là 20 viên Xá-Lợi tròn vo kết tinh từ tóc. Xích Xá-Lợi là 50 viên Xá-Lợi nhỏ có từ thịt. Cô Diệu-Thể là đệ tử của Hòa-Thượng Chánh-Lạc, có lẽ cô đã hỏi qua Hòa-Thượng. Riêng chúng tôi chưa từng nghiên cứu về Xá-Lợi, nên dè-dặt không dám nói đích xác.

Cũng cần nói thêm, trước ngày ông Chúc-Quý mất, gia đình ông và gia đình Diệu-Nguyên (là bạn của bà Diệu-Thiện) hùn tiền gởi về Cao Lãnh để bố thí suốt ngày cho gia đình nghèo trong vùng, nhằm ngày Phật Đản. Mỗi gia đình được 10 kí gạo, 10 gói mì gói, bột ngọt và đường.

Của tuy không bao nhiêu, nhưng từ tâm đã đem lại phước báu cho gia đình bố thí rất nhiều.

Như chúng tôi biết, ở California có một góa phụ, theo lời đề nghị của người con, bà định đem mấy ngàn đô la về Việt-Nam, mướn người niệm danh hiệu Nam-Mô A-Di-Đà Phật, rồi hồi hướng công đức niệm Phật ấy cho chồng. Thực hiện điều này có mấy điều lợi ích cho cả ba phía, tức lợi người lợi mình:

1. Người niệm Phật, dù được người ta mướn, sẽ được 7 phần công đức và đương nhiên sau này sẽ được vãng sanh.

2. Người bỏ tiền mướn người niệm Phật, tưởng đâu không công đức, mà lại được vô lượng công đức. Vì Kinh nói giúp người được vãng sanh được vô-lượng công đức.

3. Người được hồi hướng công đức chỉ được 3 phần. Nhưng nhờ có nhiều người niệm Phật hồi hướng cho mình, nên công đức tuy ít, nhưng nhờ có nhiều người hồi hướng mà thành ra nhiều.

Đừng hiểu lầm về vãng sanh.

Nhơn đây chúng tôi xin nói rõ một lần nữa, để trong đời sau nhiều người khỏi lầm lẫn mà gây tai hại cho thân nhơn:

- Vãng sanh và có Xá-Lợi tuy là một, nhưng có chỗ khác nhau. Người vãng sanh mà có Xá-Lợi là người đã tu đắc được các quả Bồ-Tát, nhờ niệm Phật chí thành và nhứt tâm nên Tâm thể được thanh tịnh, đạt được định, thân tâm kết thành những khối lưu ly sáng rực. Trong Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật, Phẩm Thứ Tư, trang 66 và 67, Phổ-Hiền Bồ-Tát nói: "... Nếu chúng sanh nào nhất tâm xưng niệm danh hiệu Nam- Mô A-Di-Đà Phật, tức xuất sanh vô-biên công-đức Bất-Khả Tư-Nghị, đủ năng lực viên mãn Bồ-Tát-Đạo, phát huy diệu dụng của tam thân, tứ trí, thập lực, tứ vô úy, tứ vô-lượng-tâm, lục Ba-La-Mật, thập bát bất-cộng, v.v ..."

Cũng Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật, nơi Phẩm Thứ Năm tức phẩm Niệm Phật Viên-Thông, trang 80, Bồ-Tát Quán-Thế-Âm nói: "Khi xưng niệm Nam-Mô A-Di-Đà Phật, hành giả dần dần thành tựu chánh định Như-Lai, tự nhiên phát sanh tuệ-giác Không-Tánh ..." Và trang 81, Bồ-Tát Quán-Thế-Âm nói: "Tiếp tục xưng niệm Nam-Mô A-Di-Đà Phật như thế, hành giả không phóng tâm theo huyễn cảnh, huyễn sự, mà hướng cái biết vào Viên-Giác-Tánh. Đó là danh hiệu Phật đang tuôn chảy liên miên bất tận thành một khối lưu ly sáng rực vằng vặc".

Đây là nói đến những vị tu đắc quả Bồ-Tát đạt được "Niệm Phật Viên Thông" hay "Niệm Phật Tam-Muội" khi lâm chung được vãng sanh vào phẩm vị Trung-Sanh hay Thượng-Sanh.

Nhưng vẫn có những chúng sanh cũng niệm Phật nhưng không được nhứt tâm hoặc những chúng sanh tuy trong đời thường làm điều ác, song khi lâm chung có thiện duyên được Thiện-Tri-Thức giảng pháp, dạy cho niệm Phật mười niệm nối liền nhau, liền đó được vãng sanh. Những trường hợp nầy, người ta rờ trán thấy hơi nóng còn ở nơi đấy, thì biết là vãng sanh. Dĩ nhiên là vãng sanh bực thấp như Hạ phẩm hạ sanh hay vãng sanh biên địa, tức là vào thai sanh như chúng tôi đã giảng trong sách Sưu-Giải Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật.

Những kinh nghiệm cần nói.

Sau những bài sưu tầm tài liệu viết về những vị vãng sanh lưu Xá-Lợi, chúng tôi tự học được một số kinh nghiệm. Thiết tưởng cũng nên nói ra đây với lòng mong muốn giúp cho mọi người được lợi lạc.

Theo chúng tôi, bất cứ ai vãng sanh được Phật A-Di-Đà và Thánh Chúng đón rước, thì lập tức đi thẳng ngay về cõi Cực-Lạc. Có nghĩa là Thần Thức của người quá cố không còn lẩn quẩn quanh nhục thân nữa. (Điều này đã nói trong bài cụ bà Quảng-Khánh)

Trong các sách nói về Tử Thư hay sách Liễu Sanh Thoát Tử dạy khi lâm chung trong vòng tám tiếng đồng hồ đều không được di chuyển nhục thân, gia đình phải liên tiếp niệm Phật trong nhiều ngày và cần phải cầu siêu cúng kiếng mỗi tuần 1 lần, trong suốt 7 tuần nhựt. Thật sự lời dạy nhắm chung về những người được nghi ngờ chưa vãng sanh. Trong những giờ ngày đó, Thần Thức của người quá cố, nếu chưa được vãng sanh, đang hoang mang không biết đi về đâu, còn đang luyến tiếc nhục thân. Vì vậy mà cần phải niệm Phật tức trợ niệm để Thần Thức nghe tiếng niệm Phật mà ổn định tinh thần, rồi nương theo tiếng niệm Phật mà đi về hướng có ánh sáng của Phật, để được tiếp dẫn.

Còn người biết pháp môn xưng niệm danh hiệu Nam-Mô A-Di-Đà Phật, như Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật nói, khi lâm chung cố giữ sao được 10 niệm nối tiếp nhau chắc được vãng sanh, đi thẳng tắt về cõi Cực-Lạc.

Còn như, lúc ông Chúc-Quý niệm Phật, bỗng ông ngưng lại xem cây khổ qua đã héo chết, rồi kêu vợ, nói cho hay; nếu liền đó ông ra đi ... tức là ông không giữ được 10 niệm nối tiếp nhau.

Bà Diệu-Thiện, vợ ông là người nhiều tín tâm và hiểu đạo, thấy ông ngưng niệm Phật, muốn lên tiếng, bảo ông hãy lo niệm Phật. Nhưng sau đó thấy ông trở lại chánh niệm, bà nín lặng luôn.

Nhờ ông trở lại chánh niệm, dù bịnh biến óc não xảy ra, ông vẫn giữ được 10 niệm khi ra đi mà trên môi, trong tâm ông vẫn còn câu Nam-Mô A-Di-Đà Phật. Điều nầy cũng phải nói, nhờ ông Chúc-Quý đã tập, quen niệm Phật từ nhiều năm tháng. Sự tập luyện cho thành thói quen rất hữu ích cho Người-Tu-Niệm-Phật.

Đó là kinh-nghiệm thứ nhứt. Kinh-nghiệm thứ nhì cũng rất quan trọng, xin quí vị lưu tâm ghi nhớ:

"Khi thấy ông Chúc-Quý bị ngất, bà Diệu-Thiện liền gọi người nhà và xe cấp cứu đến".

Chúng tôi tế-nhị khi nói chuyện với bà Diệu-Thiện, đã giải-thích cho bà biết rằng: "Khi ông Chúc-Quý tắt thở, ông đã vãng sanh ngay". Chúng tôi đem lời kinh đọc cho bà nghe.

Kế tiếp, chúng tôi mới hỏi bà, khi xe cấp cứu đến nhân viên y tế làm điều gì? Bà nói họ làm hô hấp, rồi sau đó dùng máy có điện giựt. Đó là phương thức cấp cứu thường lệ.

Những điều sau đây, chúng tôi đã trình bày cho bà Diệu-Thiện nghe, bây giờ ghi ra để quí vị ghi nhớ hầu tránh điều đáng tiếc sau nầy.

Trong nhà Phật, điều quan trọng nhứt là lúc lâm chung, nếu khi ấy trong tâm người quá cố nổi lên một niệm sân giận: đó là cái nhân sẽ đưa thần thức người ấy đọa vào đường dữ. Phật đã dạy điều này rất rõ trong các Kinh. Tất cả đều do cái niệm cuối cùng. Ngài Tu-Bồ-Đề, đệ tử lớn của Phật, là một bực A-La-Hán, vậy mà trước khi đi khất thực, Ngài đoán trước nếu hôm đó Ngài sẽ gặp một người, mà người đó khi gặp Ngài sẽ nổi lên một niệm sân, thì Ngài chính là cái nhân đọa địa ngục cho người đó. Ngài thà nhịn đói ở lại nhà chớ không đi khất thực ngày đó.

Tại sao phải quan trọng hóa vấn đề nầy như vậy?

Chúng tôi thường căn dặn người nhà, bất cứ khi nào tôi bịnh, yếu phải ngất xỉu, cứ để tôi nằm yên niệm Phật mà chết, chứ đừng kêu xe cấp cứu hay chở vào nhà thương để được cấp cứu. Phương pháp cấp cứu bây giờ thường dùng máy cho điện giựt tim. Gặp trường hợp không cứu được, người bịnh chết ngay, thần thức của người bịnh cảm thấy đau đớn, liền nổi sân giận. Sân giận là cái nhân đọa địa ngục.

Thường tình chúng sanh quan niệm sai lầm, chỉ nghĩ cần cứu sống người thân bằng mọi giá, mà không hiểu rằng một người vì sân giận mà chết đi, thần thức người ấy đọa vào địa ngục, ngạ quỷ hay súc sanh vô số kiếp, tức hàng triệu hàng tỷ năm mới có cơ hội trở lại làm người. Nếu người bịnh biết tu hành hãy khuyên họ giữ chánh niệm tức niệm Phật, niệm niệm nối nhau không gián đoạn mà không cần gọi xe cấp cứu và người nhà cùng bạn bè đồng trợ niệm thì người ấy sẽ được vãng sanh dù là hạ phẩm hay nơi biên địa của cảnh Cực-Lạc, vẫn còn hơn là vì bị đau đớn mà sanh sân giận, rồi đọa vào đường dữ.

Lạt Ma tái sanh Sogyal Rinpoche viết trong cuốn Tạng Thư Sống Chết do Ni Sư Tứ-Hải dịch, nói rõ nơi trang 499 như sau:

"... Phương pháp phục hồi sự sống có thể gây bực bội phiền nhiễu và tán loạn vào giờ phút cao điểm của cái chết. Giáo lý Phật cũng như Kinh-nghiệm cận tử nghiệp đều cho thấy ngay cả những người hôn mê cũng vẫn hoàn toàn biết mọi sự xảy ra xung quanh họ. Những gì xảy ra trước khi chết, vào lúc chết, và cho đến cái lúc thần thức rời khỏi xác là những giây phút hết sức quan trọng đối với bất cứ người nào, mà nhứt là đối với một hành giả tâm linh đang cố tu tập an trú trong tự tánh tâm.

Nói chung, cách cứu chữa chỉ để mà kéo dài tiến trình chết có nguy cơ là nó chỉ nhen-nhúm thêm sự bám víu không cần thiết, giận dữ và bất mãn nơi người hấp hối, nhứt là khi ấy không phải là ý muốn của họ. Những thân quyến gặp phải khó khăn trong lúc quyết định, và cảm thấy tràn ngập trách nhiệm về cái chết của người thân, cần nên nhớ rằng nếu không có hy vọng gì qua khỏi, thì phẩm chất những giờ phút cuối cùng của người thân họ còn quan trọng hơn là chỉ giữ cho họ sống. Ngoài ra, vì ta không bao giờ biết được, thần thức còn ở trong thân xác hay không, làm như vậy ta chỉ bắt buộc thần thức họ bị giam trong một thể xác vô dụng.

Đây chỉ là một đoạn ngắn trong sách Tạng Thư Sống Chết.

Thật ra ít có người can đảm làm việc này, vì họ cho là tàn nhẫn. Nhưng nếu là người biết tu, thì biết đó là một quyết định sáng suốt, giúp cho thân nhơn thoát khỏi luân hồi khổ não trong vô số lượng kiếp.

Ông Chúc-Quý độ nhiều người

Trong bức thư viết cho chúng tôi, Đại Đức Minh-Chí viết:

"Phật tử Chúc-Quý khi sống không độ được ai mà khi chết lại độ được nhiều người".

Quả thật vậy, khi ông còn sống, người con trai lớn của ông không tin vào đạo Phật, nay thì anh này mỗi ngày đều qua nhà ông tụng kinh với gia đình.

Còn người con trai thứ hai nằm mơ thấy ông kêu đi tụng Kinh nên càng tin hơn - Điều đáng tin nhứt, trước kia bình bông cúng Phật chỉ để 2 tuần là héo. Vậy mà từ ngày ông Chúc-Quý mất, bình bông cúng Phật ở nhà ông 6 tuần chưa héo.

Theo Sư cô Như-Lan từ chùa Hưng-Thiền, Cao Lãnh cho biết, được tin ông Chúc-Quý vãng sanh lưu lại Xá-Lợi, Phật tử Cao Lãnh phát tâm tu niệm Phật đông đảo. Bây giờ những ngày thọ Bát Quan Trai, Phật tử về chùa đông không còn chỗ ngồi - Chùa Hưng-Thiền do T.T. Thích-Phước-Đức trụ trì.

*

Trước khi dứt bài này, chúng tôi xin mượn bài của cô Diệu-Thể kể một vài chuyện vui liên hệ đến tánh tình mộc mạc, chân thật của ông Chúc-Quý và khi tu ông không câu nệ một điều gì, chấp nhận hỏi để tu học. Cô Diệu-Thể viết:

Các lần bác đã hỏi Đại Đức Thích-Minh-Chí, trụ trì chùa Quang-Minh:

- Kính bạch Thầy, đang ngồi tụng kinh hoặc nghe pháp mà lỡ bị đau bụng thình lình phải "đánh rấm", như thế có tội không?

Cả đại chúng ai cũng ôm bụng cười, Thầy cũng cười trả lời:

- Trường hợp bất khả kháng thì Phật tha, nhưng mà ráng tránh thì tốt hơn.

Bác lại hỏi tiếp:

- Lỡ tránh không nỗi thì sao Thầy?

-!

Kết quả như thế nào chắc quý vị cũng biết ...

Lần khác cũng tại chùa Quang-Minh, Bác đã hỏi Thầy:

- Kính bạch Thầy, chân con đau không ngồi kiết già và bán già được. Xin Thầy chỉ cho con cách ngồi niệm Phật cho thoải mái.

Thầy Minh-Chí đã trả lời ba cách ngồi niệm Phật theo sự chỉ dẫn của Hòa-Thượng Thích-Đức-Niệm:

- Bác đau chân không có ngồi kiết già và bán già thì bác cứ việc ngồi duỗi chân ra cho thoải mái để niệm Phật, đó gọi là "tự do già".

Ai cũng cười "cái già tự do" của Thầy.

Từ sự rụt rè, lẻ loi của buổi ban đầu mới đến chùa, bác Chúc-Quý bây giờ trở thành một "học viên xuất sắc". Trong các khóa học và các buổi sinh hoạt Phật sự ở các chùa. Bác thường tiên phong các công tác lạc quyên, đóng tiền cúng dường Tam-Bảo, in kinh ấn tống, bố thí, phóng sanh, v.v...

Bằng tiếng Việt lơ lớ của người Hoa, bác phát pháo:

- Để tui mở hàng, đắc lắm.

Thế là bác đã gây hào hứng cho đại chúng, ai cũng nương phước đức của bác mà hoan-hỷ "hùn vốn"

Và sau cùng là bức thư của Đại Đức Thích-Minh-Chí viết cho chúng tôi nói rõ, sau ngày ông Chúc-Quý vãng sanh lưu lại Xá-Lợi, Phật tử chùa Quang-Minh đã phát tâm niệm Phật cầu vãng sanh vô cùng mãnh liệt. Đại-Đức thích-Minh-Chí cho rằng: "Người đời trong thời mạt pháp này sẽ không còn nghĩ rằng chuyện vãng sanh là chuyện mơ hồ, chuyện của ngày xưa nữa."

Sau đây là nguyên văn bức thư của Đại-Đức Thích-Minh-Chí, trụ-trì chùa Quang-Minh tại Chicago:

Chicago, ngày 12 tháng 6 năm 2000

Nam-Mô A-Di-Đà Phật.

Kính gửi Phật tử Tịnh Hải,

Thưa Bác, kèm với thư này là bài viết của một Phật tử ở Chicago.

Tôi xin gởi Bác ba tấm hình, đây chỉ là 2 phần 3 số Xá-Lợi thôi; sau đó tôi lại đem tro cốt đang thờ ở chùa cùng với vợ và con của bác ấy tìm được một trăm mấy chục viên nữa. Chỉ tiếc là máy chụp hình không được tốt nên không thể rọi cho to nên không thấy được rõ ràng, tuy nhiên về màu sắc thì bài viết này tả tương đối chính xác lắm.

Phật tử Diệu-Thiện, hiền thê của Phật tử Chúc-Quý, đã tặng cho chùa Quang-Minh vài viên Xá-Lợi và để cho tôi tự ý chọn lựa. Hiện nay chùa Quang-Minh có 3 viên Xá-Lợi tròn màu xanh nước biển, vài miếng Xá-Lợi xương màu xanh như cẩm thạch, 2 miếng Xá-Lợi giống như xa cừ, một miếng màu ngói và 2 miếng màu vừa đen vừa xanh pha trộn với nhau giống như gạch marble.

Bài viết của Bác rất dễ khiến cho người phát tín tâm nhờ vào phần phụ lục đầy những hình ảnh và chuyện vãng sanh vô cùng mới mẻ; người đời trong thời mạt pháp này sẽ không còn nghĩ rằng chuyện vãng sanh là chuyện mơ hồ, chuyện của ngày xưa nữa. Công đức của Bác thật vô lượng vô biên, nguyện cầu cho quyển sách ấy sớm được hoàn thành.

Hiện nay, nhiều Phật tử ở chùa Quang-Minh đã phát tâm niệm Phật cầu vãng sanh vô cùng mãnh liệt. Quả thật Phật tử Chúc-Quý khi sống không độ được ai mà khi tử lại độ được nhiều người.

Chúc Bác sớm viên mãn công việc phụ giúp chư tăng hoằng truyền PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ thù thắng.

Nam-Mô A-Di-Đà Phật

Kính thu

100vangsanhluuxaloi-chucqui1




Tỳ kheo Thích Minh Chí

TB : Thư này tôi cứ theo dòng tư tưởng tuôn đến đâu thì viết đến đấy nên không có thứ tự mạch lạc cho lắm, Bác hoan-hỷ thông cảm.

Phần Kết

Cá nhân chúng tôi từ lâu quan-niệm rằng: nghiệp quá khứ rất ảnh hưởng đến hiện tại và người tu hành mà nhiều nghiệp thì không thể đắc quả. Nhưng sự thật không phải như vậy và đây cũng là điều chúng tôi muốn chia xẻ với quí vị như đã hứa.

Một người khi chết, nếu không vãng sanh Tịnh-Độ, phải thọ thân đời sau thì khi nhập thai chỉ mang theo ác nghiệp và thiện nghiệp. Và tùy theo nghiệp mà có đời sống quyền quí, giàu sang hay bần cùng.

Trong Kinh Đại-Bát Niết-Bàn, (tập 3 trang 759), Đức Phật nói với những người Bà-La-Môn rằng: "Các Ngài nên biết rằng quyết định có nghiệp quá khứ và nhân duyên hiện tại. Do đây nên tôi nói, nhân nơi phiền não mà sanh ra nghiệp, nhân nơi nghiệp mà thọ quả báo.

Các Ngài nên biết rằng tất cả chúng sanh có nghiệp quá khứ và có nhân hiện tại. Dầu chúng sanh có nghiệp sống lâu quá khứ, nhưng phải nhờ duyên ăn uống hiện tại. Nếu nói chúng sanh thọ khổ, thọ vui quyết định chỉ do nơi nghiệp quá khứ thì không phải ...

Lời Phật được giải thích: "Dầu chúng sanh có nghiệp quá khứ sống lâu trăm tuổi; nhưng nếu không nhờ duyên ăn uống tẩm bổ đầy đủ, làm thế nào sống lâu trăm tuổi được? Nghiệp quá khứ đâu giúp cho sống lâu được.

Đức Phật nói rõ thêm:

Nầy các Ngài! Tất cả chúng sanh hiện tại nhân nơi tứ đại (tức là thân năm uẩn của tất cả chúng sanh. Lời sưu giải) thời tiết, đất đai, nhân dân mà thọ khổ thọ vui. Do đây nên ta nói tất cả chúng sanh bất tất đều nhân nơi nghiệp đời trước mà thọ khổ thọ vui.(Nếu người biết tu thì nghiệp quá khứ tự dứt. Lời sưu giải).

Nầy các Ngài! Nếu do nhân duyên dứt nghiệp mà được giải-thoát, thì tất cả Thánh nhơn chẳng được giải-thoát. Vì bổn nghiệp của tất cả chúng sanh đều vô thỉ vô chung. Do đây nên ta nói lúc tu Thánh đạo, Thánh đạo nầy có thể ngăn nghiệp vô thỉ vô chung.

Đức Phật dạy rất rõ: Tất cả chúng sanh do có thân tứ đại, lại thêm thời tiết, đất đai và hoàn cảnh nhơn dân mà thọ khổ thọ vui, chứ hoàn toàn không do nghiệp quá khứ của đời trước mà thọ khổ thọ vui.

Và Đức Phật nói thêm: "Nếu do nhân duyên dứt nghiệp mà được giải-thoát, thì tất cả Thánh nhơn chẳng được giải-thoát".

Tại sao?

Vì tất cả Thánh nhơn tu, chánh yếu là diệt trừ phiền não. Vì, đoạn trước Đức Phật đã nói: "Do nơi phiền não mà sanh nghiệp (hiện đời) nhân nơi nghiệp mà thọ quả báo".

Và Đức Phật mới nói thêm: "Do đây nên ta nói lúc tu Thánh đạo, Thánh đạo nầy có thể ngăn nghiệp vô thỉ vô chung".

Người tu Niệm Phật cũng là tu Thánh Đạo, nếu hằng ngày "nhứt tâm niệm Phật", niệm niệm nối nhau không gián đoạn, khi lâm chung được vãng-sanh về cõi Cực-Lạc, không còn thọ thân đời sau là dứt tất cả nghiệp từ vô thỉ và không còn nghiệp đời sau gọi là vô chung. Cho nên Đức Phật nói: Thánh Đạo nầy có thể ngăn nghiệp vô thỉ vô chung.

Trong Kinh Đại Bát Niết-Bàn, (tập 3 trang 756), Đức Phật nói với Tu-Bạt Đà-La rằng: "Phật-Pháp của ta thì phiền não đã hết, nghiệp và khổ cũng hết".Cho nên tu Phật, trước tiên phải tu dứt phiền não.

Trong Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật, Ngài Quán-Thế-Âm nói: Muốn tận trừ phiền não, thì không chi hơn là phát huy năng lực Trí-Giải Siêu-Việt của danh-hiệu Nam-Mô A-Di-Đà Phật. Thật vậy, nhờ cần mẫn xưng niệm danh-hiệu Phật mà hành giả hiện bày Tự Tâm Quang-Minh Hiện-Lượng, chuyển phiền não dữ dội thành Bồ-Đề Thật Tướng, đưa hành giả vào Thánh Trí Tự Chứng.

Danh-hiệu Nam-Mô A-Di-Đà Phật có năng lực "giải-thoát siêu việt". Đức Quán-Thế-Âm dạy: "Hành giả tu niệm Phật muốn diệt trừ phiền não, phải phát huy năng lực "giải thoát siêu-việt" của danh-hiệu Nam-Mô A-Di-Đà Phật".Muốn được vậy phải cần mẫn xưng niệm danh-hiệu Nam-Mô A-Di-Đà Phật. Nhờ vậy mà Người-Niệm-Phật tự có quang minh, tức Tự Tâm Quang-Minh Hiện-Lượng và chuyển phiền não dữ đội thành Pháp Thân viên mãn.

Trong lời tựa của sách sưu giải Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật nầy, chúng tôi có kể chuyện Hòa-Thượng Ajo, Ngài đã niệm Phật đến cảnh giới, mỗi lần Ngài quỳ lạy Phật thì hào quang sáng chói chung quanh. Đó cũng là Tự Tâm Quang-Minh Hiện-Lượng.

Trong phụ lục nầy có Đại sư Tuyên-Hóa, Sư Bà Đàm-Lựu, Sa-Di Thích-Minh-Đạt, Cư sĩ Diệu-Âm Huỳnh-Ngọc-Tuyết, Diệu-Hưng Nguyễn-Thị-Tân, Cư-sĩ Quảng-Khánh Huỳnh-Thị-Dền, và Cư-sĩ Chúc-Quý Lư-Nhiên-Phú là những hành giả đã nhứt tâm và cần mẫn xưng niệm danh hiệu Nam-Mô A-Di-Đà Phật, đã dứt sạch phiền não hết nghiệp hết khổ, được thân Kim-cương bất-hoại nên đã lưu lại Xá-Lợi.

Để chấm dứt chúng tôi muốn chia xẻ sau cùng điều chúng tôi học hỏi được nơi Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật cùng quí vị: Nếu bất cứ ai nhứt tâm, chí thành và cần mẫn xưng niệm danh-hiệu Nam-Mô A-Di-Đà Phật nên nghĩ, tưởng: Pháp Thân, Hóa Thân và Báo Thân của Đức Phật A-Di-Đà đang hiện trong thân và tâm của mình, và danh-hiệu Nam-Mô A-Di-Đà Phật đang tuôn chảy thành một dòng tâm, lâu ngày sẽ thành một khối lưu ly sáng rực ... Danh-hiệu Nam-Mô A-Di-Đà Phật sẽ lọc sạch phiền não trong thân tâm Người-Niệm-Phật. Hành giả sẽ dứt hết nghiệp quá khứ, thân tâm trở nên thanh tịnh.

Đồng thời khi niệm Phật, hãy biết rằng Đức Phật A-Di-Đà đang ngự trên đỉnh đầu hành giả. Hãy biết rõ như vậy và luôn luôn quán chiếu như vậy. Rồi tự nghĩ rằng Đức Phật A-Di-Đà đang hiện diện, ta không nên nghĩ điều ác và không nên nói điều ác, thì khẩu và ý chắc-chắn thanh tịnh. Khi ấy Người-Niệm-Phật tự cảm thấy như mình đang đội dĩa dầu đầy trên đầu, lúc nào cũng phải cẩn thận không dám ngửa nghiêng không dám nghĩ ngợi vì sợ phân tâm dầu trên đầu sẽ đổ. Do đó, thân-khẩu-ý sẽ được thanh-tịnh.

Xin quý vị ráng nhớ điều nầy nữa, Ngài Hám-Sơn, Thiền Tịnh Song Tu, là một Đại Thiền-Sư lúc sắp viên-tịch lời cuối cùng của Ngài dặn đệ tử như sau: "Sau khi ta ra đi, các con hãy làm đúng theo truyền thống Phật Giáo: Không để tang, không khóc lóc, chỉ luôn nhất tâm Niệm Phật".

"Chỉ luôn nhất tâm niệm Phật"

Đây cũng là 6 chữ sau cùng của Đại Thiền-Sư Hám-Sơn nhắc nhở chúng ta.

Mong mỏi và xin chúc tất cả quý vị đã đọc sách Sưu giải nầy sẽ được thành quả lớn.

Tịnh Hải

Mùa Vu-Lan 2000

Nguyện đem công đức này

Hồi hướng khắp tất cả

Đệ tử và chúng sanh

Đều cực-lạc thành Phật đạo

THÔNG BÁO

Kính thưa quý vị,

Trong sách " Những Chuyện Niệm Phật Vãng Sanh Lưu XáLợi, với những vị đã liệt kê, sẽ có thêm 2 vị Cao Tăng: đó là Hòa Thượng Thích Giác Lập và Hòa Thượng Thích Thiền Định.

Vừa qua, Hòa Thượng Thích Giác Nhiên, Pháp chủ Tăng-già Khất sĩ Thế-giới đã báo tin cho chúng tôi biết về tin viên tịch của HT Giác Lập thuộc hàng Trưởng Lão của Tăng-già Khất sĩ VN. Chúng tôi đã điện về Tổ đình Tịnh Xá Minh Đăng Quang tại Gia-Định, nói chuyện với Thượng Tọa Thích Giác Toàn, và được cho biết: Xá-Lợi của cố HT Giác Lập có trên 8,000 viên và sẽ gởi gấp tài liệu hình ảnh qua đây cho chúng tôi.

Mặt khác, nữ cư sĩ Diệu Chơn (ở chùa Phổ Hiền , Monterey Park, Calif.) cũng thông báo cho chúng tôi biết: HT Thích Thiền Định (ở Pháp) viên tịch để lại nhiều Xá-Lợi. Chúng tôi đã liên lạc được với TT Thích Minh Đức (đệ tử của HT Thiền Định) từ bên Pháp qua Mỹ, TT Minh Đức sẽ về Pháp trong vài ngày nữa và sẽ cung cấp cho chúng tôi hình ảnh và tài liệu, Xá-Lợi của HT Thiền Định nhiều tới 2 hủ.Ngoài ra, Sư Cô Gíac Từ (đệ tử của HT Thiền Định) trụ trì chùa Pháp Hoa tại Marseille cho biết: "lúc HT sắp viên tịch, nhân viên bịnh viện Pháp rất đỗi kinh ngạc trước tình-trạng bện h lý của HT, mà y-học không giải thích được"

Kính thưa quý vị,

Khi khởi đầu viết sách này, dựa vào tin loan truyền, chúng tôi đã cố công sưu tầm tài liệu từng chút một. Nay, 2 cố HT đều là bậc cao tăng, tài liệu đã có người hứa cung cấp, chúng tôi nghĩ rằng chậm lại một đôi tuần là điều nên làm, và chắc quý vị cũng sẽ khuyên chúng tôi như vậy. Vậy xin quý vị ráng chờ đôi tuần.


Ngoài ra, chúng tôi xin báo tin mừng: tổng số sách sẽ ấn hành đã tăng lên con số 15,000 cuốn, dày 200 trang ruột, thêm 16 trang hình màu. Mặt khác, Lotus Productions đã thâu âm xong 4 băng cassette (5 CD)" Những Chuyện Niệm Phật Vãng Sanh Lưu Xá-Lợi. Vì lý do kỹ thuật, băng này chỉ tóm tắt về phần Xá-Lợi của 2 cố HT Thích Giác Lập và Thích Thiền Định.

Thân kính, Ngày 6/10/2000

Tịnh Hải

Xin thành khẩn cầu nguyện lực của Đức Từ-phụ ADiĐà gia-hộ cho tất cả thân nhân từ kiếp quá-khứ cho đến kiếp này của quý vị ấn-tống sách đều được vãng-sanh Cực-Lạc, thành Phật Đạo

---o0o---

Tập sách này đã được đọc vào 6 băng cassette và phát hành

tại Trung Tâm đọc Kinh Truyện Phật giáo Sen Thanh ( http://lotustamtu.hello.to)

1405 S. Mohawk Dr. Santa Ana, CA 92704. USA. Tel: 714. 957 5786

---o0o---

Chân thành cảm ơn Đạo Hữu Tâm Diệu (gởi bài) và

Đạo Hữu Tâm Từ (gởi hình) đã gởi tặng phiên bản điện tử tập sách này

( Thích Nguyên Tạng, 01-01-2001)

---o0o---

Trình bày: Nhị Tường


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
06/10/2024(Xem: 149)
Tịnh Độ là một trong mười tông phái của Phật giáo Trung Hoa. Pháp sư Huệ Viễn được coi là Tổ đầu tiên của Tịnh tông Trung Hoa; thành lập Bạch Liên Xã quy tụ được hơn ba ngàn cả tăng lẫn tục toàn các bậc hào kiệt trong đời, trong đó có 18 vị là bậc thượng thủ, để lại cho hậu thế đời sau vô số câu chuyện vãng sinh ly kỳ. Đây là tông phái siêu việt, với nhiều đặc thù thuộc Đại thừa viên đốn. Gọi Đại thừa bởi tông này lấy tâm Bồ đề làm nhân, lấy quả vị cứu cánh Phật làm quả. Viên, bởi tông này lý sự vẹn toàn, tóm thâu cả Tiểu thừa giáo, Đại thừa thỉ giáo, Đại thừa chung giáo và Đại thừa đốn giáo. Đốn, vì tông này không luận bàn về pháp tướng mà chỉ chuyên về chân tánh, không cần trải qua nhiều thứ lớp, tu tập trong một đời có thể chứng lên quả vị Bất thối chuyển. Đây chính là những điểm siêu xuất, đặc thù của tông Tịnh Độ.
20/09/2024(Xem: 508)
Đại sư Thiếu Khang họ Chu quê ở huyện Tấn Vân tỉnh Chiết Giang. Một hôm, mẹ ngài mơ thấy mình đi trên đỉnh Định Hồ, có Ngọc nữ trao cho bà một cành hoa sen xanh và nói: “Hoa sen xanh này biểu tượng cho Đại cát tường xin tặng cho bà. Bà sẽ sanh được quý tử, mong bà yêu thương giữ gìn nó”. Nghĩa là cành hoa sen này biểu tượng cho điều tốt lành lớn, nay trao tặng cho bà. Bà sẽ sanh được con trai tôn quý. Hy vọng bà chăm sóc con trai thật tốt.
30/08/2024(Xem: 272)
Hệ thống giáo nghĩa Chân tông được kiến lập qua tác phẩm chủ yếu của Ngài Thân Loan (1173-1262) là Giáo Hành Tín Chứng (Đại Chánh Tạng tập 83). Các trứ tác sau này của Ngài chỉ là bổ sung và phát triển quan điểm này từ các phương diện khác. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu kết cấu toàn thể hệ thống giáo nghĩa Chân tông và các đặc điểm của nó.
30/08/2024(Xem: 416)
Tại Diễn đàn Nghệ thuật Châu Á - Thái Bình Dương (Forum of Asian and Pacific Performing Art) năm 1996 ở Hyogo, Nhật Bản, những nhạc công Nhã nhạc Huế đã có các buổi giao lưu, cùng biểu diễn với Nhã nhạc Nhật Bản; đồng thời một số nhà nghiên cứu Nhã nhạc của hai nước cũng đã có dịp trao đổi về mối quan hệ giữa Nhã nhạc Á Đông (Gagakư Nhật Bản, Ahak Hàn Quốc, Yayue Trung Hoa và Nhã nhạc Việt Nam).
28/08/2024(Xem: 963)
Đạo Phật giáo là nơi cứu khổ Độ chúng-sanh không bỏ một ai Lòng thương yêu khắp nhân-loài Không hề muốn thấy một ai khổ trần Đường chơn-chánh trên hơn tất cả Nẻo nhiệm-mầu chẳng có chi bì Muốn người rõ tánh từ-bi Cho nên Phật bảo con đi khuyên đời
28/06/2024(Xem: 1434)
Bố thí và cúng dường là một trong những hạnh đầu tiên để làm cho cõi này tốt đẹp hơn, và là những bước đi đầu tiên của Phật tử trên đường giải thoát. Suốt cuộc đời Đức Phật, ngài đã sống bằng phẩm vật cúng dường. Tương tự, sự phát triển của Phật giáo lan rộng khắp thế giới và được hộ trì cho tới giờ cũng là nhờ phẩm vật cúng dường của đàn na thí chủ. Do vậy, bài này được viết để mời nhau giữ hạnh bố thí và cúng dường.
06/05/2024(Xem: 624)
Kinh A Di Đà cùng với kinh Vô Lượng Thọ và Quán Vô Lượng Thọ là ba kinh căn bản làm tông của tông Tịnh Độ. So với hai kinh kia thì kinh A Di Đà ngắn, ngôn ngữ dễ hiểu, nội dung không quá thâm sâu hay mật nghĩa như những kinh Đại Thừa khác. Phật tử bắc tông phần nhiều ai cũng đọc tụng và khá nhiều người thuộc nằm lòng.
16/04/2024(Xem: 815)
Một đám đông Mỹ-Mễ-Mít làm việc chung với nhau, ngày nào cũng đùa giỡn rần rật, chơi khăm rồi cười sằng sặc, tán dóc đủ thứ chuyện trên đời, từ chính trị cho đến chuyện súng ống tràn lan, giá xăng tăng… Nhưng nhiều nhất và thường xuyên nhất vẫn là chuyện bóng cà na và chuyện đàn bà. Y cũng là một tên tích cực trong nhóm, thậm chí còn nổi trội về những trò gây cười. Y là tay nghịch ngầm và có nhiều ý tưởng mới, hễ y ra tay hay góp lời là cả đám cười hả hê. Những lúc câu chuyện trở nên thô tục quá thì y giật mình nhớ lại vấn đề chánh niệm nên ngưng nói. Giữ chánh niệm không phải là dễ, nhất là khi ở trong một môi trường mọi người đều thất niệm hay không biết chánh niệm là gì, quả thật những chuyện đùa , chuyện sắc dục nó hấp dẫn và dễ dãi hơn là chuyện chánh niệm.
16/03/2024(Xem: 2554)
Nam Mô có nghĩa là Trở về A, nghĩa là: vô Di Đà, nghĩa là: Lượng Phật, nghĩa là Giác, tánh biết Niệm danh hiệu: Nam Mô A Di Đà Phật, có nghĩa là “ trở về với tánh giác vô lượng của bản thân mình, đó là A Di Đà tánh, là ông Phật của chính mình” Cứu cánh của Pháp môn Tịnh Độ là đạt tới điểm chung của Thiền cũng là khám phá ra ông chủ của mình . Tịnh Độ là ông Phật của chính mình chứ không phải ở ông Phật Tây Phương Cực Lạc. 🏵️🌼🍁🌺🍀🌹🥀🌷🌸🏵️
20/01/2024(Xem: 1333)
Quyển này bút giả tuyển dịch từ nguyên bản Tịnh Độ Thánh Hiền Lục của Phật giáo Trung Hoa. Bộ Tịnh Độ Thánh Hiền Lục do cư sĩ Bành Tế Thanh cùng cháu là Hy Tốc, người đời Càn Long nhà Thanh sưu tập những truyện niệm Phật được vãng sanh soạn thành. Đến cuối đời Đạo Quang, Thanh triều, Liên Quy cư sĩ Hồ Đỉnh góp nhặt các chuyện vãng sanh tục biên thêm. Sang đời Trung Hoa Dân Quốc, Đức Sum Pháp sư lại sưu tập những sự tích tu Tịnh độ có ứng nghiệm bổ túc vào. Trước sau có tất cả được gần một ngàn truyện.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com