Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hoa đạo mùa Phật đản

09/05/201102:26(Xem: 4531)
Hoa đạo mùa Phật đản

Hoa đạo mùa Phật đản
Em yêu mùa sen nở
Nhớ Gia đình Phật tử
Áo lam cài hoa sen
Thương bầy chim oanh vũ…
(“Nhớ mấy mùa sen”, Trần Thị Diệu Phước, 1963)

Em Oanh vũ nữ với bài thơ dài, “Nhớ mấy mùa sen”, đoạt giải nhất trong cuộc thi viết ngành Oanh của liên Gia đình Phật tử Thừa Thiên Huế năm 1963, nay đã là bà nội, bà ngoại ở lứa tuổi lục tuần. Đã 47 năm rồi tôi chưa gặp lại em, nhưng bài thơ xưa thì vẫn nhớ. Bài thơ hồn nhiên và trong sáng đượm màu Hoa đạo.

Cái đẹp hình tướng có thể tàn phai, nhưng cái đẹp của tư tưởng thì không phai tàn.

Năm nay…
“Mùa cherry, tôi đi tìm cú…!”

Nếu “cú” đây chẳng phải là cú pháp, là văn chương tuyệt cú mà chỉ là cú vọ, cú mèo, cú tráu… thì không biết cái hồn văn chương thiên cổ có bị phai tàn chăng?

Nhưng dẫu sao thì đó vẫn là sự thật.

Ở xứ Huê Kỳ cái gì cũng có, nhưng lại thiếu một mùa sen ngày Phật Đản.

Những năm qua, người Việt ở Mỹ thường chú ý mùa cherry trùng với mùa Phật Đản trên xứ nầy. Cho nên có nhiều người cho mùa cherry là mùa Quả Phật khi mùa sen nở là mùa Hoa Phật. Mùa Hoa Phật xứ Mẹ và mùa Quả Phật xứ Người.

“Cherry” – tiếng Mỹ có nghĩa là hoa anh đào; mà cũng là trái mận đào. Người Việt ở nước ngoài nói tới trái cherry thì ai cũng biết nhưng nói đến trái “mận đào” thì… hết biết luôn!

Quả mận đào nhỏ như trái bồ quân nhưng có tới 5 màu: Trắng, vàng, đỏ, tím và đen. Nghe nói trái mận đào mang tinh thần hoa đạo. Hoa đạo (Kado) là nghệ thuật cắm hoa truyền thống của Nhật Bản. Lịch sử Hoa đạo xuất hiện từ khi các thiền sư Trung Hoa đem đạo Phật vào đất Nhật từ thế kỷ thứ 6. Mỗi đóa hoa không có tự thể tánh. Hoa phải có sự hợp duyên của thiên nhiên mới thật là hoa: Một giọt sương long lanh, một chút gió phơ phất, một chú bướm vàng lãng đãng, một đôi mắt ngắm tự tâm hồn… thì hoa mới đẹp. Vì thế nghệ thuật Hoa đạo là “hoa trong ta và ta trong hoa” giữa khoảng trời thu nhỏ.

Giống mận đào gần với Hoa đạo vì cũng cần “hợp duyên” như thế. Nghe nói nếu trồng một cây thì thường không có trái; cô đơn ái dục vô tâm khởi, chăng (?!) Nên những tài tử cây kiểng thường ghép cả 3 loại mận đào – vàng, đỏ, tím – vào một cây. Mười năm trước, tôi trồng một cây mận đào ghép như thế ở vườn sau nhà. Chỉ 3 năm sau là cây bắt đầu có trái. Những trái mận đào nhỏ nhắn, mơn mởn chín mọng đủ màu, trĩu quả như những cành hoa. Vị ngọt, hương hiền, pha chút chua chua điểm làm duyên. Tôi thường hái lứa mận đào đầu tiên cúng Phật mà cứ mường tượng như những đóa sen mùa Phật Đản trên quê mẹ ngày xưa.

Năm nay, cây mận đào vườn sau ấy đã cao vượt quá mái nhà. Khu nhà mới Natomas nơi tôi ở, nguyên được xây dựng trên một cánh đồng trống bây giờ đã thành một rừng cây xanh nho nhỏ. Người Mỹ chỉ trồng loại cây có hoa và cây xanh gây bóng mát quanh nhà. Rất ít nhà chịu trồng cây ăn quả vì dân xứ nầy thích ăn cây quả bán ở tiệm, an toàn về mặt vệ sinh hơn là ra vườn hái trái. Nhà nào trồng cây quả, thường để chín rụng đầy vườn, lâu ngày thành rác bẩn.

Cuối mùa Xuân, chim chóc bốn phương từ đâu tụ về. Mới 3 giờ sáng, chim đã bắt đầu ríu rít gọi đàn. Cây mận đào nhà tôi, nhánh nào cũng đầy trái, bỗng trở thành kho lương thực tươi mát cho bầy chim. Mỗi sáng sớm, ra nhìn hột và quả mận đào chim ăn rụng tả tơi trên thảm cỏ, lúc đầu tôi cảm thấy tiêng tiếc nhưng bóng dáng đủ màu và tiếng hót hồn nhiên của bầy chim mang niềm vui bù lại.

Gần Rằm Tháng Tư, trái mận đào chín mọng, chim càng rủ nhau lựa quả ngon, mổ rụng vung vãi càng nhiều. Tình yêu thiên nhiên, chim muông có cánh cửa giới hạn của lòng sở hữu. Ngắt một nhánh hoa vườn người hay đuổi bầy chim ăn quả vườn nhà là mình đang khép lại cuộc ngao du về khóa ngõ nhà mình. Tôi đi tìm con cú; một con cú lộng giả thành chân làm bù nhìn đuổi bầy chim lạm dụng quyền… làm chim không giới hạn. Phải cần một sự dữ dằn, xấu xí hình tướng để xua đuổi hình ảnh hoa bướm của lòng tham.

Suốt mấy ngày anh chủ nhà trong tôi cứ đi tìm hình giả một con cú mèo trông càng dữ dằn, gớm ghiếc hơn cả cú thật càng tốt. Cái nhìn dư ảnh trong tâm và ý nghĩ của tôi chuyển dần từ bầy chim líu lo buổi sớm sang con cú vọ, từ khi tôi đi tìm cú đuổi chim. Vào những hàng bán đồ chơi chim chóc, mắt tôi nhìn vào hình chim muông đủ màu, đủ loại mà chẳng thấy con nào vì chỉ đi tìm con cú. Bắt gặp một dáng vẻ sinh vật dữ dằn nào tôi đều chăm chú nhìn ngắm, nhưng hầu hết chưa đủ “dễ sợ” làm bầy chim sợ hãi. Cả mấy ngày, nhìn đâu tôi cũng mường tượng về con cú lý tưởng của mình. Đó là con cú sẽ làm bầy chim kia kinh hồn bạt vía. Con cú như bến đậu của dòng suy tưởng xua đuổi trong tôi vào lúc này.

Đã đi tìm thì sớm muộn gì cũng sẽ gặp. Theo lời mách miệng của một anh Mỹ đen gặp tình cờ ở Country Mall, tôi vào chợ Ross, tới khu bán hàng trang hoàng ảnh tượng. Những tượng Phật, Chúa, Thánh, Thần, thiên tài, nghệ sĩ… xếp hàng trên giá mờ nhạt. Những muôn thú cây cảnh có như không. Mắt tôi sáng lên với một hình giả con cú làm bằng chất nhựa dẻo được sơn phết nhiều màu nhưng hai màu đen trắng đối chọi níu chặt cái nhìn của tôi vào nó. Tâm tôi đang trên cuộc hành trình tìm cú; ý tôi đang trôi trong dòng tới cú. Nên gặp được thân cú dữ dằn thật là một hạnh phúc. Tôi phấn chấn mua về treo cao chót vót trên cây mận đào. Bên cạnh còn treo thêm một dãy dĩa CD lóng lánh hai mặt cũng theo lời khuyên của người mách nước.

Sáng đầu tiên vừa mới thức dậy là tôi mở cửa chạy ngay ra vườn sau nhìn con cú treo trên cây mận đào. Con cú phản ánh mặt trời. Dĩa CD bắt nắng loang loáng. Một cuộc phản công hùng tráng vô cùng. Không có bóng một con chim nào liều lĩnh lại gần. Tiếng chim râm ran chỉ còn nghe vọng lại từ phía vườn nhà ai. Mắt cười nhìn con cú đồng minh vểnh cái mỏ quặm nhọn hoắt trên cây nhìn xuống, tôi xoa tay hoan hỷ. Cảm nhận đồng hành. Vừa đúng dịp lễ Phật Đản, tôi hái những trái mận đào to nhất còn sót lại sau cuộc xâm lăng của bầy chim và đơm lên bàn thờ cúng Phật. Khói nhang bay thanh thoát sao tôi cứ mường tượng như dáng hình con cú. Giữa cuộc binh đao, lòng người chiến sĩ nào mà không vương mang mùi thuốc súng!

Những ngày tiếp theo, mỗi sáng tôi đều có dĩa mận đào tươi cúng Phật. Con cú và tôi vẫn gần gũi nhìn nhau mỗi ngày. Tiếng chim xa lắc. Vài con chim sà cánh đậu trên cây; nhớn nhác rồi bay đi. Tôi đã lấy lại được cây cherry. Trái bây giờ chín tới. Sau trận mưa giông, trái rụng, gió lớn thổi bay tứ tán đầy sân. Vắng tiếng chim buổi sớm, buổi chiều làm tôi nhớ. Nỗi nhớ mơ hồ như vọng ra từ góc khuất của lòng mình. Vắng những cánh chim. Cũng đàn chim ấy, nhưng trước đây có vẻ như ranh mãnh, bon chen; sao bây giờ tôi thấy chúng hồn nhiên và thơ dại như bầy oanh vũ ngày xưa. Trên cây mận đào đong đưa với gió chỉ còn con cú. Gió lên, trái rụng. Trên xác lá và trái chín vỡ tan, sáng nay tôi tìm thấy hai tổ chim con rơi xuống. Những con chim non đã chết queo trong tổ. Có lẽ vì mấy ngày qua chim mẹ sợ không dám tới, bỏ đói đàn con.

Con cú, dẫu chỉ là cái mã vô hồn nhưng sao nó vẫn lay động được cảm tính, tâm thức của sự sống. Đàn chim sợ nó như một phản ứng bản năng. Tôi gần với nó vì nó giúp tôi loại trừ được bầy chim mà tôi coi như một đối tượng xâm phạm quyền sở hữu của mình. Chỉ có một điều tôi quên mất. Đó là quyền sở hữu những gì mà tôi trân quý, nhưng có thể chẳng có giá trị gì với người ngoài và cũng chẳng giúp được gì cho ai: Cây cherry, cây mận đào ở Mỹ nhiều lắm; nhưng chẳng ai biết hay quan tâm là cái mô tê gì ở Việt Nam và nhiều xứ khác. Với tôi, cây mận đào làm hoa trái cúng Phật trong mùa Phật Đản là một duyên lành ở xứ người. Tôi thường loay hoay tìm Phật tận đâu đâu ở khu vườn Lâm Tỳ Ni, ở cung trời Đâu Suất nhưng lại quên “ông Phật” trong tôi mà chính đức Phật từ hơn 2500 trước đã thọ ký cho mỗi chúng sinh về sau. Con cú cứ ám ảnh cái nhìn, cái nghĩ của tôi như một ý nghiệp mây mù thiếu mầm độ lượng. Tôi phải từ bỏ nó để trở lại với chính mình.

Rũ sạch định kiến và sự ám ảnh thật không đơn giản. Mấy chú chim con chết trong tổ ám ánh tôi không dứt. Phù du và bé bỏng thế thôi, nhưng mỗi hạt cát đều có quyền sống riêng của nó. Nói chi tới lòng Từ Bi cho to tát. Chỉ nói tới tình thương nhỏ bé đối với bầy chim cũng đã cần tới cái tâm không khóa, không gài. Tôi lặng lẽ bẻ khóa như một lời cầu nguyện. Rồi tôi trả lại con cú cho nhà hàng Ross – một con cú giả mặt mày còn nguyên vẹn – lấy lại chút tiền còm giúp quỹ trẻ mồ côi. Đàn chim lại trở về. Tiếng hót đánh thức tôi ngồi uống trà để viết những dòng nầy khi trời chưa sáng.

*

Sớm mai ấy, nơi vườn Lâm Tỳ Ni hoa Vô Ưu Mạn Đà La bừng nở và chim Ka Lăng Tần Già bay lượn, cất tiếng hót vang lừng đón mừng thái tử Tất Đạt Đa – một vị Phật tương lai – ra đời.

Từ ấy, hoa Mạn Đà La thành biểu tượng của Hoa đạo. Nghìn năm sau, hoa Mạn Đà La là loài hoa “hình vô hình hình, tướng vô tướng tướng” của tâm tưởng khi hướng về đức Phật. Bao tấm lòng thực tế tìm hoa. Bao tâm hồn mơ mộng nghĩ về hoa.

Trong kinh Phật thường thấy xuất hiện nhiều loài hoa trong thời thuyết pháp của Phật như: Mưa hoa Mạn Đà La (Mandàrapushpa), Mạn Châu Sa, Mạn Thù Sa, Ma ha Mạn Đà La, Ma ha Mạn Thù Sa. Người ta cho đó là những loại Hoa Trà (Camelia); mà sinh tộc hoa trà thì có hàng trăm loại. Và cũng từ ấy, những tâm hồn mang khuynh hướng tiếp cận với sự huyền nhiệm của tâm linh đất trời không ngớt rải hoa và quét hoa xung quanh những tượng đài Phật giáo.

Trong bao nhiêu lần lễ hội Phật giáo, nhất là những lần lễ hội quanh tôn tượng đức Quán Thế Âm, người ta không ngớt cãi nhau về mây ngũ sắc, về hoa Mạn Đà La rãi xuống trần gian từ giữa khung trời phiêu linh vô tướng. Kẻ “thấy” thì cho đó là phép mầu huyền nhiệm. Người “không” thì cho đó là một ám ảnh mang tính chất mê tín dị đoan. Bậc “vô tướng vô tâm” thì mỉm cười thinh lặng. Người đời sống chết với tình yêu nhưng chẳng ai vẽ được chân dung một Tình Yêu có thật.

Và nữa, hoa nở chim kêu. Những loài chim ẩn hiện trong kinh Phật như Oanh Vũ, Anh Lạc, Cộng Mạng, Ka Lăng Tần Già vẫn thường xuyên xuất hiện. Bóng dáng cùng tiếng chim Ka Lăng Tần Già giúp nở những mầm hoa hạnh phúc. Nhiều người đã cất công lặn lội qua Ấn Độ, vượt sông Hằng tìm về đất Phật. Dấu tích ngày xưa đã thành hoang phế. Còn chăng những phế tích được tôn tạo lại như những biểu tượng. Người tìm về đất Phật chỉ còn được kể lại rằng, Ka Lăng Tần Già là một loài chim thuộc giống chim sẻ Ấn Độ. Loài chim ấy ẩn cư trong suốt mùa Hè nóng như thiêu đốt của xứ Ấn và khi chim cất tiếng kêu là mở đầu cho Gió Mùa sắp tới từ tháng Tư đến tháng Mười. Tiếng chim như là biểu tượng âm thanh vui sống vỡ bờ làm vạn vật hồi sinh. Lời của Phật cũng như tiếng chim Ka Lăng Tần Già giúp con người hồi sinh và hạnh phúc từ sự ẩn nhẫn cam chịu khổ đau của dòng sống tạm bợ mà phải cột trói trong vòng duyên nghiệp trùng trùng. Dr. Satesh Pande, nhà sinh vật học chuyên khảo về những loài chim đã sưu tầm và mô tả hình ảnh cùng tiếng hót thanh thoát của loài chim Ka Lăng Tần Già (Kalavinka Sparrow). Nhưng loài hoa Hoa đạo và Chim Đạo chỉ nở được và hót được khi trái tim là cánh cửa không cài, mở rộng đón một bầu trời xanh.

Ít nhất đã có một lần trong đời, tôi đi tìm chim cú mới cảm nhận được tâm hồn mình nhuộm cú khi mãi miết đi tìm bóng cú giữa thiên nhiên bao la nhưng không có chỗ an trú cho mình vì chén trà “đương niệm hiện tiền” đã đầy ắp. Muốn rót thêm một giọt mới pha, cũng phải cần đổ lớp cũ ra thôi!

Mùa Phật Đản, mong hoa Mạn Đà La nở khắp lòng người và tiếng chim Ka Lăng Tần Già làm đượm tình người. Hoa phi hoa, điểu phi điểu… Chẳng phải là hoa, chẳng phải là chim mà chỉ có tiếng vọng trong ta mang suối nguồn hạnh phúc cho mình.

North Highlands, mùa Phật Đản 2554 – 2010
Trần Kiêm Đoàn

Nguồn: Tập San Pháp Luân 74

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
24/04/2011(Xem: 3608)
Những giá trị cốt lõi của đạo Phật là một gia sản có thể được chia sẻ trong các cuộc hội đàm về tất cả những vấn nạn phức tạp mà nhân loại đang đối mặt ngày hôm nay.
22/04/2011(Xem: 2657)
Hạnh phúc thay cho loài người chúng con; được tận mắt chứng kiến bảy bước chân trên bảy đóa hoa sen của Ngài đang bước đến với chúng con, tỏa ánh hào quang diệu pháp...
16/04/2011(Xem: 10562)
Một ngày ấy, Hoa Vô Ưu bừng nở Niềm hân hoan khắp thế giới ba ngàn Có bảy đóa sen hồng nâng gót ngọc...
16/04/2011(Xem: 5859)
Tắm Phật còn là một cách nhắc nhở chúng ta tịnh hóa thân tâm, gột rửa dần tham lam, sân hận và si mê, nhờ vậy mà chúng ta có thể đạt được chân hạnh phúc trong cuộc sống.
13/04/2011(Xem: 2525)
Ngày Phật đản được xem là ngày Tết của những người con Phật, bởi vì đây là thời khắc lịch sử đánh dấu sự ra đời của một Bậc Siêu nhân - Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni.
13/04/2011(Xem: 4531)
Rõ ràng, Phật đã Đản sinh ngay từ lúc phát khởi tâm niệm nguyện thay thế cho tất cả chúng sinh đang chịu khổ đau...
13/04/2011(Xem: 4065)
Tuy là Bậc Đạo sư sáng lập Phật giáo, song các kỳ tích của Phật Thích Ca Mâu Ni đã vượt khỏi khuôn khổ của một vị Phật lịch sử để trở thành những biểu tượng kỳ vĩ...
13/04/2011(Xem: 3170)
Từ địa vị thái tử, nhờ công phu tự thân tu tập, tự thân hành trì, tự thân chứng ngộ, Ngài trở thành Bậc Giác ngộ giữa đời...
11/04/2011(Xem: 2986)
Phật là hoa sen, hoa sen là Phật. Khi Ngài sinh ra bước đi trên bảy đóa hoa sen là hình ảnh biểu đạt con đường đi đến thăng chứng qua bảy giai trình tu tập...
11/04/2011(Xem: 2770)
Ngài chào đời như ánh bình minh rực rỡ, như đoá đàm ưu bừng nở, gió nhạc êm đềm, chim hót líu lo, núi Tu di cúi đầu đón mừng bậc Thầy nhân thiên ba cõi.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]