Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Lâm Tỳ Ni - Khu vườn tú lệ

30/04/201114:46(Xem: 3656)
Lâm Tỳ Ni - Khu vườn tú lệ
phat-dan-sanh
LÂM TỲ NI – KHU VƯỜN TÚ LỆ

Lê Bích Sơn

Mỗi năm khi mùa hè sắp đến, nhân gian lại rộn rã, hân hoan chào đón ngày Phật Đản, ngày ấy người ta không thể nào không nhắc đến chữ “Lumbinī” hay “Lâm Tỳ Ni”. Vậy Lâm Tỳ Ni là gì?

Lâm Tỳ Ni là cách đọc theo âm Hán Việt, nguyên thủy từ tiếng Sanskrit là “Lumbinī” ( लुम्बिनी ) có nghĩa là xinh xắn, tú lệ, mỹ miều, yêu kiều, v.v. Trong các sách Hán văn “Lumbinī” còn được phiên âm theo nhiều cách như: 林微尼, 林毘尼, 嵐毘尼, 龍彌你, 流彌你, 臘伐尼, 論民, 林毘, 嵐鞞尼, 留毘尼, 流毘尼, 林毘你, 樓毘尼, 流彌尼, 論民尼, 藍軬尼, v.v. Và Lâm Tỳ Ni đã thực sự trở thành khu vườn không thể lãng quên trong lịch sử và văn chương Phật giáo. Bởi vì Lâm Tỳ Ni chính là nơi thị hiện giáng trần của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, một trong bốn thánh địa quan trọng nhất đối với Phật giáo đồ trên khắp hành tinh này.



Theo hầu hết các sử liệu Phật giáo ghi chép rằng: vào ngày trăng tròn tháng Vesak năm 623 trước Tây lịch, Hoàng hậu Mahāmāyā hạ sanh Thái tử Siddhārtha Gautama trong khu vườn mang tên Lâm Tỳ Ni trên đường về lại quê nhà để sinh con đầu lòng theo tục lệ thời bấy giờ. Lâm Tỳ Ni thời Phật còn tại thế không phải là một “ngự hoa viên của dòng họ Śākya” như nhiều bài viết vẫn thường gọi, mà nó chỉ là một công viên bên đường nằm giữa hai kinh đô Kapilavastu và Devadaha (Devadarśita). Xác nhận sự kiện Đức Phật ra đời tại Lâm Tỳ Ni với tên gọi “Lumbineyya Janapada” được tìm thấy trong “Sutta Nipāta” (Kinh Tập) thuộc “Khuddaka Nikāya” (Tiểu Bộ Kinh). Và cũng tại Lâm Tỳ Ni với một tên gọi khác là “Lumbinīvana” trong thời gian hoằng hoá tại thành Devadaha, Đức Phật đã thuyết giảng bài kinh “Devadaha Sutta” được tìm thấy trong “Majjhima Nikāya” (Trung Bộ Kinh) thuộc hệ thống Kinh tạng Thượng Toạ Bộ, v.v.

Sau khi Đức Phật nhập diệt, Hoàng đế Asoka (sinh: 304, tử: 232 trước Tây lịch) của triều đại Maurya (từ năm 304 đến năm 232 trước Tây lịch) đã đến chiêm bái Lâm Tỳ Ni và để lại sắc dụ khắc trên một trụ đá cao 6.5 mét bằng ngữ hệ Prakrit với nội dung: “Hai mươi năm sau khi lên ngôi, Thiên ái Thiên tử - Quốc vương Piyadasi - đã đến đây chiêm bái. Bởi vì chính nơi đây, Đức Phật - bậc Thánh giả của dòng họ Thích Ca – đã giáng trần. Quốc vương ban lệnh khắc một pho tượng bằng đá và dựng thạch trụ này ghi dấu nơi Đức Phật đản sanh. Dân làng Lâm Tỳ Ni được miễn thuế và dân chúng trong vùng này chỉ đóng một phần tám lợi tức hoa màu”. (Twenty years after his coronation, Beloved-of-the-Gods, King Piyadasi, visited this place and worshipped because here the Buddha, the sage of the Śākyans, was born. He had a stone figure and a pillar set up and because the Lord was born here, villagers of Lumbinī was exempted from tax and required to pay only one eighth of the produce). Theo H. W. Schumann - một học giả người Đức - trong cuốn “The Historical Buddha” (Đức Phật Lịch Sử) thì chuyến chiêm bái này được Hoàng đế Asoka thực hiện vào năm 245 trước Tây lịch.

Những thế kỷ sau đó, Lâm Tỳ Ni thực sự trở thành niềm ao ước và điểm đến của những hành giả và học giả Phật giáo. Hai vị danh Tăng Trung Hoa – Pháp Hiển (sinh 337, tử 422) và Huyền Trang (sinh 602, tử 664) – ít nhiều đã ghi lại những dấu tích về Lâm Tỳ Ni trong các tác phẩm để đời của các Ngài sau những lần chiêm bái quê hương Đức Phật. Và cũng nhờ vào các bộ “ký sự” của hai vị danh Tăng Trung Hoa này, vào năm 1896 nhà khảo cổ người Nepal đã khai quật và phát hiện “sắc dụ Asoka” (trụ đá A-Dục) trên vùng đất có tên “Rummindei” sau gần mười thế kỷ Lâm Tỳ Ni hoang phế, điêu tàn và rơi vào quên lãng, kể từ ngày các thánh địa Phật giáo bị tàn phá, khủng bố dưới bàn tay những kẻ cuồng tín dị biệt niềm tin.

Năm 1997, UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc) chính thức liệt kê Lâm Tỳ Ni trở thành di sản văn hoá thế giới, tiếp tục khai quật, trùng tu và tôn tạo Lâm Tỳ Ni ngày một xinh xắn, tú lệ theo đúng như tên gọi ban đầu của khu thánh địa Phật giáo này.



Ngày nay, Lâm Tỳ Ni nằm dưới chân dãy Himalaya, cách cổ thành Ca-Tỳ-La-Vệ (Kapilavastu) 25 km về hướng Đông. Lâm Tỳ Ni tọa lạc tại quận Rupandehi, khu vực Lumbinī thuộc Vương quốc Nepal; nằm cách biên giới Sonauli của Ấn Độ khoảng 36 km. Một quần thể các công trình văn hoá Phật giáo, chùa chiền, tu viện các nước Phật giáo gồm Đại Thừa Phật Giáo, Nguyên Thủy Phật Giáo và Kim Cang Thừa Phật Giáo được kiến lập có quy hoạch trên vùng thánh địa này. Góp phần vào những công trình văn hóa ấy, Phật giáo Việt Nam hãnh diện được góp sức mình trong công cuộc phục hưng, tôn tạo khu thánh địa này với sự hiện diện của hai ngôi chùa Việt có tên: Việt Nam Phật Quốc Tự và Linh Sơn Tự.

Lâm Tỳ Ni xinh xắn, Lâm Tỳ Ni tú lệ hôm nay đang mỉm cười chào đón những người con Phật thành tâm từ khắp nơi trên quả địa cầu này!

Georgia – Hoa Kỳ, mùa Phật Đản 2632
LÊ BÍCH SƠN


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
16/04/2011(Xem: 8990)
Một ngày ấy, Hoa Vô Ưu bừng nở Niềm hân hoan khắp thế giới ba ngàn Có bảy đóa sen hồng nâng gót ngọc...
16/04/2011(Xem: 5087)
Tắm Phật còn là một cách nhắc nhở chúng ta tịnh hóa thân tâm, gột rửa dần tham lam, sân hận và si mê, nhờ vậy mà chúng ta có thể đạt được chân hạnh phúc trong cuộc sống.
13/04/2011(Xem: 2288)
Ngày Phật đản được xem là ngày Tết của những người con Phật, bởi vì đây là thời khắc lịch sử đánh dấu sự ra đời của một Bậc Siêu nhân - Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni.
13/04/2011(Xem: 4147)
Rõ ràng, Phật đã Đản sinh ngay từ lúc phát khởi tâm niệm nguyện thay thế cho tất cả chúng sinh đang chịu khổ đau...
13/04/2011(Xem: 3719)
Tuy là Bậc Đạo sư sáng lập Phật giáo, song các kỳ tích của Phật Thích Ca Mâu Ni đã vượt khỏi khuôn khổ của một vị Phật lịch sử để trở thành những biểu tượng kỳ vĩ...
13/04/2011(Xem: 2825)
Từ địa vị thái tử, nhờ công phu tự thân tu tập, tự thân hành trì, tự thân chứng ngộ, Ngài trở thành Bậc Giác ngộ giữa đời...
11/04/2011(Xem: 2611)
Phật là hoa sen, hoa sen là Phật. Khi Ngài sinh ra bước đi trên bảy đóa hoa sen là hình ảnh biểu đạt con đường đi đến thăng chứng qua bảy giai trình tu tập...
11/04/2011(Xem: 2392)
Ngài chào đời như ánh bình minh rực rỡ, như đoá đàm ưu bừng nở, gió nhạc êm đềm, chim hót líu lo, núi Tu di cúi đầu đón mừng bậc Thầy nhân thiên ba cõi.
11/04/2011(Xem: 2418)
Ngày Phật Đản hay ngày Giáng sanh của Đức Phật, tiếng Pali gọi là Vesak. Vesak là tên của một tháng, thường trùng vào tháng năm dương lịch.
10/04/2011(Xem: 3284)
Trong Kinh Pháp Cú, Phật nói rằng: “Có 4 cái hạnh phúc chân thật, đó là hạnh phúc thay chư Phật giáng sinh”, bởi vì nơi nào mà có chư Phật giáng sinh thì nơi đó sẽ mang lại nguồn lợi ích, an lạc, hạnh phúc cho chư thiên và loài người. Tại sao chúng ta gọi là ngày giáng sinh hoặc đản sinh? Đản có nghĩa là vui vẻ, hân hoan, lợi ích cho nên ngày đức Phật sinh ra đời là ngày làm cho người hân hoan, vui vẻ. Đó là nguyên nhân mà mỗi mùa Phật Đản những người con Phật chào mừng ngày đức Từ Phụ ra đời với tinh thần thương yêu, hòa ái. Cờ Phật Giáo có 5 màu, và khi xưa người ta làm cờ với quan điểm là 5 màu thể hiện cho 5 châu nhưng về sau địa cầu có tất cả 6 đại châu mà Phật Giáo đều đến và làm cho tất cả xứ sở an ổn, hòa bình.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567