Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Vài cảm nghĩ khi tham dự Đại Hội Hoằng Pháp lần thứ 2 trên hệ thống Zoom online ngày 19/12/2024

21/12/202406:27(Xem: 462)
Vài cảm nghĩ khi tham dự Đại Hội Hoằng Pháp lần thứ 2 trên hệ thống Zoom online ngày 19/12/2024

Vài cảm nghĩ khi tham dự
Đại Hội Hoằng Pháp lần thứ 2
trên hệ thống Zoom online ngày 19/12/2024


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

 

Kính bạch Đại Lão HT Thích Huyền Tôn

Kính bạch HT Thích Bảo Lạc

Kính bạch HT Thích Đức Thắng, Chánh Thư Ký Xử lý Viện Tăng Thống GHPGVNTN

Kính bạch HT Chánh thư ký Hội Đồng Hoằng Pháp Thích Như Điển

Kính bạch Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni Nhị Bộ

Và kính thưa quý đạo hữu thân hào, nhân sĩ hiện diện trên Zoom trực tuyến online

 

Đây là lần thứ hai con được tham dự Đại Hội Hoằng Pháp qua thông báo thay thư mời của HT Chánh thư Ký HĐHP Thích Như Điển.

 

Trong thông báo thay thư mời HT Chánh thư Ký Văn phòng Hội Đồng Hoằng Pháp đã viết như sau : “Đã đến lúc chúng ta cần ngồi lại tổng kết kinh nghiệm, bàn bạc thảo luận thêm để qua đó chúng ta ước mong được đón nhận thêm những lời chỉ giáo của Chư Trưởng thượng cũng như các ý kiến xây dựng của các tổ chức Phật giáo hay những cá nhân có thiện chí “

 

Và bây giờ con xin trình bày chi tiết buổi Đại Hội lần thứ hai theo tư cách cư sĩ tại gia loại 2 (một  cách phân loại của bài viết của Cư sĩ Minh Mẫn được online trên thư viện Hoa Sen ngày 5/2/2020) mà con nhận thấy phù hợp:“Phật giáo có hai thành phần: - Phật giáo đại chúng và Phật giáo trí thức; Phật giáo tha lực và Phật giáo tự lực.

-  Phật giáo đại chúng thường nương tựa vào khẩn cầu bái vọng nơi tha lực.

Phật giáo tự lực thường là những thành phần trí thức, hoặc tìm hiểu học hỏi hoặc tự thân hành trì pháp môn đưa đến dịnh lực, tuệ giác.

-  Phật giáo đại chúng thường hội nhập với các tập quán địa phương, phát triển thành Phật giáo đặc thù của một vùng miền. Nếu tước bỏ sự hội nhập của Phật giáo đại chúng thì Phật giáo sẽ xa rời quần chúng, biến Phật giáo thành lọ hoa chưng bày trên khán phòng!

“Thế gian pháp tức Phật pháp, Phật pháp bất ly thế gian pháp…”vì thế, sự đa dạng hóa Phật pháp không hẳn làm mất thể chất của Phật giáo nếu thành phần trí thức và các hành giả vẫn có mặt để cân bằng mối tương quan Phật giáo trong cuộc sống.

- Phật giáo đại chúng dễ tồn tại và mau phát triển vì tâm lý con người có khuynh hướng dụng tướng và hướng ngoại, ngược lại, Phật giáo trí thức và hành giả đòi hỏi bản lãnh tự thân, chuyên cần nỗ lực miên mật, do đó, số lượng thành phần này ít hơn nhưng chuyên chính hơn. Cho dù Tôn giáo hay bất cứ tổ chức nào, luôn biến tướng theo thời gian song song với biến tính của quần chúng trong mỗi thời đại.

- Phật giáo đại chúng cần nhân sự hoằng pháp điều hướng để quần chúng tránh bị lạc dẫn đức tin, giữ đức tin mà vẫn hội nhập với tập quán vùng miền.

Phật giáo trí thức và hành giả cần chọn phương hướng tìm hiểu học hỏi hoặc pháp hành tương thích với căn cơ. Tuy vô lượng pháp môn tu nhưng không phải pháp nào cũng thích hợp với mọi căn tánh.”

(Hết trích đoạn.)

 

Do vậy để có thể  chia sẻ thêm những kinh nghiệm mà con đã gặp và với những cảm nghĩ sau khi tham dự Đại Hội, con có thể bổ sung được những điều rất thực tế mà hiện nay hàng Phật Tử chúng con đang đối mặt trước sự chuyển hóa toàn cầu của công nghệ hiện đại, đến với quý Chư Trưởng Thượng và các quý Ngài trong các ban bộ thuộc HĐHP như một lời tâm sự của thế hệ 5X đang tu tập trong cái nhìn đa chiều theo chánh kiến và chánh tư duy mà Phật Tổ đã dạy.

 

Đúng như thông báo buổi họp được bắt đầu theo đúng thời gian mỗi châu lục như sau:

Los Angeles (USA): 8pm, thứ Tư 18/12/2024
Sài Gòn (Viet Nam): 11:00 sáng, thứ Năm 19/12/2024

Berlin (Âu châu): 05:00 sáng, thứ Năm 19/12/2024

Úc Châu: 3 giờ chiều thứ Năm 19/12/2024

 

Và kết thúc sau 3 tiếng 20 phút với vài phần thêm vào chương trình đã được loan báo trước  (như Đạo Từ của Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Tôn) trước khi hồi hướng và kết thúc.

 

Theo đó tuần tự đã tiến hành như sau:

 

 1) Niệm Phật cầu gia hộ & một phút nhập Từ Bi Quán

2) Tuyên bố lý do, thông qua chương trình Đại Hội và giới thiệu thành phần tham dự (MC: TT Nguyên Tạng)

3) Lời Khai Mạc của Hòa Thượng Thích Như Điển (Chánh Thư Ký Hội Đồng Hoằng Pháp và Chủ Tịch Hội Đồng phiên dịch Tam Tạng Trung Ương)

4) Đạo Từ của Hòa Thượng Thích Đức Thắng, Chánh Thư Ký xử lý Viện Tăng Thống (5 phút)

5) Thuyết trình : Công trình phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam (Hòa Thượng Thích Bảo Lạc, Phương Trượng Tổ Đình Pháp Bảo Úc Châu, thành viên Hội Đồng Chứng Minh-Cố Vấn GHÚc Châu; thành viên Hội Đồng Trưởng Lão của Hội Phật Giáo Tăng Già Thế Giới, Cố Vấn Hội Đồng Hoằng Pháp)15 phút

6) Các Ban của Hội Đồng Hoằng Pháp báo cáo thành quả trong ba năm qua cũng như hoạch định chương trình làm việc trong thời gian tới: (Mỗi Ban từ 5 đến 10 phút, tuỳ theo thời gian)

a/ Ban Hoằng Pháp các châu:

USA: HT Thích Nguyên Siêu báo cáo

Âu Châu: HT Thích Tâm Huệ báo cáo

Úc Châu: HT Thích Trường Sanh báo cáo

Canada: HT Thích Bổn Đạt báo cáo

b/ Ban Báo Chí & xuất bản:

Cư Sĩ Tâm Thường Định báo cáo

c/Ban Phiên dịch Tam Tạng:

-Hòa Thượng Thích Thái Hòa trình bày thành quả xuất bản TVT đợt 1 và đợt 2 vừa rồi; đồng thời dự kiến cho đợt 3 sắp tới.

-Hòa Thượng Thích Minh Tâm, chánh văn phòng Hội Đồng Phiên dịch Tam Tạng

d/ Ban Bảo Trợ:

 NS Bảo Quang báo cáo

7) Báo cáo việc hướng dẫn các lớp Phạn ngữ & Tạng ngữ (SC Thanh Trì báo cáo, Cư Sĩ Nguyên Đạo đọc)

8) Tổng kết (Cư Sĩ Tâm Huy)

9) Đạo từ của Đức Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Tôn

10) Hồi hướng công đức hoàn mãn.

  

MC TT Thích Nguyên Tạng đã bắt đầu với Niệm Phật cầu gia hộ và một phút nhập Từ Bi Quán cùng tưởng nhớ ân đức cao dày của đức Thế Tôn, chư vị tiền bối Tổ Sư đã truyền giáo truyền giới từ Tây Thiên đến 4 châu lục, chư anh linh Thánh Tử đạo, các anh hùng đã ngã xuống vì lý tưởng tự do, một phút nhập từ bi quán để niệm ơn Đức Trưởng Lão HT Thích Tuệ Sỹ, là cựu cố vấn chỉ đạo của Hội Đồng Hoằng Pháp, đệ lục Tăng Thống GHPGVNTN.

 

Có lẽ vì thông báo quá cận kề (trong vòng một tuần) nên số người tham gia vào lúc này chỉ mới có 86 người nhưng vào lúc cuối có lúc lên đến 116 người và vào giờ kết thúc cũng chỉ còn lại 88 người hiện diện, con tự nhủ không biết có phải giờ họp dài quá chăng?

 

MC TT. Thích Nguyên Tạng, đã nhắc đến lần Đại Hội thứ nhất ngày 27/11/ 2024 dưới sự chứng minh của HT Thích Thắng Hoan và HT Thích Tuệ Sỹ , nhưng nay quý Ngài đã về cõi Phật, dù vậy với một chặng đường thử thách HĐHP đã được chư thiên gia hộ nên mọi việc vẫn được tiến hành và tin vui là đợt 2 với 8 bộ tiếp theo của Thanh Văn Tạng đang trên đường di chuyển phân phối các nơi.

 

Về chứng minh và tham dự Đại Hội Hội Đồng Hoằng Pháp lần 2, quý đại biểu hôm nay gồm có:

 

-Đại lão HT. Thích Huyền Tôn, Phương Trượng Chùa Bảo Vương (Melbourne), thành viên Hội Đồng Chứng Minh-Cố vấn GHPGVNTN Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi-Tân Tây Lan

-Trưởng lão HT  Thích Bảo Lạc viện trưởng Tu Viện Pháp Bảo (Sydney) thành viên Hội Đồng Chứng Minh-Cố vấn GHPGVNTN Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi-Tân Tây Lan

-Trưởng lão HT Thích Đức Thắng, Chánh Thư Ký  Xử lý Thường Vụ Viện Tăng Thống GHPGVNTN

-HT. Thích Minh Tâm, Phương Trượng Chùa Phật Ân (Long Thành), Chánh Văn Phòng Ủy Ban Phiên Dịch Trung Ương, Trưởng Ban Vận Động Hòa Hợp Tăng Ni GHPGVNTN

-HT Thích Như Điển (Đức quốc), Phương trượng Tổ Đình Viên Giác kiêm Phó Chủ Tịch Hội Tăng Già Thế giới,  Chánh Thư ký  HĐHP, Chủ Tịch Uỷ Ban Phiên Dịch Trung Ương

-HT. Thích Thái Hòa  (VN) Trụ Trì Chùa Phước Duyên (Huế), Chánh Thư Ký Uỷ Ban Phiên Dịch Trung Ương 

-HT. Thích Nguyên Siêu, Viện Chủ Chùa Phật Đà (Cali, USA), Phó Thư Ký Uỷ Ban Phiên Dịch Trung Ương 

-HT Thích Trường Sanh, Viện Chủ Chùa Giác Nhiên Tân Tây Lan, thành viên Hội Đồng Chứng Minh-Cố vấn GHPGVNTN Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi-Tân Tây Lan, Trưởng Ban Truyền Bá Úc Châu-Tân Tây Lan

-HT Thích Bổn Đạt, Viện Chủ Tu Viện Phật Đà Canada, Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTN Hải Ngoại Canada, Trưởng Ban Truyền Bá Canada

-HT Thích Trường Phước, Viện Chủ Chùa Quan Âm (Montreal, Canada), Phó Ban Bảo Trợ HĐHP

-HT Thích Thông Mẫn, Viện Chủ Tu Viện Quảng Đức Úc Châu, Phó Hội Chủ GHPGVNTN Hải Ngoại tại UĐL-TTL, Phó Ban Bảo Trợ HĐHP.

-HT.Thích Tâm Huệ, Viện Chủ Chùa Trúc Lâm (Thụy Điển), Trưởng Ban Truyền Bá Âu Châu, Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Giáo Dục GHPGVNTN Âu Châu

-HT.Thích Từ Lực, Viện Chủ Chùa Phổ Từ và Trung Tâm Tu Học Phổ Trí, thành viên Ban Truyền Bá Hoa Kỳ

Cùng Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni nhị bộ và quý thân hữu , quý Huynh Trưởng và quý cư sĩ đồng hương

 

MC TT.Thích  Nguyên Tạng đã nhắc lại cách đây hơn 3 năm vào ngày  10/5/2021, HT Thích Tuệ Sỹ, Chánh Thư ký xử lý Viện Tăng Thống GHPGVNTN ra Thông Bạch công bố Quyết định thiết lập Hội Đồng Hoằng Pháp cho GHPGVNTN qua các châu lục y cứ trên hai nguyên tắc khế lý và khế cơ.

 

-Về khế lý là thành lập Ban phiên dịch và Trước tác để tiếp nối sự nghiệp phiên dịch Thánh điển của Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng dưới sự chỉ đạo của Viện Tăng Thống GHPGVNTN được tổ chức qua hội thảo của Chư Tôn Trưởng Lão tại Viện Đại Học Vạn Hạnh ngày 20-22/10/1973. Hiện nay, CTĐ trong Ban Phiên dịch cũng đã và đang tổ chức các lớp đào tạo Phạn ngữ (Sanskrit), Hán ngữ, Tạng ngữ nhằm xây dựng một thế hệ kế thừa tiếp tục công trình phiên dịch.—)Về khế cơ: Thành lập 1. Ban Truyền bá giáo lý (Giảng sư và Giáo thọ) 2. Ban báo chí & xuất bản, 3. Ban bảo trợ.
Trong đoạn cuối của bản Thông Bạch đó, Hoà Thượng đã: “uớc mong tất cả bằng Bồ đề nguyện và Bồ đề hành, bằng đức lực, trí lực và tài lực, với hằng tâm và hằng sản, đồng tâm nhất trí góp phần công đức vào sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh mà chư Thánh đệ tử, Lịch đại Tổ sư, bằng hùng lực và trí tuệ, bằng từ bi và nhẫn nhục, khoang dung, trải qua vô vàn gian nan chướng duyên trở ngại, đã mang ngọn đèn chánh pháp đến những nơi tăm tối, cho những ai có mắt để thấy, dựng lại những gì đã sụp đổ, dựng đứng những gì đang nghiêng ngả.”

 

MC TT Thích Nguyên Tạng cũng cho biết hiện nay có thêm 8 bộ Thanh Văn Tạng đã ấn tống và đang trên đường chuyển giao 24 bộ Kinh, Luật, Luật và 5 tập Tổng lục mà ngày  19/3/2023, đã làm lễ ra mắt Thanh Văn Tạng giai đoạn I, phần I của Đại Tạng Kinh Việt Nam.

 

Tiếp theo phần tuyên bố lý do là diễn văn khai mạc Đại Hội Hoằng Pháp kỳ 2 của HT Thích Như Điển (Chánh Thư ký  HĐHP, và Chủ Tịch Ủy Ban Phiên dịch Trung ương), lúc bấy giờ khách tham dự đã lên đến 105  người.

 

Trong diễn văn HT Thích Như Điển đã nhắc lại mong ước của Cố HT Tuệ Sỹ cho việc thành lập Thánh điển của Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng và tiếc thay Ngài không còn hiện diện để tiếp tục giám sát, nhưng tổng sơ qua hiện tiền cho đến giờ phút hiện tại trong một thời gian có hạn, chúng ta đã có được sự tiếp tục trợ duyên từ các đạo hữu tín tâm.

 

HT Thích Như Điển cũng nhắc đến bổn phận thiêng liêng của mỗi người con Phật hầu góp phần vận chuyển bánh xe Chánh pháp trong việc Hoằng pháp trước kỷ thuật khoa học tiến bộ  hiện nay.

 

Trộm nghĩ quả thật HT Như Điển đã rất sâu sắc khi nhìn thấy trước mắt thực tiển một tương lai của việc Hoằng Pháp trước nhu cầu học Phật của quần chúng hiện nay, vì lẽ Hoằng pháp là bản nguyện thiêng liêng của người đệ tử Phật. Do đó, hoằng pháp thời hiện đại lại cần phải chú ý nhiều hơn về tính khoa học, tính lợi ích thực tiễn hôm nay và ngày mai cho mình và cho chúng sanh vạn loài,  vì rằng dù ở thời đại nào dù là cư sĩ tại  gia hay tu sĩ xuất gia hẳn đều nhớ lời Phật dạy như sau: “Ta sẽ thuyết pháp một cách tuần tự, ta sẽ thuyết pháp với sự thấy hiểu trọn vẹn pháp môn, ta sẽ thuyết pháp với lòng thương yêu, ta sẽ thuyết pháp không vì danh lợi, ta sẽ thuyết pháp không làm thương tổn cho mình và người” (Tăng Chi II, trang 193).

 

Kính tri ân Ngài, Vị Hoà Thượng đúng bậc chân tu và đầy tuệ giác nhờ vậy HĐHP đã có được những thành quả, mà điển hình là các ban ngành trực thuộc hội đồng hoằng pháp sẽ báo cáo trong lần đại hội kỳ 2 này.

 

Tiếp theo là lời Đạo Từ của Hoà Thượng Thích Đức Thắng, Chánh Thư ký Xử lý Viện Tăng Thống.

Qua lời giới thiệu của Thượng Toạ MC, hôm nay con mới tận mặt nhìn thấy được tác giả những bài nghiên cứu Phật Học mà con đã đọc qua nhiều năm, vì Ngài xứng với danh hiệu một nhà Phật Học lỗi lạc và trong 29 tập Thanh Văn Tạng đã ấn hành và đến tay khắp các tự viện nhất là Kinh Trung A Hàm và Tạp A Hàm đã có những bài dịch của Ngài

Kính ghi lại bài diễn văn như sau ( Đây chỉ là những ghi chép của con và mời xin đối chiếu nguyên bản đã online phổ biến):

 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính bạch Đức Trưởng Lão HT. Thích Huyền Tôn, các thành viên Hội Đồng Giáo phẩm Trung ương viện Tăng Thống và Tăng Ni thuộc Tăng Già nhị bộ cùng HT Thích Như Điển, Chánh Thư ký hội đồng phiên dịch Tam Tạng,

Kính thưa quý nhân sĩ trí thức hiện diện,

 

Tiếp nối Phật sự được truyền thừa từ đức Đệ Lục Tăng Thống, tôi nhất tâm tán trợ việc hoằng pháp điều hướng đến chúng sinh và chính từ nơi nhân duyên thù thắng này tôi nhiệt liệt tán thán công trình phiên dịch Thánh Điển Đại Tạng Kinh để tiếp nối công việc mà các vị Tổ, Thầy đã làm từ năm 1973

Đại Hội Hoằng Pháp kỳ 2 này được kỷ niệm cùng lúc với sự đón mừng Ngày Đức Thích Ca Thành Đạo, kính trân trọng đảnh lễ quý Trưởng Lão HT, tán dương công Đức tứ chúng hộ trì và xin chia sẻ bản nguyện mà tôi đã được tiếp thừa từ Hội Đồng Giáo Phẩm như sau:

1- về Phật Sự

- Xây dựng 4 Tín ( Chánh tín, Tịnh tín, niềm Tín tâm bất thối, cà các pháp trưởng dưỡng Bồ Đề Tâm )

-Thực hiện phiên dịch và kết tập Pháp bảo

-Tăng trưởng pháp học, pháp hành làm y cứ cho Phật tử

Xin tán dương thành quả trong giai đoạn đầu của HĐHP, một công trình được hộ niệm và gia trì

2- Về Tăng Sự

Phát huy và tiếp nối tâm nguyện của Đệ Ngũ Tăng Thống ( HT Thích Quảng Độ ) và Đệ Lục Tăng Thống (HT.Tuệ Sỹ).

Thành viên trong Giáo hội được hướng dẫn đến đích đến. Trên đường hướng đó và để tái lập cần thực hiện những tiêu chuẩn sau:

—-) Duy trì mạng mạch và truyền đăng tục diệm, đào tạo Tăng sinh

—) Cho mở trường bằng phương tiện quyền xảo thông qua những ứng dụng công nghệ để thực thi Phật Sự từ cao xuống thấp với các buổi trực tuyến có hoạch định cụ thể.

—) Đóng góp ý kiến về các mô hình khoa học chuyên môn.

—)Việc phiên dịch cần mang tính học thuật của thời đại mới.

 

3-Về Công nghiệp Giáo dục, Hội đồng giáo phẩm Trung ương nên xây dựng một tịnh thần hòa hợp và cung thỉnh thêm chư Tôn Đức

Khuyến khích các Gia Đình Phật Tử trưởng thành trong Chánh Pháp, giống như cuộc hầu chuyện trên hệ thống Zoom ngày 29/4/2021 giữa Hoà Thượng Tuệ Sỹ và các quý Huynh trưởng cao cấp của tổ chức GĐPT tại Hải ngoại.

Kính chúc chư tôn Đức cùng quý TT thân tâm thường an lạc, Phật Sự kiên cố.

 

(Đây là  nguyên bản vừa được online như sau)

-Phật sự: Tiến hành Hoằng pháp để rộng truyền Chánh pháp, nuôi lớn bốn niềm tin bất hoại của tứ chúng. Với truyền thống Phật giáo Việt Nam xây dựng tín tâm làm nền tảng tu học, phụng sự của người con Phật, vì có tín tâm mới thành tựu các pháp trong quốc độ này, do tín tâm mới phát khởi mọi pháp học, pháp hành, trưởng dưỡng Bồ-đề tâm, xây dựng được tứ chúng đồng tu. Phật sự này Pháp tòa Hoằng giáo, Hội đồng Hoằng pháp đã thực hiện rộng khắp trên cả năm châu, trong bản nguyện “Tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sanh”, Giáo hội cùng toàn thể tứ chúng tiếp tục triển chuyển bánh xe pháp để nhiêu ích hữu tình, lợi lạc quần sanh.

-Về Pháp sự: Thực hiện việc phiên dịch Đại tạng kinh Việt Nam là tiếp nối bản nguyện của Lịch đại Tổ sư Phật giáo Việt Nam, kiết tập Pháp bảo để truyền thừa cho hậu tấn sở y,  hàm dưỡng chất liệu tịnh tín, chánh tín. Từ đó làm tăng trưởng nền tảng pháp học, pháp hành của Tăng, Ni, Phật tử. Với sự đồng tâm, đồng nguyện của tứ chúng, thành quả trong giai đoạn đầu đã biểu hiện qua việc tập thành, ấn tống phần Thanh văn tạng. Công trình hoằng vĩ này còn đang tiếp tục với sự hộ niệm của Thập phương thanh tịnh Tăng-già, sự gia tâm của các Dịch sư, cùng sự khát ngưỡng, hộ trì của Phật giáo đồ Việt Nam.

-Về Tăng sự: phát huy bản thể hòa hợp, thanh tịnh của Tăng-già, làm nơi quy ngưỡng cho đại chúng. Hội đồng Giáo phẩm Trung ương Viện Tăng Thống tiếp nối tâm nguyện của Đức Đệ Ngũ Tăng thống, kế thừa Phật sự của Đức Đệ Lục Tăng thống, kiện toàn Ban vận động hòa hợp Tăng-già, tiếp tục cung thỉnh Chư Tôn đức đăng lâm pháp tịch Thành viên Hội đồng Giáo phẩm Viện Tăng thống, và thành viên trong hai pháp tòa Hoằng giáo, Hoằng giới, các Nhiếp sự vụ, Phòng, Ban, Vụ trực thuộc Văn phòng Viện Tăng thống, hướng đến tái lập Hội đồng Lưỡng viện.

Trong nhân duyên hôm nay, thừa hành ý chỉ Chư tôn Trưởng lão, chúng tôi xin nêu vài định hướng:

Để duy trì mạng mạch Phật pháp, giữ gìn Tổ ấn vàng son, Truyền đăng tục diệm, chúng ta cần có kế hoạch đào tạo nhân sự. Thực tại Giáo hội trong nước đang bị vây khốn khiến cho việc giáo dục, mở trường lớp đào tạo Phật học gặp nhiều trở ngại. Bằng quyền xảo phương tiện, chúng ta có thể thông qua những ứng dụng công nghệ để thực thi việc giảng dạy Phật học từ Sơ đẳng đến Đại học qua hình thức trực tuyến. Do đó, cần nên  hoạch định cụ thể cho Phật sự quan yếu này, kính thỉnh Chư Tôn đức cùng các bậc thức giả đóng góp ý kiến cho Viện Tăng thống thông qua Hội đồng Hoằng pháp các mô hình đào tạo khả thi, trên cả hai phương diện thọ học và hành trì.

Trong quá trình thực hiện việc phiên dịch Đại tạng kinh Việt Nam, có những vấn đề chuyên môn nảy sinh, đòi hỏi phải có hướng giải quyết để hanh thông Pháp sự này. Đây là công trình chung của Phật giáo Việt Nam, trong thời đại mới, cần mang tính học thuật. Vì vậy, để công trình phiên dịch, chú thích Đại tạng kinh được thành tựu, Hội đồng Giáo phẩm Trung Ương sẽ thảo luận và hướng đến thành lập Ban Chứng nghĩa để đảm nhiệm việc hiệu đính, nhuận văn Đại tạng kinh, góp phần thành toàn Pháp sự có ý nghĩa này.

Đối với sự nghiệp giáo dục tuổi trẻ theo tinh thần Phật giáo, tổ chức GĐPTVN là một bộ phận không thể tách rời trong mạch sống của GHPGVNTN. Cùng với sự phát triển của thời đại, GĐPTVN đã lan toả sinh hoạt rộng khắp năm châu. Trên tinh thần giáo dưỡng cho thế hệ kế thừa của Phật giáo Việt Nam, cung thỉnh Chư Tôn đức tiếp tục quan tâm việc giảng dạy cho GĐPTVN các cấp trên Thế giới được trưởng thành trong Chánh pháp. Cần khôi phục các Vụ còn lại trong Tổng vụ Thanh niên trước đây, để dẫn dắt tuổi trẻ trên con đường huân phát Bồ-đề tâm, góp phần làm hưng thịnh cho Dân tộc trong cộng đồng Nhân loại.

 

Ôi, lời đạo từ đã nói lên được tấm lòng người đạo hạnh, lúc nào cũng tâm nguyện truyền tải được cái hồn của Giáo Pháp Đức Thích Ca mà lại mong mỏi có thể gắn kết được nhu cầu tâm linh và trí tuệ của thế hệ trẻ, ( số người hiện diện đã đến 111 người) -Thành Kính ngưỡng phục và đảnh lễ Ngài.

 

Tiếp theo là phần thuyết trình do HT Thích Bảo Lạc với chủ đề: “Công Trình phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam”

Hoà Thượng Bảo Lạc trầm buồn nhắc lại lần tham dự trước trong buổi lễ giới thiệu sơ bộ được tổ chức vào ngày 17/7/2022 lúc ấy vẫn có mặt HT Tuệ sỹ, và trong tâm Hoà Thượng cho đến bây giờ còn cảm thấy đã mất đi một thứ gì rất quý báu nhưng vẫn tự an ủi rằng dù báo thân Ngài Tuệ Sỹ không còn nữa nhưng pháp thân Ngài vẫn hiện diện cùng mọi người trong hôm nay.

 

HT Bảo Lạc nhắc đến bức tâm thư mà Ngài Trí Siêu Lê Mạnh Thát và HT Tuệ Sỹ đã kêu gọi sự cống hiến chân thật và bền bỉ với tinh thần phụng sự làm phong phú đời sống tinh thần để sự nghiệp hoằng pháp đến nhiều thế hệ được tiếp theo, và với trách nhiệm đó mà công trình chỉnh lý bản dịch đã tiếp tục.

Hoà Thượng Bảo Lạc phân tích chữ Thanh Văn ( Savaka ) tạm dịch là (người nghe, người đệ tử chân thành nghe lời dạy của Thầy ) vì thời đó chỉ có sự truyền khẩu cho nên Thanh Văn Tạng là kho tàng thánh điển mà các đệ tử Đức Phật đã ghi chép lại sau lần kết tập kinh điển và được biên tập thành Đại Tạng Kinh.

 HT có nhắc đến sự hình thành qua nhiều thời đại và nhiều ngôn ngữ sử dụng mà trình độ con không thể nhớ rõ chi tiết đúng như lịch sử đã ghi lại, tuy nhiên phải nói rằng việc phát hành Đại Tạng Kinh được dịch ra tiếng Việt là một công trình quá vĩ đại cho nên một số Phật Tử muốn thỉnh để thờ như Pháp Bảo cũng không lạ và ngạc nhiên thay nhu cầu rất cao.

 

HT đặc biệt lưu ý việc phân phát sao cho không dư thừa và cần thiết cho những ai muốn thực sự nghiên cứu và học hỏi.

 

Đây là một điều vô cùng thiết thực và chí lý vì riêng bản thân con từ ngày di dời trú xứ gần nửa năm rồi mà thư viện cỏn con ngày xưa chứa cả 100 bộ kinh quý giá vẫn còn đóng thùng chưa mở tới, nên con không dám nghĩ đến việc tiếp nhận kinh sách nữa mà chỉ lo thực hành từng bước những gì mình đã thấm nhuần và được dạy bảo,

Hy vọng con đã giải bày được tâm tư một người học Phật của thế hệ 5X trong thế kỷ 21, thế kỷ của văn minh, khoa học và cũng là thế kỷ của tâm linh, trong hoàn cảnh xã hội thời hiện đại, khi mà trình độ dân trí đã được nâng cao.

 

  Tiếp theo chương trình là các Ban của Hội đồng Hoằng Pháp báo cáo thành quả trong ba năm qua cũng như hoạch định chương trình làm việc trong thời gian tới - hiện tại số người tham dự đã lên tới 113 người.

 

—Người được mời để báo cáo cho Ban Hoằng Pháp Hoa Kỳ là HT Thích Nguyên Siêu, Ngài cũng là phó thư ký hội đồng hoằng pháp viện chủ chùa Phật Đà và là trưởng ban truyền bá giáo lý của GHPGVNTN Hoa Kỳ.

 

Trước đó HT đã trả lời câu hỏi của HT Bảo Lạc về việc phát hành 29 tập Thanh Văn Tạng có đúng nhu cầu cần thiết không (trong khi VN đang khẩn thiết xin tiếp nhận thêm), thì Ngài cho biết hiện đã phát hành hết rồi không còn lưu trữ.

 

HT Nguyên Siêu đã cho biết từ khi HT Thái Siêu viên tịch vừa tròn hai năm tổ nhân sự trong việc truyền bá giáo lý vẫn tiếp tục tổ chức được 8 khoá tu học theo mùa ( Xuân, Hạ, Thu, Đông) đó cũng là niềm an ủi cho Giáo Hội, hơn thế nữa là Hòa Thượng vừa mời được HT Từ Lực về giúp và đã được nhận lời.

 

Theo HT Nguyên Siêu, tại Hoa Kỳ việc truyền bá giáo lý được tổ chức theo địa phương, sự tổ chức khóa giảng Phật Pháp do các chùa đảm nhiệm như TT Chúc Đại, HT Giác Giới vẫn thường xuyên có các buổi truyền bá giáo lý.

 

——Đại diện cho ban Hoằng Pháp Châu Âu là HT Thích Tâm Huệ và TT Thích Hạnh Tấn (Trụ trì chùa Vô Lượng Thọ tại Đức ), nhưng hôm nay vì Thầy Hạnh Tấn đang bận khoá tu Phật Thất nên đã có viết lại báo cáo và nhờ HT Tâm Huệ (Trụ trì chùa Trúc Lâm tại Thụy Điển )đọc.

 

Theo qua bản báo cáo chúng ta thấy được Chương trình giảng dạy giáo lý Phật Pháp bằng pháp thoại và pháp đàm được tổ chức hàng tuần vào mỗi tối thứ Năm trên hệ thống Zoom online và đã khởi phát từ 6/1/2022 cho đến nay đã được 2 năm với 135 tiết học với nhiều đề tài thuộc về Thiền, Tịnh, và nhất là chuyên về nội tâm, thực hành Chánh niệm, và đã mời được 34 Giảng sư trong đó có 7 vị đến từ Hoa Kỳ, 5 vị đến từ Úc và số học viên tham dự luôn ở mức 40-50 từ nhiều quốc gia khác Châu, khác giờ, khác thời tiết.

 

—MC TT Nguyên Tạng đã mời Hoà Thượng Trường Sanh (Viện chủ Chùa Giác Nhiên tại Tân Tây Lan), để báo cáo về thành quả trong việc truyền bá giáo lý Phật Pháp. TT. Nguyên Tạng cũng cho biết thêm vì Úc Châu quá xa xôi và mỗi chuyến bay từ các châu khác phải kéo dài đến 20 giờ, nên việc mời gọi các Giảng sư rất phức tạp, tuy nhiên mỗi năm Giáo hội vẫn có tổ chức khoá tu vào cuối năm tại nhiều địa điểm trên các  tiểu bang khác nhau và đến nay vẫn tiếp tục và vì hai năm đại dịch có ngưng lại nên khoá tu kỳ thứ 22 sẽ được tổ chức vào ngày 25/12-30/12/2024.

 

Hoà Thượng Trường Sanh cho biết thêm, “Ngài có tổ chức hàng tuần vào mỗi tối thứ Ba giảng dạy giáo lý căn bản trên hệ thống online nhưng theo nhận xét của Ngài sự liên lạc giữa các chùa và gia đình các Phật Tử rất rời rạc trong khi kinh sách dư thừa mà căn bản giáo lý rất yếu kém. Ngài cũng không biết trong tương lai sẽ về đâu vì thật ra công tác truyền bá kiến thức giáo lý luôn có tính cách chung chung và mơ hồ, nặng về hình thức, chứ ít khi quan tâm đến nhu cầu thực tiễn của thính chúng và đội ngũ kế thừa đáng tin cậy để đảm nhận trọng trách Giáo hội vẫn chưa đào tạo đủ.

 

Con cung kính đảnh lễ Hòa Thượng và rất đồng cảm với lời nhận xét trên của Ngài và đó cũng là lý do các khoá học online của ban truyền bá giáo lý Úc Châu hàng tuần  đã dừng lại vì số học viên tham dự rất ít.

 .

—— Đến việc truyền bá giáo lý tại Canada, kính mời cùng nghe HT Bổn Đạt trình bày Phật sự về Hoằng Pháp của mỗi địa phương nơi xứ lạnh này.

 

Theo HT, mỗi địa phương thường có 2, 3 chùa và Ngài là Viện chủ chùa Phổ Đà Sơn tại Ottawa; tại Toronto có HT Trường Phước, TT Tâm Hoà; tại Montreal có Chùa Quan Âm.

 

Riêng tại Canada cũng có tổ chức các khoá tu học 7 ngày và thường mời các Giảng sư hải ngoại về giúp chẳng hạn HT Thái Hoà, HT Thiện Quang, nhưng niềm thao thức luôn là những khoá tu tổ chức sẽ quy tụ nhiều Phật tử sinh hoạt mà nhân sự lại quá ít.

 

Cũng nhân dịp này Ngài cũng báo cáo đã cung thỉnh được nhiều xá lợi của các Hiền tăng, Đại tăng như: HT Thích Tâm Châu, HT Thích Trí Quang, HT Thích Thắng Hoan, HT Tuệ Sỹ, HT Đức Chơn, HT Minh Chiếu và TT Hạnh Đạo và sẽ lập thất để cất giữ.

 

Về kinh sách Thanh Văn, ban Truyền bá giáo lý Canada đã tiếp nhận 100 bộ và TT Tâm Hoà giữ 70 bộ, riêng chùa HT Bổn Đạt đã phân phát hết 30 bộ rồi.

 

Nhận xét không thấy nói về tương lai của ban Hoằng Pháp Canada làm thế nào để thích ứng với nhân loại và xã hội thời hiện đại.

Theo con được biết tại Nhật Bản cũng có chùa Việt Nam do Ni Cô Thích Nữ Giới Bảo phụ trách giáo lý nhưng có lẽ Đại hội đã quên!

 

Bước sang báo cáo của ban Báo Chí và Xuất Bản, Cư Sĩ Tâm Thường Định đã share chi tiết lên màn ảnh để mọi người theo dõi,  riêng cá nhân con nhận thấy gần đây có Tập San Phật Việt rất đáng khích lệ, ngoài những sách đã ấn hành trong những năm 2022, 2023 về các tác phẩm của HT Tuệ Sỹ và hai tác phẩm mới của HT Như Điển cùng 37 bộ Thanh Văn Tạng.

(1/Pháp Diệt Tránh - Thích Nguyên Chứng (Thích Tuệ Sỹ) - (bìa mỏng, 182 trang. Print ISBN: 2370000915771)

2/Yết Ma Yếu Chỉ -  Thích Trí Thủ, Thích Nguyên Chứng - (bìa mỏng, 342 trang. Print ISBN: 978-1-0878-7716-7)

3/Phật Lý Căn Bản - Thích Đức Thắng (bìa mỏng, 648 trang. Print ISBN: 978-1-0879-7487-3)

4/Tổng Quan Về Nghiệp – Thích Tuệ Sỹ - (bìa mỏng, 386 trang. Print ISBN: 978-1-0879-8787-3)

5/Tổng Quan Về Nghiệp – Thích Tuệ Sỹ - (bìa cứng, 388 trang. Print ISBN: 978-1-0879-8783-5)

v.v….

=====

Về phần ban Phiên Dịch Tam Tạng, phân bộ mà Cố HT Tuệ Sỹ quan tâm nhất trước khi về cõi Phật.

 

Theo thông tư được online trên Hoangphap “Vào những ngày tháng cuối đời, Trưởng lão Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ đã chu đáo sắp xếp, bổ sung và phân nhiệm nhân sự trong Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng qua Quyết Định Cải Tổ Ban Phiên Dịch, số 07.VTT/CTK/QĐ (ký ngày 21/9/2023) và Đề Án Phiên Dịch Đại Tạng Kinh (ký cùng ngày 21/9/2023).

Quyết Định nêu rõ vai trò và trách nhiệm của từng thành viên của Hội Đồng Phiên Dịch; Đề Án đưa ra một danh sách Kinh, Luật, Luận cần dịch tuần tự theo bản đáy Đại Chánh Tân Tu; đồng thời hướng dẫn tổng quát tiến trình phiên dịch và chú giải để tiến đến giai đoạn “nhập tạng” với toàn bộ Thánh điển Phật giáo, bao gồm Thanh Văn Tạng, Bồ Tát Tạng và Mật Tạng.

 

Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời với danh xưng mới (theo di giáo của HT. Thích Tuệ Sỹ qua Quyết Định số 7 nói trên) là Ủy Ban Phiên Dịch Trung Ương, được lãnh đạo bởi Hòa Thượng Thích Như Điển (Chủ tịch), Hòa Thượng Thích Thái Hòa (Chánh Thư Ký), Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu (Phó Thư Ký), dưới sự chứng minh của Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương Viện Tăng Thống, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Và như vậy hôm nay Đại hội sẽ lắng nghe tường trình từ Hòa Thượng Thích Thái Hoà ( Chánh thư ký ban phiên dịch Tam Tạng từ khi HT Thích Như Điển đảm nhiệm Chánh Thư ký Hội Đồng Hoằng Pháp ) và Hòa Thượng Thích MinhTâm còn gọi là HT Thích Khinh An (Chánh văn phòng Hội đồng phiên dịch Tam Tạng )

 

Hòa Thượng Thích Thái Hòa là viện chủ chùa Phước Duyên tại Huế đã nêu lên thành quả của việc phiên dịch đợt 1 và đợt 2 theo đó

Đợt 1- gồm 29 bộ đã phát hành nay không còn lưu giữ tồn kho

Và Đợt 2 đã hoàn tất và trên đường phân phối

[Kinh Bộ]

1. TVT TẬP 25 – Kinh Bộ XIII – Biệt Dịch Tạp A-Hàm, Q.1– 340 tr.

2. TVT TẬP 26 – Kinh Bộ XIV – Biệt Dịch Tạp A-Hàm, Q.2 – 492 tr.

[Luật Bộ]

3. TVT tập 27 – Luật bộ VI – Luật Ngũ Phần, Q.1– 588 tr.

4. TVT tập 28 – Luật bộ VII – Luật Ngũ Phần, Q.2 – 748 tr.

5. TVT tập 29 – Luật bộ VIII – Gồm: Ngũ Phần Tỳ-Kheo Giới Bổn (A, B) / Ngũ Phần Tỳ-Kheo-Ni Giới Bổn / Di-Sa-Tắc Yết-Ma Bản, 316 tr.

6. TVT tập 30 – Luật Bộ IX – Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ – Tì-Nại-Da Dược Sự, 708 tr.

[Luận Bộ]

7. TVT TẬP 31 – Luận Bộ VI – A-Tì-Đạt-Ma Thức Thân Túc Luận, 496 tr.

8. TVT TẬP 32 – Luận Bộ VII –Gồm: A-Tì-Đạt-Ma Thi Thiết Túc Luận / A-Tì-Đạt-Ma Giới Thân Túc Luận / Câu-Xá Luận Thật Nghĩa Sớ, 292 tr.

 

Kết luận: Dù rất hụt hẫng trước sự ra đi của Hòa thượng Tuệ Sỹ trong năm vừa qua, và dù rất cần thời gian để ổn định nhân sự, phân nhiệm dịch thuật và chú giải, nhưng Ủy Ban Phiên Dịch cũng đã cố gắng hoàn thành được hơn phân nửa rất thành công và tán dương vậy.

 

Đến phần trình bày của HT Minh Tâm ( Viện chủ Chùa Phật Ân tại Long Thành, tỉnh Đồng Nai /VN, chúng con rất hồ hỡi được biết Ngài đã cúng dường cho Hội Đồng Hoằng Pháp một khu đất nơi đó đã xây được văn phòng phiên dịch từ ngày còn Đệ Lục Tăng Thống, HT Tuệ Sỹ và hiện đang xây dựng các văn phòng cho nhiều dịch giả làm việc. Thật hoan hỷ với công đức vô lượng này!

 

Vì là người kề cận với Đệ Lục Tăng Thống và HT Thích Đức Thắng Chánh thư ký xử lý viện Tăng Thống hiện nay nên HT Minh Tâm có nêu ra một ý kiến mà theo con nhận xét lời đề nghị này liên quan đến sinh hoạt Giáo Hội.

 

Theo HT Minh Tâm từ ngày Cố HT Thích Thiện Hoa còn làm Viện trưởng Viện Hoá Đạo, từng chủ trương Ngày Phật Thành Đạo sẽ được tổ chức cùng ngày với Lịch Đại Chư Liệt Vị Tổ Sư.

Và HT thiết nghĩ rằng các vị tiền nhiệm lưỡng viện ngày xưa đã tiếp tục truyền thừa, như vậy kính nguyện trong thời gian tới GHPGVN Hải ngoại có thể thích nghi với quy định trên để hòa hợp chăng?

 

Khi tiếp thừa giáo chỉ của HT Tuệ Sỹ, H T Thích Đức Thắng đã là Trưởng ban hòa hợp Tăng Ni nay được chuyển giao chức vụ Chánh thư ký xử lý viện Tăng Thống, Ngài cung thỉnh các Ban ngành trong Giáo Hội trong quốc nội và Hải ngoại hòa hợp Tăng Ni và giới thiệu đề xuất càng nhiều càng tốt cũng như mọi sự đóng góp tích cực để tạo thêm sức mạnh cho sự hành trì của người cư sĩ.

 

Thật ra đây là vấn đề của Giáo Hội, người cư sĩ chúng con không thể có ý kiến gì  nhưng trong Tập San Phật Việt về Hoằng pháp có một bài viết mang tính cách về sự hoà hợp này mà riêng bản thân con rất phấn khích. “Người cư sĩ trước thế kỷ hiện đại họ cần những nhà hoằng pháp thực tu thực hành, mỗi lời nói ra đều là pháp ngữ, chứ không quan tâm đến kỹ năng, nghệ thuật diễn giảng. Trong khi đó, ngành hoằng pháp hiện nay chỉ chú trọng đến công tác truyền bá kiến thức giáo lý một cách chung chung và mơ hồ, nặng về hình thức, chứ ít khi quan tâm đến nhu cầu thực tiễn của thính chúng. Một điều đáng quan tâm nữa, đội ngũ Tăng sĩ làm công tác hoằng pháp hiện nay rất mỏng, căn bản tu hành còn nhiều giới hạn, việc phân bổ nhân sự hoằng pháp cũng chưa hợp lý, trong khi đó Giáo hội vẫn chưa đào tạo được đội ngũ kế thừa đáng tin cậy để đảm nhận trọng trách cao cả này.”

 

——Sang đến phần của ban Bảo Trợ vì TT Thích Tâm Hoà bệnh duyên nên Ni Sư Thích Nữ Bảo Quang đã đọc ra bảng báo cáo với nhiều hàng chữ số mà ngay cả MC TT Nguyên Tạng còn chưa nhớ hết , cho nên con chỉ có một điều còn nằm trong ký ức là từ nay số tiền thặng dư của ban thủ quỹ sẽ không còn chi trả cho Ban Thông Tin nữa mà sẽ chuyển đến Ban Phiên dịch do Tăng Ni VN đảm nhiệm được  HT Thích Minh Tâm điều hành (vào khoảng hơn 20 ngàn đô la Mỹ )

 

—- Về báo cáo của Ban Phạn Ngữ, Cư sĩ Nguyên Đạo cũng nhận một bản tường trình của SC Thanh Trì (không thể tham dự ) theo đó các lớp học đã tiến thêm một cấp là đọc và hiểu ý nghĩa của Phạn Ngữ.

 

Trong đầu con chợt liên tưởng đến “Google translate” chẳng hay nó có giúp gì mình để học Phạn Ngữ không trong những lúc rảnh rỗi hơn là tham dự theo thời khoá biểu dài hạn. Kính mong lắm thay, vì hiện nay phần nhiều mọi người đều không cần người phiên dịch với ngôn  ngữ Anh, Pháp, Trung và nhiều quốc gia khác.

 

Đến đây, HT Thích Như Điển muốn nhắc lại lời mời của Ngài với H T Thích Minh Đạt (Viện chủ Chùa Hoa Nghiêm - Hoa Kỳ ) nên đã dành đôi phút để thông báo lời đề nghị của HT đã được Ngài Minh Đạt chấp nhận gia nhập, và cũng nhân dịp này HT Như Điển đã có lời mời HT Thích Từ Lực phát biểu quan điểm của mình về sự ấn hành và phân phối 29 tập Thanh Văn Tạng trong đợt 1 vừa qua.

 

 

Ngài Từ Lực với lời nhẹ nhàng khiêm cung đã cho biết Ngài rất xúc động khi nhìn lại hình ảnh Quý Ôn Trưởng Lão đến chứng minh sau bao năm trắc trở dặm đường.

 

 Ngài đã cám ơn HT.Thích Như Điển gợi ý cho Ngài khi nhìn về vấn đề đang thảo luận và Ngài cho rằng đây là dòng Pháp Bảo quy nhất đã được dầy công phiên dịch từ 1973, nay đã được giới thiệu rộng rãi ra bên ngoài phối hợp được sự hoằng pháp và giáo dục.

HT Từ Lực tán thán công trình phiên dịch Phạn Ngữ ra tiếng Việt vì đã làm giảm bớt căng thẳng cho một số Tăng Ni và người tha thiết học Đạo.

Phải nói rằng lời chân tình này đã làm tim con chấn động vì nghĩa cử lợi tha này.

 

Như đã trình bày khi mở đầu bài viết, với sự thông tuệ của Cư Sĩ Tâm Huy (Huỳnh Kim Quang) mọi người đều hài lòng với bản tổng kết của cư sĩ.

 

Và sau cùng là lời đạo từ của Đức Trưởng Lão Thích Huyền Tôn để kết thúc đại hội.

 Không biết Ngài có chuyển nguyên bản đến ban phụ trách online chưa, nhưng những lời thật chân thành của bậc Cao tăng đã 98 tuổi thốt ra và tâm sự rằng Ngài đã ngồi suốt hơn ba giờ để hội thảo là một điều không thể tưởng tượng được và rất hi hữu, vì sao? Vì số người tham dự đã sụt đi thật nhanh chỉ còn hơn 80 người lúc bấy giờ …

 

Lời chúc mừng của vị Đại trưởng Lão Hòa Thượng đến tất cả chư Tôn Đức Tăng Ni đã tạo được công đức vô lượng do sự tổ chức Đại hội này. Ngài thân chúc mọi người đều được sức khỏe dồi dào, trí tuệ minh mẫn và đặc biệt hơn, Đức Trưỡng Lão HT đã dành cho TT Thích Nguyên Tạng lòng ưu ái nồng nhiệt khi tán dương sự thông minh tuyệt hảo của Thầy.

 

Hòa Thượng Huyền Tôn nhắc đến lời mời của HT Tuệ Sỹ khi còn tại thế, đã mời HT về để chứng minh cho Hội Đồng Hoằng Pháp hầu giúp Phật Giáo vẫn hưng thịnh trong 500 năm nữa khi thời mạt pháp đến.

 HT Huyền Tôn đã trả lời rằng: Mạt Pháp đã có từ thời Đinh Bộ Lĩnh và có lẽ ngày nay cũng không còn ai nhớ đến Ngài A Nan, vị Tổ của những bộ Đại Tạng Kinh này.

 

 Hòa Thượng Huyền Tôn nhấn mạnh thêm “Xin đừng quên ý nghĩa 4 chữ NHƯ THỊ NGÃ VĂN ( theo ý HT Huyền Tôn chúng ta nên nhắc nhở đến Ngài A Nan lên đầu trang sách dịch)

Và cuối cùng Đại hội được kết thúc với những lời hồi hướng và những lời thơ chúc mừng.

 

 

Lời kết:

 

Từ những lời góp ý chân thành của những bậc Đại tăng, đã cho con nhận ra rằng ĐẠI TẠNG KINH là biểu tượng của sức mạnh trí tuệ và lòng từ bi vô hạn với những lời kinh vang vọng khơi dậy trong tâm thức con người, là kho báu tâm linh, là một di sản tôn giáo quý báu đóng vai trò hướng dẫn hàng triệu người đi tìm ý nghĩa cuộc đời.

Đại Tạng Kinh phải luôn có khuynh hướng để trở thành một loại năng lực tâm lý trị liệu.

 Do vậy, Đại Tạng Kinh phải được tiếp nhận sâu sắc, hiểu thấu đáo chính xác một cách làm sao để sự lan tỏa của kinh điển không những chỉ đơn giản cho việc bảo tồn mà còn phải có khả năng kết nối giáo pháp với đời sống thực tế, bằng cách mỗi ngày chúng ta gặp gỡ lời kinh trong sự thực tập của chính mỗi chúng ta liên tục không ngừng nghỉ.

 

Và có thể nói rằng giữa thế giới đầy hỗn loạn này những, bài kinh trong Trung A Hàm, sẽ khuyến khích tinh thần trách nhiệm, tự lực vươn lên thay đổi cuộc sống và hoàn thiện nhân cách của mỗi cá nhân theo đúng những lời dạy của Đức Phật.

Dù cho thông tin công nghệ phát triển, vẫn cần lắm các nhà hoằng pháp chân chính mẫu mực, đủ tài đức với

kinh nghiệm sống và thực hành đạo đức phẩm hạnh có thể giúp cho những Phật Tử cần một nơi nương tựa tâm linh để chuyển hoá thân tâm, dễ dàng đối mặt với những áp lực và khó khăn trong cuộc đời.

Từ những bài kinh đã được Việt dịch, các nhà hoằng pháp chân chính sẽ truyền bá Phật pháp và hướng dẫn Phật Tử thực hành theo chánh kiến, chánh tín, tu tập thiện pháp, hầu mang lại hạnh phúc an lạc đích thực cho mình và mọi người.

 

Trộm nghĩ với công nghệ vi tính những bài kinh đã Việt dịch rồi xin hãy chuyển thành dạng PDF hơn là in ấn những bộ Đại Tạng Kinh quá dầy, quá đồ sộ vĩ đại sẽ có rất nhiều trở ngại cho việc chuyển tải cái hồn của giáo pháp.

 

Đừng để Phật giáo tại nhiều quốc gia nơi Hải ngoại ( điển hình là Nhật Bản) phải thách thức về sự suy giảm số Phật Tử mà phải tìm cách định vị vai trò các nhà Hoằng Pháp trong một thế giới ngày càng đa dạng về tư tưởng và giá trị để phù hợp với nhu cầu tâm linh và trí tuệ của thế hệ mới. Có như vậy sự bền bỉ trong tinh thần Việt Dịch Đại Tạng Kinh sẽ là một sứ mệnh thiêng liêng, dễ lan tỏa đời sống giác ngộ.

 

Kính nguyện Phật lực mười phương luôn gia bị chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni trong Hội Đồng Hoằng Pháp thân tâm an tịnh phước trí nhị nghiêm.

Kính chúc quý  thành viên  ban ngành trong hội đồng hoằng pháp được sức khỏe dồi đào, Bồ đề quả mãn

Kính trân trọng.  

 

Kính đa tạ những bài kinh đã được Việt dịch

Giúp con thực hành dễ dàng, thấu hiểu rõ hơn

Những lời dạy Đức Phật đều căn bản bên trong con

Giúp tìm được chìa khoá chuyển hoá nghiệp lực!

 

Sự kiên trì đối mặt thử thách

của ban phiên dịch mầu nhiệm tích cực!

Đánh đổ sự tự phụ những học giả đương thời

Cho rằng nền thông tin nổi bật AI tuyệt vời

Không biết “Sự sống động của Đại tạng kinh

nằm ở khả năng hiện thực hoá

 

Nhà hoằng pháp với tinh thần phụng hiến cao cả

Sẽ biến giáo pháp thành nguồn năng lượng lạc an

Ánh sáng từ bi trí tuệ lan tỏa ấm áp thanh nhàn

Kính tán dương sự bảo tồn Đại tạng kinh

và phát triển dịch thuật Phạn ngữ!

Kính chúc mừng Đại Hội Hoằng Pháp lần 2

Thành công rực rỡ!

 

Sydney 20/12/2024

Phật tử Huệ Hương

( tường thuật nhanh sau khi tham dự

Đại Hội Hoằng Pháp kỳ 2 trên hệ thống Zoom )




Hoi dong hoang phap (15)Hoi dong hoang phap (10)

Hoi dong hoang phap (1)



Kính mời xem tiếp


🌹Diễn Văn Khai Mạc Đại Hội Hoằng Pháp kỳ 2  (HT Thích Như Điển)

🌹Đạo Từ của Viện Tăng Thống GHPGVNTN trong Đại Hội Hoằng Pháp kỳ 2  (HT Thích Đức Thắng)

🌹Công Trình Phiên Dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam (HT Thích Bảo Lạc)

🌹Vài cảm nghĩ khi tham dự Đại Hội Hoằng Pháp lần thứ 2 (Cư Sĩ Huệ Hương)
🌹Vần thơ Chúc mừng Đại Hội Hội Đồng Hoằng Pháp kỳ 2  (Thanh Phi, Minh Đạo, Tâm Quang)
🌹Bản Đúc Kết Đại Hội Kỳ 2 Của Hội Đồng Hoằng Pháp GHPGVNTN (Cư Sĩ Tâm Huy)
🌹Bản tổng kết chương trình Ban Truyền Bá Âu Châu 2022 - 2024 (HT Tâm Huệ, TT Hạnh Tấn)

🌹Hình ảnh Đại Hội Hoằng Pháp Kỳ 2 (Nhiếp ảnh: Hoàng Lan Quảng Thiện Duyên)

🙏🙏🙏🌼🍁🌺🍀🌹🥀🌷🌸🏵️🌼🍁🌺🍀🌹🥀🌷🌸🏵️

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/12/2021(Xem: 3173)
Cuộc họp báo khẩn để thành lập Ủy ban Cứu nguy tình trạng Chính phủ Công giáo Roma thiên vị tôn giáo, xuyên tạc Phật giáo được tổ chức tại Văn phòng Trung ương Thiền phái Tào Khê Phật giáo Hàn Quốc, thủ đô Seoul vào lúc 16 giờ ngày 2/12/2021. Ủy ban Hành động liên nghị đã quyết định với một phản ứng kịp thời, dứt khoác đối với sự cố liên tiếp bởi thành kiến, thiên vị tôn giáo của chính quyền Công giáo Roma.
08/12/2021(Xem: 2542)
Vào cuối tháng 6 vừa qua, Hiệp hội Quốc tế Phật Quang Sơn phối hợp với Phật Quang Sơn Bồ Đào Nha đồng tổ chức trực tuyến "Diễn đàn Triển vọng Kinh tế Toàn cầu hậu kỳ Đại dịch" (後疫情時代, 世界經濟展望論壇). Hội nghị đã mời các nhà tư vấn gốc Hoa kiều tại Bồ Đào Nha, các nhà quản trị tài chính xuyên quốc gia, các doanh nghiệp kinh doanh, công nghệ truyền thông, các nhà lãnh đạo thuộc các lĩnh vực khác đồng hài hòa bên nhau để thảo luận những vấn đề cốt lõi cấp bách nhất mà cả nhân loại thế giới đang phải đối mặt.
06/12/2021(Xem: 2817)
Hiệp hội Sinh viên Đại học và Phật tử Hàn Quốc (대불련, K.B.U.F) lên án "một nguyên nhân khác gây ra xung đột dưới danh nghĩa an ủi người dân". Trong khi cộng đồng Phật giáo Hàn Quốc tiếp tục chỉ trích chiến dịch chấn hưng nền kinh tế do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc (문화체육관광부) dẫn đầu, những sinh Phật tử tại các trường Đại học đã bắt đầu nêu lên những vấn đề nóng bỏng của giới trẻ hiện nay.
01/12/2021(Xem: 5278)
Vào tối hôm thứ Năm, ngày 25 tháng 11 vừa qua, các chi hội thứ nhất, nhì, ba Hiệp hội Quốc tế Phật Quang Sơn Toronto, Canada đồng phối hợp tổ chức một nhóm tọa đàm "Đối thoại về Tâm" (與心對話). Pháp sư Dương Phái Hân (楊沛欣法師), người tổng triệu tập Tổng hội đọc sách Phật giáo Nhân gian Toronto, dùng Pháp ngữ Trí tuệ của Đại sư Tinh Vân, Tông trưởng khai sơn Phật Quang Sơn Đài Loan, các hội viên đồng nghiên cứu thảo luận "Hướng Tuyệt diệu Sống Tự do Tự tại" (自由自在的生活妙方).
01/12/2021(Xem: 2678)
Những lời tri ân và chia buồn sâu sắc, sau sự từ giã trần gian của Ngài Hoàng thân Campuchia Norodom Ranariddh là một cựu Thủ tướng chính phủ và là anh em cùng cha khác mẹ với Đức Quốc vương Norodom Sihamoni.
30/11/2021(Xem: 2504)
Tại Tịnh thất của Ngài, Dharamsala, Bắc Ấn Độ vào ngày 24 tháng 11 vừa qua, đáp lời thỉnh cầu của Palas Athena, một tổ chức phi chính phủ Brazil, Đức Đạt Lai Lạt Ma chia sẻ pháp thoại trực tuyến với chủ đề "Giáo dục Tâm Trí Lực vào thiên niên kỷ mới" (新千禧年的心智教育), sau đó là phần vấn đáp.
28/11/2021(Xem: 3339)
Pho tượng Phật Dhammakaya Thep Mongkol khổng lồ cao 69m được tạo dựng ngay trung tâm quận Thon Buri, thủ đô Bangkok, Thái Lan sắp được hoàn thành, thu hút sự chú ý của cộng đồng Phật tử cả trong và ngoài xứ sở chùa Vàng. Nhưng việc Khánh thành có thể bị trì hoãn cho đến năm 2022 do ảnh hưởng đại dịch Covid-19.
27/11/2021(Xem: 2789)
Ngày 24 tháng 11 vừa qua, Cao ủy Pakistan tại Malaysia bà Anna Barlow đã đến ngôi già lam Phật Quang Sơn Đông Thiền Tự, Kuala Langat, Selangor Darul Ehsan, Malaysia, và được sự tiếp đón nồng hậu bởi Trụ trì Pháp sư Giác Thành, Tổng Giáo khu Phật Quang Sơn Singapore, Malaysia, Ấn Độ; hai bên rất hoan hỷ trong trao đổi về các vấn đề tôn giáo và văn hóa, nhất trí rằng chỉ thông qua đối thoại giữa các tôn giáo, để tạo hòa bình, xã hội hài hòa.
24/11/2021(Xem: 4503)
Tôi nhớ lại có lần Nữ cư sĩ Clair Brown, Giáo sư Tiến sĩ từ Trường đại học California – Berkeley (UC Berkeley) đã đề cập với tôi về một thứ gọi là “Kinh tế học đạo Phật” (Buddhist economics).
24/11/2021(Xem: 3048)
Ủy ban Quốc hội và Nghị viện nước Cộng hoà Hồi giáo Pakistan đã bác bỏ một dự luật quan trọng để bảo vệ các nhóm tôn giáo thiểu số. Điều này liên quan đến những người phụ nữ không phải tín đồ đạo Hồi, bị buộc phải cải đạo sang Hồi giáo, sau khi bị những người đàn ông tín đồ Hồi giáo bắt cóc.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]