Họa Sĩ PHƯỢNG HỒNG
Đăng Giang
Cuộc đời vốn vô thường, không có cái gì là vĩnh hằng. Trên cõi ta bà, con người ta phải chịu đựng biết bao điều khổ đau, chiến tranh, nghèo đói, bệnh tật, môi trường sống ô nhiễm, định kiến, tập quán, thói quen, bản năng, vô minh, chấp ngã, thù hận… luôn quấn chặt tâm thức con người, khiến ôm giữ nên tự mình gây khổ. Tu học theo tinh thần Phật giáo, kiên trì, thực chất từ bi hỷ xả, là ta có thể chiến thắng được ta, tu tâm dưỡng tánh, làm cho cõi ta bà bớt xấu xa, đen tối và độc ác. Khi thấm nhuần tinh thần Phật giáo, con người ta có thể vượt qua đau khổ và nhận diễn rõ những nổi khổ đau của cuộc đời. Tinh thần Phật giáo, đó chính là tư tưởng chủ đạo được thể hiện xuyên suốt trong sự nghiệp sáng tác của Phượng Hồng. Một người hoạ sĩ hội tụ đầy đủ tài năng, tri thức và nhân cách, đã vẽ tranh bằng tất cả tấm lòng của mình. Các tác phẩm của anh được phôi thai từ trái tim chân thành, bằng tất cả niềm tin nội tâm của một người hành thiền đối với nền tảng chân lý của Phật giáo. Chính vì thế, tranh của anh đã thể hiện một cách sâu sắc những trạng thái của Thiền, và mọi người thưởng ngoạn đều có thể cảm nhận được sự yên bình, hạnh phúc mà những trạng thái ấy đem lại. Thật là vi diệu, chỉ thế thôi mà lòng ta tràn ngập thương yêu…thương yêu bản thân mình, thương yêu vạn vật, thương yêu cuộc đời, yêu thương nhân loại, ta thấy thương yêu tất cả. Rồi thì, ta nhận ra mối tương quan giữa “cái ta” và “cái toàn thể”, rằng ta với toàn thể là một, ta thấy được sinh diệt trong từng hơi thở, không phải là sinh diệt của một cá thể biệt lập, mà là sinh diệt của vô vàn cá thể có liên hệ tới nhau, trong từng sát na. Ấy mới là đỉnh cao của trí tuệ. Ta cũng thấy được Đức Phật hiện hữu khắp nơi, bởi vì hết thảy chúng sinh từ thiên nhiên-vạn vật cho đến con người đều mang Pháp thân của Đức Phật, người người đều được sống trong bể Phật. Nếu như chúng ta tự nguyện thể hiện tuệ giác và từ bi, thì tuệ giác và từ bi của Đức Phật sẽ có mặt nơi chính chúng ta. NGƯỜI thành, tức PHẬT thành. Đó gọi là chân hiện thực. Cảnh giới tối cao của học tập làm người là thành Phật. Có nghĩa rằng, “NGƯỜI” trước tiên phải quét sạch chấp ngã, dẹp sạch vô minh phiền não mình có cũng như trừ bỏ những vật không nên có của mình, ấy là “PHẬT”!!!
Mỗi một bức tranh của Phượng Hồng, cho dù là ở đề tài nào, là thiên nhiên, là Đức Phật, hay là tình yêu…cũng đều xứng đáng được ví như một “Tịnh Độ”. Mỗi Đức Phật đều có tịnh độ của mình, Đức A Di Đà có cõi cực lạc, người tham thiền thì an trú trong tịnh độ của Đức Phật Thích Ca. Thật ra, tịnh độ cũng nằm trong tâm ta, mà tâm là nhận thức, ta phải tự quản nội tâm của chính mình, tâm trị thì thân trị, thân trị thì tất cả đều trị, dụng hết thân tâm thì chẳng có thời gian bệnh não; tịnh độ là đất thanh tịnh không có phiền não làm cho loạn tâm, là cõi cực lạc. Phượng Hồng tạo ra những bức hoạ làm đẹp thêm cho cuộc đời chính là thiết lập một cõi tịnh độ đẹp đẽ ngay trên mặt đất này. Đó là một sứ mệnh cao cả mà người nghệ sĩ chân chính phải mang trọng trách gánh vác cho cuộc đời. Đó cũng chính là cách mà người hoạ sĩ tài hoa này tri ân sự hiện hữu của mình trên cõi đời, tri ân Phật giáo đã nuôi dưỡng mình, đã hun đúc nên con người mình…tri ân bằng cả “cái nghiệp bay mỏi” của mình.
Phượng Hồng là một tấm lòng. Là một người có đầy đủ “Bi” để có thể cảm xúc trước vạn vật. Là một bậc huynh trưởng, một người hữu trí trong giới hoạ sĩ nước nhà. Riêng đối với một hoạ sĩ vẽ tranh Phật giáo, đòi hỏi phải hội đủ cả ba yếu tố “Bi, Trí và Dũng”. Trên hết, là một người hành thiền, sa sức tham thiền mỗi ngày, cốt để nhận rõ Phật nơi tâm mình, sự giác ngộ ở nơi mình…tự thân mình đã sẵn có một thần lực nội tâm phi thường. Bản chất của Thiền chính là sức mạnh lực, một nghệ sĩ-hành giả tự thân cũng là một sức mạnh. Người hoạ sĩ mà vận được hết cái nội lực của mình vào trong nét cõ thì cũng có nghĩa là đã đạt tới trình độ đỉnh cao của nghệ thuật vẽ tranh Phật giáo, đó là “chuyển tải được cái tâm lực của một người hành thiền vào trong bức hoạ”, để qua đó truyền tải một cách trọn vẹ cái sức mạnh bất diệt của tinh thần Phật giáo đến với từng chúng sinh, chứ không đơn thuần chỉ là truyền tải tư tưởng Phật giáo. Có nghĩa là có thần lực đưa ta qua bờ bên kia, nghĩa là gọt sạch những khổ đau do ngu muội và sợ hãi gây ra. Ví như một bức hoạ Bồ Đề Đạt Ma, không đơn thuần chỉ là một bức chân dung, mà chính là hình tướng của vị Bồ Đề Đạt Ma, là sự hợp thành của “Sắc và Tâm”, ắt phải đem vật chất và tinh thần điều hoà. Do vậy, thể hiện “Người” trên bề mặt thì chưa đủ, cần phải thể hiện “Tâm”, thể hiện cái sức mạnh nội tâm phi thường ấy trong từng nét cọ; một cái ngoái đầu, một cái vung tay, một đôi dép treo tòn teng nơi đầu gậy…hết thảy đều phải biểu đạt được, đều phải “dực lên” được cái sức mạnh của vị Bồ Đề Đạt Ma.
Đã có không ít lời ngợi khen Phượng Hồng, trong đó có lời rằng: “Tranh của Phượng Hồng, có dung mạo rất riêng, dung dị mà sâu sắc, trầm lắng trong cái chót vót và mãnh liệt trong cái thâm u”. Nét cọ của anh quả thực rất điêu luyện. Và điều quan trọng bậc nhất của nét cọ chính là cái khí, lực, thần, hồn chứa đựng trong ấy. Một bức hoạ phải thực sự có “Tâm lực” thì mới đủ khả năng “truyền tải” được sức mạnh.
Phượng Hồng đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam – Vietbooks công nhận là hoạ sĩ vẽ tranh Phật giáo nhiều nhất Việt Nam. Người ta ước tính, anh đã vẽ trên dưới 1000 bức hoạ. Nhưng trên thực tế, có lẽ phải “gấp ba lần” con số ấy. Bởi vì, tính từ cuộc triển lãm tranh đầu tiên của Phượng Hồng vào năm 15 tuổi, đến nay đã trên 40 năm trôi qua, mà trung bình mỗi năm Phượng Hồng cho ra đời khoản gần 100 tác phẩm mới. Và nghe đâu anh vừa hoàn thành 140 tác phẩm mới. Quả là một sự nghiệp đồ sộ đáng để cho người ta nghiêng mình thán phục. Nhưng đó chưa hẳn đã là sự nghiệp đỉnh cao của Phượng Hồng. Năng lực của tinh thần vốn không có giới hạn, chỉ là mình chưa biết đến mà thôi. Anh sẽ còn tiến xa hơn nữa trên bước đường nghệ thuật của mình…cho tròn sứ mệnh của người hoạ sĩ vẽ tranh Phật giáo. Và đó là điều chắc chắn!
Cả đời họa sĩ Phượng Hồng đắm mình trong niềm đam mê hội họa. Cho đến giờ phút này, “anh vẫn vẽ điên cuồng, vẽ không ngơi nghĩ, vẽ cả trong cơn đau bệnh, vẽ không ăn không ngủ, vẽ đến lúc nằm lăn ra…”. Nhưng cái gì “quá” cũng không tốt, đôi lúc anh cũng cần phải dứt mình ra khỏi hội họa, phải có những quảng thời gian nghỉ ngơi, không chỉ là nghỉ ngơi, mà phải là “nghỉ ngơi chân chính”. Nghĩa là phải dừng hết lục căn, dứt thôi vọng niệm. Đạt được như thế thì “chân tâm hiện tiền”, ắt có thể tiến một bước khéo dụng căn trần. Từ sự cảm tranh đến sự khai mở tâm thức, tôi xin mạo muội bày tỏ trọn vẹn cảm nhận của mình khi đứng trước các tác phẩm của họa sĩ Phượng Hồng. Thay mặt người đời, xin tri ân sự cống hiến hết mình vì cõi tịnh độ trần gian của anh!!!
Ý kiến bạn đọc
03/11/201612:38
Cao NH
Khách
Anh còn sống để trả nợ đời, em cũng vậy, vùa qua cơn bạo bệnh cũng vẫn còn sống nhưng không được như anh, em chỉ trả nợ người... Chúc anh luôn được tâm bình an và cuộc đời sẽ thêm sự bình, an; cả thế giới cũng vậy - Đó là điều chúng ta hằng mong muốn - Em Cao Ninh Hòa.
03/02/201500:04
Sa Pa
Khách
Thật tuyệt vời anh Phượng Hồng, Những bức tranh cho người xem chìm vào một thế giới khác, nơi đó là chân trời nghệ thuật đích thực đa dạng , với nét vẽ thể hiện vô cùng lãng mang, rất thiền, rất nội tâm và có hồn ...Là một chân trời đi hoài không hết... Xin chúc Anh luôn sức khỏe bình an và bút lực dồi dào để cống hiến nhiều như Anh muốn. Sa Pa